(Thiên sứ học)

LỜI MỞ ĐƯỜNG

NGOÀI vật chất thế giới minh mông nầy, vẫn còn có một thần linh thế giới bao la rộng rãi nữa, ấy là điều Kinh Thánh dạy rõ, vàlý tưởng loài người xưa nay cũng thường tín nhận. Hễ kê cứu lời Đức Chúa Trời và tra xét chân tánh muôn vật, ắt phải nhìn nhận rằng, quả có một thế giới vô hình bao bọc ngoài thế giới hữu hình, có những thần linh cư trú và cai trị vậy. Ta thường thấy trong cõi thiên nhiên có các đẳng cấp thú vị, vật nầy ở bực cao, vật kia ở bực thấp; thứ vị thực vật kém thứ vị loài cá, thứ vị loài cá kém thứ vị loài thú; còn thứ vị loài thú lại kém thứ vị loài người. Thành thử, dễ mà tin rằng giữa Đức Chúa Trời và loài người chắc có một bực cao hơn người, mà thấp hơn Đức Chúa Trời. Kinh Thánh cũng quả dạy như thế, mà gọi bực ấy là thiên sứ, được chia ra làm hai hạng, thiện và ác; cả hai đều hiệp lại mà gây dựng một thần linh thế giới đặc biệt với vật chất thế giới nầy. Trong quyển nầy xin chia ra làm ba chương mà lược luận qua vấn đề ấy. Ba chương đó tức là: 1. Luận về thiên sứ; 2. Luận về quỉ sứ; 3. Luận về Sa-tan.

 

Chương 1 – LUẬN VỀ THIÊN SỨ

I. THIÊN SỨ THỰC TẠI

1.    ĐỊNH NGHĨA

DANH TỪ thiên sứ do chữ Hán mà ra, nghĩa đen là sứ giả của trời. Trong nguyên văn Hê-bơ-rơ và Hi-lạp danh từ ấy có nghĩa đen là sứ giả, chớ không phải như danh từ thiên sứ là danh từ đã phụ ý “trời” vào đó đâu. Thế thì, nói đại khái, thiên sứ, tức là một giống thuộc linh, được Đức Chúa Trời dựng nên, vốn có đẳng cấp cao hơn loài người, và được chức nhiệm làm sứ giả của Đức Chúa Trời. Danh từ thiên sứ theo nguyên văn Hê-bơ-rơ là Malak; theo nguyên văn Hi-lạp là angélos; cả hai nghĩa đen đều là sứ giả.

2.    KINH THÁNH LÀM CHỨNG.

Kinh Thánh minh chứng rằng thiên sứ quả thực tại. Nào các trước giả Cựu ước, nào Chúa Jesus, nào các sứ đồ, thảy đều luận đến.

a)    Cựu ước làm chứng: Các trước giả Cựu ước đều tín nhận có thiên sứ, là sứ giả Giê-hô-va dùng sai khiến để thi hành ý chỉ Ngài trong vòng loài người. Thi 103:20; Thi 104:4; Thi 148:2-5; Đa 8:15-17

b)    Chúa Jesus làm chứng: Chúa Jesus thừa nhận và dạy rõ ràng thiên sứ thực hữu, có nhiệm vụ quan hệ đối với cuộc chủ trị của Ngài và của Đức Chúa Trời. Ma 18:10; Mác 13:32; Gi 1:51. Cũng xem Ma 13:41; 26:53; Mác 8:38

c)     Các sứ đồ làm chứng: Các sứ đồ cũng đều tín nhận thiên sứ thực tại. Phao-lô chép thơ Côlôse để cải chánh tà thuyết của Ngộ đạo phái về sự thờ phượng thiên sứ trong Hội Thánh ấy. Giăng, Phi-e-rơ và Giu-đe đều tín nhận đạo về thiên sứ thực tại như những câu viện dẫn sâu đây chứng cho: IITê 1:7; Côl 2:18; Khải 12:7; Khải 22:8,9; IPhi 3:21,22; IIPhi 2:11. Cũng xem Êph 1:21; Côl 1:16; Hê 12:22; Giu 1:9.

Những câu ấy đều buộc ta phải tín nhận rằng các thiên sứ quả thực tại vậy.

II. TÁNH CÁCH CỦA THIÊN SỨ

Về tánh cách của thiên sứ Kinh Thánh dạy rằng:

1.    Thiên sứ là loài thọ tạo: Thiên sứ chẳng phải là tự hữu hằng hữu, bèn là những vị được Đức Chúa Trời dựng nên cũng như loài người vậy. Thi 148:2-5; Côl 1:16. Cũng xem Nê 9:6; IPhi 3:22.

2.    Có thể thuộc linh: Thiên sứ không có thể chất bằng huyết và thịt, bèn là những vị bằng nguyên tố thuộc linh. Mà đã không bằng thịt và huyết, chắc cũng không chết mất, không sanh trưởng, cũng không già yếu; lại cũng không phân biệt đờn ông đờn bà như loài người, nên cũng không có cưới gả vậy. Kinh Thánh dạy rằng: Hê 1:14; Êph 6:12; Lu 20:35,36. Cũng xem Ma 22:30; Lu 24:39

3.    Có nhân cách: Các thiên sứ có nhân cách, nghĩa là họ có ngộ tánh, ý dục, và cảm tình như loài người đã có. Cũng có sự khôn ngoan và hay hoạt động tự do.

a)    Ngộ tánh: IISa 14:20

b)    Ý dục: Thi 103:20; IITi 2:26

c)     Cảm tình: Khải 12:12

4.    Có quyền năng cao hơn loài người: Các thiên sứ có quyền năng cao hơn loài người, có tài trí làm công việc quá tài trí của người ta. Nhưng tài trí quyền năng ấy có hạn, chẳng có thể sánh với tài trí quyền năng của Đức Chúa Trời đâu. Kinh Thánh dạy rằng: Ma 24:36; Thi 103:20; IITê 1:7; IIPhi 2:11; Khải 20:1,2,10. Hãy sánh câu ấy với: Thi 72:18;

Chỉ Đức Chúa Trời có quyền làm phép lạ dấu kỳ. So sánh thiên sứ với Đức Chúa Trời thì thấy họ kém Ngài mọi bề. Cũng xem Gióp 4:18; 15:15; 25:5

5.    Tự thành một giống thuộc linh: Thiên sứ tự thành một giống thuộc linh mà khác với loài người, được Đức Chúa Trời dựng nên trước khi chưa được dựng nên loài người. Kinh Thánh không nói rõ lúc nào họ được dựng nên, nhưng ta có thể đoán đại khái là được dựng nên trước vũ trụ vật chất được tạo ra vậy.

