than hoc van dap

258. Thuyết Tiến hóa sinh học có đúng không?

Thuyết Tiến hóa sai, vì những lý do sau đây:

(1). Trái với sự dạy dỗ của Lời Đức Chúa Trời là Kinh Thánh.

(2). Giải thích của thuyết Tiến hóa về sự hình thành thân thể của một sinh vật là sai.

(4). Giải thích của Tiến hóa về nguồn gốc sự sống của sinh vật là sai.

(5). Sự tiến hóa trong thuyết Tiến hóa bị mất nhiều mắc xích rất lớn

(6). Sự xuất hiện vô cùng mạnh mẽ và đột ngột của sự sống bác bỏ thuyết Tiến hóa.

(7). Gen từng loài có tính bền vững đã bác bỏ thuyết Tiến hóa.

 

259. Thuyết Tiến hóa sai vì trái với Kinh Thánh như thế nào?

Loài người không dựng nên vũ trụ và cũng không tự làm ra chính mình nên không thể biết mình đã được có mặt trên trái đất như thế nào.

Chỉ có Đức  Chúa Trời là Đấng đã dựng nên vũ trụ và muôn loài vạn vật, cùng loài người, thì mới biết rõ là Ngài đã dựng nên mọi vật nầy như thế nào.

Và Ngài đã tường thuật lại các sự việc ấy một cách rõ ràng và đầy đủ trong quyển sách của Ngài là quyển Kinh Thánh.

Trong lúc đó thuyết Tiến hóa là một sự suy đoán mang tính tưởng tượng, trình bày về sự hình thành thế giới và mọi loài sinh vật trên trái đất nầy rất khác với Đức Chúa Trời trình bày.

 

260. Sự giải thích của thuyết Tiến hóa về sự hình thành thân thể của một sinh vật sai ra sao?

Không. Nếu thành thật với chính mình, thì hầu hết các nhà khoa học, dầu là không tin Chúa đi nữa, chắc cũng đều phải nhìn nhận sự phức tạp, sự huy hoàng, sự mầu nhiệm, sự tinh vi trong cơ thể của một sinh vật, và cảm nhận rằng cơ thể sinh vật là một cỗ máy quá kỳ diệu cho sự tiến hóa. Vì chối bỏ vai trò của Đấng Sáng Tạo nên thuyết Tiến hóa cố tìm cách để bác bỏ sự thiết kế thông minh của Thiên Chúa, chớ thật ra khi quan sát thân thể và đời sống của mọi sinh vật trong vũ trụ, chữ “ngẫu nhiên” hay “tình cờ” chỉ là cượng giải. Nói rộng ra, ít nhứt có hai điều sau đây không thể là “tình cờ”:

Xác xuất để có sự kết hợp “tình cờ” mà trong không gian vũ trụ có một hành tinh có điều kiện hoàn toàn thích hợp để sự sống phong phú của muôn loài sản sinh và phát triển như trái đất nầy là: Zero.

Xác xuất để do sự “tình cờ” mà những vật liệu và chất liệu trong thiên  nhiên bố trí và kết hợp nhau lại để tạo nên một thân thể sinh vật là: Zero.

Cho nên nói rằng một kỳ quan như cơ thể của sinh vật mà xảy ra do tình cờ chớ không do thiết kế cực kỳ thông minh là không thể tin được. Bởi vì cấu trúc của một vật sống là vô cùng phức tạp, phong phú và tinh vi. Ngay cả một tế bào, mà thân thể mỗi người có đến mấy mươi tỷ, là đơn vị sống nhỏ nhất của cơ thể sinh vật, nhỏ đến nỗi phải xem bằng kính hiển vi, cũng đã vô cùng phức tạp và tinh vi:

Tế bào, chỉ nói đến một thành phần đơn giản nhất, là màng tế bào, là vật bao bọc chung quanh tế bào, như một tường thành với hàng chục ngàn ô cửa, để ngăn cách các thành phần bên trong của tế bào với môi trường bên ngoài, quản trị khôn ngoan sự vận chuyển vào ra của các chất, giữ cho điện thế màng và nồng độ các chất bên trong màng được ổn định, cũng đã là một công trình tinh vi, và đã được thiết kế khôn ngoan đến phi thường, đáng phải vô cùng ngưỡng mộ.

