than hoc van dap

165. Có phải Lẽ đạo Ba Ngôi quá cao siêu và gây khó khăn cho niềm tin Cơ đốc?

(1). Lẽ đạo Ba Ngôi là một lẽ đạo vượt quá lý trí con người, nhưng không hề phi lý hay ngoại lý. Đây là một lẽ đạo mà mỗi Cơ-đốc nhân hoàn toàn có thể tiếp nhận được bằng cách tin lời dạy của Kinh Thánh, và kinh nghiệm trong đời sống mình, hơn là tìm cách để giải thích nó. Nhà Thần học Augustin nói: “Nếu con từ chối Lẽ đạo Ba Ngôi thì con sẽ mất linh hồn, còn nếu con cố gắng để tìm cách giải thích nó, thì con sẽ mất trí khôn”*.

(2). Cõi thiên nhiên giải bày khá nhiều về sự thực hữu của Đức Chúa Trời, nhưng hoàn toàn không giải bày gì cả về lẽ đạo Ba Ngôi. Khoa học toán, khoa học vật lý, khoa luận lý học… đều không giải thích nổi lẽ đạo Ba Ngôi. Đây là lý do mà người ta rất khó tìm được trong thiên nhiên lẫn trong khoa học một ví dụ hoặc một mô hình nào hoàn hảo để giải thích lẽ đạo nầy.

(3). Lẽ đạo Ba Ngôi, và chỉ có lẽ đạo Ba Ngôi, mới giải bày đầy đủ và hoàn hảo được Ơn Cứu Chuộc của Cơ-đốc giáo, từ lý thuyết đến thực hành. Trong công cuộc Cứu Rỗi, Đức Chúa Cha đã hoạch định, Đức Chúa Con đã thực hiện, và Đức Thánh Linh sẽ ứng dụng vào trong cuộc đời của mỗi kẻ tin.

(4). Dầu trưởng thành trong Đạo bao lâu vẫn không một ai có thể giải thích trọn vẹn được lẽ đạo Ba Ngôi bằng lý luận. Tuy nhiên, một người vừa mới tin Chúa và được tái sanh thì đã vẫn có thể cảm xúc rằng lòng mình hoàn toàn mãn nguyện và khế hiệp trong lẽ đạo nầy.

(5). Với bốn đặc tính vừa nêu ở trên, đã chứng tỏ cho thấy rằng lẽ đạo Ba Ngôi là một trong những lẽ đạo thiêng liêng và quý báu nhứt của Cơ-đốc giáo: Lẽ đạo nầy trước hết đã làm mãn nguyện trong nơi sâu xa của linh hồn người tin, mà sau nữa nó cũng chứng minh rằng lẽ đạo Ba Ngôi nầy nói riêng, và Cơ-đốc giáo nói chung, là Đạo từ Đức Chúa Trời mà đến, chớ không thể có một tâm trí nào của loài người có thể suy nghĩ hay chế tác ra được.

*If you deny the Trinity, you’ll lose your soul. If you try to explain the trinity, you’ll lose your mind. – Augustine

 

166. Kinh Thánh Cựu Ước dạy dỗ và làm chứng như thế nào về lẽ đạo Ba Ngôi?*

*Phần in nghiêng về Lẽ đạo Ba Ngôi bên dưới đây, chúng tôi trích từ quyển Thần Đạo Học của Giáo sĩ John D. Olsen, chỉ xin thêm vào các câu hỏi để bạn đọc dễ theo dõi. Xin Quý học viên tham khảo thêm “Thần Đạo Học” về đề tài nầy.