Thiên sứ đặc biệt với loài người: ICô 6:3; Hê 1:14

Thiên sứ cũng chẳng phải là linh hồn của người nghĩa được trọn vẹn: Hê 2:16

Hê 12:22,23. Phân biệt “muôn vàn thiên sứ”, với “các linh của người nghĩa được trọn vẹn”. Trong Khải 22:9 thiên sứ gọi là “đồng bộc với người (Giăng), với anh em ngươi; là các tiên tri, và với những kẻ giữ các lời trong sách nầy”, ám chỉ họ giống như loài người, chẳng về tánh tình đâu, bèn là chỉ giống như họ về cuộc phục tùng và phụng sự Đức Chúa Trời đó thôi.

III. SỐ MỤC VÀ SỰ TỔ CHỨC CỦA THIÊN SỨ

1.    Số rất nhiều: Kinh Thánh dạy rằng số thiên sứ rất đông. Phục 33:2; Thi 68:17; Đa 7:10; Khải 5:11

2.    Tự thành đoàn theå: thiên sứ tự thành đoàn thể, nhưng không có dòng dõi. Chúng khác với loài người, vì không đồng một gốc, không cùng một bản tánh, một máu mủ, một lịch sử chung mà ra. Loài người thường gọi là “con người”; nhưng chẳng ai gọi thiên sứ là “con thiên sứ” bao giờ; chỉ gọi là “con Đức Chúa Trời” mà thôi. Thiên sứ được dựng nên từng cá vị, và khi chúng sa ngã mà phạm tội thì cũng từng cá vị, chớ chẳng như loài người mà đồng sa ngã trong nguyên tổ đâu. Có lẽ cũng tại cớ ấy Christ có thể cứu chuộc loài người, nhưng không thể cứu chuộc thiên sứ; bởi vì Ngài có thể liên hiệp với loài người mà lấy bản tánh chung của cả dòng giống ấy; song Ngài không phương cách nào lấy bản tánh của thiên sứ, vì vị nào có bản tánh nấy vậy. Ma 22:30; Lu 20:36; Êxê 2:2; Gióp 38:7; Hê 2:16

3.    Phận vị bất đồng: Chức vị và tài năng của thiên sứ cũng không đồng nhau. Côl 1:16; ITê 4:16; Giu 1:9

Trong Kinh Thánh chỉ Micaen (nghĩa đen là: ai giống như Đức Chúa Trời?) mới được gọi bằng thiên sứ cực phẩm. Gáprien (nghĩa đen là: kẻ anh hùng của Đức Chúa Trời) cũng là thiên sứ có phẩm vị rất cao, nhưng không được gọi là cực phẩm. Trong Kinh Thánh Micaen dường như sứ giả của luật pháp và sự hình phạt. Còn Gáprien dường như là sứ giả của sự thương xót và lời hứa. Xem Đa 12:1; Khải 12:7-9; Lu 1:26-38.

4.    Có sự tổ chức: Kinh Thánh cũng ám chỉ rằng thần linh thế giới có sự tổ chức hẳn hòi, hoặc là thiên sứ thiện hay là thiên sứ ác cũng vậy.

a)    Thiên sứ thiện: Kinh Thánh có nhiều câu ngầm chứng rằng thiên sứ thiện đều được tổ chức thành ngũ, đội, quân, chức nhiệm là hầu hạ Đức Chúa Trời và để Ngài sai khiến, như ba câu dẫn ra dưới đây: ISa 1:11; ICác 22:19; Ma 26:53

b)    Thiên sứ ác: Các thiên sứ ác chắc cũng được tổ chức thành nước tối tăm của Sa-tan, như những câu viện dẫn ra dưới đây ngầm chứng cho: Ma 25:41; Êph 2:2; Khải 2:13; Khải 16:10

Có kẻ gọi Sa-tan là “con khỉ của Đức Chúa Trời” vì trong mọi việc nó hay giả mạo Đức Chúa Trời. Nó được gọi là “vua chúa thế gian” (Gi 14:30; 16:11), “thủ lãnh của quyền bính trong không trung” (Êph 2:2). Như trong vũ trụ có chế độ thiện, có Đức Chúa Trời đứng đầu thống trị, thì cũng có một chế độ ác, có Sa-tan đứng đầu cai trị; hai chế độ ấy hằng phản nghịch nhau. Trong Lu 11:20-22 Chúa Jesus gọi “kẻ mạnh hơn” xông đến mà thắng hơn “dõng sĩ đủ khí giáp”, là Sa-tan, vì Ngài cũng hành quyền trên nó, cuối cùng sẽ toàn thắng nó (Khải 20:1-3,10)

5.    Chê-ru-bin và Sê-ra-phin: Trong Kinh Thánh lại có những vị giống như thiên sứ mà lại khác, tiên tri Êxêchiên gọi là Chê-ru-bin, Ê-sai gọi là Sê-ra-phin; còn trong Khải huyền thì lại gọi là sanh vật (Êxê 1:6; 41:18,19; Ês 6:2,6; Êxê 1:5-22; 10:15,17; Khải 4:6-9; 5:6-14; 6:1-7; 7:11; 14:3; 15:7; 19:4).

Những vị ấy thuộc về giống nào? Đáp lại câu hỏi ấy chẳng dễ đâu. Nhưng nhờ Kinh Thánh ta có thể đoán cách đại khái rằng, những vị ấy chẳng phải là những vị có nhân cách và ngôi riêng đâu; nhưng chắc là những biểu hiệu (symboles) Đức Chúa Trời dùng đặng dự tả về cuộc tạo hóa vốn bị tội lỗi làm hư hỏng, sẽ nhờ sự cứu chuộc của Christ mà được tái tạo, thừa thọ các tánh cách và phẩm đức đã phải mất trong lúc loài người sa ngã.

