than hoc van dap

135. Đức tin vào sự thực hữu của Đức Chúa Trời có tầm quan trọng như thế nào?

Cực kỳ quan trọng, vì nó sẽ thay đổi toàn bộ đời sống ta, từ bây giờ cho đến suốt cõi đời đời.

Đức tin đó sẽ dẫn ta đến những bước sau:

(1). Được đến gần Đức Chúa Trời để nhận Ơn Cứu Rỗi.

(2). Được ban cho mục đích của đời sống.

(3). Được cầu nguyện với Đức Chúa Trời

(4). Được đọc Kinh Thánh là Lời của Ngài

(5). Được sống đẹp lòng Ngài

(5). Được kinh nghiệm vô vàn phép lạ

(7). Được bình an trong mọi cơn sóng gió...

 

136. Tại sao phải tin là Đức Chúa Trời thực hữu, thì mới có thể đến gần Ngài để hưởng Ơn Cứu Rỗi?

Kinh Thánh chép:

“Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài” [Hê-bơ-rơ 11:6].

“Và từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ” [2Tim 3:15].

Nội dung thiêng liêng của cả Kinh Thánh Cựu Tân Ước và cũng là nền tảng của Đạo Tin Lành là “được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ”.

Giáo lý của tất cả mọi tôn giáo đều đòi hỏi con người phải làm một điều gì đó để đạt được sự cứu rỗi hay ít nhứt thì cũng góp một chút nào đó vào việc cứu rỗi hoặc giải thoát. Chỉ có Thần học Tin lành mới có khẩu hiệu “Xưng nghĩa chỉ bởi đức tin” (justification by faith alone - Justificatio sola fide), hay nói ngắn gọn “Chỉ bởi đức tin” (Sola fide).

Nhưng trước khi có bất cứ một đức tin nào khác vào các Lẽ thật Cứu rỗi, điều đầu tiên là “phải tin rằng Ngài thực hữu” (Bd 2011).

 

137. Tại sao phải tin là Đức Chúa Trời thực hữu thì mới sống đẹp lòng Ngài được?

Câu hỏi nầy đã được Kinh Thánh trả lời rất ngắn gọn: “Không có đức tin thì không thể nào sống đẹp lòng Ðức Chúa Trời, vì ai đến gần Ðức Chúa Trời phải tin rằng Ngài thực hữu” [Hê-bơ-rơ 11:6  Bd2011].

Về đời Cựu ước, thỉnh thoảng Đức Chúa Trời đã không chỉ không đẹp lòng, mà còn phải nổi giận những lúc dân sự của Ngài vô tín. Một lần kia, dân Ngài vì vô tín mà nổi loạn cùng Ngài và đòi ném đá hai thám tử trung tín, Ngài phán: “Dân nầy khinh ta và không tin ta cho đến chừng nào, mặc dầu các phép lạ ta làm giữa chúng nó? Ta sẽ giáng cho dân sự nầy dịch lệ và tiêu diệt phần cơ nghiệp của nó đi; nhưng ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn hơn và mạnh hơn nó” [Dân 14:11-12]. Về sau Môi-se phải năn nỉ xin Ngài tha thứ cho họ, thì Ngài mới đổi ý.

Khi Đức Chúa Jesus còn tại thế, Ngài luôn luôn đề cao đức tin, mọi nơi, mọi lúc, như nhiều lần có chép trong các sách Tin lành. Ngài phán: “Hãy có đức tin đến Đức Chúa Trời” [Mác 11:22]. Có lần Ngài phải vừa giận vừa buồn vì lòng người vô tín [Mác 3:5], thậm chí, có lần Ngài rất buồn và rất giận cho hai thành Cô-ra-xin và thành Bết-sai-đa vì lòng cứng cỏi, vô tín của họ. Ngài phán: “Khốn nạn cho mầy, thành Cô-ra-xin! Khốn nạn cho mầy thành Bết-sai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm giữa bay, đem làm trong thành Ty-rơ và Si-đôn, thì hai thành đó thật đã mặc áo gai, đội tro, ăn năn từ lâu rồi”. [Ma-thi-ơ 11:21].

Quả thật, “Không có đức tin thì không thể nào sống đẹp lòng Ðức Chúa Trời” Hê-bơ-rơ 11:6.

 

138. Tại sao phải tin là Đức Chúa Trời thực hữu, thì mới tìm được mục đích của đời sống?

Vì con người không tự tạo ra chính mình nên không thể biết mình được tạo ra là vì mục đích gì. Cũng giống như chỉ có viên kỹ sư đã chế tạo chiếc máy thì mới biết rõ mục đích của chiếc máy là dùng vào việc gì, thì cũng vậy, chỉ có Đấng Sáng Tạo là Đấng dựng nên mỗi đời sống thì mới biết được là đời sống đó sẽ dùng vào mục đích gì. 

