Ai nấy đáng phải yêu mến Kinh Thánh.-- Mỗi người nên đọc Kinh Thánh, vì Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời và chứa phương giải quyết cuộc đời. Kinh Thánh nói về Đức Chúa Jêsus Christ, là Bạn hữu thân mến nhứt mà nhân loại từng có, là Người cao thượng nhứt, từ ái nhứt, thành thực nhứt từng sống trên mặt đất nầy.

Kinh Thánh là truyện tích hay nhứt từng được kể lại. Kinh Thánh là kim chỉ nam tốt nhứt cho hành vi của loài người mà ta từng biết. Kinh Thánh cho cuộc đời có ý nghĩa, sự sáng sủa, vui mừng, đắc thắng, số phận và vinh quang mà ta không thể nhờ sách nào khác cho biết được.

Trong lịch sử và văn chương, không gì có thể so sánh, bất cứ cách nào , với tiểu sử giản dị của Người Ga-li-lê nầy (Đức Chúa Jêsus Christ), là Đấng ngày, đêm cứu giúp kẻ đau khổ, dạy dỗ về lòng bác ái, đã chịu chết vì tội lỗi nhân loại, rồi sống lại, có sự sống vô cùng tận, và hứa ban cho mọi kẻ đến cùng Ngài được an ninh, hạnh phước đời đời.

Phần nhiều người có tánh tình trang nghiêm, phải tự hỏi trong tâm trí rằng khi đời mình kết liễu, thì mọi sự sẽ ra sao? Dầu ta chế nhạo để xua đuổi ngày chết, dầu ta liệng bỏ nó đi, nhưng Ngày Ấy Cũng Sẽ Đến, Rồi Thì Sao? Nầy, Kinh Thánh có thể đáp lại. Và câu đáp lại nầy rất đúng, không thể lầm lẫn. Có Đức Chúa Trời. Có Thiên đàng. Có địa ngục. Có một Cứu Chúa. Sẽ có một ngày phán xét. Phước thay cho người nào đương lúc còn ở trong xác thịt, đã làm hòa với Đấng Christ trong Kinh Thánh, và tự dự bị sẵn sàng cho lúc Đức Chúa Trời cất mình đi!

Người nào suy nghĩ nghiêm trang, thì sao hay giữ được lòng mình cho khỏi yêu mến Đấng Christ và Quyển Sách nói về Ngài? Mỗi người đáng phải yêu mến Kinh Thánh. Mỗi người. Mỗi Người.

Tuy nhiên, khắp nơi, Hội Thánh và tín đồ xao lãng Kinh Thánh, thật là kinh khủng. Ôi! Chúng ta nói về Kinh Thánh, binh vực Kinh Thánh, ngợi khen Kinh Thánh và tôn cao Kinh Thánh. Phải, thật vậy! Nhưng rất nhiều tín hữu thậm chí không hề nhìn đến Kinh Thánh; quả thật, nếu người ta thấy họ đang đọc Kinh Thánh, thì họ hổ thẹn. Các vị thủ lãnh Hội Thánh, nói chung, dường như không thành thực cố gắng khuyên gịuc tín đồ siêng năng đọc Kinh Thánh.

Tín đồ Tin Lành ngày nay dường như không chú ý bao nhiêu đến Quyển sách mà họ lớn tiếng nhận tin. Còn Giáo hội La-mã thì hiển nhiên ưa thích các sắc lịnh của mình hơn Kinh Thánh bội phần.

Chúng ta biết rõ mọi điều khác trên thế giới. Tại sao lại không biết rõ chính đạo của mình? Chúng ta đọc nhật báo, tạp chí, tiểu thuyết, đủ loại sách vở, và cũng nghe chương trình phát thanh hằng giờ. Nhưng hầu hết chúng ta thậm chí không biết tên các sách trong Kinh Thánh. Chúng ta đáng hổ thẹn thay, đáng hổ thẹn thay! Tệ hại hơn nữa, tuy các ông Mục sư, Truyền đạo có thể dễ dàng cứu vãn tình hình, nhưng (trừ một vài trường hợp) đều dường như chẳng quan tâm chi.