Nhưng nói đặc biệt hơn, thì có lẽ những Chê-ru-bin là tượng trưng biểu dương bản tánh của loài người được chuộc lại, được hưởng các tánh cách và phẩm đức trọn vẹn nguyên bản. Hai câu nầy làm chứng: Êxê 1:5; Khải 5:9

Có lẽ cũng tại đó Thánh Linh có dùng hình trạng của bốn sanh vật làm đầu muôn vật thọ tạo trên mặt đất, để mô tả hình dung của chúng, tức là hình trạng của sư tử can đảm, con bò nhẫn nại, chim ưng lanh lẹ, có thị năng mạnh, vàloài người thông minh trí huệ (Êxê 1 và 10; Khải 4:6-8). Các vị nầy không những là chỉ bóng về những phẩm cách hoàn toàn thuộc thể, lại cũng chỉ về những phẩm cách thuộc linh được nên thánh trọn vẹn, vì được gọi là sanh vật, hằng ngày làm chứng cho sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, vâng phục làm theo cả ý chỉ của Ngài (Ês 6:3; Êxê 1:12). Tuy thanh gươm tại cửa vườn Ê-đen chỉ bóng về hình án của tội, thì chính vị Chê-ru-bin cầm gươm ấy lại chỉ về ân điển, vì loài người mà giữ đường dẫn đến cây sự sống, cho đến khi nhờ sự chết của Christ, Đức Chúa Trời có thể mở lại đường ấy, tái tạo một loài người mới sẽ được ở với Ngài, làm đền thờ của Ngài cho đến đời đời vậy (Sáng 3:24; Khải 4:6).

IV. TÁNH ÐẠO ÐỨC CỦA THIÊN SỨ

1.    Nguyên là thánh sạch: Ban đầu mọi vật thọ tạo đều được dựng nên thánh sạch cả. Cho nên cũng thường xưng thiên sứ là thánh vậy. Sáng 1:31; Giu 1:6; Ma 25:10

2.    Chịu thí nghiệm: Theo ITi 1:21, trong vòng các thiên sứ có một số được lựa chọn. Còn theo IPhi 1:1,2, thì sự lựa chọn cốt “để đạt đến sự vâng phục”. Đã vậy thì thiên sứ cũng như loài người chắc phải từng trải một kỳ thí nghiệm, đặng coi ai sẽ vâng phục và ai không. Kỳ thí nghiệm Sa-tan chắc tận cùng tại nơi nó dụ dỗ loài người; vì Đức Chúa Trời phán cùng nó rằng: “Vì mầy đã làm điều như vậy, mầy sẽ bị rủa sả” (Sáng 3:14). ITi 5:21; IPhi 1:1,2

3.    Có thiên sứ giữ nguyên vị: Trong vòng thiên sứ có một số lớn giữ được nguyên vị, cứ vâng phục Đức Chúa Trời, bảo tồn bản tánh thánh sạch, vàtrở nên thiên sứ được chọn vậy. Thi 89:7; Mác 8:38

4.    Có thiên sứ sa ngã: Cũng có một số lớn không chịu nổi sự thí nghiệm, bèn sa ngã mà phạm tội. Các vị ấy là thiên sứ ác, hằng phản nghịch cùng Đức Chúa Trời mà làm theo ý chỉ của Sa-tan. IIPhi 2:4; Giu 1:6; Khải 12:7; Ma 25:41

V. CÔNG VIỆC CỦA THIÊN SỨ

1.    CÔNG VIỆC CỦA THIÊN SỨ THIỆN

Công việc của thiên sứ thiện rất quan hệ và phiền phức.

a)    Kính thờ Đức Chúa Trời: Kinh Thánh tỏ ra các thiên sứ thiện đều đứng trước mặt Đức Chúa Trời, thành tâm thờ lạy Ngài. Các thiên sứ được gọi là “hội các thánh” (Thi 80:7), nhóm họp ở trên trời cùng dâng lễ thờ lạy Đức Chúa Trời cũng như Hội Thánh nhóm họp dưới đất cùng thành tâm thờ phượng Ngài vậy. Thi 29:1,2; Thi 89:7; Ma 18:10

b)    Vui mừng trong công việc Đức Chúa Trời: thiên sứ thiện đều hằng vui mừng trong công việc của Đức Chúa Trời, như việc tạo hóa và việc cứu rỗi. Gióp 38:7; Lu 15:10

c)     Thực hành ý chỉ Đức Chúa Trời: Kinh Thánh tỏ bày thiên sứ thiện là đầy tớ của Đức Chúa Trời để thực hành ý chỉ Ngài.

(1)Đối với muôn vật: Thiên sứ là những vị có lực lượng lớn, rất lanh lẹ và minh mẫn, Đức Chúa Trời dùng để làm trọn ý chỉ Ngài trong cõi muôn vật. Thi 103:19,20; Hê 1:7; Thi 104:4

(2)Đối với quốc sự các nước: Kinh Thánh cũng minh chứng rằng thiên sứ can thiệp đến quốc sự các nước. Đa 10:12,13,21; Đa 11:1; Đa 12:1

Theo những câu ấy và nhiều câu khác nữa, như Êph 2:2, ta có thể đoán chắc rằng có những thiên sứ hoặc ác hoặc thiện, can thiệp đến quốc vận của các nước, đến đỗi có lẽ nào là quốc hồn, quốc túy và quốc tánh đều do ảnh hưởng của các vị ấy mà được nắn nên chăng!

(3)Đối với Hội Thánh: Nhiệm vụ quan hệ của các thiên sứ thiện chắc là hầu việc Hội Thánh, như câu dẫn ra đây ngầm chứng cho: ICô 11:10

Nghĩa câu ấy chắc là Đức Chúa Trời sai khiến những thiên sứ coi sóc việc của Hội Thánh. Nên khi hội chúng nhóm lại, thì các đờn bà phải trùm đầu mình, để tỏ sự kính phục các vị sáng láng ấy. Chắc cũng tại vì Hội Thánh đầu tiên có sự tín ngưỡng như thế, mà về sau có phái Ngộ đạo dạy tà giáo,bảo phải thờ phượng các thiên sứ, là điều Phao-lô đã cải chánh trong thơ Côlôse (2:18). Phao-lô cũng “ở trước mặt Đức Chúa Trời, và Christ Jesus, cùng các thiên sứ được chọn,” mà răn bảo ông Timôthê về chức vụ mục sư ở trong Hội Thánh (ITi 5:21-23).

