than hoc van dap

239. Đứng về phương diện khoa học, có thể đưa ra những kết luận về Sự sáng tạo không? 

Thưa không. Bởi vì tất cả các kết luận khoa học đều phải được thông qua các thí nghiệm rất nhiều lần. Các sự kiện trong Công cuộc Sáng tạo chỉ xảy ra có mỗi một lần duy nhất, không ai có thể làm thí nghiệm lại được. Lại cũng không có bất kỳ một nhà khoa học nào có mặt vào thời điểm đó để tường thuật lại. Vì vậy, chúng ta chỉ còn phương cách duy nhất là tin mà thôi. Đây hoàn toàn là vấn đề của đức tin.

 

240. Chúng ta làm sao biết được điều gì về Sự sáng tạo để mà tin?

 Chúng ta bị buộc phải lựa chọn giữa 3 cách:

(1). Chúng ta sẽ đọc Kinh thánh là quyển sách của Đức Chúa Trời để biết được, bởi vì Đức Chúa Đức Chúa Trời đã có tường thuật lại đầy đủ và rõ ràng về Công cuộc Sáng tạo của Ngài trong quyển sách đó.

(2). Chúng ta sẽ đọc những sách thần thoại và thần tiên của các nhà văn và nhà thơ nói về sự sáng tạo.

(3). Chúng ta sẽ đọc các giả thuyết của các nhà khoa học căn cứ vào những sự họ quan sát thấy bây giờ, rồi tưởng tượng ra mà viết về sự sáng tạo.

Một trong các giả thuyết đã từng được các nhà khoa học đưa ra hiện nay đang nổi tiếng là thuyết Big bang.

 

241. Thuyết Big Bang là thuyết gì?

Thuyết Big bang là lý thuyết giải thích buổi ban đầu của sự hình thành vũ trụ vật chất.

Thuyết Big bang lần đầu được suy nghĩ tới là vào khoảng thập niên 1920.

Đầu tiên là vào năm 1922, một nhà thiên văn học và toán học người Nga gốc Do thái, Aleksandr A Friedmann (1888-1925), khi nghiên cứu về phương trình trường Einstein của thuyết tương đối rộng, đã nảy sinh ra ý niệm về việc vũ trụ nầy phát xuất từ một điểm rồi giản nở ra, và điểm đó chính là điểm bắt đầu của thời gian và không gian. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, có lẽ do vì hoàn cảnh chính trị, giới khoa học phương Tây đã không chú ý mấy về lý thuyết của  Friedmann.

Năm năm sau, vào năm 1927, Linh mục Công giáo Georges Henri Lemaître, một nhà thiên văn  học và toán học khác, giáo sư Trường đại học Louvain ở nước Bỉ, đã lặp lại ý niệm nầy, khi phát hiện ra hiện tượng các giải thiên hà càng ngày càng giản cách xa nhau với tốc độ rất lớn. Sau đó, với nhiều công trình nghiên cứu của các nhà Thiên văn học nổi tiếng khác, đặc biệt là Edwin Hubble, đã củng cố lý thuyết nầy. Đến năm 1959, Fred Hoyle, nhà thiên văn học người Anh, làm việc tại Cambridge, trong một chương trình khoa học trên Đài BBC, đã lần đầu tiên gọi lý thuyết nầy là “Big Bang”, tức là “Vụ nổ lớn”.

Thuyết Big Bang vừa khi mới đưa ra, đã tạo nên một làn sóng ủng hộ và đối lập rộng lớn trong cộng đồng khoa học. Có hai lập trường quan điểm, giữa một bên là Big bang và một bên kia là Stationary state (Trạng thái dừng), là thuyết chủ trương trạng thái ổn định của hệ thống nguyên tử.

Cũng vừa chào đời thuyết Big bang đã được Giáo hội Công giáo đón nhận một cách tôn trọng. Vào cuối thập niên 1920 của thế kỷ trước, ngay từ khi Linh mục Công giáo Georges Lemaître vừa cho ra quyển  "Giả thuyết về Nguyên tử Nguyên thủy (L'Hypothèse de l'Atome primitif), tức là thuyết Big bang sau nầy, Giáo hội Công giáo đã mau chóng gián tiếp công nhận. Ít lâu sau linh mục Lemaître được nhận vào Viện Hàn lâm Khoa học Giáo hoàng của Vatican. 

