Lời Khuyên Giản Dị Dưới Đây:

 

Mỗi Chi Hội Nên Có Một Chương Trình

Cho Hội Chúng đọc Kinh Thánh

Bài Giảng Của ông Mục Sư Nên Căn Cứ

Vào Phần Kinh Thánh Đọc Trong Tuần Lễ Vừa Qua

Như vậy,

Sự giảng dạy của Mục sư liên lạc với sự đọc Kinh Thánh của giáo hữu.

Nếu theo đúng lời khuyên trên đây, thì kết quả sẽ có một Hội Thánh hồi sanh. Miễn Là ông Mục sư hoàn toàn tin Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời và cố gắng với tất cả tấm lòng mình.

Hội Thánh và Kinh Thánh cùng đi với nhau. Hội Thánh tồn tại để rao truyền và tôn cao Đấng Christ của Kinh Thánh, chớ không tồn tại để làm điều chi khác. Hội Thánh nào chẳng tôn Kinh Thánh lên ngôi trị vì đời sống giáo hữu, thì Hội Thánh ấy không trung thành với sứ mạng của mình.

Kinh Thánh không phải là Sách dành cho các ông Truyền đạo và giáo sư dùng kiếm câu gốc để giảng dạy hoặc dùng dẫn chứng. Kinh Thánh cũng là Sách của tín hữu, của hết thảy tín hữu. Các ông Truyền đạo và giáo sư xây dựng trên nền nào khác, thì chớ ngạc nhiên vì rốt lại, công việc của mình tự tỏ ra là rất nông cạn.

Với tất cả phương tiện truyền bá chân lý của Đấng Christ; với các nhà thờ tổ chức khéo léo, các trường Kinh Thánh, các trường thần đạo, các Mục sư và thủ lãnh Hội Thánh được huấn luyện rất cao, các phương pháp dạy đạo tối tân; với nền văn chương Cơ-đốc-giáo vô tận; với số buổi họp và tổ chức ngày càng tăng mãi, tại đó chúng ta nói, giảng và dạy nhơn danh Kinh Thánh, thậm chí trưng dẫn câu nầy, đoạn khác, -- vậy mà đại đa số thuộc viên Hội Thánh đối xử với Kinh Thánh dường như Kinh Thánh chỉ là một vật phụ thuộc trong đời sống họ.

Nếu bị áp lực khá mạnh thúc đẩy, thì họ sẵn lòng nghe các ông Truyền đạo và thủ lãnh nói về điều nầy, điều nọ trong Kinh Thánh; còn như đọc Kinh Thánh, thì chỉ một ít người đọc. Trong một trăm tín hữu trung bình của Hội Thánh, có lẽ chỉ có một người biết hết tên các sách trong Kinh Thánh và biết mỗi sách nói chuyện chi. Có lẽ quá 3 phần 4 tín đồ Tin Lành nước Mỹ(1) không thể nói liền Bài Giảng Trên Núi hoặc Mười Điều Răn chép ở đâu.

Tuyệt điểm của sự không biết Kinh Thánh, lãnh đạm đối với Kinh Thánh và xao lãng Kinh Thánh đó, là họ không còn trung thành với Hội Thánh bao nhiêu, và không có lương tâm đối với Hội Thánh. Trung bình, chưa tới 1 phần 3 hoặc 1 phần 4 tín hữu có tên trong sổ Hội Thánh, đi nhóm họp thờ phượng Chúa buổi sáng Chúa nhật một cách khá thường xuyên.

Đó là lời khủng nhiếp buộc tội các kỹ thuật đang chiếm ưu thế trong sự làm công việc Hội Thánh! Đáng buồn thay, vì các phương pháp thiếu một yếu tố nào đó, nên kết quả có những chi hội thuộc loại Lao-đi-xê, lãnh đạm, phân tâm, hâm hẩm, bất trung và đầy lòng ham mến thế gian, hoặc thuộc loại Sạt-đe, trong đó chỉ có Ít Người "chưa làm ô uế áo xống mình" (Khải Huyền 3:4).

Tôi ngạc nhiên vì tín hữu trong Hội Thánh quá xao lãng và lãnh đạm với Quyển Sách nói cho họ biết Cứu Chúa mình. Nhưng tôi càng ngạc nhiên vì các Thủ Lãnh Hội Thánh hoạt động rất ít để cứu vãn tình hình ấy. Không còn nghi ngờ chi nữa, sự yếu đuối tai hại hơn hết của Hội Thánh ngày nay chính là các ông Mục sư, Truyền đạo thiếu sót ở điểm nầy: Không gây cho tín hữu Thói Quen đọc Kinh Thánh là Nguồn gốc và Nền tảng của mọi sự mà Hội Thánh tồn tại để thực hiện trong tín hữu.