(4)Đối với cá nhơn tín đồ: Một phần lớn trong chức vụ thiên sứ là giúp đỡ bảo vệ cá nhơn tín đồ. ICác 19:5; Thi 91:11,12; Đa 6:22; Ma 4:11

Chúa Jesus là mô phạm duy nhứt của các tín đồ; thiên sứ hầu hạ Ngài thể nào, thì cũng hầu hạ họ thể ấy. Ma 18:10; Lu 16:22; Hê 1:14

Có người tưởng rằng mỗi tín đồ đều được một thiên sứ đặc biệt bảo vệ. Kinh Thánh quả có dạy rằng thiên sứ có bảo vệ tín đồ, nhưng không dạy rõ ràng là mỗi cá nhơn tín đồ đều có một vị tùy tùng bảo vệ đâu. Cũng xem Thi 34:7; Công 12:8-11; Sáng 48:16; Ma 26:53

(5)Đối với thù nghịch của Đức Chúa Trời: thiên sứ cũng chịu sai khiến hành phạt kẻ thù nghịch Đức Chúa Trời: IICác 19:35; Công 12:23

d)    Tổng đoán sự Kinh Thánh dạy về thiên sứ: Kê cứu Kinh Thánh dạy về công việc của thiên sứ thiện, đại khái có hai điều:

(1)Làm công việc đặc biệt: Thiên sứ thiện chẳng phải là đại ý của Đức Chúa Trời trong cuộc thần hữu chung, bèn là những chấp sự thực hành việc thần hữu đặc biệt, hoặc quan hệ với Hội Thánh, cá nhơn tín đồ hay là thế gian cũng vậy. Chẳng phải trong công cuộc tầm thường mà Đức Chúa Trời phải khiến cho “thiên sứ Ngài như gió” và “như ngọn lửa” đâu, bèn là trong lúc Ngài muốn thi hành việc đặc biệt để tỏ ra quyền năng cả thể Ngài, và dạy dỗ điều gì có ích cho việc đạo đức, thì mới làm vậy (Phục 33:2; Công 7:53; Ga 3:19; Hê 2:2)

Thiên sứ thiện chỉ theo mạng lịnh Đức Chúa Trời mà thực hành ý chỉ Ngài, chịu Ngài sai khiến từng hồi từng lúc. Chúng cũng chẳng hề làm việc gì mà Kinh Thánh gọi là sự thần hữu chung, cũng chẳng làm trung bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người. Sự hiện ra của chúng thường là trẫm triệu dự cáo rằng Đức Chúa Trời sắp mở một thời cơ mới trong cuộc mở mang trù hoạch của Ngài. Cho nên ta thấy thiên sứ có can hệ với cuộc tạo hóa (Gióp 38:7), sự ban bố luật pháp (Ga 3:19) sự giáng sanh của Christ (Lu 2:13), khi Ngài bị cám dỗ tại đồng vắng (Ma 4:11), lúc Ngài cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê (Lu 22:43), khi Ngài sống lại (Ma 28:2), lúc Ngài thăng thiên (Công 1:10), và ngày Ngài tái lâm, cùng cuộc xét đoán chung (Ma 25:31). Tín đồ chẳng nên thờ phượng thiên sứ, vì chúng chẳng qua là đồng bộc với mình vậy (Khải 22:8,9).

(2)Quyền năng của thiên sứ có hạn: Quyền năng của thiên sứ do Đức Chúa Trời ban cho, có hạn, và chỉ được thực hành theo các nguyên tắc của thần linh thế giới và vật chất thế giới, chẳng hề phản đối hoặc thủ tiêu một trong các nguyên tắc ấy. Chúng cũng chẳng có quyền tự dựng nên gì, làm phép lạ chi, hay dò xét lòng người nào. Chúng cũng chẳng có thể cảm hóa người ta như Thánh Linh bèn chỉ có thể ảnh hưởng cho người ta như người đời đối với nhau vậy. Như thiên sứ ác có quyền cám dỗ người ta phạm tội thế nào, thì thiên sứ thiện cũng có quyền giục giã và lôi kéo người ta hướng đến sự thánh khiết thể ấy.

2.    CÔNG VIỆC CỦA THIÊN SỨ ÁC

Kinh Thánh dạy rõ thiên sứ ác thực tại. Sa-tan là vua chúa của chúng, còn chúng gọi là quỉ sứ của nó (Ma 25:4; Khải 12:7). Nguyên lai vốn là thiên sứ thiện, vì chịu sự thí nghiệm không nổi, nên sa ngã và phạm tội (IIPhi 2:4). Nếu không nhận sự sa ngã của linh giới thì sự sa ngã của loài người cắt nghĩa sao được? Sau đây xin kể lược về sự hành động của thiên sứ ác.

a)    Ngăn trở công việc của Đức Chúa Trời: Các thiên sứ ác đều thường ngăn trở ý chỉ của Đức Chúa Trời và hằng thực hành ý muốn của Sa-tan. Sa-tan là chúa của chúng nó, sai khiến chúng nó hành động khắp nơi. Nghĩa đen tên Sa-tan là “cừu địch”, chứng minh việc làm của nó và của các sứ giả nó là phản nghịch Đức Chúa Trời để làm thiệt hại dân sự Ngài vậy. Gióp 1:6; Đa 10:10-14. Vua nước Ba-tư đây chắc ám chỉ về một thiên sứ ác nào đến ngăn trở sứ giả của Đức Chúa Trời. Xa 3:1; Ma 13:39; IPhi 5:8; Khải 12:10

b)    Đánh đổ hạnh phước của loài người: Các thiên sứ ác đều thường kiếm cách đánh đổ hạnh phước thuộc linh và thuộc thể của loài người. Chúng nó làm việc ấy nhiều cách. Có khi nó dùng năng lực trong tự nhiên giới để làm hại người ta; có khi nó dùng tật bịnh để làm khổ họ. Nhưng cách chúng nó thường dùng hơn hết là cám dỗ linh hồn người ta.

(1)Dùng năng lực thiên nhiên: Các câu viện dẫn ra đây chứng nhận thiên sứ ác có thể dùng năng lực thiên nhiên để làm hại người ta.

