Back to Top

Giới Thiệu Mục Danh Nhân Cơ Đốc

LỜI GIỚI THIỆU

Tôi vừa ngạc nhiên vừa vui mừng và sung sướng nhận được quyển sách của ông Truyền đạo Trần Ngọc Vỹ nhan đề "Từ Ðiển Danh Nhân Giáo Hội Cơ Ðốc".

Từ lâu tôi có ý định soạn một Từ Ðiển về Lịch Sử Giáo Hội Cơ Ðốc, nên rất tiếc vì quá bận rộn với Thánh chức nên thiếu thì giờ. Nay tuổi đã cao khó mà bắt đầu được. Nhưng rất vui thỏa vì đã có ông Truyền đạo trẻ soạn xong quyển Từ Ðiển Danh Nhân nầy.

Trong những năm theo học Thánh Kinh Thần Học Viện Hòn Chồng, Nha Trang, cũng như hai năm theo học tập nghiên cứu đặc biệt về các môn Lịch Sử Hội Thánh Cơ Ðốc, Giải Nghĩa Thánh Kinh, Hi văn, Triết học tôn giáo, Thần học v.v... tôi nhận thấy ông Truyền đạo Trần Ngọc Vỹ đã có khiếu năng, ân tứ trình bày các luận văn và luận thuyết.

Quyển Thánh Kinh Từ Ðiển Giản Lược là tác phẩm đầu tay của ông, và nay quyển Từ Ðiển Danh Nhân Giáo Hội Cơ Ðốc đã xác minh ân tứ Ðức Chúa Trời Ba Ngôi đã ban cho ông.

Quyển sách nầy không chỉ đề cập đến các Danh Nhân Giáo Hội Cơ Ðốc ở Tây phương và Ðông phương xưa và nay, nhưng còn ở Á châu, Úc châu, Mỹ châu và đặc biệt ở Việt Nam yêu quí của chúng ta nữa.

Tin chắc ông còn nhiều thì giờ để sưu tầm thêm hầu bổ túc cho quyển sách đầy đủ hơn.

Quyển sách nầy rất có giá trị và đem lại nhiều lợi ích trước hết cho cá nhân Cơ đốc nhân: Sau khi đọc, học và nghiên cứu thì có được một ý niệm muốn noi theo các gương hy sinh tận tụy của các danh nhân ấy để sinh hoạt và phục vụ Chúa. Ngoài ra Cơ đốc nhân có nhiều cơ hội làm quen với tên tuổi, sự nghiệp vẻ vang của các vị ấy, để khi nghe giảng hoặc nghe thuyết trình, diễn giả có đề cập đến thì dễ dàng tiếp thu.

Quyển sách nầy cũng rất ích lợi cho quí vị Tôi tớ Chúa có thêm tài liệu giúp soạn thảo bài giảng hoặc bài diễn thuyết có đề tài liên hệ.

Khi Hội Thánh đọc và nghiên cứu sách nầy chắc chắn các gương sáng láng của các Danh nhân sẽ chiếu rọi vào tâm linh mỗi người, nung nấu và đúc kết chúng ta hiệp một thành một khối quyết tâm sống và phục vụ Ngài, và cũng sẽ trở nên các Danh nhân Giáo hội như họ vậy. Mong thay!

Công tác soạn thảo, biên dịch hoặc sáng tác các sách không bao giờ hết, không bao giờ cùng được. Chúng ta chắc chắn sẽ lại có dịp đọc các quyển sách khác nữa của ông Truyền đạo trẻ Trần Ngọc Vỹ. Chúng ta hãy cầu nguyện và nâng đỡ ông.

Tôi chân thành giới thiệu với Hội Thánh nhà quyển sách quí báu và lợi ích nầy, và cầu xin Chúa cảm thúc các bạn trẻ khác sẽ đóng góp vào công trình xây dựng nền văn học và văn hóa Tin lành của Hội Thánh nhà.

Sự vinh quang, sự khen ngợi và sự tôn vinh quy về Ðức Chúa Cha, Ðức Chúa Giê-xu Christ và Ðức Thánh Linh đời đời! Amen.

Ngày 01 tháng 01 năm 1995

Mục sư PHẠM XUÂN TÍN

Dip. Of Theology, Thực hiện.L.

