- Chuyên mục: Thánh Kinh Lược Khảo
Kinh Thánh chứa truyện tích Đấng Christ
Hội Thánh tồn tại để thuật lại truyện tích Đấng Christ
Sử ký Hội Thánh là phần tiếp tục Sử ký Kinh Thánh
Để bày tỏ mối liên quan của chúng ta với truyện tích Kinh Thánh, và vì tin rằng tín đồ Đấng Christ ít ra cũng phải thông thạo những thực sự căn bản của Sử ký Hội Thánh, nên đây, chúng tôi xin trình bày sơ lược các đặc điểm, biến cố và nhân vật chánh yếu trong Sử ký Hội Thánh. Nếu không nhờ ánh sáng của Sử ký, thì không thể nào hiểu tình hình hiện tại của đạo Đấng Christ. Số người không biết Sử ký Hội Thánh còn nhiều hơn số người không biết Kinh Thánh. Một bổn phận chánh yếu của các vị Mục sư, Truyền đạo là phải dạy cho giáo hữu biết các thực sự của Sử ký Hội Thánh.
Sử ký thế giới thường được chia làm ba thời kỳ:
Thượng Cổ : Ai-cập, A-si-ri, Ba-by-lôn, Ba-tư, Hy-lạp, La-mã.
Trung Cổ : Từ lúc đế quốc La-mã suy vong tới lúc tìm ra Mỹ châu.
Hiện Kim : Từ thế kỷ thứ 15 tới ngày nay.
Sử ký Hội Thánh thường được chia làm ba thời kỳ:
Thời kỳ đế quốc La-mã: Thời kỳ của các cơn bắt bớ, các Thánh tuận đạo, các Giáo phụ Hội Thánh, các cuộc tranh luận, và Cơ đốc hóa đế quốc La-mã.
Thời kỳ Trung cổ: Thời kỳ của chế độ Giáo hoàng phát triển và cầm quyền, Giáo hội Pháp đình, chế độ tu viện, Hồi giáo và Thập tự quân viễn chinh.
Thời kỳ hiện kim: Thời kỳ của cuộc Cải chánh Tin Lành, Hội Thánh Tin Lành phát triển mạnh mẽ, Kinh Thánh mở ra và được lưu hành rộng rãi, các chánh phủ càng ngày càng được tự do, thoát khỏi sự kiểm soát của Giáo hội và phẩm chức Giáo hội, các Hội Truyền giáo khắp thế gian, cuộc cải cách xã hội, và tình bác ái gia tăng.
Các biến cố trọng đại của kỷ nguyên đạo Đấng Christ là:
1.-- Cơ đốc hóa đế quốc La-mã.
2.-- Cuộc xâm lăng của các dân dã man, hòa trộn hai nền văn minh La-mã và Đức.
3.-- Cuộc tranh đấu chống Hồi giáo.
4.-- Chế độ Giáo hoàng dấy lên và cầm quyền.
5.-- Cuộc Cải chánh Tin Lành.
6.-- Phong trào truyền giáo khắp thế giới hiện nay.
Ba nhánh lớn của đạo Đấng Christ là:
Tin Lành, thạnh nhứt ở Tây Âu và Bắc Mỹ.
Thiên Chúa Giáo La Mã, thạnh nhứt ở Nam Âu và Nam Mỹ.
Thiên Chúa Giáo Hy Lạp, thạnh nhứt ở Đông Âu và Đông Nam Âu.
Tình trạng trên đây là kết quả do hai cuộc phân chia lớn của Hội Thánh: Một cuộc phân chia xảy ra nhằm thế kỷ thứ 9, khi Đông phương tách khỏi Tây phương vì Giáo hoàng cố quyết rằng mình là Chúa của cả Hội Thánh. Còn cuộc phân chia thứ hai xảy ra nhằm thế kỷ thứ 16, vì cùng một lý do, dưới sự lãnh đạo của Martin Luther, là bậc đệ nhất vĩ nhân của lịch sử hiện kim.
Harnack nói rằng: "Giáo hội Hy-lạp là đạo Đấng Christ nguyên thủy pha trộn với ngẫu tượng giáo (Paganisme) của Hy-lạp và của Đông phương, Giáo hội La-mã là đạo Đấng Christ nguyên thủy pha trộn với ngẫu tượng giáo của Hy-lạp và của La-mã." Hội Thánh Tin-Lành là công cuộc cố gắng khôi phục đạo Đấng Christ nguyên thủy, cho thoát khỏi mọi hình thức ngẫu tượng giáo.
Đế Quốc La Mã
Hội Thánh được thành lập trong đế quốc La-mã
Đế quốc La-mã thành lập.................................................................................. 753 T.C.
Bắt phục Ý-đại-lợi.................................................................................... 343-272 T.C.
Bắt phục xứ Carthage............................................................................... 264-146 T.C.