Gióp 1:12,16,19; 2:7. “Nầy, các vật ngươi có đều phó trong tay ngươi…” Sa-tan dùng giặc, chớp nhoáng, giông tố, tật bịnh để làm khổ cho Gióp. Lu 13:11,16; Công 10:38; IICô 12:7; ITê 2:18; Hê 2:14

(2)Dùng sự cám dỗ: Cách thiên sứ ác thường dùng để làm thiệt hại người ta là mưu chước cám dỗ linh hồn họ. Sáng 3:1-14. Cũng xem Khải 20:2; Ma 4:3; Gi 13:27; Công 5:3; Êph 2:2; ITê 3:5; IPhi 5:8

Sự cám dỗ có hai mặt, tiêu cực và tích cực. Ví như ma quỉ cướp giống tốt gieo vào lòng người ta, ấy là cách tiêu cực; còn nó gieo cỏ lùng vào lúa mì, ấy là cách tích cực (Mác 4:15; 13:38,39). Dưới quyền Sa-tan có nhiều bộ hạ phụ tùng, đều thống thuộc về nó cả, nó sai khiến các bộ hạ ấy làm theo mưu kế nó. Cách thức chúng nó dùng để cám dỗ người ta thật kín giấu, khó biết. Chúng ta chỉ biết nó dùng sự ưa muốn của nhục dục để âm mưu khiến cho người ta vui thích làm theo mà trúng kế nó. Xem Ma 4:3,6,9; Sáng 3:5

c)     Giúp nên ý chỉ Đức Chúa Trời: Các thiên sứ ác, tuy phản nghịch với Đức Chúa Trời, nhưng không ngờ chính sự phản nghịch ấy lại giúp ích cho ý chỉ Đức Chúa Trời được nên vậy. Vì Ngài dùng nó để trừng phạt kẻ ác, sửa trị người thiện, và treo gương về kết cuộc của sự ác và kẻ làm theo.

(1)Trừng phạt kẻ ác: Đức Chúa Trời thường dùng thiên sứ ác để trừng phạt kẻ ác, như hai câu dẫn dưới đây chứng nhận: ICác 22:23; Thi 78:49

(2)Sửa trị kẻ thiện: Cũng có khi Đức Chúa Trời giao cho kẻ thiện cho quỉ Sa-tan sửa trị nữa, như thánh Gióp xưa đó vậy. (xem Gióp 1: và Gióp 2:). ICô 5:5. Cũng xem Lu 22:31; ITi 1:20

Việc phó tín đồ phạm tội cho Sa-tan là đặc quyền của các sứ đồ, đầy tớ Chúa hiện nay chắc không có quyền ấy nữa. Việc ấy gồm có bốn điều: (a) dứt phép thông công, đuổi ra khỏi Hội Thánh; (b) khiến thân thể người phải bị đau yếu, hoặc chết cũng nên; (c) không được ơn thiên sứ thiện bảo hộ nữa; (d) phải chịu sự đánh đập, khỏi kẹp khổ sở của quỉ kiện cáo, là Sa-tan. Ý Sa-tan về sự khắc khổ ấy để khiến người ăn năn. Mà còn ý muốn của Đức Chúa Trời lại chắc nhờ việc phó cho Sa-tan đó mà được toàn thắng. Hãy xem ICô 5:1-5; IICô 2:5-11.

(3)Làm gương cho kẻ ác: Đức Chúa Trời cũng mượn thiên sứ ác để răn loài người biết sự ác và kẻ làm theo đều kết cuộc thể nào. Ma 8:29; Ma 25:41; Gia 2:19; Khải 12:9,12; Khải 20:10

 

Chương 2 – LUẬN VỀ CÁC QUỈ

I. CÁC QUỈ THỰC TẠI

1.    Nghĩa tên quỉ: Kinh Thánh thường luận đến những vị giống như thiên sứ ác mà lại khác, gọi là quỉ, hay là thần ô uế. Tên ấy khác với ma quỉ, vì trong nguyên văn Hi-lạp ma quỉ là diabolos, chỉ dùng để kêu Sa-tan mà thôi; còn quỉ là daimon hay là daimonion thường dùng để kêu những vị bất đồng với nó. Cho nên dẫu trong tiếng Việt nam hai tên ấy có hơi giống nhau, thì hãy khá phân biệt vì nghĩa thật thì khác nhau lắm. Nghĩa đen danh từ daimon chẳng ai rõ, nhưng theo nhà triết học Platon, thì có nghĩa là hiểu biết hay là thông minh, có lẽ ám chỉ rằng các vị ấy có sự thông minh trí huệ cao thượng (Ma 8:28; 9:33; 10:1; Mác 1:23; 9:17,20; Lu 6:18; 9:39).

2.    Christ làm chứng quỉ thực tại: Christ chứng nhận các quỉ thực tại, vì Ngài thường nói về nó, cũng phán bảo nó và đuổi nó ra nữa. Ma 12:27,28; Ma 8:28-32. Cũng xem Ma 10:8; Mác 16:17

3.    Bảy mươi môn đồ nhận quỉ thực tại: Xưa bảy mươi môn đồ chịu Chúa Jesus sai đi giảng Tin Lành, khi trở về rất vui vẻ vì nhờ nhơn danh Chúa mà các quỉ cũng đều phục họ. Lu 10:17

4.    Phao-lô nhận quỉ thực tại: Phao-lô và các sứ đồ khác đều nhận quỉ thực hữu, cũng cảnh cáo tín đồ cẩn thận đối với việc của nó. ICô 10:20,21; ITi 4:1. Cũng xem Công 16:14-18; Gia 2:19; Khải 9:20.

II. BẢN TÁNH CỦA QUỈ

1.    Có nhân cách: Kinh Thánh dạy các quỉ có nhân cách như thiên sứ và loài người vậy; vì trong Ma 8:29,31 chúng tự xưng bằng “chúng tôi”, và “khẩn cầu” ơn của Chúa. Trong Lu 4:35,41, thì Chúa “quở” chúng nó, và chúng nó cũng “nhận” Ngài là Con Đức Chúa Trời. Còn trong Gia 2:19 lại dạy rằng chúng nó “run sợ” ở trước mặt Đức Chúa Trời.

2.    Có thể thuộc linh: Các quỉ, như thiên sứ, có thể thuộc linh, không phải thuộc chất. Nên cũng được gọi là “thần” và “tà linh” vậy. Trong Ma 8:16 nó vừa gọi là “quỉ”, mà cũng gọi là “tà linh” (thần) nữa. Trong truyện tích về con trai bị thần câm ám, Ma-thi-ơ (17:18) gọi nó bằng “quỉ”; còn Mác (9:25) gọi nó là “thần ô uế, câm và điếc” vậy. Lu-ca (8:2,3) cũng thuật lại về “mấy người đàn bà đã được chữa khỏi ác thần và đau yếu”, trong bọn có Ma-ri Ma-đơ-len, “mà bảy quỉ đã ra khỏi nàng”. Ấy vậy, quỉ là ác thần và ác thần là quỉ, cả thảy đều thuộc về linh giới vậy. Cũng xem Mác 5:2, 7-9,12,13,15; Lu 9:38,39,42