Thuyết Big bang đã làm cho thuyết tiến hóa mạnh hơn, bởi vì, tự bản chất, Big bang chính là sự tiến hóa trên quy mô vũ trụ. Các vị Giáo hoàng Công giáo, kể từ đời Pius XII (trị vì từ 1939-1958) đều ủng hộ thuyết Big bang. Đương kim Giáo hoàng Francis nồng nhiệt ủng hộ thuyết Big Bang cũng như thuyết Tiến hóa, vì cho rằng cả  hai thuyết nầy là phù hợp với Đức tin Công giáo.

Thuyết Big Bang đã đánh bại thuyết Stationary state (Trạng thái dừng), và chiếm lĩnh sự ủng hộ của giới khoa học. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây thuyết nầy bắt đầu bộc lộ một số vấn nạn không giải quyết được.

*Chữ “Big Bang” mà Fred Hoyle (1915-2001) đặt tên ở đây, nhiều người cho rằng có ý mỉa mai, vì ông là người  bác bỏ thuyết Big Bang, mà đi theo thuyết Stationary state. Tuy nhiên, tên gọi nầy ngày nay đã trở thành tên gọi chính thức của lý thuyết nầy.

 

242. Thuyết Big Bang giải thích ra sao về khởi nguyên của vũ trụ?

Nói một cách đại khái (và nôm na) thì thuyết Big Bang cho rằng ngày xưa, cách đây 13.7* tỷ năm trở về trước, vũ trụ là một khoảng chân không vĩ đại, nghĩa là tuyệt đối không có bất cứ mảy may một vật gì cả.  Một giọt nước, một chút không khí, hay một hạt bụi, cũng đều tuyệt đối không có.

Đột nhiên bỗng có một khối năng lượng (xin để ý rằng bấy giờ chưa có vật chất) xuất hiện. Khối năng lượng nầy có thể tích cực kỳ nhỏ, nhỏ hơn một phần tỷ tỷ của một nguyên tử, nghĩa là nhỏ đến mức không một trí tưởng tưởng nào của con người lại có thể tưởng tượng nỗi*.

Thế rồi khối lượng nầy đã dãn nở với một tốc độ siêu nhanh. Nhanh hơn nhiều lần tốc độ ánh sáng. Trong vòng chưa đầy một phần tỷ của một giây, vũ trụ nở lớn ra gấp hằng nhiều tỷ lần so với kích thước ban đầu của nó, qua một tiến trình được gọi là “vũ trụ giãn nở”. Càng nở lớn ra thì nó càng nguội dần. Tuy vậy đến khi thể tích khối nhiệt nầy lớn lên, lớn bằng quả banh tennis, thì nó vẫn còn rất nóng, nóng đến hàng nhiều tỷ tỷ độ C* và có một mật độ (density) khối lượng cực kỳ lớn.

Thế rồi bỗng nhiên khối cầu nhiệt lượng nầy nổ tung. Và đó là Big bang.

Việc nầy xảy ra cách đây khoảng 13.7 tỷ năm.

Vụ nổ nầy tạo ra không gian và vật chất ban đầu dưới dạng các năng lượng bức xạ photon, tức là bức xạ các hạt lượng tử. Nguội thêm một chút photon tạo ra  hạt quart. Rồi thì các hạt quart kết hợp tùy theo tỷ lệ mà tạo thành hạt proton*, hạt neutron, hạt electron, và ba hạt nầy kết hợp lại với nhau thành ra một nguyên tử*. Đây là những nguyên tử ban đầu mà George Lemaître đã hình dung ra. Thật ra, các nguyên tử ban đầu bấy giờ chỉ là những nguyên tử của Hydro (H) và Helium (He), là những khí đơn*, có tỷ trọng rất thấp. Như vậy, các mảnh vỡ đầu tiên sau big bang, là những ngôi sao tương đối  “nhẹ”, vì chỉ chứa hydro và helium.

