than hoc van dap

176. Đức Chúa Trời có các thuộc tánh nào?

Đức Chúa Trời có ít nhứt là 8 thuộc tánh quan trọng sau đây:

(1) Đức Chúa Trời là Đấng thuộc linh;

(2) Đức Chúa Trời tự hữu hằng hữu;

(3) Đức Chúa Trời vô hạn vô lượng;

(4) Đức Chúa Trời vô sở bất năng;

(5) Đức Chúa Trời vô sở bất tại;

(6) Đức Chúa Trời vô sở bất tri;

(7) Đức Chúa Trời vô thời biến cải;

(8) Đức Chúa Trời thuần nhứt vô phân.

 

177. Đức Chúa Trời là Đấng thuộc linh có nghĩa gì?

Nói rằng Đức Chúa Trời là Đấng thuộc linh thì điều đó có nghĩa là:

(1). Đức Chúa Trời là Thần Linh.

Nghĩa là Ngài vô hình, không có hình thể vật chất để chúng ta có thể thấy được, hay cân đo đong đếm bằng các phương tiện đo lường vật lý. Một trong những điểm quan trọng cần nhớ là hầu hết các tôn giáo thế gian đều quan niệm Thượng đế ở trong, hoặc gắn liền với vật chất. Điều nầy đã dẫn đến sự thờ lạy hình tượng. Nhưng vì “Đức Chúa Trời là thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy”. [Giăng 4:24]

(2). Ngài không bị vật chất hạn chế.

Trước khi có muôn vật đã có Ngài. Ngài dựng nên muôn vật, và Ngài ở ngoài vật chất [Cô-lô-se 1:17]. Ngài có thể vượt qua mọi rào cản, mọi giới hạn của vật chất.

 

178. Nếu Đức Chúa Trời là Thần Linh, tại sao Kinh Thánh thường tả Ngài có hình thể như người ta?

Quả thật Kinh Thánh thường chép về Đức Chúa Trời có những vận động như loài người, thí dụ như: Thi thiên 34:15 chép: Mắt Giê-hô-va đoái xem người công nghĩa, lỗ tai Ngài nghe tiếng kêu cầu của họ”. Trong Phục 33:27 nói về “cánh tay đời đời của Ngài.” .Trong tiên tri Ê-sai 66:1 Đức Chúa Trời phán “Trời là ngai ta, đất là bệ chơn ta… 

(1). Thật ra những câu ấy chẳng có ý dạy rằng Đức Chúa Trời có hình thể vật chất đâu. Nhưng vì trong sự khải thị cho loài người Đức Chúa Trời vẫn tùy theo văn hóa, ngôn ngữ, và trình độ của loài người mà mặc khải cho họ những lẽ thật thuộc linh. Thật ra, ngày nay những người thành tâm tin Chúa, dầu là mới tin đi nữa, cũng không có mấy ai hình dung Đức Chúa Trời là có thân thể, có ngũ quan, có tứ chi như người ta, trừ ra những người Mormons, vốn vẫn thường dạy rằng Đức Chúa Trời có một thân thể toàn vẹn, bằng xương bằng thịt, và đứng thẳng (God is a perfect, exalted man, with a flesh-and-bones body)*

*Gordon R. Lewis: Decide for Yourself, Downers Grove, Ill, US, Inter-Varsity Press, 1974, p36

(2). Ngoài ra thì cũng là vì để trực tiếp gặp gỡ với con người, Đức Chúa Trời cũng đã lấy hình thể của con người để hiện ra như một người (Sáng 16:7,10,13;32:24-30;18:1-16; Xuất 13:21;14:19;24:9,10)). Các sự hiển hiện ấy Thần học gọi là Hiển Thần (Theophany). Sự hiện ra đó khiến họ biết có sự hiện diện của Ngài một cách cụ thể chớ chẳng thấy rõ được thần thể yếu (Divine essence), tức là bản chất thánh và các thuộc tánh bề trong của Ngài, là cái mà chỉ cho đến khi nào qua đời và được ở với Ngài chúng ta mới thấy được [1Côr 13:12].

