than hoc van dap

201. Thần học luận như thế nào về Đức Nhân ái?

Đức nhân ái của Đức Chúa Trời có hai phương diện, tức là sự nhân từ và sự yêu thương. Đức Chúa Trời thường dùng hai đức tánh ấy mà đối đãi với loài người cùng muôn vật mà Ngài đã dựng nên.

 

202. Thế nào là Đức Nhân từ?

Đức nhân từ là sự thương cảm và thương xót của Ngài đối với những đối tượng mà không xứng đáng được yêu thương.

 

203. Đức Chúa Trời đã tỏ ra Đức Nhân từ như thế nào?

“Đức nhân từ thương xót có dư dật luôn” của Đức Chúa Trời bàng bạc trong cả Kinh Thánh. Tại đây chúng ta sẽ đọc chậm rãi một khúc trong Kinh Thánh, Thi 103:3-13, một kiệt tác mà Thiên Chúa đã từng linh cảm để Đa-vít viết ra, rồi ghi nhận ra từng sự kiện một, hầu cho có thể “cảm” được lòng nhơn từ và thương xót lạ lùng của Ngài mà rơi lệ:

3 Ấy là Ngài tha thứ các tội ác ngươi,

Chữa lành mọi bịnh tật ngươi,

4 Cứu chuộc mạng sống ngươi khỏi chốn hư nát,

Lấy sự nhân từ và sự thương xót mà làm mão triều đội cho ngươi. 5 Ngài cho miệng ngươi được thỏa các vật ngon,

Tuổi đang thì của ngươi trở lại như của chim phụng-hoàng.

6 Đức Giê-hô-va thi hành sự công bình

Và sự ngay thẳng cho mọi người bị hà hiếp.

7 Ngài bày tỏ cho Môi-se đường lối Ngài,

Và cho Y-sơ-ra-ên biết các công việc Ngài.

8 Đức Giê-hô-va có lòng thương xót, hay làm ơn,

Chậm nóng giận, và đầy sự nhân từ.

9 Ngài không bắt tội luôn luôn,

Cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời.

10 Ngài không đãi chúng tôi theo tội lỗi chúng tôi,

Cũng không báo trả chúng tôi tùy sự gian ác của chúng tôi.

11 Vì hễ các từng trời cao trên đất bao nhiêu,

Thì sự nhân từ Ngài càng lớn cho kẻ nào kính sợ Ngài bấy nhiêu.

12 Phương đông xa cách phương tây bao nhiêu,

Thì Ngài đã đem sự vi phạm chúng tôi khỏi xa chúng tôi bấy nhiêu. 13 Đức Giê-hô-va thương xót kẻ kính sợ Ngài,

Khác nào cha thương xót con cái mình vậy.

Ha-lê-lu-gia!!! Cảm tạ Chúa về Đức Nhơn từ và Lòng Thương xót của Ngài!!!

 

204. Lòng Nhân từ của Đức Chúa Trời được tỏ ra cho những đối tượng nào?

(1). Cho những người kêu cầu cùng Chúa. [Thi 86:5]

(2). Cho những tội nhân ăn năn: [Lu-ca 6:36; Ma-thi-ơ 5:45, Ê-sai 55:7, Châm 28:13; Thi 51:1]

(3) Cho hết thảy mọi con cái Ngài [Thi 103].

 

205. Đức yêu thương của Đức Chúa Trời như thế nào?

“Đức Chúa Trời tức là sự yêu thương” (God is love) [IGiăng 4:16], là câu Kinh Thánh đầy quyền năng, rất quen thuộc và thân thương của mỗi Cơ-đốc nhân. Câu Kinh Thánh đã từng được D L Moody khắc trên bảng hiệu của nhà thờ, và làm khẩu hiệu cho nhiều chiến dịch truyền giảng ngày xưa, song cũng từng bị phê bình. Người phê bình cho rằng Đức Chúa Trời là một đấng có thân vị cụ thể, là sao lại là tình yêu thương, một danh từ trừu tượng.

