- Được viết bởi: Nguyễn Thiên Ý
- Chuyên mục: Quyển I - THÁNH KINH HỌC
29. Có bao nhiêu phương cách khải thị?
Đức Chúa Trời đã dùng nhiều phương cách khác nhau để khải thị, nhưng tựu trung, các nhà Thần học chia ra làm hai nhóm: (1) Khải thị Tổng quát (General Revelation) và (2) Khải thị Đặc biệt (Special Revelation).
30. Khải thị Tổng quát là gì, và gồm những phương cách nào?
Khải thị Tổng quát là Đức Chúa Trời tự bày tỏ về Ngài cho con người thuộc mọi thời đại, ở khắp mọi nơi biết về Ngài. Khải thị Tổng quát đôi khi còn được gọi là Khải thị Tiền Sa ngã (Prelapsarian Revelation).
Gọi là Khải thị Tổng quát, vì sự khải thị nầy có tính chung dành cho mọi người, mọi nơi, mọi thời đại. Chung về mặt phạm vi, vì dành cho mọi người [Mat 5:45; Công 14:17]. Chung về mặt địa lý, nghĩa là bao gồm cả trái đất [Thi 19:2]. Chung về mặt phương pháp, vì sử dụng những phương tiện phổ thông như “các từng trời, bầu trời, ngày, đêm, mặt trời” [Thi 19:1-6], hay ý thức nội tại về tôn giáo [Thi 16, Thi 42], và lương tâm [Rô 2:14-15], là những điều mọi người đều có.
Sự Khải thị Tổng quát bày tỏ qua các phương cách: (1) Qua cõi Thiên nhiên, (2) Qua ơn Thần hựu, (3) Qua Lịch sử nhân loại, và (4) Qua Ý thức nội tại của mỗi người.
31. Sự Khải thị qua cõi thiên nhiên:
Cõi thiên nhiên khải thị về Đức Chúa Trời: Thi Thiên 19 là một chương về sự Khải thị. Thi Thiên nầy chia làm 2 phần rõ rệt: Phần thứ nhứt, từ câu 1-6 luận về sự Khải thị về Đức Chúa Trời qua cõi thiên nhiên oai nghiêm. Phần thứ hai từ câu 7-14 luận về sự Khải thị về Đức Chúa Trời qua Kinh Thánh.
Về sự Khải thị qua Cõi thiên nhiên, Thi Thiên 19:1-6 chép như sau:
"1 Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời,
Bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm.
2 Ngày nầy giảng cho ngày kia,
Đêm nầy tỏ sự tri thức cho đêm nọ.
3 Chẳng có tiếng, chẳng có lời nói;
Cũng không ai nghe tiếng của chúng nó.
4 Dây đo chúng nó bủa khắp trái đất,
Và lời nói chúng nó truyền đến cực địa.
Nơi chúng nó Ngài đã đóng trại cho mặt trời;
5 Mặt trời khác nào người tân lang ra khỏi phòng huê chúc,
Vui mừng chạy đua như người dõng sĩ.
6 Mặt trời ra từ phương trời nầy,
Chạy vòng giáp đến phương trời kia;
Chẳng chi tránh khỏi hơi nóng mặt trời được".
Các từng trời vĩ đại rao truyền sự vinh hiển của Chúa. Bầu trời bao la giải tỏ cánh tay quyền năng của Chúa, thứ-tự lạ lùng của ngày đêm rao giảng sự khôn ngoan vô hạn của Chúa, và sự di chuyển chính xác, đúng thì, của mặt trời đã nói lên đức thành tín của Chúa.