Diệu nghĩa của lẽ đạo Ba ngôi là lẽ đạo khải thị, lần lần bày tỏ ra trong bộ Kinh Thánh. Trong Cựu Ước dầu chưa nói rõ ràng, cũng có nhiều đoạn ám chỉ đến, hoặc bằng lời nói hay là bằng hình bóng. Các bằng chứng của Cựu Ước như sau nầy:

(1). Danh từ đa số. Chúng ta thử mở Kinh Thánh ra mà xem quyển đầu, đoạn đầu, câu đầu, thì thấy rằng:“ Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.” Trong nguyên văn Hê-bơ-rơ danh Đức Chúa Trời đây là Elohim, một danh từ đa số (pluriel); chữ “dựng nên” là bara, một động từ đơn số (singulier). Danh từ Elohim ấy minh chứng rằng về phương diện trạng thái thực hữu, thì Đức Chúa Trời chẳng phải đơn vị, bèn là đa số, chia ra nhiều Ngôi; còn sự dùng động từ bara theo lối đơn số, ám chỉ rằng các Ngôi ấy đều đồng hiệp như một mà làm việc vậy.

(2). Đại danh từ đa số.Trong Cựu Ước Đức Chúa Trời thường dùng đại danh từ đa số “chúng ta” mà tự xưng. Sáng thế 1:26 có chép: “Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta.” (Cũng xem Sáng thế 3:22; Sáng thế 11:7; Ê-sai 6:8). Cách dùng đại danh từ ấy cũng ám chỉ về lẽ đạo Ba ngôi, chứng rằng trong thể yếu Đức Chúa Trời có đa số.

(3). Thiên sứ của Giê-hô-va. Trong Cựu Ước có nói đến một Vị gọi là thiên sứ của Giê-hô-va. Vị ấy thường hiện ra cho các thánh tổ xưa, nhơn danh Giê-hô-va mà phán, tự xưng mình là chính Giê-hô-va; cũng được kẻ khác nhận là Giê-hô-va, và chịu cho họ thờ lạy mình nữa. Những câu Kinh Thánh kể sau đây luận về Vị ấy:

Sáng thế 22:11,16,17;31:11,13;16:9,13;48:15;48:16; Xuất 3:2,4;3:5; Các 13:20-22.

Vậy, thiên sứ của Giê-hô-va là ai? Kê cứu các đoạn sách nói đến Vị ấy, thì dễ biết rằng chẳng phải một vị thọ tạo đâu, bèn chắc là Ngôi thứ hai trong ba Ngôi Đức Chúa Trời, là Đạo (Logos), là Christ trước khi giáng sanh, đã từng hồi từng lúc mượn hình loài người mà hiện ra trong đời [Sáng 18:2,13; Dân 3:25,28]. Trong Tân Ước cũng có một vị gọi là thiên sứ của Chúa, nhưng vị ấy khác với vị của Cựu Ước; vì vị của Cựu Ước đòi và nhận sự thờ phượng; còn vị trong Tân Ước không cho phép ai thờ lạy mình, chỉ bảo người ta phải thờ phượng Đức Chúa Trời mà thôi. [Xin so sánh Xuất 3:5 với Khải 22:8,9]

(4). Sự khôn ngoan.Trong Châm Ngôn đoạn 8 có nói về sự khôn ngoan, bày tỏ vị ấy như có vị cách, từ trước vô cùng đồng thực hữu với Đức Chúa Trời, có tánh cách và thể yếu của Ngài.

Châm 8:1 [Xin so sánh với Ma-thi-ơ 11:19; Lu-ca 7:35;11:49;8:22,30,31]

Trong Ch 3:19 cũng chép rằng: “Giê-hô-va dùng sự khôn ngoan lập nên trái đất.” (Xin sánh với Hê-bơ-rơ 1:2). Xem kỹ những câu ấy, thì rõ lắm danh từ “khôn ngoan” đây chẳng nói về quan niệm khôn ngoan đâu; nhưng chắc ám chỉ về Christ, Ngôi thứ hai trong Ba ngôi Đức Chúa Trời. Vị ấy “là Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm nên sự khôn ngoan… cho chúng ta” vậy [ICo 1:30].

