than hoc van dap (Đề tài Nguyên tri dường như rất ít được nhắc đến, và rất khó tìm trong các sách Thần học, trong vòng một trăm năm qua. Dr William Evans trong quyển Great Doctrines of the Bible chỉ dành một câu cho đề tài nầy*. Như vậy, Cụ Giáo sĩ John Drange Olsen, có phần chắc là đã giải luận đề tài nầy căn cứ vào bộ Systematic Theology của Augustus H Strong** xuất bản lần đầu vào năm 1907. Hôm nay chúng ta học đề tài nầy, không phải chỉ vì yêu mến Cụ, mà cũng vì yêu mến bộ Thần Đạo Học của Cụ, là bộ sách đã xây dựng được rất nhiều các thế hệ mục sư Việt nam tin kính và đầy ơn cho đến hôm nay).

 

* Dr William Evans: Great Doctrines of the Bible, The Bible Institute Colportage Association of Chicago, 1912, p16.

** Augustus H. Strong: Systematic Theology, Old Tappan, New Jersey, Fleming H Revell, 1970, 27th Printing, pp.53-70.

 

131. Nguyên tri là gì?*

(Chữ Nguyên (元) là đầu tiên hay thứ nhứt, còn tri (知) là ý thức. Hai chữ nầy nếu ở riêng ra trong tiếng Hán, dầu cổ hay kim đều có độ thông dụng rất cao. Tuy vậy, “Nguyên tri” khi đi chung với nhau, và có nghĩa là “Ý thức Đầu tiên”, thì lại không có trong bất cứ một bộ tự điển tiếng Hoa thông dụng nào.

Như vậy, có lẽ lắm là chính Cụ Olsen đã “chế” ra chữ nầy để dịch chữ “Rational intuition” mà trong triết học có nghĩa là “trực giác thuần lý-intuition rationnel”. Nhưng trong một trăm năm qua, khoa tâm lý học về sự nhận thức, cụ thể là về vấn đề trực giác, thì đã thay đổi quá sâu rộng. Thay đổi đến nỗi chẳng những đề tài nầy ngày nay hầu như không còn là đề tài Thần học nữa, mà giả định có đem vào thì chỉ gây nên sự tranh luận bất tận và vô ích. Cho nên ở đây chúng ta sẽ học “Nguyên tri” theo như ý nghĩa trực tiếp Hán Việt của nó tức là “Ý Thức Đầu Tiên”.

Vậy ý thức đầu tiên của con người là gì? Chúng ta sẽ trả lời câu hỏi nầy dựa trên hai sự kiện:

(1). Chân lý về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời là chân lý thứ nhứt (first truth), lớn nhứt, và quan trọng nhứt của vũ trụ. Bởi vì nếu Đức Chúa Trời mà không hiện hữu thì mọi chân lý khác của Kinh Thánh đều vô nghĩa. 

(2). Ý thức nội tại đầu tiên của con người phải là ý thức về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Điều nầy cũng giống như ý thức đầu tiên của một trẻ sơ sinh chắc chắn phải là ý thức về sự hiện hữu của Người Mẹ, là kẻ đã sinh ra nó. Và chính vì ý thức đầu tiên nầy mà khiến cho nó hướng về vú mẹ.

Vậy: Nguyên tri là ý thức nội tại đầu tiên của con người về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời.

 

132. Nguyên tri liên hệ với trực giác như thế nào? 

Trực giác là một vấn đề rộng lớn trong triết học, bao gồm rất nhiều loại, chẳng hạn như:

(1). Trực giác Giác quan,

(2). Trực giác Thuần lý,

(3). Trực giác Tâm lý,

(4). Trực giác Ngoại lý,

(5). Trực giác Phát minh,

(6). Trực giác Tổng hợp,

(7). Trực giác Siêu hình.

Ngoài ra, trong mỗi loại trực giác như thế lại còn chia ra làm mấy loại nhỏ. Riêng trực giác Siêu hình thì cũng chia ra làm ba loại: (1) Loại thứ nhứt là khi lý trí nhận thức được bản thể vật chất của mình, như thân thể của mình, chẳng hạn. (2) Loại thứ hai là khi lý trí nhận thức được bản thể tinh thần của mình, như bản ngã của mình chẳng hạn, và (3) Loại thứ ba là khi lý trí nhận thức được bản thể thuộc về siêu việt giới, về tâm linh, về Đức Chúa Trời.

Và lý trí nhận thức về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, tức là về chân lý thứ nhứt (first truth), đó thì gọi là Nguyên tri.

 

133. Về mặt nhận thức, Nguyên tri có những đặc tính nào?

Về mặt nhận thức, Nguyên tri có 3 đặc tính sau:

(1). Trực tiếp: “Mắt” tâm linh ta mở ra và nhìn thấy Đức Chúa Trời hiện hữu, không qua một trung gian nào. “Về năm vua Ô-xia băng, tôi thấy Chúa ngồi trên ngôi cao  sang, vạt áo của Ngài đầy dẫy đền thờ”. [Ê-sai 6:1]

(2). Cụ thể: Nhìn thấy, tiếp xúc cụ thể, không trừu tượng. Sứ đồ Giăng làm chứng: “Điều có từ trước hết, là điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã rờ, về lời sự sống” [1Giăng 1:1]

(3). Khó thông tri: Khó truyền đạt bằng khái niệm, hoặc diễn giải cho người khác hiểu rõ bằng lời nói, bởi vì đó là một kinh nghiệm có tính cách cá nhân: “Khá nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt lành dường bao! Phước cho người nào nương náu mình nơi Ngài!” [Thi 34:8].

