Tại một làng nọ, có một phú gia nhà cao cửa đẹp, ruộng cò bay thẳng cánh, nhưng đơn độc không con. Về già, ông muốn làm tờ di chúc cho người nào xứng đáng hơn hết để hưởng gia tài của mình.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông tìm ra một kế. Ông xuống ghe, đem gạo, đồ ăn và vật dụng cần dùng cho nhiều ngày, rồi chèo ghe qua làng mạc nầy, sông rạch nọ, vừa chèo vừa rao: “Ai rước già nầy về làm cha không?”.

Tiếng rao vang dội trong làng mạc sông ngòi từ ngày nầy qua ngày khác, nhưng chẳng ai thèm rước ông ta cả. Họ trề môi lắc đầu: “Rước về làm đầy tớ còn chưa được, ai dại gì rước lão về làm cha?”

Một ngày kia, sau khi nghe tiếng rao, có một cặp vợ chồng trẻ không con, lại nghèo xơ nghèo xát, thấy cảnh cụ già đáng thương, bàn nhau rước cụ về làm cha mình. Từ đó, cụ già bỏ ghe lên sống với gia đình đó, ăn cực khổ, ở trong một chòi lá lụp xụp, thiếu lên hụt xuống, có bữa không đủ cơm ăn, áo quần rách rưới, nhưng họ yêu thương cụ lắm, đối xử khác nào cha ruột của mình, làm cụ già hài lòng và cảm động lắm.

Được ít lâu, cụ già bảo hai vợ chồng xuống ghe theo cụ về thăm quê của cụ. Ghe cặp bến, ông già dắt hai vợ chồng lên một ngôi nhà ngói, nền đúc đồ sộ, vườn tược xanh um, cây trái sum suê, lúa gạo đầy bồ, ruộng đất ngút ngàn. Cụ già nói: “Đây là cơ nghiệp của ta. Hai con đã coi ta là cha, đã mời ta về phụng dưỡng. Nay ta làm tờ di chúc  giao cả tài sản, cơ nghiệp ta cho hai con”. Kể từ đó, hai vợ chồng nghèo được sống trong cảnh giàu sang sung túc. (NVB).

*Bất cứ ai mời Chúa làm chủ cuộc đời mình, Ngài “ban cho quyền phép để trở nên con cái Đức Chúa Trời”(Gi 1:12), “thừa hưởng cơ nghiệp đời đời trên trời”.