Cuộc nhóm họp thờ phượng sáng Chúa nhật tại nhà thờ thường được nhìn nhận là phương thức chánh yếu để Hội Thánh tự tỏ mình ra với một địa phương. Nếu giáo hữu trung tín đến dự và nếu cuộc thờ phượng diễn ra thích đáng, thì đó là một phương pháp hoàn toàn hữu hiệu và đầy đủ để làm trọn phần lớn công việc mà Hội Thánh tồn tại để làm trọn.

Không còn nghi ngờ chi nữa, cuộc nhóm họp thờ phượng sáng Chúa nhật ở nhà thờ nếu thường xuyên tốt đẹp, ắt là Phước Lành Lớn Nhứt Mà Một Địa Phương Có Thể Được. Ta không thể nào phóng đại tánh cách quan trọng của nó.

Chúng ta dự cuộc nhóm họp như là một hành động thờ lạy Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, những người cai trị cuộc nhóm họp có bổn phận làm cho nó hết sức hữu ích, hào hứng và tốt đẹp.

Hai đặc điểm hệ trọng nhứt của cuộc nhóm họp thờ phượng sáng Chúa nhật là sự ca hát của hội chúng và sự dạy Lời Đức Chúa Trời.

Bài dạy Kinh Thánh(1) thường chỉ có một địa vị rất thấp thỏi, còn toàn thể cuộc nhóm họp lấy bài giảng làm chủ chốt. Sai lầm biết bao! Bài giảng quan trọng quá, còn bài dạy Kinh Thánh chẳng đáng kể chi. Người ta thường đọc vài câu Kinh Thánh như một nghi thức buồn tẻ, lúc mở đầu buổi nhóm họp, rồi kết luận uể oải rằng: "Xin Chúa thêm phước cho sự đọc Lời Ngài!" Xin Chúa ban phước cho công tác mà ông Truyền đạo coi là không quan trọng bao nhiêu, thì thật là liều lĩnh quá! Bao phen người ta bị cám dỗ mà nghĩ rằng không phải Nhà của Đức Chúa Trời, nhưng là nhà của ông Truyền đạo!

Nếu bài dạy Kinh Thánh không phải là một nghi lễ lẻ loi, ngắn ngủi lúc bắt đầu cuộc thờ phượng, nhưng liên hiệp với bài giảng, trở thành nền, sườn, kiểu và trái tim của bài giảng, thì tốt hơn bội phần; ấy vì Lời Đức Chúa Trời ở tiền cảnh, và ông Truyền đạo ở bối cảnh hoặc ít, hoặc nhiều.

Đọc Kinh Thánh đối đáp không thể thay thế đầy đủ bài dạy Kinh Thánh. Đọc Kinh Thánh đối đáp cũng không có giá trị bao nhiêu, trừ ra nó là phương pháp để hội chúng dự phần buổi lễ. Chính ông Mục sư có thể đọc cùng một đoạn Kinh Thánh ấy và có hiệu lực hơn nhiều. Còn như hội chúng dự phần buổi lễ, thì phương pháp tốt nhứt là để hội chúng hát thánh ca.

Cầu nguyện.-- Buổi nhóm họp sáng Chúa nhật tại nhà thờ cốt để thờ phượng, cầu nguyện, cảm tạ và ngợi khen Đức Chúa Trời. Chúng ta phải nhớ kỹ điều đó, đi nhà thờ với tinh thần cầu nguyện và đương buổi nhóm họp, cố gắng giữ mình trong tinh thần cầu nguyện.

Không cần cầu nguyện dài. Làm vậy, chỉ khiến cho hội chúng mất tinh thần cầu nguyện. Cầu nguyện ngắn nhiều lần, xen vào những phần khác của cuộc thờ phượng, còn tốt hơn.

Nhiều bài thánh ca chính là lời cầu nguyện, và là lời cầu nguyện hữu hiệu hơn hết. Ta có thể nghĩ rằng một bài thánh ca cầu nguyện nhẹ nhàng biểu lộ được sự cầu nguyện của hội chúng.

Khi cầu nguyện, ông Mục sư chẳng bao giờ nên "tán rộng" bài thánh ca vừa mới hát; làm vậy, dường như ông đã cạn hết ý tưởng rồi. Cũng không nên cầu nguyện dường như nấp sau Đức Chúa Trời mà giảng cho hội chúng.

Phải dâng lời cầu nguyện với tinh thần khiêm cung nài xin. Chúng tôi từng nghe nhiều người cầu nguyện văn hoa, không có tinh thần khiêm cung, song với một giọng chỉ huy. -- không phải là cầu nguyện, mà giống như mạng lịnh của viên tướng lãnh bảo Đức Chúa Trời phải tiến đánh chỗ nào.