Họ phê bình như thế vì họ không biết rằng toàn thể Đức Chúa Trời là sự yêu thương. Điều nầy cũng như tán đường, dù ta cắn bề nào thì cũng ngọt. Điều nầy cũng giống như cục muối, dù ta cắn bề nào nào thì cũng mặn. Sự ngọt trừu tượng đã đồng hóa với tán đường cụ thể, sự mặn trừu tượng đã đồng hóa với cục muối cụ thể.

 

206. Sự yêu thương của Đức Chúa Trời được bày tỏ như thế nào?

Sự yêu thương của Đức Chúa Trời được bày tỏ ra qua việc:

(1). Ngài tìm mọi cách để kéo những người đã phản bội Ngài, xây bỏ Ngài, trở lại cùng Ngài:

Đức Giê-hô-va từ thuở xưa hiện ra cùng tôi và phán rằng: Phải, ta đã lấy sự yêu thương đời đời mà yêu ngươi; nên đã lấy sự nhân từ mà kéo ngươi đến. [Giê-rê-mi 31:3]

Ta đã dùng dây nhân tình, dùng xích yêu thương kéo chúng nó đến. Ta đã như những kẻ cởi ách khỏi hàm chúng nó, và để đồ ăn trước mặt chúng nó. [Ô-sê 11:4]

(2). Ngài ban Lời Ngài cho Dân sự Ngài:

Ngài thương yêu dân sự, Các thánh của Ngài đều ở trong tay Ngài, Quì xuống chân Ngài, Đặng lãnh những lời của Ngài. [Phục 33:3]

(3). Ngài cứu Dân Ngài khi họ bị hà hiếp khốn cực:

Nhưng ấy vì Đức Giê-hô-va thương yêu các ngươi, và giữ lời thề mà Ngài đã lập cùng tổ phụ các ngươi, nên Đức Giê-hô-va nhờ tay mạnh rút các ngươi ra, chuộc khỏi nhà nô lệ, và cứu khỏi tay Pha-ra-ôn, vua xứ Ê-díp-tô. [Phục 7:8]

Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ở giữa ngươi; Ngài là Đấng quyền năng sẽ giải cứu ngươi: Ngài sẽ vui mừng cả thể vì cớ ngươi; vì lòng yêu thương mình, Ngài sẽ nín lặng; và vì cớ ngươi Ngài sẽ ca hát mừng rỡ. [Sô-phô-ni 3:17]

(4). Ngài sửa phạt, dạy dỗ, rèn luyện chúng ta:

Vì Đức Giê-hô-va yêu thương ai thì trách phạt nấy. Như một người cha đối cùng con trai yêu dấu mình. [Châm 3:12]

Ví bằng anh em chịu sửa phạt, ấy là Đức Chúa Trời đãi anh em như con, vì có người nào là con mà cha không sửa phạt? nhưng nếu anh em được khỏi sự sửa phạt mà ai nấy cũng phải chịu, thì anh em là con ngoại tình, chớ không phải con thật. [Hê-bơ-rơ 12:7-8]

(5). Nhưng điều vĩ đại nhứt là đang khi chúng ta còn là tội nhân thù nghịch cùng Ngài, thì Ngài đã đến thế gian để chết chuộc tôi và cứu chúng ta:

Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời[Giăng 3:16]

Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết. [Rô-ma 5:8]

Nầy sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta. [IGiăng 4:10]

(6). Chẳng những Ngài cứu chúng ta, Ngài còn ban cho ta những danh vị và địa vị vô cùng cao quý:

Nhưng Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng thương xót, vì cớ lòng yêu thương lớn Ngài đem mà yêu chúng ta, nên đang khi chúng ta chết vì tội mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ, ấy là nhờ ân điển mà anh em được cứu, và Ngài làm cho chúng ta đồng sống lại và đồng ngồi trong các nơi trên trời trong Đức Chúa Jêsus Christ, hầu cho về đời sau tỏ ra sự giàu có vô hạn của ân điển Ngài, mà Ngài bởi lòng nhân từ đã dùng ra cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ. [Ê-phê-sô 2:4-7]

Đấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, và làm cho chúng ta nên nước Ngài, nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời là Cha Ngài, đáng được sự vinh hiển và quyền năng đời đời vô cùng! A-men. [Khải 1:6]

 

207. Đức thành tín của Đức Chúa Trời có nghĩa gì?