Cá nhân trực tiếp tiếp xúc với Lời Đức Chúa Trời, đó là phương pháp chánh yếu làm cho tín đồ lớn lên. Trong lịch sử đạo Đấng Christ, mọi vị thủ lãnh có quyền phép thiêng liêng đều là người chuyên cần đọc Kinh Thánh.

Kinh Thánh là Quyển sách chúng ta nhờ đó mà sống. Đọc Kinh Thánh là phương pháp nhờ đó chúng ta học biết và giữ mãi trong tâm trí mình những TƯ TƯỞNG nắn đúc đời sống chúng ta. Đời sống ta là sản phẩm của ý tưởng ta. Muốn sống xứng đáng, chúng ta cần phải suy nghĩ xứng đáng.

Tư tưởng có quyền lực trên đời sống ta vì nó THƯžNG ở trong tâm trí ta. Chúng ta nên đọc Kinh Thánh rất nhiều và đều mực, ngõ hầu tư tưởng của Đức Chúa Trời ở trong tâm trí ta rất nhiều và đều mực; tư tưởng Ngài trở thành tư tưởng của ta; ý tưởng của ta được nên giống ý tưởng Đức Chúa Trời, và ta được biến hóa ra giống như hình ảnh Đức Chúa Trời, được xứng đáng đời đời kết bạn với Đấng dựng nên mình.

Quả thật, chúng ta có thể thấm nhuần chân lý Đấng Christ một phần nào bởi dự cuộc thờ phượng, nghe giảng, học bài dạy Kinh Thánh, nghe lời làm chứng, và đọc các sách giải luận đạo Đấng Christ.

Nhưng trong mọi điều đó, dầu nó tốt lành và hữu ích chừng nào, chúng ta cũng chỉ nhận lãnh chân lý của Đức Chúa Trời Một Cách Gián Tiếp,-- chân lý ấy đã pha loãng qua môi giới loài người, đã điểm thêm rất nhiều ý tưởng và truyền thuyết của loài người.

Mọi điều trên đây không thể nào thay thế sự chúng ta vì mình mà đọc Chính Kinh Thánh, cùng lập nền đức tin , hy vọng và đời sống mình trực tiếp trên Lời Đức Chúa Trời, chớ không phải trên những cái gì người ta nói về Lời Đức Chúa Trời.

Chính Lời Đức Chúa Trời là khí giới của Thánh Linh Đức Chúa Trời để cứu chuộc và trọn lành hóa linh hồn loài người. Nghe người khác dạy, giảng và nói về Kinh Thánh, thì chưa đủ. Mỗi người chúng ta còn phải luôn luôn trực tiếp tiếp xúc với Lời Đức Chúa Trời. Kinh Thánh là Quyền phép của Đức Chúa Trời ở trong lòng chúng ta.

* * *

Thói Quen Đọc KINH THÁNH 2

Đọc Kinh Thánh là một thói quen căn bản của tín đồ Đấng Christ.-- Tôi không có ý nói rằng chúng ta phải thờ lạy Kinh Thánh như một vật thần bí; nhưng chúng ta thật thờ lạy Đức Chúa Trời và Cứu Chúa mà Kinh Thánh bày tỏ cho mình biết. Vì yêu mến Đức Chúa Trời và Cứu Chúa của mình, nên chúng ta thiết tha và tận tụy yêu mến Quyển sách phát xuất từ Ngài và nói về Ngài.

Chúng tôi cũng không có ý nói rằng chính thói quen đọc Kinh Thánh là một đức tánh; vì người ta có thể đọc Kinh Thánh mà không áp dụng sự dạy dỗ của Kinh Thánh cho đời sống mình. Cũng có những người đọc Kinh Thánh, nhưng vẫn đớn hèn, cong vạy, không giống như Đấng Christ. Nhưng đó là hãn hữu.

Nói chung, đọc Kinh Thánh với tinh thần xứng hợp, ấy là một thói quen nhờ đó mọi đức tánh của tín đồ Đấng Christ phát triển, và là quyền lực đào tạo tâm tánh hữu hiệu hơn hết mà loài người từng biết.

Đọc Kinh Thánh là một phần thờ lạy Chúa.-- Thái độ chúng ta đối với Kinh Thánh là một dấu hiệu khá đúng tỏ ra thái độ chúng ta đối với Đấng Christ. Nếu yêu mến một người nào, thì chúng ta thích đọc về người ấy, phải không?