Mở đầu quyển sách nổi tiếng Đời Sống Theo Đúng Mục Đích, tác giả, Mục sư Rick Warren, đã trích dẫn câu nói của một triết gia vô thần nổi tiếng về Nhận thức luận người Anh là Bertrand Russell (1872-1970), như sau:

“Nếu bạn không thừa nhận có một Đức Chúa Trời, thì vấn đề mục đích sự sống hoàn toàn vô nghĩa”.

Chính xác là như vậy. Và tự câu nầy cũng cho thấy chính bản thân ông, dầu được ban cho sự thông minh hơn người, ông cũng hoàn toàn mù mịt về mục đích của đời sống mình. Và theo như sự đánh giá của nhiều người, suốt cuộc đời danh vọng của ông, ông đã làm nhiều việc rất có hại cho nhân loại.

Jean Paul Sartre (1905-1980), người Pháp, một triết gia Hiện sinh vô thần thiên tả nổi tiếng khác*, khi bị chỉ trích bởi nhiều người là triết học Hiện sinh của ông quá bẩn thỉu (sordide), thì ông trả lời rằng hiện hữu có trước, tức là đời sống có trước, rồi mới đặt ra ý nghĩa, cho nên ý nghĩa đời người là gì, tốt xấu là gì, thì tùy theo mỗi người sẽ tự gán cho nó và quy định cho chính mình.

Nhưng bản thân Sartre rõ ràng cũng không tìm thấy ý nghĩa của đời sống. Trong các tác phẩm như L'Être et le Néant (Có và Không), La Nausée (Buồn nôn), Les chemins de la liberté (Những con đường của tự do), ông cho thấy con người lúc nào cũng bị ray rứt, dằn xé về những vấn đề về mục đích của đời sống mà chẳng có lối ra.

 

139. Tại sao phải tin là Đức Chúa Trời thực hữu, thì mới cầu nguyện được?

Cầu nguyện là đến gần bên Chúa, gặp gỡ Chúa, trò chuyện thân mật cùng Chúa, mà “kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời” [Hê-bơ-rơ 11:6], thì mới đến gần, mới gặp gỡ, mới nói chuyện thân mật được. Cầu nguyện mà không tin vào sự thực hữu của Đức Chúa Trời thì đó là luyện trí, là thiền, là tập trung sức mạnh tinh thần, hoặc là đang thực hành một phương pháp tâm lý học nào đó.

Dr Norman Vincent Peale nói: “Hãy luôn luôn bắt đầu một ngày với sự cầu nguyện. Đó là phương cách điều chỉnh tâm trí tốt nhất”. (Always start the day with prayer. It is the greatest of all mind conditioners). Đây là lời khuyên của một vị mục sư rất nổi tiếng trên thế giới, nhưng tin vào tâm lý học hơn là thực sự tin rằng Đức Chúa Trời thực hữu*.

Nhưng ngay cả khi người tín đồ có đức tin mạnh mẽ vào sự thực hữu của Đức Chúa Trời, mà trong lúc cầu nguyện không ý thức rõ ràng rằng Đức Chúa Trời đang thực hữu, thì lời cầu nguyện đó sẽ đi lòng vòng hết chỗ này đến chỗ kia, hết vật nầy đến vật khác. Còn nếu đó là lời cầu nguyện giữa Hội Thánh thì nó sẽ thành ra, hoặc là một bài giảng ngắn, hoặc một lời nhắn gởi gì đó đến với hội chúng. Đó là những messages gởi sai địa chỉ.

*Norman Vincent Peale (1898-1993), Mục sư Giám lý và Cải cách Hoa kỳ (RCA), Chủ tịch Tổ chức Tôn giáo và Tâm lý học Hoa kỳ (American Foundation for Religion and Psychiatry). Là một diễn giả truyền thanh và văn sĩ Cơ-đốc nổi tiếng, tư tưởng duy nhất và nhứt quán của ông trong 50 năm chức vụ là “Suy nghĩ Tích cực”. Hai khẩu hiệu không thay đổi của ông là “Have faith in your abilities!” (Hãy tin cậy vào các khả năng của bạn), “Believe in yourself!” (Hãy tin cậy vào chính bạn). Tác phẩm “The Power of Positive Thinking” (Quyền năng của suy nghĩ tích cực) của ông đã được dịch sang gần 50 ngôn ngữ trên thế giới. Ông là bạn thân của Tổng thống Richard Nixon, và cùng với Dr Billy Graham nhận được Presidential Medal of Freedom, một giải thưởng cao quý nhất của Hoa kỳ).

