- Được viết bởi: Nguyễn Thiên Ý
- Chuyên mục: Quyển II - THƯỢNG ĐẾ HỌC
171. Xưa nay đã có những tà thuyết nào về Lẽ đạo Ba Ngôi?
Vì Lẽ đạo Ba Ngôi là quá sức cao xa và mầu nhiệm, đến nỗi “nếu con cố gắng để tìm cách giải thích nó, thì con sẽ mất trí khôn” như Augustine đã nói, cho nên trong suốt hai ngàn năm qua, có rất nhiều “trí khôn” đã cố gắng tìm cách giải thích nó, và đã dẫn đến tà giáo. Sau đây là bốn tà thuyết chính yếu, hiện vẫn còn đương sống động trên khắp thế giới:
(1). Tà thuyết thứ nhứt thường được gọi là tà thuyết Modalism
(2). Tà thuyết thứ hai là tà thuyết Arianism
(3). Tà thuyết thứ ba là tà thuyết Socinianism
(4). Tà thuyết thứ tư là tà thuyết Tritheism
172. Tà thuyết Modalism (Hình thái thuyết) là gì, và tà giáo như thế nào?
Chữ “Modalism” (Hình thái thuyết) là chữ do một Thần học gia và sử gia người Đức tên là Aldolf Von Harnack* sử dụng lần đầu tiên để nói về một tà thuyết xưa cổ, dạy rằng Đức Chúa Trời là đấng duy nhứt, chỉ có một ngôi vị duy nhứt, nhưng theo thời gian và tùy công vụ mà tỏ mình ra là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh. Sở dĩ gọi “Hình thái thuyết” là vì Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh chỉ là ba thể, hay ba hình thái (modes, formes), của một đấng duy nhứt là Đức Chúa Trời mà thôi.
Hình thái thuyết giải thích về bản thể của Đức Chúa Trời rằng Ngài là Đấng chỉ có một ngôi vị duy nhứt, nhưng trong công cuộc sáng tạo Ngài tỏ mình ra bằng Đức Chúa Cha, trong công cuộc cứu rỗi Ngài tỏ mình ra bằng Đức Chúa Con và trong công tác ban sự sống quyền năng để gây dựng Hội Thánh, Ngài tỏ mình ra bằng Đức Thánh Linh.
Ngày nay, những người theo Hình thái thuyết thường dùng minh họa có tính “thời đại” sau đây để giải thích về bản thể của Chúa: “Cùng một bình nước đó, nhưng khi ta để trong tủ đá thì là nước đá, đem để ra ngoài sẽ là nước thường, và khi đun lên sẽ là hơi nước hay nước ở thể hơi. Đức Chúa Trời cũng vậy. Ngài hiện hữu lúc nầy dưới hình thể Cha, lúc khác dưới hình thể Con, lúc khác nữa dưới hình thể Linh.”
Tất nhiên hai cách giải thích trên về Đức Chúa Trời đều hoàn toàn trái nghịch với Giáo lý Ba Ngôi, là giáo lý dạy rằng tự trong thể yếu thiêng liêng Ba Ngôi Đức Chúa Trời riêng biệt đã đồng hiện hữu từ đời đời cho đến đời đời, chớ không phải là chỉ có một ngôi, chuyển đổi từ hình thái nầy sang hình thái khác, tùy theo thời gian và tùy theo công vụ.
Hình thái thuyết lần đầu tiên được giảng dạy khoảng năm 200AD tại Roma bởi một linh mục đến từ Tiểu Á tên là Praxeas. Năm 213AD Giáo phụ Tertulian đã viết quyển Against Praxeas lên án sự giảng dạy của Praxeas và tà thuyết nầy sau đó mang tên là Patripassianism, tức là “Cha chịu thương khó” (do gốc la tinh chữ pater nghĩa là cha, và passus là thương khó), vì Praseas đã căn cứ vào giáo thuyết nầy mà diễn giải ra rằng, Đức Chúa Cha đã nhập thể và trở thành Đức Chúa Con để chịu chết trên thập tự giá.
Chừng hai mươi năm sau, cũng tại Roma, một nhà Thần học tên là Sabellius, cũng xướng lên một tà thuyết y hệt như vậy. Vì Sabellius rất có tài lý luận nên lôi cuốn được nhiều người. Giáo thuyết của Sabellius về sau được gọi là Sabellianisme, đã lan rộng và hoành hành Hội Thánh Chúa trong gần 30 năm trời, mãi cho đến năm 262AD, mới bị dập tắt.