Nếu chúng ta có thể đưa mình tới chỗ nghĩ rằng đọc Kinh Thánh là một hành động thờ lạy Đấng Christ, thì ta chắc sẽ đối với vấn đề ấy một cách cẩn trọng hơn.

Làm tín đồ Đấng Christ là một địa vị vinh hiển lắm. Đặc quyền cao qúi hơn hết mà loài người có thể được, ấy là tay nắm tay Đấng Christ, Cứu Chúa và Hướng đạo, mà đi suốt cả đường đời; hoặc nói đúng hơn, ấy là đi chập chững bên cạnh Ngài và dầu luôn luôn vấp té, cũng không hề buông tay Ngài ra.

Mối liên quan mật thiết đó của mỗi người chúng ta với Đấng Christ là một điều thân quí nhứt ở đời; chúng ta ít nói đến mối liên quan ấy có lẽ vì nhận thấy rằng thảm hại thay, ta không xứng đáng mang Danh Ngài! Nhưng nơi đáy lòng, trong tư tưởng trang nghiêm, chúng ta biết rằng mặc dầu yếu đuối, ham mến thế gian, ưa phù phiếm, vị kỷ và phạm tội, ta vẫn kính mến Ngài hơn bất cứ cái gì khác ở đời nầy. Những lúc tinh thần ổn kiện hơn, chúng ta cảm thấy rằng mình không muốn chọc giận hoặc làm thương tổn Ngài vì bất cứ điều gì. Nhưng chúng ta thường khinh suất quá.

Vậy, nầy, Kinh Thánh là Sách nói về Đấng Christ. Có thể kính mến Đấng Christ và đồng thời lãnh đạm đối với Lời Ngài (Kinh Thánh) chăng? Có Thể Như Vậy Chăng?

Kinh Thánh là Sách tốt nhứt để dùng khi thờ lạy Chúa. Những sách nhỏ dùng khi thờ lạy Chúa hằng ngày, mà hiện nay nhiều nhà xuất bản của nhiều nhánh đạo Tin Lành quảng cáo rầm rộ, chắc hẳn có một phần ích lợi. Song nó không thể nào thay thế Kinh Thánh. Kinh Thánh là chính Lời Đức Chúa Trời. Không quyển sách nào khác có thể thế chỗ Kinh Thánh. Mỗi tín đồ Đấng Christ, già hay trẻ, đều nên trung tín đọc Kinh Thánh.

George Muller, bởi cầu nguyện và tin cậy, đã làm một việc lẫy lừng hơn hết trong lịch sử đạo Đấng Christ, tức là quản đốc Cô-nhi-viện tại thành phố Bristol, nước Anh. Ông cho rằng về phương diện loài người, sự thành công của ông là do lòng ông yêu mến Kinh Thánh. Ông nói:--

"Tôi tin rằng lý do chánh yếu duy nhất Chúa cứ cho tôi phục vụ một cách sung sướng và hữu ích, chính là vì tôi yêu mến Kinh Thánh. Tôi có thói quen mỗi năm đọc hết Kinh Thánh 4 lần. Với một tinh thần cầu nguyện, tôi ứng dụng Kinh Thánh cho lòng mình, và thực hành những điều thấy trong Kinh Thánh. Trong 69 năm nay, tôi là một người sung sướng, sung sướng, sung sướng!"

Những sách giúp ta nghiên cứu Kinh Thánh.-- Kinh Thánh là một Quyển Sách lớn, và thật ra là một "thư viện" của thời quá khứ xa xăm. Để hiểu biết Kinh Thánh, chúng ta cần tất cả sự giúp đỡ có thể nhận được. Một cuốn Thánh Kinh Tự điển, thuộc loại thích ứng, là sách giúp ích tốt nhứt. Và mỗi người phải có một quyển sách dẫn (concordance).

Dầu vậy, khi biết trong Kinh Thánh có gì, thì ta sẽ ngạc nhiên nhận thấy Kinh Thánh tự giải thích là dường nào. Trong Kinh Thánh có rất nhiều điểm khó giải, thậm chí vượt quá trí hiểu của người học thức uyên bác hơn hết, nhưng mặc dầu có mọi điểm đó, những sự dạy dỗ trọng yếu của Kinh Thánh, lại rất rõ ràng, không sao hiểu lầm được, đến nỗi "kẻ bộ hành, tuy ngu dại, cũng không thể lạc đường trong đó."