 

134. Về mặt Thần học, Nguyên tri có những đặc tính nào?

(1). Duy nhứt: Kinh Thánh chép: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh. [Sáng 2:7]. 

Nguyên tri chỉ có duy nhứt nơi con người. Con vật không có. Người Trung hoa thời xưa nói: “Thiên sanh vạn vật, duy nhân tối linh”. Nhiều sinh vật có những nhận thức khá cao, nhưng trong muôn vật không hề có bất kỳ một loài sinh vật nào, dù cao cấp đến mấy, lại có ý thức về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Duy chỉ có con người mới có “sanh linh”, nghĩa là một linh hồn sống, nên chỉ loài người mới có ý thức về Thiên Chúa, mới có lòng tín ngưỡng.

(2). Phổ biến: Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất,… Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người…hầu cho tìm kiếm Đức Chúa Trời, và hết sức rờ tìm cho được [Công 17:24-27]. Nhận thức về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời là một nhận thức phổ biến của mọi dân tộc trên cả trái đất. Xã hội học xác nhận rằng hầu hết các dân tộc đều có niềm tin về một Đấng Chí cao. Điều đó khiến cho lòng tín ngưỡng về một Đấng Chí cao thiêng liêng là đặc điểm chung của cả nhân loại.

(3). Xưa nay vẫn có. Vào thế kỷ 19, đa số các nhà xã hội học suy đoán rằng tín ngưỡng là sản phẩm của con người, nên từ thưở ban sơ chưa có. Đó là một sự suy đoán hoàn toàn sai. Kinh Thánh cho biết từ khi A-đam còn ở trong Vườn Ê-đen, A-bên còn đi chăn chiên cho đến hôm nay, chưa hề có thời nào mà chẳng có tôn giáo, cho dù nhiều  khi rất sai lạc, vì đã quá xa cách Đức Chúa Trời.

Cũng trải qua một thời gian dài cho đến đầu thế kỷ 20, hầu hết các nhà xã hội học đều cho rằng niềm tin tôn giáo có sự tiến hóa, bắt đầu đi từ đa thần rồi mới đến độc thần. Nhưng những nghiên cứu từ hậu bán thế kỷ trước cho đến nay đã cho thấy môt sự thật trái ngược lại. Từ rất xa xưa về về trước, hầu hết các dân tộc đều tin vào một Đấng Chí cao, và càng xa xưa về trước bao nhiêu thì đức tin nhân loại lại càng thuần khiết bấy nhiêu, và điều nầy là hoàn toàn phù hợp với Kinh Thánh.

(4). Thiên phú: Tức là đã bẩm sinh, chớ không do giáo dục hay nhờ trải qua kinh nghiệm sống mà có được. Nhiều người lý luận rằng con trẻ đâu có bao giờ hướng về sự thờ phượng đâu? Thật ra trẻ con chưa biểu lộ ra ngoài, nhưng trong tâm linh chúng đã có sẵn một mầm đạo, và đến một lúc nào đó, thì nó tự phát ra. Điều nầy cũng giống như mầm sống của hạt giống, đã có sẵn trong hạt, chờ khi gặp điều kiện chín mùi thì nó sẽ nứt ra. 

Nói tóm lại, sự nhận thức về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, hoàn toàn không phải là do giáo dục, hay bất cứ một ảnh hưởng ngoại lai nào của hoàn cảnh, mà là do Nguyên tri.

*Trong Thần học có một số những từ trong tiếng Hán Việt, hơi khó cho những người không giỏi Việt ngữ. Những chữ đó là:

(1). Bản tri (本知): là sự hiểu biết tự hữu, hằng hữu, bất biến, nghĩa là không nhiều hơn hay ít hơn, của Đức Chúa Trời.

(2). Nguyên chỉ (元 恉): là Ý chỉ ban đầu, mà thật ra là ý chỉ đời đời, của Đức Chúa Trời.

(3). Nguyên tổ (元 祖): Tổ phụ (và Tổ mẫu) đầu tiên. Thường chỉ cho A-đam. Đồng nghĩa với chữ “thủy tổ” (始祖), nhưng dị nghĩa chữ  “viễn tổ” (遠祖), là tổ tiên xa.

(4). Nguyên tri (元知): là ý thức nội tại đầu tiên của con người về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời.

(5). Thần hựu (神佑): Hựu là giúp đỡ, phù hộ. Thần hựu là Đức Chúa Trời giúp đỡ, phù hộ.

(6). Vĩnh cư (永居): (Cõi Vĩnh cư) Nơi ở đời đời, chỉ Thiên đàng hay địa ngục.

(7). Vĩnh hình (永刑): Hình phạt đời đời. Cõi vĩnh hình: địa ngục.