Một cách dễ hiểu, Đức Thành tín của Đức Chúa Trời là bản chất và sự hành xử luôn luôn giữ chữ tín của Ngài về mọi điều mà Ngài đã hứa trong Kinh Thánh hay trong các giao ước của Ngài.

 

208. Đức Thành tín của Đức Chúa Trời từng được bày tỏ ra như thế nào?

Đức Thành tín của Đức Chúa Trời từng được bày tỏ ra:

(1). Qua cõi thiên nhiên và qua đời sống tín đồ

(2). Qua Kinh Thánh

(3). Qua Lịch sử Tuyển dân xưa và nay.

 

209. Đức Chúa Trời đã bày tỏ sự thành tín Ngài qua cõi thiên nhiên và qua đời sống tín đồ như thế nào?

Chúng ta sẽ trả lời câu hỏi nầy bằng lời của bài Thánh ca tuyệt vời của Hội thánh Tin lành: “Thánh Chúa Thành Tín”, lời của Thomas Chisholm, và nhạc của William M. Runyan:

1. Giê-hô-va ôi sự thành tín Chúa rất lớn thay

Không bóng biến thiên, muôn đời Ngài luôn vững chãi

Ngài không thay đổi, đức yêu thương vô cùng rộng dài

Thật xưa đã có, hôm nay, mai sau còn hoài.

Ðiệp Khúc:

Thánh Chúa thành tín dường nào

Thánh Chúa thành tín biết bao

Ngày thêm tươi mới lòng tôi cảm thấy ơn dào

Ðiều tôi nhu yếu Chúa ban cho dư dật dường nào

Lòng thành tín Chúa trên tôi rộng lớn làm sao!

2. Thu, đông, xuân qua, hạ lại đến, tám tiết vãng lai,

Giăng bủa trên không tinh, nhật nguyệt luân chuyển mãi;

Toàn thiên nhiên giới chứng minh luôn thiên đại vạn đại

Về thành tín lớn, khoan nhân, yêu thương trong Ngài.

3. Tâm tôi yên vui tội được xá, hưởng mãi cứu ân

Cha Chí Nhân luôn hiện diện dạy, khuyên, đưa dẫn

Ngày nay sức mới suốt tương lai hi vọng rạng ngần

Hằng vui hưởng phước, tâm linh thỏa mãn muôn phần

 

210. Đức Chúa Trời đã bày tỏ sự thành tín Ngài qua Kinh Thánh như thế nào?

Trong Kinh Thánh Đức Chúa Trời luôn luôn phán rằng Ngài là Đấng Thành tín:

Phục 7:9:

Vậy nên, phải nhận biết rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, ấy là Đức Chúa Trời, tức Đức Chúa Trời thành tín, giữ sự giao ước và nhân từ đến ngàn đời cho những người yêu mến Ngài và vâng giữ các điều răn Ngài;

Thi 33:4

Vì lời Đức Giê-hô-va là ngay thẳng, Các việc Ngài đều làm cách thành tín.

Thi 36:5

Hỡi Đức Giê-hô-va, sự nhân từ Ngài ở trên các từng trời; Sự thành tín Ngài đến tận các mây.

Thi 37:3 Hãy tin cậy Đức Giê-hô-va, và làm điều lành; Khá ở trong xứ, và nuôi mình bằng sự thành tín của Ngài.

Cũng xem: Thi 89:1;89:8,24;92:2;98:3;100:5;119:86,90,138; Ê-sai 11:5;25:1;49:7; Ca 3:23; Công 13:34; Rô-ma 15:8; ICô-rinh-tô 1:9; ITê 5:24; IITê 3:3; IITi-mô-thê 2:13; Hê-bơ-rơ 11:11; IPhi-e-rơ 4:19; IGiăng 1:9…

 

211. Đức Chúa Trời đã bày tỏ sự thành tín Ngài qua Lịch sử Tuyển dân là như thế nào?