Rồi các ngôi sao nầy cứ tiếp tục lại lớn dần, và lại nổ tung thành ra rất nhiều những ngôi sao khác. Từ trong lòng các ngôi sao về sau nầy, do nguội hơn, nên hai nguyên tố nhẹ hydro và helium có thể tương tác nhau và tự chế tạo những nguyên tố nặng hơn như oxy, carbon, các thứ kim loại, cũng như các dạng vật chất khác.

Sau vô vàn thế hệ sao như vậy, cho đến khoảng hai tỷ năm sau biến cố big bang, thì các giải thiên hà đầu tiên đã bắt đầu hình thành.

Tiến trình nầy lại vẫn cứ tiếp tục, tiếp tục mãi, và sanh ra nhiều giải thiên hà. Các giải thiên hà cứ tiếp tục giãn cách ra xa nhau với một tốc độ rất lớn, làm cho vũ trụ càng ngày càng mở rộng ra thêm ra một cách vô cùng nhanh chóng.

Ngày nay vũ trụ cũng đang tiếp tục mở rộng ra với tốc độ rất nhanh. Vào thời điểm nầy, vũ trụ mà con người có thể quan sát được có chứa ước chừng 2,000 tỷ thiên hà, và mỗi thiên hà chứa trung bình 200 tỷ ngôi sao. Hiện tại, đường kính (tức khoảng cách từ đầu nầy qua đầu kia của vũ trụ quan sát được) là vào khoảng 92 tỷ năm ánh sáng.

Thiên hà mà chúng ta đang sống đây, còn gọi là Ngân hà, cũng chứa chừng 200 tỷ ngôi sao. Trong 200 tỷ ngôi sao đó có mặt trời, và trong hệ Mặt trời, còn gọi Thái dương hệ, có trái đất của chúng ta.

*Nguyên tử là một vật thể có thể tích rất nhỏ. Nhỏ đến nỗi, nếu đem so sánh nguyên tử với một trái banh tennis, thì cũng như đem so sánh trái banh tennis với cả quả địa cầu. Vậy đó mà thể tích của khối năng lượng nầy lại nhỏ bằng một phần tỷ (1/1000,000,000) của một nguyên tử, thì nó nhỏ biết chừng nào.

*Nhiều nhà khoa học cho rằng lúc vũ trụ lớn bằng một trái banh tennis, thì nhiệt độ của nó là 1033, tức là 1.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000 độ C.

*So sánh để tưởng tượng: Sắt nóng chảy ở 1538 độ C, vàng nóng chảy ở 1064 độ.

*Proton: Là hạt đầu tiên (tiếng Hy lạp, proton/πρωτόνιο nghĩa là đầu tiên). Mỗi hạt proton được tạo thành bởi 3 hạt quarts)

*Riêng nguyên tử Hydro chỉ có hạt proton mà không có neutron và electron, nên các các ngôi sao đầu tiên phần nhiều là tổ hợp các đám mây khí hydro và khí helium, rất nhẹ.

*Năm ánh sáng là đơn vị dùng để đo những vật ở cách xa nhau trong không gian. Trong một giây đồng hồ, ánh sáng chạy được 300,000km. Vậy, trong một năm, ánh sáng chạy được 9,5 nghìn tỷ (95,000,000,000,000) km.  

 

243. Tại sao Giáo hội Công giáo ủng hộ Thuyết Big bang?

Giáo hội Công giáo đã mau chóng ủng hộ Thuyết Big bang bởi vì:

(1). Thuyết Big bang bác bỏ thuyết Duy vật.

Thuyết Duy vật tuyên bố rằng vũ trụ vật chất là tự nhiên mà có, và hằng có đời đời, vô thỉ vô chung, nghĩa là tự hữu và hằng hữu.

