"Nhà hội lớn"

Đó là tên của Giáo-nghị-hội gồm 120 hội viên, và truyền rằng do Nê-hê-mi tổ chức chừng năm 410 S.C., dưới quyền chủ tọa của E-xơ-ra, cốt để khôi phục cuộc thờ phượng và đời sống tôn giáo của đoàn phu tù đã hồi hương. Theo truyền thoại, thì Giáo-hội-nghị nầy đã thực hiện phần lớn sự thâu thập, sắp đặt và khôi phục các sách thuộc Kinh điển Cựu Ước. Người ta cho rằng Giáo-nghị-hội nầy cứ tồn tại và cai trị những người Do-thái hồi hương cho tới khoảng năm 275 T.C., rồi nhường quyền cho tòa Công luận.

Tòa Công luận

Là cơ quan được thừa nhận cầm đầu dân Do-thái đương thời Đấng Christ. Người ta cho rằng nó có từ thế kỷ thứ 3 T.C..Nó gồm 70 nhân viên, phần nhiều là thầy tế lễ và quí nhân thuộc phe Sa-đu-sê,vài người thuộc phe Pha-ri-si, vài thầy thông giáo, một số trưởng lão (của chi phái hoặc của gia tộc). Tòa Công luận do thầy tế lễ thượng phẩm chủ tọa, và tiêu mất khi thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy, năm 70 S.C..

Các nhà hội

Các nhà hội mọc lên đương thời dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày. Đền thờ bị phá hủy, dân tộc bị tan lạc, nên cần phải có những nhà hội để dạy đạo và thờ phượng Đức Chúa Trời bất cứ nơi nào có đoàn thể người Do-thái. Sau khi hồi hương, các nhà hội vẫn tồn tại vừa ở quê hương, vừa ở các trung tâm Do-thái nơi nước ngoài. Hết thảy thị trấn lớn có một hoặc nhiều nhà hội. Đứng đầu nhà hội có một ủy ban trưởng lão, hoặc quan trưởng. Mỗi nhà hội có bản sao các sách Kinh Thánh, họ mở đọc thường xuyên và công khai. Các cuộc nhóm họp và nơi nhóm họp của tín đồ đầu tiên một phần rập theo mẫu các nhà hội.

Sự tan lạc

Đó là tên chỉ những người Do-thái sống ngoài xứ Pa-lét-tin và cứ giữ các tập tục tôn giáo giữa vòng dân ngoại. Rất nhiều người Do-thái nhứt định cứ ở các nước mình đã làm phu tù. Trong thời gian giữa Cựu Ước và Tân Ước, thì người Do-thái ở ngoài xứ Pa-lét-tin sanh sản đông hơn người Do-thái ở trong xứ Pa-lét-tin bội phần. Có những khu vực Do-thái đông đúc ở mỗi xứ và mỗi đô thị lớn của thế giới văn minh, như Ba-by-lôn, A-si-ri,Sy-ri, Phê-ni-xi, Tiểu-Á-tế-á, Hy-lạp, Ai-cập, Bắc phi và La-mã. Ba khu vực quan trọng của sự Tan lạc là Ba-by-lôn, Sy-ri và Ai-cập. Đương thời Đấng Christ, người Do-thái ở Ai-cập tính phỏng có tới 1 triệu. Người Do-thái cũng ở rất đông đúc tại Đa-mách và An-ti-ốt. Mỗi chỗ họ đều có nhà hội và Kinh Thánh.Vậy, do hóa cơ của Đức Chúa Trời, đang khi người Do-thái bị đem đi làm phu tù tại ngoại bang (vì Ngài hình phạt tội lỗi của họ), thì tình trạng lưu đày của họ đã trở thành ích lợi cho các dân tộc mà họ bị tan lạc tới đó. Họ có ảnh hưởng đến tư tưởng các dân tộc, và cũng chịu ảnh hưởng của tư tưởng các dân tộc ấy.

