than hoc van dap

227. Có bao nhiêu ý kiến về Sự Sáng tạo?

Có khá nhiều ý kiến. Sau đây là những ý kiến đã được tranh luận nhiều:

(1). Thuyết “Ngày là một Thời kỳ” (Day/Age theory)

(2). Thuyết “Khoảng cách #1” (Gap theory #1)

(3). Thuyết “Khoảng cách #2” (Gap theory #2)

(4). Thuyết Omphalos (Cuống rún)

(5). Thuyết Đại hồng thủy (Great flood theory)

(6). Thuyết Ý nghĩa thuộc linh (Spiritual meaning theory)

(7). Thuyết “Trái đất trẻ” (Young earth creationism)

 

228. Thuyết “Ngày là một Thời kỳ” (Day/Age Theory) là gì?

Thuyết “Ngày là một Thời kỳ” nầy cho rằng vì chữ “ngày” trong tiếng Hê-bơ-rơ (yovm) còn có thể chỉ cho một thời kỳ, chớ không chỉ chỉ cho khoảng thời gian dài 24 giờ, và cũng vì căn cứ vào Thi 90:4 và IIPhi-e-rơ 3:8 dạy rằng vì ngày trước mắt Chúa một ngày như một ngàn năm, một ngàn năm như một ngày, nên một số Cơ-đốc nhân tin rằng mỗi “ngày” là một thời kỳ địa chất lâu đến hàng triệu năm.

 

229. Thuyết “Khoảng cách #1” (Gap Theory #1) là gì?

Những người tin theo thuyết “Khoảng cách #1” cho rằng có một khoảng cách rất lâu về thời gian giữa Sáng 1:1 với Sáng 1:2. Câu “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” là nhằm khải thị sự sáng tạo lần thứ nhất của Đức Chúa Trời, sáng tạo thế giới, trong đó có trái đất và loài người nguyên thủy, mà họ đặt tên là loài người “Tiền A-đam” (Pre-Adamic Race). Loài người Tiền-Ađam nầy sau đó đã sa ngã theo sau sự sa ngã của Sa-tan, và 1/3 tổng số thiên sứ trên trời (Khải 12:3-4). Đức Chúa Trời, trong khi đoán phạt thiên sứ cùng loài người, thì cũng đoán phạt trái đất, khiến cho nó trở nên rất hoang vu, và rất điêu tàn, như đã được mô tả trong Sáng 1:2a.

Rồi từ Sáng 1:2b trở đi, Kinh Thánh mô tả một cuộc sáng tạo mới. Vậy thì, Sách Sáng Thế Ký chương 1 thật ra đã khải thị đến hai cuộc sáng tạo. Những di vật hóa thạch của các loài động vật và thực vật mà người ta đào bới được cho đến ngày nay, là xác các sinh vật của cuộc sáng tạo thứ nhất, đã bị chôn vùi.

 

230. Thuyết “Khoảng cách #2” (Gap Theory #2) là gì?

Do việc trong Sáng Thế Ký chương 1, Kinh Thánh đã không nói rõ đến khoảng cách giữa các ngày trong 7 ngày, nên mặc dầu một ngày trong Sáng Thế Ký là một ngày 24 giờ, đã có thể có một khoảng cách thời gian rất lâu, lâu đến hàng nhiều triệu năm, giữa các ngày. Điều đó khiến cho công cuộc sáng tạo được chép trong Sáng Thế Ký có thể kéo dài đến hàng triệu, thậm chí hàng tỉ năm, không chừng.

Lý thuyết nầy được hỗ trợ bởi sự thiếu mất một cách rất đáng chú ý, của mạo tự chỉ định trước trước mỗi chữ “ngày” trong Sáng Thế Ký chương 1, của Kinh Thánh nguyên văn. Kinh Thánh nguyên văn Hê-bơ-rơ ủng hộ cho cách dịch “...one day, a second day, a third day…” của các bản Kinh Thánh Anh văn American Standard Version, Darby Bible Translation, English Revised Version,…hơn là cách dịch “…the first day, the second day, the third day,” của các bản Kinh Thánh NIV, New Living Translation, English Standard Version…

Lý thuyết “Khoảng cách #2” nầy mặc dầu vẫn bác bỏ thuyết tiến hóa, đã không có trở ngại với các tuyên bố của khoa Địa chất học hay Cổ sinh vật học về chiều dài của lịch sử sinh vật.