Qua lịch sử Tuyển dân Đức Chúa Trời đã bày tỏ sự thành tín Ngài bằng sự giữ vẹn để làm cho ứng nghiệm các Lời hứa của Ngài:

Ví dụ 1. Trong Thư Hê-bơ-rơ chép: Cũng bởi đức tin mà Sa-ra dẫu có tuổi còn có sức sanh con cái được, vì người tin rằng Đấng hứa cho mình điều đó là thành tín. [Hê-bơ-rơ 11:11]. Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham khi người còn ở trong xứ Mê-sô-bô-ta-mi rằng Ngài sẽ làm cho ông “nên một dân lớn” [Sáng 12:2] và tại xứ Ca-na-an rằng chính Sa-ra, vợ chánh thất của ông, chớ không phải một người nào khác, sẽ cùng ông làm tổ phụ và tổ mẫu của một dân tộc [Sáng 17:15-17], mà dân đó sẽ trở thành một nguồn phước bằng cách sanh hạ Đấng Christ, cũng như đem Kinh Thánh là Lời của Ngài vào trong thế gian.

Thì Ngài đã thực hiện Lời hứa đó, mà ban cho Sa-ra một con trai, đặt tên là Y-sác, năm bà đã 90 tuổi, là lúc bà “không thể sanh đẻ được nữa” [Rô-ma 4:19], vì “điều chi Đức Chúa Trời đã hứa, Ngài cũng có quyền làm trọn được”. 

“Đức Giê-hô-va đến viếng Sa-ra, theo như lời Ngài đã phán, và làm cho nàng như lời Ngài đã nóiSa-ra thọ thai, sanh một con trai cho Áp-ra-ham trong khi tuổi đã già, đúng kỳ Đức Chúa Trời đã định” [Sáng 21:1,2]. Việc Đức Chúa Trời đã thực hiện điều Ngài đã hứa trong một điều kiện vô cùng khó khăn như trên đã tỏ ra Đức Thành tín của Ngài.

Ví dụ 2.   Trong Kinh Thánh có vô số các lời tiên tri, trong đó có thể chia làm bốn nhóm chính là: (1) Lời tiên tri về lịch sử loài người, về các dân tộc, và về những cá nhân được nói đến trong Kinh Thánh, (2) lời tiên tri về Cứu Chúa Jê-sus, (3) lời tiên tri về dân tộc được Thiên Chúa lựa chọn, gọi là dân Israel, và (4) lời tiên tri về thế giới giới tương lai sau khi Đức Chúa Jê-sus tái lâm. Trừ ra nhưng lời tiên tri về thế giới tương lai sau khi Chúa tái lâm, là còn phải chờ đợi để sẽ xảy ra, tất cả các lời tiên tri khác của Kinh Thánh đều đã được ứng nghiệm, chính xác trong từng chi tiết, một cách lạ lùng, và hoàn toàn có thể kiểm chứng được.

Đặc biệt, những lời tiên tri được ứng nghiệm về Tuyển dân và Quốc gia Israel, ngay cả những người không tin Chúa, cũng có thể thấy rõ được một cách dễ dàng, vì nó quá hiển hiển nhiên. Chẳng hạn như:

“Đức Giê-hô-va phán cùng Áp-ram rằng: Phải biết rằng, dòng dõi ngươi sẽ ngụ trong một xứ chẳng thuộc về chúng nó, làm tôi mọi cho dân xứ đó và bị họ hà hiếp bốn trăm năm. Nhưng, ta sẽ đoán phạt dân mà dòng dõi ngươi sẽ làm tôi mọi đó; rồi khi ra khỏi xứ, thì sẽ được của cải rất nhiều”. [Sáng 15:13-14] 

Lời tiên tri nầy, đã phán cho Áp-ra-ham, lúc đó tên còn là Áp-ram, một cụ già 85 tuổi không con, thì về sau đã hoàn toàn ứng nghiệm, khi Dân Israel, cháu chắt của Áp-ra-ham, vì đói kém, phải di cư vào xứ Ai-cập, làm nô lệ 400 năm, rồi mới được giải phóng ra khỏi xứ, thành lập quốc gia Israel, để vào chiếm hữu xứ Canaan, tức là xứ Palestine sau nầy, ở đó họ xây dựng thành Jerusalem và đền thờ Sa-lô-môn nổi tiếng.