Ngắm nhìn, chiêm ngưỡng cõi thiên nhiên oai nghiêm, lòng kiêu ngạo, tánh tự cao của con người sẽ được hạ xuống và bắt đầu suy phục, tôn thờ Đấng Sáng Tạo nhiệm mầu. Đương đầu với cuồng phong bảo táp giữa đại dương bao la, con người sẽ thấm thía sự nhỏ bé, mong manh, bất lực của mình, để hướng lòng về Đấng Thiêng Liêng kêu xin giải cứu. Chúng ta có thể mượn lời bài "Lớn Bấy Duy Ngài" do Carl Gustav Boberg cảm tác trong một hành trình giữa cơn giông tố, để diễn tả ý nầy:
Khi xem muôn vật do tay Thiên Chúa sáng tạo chúng,
Cứu Chúa của tôi, lòng cảm xúc bao kinh sợ;
Tôi xem sao trời, tôi nghe muôn tiếng sấm rền nổ,
Khắp khắp đó đây, quyền của Chúa ôi vô bờ.
Hồn ngợi khen Chúa, Cứu Chúa tôi Đức Chúa Trời,
Chúa Đấng siêu việt, quyền bính vô cùng!
Hồn ngợi khen Chúa, Cứu Chúa tôi, Đức Chúa Trời,
Duy Ngài đại năng, cao cả quyền oai.
Khi tôi lên ngọn non cao trông xuống dưới vực thẳm,
Suối róc rách reo, hòa tấu khúc ca êm đềm;
Tôi vô sâu rừng, muôn cây chen chúc cỏ mọc xanh,
Ríu rít tiếng chim mừng hót khúc ca thanh bình.
Lòng nài xin Chúa giúp chính tôi biết rõ Ngài,
Chúa Đấng siêu việt,quyền bính vô cùng!
Lòng nài xin Chúa, giúp chính tôi rõ tận tường.
Ban tình yêu thương, sức sống tràn tuôn.
"Chẳng có tiếng, chẳng có lời nói;" mà lại có thể "rao truyền", "giảng" và "bày tỏ sự tri thức" về sự hiện hữu của một Đức Chúa Trời quyền năng cho mọi con người trong thế giới Ngài đã tạo dựng.
32. Sự Khải thị qua Ơn Thần hựu (Providence):
Chữ “hựu” trong tiếng Hán Việt có nghĩa là giúp đỡ, chăm sóc, bảo vệ, dẫn đưa. Sự Khải thị qua ơn Thần hựu nói đến việc Đức Chúa Trời tự bày tỏ về Ngài qua việc chăn nuôi, chăm sóc, bảo vệ, dẫn đưa loài người và mọi loài sống mà Ngài đã dựng nên trong vũ trụ.
Sự chăn nuôi, chăm sóc của Ngài bày tỏ trong việc sáng tạo và điều hành cõi thiên nhiên, là một bằng chứng về sự nhân từ, thành tín, khôn ngoan, và ân sũng vô hạn, vô biên của một Đức Chúa Trời vĩ đại, quyền năng.
“Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi, hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời; bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác.” [Mat 5:44-45]
“...Đức Chúa Trời hằng sống, là Đấng đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật trong đó...Ngài cứ làm chứng luôn về mình, tức là giáng phước cho, làm mưa từ trời xuống, ban cho các ngươi mùa màng nhiều hoa quả, đồ ăn dư dật, và lòng đầy vui mừng [Công 14:15-17].
“Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất, ...là Đấng ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho mọi loài. Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người, và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thì giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở, hầu cho tìm kiếm Đức Chúa Trời, và hết sức rờ tìm cho được, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta. Vì tại trong Ngài, chúng ta được sống, động, và có, y như xưa một vài thi nhân của các ngươi có nói rằng: Chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài”. [Công 17:24-28]
33. Sự Khải thị qua Thiên-nhiên và ơn Thần-hựu có đầy đủ, hoàn hảo chăng?
Thưa không, bởi vì:
(1) Cõi thiên nhiên không thể khải thị rõ về Đức Chúa Trời như cần phải có. Có nhiều chân lý quan trọng, cõi thiên nhiên không thể khải thị được. Nếu chỉ ngắm nhìn thiên nhiên, con người sẽ không thể nào biết được những chân lý quan trọng như: Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, Lẽ đạo Ba Ngôi, Sự Nhập thể, Đời sống Cứu độ, Sự chết Chuộc tội, Sự Phục sinh, Sự Thăng thiên, Sự Tái lâm của Đấng Christ, Sự Sa ngã, Con đường Cứu rỗi, Đức Thánh Linh, Hội thánh, Thế giới Tương lai….