Hình thái thuyết đã bị bẻ gãy không phải vì cường quyền giáo hội, mà là vì sự sai lầm hiển nhiên của chính nó. Sự giảng dạy của Hình thái thuyết trái nghịch với chừng 70 phân đoạn Kinh Thánh, và thậm chí trong chính giáo thuyết đó cũng có những mâu thuẩn với nhau, không thế giải quyết. Những người đã học kỹ Giáo Lý Ba Ngôi hoặc đọc Kinh Thánh cẩn thận đều có thể thấy rõ những sai lầm của tà giáo nầy.
Tuy vậy tà giáo vẫn là tà giáo, và vẫn cứ còn dẫn nhiều người vào đương lầm lạc. Không kể đến Michael Servetus (1511-1553) đã giảng dạy và bị lên án là tà giáo của thời Trung cổ, hai giáo hội gọi là Tân giáo hội do nhà khoa học, nhà thần bí Emanuel Swedenborg (1688-1772) lập ra, và giáo hội Mormon của Joseph Smith (1771-1840), vốn là sự pha trộn của Hình thái thuyết, Swedenborgian Expansionism, và Tritheism, vẫn đang chinh phục nhiều người.
Giáo hội United Pentecostal Church (UPCI)* theo rất sát quan điểm của Hình thái thuyết. Một số những nhà giảng đạo và ca sĩ nổi tiếng như T.D. Jakes, David & the Giants, Phillips, Craig and Dean, Mark Hanby, Gary Oliver, Larry W. Gaiters… và cả “ông hoàng” nhạc “Rock 'n’ roll” Elvis Presley cũng là những cảm tình viên hay thành viên của hai phong trào Oneness Pentecostals và "Jesus only". Hai phong trào nầy là hai biến tướng của Hình thái thuyết.
*Một nhánh Ngũ tuần thành lập năm 1945. Hiện nay nhánh nầy có khoảng 5 triệu thành viên với 42,000 nhà thờ.
173. Tà thuyết Arianism là gì, và tà giáo như thế nào?
Tà thuyết thứ hai là tà thuyết Arianism, được đặt tên theo người đã đề xướng ra nó là một linh mục người Libya tên là Arius (225-336).
Tuy trong tiếng Việt hiện nay dường như chưa có một tên riêng chính thức cho tà thuyết nầy, song chúng ta hãy tạm gọi nó là “Tà thuyết Phụ Tử bất đồng” vì nội dung căn bản của tà thuyết này là Con, tức là Đức Chúa Jêsus Christ, không bằng Cha, là Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Jêsus là vật thọ tạo của Đức Chúa Trời, và được sanh ra trong thời gian, trong khi cha là từ đời đời cho đến đời đời. Như vậy sự bất đồng đây là sự bất đồng về bản thể lẫn về nguồn gốc, về thời gian lẫn về địa vị.
Hệ luận căn bản của tà thuyết nầy là: Vì Con được sanh ra từ Cha trong thời gian, cho nên dù sao con cũng chỉ là loài thọ tạo chớ không thể là Đức Chúa Trời với ý nghĩa đầy trọn của chữ Thiên Chúa, của chữ Thượng Đế, là đấng chủ tể, là nguyên nhân đầu tiên của muôn loài được. Nói tắt một lời, tà giáo nầy chối bỏ thần tánh của Đấng Christ.
Khi tự căn bản đã là sai Kinh Thánh, thì càng diễn giải lại càng sai nặng. Căn cứ vào tiền đề “Đấng Christ là vật thọ tạo đầu tiên”, và bối rối trước những sự kiện siêu nhiên được mô tả về Ngài trong cả Kinh Thánh, người ta không thể lý giải được tại làm sao mà một loài thọ tạo lại có thể có thể sở đắc được những thuộc tính và mỹ đức dường ấy. Rốt cuộc lại, tà thuyết nầy cũng chối cả nhân tánh của Đấng Christ nữa. Arius nói rằng Jêsus Christ là một tạo vật siêu nhiên, chẳng phải là người mà cũng chẳng phải là Trời, và với kết luận nầy, Arius cùng với đồ đệ mình đã rơi đúng vào trường phái Lucian, một trường phái ngoại giáo của nhà tu từ học Hy-lạp lập ra trước đó.
Giáo thuyết của Arius cứ như thế, trôi theo dòng chảy của lịch sử giáo hội mà khi thì sanh ra biến tướng nầy, khi thì đẻ ra hệ luận kia, cho đến “đời” của đạo “Chứng nhân Đức Giê-hô-va” thì họ tuyên bố Jêsus Christ chính là “Thiên sứ Mi-ca-ên”, nghĩa là Ngài chẳng phải là Trời mà cũng chẳng phải là người, mà chỉ là thiên sứ.