 

140. Tại sao phải tin là Đức Chúa Trời thực hữu, thì mới đọc Kinh Thánh được?

Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, mà nếu không tin Đức Chúa Trời thực hữu thì quyển Kinh Thánh thành ra một quyển sách hoặc luân lý, hoặc triết học, hoặc lịch sử, hoặc văn chương, hoặc cổ tích…

Tuy nhiên, có một điều nầy thật lạ lùng và quý báu: Ấy là vì Kinh Thánh vốn là quyển sách được hà hơi sống của Đức Chúa Trời, là quyển sách sống, đầy dẫy quyền năng, cho nên xưa nay có vô số người ngoại không tin Đức Chúa Trời thực hữu, nhưng sau khi đọc Kinh Thánh một thời gian thì lại có được một đức tin mạnh mẽ vào sự thực hữu của Đức Chúa Trời, và vào Ơn Cứu chuộc của Đấng Christ.

Sở dĩ điều nầy xảy ra là vì Kinh Thánh có dạy rằng “đức tin đến bởi sự người ta nghe,…lời của Đấng Christ” [Rô-ma 10:17].

Mà đọc cũng là một cách nghe. Lời Đức Chúa Trời phán vang động qua các thời đại, được giữ lại và “thành văn” tức là Kinh Thánh. Ngày nay khi người ta đọc Kinh Thánh, lời đó thấm vào linh hồn người ta, và đức tin nảy nở trong lòng người ta.

Đó là nói về người chưa tin. Còn đối với người tín đồ của Đấng Christ, lúc nào đọc Kinh Thánh cũng phải chẳng những tin rằng Đức Chúa Trời thực hữu, mà còn phải nhận thức rõ là Ngài đang hiện diện trước mặt mình, và đang phán dạy mình. Người đọc Kinh Thánh luôn luôn phải cần nhớ đến ba “yếu tố” sống đang hiện diện: Đức Chúa Trời Hằng Sống, đang qua Lời Hằng Sống của Ngài là Kinh Thánh, mà phán với chính mình, là một Linh hồn sống.

 

 

141. Tại sao phải tin là Đức Chúa Trời thực hữu, thì mới kinh nghiệm được nhiều phép lạ?

Lịch sử của Tuyển dân Y-sơ-ra-ên như đã được chép trong Kinh Thánh, cũng như lịch sử của Hội thánh Tin lành là lịch sử của vô vàn các phép lạ.

Tại sao lịch sử hai dân tộc ấy là lịch sử của các phép lạ? Ấy tại vì hai dân tộc ấy là hai dân tộc của đức tin.

Đó là trên bình diện dân tộc. Nay nói đến phương diện cá nhân tín đồ, thì lịch sử của mỗi Cơ-đốc nhân đáng ra cũng là một sợi dây chuyền bằng vàng kéo dài từ đất lên trời, mà mỗi mắc xích là một phép lạ.

Tại sao ư? Tại vì Cơ-đốc nhân tin Đức Chúa Trời. Trong chức vụ của Đức Chúa Jesus trên đất, các phép lạ xảy ra liên tục và đầy dẫy vì cớ người ta có đức tin. Chỉ có một lần Ngài về thăm quê làng của Ngài, thành Na-xa-rét, “Ở đó, Ngài không làm nhiều phép lạ, vì chúng không có lòng tin”[Ma-thi-ơ 13:58, Mác 6:1-6; Luca 4:16-30].

Cần để ý rằng tại Na-xa-rét, Ngài đã không làm nhiều phép lạ, chớ không phải là Ngài đã không có khả năng làm phép lạ. Ai đã từng làm chứng về Chúa cho những người vô tín và kiêu ngạo, như dân thành Na-xa-rét ở đây rồi, thì sẽ thấy chán, không còn muốn nói hay muốn làm chi cho họ nữa, và sẽ hiểu được tâm trạng Cứu Chúa.

 

142. Tại sao phải tin là Đức Chúa Trời thực hữu, thì mới kinh nghiệm được sự bình an trong cơn sóng gió thử thách?

Khi gặp thử thách, hoạn nạn, khủng hoảng, những sự đau khổ,  lo sợ, bối rối, căng thẳng, kinh hãi  sở dĩ tràn ngập chúng ta là vì chúng ta không biết và không tin rằng có Đức Chúa Trời đang ở cùng chúng ta vào các thời điểm đó. Cho nên dầu cho đang ở trong một tình cảnh khó khăn, hoạn nạn, nguy hiểm đến bao nhiêu đi nữa, miễn là biết và tin chắc là có Chúa đang ở cùng, thì chúng ta được hoàn toàn bình an, bởi vì:

Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết,

Tôi sẽ chẳng sợ tai họa nàovì Chúa ở cùng tôi;

Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi tôi. [Thi-thiên 23:4]

Tôi không sợ vì Chúa ở với tôi.