 

231. Thuyết Omphalos là gì?

Thuyết Omphalos cho rằng trái đất rất trẻ, đã được dựng nên trong sáu ngày, mỗi ngày dài 24 giờ, y như Kinh Thánh được hiểu theo nghĩa trực tiếp. Song vì như A-đam trong ngày vừa mới được dựng nên, thì đã là người trưởng thành, và đã có sẵn lỗ rún (chữ omphalos trong Hy văn là cái lỗ rún), thì cũng vậy, thế giới mà A-đam sống, dầu vừa mới được dựng nên thì cũng mang trạng thái của một thế giới trưởng thành. Chẳng hạn như cây cối vừa mới được dựng nên thì đã như cây trưởng thành, với nhiều vòng lớp (mà khi cưa cây ra ta sẽ thấy), minh thị số tuổi, và đã có hoa trái. Các loài sinh vật trong ngày đầu tiên thì cũng đã là sinh vật trưởng thành với đầy đủ khả năng sinh sản…Do đó mà để mọi sinh vật có thể sống động và phát triển, thế giới bắt buộc phải là thế giới trưởng thành, cho nên từ núi non, sông hồ, rong rêu, cho đến các vỉa địa tầng… thay thảy đều đã được dựng nên trong tình trạng trưởng thành, và mang dáng vẻ già nua như đã thấy.

 

232. Thuyết Đại hồng thủy (Great Flood Theory) nói gì?

Thuyết Đại hồng thủy (Great Flood Theory) cho rằng trái đất rất mới. Trận lụt thời Nô-ê với sức nặng khổng lồ của nước, cùng với tác động và sự đè nén kinh hồn của các đợt sóng, đã chôn vùi nhiều mảng lớn sinh vật, khoáng vật, đồng thời cũng kiến tạo nên bề mặt trái đất hôm nay. Chính là do sự đè nén ghê gớm của các đợt sóng nước, mà đã tạo nên trong một thời gian ngắn, nhiều lớp địa tầng cùng với những di vật hóa thạch, mà ngày nay khoa học tin rằng bình thường phải mất đến hàng triệu năm mới hình thành được.

 

233. Thuyết Ý nghĩa thuộc linh (Spiritual Meaning Theory) nói gì?

Augustine (354-430), mặc dầu vẫn cương quyết bảo vệ giá trị lịch sử của Sáng Thế Ký 1-3, và tin rằng trái đất trẻ, nhưng vẫn đã tỏ ra phóng khoáng trong việc giải thích. Vì cho rằng việc hiểu và giải thích Sáng Thế Ký 1-3 là vô cùng gian nan đối với tâm trí loài người, nên ông kêu gọi Cơ-đốc giáo giới đừng quá cố chấp về một đường lối giải thích cứng nhắc hay cố định nào đó, trái lại nên sẵn sàng chấp nhận một sự giải thích khác, của các thế hệ về sau, nếu sự giải thích đó tỏ ra đúng hơn. Về phần mình, thì Augustine có vẻ chấp nhận rằng những chữ “ngày”, “sự sáng”, “buổi chiều và buổi mai” trong Sáng Thế Ký chương 1 có thể mang ý nghĩa kép. Trong ba ngày đầu (lúc mặt trời chưa chiếu sáng trái đất), các từ liệu nầy có thể mang một ý nghĩa thuộc linh, trong đó “ngày”, “buổi chiều và buổi mai” có thể chỉ một thời kỳ, còn “sự sáng” là để chỉ cho sự sáng thuộc linh. Sau đó, những từ liệu dùng cho ba ngày còn lại thì chắc chắn mang ý nghĩa vật lý mà chúng ta vẫn thường dùng.

