- Được viết bởi: Nguyễn Thiên Ý
- Chuyên mục: Quyển I - THÁNH KINH HỌC
23. Đề tài “Sự Khải Thị” đến từ đâu? Đề tài nầy có nghĩa gì?
-Sự Khải Thị hay Sự Mặc Thị* là một đề tài quan trọng đến từ Kinh Thánh. Như câu đầu tiên của Sách Khải Huyền có chép:
Khải 1:1: “Sự mặc thị của Ðức Chúa Jêsus Christ mà Ðức Chúa Trời đã ban cho Ngài đặng đem tỏ ra cùng tôi tớ Ngài những điều kíp phải xảy đến, thì Ngài đã sai thiên sứ đến tỏ những điều đó cho Giăng, tôi tớ Ngài,…”
Hay là như trong ISử 17:3-15 cũng chép:
Xảy trong đêm đó, có lời của Đức Chúa Trời phán cùng Na-than rằng… [ISử 17:3].
Na-than theo các lời nầy và sự mặc thị nầy mà tâu lại với Đa-vít [ISử 17:15].
Khải (啟) là "mở ra", thị (示) là “tỏ rõ, là mách bảo, bày ra cho người ta xem”. Chữ Khải Thị, trong tiếng Hán Việt có nghĩa là mở ra cho xem, tỏ rõ để biết. Khải Thị là chữ mà người Trung Hoa dùng để dịch chữ Apokalupsis trong tiếng Hy-lạp cổ, nguyên ngữ của Kinh Thánh Tân Ước, có nghĩa là Sự Tiết lộ. Chữ nầy cùng với những chữ như Khải Huyền, Mặc Thị, Mặc Khải,… đều chỉ cho việc Đức Chúa Trời tự tiết lộ, tự bày tỏ, hay tự vén màn bí mật (khải huyền) về chính mình Ngài ra cho con người được biết, được xem thấy. Sách Khải Huyền trong Tiếng Anh là Revelation, như vậy là đã dịch theo nghĩa, còn trong tiếng Pháp là L’Apocalypse, như vậy là đã dịch theo âm của chữ Apokalupsis, mà nguyên văn Kinh Thánh Hy Lạp đã dùng.
*Cần nên để ý là cùng một chữ Apokalupsis (The Revelation/La Révélation) mà trong bản Kinh Thánh tiếng Việt 1926, vốn chịu ảnh hưởng bản Hoa văn, khi thì dịch là "Khải thị (hay Khải huyền)", khi thì dịch là "Mặc thị". Đây là một sự dùng chữ rất cẩn trọng, bởi vì người Trung hoa dùng chữ "mặc thị" để chỉ sự tỏ riêng cho cá nhân, còn chữ "khải thị" để chỉ sự tỏ chung cho mọi người. Cho nên, Đức Chúa Jêsus "mặc thị" cho cá nhân Giăng, để sau đó dùng những điều Giăng chép (tức sách Khải huyền) mà "khải thị" cho cả nhân loại.
24. Tại sao phải cần có sự khải thị?
Theo như sự khải thị của Kinh Thánh trong Sách Lu 3:38, thì loài người là con của Thiên Chúa, và trong Sách Công 17:28-29, thì Loài người là dòng dõi của Ngài. Điều đó có nghĩa rằng Đức Chúa Trời vừa là Đấng Sáng Tạo, lại vừa là Cha của mỗi người chúng ta.
Vì Ngài đã dựng nên con người theo hình tượng Ngài, và bằng hơi sống Ngài [Sáng 1:26-27,2:7], rồi sau đó ban phước cho con người và dùng định lệ sanh hóa mà tiếp tục sanh con người ra trên mặt đất [Sáng 1:28], nên giữa Ngài với con người có một mối quan hệ độc đáo, vừa vật lý vừa hữu cơ, vừa sinh lý vừa tâm linh, tuyệt đối vô song trong vũ trụ. Chính vì đó mà tình yêu của Ngài dành cho con người là tình yêu vô cùng vượt trội lên trên tất cả mọi tình yêu khác. Ngài thương yêu con người bằng một tình yêu tự nhiên, mạnh mẽ và sâu xa, vượt quá mọi sự suy tưởng hay hiểu biết của chính con người. Kinh Thánh cho biết rằng tình yêu thương của Chúa “rung động” trong mình Chúa, lòng thương xót của Chúa “nóng nảy” trong Chúa. Vì vậy, khi thấy con người vì phạm tội mà phải chết, phải hư mất, tức là phân rẽ khỏi Ngài, gãy đổ mối quan hệ Cha-Con với Ngài [Lu 15:24,32] và trở nên “con bội nghịch” hay “con phản loạn” [Êph 2:2, 5:6] thì lòng Ngài tan vỡ. Ngài cực kỳ đau đớn khi thấy con cái dòng dõi mình bị kẻ thù Ngài lừa gạt đến đỗi bỏ Cha mình, xây lưng lại với Cha mình mà đi theo nó, trở thành nô lệ cho nó, phải một đời khốn khổ hầu hạ nó, và cuối cùng phải bị hình phạt đau đớn chung với nó.