Kinh Thánh thể nào, hãy tiếp nhận Kinh Thánh thể ấy, tức là đúng như Kinh Thánh tự nhận là gì. Chớ màng tới lý thuyết của các nhà phê bình. Các nhà phê bình thời nay cố gắng một cách khéo léo và trơ trẽn để hủy phá tánh cách lịch sử đáng tin cậy của Kinh Thánh; nhưng sự cố gắng ấy sẽ qua đi, và Chính Kinh Thánh cứ còn lại để làm ánh sáng của loài người cho đến ngày sau rốt. Hãy "ghim" đức tin của anh em vào Kinh Thánh. Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời , sẽ chẳng hề để anh em rớt xuống. Đối với loài người, Kinh Thánh là "Vầng Đá của các Thời đại" (Ê-sai 26:4). Hãy tin cậy các sự dạy dỗ của Kinh Thánh, thì anh em sẽ được hạnh phước đời đời .

* * *

Thói Quen Đọc KINH THÁNH 3

Hãy đọc Kinh Thánh với một trí óc cổi mở.-- Chớ thử xếp tất cả các đoạn Kinh Thánh vào khuôn của một vài lẽ đạo mà mình ưa thích. Cũng đừng thêm vào các đoạn Kinh Thánh những ý tưởng không có trong đó, dầu là để soạn một bài giảng cũng vậy. Nhưng hãy bình tâm và thành thực cố tìm ra những sự dạy dỗ cùng bài học chánh yếu của mỗi đoạn. Như vậy chúng ta sẽ sanh ra lòng tin điều chi mình đáng phải tin; vì nếu có cơ hội, thì Kinh Thánh dư sức tự lo liệu cho mình.

Hãy đọc Kinh Thánh một cách cẩn trọng.-- Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta phải tự canh chừng mình rất cẩn mật, kẻo tư tưởng mình chạy dông dài đây đó, và sự đọc thành ra chiếu lệ, vô nghĩa. Chúng ta phải cương quyết để trí óc vào đoạn mình đang đọc, gắng hết sức cho có một quan niệm sáng suốt về đoạn ấy, và chăm chú tìm ra nhiều bài học cho mình.

Có sẵn cây bút chì.-- Đang khi đọc, ta nên đánh dấu những câu mình ưa thích, thỉnh thoảng nên lần mở các trang sách, đọc lại và ôn lại những câu đã đánh dấu như vậy. Với thời gian, ta càng gần ngày gặp Tác giả Kinh Thánh, thì quyển Kinh Thánh có đánh dấu cẩn thận càng được ta quí mến.

Đọc Kinh Thánh thường lệ và có phương pháp, đó là điều đáng kể. Thỉnh thoảng mới đọc, hoặc đọc không chừng mực, thì chẳng có giá trị bao nhiêu. Nếu chúng ta không có một phương pháp nào, và không cương quyết theo phương pháp ấy, thì kết quả là ta chẳng đọc Kinh Thánh bao nhiêu. Sự sống bề trong chúng ta, cũng như thân thể bề ngoài, đều cần món ăn hằng ngày.

Bất cứ ta đọc Kinh Thánh theo chương trình nào, mỗi ngày cũng phải biệt riêng một thì giờ nhứt định để đọc. Bằng không, ta sẽ xao lãng Kinh Thánh.

Nếu công việc thường lệ cho phép ta đọc Kinh Thánh trước nhứt lúc sáng sớm, thì tốt lắm. Hoặc buổi tối, lúc công việc một ngày đã xong, vì khi ấy ta thấy mình thơ thái hơn, không còn chi vội vã nữa.

Hoặc có lẽ cả buổi tối và buổi sáng. Đối với một số người, lúc buổi trưa có lẽ lại thích hợp hơn.

Thì giờ đặc biệt trong ngày không quan hệ lắm. Điều quan hệ là chúng ta lựa chọn một thì giờ thích hợp hơn hết với công việc hằng ngày của mình, cố giữ đúng thì giờ ấy, và chớ ngã lòng nếu thỉnh thoảng thường lệ bị đứt quãng vì những sự kiện ngoài quyền kiểm soát của mình.

