than hoc van dap

47. Tại sao cần có một quyển sách để khải thị về Đức Chúa Trời?

Lời Đức Chúa Trời phán ra, dầu là qua miệng các tiên tri, hay trực tiếp từ miệng Ngài, tức từ Đức Chúa Jesus Christ, cũng đã phán trong một số thời điểm nhứt định, với một số những người nghe nhứt định, và trong một số hoàn cảnh nhứt định.

Để mọi người trên thế gian, sống trong mọi thời đại, và trong mọi hoàn cảnh đều có thể được biết các lời ấy, cần một quyển sách để lưu truyền và phổ biến cho mọi người trong mọi thời đại. Đó là một điều hết sức quan trọng và cần thiết.

Quyển sách đó chính là quyển Kinh Thánh.

48. Tại sao gọi quyển sách  đó là Kinh Thánh?

Vào khoảng hai trăm năm trước khi Đức Chúa Jesus Christ giáng sanh, một số người Do thái đã bắt đầu gọi Kinh Thánh Cựu Ước là כִּתְבֵי הַקֹּדֶשׁ (Kitvei hakkodesh) nghĩa là các tài liệu thánh, hay “Các Bản Thánh Văn”.

Đến khi tiếng Hy lạp trở thành ngôn ngữ phổ thông vùng Địa Trung Hải thì các tín đồ thời Tân Ước gọi Kinh Thánh là τὰ βιβλία (tà Biblía), nghĩa là “những quyển sách”, hay η Γραφή (e Graphḗ) có nghĩa là “những bản văn”. Mặc dầu bấy giờ chưa thêm chữ “Thánh” (Αγία) vào như ngày nay, nhưng khi gọi đến hai chữ nầy thì họ gọi cách cung kính, vì đây là hai chữ chỉ về Kinh Thánh, là Lời của Đức Chúa Trời mà họ rất tôn kính [Thi 119:161].*

* τὰ βιβλία: Do phát xuất từ chữ βύβλος (byblos cây chỉ thảo, cũng có tên là παπυρος - papuros) nên τὰ βιβλία có nghĩa là “những quyển sách bằng giấy chỉ thảo”. Vào khoảng năm 200BC, τὰ βιβλία là tên gọi của Bản Kinh Cựu Ước Bảy Mươi (vừa mới được dịch từ tiếng Hebrew sang tiếng Hy-lạp). Còn từ khoảng năm 200AD, τὰ βιβλία là tên gọi chung cho Kinh Thánh Cựu Tân Ước Hy-lạp văn.

Vào giữa thời trung cổ, quyển sách nầy được Giáo hội Cơ đốc gọi là Biblia Sacra, mà trong tiếng La-tinh có nghĩa là “Những Sách Thánh”.

Đến năm 1611, khi bản Authorized Version (bản King James) được nhóm 48 học giả của các Trường Oxford và Cambridge phiên dịch, từ tiếng Hebrew và Greek sang tiếng Anh, theo lệnh Vua James VI của nước Anh, thì quyển Kinh Thánh Anh ngữ nầy được gọi là “The Holy Bible”.

Người Trung hoa khi dịch Kinh Thánh sang tiếng Hoa của họ thì ban đầu họ gọi Kinh Thánh là “Thần Thánh Điển Phạm” (神典範) có nghĩa là Luật Lệ Của Thần Thánh, hay “Thiên Kinh Địa Nghĩa” (天地義) có nghĩa là Đạo Vững Bền Bất Biến Như Trời Đất. Từ hai tên nầy mà về sau có chữ Thánh Kinh (聖經) trong tiếng Hoa, hay Kinh Thánh trong tiếng Việt.

 

43. Sứ điệp trọng tâm của quyển Kinh Thánh là gì?

Để trả lời câu hỏi nầy, thiết tưởng không có gì hay hơn là trích dẫn những lời đầu tiên của Dr Henry Hampton Halley trong kiệt tác giáo dục Kinh Thánh của Đạo Tin lành, là quyển Thánh Kinh Lược Khảo*:

Ðấng CHRIST Là Trọng Tâm

Trái Tim Của Kinh Thánh

Cựu ước là lịch sử của một dân tộc.

Tân ước là lịch sử của một Người.

Dân tộc ấy đã được Ðức Chúa Trời tạo lập và trưởng dưỡng để đưa Người ấy vào thế giới.

Chính Ðức Chúa Trời đã trở nên một Người để ban cho loài người một ý niệm cụ thể, dứt khoát và hiển nhiên rằng khi chúng ta suy nghĩ về Ðức Chúa Trời, thì phải suy nghĩ về một Thân vị (Personne) thể nào. Ðức Chúa Trời giống như Ðức Chúa Jêsus. Ðức Chúa Jêsus là chính Ðức Chúa Trời hiện thân bằng hình người.

Sự Ngài hiện ra trên địa cầu là biến cố quan trọng nhất của lịch sử. Cựu ước dựng sân khấu cho sự hiện ra. Còn Tân ước thì mô tả sự hiện ra đó.