Bắt phục Hy-lạp và Tiểu-Á-tế-á............................................................... 215-146 T.C.
Bắt phục Tây-ban-nha, xứ Gaule, nước Anh và dân Teutons..................... 133-31 T.C.
46 T.C. đến 180 S.C.-- Tuyệt điểm vinh quang của đế quốc La-mã. Bờ cõi chạy từ Đại tây dương đến sông Ơ-phơ-rát, và từ Bắc hải đến sa mạc Phi-châu. Dân số chừng 120 triệu.
12 Vị Sê Sa (Hoàng Đế)
Jules César (46-44 T.C.). Chúa tể của thế giới La-mã.
Auguste (31 T.C.- 14 S.C.). Đấng Christ giáng sanh đương thời trị vì của ông nầy.
Tibère (12-37 S.C.). Đấng Christ bị đóng đinh vào Thập tự giá đương thời trị vì của ông nầy.
Caligula (37-41 S.C.).
Claude (41-54 S.C.).
Néron (54-68 S.C). Bắt bớ tín đồ Đấng Christ. Hành quyết Phao-lô.
Galba (68-69 S.C.).
Othon, Vitellius (69 S.C.).
Vespasien (69-79 S.C.). Hủy phá Giê-ru-sa-lem.
Titus (79-81).
Domitien (81-96). Bắt bớ tín đồ Đấng Christ. Đày Sứ đồ Giăng.
Năm Hoàng Đế Tốt
Nerva (96-98 S.C.).
Trajan (98-117 S.C.). Một trong những hoàng đế tốt nhứt, nhưng bắt bớ tín đồ Đấng Christ.
Hadrien (117-138 S.C.) Bắt bớ tín đồ Đấng Christ.
Antonin le Pieux (138-161 S.C.). Hoàng đế cao thượng hơn hết, thực hiện hoàng kim thời đại của vinh quang La-mã, nhưng bắt bớ tín đồ Đấng Christ.
Marc-Aurèle (161-180 S.C.). Bắt bớ tín đồ Đấng Christ.
180-476 S.C.-- Đế Quốc La Mã Suy Yếu Và Sụp Đổ
192-284 S.C.-- "Các hoàng đế trại lính" do quân đội đề cử. Đây là một thời kỳ nội chiến và tai nạn nội bộ lan rộng.
Septime-Sévère (193-211 S.C.) Bắt bớ tín đồ Đấng Christ.
Caracalla (211-217). Khoan dung đạo Đấng Christ.
Elagabalus (218-222). Khoan dung đạo Đấng Christ.
Alexandre-Sévère (222-235). Ủng hộ đạo Đấng Christ.
Maximien (235-238). Bắt bớ tín đồ Đấng Christ.
Philippe (244-249). Rất ủng hộ đạo Đấng Christ.
Decius (249-251). Bắt bớ tín đồ Đấng Christ dữ dội.
Valérien (353-260). Bắt bớ tín đồ Đấng Christ.
Galiénus (260-268). Ủng hộ tín đồ Đấng Christ.
Aurélien (270-275). Bắt bớ tín đồ Đấng Christ.
Dioclétien (284-305). Bắt bớ tín đồ Đấng Christ dữ dội.
Constantin (306-337). Trở lại tin theo Đấng Christ.
Julien bội đạo (361-363). Tìm cách khôi phục ngẫu tượng giáo.
Jovien (363-364). Tái lập đạo Đấng Christ.
Théodose (378-395). Lập đạo Đấng Christ làm quốc giáo.
Đế Quốc Chia Hai (395)
Tây đế quốc Honorius (395-423) Valentinien II (423-455) Tây đế quốc sụp đổ năm 476, vì tay của các dân dã man, mở đầu cho Hắc ám Thời đại |
Đông đế quốc Arcadius (395-408) Théodose II (408-450) Anastase (491-518) Justin (527-565) Đông đế quốc sụp đổ năm 1453. |
Từ đống hoang tàn của Tây đế quốc, đế quốc của Giáo hoàng đã dấy lên, và La-mã còn cai trị thế giới 1000 năm nữa.
Sử Ký Hội Thánh 2
Cơ Đốc Hóa Đế Quốc La Mã và Ngẫu Tượng Hóa Hội Thánh
Đạo Đấng Christ lan tràn mau lẹ.-- Tertullien (160-220) viết rằng: "Chúng tôi mới có hôm qua, nhưng chúng ta đã đầy dẫy đế quốc, đô thị, thị trấn, hải đảo, bộ lạc, trại quân, lâu đài, cung điện, hội nghị, và thượng nghị viện của vua." Vào khoảng cuối những cuộc bắt bớ do tay các hoàng đế (313), tín đồ Đấng Christ chiếm chừng một nửa dân số đế quốc La-mã.