(2) Chính cõi thiên nhiên cũng đã bị biến dạng, không thể phản ảnh chính xác về Đức Chúa Trời:
-Biến dạng vì sự rủa sả: Trong buổi tạo hóa, cõi thiên nhiên rất đẹp, và hoàn hảo [Sáng 1:4,10,12,18,21,25]. Nhưng sự sa ngã của con người khiến cho cõi thiên nhiên bị biến dạng vì rủa sả. Muôn vật trở nên tàn nhẫn, thiên nhiên nhiên trở nên bất an và hung dữ vì cớ tội lỗi. Sáng 3:17 ký thuật: "Ngài lại phán cùng A-đam rằng: Vì ngươi nghe theo lời vợ mà ăn trái cây ta đã dặn không nên ăn, vậy, đất sẽ bị rủa sả vì ngươi; trọn đời ngươi phải chịu khó nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn. Đất sẽ sanh chông gai và cây tật lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng…." (Tham khảo thêm Rô 8:21-22)
-Biến dạng vì sự chinh phục và khai thác của con người: Sự phá rừng, khai thác tài nguyên bừa bãi, khí thải công nghiệp... đã tạo nên tình trạng ấm nóng toàn cầu, thiên tai, lũ lụt… làm cho thiên nhiên càng thêm khắc nghiệt. Những tín hiệu đưa ra từ cõi thiên nhiên lại càng thêm khó hiểu.
(3) Bản thân con người vì cớ tội lỗi làm cho mù lòng, nên không thấy được Đức Chúa Trời qua thiên nhiên: Thay vì chiêm ngưỡng thiên nhiên dẫn đến sự ca ngợi tôn thờ Đức Chúa Trời như Carl Gustav Boberg*, nhân loại đã ca ngợi tôn thờ chính thiên nhiên. Đây là nguồn cơn của Triết học Phiếm thần, và các biến thái của nó là các tôn giáo thờ thiên nhiên và thờ hình tượng. Dầu là rất thông minh, người Ai cập xưa đã thờ muỗi, thờ mèo,… người Ấn độ thờ khỉ, thờ chuột, thờ rắn,… Thần đạo Nhật bản thờ hơn 5 triệu vị thần trong thiên nhiên, và hệ tư tưởng đang chinh phục mạnh mẽ cả thế giới ngày nay chính là Phiếm thần luận**.
*Cần lưu-ý bài Thánh ca nổi tiếng “Lớn bấy Duy Ngài” (How Great Thou Art) của Carl Gustav Boberg, tuy ca ngợi và cho biết sự chiêm ngưỡng thiên nhiên đã làm cho ông khát khao “nài xin Chúa” giúp ông “biết rõ Ngài”. Nhưng ông chỉ thật sự biết đến ơn Cứu Rỗi vĩ đại trong Chúa Cứu Thế Giê-xu và được cứu, là qua sự Khải thị Đặc biệt của Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh.
**Hầu hết các tôn giáo, triết học Đông phương như Ấn độ giáo (Đạo Bà-la-môn, Đạo Sikh, các đạo thờ linh vật… và các nhóm tôn giáo khác của Bán đảo Ấn độ), Lão giáo của Trung quốc, Thần đạo của Nhật bản, Bái vật giáo của hầu hết các dân tộc… Thần luận (Deism) của Âu Mỹ, cùng các tư tưởng triết học, văn học, tôn giáo từ Giordano Bruno, Baruch Spinoza, Emmanuel Kant, Friedrich Nietzsche, Henry David Thoreau, Carl Jung…cho đến Albert Einstein, từ New Ages, Thiền, Native American religions, Thông thiên học (Theosophy)… đều xây dựng trên Phiếm thần luận.