Nhưng thuyết Big bang tuyên bố rằng vũ trụ đã bắt đầu cách đây 13.7 tỷ năm, nghĩa là vũ trụ đã có một điểm bắt đầu. Điểm bắt đầu nầy được gọi là “Điểm kì dị không-thời gian” (Spacetime singularity)*, tức là điểm mà cả không gian và thời gian bắt đầu xuất hiện. Điểm nầy chỉ kéo dài 10-36 của giây, hay là 1 phần tỷ tỷ tỷ tỷ (0,000 000 000 000 000 000 000 000 000 000 000 001) của một giây đồng hồ, nghĩa là ngắn kinh khủng, ngắn không thể tưởng tượng được. Trước điểm nầy là đời đời vô cùng về trước.

 (2). Thuyết Big bang bác bỏ thuyết Phiếm thần:

Thuyết Phiếm thần cho rằng vạn vật trong vũ trụ vật chất là Thượng đế, và Thượng đế là vật chất. Thượng đế và vật chất là tự hữu và hằng hữu, đời đời.

(Cho nên từ mỗi một nguyên tử, mỗi một tế bào, mỗi một con Covid-19… cho đến mỗi một cội cây, mỗi một cục đá, một con voi, mỗi một hòn núi, mỗi một hành tinh, đều là một phần của Thượng đế, và đều có thần tính trong đó, và vì mang thần tính trong đó, nên mọi vật trong vũ trụ không có một vật gì tốt hơn một vật gì. Triết gia C S Lewis, giáo sư tại Oxford và Cambridge kể lại rằng có lần bạn của giáo sư nói với giáo sư rằng tế bào ung thư và thuốc trị ung thư vì cũng đều là vật chất, đều là một phần của Thượng đế, nên cũng đều “tốt” như nhau.

Từ mỗi một con người, từ mỗi một giọt nước, cho đến mỗi một dòng sông, đều là một phần của Thượng đế và đều mang thần tính. Do vậy, nhiều bà mẹ Ấn độ thời xưa, theo Ấn độ giáo, thường mang con mình liệng xuống sông để cho nó (là tiểu ngã-atman, cả xác lẫn hồn) sớm được hòa nhập vào với vũ trụ (là đại ngã- Brahman).

Cũng do vậy, mà mỗi người đều là Thương đế. Vấn đề là cần nhận thức ra điều đó hay không. Do vậy, nếu chúng ta đến để làm chứng về Chúa cho một thầy tu Ấn giáo, (ngày xưa có những thầy ngồi trên bàn chông), thì thầy ấy sẽ bảo ta rằng: Thượng đế là ai? Chính ta đây là Thượng đế).

Nhưng Thuyết Big bang cho thấy (1) Vật chất đã có bắt đầu, và theo như người Công giáo, (và Tin lành) tin thì (2) Đức Chúa Trời đã dựng nên vũ trụ vật chất, (2) đang cầm quyền điều hành trên vũ trụ vật chất, (3) ở ngoài vũ trụ vật chất, và (4) độc lập với vũ trụ vật chất.

(3). Thuyết Big bang bác bỏ thuyết Nhị nguyên (dualism):

Có nhiều loại Nhị nguyên, nhưng có một loại Nhị nguyên luận phát triển vào vài thế kỷ đầu tiên tại Trung đông đã làm xáo trộn đức tin Cơ-đốc giáo. Về vật chất, quan niệm của Thuyết nhị nguyên nầy cho rằng vật chất tự bản chất là xấu xa, là ác, cho nên  vũ trụ vật chất đã do một Ác thần, đối lập với Đức Chúa Trời, làm nên, vì Thiên Chúa là thiện, và tốt lành, không thể nào Ngài lại làm nên một sự xấu xa như vũ trụ vật chất nầy được.

Và cũng do vậy, thuyết Nhị nguyên cho rằng vũ trụ vật chất nầy nằm ngoài tầm kiểm soát của Đức Chúa Trời, nghĩa là thuyết Nhị nguyên bác bỏ sự Sáng tạo thế giới vật chất, sự Bảo toàn và ơn Thần hựu thế giới của Đức Chúa Trời, là điều hoàn toàn trái nghịch với niềm tin Cơ đốc, trong đó có Công giáo.

