- Được viết bởi: Nguyễn Thiên Ý
- Chuyên mục: Quyển II - THƯỢNG ĐẾ HỌC
218. Sự sáng tạo là công việc của ai?
Sự sáng tạo là công cuộc lớn lao đầy quyền năng do Ba Ngôi Đức Chúa Trời đồng hiệp nhau mà thi hành vào lúc bắt đầu của thời gian. Trong công cuộc nầy cả ba Ngôi đều dự phần đến: Đức Chúa Cha là đấng hoạch định và khởi động. Đức Chúa Con là Đấng thi hành, và Đức Thánh Linh là Đấng thành toàn.*
Sáng 1:1 trong tiếng Hê-bơ-rơ tỏ ra khá rõ lẽ đạo nầy, khi Danh Đức Chúa Trời אֱלֹהִ֑ים (E·lo·him) được viết ở đa số, như là ba Ngôi, còn động từ dựng nên בָּרָ֣א (ba·ra) thì lại đơn số, như là hiệp lại thành một Đấng, một Chủ thể duy nhứt là Đức Chúa Trời.
*Trong lịch sử, có hai công cuộc vĩ đại mà Đức Chúa Trời đã thực hiện là Sáng tạo và Cứu rỗi. Hai công cuộc nầy đều được Ba Ngôi Đức Chúa Trời hợp tác trọn vẹn mà thi hành. Sau nầy qua đề tài Cứu thục học sẽ nói rõ hơn.
219. Đức Chúa Trời đã dùng vật liệu gì ban đầu để sáng tạo ra thế giới?
Đức Chúa Trời không dùng vật liệu gì có sẵn, bèn lấy lời quyền năng của Ngài mà sáng tạo ra cả vũ trụ hữu hình và vũ trụ vô hình, theo nguyên chỉ tốt đẹp và đầy ơn điển của Ngài.
Các nhà Thần học dùng từ “ex nihilo”* để mô tả việc Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ không từ một vật liệu có sẵn nào cả nầy.
*Ex nihilo: Tiếng La tinh, có nghĩa là “ra từ không có gì cả”.
Kinh Thánh Hê-bơ-rơ 11:3 chép: “Bởi đức tin, chúng ta biết rằng thế gian đã làm nên bởi lời của Đức Chúa Trời, đến nỗi những vật bày ra đó đều chẳng phải từ vật thấy được mà đến.”
Thi 33:6: “Các từng trời được làm nên bởi lời Đức Giê-hô-va, Cả cơ binh trời bởi hơi thở của miệng Ngài mà có”.
Thi 33:9: “Vì Ngài phán, thì việc liền có; Ngài biểu, thì vật bèn đứng vững bền”.
Thi 148:5 “Cả thảy khá ngợi khen danh Đức Giê-hô-va; Vì Ngài ra lịnh, thảy bèn được dựng nên”.
220. Ngày nay Đức Chúa Trời còn tiếp tục sáng tạo những vật mới theo nghĩa “ex nihilo” không?
Không, nếu hiểu sự sáng tạo theo nghĩa “ex nihilo”. Theo nghĩa nầy, thì sự sáng tạo của Đức Chúa Trời đã hoàn tất trong ngày thứ sáu của tuần lễ sáng tạo.
“Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chánh, hoặc cầm quyền, đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả. Ngài có trước muôn vật, và muôn vật đứng vững trong Ngài. [Cô-lô-se 1:16-17]
For in him all things were created: things in heaven and on earth, visible and invisible, whether thrones or powers or rulers or authorities; all things have been created through him and for him. He is before all things, and in him all things hold together (NIV).
For by Him all things were created that are in heaven and that are on earth, visible and invisible, whether thrones or dominions or principalities or powers. All things were created through Him and for Him.And he is before all things, and by him all things consist (King James Bible).
Luật thứ nhứt và Luật thứ hai của thuyết Nhiệt động lực học (First and Second Laws of Thermodynamics) cũng bác bỏ việc Ngài sáng tạo thêm từ không có gì cả.
Vấn đề nầy sẽ được làm rõ hơn trong phần giải luận về thuyết Tiến hóa.
221. Ngày nay Đức Chúa Trời còn tiếp tục sáng tạo những vật mới theo nghĩa “công lệ” không?
Có. Nếu hiểu sự sáng tạo theo công lệ. Theo nghĩa nầy, Đức Chúa Trời dùng công lệ cha mẹ sanh con để sinh sản ra những thế hệ mới. Kinh Thánh chép:
Điều đó sẽ ghi để cho đời tương lai,
Một dân sự được dựng nên về sau sẽ ngợi khen Đức Giê-hô-va; [Thi 102:18]
Let this be written for a future generation, that a people not yet created may praise the LORD (NIV)
This shall be written for the generation to come: and the people which shall be created shall praise the LORD (King James Bible).