Là một Người, Ðức Chúa Jêsus đã sống cuộc đời đẹp đẽ, kỳ diệu hơn hết mà ta từng biết. Ngài là Người nhân ái hiền từ, nhu mì kiên nhẫn và có thiện cảm hơn hết từng sống ở trên đời. Ngài yêu thương người ta. Ngài chẳng ưa thấy họ bị hoạn nạn. Ngài thích tha thứ. Ngài thích cứu giúp. Ngài làm phép lạ để nuôi kẻ đói. Ðể cứu giúp kẻ đau khổ, hính Ngài đã quên cả ăn. Những đám đông mòn mỏi, tật bệnh và đau lòng đã đến cùng Ngài, được chữa lành và được cứu giúp. Có lời chép về Ngài, chớ không về một người nào khác, rằng: Nếu chép hết mọi việc từ thiện của Ngài, thì "cả thế gian không thể chứa hết các sách người ta chép" (Giăng 21:25). Ðức Chúa Jêsus là Người như vậy, và Ðức Chúa Trời là Thân vị như vậy.

Rồi Ngài chịu chết trên thập tự giá để "cất tội lỗi thế gian đi" (Giăng 1:29) và trở nên Cứu Chúa của loài người.

Rồi Ngài từ kẻ chết sống lại, và bây giờ Ngài đang sống, chẳng phải chỉ là một vai trò trong lịch sử, nhưng là một Thân vị Hằng Sống, là Thực sự quan trọng nhất trong lịch sử, và là Lực lượng sanh động nhất của thế giới ngày nay.

 Cả Kinh Thánh được xây dựng chung quanh lịch sử tuyệt mỹ của Ðấng Christ cùng lời Ngài hứa ban Sự Sống Ðời Ðời cho những kẻ tin nhận Ngài. Kinh Thánh chép ra chỉ cốt để giúp người ta tin, hiểu, biết, yêu và theo Ðấng Christ.

Ðấng Christ là Trọng tâm và Trái Tim của Kinh Thánh, của lịch sử và cũng của đời sống chúng ta nữa. Số phận đời đời của chúng ta ở trong tay Ngài. Chúng ta tiếp nhận hoặc chối bỏ Ngài, thì sẽ quyết định cho mỗi người chúng ta được vinh hiển đời đời hoặc bị tàn hại đời đời, được lên thiên đàng hoặc phải xuống hỏa ngục.

Sự quyết định quan trọng nhất mà mỗi người buộc phải có, ấy là trong lòng mình phải có lúc quyết định một lần đủ cả thái độ của mình đối với Ðấng Christ. Mọi sự tùy thuộc thái độ ấy.

Làm tín đồ Ðấng Christ là một điều vinh hiển. Ðó là đặc quyền tối cao của loài người. Quả thật, tiếp nhận Ðấng Christ làm Cứu Chúa, làm Chúa, làm Chủ, và thành tâm, tận tụy, cố gắng đi theo Ðường Sự Sống mà Ngài đã dạy, đó là cách sống hợp lý và mỹ mãn hơn hết. Làm vậy thì được bình an, yên trí, thỏa lòng, được tha thứ, hạnh phước, được hi vọng, được sự sống ngay bây giờ, trong đời nầy, sự sống dư dật, Sự Sống Chẳng Hề Hết.

Tại sao lại có người đui mù và câm điếc đến nỗi cứ trải qua đời nầy và đối mặt với Sự Chết, mà chẳng có hi vọng trong Ðấng Christ? Ngoài Ðấng Christ ra, há có gì, há có thể có gì trong đời nầy hoặc trong đời sau, làm cho cuộc đời đáng sống? Hết thảy chúng ta phải chết. Tại sao toan cười để đuổi sự chết đi? Mỗi người đáng phải giang tay hoan nghinh Ðấng Christ và kể sự được mang Danh Ngài là đặc quyền đáng kiêu hãnh nhứt của đời mình.

Trong cuộc phân tích sau chót, điều quí báu, dịu dàng hơn hết của cuộc đời chính là cảm thấy ở nơi sâu kín của cớ tích mình rằng chúng ta sống cho Ðấng Christ. Dầu sự cố gắng của mình quá yếu ớt, chúng ta cũng cứ chịu khó làm phận sự hằng ngày, hi vọng rằng trong ngày tập trung sau chót, mình đã làm một điều gì có thể dâng làm tặng lễ nơi chân Ngài, với cả lòng tri ân và ngưỡng mộ khiêm cung.

H. H. Halley: Thánh Kinh Lược Khảo, Nhu Liệu Thánh Kinh.

* Trong suốt quá trình sửa soạn các tập Thần học Bình dân, người biên tập nhiều lần muốn trích dẫn từ quyển Thánh Kinh Lược Khảo của Dr H H Halley, nhưng đã quyết định không trích chỗ nào nữa trừ bài trên đây, vì ước ao và ước mơ rằng một ngày nào đó tất cả mọi tín hữu Tin lành người Việt nam trên cả thế gian nầy đều sẽ có, và luôn luôn mang theo bên mình quyển sách nầy để đọc, để học, để tham khảo khi đọc Kinh Thánh và để học thuộc lòng Kinh Thánh.

Dr Henry H Halley (1874-1965) là một mục sư người Mỹ rất uyên bác và có một trái tim bùng cháy đối với Lời của Đức Chúa Trời. Quyển Thánh Kinh Lược Khảo của Ông ban đầu, vào năm 1924, chỉ là một tập tài liệu mỏng (pamphlet) có 16 trang, mà ông tặng cho hàng ngàn tín hữu để cổ vũ họ đọc Kinh Thánh. Lần in thứ hai là 32 trang, và cứ thế tăng dần, cho đến khi Thế chiến 2 kết thúc, thì nó đã trở thành một cuốn sách dày gần 1000 trang và cho đến năm 1960 quyển sách đã in được hơn 5 triệu bản trong tiếng Anh, không tính các bản dịch ở các ngôn ngữ khác.