Constantin trở lại tin Chúa.-- Đang khi giao chiến với các địch thủ để lập vững ngôi hoàng đế của mình, nhằm buổi chiều trận đánh tại cầu Milvins, ở ngay ngoài thành La-mã (27-10-312), ông thấy trên trời, bên trên mặt trời đang lặn, hình Thập tự giá hiện ra, và bên trên Thập tự giá có mấy chữ: "Hãy thắng, bởi dấu hiệu nầy," ông bèn nhứt định chiến đấu dưới cờ Đấng Christ, và đã thắng trận. Đó là chỗ rẽ của lịch sử đạo Đấng Christ.
Chiếu chỉ khoan dung tôn giáo (313).-- Bởi chiếu chỉ nầy, Costantin ban cho "tín đồ Đấng Christ và mọi người khác được hoàn toàn tự do theo tôn giáo mà mỗi người lựa chọn." Đó là chiếu chỉ khoan dung tôn giáo đầu tiên trong lịch sử. Ông còn đi xa hơn nữa; ông ủng hộ tín đồ Đấng Christ đủ mọi cách; cho tín đồ vào làm các công sở quan trọng rất đông đúc; miễn cho các Mục sư khỏi phải đóng thuế và thi hành quân dịch; khuyến khích và giúp đỡ xây cất nhiều nhà thờ; lập đạo Đấng Christ làm tôn giáo của triều đình; công bố bản khuyến cáo hết thảy thần dân hãy theo đạo Đấng Christ (325). Vì giới quí tộc La-mã vẫn cố quyết theo ngẫu tượng giáo, Costantin bèn dời thủ đô qua Byzance, đổi tên nó ra Constantinople. Đó là "La-mã mới," thủ đô của đế quốc mới theo đạo Đấng Christ.
Constantin và Kinh Thánh.-- Ông truyền lịnh sao cho các chi hội ở Constantinople 50 quyển Kinh Thánh, dưới sự điều khiển của Eusèbe, trên giấy da bò non tốt nhứt, và do tay những ký lục tài khéo; ông dành hai xe ngựa của chánh phủ để chở Kinh Thánh mau chóng về cho hoàng đế. Rất có thể bản thảo Sinaitique và bản thảo Vatican thuộc trong số Kinh Thánh nầy.
Constantin và Chúa nhật.-- Ông biệt riêng ngày hội họp của tín đồ Đấng Christ, tức là Chúa nhật, làm ngày yên nghỉ; trong ngày ấy, ông cấm làm công việc thương, và cho phép binh sĩ theo đạo Đấng Christ đi dự các cuộc thờ phượng trong nhà thờ. Sự nghỉ một ngày trong tuần lễ đó rất có ích cho những người làm tôi mọi.
Đạo Đấng Christ trở thành quốc giáo của đế quốc La-mã. Dầu về nguyên tắc, Constantin đã làm như vậy, nhưng dưới đời trị vì của Théodose (378-395), đạo Đấng Christ mới trở thành quốc giáo, ai nấy bắt buộc phải gia nhập Hội Thánh. Đó là Tai Họa Tệ Hại Hơn Hết từng giáng trên Hội Thánh Đấng Christ vốn đã quyết định chinh phục bởi những phương pháp hoàn toàn thiêng liêng và đạo đức. Cho tới thời Constantin, ai nấy tự ý trở lại tin theo Đấng Christ, tấm lòng và đời sống của họ thật được thay đổi. Nhưng tới đây, sự bắt buộc trở lại đạo đã làm cho các nhà thờ đầy dẫy những người không được tái sanh. Hội Thánh thay đổi tánh chất, trở thành một tổ chức chánh trị, và đâm nhào vào thời kỳ 1000 năm của chế độ Giáo hoàng.
Các cuộc cải cách.-- Chế độ tôi mọi, những cuộc giác đấu,(1) sự giết các con trẻ sơ sinh mà cha mẹ không hoan nghinh, sự gia hình đong đinh vào thập tự giá, đều bị bãi bỏ khi đế quốc được Cơ-đốc-hóa.
Các nhà thờ.-- Nhà thờ thứ nhứt đã được xây dựng dưới đời trị vì của Alexandre- Sévère (222-235). Sau khi Constantin ra chiếu chỉ khoan dung tôn giáo, các nhà thờ được xây cất khắp nơi.
Sự suy vong của ngẫu tượng giáo.-- Khi Théodose (378-395) lấy Hội Thánh làm một cơ quan quốc gia, thì ông định ý dùng võ lực thủ tiêu mọi tôn giáo khác; ông cấm thờ lạy hình tượng. Do các sắc lịnh của ông (375-400), các miễu thờ thần tượng bị tín đồ Đấng Christ lũ lượt kéo đến phá hủy, và máu đổ rất nhiều. Lúc nầy, Hội Thánh đã bước vào giai đoạn bội đạo hệ trọng. Hội Thánh đã chinh phục đế quốc La-mã, nhưng thật ra đế quốc La-mã đã chinh phục Hội Thánh, chẳng phải bởi thủ tiêu Hội Thánh, song bởi làm cho Hội Thánh giống như hình ảnh của nó.