Dân Israel ở trong xứ Canaan được gần 500 năm thì lại có những lời tiên tri khác như trong Giê-rê-mi 25:8-11; 29:10, cho biết rằng vì cớ sự gian ác của họ, họ sẽ bị đày qua Babylon trong bảy mươi năm, rồi lại được tha thứ và được cho hồi hương….

Thì những lời nầy cũng đã được hoàn toàn ứng nghiệm khi Nê-bu-cát-nết-sa, vua của Đế quốc Ba-by-lôn phá hủy Jerusalem và đền thờ, lưu đày dân Israel sang Ba-by-lôn. Khi 70 năm đã mãn, Ngài dấy Cyrus, vua Đế quốc Ba-tư lên, để tha cho họ trở về lại xứ sở, xây lại thành và đền thờ, gọi là đền thờ thứ hai. Đền thờ nầy tồn tại được khoảng hơn 500 năm, cho đến khi bị người La-mã san bằng, …Và Dân Israel, một lần nữa bị tan lạc, rải ra trên khắp thế giới gần hai ngàn năm. Trong gần hai ngàn năm đó, Dân Israel là một dân không nước, còn Nước Israel là một nước không dân…

Thế rồi cho đến cách năm nay đây đúng 72 năm, năm 1948, cũng theo lời tiên tri, như một phép lạ thiên niên kỷ, Dân Israel lại được trở về, Quốc gia Israel lại được khôi phục, thành Jerusalem lại được kiến tạo, và trở thành một điểm nóng của nền chính trị quốc tế như có hôm nay. Việc Đức Chúa Trời đã thực hiện điều Ngài đã hứa trong một điều kiện vô cùng khó khăn và trong một thời gian lâu dài như trên đã tỏ ra Đức Thành tín của Ngài.

 

212. Đức thành tín của Đức Chúa Trời có những đặc tính gì?

(1). Rất lớn: Mỗi buổi sáng thì lại mới luôn, sự thành tín Ngài là lớn lắm. [Ca 3:23]

(2). Rất cao: Hỡi Đức Giê-hô-va, sự nhân từ Ngài ở trên các từng trời; Sự thành tín Ngài đến tận các mây [Thi 36:5].

(3). Lâu bền đến nhiều thế hệ: Vậy nên, phải nhận biết rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, ấy là Đức Chúa Trời, tức Đức Chúa Trời thành tín, giữ sự giao ước và nhân từ đến ngàn đời cho những người yêu mến Ngài và vâng giữ các điều răn Ngài; [Phục 7:9]

Sự thành tín Chúa còn đời nầy đến đời kia. Chúa đã lập trái đất, đất còn vững bền [Thi 119:90].

(4). Còn đến đời đời: Vì Đức Giê-hô-va là thiện; sự nhân từ Ngài hằng có mãi mãi, Và sự thành tín Ngài còn đến đời đời [Thi 100:5].

 

213. Phước hạnh của Sự Thành tín của Đức Chúa Trời mà chúng ta được hưởng là gì?

(1). Sự Thành tín của Đức Chúa Trời giúp cho chúng ta có thể kinh nghiệm được các lời hứa được ứng nghiệm trong cuộc đời.

“Vì thuộc về Đấng Christ” và “dòng dõi của Áp-ra-ham, tức là kẻ kế tự theo lời hứa”. [Ga-la-ti 3:29], nên mỗi Cơ-đốc nhân đều có một đặc quyền vĩ đại, là nhờ sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh, và tùy theo lượng đức tin, mà bước vào trong kho tàng của Lời hứa, tức là Kinh Thánh, để “lấy đức tin nhận lời đó thuộc về mình”. [Hê-bơ-rơ 4:2]

Vì Đức Chúa Trời là thành tín và quyền năng, cho nên dầu hoàn cảnh có khó khăn đến bao nhiêu, dầu sự trở ngại có lớn đến bao nhiêu, thì những Lời hứa đó chắc chắn cũng sẽ được ứng nghiệm, vì Ngài có phán rằng:

“Đức Chúa Trời chẳng phải là người để nói dối, Cũng chẳng phải là con loài người đặng hối cải. Điều Ngài đã nói, Ngài há sẽ chẳng làm ư? Điều Ngài đã phán, Ngài há sẽ chẳng làm ứng nghiệm sao?” [Dân 23:19]

“Vả, như mưa và tuyết xuống từ trên trời và không trở lại nữa, mà đượm nhuần đất đai, làm cho sanh ra và kết nụ, đặng có giống cho kẻ gieo, có bánh cho kẻ ăn, thì lời nói của ta cũng vậy, đã ra từ miệng ta, thì chẳng trở về luống nhưng, mà chắc sẽ làm trọn điều ta muốn, thuận lợi công việc ta đã sai khiến nó” [Ê-sai 55:10-11].