 

179. Đức Chúa Trời là Đấng tự hữu có nghĩa gì?

Tự hữu là tự nhiên mà có.

Trước hết điều nầy có nghĩa là Đức Chúa Trời là Đấng đầu tiên, có từ trong chính mình Ngài, chớ không do ai sanh ra. Ngài đã tự tuyên bố về mình rằng: “Ta là Đấng tự hữu” (Xuất 3:14). Đây là ý nghĩa Danh Đức Giê-hô-va của Ngài.

Ở Việt nam đã từng có một thời những người dèm pha Đạo Chúa đặt vào miệng những người bình dân đơn sơ một bài hát chế diễu:

“Thấy anh hay chữ, em mới hỏi thử anh một lời,

Chớ thuở khai thiên lập địa Đức Chúa Trời ai sinh?

Thật ra, không phải chỉ những người bình dân đơn sơ, mà ngay một triết gia nổi tiếng thế giới trong thế kỷ 20 là Bertrand Russell cũng đã có lần đã kể lại rằng sở dĩ ông bỏ Cơ-đốc giáo ở tuổi thiếu niên là vì người lớn đã không một ai trả lời cho ông được là ai đã sinh ra Đức Chúa Trời.

Câu hỏi của Bertrand Russell đã làm cho mọi người kinh ngạc về ông, bởi vì trong ý niệm căn bản về Đức Chúa Trời thì Ngài phải là một Đấng tự hữu, nghĩa là không do ai sinh ra. Nếu có một đấng nào đó đã sinh ra Ngài, thì đấng đó mới chính là Đức Chúa Trời.

 

180. Đức Chúa Trời là Đấng hằng hữu có nghĩa gì?

Hằng hữu là có mãi đời đời. Đức Chúa Trời hằng hữu, thể yếu của bản tánh Ngài vô thỉ vô chung, nên sự thực hữu Ngài chẳng bị thời gian hạn chế. Tâm trí ta không thể hiểu nỗi quan niệm đời đời, vì bị thời gian bó buộc. Tuy cõi đời đời không có kỳ quá khứ, hiện tại, hay tương lai, thì chúng ta cũng chỉ có thể suy tưởng quan niệm ấy ra theo ý ba kỳ ấy. Cho nên ta tính lui cho đến trước vô cùng, lại tính tới cho đến mãi về sau, thì số tổng cộng ấy ta gọi là đời đời vậy. Cũng một thể ấy, khi ta suy tưởng về Đức Chúa Trời là Đấng hằng hữu, thì cũng tính như vậy, kể Ngài thực hữu từ trước vô cùng, lại sẽ hằng còn đến đời đời, tức vô thỉ vô chung vậy. Vậy thì, nếu như sự hiện hữu của Ngài ở bên ngoài không gian, thì sự hằng hữu của Ngài cũng ở ngoài thời gian. Đó là sự hằng hữu chẳng quá khứ, chẳng vị lai, bèn là thuộc về một cõi gọi là hiện tại đời đời. [Thi 90:2; Phục 32:39,40; Ê-sai 41:4; Thi 102:24-27; 1Ti 1:17; IIPhi-e-rơ 3:8; Khải 1:8]

 

181. Đức Chúa Trời là Đấng vô hạn vô lượng có nghĩa gì?

Đối với thời gian Đức Chúa Trời gọi là hằng hữu; còn đối với không gian Đức Chúa Trời gọi là vô hạn vô lượng. Không gian chẳng bao hàm Đức Chúa Trời, song Đức Chúa Trời bao hàm không gian luôn cả muôn vật hữu hình và vô hình, vì Ngài là Đấng vô hạn vô lượng [ICác vua 8:27; Rô-ma 8:38,39].