Nói tóm lại, quan điểm của Thánh Augustine là khá mềm dẽo. Ông nói: “Khi bạn nghe nói rằng muôn vật đã được dựng nên trong sáu ngày, bạn có thể hiểu sáu hay bảy ngày đó xảy ra liên tục mà không có một khoảng trống thời gian nào… Nếu bạn chưa có thể hiểu nổi, thì bạn nên để lại vấn đề nầy cho những người khác có khả năng xem xét”.

 

234. Thuyết “Trái đất trẻ”(Young Earth creationism) nói gì?

Thuyết “Trái đất trẻ” (Young Earth Creationism) hiểu câu chuyện về sự sáng tạo trong Sáng thế Ký theo nghĩa trực tiếp, nghĩa là toàn bộ công cuộc sáng tạo diễn ra trong sáu ngày đầu tiên, với một tuần lễ có 7 ngày và mỗi ngày dài 24 giờ. Lẽ tự nhiên, theo lý thuyết nầy, tuổi của trái đất, cũng như của nhân loại, vốn được dựng nên mấy ngày sau đó, phải là rất trẻ. Đa phần những người tin theo thuyết nầy cho rằng tuổi của trái đất cũng như của nhân loại phỏng chừng từ 6,000 năm đến 9,000 năm.

 

235. Đã có những ý kiến gì về tuổi của trái đất?

Cơ-đốc nhân tin lời Kinh Thánh, tin rằng trái đất có tuổi, nghĩa là có khởi đầu, dầu rằng bao nhiêu tuổi thì còn tùy ở cách mà người ta giải thích Sáng Thế Ký chương 1.

Từ nhiều ngàn năm qua, những người theo Thuyết Duy vật cho rằng vật chất là đời đời, như vậy nghĩa là trái đất không có bắt đầu, tức là không có tuổi. Nhà triết học Duy vật Hy lạp thời cổ, Democritos (460-370 BC), và trường phái của ông sau nầy tin rằng thế giới vật chất tự nhiên mà có, và tồn tại đời đời, vô chung, vô thỉ. Các tín ngưỡng cổ đại và trung đại ở Nam Á mà người ta vẫn gọi chung là Ấn độ giáo, rồi Kỳ na giáo, rồi Phật giáo, và một số các triết gia Trung hoa từ thời xa xưa cũng đã có niềm tin tương tự.

Niềm tin vào một “địa cầu vĩnh cửu” càng được củng cố và phát triển rộng lớn trên thế giới vào thời Cận đại, sau Cuộc Cách mạng Khoa học đồng thời với Chủ nghĩa Vô thần, đặc biệt là trong giới tôn thờ “Con bò vàng khoa học”. Thế rồi bỗng nhiên, sau nhiều năm thai nghén, vào thập niên 1950 của thế kỷ trước, thuyết “Big bang” ra đời, vụt một cái làm thay đổi hẳn tư duy. Thuyết nầy được khá nhiều giới khoa học lẫn triết học (kể cả Giáo hoàng Công giáo Pius XII) chấp nhận. Theo lý thuyết nầy (thật ra thì cũng chỉ là giả thuyết), vũ trụ vật chất đã được bắt đầu bằng một vụ nổ lớn. Mà một khi đã chấp nhận thế giới vật chất có tuổi, thì dĩ nhiên cũng phải chấp nhận trái đất có tuổi chớ không phải hiện hữu đời đời. Vậy là sau bao nhiêu năm suy nghĩ trái chiều, thậm chí cũng đã có những lúc tranh luận gay gắt, cuối cùng các nhà Duy vật lại đồng ý với Sáng Thế Ký chương 1, ở một điểm quan trọng: Trái đất có tuổi.

Nhưng trái đất đã già bao nhiêu?