Đọc lời cầu nguyện hay ứng khẩu cầu nguyện, thì không quan hệ bao nhiêu. Chắc vậy, một lời cầu nguyện tốt, đọc hay còn quý giá hơn lời cầu nguyện của Mục sư không sẵn sàng, dường như còn tự hỏi phải nói gì.

Một giờ.-- Thỉnh thoảng những cuộc nhóm họp có tánh cách đặc biệt đòi hỏi nhiều thì giờ hơn. Song ở những buổi nhóm họp nhà thờ thường xuyên, tại đó cùng một hội chúng nghe cùng một ông Truyền đạo hết tuần nầy tới tuần khác, hết năm nọ qua năm kia, thì một giờ là đủ rồi. Ta càng nên nghĩ là đủ rồi, vì nhiều người trong cùng một hội chúng ấy còn dự những buổi nhóm họp khác trong cùng một ngày. 20 phút cho hội chúng hát thánh ca, 20 phút cho bài giảng, và 20 phút để cầu nguyện, dâng tiền, báo cáo, v.v...

Nếu mỗi một khoảng trong cuộc nhóm họp đã được sửa soạn trọn vẹn, nếu đã loại bỏ hết những việc lãng phí thì giờ, những lời vô ích và những đặc điểm vô giá trị, nếu sự hát thánh ca và dạy Kinh Thánh được dành cho địa vị xứng đáng, thì cuộc nhóm họp sẽ tốt đẹp, hữu ích, sẽ là một giờ quý báu trong đời sống của tín hữu.

* * *

Cuộc Nhóm Họp Thờ Phượng Sáng Chúa Nhật Tại Nhà Thờ 2

Âm Nhạc

Sau sự giảng dạy Kinh Thánh, hội chúng hát thánh ca là Đặc Điểm Tốt Nhứt của cuộc nhóm họp thờ phượng, là phương pháp hữu hiệu nhứt để rao giảng Tin Lành. Nhà thờ có hát nhiều thánh ca bao giờ cũng đông người nhóm họp. Người ta ưa nghe hát. Phải có một nhà thờ Vang Tiếng Hát Thánh Ca và một tòa giảng Chuyên Dạy Dỗ.

Môi-se đã hát, -- vừa hát, vừa dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên. Mi-ri-am đã hát. Đê-bô-ra và Ba-lác đã hát. Đa-vít đã hát và trứ tác nhiều Thi Thiên để dân chúng hát. Đức Chúa Jêsus và các sứ đồ đã hát. Phao-lô và Si-la đã hát. Các thiên sứ cũng hát. Trên trời, Ai Nấy Sẽ Hát.

Sức mạnh của sự ca hát bình dân.-- Chính là nhờ dân chúng hát các bản thánh ca của Luther mà lời giảng của ông đã truyền đến Trung Âu, làm cho thế giới lay chuyển mà có cuộc Cải chánh. Sự hát thánh ca đã đem lại cuộc Phục hưng xứ Galles. Có bao giờ có một cuộc phục hưng nào mà lại không có hát thánh ca chăng? Ngày nay, phương pháp tốt nhứt để thanh niên hóa các chi hội đã chết rồi chính là Hát Thánh Ca để kêu nó sống lại.

Hội chúng phải hát thánh ca nhiều hơn.-- Nếu tiếng hát hiếm, thì chính là khuyết điểm lớn nhứt trong cuộc nhóm họp thờ phượng trung bình sáng Chúa nhật ở nhà thờ. Sự hát thánh ca đáng phải tăng lên Gấp Mười Lần. Không có thì giờ hát sao? Nầy, hãy rút ngắn bài giảng, hãy bỏ bớt sự phô trương ban hát riêng, để có thì giờ cho hội chúng hát. Không thể thay thế thì giờ hội chúng hát bằng cách báo cáo một giờ hát đặc biệt mà hầu hết tín hữu không dự được. Sự Hát Của Hội Chúng phải có một địa vị xứng đáng trong cuộc nhóm họp thờ phượng thường xuyên sáng Chúa nhật ở nhà thờ; ta chẳng nên loại bỏ nó vì cớ một ban hát hiếu thắng hoặc một bài giảng dài dòng. Sự hát của hội chúng đáng chiếm Một Phần Ba hoặc Một Nữa thì giờ nhóm họp.