Tuy nhiên, tại đây cũng có một điều rất cần nên để ý: Ấy là Đức Chúa Trời là vô hạn vô lượng, song không ngự trị trong từng vật Ngài làm nên, như trong niềm tin của Phiếm thần luận (Pantheism). Phiếm thần luận cho rằng vật chất là thần linh, thần linh là vật chất, đến đổi từng vật trong cả vũ trụ nầy đều có thần tánh. Họ gọi quả địa cầu và mọi vật trong đó là “Mẹ đất”, và từ con voi cho đến con siêu vi trùng, thảy đều có thần tính trong đó. 

 

182. Đức Chúa Trời là Đấng vô sở bất năng có nghĩa gì?

Bốn chữ vô sở bất năng, nghĩa đen là chẳng có việc gì không làm được. Cho nên xưng Đức Chúa Trời là vô sở bất năng, tức là nói rằng quyền năng của Đức Chúa Trời dư dật, việc gì Ngài cũng làm được, chẳng cần ai giúp đỡ, cũng không ai có thể ngăn trở.

Có nhiều bằng cớ chứng thực cho sự vô sở bất năng của Đức Chúa Trời. Tuy vậy, có hai bằng cớ rất hiển nhiên, đó là: (1) Vũ trụ bao la đầy oai nghiêm mà Đức Chúa Trời đã sáng tạo, và (2) Kinh Thánh giải bày và nhắc nhở luôn luôn rằng Ngài là Đấng Toàn Năng.

 

183. Đức Chúa Trời bày tỏ sự toàn năng của Ngài cách nào?

Đức Chúa Trời dùng nhiều cách tỏ ra quyền năng của Ngài. Nhưng nói đại khái, Ngài dùng hai cách để bày tỏ quyền ấy, tức là:

(1). Nguyên lực: Chữ nguyên trong tiếng Hán Việt là đầu tiên. Nguyên lực tức là sức lực có sẵn từ nguyên thủy của Đức Chúa Trời. Đó là sức lực khiến Ngài tự thi hành ngay vô luận là một việc gì, chẳng nhờ cậy cái gì hết; như việc Ngài tạo thành muôn vật, cảm hóa lòng loài người, làm các phép lạ dấu kỳ,... Các việc ấy Đức Chúa Trời làm cách trực tiếp không nhờ định lệ hay là lấy cái gì có trước đó mà ra [Sáng 1:1; Giăng 3:8; Thi 33:9; Rô-ma 4:17].

(2). Tá lực. Chữ tá trong tiếng Hán Việt là giúp đỡ. Tá lực là Đức Chúa Trời bày tỏ quyền năng của Ngài theo định lý và công lệ mà Ngài đã thiết định cho muôn vật. Rồi muôn vật mãi cứ theo công lệ và định lý ấy mà hóa sanh, và nương tựa nhau mà tồn tại trong quyền tể trị của Đức Chúa Trời [Sáng 1:28; Sáng 8:22; Công 17:26; Công 14:17; Hê-bơ-rơ 1:3].

 

184. Đức Chúa Trời là toàn năng nhưng Ngài có những sự tự giới hạn không?

Đức Chúa Trời là Đấng toàn năng, song Ngài luôn luôn vận dụng sự toàn năng Ngài theo nguyên tắc và chừng mực. Đây là 2 nguyên tắc và chừng mực đó:

(1). Không trái bản tánh của Ngài. Đức Chúa Trời rất thánh khiết, rất công bình, rất nhơn từ, rất thương yêu, Ngài chẳng có thể nào làm gì mâu thuẫn với các đức tánh ấy. Ngài không thể nói dối, phạm tội hay là chết, vì các điều ấy trái hẳn bản tánh của Ngài. Cái gì tương hiệp với bản tánh và đức phẩm Ngài thì Ngài làm cả; còn sự gì phản đối thì chẳng những Ngài không làm, mà lại còn dùng quyền năng vô hạn Ngài để hạn chế và ngăn trở. 

(2). Không trái các định luật thiên nhiên mà Ngài đã đặt ra. Đức Chúa Trời không hành động trái bản tánh của cõi thiên nhiên, và Ngài cũng không phá hủy các định luật trong muôn vật.

Nhưng về các phép lạ thì chúng ta phải hiểu thế nào?

