than hoc van dap

214. Nguyên chỉ của Đức Chúa Trời là gì?

Nguyên chỉ của Đức Chúa Trời là ý định, kế hoạch, chương trình mà Ngài đã định từ trước vô cùng là sẽ thực hiện.

 

215. Trong Kinh Thánh có sự dạy dỗ nào về Đức Chúa Trời có nguyên chỉ trong mọi sự, mọi việc?

 Kinh Thánh dạy dỗ rằng từ trước muôn đời Đức Chúa Trời đã hoạch định chương trình cho mọi sự, mọi việc sẽ xảy ra, chung cho cả vũ trụ, hoặc riêng cho từng cá nhân:

Thi 148:6: Ngài lập cho vững các vật ấy đến đời đời vô cùng; Cũng đã định mạng, sẽ không có ai vi phạm mạng ấy.

Ê-sai 25:1: Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài là Đức Chúa Trời tôi! Tôi tôn sùng Ngài, tôi ngợi khen danh Ngài; vì Ngài đã làm những sự mới lạ, là những mưu đã định từ xưa, cách thành tín chân thật.

Ê-sai 46:11: Ta gọi chim ó đến từ phương đông, và gọi người làm mưu ta đến từ xứ xa. Điều ta đã rao ra, ta sẽ làm hoàn thành, điều ta đã định, ta cũng sẽ làm.

Giê-rê-mi 29:11: Chúa phán, 'Vì Ta biết rõ các chương trình Ta sẽ làm cho các ngươi, đó là các chương trình làm cho các ngươi được bình an thịnh vượng chứ không phải bị tổn hại, hầu ban cho các ngươi một hy vọng và một tương lai (BD 2011).

Đa-ni-ên 4:17: Án đó là bởi các đấng canh giữ đã định, và lời các thánh đã truyền, hầu cho những kẻ sống biết rằng Đấng Rất Cao cai trị trong nước của loài người; Ngài muốn ban cho ai tùy ý, và lập kẻ rất hèn hạ trong loài người lên đó.

Đa-ni-ên 9:26: Sau sáu mươi hai tuần lễ đó, Đấng chịu xức dầu sẽ bị trừ đi, và sẽ không có chi hết. Có dân của vua hầu đến sẽ hủy phá thành và nơi thánh; cuối cùng nó sẽ như bị nước lụt ngập, có sự tranh chiến cho đến cuối cùng; những sự hoang vu đã định.

Công 4:28: để làm mọi việc tay Ngài và ý Ngài đã định trước.

Công 22:14: Đoạn, người nói với tôi rằng: Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng ta đã định cho anh được biết ý muốn Chúa, được thấy Đấng Công bình và nghe lời nói từ miệng Ngài.

Rô-ma 8:28: Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định.

Rô-ma 8:29: Vì những kẻ Ngài đã biết trước, thì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài, hầu cho Con nầy được làm Con cả ở giữa nhiều anh em;

Rô-ma 8:30: còn những kẻ Ngài đã định sẵn, thì Ngài cũng đã gọi, những kẻ Ngài đã gọi, thì Ngài cũng đã xưng là công bình, và những kẻ Ngài đã xưng là công bình, thì Ngài cũng đã làm cho vinh hiển.

Rô-ma 9:23: để cũng làm cho biết sự giàu có của vinh hiển Ngài bởi những bình đáng thương xót mà Ngài đã định sẵn cho sự vinh hiển, thì còn nói chi được ư?

ICô-rinh-tô 2:7 Chúng tôi giảng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, là sự mầu nhiệm kín giấu, mà từ trước các đời, Đức Chúa Trời đã định sẵn cho sự vinh hiển chúng ta.

Ê-phê-sô 1:5: bởi sự thương yêu của Ngài đã định trước cho chúng ta được trở nên con nuôi của Ngài bởi Đức Chúa Jêsus Christ, theo ý tốt của Ngài,

Ê-phê-sô 1:11: Ấy cũng là trong Ngài mà chúng ta đã nên kẻ dự phần kế nghiệp, như đã định trước cho chúng ta được điều đó, theo mạng của Đấng làm mọi sự hiệp với ý quyết đoán,

IPhi-e-rơ 1:20: đã định sẵn trước buổi sáng thế, và hiện ra trong cuối các thời kỳ vì cớ anh em,

 

216. Lẽ đạo nguyên chỉ có trái với quyền tự chủ của loài người không?

(1).  Mâu thuẫn với sự tự chủ của loài người?

Có kẻ bài bác lẽ đạo về nguyên chỉ của Đức Chúa Trời, nói rằng đạo ấy mâu thuẫn với sự tự chủ của loài người.