34. Có sự khải thị qua Lịch sử nhân loại không?
Câu trả lời là có. Người tham dự vào các biến cố của lịch sử lẫn người đọc lịch sử, đều có thể thấy bàn tay vô hình của Đấng Toàn Năng can thiệp và tể trị mọi chi tiết của dòng lịch sử nhân loại.
Thí dụ như “Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa”, bộ tiểu thuyết lịch sử của La Quán Trung - xây dựng trên bộ sử Tam quốc chí của sử gia Trần Thọ (233 -297) Trung Quốc - kể lại rằng Khổng Minh Gia Cát Lượng, sau nhiều lần chinh phạt nước Ngụy không thành, vì đối phương là Tư Mã Ý, tướng Ngụy rất tài giỏi. Cuối cùng, ông dùng mưu kế lừa được Tư Mã Ý và các con, vào hang Thượng phương cốc ở Kỳ sơn. Khổng Minh định sẽ dùng hỏa công đốt hang, giết chết cha con nhà Tư Mã Ý.
Trong lúc mọi sự sắp thành tựu, bỗng nhiên trời đổ cơn mưa rất lớn, mặc dầu từ mấy tháng Kỳ sơn bị hạn hán. Cơn mưa bất ngờ làm tắt hết lửa, và nhà Tư Mã Ý chạy thoát được. Nhờ thoát được, về sau Tư Mã Ý có cơ hội dọn đường cho các con tạo thế lực, và sau cùng, cho cháu nội ông ta, Tư Mã Viên, soán ngôi Nhà Ngụy, lập nên nhà Tấn, hiệu là Tấn Vũ Đế. Gia Cát Lượng nhận biết Trời đã cứu Tư Mã Ý, và an bài thời thế nên than rằng: "Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên". Câu nói nầy đã được lưu truyền trải qua các đời khắp Đông Nam Á. Một câu ngạn ngữ Pháp tương tự, "L'homme propose, Dieu dispose"*, cũng đã được cả nhân loại chia sẻ, vì đó là nhận thức và kinh nghiệm chung trong dòng lịch sử của con người, cũng như trong lịch sử của từng cuộc đời.
*"L'homme propose, Dieu dispose": Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên.
35. Sự Khải thị qua Ý thức nội tại là gì?
Trong sự Khải thị Tổng quát, có hai ý thức nội tại tiềm tàng trong mỗi người, được xem như những phương cách Đức Chúa Trời đã dùng để khải thị: Thứ nhứt là Ý thức Đạo đức còn gọi là "Lương tâm", và thứ hai là Ý thức Tôn giáo.
36. Sự Khải thị qua Lương tâm như thế nào?
1. Ý nghĩa của Lương tâm: Chữ “lương” trong tiếng Hán Việt là lành, còn “tâm” là lòng. Lương tâm là "lòng lành". Lương tâm, trong triết học và xã hội học được gọi Ý thức Đạo đức, là yếu tố nội tại trong mỗi người, giúp họ có khả năng cân nhắc mọi hành vi của mình về mặt thiện ác, rồi nhờ đó có thể tự điều chỉnh các hành vi của mình cho phù hợp.
Lương tâm, tức ý thức đạo đức và ý thức thờ phượng, là hai ý thức nội tại phân biệt giữa loài người và loài thú. Johann Wolfgang von Goethe nói: "Chỉ có con người mới có lương tâm".
