than hoc van dap

195. Đức Chúa Trời có những mỹ đức nào?

Thần học thường chia các mỹ đức của Đức Chúa Trời ra làm bốn loại:

(1). Đức Thánh khiết,

(2). Đức Công bình (Công nghĩa),

(3). Đức Nhơn ái,

(4). Đức Chân thành.

 

196. Thần học luận như thế nào về Đức Thánh khiết? 

Nhà thần học A.H. Strong định nghĩa sự thánh khiết của Đức Chúa Trời như sau: “Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời là sự tinh sạch tự quyết của Ngài. Ngài nhờ đức ấy mà tự quyết hằng có hằng giữ lòng đạo đức tối cao tuyệt đích của Ngài.” [Xuất 15:11;19:10-16; Ê-sai 6:3; 1Tê 4:7; IICo 7:1; Hê-bơ-rơ 12:29].

 

197. Quan niệm về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời dường như dần dần được tiến triển?

Không phải chỉ có sự thánh khiết, mà mọi mỹ đức của Đức Chúa Trời đều là tuyệt đối, trọn vẹn, toàn hảo, toàn bích. Ngài cũng lại là Đấng vô thời biến cải, cho nên sự thánh khiết Ngài là đời đời, không thêm, không bớt. Tuy vậy, để khải thị cho loài người về các mỹ đức của Ngài, thì Ngài tùy theo thời gian, tùy theo trình độ, mà Ngài có một chương trình bộc lộ cụ thể.

Chẳng hạn như trong ý niệm thánh khiết, vào thời Cựu ước, thì Ngài trước hết, Ngài ban Luật Môi-se, Ngài dạy cho loài người sự làm sạch thân thể, quần áo, đồ đạc. Ăn uống thì phải có sự phân biệt về thú vật thanh sạch và không thanh sạch. Đời sống thì phải giữ các nghi lễ về sự tinh sạch, và các thời gian tinh sạch, để dạy cho loài người ý niệm tinh sạch, ý niệm thánh khiết.

Cũng như sự thánh hóa vào thời đó là sự biệt riêng ra thánh bằng các nghi lễ bao gồm sự chết và huyết của các con sinh vật.

Còn tội tà dâm vào thời đó là những hành vi tội phạm cụ thể.

Dầu ngay trong thời Cựu ước, ý niệm về sự thánh khiết cứ càng ngày càng được nâng cao, nhứt là sự khải thị qua các tiên tri, song phải đợi cho đến khi Đấng Cứu Thế bước vào trong thế gian thì ý niệm thánh khiết mới được chính Ngài khải thị một cách trọn vẹn bằng sự giảng dạy cũng như bằng sự chết chuộc tội của Ngài: 

“Đức Chúa Jêsus hỏi rằng: Các ngươi cũng còn chưa hiểu biết sao? …những điều bởi miệng mà ra là từ trong lòng, thì những điều đó làm dơ dáy người. Vì từ nơi lòng mà ra những ác tưởng, những tội giết người, tà dâm, dâm dục, trộm cướp, làm chứng dối, và lộng ngôn. Ấy đó là những điều làm dơ dáy người; song sự ăn mà không rửa tay chẳng làm dơ dáy người đâu”. [Ma-thi-ơ 15:16-20]

“Các ngươi có nghe lời phán rằng: Ngươi chớ phạm tội tà dâm. Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đàn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi…”. [Ma-thi-ơ 5:27-28]

“Ấy là một hình bóng chỉ về đời bây giờ, để tỏ rằng các lễ vật và hy sinh dâng đó, không có thể làm cho kẻ thờ phượng được vẹn lành về lương tâm. Đó chẳng qua là mạng lịnh của xác thịt, cũng như các lễ ăn, uống rửa sạch, chỉ lập cho đến kỳ hoán cải vậy. Nhưng …Ngài đã vào nơi rất thánh một lần thì đủ hết, không dùng huyết của dê đực và của bò con, nhưng dùng chính huyết mình, mà được sự chuộc tội đời đời. [Hê-bơ-rơ 9:9-22]

 

198. Có những bằng cớ nào chứng minh Đức Chúa Trời là Đấng thánh khiết?

Có nhiều bằng cớ chứng minh rằng Đức Chúa Trời rất thánh khiết.  Sau đây là ba bằng cớ dễ thấy nhất.