Từ thế kỷ thứ 18 trở về trước, đại đa số Cơ-đốc nhân, nói chung, vẫn tin rằng tuổi của trái đất, vốn là “bạn đồng tuế” của loài người, ở đâu đó vào khoảng từ 6000 đến 9000 năm. Vào năm 1648, James Ussher (1581 -1656), vị Tổng Giám mục của Anh giáo, đã căn cứ vào các gia phổ trong Kinh Thánh, viết ra một quyển biên niên sử Cựu Ước, quyển “Annals of the Old Testament, deduced from the first origins of the world”. Trong quyển sử nầy, Ussher đã còn định luôn cả “sinh nhựt” của trái đất. Theo Ussher trái đất đã được dựng nên vào lúc 9:00 giờ sáng ngày 23 tháng Mười năm 4004 BC. Như vậy, cứ theo như Ussher, tính đến năm nay, 2020, hành tinh thân yêu của chúng ta đã được gần 6022 tuổi thọ.

Quyển sử của Ussher phát hành (năm 1650), được dư luận đón nhận trái ngược. Một số Cơ đốc nhân đã tin tưởng vào niên đại nầy, và thỉnh thoảng có người còn đi xa hơn nữa bằng việc định ra luôn thời điểm ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm, từng gây nên những tranh luận sôi nổi và những thất vọng cay đắng. Một số khác không chấp nhận, lý luận rằng mặc dầu Kinh Thánh tuyệt đối khả tín về mặt lịch sử, lịch sử Kinh Thánh là lịch sử còn chép theo thể “”đề tài” chớ không phải chỉ theo thể “biên niên”. Các nhân vật trong gia phổ của Cựu Ước trước thời Áp-ra-ham là những nhân vật điển hình của các thời đại; Hơn nữa, những chữ “cha”, “con” “sinh” trong tiếng Hê-bơ-rơ cổ (mà Hy lạp Tân Ước cũng vậy) có khi chỉ dùng để nói lên mối liên hệ huyết thống, chớ không phải chỉ để ghi nhận sự sinh đẻ trực tiếp.   

Vậy thì trái đất bao nhiêu tuổi? Bao nhiêu tuổi là tùy ở việc chúng ta hiểu thế nào về văn phạm, ngữ nghĩa và nguyên tắc diễn đạt trong Sáng Thế Ký chương 1. Nếu hiểu theo nghĩa trực tiếp (literally) thì tuổi của trái đất là từ 6000 đến 9000. Trong trường hợp nầy tỉ lệ khác biệt giữa những người tính theo cách nầy với phần đông các nhà khoa học hiện đại là đúng một phần triệu (1/1,000,000). Sỡ dĩ có sự khác biệt lớn đến dường ấy, là vì các ngài ấy đã dùng phương pháp Carbon 14 (là phương pháp căn cứ vào tỷ lệ giữa khả năng và mức độ phóng xạ của uranium đã biến thành chì và helium trong một vật, để đo tuổi vật ấy), và đưa ra kết luận rằng tuổi của trái đất là từ 6 tỷ đến 9 tỷ năm. 

Nhưng không sao. Bởi vì, Kinh Thánh chưa hề xác định trái đất là bao nhiêu tuổi. Các nhà khoa học Cơ-đốc và các nhà giải nghĩa Kinh Thánh cũng vậy. Vả chăng, tất các phương cách định tuổi của khoa Địa chất và khoa Cổ sinh vật học cho đến nay vẫn còn bị tranh luận nhiều, vì đã chứng tỏ là có quá nhiều lỗ hổng cũng như rất nhiều những vấn nạn chưa giải quyết được. Hơn nữa, các khám phá của khoa học về thế giới nầy cho đến nay, chỉ mới là những cố gắng của loài chim én, nhiều lắm thì cũng chỉ  bay xơn xớt được, bên trên của cái bề mặt đại dương bao la và đầy bí mật nầy của vũ trụ.

 

236. Dường như quan điểm về một trái đất trẻ ngày nay càng ngày càng được thêm sự ủng hộ?

Trải mấy ngàn năm, trong Do thái giáo và Cơ-đốc giáo giới, người ta tin rằng trái đất khá trẻ, vì như Donald England đã từng viết trong quyển “A Christian View of Origins” rằng Kinh Thánh Sáng Thế Ký luôn luôn để lại cho người đọc nó, dầu xưa hay nay, “cái cảm tưởng rằng trái đất và loài người đều khá trẻ”. Ngay cả Augustin, dầu rất phóng khoáng trong việc chấp nhận các quan điểm khác mình, thì cũng cho rằng theo Kinh Thánh thì lịch sử loài người cho đến thời ông chỉ chừng hơn 4000 năm.

