- Được viết bởi: Nguyễn Thiên Ý
- Chuyên mục: Quyển I - THÁNH KINH HỌC
40. Sự Khải thị Đặc biệt là gì?
Khải thị Đặc biệt là sự việc Đức Chúa Trời đã tự tỏ mình Ngài ra một cách riêng, cho những người đặc biệt được Ngài chọn lựa, vào những thời điểm đặc biệt, trong những hoàn cảnh đặc biệt, để đưa dắt họ vào mối liên hệ đặc biệt với Ngài, và rồi sau đó thì Ngài sử dụng họ để qua họ mà đem sự khải thị của Ngài ra cho toàn thể nhân loại trải qua các đời.
Khải thị Đặc biệt đôi khi còn được gọi là Khải thị Hậu Sa ngã (Poslaption Revelation) hay Khải thị Cứu rỗi (Soteric Revelation).
41. Tại sao cần có sự Khải thị Đặc biệt?
Còn như về lý do cần đến sự Khải thị đặc biệt, thì như các phần trên chúng ta đã nói, do sự Khải thị Chung vốn không đầy đủ, cụ thể, lại thêm vì cớ loài người đã bị sa ngã, nên sự nhận thức của loài người cũng không còn được rõ ràng và chính xác. Vì vậy, vô cùng thiết yếu là phải có sự Khải thị Đặc biệt. Về sự cần yếu nầy, nhà Đại Cải chánh Martin Luther đã từng nói trong Giải Nghĩa Thư Tín Ga-la-ti như sau:
“Tri thức chung mọi người đều có đó là Đức Chúa Trời thực hữu, Ngài đã sáng tạo trời đất, Ngài là Đấng công chính, Ngài trừng phạt kẻ gian ác v.v… Nhưng Đức Chúa Trời nghĩ gì về chúng ta, Ngài muốn ban gì và làm gì để giải cứu chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết hầu cứu rỗi chúng ta -- đây là tri thức đặc biệt và đích thực về Đức Chúa Trời -- thì loài người lại không biết. Như thế thì chẳng khác gì chuyện vẫn thường xảy ra là tôi rất quen với khuôn mặt của một người, nhưng lại không thật sự biết người đó, bởi vì tôi không biết những gì người ấy suy nghĩ. Cũng vậy, con người tự nhiên biết có một Đức Chúa Trời, nhưng lại không biết những gì Ngài muốn và những gì Ngài không muốn.”*
*William Dyrness: Những Chủ Đề Trong Thần Học Cựu ước, Viện Thần Học Việt Nam, Westminster, California, 2004, trang 16.
42. Sự Khải thị Đặc biệt gồm những phương cách nào?
Sự Khải thị Đặc biệt gồm có những phương cách như: (1) qua Lịch sử Tuyển dân Y-sơ-ra-ên, (2) qua Lịch sử Hội thánh Đầu Tiên, (3) qua Ngôi Lời Nhập Thể tức qua Đức Chúa Jesus Christ, (4) qua Lời thành văn (written Word), tức Kinh Thánh Toàn thư, (5) qua một số phương cách khác.
43. Lịch sử Tuyển Dân Y-sơ-ra-ên và Hội thánh Đầu Tiên đã khải thị về Đức Chúa Trời như thế nào?
(1) Lịch sử Tuyển dân Y-sơ-ra-ên: Nếu lịch sử nhân loại khó bày tỏ về Đức Chúa Trời cách minh bạch, thì Lịch sử Truyển Dân, trái lại, đã khải thị một cách thật rõ ràng và đầy đủ về Thiên Chúa và công việc Ngài. Thật ra, Lịch sử Y-sơ-ra-ên qua Kinh Thánh Cựu Ước, và Lịch sử Hội thánh Đầu tiên trong Kinh Thánh Tân Ước, là sự khải thị chính thức của Đức Chúa Trời cho nhân loại.