Còn đến bên trong của một tế bào thì phải nói là đó cả là một thế giới. Nào là nhân, một hệ thống điều khiển trung ương, điều khiển sanh nở, DNA phân tử mang thông tin di truyền và gen, các trung tâm năng lượng, bộ máy sản xuất protein, hệ thống phân phối các phân tử đến các nơi có nhu cầu bên trong tế bào, rồi hệ thống tiêu hóa, bài tiết, thông tin liên lạc, các bộ cảm biến (censors), …ôi thôi, nó cứ như một thành phố vậy.

Riêng chỉ nói đến hoạt động chế tạo sản xuất protein bên trong một tế bào mà thôi, cũng đã là phong phú đến đáng kinh ngạc: Trong tế bào chất của một tế bào đã có chứa đến hơn 10,000 loại protein khác nhau do chính “nhà máy địa phương” nằm bên trong  của tế bào sản xuất ra, rồi được phân phối đúng số lượng cần thiết, và bố trí đúng vào với vị trí chức năng!!!

Ai có thể nói 10,000 loại protein đó “tình cờ” được gặp nhau theo một tỷ lệ đúng đắn, và “tình cờ” phân bố nhau theo từng vị trí thích hợp.

Và có một điều “đáng sợ lạ lùng” [Thi-thiên 139:14] nữa là trong cái thành phố ấy, mỗi một yếu tố, trung tâm, nhà máy, cơ quan, thành phần “nhân sự”, tất cả đều chỉ hiện diện vừa đủ và chính xác đủ. Sự hiện diện đó là đã tinh giản đến tối thiểu rồi, và không thể đơn giản hơn. Bớt một yếu tố nào đó trong mấy chục ngàn yếu tố đó, tế bào sẽ chết.

Cho nên nếu nói rằng một tế bào do “tình cờ” mà hình thành thì cũng như nói rằng quyển Kinh Thánh mà chúng ta đang có trong tay đây là tự nhiên do mọi sự tình cờ hội ngộ mà nên: Bột gỗ trong rừng bay đây đó tình cờ gặp được hóa chất mà thành ra những  tờ giấy, các tờ giấy ấy bị gió đùa tình cờ mà gặp nhau cách trật tự mà thành ra quyển sách, mò hóng tình cờ rơi vào hóa chất mà thành ra mực, mực ấy tình cờ bị văng rải trên các tờ giấy theo đúng hình dáng mà nên chữ, các chữ ấy tình cờ mà gặp nhau theo đúng vị trí mà nên những câu có ý nghĩa thiêng liêng quyền phép…

 

261. Thuyết Tiến hóa giải thích nguồn gốc sự sống của sinh vật sai như thế nào?

Ngay cả cho rằng cơ thể sinh vật được xây dựng một loạt các tình cờ, thì sự sống ở đâu mà vào cơ thể ấy thì vẫn là một câu hỏi lớn.

Sự sống thật quá mầu nhiệm. Đây vẫn còn là một mầu nhiệm mà ngay cả Darwin lúc sinh thời cũng phải tự thắc mắc.

Đức Chúa Trời là “Đấng ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho mọi loài” [Công 17:25] đã dạy dỗ rất kỹ về sự sống trong Kinh Thánh. Kinh Thánh thật sự là quyển sách viết về mọi lãnh vực của sự sống một cách sâu sắc và rõ ràng. Không chấp nhận sự dạy dỗ của Kinh Thánh về sự sống thì có lẽ vĩnh viễn sẽ không có một câu trả lời nào thỏa đáng.

Thuyết tiến hóa cho rằng sự sống sanh ra một cách tự phát. Nhưng các thí nghiệm sinh học của nhà sinh vật học, vi trùng học, và hóa học tài giỏi người Pháp Louis Pasteur (1822-1895) đã bác bỏ giả định nầy. Theo Louis Pasteur thì sự sống phải đến từ sự sống, cũng như con cái phải do cha mẹ sinh ra. Ở miền quê Việt Nam có người tin rằng lá tre sanh ra cá nhét (cá chạch) vì những đám ruộng cạnh bờ tre thường có nhiều loại cá nầy, còn chúng ta cũng hay có cảm giác là các con vi trùng tự nhiên mà có, nhưng thật ra thì không. Không có một tế bào nào tự sinh ra từ đồ ăn hay hóa chất, từ sự kết hợp của những nguyên tử hóa học vô cơ. Các con vi trùng cũng vậy. Chúng không thể tự sinh, vì sự sống là cái mà chỉ có Đấng Tạo Hóa ban cho mới có.