Lời bài bác nầy lẫn lộn nguyên chỉ của Đức Chúa Trời với sự thực hành nguyên chỉ ấy trong cuộc tạo hóa và sự tể trị vũ trụ. Như sự biết trước vốn thuộc về thần tánh vĩnh viễn của Đức Chúa Trời, mà chẳng mâu thuẫn với sự tự chủ của loài người thể nào, thì các nguyên chỉ (sự dự định mọi việc), vốn do thần tánh Ngài mà định liệu cũng chẳng mâu thuẫn với sự tự chủ của loài người thể ấy.

(2). Cướp lấy cớ tích của sự tự cường?

Có kẻ khác bài bác rằng các nguyên chỉ của Đức Chúa Trời cướp lấy cớ tích của sự gắng công ra sức của loài người để đạt đến bực tối cao trong mọi việc mình muốn làm. Họ nói rằng nếu mọi sự đều do nguyên chỉ của Đức Chúa Trời dự định, thì cần chi gắng công ra sức để làm lành lánh dữ? Ví bằng Đức Chúa Trời đã dự định mình sẽ làm ác, thì dầu tự cường để làm thiện,cũng chỉ kết quả sự ác thôi. Ta xin đáp lẽ cho lời bài bác nầy rằng:

(a). Các nguyên chỉ của Đức Chúa Trời chẳng có thể ảnh hưởng đến loài người như thế, bởi vì họ không thể biết được nguyên chỉ ấy cho đến khi mọi việc đã xong, các biến động đã xảy đến rồi. Lại trong Kinh Thánh Đức Chúa Trời hứa cho kẻ gắng công ra sức làm việc lành ắt sẽ được may mắn dồi dào vậy.

(b). Lời bài bác ấy lẫn lộn nguyên chỉ của Đức Chúa Trời với vận mạng luận. Tuy nhiên, vận mạng là vô ý thức, còn nguyên chỉ của Đức Chúa Trời do sự khôn ngoan tuyệt đối của Ngài mà ra. Vận mạng, như vật chất vô tình, phá hủy sự tự chủ loài người. Còn nguyên chỉ của Đức Chúa Trời bao hàm sự tự chủ và sự tự cường của họ. Thực ra , Đức Chúa Trời đã dự định dùng quyền tự chủ và sự tự cường của loài người đặng làm nên nguyên chỉ của Ngài vậy. Thật thế, hễ Đức Chúa Trời đã dự định cứu rỗi ai, thì người ấy bởi lúc nghe Tin Lành, bèn nhận cảm lực của đạo ấy mà liền vận dụng quyền tự chủ, quyết định tin theo Jesus Christ, công nhận Ngài làm Cứu Chúa của mình. Vả, lương tâm và Kinh Thánh đều chứng minh rằng loài người thật có quyền tự chủ. Vậy, nếu quyền ấy thật có, há chẳng do nguyên chỉ của Đức Chúa Trời dự định mà có sao?

 

(3). Khiến cho Đức Chúa Trời trở nên nguyên nhân của tội lỗi?

Kẻ khác lại biện bác rằng nguyên chỉ của Đức Chúa Trời khiến cho Ngài trở nên nguyên nhân của tội lỗi. Chúng ta đáp rằng:

(a). Nguyên chỉ của Đức Chúa Trời chẳng khiến Ngài nên nguyên nhân của tội lỗi đâu, bèn là khiến Ngài nên nguyên nhân của các vị tự chủ có thể gây nên tội lỗi; mà các vị ấy thật là nguyên nhân của tội lỗi đó. Đức Chúa Trời chẳng theo cách hiệu nghiệm mà dự định tội, bèn theo cách chuẩn hứa mà dự định nó vậy. Ngài dựng nên các vị tự do, ban cho họ được các lương năng có thể lựa chọn và làm theo hoặc thiện hoặc ác. Luận theo cách ấy, ta có thể nói rằng nguyên chỉ của Đức Chúa Trời cũng bao hàm sự phạm tội; song Ngài chỉ dự định cho tội lỗi được phép do các vị tự chủ mà xen vào vũ trụ, chớ nguyên chỉ của Ngài chẳng phải là hiệu nhân (cause dfficiente) của tội đâu. Ý chỉ loài người là hiệu nhân của tội lỗi; còn Đức Chúa Trời bao giờ cũng hằng ghen ghét, trách móc, cự địch và hình phạt tội không thôi.