Bất cứ ai khi đọc Lịch sử Dân Y-sơ-ra-ên trong Cựu Ước, chẳng những thấy được bàn tay vô hình và toàn năng của Đức Chúa Trời trong mọi biến cố, mà còn có thể biết rõ Ngài là ai, là Đấng như thế nào nữa.
Chẳng hạn, khi đọc bản tóm tắt Lịch sử Tuyển dân qua Thi 105 và Thi 106, người ta sẽ thấy rõ Ngài là Đấng đã làm gì trong Sử học, và là Đấng như thế nào trong Thần học.
(2) Lịch sử Hội thánh Đầu tiên: Lịch sử Hội thánh Đầu tiên cũng thần thượng và lạ lùng không kém lịch sử của tuyển dân Y-sơ-ra-ên. Cả hai đều đầy dẫy những sự-kiện siêu nhiên, những phép lạ có thể kiểm chứng được qua Sử học và Khảo cổ học. Lịch sử Hội Thánh Đầu- tiên khải thị rõ về Đức Chúa Trời đến mức độ nhà Thần học Thomas Aquinas (Giáo hội Công giáo phong là Thánh Tô-ma), tuyên bố ông có thể dùng Lịch sử Hội thánh để chứng minh sự hiện hữu của Ngài cho những người tuyên bố không tin Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời. Chứng minh như thế nào? Ông dùng lịch sử để chỉ ra rằng nếu không có Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Jesus đã không phục sinh, và nếu Đức Chúa Jesus không phục sinh, thì không có biến cố Lễ Ngũ tuần, và nếu không có biến cố Lễ Ngũ tuần, không thể nào có Hội thánh Cơ đốc.
Ngoài ra, bên cạnh sự “phục hưng” đức tin của những môn đồ đã bỏ chạy sau biến cố Thập tự giá; sự qui đạo của Sau lơ (Phao lô) cũng là một trong những bằng chứng đầy sức thuyết phục về sự thực hữu của Đức Chúa Trời, sự phục sinh của Đức Chúa Jesus. Đồng thời cũng cho thấy Đức Chúa Trời đã dùng những sự kiện lịch sử để “nói” về Ngài, tức là để khải thị về Ngài.
44. Đức Chúa Jesus Christ thì sao? Phải chăng Đấng Christ là sự khải thị của Đức Chúa Trời?
“Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập lên kế tự muôn vật, lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian; Con là sự chói sáng của sự vinh hiển Đức Chúa Trời và hình bóng của bản thể Ngài, lấy lời có quyền phép Ngài nâng đỡ muôn vật; sau khi Con làm xong sự sạch tội, bèn ngồi bên hữu Đấng tôn nghiêm ở trong nơi rất cao” [Hê 1:1-3].
Vì Đức Chúa Trời dùng Con Ngài để phán dạy chúng ta, nên Con Ngài, tức là Đức Chúa Jesus Christ, có những biệt danh như là “Ngôi Lời” [Giăng 1:1], là “Lời Sự Sống” [1Giăng 1:1], và “Lời Đức Chúa Trời” [Khải 19:13].
Trong phần đầu tiên của sách Tin lành Giăng, Đức Chúa Jesus được gọi là Logos (λόγος). Chữ Logos nầy trong tiếng Hy lạp thời Sứ đồ Giăng mang hai ý nghĩa riêng biệt, nhưng cả hai ý nghĩa nầy lại tương thích cho Đức Chúa Jesus Christ một cách thật là trọn vẹn.
(1) Theo ý nghĩa thứ nhứt của chữ Logos vào thời đó, thì Logos là nguồn cội của muôn vật, là nguồn của sự sống, là nguồn của sự sáng, là Đấng Sáng tạo.
Trong Kinh Thánh Tân Ước tiếng Việt Bản nhuận chánh, xuất bản vào năm 1951, và lưu hành cho đến năm 1975, chữ Logos được dịch là Đạo: “Ban đầu có Đạo, Đạo ở cùng Đức Chúa Trời, và Đạo là Đức Chúa Trời. Đạo ấy ban đầu ở cùng Đức Chúa Trời. Muôn vật bởi Ngài dựng nên...Trong Ngài có sự sống...” [Giăng 1:1-4 BNC].