Hội Thánh của đế quốc ở thế kỷ thứ 4 và thứ 5 đã trở thành một cơ quan khác hẳn Hội Thánh bị bắt bớ ở 3 thế kỷ đầu. Vì có dục vọng cầm quyền, nên Hội Thánh đã bỏ mất và lãng quên tinh thần của Đấng Christ.
Sự thờ phượng lúc đầu rất giản dị, đã biến thành những nghi lễ tinh vi, trang nghiêm, long trọng, có tất cả sự huy hoàng bề ngoài vốn thuộc về các miễu thờ thần tượng.
Các Mục sư trở thành thầy cả (thầy tế lễ). Danh từ "thầy cả" không áp dụng cho các Mục sư đạo Đấng Christ trước năm 200 S.C.. Người ta mượn danh từ nầy của đạo Do-thái và vì theo gương các tế sư của ngẫu tượng giáo. Giáo hoàng Léon cấm thầy cả không được cưới vợ, và sự độc thân của thầy cả đã trở thành luật pháp của Giáo hội La-mã. Nhưng sự độc thân nầy đã gây nên tai hại trải qua mọi thế kỷ.
Các dân tộc dã man trở lại đạo.-- Các dân Goths, Vandales, Huns đã lật đổ đế quốc La-mã và tiếp nhận đạo Đấng Christ. Nhưng sự trở lại đạo nầy phần lớn là hữu danh vô thực, do đó Hội Thánh lại càng tràn nhập những thói tục của ngẫu tượng giáo.
Tranh đấu với các triết lý ngoại đạo.-- Mỗi thế hệ tìm cách giải thích Đấng Christ theo ý tưởng riêng của mình thể nào, thì cũng một thể ấy, vừa mới xuất hiện, đạo Đấng Christ đã bắt đầu pha trộn với những triết lý Hy-lạp và Đông phương. Nhơn đó có nhiều giáo phái dấy lên:--
Duy tri chủ nghĩa (gnosticisme): Vật chất là hư xấu; Đức Chúa Jêsus chỉ là một ảo ảnh; sự cứu rỗi do sự soi sáng thần bí trong tâm hồn.
Nhị nguyên giáo (manichéisme): Thiện ác nhị nguyên chủ nghĩa của Ba-tư.
Giáo lý của Montanus (montanisme): Chức vị siêu nhiên liên tục của Đức Thánh Linh.
Duy nhất thân vị luận: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh là cùng một Thân vị.
Phản tam vị nhất thần luận (arianisme): không nhận giáo lý Ba Ngôi hiệp một Đức Chúa Trời (Trinité).
Cơ đốc vô nhân tánh luận: Chối rằng Đấng Christ không có nhân tánh.
Cảnh giáo (nestorianisme): Trong Đức Chúa Jêsus Christ có hai Thân vị.
Nhị tánh hợp nhứt luận (entychianisme): Đức Chúa Jêsus Christ có thần tánh và nhân tánh hiệp lại làm một.
Duy nhất tánh luận (monophysisme): Đấng Christ chỉ có một bổn thể.
Từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 6, Hội Thánh bị xâu xé bởi những cuộc tranh luận về mấy lý thuyết và chủ nghĩa đó cùng mấy lý thuyết và chủ nghĩa giống như vậy, đến nỗi hầu như không còn thấy sứ mạng chân chánh của mình nữa.
* * *
Sử Ký Hội Thánh 3
Những Cơn Bắt Bớ
Néron.-- Năm 64 S.C., tại kinh thành La-mã có xảy ra một nạn cháy lớn. Nhân dân nghi ngờ hoàng đế Néron đã gây nên nạn đó. Để tránh cho người ta khỏi nghi ngờ mình, hắn bèn tố cáo tín đồ Đấng Christ là thủ phạm và ra lịnh trừng phạt họ. Hàng bao nhiêu ngàn tín đồ, trong số đó có Phao-lô và có lẽ cả Phi-e-rơ, đã bị giết bằng những cách tàn bạo hơn hết. Tacite chép rằng: "Vậy, để chấm dứt lời đồn đại, Néron bèn đổ tội cho những người khả ố vì có thói tục đáng hổ thẹn, mà thường dân gọi là tín đồ Đấng Christ. Néron trừng phạt họ bằng những cực hình tinh tế. Đấng Christ, Giáo chủ của những người đó, đã bị quan Thống đốc Bôn-xơ-Phi-lát gia hình, dưới đời trị vì của hoàng đế Tibère. Sự mê tín chí tử đó đã bị đàn áp một thời gian, song lại bộc phát, chẳng những ở xứ Giu-đê, là nơi phát xuất tệ đoan đó, song cả ở thành phố (La-mã) nữa. Từ bốn phía, mọi sự gớm ghiếc hoặc nhơ nhuốc vẫn cùng nhau tràn vào thành phố (La-mã) đó và thạnh hành."