 

262. Thế thì, tại sao có những con vi trùng mới như siêu vi Covid-19 chẳng hạn? Ai sinh ra chúng?

Tổ tiên cha mẹ của chúng đã sinh ra chúng. Nhưng chúng ta biết rằng sinh vật rất đa dạng, vì Đức Chúa Trời đã dựng nên chúng rất phong phú, tùy theo “loại” [Sáng 1:21], và trong mỗi “loại” sinh vật có thể thay đổi khả năng và tập tính để sinh tồn rất nhanh. Tôi nhớ hồi còn nhỏ gia đình tôi nuôi gà. Gà có nhiều giống. Mà ngay cả trong cùng một giống, thậm chí cùng một mẹ, những con gà ngủ trên các cây đà dưới mái chuồng heo thì không biết bay và lờ đờ (gà mờ) về ban đêm nên bắt rất dễ. Trái lại, những con gà ngủ trên các nhánh cây vải, chỉ vài tháng sau thì biết bay và rất tỉnh trong ban đêm nên rất khó bắt.

Cách kiếm ăn của chúng cũng khác nhau. Những con gà ngủ dưới mái che thì giỏi đào đất để bắt giun và sâu bọ. Những con gà ngủ ngoài thiên nhiên thì giỏi rượt theo châu chấu và cào cào.

Vi trùng hay siêu vi trùng cũng vậy. Chúng không tự sinh. Chúng đều là những vật thọ tạo của Đức Chúa Trời, song trong phạm vi giới hạn “loại”, chúng có thể thay đổi một số khả năng và tập tính để thích nghi với môi trường cuộc sống, mà cha mẹ chúng không có, nhưng không bao giờ tiến hóa thành một loài khác.

 

263. Sự tiến hóa trong thuyết Tiến hóa bị mất nhiều mắc xích rất lớn ra sao?

Thuyết Tiến hóa xây dựng trên nguyên tắc tiến hóa tiệm tiến, nghĩa là tiến hóa mỗi thời gian một chút. Do vậy, phải có rất nhiều những con vật, những giống vật trung gian, từ loài vật nầy đến loài vật kia, và những vật ấy phải hiện hữu trong các vỉa địa chất có chứa các di vật hóa thạch.

Nhưng đã không có những hình thái trung gian. Chính Darwin lúc sinh thời cũng đã cảm thấy bối rối rất nhiều cho vấn nạn nầy. Ông nói:

“Số lượng các sinh vật trung gian, là những vật đã từng hiện diện ở trên trái đất, phải là khổng lồ. Thế mà không biết vì các vật trung gian, tức là những mắt xích  này lại không thể được tìm thấy trong các vỉa địa chất?  Sự việc nầy có lẽ là sự phản bác rõ ràng nhất và mạnh mẽ nhất có thể được nêu lên để chống lại lý thuyết của tôi.”  Charles Darwin, Nguồn gốc muôn loài (On the Origin of Species, 1859)

Vào thời Darwin còn sống, sự đào bới những di vật hóa thạch chỉ mới bắt đầu, nên Darwin vẫn nuôi hy vọng rồi ra người ta sẽ tìm được nhiều vật trung gian trong những cuộc đào bới sau nầy. Trong quyển On the Origin of Species, xuất bản vào năm 1859, ông dành hẳn một Chương 9, để nói lên ý tưởng nầy, dưới đề tựa “On the imperfection of the geological record” (Nói về sự bất toàn của hồ sơ địa chất).

