than hoc van dap

8. Thần Học có bao nhiêu ngành?

     Thần học có ít nhứt là bảy ngành chính như sau:

      (1) Thần Học Hệ Thống (Systematic Theology)

      (2) Thần Học Giáo-Điều (Dogmatic Theology)

      (3) Thần Học Thánh-Kinh (Biblical Theology)

      (4) Thần Học Lịch-Sử (Historical Theology)

      (5) Thần Học Hiện Đại (Contemporary Theology)       

      (6) Thần-Học Thực Hành (Practical Theology)

      (7) Thần Học Mục Vụ (Pastoral Theology)

9. Thần-Học Hệ-Thống là gì?

Như tên gọi, Thần-Học Hệ-thống là một khoa học nhằm thâu thập tất cả những kiến thức và thông tin về các đề tài Thần học, rồi sắp xếp và hệ thống hóa1, trình bày các chân lý Thần học một cách có tổ chức. Nguồn tài liệu và thông tin chính yếu của Thần-Học Hệ- thống là Kinh Thánh.

Có hai quan điểm: Quan điểm thứ nhứt, đứng đầu là Charles Hodge (1797-1878), Hiệu trưởng Trường Princeton, cho rằng tất cả các tài liệu và thông tin Thần học phải được lấy ra từ một nguồn duy nhứt, là Kinh Thánh mà thôi.

Quan điểm thứ hai, đứng đầu là Lewis Sperry Chafer (1871-1952), sáng lập viên và Hiệu trưởng của Dallas Theological Seminary, cho rằng các tài liệu và thông tin Thần học cũng có thể được thâu thập từ những nguồn bên ngoài Kinh Thánh.2

Thực tế, hầu hết các sách Thần-học Hệ-thống mà các bạn đọc có trong tay ngày nay, từ Systematic Theology của Augustus H. Strong, Thần Đạo Học của John Drange Olsen, cho đến Christian Theology của Millard J. Erickson, hay Christian Theology của Alister E. McGrath, đều được soạn thảo theo quan điểm của Chafer.

1 Chữ Systematic bên tiếng Anh bắt nguồn từ một động từ Hy lạp là sunistano (συνιστάνω). Sunistano được Kinh Tân Ước sử dụng nhiều lần, với ý nghĩa cùng đứng chung hàng, hiệp lại để hổ trợ, theo cách mà ngày nay chúng ta thường gọi là "hệ thống hóa".

2 Điều nay không có nghĩa rằng Trường phái của Ông Hodge "tin kính" hay "thuộc linh" hơn Trường phái Ông Chafer. Đây chỉ là phương pháp nghiên cứu. Thật ra, ngay trong trường hợp "chỉ nghiên cứu Kinh Thánh mà thôi", thì kết quả sự nghiên cứu của Tin Lành bảo thủ, Tân chính thống, hay Tân phái cũng rất khác nhau.

10. Thần-Học Hệ-Thống có nội dung gì?

  Dưới đây là 9 nội dung nghiên cứu, hay đề tài chính của Hệ thống Thần học:

1)  Thánh-Kinh học (Bibliology): Học về sự Khải-thị của Đức Chúa Trời và về Kinh Thánh.

2)  Thượng-Đế học hay Thiên-Phụ học (Theology, Theology proper, Paterology): Học về chính Đức Chúa Trời, các thuộc tính và mỹ đức của Ngài.

3)  Cơ-Đốc học (Christology): Học về Đức Chúa Con, tức là Đức Chúa Jêsus Christ.

4)  Thánh-Linh học (Pneumatology): Học về Đức Thánh Linh.

5)  Nhân-Loại học theo quan điểm Cơ-đốc giáo (Christian Anthropology): Học về Loài người, Sự Sa ngã, Tội lỗi*

6)  Cứu Thục học (Soteriology): Học về Sự Cứu rỗi.  

7)  Hội-Thánh học (Ecclesiology): Học về Hội thánh, Tổ chức, Sứ mạng, và các Thánh lễ của Hội thánh.

8)  Thiên-Sứ học (Angelology): Học về Thiên sứ, ma quỉ.*

9)  Lai Thế học (Eschatology): Học về Tận thế và Lai thế.