Đến Chúa nhật, ta có thể đọc Kinh Thánh nhiều hơn, vì là ngày của Chúa, biệt riêng cho công việc Chúa.

Hãy học thuộc lòng tên các sách Kinh Thánh.-- Hãy làm điều nầy trước nhứt. Kinh Thánh gồm 66 quyển. Mỗi quyển nói về một điều gì. Khởi điểm của bất cứ quan niệm sáng suốt nào về Kinh Thánh là -- trước hết mọi sự khác -- biết những quyển nầy tên là gì, được sắp đặt theo thứ tự nào, và tổng quát mỗi quyển nói về gì.

Học thuộc lòng những câu mình ưa thích.-- Hãy học thuộc lòng những câu ấy cho trọn vẹn, và thường lặp đi lặp lại những câu nuôi sống linh hồn ta. Lặp lại khi ở một mình, hoặc lúc đêm, để giúp mình thiếp ngủ trong Cánh Tay Đời Đời.

Để cho tư tưởng của Đức Chúa Trời thấm qua tâm trí ta, thì tâm trí ta thường hóa ra giống như tâm trí Đức Chúa Trời. Tâm trí ta càng giống như tâm trí Đức Chúa Trời, thì cả đời sống ta càng hóa ra giống hình ảnh Ngài. Đó là một sự giúp đỡ thiêng liêng tốt nhứt mà ta có thể được.

Chương trình đọc Kinh Thánh.-- Người ta đề nghị nhiều chương trình. Kẻ thích chương trình nầy, người thích chương trình kia. Cùng một người có thể thích những chương trình khác nhau, trong những thời gian khác nhau. Chương trình đặc biệt không quan hệ bao nhiêu. Điều quan hệ là chúng ta đọc Kinh Thánh đều mực một phần nào.

Chương trình đọc phải gồm cả Kinh Thánh, và phải lặp đi lặp lại khá nhiều, vì tất cả Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời, là một truyện tích, là một áng văn có sự thống nhứt sâu nhiệm, lạ lùng, lấy Đấng Christ làm Trung tâm. Đấng Christ là Trái Tim và Tuyệt điểm của Kinh Thánh. Mọi điều chép trước Ngài thì dự ngôn về Ngài cách nầy hay cách khác. Mọi điều chép về Ngài thì giải thích về Ngài. Có lý lắm mà gọi cả Kinh Thánh là truyện tích Đấng Christ. Cựu Ước dọn đường cho Ngài ngự đến. Bốn sách Tin Lành chép về cuộc sanh hoạt của Ngài trên mặt đất. Các thơ tín giải thích sự dạy dỗ của Ngài. Sách Khải Huyền giải thích sự đắc thắng của Ngài.

* * *

Thói Quen Đọc KINH THÁNH 4

Tuy nhiên, một vài phần Kinh Thánh quan trọng hơn những phần kia, và nên đọc thường hơn. Lẽ tự nhiên, Tân Ước quan trọng hơn Cựu Ước. Một vài sách trong Tân- Cựu-Ước và một vài đoạn trong mỗi sách có giá trị đặc biệt. 4 sách Tin Lành là quan trọng hơn hết.

Một chương trình đọc Kinh Thánh rất cân đối, theo chúng tôi nghĩ, có thể như thế nầy: Mỗi lần đọc hết Kinh Thánh, hãy đọc Tân Ước thêm một, hai lần nữa, đồng thời thường đọc lại những đoạn Tân-Cựu-Ước mà mình ưa thích nhứt.

Đọc chừng nào? Theo chúng tôi nghĩ, mỗi năm một lần đọc hết Cựu Ước và hai lần đọc hết Tân Ước; đó là chương trình T–I THIỂU cho một người trung bình giữ theo. Công việc sẽ giản dị nếu ta sắp đặt cho Tân-Cựu-Ước cùng bắt đầu đọc tháng giêng và cùng đọc xong tháng chạp dương lịch.