Ngày nay, tất cả mọi loài sinh vật, kể cả loài người, đều là vật thọ tạo của Đức Chúa Trời theo ý nghĩa nầy.
222. Trong sự sáng tạo, tương quan giữa thời gian và không gian là như thế nào?
Thời gian là một khái niệm về sự lâu giữa hai sự kiện. Thí dụ sự lâu giữa dao động qua lại của con lắc đồng hồ là 1 giây, sự lâu trong sự vận động của trái đất và mặt trời sao cho mặt trời đứng chính ngọ vào một điểm nào đó của trái đất là 1 ngày, sự lâu giữa cuộc cách mạng Mỹ (1776) cho đến cuộc cách mạng Pháp (1789) là 13 năm, sự lâu của hai biến cố sinh ra và chết đi của nhà Truyền giáo Billy Graham là 100 năm (1918 –2018)…
Thời gian và thế giới vật chất là cặp con sinh đôi theo kiểu Xiêm, "Siamese twins", vì là hai thành quả của cùng một sự sáng tạo, và vì cả hai xuất hiện cùng một lúc, và bất khả phân ly. Các nhà triết học và khoa học đều nói rằng nếu không có chuyển động hay vận động của vật chất, thì không có thời gian. Điều nầy là rõ ràng, vì thời gian là sự lâu giữa hai chuyển động vật chất. Nếu mọi vật trong vũ trụ đều tuyệt đối đứng yên, nghĩa là tuyệt đối không có một biến cố, một sự kiện nào xảy ra, thì khái niệm về thời gian trở nên vô nghĩa. Albert Einstein nói: “Nếu vật chất và vận động của nó biến mất, thì cũng không còn thời gian nữa”.
Nhưng muốn có sự vận động của vật chất thì trước hết phải có vật chất. Vì vậy, “Trước khi chưa có trời đất, chưa có thời gian” (Augustine 354-430AD). Augustine lại cũng còn nói: “Thế giới đã không bắt đầu trong thời gian, mà với thời gian” (The world was made not in Time, but together with Time)*.
Như vậy thời gian bắt đầu đồng thời với sự bắt đầu của thế giới vật chất. Mà hễ phàm sự gì đã có điểm bắt đầu thì cũng phải có điểm kết thúc. Vậy thì thời gian đã bắt đầu bằng sự bắt đầu của thế giời vật chất, cũng sẽ chấm dứt khi thế giới vật chất nầy không còn nữa.
*Điểm mà thế giới vật chất và thời gian từ không đến có, tức là điểm mà cả không gian và thời gian bắt đầu xuất hiện, các nhà khoa học đặt tên là “Điểm kỳ dị không-thời gian”(spacetime singularity). Điểm nầy ngắn đến mức chỉ kéo dài bằng 10-36 của giây, hay là 1 phần tỷ tỷ tỷ tỷ (0,000 000 000 000 000 000 000 000 000 000 000 001) của một giây đồng hồ. Tên nầy do các nhà theo thuyết Big bang đặt ra, nhưng vẫn dùng được cho Thuyết Sáng tạo, để chỉ thời điểm vật chất xuất hiện và thời gian bắt đầu được đo.
223. Trong sự sáng tạo, tương quan giữa thời gian và cõi đời đời là như thế nào?
Một cách nôm na, đời đời là khái niệm về sự trước, trong. và sau thời gian. Như vậy, trước khi có thời gian là đời đời, rồi đến thời gian, lúc nầy thì cõi đời đời gói cõi thời gian, và sau khi thời gian kết thúc, lại cũng là đời đời nữa.
Trong Kinh Thánh có hai chữ “Ban đầu” quan trọng. Chữ “Ban đầu” trong Sáng 1:1, là ban đầu của thời gian. Chữ “Ban đầu” trong Tin Lành Giăng 1:1 là ban đầu của đời đời. Theo định nghĩa thì "đời đời" là vô thỉ, vô chung, nghĩa là không có bắt đầu cũng không có kết thúc. Vậy thì, khi phán “Ban đầu có Ngôi Lời…” (Gi 1:1) Đức Chúa Trời đã dùng ngôn ngữ và văn hóa giới hạn của con người, để làm phương châm mặc khải cho con người hiện đang sống trong hữu hạn của thời gian, về những sự vô hạn của đời đời.