3.    Số chúng đông đúc: Số các quỉ rất đông, đến đỗi nhờ chúng nó mà Sa-tan dường như vô sở bất tại vậy. Chúng nó dường như được tổ chức thành các đạo quân lớn và mạnh để thực hành ý chỉ của Sa-tan. Mác 5:9; Lu 8:30. Cũng xem Ma 12:26,27

4.    Có tánh độc ác ô uế: Quỉ là những vị trụy lạc, rất đê hèn, có lòng hiểm độc ác đức, cử động cách phóng đảng tà vạy không xiết kể. Kinh Thánh gọi nó bằng “thần ô uế” hay là “tà linh”. Ma 10:1; ITi 4:1

Cũng xem Ma 12:43; Mác 1:23,24; Lu 4:33,36; Ma 8:28; Lu 9:39. Ma 12:43-45 dường như dạy rằng trong vòng các quỉ, về sự gian ác có hơn kém khác nhau, vì trước thuật rằng nó “đem về bảy quỉ (tà linh) khác dữ hơn nó nữa, cũng vào nhà đó mà ở”.

5.    Nguồn gốc của quỉ: Kinh Thánh chẳng tỏ ra nguồn gốc của quỉ vốn từ đâu; nhưng ám chỉ rằng nó bất đồng với thiên sứ, có lẽ được dựng nên trước giống loài người, rồi vì cớ phạm tội bị phạt phải thoát ly nhục thể mà lưu lạc đây đó, hằng tìm kiếm nhập vào thân thể nào đó, để thực hành ác nghiệp của nó. Vì theo mấy câu Tân ước thì dường như ngoài cơ quan thể chất thì nó không thể hoạt động gì được vậy. Ma 12:43,44; Mác 5:10-12

Nhà thần học Pember tin rằng các quỉ thuộc về một loại vốn cư trú trên địa cầu nầy, trước thời kỳ tả ra trong Sáng 1:2. Câu ấy nói rằng, “đất là vô hình và trống không”. Nhưng trong Ês 45:18 lại nói, “Đức Chúa Trời đã tạo thánh đất và làm nó ra, đã lập nó cho bền vững, chẳng phải dựng nên là trống không, bèn đã làm nên để dân ở.” Câu ấyhình như dạy rằng Đức Chúa Trời vốn dựng nên địa cầu trọn vẹn, chẳng phải trống không như Sáng 1:2 nói đâu. Vậy, vì cớ nào mà nó lại ra trống không? Ông Pember, và nhiều nhà thần học khác, tin rằng các quỉ là tà linh của thổ dân trước vốn ở trên địa cầu, rồi vì cớ phản loạn với Đức Chúa Trời, nên bị phạt phải thoát ly nhục thể, và trái đất phải ra hoang vu vậy. Nhưng ý kiến ấy không chắc là lẽ thật, vì Kinh Thánh chẳng chỗ nào nói rõ nguồn gốc của quỉ là thế đâu.

III. QUYỀN NĂNG VÀ CÔNG VIỆC CỦA NÓ

1.    Có sự hay biết và phân biệt người ta.

Kinh Thánh dạy các quỉ có sự hay biết và phân biệt người ta, vì:

a)    Nó nhìn biết Christ và nhận quyền bính tuyệt đối của Ngài: Ma 8:29,31. Cũng xem Mác 1:24; Công 19:15; Gia 2:19

b)    Nó cũng nhìn biết tín đồ chân thật, và vâng phục quyền bính của danh Jesus: Ma 10:8; Lu 10:17-20. Cũng xem Mác 16:17; Công 19:25

c)     Nó biết kết cuộc của nó là sự khổ sở đời đời: Ma 8:29. Xem ở trên. Lu 8:31. Cũng xem Khải 20:3,10.

2.    NÓ NHẬP VÀO THÂN THỂ NGƯỜI VÀ VẬT

Kinh Thánh cũng dạy quỉ có thể nhập vào thân thể của người và vật (Mác 5:8,11-13; Công 16:16; Mác 9:25; Lu 8:39; 10:19). Về sự người ta bị quỉ nhập, có kẻ ngờ rằng, ấy là bịnh thần kinh. Song xét kỹ thì dễ thấy nó khác hẳn với bịnh thần kinh; vì hễ ai bị quỉ ám, thì dường như bị một nhân cách khác với nhân cách của mình hãm áp, khiến mình hành động theo nhân cách quái lạ ấy; đến đỗi tâm chí, lời nói, việc làm, và sự ưa muốn của họ đều bị bó buộc dưới quyền áp chế của nó.

Chúa Jesus cũng nhận quỉ có quyền nhập vào người ta, vì Ngài từng phen dùng quyền năng đuổi nó ra. Trong thời hiện tại chắc cũng có nhiều người bị quỉ ám như đời Tân ước vậy. Nhưng quỉ không thể nhập vào ai không khứng nhường chỗ cho nó. Cho nên hễ ai muốn thoát khỏi sự khốn nạn ấy, thì phải lập chí vững vàng nhờ ơn Chúa mà chống cự nó. Dầu quỉ sính tay hung dữ đến đâu đi nữa, cũng không thể phá đổ vách tường kiên cố ấy được.

a)    Ý nghĩa về sự quỉ ám người ta: Quỉ ám người ta, ấy là nó thắng tâm linh người ta, chiếm cứ tâm địa của họ làm cho họ mất hẳn quyền tự chủ, đến đỗi trong mọi sự họ đều phải vâng theo quỉ chỉ sử cả vậy. Cứ như Kinh Thánh dạy thì sở phú tronglinh hồn loài người có thiện có ác: thiện, tức là Christ bởi Thánh Linh ngự vào lòng để chủ trị nó; ác, tức là quỉ nương dựa trong thân thể mà hãm lấy nhân cách của người ta. Song hai điều ấy có chỗ khác nhau, ấy là khi Thánh Linh ngự vào lòng, thì người ta vui mừng tình nguyện tiếp rước; còn quỉ thì cưỡng bức chiếm đoạt tâm trí người ta, chớ chẳng phải họ tình nguyện tiếp rước nó đâu bao giờ, chỉ là vạn bất đắc dĩ đó thôi. Dầu vậy, có lắm người bị quỉ ám, là tại vì không khứng vâng phục Thánh Linh mà tin cậy nơi Jesus Christ để được cứu rỗi. Hễ ai tin cậy Ngài, phó dâng mình cho Thánh Linh dẫn dắt, ắt chẳng hề bị quỉ ám bao giờ.