Không ai làm gì được tôi. [Thi-thiên 118:6 BPT]

Đừng sợ, vì ta ở với ngươichớ kinh khiếp, vì ta là Đức  Chúa Trời ngươi! Ta sẽ bổ sức cho ngươi; phải, ta sẽ giúp đỡ  ngươi, lấy tay hữu công bình ta mà nâng đỡ ngươi. [Ê-sai 41:10]

Khi được biết có Chúa hiện hữu cùng mình, và đồng thời cũng biết Chúa là Đấng như thế nào, thì lòng mình sẽ được đầy dẫy sự bình an và đức tin.

 

143. Vậy thì có phương cách nào để biết Chúa là Đấng như thế nào, hầu cho tìm được sự bình an trong giờ thử thách, gian truân?

Có 3 phương cách:

(1). Đọc Kinh Thánh rồi ghi ra những câu nói về Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào (tức các thuộc tánh và mỹ đức của Chúa) rồi học thuộc những câu Kinh Thánh đó.

(2). Học cho biết các Danh xưng của Đức Chúa Trời, vì mỗi Danh xưng của Chúa có hàm chứa ý nghĩa Ngài là Đấng như thế nào, rồi học thuộc những Danh xưng đó.

(3). Học Thần học Hệ thống, vì trong Thần học Hệ thống chẳng những có luận rõ về các thuộc tánh và mỹ đức của Chúa, song đồng thời cũng học về ý nghĩa các Danh xưng của Chúa nữa.

 

144. Những Danh xưng nào của Đức Chúa Trời mà chúng ta cần phải nhớ đến để giục giã đức tin, và nại đến để kêu cầu, trong những giờ phút gian truân và thử thách?

Theo như Kinh Thánh thì Đức Chúa Trời có nhiều Danh xưng rất quý báu. Một số Danh chúng ta rất cần nhớ đến khi gặp thử thách lo sợ đó là:

(1). Đức Chúa Trời Toàn Năng: El Shaddai (אֵל שַׁדַּי)‎, [Sáng 17:1, Giê-rê-mi 31:35]. Ngài là toàn năng, Ngài có dư dật mọi khả năng để làm phép lạ giải cứu chúng ta ra khỏi bất cứ một tình huống, hoàn cảnh nào.

(2). Đức Chúa Trời đang ở đó: Jehovah-shammah (יְהוָה שָׁמָּה ) [Ê-xê-chi-ên 48:35]. Ngài có đó, với chúng ta trong thời điểm và nơi chốn thử thách, phải cô đơn một mình như Gia-cốp ngày xưa tại Bê-tên: “Nầy, ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu, sẽ theo gìn giữ đó, …vì ta không bao giờ bỏ ngươi cho đến khi ta làm xong những điều ta đã hứa cùng ngươi” [Sáng 28:15]. 

(3). Đức Chúa Trời Đấng chăn giữ của chúng ta: Jehovah Raah (יְהוָה רֹעִי) [Thi-thiên 23:1]. Vì có Đức Chúa Trời Đấng chăn giữ tôi, cho nên “dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, Tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi; Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi tôi” [Thi-thiên 23:4].

(4). Đức Chúa Trời có sắm sẵn: Jehovah Jireh (יְהוָה יִרְאֶה) [Sáng 22:14]. Ngài đã dự bị cho chúng ta mọi điều chúng ta cần. Đúng vào lúc ta cần, sẽ có, như Chúa đã sắm sẵn cho Áp-ra-ham “một con chiên đực, sừng mắc trong bụi cây, bèn bắt con chiên đực đó dâng làm của lễ thiêu thay cho con mình” [Sáng 22:13].

(5). Cha, A-ba: Patēr (πατήρ) trong tiếng A-ram là "Abba" (אבא),

[Mác 14:36; Rô-ma 8:15; Ga-la-ti 4:6]. Cha Yêu Thương mà đã cho phép xảy ra thì đó chẳng có thể nào là điều xấu. “Nếu các ngươi vốn là xấu, còn biết cho con cái mình các vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban các vật tốt cho những người xin Ngài sao? [Ma-thi-ơ 7:11].

(6). Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta. Em-ma-nu-ên (Εμμανουήλ) [Ma-thi-ơ 1:23]. Nếu Đức Chúa Trời ở cùng và vùa giúp chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta được? Ngài sẽ khiến “mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định” [Rô-ma 8:28].

(7). Đấng Yên Ủi, Đấng Giúp đỡ: Paraklētos (Παράκλητος) [Giăng 16:26]. Cứu Chúa chúng ta, “Đấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, và làm cho chúng ta nên nước Ngài, nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời là Cha Ngài, [Khải-huyền 1:6] đã hứa rằng “Nhưng Đấng Yên ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi. Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi” [Giăng 14:26-27].