(4). Giáo hội Công giáo cho rằng thuyết Big Bang và Thuyết Tiến hóa giải thích thỏa đáng sự kiện sáng tạo.

Phát biểu trước hàng ngàn các nhà khoa học tại Viện Hàn lâm Khoa học Giáo hoàng ngày 27/10/2014, Giáo hoàng Francis tuyên bố đại ý nói rằng Thiên Chúa không phải là một nhà thuật sĩ với chiếc đũa thần để làm nên thế giới. Ngài đã dùng Big bang và Tiến hóa trong quá trình sáng tạo. Giáo hoàng Francis nói “Đức Chúa Trời đứng đằng sau Big bang và Tiến hóa” (God is behind Big Bang and Evolution).

 

244. Tại sao Hội thánh Tin lành (bảo thủ) không ủng hộ Thuyết Big bang?

Có 3 lý do:

(1). Thứ nhứt là vì người Tin lành Bảo thủ tin câu chuyện về Sự sáng thế được chép trong Kinh Thánh là theo nghĩa đen, chớ không theo nghĩa hình bóng. Ví dụ: Đã từng có một khu vườn gọi là Vườn Ê-đen thật, chớ không phải một Vườn Ê-đen hình bóng, một ông A-đam thật, chớ không phải là một A-đam hình bóng, một bà Ê-va thật, chớ không phải là một bà Ê-va hình bóng.

Nay nếu tin theo thuyết Big bang thì Vườn Ê-đen, ông A-đam, Bà Ê-va chỉ là hư cấu của một câu chuyện ngụ ngôn răn đời.

(2). Thuyết Big bang là một giả thuyết khoa học để phục vụ cho một quan niệm triết học. Nhưng ngay cả về phương diện khoa học, thì thuyết Big bang có những vấn nạn không thể giải quyết được.

(3). Thuyết Big bang nghe dễ tin hơn chuyện thần tiên hay thần thoại, nhưng khó tin hơn câu chuyện của Kinh Thánh chép về Sự sáng tạo.

 

245. Tại sao thuyết Big bang là một giả thuyết khoa học phục vụ cho một quan niệm triết học?

Điều nầy là quá rõ ràng. Thuyết Big bang, một hình thức của thuyết Tiến hóa trên quy mô vũ trụ, là một trực giác phát minh, được chuẩn bỉ bởi một sự suy gẫm triết học. Triết học nầy là triết học Vô thần hay Bất khả tri. Đang khi không tin và không chấp nhận Đức Chúa Trời đã sáng tạo vũ trụ theo cách của Kinh Thánh tường thuật, những người Vô thần và Bất khả tri đã suy nghĩ miên man về một lời giải thích thích hợp cho niềm tin (vô thần) của họ về sự hiện hữu của thế giới vật chất. Quá trình suy gẫm lâu dài nầy đã là tiền đề hay chất liệu nòng cốt của trực giác phát minh, đã phát minh ra ý tưởng Big bang.

 

246. Phải chăng điều nầy cũng đúng với ngay cả một nhà khoa học thiên văn Hữu thần như Linh mục Công giáo Georges Lemaître?

Thưa vâng. Nó vẫn hoàn toàn đúng, dù với hướng ngược lại, tức là hướng bênh vực cho đức tin Cơ-đốc chớ không phải hướng vô thần.

Chúng ta biết rằng trong hơn hai trăm năm qua đa phần trong giới Thần học và trí thức Cơ-đốc, Công giáo và Tin lành, đã bị chết khiếp vì cơn bão khoa học. Tất cả đều cố gắng tìm kiếm một mái tranh hay một túp lều nào, dầu là lều cỏ cũng được, để trú ẩn.

Cho nên hễ có bất cứ một lý thuyết khoa học nào đưa ra mà có thể vin vào đó để làm chỗ dựa để chứng tỏ rằng mình không dị đoan mê tín thì tìm mọi cách dựa vào.

Nhưng dựa lưng theo cách nầy sẽ rất là nguy hiểm. Bởi vì rồi một ngày nào đây, nếu khoa học thay đổi ý kiến mà tỏ ra rằng thuyết Big bang là sai (mà hiện nay đã có khá nhiều bằng chứng rồi), thì phải nói thế nào?