Tựu trung Arianism trước sau vẫn xoay quanh một cốt lõi căn bản là chối bỏ thần tánh của Đức Chúa Jêsus Christ, nên giáo thuyết ấy có thể là có bà con hàng họ hay ít nhiều tương đồng với những nhóm đức tin ra từ Cơ-đốc giáo và thậm chí với những tôn giáo ngoại đạo như sau:
- Christadelphians (chữ nầy trong Hy-lạp văn có nghĩa là Anh em của Christ) cùng với “Hội Thánh của Hy Vọng Phước Hạnh” (Church of the Blessed Hope) từ chối sự tiền tại của Đức Chúa Jêsus, nghĩa là phủ nhận sự thực hữu của Đức chúa Jêsus Christ trước khi được sanh hạ bởi Mary. Những người tin theo quan điểm nầy giải thích Ngài trước khi nhập thể, (gọi bằng Logos), chỉ là một ý niệm chớ không có thật, và như vậy, quan điểm nầy đã bác bỏ Tin lành Giăng 1:1-18.
- Jehovah’s Witnesses, được thành lập năm 1884 tại Mỹ bởi Charles Taze Russell (1852-1916), hiện nay đã lan rộng trên toàn thế giới, với một số tổ chức vệ tinh như Watchtower Society, Millennial Dawn, International Bible Students Association; công khai từ chối Lẽ đạo Ba Ngôi, dầu thường xuyên nhắc đến Đấng Christ, song đồng thời cũng khéo léo từ chối bản thể và địa vị tiền tại của Ngài là Đức Chúa Trời.
- Đạo Ix-lam, mà người Trung hoa và Việt nam vẫn quen gọi là Hồi giáo vì là đạo lâu đời của giống người Hồi Hột sống ở Tây vực Trung quốc, cho rằng Đức Chúa Jêsus (thường gọi là Isa) là một Sứ giả và Nhà tiên tri của Allah, nhưng chối từ thần tính của Ngài và tất nhiên, bác bỏ Giáo lý Ba Ngôi của Cơ-đốc giáo.
- Đạo Cao-đài, một tôn giáo ra đời vào năm 1926 tại Việt nam, dạy rằng Đức Chúa Jêsus là một trong “Ngũ giáo Thánh nhơn”, là một trong năm giáo chủ, năm vị thánh của "đệ nhị kỳ phổ độ", đó là Thích ca, Lão tử, Khổng tử, Jêsus Christ và Ma-hô-mét. Giáo lý Cao đài không xem Đức Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời mà đạo nầy vẫn gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Nhìn qua, chúng ta dễ tưởng rằng Arianism chỉ là một giáo thuyết, một tà giáo nhỏ nhoi lâu đời, thật ra không phải thế. Lịch sử cho biết rằng, sau khi bị tố cáo là tà giáo ở quê hương vào khoảng năm 322, ông ta chạy trốn sang Palestine và tuyên truyền mạnh mẽ làm cho Hội thánh Cơ-đốc tại đó bị một phen khủng hoảng niềm tin tận gốc rễ, vì tà thuyết nầy được một số lãnh đạo cao cấp của giáo hội tin theo. Đứng trước mối đe dọa sống còn, năm 325 Công đồng Nicea dưới sự giảng dạy của Athanasius đã kết án Arianism là tà giáo và công bố ra một tín điều quan trọng, gọi là “Bản Tín điều Nicene”, để bác bỏ Arianism và minh định niềm tin cho nhiều thế hệ.
Tuy vậy, Arianism cũng chưa chết. Trái lại, do một vài biến cố chính trị quan trọng của thời bấy giờ, đã có khoảng chừng một thập niên, từ 350-360 AD, giáo thuyết của Arius đã trở thành tư tưởng thống lĩnh giáo hội tại Rô-ma và một vài vùng ở Trung Âu trước khi bị đánh bại.
Gần đây, vào năm 2003, nhà Thần học tự do Juan José Tamayo ở Tây ban nha, đã được cảnh báo là đang cố gắng làm sống lại tà giáo Arianism.
174. Tà thuyết Socinianism là gì, và tà giáo như thế nào?
Tà thuyết nầy được lập nên do hai chú cháu người Ý của nhà họ Socinus ở Siena là Laelius Socinus (mất 1562 ở Zürich) và Faustus Socinus (mất năm 1604 ở Ba Lan). Tà thuyết nầy chối hẳn Giáo lý Ba Ngôi, mặc dầu xướng lên một tà thuyết như vậy giữa một Âu châu sùng Cơ-đốc giáo và độc đoán về niềm tin như lúc bấy giờ, là vô cùng nguy hiểm.