(5). Lời dự tả Đấng Mê-si. Cựu Ước có nhiều câu dự tả Đấng Mê-si, tỏ ra Ngài tuy hiệp nhứt với Giê-hô-va, thì cũng là một Đấng đặc biệt, có Ngôi riêng không lẫn lộn với Đức Chúa Trời. Các câu viện dẫn sau đây ám chỉ rằng Đức Chúa Trời và Đấng Mê-si là một mà lại là hai, tuy là nhứt thể mà lại phân vị, mỗi Đấng mỗi phẩm cách, mỗi ý chỉ riêng vậy. [Ê-sai 9:5,6; Mi-chê 5:1; Thi 45:6, 7; Ma-la-chi 3:1]

Tóm lại, điều Kinh Thánh Cựu Ước khải thị về lẽ đạo Ba ngôi, thì ta phải nhận rằng Cựu Ước chỉ ám chỉ đến lẽ thật ấy, chớ chẳng minh huấn Đức Chúa Trời có Ba ngôi đâu; nhưng lẽ đạo ấy, quả tiềm tàng trong đó như hột giống, chỉ nhờ cơ hội Tân Ước để nảy nở ra đó thôi.

 

167. Kinh Thánh Tân Ước dạy dỗ và làm chứng như thế nào về lẽ đạo Ba Ngôi?*

Duy Tân Ước khải thị rõ ràng lẽ đạo về Ba ngôi Đức Chúa Trời, nhận rằng có ba Đấng đặc biệt gọi là Đức Chúa Trời. Sau đây xin dẫn bằng cớ để chứng cho.

a) Cha được nhận là Đức Chúa Trời. Tân Ước luận rất rõ ràng Cha là Đức Chúa Trời, có nhiều câu làm chứng cho; sau đây xin chỉ viện dẫn hai câu mà thôi: Giăng 6:27; 1Phi-e-rơ 1:2.

b) Jêsus Christ được nhận là Đức Chúa Trời. Tân Ước cũng có nhiều câu hiển nhiên xưng Jêsus Christ là Đức Chúa Trời.

Giăng 1:1; Rô-ma 9:5; Tit 2:13; Hê-bơ-rơ 1:8; 1Giăng 5:20

c) Thánh Linh được nhận là Đức Chúa Trời.Tân Ước lại có nhiều đoạn sách xưng Thánh Linh là Đức Chúa Trời, gọi Ngài là Thánh Linh của Đức Chúa Trời hay là của Jêsus Christ:

Công vụ 5:3-4; ICo 3:16,19. (Cũng xem ICo 12:4-6)

d) Lễ nghi Báp têm và lời chúc phước chỉ tỏ ba Ngôi. Khi Jêsus Christ dạy môn đồ về cách phải làm báp têm cho người ta, thì ngầm chứng cho lẽ đạo ba Ngôi, vì chỉ bảo nhân danh Cha, Con, và Thánh Linh mà làm lễ ấy (Ma-thi-ơ 28:19). Lời Phao-lô chúc phước cho tín đồ Cô-rinh-tô cũng chứng cho lẽ đạo ấy nữa: Ma-thi-ơ 28:19; IICo 13:19. Cũng sánh các câu ấy với Dân 6:24-27 và Ê-sai 6:3.

Xem những bằng chứng ở trên, thì rõ lắm trong Tân Ước có giới thiệu ba Đấng, gọi là Cha, Con, và Thánh Linh; cả ba đều được xưng là Đức Chúa Trời, có đồng tánh, đồng cách, đồng thể, đồng căn, đồng đẳng với chính Đức Chúa Trời. Theo cách Kinh Thánh mô tả ba Đấng ấy, thì buộc phải nhận là luận về ba Ngôi đặc biệt hiệp nhất trong một thể yếu. Bằng chẳng nhận như thế, thì giáo huấn của Kinh Thánh rất mơ hồ, câu này phản đối với câu kia, không còn thể nào ai hiểu nổi được nữa.

 

168. Ý nghĩa của “Ba Ngôi hiệp nên một thể” là như thế nào?

Căn nguyên của lẽ đạo ba Ngôi là Duy nhất thần chủ nghĩa. Ba ngôi Đức Chúa Trời chẳng phải là ba Thần đặc biệt, bèn là ba Ngôi ở trong một thể yếu. Chữ Ngôi đây chẳng đồng nghĩa mười phần với ý nghĩa chữ ngôi thường thông dụng cho cá nhân loài người. Bởi vì mỗi ngôi riêng trong vòng loài người là mỗi cá nhân đặc biệt, có bản tánh và thể yếu khác nhau. Nhưng Đức Chúa Trời có ba Ngôi ở trong một bản tánh, một thể yếu, và sự nhứt thể ấy định nghĩa riêng cho chữ “ngôi” đó, bất đồng với chữ “ngôi” của loài người. Có thể nói rằng ngôi của ông Xoài bất đồng mọi bề với ngôi của ông Mít, đến đỗi thể yếu của ông nầy chẳng tương quan với thể yếu của ông kia chút nào. Song trong Đức Chúa Trời ba Ngôi đều do trong một thể yếu mà ra, có một bản tánh và chính là trạng thái về sự thực hữu của Đức Chúa Trời duy nhứt. Dầu vậy, ba Ngôi ấy chẳng lẫn lộn nhau, mỗi Ngôi đều đặc biệt, đứng độc lập, có các nguyên tố của Ngôi riêng.

Bài tín điều Athanase (thế kỷ IV) minh chứng cho ý nầy rằng: “Cha là Đức Chúa Trời, Con là Đức Chúa Trời, Thánh Linh cũng là Đức Chúa Trời; dầu vậy, chẳng có ba Đức Chúa Trời, duy chỉ có một mà thôi. Cũng một thể ấy, Cha là Chúa, Con là Chúa, Thánh Linh cũng là Chúa; dầu vậy, chẳng có ba Chúa, duy có một mà thôi. Như lẽ thật của Cơ đốc giáo buộc chúng ta phải nhận rằng mỗi Ngôi trong ba Ngôi Đức Chúa Trời đều cả thảy là Đức Chúa Trời và là Chúa thể nào, thì chính lẽ thật ấy nghiêm cấm chúng ta nói rằng có ba Đức Chúa Trời hoặc ba Chúa cũng thể ấy.”

Xét về ba người riêng trong nhân loại, thì thấy họ có thể yếu chỉ giống như nhau mà thôi; còn ba Ngôi Đức Chúa Trời đồng có một thể yếu duy nhứt vô phân. Cả thể yếu duy nhứt ấy đều thuộc riêng về mỗi Ngôi, đến đỗi Ngôi nào cũng đều có cả thể yếu, cả thần cách, cả thần đức của Đức Chúa Trời vậy. Cho nên sự đa số trong Đức Chúa Trời chẳng thuộc về thể yếu, bèn là thuộc về Vị cách mà thôi. Chúng ta chẳng nên nói: Đức Chúa Trời là ba Ngôi và một thể yếu: bèn nên nói: Đức Chúa Trời là ba Ngôi trong một thể yếu. Còn thể yếu duy nhứt ấy thực hữu theo ba trạng thái gọi là Cha, Con, và Thánh Linh vậy.

 

169. Các chứng cớ tỏ ra Ba Ngôi hiệp nên một thể là như thế nào?

Những bằng cớ sau đây minh chứng cho sự hiệp nhứt của ba Ngôi Đức Chúa Trời.

a. Kinh Thánh chứng rằng Đức Chúa Trời duy nhứt: Kinh Thánh thường tả ra Đức Chúa Trời là độc nhứt vô nhị. Chính Ngài hằng bảo tuyển dân Ngài rằng: Phục 6:4; 1Các 8:60

Gia-cơ cũng dạy rằng: Gia-cơ 2:19 “Ngươi tin rằng Đức Chúa Trời duy nhứt, ngươi tin phải; các quỉ cũng tin vậy mà run sợ.”

b. Jesus Christ làm chứng: Chúa Jesus Christ thường làm chứng rằng Ngài với Cha đều hiệp làm một:

Giăng 10:30; Giăng 17:23; Giăng 14:9; Giăng 14:11

Chúa Jesus Christ lại chứng rằng Thánh Linh cũng hiệp làm một với Cha và Con nữa: Giăng 14:18; Giăng 15:26

c. Sự tương quan Ngôi nầy với Ngôi kia làm chứng: Ai ai cũng biết rằng mọi vật đều bởi Đức Chúa Trời (tức Cha) dựng nên, như có chép rằng: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.”(cũng xem Xuất 20:8-11) Song nếu khảo cứu Kinh Thánh cho kỹ, thì lại thấy Con cũng dự phần đến cuộc tạo hóa, như trước giả thơ Hê-bơ-rơ đã dạy [Hê-bơ-rơ 1:1-3].

Thế mà, Con không những dự phần vào cuộc tạo hóa thôi đâu, lại dự đến mọi công việc khác của Cha làm nữa (Giăng 5:17,Giăng 5:19); hoặc việc bảo tồn muôn vật (Hê-bơ-rơ 1:3), hoặc việc cứu chuộc (IICo 5:19; Tit 2:10), hoặc việc phán xét (Hê-bơ-rơ 12:23; Giăng 5:22; Công 17:31), thì Ngài đều dự đến cả.

Ấy vậy, ta thấy công việc Cha làm cũng gọi là công việc của Con, và công việc Con làm cũng gọi là công việc của Cha; lại chức nhiệm của Cha cũng đồng xưng là chức nhiệm của Con nữa. Thực sự ấy há chẳng chứng minh rằng Cha và Con dầu là hai lại là một, dầu là một lại là hai sao?

Kinh Thánh cũng có nhiều chỗ tỏ cái tương quan của Ngôi Cha với Ngôi Con là thế nào, thì cái tương quan của Ngôi Thánh Linh với Ngôi Cha Con cũng thế ấy. Giăng dạy rằng Con đến thế gian cốt để bày tỏ lẽ thật về Cha [Giăng 1:18] Chính Chúa dạy Phi-líp rằng thấy Con tức là thấy Cha vậy [Giăng 14:9]. Còn về Thánh Linh thì Chúa chứng rằng, Ngài đến cốt để bày ra lẽ thật về Con [Giăng 16:13,14 Giăng 1:18; Giăng 14:9; Giăng 16:13,14].

Trong thơ Ê-phê-sô cũng ám chỉ về sự tương quan của Ba Ngôi Đức Chúa Trời, tỏ ra mỗi Ngôi có tương quan với chúng ta nữa [Ê-phê-sô 4:6]

Cũng vì sự tương quan ấy mà Phao-lô xưng Christ là Thần Linh, lại xưng Thánh Linh vừa là Linh của Christ, vừa là Linh của Đức Chúa Trời: [ICo 15:45; IICo 3:17; Ga-la-ti 4:6; Phi-líp 1:19; Khải 5:6].

Ấy vậy, ta thấy rõ Cha, Con và Thánh Linh, cả ba đều đồng kêu tên, đồng một việc, có tương quan rất thân mật với nhau. Còn điều đó há chẳng chứng minh rằng Đức Chúa Trời là Ba mà Một, Một mà Ba sao?

 

170. Kinh Thánh dạy gì về cả Ba Ngôi đều bình đẳng nhau?

Kê cứu Kinh Thánh thì thấy Ba Ngôi Đức Chúa Trời dường như có thứ bực, vì trong đó tỏ ra Cha là Ngôi thứ nhất, Con là Ngôi thứ hai, và Thánh Linh là Ngôi thứ ba. Vậy, về thời gian, về quyền năng, về chức vị, thì trong ba Ngôi ấy há có chia ra trước sau, lớn nhỏ, hơn kém không? Đáp: Chẳng có đâu; vì Đức Chúa Trời là duy nhứt, chia ra ba Ngôi trong một thể yếu, đến đỗi Ngôi nào cũng là Đức Chúa Trời trọn vẹn, nên giữa ba Ngôi ấy chẳng có thể có sự bất đồng, bèn phải có sự bình đẳng mọi bề mới hữu lý.

(1). Về Thời Gian:

Luận về thời gian thì trong ba Ngôi Đức Chúa Trời chẳng có trước sau, vì cả ba đều đồng thực hữu từ trước vô cùng. Song có kẻ nói: “Nếu vậy, thì sao gọi Christ là Con độc sanh của Đức Chúa Trời? Bởi vì hễ gọi là Con, thì phải có lúc Con sanh ra chớ?”

Ta đáp rằng: Tuy Ngôi thứ nhứt gọi là Cha,và Ngôi thứ hai gọi là Con độc sanh của Cha [Giăng 1:14–16], thì danh từ ấy chẳng ám chỉ về sự khởi đầu thực hữu, bèn chỉ về sự tương đối đời đời của Con với Cha. Nếu xem xét bản tánh của Đức Chúa Trời thì dễ hiểu hơn. Đức Chúa Trời thực hữu đời đời, chẳng có lúc nào mà Ngài không có. Vả, trong thể yếu Đức Chúa Trời đã có ba Ngôi, là Cha, Con và Thánh Linh. Nếu Đức Chúa Trời thực hữu đời đời, thì ba Ngôi ấy tự nhiên cũng thực hữu đời đời vậy. Nói cách khác, nếu Ngôi Cha chẳng khi nào khởi đầu thực hữu, bèn vẫn có từ trước vô cùng, thì Ngôi Con cũng chẳng hề bắt đầu sanh ra, bèn cũng thực hữu từ trước vô cùng vậy. Vì nếu chẳng có lúc nào mà không có Ngôi Cha, thì cũng chẳng khi nào mà không có Ngôi Con. Giả như nếu có một mặt trời gọi là mặt trời đời đời, thì tự nhiên cũng phải có ánh sáng đời đời để tỏ ra mặt trời ấy mới hữu lý. Vì nếu chẳng có ánh sáng, thì cũng chẳng có mặt trời. Cũng vậy, nếu Ngôi Cha, vốn là nguồn sự sáng đời đời, đã thực hữu từ đời đời, thì Ngôi Con, vốn là sự chói lói của sự sáng ấy, cũng đã thực hữu từ đời đời vô cùng vậy. Cho nên Ngôi thứ nhứt và Ngôi thứ hai đều là thực hữu đời đời cả, từ trước vô cùng Ngôi nầy vẫn là Cha, Ngôi kia vẫn là Con, chẳng chia ra trước sau gì cả.

Về Thánh Linh cũng vậy. Tuy Ngôi thứ ba từ Cha mà ra (Giăng 15:26) và bởi Cha và Con mà sai xuống đời, thì lời ấy bất quá là luận về thời gian Ngôi thứ ba hiện ra cùng loài người, chớ chẳng dạy rằng lúc Ngài giáng lâm thì mới bắt đầu thực hữu đâu. Thánh Linh là một Ngôi trong ba Ngôi Đức Chúa Trời. Nếu Đức Chúa Trời, vốn chia ba Ngôi trong một thể yếu, đã thực hữu từ trước vô cùng, thì Thánh Linh là Ngôi thứ ba cũng thực hữu thể ấy.Thế thì, chúng ta thừa nhận rằng về phương diện thời gian, thì ba Ngôi Đức Chúa Trời chẳng chia ra trước sau trên dưới, bèn là đồng thời và bình đẳng nhau mọi bề [1Ti-mô-thê 1:17; Giăng 1:1; Giăng 8:58; Hê-bơ-rơ 9:14]

(2). Về Quyền Năng:

Luận về quyền năng của ba Ngôi Đức Chúa Trời, thì Kinh Thánh dạy rõ chẳng có chia ra lớn nhỏ, cả ba đều có quyền năng bằng nhau. Song có kẻ hỏi rằng: “Chúa Jesus Christ đã xưng Cha là lớn hơn mình (Xem Giăng 14:28; Mác 13:32). Vậy, trong ba Ngôi há chẳng có sự phân ra lớn nhỏ sao?”

Ta đáp: Chúa Jesus thật có xưng Cha là lớn hơn mình; nhưng sự lớn nhỏ ấy chẳng thuộc về thể yếu của thần tánh; bèn thuộc về phận sự và thứ tự trong động tác của Ba Ngôi vậy. Có thể nói rằng: Trong động tác của ba Ngôi mỗi Ngôi đều có bổn phận, mà thứ tự thực hành bổn phận của Ngôi nầy Ngôi kia thì có trước sau; nhưng sự trước sau ấy chẳng do sự hơn kém trong thể yếu đâu. Cả Kinh Thánh đều minh chứng rằng hoặc Cha, hoặc Con, hoặc Thánh Linh, cả Ba đều là vô sở bất năng, vốn không phân biệt lớn nhỏ chút nào, bèn bình đẳng nhau cả (Xem các câu Kinh Thánh viện dẫn trong phần II, c.).

(3). Về Chức Vị:

Luận về chức vị của ba Ngôi Đức Chúa Trời, thì cũng chẳng có sự chia ra cao thấp. Cha, Con và Thánh Linh thật có tâm chí, vị cách và công việc khác nhau, song cả Ba đều đồng linh, đồng thể, đồng tánh, chớ chẳng có sang hèn, cao thấp khác nhau đâu. Song có kẻ hỏi: “Nếu trong Đức Chúa Trời có Cha, Con và Thánh Linh, thì há chẳng nhờ đó chia ra cao thấp sao?”

Ta đáp rằng: Chữ Cha Con đây không nên câu nệ theo nghĩa chữ cha con thế gian. Về cha con của loài người, thì cha vẫn có trước con; con thì bắt đầu mà có từ khi cha sanh hạ nó, có thể yếu khác với cha, và đối với đời thì con đứng về bực dưới cha. Nhưng về ba Ngôi Đức Chúa Trời thì khác. Cha và Con từ đời đời đồng thực hữu. Cha sanh Con từ trước vô cùng, cả hai Ngôi đều một thể yếu, đều gọi là Đức Chúa Trời trọn vẹn. Trong giống loài người con nhờ cha sanh mới có. Song trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời chẳng như vậy đâu; như Cha không nương dựa Con mà thực hữu thể nào, thì Con cũng không nương dựa Cha mà thực hữu cũng thể ấy, đến nỗi nếu là xứng hiệp cho Thần thể yếu làm Cha, thì cũng xứng hiệp cho Thần thể yếu làm Con vậy. Song nói cách khác, thì Cha cũng phải nương dựa Con để làm Cha, cũng như Con phải nương dựa Cha để làm Con vậy. Vì nếu trong Thần thể yếu chẳng có Con, thì cũng chẳng có thể có Cha. Cho nên chỗ tương quan Cha Con trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời đã chẳng tương tợ với sự sanh hóa của loài người, thì cũng chẳng tại danh từ ấy mà chúng ta dám đoán rằng trong chức vị Cha Con có sự sang hèn, cao thấp.

Về Thánh Linh cũng vậy, Ngôi ấy từ trước vô cùng là Ngôi thứ ba, từ Cha và Con mà lưu ra, từ vĩnh viễn vốn là Linh của Cha và của Con, gọi là Linh của Đức Chúa Trời và của Christ vậy. Cho nên chúng ta quyết rằng: Cha, Con và Thánh Linh về thể yếu, chức vị, thần tánh, thần đức, thần quyền, thì đều bình đẳng cả, chẳng có chỗ nào gọi là trước sau, cao thấp, hoặc khác nhau gì hết. Nhưng về Ngôi riêng, về bổn phận và việc làm thì có thứ tự trước sau: Cha là Ngôi thứ nhứt, Con là Ngôi thứ hai, Thánh Linh là Ngôi thứ ba. Cha dự định, Con thực hành, Thánh Linh thành toàn; trong cuộc hành động thì Cha dùng Con; rồi Cha và Con cùng dùng Thánh Linh để làm xong các sự dự định của Cha vậy. (hết trích).