 

247. Về phương diện khoa học, thì thuyết Big bang có những vấn nạn nào mà không có câu trả lời?

Thuyết Big bang có một số những vấn nạn mà không có câu trả lời như:

(1). Khối năng lượng đầu tiên là tài sản của ai?

(2). Ai đã kích hoạt nó và làm cho nó dãn nở, rồi phát triển nó để nó trở thành ra một thế giới bao la hùng vĩ như ngày nay?

(3). Có thật là sau một vụ nổ, những điều tốt đẹp sẽ được sản sinh?

(4). Nếu có các vụ nổ, và bắn tung ra, thì các ngôi sao trong các dãi thiên hà đều phải quay theo cùng một hướng, vậy tại sao có những ngôi sao lại quay ngược chiều với ngôi sao khác?

 

248. Khối năng lượng đầu tiên là tài sản của ai?

Dầu là một điểm năng lượng cực nhỏ (về thể tích), nhưng điểm nầy rất quý, vì nó là hạt nhân đầu tiên để làm ra cả vũ trụ nầy, với biết bao nhiêu là của cải? Chỉ với một trái đất đây, chỉ là hạt bụi trong vũ trụ, mà tài sản cũng đã rất lớn [Thi-thiên 104:24].

Vậy vật liệu ban đầu ấy là tài sản của ai, do ai làm ra hay bởi đâu mà có?

 

CÂU CHUYỆN GIẢI LAO

Có một chuyện vui kể lại rằng một ngày kia Sa-tan đến khoe với Chúa:

Tôi có thể lấy đất sét và làm ra một con người giống như Chúa. Ngài có cho phép tôi làm không?

Và Chúa cho phép.

Nhưng khi Sa-tan vừa quay lưng đi lấy đất sét, thì các Thiên sứ đã dặn:

Nhưng mà bạn phải lấy đất sét của bạn, chớ không được lấy đất sét của Chúa đó nghe.

 

249. Ai kích hoạt làm cho nó dãn nở, rồi phát triển nó để nó trở thành ra một thế giới bao la hùng vĩ như ngày nay?

Các nhà khoa học Big bang luôn luôn nói rằng tất cả mọi diễn tiến hình thành vũ trụ đều tuân theo các luật của vũ trụ. Nhưng những câu hỏi được đặt ra là:

(1). Ai đặt ra những luật vũ trụ?

(2). Ai thực thi những luật ấy?

(3). Ai đã kiểm tra việc thực thi nầy?

Đây không chỉ là vấn đề đặt ra với thuyết Big bang. Đây cũng còn là vấn đề đặt ra cho mọi niềm tin vô thần, như Phật giáo chẳng hạn. Ví dụ: Phật giáo có thuyết Luân hồi và thuyết Nhân quả:

(a). Về Luật Luân hồi:

-Ai đã đặt định ra một luật vật lý, là luật luân hồi nầy?

-Ai thực thi luật luân hồi đó?

-Ai sẽ kiểm tra việc thực thi?

(b). Về Luật Nhân quả:

-Ai đã đặt ra một luật đạo đức, là Luật Nhân quả nầy?

-Ai sẽ ghi nhận các việc lành của người làm lành, nghĩ lành?

-Ai sẽ ghi nhận các việc ác của người làm ác, nghĩ ác? 

-Ai sẽ thưởng cho người làm lành, nghĩ lành?

-Ai sẽ thưởng cho người làm ác, nghĩ ác?

-Ai sẽ kiểm tra toàn bộ công việc?

 

250. Một vật có tổ chức, có trật tự, sau khi nổ thì có thể thành ra những mảnh vỡ có tổ chức hơn, có trật tự hơn hay không?

Theo thuyết Big bang thì sau vụ nổ Big bang là hàng tỷ các vụ nổ khác để cho ra hàng tỷ tỷ ngôi sao (ngôi sao tiếng Tàu là tinh cầu), không thể đếm được. Và trái đất của chúng ta cũng là một tinh cầu trong số đó. Trái đất là kết quả của một vụ nổ. Nhưng trái đất là một tinh cầu được xem là rất có tổ chức, rất có trật tự, và bố trí hợp lý, hoạt động hoàn hảo.