Đời đời là bao lâu? Tâm trí chúng ta, vốn liên hệ trực tiếp với hoạt động của não bộ, là một khối vật chất, thật không thể nào lãnh hội nỗi. Thời gian, mặc dầu cũng chỉ là một ý niệm, nhưng vì thời gian còn quy chiếu vào thế giới vật chất hữu hình, hữu hạn, cho nên (sự tưởng tượng của) tâm trí của ta còn lãnh hội được. Chớ còn như đến "đời đời" là bao lâu thì vì nó quy chiếu với vô hạn, nên (sự tưởng tượng của) tâm trí của ta đành bất lực.
Cho nên ngồi mà tưởng tượng ra "ban đầu" trong Sáng Thế Ký thì dễ hơn là ngồi mà tưởng tượng ra "ban đầu" trong Tin lành Giăng. Điều nầy cũng giống như ngồi mà tưởng tượng ra sự bao la rộng lớn của thế giới vật chất, tức là không gian hữu hạn, thì dễ hơn là ngồi mà tưởng tượng ra sự bao la rộng lớn của "vô tận" hay "vô cùng" vậy.
Vậy, muốn lãnh hội trọn vẹn được đời đời, vốn vượt khỏi thời gian, chúng ta cần đến một ý thức mới. Cho đến nay, và sẽ cho đến chừng nào còn ở trong thân thể vật chất nầy, khi mà ý thức còn gắn liền với não bộ, sự biết về đời đời của chúng ta chúng ta còn bị hạn chế, còn có giới hạn. “Ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương, cách mập mờ: đến bấy giờ chúng ta sẽ thấy hai mặt đối nhau; ngày nay tôi biết chưa hết: đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy” [ICôr 13:12]. Để có thể "biết" về cõi đời đời một cách trọn vẹn, chúng ta cần phải đợi đến giờ phút chót của cuộc sống trần thế.
224. Đức Chúa Trời đã sáng tạo thế giới vì ai?
Xin thưa là vì Đức Chúa Jesus Christ. Kinh Thánh chép:
“Ấy chính Ngài là hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được, là Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên. Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chánh, hoặc cầm quyền, đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả. Ngài có trước muôn vật, và muôn vật đứng vững trong Ngài… Vì chưng Đức Chúa Trời đã vui lòng khiến mọi sự đầy dẫy của mình chứa trong Ngài, và bởi huyết Ngài trên thập tự giá, thì đã làm nên hòa bình, khiến muôn vật dưới đất trên trời đều nhờ Ngài mà hòa thuận cùng chính mình Đức Chúa Trời” [Cô-lô-se 1:15-20]
“Khi các sinh vật lấy những sự vinh hiển, tôn quí, cảm tạ mà dâng cho Đấng ngự trên ngôi là Đấng hằng sống đời đời, thì hai mươi bốn trưởng lão sấp mình xuống trước mặt Đấng ngự trên ngôi, và thờ lạy Đấng hằng sống đời đời; rồi quăng mão triều thiên mình trước ngôi mà rằng:
Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh hiển, tôn quí và quyền lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý muốn Chúa mà muôn vật mới có và đã được dựng nên. [Khải 4:9-11]
Đối với những người hư mất và những “con bạn nghịch” [Ê-phê-sô 2:2], thì những câu nầy có thể khiến lòng họ cay đắng, vì họ đặt mình làm trung tâm và sống cho mình, nhưng đối với con cái của Đức Chúa Trời thì những câu nầy là chân lý, dẫn họ vào một nguyên tắc sống cao cả và cực kỳ khôn ngoan, là đặt Đấng Christ làm trung tâm của cuộc đời mình, và sống cho Ngài.
Các sinh vật ở đây, chỉ cho cả muôn vật, còn 24 trưởng lão ở đây đại diện cho cả Hội thánh Cựu và Tân ước, đều lấy những sự vinh hiển, tôn quí, cảm tạ mà dâng cho Đấng ngự trên ngôi là Đấng hằng sống đời đời, và hai mươi bốn trưởng lão sấp mình xuống trước mặt Đấng ngự trên ngôi, và thờ lạy Đấng hằng sống đời đời; rồi quăng mão triều thiên mình trước ngôi, tỏ ra rằng việc xứng đáng cho mỗi người là sống để cảm tạ, tôn vinh, thờ phượng và hầu việc Đức Chúa Trời.
