- Chuyên mục: Thánh Kinh Lược Khảo
Các Tác Phẩm Khác
Ngoài các Ngụy kinh giải luận ở mấy trang trước, còn có những tác phẩm Do-thái khác, biên trứ trong thời gian giữa thế kỷ thứ 2 T.C., và thế kỷ thứ 1 S.C. . Phần lớn có tánh chất như sách Khải Huyền, trong đó tác giả "đội tên một vị anh hùng đã chết từ lâu mà viết lại lịch sử dưới hình thức lời tiên tri." Những sách nầy phần lớn gồm các sự hiện thấy giả định là của nhiều nhân vật thượng cổ trong Kinh Thánh, và một vài sự hiện thấy trong số đó đầy tưởng tượng quái dị, cuồng loạn hơn hết. Phần lớn những sách nầy luận về Đấng Mê-si hầu đến. Nỗi thống khổ trong thời kỳ các Macchabéeslàm cho dân Do-thái càng nóng lòng trông đợi gần tới ngày Đấng Mê-si ngự đến. Một phần dựa vào các truyền thoại vô bằng, một phần dựa vào trí tưởng tượng. Một vài tác phẩm có tiếng nhứt là
Các sách của Hê-nóc
Đây là một loạt đoạn ngắn, do nhiều tác giả, mà ta không biết là ai, đã viết nhằm thế kỷ thứ 1 và thứ 2 T.C.. Gồm những sự khải thị mà người ta kể là Đức Chúa Trời đã ban cho Hê-nóc và Nô-ê
Những sách nầy luận về Đấng Mê-si hầu đến và Ngày Phán xét. Xem thêm ở dưới Giu 1:14.
Môi-se lên trời
Do một người Pha-ri-si viết, vào khoảng Đấng Christ giáng sanh. Chứa những lời tiên tri kể là của Môi-se viết ra lúc gần qua đời và giao cho Giô-suê.
Ê-sai lên trời Thuật truyện hoang đường về Ê-sai tuận đạo, và một vài sự hiện thấy kể là của ông. Người ta tưởng sách nầy đã viết tại kinh thành La-mã, bởi một người Do-thái tin theo Đấng Christ, đương thời hoàng đế Néron bắt bớ người Do-thái.
Sách các năm Hân hỉ
Đây là bài bình luận sách Sáng thế ký.Có lẽ viết trong thời kỳ các Macchabées, hoặc sau đó ít lâu. Sách nầy đặt tên theo cách nó tính thời gian, căn cứ trên lệ định cứ 50 năm lại có 1 năm Hân hỉ.
Các Thi Thiên của Sa-lô-môn
Một loạt bài ca do một người Pha-ri-si vô danh trứ tác, luận về Đấng Mê-si hầu đến. Có lẽ đã viết sau thời kỳ các Macchabéesít lâu.
Di chúc của 12 Tộc trưởng
Một tác phẩm của thế kỷ thứ 2 T.C., giả định là lúc gần qua đời, 12 con trai của Gia-cốp đã truyền huấn thị cho con cháu mình. Mỗi tộc trưởng ấy thuật lại tiểu sử đời mình và các bài học đã rút được.
Các Sấm ngôn của Sybilline
Viết đương thời các Macchabées,và về sau có thêm vào; bắt chước các sấm ngôn của người Hy-lạp và người La-mã.Luận về sự suy sụp của các đế quốc chuyên ức hiếp, và sự dấy lên của thời đại Đấng Mê-si.
Bản Septante
Đây là bản dịch Cựu Ước từ tiếng Hê-bơ-rơ ra tiếng Hy-lạp. Phiên dịch tại thành phố Alexandrie, là nơi có nhiều người Do-thái nói tiếng Hy-lạp. Theo truyền thoại, thì nhơn lời yêu cầu của Ptolémée Philadelphe (285-247 T.C.), 70 người Do-thái, là những nhà ngữ âm tài giỏi, đã được đưa từ Giê-ru-sa-lem qua Ai-cập. Trước hết, họ dịch Ngũ kinh của Môi-se. Rồi sau các sách còn lại của Cựu Ước đã được thêm vào bản dịch.Bản dịch nầy gọi là "Septante" (70), vì cớ 70 dịch giả được kể là đã bắt đầu làm công việc ấy. Một vài truyền thoại về việc nầy không có gì chắc chắn. Nhưng người ta thường đồng ý rằng sự phiên dịch đã bắt đầu dưới đời trị vì của Ptolémée Philadelphe, và được hoàn thành trong vòng 100 năm sau.Đương thời ấy, tiếng Hy-lạp là thế giới ngữ. Bản dịch nầy thông dụng đương thời Đấng Christ. Tân Ước viết bằng tiếng Hy-lạp. Nhiều câu Tân Ước trưng dẫn đã rút ở bản Septante.
Bản Văn Của Cựu-Ước
Người ta tin rằng các sách Cựu Ước nguyên thủy viết trên những tấm da. Hết thảy viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ, trừ ra một vài khúc sách E-xơ-ra và sách Đa-ni-ên viết bằng tiếng Araméen. Người ta đã sao lại bằng tay. Tiếng Hê-bơ-rơ có những chữ vuông, viết từ bên phải qua bên trái, có chấm hoặc dấu nối liền với nhau bằng nhiều cách mà biến thành mẫu tự (voyelles) (mãi đến thế kỷ thứ 6 S.C. mới có hệ thống mẫu tự). Dầu chép hết sức cẩn thận, vẫn dễ sanh ra nhiều cách viết khác nhau. Cho tới lúc dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày, các bản chánh thức vẫn được giữ trong Đền thờ. Sau đó, đã sao nhiều bản cho các nhà hội, và chắc chắn có nhiều cách viết khác nhau. Dường như trong một vài trường hợp, người biên chép đã chú giải ở ngoài lề,rồi người biên chép sau điền luôn lời chú giải vào trong chính bản văn. Nhưng một vài nhà học giả kim thời đã quá ư phóng đại sự điền chung đó. Cuộc phát minh máy in đã cất bỏ hiểm họa do các sự sai lầm trong bản văn; ngày nay, sau nhiều năm làm việc khó nhọc và cố gắng so sánh những bản thảo khác nhau, các nhà học giả đã đạt tới kết quả, là bây giờ chúng ta có một bản văn Hê-bơ-rơ gọi là bản "Massorétique."
Tiếng Araméen
Đây là tiếng thông dụng tại xứ Pa-lét-tin đương thời Đức Chúa Jêsus. Đó là tiếng Sy-ri đời cổ, rất giống tiếng Hê-bơ-rơ. Sau khi dân Y-sơ-ra-ên từ cảnh lưu đày ở Ba-by-lôn trở về, tiếng nầy đã lần lần thay thế tiếng Hê-bơ-rơ, và dùng làm ngôn ngữ thông dụng của dân chúng.
Các Targums
Đây là những bản dịch các sách Cựu Ước từ tiếng Hê-bơ-rơ ra tiếng Araméen. Vì tiếng Araméen thông dụng khắp nơi, nên khi đọc Kinh Thánh ở nơi công cộng, cần phải giải nghĩa các danh từ Hê-bơ-rơ. Sau đó, những bản dịch miệng, những lời chú giải và những lời giải thích đã được chép thành sách.
Talmud
Đây là sách sưu tầm các truyền thoại của dân Do-thái và các lời giải thích Cựu Ước bằng miệng đã được viết ra nhằm thế kỷ thứ 2 S.C.; về sau có thêm phần bình luận các truyền thoại và lời giải thích đó.