* * *

Điều Quan Trọng Hơn Hết Trong Sách Nầy 2

 

Mối liên quan giữa sự đọc Kinh Thánh của hội chúng và tòa giảng

Tôi không ngạc nhiên vì các ông tự nhận là Truyền đạo của "Tân phái" (moderniste), với quan niệm họ sẵn có đối với Kinh Thánh, không tỏ ra quan tâm giúp cho tín hữu của họ chuyên cần đọc Kinh Thánh. Trái lại, như đội quân thứ năm phá hại đạo Đấng Christ ở ngay nội bộ, họ dường như không ưa thích đọc Kinh Thánh. Những lời nầy không nói với họ đâu.

Nhưng điều làm cho tôi bối rối, ấy là các ông Truyền đạo "bảo thủ" vẫn lấy tinh thần hăng hái chiến đấu mà tuyên bố rằng mình tin Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời, vẫn tận dụng ngữ vựng để tôn cao và tôn vinh Kinh Thánh, nhưng lại ít quan tâm đến việc tín hữu đọc Kinh Thánh cho chính mình họ được phước. Điều nầy làm cho tôi bối rối.

Các ông Truyền đạo giảng bài giảng, các giáo sư dạy bài học, các giáo sư trường Kinh Thánh huấn luyện Mục sư, Truyền đạo thanh niên cách mở mang những phần bài giảng, -- hết thảy đều dựa vào Kinh Thánh, chắc vậy. Nhưng đâu là những chi hội, những Mục sư, giáo sư lớp hoặc trường Kinh Thánh, ngoài sự thỉnh thoảng khuyên bảo, còn quyết định gây nên thói quen đọc Kinh Thánh giữa đám người ở dưới quyền chăn dắt của mình?

Tất cả chương trình và kỹ thuật của nền tổ chức và hoạt động trong Hội Thánh ngày nay dường như cốt để gây ấn tượng rằng mọi sự tùy thuộc bài giảng. Chắc vậy, Đức Chúa Trời truyền cho chúng ta phải giảng, tức là giảng theo kiểu Tân Ước. Có lẽ người ta đã làm sai lệch ý nghĩa chữ "giảng" của Tân Ước khi áp dụng nó cho loại trình bày trên tòa giảng hiện đang thạnh hành. Chắc hẳn Tân Ước chẳng bao giờ ấn định rằng sự giảng hoàn toàn không có dạy Lời Đức Chúa Trời như thường thấy trong các bài giảng mà ngày nay người đến nhà thờ vẫn phải nghe.(1) Dầu sao, dầu sự giảng có ý nghĩa chân chánh nhứt và đạt tới mức tốt đẹp nhứt, Đức Chúa Trời cũng không chỉ định cho nó hoàn toàn và đầy đủ thay thế việc tín hữu vì chính mình mà đọc chính Lời Đức Chúa Trời.

Mỗi Tín Đồ Đấng Christ phải là một người chuyên đọc Kinh Thánh. Nếu đọc Kinh Thánh theo tinh thần xứng hợp, thì đó là thói quen duy nhứt sẽ có hiệu lực hơn bất cứ thói quen nào khác để tạo nên tín đồ xứng đáng với danh nghĩa ấy về mọi phương diện. Chi hội nào có thể khiến toàn thể tín hữu chuyên cần đọc Lời Đức Chúa Trời, thì chi hội ấy sẽ trải qua một cuộc cách mạng. Nếu toàn thể các chi hội ở một địa phương nào có thể khiến toàn thể tín hữu đọc Kinh Thánh thường xuyên, thì chẳng những các chi hội sẽ trải qua một cuộc cách mạng, song địa phương ấy cũng được tẩy sạch và lành mạnh hóa, -- đó là kết quả mà không điều chi khác thực hiện nổi.