Cho nên đối với Ngài thì điều quan trọng nhứt và cấp bách nhứt là phải cứu con người ra khỏi tay của Sa-tan, thoát khỏi khỏi án phạt của tội lỗi, và quyền lực của tội lỗi, để đem con người trở lại với mối quan hệ và sự thông công Phụ tử [Giăng 17:3, 1Giăng 3:1], Phu phụ [Khải 21:9,22:17] với Ngài, theo ý nghĩa cao quý và sâu xa nhứt của hai mối quan hệ đó, để rồi cùng nhau bước đi trong sự yêu thương trọn vẹn, từ ngay trong thế gian nầy, cho đến suốt cõi đời đời.
Nhưng để có thể cứu rỗi con người, thông công với con người, và bước đi với con người, thì điều quan trọng là con người phải biết rõ chính Ngài là ai, biết rõ tấm lòng của Ngài, biết rõ mọi kế hoạch của Ngài, đồng thời cũng phải biết rõ cảnh trạng của chính mình, phải biết rõ mình cần phải được thay đổi ra sao, mình phải làm gì và phải sống ra sao, phải cùng bước đi với Ngài như thế nào. Cho nên, Sự Khải thị là tuyệt đối cần thiết.
25. Sự khải thị trong các tôn giáo và trong Tin Lành khác nhau thế nào?
Nếu căn cứ vào sự khải thị mà phân chia, thì trong thế gian sẽ có 3 loại tôn giáo:
- Tôn giáo không cần khải thị: Ví dụ: đạo Nho, đạo Phật…
- Tôn giáo khải thị bởi thần lạ: Ví dụ: đạo Hồi, đạo Cao-đài…
- Tôn giáo khải thị bởi Chân Thần: Tin lành của Đức Chúa Trời.
Như vậy, có thể nói tóm lại, Tin Lành là sự khải thị của Chân Thần, tức là Đức Chúa Trời của “Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, và Đức Chúa Trời của Gia-cốp”, Đức Chúa Trời của Cơ-đốc nhân, hay Đức Chúa Trời của Kinh Thánh, trong lúc đó các tôn giáo là sự khải thị của các thần khác.
26. Có những tôn giáo nào đã được hình thành trong nhân loại mà không đến từ sự khải thị?
Xưa nay đã có những tôn giáo đã được hình thành trong nhân loại mà không đến từ sự khải thị. Thí dụ:
(1) Nho giáo: Đạo Nho là một hệ thống triết lý, đạo đức, giáo dục, xã hội, và chánh trị, của Trung Quốc có từ thời Chu công, khoảng 1000 năm trước Công nguyên. Khổng Tử (551-479BC) có công san định lại 5 sách Thư, Thi, Lễ, Dịch, Xuân Thu, gọi là Ngũ Kinh. Khổng Tử tự nhận mình là "thuật nhi bất tác", nghĩa là chỉ nói lại các lời dạy của người xưa, chớ không sáng tác điều gì mới. Dầu vậy, học trò của ông về sau cũng viết thêm 4 sách, ghi lại lời dạy, việc làm của Khổng Tử, cùng một số quan điểm, và lời dạy của chính họ. Bốn sách nầy gọi là Tứ Thư.
Trong tiếng Hoa, chữ "Nho" (儒) gồm có chữ "nhân" (亻) là người, cùng chữ "nhu" (需) là cần thiết, kết hợp lại, tỏ ra rằng môn đệ của Nho giáo là người cần yếu cho xã hội*. Nho sĩ là người biết áp dụng các triết lý đạo đức và chính trị của Khổng giáo để dạy dỗ, để cai quản xã hội, cốt yếu làm sao cho bản thân được hữu dụng, gia đình được yên ấm, xã tắc được thái bình thịnh trị. Đạo Nho, kính Thượng đế**, nhưng không biết rõ, không đến gần, và hầu như không có một mối liên lạc đặc biệt nào với Thần, linh. Sự cúng tế trong Nho giáo là để bày tỏ hiếu kính, chớ không phải là sự giao thông để biết ý thần linh. Như vậy, kinh sách của nho giáo là tác phẩm của các nhà triết học xã hội, và chính trị Trung Quốc làm ra, chớ không do một thần linh nào khải thị cả.