Phe Pha-ri-si

Người ta cho rằng phe Pha-ri-si phát sanh từ thế kỷ thứ 3 T.C., trước cuộc khởi nghĩa của đoàn thể Macchabées.Khi xứ Do-thái ở dưới quyền cai trị của Hy-lạp và người Hy-lạp cố gắng Hy-lạp hóa người Do-thái, thì giữa vòng người Do-thái có một khuynh hướng mạnh mẽ muốn tiếp nhận văn hóa Hy-lạp cùng những tập tục tôn giáo thờ hình tượng của họ. Sự dấy lên của phe Pha-ri-si là một phản ứng và phản kháng khuynh hướng nầy giữa vòng đồng bào Do-thái. Mục đích của họ là bảo tồn sự toàn vẹn quốc gia và sự tuyệt đối tuân theo luật pháp Môi-se. Vậy, phe Pha-ri-si phát sanh từ lòng ái quốc nồng nhiệt và mộ đạo, nhưng sau đã biến thành một phe chú trọng nghi thức,cậy công bình riêng và giả hình. Xem thêm ở dưới, Ma-thi-ơ đoạn 23.

Phe Sa-đu-sê

Người ta cho rằng phe Sa-đu-sê phát sanh độ cùng một lúc với với phe Pha-ri-si. Bị những nhận xét trần tục hướng dẫn,họ thuận theo tập tục Hy-lạp, và đứng chung cương vị với các người theo văn hóa Hy-lạp. Họ không dự phần cuộc khởi nghĩa của phái Macchabées để giành tự do cho dân tộc. Họ thuộc về đoàn thầy tế lễ, và dầu là phẩm chức tôn giáo của quốc gia, nhưng họ thẳng thắn và công nhiên vô tôn giáo. Họ không đông lắm,nhưng giàu và có thế lực. Dầu duy lý và có tinh thần thế gian, nhưng họ lại kiểm soát tòa Công luận rất chặt chẽ.

Các thầy thông giáo(1)

Các thầy thông giáo là người chép Kinh Thánh. Đây là một chức nghiệp có từ thời rất xưa, và rất quan trọng đương lúc chưa có máy in. Người ta cho rằng họ bắt đầu xuất hiện đương lúc dân bị lưu đày và hợp thành một đoàn thể có tổ chức chánh thức. Công việc của họ là kê cứu, giải thích và biên chép Kinh Thánh. Vì họ hiểu biết luật pháp tỉ mỉ, nên cũng được gọi là thầy dạy luật (luật sư), và được thừa nhận là người có thẩm quyền. Các quyết định của thầy thông giáo trở thành luật pháp truyền bằng miệng, tức là "lời truyền khẩu" (cựu tập). Đương thời các Macchabées, họ đông lắm và rất có thế lực trong vòng dân chúng.

Cuộc dự bị cho Đấng Christ

Cựu Ước là truyện tích về cách Đức Chúa Trời đối xử với dân tộc Hê-bơ-rơ vì mục đích dùng họ đem vào thế giới một Đấng Mê-si cho Muôn Dân. Cựu Ước ví như một bài chúc tụng Đấng Mê-si hầu đến.Bắt đầu bằng các nhạc điệu thấp, lẻ tẻ và không rõ ràng, nó theo thời gian mà lần lần lên cao, thành các nhạc điệu rõ ràng, mạnh mẽ, dồi dào, hân hoan của Đấng Mê-si gần ngự đến. Đồng thời, tùy theo hóa cơ của Ngài, Đức Chúa Trời cũng sắm sẵn các dân tộc. Hy-lạp hợp nhứt các nền văn minh Á, Âu, Phi, và đã đặt ra một thứ tiếng phổ thông khắp thế giới. La-mã gồm cả thế giới thành một đế quốc, và đắp đường lớn đi tới mọi địa hạt của đế quốc ấy. Dân Do-thái bị tản lạc giữa các nước, đem theo nhà hội, Kinh Thánh, tôn giáo, chủ nghĩa độc thần, đã làm cho bốn phương hiểu biết họ đang trông đợi một Đấng Mê-si. Như vậy, Đức Chúa Trời dọn đường cho cuộc rao truyền Tin Lành giữa các nước."