Vậy mà cho đến nay, sau hơn 160 năm, với những nỗ lực đào bới mang tầm vóc thế giới, hồ sơ địa chất bây giờ có thể nói là đã “perfect” rồi, người ta vẫn chưa hề tìm thấy bất kỳ một vật trung gian nào. Điều lo sợ của Darwin đã trở thành sự thật. Thuyết Tiến hóa đã được chứng tỏ là sai ở luận điểm căn bản có tính cách nền tảng nầy.

Vì rõ ràng là từ đống khổng lồ đó của các di vật hóa thạch người ta đã thấy có những khoảng cách lớn giữa các loài, các lớp, các giống với nhau. Thật vậy, nếu ngày nay chúng ta có dẫn nhau đến gặp núi các di vật hóa thạch, để hỏi chúng là có phải có sự tiến hóa vĩ mô, tức là sự tiến hóa mà khoa học giới và chúng ta vẫn bàn đến lâu nay, hay không, thì nhất định chúng sẽ đồng thanh đáp lời mạnh mẽ là: KHÔNG!

Chúng trả lời như vậy là vì thật hiển nhiên, từ đống di vật hóa thạch, người ta thấy có một khoảng cách lớn lao không sao bắt cầu đi qua được giữa các loài, lớp, giống vật mà theo Thuyết Tiến-hóa, thì đã tiến hóa sang nhau.

Người Anh Mỹ gọi khoảng cách nầy là “Great Gulf” hay “Big Gap” hay “Innumerable Host of Missing Links”.

Thật ra, lúc còn sanh tiền, chính Darwin cũng từng cảm thấy do dự trước hai điều, một là khởi đầu của sự sống đầu tiên, hai là khoảng cách lớn vừa nói.

Về điều thứ nhất, trong phần cuối của quyển The Origin of Species, tác phẩm chính của Darwin, ông đã dành một chỗ cho Đấng Sáng Tạo. Ông ngờ rằng sự sống đầu tiên có thể đã được “originally breathed by the Creator into a few forms or into one”. Còn điều thứ hai, tức là khoảng cách lớn, ông nghĩ rằng vì còn trong buổi sơ khai, chưa có bao nhiêu tài liệu. Sau nầy, công cuộc đào bới các lớp trầm tích chắc sẽ ủng hộ cho Thuyết Tiến-hóa.

Nhưng rồi tuyệt đối không! Ngày nay với đống di vật hóa thạch càng cao lên như núi, cái thung lũng khác biệt giữa các loài càng sâu hơn và rộng hơn thời Darwin (1809-1882), càng nhiều.

Người ta cho biết cái thung lũng cách biệt giữa vật có xương sống và vật không có xương sống cách biệt nhau, đã không hề có những vật trung gian!

Thung lũng cách biệt giữa các lớp cá, các lớp sinh vật trong bộ Thủy tộc, cũng rất sâu rộng. Rồi đến thung lũng cách biệt giữa bộ thủy tộc với bộ lưỡng thê, bộ lưỡng thê với bộ bò sát, bộ bò sát với bộ có vú, bộ chim…, cũng sâu thăm thẳm và xa vời vợi, mà cũng không kiếm nổi những vật trung gian!

Sâu rộng đến nỗi một người hết lòng hết dạ với Thuyết Tiến-hóa như Dr George Gaylord Simpson, cuối cùng cũng phải thừa nhận: “Gaps among known orders, classes, and phyla are systematic and always large”.

Trong buổi tạo hóa, Đức Chúa Trời đã dùng đến 16 lần cụm từ “tùy theo loại” trong Sáng-thế ký đoạn 1 để quy định nguyên tắc sáng tạo sinh vật và cây cỏ. Dầu rằng chúng ta không biết phạm vi của “loại” rộng đến bao nhiêu; và mặc dầu có thể có sự thay đổi có tính cách vi mô trong các loài sống để cho hợp với điều kiện sống, điều kiện thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu, như gà nhà và gà rừng, mèo nhà và mèo rừng, chó nhà và chó sói, dê với sơn dương, hươu sao với nai vàng…cây cò ke ở Pleiku với cây cò ke ở Texas, củ nén Quảng nam với củ nén Connecticut, cây rau mã đề ở Quảng nam với cây rau mã đề ở Florida; Lại cũng có sự lai giống giữa chó với chó, mèo với mèo, gà với gà, vịt với vịt, … Nhưng rõ ràng chữ “loại” mà “Đấng lấy cát định bờ cõi biển” (Giê-rê-mi 5:22), đã ban bố, đã không thể vượt qua, chớ đừng nói chi đến việc những con cá kia có thể tiến hóa thành người!