Ban phiên dịch, mà hồi đó có sự cộng tác của Cụ cố Mục sư Ông Văn Huyên, là một nhà Hán học, đã dịch như vậy, vì cho rằng chữ Logos trong tiếng Hy lạp Tân Ước (Koine Greek) có ý nghĩa tương đồng với ý nghĩa của chữ Đạo (道) trong tiếng Hoa thời thượng cổ, trong đó “Đạo” được xem là nguồn cội, là uyên nguyên của muôn vật.
Bởi vì Logos nầy cũng chính là Đức Chúa Jesus Christ, Đấng đã dựng nên muôn vật [Giăng 1:1-10], ban sự sống cho mọi loài trong cõi thiên nhiên, đồng thời trong cõi thiêng liêng, Ngài cũng là Đấng ban sự sống mới từ thiên thượng cho những kẻ tin, tức là “sanh lại” những kẻ tin, cho nên Logos sẽ “ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài, là kẻ chẳng phải sanh bởi khí huyết, hoặc bởi tình dục, hoặc bởi ý người, nhưng sanh bởi Đức Chúa Trời vậy” [Giăng 1:12-13].
(2) Theo ý nghĩa thứ hai, thông dụng cho đến ngày nay, Logos có nghĩa là “lời nói”, tức là một phương tiện để truyền thông.
Lời nói là phương tiện để loài người diễn đạt ý tưởng, giải bày tâm tình. Trong trường hợp nầy, Đức Chúa Jesus được xưng là Logos, “Lời”, vì Ngài đến để giải bày cho nhân loại về Đức Chúa Trời. Kinh Thánh chép:
“Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha... Vả, bởi sự đầy dẫy của Ngài mà chúng ta đều có nhận được, và ơn càng thêm ơn... Chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời; chỉ Con một ở trong lòng Cha, là Đấng đã giải bày Cha cho chúng ta biết” [Giăng 1:18].
Chữ “giải bày” trên đây các bản dịch tiếng Việt gần đây dịch là “bày tỏ”. Các bản tiếng Anh dịch là “revealed”, “explained”, “made him known”, đều có nghĩa tương đồng với khải thị cả. Như vậy, có thể nói rằng một trong những sứ mạng quan trọng nhứt của Đức Chúa Jesus Christ khi đến thế gian nầy là “giải bày Cha”, tức là khải thị về Đức Chúa Trời cho chúng ta được biết.
Như vậy, Đức Chúa Jesus Christ được gọi là “Lời” (hay Ngôi Lời) của Đức Chúa Trời, vì Ngài đã đến để giải bày Đức Chúa Trời cho chúng ta biết, cũng như chúng ta vẫn dùng “lời” để giải bày lòng mình cho người khác biết. Sự “giải bày” của Đức Chúa Trời trong Thần học gọi là Sự Khải Thị.
45. Đức Chúa Jesus Christ đã khải thị về Đức Chúa Trời bằng cách nào?
Đức Chúa Jesus Christ đã khải thị về Đức Chúa Trời bằng hai cách: (1) bằng lời phán, (2) bằng đời sống.
(1) Lời phán:
“Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập lên kế tự muôn vật, lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian; Con là sự chói sáng của sự vinh hiển Đức Chúa Trời và hình bóng của bản thể Ngài, lấy lời có quyền phép Ngài nâng đỡ muôn vật; sau khi Con làm xong sự sạch tội, bèn ngồi bên hữu Đấng tôn nghiêm ở trong nơi rất cao” [Hê 1:1-3].