Lương tâm là đề tài chính và quan trọng nhứt của Đạo đức học. Bất luận Đông, Tây, Kim, Cổ, từ trong triết học ra ngoài dân gian, từ Khổng tử cho đến Karl Mark, đều đồng hóa Lương tâm với Đạo đức. Cho nên, khi người ta nói: "sống trái lương tâm", có nghĩa là sống trái đạo đức, "sống vô lương tâm" có nghĩa là sống vô đạo đức. Khoa Đạo đức học có thể gọi là khoa học về Lương tâm.
2. Nguồn gốc của lương tâm: Tuy rằng có sự thống nhứt về ý nghĩa của lương tâm, song các quan điểm về nguồn gốc của Lương tâm lại rất khác biệt:
(1) Quan điểm Lương tâm là bẩm sinh: Các Triết gia và các nhà Giáo dục như Platon, Mạnh tử, René Descartes, Jean Jacques Rousseau,… cho rằng lương tâm là bẩm sinh. Bằng chứng là mọi người trong thế gian, từ xưa đến nay, vô luận xã hội nào, từ trẻ cho đến già, đều tự nhiên sợ bị chê cười, bị lên án là xấu, là sai, là vô đạo đức. Dầu vâng theo được hay không, mọi người đều có chung một ý thức là phải tôn trọng luật pháp. Dầu làm được hay không, mọi người trong xã hội, từ già đến trẻ, đều cảm biết rằng sống nhân ái, công bằng, trung thành, thanh sạch… thì tốt hơn độc ác, bất công, bất trung, dơ bẩn…
(2) Quan điểm Lương tâm là hậu nghiệm: Các nhà Xã hội học như Auguste Comte, Herbert Spencer, Karl Mark, Émile Durkheim,…cho rằng lương tâm là hậu nghiệm. Theo quan điểm nầy, lương tâm là kết quả của kinh nghiệm sống, được hình thành bởi xã hội. Con người nguyên thủy, vốn chẳng có ý thức về lương tâm. Nhưng do sinh hoạt xã hội, nhu cầu của sự quần cư, bắt buộc họ phải tự điều chỉnh các hành vi và học tập, để có thể sống chung với nhau được. Từ đó lương tâm được hình thành. Như vậy, kinh nghiệm sống, cùng với giáo dục xã hội, giáo dục tôn giáo, đã tạo ra lương tâm.
Trường phái nầy viện dẫn sự khác biệt của tiếng nói lương tâm trong những xã hội khác nhau để làm bằng chứng. Ví dụ như, hai thế kỷ trước, lương tâm đã cho phép một bà mẹ Ấn độ đem vứt đứa con xinh tốt của mình xuống dòng sông Hằng. Trong khi đó, cũng chính vì lương tâm mà một quan tòa người Anh đã ra lệnh bỏ tù bà ta.
(3) Quan điểm Đạo đức học hiện đại: Theo trường phái nầy có Immanuel Kant cùng các nhà Triết học Đức trước đây. Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, phần lớn các nhà Đạo Đức học cũng chấp nhận. Quan điểm nầy dung hòa cả hai quan điểm trên: Lương tâm vốn bẩm sinh, song cũng được biến đổi và định hình bởi giáo dục, tôn giáo - nghĩa là bởi xã hội, kinh nghiệm sống.
Theo Kinh Thánh thì ngày nay chúng ta đang sống trong thời đại mà "Nhiều kẻ sẽ đi qua đi lại, và sự học thức sẽ được thêm lên" [Đa-ni-ên 12:4]. Do sự giao lưu giữa các nền văn hóa, các nền văn minh, và đặc biệt là nhờ internet, thế giới ngày nay đang hình thành một thứ lương tâm nhân loại phổ quát. Nhiều người cho rằng đây là một trong những thời triệu về kỳ cuối cùng, báo hiệu Chúa sắp tái lâm, và chuẩn bị cho việc AntiChrist xuất hiện để cai trị thế giới bị bỏ lại.