Hãy lấy Hắc ám Thời đại làm thí dụ. Trải qua Hắc ám Thời đại, tức là trong 500 năm, từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 15, Hội Thánh, hoặc cái tự gọi là Hội Thánh dưới quyền điều khiển của các Giáo hoàng, đã cai trị thế giới với một bàn tay chuyên chế như mọi đế quốc chuyên chế khác trên mặt đất. Quyền bá chủ của Giáo hội và Hắc ám Thời đại đã Xảy Ra Cùng Một Lúc, thật là kỳ lạ, phải không? Hội Thánh, là "Sự Sáng" của thế giới, đã đem bóng tối tăm, bóng tối tăm như nửa đêm, vào trong thế giới. Tại sao vậy? Vì chế độ Giáo hoàng đã bãi bỏ quyền tự do và cấm lưu hành Kinh Thánh trong dân gian, thậm chí xử tử người ta vì "tội" đọc Kinh Thánh. Lại nữa, do tánh tự phụ vô biên, các Giáo hoàng đã đem những sắc lịnh của mình thay thế Lời Đức Chúa Trời. Đó là yếu tố đã tạo nên Hắc ám Thời đại, -- Những người hoàn toàn theo ý riêng đã tự tôn lên trên Lời Đức Chúa Trời. Nếu Hội Thánh đầu phục Lời Đức Chúa Trời, dạy cho người ta biết Lời ấy và khuyến khích lưu hành Lời ấy trong dân gian, thì đã có Một Ngàn Năm Hòa Bình, chớ chẳng phải Hắc Ám Thời Đại đâu.

Lại lấy cuộc Cải chánh làm thí dụ. Vì Martin Luther tìm thấy Kinh Thánh, đem phân phát cho dân chúng, và lấy chính linh hồn vô song, vô địch của mình mà ủng hộ Kinh Thánh, nên cuộc Cải chánh Tin Lành đã thực hiện và quyền tự do đã được công bố cho thế giới hiện kim. Đó là bước hùng mạnh nhứt đưa đến sự tấn bộ của nhân loại mà ta từng biết trong lịch sử. Những người đọc lịch sử đều biết quá rõ ràng chúng ta trực tiếp nhờ Kinh Thánh mà được quyền tự do cùng mọi điều quí báu cho mình.

Lại lấy nước Anh dưới đời nữ hoàng Elizabeth làm thí dụ. Trong quyển "Anh quốc Sử lược" của Green, có nói quyết rằng: "Chưa từng có cuộc biến cải đạo đức nào lớn hơn cuộc biến cải đạo đức đã thực hiện ở nước Anh trong phần cuối đời trị vì của Nữ hoàng Elizabeth. Nước Anh trở nên dân của một Quyển Sách, và Quyển Sách ấy chính là Kinh Thánh. Mọi tầng lớp dân chúng đọc Kinh Thánh. Kết quả thật lạ lùng. Cả bộ mặt đạo đức của quốc gia đã biến cải."

Ngày nay, việc tốt nhứt mà Hội Thánh có thể làm ấy là tận tâm tôn Lời Đức Chúa Trời lên ngôi cai trị đời sống của tín hữu. Mọi sự khác sẽ theo sau. Việc duy nhất đó tự nó sẽ đi xa hơn mà giải quyết mọi vấn đề cá nhân, xã hội và quốc gia hơn bất cứ việc nào khác mà Hội Thánh làm được. Lời Đức Chúa Trời là khí giới tốt nhứt mà Hội Thánh có trong tay.

Một sự trạng như vậy có thể có không? Có thực tế không? Toàn thể một hội chúng có thể trở thành nhóm người chuyên cần đọc Kinh Thánh không? Chắc có thể được như vậy, và chỉ trong một thời gian rất ngắn. Chỉ cần có một Mục sư tin ở lý tưởng đó và đặt cả tấm lòng mình vào đó.

Giảng về đọc sự Kinh Thánh, thì chưa đủ; dầu là thường giảng về mục ấy, cũng chưa đủ. Một số người sẽ hưởng ứng loại bài giảng như vậy. Nhưng nếu Mục sư muốn toàn thể hội chúng đọc Kinh Thánh, thì phương pháp tốt nhứt để đạt tới mục đích ấy chính là làm ra một chương trình đọc Kinh Thánh khá có giá trị, trình bày trước mặt tín hữu, và nói để họ hiểu rằng ông mong ước họ lấy chương trình đó làm một phần sanh hoạt trong Hội Thánh; đoạn, phải dẫn dắt họ theo chương trình ấy, giữ cho họ làm đúng chương trình ấy; từ Chúa nhật nầy qua Chúa nhật khác, từ năm nọ qua năm kia, bằng cách nầy hay cách khác, phải để chương trình ấy trước mặt tín hữu, tỏ ra Mục sư thật lấy đó làm quan trọng; phải luôn luôn lấy chương trình đó làm nền tảng cho các bài giảng của mình.