Theo giáo thuyết nầy thì Đức Chúa Trời chỉ có một ngôi vị duy nhứt, còn Đức Thánh Linh là quyền năng từ Ngài phát ra.
Đức Chúa Jêsus Christ chỉ thuần túy là một con người như chúng ta. Ngài được Đức Chúa Trời ban ơn đặc biệt và trở nên một giáo sư lớn để làm mẫu mực sống cho chúng ta. Điều nầy tất nhiên là bác bỏ thần tính, sự tiền thực hữu (pre-existence), và sự nhập thể của Đức Chúa Jêsus.
Hồi đầu vì sợ sự bắt bớ, Laelius Socinus cùng những môn đệ của ông lập một hội kín tôn giáo. Khi Laelius chết, cháu của ông là Faustus, một người rất thông minh và tài năng đứng lên lãnh đạo hội. Faustus mở rộng hội tại Ba-lan, và phát triển hội sang nhiều nơi khác tại Âu châu. Faustus viết một quyển yếu chỉ cho Hội gọi là "Racovian Catechism” hay "Catechism of the Unitarians," mà tiếng Ba-lan gọi là Katechizm Rakowski, trong đó Faustus bác bỏ thằng thừng Giáo lý Ba Ngôi. Socinianism như vậy thành ra Unitarianism, tức là Duy nhứt Thần giáo.
Đến cuối thế kỷ 17, Socinianism hay Duy nhứt Thần giáo phát riển mạnh ở Hòa Lan và Anh quốc. Tại Anh quốc, một nhóm Duy nhứt Thần giáo phát triển Thần luận (Deism), một thứ triết học tôn giáo, rất xa lạ với Kinh Thánh, nhấn mạnh đến vai trò của lý trí và chủ nghĩa nhân văn.
Cuối thế kỷ 18, trong khi có phong trào di dân tìm tự do tư tưởng ồ ạt từ Âu châu sang Mỹ, Joseph Priestley cũng mang Socinian Unitarianism sang Mỹ truyền bá mạnh mẽ, và về sau trở thành American Unitarianism.
Socinianism đã cho chúng ta thấy một tà giáo có thể bắt đầu và phát triển như thế nào. Thoạt ban đầu, Laelinus Socinus, tuy đã sai, song còn đề cao vai trò của Kinh Thánh và làm thân với khá nhiều các lãnh tụ Tin lành nổi tiếng thời bấy giờ. Đến khi Faustus, cháu của ông lên, thì Faustus vì hấp thụ tư tưởng tự do và Nhân văn Chủ nghĩa của thời Phục hưng, nên đã mau biến Socianianism thành ra một thứ chủ nghĩa tôn giáo nhân văn. Gần đây (năm 1996) trong một quyển sách khá nổi tiếng thuộc giới tôn giáo là quyển “Faust Socin Ou Le Christianisme Sans Sacrifice” (Faustus Socinus Hay Là Cơ-đốc giáo Không Cần Tế Lễ Chuộc Tội) của Jean-Pierre Osier, trong đó tác giả đã cho thấy niềm tin của Faustus, một thứ niềm tin của chủ nghĩa nhân văn tôn giáo, tổ tiên của hàng chục nhánh “Nhân Văn” ngày nay.
Nói chung Nhân văn Tôn giáo đề cao vai trò của con người trong sự quyết định tương lai của chính mình. Thượng Đế không đặt ra chữ “Ba Ngôi”. Thượng đế là Đấng đầy tình thương không thể lập ra hỏa ngục, không đòi ai dâng tế chuộc tội. Con người là tạo vật cao quý nhất của Thượng Đế, dầu yếu đuối, vẫn có khả năng làm lành và tự hoàn thiện. Jêsus Christ là đứa con tốt nhứt của Thượng Đế, vì Ngài đã sống hoàn toàn theo ý muốn của Cha, đáng làm một gương mẫu tuyệt vời cho chúng ta. Đạo Cơ-đốc phải được, và chỉ được xây dựng trên nền tảng của “Bài Giảng Trên Núi” nổi tiếng của Jêsus Christ, và vì Kinh Thánh do loài người viết ra nên chúng ta chỉ bị buộc phải tin theo những gì và những chỗ nào hợp với lý trí và khoa học….