225. Tại sao Kinh Thánh lại nói rằng vũ trụ và trái đất đã được dựng nên cho loài người ở, và các nhà Thần học thì vẫn nói loài người là vương miện của công cuộc sáng tạo.
Đúng vậy. Ê-sai 45:18 có chép: “Vì Đức Giê-hô-va, là Đấng đã dựng nên các từng trời, tức là Đức Chúa Trời đã tạo thành đất và làm ra nó, đã lập nó cho bền vững, chẳng phải dựng nên là trống không, bèn đã làm nên để dân ở…”. Nhưng chúng ta phải phân biệt mục đích trực tiếp và mục đích tối hậu.
Quả thật, vũ trụ và trái đất được dựng nên vì cớ loài người, nhưng loài người được dựng nên là vì cớ Đấng Christ.
Điều nầy cũng giống như một nhà quý phái kia sửa soạn một chậu rất đẹp và đất rất tốt, rồi trồng một giống hoa rất quý vào đó. Nay nếu chúng ta hỏi rằng mục đích của việc sửa soạn chậu rất đẹp và đất rất tốt đó mục đích là để làm gì, thì câu trả lời trực tiếp là để trồng loài hoa rất quý kia.
Nhưng mục đích tối hậu của việc trồng hoa không phải là vì chính cây hoa quý đó, mà chính là vì người trồng. Vì ý muốn của người trồng mà cây hoa mới có và đã được trồng nên.
Cũng vậy, ấy là “Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chánh, hoặc cầm quyền, đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả. [Cô-lô-se 1:16]
và:
Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh hiển, tôn quí và quyền lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý muốn Chúa mà muôn vật mới có và đã được dựng nên. [Khải 4:11]
226. Sự kết luận về mục đích tối hậu của sự dựng nên muôn vật đã dạy chúng ta điều gì?
Sự kết luận về mục đích tối hậu của sự sự dựng nên muôn vật đã dạy chúng ta một nguyên tắc sống tuyệt đỉnh cao cả và cực kỳ khôn ngoan. Nguyên tắc đó là: đặt Đấng Christ làm trung tâm của cuộc đời và mục đích của đời sống.
Nguyên tắc đặt Đấng Christ làm trung tâm của cuộc đời và mục đích của đời sống nầy đã từng được miệng chính Con Đức Chúa Trời phán ra, và được Kinh Thánh lặp lại nhiều lần, trong cả bốn sách Tin lành:
Ma-thi-ơ 10:39: Ai gìn giữ sự sống mình, thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta mất sự sống mình, thì sẽ tìm lại được.
Ma-thi-ơ 16:25: Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mà mất sự sống thì sẽ được lại.
Mác 8:35: Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta và đạo Tin lành mà mất sự sống, thì sẽ cứu.
Lu-ca 9:24: Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mất sự sống, thì sẽ cứu.
Lu-ca 17:33: Ai kiếm cách cứu sự sống mình, thì sẽ mất; ai mất sự sống mình, thì sẽ được lại.
Giăng 12:25: Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất đi, ai ghét sự sống mình trong đời nầy thì sẽ giữ lại đến sự sống đời đời.
Thiết tưởng đây chắc hẳn phải là một trong những câu vĩ đại nhứt của Kinh Thánh, và là một trong những chân lý vĩ đại nhứt của vũ trụ nầy.
Bởi vì mỗi cuộc đời ta, rồi ra chắc chắn cũng sẽ kinh nghiệm rằng, cho dù ta có được kể là thành công trên đời đến bao nhiêu, nếu ta còn đặt mình làm trung tâm và sống cho mình, thì ta sẽ mãi mãi thấy cuộc đời là vô nghĩa, trống rỗng, rối ren và hoang phí.
Nhưng nếu ta đặt Đấng Christ làm trung tâm của cuộc đời, mục đích của đời sống, và làm đối tượng cho mọi phục vụ, thì dù cho đời sống ta có trải qua những cảnh gian truân nào đi nữa, ta vẫn cảm thấy rằng đời mình thật sự có ý nghĩa, đúng mục đích, và vô cùng phong phú.
Và ta cũng sẽ kinh nghiệm rằng ngày nào, giờ nào, phút nào, giây nào, mà ta đặt mình làm trung tâm, và sống cho mình thì ta mất sự sống ngày đó, giờ đó, phút đó, giây đó.
Và ngày nào, giờ nào, phút nào, giây nào, mà ta đặt Đấng Christ làm trung tâm, và sống cho Ngài thì ta được sự sống ngày đó, giờ đó, phút đó, giây đó.