Còn về bài giảng, nếu chỉ chọn một câu gốc (hoặc một đoạn ngắn) trong phần Kinh Thánh tín hữu đã đọc, rồi phân tách thành bài giảng đặc biệt theo câu gốc, không có vẻ dạy dỗ chi hết, thì sẽ không thúc giục tín hữu đọc Kinh Thánh chút nào. Trái lại, bài giảng phải là nghiên cứu cả hoặc một phần những đoạn Kinh Thánh đã đọc, khiến tín hữu chú ý đến các đặc điểm tốt nhứt, các thực sự hào hứng nhứt, các bài học giá trị nhứt, dường như ông dạy một lớp học Kinh Thánh vậy.

Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu Mục sư cố gắng như vậy, thì bất cứ hội chúng nào có mức thiêng liêng trung bình cũng sẽ vui vẻ và hết lòng hưởng ứng.

Nhưng có người nói rằng biến cuộc thờ phượng sáng Chúa nhật ra giống như một lớp dạy Kinh Thánh, thì sẽ hoàn toàn tầm thường và buồn tẻ. Một bài nghiên cứu Kinh Thánh lại buồn tẻ hơn loại bài giảng theo câu gốc đang thạnh hành sao? Phải chăng chúng ta nghĩ rằng hội chúng có mức thiêng liêng trung bình sẽ không đủ thông minh để mong ước một sự dạy dỗ vững chắc từ nơi Mục sư của họ? hoặc từ nơi Lời Đức Chúa Trời?

Trái lại, chúng tôi hết lòng tin chắc rằng hội chúng có mức thiêng liêng trung bình sẽ Ưa Thích chương trình như vậy. Họ sẽ không bao giờ chán chương trình ấy. Không bao giờ. Không Bao Giờ. Trái lại, họ sẽ yêu mến và tôn trọng Mục sư vì đã dùng cách đó dắt dẫn, khuyến khích và giúp đỡ họ tạo nên thói quen mà họ biết mình đáng phải theo.

Chương trình trên đây sẽ làm nên những việc lạ lùng biết bao! Nó tạo nên sự trung thành với Hội Thánh, những nhà thờ đông nghẹt, sự chăm chú vào bài giảng, sự thông biết Lời Đức Chúa Trời, sự lớn lên trong đời tin kính, quyền phép thiêng liêng, nền đạo đức và hòa thuận trong gia đình. Há có vị thuốc nào linh nghiệm hơn để cứu chữa những tín hữu phân tâm, lãnh đạm, thích vui chơi và có tâm trí ham mến thế gian? Mục sư há có thể làm một việc chi có giá trị hơn nữa?

Há có kỹ thuật nào tốt hơn để giảng Tin Lành? Ngoài sự xử dụng chính Lời của Đấng Christ, há có phương pháp nào dễ dàng, chắc chắn và lành mạnh hơn để dắt đem một người đến cùng Đấng Christ? Há có phương pháp nào hữu nghiệm hơn để tiếp xúc với người chưa được cứu rỗi? Há có nền tảng nào tốt hơn cho một cuộc phục hưng?

Một chi hội há có thể tự đặt cho mình một công việc nào tốt đẹp hơn công việc biến hội chúng của mình thành hội chúng chuyên cần đọc Kinh Thánh? Thí dụ, một chi hội có chương trình liên hiệp sự hội chúng đọc Kinh Thánh với sự giảng dạy sáng Chúa nhật như chúng tôi đề nghị ở đây; thí dụ, chi hội ấy tán trợ sự đọc Kinh Thánh, không những giữa vòng thuộc viên của mình, song khắp cả một địa phương nói chung, và theo định kỳ mà phân phát ở địa phương các truyền đơn in chương trình đọc Kinh Thánh, kèm theo lời mời đến dự cuộc thờ phượng tại nhà thờ, -- thì chi hội ấy há có phương pháp nào giảng Tin Lành tốt hơn? Nếu đó không phải Công Việc của Hội Thánh, thì là công việc của ai? Nếu đó không phải là công việc của Mục sư, Truyền đạo, thì Mục sư, Truyền đạo làm công việc gì?

 

Thói Quen Đi Nhà Thờ Mỗi Sáng Chúa Nhật Như Là Một Hành Động Thờ Phượng Đức Chúa Trời

Hết thảy tín đồ Đấng Christ đáng phải đi nhà thờ mỗi sáng Chúa nhật, trừ khi bị ngăn trở bởi tật bịnh, bởi công việc cấp bách, hoặc bởi một sự cần thiết nào. Đó phải là một vấn đề lương tâm, một hành động thờ phượng.

Hội Thánh là cơ quan hệ trọng hơn hết trong bất cứ địa phương nào. Cuộc nhóm họp thờ phượng sáng Chúa nhật là phương pháp chánh yếu để Hội Thánh làm trọn công việc của mình. Cuộc nhóm họp ấy là Biến Cố Trọng Đại trong cuộc sanh hoạt của một địa phương.