* Có thể phân chia theo cách khác, nhưng chia thành 9 đề tài như trên đây là đầy đủ, hợp lý và dễ nhớ nhất. Các sách Thần học xưa như trong Systematic Theology, Louis Berkhof đã nhập các đề tài Thánh-Kinh học, Thánh-Linh học, và Thiên-Sứ học vào các đề tài khác, cho nên Thần-Học Hệ-thống của ông chỉ có 6 đề tài. Quyển Systematic Theology của Augustus H. Strong thì tách Thượng-Đế học ra làm hai, trước hết là “Sự Thực hữu của Thượng-Đế”, sau đó là “Thánh-Kinh học”, rồi đề tài thứ ba mới quay lại luận về “Bản tánh, Nguyên chỉ và Công việc của Đức Chúa Trời”. Trong phần nầy tác giả lại bao gồm luôn cả “Thiên-Sứ học” và “Quỷ-Sứ học”. Còn Cơ-Đốc học và Thánh-Linh học thì tác giả nhập vào Cứu-Thục học. Cho nên kể cả Hội-Thánh học và Lai-Thế học thì Thần- học Hệ-thống của Strong chỉ có 7 đề tài.

Các sách Thần học về sau phân chia nhỏ hơn và rõ ràng hơn. Như John Drange Olsen đã tách Nhân-Loại học và Tội-khiên học ra làm hai, thành ra quyển Thần Đạo Học của Cụ gồm có 10 đề tài. Gần đây, Millard J. Erickson còn tách Quỷ-Sứ học theo quan-điểm Cơ-Đốc (Christian Demonology) ra khỏi Thiên-Sứ học, thành ra quyển Christian Theology của ông có đến 11 đề tài.

11. Thần-Học Giáo-Điều là gì? (Dogmatic Theology)

Thần Học Giáo-Điều là Hệ thống Thần học được một giáo hội, hay giáo phái chính thức công nhận, và đem áp dụng như là tín lý đức tin cho toàn thể giáo đoàn và mọi tín hữu của giáo phái mình. Như vậy, Thần-học Giáo-điều là Hệ thống Thần học trong đó các chân lý Thần học rút ra từ Kinh Thánh được điều hòa với tín điều của một giáo hội hay giáo phái nào đó.

12. Thần-Học Giáo-Điều có nội dung gì?

Phạm vi nghiên cứu của Thần-học Giáo-Điều rất rộng lớn, vì nó bao gồm hệ thống Thần học của các giáo hội và giáo phái chính. Các Thần-Học Giáo-Điều được nghiên cứu nhiều nhứt là:

Thần học Calvin (Calvinistic Theology)

Thần học Arminius (Arminian Theology)

Thần học Giao ước (Covenant Theology)

Thần học Thiên-định Phân-kỳ (Dispensational Theology)

Thần học Công giáo (Catholic Dogmatic Theology)

13. Thần-Học Giáo-Điều và Thần-Học Hệ-Thống tương đồng dị biệt ra sao?

(1)  Thần-học Giáo-Điều là Hệ-thống Thần học được xây dựng hay công nhận bởi một giáo hội hay giáo phái. Vì cũng là Hệ thống Thần học, nên đôi khi hai từ-liệu nầy được sử dụng lẫn lộn với nhau. 

(2)  Từ liệu "Thần Học Giáo-Điều" được phổ biến ở Châu Âu, đặc biệt tại Đức, Hòa lan và Bắc Âu, nơi các giáo phái chính như Lutherian, Christian Reform từng đóng vai trò chủ đạo trong niềm tin Cơ-đốc. Trái lại, tại Anh Mỹ, từ liệu "Thần học Giáo-Điều" rất ít được nhắc đến, còn từ liệu "Thần-Học Hệ-Thống" hay “Thần-Học Cơ-đốc giáo” thường thịnh-hành hơn.

(3)  Vì được hình thành, thẩm định và công bố bởi một thẩm quyền giáo phái, nên Thần Học Giáo-Điều có tính thống- nhất và ổn định cao. Trái lại, Thần Học Hệ-thống vì không xây dựng theo quy trình nầy, nên dễ hàm chứa những quan điểm cá nhân, tà giáo, cùng những phát biểu tùy tiện.

14. Thần-Học Thánh-Kinh là gì? (Biblical Theology)

Thần-Học Thánh-Kinh nghiên cứu sự khải thị của Đức Chúa Trời qua các thời kỳ lịch sử trong Kinh Thánh. Như vậy, Thần Học Thánh-Kinh là bộ môn chuyên rút các chân lý Thần Học từ từng giai đoạn lịch sử Kinh Thánh, căn cứ vào bản văn Kinh Thánh và bối cảnh lịch sử của bản văn đó.