Chữ “Con” trong Kinh Thánh, khi chỉ về Đức Chúa Jesus Christ, mang một ý nghĩa đặc biệt, một ý nghĩa duy nhất. Vì vậy, Ngài còn được gọi là Con Độc Sanh, tức là Con Duy Nhất. Chữ “Con” nầy mang ý nghĩa Ngài chính là Đức Chúa Trời [Giăng 5:18-20]. Chính vì đó, khi Đức Chúa Jesus gọi Đức Chúa Trời bằng Cha, thì “dân Giu-đa càng kiếm cách nữa để giết Ngài, chẳng những vì Ngài phạm ngày Sa-bát thôi, mà lại vì Ngài gọi Đức Chúa Trời là Thân phụ mình, làm ra mình bằng Đức Chúa Trời”. [Giăng 5:18].
Vì vậy, khác hơn các đấng tiên tri đời xưa Đức Chúa Trời đã sử dụng môi miệng của họ để phán ra lời của Ngài, khi Đức Chúa Jesus Christ phán ra lời gì, đó chính là Lời phán trực tiếp của Đức Chúa Trời cho nhân loại.
(2) Đời sống:
Cuộc đời Đức Chúa Jesus Christ trên thế gian là một đời sống toàn hảo. Đời sống đó khải thị cho chúng ta biết một con người hoàn hảo là một người như thế nào.
Nhưng Đức Chúa Jesus Christ còn là Đức Chúa Trời trọn vẹn. Danh của Ngài đã được Kinh Thánh Cựu Ước xưng tụng là “Đấng Lạ lùng, là Đấng Mưu luận, là Đức Chúa Trời Quyền năng, là Cha Đời đời, là Chúa Bình an” [Ês 9:5].
Đời sống đầy quyền năng của Ngài đã khải thị về một Đức Chúa Trời quyền năng. Vì vậy, khi Phi-e-rơ chứng kiến quyền năng của Ngài tỏ ra trên biển Ga-li-lê, ông “liền sấp mình xuống ngang đầu gối Đức Chúa Jêsus, mà thưa rằng: Lạy Chúa, xin ra khỏi tôi, vì tôi là người có tội” [Lu 5:8]. Tên trộm cướp bị đóng đinh bên cạnh Ngài, khi cảm nhận tình yêu siêu nhiên thiên thượng từ Chúa Jesus, thì nhìn biết Ngài là Đức Chúa Trời Yêu Thương [Lu 23:42]. “Thầy đội và những lính cùng với người canh giữ Đức Chúa Jêsus, thấy đất rúng động và những điều xảy đến, thì sợ hãi lắm, mà nói rằng: Thật người nầy là Con Đức Chúa Trời” [Mat 27:54]. Còn Thô-ma, sau khi được tận mặt gặp Chúa phục sinh, nhìn biết rằng Ngài là Đức Chúa Trời, đã kêu lên rằng: “Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi!” [Giăng 20:28].
Vì Đức Chúa Jesus là Đức Chúa Trời nhập thể, nên đời sống Ngài là đời sống của Đức Chúa Trời trong thân xác con người. Đó là một đời sống đầy dẫy quyền năng và phép lạ. Kinh Thánh chép: “Lại còn nhiều việc nữa mà Đức Chúa Jêsus đã làm; ví bằng người ta cứ từng việc mà chép hết, thì ta tưởng rằng cả thế gian không thể chứa hết các sách người ta chép vậy” [Giăng 21:25]. Những việc Ngài đã làm mà người ta không thể chép ra hết được, đã khải thị về Đức Chúa Trời cho người đồng thời của Ngài, Vì vậy Ngài tuyên bố: “Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha” [Giăng 14:9].
46. Còn về Kinh Thánh thì sao? Phải chăng Kinh Thánh cũng là sự khải thị của Đức Chúa Trời?
Đúng vậy. Kinh Thánh Toàn Thư tức Cựu Ước và Tân Ước là sự Khải thị đầy đủ và cuối cùng của Đức Chúa Trời cho nhân loại. Sự Khải thị nầy sẽ được nghiên cứu nhiều hơn trong đề tài Thánh Kinh Học của Thần Học Hệ Thống, trong đó bài “Sự Khải Thị” chúng ta đang học là một phần.