b)    Cảnh trạng của thân thể người bị quỉ nương dựa: Hễ ai bị quỉ nương dựa vào thân thể mình, thì sanh ra nhiều tật bịnh khác nhau. Kinh Thánh chép vài chứng bịnh bởi quỉ mà ra, như là bịnh câm (Ma 9:32; Lu 11:14), điếc và câm (Mác 9:25), đui và câm (Ma 12:22), bì khòm lưng (Lu 13:11), kinh phong (Mác 1:26). Nhưng ta khá cẩn thận chớ nói rằng mọi thứ chứng bịnh đều là do quỉ; vì chính Kinh Thánh cũng phân biệt bịnh do ảnh hưởng của quỉ, và bịnh do sự đau yếu thường của xác thịt (xem Ma 15:30; Mác 1:31; 7:32; Lu 18:35, thì nói về bịnh thường; còn Ma 10:8; Mác 1:32-34; Lu 6:17-18, lại nói về bịnh do quỉ ám). Trong Ma 4:24 phân biệt hai chứng bịnh ấy rõ ràng, “Danh tiếng Ngài đồn đến cả Syri, người ta bèn đem đến cùng Ngài mọi người đau ốm, bị các thứ bịnh hoạn, thống khổ hãm áp, cùng kẻ bị quỉ ám, điên cuồng, bại xuội, thì Ngài chữa họ lành.” Khi Chúa Jesus chữa bịnh thường, thì Ngài khiến cho bịnh nhơn tin Ngài trước đã, rồi sau mới chữa lành cho. Còn khi Ngài đuổi quỉ, thì trước hết Ngài lấy giọng oai nghiêm mà khiến cho quỉ khiếp phục đã, rồi sau mới chữa lành bịnh nhơn.

3.    NÓ LỪA DỐI NGƯỜI TA TRONG TÍN NGƯỠNG VÀ LẼ BÁI

Quỉ chẳng những là ám vào người ta và nương dựa trong thân thể của họ thôi đâu, nó lại có ảnh hưởng lớn trên sự tín ngưỡng và cuộc thờ phượng của người ta nữa.

a)    Trong bái vật giáo: Kinh Thánh minh huấn rằng sự thờ phượng là do quỉ mà ra. Phao-lô nghiêm huấn rằng: ICô 10:20

Trong ICô 8: và ICô 10: Phao-lô cũng dạy rằng người ngoại đạo cúng tế các hình tượng của thần Vénus, Jupiter, v.v., thì họ tưởng rằng mình thật đã sùng bái các vị ấy. Nhưng thật ra thì các vị ấy không phải là thần thực tại đâu, bởi vì chỉ có một Chân Thần là Đức Chúa Trời mà thôi. Dầu vậy, sau lưng các hình tượng có những quỉ lợi dụng chỗ tín ngưỡng của người ta, cốt để dụ hoặc họ lìa bỏ Đức Chúa Trời mà theo ma quỉ. Cho nên khi họ cúng tế đó, thì thật cúng tế và sùng bái các quỉ vậy. Tín đồ sở dĩ chẳng nên dự đến lễ gì của bái vật giáo là vì các lễ nghi mà họ cúng bái đó đều thuộc về ma quỉ cả, rất dễ dụ hoặc mình lầm lạc xa bỏ chánh đạo vậy.

b)    Trong tà thuật: Các thứ tà thuật cũng đều do quỉ mà ra, rất nguy hiểm cho người nào dự đến. Kinh Thánh nói đến và tả ra kẻ nào cầu cứu với các pháp thuật trong cơn nguy hiểm, hẳn chẳng khác nào kẻ ở trong tro mà lại nhảy vào lửa vậy. Kinh Thánh chứng rằng vua Saulơ mất nước, vì đi cầu hỏi bà bóng, mà chẳng cầu hỏi Giê-hô-va. ISử 10:13,14

Lại nữa, Đức Chúa Trời đã nghiêm cấm tín đồ can dự đến mọi thứ tà thuật, như là bói khoa, chiêm tinh, pháp thuật, phù chú, đồng bóng, tướng số, cầu vong, v.v. Trong Phục 18:9-14 Đức Chúa Trời nghiêm cấm các tà thuật ấy, vì Ngài lấy làm gớm ghiếc vô cùng. Rồi từ câu 15-19 Ngài lại hứa ban Christ cho ta, để trong mọi sự mầu nhiệm khó hiểu của đời nầy, chúng ta chỉ cần cầu hỏi và vâng phục một mình Ngài mà thôi.

c)     Trong Cơ đốc giáo: Quỉ cũng có ảnh hưởng mạnh trong Cơ đốc giáo giới, để lừa gạt vàdụ hoặc người ta bỏ chính đạo mà theo tà giáo. Quyền vị giáo hoàng, đạo tôn bà Ma-ri làm hoàng hậu của trời, việc thờ lạy bà và các thánh, biến thể thuyết, v.v., đều là những giáo lý trái hẳn với Kinh Thánh, và gây nên biết bao sự bại hoại trong Cơ Đốc Giáo hội; nếu không do sự vận động của quỉ, thì chẳng ai cắt nghĩa do la các điều ấy được; vì nó hẳn chẳng bao giờ do Đức Chúa Trời mà ra. Vả lại, ảnh hưởng của các quỉ trong Cơ đốc Giáo hội cũng gây nên đủ thứ tà giáo như chủ nghĩa khổ hạnh, độc thân, câu nệ hình thức thờ phượng, v.v. (ITi 4:1-3). Chính các sự ấy lại lần lần bại hoại, kết quả đủ thứ ô uế luông tuồng không xiết kể (IIPhi 2:10-12). ITi 4:1-3; IIPhi 2:10-12

Các quỉ cũng khiến cho người ta bội đạo mà theo các lý thuyết sai lầm. Đó là trẫm triệu dự cáo rằng sự tái lâm của Chúa gần rồi (ITi 4:1 viện dẫn ở trên). Bọn Tân phái trong Giáo hội Cải chánh chắc bị ảnh hưởng của quỉ mà chối bỏ các lẽ đạo làm nền tảng của sự cứu rỗi mình. Các quỉ cũng hằng chiến đấu với các tín đồ muốn ăn ở cách thánh khiết đẹp lòng Đức Chúa Trời (Êph 6:12; ITi 4:1-3). Thánh đồ muốn thoát khỏi quyền hãm hại của nó, thì phải chuyên tâm cầu nguyện, hạn chế mọi sự ưa muốn của xác thịt, và mặc lấy cả khí giáp của Đức Chúa Trời, mới mong toàn linh mạng được. Ma 17:21; Êph 6:12,13. Cũng xem câu 14 nữa.