Đối với cuộc sanh hoạt của một địa phương, chưa hề có gì quan trọng bằng cuộc nhóm họp thường xuyên sáng Chúa nhật trong nhà thờ để thờ phượng Chúa.

Mỗi địa phương đáng phải quí mến các nhà thờ của mình, và khi đến giờ đã định, đáng phải rùng rùng kéo tới tôn vinh Đấng Hội Thánh nhơn Danh Ngài mà tồn tại.

Nếu Mục sư, Truyền đạo trung tín, các cuộc nhóm họp hẳn hoi, nếu sáng Chúa nhật nào các nhà thờ cũng đông người thờ phượng Chúa, thì nhân dân địa phương sẽ nhận thấy, công cuộc rao giảng Tin Lành của Hội Thánh sẽ làm xong, vấn đề tài chánh và truyền giáo ngoại quốc sẽ được giải quyết, cả chương trình của Hội Thánh sẽ tấn phát.

Chỉ có điều đó làm cho Hội Thánh mạnh mẽ; chỉ có điều đó giải quyết được các vấn đề mà đạo Tin Lành phải đương đầu.

Nếu hết thảy giáo hữu Tin Lành vùng dậy để trung tín giữ trọn phận sự căn bản của tín đồ Đấng Christ đó, thì sẽ gia tăng ảnh hưởng của Hội Thánh và của Đấng Christ mà Hội Thánh đại diện Hơn Hết Tổng Số Mọi Việc Khác Mà Hội Thánh Đang Làm.

* * *

Thói Quen Đi Nhà Thờ Mỗi Sáng Chúa Nhật Như Là Một Hành Động Thờ Phượng Đức Chúa Trời 2

Hội Thánh tồn tại để làm gì? Để nêu cao Đấng Christ trước mặt người ta. Hội Thánh không do loài người "sáng chế." Loài người đã dùng Hội Thánh và đã dùng sai. Nhưng Hội Thánh do Đấng Christ thành lập. Đấng Christ là Trái Tim và Chúa của Hội Thánh. Hội Thánh tồn tại để làm chứng cho Đấng Christ. Không phải Hội Thánh, nhưng chính Đấng Christ là Quyền phép biến cải đời sống người ta. Sứ mạng của Hội Thánh là tôn cao Đấng Christ, ngõ hầu Ngài có thể làm công việc hạnh phước trong lòng người ta.

Phương thức của Hội Thánh.-- Nhơn Danh Đấng Christ mà Họp Lại. Chữ "Hội Thánh" trong nguyên văn nghĩa là: "Đám người được kêu gọi ra," hoặc: "Hội chúng," tức là những kẻ "cùng nhau họp lại." Đấng Christ phải thường ở trong trí óc người ta, thì mới làm công việc Ngài trong lòng họ được. Vậy, sự nhóm họp trong nhà thờ phải thường có luôn.

Thường có chừng nào? Hằng tuần, ngày thứ nhứt trong tuần lễ, tức là Chúa nhật. Chính Chúa yêu dấu đã truyền lịnh như vậy. Theo Công-vụ các Sứ đồ 20:6, 7, dường như Phao-lô phải ở lại Trô-ách chờ "ngày thứ nhứt trong tuần lễ" để nhóm họp môn đồ lại. Đức Chúa Trời đã thành lập Hội Thánh, và Ngài chỉ định ngày thứ nhứt trong tuần lễ làm ngày của Hội Thánh. Tất cả giới tín đồ Đấng Christ (trừ Hội Sa-bát) đã thừa nhận như vậy, và đã chỉ định ngày thứ nhứt trong tuần lễ là ngày ngưng mọi hoạt động thông thường của đời sống.

Sáng Chúa nhật.-- Thoạt tiên, đương thời kỳ bắt bớ và trước khi Chúa nhật được chánh quyền biệt riêng làm ngày nghỉ, thì tín đồ Đấng Christ nhóm họp trước lúc hừng đông, hoặc sau khi trời tối, hoặc bất cứ lúc nào có thể nhóm họp. Nhưng ngày nay, đạo Đấng Christ trở thành tôn giáo chánh thức của thế giới tự do; mỗi tuần một lần, giới tín đồ Đấng Christ tạm dẹp công việc thông thường, và do tục lệ phổ thông, sáng Chúa nhật được thừa nhận là thì giờ của Hội Thánh. Suốt cả tuần lễ, đó là giờ biệt riêng cho Đấng Christ để thăng tiến công việc của Ngài một cách thường xuyên và có thứ tự.