(2). Sự Thành tín của Đức Chúa Trời giúp cho chúng ta có thể “vui mừng trong sự trông cậy, nhịn nhục trong sự hoạn nạn” [Rô-ma 12:12]

Trong mọi hoàn cảnh thử thách bủa vây, nhờ tin vào sự thành tín của Đức Chúa Trời mà mỗi chúng ta có thể tràn đầy hy vọng, lòng luôn được bình an, mà “vui mừng trong sự trông cậy, nhịn nhục trong sự hoạn nạn” [Rô-ma 12:12] vì tin tưởng như Gióp rằng “Chúa biết con đường tôi đi; Khi Ngài đã thử rèn tôi, tôi sẽ ra như vàng”. [Gióp 23:10]

Và tin chắc rằng sẽ có ngày mình có được cơ hội để long trọng tuyên bố như Giô-suê đời xưa rằng:

“Trong các lời lành mà Đức Giê-hô-va đã phán cho nhà Y-sơ-ra-ên, chẳng có một lời nào là không thành: thảy đều ứng nghiệm hết” [Giô-suê 21:45].

(3). Sự Thành tín của Đức Chúa Trời giúp cho chúng ta có thể giục mạnh mẽ và đầy đức tin để cứ “bền lòng mà cầu nguyện” [Rô-ma 12:12]

Thật ra, thì rất thường khi Ngài thử thách đức tin chúng ta, giống như thử thách Áp-ra-ham và Sa-ra, bắt chúng ta phải chờ đợi cho đến khi nhận được điều tốt nhứt.

Nhưng nhờ tin vào sự thành tín lớn của Đức Chúa Trời mà chúng ta có thể giục mạnh mẽ và đầy đức tin để cứ “bền lòng mà cầu nguyện”, như Kinh Thánh dạy.

Bởi vì chúng ta biết rằng “sự hiện thấy còn phải ứng nghiệm trong kỳ nhất định, sau cùng nó sẽ kíp đến, không phỉnh dối đâu; …bởi nó chắc sẽ đến, không chậm trễ. [Ha-ba-cúc 2:3] và vì “Đức Giê-hô-va, sẽ nôn nả  làm điều ấy trong kỳ nó!” [Ê-sai 60:22]

Nên chúng ta có thể sẽ bắt chước tiên tri Đa-ni-ên đời xưa, “bởi các sách biết rằng số năm mà lời Đức Giê-hô-va đã phán cùng đấng tiên tri Giê-rê-mi, để cho trọn sự hoang vu thành Giê-ru-sa-lem, là bảy mươi năm”, nên “để mặt hướng về Chúa là Đức Chúa Trời, lấy sự khấn nguyện, nài xin, với sự kiêng ăn, mặc bao gai, đội tro mà tìm” [Đa-ni-ên 9:3].

Đức Chúa Jesus đã dạy rằng một trong những yếu tố rất quan của sự cầu nguyện là phải bền lòng, “phải cầu nguyện luôn, chớ hề mỏi mệt” [Lu-ca 18:1]. Nhưng chúng ta chỉ có thể làm được điều đó khi chúng ta chẳng những vịn vào, nương mình vào, mà còn bám chắc vào các Lời Hứa của Đức Chúa Trời, để cầu nguyện như trước giả Thi Thiên ngày xưa rằng “Xin Chúa làm ứng nghiệm lời Chúa cho kẻ tôi tớ Chúa, Tức là kẻ kính sợ Chúa” [Thi-thiên 119:38], vì biết chắc, vì tin chắc rằng “Phước cho người đã tin, vì lời Chúa truyền cho sẽ được ứng nghiệm!” [Lu-ca 1:45].