Đức Chúa Trời đã định ra các luật lệ thiên nhiên, song thỉnh thoảng Ngài cũng can thiệp vào các định luật ấy để thực hiện một số việc khác thường là các phép lạ. Điều nầy tỏ ra rằng không như một số quan điểm rất thịnh hành ở Âu Mỹ, như Thần luận chẳng hạn, cho rằng Thượng đế sau khi đã dựng nên vũ trụ rồi thì Ngài bèn để mặc cho nó cứ hoạt động theo luật thiên nhiên, chớ không còn quan tâm gì đến nó nữa.

 

185. Đức Chúa Trời là Đấng vô sở bất tại có nghĩa gì?

Nghĩa là trong vũ trụ vật chất, thậm chí ở ngoài vũ trụ vật chất nầy, không một nơi nào mà không có Đức Chúa Trời. Cả Kinh Thánh làm chứng rằng Ngài đầy dẫy mọi nơi [IISử ký 2:6; Giê-rê-mi 23:23,24; Công 17:27,28]; ngự trong lòng tín đồ [Giăng 14:23; Ê-phê-sô 4:6], và nghe lời cầu nguyện của mọi người bất luận ở chỗ nào [Ma-thi-ơ 18:19:20].

 

186. Có thể có những sự hiểu lầm về sự vô sở bất tại của Đức Chúa Trời chăng?

Thưa có. Lẽ thật nầy cũng có thể bị một vài hiểu lầm như sau:

(1). Ngài nhờ quyền năng Ngài mà vô sở bất tại. Đức Chúa Trời chẳng những là thi hành quyền năng của Ngài khắp mọi nơi trong vũ trụ, mà chính thể yếu của Ngài cũng ngự đầy dẫy mọi nơi nữa. Giả như linh hồn ở trong khắp thân thể ta, đến đỗi không chi thể nào mà không có cả linh hồn thể nào, thì Đức Chúa Trời ở khắp vũ trụ, chẳng một chỗ nào không có cả thể yếu của Ngài cũng thể ấy.

(2). Đức Chúa Trời ở chỗ nầy bằng một phần thể yếu nầy, ở chỗ kia một phần khác. Đây là ý rất sai, vì thể yếu Đức Chúa Trời không phải là vật chất, nên không thể phân rẽ ra nhiều đoạn, nhiều phần như vật chất được. Sở dĩ Đức Chúa Trời được gọi bằng vô sở bất tại, là vì Ngài đem cả thể yếu toàn vẹn của Ngài mà cùng một lượt ngự ở trong mọi nơi mọi chỗ, cũng như cùng một lúc ngự đầy dẫy cả thể yếu của Ngài trong lòng mọi tín đồ, trên khắp thế gian.

(3). Đức Chúa Trời sở dĩ vô sở bất tại là vì Ngài vốn một Thần Linh.

Không đúng, vì nếu vậy thì các linh hồn của người qua đời, thiên sứ hay ma quỷ cũng đều là vô sở bất tại, vì thảy đều là linh thể cả. Đức Chúa Trời vô sở bất tại vì Ngài một Đấng Thần Linh vô hạn vô lượng, cao quá trên muôn vật, suốt thông trong muôn vật, phẩm cách, trí ngộ, quyền năng và ý chỉ Ngài đều đầy dẫy cả vũ trụ.

 

187. Đức Chúa Trời là Đấng vô sở bất tri có nghĩa gì?

Đức Chúa Trời vô sở bất tri là nghĩa là Ngài thông biết mọi sự, hiểu thấu mọi việc, đến đỗi chẳng có điều gì hoặc thuộc trong cõi vô hình hay cõi hữu hình, hoặc thuộc về thời quá khứ hiện tại, hay tương lai mà Ngài không biết rõ ràng, trọn vẹn.

 

188. Đức Chúa Trời bởi đâu mà biết mọi sự?