Những cuộc nhóm họp khác.-- Một chi hội tổ chức hẳn hoi, thì có nhiều cuộc nhóm họp cho những nhóm khác nhau và vì những mục đích khác nhau. Trường Chúa nhật là cơ quan phụ thuộc có giá trị nhứt của một chi hội. Rõ ràng lắm, cuộc nhóm họp tối Chúa nhật có một địa vị quan trọng trong cuộc sanh hoạt của Hội Thánh. Nhưng điều chúng tôi muốn nói ở đây là: Tất cả giới tín đồ Đấng Christ nhìn nhận sáng Chúa nhật là thì giờ của Hội Thánh. Đó là cuộc nhóm họp trọng yếu nhứt, đứng riêng một loại, tự chiếm ưu thế, dành cho toàn thể tín đồ Đấng Christ, và là trung tâm mà cả bộ máy của Hội Thánh phải xoay chuyển quanh đó. Dầu có nhiều cuộc nhóm họp khác mà ta có thể dự hay không dự, nhưng Bổn Phận Của Hết Thảy Tín Đồ Đấng Christ là phải thường quen, trung tín, cẩn trọng và trọn đời dự cuộc nhóm họp Quan Trọng Hơn Hết của đạo Đấng Christ nầy, trừ ra những ai bị ngăn trở vì tật bịnh hoặc việc cấp bách.

Phương thức sẽ không hề thay đổi.-- Sự phát minh máy in làm cho Kinh Thánh và sách luận về đạo Đấng Christ có nhiều và rất rẻ, đến nỗi người ta đủ sách tự đọc cho biết Đấng Christ; lại phát minh được máy thâu thanh, nhờ đó chúng ta có thể ngồi nhà nghe giảng và theo dõi cuộc thờ phượng trong nhà thờ; tuy nhiên, các sự phát minh đó không bao giờ loại bỏ sự cần có Hội Thánh (hoặc nhà thờ). Đức Chúa Trời đã hoạch định rằng con cái Ngài ở mọi địa phương, khắp cả thế giới, nhằm thì giờ nhất định nầy (sáng Chúa nhật) phải Họp Lại công khai để công khai tôn thờ Đấng Christ.

Tình hình thảm hại hiện tại.-- Bình thường phải có gần 100 phần 100 giáo hữu dự cuộc thờ phượng sáng Chúa nhật. Nhưng nói chung, nếu căn cứ vào hiện trạng các chi hội (nhà thờ), nếu đếm và tính đổ đồng số người trong hội chúng mỗi sáng Chúa nhật, suốt cả năm, mùa đông và mùa hè, lúc tốt trời và khi mưa gió, thì ta sẽ thấy rằng hội chúng trung bình sáng Chúa nhật của nhà thờ Tin Lành trung bình ở nước chúng ta(1) từ 1 phần 3 đến 1 phần 6 số người có tên trong danh sách Hội Thánh. Đó Là Nhược Điểm Căn Bản Của Hội Thánh Tin Lành. Sự lãnh đạm đối với cơ quan đại diện Đấng Christ (tức là Hội Thánh) và đối với sự hoạt động chánh yếu duy nhứt của cơ quan ấy (tức là sự nhóm họp sáng Chúa nhật), đó chắc là trở lực lớn lao nhứt cản đường tấn bộ của công việc Đấng Christ.

* * *

Thói Quen Đi Nhà Thờ Mỗi Sáng Chúa Nhật Như Là Một Hành Động Thờ Phượng Đức Chúa Trời 3

Hội chúng nhóm họp sáng Chúa nhật là cái thước đo đúng mức tín hữu chăm chú đến Hội Thánh của họ. Mức họ chăm chú đến Hội Thánh là cái thước đo đúng mức họ chăm chú đến Đấng Christ. Dầu muốn hay không, thái độ chúng ta đối với cuộc nhóm họp thờ phượng sáng Chúa nhật cũng chứng tỏ thái độ chúng ta đối với ảnh hưởng của Đấng Christ ở địa phương mình. Nếu ta trung tín, thì giúp đỡ Ngài. Còn nếu lãnh đạm, thì làm hại Ngài.

"Đi nhà thờ như là một hành động thờ phượng." Đây chúng tôi muốn nói đến cớ tích thúc giục chúng ta đi nhà thờ, đến cái yếu tố ở trong tâm trí ta khiến ta cất bước đi nhà thờ, -- tức là đi vì làm theo nguyên tắc thông thường của đạo Đấng Christ, đi như một hành động theo lương tâm đối với Đức Chúa Trời, đi vì là phận sự đối với Đấng Christ, không đặc biệt quan tâm mình sẽ gặp ai hoặc nghe ai giảng dạy; nếu cần, thì cứ đi, mặc dầu biết trước mình sẽ nghe giảng gì; đi và thấy hết sức thỏa mãn vì nghĩ rằng mình đang làm phận sự đối với Đức Chúa Trời.