(1). Lương tâm: Là bản năng phân biệt được thiện ác trong con người, đồng thời cũng có khả năng cáo trách, tạo sự bất an khi con người làm ác, làm sai, và ban sự bình an khi con người làm thiện, làm đúng. Vậy, nếu Đấng Tạo Hóa đã dựng nên loài người có bản năng mến lành ghét dữ ấy, há chẳng chứng rằng vì chính Đấng ấy rất thánh khiết, nên cũng mến lành ghét dữ đó sao? 

(3). Kinh Thánh: Ý niệm về thánh khiết luôn luôn được đề cao và chi phối xuyên suốt cả Kinh Thánh từ những trang đầu tiên cho đến những trang cuối cùng. Mọi hành động của Đức Chúa Trời đối với con người, kể cả Công cuộc Cứu rỗi vĩ đại và Sự đoán xét thế gian đều liên quan đến sự thánh khiết, và vì sự thánh khiết. Trong Lê 19:2 Đức Chúa Trời truyền cho cả hội chúng Y-sơ-ra-ên rằng: Hãy nên thánh, vì ta Giê-hô-va Đức Chúa Trời các người, vốn là thánh. Ê-sai xưng Đức Chúa Trời là “Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên.” hơn 30 lần.Tiên tri Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên, và các tiên tri khác cũng đều gọi như vậy.Trong Tân Ước, Con Đức Chúa Trời được xưng là “Đấng Thánh” (Công 3:14). Còn Ngôi thứ ba trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời thì được xưng là Đức Thánh Linh.

Kinh Thánh cũng dạy rõ ràng rằng loài người bị phân rẽ khỏi sự hiện diện của Đức Chúa Trời, là do sự bất khiết ở tâm linh. Kinh Thánh dạy rằng hễ ai không thánh khiết thì chẳng thấy được Đức Chúa Trời, bị phân rẽ khỏi Ngài không chỉ trong đời nầy, mà còn bị hành phạt đau đớn suốt cả cõi đời đời nữa [Thi 24:3,4; Ma-thi-ơ 5:8; Khải 21:8].

 

199. Đức Công Bình là gì?

Đức công bình (hay Công nghĩa) của Đức Chúa Trời là đức thánh khiết đã được đem ứng dụng vào thực tế trong khi cư xử với muôn vật trong vũ trụ mà Ngài đã dựng nên, đặc biệt là đối với loài người.

Trong Kinh Thánh có nhiều đoạn, nhiều câu chứng thực cho đức công bình của Đức Chúa Trời, bày tỏ ra rằng Ngài mến người công nghĩa, ghét kẻ bất nghĩa [Sáng 18:25; Phục 32:4; Thi 5:5; Thi 7:9-12; Thi 18:24-26; Ma-thi-ơ 5:48; Rô-ma 2:6; IPhi 1:16]

 

200. Đức Chúa Trời đã bày tỏ đức Công Bình của Ngài như thế nào?

Ngoài ra, đức công bình của Đức Chúa Trời được bày tỏ ra trong một số sự kiện rất dễ nhận ra như:

(1). Trong sự tạo hóa, Ngài đặt trong tâm của loài người ý thức về sự công bình, khiến cho trong lòng mỗi người lúc nào cũng có câu hỏi: Ta sống như vậy có được không? Ta làm như vậy có đúng không?

Còn trong lúc cư xử với người khác, ta luôn luôn cố gắng để sống sao cho “phải”, cho đúng. Gặp khi cần, ta cũng tìm cách chứng minh, biện luận, bào chữa rằng mình là đúng, mình là phải.