Mặc dù Socinian Unitarianism một tà thuyết sai Kinh Thánh rất hiển nhiên, nhưng vì đề cao chủ nghĩa nhân văn hay nhân đạo, nên rất được giới trí thức tán đồng. Tiết gia John Locke (1632-1704), nhà khoa học Isaac Newton (1642-1727), các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng như: John Milton (1608-1674), Robert Burns (1759-1796), Paul Revere (1735-1810), Béla Bartók (1881-1945), Ambrose Bierce (1842-1914), Charles Dickens (1812-1870), Ralph Waldo Emerson (1803-1882), Nathaniel Hawthorne (1804-1864), Herman Melville (1819-1891); Các nhà khoa học như Linus Pauling (1901-1994), Sir Henry Tate (1818-1899), Mục sư, bác sĩ, nhà nhân đạo được giải Nobel, Albert Schweitzer (1875-1965), là những người tin theo hoặc cảm tình viên của Socinian Unitarianism…
John Adams (1735–1826) và John Quincy Adams (1767– 1848) là hai tổng thống Mỹ theo American Unitarianism.
Socinian Unitarianism rất gần với Phiếm thần thuyết (Pantheism). Thật ra, chính Faustus Socinus cũng đã từng dạy rằng Thượng Đế hiện hữu bàng bạc trong cả vũ trụ và làm một với vũ trụ. Niềm tin nầy là nền tảng của những phong trào New Age, “Mother Earth”, Naturalism, Holism… ngày nay.
Năm 1961, tổ chức Unitarian Universalist Association đã được thành lập bởi sự sáp nhập của American Unitarian Association với Universalist Church of America. Gần đây cũng đã có “Mouvement Universaliste et Unitarien au Québec” ở Canada.
Theo thống kê thì hiện nay tại Bắc Mỹ có chừng 200.000, tại Âu châu có chừng 100.000 và chừng 5000 “tín đồ” Unitarianism ở các châu lục khác, nhưng thực tế, số người mang cùng niềm tin nầy phải đến hằng nhiều triệu.
175. Tà thuyết Tritheism là gì, và tà giáo như thế nào?
Cuối cùng, tà thuyết thứ tư là tà thuyết Tritheism mà tiếng Hán Việt gọi là Tam thần thuyết. Một cách đại thể Tam thần thuyết tuyên bố Thượng Đế bao gồm ba hữu thể là ba vị thần riêng biệt. Ba vị thần quyền năng lớn nhất vũ trụ nầy liên hiệp lại thành một bộ ba (triad).
Như thế, tam thần thuyết trực tiếp nghịch lại Giáo lý Ba Ngôi, là giáo lý dạy rằng Đức Chúa Trời là vị Chân Thần duy nhất, hiện hữu trong ba Ngôi Vị, là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh. Cả ba Ngôi Vị nầy đồng một thể yếu, đồng quyền năng và vinh hiển như nhau.
Không bàn đến Tam thần thuyết trong thế giới ngoại giáo, trong Cơ-đốc giáo hai mươi thế kỷ qua, Tam thần thuyết cũng đã nhiều lần xuất hiện dưới hình thức nầy hay hình thức khác. Trước hết, là trong những thế kỷ đầu, những nhóm tín đồ tin vào Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh vì ba Ngôi Vị nầy của Đức Chúa Trời được các sứ đồ và những giáo phụ kế tiếp sứ đồ dạy dỗ rất rõ và kỹ, mà vẫn bài xích Giáo Lý ba ngôi, thì đa số đều lập luận theo Tam thần thuyết.
Đến thế kỷ thứ sáu, một nhóm học giả dẫn đầu bởi John Philoponus (490–570AD), một học giả nổi tiếng về Triết học Hy lạp, người đã sốt sắng đem triết học của Aristote vào Cơ-đốc giáo, bị cáo là đã dạy Tam thần thuyết trong Hội Thánh vì cho rằng Ba Ngôi mang ba bản tánh, thể yếu, và thần tánh riêng biệt. Ông đã dựa vào cách phân loại của Aristote (Aristotelian categories of genus, species and individuum) để suy diễn và giải luận về Giáo lý Ba Ngôi.
Sang thế kỷ thứ mười một, một tu sĩ ẩn cư tên là Roscellin (1050-1120) ở Compiegne, nước Pháp, người đã lập ra phái Duy danh trong triết học Tây phương nói rằng Cha, Con, và Thánh Linh phải là ba vì Thần riêng biệt, vì nếu không, Cha và Thánh Linh cũng đã phải nhập thể làm người cùng lúc với Đức Chúa Jêsus, theo như nguyên tắc lý luận tổng quát của phái Duy danh. Tà thuyết nầy đã bị Anselm of Canterbury (1033 - 1109) bác bỏ.