Muốn giữ theo chương trình như vậy, thì mỗi ngày trung bình phải đọc 4 hoặc 5 đoạn, hết trung bình 15 hoặc 20 phút. Không có thì giờ chăng? Nầy, rất cần phải tìm ra thì giờ. Mỗi ngày để 1 hoặc 3 phút đọc Kinh Thánh và cầu nguyện thì là trò chơi con nít. Nếu chúng ta là tín đồ Đấng Christ, sao không coi trọng đạo của mình? Sao lại coi đạo mình như trò chơi? Chúng ta chớ tự dối mình. Nếu chúng ta Muốn dành thì giờ cho việc gì, ắt là Có Thể dành được.

Thực hành thể nào? Trước hết, hãy chọn chương trình, rồi ấn định thời khóa biểu trọn năm; hãy tùy thích chỉ định mấy đoạn cho mỗi ngày; hoặc một sách, một phần sách hay mấy sách cho mỗi tuần lễ hay mỗi tháng.

Nên đặc biệt chú ý: Cựu Ước có 39 quyển, 929 đoạn; Tân Ước có 27 quyển, 260 đoạn, cộng là 66 quyển, 1189 đoạn. Sách và đoạn dài, ngắn khác nhau nhiều lắm. Có sách và đoạn rất ngắn, có sách và đoạn rất dài. Trong quyển Kinh Thánh cỡ trung bình, in chữ trung bình, thì một đoạn trung bình dài suýt soát bằng cả một trang.

Vì cớ tánh chất của đề tài đoạn nọ, sách kia, ta có thể đọc đoạn nầy, sách nầy mau hơn, còn đoạn khác, sách khác, thì phải đọc đi đọc lại mãi.

Đọc liên tục.-- Ấy là đọc các sách theo thứ tự sẵn có, từ Sáng-thế Ký đến Khải- huyền. Rồi bắt đầu lại. Theo chương trình nầy, nếu không đọc suốt Kinh Thánh mau lẹ, thì lâu ngày, chầy tháng, vẫn không đọc tới Tân Ước.

Đọc thay đổi Tân-Cựu-Uớc.-- Ấy là đọc Tân-Cựu-Ước cùng một lúc. Mỗi ngày hoặc một tuần, đọc một ít Tân Ước, một ít Cựu Ước, hoặc tuần nầy đọc Cựu Ước, tuần sau đọc Tân Ước; hoặc đọc một sách Cựu Ước, rồi đọc một sách Tân Ước.

Mỗi ngày một đoạn.-- Nhiều người làm như vậy. Đó là một thói quen đáng quí. Nhưng nếu mỗi ngày đọc 2, 3 hoặc 4 đoạn, thì tốt hơn nhiều.

Đọc Kinh Thánh từng quyển một.-- Ấy là đọc cả một quyển, hoặc phần lớn của một quyển, liền một lúc, hoặc hết sức liên tục. Nói chung, khi đọc Kinh Thánh, ta nên đọc trọn từng quyển, thì tốt hơn chọn từng đoạn lẻ tẻ mà đọc.

Đọc đi, đọc lại một quyển.-- Ấy là đặc biệt nghiên cứu một quyển sách đặc biệt, cứ đọc đi đọc lại mãi từ ngày nầy qua ngày khác. Đọc như vậy, thì ích lợi khôn xiết. Nhưng chẳng nên kéo dài quá, đến nỗi xao lãng các sách khác quá lâu.

Một nhóm người cùng đọc Kinh Thánh.-- Nếu một lớp học Kinh Thánh do giáo sư điều khiển, hoặc một hội chúng do Mục sư điều khiển, Cùng đọc Kinh Thánh giống như nhau, nếu Chúa nhật, giáo sư dạy hoặc Mục sư giảng theo những đoạn Kinh Thánh đã đọc trong tuần lễ vừa qua, thì quí báu, kỳ diệu biết bao! Tại sao không làm như vậy? Tại Sao Không Làm Như Vậy? Nếu Mục sư và giáo hữu thông công với nhau chung quanh lời Đức Chúa Trời như vậy thì không còn cách nào cho họ cùng nhau đồng đi với Ngài tốt đẹp hơn.

Trong trang 1200 sau đây, chúng tôi đề nghị một chương trình cho sự đọc Kinh Thánh giữa hội chúng.