(2). Trong sự cư xử Ngài cũng cư xử với loài người căn cứ vào đức công bình.

Chẳng những là Đấng Lập Pháp, Ngài cũng đồng thời là Quan Án Công Bình và Đấng Hành Pháp để xét xử và phạt kẻ bất nghĩa và thưởng người công nghĩa trên toàn cả thế gian.

Như việc Ngài ban cho loài người, trước hết là tuyển dân của Ngài luật pháp, giới mạng, điều răn để họ thực hành hầu cho có thể bước đi trong đường công bình. Trong Luật pháp Ngài, mỗi khi họ vâng phục tuân hành Ngài ban phước cho họ và ban thưởng cho họ, khi họ bất tuân và sống bất nghĩa, Ngài giáng họa trên họ và sửa phạt họ. 

Chẳng những trong tuyển dân, ngay cả ngoài thế gian, trong cả loài người, đâu đâu người ta cũng kinh nghiệm rằng: Ở hiền gặp lành, ở dữ gặp ác. Thế thì ai đã thiết định luật lệ và quản cai việc thưởng thiện phạt ác đó, nếu không phải là Đấng Chí Công, Chí Nghĩa?

(3). Trong sự Cứu rỗi:

Bản tánh đạo đức của Đức Chúa Trời luôn luôn có hai phương diện: Thánh khiết – Công bình trọn vẹn và Yêu thương – nhơn từ trọn vẹn. Vì Thánh khiết – Công bình nên Ngài không thể chấp nhận, không thể chịu đựng được tội lỗi, và Ngài bắt buộc phải đoán phạt tội nhơn.

Nhưng vì Ngài cũng là Đấng Yêu thương – Nhơn từ nên không thể nào bỏ rơi con người, trừng phạt con người, để con người chết  mất đời đời trong hỏa ngục vì tội của họ.

Cho nên Ngài đã sai Con Một Ngài, Đức Chúa Jesus Christ giáng trần: “Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta. [1Giăng 4:10] “là Đấng Đức Chúa Trời đã lập làm của lễ chuộc tội, bởi đức tin trong huyết Đấng ấy. Ngài đã bày tỏ sự công bình mình như vậy, vì đã bỏ qua các tội phạm trước kia, [Rô-ma 3:25] “Ngài đã bị nộp vì tội lỗi chúng ta, và sống lại vì sự xưng công bình của chúng ta. [Rô-ma 4:25]

Nghĩa là không phải là Ngài không đoán phạt tội lỗi. Nhưng thay vì phạt chúng ta, thì Ngài phạt chính Con Ngài vì tội của chúng ta.

(4). Trong sự tha tội.

 Kinh Thánh chép:

“Nhưng, nếu chúng ta đi trong sự sáng cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta giao thông cùng nhau; và huyết của Đức Chúa Jêsus, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta. Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta. Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác”. [IGiăng 1:7-9].

Tại sao trong câu Kinh Thánh nầy lại nói đến sự thành tín và công bình?

Thành tín vì Ngài đã sai Con Ngài là Đức Chúa Jesus Christ giáng thế chịu chết, và Ngài đã truyền cho “hết thảy các đấng tiên tri đều làm chứng nầy về Ngài rằng hễ ai tin Ngài”, tức là tin Đức Chúa Jesus Christ, “thì được sự tha tội vì danh Ngài”. [Công 10:43]. Nay nhơn vì chúng ta tin Đức Chúa Jesus Christ, thì Ngài thành tín, tức là giữ lời nứa của Ngài, mà tha tội cho chúng ta.

Và công bình bởi vì Ngài đã không bỏ qua tội lỗi, mà đã phạt Con Ngài bằng sự chết và sự đổ huyết trên thập tự giá thay cho chúng ta, nên nay Ngài không phạt, tức tha tội cho chúng ta là đúng lẽ công bình, vì theo Luật của Kinh Thánh, cũng như luật trong thế gian, không thể xử phạt hai lần cho cùng một tội.