Sự hiểu biết của Đức Chúa Trời là bản tri. Sự biết của loài người do sự kinh nghiệm, do học hành, do suy luận, do nghiên cứu. Nhưng sự biết của Đức Chúa Trời là sự hiểu biết có sẵn và cùng tột, nghĩa là lúc nào cũng tuyệt đối. Như vậy sự hiểu biết của Ngài không bao giờ nhiều hơn hoặc ít hơn.

 

189. Sự hiểu biết của Đức Chúa Trời có những đặc tính nào? 

(1). Sự hiểu biết của Đức Chúa Trời là phi thời gian.

Đối với những ai còn sống trong vũ trụ nầy thì còn có tùy thuộc thời gian, bởi vì thời gian bắt đầu vào điểm khi Ngài bắt đầu sáng thế vũ trụ. Các nhà khoa học gọi điểm bắt đầu đó là “Điểm kỳ dị không-thời gian” (spacetime singularity). Điểm nầy rất nhỏ, nghĩa là rất nhanh, ngắn hơn 1 phần tỷ tỷ tỷ tỷ của một giây đồng hồ, để làm mốc phân chia giữa cõi đời và cõi thời gian. Sau nầy khi vũ trụ nầy không còn nữa, thì cũng sẽ có một điểm đối xứng giống như Điểm kỳ dị không thời gian như vậy nữa, để phân chia thời gian và cõi đời đời. Nhưng hiện nay chưa có tên gọi, vì loài người không tin rằng vũ trụ nầy sẽ có một thời điểm biến mất, và không còn có không gian và thời gian.

Trong cõi thời gian nầy tại bất kỳ một thời điểm nào đó đều cũng có chia ra làm ba thì là quá khứ, hiện tại, và tương lai. Nhưng vì Đức Chúa Trời là Đấng ở ngoài không gian, nên cũng không có điểm thời gian. Đối với Ngài chỉ có một thì, là thì Hiện tại đời đời. Vậy sự hiểu biết của Ngài là sự hiểu biết đời đời.

(2). Sự hiểu biết của Đức Chúa Trời là phi không gian. Đức Chúa Trời là Đấng đã dựng nên vũ trụ nên Ngài biết rõ mọi nơi và mọi sự ở trong vũ trụ nầy.

Loài người chưa biết hết ngoài không gian có những gì, bao nhiêu ngôi sao, và trong lòng các ngôi sao đó có chứa những gì, nhưng Ngài thì biết rất rõ, và biết đến từng chi tiết nhỏ hơn hết. 

Loài người chưa biết hết những nơi sâu thẳm của các đại dương, hay ruột của trái đất có những gì, nhưng Ngài thì biết rõ hết, và biết đến từng chi tiết nhỏ hơn hết.

Loài người chưa biết hết thế giới vô hình chung quanh mình có những gì, nhưng Ngài thì biết rõ hết, và biết đến từng chi tiết nhỏ hơn hết. Ngài biết đến cả mọi điều ở trong lòng người, và cả “thể chất vô hình” của mỗi một người trong cả thế gian. [Thi-thiên 139:1-18].

 

190. Học và tin lẽ đạo Đức Chúa Trời vô sở bất tri sẽ đem đến cho người tín đồ những phước hạnh nào?

Học và tin lẽ đạo Đức Chúa Trời vô sở bất tri sẽ đem đến cho người tín đồ những phước hạnh lớn:

(1). Sợ phạm tội: Chúng ta dễ phạm tội, nhứt là những tội trong tư tưởng vì nghĩ rằng không ai biết. Nhưng khi nhớ rằng Đức Chúa Trời biết rõ mọi điều ta toan làm hoặc đang suy nghĩ mà kịp thời ăn năn*.

*Chuyện kể rằng có hai cha con người tín đồ, một ngày kia đang khi đi đường khát nước, gặp một ruộng dưa, người cha bị sự cám dỗ bèn bước xuống ruộng, toan ăn trộm dưa.

Bước xuống ruộng, ông gọi lên bờ dặn con:

Con nhìn kỹ bốn phía nghe con.

Đứa con hỏi lại:

Thưa cha, có nhìn kỹ lên trời không?

Người cha nghe vậy, bèn ăn năn, bước lên bờ, đi thẳng.

