than hoc van dap

145. Có thể chứng minh sự thực hữu của Đức Chúa Trời bằng khoa học không?

Không. Bởi vì nhận thức Khoa học, dù là khoa học toán hay khoa học thực nghiệm, và nhận thức Thần học là hai lãnh vực hoàn toàn khác nhau. Chúng ta biết rằng trí thức, tư tưởng, tình yêu, sự đau khổ… đều là những hiện hữu rất thật, nhưng không một phòng thí nghiệm nào có thể chứng minh được sự hiện hữu của chúng, hay cân, đo, đong, đếm,… được những thực thể nầy.

Vì sao ư? Vì chúng là những thực thể hiện hữu trong một chiều kích (dimension) khác của vũ trụ.

Mặc dầu Đức Chúa Trời là một Đấng có thân vị cụ thể, một chủ thể có lý trí, ý chí, tình cảm và khả năng hành động, chớ không phải là một ý tưởng hay chỉ là một tình cảm, nhưng dù sao Ngài cũng hiện hữu trong một chiều kích khác với hiện hữu của vật chất trong thế giới của chúng ta, nên không thể dùng khoa học mà chứng minh hay bác bỏ sự hiện hữu của Ngài được.

(Vào đêm Giáng sinh, 24 tháng 12 năm 1968, từ Phi thuyền Apollo 8, đang khi bay trong quỹ đạo mặt trăng, ba Phi hành gia Mỹ là William Anders, James Lovell, và Frank Borman, đã gởi về trái đất lời chúc mừng Giáng sinh, bằng cách đọc Sáng thế ký đoạn 1 từ câu 1 đến câu 10, theo bản King James.

 

Mặc dầu việc làm nầy sau đó đã bị Madalyn Murray O'Hair, Chủ tịch Hiệp hội Vô thần Hoa Kỳ kiện, vì cho là đã vi phạm Tu chánh án số 1 của Hiến pháp Mỹ, nhưng cả ba người đều không hối tiếc và nói rằng khi được bay ra ngoài không gian vũ trụ, họ thấy rằng đức tin của họ được củng cố về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, vì thấy thế giới mà Ngài dựng nên thật là quá lạ lùng.

 

Trước đó bảy năm, năm 1961, Yuri Gagarin, phi hành gia Liên xô cũng đã bay vào vũ trụ. Năm 1963, trong một bài phát biểu chống tôn giáo, Thủ tướng Nga Nikita Khrushchev* có nói rằng “Gagarin đã bay vào vũ trụ và chẳng thấy Đức Chúa Trời đâu cả”.

Mặc dầu Gagarin có nói câu đó hay không còn là tranh cãi*, nhưng giả định Gagarin có nói câu ấy thì cũng chỉ là bình thường. Bình thường, bởi vì trước hết là Ngài không cư trú trong vũ trụ vật chất. Nhưng ngay cả thậm chí nếu Ngài có cư trú trong trong vũ trụ vật chất, thì Thái dương hệ cũng chỉ là một phần tỷ tỷ của vũ trụ, làm sao biết được hết những chỗ khác nữa mà Ngài có thể cư trú?)

 

*Trong cuộc phỏng vấn vào năm 2006, cựu Đại tá Liên xô Valentin Petrov nói rằng Gagarin thật ra có đức tin Chánh thống giáo, và là một nhà khoa học, thì chẳng bao giờ lại phát ngôn như vậy.

  

146. Có thể nào chứng minh không có Đức Chúa Trời bằng khoa học không?

 

Không. Vấn đề Đức Chúa Trời thực hữu hay không thực hữu là vấn đề của đức tin. Nghĩa là chỉ có thể tin chớ không thể chứng minh. Tuy nhiên, các bằng chứng để thuyết phục người ta tin có Đức Chúa Trời thì rất nhiều và rất mạnh, trong lúc các bằng chứng để thuyết phục người ta tin không có Đức Chúa Trời thì rất ít và rất yếu.

Chính vì vậy, mà Norman L. Geisler đã từng nói: “Tôi không đủ đức tin để trở thành người vô thần”. Thật ra, chính ông đã viết một quyển sách về đề tài nầy, đó là quyển: “I Don't Have Enough Faith to Be an Atheist”.

 

Như vậy, dù rằng chúng ta không thể chứng minh sự hiện hữu của Ngài, nhưng chúng ta có thể thấy được đầy dẫy những dấu tay Ngài trong vũ trụ.

 

147. Có những chứng cớ nào để thuyết phục người ta tin là Đức Chúa Trời thực hữu?

Về sự thực hữu của Đức Chúa Trời, các nhà Thần học thường đưa ra những cớ sau:

(1). Chứng cớ Vũ Trụ Luận (Cosmological Argument)

(2). Chứng cớ Cứu Cánh Luận (Teleological Argument)

(3). Chứng cớ Nhân Loại Luận (Anthropological Argument)

(4). Chứng cớ Bản Thể Luận (Ontological Argument)

(5). Đức Chúa Jesus Christ, Đức Chúa Trời Ở Cùng Chúng Ta.

(6). Kinh Thánh Lời Hằng Sống Của Đức Chúa Trời.

(7). Lịch Sử Hội Thánh Sơ Kỳ.

 

148. Chứng Cớ Vũ Trụ Luận là gì?

Chứng Cớ Vũ Trụ Luận trong tiếng Anh là Cosmological Argument. Chữ nầy đến từ chữ Cosmos (κόσμος) của tiếng Hy lạp, có nghĩa là vũ trụ vật chất. Cosmological Argument dựa trên lập luận rằng cả thế giới vĩ đại tốt đẹp nầy phải được đến từ một Đấng vĩ đại và tốt đẹp muôn phần hơn, và Đấng đó chính là Đức Chúa Trời.

Hầu như mọi người đều nhìn nhận rằng chúng ta đang sống trong một thế giới vật chất vô cùng rộng lớn, mà chính bản thân ta cũng là một thành phần, dầu chỉ bé nhỏ như một hạt bụi, trong đó. Thế giới vật chất đó gồm nhiều vật thấy được như tinh tú, đại dương, núi non, cây cỏ, chim muông, sỏi đá,… và con người chúng ta, hay những vật không thấy được như các làn sóng điện, vi trùng, siêu vi… Ở đây chúng ta không nói đến một thực thể vô hình và thuộc linh như Đức Chúa Trời, vì một số người không tin có Ngài, và chúng ta đang cố gắng để thuyết phục họ tin.

Thật ra, trong thế gian nầy đã từng có một triết thuyết cho rằng cả vũ trụ vật chất nầy chỉ là một ảo ảnh, chớ không có thật. Nhưng nói như thế thì cá nhân người đưa ra triết thuyết nầy cũng chỉ là một ảo ảnh. Điều đó tự nó đã bác bỏ lý thuyết. Nhà triết học người Pháp, Descartes (1596-1650) đã từng phát biểu: “Tôi tư duy, vậy thì tôi hiện hữu” (Je pense, donc je suis). Câu nầy có lẽ Descartes đã mượn ý của nhà Thần học Tin lành Augustine (354-430) khi ông nói: “Tôi sai lầm… vậy là tôi hiện hữu” (Si fallor, sum – If I am mistaken, I exist). Suy nghĩ, thậm chí suy nghĩ sai lầm đi nữa, thì điều đó cũng đã chứng tỏ rằng mình đang hiện hữu, nghĩa là mình đang có mặt trên thế giới hiện hữu.

Vấn đề còn lại là thế giới vật chất nầy tự nhiên mà có, hay là do ai làm ra. Thật ra, quan niệm Duy vật cho rằng vũ trụ vật chất nầy tự nhiên mà có, và hằng có đời đời là một quan niệm mạnh, có từ thời Cổ đại, và được thịnh hành từ Thời đại Ánh sáng. Đó là nền móng căn bản của thuyết Duy vật.

Nhưng bắt đầu từ thập niên 1950 của thế kỷ 20, khi thuyết Big bang ra đời (bắt đầu với Linh mục Henry Lamaitre năm 1929) và được quảng bá mạnh, thì thuyết nầy đã cho mọi người thấy một chỗ sai căn bản của thuyết vật chất đời đời, ấy là vũ trụ đã có bắt đầu. Mà đã có bắt đầu thì sẽ có kết thúc. Tuy rằng thuyết Big Bang có những điểm sai căn bản (sẽ bàn đến trong phần Sáng tạo), nhưng ít nữa nó đã chấp nhận rằng vũ trụ vật chất có khởi thủy và đồng ý với câu “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” [Sáng 1:1], chớ không còn tuyên bố vũ trụ vật chất là hằng hữu đời đời nữa.

 

149. Chứng cớ Cứu Cánh Luận là gì?

Chứng cớ Cứu Cánh Luận trong tiếng Anh là Teleological Argument. Chữ Teleological đến từ chữ Telos (τέλος) trong tiếng Hy lạp, có nghĩa là Cứu Cánh, hay mục đích (ở xa). Cứu cánh luận dựa trên lập luận rằng cả thế giới nầy, từng vật thể dầu nhỏ nhặt đến đâu cũng đều đã được thiết kế với một mục đích rất rõ ràng và rất thông minh. Vậy Đấng thiết kế rất thông minh đó chính là Đức Chúa Trời.

Vì vậy Cứu cánh luận còn gọi là Thiết Kế Thông Minh (Intelligent Design)

Khi ta nhìn xem thế giới quanh ta, từ các các ngôi sao trong thái dương hệ cho đến mỗi bộ phận trong một sinh vật, cây cỏ, đều được chế tác một cách hết sức thông minh, tính toán trừng chút một, và sắp đặt với nhau một cách hết sức chính xác hài hòa, để muôn vật có thể hoạt động và tồn tại. Sự thiết kế thông minh nầy không chỉ trên một hai vật mà trên toàn thể mọi vật, mọi loài của cả vũ trụ, của cả thế giới ở chung quanh ta, từ vĩ mô cho đến vi mô.

Nếu trong thế gian nầy mà sự chế tác và tính toán đó chỉ xảy ra lẻ tẻ, thì đó có thể là sự tình cờ, nhưng nay sự thiết kế thông minh, hài hòa, chính xác đến mức độ tuyệt đối như vậy lại là trên muôn loài vạn vật, thì đó phải là do có một Đấng thiết kế cực kỳ thông minh đã tính toán và thiết định. Dưới đây là lập luận về Cứu Cánh Luận hay Thiết Kế Thông Minh:

 

(1). Nếu Thiên Chúa không hiện hữu, sự thiết kế thông minh hài hòa mang tính vật lý, toán học, hóa học, và hữu cơ của mọi vật trong thiên nhiên sẽ có thể là tình cờ.

(2). Nhưng nay, sự thiết kế và hoạt động hài hòa mang tính vật lý, toán học, hóa học, và hữu cơ của thiên nhiên không chỉ xảy ra riêng lẻ, mà xảy ra trên toàn thể cả mọi vật trong cả vũ trụ.

(3). Vậy, Đức Chúa Trời phải hiện hữu.

G.K. Chesterton (1874-1936), một triết gia Cơ-đốc giáo người Anh, được xem như là nhà thông thái của Thế kỷ 20, đã có lần đưa ra một luận cứ về Cứu Cánh Luận và Thiết Kế Thông Minh rất vui và rất hay như sau: “Vậy nếu chỉ có một con voi có vòi thì đó là sự kỳ cục, nhưng khi mọi con voi đều có vòi thì đó là sự thiết kế” (So one elephant having a trunk was odd; but all elephants having trunks looked like a plot).

 

Do sự thiết kế quá thông minh và có chủ đích của từng vật thể, nên ngay cả những người không tin Chúa, thậm chí chống đối Cơ-đốc giáo, cũng rất ít ai dám phê phán về sự hài hòa của vũ trụ. Dầu vậy không phải là không có. Voltaire, một nhà vô thần nổi tiếng, trong quyển “Candide ou l'Optimisme” (Candide hay Anh chàng lạc quan) đã chế nhạo Cứu Cánh Luận hay Thiết Kế Thông Minh bằng một lối văn trào phúng cho rằng: mũi đã được Chúa dựng nên là để mang kính, chân đã được Chúa dựng nên là để mang vớ, đá đã được Chúa dựng nên là để chẻ ra xây cất lâu đài cho các nhà quý tộc,… heo được Chúa dựng nên là để giết thịt, cho nên chúng ta ăn thịt heo quanh năm. Dầu Voltaire là một thiên tài trí thức, nhưng về sự nhạo cợt nầy, nhiều người đã cho là quá lố bịch và bất công. Bởi vì trong nhân loại, không ai là không thấy mọi vật đều được thiết kế có một chủ đích rất rõ ràng.

 

150. Chứng Cớ Nhân Loại Luận là gì?

Chứng cớ Nhân Loại Luận trong tiếng Anh là Anthropological Argument. Chữ Anthropological đến từ Anthropos (ανθρωπος) có nghĩa là người ta. Nhân Loại Luận dựa trên lập luận rằng một con người với đầy đủ lý trí, ý chí, tình cảm, và là một hữu thể thuộc linh biết khao khát Chúa, biết cảm xúc đau buồn khi làm sai, hài lòng khi làm đúng, yêu chuộng công lý, trọng sự thật, thì phải được dựng nên từ một Đấng có những thuộc tính cao cả chớ không thể đến từ vật chất được.

Thật ra, thuyết Tiến hóa, ngay từ buổi đầu cho đến tận ngày nay đều cảm thấy bế tắc ở một vấn nạn, ấy là: Làm sao mà vật chất lại sinh ra tinh thần được, nghĩa là tinh thần đến từ đâu?

Một con người với những đặc tính thuộc linh cao trọng như vậy, chắc chắn phải được dựng nên từ một Đức Chúa Trời Cao Cả và Toàn Năng, bên ngoài thế giới vật chất [Sáng 1:26-27;2:18-25; Thi 8:3-9;139:14; Êph 4:24; Cô 3:10; Rô 2:14-15].

 

151. Chứng cớ Bản Thể Luận là gì?

Chứng cớ Bản Thể Luận trong tiếng Anh là Ontological Argument. Chữ “Onto” xuất phát từ όντως (ontos), hiện tại phân từ của động từ έιμι (eimi) trong tiếng Hy lạp có nghĩa là hiện hữu. Nhà Thần học Anselm (1033-1109) là người đầu tiên đưa ra luận chứng nầy.

Chứng cứ Bản Thể Luận xây dựng trên luận điểm cho rằng loài người trên khắp cả thế gian đều là bất toàn, và là giới hạn, song lại luôn luôn có ý tưởng về một Đấng toàn hảo, tuyệt đối, và vô hạn. Vậy thì ý tưởng về một Đấng toàn hảo, tuyệt đối và vô hạn nầy đến từ đâu, do đâu mà có? Chắc chắn là không thể đến từ những con người bất toàn và hữu hạn như chúng ta, mà phải đến từ một Đức Chúa Trời toàn hảo và vô hạn. Hay nói cách khác, chính Đức Chúa Trời toàn hảo và vô hạn đã hiện hữu trước khi dựng nên con người, và đặt vào lòng con người những ý tưởng, ý niệm đó.

 

152. Đức Chúa Jesus Christ khi nhập thể, đã thuyết phục về Đức Chúa Trời thực hữu như thế nào?

Kinh Thánh chép: “Thầy đội và những lính cùng với người canh giữ Đức Chúa Jêsus, thấy đất rúng động và những điều xảy đến, thì sợ hãi lắm, mà nói rằng: Thật người nầy là Con Đức Chúa Trời” [Ma-thi-ơ 27:54].

Thầy đội và những lính canh là người của Đế quốc La-mã, nghĩa là người ngoại, mà khi chứng kiến sự chết của Đức Chúa Jesus Christ thì phải nhìn nhận có Đức Chúa Trời, và cũng nhìn nhận Ngài là Con Đức Chúa Trời.

Thật tế là suốt hai ngàn năm qua, nhờ nghiên cứu, tìm hiểu về đời sống phi thường, siêu nhiên và sự giảng dạy lạ lùng của Đức Chúa Jesus Christ mà người ta tin là có Đức Chúa Trời, và Ngài chính là Đức Chúa Trời nhập thể,  thì nhiều hơn bất cứ một chứng lý nào mà đã được kể trên kia.

 

153. Kinh Thánh đã thuyết phục về Đức Chúa Trời thực hữu như thế nào?

Ngoài việc Kinh Thánh được hình thành và bảo toàn một cách siêu nhiên, tự thân nội dung Kinh Thánh đã khiến người đọc cảm biết phải có một tác giả siêu phàm là  Đấng Tạo Hóa viết ra.

Kinh Thánh là một quyển sách đầy dẫy quyền năng nội tại, vì mỗi lời trong đó đều đã được Đức Chúa Trời hà hơi sống vào. Người chưa có đức tin đọc Kinh Thánh, thậm chí người đã mang sẵn ý định đọc Kinh Thánh để chống đối Kinh Thánh, bắt lẽ Kinh Thánh, nhưng nếu họ đọc được một lần Kinh Thánh đầy đủ, thì cơ hội họ tin rằng Đức Chúa Trời thực hữu sẽ rất lớn. Từ xưa đến nay, hầu hết các trường hợp trở lại với Đạo Tin Lành đều là do đọc Kinh Thánh hay là do tìm hiểu về cuộc đời của Đức Chúa Jesus.

Ngay cả với người tin Chúa, cũng không thiếu những thời điểm cảm thấy như là Đức Chúa Trời không hiện hữu. Vào những thời điểm như vậy, đọc Kinh Thánh là phương cách hiệu quả nhất để tìm thấy lại sự hiện hữu của Đức Chúa Trời.

 

154. Lịch sử Hội thánh Sơ kỳ đã thuyết phục về Đức Chúa Trời thực hữu như thế nào?

Nhà Thần học thời Trung cổ Thomas Aquinas (1225-1274) đã từng tuyên bố rằng ông có thể dùng Lịch sử Hội thánh để chứng minh sự hiện hữu của Thượng đế cho cả người ngoại, là những người tuyên bố rằng mình không tin Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời. Chứng minh như thế nào? Ông dùng lịch sử để chỉ ra rằng nếu không có Đức Chúa Trời thì Đức Chúa Jesus đã không phục sinh, và nếu Đức Chúa Jesus không phục sinh, thì đã không có biến cố ngày Lễ Ngũ tuần, và nếu không có biến cố ngày Lễ Ngũ tuần thì đã không thể nào có Hội thánh Cơ đốc.

Tuy nhiên, cũng cần phải rất chú ý là Hội thánh “Sơ kỳ”. Lý do là vì Hội thánh Chúa về sau đã có nhiều thời kỳ rất sa sút về thuộc linh và lối sống. Sa sút đến nỗi, người ngoại đạo đã không thể nào nhìn thấy sự hiện hữu của Đức Chúa Trời trong đó.

 

155. Ngũ đạo Thánh Thomas* chứng minh sự thực hữu của Đức Chúa Trời như thế nào?

Thomas Aquinas* trình bày ra năm con đường (“ngũ đạo” tiếng Hán Việt là năm con đường) dẫn người ta đến sự nhìn nhận là Thượng Đế thực hữu. Nói vắn tắt thì năm con đường đó là như sau đây:

(1). Đường thứ nhứt, phát khởi từ sự chuyển động và thay đổi. – Thế giới nầy là thế giới động, chớ không tĩnh, thay đổi chớ không giữ nguyên. Mưa rơi, gió thổi, nước chảy, đá lăn, sóng vỗ, thời thiết chuyển thay, các tinh cầu di chuyển,… Dẫn đến sự hiện hữu của một Đấng làm cho thế giới vận động và thay đổi.

(2). Đường thứ hai, phát khởi từ quan hệ nhân quả. – Từ nhận xét thấy việc gì xảy ra trong vũ trụ đều có một nguyên nhân nào đó, dẫn ta đến ý thức về Đấng vốn là nguyên nhân đầu tiên, tức là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.

(3). Đường thứ ba, khởi từ sự hiện hữu của những vật được sinh ra và bị tùy thuộc. – Như con người chẳng hạn, đi đến một Đấng không do ai sinh ra cả và không phải tùy thuộc vào ai hết.

(4). Đường thứ tư, phát khởi từ những giá trị đạo đức. – Như chân lý, trung thành, thiện hảo, thánh lành… dẫn đến một Đấng vốn bản chất là chân lý, cao thượng, thiện hảo, thánh lành…

(5). Đường thứ năm, khởi từ sự hiện hữu của một thế giới rất trật tự và có chủ đích – dẫn đến Đấng vốn là chủ đích và nguồn cội của trật tự.

*Ngũ đạo của Thomas (Thomas Aquinas’ Five Ways / Cinq Voies de Thomas d' Aquin)

*Thomas Aquinas (1225-1274) nhà Thần học người Ý, Tiến sĩ Giáo hội, và được phong thánh. Tuy rằng vào thời đó chưa chia ra Công giáo/Tin lành, nhưng Thần học của ông chịu ảnh hưởng sâu nặng của triết học Aristole, là triết học chủ trương “biết rồi mới tin”, trong khi Augustine, chịu ảnh hưởng của triết học Platon, chủ trương “tin rồi sẽ biết” (vì Platon cho rằng có những chân lý thuộc về siêu việt thể, người ta không thể nhật thức bằng lý trí, mà phải nhận thức bằng trực giác). Nhiều người xem Augustine như cây cổ thụ của nền Thần học Tin lành, và Thomas Aqinas là cây cổ thụ của nền Thần học Công giáo.

 


 

 

THƯỢNG ĐẾ HỌC

 

SỰ THỰC HỮU CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

CÁC BẰNG CHỨNG THUYẾT PHỤC

 

(Bài đọc thêm)
CÓ ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG?

Nhiều học giả, nhiều triết gia, nhiều khoa học gia Cơ-đốc giáo, đã đưa ra hàng chục lý do khiến họ tin quyết vào sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, của Thượng Đế, của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta không cần nhiều đến như thế. Bởi vì sự hiện hữu của Đức Chúa Trời là quá hiển nhiên và cụ thể. Chỉ cần nhìn vào cõi thiên nhiên oai nghiêm cùng với cái thế giới kỳ vĩ mà Ngài đã sáng tạo, chúng ta cũng đã “thấy” được sự hiện hữu của Ngài. Điều nầy cũng giống y như các trẻ em miền quê, khi thấy một ổ trứng cút nằm trong đám mè, thì chúng bèn tin chắc rằng thể nào cũng phải có một con cút mẹ quanh quẩn đâu đó.

Đức Chúa Trời là Đấng Thần linh, là Đấng vô hình. Chúng ta không thể thấy Ngài bằng mắt thường, cũng như chúng ta không thể thấy vô số các làn sóng điện đang di chuyển trong không gian nầy vậy. Thế nhưng, chúng ta có thể “thấy” Ngài một cách khác. Chúng ta thấy Ngài và nhận biết Ngài khi chiêm ngưỡng quyền năng lớn lao vô hạn của Ngài, sự khôn ngoan lạ lùng của Ngài, bàn tay khéo léo diệu kỳ của Ngài trong vũ trụ. Cho nên khi nói rằng thế giới nầy tự nhiên mà có, nói rằng mọi vật trong thế giới nầy chỉ là sự kết hợp tình cờ và vô tình của vật chất khi vận động, thì cũng vô lý và khó tin, vô lý và khó tin y như khi có ai đó nói rằng ngôi nhà mà bạn đang ở, chiếc xe mà bạn đang lái, chiếc đồng hồ mà bạn đang đeo, hay chiếc “smart phone” mà bạn đang cầm trong tay, là tự nhiên mà có, là do sự hình thành tình cờ của kim loại và hóa chất, khi các thứ vật chất nầy bị bay đi đây đó trong vũ trụ nầy vậy.

Nhưng ngay cả khi vật chất bị đùa đi đây đó, thì cái năng lực thúc đẩy mọi vật di chuyển, cái hấp lực (gravitation) giữ các tinh cầu trong vũ trụ như mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao cứ vận hành theo quĩ đạo riêng, và chung, của mình, mà không rơi vào đống hỗn độn, cũng không thể tự nhiên mà có được. Tất cả đều phải được chế tạo, tất cả đều phải được tổ chức, tất cả đều phải được điều hành, tất cả đều phải được bảo quản bởi một quyền năng, và bởi một trí khôn vô hạn.

Trí khôn đó và quyền năng đó là trí khôn và quyền năng của chính Thiên Chúa. Càng nghiên cứu, càng khám phá, người ta càng thấy rằng, cả vũ trụ nầy, từ những tinh cầu có thể tích to lớn bằng hàng ngàn mặt trời, cho đến những tế bào bé nhỏ tí xíu trong thân thể của một sinh vật, mà mắt thường ta không thấy được, đều là những kỳ quan. Tất cả các kỳ quan đó đều đã được thiết kế, xây dựng, và bảo trì, một cách hết sức thông minh tài giỏi.

Từ hơn 3000 năm về trước Kinh Thánh, là Lời của Đức Chúa Trời, đã có phán rằng:

“Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất,

Treo trái đất trong khoảng không không.

Chúa dùng sự khôn ngoan để dựng nên trái đất;

Ngài dùng sự thông sáng để tạo lập các tầng trời;

Nhờ tri thức của Ngài các vực sâu mở rộng;

Áng mây mù biến thành sương đọng hoặc mưa rơi.

Hỡi Đức Chúa Trời,

Công việc Ngài lớn biết bao,

Tư tưởng Ngài rất sâu sắc.

Hỡi Đức Chúa Trời,

Công việc Ngài nhiều biết bao!

Ngài đã làm hết thảy cách khôn ngoan.

Hãy đến, xem các việc của Đức Chúa Trời:

Công việc Ngài làm cho con cái loài người thật đáng sợ.”

[Sáng 1:1, Gióp 26:7, Châm 3:19-20, Thi 92:5,104:24,66:5]

Quả thật vậy. Công việc Ngài thật lớn lao, khôn ngoan, lạ lùng và đáng sợ. Thế thì trước hết chúng ta hãy đến xem:

 

Trời:

Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời,

Bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm.

Ngày nầy giảng cho ngày kia,

Đêm nầy tỏ sự tri thức cho đêm nọ”.

Chẳng có tiếng, chẳng có lời nói;

Cũng không ai nghe tiếng của chúng nó.

[Thi-thiên 19:1-3]

 

Đúng là “Chẳng có tiếng, chẳng có lời nói”, nhưng cõi thiên nhiên oai nghiêm nầy đã rao truyền và giải tỏ về sự hiện hữu đầy vinh quang của Đức Chúa Trời rất rõ:

Bầu trời:

Hãy nhìn lên bầu trời trong một đêm đầy trăng sao! Các nhà nghệ sĩ có nói đến việc “nhìn trăng đếm sao”, nhưng thực ra không ai, kể cả các tổ chức khoa học, có thể đếm xuể, vì có nhiều sao quá. Người Việt nam mình hay nói “Hằng hà sa số”, có nghĩa là nhiều như số cát sông Hằng, nhưng số lượng sao mà mà kính viễn vọng có thể ghi nhận, được các nhà Thiên văn học Australia công bố ở Sydney, mười lăm năm trước, đã là đến 70 sextillions (70,000,000,000,000,000,000,000) nghĩa là tính ra số sao mà khả năng con người có thể đo đếm được ngày nay, theo các nhà khoa học, còn nhiều hơn số cát trên cả địa cầu, chớ không phải chỉ là số cát sông Hằng bên Ấn Độ!

Các từng trời:

Chúng ta biết rằng có nhiều từng trời bao bọc trái đất của chúng ta, thế mà chỉ mới từng đầu tiên, gần chúng ta nhất, là từng “Đối lưu” chúng ta sắp nói đến đây, cũng đã là một kỳ quan!

Từng Đối lưu (Troposphere) là tầng trong cùng của bầu khí quyển, nơi chúng ta đang sống. Gọi là từng đối lưu, vì không khí ở từng nầy luôn di chuyển qua lại, và tạo ra gió, để mọi loài sinh vật có thể sống được. Từng đối lưu dày trung bình chừng 15 cây số. Ở lớp thấp nhất của từng, là nơi chúng ta đang sống, không khí ấm đủ để nước bốc hơi, làm khô đồ đạc, nhưng càng lên cao, khí lại càng lạnh, làm hơi nước ngưng tụ, và tạo ra mưa.

Lên tới độ cao khoảng 10 đến 12km, nơi mà các máy bay phản lực đường dài hay bay (để tiết kiệm xăng, vì áp suất nhỏ, lực cản ít, lại tránh được sấm sét, và hơi nước đóng đá trên cánh máy bay), không khí đã rất lạnh, rất ít hơi nước lên được đến đó. Nhưng khi đến ranh giới giữa từng đối lưu và từng bình lưu, không khí lạnh đến gần -70 độ C, hơi nước sẽ hoàn toàn không đến đó được nữa. Chính nhờ điều nầy mà nước và hơi nước cứ được giữ lại trên bề mặt trái đất. Vì nếu không, thì tất cả nước đã bốc hơi và thoát ra ngoài không gian vũ trụ, trái đất đã trở thành một hoang mạc chết, y như mặt trăng hay các tinh cầu khác rồi!

Không Khí:

Trong các tầng bao quanh trái đất, hay nói rộng ra hơn, trong cả không gian vũ trụ, cho đến nay người ta biết được là chỉ có ở từng đối lưu nầy, mà mới có các thành phần không khí, hay khí trời, và áp suất thích hợp để mọi sinh vật có thể hít thở.

Không có gì gần gũi và thiết thân với chúng ta hơn là khí trời. Một em bé vừa mở mắt chào đời thì đã tiếp xúc với khí trời, trước khi khóc, và đã hít thở khí trời trước khi bú mẹ. Rồi cứ như vậy, em bé nầy sẽ cứ hít thở khí trời cho đến khi nó lìa khỏi đời nầy!

Và nếu như bầu trời và các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, thì không khí, mà chúng ta vẫn gọi là “khí trời”, đã góp một phần không nhỏ vào sự giải tỏ “công việc tay Ngài làm.

Không khí giải tỏ điều gì? Nó giải tỏ rằng Đức Chúa Trời là Đấng Sáng Tạo đầy quyền năng, song đồng thời cũng là Đấng Thiên Phụ đầy thương yêu và hào phóng, luôn luôn đưa bàn tay nhơn từ của Ngài ra để chăn nuôi loài người, vốn là “con” và “dòng dõi” của Ngài [Lu-ca 3:38, Công-vụ 17:29].

Người ta có thể phải lao động để có nước, có đồ ăn, nhưng về phần thứ phương tiện sống tối cần, và tối khẩn nầy, thì luôn luôn có thể nhận lãnh thỏa mái, không bao giờ cần đến bất kỳ một thứ công giá nào, hay lao động nào. Thậm chí dầu có được cho không, thì cơm cũng cần phải bưng chén, nước cũng cần phải cầm ly, chớ còn đối với không khí, thật đây là một thứ quà tặng đã được Thiên Chúa ban cho một cách tuyệt đối vô điều kiện.  

 

Đất:

Hơn 3000 năm trước Kinh Thánh cũng đã phán:

Khi Chúa chế tạo đất,

Thì sắm sửa ngũ cốc cho loài người.

Ngài làm cho cỏ đâm lên cho súc vật,

Cây cối để dùng cho loài người,

Và khiến thực vật sanh ra từ nơi đất.

Đất sanh ra lương thực,

Còn ở bên dưới nó dường như bị lửa xao lộn

[Thi 65:9;104:14, Gióp 28:5] 

 

Đất sanh ra lương thực:

Không ai ăn được đất, nhưng tất cả lương thực cho mọi loài, tất cả mọi cây cối để làm nơi ở cho muôn vật, tất cả hoa cỏ để tô điểm cho thế giới, đều từ đó mà ra. Đất thật là món quà quý của Thượng Đế.

Chẳng những dựng nên đất, Chúa còn chế ra vô vàn các “máy móc” rất tinh xảo, là những loài cây cỏ khác nhau, thứ thì lấy đất sản xuất ra ngũ cốc bổ dưỡng, thứ thì lấy đất sản xuất ra hoa quả ngon ngọt, thứ thì lấy đất sản xuất ra hoa cỏ muôn màu, muôn vẻ, đủ dáng, đủ hình…

Loài người không bao giờ làm ra được sự sống, nên loài người sẽ chẳng bao giờ làm ra được một chiếc máy biến đất, nước, không khí, và ánh sáng mặt trời thành đồ ăn, thành hoa lá, thành cây cối. Nhưng giả thử rằng loài người có làm ra được, thì giá bán của nó phải là bao nhiêu? Vậy đó mà từ ngàn xưa, từ khi loài người chưa có tiền bạc để mua, Đấng Sáng Tạo đã chế ra hàng tỉ, hàng tỉ những chiếc máy như thế, rồi ban cho thế giới.

 

Còn ở bên dưới nó là lửa:

Tâm quả đất cách bề mặt trái đất đến gần 6400km. Từ lâu bên Âu Châu, do đọc Kinh Thánh, người ta tin rằng ở sâu dưới lòng đất rất nóng, nhưng không có cách gì để tìm hiểu thêm. Những mũi khoan sâu nhất của Công ty khoan dầu Exxon ngày nay cũng chỉ khoan đến tối đa là 12km. Xuống sâu hơn nữa, nhiệt độ lên cao, mũi khoan không hoạt động được.

Cho nên, mãi cho đến năm 1970, khoa học mới nhờ sử dụng một loại âm ba đặc biệt (sóng P), mà xác định được rằng lòng trái đất là một khối lửa nóng lên đến hơn 6000 độ C, giữa rắn, ngoài lỏng.

Việc lòng đất nóng, mặt đất ấm rất quan trọng và cần thiết cho sự sống của sinh vật. Mọi loài cây đều đâm rể, mọi hạt giống đều nẩy mầm nhờ đất ấm. Mặt khác, nhiều loại cây cỏ chết cóng trên mặt đất vào mùa đông, nhưng củ, rễ, hạt, vẫn sống dưới lớp tuyết, để đến mùa Xuân lại bừng bừng sống dậy. Lại cũng nhờ vào điều nầy mà các loài thủy sinh, nhứt là cá, vẫn có thể sống được trong những tháng mùa Đông khi sông hồ đóng đá.

 

Nước uống:

Ngài thâu hấp các giọt nước:

Rồi từ sa mù giọt nước ấy bèn hóa ra mưa,

Đám mây đổ mưa ấy ra,

Nó từ giọt sa xuống rất nhiều trên loài người.

Ngài khiến các suối phun ra trong trũng,

Nó chảy giữa các núi.

Ngài cứ làm chứng luôn về mình:

Tức là giáng phước cho,

Làm mưa từ trời xuống,

Ban cho… mùa màng nhiều hoa quả,

Đồ ăn dư dật, và lòng đầy vui mừng.

[Gióp 36:27,28, Thi 104:10, Công-vụ 14:17]

Nước, cũng như khí trời, tuy trông quen thuộc đến tầm thường, nhưng người sử dụng có bao giờ nói lên lời cảm ơn về tặng vật cần thiết vô cùng nầy của Thượng Đế! Không cần nói thì ai ai cũng biết nước cần đến mức nào cho sự sống của muôn vật. Khát nước mau chết hơn là đói bụng. Sự tranh chấp về đất đai, nguồn nước, sông hồ, biển cả,…  luôn luôn mang tính quốc gia.

Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Trời dùng nước, bên cạnh không khí, và đồ ăn, để “làm chứng” về Ngài, tức là minh chứng về sự hiện hữu của Ngài, và về tình yêu của Ngài đối với loài người. Thật vậy, nước là tặng vật, không những chỉ quý báu, mà còn là tặng vật diệu kỳ của Chúa. Chúa, Đấng nhơn từ, khôn ngoan, và quyền năng lạ lùng đã chế tạo ra nước từ sự tổng hợp căn bản là hai nguyên tử hydro và một nguyên tử oxy nên nước có ký hiệu là H20. Đây tỏ ra sự khôn ngoan của Chúa, vì sự tổng hợp nầy phải tuyệt đối đúng phân lượng. Chúng ta biết Hydro là khí rất độc. Còn Oxy tuy là khí lành, nhưng nếu lượng oxy trong nước tăng gấp đôi, lên đến hai nguyên tử, thì sẽ cho ra Nước Oxy già, ký hiệu là H2O2, không uống được, chỉ để sát trùng và để rửa vết thương. (Ngay cả oxy là chất khí rất cần cho phổi, vậy mà nếu lượng oxy trong không khí lên đến 25% thể tích, thì không khí cũng trở nên rất độc, không thở được). Vậy đó mà khi Chúa tổng hợp hai chất khí nầy lại theo một phân lượng thích hợp (H2O) thì nó trở thành nước uống rất lành. Mặt khác, cả hai chất oxy và hydro cũng đều là hai chất cực kỳ dễ cháy, vậy đó mà khi Chúa tổng hợp hai chất nầy lại thành nước, thì lại có khả năng dập tắt mọi đám cháy.

 

Nước Đá:

Ngài phán với tuyết rằng:

Hãy sa xuống đất!

Và cũng phán như vậy,

Cho trận mưa mây và mưa lớn…

Nước đông lại như đá, rồi ẩn bí,

Và mặt vực sâu trở thành cứng.  

[Gióp 37:6; 38:30]

 

Nhắc đến nước, và việc cá có thể sống được trong mùa Đông dưới băng giá, chúng ta không thể quên được một đặc tính rất kỳ diệu và độc đáo khác nữa của nước, để tỏ ra rằng nước là một chất đã được chế tạo ra một cách lạ lùng đặc biệt, để sử dụng trong cái thế giới đã được Thiên Chúa thiết kế một cách cực kỳ thông minh nầy:

Chúng ta biết “Mọi vật thể khi nóng thì nở ra, khi lạnh thì rút lại. Đó là nguyên tắc căn bản để chế ra hàn thử biểu”. Ngày xưa thầy giáo lớp 4 thường bắt học trò học thuộc lòng câu nầy trong sách “Khoa học Thường thức”.

Nhưng riêng nước, do cấu trúc liên kết đặc biệt giữa các phân tử, là khi gặp lạnh đến sắp đông, thì xếp hàng ngang, chớ không linh động chạy tán loạn để lấp đầy các chỗ còn trống, nên choán nhiều chỗ. Kết quả là nước có một đặc tính hoàn toàn độc đáo: khi đông lạnh thì choán thêm chỗ, và nở ra.

Thật ra thì trong điều kiện nhiệt độ thông thường, từ 59 đến 77 độ F (15-25 độ C), nước nóng lên vẫn nở ra, lạnh xuống vẫn rút lại, nhưng vừa khi độ lạnh đạt đến đúng 4 độ C (39.2 độ F), trở xuống 0 độ C, thì nước đột ngột đảo ngược tính chất, nóng lên thì rút lại, lạnh xuống thì nở ra.

Đến khi nước đã lạnh đến đúng 0 độ C (32 độ F), thì đông thành đá, và thể tích của nước bấy giờ dãn nở ra được gần một phần mười (chính xác là 9%). Sự gia tăng đáng kể về thể tích nầy khiến nước đá giảm tỷ trọng, và nổi hẳn lên trên nước thường.

Sự kiện nầy rất quan trọng cho sự sinh tồn của cá và các loài sống dưới nước trong mùa đông. Vì vào mùa Đông, nếu như nước đông lạnh mà cứ tiếp tục rút lại thì tỷ trọng nước đá sẽ nặng hơn nước thường, và chìm sâu dưới đáy sông hồ, lớp trên lại bị đóng băng, mọi loài thủy sinh sẽ hết đường sống.

Nhưng nhờ nước đá nổi lên trên nước thường, nên nước đá đã làm một cái vung đậy, che chở nước bên dưới khỏi những trận gió cực lạnh càn quét đến từ phương Bắc. Trong khi đó, hơi ấm từ lòng đất cứ tiếp tục lan ra, giữ cho nước cứ tiếp tục là nước lỏng ở bên dưới, nên các loài thủy sinh có thể hít thở, bơi lội, và sống bình an trong đó.

 

Biển:

Nước phải sanh các vật sống cho nhiều,

Còn nơi nước tụ lại là biển.

Biển lớn và rộng mọi bề nầy!

Ở đó sanh động vô số loài vật nhỏ và lớn.