15. Thần-Học Thánh-Kinh có nội dung gì?

Không phân chia thành 9 đề tài hay lãnh vực nghiên cứu chính như Thần-Học Hệ-Thống, Thần-Học Thánh-Kinh rút ra các chân lý Thần-học theo diễn tiến thời gian các sách, hay các thời kỳ lịch sử Kinh Thánh, thông thường như sau:

(1) Thần học Cựu-Ước (Old Testament Theology)

(2) Thần học Tân-Ước  (New Testament Theology)

(3) Thần học Thời đại Vô-tội (Theology of the Innocent Era)

(4) Thần học Thời đại Lương-tâm (Theology  of the  Conscientious Era)

(5) Thần học Thời đại Tổ-phụ (Theology of the Patriarchal Era)

(6) Thần học Thời đại Môi-se (Theology of the Mosaic Era)

(7) Thần học Thời đại Quân-chủ (Theology of the Monarchical Era)

(8) Thần học Thời đại Tiên-tri (Theology of the Prophetic Era)

(9) Thần học Tin lành Cộng quan (Theology of the Synoptics)

(10) Thần học Sách Công vụ (Theology of Acts)

(11) Thần học Gia-cơ (Theology of James)

(12) Thần học Phao-lô (Theology of Paul)

(13) Thần học Thư-tín Hê-bơ-rơ (Theology of Hebrews)

(14) Thần học Phi-e-rơ và Giu-đe (Theologies of Peter and Jude)

(15) Thần học Giăng (Theology of John)

16. Thần-Học Hệ-Thống và Thần-Học Thánh-Kinh khác nhau thế nào?

Thần-Học Hệ-Thống và Thần-Học Thánh-Kinh khác nhau ở những điểm sau:

(1) Thần-Học Hệ-Thống rút các chân lý Thần học ra từ toàn bộ Kinh Thánh, còn Thần-Học Thánh-Kinh chỉ rút các chân lý Thần học ra từ một thời đại, một tác giả, hay một sách nào đó của Kinh Thánh.

(2) Thần-Học Hệ-Thống nhằm nghiên cứu để biết cả Kinh Thánh đã dạy gì về một giáo lý, hay một đề tài Thần học nào đó. Trong khi Thần-Học Thánh-Kinh nhằm nghiên cứu để biết tại sao và làm thế nào một giáo lý, hay một đề tài Thần học đã được hình thành. Có thể nói trong Thần-Học Hệ-Thống, các học giả căn cứ trên toàn bộ Kinh Thánh để giải bày một đề tài Thần học. Còn trong Thần-Học Thánh-Kinh, khi nghiên cứu Kinh Thánh, một (hay các) đề tài Thần học được phát hiện và triển khai.

(3) Thần-Học Hệ-Thống cho biết cao điểm và kết quả cuối cùng (vào thời điểm đang nghiên cứu) của sự khải thị, còn Thần-Học Thánh-Kinh cho ta biết sự tiến triển và kết quả của công cuộc khải thị theo thời gian

17. Thần-Học Lịch-Sử là gì? Và có những nội dung gì? 

Thần-Học Lịch-sử là khoa nghiên cứu Thần học qua các thời kỳ lịch sử. Thần-Học Lịch-sử cho biết sự hình thành, sự phát triển và biến chuyển của Thần học theo dòng lịch sử Hội thánh.6

Cho đến nay, người ta chia Thần-Học Lịch-sử theo các thời kỳ như sau:

       (1) Thần-học Thượng cổ (Ancient Theology)

       (2) Thần-học Trung cổ (Medieval Theology)

       (3) Thần-học Cải chánh (Reformation Theology)

       (4) Thần-học Hiện đại (Modern Theology)

18. Thần-Học Thánh-Kinh và Thần-Học Lịch-Sử khác nhau thế nào?

(1) Thần-Học Thánh-Kinh là Giáo lý Cơ đốc theo dòng lịch sử Kinh-Thánh, còn Thần-Học Lịch-Sử là Giáo lý Cơ đốc theo dòng Lịch sử Hội-Thánh.

(2) Thần-Học Thánh-Kinh rút các dử kiện thần học từ một nguồn duy nhứt là Kinh-Thánh, còn Thần-Học Lịch-Sử rút các tín lý từ hệ thống Thần học.

19. Thần-Học Hiện-Đại là gì?

Thần-Học Hiện-Đại là khoa nghiên cứu các trào lưu Thần học và những biến chuyển Thần học trong vòng thế kỷ qua, cụ thể từ năm phát khởi Đệ Nhất Thế chiến (1914) cho đến nay.