Lẽ tự nhiên, hành động nầy còn gồm ý rằng chúng ta cố đi đúng giờ, để ghế sau cho những người tới trễ, không ngồi ở ngay đầu ghế đến nỗi kẻ khác phải "leo qua ta," và cũng yên lặng, lịch sự, cung kính, chăm chú và đầy thiện cảm.

"Ít có Đấng Christ trong các cuộc nhóm họp," người ta nói như vậy. "Các cuộc nhóm họp kém cỏi quá, âm nhạc ít nói về đạo, sự giảng dạy chẳng đáng cho ta nghe, có rất nhiều điều mà không phải ta đến nhà thờ để nghe, ít dạy Kinh Thánh quá, ít có sự giúp đỡ phần thiêng liêng. Thường ít có Đấng Christ trong cuộc nhóm họp, thì chúng ta làm thế nào nghĩ được rằng mình Vì Đấng Christ mà đi nhà thờ?" Phải, chúng ta buồn lòng mà nói rằng mọi lời trên đây đúng quá. Tuy nhiên, Đó Là công việc của Đấng Christ, mặc dầu nó ở trong tay loài người vốn là yếu đuối, hèn hạ thảm hại và vô hiệu lực. Với tất cả khuyết điểm của nó, cuộc nhóm họp thờ phượng trung bình trong một chi hội Tin Lành trung bình vẫn giúp ích cho người ta; nếu chúng ta có thể giữ mình trong tinh thần xứng hợp, thì cuộc nhóm họp như vậy sẽ ban phước cho ta.

Trường Chúa nhật và Hội Thánh.-- Trường Chúa nhật là ngành hoạt động quí giá hơn hết trong đạo Đấng Christ. Nếu một chi hội xao lãng còn trẻ trong địa phương mình, thì thật là sai lầm kinh khủng! Vinh hiển thay là làm giáo sư đắc lực của trường Chúa nhật và giúp việc chăn dắt con trẻ! Nhưng trường Chúa nhật cũng chỉ bồi dưỡng Hội Thánh, chớ không thay thế Hội Thánh được. Nền giáo dục Tin Lành nào không ràng buộc con trẻ vào Hội Thánh, thì không đáng gọi là giáo dục Tin Lành. Nếu con trẻ không gây được thói quen đi nhà thờ đang khi học trường Chúa nhật, thì có cơ chúng sẽ chẳng bao giờ đi nhà thờ.

Những tổ chức và cuộc nhóm họp phụ thuộc.-- Muốn có hiệu lực, các chi hội cần được tổ chức hẳn hoi. Nhiều công việc trong đạo Đấng Christ có thể thực hiện tốt nhứt ở những nhóm nhỏ. Nhưng không được để sự trung thành với nhóm thay thế sự trung thành với Hội Thánh. Không nên coi sự dự cuộc họp của nhóm như đã thay thế sự dự cuộc thờ phượng chánh yếu trong nhà thờ. Buổi sáng Chúa nhật là thì giờ của Hội Thánh; bất cứ hình thức hoạt động nào trong công việc Đấng Christ cũng không thể coi là lý do chánh đáng đủ cho ta vắng mặt cuộc nhóm họp thờ phượng sáng Chúa nhật, trừ khi có chuyện gì cấp bách bắt buộc phải vắng mặt.

Máy thâu thanh.-- Ở nhà vặn máy thâu thanh mà nghe một bài giảng hay, há chẳng tốt hơn đi đến nhà thờ mà nghe một bài giảng dở, sao? Không Nên làm vậy sáng Chúa nhật. Chúng ta đi nhà thờ, không phải để nghe bài giảng, song để thờ lạy Đức Chúa Trời; đang khi ở nhà thờ, chúng ta phải nghe giảng, và có khi phải ráng chịu bài giảng. Máy thâu thanh không phải lý lẽ chữa mình để khỏi làm phận sự của tín đồ đó. Hơn nữa, các bài giảng trên luồng sóng điện không thể nào tốt hơn các bài giảng trong nhà thờ.