 

264. Sự xuất hiện vô cùng mạnh mẽ và đột ngột của sự sống đã bác bỏ thuyết Tiến hóa như thế nào?

Thuyết Tiến-hóa được xây dựng trên nền tảng là đống cao ngất của những di vật hóa thạch đào bới được từ các vỉa địa tầng, nhưng cũng từ trong đống xương vô định đó, càng ngày càng cất vang lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

Bởi vì từ đống di vật hóa thạch khổng lồ đó đã tỏ ra cho thấy có một sự xuất hiện rất mạnh mẽ, đồng bộ, đột ngột, và phong phú của sự sống. Sự sống cũng đã đạt đến một mức độ rất phức tạp và rất cao, chớ không có bằng chứng của sự tiến hóa tiệm tiến.Tất nhiên là điều nầy hoàn toàn trái nghịch với Thuyết Tiến-hóa và là tiếng nói vô cùng mạnh mẽ để ủng hộ cho Thuyết Sáng-tạo.

 

265. Gen từng loài có tính bền vững đã bác bỏ thuyết Tiến hóa như thế nào?

Mã di truyền trong gen khiến cho các loài vật cứ sinh sản ra dòng dõi hậu tự mãi mãi là loài của mình, mà không sinh ra loài khác.

Do đó, nếu một loài nào muốn tiến hóa qua một loài khác thì phải biến đổi mã di truyền. Và các nhà tiến hóa giải thích rằng trong lịch sử các loài vật sở dĩ đã tiến hóa một từ loài nầy sang một loài khác (gọi là “đột biến”), là do sự đột biến của mã di truyền nầy.

Nhưng mã di truyền trong gen “Trời sinh” lại rất bền vững. Những sự biến đổi nếu có, thường là do có lỗi trong sự sao chép mã di truyền nầy và sẽ sanh ra tật nguyền, bệnh tật, chớ không sanh ra một loài khác.

Vào thập niên 50 của thế kỷ trước, người ta đã làm thí nghiệm bằng việc tìm cách biến đổi mã di truyền đến hàng ngàn thế hệ của một giống ruồi trái cây, hầu mong có thể tạo ra một loài khác. Kết quả là sự biến đổi mã di truyền nầy chỉ tạo ra được những thế hệ ruồi trái cây dị dạng, bệnh hoạn, chớ không hề tạo ra được một loài nào khá hơn.

Cho nên tiến hóa một từ loài nầy sang một loài khác nhờ sự đột biến của mã di truyền là không thể xảy ra.

 

(Bài đọc thêm 1)

Những Lầm Lẫn Trong Ý Niệm Tiến hóa

Thuyết Tiến-hóa căn cứ vào sự hơi giống nhau mà suy nghĩ và đưa ra chứng cớ để kết luận về sự tiến hóa. Tựu trung lại thì có năm chứng lý căn bản:

(1). Chứng lý từ sự phân loại: Aristote là người đầu tiên làm việc nầy, nhưng chỉ phân loại một cách rất tổng quát. Ngày nay các nhà khoa học đã chia động vật và thực vật ra thành từng loài, giống, bộ, họ…Thuyết Tiến hóa cho rằng việc các nhà khoa học có thể phân loại được như thế chứng tỏ chúng nó có cùng một tổ tiên, sau tiến hóa ra thành đa dạng.

(2). Chứng lý từ sự đối chiếu xương: Đem so sánh sự cấu trúc các bộ xương, người ta thấy có sự hơi giống, chẳng hạn như xương người hơi giống xương khỉ, xương chó hơi giống xương cọp, Thuyết Tiến hóa cho rằng người bà con với khỉ, chó bà con với cọp. Sau đó nhìn một cách tổng quát hơn, họ vẫn thấy có những nét giống nhau giữa xương khỉ và xương chó, họ kết luận được rằng như vậy người có bà con với cọp; hay nói cách khác, người với cọp là bà con xa, người với khỉ là bà con gần.