(2). Không lo buồn khi gặp thử thách: Theo Chúa mà gặp gian truân hoạn nạn chăng? Chúa biết rõ tình huống, Ngài sẽ giải cứu. Lâm vào hoàn cảnh thiếu thốn chăng? Chúa biết rõ mọi nhu cầu, Ngài sẽ tiếp trợ. Bị hàm oan chăng? Chúa biết rõ mọi cớ tích. Ngài sẽ biện minh.

(3). Không ngã lòng khi hầu việc Chúa. Hầu việc Chúa rất có nhiều khi ngã lòng vì thấy chức vụ mình ít kết quả, và hầu hết các tôi tớ Chúa đều kinh nghiệm những giờ phút rất cô đơn vì không biết chia sẻ với ai những nỗi khó khăn.

Thậm chí cũng có khi bị rúng động vì những nan đề quá lớn. Trong những hoàn cảnh như vậy nếu ý thức rõ rằng Ngài biết hết mọi sự mọi điều thì sẽ đứng vững mà hầu việc Chúa, y như Lời Kinh Thánh có khuyên dạy rằng: “Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng, chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu. [ICôr 15:58]

 

191. Đức Chúa Trời là Đấng vô thời biến cải có nghĩa gì?

Đức Chúa Trời vô thời biến cải, nghĩa là từ trước vô cùng cho đến đời đời về sau Ngài vẫn y nguyên. Nào đức tánh, nào bản năng, nào thể yếu, nào ý chỉ Ngài, thảy đều chẳng thay đổi chút nào. Vả lại, Đức Chúa Trời vốn Đấng trọn vẹn, tốt lành tuyệt đối, nên cũng chẳng có thể nào còn phải lần lần tiến bộ đến chỗ trọn vẹn hơn, tốt lành được nữa.

 

192. Tại sao Giô-na 3:10 dạy rằng Đức Chúa Trời có thể thay đổi?

Sự thay đổi tốt lành trong câu chuyện về thành Ni-ni-ve, là sự thay đổi ở nơi người Ni-ni-ve, chớ chẳng phải ở nơi Đức Chúa Trời. Bởi vì cả thành Ni-ni-ve đã thay đổi thái độ đối với tội lỗi và hết lòng ăn năn; nên Đức Chúa Trời cũng thay đổi thái độ Ngài đối với họ, không giáng hình phạt trên họ như Ngài đã phán. Đức Chúa Trời vẫn giữ nguyên đức công nghĩa của Ngài, và bản tâm Ngài đối với tội, nhưng khi người ta thay đổi thái độ mình đối với tội, mà ăn năn, thì Đức Chúa Trời cũng đổi phương cách đãi họ, không còn hình phạt họ vì cớ tội lỗi của họ nữa.

 

193. Đức Chúa Trời là Đấng thuần nhứt vô phân có nghĩa gì?

Đức Chúa Trời thuần nhứt vô phân, nghĩa là thể yếu, bản tánh của Ngài là một, không thể nào chia ra được. Đức Chúa Trời là một Đấng Thần Linh vô hạn vô lượng, nên linh tánh và linh chất Ngài cũng rất thuần nhứt không thể chia ra được [Phục 6:4; Ê-sai 44:6; Giăng 17:3; ICo 8:4; ITi-mô-thê 1:17;6:15,16; Ê-phê-sô 4:5,6].

 

194. Đức Chúa Trời thuần nhứt vô phân, có trái với lẽ đạo Ba Ngôi không?

Không. Vì Lẽ đạo Ba Ngôi dạy rằng Đức Chúa Trời là một Đấng Chân Thần độc nhứt vô nhị có ba Ngôi hiệp nhứt, còn bản tánh và thể yếu của ba Ngôi ấy đều là thuần nhứt vô phân. Cả ba Ngôi đều có một bản tánh toàn vẹn vô cùng, một thể yếu cũng toàn vẹn vô cùng. Cho nên, Ngôi nào trong ba Ngôi ấy cũng đều là Đức Chúa Trời cả.