Domitien (96 S.C.).-- Domitien phát động sự bắt bớ tín đồ Đấng Christ và tố cáo họ là vô thần, có lẽ vì họ không chịu thờ lạy hoàng đế. Cơn bắt bớ nầy ngắn ngủi nhưng dữ dội cực điểm. Hàng bao nhiêu ngàn tín đồ bị giết ở kinh thành La-mã và xứ Ý-đại-lợi, trong số đó có Flavius, Clemens, là em họ của hoàng đế; còn vợ của Clémens, là Flavia Domitilla, thì bị lưu đày. Sứ đồ Giăng bị đày ra đảo Bát-mô.
Trajan (98-117 S.C.).-- Ông là một hoàng đế tốt nhứt, nhưng cảm thấy mình phải duy trì luật pháp của đế quốc; đạo Đấng Christ bị coi là một tôn giáo bất hợp pháp, vì tín đồ Đấng Christ không chịu dâng tế lễ cho các thần La-mã, hoặc dự vào cuộc thờ lạy hoàng đế. Hội Thánh bị coi là một hội kín bị cấm. Tín đồ Đấng Christ không bị ruồng bắt, nhưng khi có ai tố cáo, thì bị trừng phạt. Trong số những người tuận đạo dưới đời trị vì của Trajan, có Si-mê-ôn, em trai Đức Chúa Jêsus. Giám mục thành Giê-ru-sa-lem, bị đóng đinh vào thập tự giá năm 107 S.C.. và Ignace II, Giám mục thành An-ti-ốt, bị giải về kinh thành La-mã và bị quăng cho thú dữ cắn xé năm 110 S.C.. Hoàng đế cử Pline tới miền Tiểu-Á-tế- á, là nơi tín đồ Đấng Christ đông đúc quá đến nỗi các miễu thờ tà thần hầu như bị bỏ vắng. Pline đem ra hình phạt những ai không chịu rủa sả Đấng Christ và dâng tế lễ cho tượng ảnh của hoàng đế. Pline gởi phúc trình tới hoàng đế Trajan như sau: "Họ quả quyết rằng tất cả trọng tội hoặc sự sai lạc của mình là: Họ quen nhóm họp vào một ngày nhất định trước khi trời sáng, thay phiên nhau hát thánh ca ngợi khen Đấng Christ như một Vị Thần, rồi họ tuyên thệ không bao giờ phạm tội ác, trộm cắp, hoặc tà dâm, không bao giờ bội lời hứa, không bao giờ bội tín, dầu bị bắt buộc. Sau những hành động ấy, họ chia tay, rồi lại tụ họp để ăn uống thanh đạm."
Hadrien (117-138) bắt bớ tín đồ Đấng Christ, nhưng có chừng mực. Télesphore, Mục sư chi hội La-mã, và nhiều người khác đã tuận đạo. Tuy nhiên, dưới đời trị vì nầy, đạo Đấng Christ tấn bộ rõ rệt về số giáo hữu, tiền của, học vấn, và ảnh hưởng xã hội.
Antonin le Pieux (138-161).-- Hoàng đế nầy hơi ủng hộ tín đồ Đấng Christ, nhưng cảm thấy mình phải duy trì luật pháp; vậy, nhiều người đã tuận đạo, trong số ấy có Polycarpe.
Marc-Aurèle (161-180).-- Cũng như Hadrien, ông coi sự duy trì quốc giáo là một nhu cầu chính trị; nhưng khác với Hadrien, ông đã khuyến khích sự bắt bớ tín đồ Đấng Christ. Cơn bắt bớ nầy tàn bạo, dã man, và kịch liệt nhứt kể từ thời Néron. Bao nhiêu ngàn người bị chém đầu, hoặc bị quăng cho thú dữ cắn xé, trong số ấy có Justin Martyr. Cơn bắt bớ rất hung dữ ở miền Nam xứ Gaule. Người tuận đạo đã chịu gia hình mà không nao núng, đến nỗi ta hầu như không thể tin là có như vậy. Một người nữ tôi mọi, tên là Blandine, chịu gia hình từ sáng đến đêm, nhưng chỉ nói rằng: "Tôi là tín đồ Đấng Christ; giữa vòng chúng tôi, không có làm một điều chi phi pháp."
Septime-Sévère (193-211).-- Cơn bắt bớ nầy rất ác liệt, nhưng không phải là toàn thể. Ai-cập và Bắc-phi chịu bắt bớ nặng nề nhứt. Tại thành A-léc-xăn-đơ-ri, "hằng ngày có nhiều thánh tuận đạo bị thiêu đốt, đóng đinh vào thập tự giá, hoặc chặt đầu," trong số ấy có Léonidas, cha của Origène. Tại thành Carthage, bà Perpétue, một bậc quí tộc, và người nữ tôi mọi trung tín, là Félicité, đã bị thú dữ xâu xé.