M.R.E.M.A.R

 

LỜI KÍNH THƯA

Các danh nhân Cơ đốc Giáo hội ở khắp nơi, trải qua nhiều thời kỳ, đã được Ðức Chúa Trời ban cho ân tứ, tài năng, sức vóc tinh thần dũng mãnh, song song với biệt đãi đó họ được chính Chúa kêu gọi lựa chọn, huấn luyện để làm đồ dùng hữu ích trong tay Ngài, vào một thời điểm tối tăm hay quang minh nào đó của lịch sử Giáo hội. Bản thân các vị đó hơn ai hết, đã rất kiên tâm, quyết chí tự học hỏi, tự tìm tòi, hy sinh lạo nhọc, quyên mình trong công trường thuộc linh không hề mệt mỏi. Ðể có được cuộc sống gương mẫu và sự nghiệp hiển hách, vẻ vang mà các sách sử về sau biểu dương lưu truyền danh tánh họ. Cụ Mục sư Phạm Xuân Tín đã nói: "Khi chúng ta viết hay tìm hiểu, nhắc đến một tôi con trung thành nào của Ðức Chúa Trời, làm nhiều việc lớn lao cho nhà Chúa, là không có ý tôn vinh, đề cao người đó đâu, bèn để tạ ơn Chúa đã ban cho họ tài năng và họ đã cống hiến cho Chúa để phục vụ Giáo hội vậy".

Quyển TỪ ÐIỂN DANH NHÂN CƠ ÐỐC GIÁO HộI nhỏ mọn nầy được biên soạn nội dung đề cập đến: Các nhà lãnh đạo Hội Thánh Cơ đốc giáo từ sau các sứ đồ, các vị Giáo phụ, những nhà Biện minh, những văn gia, Thần học gia Cơ đốc , những nhà Cải chánh; những thi, nhạc sĩ Cơ đốc từng sáng tác các bản Thánh ca mà Hội Thánh Chúa khắp trên thế giới đã và đang dùng tôn ngợi Thiên Chúa. Dĩ nhiên là không thể không nói đến các Liệt sĩ Cơ đốc đã tuẫn tiết vì danh Chúa, ngoài ra còn dành chỗ cho các người làm công tác xã hội như một phương tiện để rao giảng Tin lành và cũng có tên tuổi của các gương mặt truyền giáo nổi bật.

Có người hỏi: Tại sao quyển Danh Nhân Cơ Ðốc Giáo mà lại ghi vào các Hoàng đế độc tài của đế quốc La-mã làm gì? Chúng tôi xin thưa, các Hoàng đế La-mã đế quốc Trước và Sau Công Nguyên có rất đông, nhưng ở đây chỉ rút gọn tiểu sử họ mà nặng phần tập chú vào các vị đã ban hành những chính sách hà khắc để khai mào cho các cuộc khủng bố, bắt bớ, gây thiệt hại cho dân Chúa là chính. Có thấy những cảnh dầu sôi lửa bỏng hành hình con Chúa, chúng ta mới nhận chân được phần nào các bậc tiền nhân Co đốc giáo hội và phụng sự Thiên Chúa -- là như thế nào, phải không? Còn các quan chức, vua chúa của đời, nếu có tương hệ đến lịch sử Giáo hội của Chúa thì mới nói đến. Vả lại, nhiều tập sử Cơ Ðốc Giáo cũng có mặt họ.

Chúng ta cũng cần biết qua hầu hiểu rõ thực thể tập đoàn con dân Chúa trong một thời kỳ nào đó của thế giới ra sao. Và không thể phủ nhận những đóng góp lớn lao của các Cơ đốc nhân tài danh trong dòng tiến hóa chung của loài người trên hành tinh nầy.

Như chúng ta đã biết, lịch sử Cơ đốc giáo hội, nhất là tính từ cột mốc vĩ đại 1517 về trước, là giai đoạn của những giáo phẩm chuyên quyền làm những việc không mấy tốt; hoặc là hướng giáo hội đi sai lạc để phục cho quyền lợi của tập đoàn hay ý đồ bá quyền của phe nhóm mình. Hoặc trong và sau thời điểm Cải chánh, có nhiều vị danh nhân Giáo hội mà ra sức tiêu diệt các người đối lập đã có những tư tưởng và chủ trương muốn cải cách Giáo hội, đưa Giáo hội trở về Cội Nguồn Thánh Kinh một cách sâu rộng. Từ điển nầy không dám có ý kiến; vì không đủ tư cách cũng như tầm vóc nhận định còn thiển cận, sợ mắc thiên kiến. Chỉ thuần túy hép tiểu sử, công trạng thuộc linh một cách tương đối trung thực theo lịch sử và tính chất tôn trọng tối đa. Từ điển nầy chỉ nêu tên tuổi những nhân vật, sự kiện, thời điểm nào họ có mặt mà miễn bình luận. Việc phê phán là dành để cho các sử gia uyên bác trong đạo ngoài đời thẩm định.