[Sáng 1:20,10; Thi 104:14]

Biển chiếm gần ¾ bề mặt địa cầu, và với chiều sâu hàng cây số, biển là nơi sinh sống của hàng chục nghìn loài cây cỏ, và hàng trăm nghìn loài thủy sinh, từ những loài vật lớn nhứt hành tinh như cá voi, cho đến nhỏ xíu như rong tảo. Biển là yếu tố chính điều hòa khí hậu trên mặt đất. Biển cung cấp thủy sản, là một trong những thực phẩm chính yếu của loài người.

Nước biển mặn, tuy không uống được nhưng nước uống đến từ biển, vì biển cung cấp hơi nước để làm ra mưa. Mưa tưới tắm cho đất, làm sạch địa cầu, tạo thành sông hồ, nuôi sống muôn loài.

Biển cung cấp muối. Muối cũng là một báu vật Chúa ban cho loài người. Trong hóa học người ta gọi muối là clorua natri (NaCl), vì một phân tử muối hình thành bởi sự kết hợp của một nguyên tử clorua và một nguyên tử natri. Clorua và natri nếu để riêng ra thì đều là hai chất rất độc. Độc như vậy đó mà khi được kết hợp đúng phân lượng, lại trở thành ra một chất rất cần cho đời sống con người. Đây cũng là điều lạ lùng trong công việc Chúa.

Tất cả các dân tộc đều quí muối, vì nó quá cần thiết cho đời sống. Trong thực phẩm, trong y khoa, trong công nghiệp chế tạo, đều cần đến muối. Đế quốc La Mã đời xưa từng có thời kỳ dùng muối như một đơn vị tiền tệ để phát lương. Người ta tin rằng chữ salary bên tiếng Anh và chữ salaire bên tiếng Pháp, đều đến từ chữ salarium mà trong tiếng Latin có nghĩa là “lương muối”.

 

Sự Sống:

Chúa là Đấng đã dựng nên trời và đất.

Ngài ban sự sống và hơi thở cho mọi loài, 

Thần Đức Chúa Trời đã sáng tạo tôi,

Hơi thở của Đấng Toàn năng ban cho tôi sự sống.

[Thi-thiên 121:2, Công-vụ 17:25, Gióp 33:4]

Sự sống là một mầu nhiệm lớn. Nó hiển nhiên trước mắt mọi người, nhưng vẫn là bí mật lớn cho mọi nghành khoa học. Không ai có thể chối từ sự hiện hữu của nó, nhưng không ai có thể cân, đo, đong, đếm được nó; Và khi nó lìa khỏi một sinh vật, thì ai cũng biết, nhưng không ai biết nó ra đi bằng đường nào, và đi đến nơi đâu.

Sinh thời, Charles Darwin, tổ của thuyết Tiến hóa, đối diện với hai vấn nạn lớn: Thứ nhứt là sự sống đến từ đâu, và thứ hai là sự xuất hiện đột ngột, vô cùng phong phú, và vô cùng mạnh mẽ của các loài sống, mà không có các giai đoạn trung gian. Không có các khâu trung gian (missing-links) nầy, thuyết Tiến hóa mất hết ý nghĩa, vì ý niệm chính của tiến hóa đòi hỏi phải có chuyển tiếp, phải có trung gian. Ý niệm “Đột biến” (mutation) thật ra củng cố cho thuyết Sáng tạo hơn là thuyết Tiến hóa.

Darwin đã từng bối rối về hai vấn nạn trên, nhứt là vấn nạn sự sống đến từ đâu. Ông hy vọng sau nầy sẽ có câu trả lời, nhưng rồi hơn 150 năm trôi qua, với những nổ lực khổng lồ cấp quốc tế, câu trả lời lại càng thêm mù mịt. Những giả thiết của Oparin, Urey, Miller… chỉ tạo thêm nan đề, hơn là giải quyết. Thực tế là thuyết Tiến hóa đang trên giường hấp hối, trước ánh mắt giả lơ của đoàn con cháu vô thần đông đảo. Lời bào chữa: “Thuyết tiến hóa không hề có nhiệm vụ chứng minh sự sống ra từ đâu”, đúng ra là có thể chấp nhận được, nếu như trước đây đã đừng có vượt quá phạm vi, và đi quá đà, đến mức khăng khăng phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, và vai trò sáng tạo của Ngài.

***

 

Công tác sáng tạo, bảo tồn và chăm sóc thế giới của Đức Chúa Trời thật là lớn lao, quyền năng, khôn ngoan, và đầy thương yêu. Nhưng thật ra đó không phải là duy nhất.

Còn có một công tác còn lớn lao hơn, quyền năng hơn, khôn ngoan hơn, và đầy thương yêu hơn nữa, đó chính là Công Cuộc Cứu Rỗi của Ngài.

Bởi vì để sáng tạo, Ngài chỉ cần đến Lời Phán Quyền Năng và Hơi Sống của Ngài.

Nhưng để cứu chuộc tội lỗi nhân loại, Ngôi Hai Thiên Chúa, cũng chính Đấng Sáng Tạo [Giăng 1:1-3], đã phải giáng sanh làm người, tình nguyện gánh vác tất cả tội lỗi của loài người, chịu hành phạt, chịu đóng đinh, và chết thay thế cho con người một cách vô cùng đau đớn trên thập tự giá!

Kinh Thánh chép:

Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống. Nầy sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta. [1Giăng 4:7-10]

“Người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh. Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy; Đức Chúa Trời đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người”. [Ê-sai 53:5-6]

“Vả, họa mới có kẻ chịu chết vì người nghĩa; dễ thường cũng có kẻ bằng lòng chết vì người lành. Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết.” [Rô-ma 5:7-8]

Ngài đã chết để chúng ta được sống, và được sống đời đời. Ngài đã làm tất cả mọi điều đó để chúng ta được tha thứ mọi gian ác, được rửa sạch mọi tội lỗi, được tái sanh, được trở nên con cái của Ngài, được Ngài chăn nuôi bồng ẵm trong đời nầy, và được thừa thọ Thiên đàng trong đời sau, cho đến đời đời đời mãi mãi.