Maximien (235-238).-- Dưới đời trị vì của ông nầy, nhiều thủ lãnh quan trọng trong đạo Đấng Christ đã bị giết chết. Origène thoát nạn vì ẩn trốn.
Decius (249-251) cương quyết tiêu diệt đạo Đấng Christ. Cơn bắt bớ nầy lan rộng khắp đế quốc; hắn làm cho vô số tín đồ bỏ mạng vì những gia hình tàn ác hơn hết tại La-mã, Bắc phi, Ai-cập, Tiểu-Á-tế-á. Cyprien nói rằng: "Cả thế giới bị tàn phá."
Valérien (252-260).-- Tàn ác hơn Decius; hắn nhắm mục đích hoàn toàn tiêu diệt đạo Đấng Christ. Nhiều thủ lãnh bị xử tử, trong số đó có Cyprien, Giám mục thành Carthage.
Dioclétien (238-305).-- Đây là cơn bắt bớ cuối cùng của đế quốc La-mã, và cũng ác liệt hơn hết. Cơn bắt bớ nầy lan rộng khắp đế quốc. Suốt 10 năm, các tín đồ bị săn bắt trong hang đá và trong rừng rậm; họ bị thiêu đốt; bị quăng cho thú dữ, bị xử tử bằng đủ cách gia hình mà kẻ tàn bạo có thể nghĩ ra. Đây là một sự cố gắng quyết liệt và có phương pháp để loại trừ Danh Đấng Christ.
Các Hầm Mộ Ở Kinh Thành La Mã
Đây là những hành lang lớn ở dưới mặt đất, thường rộng từ 2 thước rưỡi đến 3 thước rưỡi, và cao từ 1 thước 30 đến 2 thước. Đương thời các hoàng đế bắt bớ đạo Đấng Christ, tín đồ dùng những hầm mộ nầy làm nơi ẩn tránh, thờ phượng và an táng người chết. Người ta tính phỏng có từ 2 triệu đến 7 triệu phần mộ của tín đồ. Đã tìm thấy hơn 4 ngàn bi văn thuộc về thời gian giữa Tibère và Constantin.
Những Người Vô Tín Đương Thời
Hội Thánh Đầu Tiên
Celse (180 S.C.), là văn sĩ nổi tiếng nhứt đương thời Hội Thánh đầu tiên, chống lại đạo Đấng Christ. Ta có thể tìm thấy trong các tác phẩm của ông tất cả luận điệu người ta đưa ra từ đó đến nay để chống lại đạo Đấng Christ. Nhiều ý tưởng mà ngày nay người ta khoe khoang là "kim thời," thì thật ra đã có từ đời Celse. Porphyre (233-300 S.C.) cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ chống lại đạo Đấng Christ.
* * *
Sử Ký Hội Thánh 4
Các Giáo Phụ Hội Thánh
Polycarpe (69-156).-- Môn đệ của Sứ đồ Giăng, làm Giám mục thành Si-miệc-nơ. Đương cơn bắt bớ do hoàng đế gây nên, ông bị bắt và giải đến trước mặt quan Thống đốc. Họ bảo ông rủa sả Đấng Christ, thì sẽ được tự do, nhưng ông đáp: "Tôi hầu việc Đấng Christ 86 năm nay, và Ngài chỉ ban ơn cho tôi, chớ không hề giáng họa. Ngài là Chúa và Cứu Chúa của tôi, thì tôi rủa sả Ngài sao được?" Ông bị thiêu sống.
Ignace (67-110 S.C.).-- Môn đệ của Giăng, Giám mục thành An-ti-ốt. Khi ghé thăm thành An-ti-ốt, hoàng đế Trajan truyền lịnh bắt Ignace. Chính hoàng đế ngồi làm chánh án, và tuyên án quăng ông cho thú dữ cắn xé tại thành La-mã. Trên đường đi La-mã, ông viết một thơ cho tín đồ La-mã và xin họ chớ thử xin cho ông được ân xá, vì ông rất mong mỏi được vinh dự chết vì Chúa. Ông nói: "Nguyện bầy thú dữ hung hăng xông vào tôi! Nếu chúng không chịu xông vào, tôi sẽ bắt buộc chúng. Hỡi bầy thú dữ, hãy đến! Hỡi sự cắn rứt, xâu xé, nhai xương và cào cấu chơn tay, hãy đến! Hỡi những khổ hình tàn bạo của ma quỉ, hãy đến! Duy hãy để cho ta tới nơi Đấng Christ!" Ông rất vui mừng mà tuận đạo!