Hát luôn một lúc thì tốt hơn thì giờ hát luôn luôn bị gián đoạn vì lời phê bình của người điều khiển, hoặc vì đọc một khúc thánh ca, hoặc vì những phần khác của cuộc lễ xen vào quá sớm. Làm vậy, sẽ mất hết hiệu lực. Suốt 20 phút hoặc nữa giờ, chỉ hát thôi, để lời hát có đủ thì giờ in vào tâm trí người ta. Giáo hữu ưa hát bội phần hơn ưa người điều khiển nói giễu cợt. Cái đáng kể là Hát, chớ không phải là người điều khiển luôn luôn Nói Xen Vào.

Hãy thường hát lại cùng một bài thánh ca.-- Có thường hát luôn, thì giáo hữu mới quen bài thánh ca ấy. Chúng ta yêu mến những bài thánh ca mà mình quen biết, và chúng ta không hề chán những bài thánh ca mà mình yêu mến. Hãy hát những bài thánh ca cũ, hãy hát đi hát lại mãi. Chi hội nào làm như vậy, thì không cần phải nài xin giáo hữu đi đến nhà thờ, vì họ không thể nào lìa khỏi nhà thờ được.

Hãy học thuộc lòng các bài thánh ca.-- Phải dạy cho hội chúng học thuộc lòng các bài thánh ca mà họ thường hay hát, -- ít ra cũng thuộc lòng một vài câu của các bài ấy. Như vậy, họ sẽ hát hay hơn, sẽ cảm thấy sâu xa hơn tinh thần và sức mạnh của bài mình hát. Nhờ đó, cuộc nhóm họp thờ phượng sẽ có sức mạnh linh động. 

Người điều khiển cuộc hát.-- Trong các nhà thờ, hội chúng thường hát rất ít, nên không có cử ai điều khiển một, hai câu của một, hai bài thánh ca mà Mục sư xin hát. Kết quả, sự hát của hội chúng, là phần của cuộc thờ phượng mà giáo hữu ưa thích nhất, và là phương pháp chánh yếu để Hội Thánh tỏ lòng ngợi khen Đức Chúa Trời, thường lại chỉ là một cách khôi hài.

Mỗi hội chúng cần phải có một Người Điều Khiển cuộc hát. Không Phải người bắt chước trò hề dại dột của một giới Truyền đạo thạnh hành chuyên hát các bài thánh ca phục hưng, -- giới Truyền đạo nầy coi phần lớn cuộc thờ phượng như cơ hội phô trương dại dột và nói giễu cợt, như lúc chỉnh điệu cho chính mình họ đơn ca. Trái lại, phải là một người Tin ở Hiệu Lực Do Hội Chúng Hát Thánh Ca. Có thể là một người điều khiển cuộc hát, mà vẫn giữ được phẩm cách và đoan trang của người giảng dạy.

Ban hợp ca.-- Không ai lường hết giá trị của một ban hát tài giỏi đối với cuộc nhóm họp thờ phượng. Nhưng phải tùy ở họ hát gì. Biết bao lần chúng ta nghe ban hợp ca hát mà chẳng gia tăng giá trị Đạo Đức của cuộc nhóm họp thờ phượng chút nào!

Nhưng dầu ban hợp ca hát tuyệt diệu đi nữa, cũng nên để hội chúng hát hơn là để họ ngồi nghe hát mãi.

Tại Sao Không Biến Cả Hội Chúng Thành Một Ban Hợp Ca? Nếu có người điều khiển thích ứng, thì tiếng hát của hội chúng đông đảo có thể vang lừng như biển dậy, khiến cho thiên sứ trên trời phải cũng cúi xuống và lắng tai nghe.

* * *

Cuộc Nhóm Họp Thờ Phượng Sáng Chùa Nhật Tại Nhà Thờ 3

GIẢNG

Giảng là chức vụ quan trọng hơn hết trong Hội Thánh. Không bao giờ có gì thay thế được lời giảng, vì là môi giới chánh yếu để truyền bá Tin Lành Đấng Christ. Nhưng giảng phải là Dạy, chớ chẳng phải nói rỗng tuếch. Tòa Giảng Là Môi Giới Dạy Dỗ của Hội Thánh. Nói cách bình dân, thì "giảng" nhiều quá, mà "dạy" thì không đủ.

Bài giảng theo câu gốc.-- Nói bóng, nói ẩn ý, tìm đề mục kỳ lạ cho một câu Kinh Thánh hoặc một phần câu Kinh Thánh, lặp đi lặp lại mãi, đi loanh quanh nó, lớn tiếng thay đổi từ ngữ của nó, dùng nó như "nhãn hiệu đúng Kinh Thánh" dán trên những ý tưởng riêng của ông Truyền dạo đối với chân lý Đấng Christ, -- đó là loại bài giảng thạnh hành trong các nhà thờ của chúng ta. Giáo hữu chung thân ngồi dưới sự giảng dạy như vậy, nên vẫn dốt đặc Kinh Thánh. Nhiều khi chúng ta tự hỏi có phải các ông Truyền đạo cho rằng cử tọa hoàn toàn không có trí khôn chăng?

