than hoc van dap

266. Ơn Thần hựu là gì?

Trong tiếng Hán Việt, Thần là Đức Chúa Trời, hựu là giúp đỡ. Thần hựu, nghĩa là Đức Chúa Trời giúp đỡ.

Nhưng Thần học có một ý nghĩa rộng rãi hơn.

(1). Thần hựu trong Thần học bao gồm việc Đức Chúa Trời giúp đỡ cho thế giới mà Ngài dựng nên bằng việc bảo tồn nó cho nó có thể tiếp tục tồn tại và hoạt động [Nê-hê-mi 9:6; Gióp 7:20; Thi 36:6; Công 17:28; Cô-lô-se 1:17; Hê-bơ-rơ 1:3; Giăng 5:17].

(2). Đồng thời cũng tể trị, từng chi tiết của từng hoạt động nhỏ của muôn vật, cả đến vật nhỏ nhất như đời sống và hoạt động của một con siêu vi trùng, một tế bào trong thân thể người ta, để cả mọi vật, mọi việc trong vũ trụ nầy sẽ đi theo một chương trình và tiến tới một chung cuộc mà Ngài đã hoạch định. [Thi 103:19; Đa-ni-ên 4:35; Ê-phê-sô 1:11; Gióp 37:5,10; Thi 104:14; Thi 135:6,7; Ma-thi-ơ 5:45; Gióp 12:23; Thi 22:28; 66:7; Công 17:26; Thi 139:16; Ê-sai 45:5; Giê-rê-mi 1:5; Ga-la-ti 1:15,16; Châm 16:33; Ma-thi-ơ 10:30].

 

267. Có những quan điểm sai lầm nào về việc Đức Chúa Trời bảo tồn muôn vật?

(1). Quan điểm của Tự nhiên thần giáo (Deism):

Quan điểm nầy cho rằng Thượng đế sau khi dựng nên vũ trụ rồi thì đặt ra các định luật để nó tự hoạt động theo các định luật ấy chớ không can thiệp dính dáng gì vào nó nữa cả. Vũ trụ nầy giống như một chiếc đồng hồ mà người chế tạo sau khi đã làm ra nó thì lên dây thiều, rồi để tự chạy chớ không còn liên hệ gì với nó nữa. 

Thần giáo tự nhiên rất thịnh hành trong giới trí thức tại Âu châu và Bắc Mỹ hai thế kỷ 17 và 18, thu hút đông đảo các triết gia và những nhà chính trị, kể cả một vài các quốc phụ Hoa Kỳ, như Benjamin Franklin và Thomas Jefferson.

Quan điểm của Tự nhiên thần giáo (Deism) như vậy rõ ràng là hoàn toàn bác bỏ cả sự bảo tồn lẫn sự điều động của Đức Chúa Trời vào vũ trụ, tức là ơn Thần hựu của Đức Chúa Trời, nên hoàn toàn trái với Kinh Thánh.

(2). Quan điểm Vĩnh cửu cải tạo thuyết (Eternal return):

Thuyết nầy được đề xướng bởi các nhà triết học Ấn Độ và Ai Cập thời Cổ đại. Các triết gia phái Khắc kỷ thời Cổ Hy Lạp Empedocles, Zeno, cũng như nhà triết học người Đức thế kỷ 19 Friedrich Nietzsche, cũng theo thuyết nầy.

Thuyết nầy chủ trương rằng vũ trụ tự mình có khả năng làm mới lại, tức là có khả năng tự tái tạo và tự tân tạo luôn luôn mà không phải nhờ đến bất kỳ một thần linh nào cả.

Thuyết nầy rất gần với Thuyết Vô thần, chối bỏ vai trò sáng tạo và Ơn Thần hựu của Đức Chúa Trời nên dĩ nhiên là sai Kinh Thánh.

 

268. Trong lẽ đạo Thần hựu ý chí tự do của loài người và chủ quyền tuyệt đối của Đức Chúa Trời có sự tương đối nhau thể nào?

Vả, lẽ Thần hựu có quan hệ với cả ý dục loài người và ý chỉ của Đức Chúa Trời. Xem xét công việc người ta thì thấy có hai mặt: mặt nầy hướng về Đức Chúa Trời, mặt kia hướng về loài người. Coi mặt hướng về Đức Chúa Trời thì dường như mọi việc làm của người ta duy do ý chỉ Đức Chúa Trời mà thành công. Song nếu xem mặt hướng về loài người, thì lại dường như cả thảy đều do ý dục họ mà được nên.

Song có kẻ hỏi: “Ý dục của loài người thế nào hiệp tác với ý chỉ của Đức Chúa Trời mà làm nên ý muốn của Ngài?” Ấy là một nan đề thật khó giải quyết, chắc chỉ Đức Chúa Trời hiểu rõ, cùng giải rõ đó thôi. Dầu vậy, ta có thể dùng sự tương đối của linh hồn với thân thể làm ví dụ: cánh tay vẫn cứ giữ vẹn công lệ của nó luôn, thế mà cũng thường vâng phục ý dục của linh hồn mà lạm dụng. Cũng vậy, loài người thật tự do, được tự ý mình làm việc; dầu vậy, Đức Chúa Trời vẫn chủ trị các động tác của họ hoặc thiện hoặc ác cũng vậy. Các vị tự do thật phải phục chủ quyền tuyệt đối của Đấng cao cả, nhưng Đấng ấy chủ trị họ ở trong sự tự do của họ. Cả hai ý dục tự do của loài người và chủ quyền tuyệt đối của Đức Chúa Trời đều tồn tại luôn, cái nầy chẳng giảm bớt hay là phá hủy cái kia; trong việc của loài người cả hai đều đi song song nhau như hai đường bình hành, hiệp tác làm nên ý tốt của Đức Chúa Trời. Đạo nào phủ nhận lẽ thật ấy là tà giáo, chỉ hủy hoại chánh đạo nó thôi.