Papias (khoảng 70-155 S.C.).-- Một môn đệ khác của Giăng, làm Giám mục thành Hiérapolis, cách thành Ê-phê-sô chừng 100 dặm về phía Đông. Có lẽ ông quen biết Phi-líp, vì theo truyền thoại, thì Phi-líp qua đời tại thành Hiérapolis. Ông viết một sách, nhan đề là: "Giải thích các bài giảng của Chúa," trong đó ông nói rằng ông nhứt định đòi các trưởng lão cho bằng được chính những lời phán của Đức Chúa Jêsus. Ông tuận đạo tại thành Bẹt-găm, gần cùng một lúc với Polycarpe. Polycarpe, Ignace và Papias là cái vòng xích nối liền thời đại các Sứ đồ với các thời đại sau.
Justin Martyr (100-167 S.C.).-- Sanh tại Néapolis, tức là thành Si-chem thời xưa, vào khoảng Sứ đồ Giăng qua đời. Ông đã học triết lý. Lúc trẻ tuổi, ông thấy nhiều tín đồ Đấng Christ chịu bắt bớ. Ông trở lại tin theo Chúa, mặc áo triết gia mà du hành, tìm cách dẫn dắt người ta đến cùng Đấng Christ. Ông viết một bản: "Binh vực đạo Đấng Christ," gởi cho hoàng đế. Ông là một trong những người có tài nhứt trong thời đại mình. Ông tuận đạo tại La-mã. Luận về sự bành trướng của đạo Đấng Christ, ông nói rằng đương thời mình, "chẳng có nhân chủng nào mà tại đó không có lời cầu nguyện dâng lên nhơn Danh Đức Chúa Jêsus."
Đây, Justin Martyr mô tả cuộc thờ phượng của tín đồ Đấng Christ trong Hội Thánh đầu tiên: "Đến Chúa nhật, mọi người ở đô thị và làng mạc nhóm họp; đọc một đoạn trong sách 'Bút ký của các Sứ đồ' và trong các sách Tiên tri tùy theo thì giờ nhiều, ít. Đọc xong, ông chủ tọa giảng một bài, khuyên hãy bắt chước những điều cao thượng ấy. Sau đó, chúng tôi đều đứng dậy và hiệp ý cầu nguyện. Cầu nguyện xong, theo như đã mô tả ở trên, ông chủ tọa cầm bánh và chén mà tạ ơn Chúa tùy theo khả năng của mình, và hội chúng đáp: 'A-men!' Bấy giờ bánh và chén đã biệt ra thánh bèn được phân phát cho mỗi người cùng dự phần; người nào vắng mặt, thì các chấp sự đem đến tận nhà cho họ. Bấy giờ người giàu có và người hằng tâm dâng tiền cho công việc Chúa tùy theo lòng mình muốn. Số tiền dâng nầy giao cho ông chủ tọa, và ông đem phân phát cho trẻ mồ côi, bà góa, người bị cầm tù, khách lạ và mọi người thiếu thốn."
Irénée (130-200 S.C.).-- Được trưởng dưởng tại thành Si-miệc-nơ. Môn đệ của Polycarpe và Papias. Du hành rất nhiều. Làm Giám mục thành Lyon, xứ Gaule (Pháp). Ông nổi tiếng nhứt vì viết sách chống phe Duy-tri. Tuận đạo. Đây là hồi ký của ông về Polycarpe: "Tôi nhớ rõ chỗ Thánh Polycarpe ngồi giảng dạy. Tôi nhớ những bài ông giảng cho dân chúng và những lời ông diễn tả mối liên quan của mình với sứ đồ Giăng và mấy người khác đã từng ở với Chúa. Tôi nhớ rõ ông đọc thuộc lòng những lời phán của Đấng Christ và thuật lại các phép lạ Ngài đã làm. Tôi nhớ rõ ông nói thể nào mình đã nhận lãnh đạo lý nơi những người mắt thấy tai nghe Lời Sự Sống, và đồng ý với Kinh Thánh về mọi phương diện."
Origène (185-224).-- Người có học thức nhứt trong Hội Thánh đầu tiên. Ông du hành rất nhiều, trứ tác rất nhiều sách, và có khi dùng tới 20 viên ký lục. Trong các tác phẩm của ông có trưng dẫn hai phần ba Tân Ước. Ông ở thành A-léc-xăn-đơ-ri, nơi cha của ông, là Léonidas, đã tuận đạo. Về sau ông ở xứ Pa-lét-tin, tại đây ông chết vì bị cầm tù và khảo đả dưới đời trị vì của Decius.
Tertullien (160-220) ở thành Carthage, có biệt danh là "cha của Hội Thánh La-tinh." Ông là một luật sư La-mã và vốn thờ tà thần. Sau khi trở lại tin Chúa, ông nổi danh vì binh vực đạo Đấng Christ.
Eusèbe (264-340), "cha của sử ký Hội Thánh," làm Giám mục thành Sê-sa-rê khi Constantin trở lại tin Chúa. Ông có ảnh hưởng lớn trên Constantin và viết một quyển "Sử ký Hội Thánh" từ Đấng Christ cho đến Giáo hội nghị Nicée.