Bài giảng giải thích là một phương thức hoặc kỹ thuật rao truyền chân lý của Lời Đức Chúa Trời có giá trị bội phần hơn kỹ thuật bài giảng theo câu gốc. Đề mục của bài giảng giải thích thường là một phần Kinh Thánh có giá trị, một đoạn, một phần đoạn, hoặc mấy đoạn, hoặc một sách, hoặc một phần sách; bài giảng nầy nêu lên những thực sự và bài học chánh yếu trong đoạn sách đã lựa chọn. Đó mới thật là giảng. Ít ra, nó cũng có vẻ hiến cho Lời Đức Chúa Trời một địa vị ưu thế.

Một Mục sư đã từng nghe Spurgeon, Beecher, Phillips Brooks, Joseph Parker, và hết các vị Truyền đạo trứ danh của thế hệ trước; có lần ông nói với tôi rằng bài giảng có quyền phép hơn hết mà ông được nghe trong đời mình là của Alexander Whyte, nhà Truyền đạo trứ danh của xứ Tô-cách-lan. Trong bài giảng ấy, ông chỉ đọc thơ Phi-líp, và thỉnh thoảng thêm lời bình luận. Đó là một bài học quí báu biết bao cho các ông Truyền đạo ngày nay! Nhưng ông Truyền đạo nào ngày nay dám thử làm như vậy, thì hãy để rất nhiều thì giờ sửa soạn trước đã.

Một bài giảng hay nhất mà tôi từng được nghe đã lấy ở một đoạn thơ Ê-phê-sô. Về sau, ông Mục sư giảng bài ấy tỏ cho tôi biết rằng khi soạn bài, ông đã đọc đoạn sách đó Trên Một Trăm Lần, nghiên cứu những ý tưởng trọng yếu của nó, rồi viết ra, sắp đặt đi, sắp đặt lại, tóm tắt, viết lại cho nó có hình thức chung kết, sẵn sàng giảng ra. Cử tọa của ông thỏa mãn, nào có lạ gì.

Buổi thờ phượng sáng Chúa nhật là một lớp Kinh Thánh đông đúc.-- Tại sao không có như vậy? Há có thể làm gì tốt hơn? nếu ông Mục sư có một hội chúng gồm toàn những người chuyên cần đọc Kinh Thánh như trên kia đã nói, nếu hội chúng có một ông Mục sư hợp tác với họ trong các bài giảng của ông bằng cách lấy lòng từ ái dạy Lời Đức Chúa Trời đang khi họ đọc, thì phước biết bao nhiêu!

20 phút! Thỉnh thoảng có những cơ hội đặc biệt, ta có thể giảng bài dài hơn. Song trong các buổi nhóm họp thường xuyên ở nhà thờ, là nơi phần nhiều cùng một đám người họp lại để nghe cùng một ông Truyền đạo hết tuần nầy qua tuần khác, tháng nọ qua tháng kia, năm nầy tới năm khác, thì bài giảng 20 phút là đủ dài rồi.

Dùng quá nhiều sức trên tòa giảng.-- Nhiều người không soạn kỹ bài giảng, nên phải cố gắng để nhấn thật mạnh, nào kêu la, nào đập bàn, nào nhảy lên, nào xoay tròn, nào nói hung hăng, nào vẫy tay, nào huơ tay trên không khí, dường như trong một trận đấu quyền Anh. Không cần phải làm như vậy. Tinh thần khiêm nhường, giản dị xứng hợp với ông Truyền đạo bội phần hơn tinh thần hung hăng, mạt sát. Làm điệu bộ chừng nào cũng không bù đắp được sự thiếu Ý Tưởng.

Viết cả bài giảng.-- Nếu Mục sư không thể tập "nói mà không luôn luôn dừng lại, nếu ông ngập ngừng và lặp lại luôn, thì tốt hơn là ông viết bài giảng ra mà đọc. Nếu bài giảng viết khéo và đọc hay, thì cũng có thể có sức mạnh như một bài giảng ứng khẩu. Ta sẽ ngạc nhiên vì thấy nếu bài giảng được xem đi xem lại, viết đi viết lại nhiều lần, thì biết bao lời có thể tóm tắt rất ngắn!

Hết