20. Thần-Học Hiện-Đại có những nội dung gì? 

Chưa bao giờ trong lịch sử Hội Thánh, Cơ-đốc giáo lại phát sinh ra nhiều giáo phái, lớn nhỏ đến hàng chục ngàn, và nhiều quan điểm mới, tư tưởng mới như trong thế kỷ 20 vừa qua.

Mặc dầu có khá nhiều những tư tưởng, quan điểm, vốn chỉ là “bổn cũ soạn lại” từ thời xa xưa, song tất cả đều được trình bày một cách tân kỳ, hấp dẫn.

Như một rừng cây không sao kể ra hết, ở đây chỉ xin liệt kê một số tư tưởng hay quan điểm nổi bật:

  • Thần học Bảo thủ (Conservative Theology)
  • Thần học Tân Chánh thống (Neo-orthodox Theology)
  • Thần học Thịnh vượng (Prosperity Theology)
  • Thần học Công giáo Hậu Vatican II (Catholic Theology Post- Vatican II)
  • Thần học Thế tục (Secular Theology)
  • Thần học Cấp-tiến (Liberal Theology)
  • Thần học Xã hội (Socialist Theology)
  • Thần học Phóng thể (Radical Theology)
  • Thần học Tiệm-tiến (Progressive Theology)
  • Thần học thiên Nữ-quyền (Feminist Theology)
  • Thần học Hy vọng (Theology of Hope)
  • vv….


Ngoài ra còn có những quan điểm, phong trào mới như Ngũ tuần (Pentecostalism), Ân-tứ (Charismatic Movement), Nền tảng Đương-đại (Contemporary Fundamentalism), Vườn Nho (Vineyard Movement), Tái-Thiết (Reconstructionist), Tân Cấp-tiến (Neo-liberism) Tâm-linh Sáng-tạo (Creation Sprituality) ..…

21. Thần-Học Thực-Hành là gì?

Thần-Học Thực-Hành là bộ môn Thần học tập trung vào việc áp dụng các chân lý Kinh Thánh trong mọi sinh hoạt hằng ngày, hay thực hành sống đạo của mỗi Cơ-đốc nhân.

Thần-Học Thực-Hành bao gồm việc áp dụng các chân lý Kinh Thánh vào mọi lãnh vực đời sống, từ bản thân cho đến gia đình, từ trong Hội thánh ra đến ngoài xã hội.

Nhà Thần học đầu tiên đã bàn đến Thần-Học Thực-Hành một cách sâu rộng là một Mục sư Thanh giáo người Anh rất nổi tiếng, Richard Baxter (1615-1691). Trong một bộ sách đồ sộ gồm bốn quyển có tựa đề là “A Christian Directory of Practical Theology”, ông đã giải bày rất kỹ và rất sát Kinh Thánh về:

(1) Đạo đức và trách nhiệm bản thân

(2) Đạo đức và trách nhiệm của người Cơ-đốc đối với Gia đình

(3) Đạo đức và trách nhiệm của người Cơ-đốc đối với Hội Thánh

(4) Đạo đức và trách nhiệm của người Cơ-đốc đối với Chính quyền, Cộng đồng, Quốc gia cũng như toàn Xã hội.

22. Thần-Học Mục-Vụ là gì?

Thần-Học Mục-Vụ là một nhánh của Thần-Học Thực-Hành, chuyên nghiên cứu về sự áp dụng các chân lý Kinh Thánh đã được đúc kết và hệ thống hóa (tức Thần-Học Cơ-Đốc-giáo) vào các mục vụ trong Hội Thánh. Học viên môn Thần-Học Mục-Vụ sẽ tìm hiểu kỹ sự dạy dỗ của Kinh Thánh đối với các chức vụ trong Hội thánh như Mục sư, Trưởng lão, Chấp sự, Giáo sư...

Ngoài ra, Thần-Học Mục-Vụ cũng nhằm trang bị cho “đầy tớ của Đấng Christ, và kẻ quản trị những sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời” [1Cô 4:1] những kỹ năng cần thiết của Thánh chức. Vì thế, Thần-Học Mục-Vụ còn bao gồm những môn học như Tuyên-Đạo pháp, Khải-đạo, Mục-vụ Chăm sóc, Giáo nghi...

Thần-Học Mục-Vụ cũng chính là Thần-Học Thực-Hành, nhưng giới hạn và chuyên chú vào các mục vụ trong Hội thánh.