Trong lúc đó thì tất cả các vụ nổ đều luôn luôn đem lại những gì vô tổ chức, vô trật tự, và lộn xộn. Sau đây là một vài thí dụ:

(1). Thí dụ 1: Thời niên thiếu, có một khoảng thời gian tôi sống trong vùng chiến tranh. Lúc đó tôi có chứng kiến nhiều trường hợp bom nổ, và đạn pháo 155 li, nổ.

Tôi thấy rằng tất cả các mảnh bom hay mảnh đại bác 155 li (thường các mảnh nầy găm vào các thân cây, và người ta cạy ra) đều vô cùng xấu xí, quẹo quắt lại, và dị hình dị tướng, chớ không có những mảnh tốt đẹp như mình tưởng tượng.

Tôi cũng thấy một vài trái bom không nổ (mà sau nầy người ta thường cưa ra làm phế liệu), và một vài quả đạn 155 ly không nổ (có lần vét giếng kéo lên được), thì tôi thấy rằng, tuy không dám gọi là đẹp, nhưng những quả bom hay viên đạn cũng đó khá xinh. Và chắc chắn là bên trong những vật đó, rất có tổ chức.

Vậy mà sau khi nổ chúng cho ra những vật thể rất tệ. Nhìn những mảnh bom hay mảnh đại bác gắm vào thân cây, không ai có thể tưởng tượng được là những mảnh nầy lại ra từ những trái bom hay viên đạn pháo bóng loáng kia.

Kết luận: Trái đất, và cả vũ trụ nầy quá tốt đẹp để có thể là sản phẩm của một vụ nổ. 

(2). Ví dụ 2: Loài người hoàn toàn không có khả năng tạo ra các vụ nổ trên các giải thiên hà xa hằng tỷ năm ánh sáng.

Nhưng mỗi người chúng ta đều có thể tạo ra những vụ nổ nhỏ ở trong bếp để thí nghiệm:

Buổi tối, bạn luộc chừng 20 quả trứng và cất vào tủ lạnh. (Ở Mỹ, 20 quả trứng loại lớn giá chỉ chừng 2 đô la. Không cần đợi on sale).

Hôm sau, bạn đem những quả trứng luộc ra, để riêng ra 10 quả để kho thịt heo, hay là làm bánh bao. (Có thể học trên Google).

Còn lại 10 quả, mỗi quả bạn đều cho vào lò vi ba (microwave) và đem hâm nóng.

Mỗi quả bạn đều bấm 2 phút, rồi mở ra xem để kiểm nghiệm và ghi nhận kết quả.

Xong bạn lột mười quả trứng kia ra và sắp vào một tô lớn.

Bạn sẽ so sánh những trứng trước khi nổ và sau khi nổ, cái nào có tổ chức hơn, có thứ tự hơn, và trông đẹp mắt hơn.

Chắc bạn lại sẽ đồng ý rằng:

Trái đất và vũ trụ quá tốt đẹp này không thể là sản phẩm của một vụ nổ được.

 

251. Sự thiết kế vô cùng thông minh của mặt trời và trái đất, có thể là sản phẩm của một vụ nổ không?

Chỉ tìm hiểu sơ qua Hệ mặt trời chúng ta cũng đều phải sững sờ kinh ngạc về rất nhiều điều được gọi là sự “thiết kế thông minh”. Cực kỳ thông minh!!!

Chẳng hạn một chi tiết trong bản thiết kế đó là khoảng cách giữa mặt trời và trái đất:

(1). Chỉ cần mặt trời ở gần quả đất hơn một chút thì đại dương sẽ sôi sùng sục, và mọi vật trên đất đều sẽ cháy tiêu. (Lời cảnh báo trước: Theo Kinh Thánh IIPhi-e-rơ 3:10-12 thì sẽ có một ngày như thế).