Bước sang thời đại được mệnh danh là Thời đại Ánh sáng (Enlightment), điều có thể thấy khá rõ là một khi lý trí được đề cao đến mức tối đa, thì nhận thức về giáo lý Cơ-đốc lại trở nên tối tăm và trẻ nít một cách khó hiểu. Vào thời kỳ nầy một loạt các giáo sư và học giả của cả Công giáo lẫn Tin lành đã làm sống lại Tam Thần thuyết với những hình thức khác nhau. Trong số những người nầy có những người nổi tiếng như Heinrich Nicolai (1605-1650) giáo sư Đại học Dantzig, William Sherlock (1641-1707), Giám học Đại học Luân đôn, Joseph Bingham (1668-1723), học giả, Anton Günther (1783-1863), triết gia, Pierre Faydit (1640-1709), giáo sư Trường Hùng biện Ba lê. Riêng Pierre Faydit, trong tác phẩm “Eclaireissements sur la doctrine et Phistoire ecclésiastiqes des deux premiers siecles” xuất bản tại Paris năm 1696, ông đã tìm cách chứng minh rằng các giáo phụ kế tiếp sứ đồ là những người tin theo Tam thần thuyết.
Trong thời đại chúng ta, những tín đồ của đạo Mormon là những người tin theo Tam thần thuyết. Theo đạo Mormon thì Thượng Đế thực ra là một “hội đồng” của ba vị thần là Cha, Con và Thánh Linh, liên kết thống nhất nhau lại rất chặt chẽ vì một mục đích chung. Mormon dạy rằng chỉ có vật chất là đời đời, còn ngay cả Đức Chúa Cha đã từng có thời là người ta và đã từng được sinh ra trong một thời điểm nào đó rất xa xưa. Ngài là người, nghĩa là cũng có xương thịt y như chúng ta, và có thân thể thẳng đứng, chớ không đứng cù khom như các sanh vật khác, nhưng “đầu đội trời, chơn đạp đất”, theo như cách nói của người Việt mình. Đức Chúa Cha đã từng sống trong một thế giới khác, nhưng rồi cuối cùng đã quyết định mang một trong các cô vợ của Ngài vào thế giới chúng ta, và đã cùng “nữ thần vợ” nầy mà sanh hạ ra Đức Chúa Jêsus và em kế của Ngài là Lucifer cùng vô số những người khác…
Thật là những ý tưởng kinh khủng và ghê ghớm!
BÀI ĐỌC THÊM VỀ TÀ GIÁO
“Nhưng hãy lánh những điều cãi lẽ dại dột... Sau khi mình đã khuyên bảo kẻ theo tà giáo một hai lần rồi, thì hãy lánh họ,..”
[Tít 3:9-10].
Ở đất Quảng Nam, cây mít thật đáng gọi là một loại cây tiêu biểu. Nhà nào cũng vậy, hể đã có vườn thì ít nhứt thế nào cũng phải ráng trồng cho được vài ba cây. Ở Việt Nam nhiều nơi cũng trồng mít, nhưng không đâu nhiều và có những cây mít to lớn như ở Quảng Nam. Mít quê tôi lớn lắm. Hồi nhỏ tôi thấy người hái mít có thể chống gậy mà đi trên các nhánh của nó được. Ở Hà Mật, huyện Điện Bàn, có một ông tín đồ Tin lành tên là Cụ Vệ, có một vườn mít đến 80 cây. Khu vườn nổi tiếng quá, đến nổi ngày nay dù chiến tranh làm mất dấu tích, dân chúng vẫn còn gọi nơi đó là “Ngã ba vườn Vệ”.
Mít là thứ cây đa công dụng. Mít non thì kho, mít già thì luộc, mít chín thì ăn tươi hoặc phơi khô để làm mít ngào. Xơ mít trâu ăn, nhánh mít làm củi, lá mít làm bổi nấu đường. Còn thân mít là gỗ quý đệ nhứt. Ở quê tôi, nhà giàu thì ở trong nhà bốn trấn tám cột mít, ngủ trên phản mít. Người nghèo thì mơ ước buổi chung sự có được một cái hòm bằng gỗ mít.
Nhưng tội nghiệp thay, loại cây quý báu và ích lợi nầy lại có một kẻ thù chí tử muôn đời. Kẻ thù đó chính là cây tầm gởi. Ngày nay, dầu xa mít đã lâu rồi, mỗi lần có dịp miên man suy nghĩ đến các tà giáo đã từng gây điêu đứng cho Đạo Đức Chúa Trời xưa nay, tôi lại liên tưởng đến loại cây nầy, vì sao mà chúng giống nhau quá vậy!