*Chính nhận thức nầy đã tạo nên một niềm kiêu hãnh cực kỳ, và một sự hấp dẫn mạnh mẽ của Nho giáo đối với mọi người nam, khiến cho Nho giáo có khả năng hình thành cả một hệ thống chánh trị, và định hình cả một xã hội trọng nam của Đông Á trong suốt hàng mấy ngàn năm.
**Khổng Tử: "Quỉ Thần kính nhi viễn chi" (Thần linh thì nên sợ mà xa ra). Chữ "quỉ" trong đạo Nho chỉ các hữu thể thuộc linh chung chung, không nhứt thiết là ma quỉ. Khái niệm "quỉ" trong Kinh Thánh, trong Nho giáo, và trong Phật giáo là ba khái niệm rất khác nhau.
(2) Phật giáo: Tự bản chất Phật giáo là tôn giáo vô thần*. Trong đạo Phật, không có chỗ cho bất kỳ một thần linh cá thể nào cả.
Triết học Phật giáo xây dựng trên "Tứ diệu đế" để giải thích bản chất và nguyên nhân của sự đau khổ, cùng "Bát chánh đạo" là phương cách để mỗi người tự áp dụng, tu tập, hầu giải thoát chính mình khỏi sự đau khổ đó.
Kinh sách Phật giáo gọi là "Tam tạng", trong đó "Kinh" tạng ghi chép các lời dạy của Phật Thích ca cùng các môn đệ, "Luật" tạng bao gồm các luật lệ tu hành cùng lịch sử Phật giáo sơ kỳ, và "Luận" tạng trình bày các quan điểm triết học và tâm lý học của Phật giáo.
Như thế, toàn bộ triết học Phật giáo chứa đựng trong các kinh sách Phật giáo, là sản phẩm của trí tuệ Phật Thích-ca, cùng các môn đệ, chớ không do bất kỳ một thần linh nào khải thị cả.
*Phật giáo, như chúng ta đã thấy, thoạt đầu là triết lý giải thoát. Nhưng vì con người là một loài thọ tạo được dựng nên với một bản năng thờ phượng, và sống bằng niềm tin vào một hữu thể cao hơn mình, cho nên chẳng bao lâu, cũng như mọi tôn giáo khác, Phật giáo đã trở nên những tôn giáo thờ phượng. Thực tế, dầu là xây dựng trên một triết học vô thần, sinh hoạt chính yếu của Phật giáo lại là lễ lạt thờ cúng, và Phật giáo đã trở nên là một trong những tôn giáo thờ nhiều thần linh, và nhiều hình tượng nhứt thế giới.
Ngoài ra, Phật giáo tuy Vô thần nhưng không phải là Duy vật. Bởi vì Duy vật luận cho rằng chỉ có duy nhất một hiện hữu là vật chất, và tinh thần, tâm thức, chỉ là sản phẩm của vật chất. Cho nên về con người, thì Duy vật cho rằng con người chết là hết, là ra đất. Tinh thần, tâm thức, vốn là sản phẩm, vốn là phản ảnh của vật chất, cũng biến mất. Tóm lại chết là hết, là không còn gì nữa cả. Trong lúc đó Phật giáo cho rằng con người khi chết không phải là hết, mà tâm thức sẽ đầu thai vào một người khác, hoặc một chủng loài khác trong sáu cõi luân hồi, từ cõi Trời cho đến cõi Địa ngục, tùy theo cái “nghiệp” (karma) mà mình đã tạo ra đang khi còn ở trong “Cõi người ta”.
27. Có những tôn giáo nào đã được hình thành trong nhân loại bởi sự khải của “các thần khác”?
Những tôn giáo đã được hình thành trong nhân loại bởi sự khải thị của “các thần khác” thì có rất nhiều. Thí dụ:
(1) Hồi giáo: Quyển kinh chính yếu và đầu tiên của Hồi giáo là Koran, mà theo như người Hồi giáo tin tưởng, là do Thượng đế (Allha) mặc thị cho Muhammad qua thiên sứ Gáp-ri-ên.