Đi nhà thờ khá đều mực, thì không đủ sao? Không. Đại đa số giáo hữu chỉ đi nhà thờ khá đều mực, -- đó chính là nguyên nhân của tình hình thảm hại hiện tại. Nếu họ đi đều mực luôn, thì mỗi Chúa nhật, các nhà thờ sẽ đông nghẹt những người. Như vậy, Hội Thánh sẽ có quyền phép. Mỗi Chúa nhật thuộc về Đấng Christ, -- Mỗi Chúa Nhật. Nhu cầu vĩ đại của đạo Tin Lành là: Tín đồ Tin Lành cho sự nhóm họp thờ phượng sáng Chúa nhật là một vấn đề lương tâm, chớ chẳng phải một vấn dề thuận tiện.

* * *

Thói Quen Đi Nhà Thờ Mỗi Sáng Chúa Nhật Như Là Một Hành Động Thờ Phượng Đức Chúa Trời 4

Những cớ thoái thác và lý do mà giáo hữu nêu ra để không đi nhà thờ đều mực, thật là thảm hại. "Chớ thích đi nhà thờ;" "Chớ cảm thấy mình cần phải đi nhà thờ;" "Thà tôi ngủ còn hơn;" "Thà tôi nằm trên giường mà đọc báo còn hơn;" "Thà tôi lái xe hơi đi chơi còn hơn;" "Thà tôi đi thăm bạn hữu còn hơn;" "Thà tôi tiếp khách đến chơi còn hơn;" "Tôi có một tâm hồn thi sĩ; đến giờ đi nhà thờ, tôi lại thích vào rừng xanh để thông cảm với chim chóc, suối nước, và muôn hoa, v.v..." Mọi lời trên đây biểu lộ Sự Lãnh Đạm của hạng tín hữu mà Đấng Christ "sẽ nhả ra khỏi miệng" Ngài (Khải Huyền 3:16).

Làm việc Chúa nhật. Có người phải làm việc lúc Hội Thánh nhóm họp. Chúng tôi nghĩ rằng đối với những người đó, Đức Chúa Trời sẽ ưng chịu cho họ dự một buổi nhóm họp khác để thay thế cuộc nhóm họp sáng Chúa nhật.

 

Làm thế nào để khiến cho tín hữu đến nhóm thờ phượng sáng Chúa nhật?

Hãy đặt cuộc nhóm đó trên một nền tảng Thờ Phượng, và Làm Việc để đạt tới mục tiêu đó. Trên tòa giảng và trong trường Chúa nhật, hãy dạy cặn kẽ và thường xuyên rằng tín đồ Đấng Christ có một Bổn Phận đối với Đức Chúa Trời, là từ lúc thơ ấu tới tuổi già nua, phải đi nhà thờ sáng Chúa nhật mỗi khi có thể đi được. Đó là một vấn đề phải dạy dỗ, dạy dỗ, Dạy Dỗ

Đoạn, hãy cai trị buổi nhóm họp dường như là một buổi nhóm họp Thờ Phượng Chúa. Nhà thờ là Nhà của Đức Chúa Trời. Chính Đức Chúa Trời có ở đó. Hãy dâng cho Lời Đức Chúa Trời một địa vị xứng đáng. Hãy để hội chúng dự phần trong cuộc thờ phượng. Hãy để hội chúng Hát ngợi khen Đức Chúa Trời.

 

Trong quyển "THÁNH KINH Lược Khảo" nầy, xin tỏ ra hai lẽ tin quyết:

  1. Mỗi tín đồ Đấng Christ phải có lương tâm đối với Sự Đọc KINH THÁNH Thường Xuyên và Sự Nhóm Nhà Thờ Thường Xuyên.
  2. Các cuộc nhóm họp thường xuyên trong nhà thờ phải gồm hai điểm chính: Dạy KINH THÁNH và Hội Chúng Hát Ngợi Khen Chúa.

* * *

 

Gợi Ý Một Quyết Nghị

mà ai nấy có thể có trong lòng mình

 

Đấng Christ đã thành lập Hội Thánh, và Hội Thánh tồn tại để lan truyền ảnh hưởng của Đấng Christ; rằng phương thức của Hội Thánh để làm tròn sứ mạng ấy là thường Nhơn Danh Đấng Christ mà họp lại; rằng chính Đức Chúa Trời ấn định phải họp lại hằng tuần, và ban cho chúng tôi một ngày để họp lại, tức là Chúa nhật, rằng do thường lệ, ai nấy nhìn nhận sáng Chúa nhật là thì giờ của Hội Thánh.

 

 

 

TÔI SẼ CỐ GẮNG ĐI ĐÚNG GIỜ,

SẼ KỈNH KIỀNG TRONG NHÀ THỜ

TRỌN ĐỜI SỐNG, TÔI SẼ

CHUYÊN CẦN ĐỌC LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI