than hoc van dap

156. Ai là người không tin vào sự thực hữu của Đức Chúa Trời?

Người theo thuyết Vô thần (Atheism) và người theo thuyết Bất khả tri luận (Agnosticism) là những người không tin vào sự thực hữu của Đức Chúa Trời.

Tuy nhiên có một sự kiện rất quan trọng và đáng để ý là trước đây mỗi khi nói đến người Vô thần thì chúng ta thường nghĩ ngay đến những người đang sống trong các nước Cộng sản. Nhưng gió đã hoàn toàn đổi chiều. Ngày nay tại các nước Âu châu, Úc châu và Bắc Mỹ do cuộc sống dễ dàng về mọi mặt, con số những người tin theo Vô thần và Duy vật gia tăng chưa từng thấy, trong lúc đó tại những nước Cộng sản cũ, hay cả Cộng sản, tín ngưỡng, đặc biệt là Cơ-đốc giáo lại phát triển với tốc độ chóng mặt.

Như Nước Nga chẳng hạn, trong tháng ba vừa qua (năm 2020), Viện Duma Quốc gia đã ủng hộ một đề nghị bổ sung của Tổng thống Putin, yêu cầu bản Hiến pháp sửa đổi của Nga phải có câu “Nhân dân Nga theo tín ngưỡng Chính Thống giáo, và có niềm tin vào Đức Chúa Trời".

 

Và điều kỳ lạ là Đảng Cộng sản Nga đã mau chóng ra tuyên bố hoàn toàn ủng hộ đề nghị nầy, vì “Vì Cơ-đốc giáo và Đảng Cộng sản Nga cùng có một mục tiêu chung”.

Tại Đông Âu số người đi nhà thờ mỗi Chúa nhật, đông hơn tại Tây Âu. Và tại Trung quốc, số tín đồ Cơ-đốc, trên thực tế, đã vượt qua Hoa kỳ.

Tại Việt nam, mọi tín ngưỡng đều phát triển mạnh. Riêng Tin Lành, tổng số tín đồ đã gia tăng hơn 10 lần trước năm 1975.

 

157. Còn nếu không tin vào sự thực hữu của Đức Chúa Trời thì sẽ thế nào?

Thì sẽ trở nên thiếu khôn ngoan. Kinh Thánh chép:

Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: chẳng có Đức Chúa Trời. [Thi-thiên 14:1a]

Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: Chẳng có Đức Chúa Trời. [Thi-thiên 53:1a]

 

158. Tại sao không tin vào sự thực hữu của Đức Chúa Trời là thiếu khôn ngoan?

1. Không tin vào sự thực hữu của Đức Chúa Trời là thiếu khôn ngoan là vì khiếm khuyết về mặt luận lý học:

Blaise Pascal (1623-1662), người Pháp, là một trong những nhà toán học, nhà vật lý, nhà phát minh, và triết gia vĩ đại của nhân loại. Trong tác phẩm Les Pensées (Tư tưởng) ông đã trình bày suy nghĩ của một Cơ-đốc nhân về đức tin vào Thiên Chúa và tư tưởng Vô thần như sau:

Con người chỉ có hai sự lựa chọn: một là tin có Đức Chúa Trời và tìm kiếm Ngài, hai là không tin có Đức Chúa Trời, và không tìm kiếm Ngài.

Vậy thì:

(1). Nếu một người tin có Đức Chúa Trời, tìm kiếm Ngài, và nếu điều đó đúng, nghĩa là có Đức Chúa Trời, thì người đó được tất cả.

Nhưng nếu một người tin có Đức Chúa Trời, tìm kiếm Ngài, và nếu điều đó sai, nghĩa là không có Đức Chúa Trời, thì người đó cũng chẳng mất gì. Trái lại, đức tin ấy đã đem lại cho người đó mục đích sống, niềm vui và bình an.

 

(2). Nếu một người không tin có Đức Chúa Trời, và không tìm kiếm Ngài, và nếu điều đó đúng, nghĩa là không có Đức Chúa Trời, thì người đó cũng chẳng được điều gì cả.

Nhưng nếu một người không tin có Đức Chúa Trời, và không tìm kiếm Ngài, và nếu điều đó sai, nghĩa là có Đức Chúa Trời, thì người đó mất tất cả. Sự mất nầy là sự hư mất khủng khiếp từ đời nầy cho đến suốt cõi đời đời.

Nói giả định “không có Đức Chúa Trời”, là nói với người Vô thần, để chỉ tỏ ra cho thấy sự sai lầm trong luận lý của họ, chớ thật ra, đối với mỗi Cơ-đốc nhân, chẳng những là Lời Chúa dạy rõ, mà họ còn kinh nghiệm sống từng ngày với Ngài trong cuộc đời, thì làm sao nói rằng không có Ngài cho được?

2. Không tin có Đức Chúa Trời là thiếu khôn ngoan, vì sai lầm trong việc sử dụng công cụ để nhận thức hiện hữu, nhận thức chân lý:

Vì cho rằng chỉ có một hiện hữu duy nhất là vật chất, cho nên người không tin có Đức Chúa Trời hoàn toàn bị giới hạn về công cụ để nhận thức hiện hữu, nhận thức chân lý.

Mọi suy luận và kết luận của họ chỉ căn cứ vào những gì có thể nghe, thấy, nếm, ngữi, chạm (xúc giác) và cân, đo, đong, đếm, tính. Điều nầy đã khiến cho thế giới mà người vô thần duy vật sống và kinh nghiệm chỉ duy nhất có là thế giới vật chất, chớ không hề biết gì về thế giới thuộc linh, là thế giới phi vật chất, vô cùng lớn lao và phong phú mà Cơ-đốc nhân chúng ta được sống và kinh nghiệm.

Mà thậm chí ngay cả trong thế giới vật chất, trải qua hàng ngàn năm, người vô thần duy vật cũng chỉ biết được, cũng chỉ sống được, và cũng chỉ kinh nghiệm được, với những gì có thể nghe, thấy, nếm, ngữi, và va chạm được của ngũ giác quan. Như vậy, từ thời Cận đại trở về trước, những dạng vật chất khác như vi trùng hay các làn sóng điện vốn không thấy được bàng mắt,… phải bị xem như là không hiện hữu.

Điều nầy đã cho thấy thế giới quan của người vô thần duy vật nghèo nàn biết bao. Nếu theo những gì chúng ta biết được cho đến nay thể theo Kinh Thánh, thì họ chỉ sống và kinh nghiệm được với một phần ba hiện hữu, vì người vô thần duy vật chỉ biết đến, và chỉ sống được với Tầng trời Thứ nhứt mà thôi.    

Giả định nếu có một người nào dùng tay để rờ và cầm các làn sóng điện, dùng tai để lắng nghe tiếng ồn của các nguyên tử đang di chuyển, dùng mắt thường để xem xét các con siêu vi trùng Covid-19 đang bay ở đâu, dùng cân bàn để cân trọng lượng sự thông minh hiểu biết của ông Elon Musk*, dùng thùng gỗ để đong lòng yêu nước của một người Mỹ, dùng thước thợ mộc để đo tình yêu của vợ mình, rồi thất vọng não nề và bảo rằng các thứ ấy chẳng hề hiện hữu, thì hẳn đó phải là một sự khiếm khuyết lớn.

Huống chi nay nếu có người lại sử dụng các công cụ dò tìm của thế giới vật chất nầy mà tìm kiếm Đức Chúa Trời, rồi mạnh mẽ tuyên bố rằng chẳng có Ngài, thì đó chẳng phải là khiếm khuyết lắm ư?

*Nhà phát minh, doanh nhân, tỉ phú Chủ hãng Tesla Motors và SpaceX.

 

159. Và khi bác bỏ sự hiện hữu của Đức Chúa Trời thì điều gì sẽ xảy ra nữa?

Và người không tin Đức Chúa Trời hiện hữu sẽ thiếu khả năng làm lành. Kinh Thánh chép:

Chúng nó đều bại hoại, đã làm những việc gớm ghiếc;

Chẳng có ai làm điều lành [Thi-thiên 14:1].

Chúng nó đều bại hoại, phạm tội ác gớm ghiếc;

Chẳng có ai làm điều lành [Thi-thiên 53:1].

 

160. Tại sao khi không tin vào sự thực hữu của Đức Chúa Trời thì sẽ thiếu khả năng làm lành?

Xin thưa, bởi vì có ít nhứt là 4 lý do sau đây:

(1). Bản chất hư hoại của loài người khiến họ bất lực trước tội.

(2). Con người sẽ không còn bị cấm đoán về bất cứ điều gì cả.

(3). Con người sẽ sống trong bất an, nghi ngờ, và tự vệ.

(4). Con người sẽ dạn dĩ mạnh tay trong các việc ác. 

 

161. Tại sao khi không tin vào sự thực hữu của Đức Chúa Trời thì con người sẽ bất lực trước sức mạnh của tội lỗi?

Bản chất hư hoại của loài người khiến họ yếu đuối, bất lực trước sức mạnh của tội lỗi mà không có ai cứu giúp.

Kinh Thánh dạy rằng con người, dầu bất cứ là ai, ở nơi nào, và sống trong thời đại nào, nếu không được Đức Chúa Trời tái sinh và ngự trị bên trong cũng như giúp đỡ bên ngoài, thì đều hoàn toàn bất lực trước sức mạnh của tội lỗi, bị tội lỗi đùa đi như gió:   

Chúng tôi hết thảy đã trở nên như vật ô uế, mọi việc công  bình của chúng tôi như áo nhớp; chúng tôi thảy đều héo như lá,  và tội ác chúng tôi như gió đùa mình đi. [Ê-sai 64:6]

Vì tôi không hiểu điều mình làm: tôi chẳng làm điều mình muốn, nhưng làm điều mình ghét… bởi tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn; vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn. Ví bằng tôi làm điều mình không muốn, ấy chẳng phải là tôi làm điều đó nữa, nhưng là tội lỗi ở trong tôi vậy. Vậy tôi thấy có luật nầy trong tôi: khi tôi muốn làm điều lành, thì điều dữ dính dấp theo tôi. [Rô 7:15-21]

 

162. Tại sao khi không tin vào sự thực hữu của Đức Chúa Trời thì con người không còn bị cấm đoán về bất cứ điều gì cả?

Không tin vào sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, không tin có đời sau, con người không có một luật tối thượng nào để sống theo, và không còn bị cấm đoán về bất cứ điều gì cả.

Trong xã hội, tuy rằng nhiều người cho rằng không có Đức Chúa Trời, nhưng họ không thật sự vô thần. Tuy là ngoài miệng họ nói vậy, hay thậm chí trong đầu họ nghĩ vậy, nhưng trong nơi thâm sâu, họ vẫn mơ hồ cảm nhận có một đấng nào đó đang hiện diện trong thế gian, nên họ vẫn bước đi theo luật của lương tâm (lòng lành), chớ còn đến một mức nào đó khi đã chối bỏ triệt để sự hiện hữu của Đức Chúa Trời và quyền của Ngài trên đời sống, thì không có một điều gì có thể cấm đoán được họ.

Trong một bài diễn thuyết quan trọng vào năm 1946, Jean Paul Sartre nói:

“Một ngày kia, Dostoevsky* đã viết: “Nếu Đức Chúa Trời không hiện hữu, thì mọi thứ sẽ được cho phép; và, đó chính là điểm khởi đầu của Chủ nghĩa Hiện sinh”.

Chủ nghĩa Hiện sinh được xây dựng và bắt đầu bằng tư tưởng vô thần: Đức Chúa Trời không hiện hữu, và vì thế, mọi thứ sẽ được cho phép.

Vào thập niên 1960, khi Chủ nghĩa nầy lên đến cao trào, ở Pháp cũng như Tây Âu đã bùng nổ một phong trào sống vội, tự do “tuyệt đối”, và vô cùng buông thả vô trách nhiệm. Hàng chục triệu thanh niên, đăc biệt là giới sinh viên, đã làm rúng động cả Nước Pháp với một lối sống mới theo khẩu hiệu: “Nghiêm cấm mọi sự cấm đoán!” (Il est interdit d’interdire)… và hậu quả là nó đã làm cho xã hội Pháp đảo điên đến mấy năm trời, cho đến chừng phong trào nầy phải tự tàn tắt, vì chính họ cảm thấy rằng họ đã bị hoàn toàn mất hết tự do, bị xiềng xích trong tội lỗi, mọi người đều không chịu nỗi họ, và chính họ cũng không chịu nỗi bản thân của họ nữa.

*Fyodor Dostoyevsky(1821-1881), văn hào vĩ đại nhứt của Nước Nga, năm 1864 viết “Notes from Underground” được xem như là kiệt tác và lời tiên tri của Chủ nghĩa Hiện sinh, nhưng rồi về sau đã trở lại với Chánh thống giáo, và có một lập trường tôn giáo bảo thủ.

 

163. Tại sao khi không tin vào sự thực hữu của Đức Chúa Trời thì con người sẽ sống trong bất an, nghi ngờ, và tự vệ?

Không tin vào sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, tức là cũng không tin có một Đấng quan phòng, bảo vệ, khiến con người luôn luôn sống trong bất an, lo sợ và phải luôn luôn nghi ngờ, phòng thủ, tự vệ, trước mọi người và mọi kẻ thù, như một con thú trong rừng hoang:

Sự nghi ngờ và sự tự phòng vệ nầy đã khiến cho Stalin, trong suốt những năm cầm quyền, bằng nhiều đợt thanh trừng lớn nhỏ đã giết hầu như sạch cả Trung ương Đảng. Đặc biệt, bằng nhiều vụ án ngụy tạo, ông đã xử tử nhanh gọn hầu hết những lãnh tụ đầu tiên của Đảng Cộng sản Nga, và tất cả những ai mà ông nghi ngờ là muốn, hoặc là có khả năng, thay thế ông khi ông còn sống*.

Trong cuộc sống riêng, Stalin cũng có sự bất an phòng bị khác thường. Ông có hai mươi nơi ngủ khác nhau, và hai mươi xe ô-tô để di chuyển mỗi đêm, mà đến giờ chót ông mới quyết định là đi xe nào, và ngủ ở nhà nào, hầu cho không một ai biết trước được. Một số người thân cận phục vụ ông trong những lãnh vực riêng tư cũng đã bị ông cho thủ tiêu để phòng tránh trước sự phản bội, hoặc để bịt kín đầu mối về những việc làm bí mật riêng tư của ông.

Hitler cũng vậy. Do sống trong sự bất an, trong bầu không khí nghi ngờ thường trực, cùng chiến thuật “ra tay trước” để tự phòng vệ, mà đã khiến Hitler từng nhiều lần cho thi hành những biện pháp đàn áp kinh hoàng nhắm vào những thành phần mà ông không tin tưởng. Đặc biệt là sau khi bị ám sát hụt vào ngày 20 tháng 7 năm 1944, Hitler đã cho mật vụ Gestapo xử tử hoặc thủ tiêu gần 7,000 sĩ quan quân đội bị nghi ngờ.

 

164. Tại sao khi không tin vào sự thực hữu của Đức Chúa Trời thì con người sẽ dễ dàng mạnh tay trong các việc ác?

Không tin vào sự hiện hữu của Đức Chúa Trời thì cũng không tin có phán xét đời sau, khiến con người mạnh tay trong các hành động tàn ác, mà không sợ bị trừng phạt. 

(1). Ví dụ 1: Trong Thế chiến thứ hai, Hitler và các thủ lãnh của Đảng Quốc gia Xã hội Đức đã gây ra chiến tranh tàn bạo làm cho gần 50 triệu người chết và cũng đã giết ít nhứt là 6 triệu người Do thái cùng hằng triệu nạn nhân thuộc các nhóm sắc tộc khác trong các đợt thanh lọc chủng tộc. Nhưng tại sao họ lại tàn ác đến mức khủng khiếp như vậy?

Có hai nguyên nhân:

(a). Thứ nhứt là vì các lãnh tụ của họ, đặc biệt là Hitler, Quốc trưởng, và Himler, Thủ lãnh SS, là những người bác bỏ sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, và cuồng nhiệt tin vào thuyết Tiến hóa của Darwin. Họ rất tin tưởng lời tiên tri của Darwin nói về sự tiến hóa của loài người rằng “trong một thời gian không xa… các chủng tộc văn minh sẽ hầu như tiêu diệt hết các chủng tộc thấp kém trên thế giới”. Bọn họ cho rằng dân tộc Đức, Anh và Bắc Âu, thuộc giống Nhật nhĩ man, một bộ phận ưu tú nhứt của chủng tộc Aryan, là một chủng tộc đã được tiến hóa cao hơn các chủng tộc khác. Và rằng chủng tộc Đức có một sứ mạng trước lịch sử loài người là phải thống trị về mọi mặt, từ chính trị, kinh tế cho đến xã hội những dân tộc khác, và có bổn phận thanh lọc xã hội, như đã được tóm tắt khá cụ thể trong quyển Mein Kampf của Hitler.

Cho nên để thực hiện sứ mạng ấy, một mặt họ loại bỏ người Do Thái vì sợ cạnh tranh, người Slavs và dân Gypsies, mà họ lo sợ sự pha trộn có thể làm mất đi tính tinh ròng ưu việt vì đã được tiến hóa cao của dân tộc Đức.

Một mặt họ tổ chức việc tuyển lựa các thanh niên ưu tú để truyền chủng cho quốc gia những thế hệ tinh ròng về sau, đồng thời với việc bí mật thủ tiêu trong dân tộc Đức những người bệnh hoạn, dị hình, dị tướng, mà họ cho rằng đã có những khuyết tật trong quá trình chọn lọc của tự nhiên.

(b). Thứ hai, cũng là vì chối bỏ sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, nên các lãnh tụ Đức quốc xã tin rằng chết là hết, là không còn gì nữa cả. Lý tưởng và mục đích của cuộc đời là đời nầy, là tìm được vinh quang khi còn sốngvà có được sự ca ngợi của hậu thế khi đã chết. Những thân cận của Hitler cho biết rằng ông ta thường ngâm một bài thơ của người Viking đời xưa, mà ông ta rất đắc ý:

“Muôn vật rồi sẽ qua đi,

Chẳng có gì còn lại,

Trừ ra vinh quang của những người đã chết,

Là còn đến muôn đời.”

 

Mạng sống con người không có giá trị gì, vì rốt cuộc ai rồi cũng ra tro bụi. Điều quan trọng của mỗi người là được nổi danh và lưu danh. Do vậy, hễ cần thiết thì cứ giết, miễn là làm sao để dân tộc Đức được vinh quang, chính mình được lưu danh ngàn năm thì thôi.

(2). Ví dụ 2*: Ngày nay, dầu đã 80 năm quá khứ, Chính phủ và người dân Nga vẫn cảm thấy vô cùng đau khổ* về việc Stalin, trong 30 năm cầm quyền, từ 1923 cho đến 1953, đã giết hại gần 20 triệu người dân Liên xô, trong đó có hàng triệu người thuộc giới tinh hoa của đất nước.

Đối với Stalin, giết hàng trăm ngàn người là việc rất nhẹ nhàng. Có lần, sau khi ông ra lệnh xử tử một lãnh tụ kỳ cựu hàng đầu của Đảng, rồi như để trấn an người thi hành công tác, ông nói: “Một trăm năm sau người ta đâu còn biết hắn là ai. Cũng như ngày nay đâu có ai biết tên những người mà Ivan Đại đế* đã giết là ai đâu?”.

Stalin cũng từng nói: “Cái chết của một con người là một bi kịch, nhưng cái chết của một triệu con người thì chỉ là số thống kê”.

Nhưng điều gì đã làm cho một người, khi bị hoàn cảnh xô đẩy, có thể đạt đến mức tàn ác như thế? Đó là vì niềm tin không có Đức Chúa Trời, niềm tin không có đời sau, và niềm tin không có sự phán xét.

 

* Tháng 10/2017, nhân Ngày Tưởng niệm hằng năm Nạn nhân Đàn áp Chính trị thời Liên Xô, Tổng thống Putin nói:

This terrifying past cannot be deleted from national memory or, all the more so, be justified by any references to the so-called best interests of the people.

…Political repression has become a tragedy for all our people, all our society and dealt a harsh blow to our people, its roots, culture and self-consciousness. We are still feeling its consequences.

Quá khứ khủng khiếp này không thể bị xoá nhòa khỏi ký ức quốc gia, và không có bất cứ cái gọi là lợi ích cao cả nào cho nhân dân có thể biện minh được cho việc nầy"

"Đàn áp chính trị đã trở thành một bi kịch cho tất cả nhân dân chúng ta, cho toàn thể xã hội chúng ta, đã đánh một đòn tàn nhẫn đến tận gốc rễ, đến tận văn hóa, đến tận ý thức của nhân dân chúng ta. Mà mãi cho đến hôm nay chúng ta vẫn còn đau đớn vì những hậu quả của nó".

 

*Còn gọi là “Ivan Khủng khiếp”, Sa Hoàng đầu tiên của Nước Nga, có nhiều công lao, nhưng cũng nổi tiếng về sự tàn bạo.