(2). Chỉ cần mặt trời ở xa quả đất hơn một chút thì thì trái đất sẽ trở thành một “tinh cầu giá lạnh”, y như lời các thi sĩ và nhạc sĩ hay nói*.

*Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh

Một vì sao trơ trọi cuối trời xa!

Ðể nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh

Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo!

Trích từ bài “Những sợi tơ lòng” của Chế Lan Viên

(3). Nhờ trái đất tự quay chung quanh trục của nó theo một độ nghiêng (230,439,381) mà đã làm cho lượng ánh sáng mặt trời chạm tới mỗi một điểm trên mặt đất đều thay đổi liên tục trong một năm. Điều đó đã tạo ra hiện tượng 4 mùa trong một năm, và khiến cho đời sống của mọi sinh vật và cây cỏ trên đất thêm vô cùng phong phú. Điều gì sẽ xảy ra nếu trái đất không tự quay theo độ nghiêng nói trên?

(4). Ngay trong lòng trái đất nầy cũng đã được thiết kế cực kỳ thông minh.

Kinh Thánh chép:

“Đất sanh ra lương thực,

Còn ở bên dưới nó dường như bị lửa xao lộn”. [Gióp 28:5]

(a). Nếu lửa trong lòng trái đất nóng hơn hoặc lạnh hơn chừng 1000 độ C thì rễ cây sẽ chết cháy trong mùa hè, và chết lạnh trong mùa đông.

(b). Sức hút từ tâm quả đất cũng phải được tính toán rất kỹ:

Nếu sức hút đó yếu hơn, mọi vật sẽ bị bay ra ngoài không gian vũ trụ, còn nếu mạnh hơn, động vật không nhắc chân lên được. 

Cho nên, có thể nói rằng mặt trời và trái đất đã được thiết kế quá thông minh để có thể nói là kết quả tình cờ được xảy ra bởi một vụ nổ.

 

252. Một vật, nếu để tự nhiên, thì theo thời gian, có cứ càng ngày càng tốt đẹp hơn không?

Theo thuyết Big bang thì các mảnh vỡ xấu xí từ các ngôi sao sẽ theo thời gian mà tiến hóa thành các ngôi sao khác, và các ngôi sao đó cứ càng ngày càng tiến hóa để trở nên tốt đẹp hơn.

Nhưng điều mà khoa học ghi nhận là vũ trụ đang thoái hóa, các ngôi sao đang đốt dần hết năng lượng, mặt trời cũng đang nguội dần.

Trái đất cũng vậy. Ban đầu tốt đẹp, nhưng càng ngày càng già đi, càng ngày càng thoái hóa.

Con người hay con vật, sinh ra, nếu cứ để tự nhiên, không chăm sóc, hoặc không được tiêu thụ đồ ăn từ bên ngoài, thì sẽ chết chớ không tự nhiên tự động lớn lên và tốt đẹp hơn.

Ngay cả được chăm sóc kỹ, ăn uống đầy đủ, mà rồi cũng có một ngày già đi và suy tàn, chớ không tiến hóa để càng ngày càng mạnh khỏe tốt đẹp hơn mãi.

Các nhà khoa học Cơ-đốc giáo nói rằng đây là điều mà khoa học, Định luật 2 Entropy nhìn nhận. Định luật nầy phát biểu rằng vũ trụ vật chất sẽ ngày càng hỗn loạn hơn.

Vậy nghĩa là thực tế khoa học cũng chứng tỏ ngược lại với thuyết Big bang.

Nhưng chúng ta không dựa vào khoa học mà dựa vào Kinh Thánh. Mà Kinh Thánh thì cũng đã phán rất rõ rằng:

Hỡi Chúa, ban đầu trước hết Chúa đã dựng nền đất,

Và các từng trời cũng là công việc của tay Chúa.

Trời đất sẽ hư đi, nhưng Chúa hằng có;

Trời đất sẽ cũ đi như cái áo;

Ngài sẽ cuốn nó lại như cái áo choàng,

Rồi trời đất sẽ biến đổi,

Nhưng Chúa vẫn y nguyên,

Các năm của Chúa không hề cùng.

[Hê-bơ-rơ 1:10-12]