Tuy Đức Chúa Trời dùng cơ hội phạm tội của anh em Giôsép mà ban phước cho thế gian, thì Ngài cũng vẫn cầm họ là kẻ có tội. Trong Ma 26:24 có chép rằng: “Con người hẳn đi, như đã chép về Ngài; song khốn thay cho người nầy là kẻ phản Con Người! Thà nó chẳng sanh ra thì hơn.” Đã dự định rằng Christ phải chịu khổ; song điều ấy chẳng khiến cho tên Do Thái Íchcariốt mất quyền tự chủ, thậm chí bị ép buộc phải phản Ngài đâu; cũng chẳng giảm bớt tội trọng và gớm ghê ấy nữa. Nhà vô thần Ingersol có hỏi rằng: “Cớ sao Đức Chúa Trời dựng nên ma quỉ?” Ta đáp rằng: Đức Chúa Trời không dựng nên ma quỉ đâu; bèn chính ma quỉ dựng nên ma quỉ đó thôi. Đức Chúa Trời vốn dựng nên một vị linh thánh sạch, có quyền tự chủ; vị linh ấy bèn lạm dụng quyền tự chủ mình, phản loạn cùng Đức Chúa Trời mà gây nên tội lỗi, và vì thế mới trở nên ma quỉ vậy.

(b). Vả, Đức Chúa Trời thật đã cho phép tội lỗi vào vũ trụ rồi; nhưng chúng ta chẳng biết tại cớ sao Ngài cho phép như vậy. Ngài là Đấng rất thánh khiết, rất công nghĩa, rất thù nghịch với tội ác. Dầu vậy, ta thấy Ngài đã chuẩn hứa cho tội lỗi xảy đến, không ngăn trở Sa tan trở nên ma quỉ, cũng chẳng khiến cho loài người trở nên kẻ không thể phạm tội. Nhưng mà tuy chúng ta không thể hiểu tại cớ sao đã có như vậy, thì cũng vẫn có thể biết sự chuẩn hứa ấy là phải lắm, công bình lắm, xứng hiệp với tánh trọn vẹn của Đức Chúa Trời vậy.

 

217. Lẽ đạo Nguyên chỉ có ích lợi cho loài người chăng?

Ích lớn mọi đường, xin được lược kể ra như sau đây:

(1). Sự suy gẫm về các mưu luận cao xa, các ý định không dò xét được, và quyền vô lượng vô biên của Đức Chúa Trời khiến cho lòng ta thêm khiêm nhường đối với Ngài.

(2). Dạy cho tín đồ càng đem lòng tín nhiệm Đức Chúa Trời, là Đấng đã theo sự khôn ngoan tối thượng mà dự định sự sống sự chết, trạng huống của đời ta, lo sắm sẵn mọi sự nhỏ và lớn cho ta, khiến cho mọi sự hiệp lại làm cho nước Ngài đắc thắng và kẻ yêu mến Ngài được phước.

(3) Chỉ dạy cho thù nghịch của Đức Chúa Trời rằng Ngài đã biết họ từ trước vô cùng, cũng đã dự bị cho họ có thể thoát khỏi vòng tội phản nghịch của họ. Hễ họ cứ phản nghịch mãi, không chịu lìa bỏ tội đó, ắt không thể thoát khỏi hình phạt mà Ngài dự định cho kẻ ác không chịu ăn năn.

(4). Khuyên tội nhân phải mau mau nhờ phương pháp cứu rỗi của Christ cho được thoát khỏi sự hình phạt đã định rồi, mới mong được thuộc trong số người mà nguyên chỉ Đức Chúa Trời đã định sẵn cho được ơn cứu rỗi vậy.

Lẽ đạo về nguyên chỉ Đức Chúa Trời thường làm đã vấp váp cho tín đồ mới tin Chúa; vì ngộ tánh non nớt của họ rất khó hiểu.Cần phải có sự thông minh thuộc linh và sự từng trải sâu nhiệm, mới mong hiểu chút đỉnh. Song cho kẻ đã tin Chúa lâu, lẽ đạo nầy dường như chỗ đức tin nương dựa. Trải suốt những lúc Hội Thánh bị hoạn nạn, nhục mạ, bắt bớ, thì dân Đức Chúa Trời luôn luôn tìm được sự an ủi rất lớn trong lẽ đạo về nguyên chỉ của Đức Chúa Trời. Cũng chỉ khi chúng ta tín nhận lẽ đạo nầy mà chúng ta được biết chắc rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho mình [Rô-ma 8:28], và được lòng dạn dĩ cầu nguyện rằng: “Xin ý Cha được nên” [Ma 6:10] đó thôi.

*Các phần in nghiêng trên đây hoặc là trích nguyên văn, hoặc là sửa lại cho gọn nhẹ, và đặt thành câu hỏi lời luận của tác giả Thần Đạo Học John D Olsen.