Jean Chrysostome (347-406), "người có môi miệng vàng ngọc," một nhà diễn thuyết vô song; nhà truyền đạo trứ danh nhứt đương thời mình, và chuyên giảng nghĩa Kinh Thánh. Sanh tại An-ti-ốt; làm giáo trưởng (Patriarche) tại Constantinople; giảng cho vô vàn người trong nhà thờ Nữ Thánh Sophie. Ông là một nhà cải cách, không được đẹp lòng vua, nên bị lưu đày và chết tha hương.
Jérôme (340-420), "người học thức uyên bác nhứt trong số các Giáo phụ Hội Thánh La-tinh." Được giáo dục tại thành La-mã, sống lâu năm tại Bết-lê-hem; dịch Kinh Thánh ra tiếng La-tinh, gọi là bản "Vulgate," hiện nay còn là bản Kinh Thánh được Giáo hội Công giáo La-mã thừa nhận.
Augustin (354-430), Giám mục thành Hippo (Bắc Phi). Nhà thần học trứ danh của Hội Thánh đầu tiên. Hơn bất cứ người nào khác, ông đã nắn đúc các giáo lý của Hội Thánh thời Trung cổ. Lúc thanh niên, ông là một sanh viên xuất sắc, nhưng phóng đãng. Ông trở nên tín đồ Đấng Christ do ảnh hưởng của mẹ là Monique, của Ambroise ở thành Milan, và của các thơ tín Phao-lô.
Tác Phẩm Của Các Giáo Phụ Kế Tiếp Các Sứ Đồ
Thơ tín của Ba-na-ba (giữa 70 và 120 S.C.). Thơ tín của Clément ở thành La-mã gởi cho Hội Thánh Cô-rinh-tô (95 S.C.). Bảy bức thơ của Ignace (110). Thơ tín của Polycarpe gởi cho Hội Thánh Phi-líp (110). Sự dạy dỗ của 12 Sứ đồ (giữa 70 và 165). Người chăn chiên của Hẹt-ma (giữa 100 và 140), là bản "Thiên lộ Lịch trình" của Hội Thánh đầu tiên. Các Tàn bản của Papias. Quyển "Diatesseron" của Tatien, tức là bản dung hợp 4 sách Tin Lành (150). Còn nhiều tác phẩm khác. Những tác phẩm nầy rất đáng chú ý vì gần thời đại các Sứ đồ.
* * *
Sử Ký Hội Thánh 5
Các Hội Nghị Toàn Thể Tư Giáo
(Conciles oecuméniques)
Nicée (325 S.C.). Lên án Phản tam vị nhất thần luận (arianisme).
Constantinople (381). Được triệu tập để giải quyết tà thuyết Cơ đốc vô nhân tánh luận.
Ê-phê-sô (431). Được triệu tập để giải quyết tà thuyết Cảnh giáo (nestorianisme).
Chacédoine (451). Được triệu tập để giải quyết tà thuyết Nhị tánh hợp nhứt luận (eutychianisme).
Constantinople (553). Giải quyết tà thuyết Duy nhứt tánh luận (monophysisme).
Constantinople (680). Giải quyết tà thuyết về Đấng Christ có hai ý chí.
Nicée (787). Phê chuẩn sự thờ lạy hình tượng.
Constantinople (869). Đông phương và Tây phương đoạn tuyệt với nhau. Đây là Hội nghị toàn thể tư giáo sau chót. Những Hội nghị sau đây chỉ riêng của Giáo hội La-mã.
La-mã (1123). Quyết định rằng các Giám mục phải do Giáo hoàng đề cử.
La-mã (1139). Cố gắng chấm dứt sự đoạn tuyệt giữa Đông phương và Tây phương.
La-mã (1179). Thi hành kỷ luật trong Giáo hội và trong hàng giáo phẩm.
La-mã (1215). Để thi hành mạng lịnh của Giáo hoàng Innocent III.
Lyon (1245). Để giàn xếp cuộc tranh chấp giữa Giáo hoàng và hoàng đế.
Lyon (1274). Lại cố gắng liên hiệp Đông phương với Tây phương.
Vienne (1311). Diệt trừ các đoàn viên của phòng vệ giáo đường (Templiers).
Constance (1414-1418). Để cứu vãn sự ly khai do Giáo hoàng gây nên. Lên án thiêu chết ông Huss.
Bâle (1431-1449). Để cải cách Giáo hội.
La-mã (1512-1518). Lại cố gắng cải cách.
Trente (1545-1563). Để chống lại cuộc cải chánh Tin Lành.
Vatican (1869-1870). Tuyên bố rằng Giáo hoàng vô ngộ (infaillibilité).
Khổ Tu Chủ Nghĩa
Đây là một phản ứng chống lại tinh thần ham mến thế gian ở trong Hội Thánh, và có lẽ một phần là "phó