3. Sự phê phán của Lương tâm: Theo Kinh Thánh thì Lương tâm là một hình thức Khải thị của Đức Chúa Trời. Sự phê phán của Lương tâm là tiếng nói của Đức Chúa Trời trong lòng người muôn thuở:
"Vả, dân ngoại vốn không có luật pháp, khi họ tự nhiên làm những việc luật pháp dạy biểu, thì những người ấy dầu không có luật pháp, cũng tự nên luật pháp cho mình. Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình. Ấy là điều sẽ hiện ra trong ngày Đức Chúa Trời bởi Đức Chúa Jêsus Christ mà xét đoán những việc kín nhiệm của loài người, y theo Tin Lành tôi" [Rô 2:14-16].
37. Sự Khải thị qua Ý thức Tôn giáo như thế nào?
Ý thức Tôn giáo là lòng khao khát thờ phượng nơi con người. Thờ phượng là sự tríu mến, yêu thương, nhờ cậy, hy vọng, ca tụng, hiến dâng, và phục vụ của con người dành cho một đấng bậc nào đó. Ý thức Tôn giáo là ý thức tiềm tàng và vô cùng mãnh liệt trong từng con người, không thể dập tắt được. "Đức Chúa Trời ôi! linh hồn tôi mơ ước Chúa, Như con nai cái thèm khát khe nước. Linh hồn tôi khát khao Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời hằng sống: Tôi sẽ đến ra mắt Đức Chúa Trời chừng nào?" [Thi 42:1-2]
Ngoài ra, Ý thức Tôn giáo còn bao gồm ý thức của con người về nguồn cội và lòng khao khát muốn biết rõ nguồn cội, cùng sự truy nguyên về Đấng Ban Đầu (Đấng Alpha). Không giống như con cá hồi (salmon) tìm về các khe rạch, nơi nó được sinh ra chỉ do bản năng sinh tồn, vì nó không thể sanh đẻ ngoài đại dương. Con người, ai ai cũng đều muốn tìm biết nguồn gốc của mình, không phải vì nhu cầu sinh tồn, mà chỉ vì lòng khao khát tìm biết nguồn cội.
38. Sự Khải thị qua Lương tâm và Ý thức tôn giáo có được đầy đủ hoàn hảo không?
Thưa không. Trái lại, có bị hạn chế, bởi vì:
1. Hạn chế do không giải bày đầy đủ: Ý thức Đạo đức, tức Lương tâm có thể cho chúng ta biết điều lành điều dữ. Tuy nhiên, ngay cả trong lãnh vực nầy, lương tâm cũng chỉ cho biết một cách tổng quát. Nhiều luật lệ về làm lành lánh dữ trong Kinh Thánh, lương tâm không hề biết đến.
Lương tâm không thể biết Đức Chúa Trời có Ba Ngôi vị. Lương tâm không thể cho biết Thân vị và công vụ của Đức Chúa Giê-xu Christ và của Đức Thánh Linh. Lương tâm không thể chỉ cho ta nguyên nhân của sự sa ngã, kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời, Hội thánh, Thiên sứ, cùng thế giới tương lai…. Ý thức Tôn giáo cũng vậy. Ý thức đó khiến ta khao khát tìm kiếm một đấng để tôn thờ, phục vụ, yêu mến, nhờ cậy, ca tụng, nhưng cũng không chỉ rõ đấng đó là ai, đấng đó có những thuộc tính và phẩm chất gì, đã làm gì cho ta, và ta phải làm gì với đấng đó.
2. Hạn chế do sự sa ngã của loài người: Sau khi sa ngã, các ý thức nội tại trong con người đều đã bị thương tổn nặng nề. Như một tấm gương bị vỡ, Ý thức Đạo đức, tức Lương tâm tuy có khải thị, soi chiếu hình ảnh và đạo đức của Đức Chúa Trời, nhưng sự soi chiếu nầy đã bị méo mó lệch lạc. Thậm chí Kinh Thánh còn nói đến một thứ "lương tâm đã bị chai lì" [1Ti 4:2]. Ý thức thờ phượng cũng vậy, sau khi phạm tội, con người đã "lấy bụng mình làm chúa mình" [Phi 3:19], lấy bản ngã mình làm trung tâm, để nhìn về Đức Chúa Trời và nhìn ra thế giới, nên mọi sự thờ phượng và phục vụ của họ đều nhuốm mùi xác thịt, và đều có xu hướng phục vụ bản ngã.