Mục sư Lê Hoàng Phu, một nhà viết sử khá uy tín trong Hội Thánh Tin Lành Việt Nam đã nhận định thế nầy "Ngay đến các sử gia tên tuổi của Hội Thánh chung cũng rất dè dặt khi nói đến một phái nhóm, nhân vật nào đó, nên viết rằng: chúng ta khó có một nhận định đúng đắn vì sách vở của họ đều bị thất lạc (trừ phái Motanus còn lại rất ít). Và nếu chúng ta chỉ căn cứ vào các sách viết về họ, thì khó tránh được những thành kiến và cái nhìn chủ quan của những tác giả không có mấy thiện cảm đối với họ. Một lợi điểm nữa là: Chính những cuộc tranh luận với các tà thuyết đã làm sáng tỏ thêm chân lý chói ngời của Ðạo Chúa."

Về niên hiệu các nhân vật xuất hiện, hay thời gian các biến cố xảy ra trong Hội Thánh; năm lên ngôi cai trị các giới đứng đầu trong và ngoài Giáo hội; hoặc tên các vị mỗi sách thì viết hình thức có hơi khác bằng La tinh, Anh, Pháp ngữ... Quyển Từ Ðiển nầy đi đến chỗ thống nhất là dựa hẳn vào quyển" The New World Dictionary of the American Language" để cho tiện việc tra cứu.

Quyển Từ Ðiển đây cũng có trang Thư Mục Tham Khảo. Trong quá trình biên soạn, chúng tôi đã phần lớn sử dụng nguồn tư liệu khá dồi dào, súc tích và phong phú của bậc thầy khả kính là Cụ Mục sư PH[1]M XUÂN TÍN rải rác trong những tác phẩm của Cụ. Vậy nhân đây chúng tôi ghi nhận lòng chân thành tri ân Người Thầy của chúng tôi. Có nhiều vị cũng đã cho mượn sách, tài liệu, hoặc giúp thêm ý kiến, chúng tôi cũng không thể nào quên những tấm chân tình quí hóa đó.

Mặc dầu đã cố gắng hết sức, miệt mài trong công việc ghi chép, tìm tòi, so sánh sao lục, phiên dịch trải qua trên 10 năm... Ðối với chúng tôi là quá sức và quá cẩn thận rồi; song không sao tránh khỏi những thiếu sót; khuyết điểm, lỗi lầm và những cơn nhức đầu không ít! Nhưng chúng tôi tin rằng ít nhiều quí vị biết có vô vàn trở ngại vây quanh tôi và tinh thần vượt khó cao độ... Cho nên sự đại lượng khoan hồng của độc giả là quà tặng quí báu cho chúng tôi vậy.

Tập TỪ ÐIỂN DANH NHÂN CƠ ÐỐC nầy, tự nó là một khẳng định tất yếu cho việc khia phá cũng như tinh thần tự học theo các tấm gương rất sáng của các bậc Tôi Trung Tớ Hiền trong nhà Chúa. Với tính cách, đức độ, tài năng, lời giảng, cuộc đời tận hiến, đức khiêm nhường trong sự nghiệp thiêng liêng -- Họ dạy và để lại cho chúng ta một cách sâu sắc và bền bỉ bằng việc làm nổi bậc "Ðức kính Chúa và lòng yêu người" của mỗi vị. Nếu có giúp được phần nhỏ mọn nào cho chính mình hoặc cho ai, thì mỗi chúng ta hãy cùng nhau hướng tâm về tiền đồ Giáo Hội Tin Lành Việt Nam thân thương nầy mà kiên trì cầu nguyện, liên tục trao đổi, học hỏi không ngừng nghỉ để Ðức Chúa Trời cũng sẽ đoái dùng chúng ta là những khí cụ đã được trường học của Ngài tôi luyện thành một đồ dùng ngoan ngoãn phục vụ Hội Thánh mà Ngài đã đổ huyết mua chuộc.

Danh đáng tôn quí của Ðức Chúa Trời Ba Ngôi được tỏa chiếu vinh quang trên hết -- là mục tiêu và là nguyên tắc chủ đạo của cuộc đời và sự hiến thân của mỗi chúng ta vậy.

Thành tâm kính chào.

Một ngày đẹp như mọi ngày Chúa ban

 Nha Trang Việt Nam