Mặc dầu Kinh Koran (rất ngắn, chỉ 114 chương song) đã dành nhiều chỗ, cũng như dành sự tôn trọng cho những nhân vật của Kinh Thánh như Nô-ê, Áp-ra-ham, Môi-se, Đa-vít, và đặc biệt, danh Đức Chúa Jêsus (Y-sa) được nhắc đến 35 lần, tín lý từ Koran hoàn toàn khác biệt, và thậm chí đối nghịch với Kinh Thánh. Kinh Koran chắc chắn không do Đức Chúa Trời của Kinh Thánh khải thị. Hồi giáo, (cũng giống như một số tôn giáo) bắt nguồn từ một thứ Do thái-Cơ đốc giáo biến tướng (trong thế giới Ả-rập thời đó), đã, đang, và sẽ cạnh tranh với Tin lành của Đức Chúa Trời.
(2) Cao-đài giáo: Đạo Cao-đài ở Việt nam, thành lập năm 1926, xây dựng trên giáo lý "Tam kỳ Phổ độ"*, trong đó Cao-đài chính là "Đại đạo Tam kỳ Phổ độ", nghĩa là nền đạo lớn phổ độ lần thứ ba*.
Đạo Cao-đài cho rằng mình nhận được sự khải thị từ Thượng đế, mà họ gọi là "Đức Cao đài", hay "Thầy". Sở dĩ gọi bằng "Thầy" vì đấng đó đã phán dạy họ qua Cơ bút. Cơ bút của Cao-đài là sự kết hợp của thuật Xoay bàn (la table tournante) của Allan Kardec (1804-1869), một bác sĩ người Pháp, lãnh tụ của phái Thông linh (Spiritisme), và "Đại ngọc cơ" của người Trung hoa.
Kinh sách của đạo Cao-đài là kết quả của sự cầu cơ giáng bút, mà theo như người Cao-đài tin, là lời mặc khải của Ngọc hoàng Thượng đế cho nhân loại trong Đệ tam kỳ. Vậy, không như hai kỳ trước, là Đệ nhứt kỳ, và Đệ nhị kỳ*, đến Đệ tam kỳ, tức là thời thứ ba, hay thời hiện đại, Thượng đế, không dùng các vị "tiên", các vị "thánh" nữa, mà trực tiếp dùng cây "Đại ngọc cơ" để qua cơ bút mà phán dạy cho chúng sanh.
* Theo Đạo Cao đài thì vào Đệ nhứt kỳ Phổ độ, tức là Thời Tối cổ, Ngọc hoàng Thượng Đế dùng một số các vị như Trấn Vũ, Phục Hy bên Tàu, Phạm thiên, Phật Ca diếp bên Ấn độ, Áp-ra-ham, Môi-se bên Trung đông; Sang đến Đệ nhị kỳ Phổ độ, tức là Thời Thượng cổ, Ngài dùng một số vị như Mahavira, Phật Thích ca bên (Nepal) Ấn độ, Lão tử, Khổng tử bên Tàu, Đức Chúa Jesus, và Ma-hô-mết bên Trung Đông v.v… để dạy dỗ nhân loại.
28. Về Đạo Tin Lành thì thế nào?
Đạo Tin Lành của Đức Chúa Trời là một tôn giáo được khải thị bởi Chân Thần.
Người Tin lành, theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh mà tin rằng tất cả mọi tôn giáo trong thế gian đều: (1) Hoặc là, những cố gắng của con người để tìm cách vươn lên, và đến gần với Đức Chúa Trời, mà họ vì đã sa ngã, phạm tội, nên hiện đang bị phân rẽ và cách xa*, cho nên kinh sách của họ phản ảnh những suy nghĩ của chính họ, những cảm nhận của họ về Ngài, và vạch ra con đường mà họ nghĩ rằng họ cần phải đi. (2) Hoặc là, những "nhà tù"** tức là những triết thuyết tôn giáo do ma quỉ chế tạo ra để lừa gạt và cầm tù nhân loại trong sự tối tăm, nên kinh sách của họ chính là sự khải thị của "Vua Tối tăm", tức là “vua cầm quyền chốn không trung tức là thần hiện đang hành động trong các con bạn nghịch” [Êph 2:2].
Như vậy, tóm lại trong thế gian, chỉ có một kinh sách duy nhứt được chính Đức Chúa Trời, Đấng Chân Thần, Đấng Sáng Tạo thế giới, đã khải thị cho loài người, đó là Kinh Thánh Cựu và Tân Ước toàn thư.
*Kinh Thánh và Thần học gọi tình trạng nầy là hư mất, hay chết thuộc linh [Lu 15:32, Ê-phê-sô 2:1, 12-13].
**2 Cô-rinh-tô 10:4-5: Chữ "đồn lũy" trong nguyên văn có thể dịch là "nhà tù", và "lý luận" có thể dịch là "triết lý, học thuyết, ý thức hệ, hay tín lý".