Đến thế kỷ 17, Shakespeare cũng vẫn còn vô tư phát biểu: “The poor world is almost 6,000 years old”*…

Mãi cho đến vài ba thế kỷ gần đây, trước áp lực nặng nề từ tuyên bố của một số giới khoa học, đặc biệt là khoa Địa chất và Cổ sinh vật học, các nhà Thần học và khoa học Cơ-đốc cũng đã phải khoan nhượng khá nhiều. Một khoa học gia Cơ-đốc đã nói: “Một người thành thực không thể cứ làm ngơ khi mà sự cách biệt của chúng ta với của họ về tuổi của trái đất đã lên đến hàng triệu lần như vậy” (một bên 6 là ngàn năm, một bên là 6 tỷ năm). Sự khoan nhượng nầy được phản ảnh qua các lý thuyết được đưa ra sau đó, mà nhìn chung, đều như muốn nói: “Nếu hiểu đúng Kinh Thánh, thì trái đất cũng đã khá già…”.

Nhưng rồi trải thời gian, nhứt là từ giữa thế kỷ 20 về sau, khi càng ngày càng phát giác ra được những kết luận không đáng tin cậy, những lỗ hổng, những bế tắc và những vô lý không giải quyết được của khoa Địa chất và khoa Cổ sinh vật học, thì nhiều khoa học gia Cơ-đốc lại đã bắt đầu có khuynh hướng thiên về một trái đất trẻ. Cho đến nay, đã có một lực lượng khá đông các khoa học gia Cơ-đốc tin rằng trái đất khá trẻ. Có một vài người như Christian C. J. Bunsen chẳng hạn, tin rằng trái đất trẻ chừng 20,000 năm, song phần đông giữ lập trường rất trẻ, trẻ đến từ 6000 đến 9000 năm.

Cho đến nay, nhóm “Trái đất trẻ” đã tìm được đến hơn một trăm chứng lý bênh vực cho niềm tin của họ. Xin phép đươc nhắc lại: Hơn một trăm!

Thật ra, hôm nay nếu chúng ta vào thăm các trang mạng của Young Earth creationism, chúng ta sẽ tìm thấy những chứng lý và những tài liệu rất thuyết phục, và hết sức ấn tượng.

Vào năm 2017, theo Viện thăm dò ý kiến Gallup, có đến 38% người trưởng thành tại Mỹ tin theo quan điểm “Trái đất trẻ”. Quan điểm nầy hiện cũng đang được khá nhiều ủng hộ trong giới Tin Lành Bảo thủ tại Mỹ. Mấy năm trước đây, Dân biểu Mỹ, Bác sĩ Paul Broun, trong một bài nói chuyện tại Hội thánh Báp tít Liberty, đã phát biểu rất mạnh:

“Lời của Đức Chúa Trời là thật. Tôi biết rõ điều đó. Tất cả những điều tôi được dạy về tiến hóa, phôi học, và lý thuyết vụ nổ lớn, tất cả đều đến từ địa ngục”. “Đó là sự giảng dạy dối trá để cố giữ tôi và tất cả mọi người không hiểu rằng họ tuyệt đối cần đến một Cứu Chúa”.

Bạn thấy đấy, có rất nhiều dữ liệu khoa học mà tôi đã phát hiện ra với tư cách là một nhà khoa học, đã thực sự cho thấy Trái đất trẻ. Tôi không tin rằng trái đất có tuổi đời nhiều hơn 9.000 năm. Tôi tin rằng nó đã được tạo ra trong sáu ngày, y như những gì Kinh thánh nói.”