(3). Chứng lý sinh hóa: Sự việc cơ thể của tất cả các sinh vật đều có chứa những hóa chất căn bản giống nhau như chất thịt, chất mỡ, chất đường, chất khoáng, các thứ muối, acid amino, acid nucleric deoxyribose (DNA)…khiến các nhà Tiến hóa tin rằng mọi sinh vật đều tiến hóa từ một nguồn gốc.

(4). Chứng lý sinh lý: Thuyết Tiến hóa căn cứ vào sự gần giống nhau giữa các sinh vật trong một số các hoạt động sinh lý như sự ăn, sự ngủ, sự sinh nở…hoặc các phản ứng sinh lý như khi giận thì đỏ mặt, khi sợ thì tim đập nhanh, khi thương thì xử tử tế, khi giận nhau thì đánh nhau…để kết luận rằng mọi sinh vật đều có chung một tiên tổ.

(5). Chứng lý từ phôi thai học. Khi nghiên cứu về sự tăng trưởng bào thai của sinh vật, Những người theo thuyết Tiến hóa nhận thấy rằng các bào thai đều đã lớn lên theo một cách thức gần giống nhau khiến họ tin rằng mọi sinh vật đều đồng một gốc.

Nhưng căn cứ vào sự hơi giống nhau của các sinh vật mà kết luận là chúng đồng gốc, là một kết luận thiếu sở cứ và thiếu lôgic. Trái lại chúng ta tin rằng:

(1). Sự gần giống nhau về hình dáng bênh vực cho thuyết Sáng tạo.

Đức Chúa Trời đã dựng nên những sinh vật có hình dáng hơi giống nhau cùng một lượt và riêng rẽ, là vì thế giới mà Ngài dựng nên phải là thế giới rất phong phú, phản ảnh sự giàu có, thông minh, khôn ngoan, và quyền năng vô cùng của Ngài. Bước vào bàn ăn chúng ta sẽ thấy hình dáng bàn tròn hơi giống với ghế đẩu, tô hơi giống với chén, muỗng hơi giống với vá. Ra phòng khách chúng ta thấy love-seat hơi giống với sofa. Ở quê tôi, ở trong bếp, nồi, niêu, om, trả, trách, bằng đất nung trông gần giống nhau, cho nên mới có câu nói vui: “Mượn nồi không trả, bả trách om”. Như thế, tuy rằng các vật đó trông hơi giống nhau, nhưng không phải vì cái nầy tiến hóa thành cái kiamà thực sự là chúng đã được làm ra cách riêng rẽ. Cũng vậy, sự hơi giống nhau về khung sườn, tức là bộ xương của sinh vật, cũng tương tự như sự hơi giống nhau về khung sườn của nhà ở, nhà trường, nhà kho, nhà thương, nhà xác…sẽ không bênh vực cho sự tiến hóa mà bênh vực cho sự sáng tạo. Đức Chúa Trời đã có lần hỏi qua môi miệng Phao-lô:

“Người thợ gốm há chẳng có quyền trên đất sét, cùng trong một đống mà làm ra hạng bình để dùng việc sang trọng, lại hạng bình khác để dùng việc hèn hạ sao?” Rô-ma 9:21.

(2). Sự gần giống nhau về sinh hóa lại càng bên vực cho Thuyết Sáng-tạo, vì Kinh Thánh có chép:

“Giê-hô-va Ðức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi;” Lại cũng có chép:  “Giê-hô-va Ðức Chúa Trời lấy đất nắn nên các loài thú đồng, các loài chim trời,…” Sáng 2:7,19.

Loài người và loài thú đã được làm nên bởi cùng một vật liệu, vậy sinh hóa chúng gần giống nhau là tự nhiên. Còn về sinh lý sự gần giống nhau là một điều cần. Đức Chúa Trời đã dựng nên loài người và các loại thú là để sống chung với nhau trên cùng một địa cầu. Nếu đời sống và phản ứng sinh lý của chúng khác nhau, thí dụ thú nầy khi giận thì tấn công, thú kia khi giận thì âu yếm, thì làm sao có thể cùng tồn tại được.