Thứ nhứt, tà giáo, tất nhiên không phải là đạo thật, cũng như tầm gởi tất nhiên không phải là mít. Nhưng nhiều người không biết vườn mít mình bị tầm gởi tàn hại vì tầm gởi sống lẫn vào trong mít tài quá. Thật ra, tầm gởi chính là một thứ parasite – ký sinh trùng – không tự sống một mình được. Hạt tầm gởi bám vào thân cây mít để mọc, rễ đâm vào thân cây hút nhựa lớn lên, rồi quấn thân cây như rắn quấn để giử vững cho khỏi ngã. Nó hút nhựa của mít mà sống. Nó sanh sôi phát triển cho đến chứng cây mít trở nên xanh xao vàng vọt, hay chết vì kiệt sức, bấy giờ tầm gởi mới chịu chết.
Tà giáo là ký sinh trùng mọc lên và phát triển trên thân của Đạo Cơ-đốc. Không có đạo Cơ-đốc thì cũng không có tà giáo. Không có những tín đồ Tin Lành “lơ mơ” về giáo lý, hay thậm chí chưa từng trải tái sanh, tà giáo không thể đâm nền và phát triển được. Hãy đọc lịch sử Hội Thánh để xem các tà giáo xưa nay được xướng lên do những ai, và đã được truyền bá trong cộng đồng nào, tín đồ hay dân ngoại, thì đủ rõ.
Đức Chúa Jêsus gọi những người dạy tà giáo là “tiên tri giả, là những kẻ mang lốt chiên đến cùng các ngươi, song bề trong thật là muông sói hay cắn xé.” (Ma-thi-ơ 7:15). Phao-lô cũng gọi họ là “muông sói dữ tợn xen vào trong vòng anh em, chẳng tiếc bầy” (Công 20:29). Đức Chúa Jêsus gọi họ là “hội quỉ Sa-tan” (Khải 2:9), còn Phao-lô cũng gọi đạo họ dạy là “đạo lý của quỉ dử” (1Ti-mô-thê 4:1-4). Sứ đồ Giăng gọi họ là những “kẻ địch lại Đấng Christ” (2Giăng 1:7-10), còn Giu-đe gọi họ là những “kẻ chẳng tin kính đổi ơn Ðức Chúa Trời chúng ta ra việc tà ác…” Giu-đe 1:4).
Rơi vào tà giáo là chết hiểm nghèo. John Bunyan trong quyển “thiên lộ Lịch trình” có nhắc đến một núi gọi là “Núi Tà giáo” nơi đó xương người nằm khắp nơi. Sỡ dĩ Cứu Chúa chúng ta đã có những nghiêm huấn mạnh mẽ như vậy là vì tà giáo rất nguy hiểm, là đạo do quỉ Sa-tan gieo vào trong Hội Thánh để hủy diệt đức tin tín đồ và tàn phá Hội Thánh.
Thứ hai, trừ bỏ tà giáo là một công tác rất khó khăn, cũng như rất khó mà trừ bỏ tầm gởi mít vậy. Thật vậy, sự khó thứ nhứt là sự khó nhận diện. Lá mít và lá tầm gởi trông na ná giống nhau, lại nằm lẫn với nhau, người không để ý và không biết rõ lá mít không thể phân biệt được.
Muốn nhận diện tà giáo, tín đồ trước hết cần phải để ý, đặc biệt phải để ý đến bông trái của họ. Chúa Jêsus phán: “Các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được.” (Ma-thi-ơ 7:15-18). Ngoài ra, điều tối quan trọng là người đó phải biết rõ đạo thật. Biết bằng kiến thức, và cả bằng kinh nghiệm. Cách huấn luyện chuyên viên phát giác tiền giả của ngân hàng ngày trước, là cho họ rờ ngắm làm quen với tiền thật cho đến chừng thành thạo. Người đã “lão luyện” về đồ thật, thì cũng sẽ “lão luyện” về đồ giả. Phương pháp nầy ngày nay vẫn còn được thường dùng vì rất hữu hiệu. Hữu hiệu trong sự phát hiện tiền giả, mà cũng hữu hiệu trong sự phát hiện tà giáo*.
Sự khó khăn thứ hai là sự khó khăn của việc tách cây tầm gởi ra khỏi nhánh mít. Thường thì muốn cứu phần còn lại, người ta phải đành lòng đốn bỏ cả nhánh mít. Người theo tà giáo, là theo “đạo lý của quỉ dữ” cho nên rất mau chóng trở thành người giống tánh ma quỉ, nghĩa là rất kiêu ngạo, sốt sắng, bướng bỉnh và lắm lời. Muốn cứu Hội Thánh khỏi chết, có khi phải đứt ruột bỏ họ. Sứ đồ Giăng từng dặn Hội thánh là chớ rước tà giáo vào nhà (2Giăng 1:10); Còn Phao lô thì dạy rằng: “Sau khi mình đã khuyên bảo kẻ theo tà giáo một hai lần rồi, thì hãy lánh họ” (Tít 3:10).