3. Hạn chế vì sự lừa dối của ma quỉ: Nói dối, lừa dối là "tánh riêng" tức là bản chất đặc biệt của Sa-tan, "vì nó vốn là kẻ nói dối và là cha sự nói dối" [Giăng 8:44], đồng thời cũng là "thần lừa dối" [1Ti 4:1]. Cho nên từ buổi ban đầu của lịch sử cho đến ngày nay, Sa-tan cùng các tôi tớ nó không bao giờ ngưng nghỉ trong việc: (1) một mặt, làm mù lòng người, "hầu cho họ không trông thấy sự vinh hiển chói lói của Tin Lành Đấng Christ, là ảnh tượng của Đức Chúa Trời" [2Cô 4:4]. (2) Một mặt, tung ra những học thuyết, triết lý đạo đức cùng tôn giáo giả ngụy. Hàng giả càng ngày càng nhiều, và càng tinh vi, đáp ứng cho mọi tầng lớp, mọi thị hiếu trong nhân loại. Đây là nguyên do khiến cho khu rừng tôn giáo và triết lý trong thế gian càng ngày càng rậm rạp, bao la, chằng chịt. Cho nên, nếu chỉ trông vào sự khải thị bởi các Ý thức Nội tại, như Lương tâm và Ý thức Tôn giáo, loài người sẽ chẳng bao giờ biết rõ được Ơn Cứu Rỗi của Thiên Chúa, và sống đúng theo Đạo Ngài.
39. Nếu thế, phải chăng “Sự Khải thị tổng quát” không ích lợi bao nhiêu?
Ồ, không phải vậy đâu. Sự Khải thị Tổng quát chỉ không đủ mà thôi, chớ không phải hoàn toàn không ích lợi. Mặc dầu Khải thị Tổng quát không thể làm cho con người sa ngã biết rõ được Ơn Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời và sống đúng theo Đạo Ngài, Khải thị nầy vẫn vô cùng quan trọng và cần thiết vì các lý do sau đây:
(1) Khải thị Tổng quát giúp cho mọi người trong mọi thời đại, mọi nơi đều có thể nhận thức được những ý niệm sau:
- Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa vô cùng quyền năng, khôn ngoan, tài khéo, vinh hiển [Thi 19:16,136:5,139:14, Châm 3:19, Ês 42:5, Giê 10:12, Công 17:25-29]
- Ngài là Đức Chúa Trời đời đời, hằng sống [Công 14:15]
- Ngài là Đấng đáng kính đáng sợ [Thi 139:14, Giê 5:22]
- Ngài là Đấng đầy lòng nhân từ. Ơn thần hựu đầy tốt lành của Ngài bủa trên cả thế gian [Mat 5:45, Công 14:17]
(2) Qua sự Khải thị Tổng quát, con người có thể biết được Đấng Tạo hóa như vậy, cho nên thái độ vô ơn, vô tín, kiêu ngạo, đối nghịch với Ngài là tội lỗi, và Ngài là hoàn toàn công bình khi Ngài xét đoán thái độ đó [Rô 1:18-21].
(3) Sự Khải thị Tổng quát là tài liệu quan trọng cho sự luận giải của Đức Chúa Trời trong sự Khải thị Đặc biệt. Cả Đức Chúa Giê-Xu và Kinh Thánh đều đã sử dụng Khải thị Tổng quát của Đức Chúa Trời để giải thích, dạy dỗ những chân lý thiên thượng.