(3). Sự gần giống nhau trong việc tăng trưởng của bào thai sinh vật,

Cũng thế, cho thấy hầu như Đức Chúa Trời đã dùng cùng một cách thức để tiếp tục sáng tạo muôn vật, bằng một sự sáng tạo mà các nhà Thần học gọi là “Sự Sáng Tạo Theo Định Lệ”, khác hẳn với sự “Sáng Tạo Trực Tiếp” của Chúa.

(4). Nhưng không phải hễ có một số đặc điểm giống nhau là họ hàng gần với nhau:

Cách đây vài năm, có một thí nghiệm khoa học thú vị:

Người ta đem đặt vào chuồng khỉ và chuồng quạ, mỗi chuồng một ống nghiệm, bên trong có đựng đồ ăn. Bên cạnh mỗi ống nghiệm người đặt mấy cây que làm bằng những sợi thép nhỏ.

Con khỉ cố sức thò tay vào ống nghiệm lấy đồ ăn ra, nhưng vì miệng ống nghiệm nhỏ, khỉ không lấy được, bèn la hét một hồi lâu, rồi đành nhịn đói.

Trong khi đó con quạ, thấy ống nghiệm sâu, nhìn quanh một hồi rồi ngậm một đầu que thép, đầu kia đặt vào hai cây song của chuồng quạ, dùng thế đòn bẩy uốn cong que thép, rồi dùng que thép đến móc đồ ăn ra.

Khỉ gần người về hình dáng, nhưng lại xa người về thông minh. Quạ gần người về thông minh lại xa người về hình dáng: Vậy thì ai là bà con gần của người?

 

(Bài đọc thêm 2)

THẾ GIỚI KHÔNG PHẢI LÀ VƯỜN HOANG VÔ CHỦ

Vì bác bỏ Thuyết Sáng-tạo, không tin là có một Đấng đã sáng tạo, hiện đang điều hành và bảo toàn muôn vật, cho nên các nhà theo Thuyết Tiến-hóa bắt buộc phải tuyên bố luật Cạnh tranh Sinh tồn. Luật Cạnh tranh Sinh tồn xây dựng trên ý niệm cơ bản rằng thế giới nầy là một khu vườn hoang vô chủ, trong đó mọi sinh vật được tự do giết nhau, mạnh được yếu thua, khôn sống mống chết. Trong thiên nhiên, loài nào tự vệ được thì tồn tại được và sẽ tiếp tục tiến hóa, loài nào không tự vệ nổi thì bị tuyệt chủng.

Cơ-đốc nhân không tin rằng thế giới là một khu vườn hoang. Trái lại chúng ta tin rằng chính Đức Chúa Trời là Đấng đã sáng tạo ra muôn vật, cũng là Đấng đang điều hành và săn sóc muôn vật. Trước hết, ý tưởng nầy bàng bạc trong toàn bộ Lời Đức Chúa Trời, và chân lý nầy chạy xuyên suốt cả Kinh Thánh, từ những trang đầu tiên cho đến những trang cuối.

Lời Đức Chúa Trời cho biết Đấng đã sáng tạo thế giới cũng đang cẩn thận dịu dàng chăm sóc thế giới. Chúa trồng cây hương nam trên rừng núi hùng vĩ, cũng như cây bông mua bên bờ nước chảy đìu hiu, dùng mưa trời để tắm tưới và dùng nắng ấm để hong khô cho nó. Chúa dự bị đồ ăn, chốn ở cho mọi sinh vật, từ con chuột gặm củ khoai ngoài đồng nội, cho đến con thằn lằn đớp muỗi dưới mái hiên. Đời sống của từng con vật nhỏ, trông dường như vô nghĩa, nhưng vẫn hoàn toàn nằm trong ơn bảo vệ và săn sóc của Chúa. Các ngày của chúng Ngài đã định hết cả. Không ai có thể hủy hoại chúng trước kỳ định. Đây là điều mà chính Con Đức Chúa Trời đã từng phán:

“Hai con chim sẻ há chẳng từng bị bán một đồng tiền sao? Và ví không theo ý muốn Cha các ngươi, thì không hề một con nào rơi xuống đất. Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi…” [Ma-thi-ơ 10:29-30].