Cuối cùng lại, mỗi Hội Thánh địa phương cũng phải lo tài bồi sao cho chính mình phải được sống mạnh. Chùm gởi làm suy cây, nhưng cây suy cũng là mồi ngon của chùm gởi. Thật ra, nếu một cây mít mà đã suy, thì không bị chùm gởi cũng sẽ sanh nấm mèo. Xưa nay Hội Thánh khô hạn vốn là mồi ngon của tà giáo, mà nếu không có tà giáo, thì nó cũng sẽ tự lão hóa, sanh nấm mà chết.
Người ta nói rằng ở Hoa kỳ ngày nay tà giáo nhiều như rươi. Điều đó cũng dễ hiểu. Hể vườn mít mà càng rộng lớn sầm uất thì càng nhiều tầm gởi. Ở một xứ sở mà Đạo Đức Chúa Trời phát triển rộng lớn như ở Nước Mỹ đây, nếu ma quỉ để yên cho, thì đó mới là một sự lạ.
Tuy nhiên các Cơ-đốc nhân chỉ nên tin cậy Chúa, bước đi cách cẩn thận, cương quyết, chớ không nên lo sợ. Thứ nhứt là vì Đức Chúa Trời biết cách bảo vệ con cái Ngài, miễn là chúng ta khiêm nhường nhờ cậy Chúa. Thứ hai là nếu chúng ta cứ chăm chỉ học biết về đạo thật, thì sẽ dễ dàng nhận diện ra đạo giả, và thứ ba là như một đầy tớ Chúa đã nói, khi con rắn bị Chúa rủa sả bắt phải bò bằng bụng, ấy là Chúa đã giới hạn khả năng hoạt động của nó:
Trải hàng ngàn năm nay ma quỉ đã không nghĩ ra điều gì thật sự mới. những tà giáo kim thời trên khắp thế giới thật ra cũng chỉ là những biến tướng và sự sao lặp lại những tà giáo có từ hàng ngàn năm trước mà thôi. Nhờ ơn Đức Chúa Trời, sâu nhiệm lời Kinh Thánh và hiểu biết các tà thuyết căn bản, sẽ giúp chúng ta phát hiện các tà giáo “thời đại” một cách khá dễ, dầu chúng nó ẩn tàng khéo léo đến đâu.
Trước khi kết thúc loạt bài “Những Tà Giáo Về Lẽ Đạo Ba Ngôi”, chúng ta hãy trở lại những lời truyền vô cùng rõ ràng và thiết thực của Kinh Thánh. Kinh Thánh dạy: “…Nhưng hãy lánh những điều cãi lẽ dại dột, những gia phổ, những sự cạnh tranh nghị luận về luật pháp, vì mấy sự đó đều là vô ích và hư không. Sau khi mình đã khuyên bảo kẻ theo tà giáo một hai lần rồi, thì hãy lánh họ, vì biết rằng người như thế đã bội nghịch mà cứ phạm tội, thì tự đoán phạt lấy mình.” Thư tín Tít 3:9-11.
Cãi nhau với tà giáo là việc tai hại. Tranh luận với tà giáo là việc rất khó khăn, vì “chúa đời nầy” đã làm mù và làm cứng lòng họ. Những ai từng đối diện với tà giáo chắc sẽ nhận rằng sự bội nghịch của những người theo tà giáo có tính mầu nhiệm, mầu nhiệm như sự bội nghịch của ma quỷ vậy.
Vì vậy, một người muốn cứu người theo tà giáo phải hoàn toàn nhờ cậy vào ơn và quyền của Thánh Linh. Lại “không nên ưa sự tranh cạnh; nhưng phải ở tử tế với mọi người, có tài dạy dỗ, nhịn nhục, dùng cách mềm mại mà sửa dạy những kẻ chống trả, mong rằng Ðức Chúa Trời ban cho họ sự ăn năn để nhìn biết lẽ thật, và họ tỉnh ngộ mà gỡ mình khỏi lưới ma quỉ, vì đã bị ma quỉ bắt lấy đặng làm theo ý nó.” (2Ti-mô-thê 2:24-26).
Và, “Sau khi mình đã khuyên bảo kẻ theo tà giáo một hai lần rồi, thì hãy lánh họ”(Tít 3:10).
*Học để thuần thục, lão luyện về tiền thật (Giáo lý Chính thống), song cũng phải qua môn Hệ thống Thần học mà cập nhật về các Tà giáo, vì các tà giáo ngày nay, không chỉ xây nền trên các tà giáo xưa cũ, mà còn trên các tôn giáo Đông phương, vì vậy người ta tưởng nó giống như một loại tiền hoàn toàn mới phát hành, chớ không như tiền giả.