SỰ CAO QUÍ VÀ SỰ HIỆP NHỨT CỦA BỘ KINH THÁNH

Trải qua 2.500 năm đầu lịch sử thế giới, không có gì chép về sự khải thị của Đức Chúa Trời. Mãi đến 1.500 năm trước khi Đấng Christ giáng sanh, Môi-se mới được Đức Chúa Trời lựa chọn để được Ngài trực tiếp soi dẫn chép 5 quyển đầu Kinh Thánh.

Còn những quyển khác do tay ngót 40 người ở địa vị khác hẳn nhau, và trải qua 1600 năm. Kinh Thánh toàn bộ có 66 quyển, hầu hết 39 quyển Cựu Ước chép bằng tiếng Hê-bơ-rơ, và hầu hết 27 quyển Tân Ước chép bằng tiếng Hi Lạp. Bản chính do tay các tác giả chép thì đã thất lạc, nhưng hiện có mấy ngàn bản sao. Những bản sao tiếng Hê-bơ-rơ cũ nhứt thuộc về thế kỷ thứ 8 sau Chúa, còn những bản sao tiếng Hy Lạp thì thuộc về Thế kỷ thứ IV.

Các nhà Bác học chuyên khảo cứu và so sánh mấy ngàn bản sao kể trên, đều công nhận rằng những bản ấy không mâu thuẫn nhau chút nào, dầu đến ý tứ nhỏ nhặt nhứt cũng vậy. Duy những câu và những chữ để bày tỏ ý tứ có khác nhau đôi chút, nhưng không khác tới một phần ngàn và không đủ thay đổi một lẽ đạo nào cả.

Vả, thật do thiên cơ sắp đặt nên trong đời Đấng Christ tiếng Hy Lạp cũng phổ thông như tiếng Anh, tiếng Pháp ngày nay, vì đường giao thông tiện lợi và nước La-mã nắm hết chủ quyền. Tiếng Hy Lạp có nhiều ý nghĩa sâu xa, diễn tả được những lẽ huyền vi của môn thần học. Văn Hy Lạp trong Tân Ước không phải văn cổ điển, nhưng là văn thường dùng để viết thư từ; cho nên Đức Chúa Trời dùng văn ấy để truyền bá Tin Lành thật là thích đáng lắm.

Bà C.
(NHỮNG TIA SÁNG)