Còn phải chờ đợi một thời gian nữa mới biết hết được lời tuyên bố của ông dân biểu sẽ đem lại kết quả hay hậu quả nào. Mặc dầu được cử tọa nhiệt liệt tán thành, một lời tuyên bố như vậy tất nhiên có thể hứng chịu chỉ trích. Một số Cơ-đốc nhân cũng chỉ trích ông. Khó khăn cho ông là ngày nay tại Bắc Mỹ và Âu châu đang có một hiện tượng bất công ngược với thời Trung cổ: Hễ ai tin Kinh Thánh thì bị cho phạm tội lỗi với khoa học. Tuy nhiên, cho đến hôm nay thì sự chỉ trích đã không mạnh được như lúc đầu người ta tưởng. Không phải là vì người ta thương ông, nhưng vì xem xét lại người ta vỡ lẽ ra rằng chỉ trích ông không phải là việc dễ. Trước hết, Paul Broun không phải là một thầy lang vườn, hay một anh rao bán cao đơn hoàn tán. Ông là một bác sĩ y khoa, lại có bằng Cử nhân Hóa học. Paul Broun cũng không phải là một nghị gật mù chữ. Ông là một con trai của một thượng nghị sĩ, lại là thành viên cao cấp của Ủy ban Khoa học tại Hạ viện Mỹ. Nhưng quan trọng hơn hết không phải là vì những lý do vừa nói đó: Quan trọng hơn hết chính là vì thuyết Trái đất trẻ ngày nay đã có hơn một trăm chứng lý khoa học.

*Trái đất tội nghiệp nầy vậy là đã có 6000 tuổi rồi.

 

237. Quan điểm của John D. Olsen về tuổi của trái đất là như thế nào?

Vả, kê cứu Kinh Thánh thì thấy không nói rõ về tuổi của vũ trụ, chỉ nói rằng: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.” (Sáng 1:1). Cái lúc “ban đầu” đó dài ngắn thể nào khó đoán cho chắc, vì ấy thuộc về cách thức Đức Chúa Trời dùng mà sáng tạo muôn vật, là điều Đức Chúa Trời cũng chẳng từng tỏ bày ra cho ai biết rõ. Trong Sáng thế ký, đoạn đầu, có nói Đức Chúa Trời dựng nên muôn vật trong sáu ngày. Nhưng khó biết hoặc chữ ngày ấy có nghĩa là một ngày 24 giờ đồng hồ hay là khoảng thời gian dài hơn. Vì Kinh Thánh thường dùng chữ ngày theo hai cách, một là khoảng dài 24 giờ đồng hồ, hai là một thì giờ không nhất định, như ngày phán xét (Ma 10:15), ngày cứu rỗi (IICôr 6:2), ngày của Giê-hô-va (Xa 14:9), v...v… Phierơ cũng dạy rằng ở trước mặt Chúa một ngày như một năm, và một ngàn năm như một ngày vậy (IIPhi-e-rơ 3:8).

Vả, chữ ngày dài 24 giờ đồng hồ định nghĩa theo địa cầu xoay chung quanh mặt trời một vòng. Nhưng ta thấy ngày đầu tiên truyện sáng tạo không có mặt trời; đến ngày thứ tư mới có vì sáng ấy. Vậy, chữ ngày của truyện ấy có lẽ không chỉ về một khoảng 24 giờ đồng hồ, bèn chỉ về những khoảng thời đại khá dài, mỗi khoảng hoặc một ngàn năm, hoặc vạn năm, hoặc dài hơn nữa thì khó biết được. Song ta có thể đoán định chắc chắn rằng trong truyện tích thuật lại cuộc sáng tạo ấy chẳng có điều gì phản đối với ý kiến của khoa học về thì giờ dựng nên vũ trụ. Câu “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” có thể gồm lại sáu ngày, một ngày dài 24 giờ đồng hồ, mà cũng có thể gồm lại mấy ức triệu năm nữa. Đức Chúa Trời là Đấng toàn năng, theo ý chỉ mình làm mọi sự, nên cũng có thể dựng nên muôn vật nội trong sáu ngày; cũng có thể dùng phương cách khác trải qua thời gian dài hơn mà làm xong việc lạ lùng ấy. Kinh Thánh chẳng nói thời gian ấy dài ngắn bao nhiêu, cũng chẳng có lời gì phản đối với khoa học. Duy Kinh Thánh có dạy rõ ràng điều nầy, Đức Chúa Trời dựng nên muôn vật theo loại: Trước hết Ngài dựng nên vật chất, rồi đến loài thực vật, sau thì có loài động vật, rồi mới đến loài người. Các loài ấy chẳng theo luật tấn hóa mà có, đến đỗi loài nầy do loài kia mà ra; duy mỗi loài đều được Đức Chúa Trời dựng nên cách trực tiếp như ta đã thấy vậy.