 

269. Có chứng cứ nào cho lẽ thật trên không?

Thưa có. Xin kể ra như sau:

(1). Lịch sử làm chứng:

Kê cứu lịch sử của các nước thế gian, bất luận giáo hóa nước nào cạn hay sâu, đều dễ thấy có một cánh tay siêu nhiên chủ trị mọi sự của các nước ấy để thưởng thiện phạt ác, khiến ai gieo giống gì gặt giống ấy,chẳng sai một sợi tóc nào cả. Từ xưa đến nay sự hưng suy của các nước, bề ngoài dường như chỉ bởi người ta gây nên; song xét cho sâu hơn, thì rõ lắm phải có mạng lịnh của Đức Chúa Trời cai trị trên việc làm của người ta mới được nên thể ấy.

Ví như lúc Chúa Jesus giáng sanh thì La Mã đế quốc cầm quyền thống trị trên cả thiên hạ. Kinh Thánh đã dự ngôn rằng Christ phải chịu chết trên cây gỗ. Mà lúc đó chỉ La Mã dùng tử hình ấy. Cho nên nếu lúc Chúa Jesus tại thế, mà quyền thống trị thiên hạ ở trong tay một cường quốc khác ngoài nước La Mã, thì Ngài chịu tử hình ấy sao được? Vậy, rõ lắm Đức Chúa Trời hạ nước Hy Lạp xuống mà dấy nước La Mã lên đặng làm ứng nghiệm Kinh Thánh.

Vả lại, nhờ Alexander đại đế chinh phục cả thế gian, mà văn tự Hy Lạp được thông lưu khắp nơi, dự bị sẵn sàng để làm lợi khí cho sự truyền bá Tin lành khắp chốn. Cũng nhờ nước La Mã chinh phục Hy Lạp mà các dân dã man được khai hóa, các xứ xa được giao thông nhau bởi đường sá mở thông suốt cả đế quốc, làm cho sự vãng lai tiện lợi mọi bề. Nên khi Tin lành hiện đến thì các nhà truyền giáo đầu tiên bèn nhờ văn tự Hy Lạp phổ thông, và đường sá La Mã thông suốt cả thiên hạ mà đi khắp nơi truyền rao ơn cứu rỗi của Jesus Christ. Các thực sự ấy há tình cờ mà có sao? Chắc không! Bèn là nhờ Thần hựu,Thần hựu của Đức Chúa Trời chủ trị và chỉ huy toàn cục các dân các nước, nên mới có như thế vậy.

(2). Hội Thánh làm chứng

Nếu kê cứu về sự sáng lập và bành trướng của Hội Thánh, thì thấy đời nào cũng có tay của Đức Chúa Trời phù hộ, giúp đỡ. Dầu các thời đại các địa phương Hội Thánh trải qua nhiều nỗi bắt bớ ngăn trở, nhưng hễ bị bắt bớ ngăn trở chừng nào, thì Hội Thánh càng tấn bộ thêm chừng nấy. Có khi đời thuộc linh của Hội Thánh sa sút nguội lạnh, nhưng Đức Chúa Trời không cho hội chết hẳn, bèn dấy lên những sứ giả trung tín giảng lẽ thật, phấn hưng tín đồ, và lôi kéo Hội Thánh trở lại cùng Chúa. Đức Chúa Trời lắm khi vì Hội Thánh mà hạ vua nầy xuống, dấy vua kia lên, khiến nước nầy suy, nước kia thạnh. Julien I’Apostat (kẻ chối đạo) quyết ý diệt đạo Christ mà tái lập bái vật giáo trong La Mã đế quốc; nhưng Đức Chúa Trời không cho, bèn khiến cho vua ấy phải tử trận. Chính Julien cũng nhận rằng sự thất bại đó là tại nơi Chúa, vì lúc hấp hối vua kêu lên rằng: “Hỡi Ông Galilê, Ông đã thắng hơn tôi rồi!” Cừu địch Hội Thánh thường dấy lên đông như cát biển, hung bạo như thú dữ, hà hiếp hội hữu bốn bề, cốt quyết tuyệt diệt đi. Nhưng lạ thay! Hội Thánh vẫn còn, vẫn đứng vững rất có ích lợi quan hệ với đạo đời, lòng người, nước nhà và xã hội, đến đổi cả toàn cầu phải nhận rằng Hội Thánh thật một cơ quan phi thường, được thực hữu và tồn tại duy bởi Thần hựu đó thôi.

*Phần in nghiêng là trích đăng nguyên văn những lời luận trong quyển Thần Đạo Học của Mục Sư Giáo sĩ John D. Olsen, Hiệu trưởng Trường Kinh Thánh Đà nẵng, người biên tập chỉ xin sửa soạn lại cho gọn nhẹ, và đặt thành câu hỏi để bạn đọc dễ nắm bắt được các ý tưởng chính, mà thôi.

*Quý học viên có thể đọc toàn bộ “Thần Đạo Học” của Mục Sư Giáo sĩ John D. Olsen tại: http://www.nhulieuthanhkinh.com