Thứ hai, chính thực tế cuộc sống trong cõi thiên nhiên cũng cho thấy sự chăn nuôi bảo vệ kỳ diệu của Đấng Sáng Tạo. Chúng ta thử xem xét sự tồn tại của một vài loài vật quen thuộc, như loài cừu, hay loài chim cu chẳng hạn:

Cừu là một loài vật ít có khả năng tự vệ. Chúng chẳng những không bao giờ dám đánh trả, mà cũng không hề biết hiệp đồng để chống trả kẻ thù như trâu rừng hay bò rừng. Khi bị tấn công, chúng chỉ biết bỏ chạy tán loạn, và thường chỉ biết làm mồi cho những loài thú chuyên ăn thịt chúng như sói, linh cẩu, các loại chó, sư tử, cọp gấu, và nhiều giống thú dữ khác. Người ta nói rằng thậm chí chim ưng cũng có thể bắt được cừu con.

Nay thử đem so sánh cừu với một kẻ thù phổ biến nhất của loài cừu, là loài chó sói, chúng ta sẽ có một vài sự kiện:

Cừu chỉ biết nộp mạng khi bị sói tấn công chớ không bao giờ chống cự lại chó sói. Người ta nói rằng đặc biệt loài sói rất thích thịt cừu và rất thích giết cừu. Một con sói lớn có khi đã giết hơn 20 con cừu trong một đêm. Cố nhiên là một con sói không ăn hết một con cừu, nhưng sói rất thích giết cừu để thỏa mãn thú tính. Ernest Thompson Seton, nhà văn chuyên viết về loài vật người Canada nói rằng, dù sói không ăn hết một con cừu, loài thú nầy thường giết nhiều con cừu khi chúng có cơ hội.

Cừu có mang trong năm tháng, và đẻ mỗi lần từ một đến ba con. Chó sói có mang trong hai tháng, và đẻ một lần từ bốn đến bảy con.

Chó sói hiện diện khắp mọi nơi trên mặt địa cầu. Chó sói có thể chống chọi được với gió nóng cháy da của sa mạc Phi Châu, cũng như bão tuyết lạnh thấu xương của Bắc cực. Chúng có thể chạy nhanh đến 55km một giờ liên tục trong nhiều giờ. Chạy nhanh, dai sức, mưu trí, sói lại cũng biết đánh hợp đồng để bắt những con mồi lớn như nai, tuần lộc, dê, và dĩ nhiên là cừu…

Thế mà sói và cừu đều đã có mặt trên thế giới rất lâu trước loài người, theo các nhà Tiến hóa. Vậy nếu thế giới nầy chỉ là một vườn hoang vô chủ, thì ai đã bảo vệ loài cừu khỏi nanh vuốt muông sói trước khi loài nầy được con người chăn nuôi?

Về giống chim cu cũng vậy. Trong thế gian không biết có giống gì mà hiền lành và vô hại hơn ba con chim nầy: Con cu đất, con cu ngói, và con bồ câu. Loài quạ, loài diều, các loài chim ăn thịt, loài rắn, loài chồn, và loài sóc,…  thường ăn thịt cu đất và cu ngói từ khi chúng còn trong trứng cho đến khi bay trong không gian. Hồi nhỏ khi đi chăn trâu tôi nghe các bạn hát vui:

              Một hôm quạ mới hỏi diều,

              Vườn cây mô rậm lại nhiều chim cu?

Vậy mà ba giống nầy sống đầy tràn cả trên mặt đất. Ở Việt Nam, ở Mỹ, ở Úc… từ vùng nóng cho đến vùng lạnh, ở đâu người ta cũng thấy chúng đậu trên cây hay sà xuống ăn hột cỏ trên mặt đất. Nếu không có Đức Chúa Trời thì ai đã bảo vệ chúng, nuôi chúng cho đến ngày nay?

Và cũng đã có người từng hỏi: “Nếu quả thế giới là vườn hoang vô chủ, mạnh được yếu thua, khôn sống mống chết, thì ai đã bảo vệ các đàn chiên không một tấc sắt tự vệ của Đức Chúa Trời khỏi nanh vuốt của các chế độ thù nghịch với Tin Lành, trải qua mấy nghìn năm lịch sử?