Lý học có lẽ sai lầm, Kinh Thánh thì không: Khoa học chân thật và tôn giáo chính thống đều là lẽ thật của Đức Chúa Trời, cho nên học vấn và đạo giáo chẳng có chỗ nào phản đối nhau được. Sự công kích của khoa học giới do thiên kiến của kẻ vô tín, chớ chẳng tại sự học vấn và đạo giáo không thích hiệp nhau đâu. Lắm nhà khoa học càng kê cứu tính chất muôn vật, càng thấy đại quyền đại năng của Đấng Tạo hóa, công nhận Kinh Thánh bao giờ cũng mới mẻ, đúng đắn mọi bề; họ phát kiến vật lý của muôn vật bao nhiêu, cũng thấy chẳng phản đối với lẽ thật của Đức Chúa Trời bấy nhiêu. Nhưng mà nghị luận và lý tưởng của khoa học hay ức đạt nhiều, đoán án lắm khi bông lông huyền ảo không chắc chắn gì. Ta thường nghe ông nầy phát minh một điều phản đối hẳn với nhà kia. Đời nay tin điều kia là lệ định của muôn vật, rồi đến đời sau họ lại phủ quyết lời ấy, rồi lập lên những lời khác. Như lý thuyết dạy rằng loài người do loài khỉ tiến hóa, nhưng giữa con khỉ và loài người có vực sâu rất rộng lớn, nên họ lại xướng rằng ở giữa hai loài ấy chắc có vật gì chuyển qua. Nhưng trải qua bốn năm chục năm nay họ đã tìm khắp sông biển rừng núi trên mặt đất nầy mà chưa gặp một cái gì làm xác chứng cho ý kiến ấy.

Chúng ta xây bỏ các tư tưởng lẩn thẩn ức đạt vô lý đó mà xét qua Kinh Thánh, thì thấy lời khải thị của Đức Chúa Trời rất rõ rệt rất chắc chắn, không hề theo thời gian mà thay đổi bao giờ. Dầu trải năm nầy qua năm khác, đời nọ sang đời kia, thế sự có vần xây, người vật có biến đổi, thì đạo Kinh Thánh từ ngàn xưa cũng không hề thay đổi, đời đời hằng mới mẻ, làm thỏa mãn kẻ có lòng tin mọi bề. Vậy, ta đoán rằng Kinh Thánh chẳng phản đối khoa học thực nghiệm có bằng chứng xác thực đâu; duy phản đối với tư tưởng bông lông ức đạt do lòng dữ và chẳng tin mà ra đó thôi.

 

238. Mãi cho đến thời Trung cổ, người ta vẫn còn tin rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ. Niềm tin ấy ngày nay có còn đúng không?

Đây là một niềm tin, một cái nhìn rất phổ biến từ thời Thượng cổ mãi cho đến tận cuối thời Trung cổ. Mọi dân tộc đều tin rằng, đều nghĩ rằng, trái đất là trung tâm của vũ trụ.

Các nhà khoa học thời nay có thể chê cười niềm tin nầy, nhưng thật ra niềm tin nầy phát xuất từ một quan điểm lành mạnh khôn ngoan: Con người là trung tâm, là cao điểm, là vương miện của công cuộc sáng tạo.