Thói Quen Đọc KINH THÁNH 5

Đề nghị chương trình đọc kinh thánh cho một nhóm người.-- Để đạt mục đích ấy và vì tuần lễ là đơn vị sanh hoạt tôn giáo của chúng ta, nên thiết tưởng đây là chương trình thích đáng cho mọi người theo: Một tuần đọc Cựu Ước, rồi một tuần đọc Tân Ước; mỗi tuần đọc một sách, hoặc mấy sách nhỏ, mỗi năm đọc Cựu Ước Một Lần và Tân Ước Hai Lần.

Chúng tôi nghĩ rằng một chương trình như vậy thật giản dị và hợp lý, bất cứ lớp học nào hoặc hội chúng nào cũng có thể theo năm nầy qua năm khác. Ấy vì bất cứ ai cũng có thể điều chỉnh thì giờ để theo chương trình nầy. Những ai muốn để thì giờ đọc Kinh Thánh nhiều hơn chương trình đã định, thì có thể đọc mỗi sách thêm một, hai lần đang khi tiếp tục theo chương trình. Trái lại, những ai bận rộn quá,hoặc lười biếng quá, hoặc lãnh đạm quá, không thể dành đủ thì giờ như chương trình đã định ít ra cũng có thể nhìn qua các sách chỉ định và đọc một vài đoạn tốt nhứt. Như vậy, họ có thể theo dõi nhóm một phần nào, cho đến khi họ thấy mình chăm chú đến Lời Chúa nhiều hơn.

Chương trình nầy chỉ là một đề nghị. Ông Mục sư hoặc giáo sư nào muốn thử theo chương trình nầy, đều có thể sửa đổi ít nhiều; vì rốt lại, sự thành công của nó tùy thuộc người lãnh đạo đem lòng tin quyết và sốt sắng mà thúc đẩy anh em đọc Kinh Thánh.

Tuần lễ thứ

 1.--   Sáng-thế Ký

 3.--   Xuất Ê-díp-tô Ký

 5.--   Lê vi ký

 7.--   Dân số ký

 9.--   Phục truyền luật lệ ký

11.-- Giô-suê, Quan xét

13.-- Ru-tơ, I Sa-mu-ên

15.-- II Sa-mu-ên

17.-- I Các Vua

19.-- II Các Vua

21.-- I Sử ký

23.-- II Sử ký

25.-- E-xơ-ra, Nê-hê-mi, Ê-xơ-tê

27.-- Gióp

29.-- Thi Thiên

31.-- Thi Thiên

33.-- Thi Thiên

35.-- Châm Ngôn, Truyền Đạo, Nhã Ca

37.-- Ê-sai

39.-- Ê-sai

41.-- Giê-rê-mi

43.-- Giê-rê-mi, Ca thương

45.-- Ê-xê-chi-ên

47.-- Đa-ni-ên

49.-- Ô-sê, Giô-ên, A-mốt, Áp-đia, Giô-na, Mi-chê

51.-- Na-hum, Ha-ba-cúc, Sô-phô-ni, A-ghê, Xa-cha-ri, Ma-la-chi

Tuần lễ thứ

2.--    Ma-thi-ơ

4.--    Mác

6.--    Lu-ca

8.--    Lu-ca

10.-- Giăng

12.--  Công-vụ các Sứ đồ

14.-- Rô-ma

16.-- I và II Cô-rinh-tô

18.-- Ga-la-ti, Ê-phê-sô, Phi-líp, Cô-lô-se

20.-- I và II Tê-sa-lô-ni-ca, I và II Ti-mô-thê, Tít, Phi-lê-môn

22.-- Hê-bơ-rơ, Gia-cơ

24.-- I và II Phi-e-rơ, I, II và III Giăng, Giu-đe

26.-- Khải Huyền

28.-- Ma-thi-ơ

30.-- Ma-thi-ơ, hoặc Giăng

32.-- Mác

34.-- Lu-ca

36.-- Giăng

38.--  Công-vụ các Sứ đồ

40.-- Rô-ma

42.-- I và II Cô-rinh-tô

44.-- Ga-la-ti, Ê-phê-sô, Phi-líp, Cô-lô-se

46.-- I và II Tê-sa-lô-ni-ca, I và II Ti-mô-thê, Tít, Phi-lê-môn

48.-- Hê-bơ-rơ, Gia-cơ

50.-- I và II Phi-e-rơ, I, II, và III Giăng, Giu-đe

52.-- Khải Huyền