Như người Trung hoa chẳng hạn. Từ xưa họ đã nói: “Thiên sanh vạn vật, duy nhân tối linh”, Trời sanh ra muôn vật, song chỉ có con người là thiêng liêng cao quý hơn hết. Quan niệm trời đất muôn vật được Đấng Tạo Hóa lập nên là vì cớ con người là một quan niệm phổ biến.

Nhưng ở Châu Âu vào 1543 một nhà bác học lỗi lạc người Balan tên là Nicolaus Copernicus (1473-1543) đã cho in tác phẩm “De revolutionibus orbium coelestium” (Sự vận hành của các thiên thể) trước giờ chết, làm đảo lộn suy nghĩ của hàng ngàn năm. Đảo lộn là khi Copernicus quả quyết rằng chính mặt trời, chớ không phải trái đất mới thật là trung tâm của vũ trụ. Sau đó những nhà Thiên văn tài danh như Galileo (1564-1642), toán học lỗi lạc như Kepler (1571-1630) đã làm cho thuyết mặt trời là trung tâm của vũ trụ trở thành quan điểm chính thống của khoa học cho đến tận cuối thế kỷ 17.

Sang thế kỷ 18 do sự tiến bộ của khoa Thiên văn, người ta bắt đầu thấy rằng mặt trời thật ra chỉ là một hành tinh bé nhỏ trong đống sao vĩ đại của Giải Ngân hà và của cả vũ trụ. Từ cuối Thế kỷ 19 trở đi, vì thấy rằng vũ trụ lại có vô số thiên hà, nên chẳng còn biết ở đâu là trung tâm. Quan điểm chung của giới khoa học là một vũ trụ vô trung tâm, hay đúng ra, chẳng biết đâu là trung tâm.

Nhưng khi khoa Thiên văn học vô cảm không định được trung tâm vũ trụ, thì quan điểm trái đất là trung tâm lại hóa ra trở nên nổi trội. Bởi vì thế giới nầy không phải là một sơ đồ thiên văn, mà là một thế giới sống. Bằng cái nhìn thiên văn thuần túy, con người không thể sống nổi. Khi bằng cái nhìn thiên văn, chính Kinh Thánh cũng dạy rằng trái đất nầy được treo giữa khoảng không, và như thế vũ trụ chẳng hề có bề trên bề dưới gì cả. Nhưng văn hóa của Kinh Thánh và văn hóa của sự sống mà Thiên Chúa đặt bên trong con người, tỏ cho họ biết rằng họ luôn luôn “ở phía trên” của quả địa cầu trong tư thế “đầu đội trời, chân đạp đất”; và chưa từng ai trong thế gian phải hãi hùng vì cái cảm giác mình bị trút xuống hoặc rơi ngang vào vực sâu không đáy mỗi ngày đến mười mấy tiếng đồng hồ. Vào thế kỷ 17 khi thuyết mặt trời là trung tâm còn thống lĩnh tâm trí giới khoa học, người ta đã buộc tội cho Ptolémée về “Sơ đồ vận hành của các thiên thể” của ông, và cũng nhơn đó bóng gió buộc tội Kinh Thánh. Nhân loại ngày xưa khi nhìn ra thế giới họ đâu có biết Kinh Thánh, mà cũng đâu có biết Ptolémée là ai. Vả lại, từ xa xưa, trong giới học giả Hy lạp cũng đã có nhiều người cho rằng mặt trời mới là trung tâm, nhưng khi Kinh Thánh cũng như nhân loại nhìn trái đất là trung tâm là nhìn theo khía cạnh văn hóa của đời sống, chớ không nhìn theo cái nhìn của khoa Thiên văn. Khi đọc câu chuyện sáng thế trong Kinh Thánh đây là điều thấy được rất rõ: Đức Chúa Trời dựng nên thế giới với vô vàn các thiên thể khác là vì để cho trái đất thành một nơi sống được. Và vì Đức Chúa Trời dựng nên trái đất thành một nơi sống được là vì để con cho người sống trên đó. Vậy thì, vì cớ con người là trung tâm của công cuộc sáng tạo, cho nên trái đất trở thành trung tâm của vũ trụ vật lý.