4.    CÁCH TÍN ĐỒ NHÌN NHẬN CÔNG VIỆC CỦA QUỈ

Nhờ Thánh Linh soi sáng, tín đồ có thể nhìn nhận công việc của quỉ. a) Chúng nó thường hành động ở trong sự tối tăm, không dám hiện ra tỏ tường. b) Chúng nó chối Sa-tan có nhân cách thực tại. Tín đồ nào hay người nào tự xưng là đầy tớ của Chúa mà lại chối Sa-tan thực tại, quả là do quỉ mà ra. c) Chúng rất ghét danh Chúa Jesus. Nên tín đồ thuộc linh cũng có thể nhơn danh ấy mà đuổi nó được. d) Chúng chế nhạo và chối hẳn lẽ đạo về Kinh Thánh được Đức Chúa Trời hà hơi vào. Ấy chắc tại vì Kinh Thánh tỏ ra kết cuộc của chúng nó là hầm lửa lưu hoàng vậy.

 

Chương 3 – LUẬN VỀ SA-TAN

SA-TAN là ai? Lắm người đã hỏi câu ấy, và cũng có nhiều kẻ trả lời cách nầy cách khác. Trong khoa học giới có nhiều nhà chối Sa-tan thực tại, coi nó chỉ là “con tưởng tượng” của dân dã man đời xưa. Kẻ khác cho nó là do tôn giáo dựng nên, một tín ngưỡng dị đoan của bọn tăng lữ đời trung cổ tạo ra, để dùng nó làm “bù nhìn” khiến cho người dốt nát và bọn trẻ con phải sợ hãi mà chịu vâng theo lời răn bảo của Giáo hội. Cũng có người coi nó bất quá là một quan niệm để tỏ ra sự gian ác, như họ cũng cho Đức Chúa Trời là quan niệm để tỏ ra sự thiện vậy. Đại đa số khác kể lẽ đạo về Sa-tan chẳng qua là ma vương trong truyện thần thoại do bái vật giáo mà ra; họ mô tả nó là một vật quái gở, có hình thể người, có sừng, chơn bò, và đuôi rẽ hai. Vì vậy người ta thường chế nhạo lẽ đạo về Sa-tan, cho là dị đoan, không xứng hiệp với sự tín nhận của hạng trí thức.

Nhưng Kinh Thánh dạy rất rõ ràng Sa-tan vốn có nhân cách (personnalité) thực tại, đáng ghê sợ. Kẻ khinh dể và chối bỏ đạo ấy chỉ tự chuốc lấy sự thiệt hại khốn nạn cho mình đó thôi. Vậy, chúng ta nên kê cứu kỹ càng trong Kinh Thánh để biết Sa-tan là ai và công việc của nó thể nào, có can hệ với ta làm sao.

I. SA-TAN THỰC TẠI

Kinh Thánh minh chứng rằng có một vị gọi là Ma quỉ và Sa-tan. Nó chẳng phải một vị ảo tượng, do tư tưởng hư không của người đời xưa mà ra đâu, bèn là một vị có nhân cách và ngôi riêng, thực tại và được tự ý hoạt động. Các câu dẫn sau đây chứng rõ cho lẽ đạo ấy: Gióp 1:6. Cũng xem câu 7-12; 2:1-17; Xa 3:1,2; Ma 4:1-11; Lu 10:18; Gi 13:2; Công 5:3; Êph 6:11; IPhi 5:8; Khải 20:1-3

Trong Cựu ước có bảy sách nói đến Sa-tan, tức là Sáng thế ký, I Sử ký, Gióp, Thi Thiên, Ê-sai, Êxêchien và Xa-cha-ri. Các trước thuật Tân ước đều có nói đến nó cả, chứng rằng nó quả thực tại vậy. Chúa Jesus dùng năm danh hiệu khác nhau mà nói đến nó ít nữa là 15 lần. Ngài vô sở bất tri, nên lời dạy của Ngài về ma quỉ không thể sai lầm, bèn là chơn thật trọn vẹn, đáng cho ta tín nhận.

II. SA-TAN CÓ NHÂN CÁCH

Kinh Thánh tả Sa-tan bằng một vị có nhân cách và ngôi riêng, như sau đây:

1.    DÙNG ĐẠI DANH TỪ MÀ XƯNG.

Trong nhiều đoạn sách nói đến Sa-tan, thì dùng đại danh từ “người” và “nó” để xưng nó: Gióp 1:8; 2:1,2; Xa 3:2; Khải 12:12

2.    CÓ CÁC TƯ CÁCH CỦA NGÔI RIÊNG

Kinh Thánh cũng tả Sa-tan có các tư cách của một vị có ngôi riêng.

a)    Có trí ngộ: Trong IICô 2:11 nói về “quỉ mưu” của Sa-tan; trong Êph 6:11 lại nói về các “quỉ kế” của nó. Còn trong Khải 12:9, gọi nó là “đứa dỗ dành cả thiên hạ”. Kê cứu những câu ấy, thì thấy Sa-tan lập mưu kế để dỗ dành thiên hạ. Còn vị nào có tài lập mưu là vị có trí ngộ. Mà trí ngộ là một nguyên tố của ngôi riêng vậy.

b)    Có ký lực: Khi Sa-tan tranh chiến với Chúa trong đồng vắng, thì nó cũng viện dẫn Kinh Thánh. Ấy chứng rằng nó có ký lực (Ma 4:6). Một “ảo tưởng” không thể làm như vậy được.

c)     Có tri thức: Khi Sa-tan bị quăng xuống đất thì giận giữ lắm, “bởi nó biết thì giờ nó còn chẳng bao nhiêu.” Ấy cũng chứng rằng nó có ngôi riêng, vì một vật vô nhân cách chẳng có tri thức đâu.

d)    Có ý dục: Sa-tan cũng có ý dục tự do, có thể lựa chọn làm điều nào nó muốn cũng như loài người vậy. IITi 2:26 nói về người ta “bị nó (ma quỉ) bắt lấy đặng làm theo ý nó.” Trong Ês 14:12,13 cũng tả vẽ thế nào nó sa ngã, tỏ rằng tại nó tự cao, cố quyết theo ý riêng mà muốn chiếm đoạt ngai Đức Chúa Trời. Nó thốt rằng: “Ta sẽ lên trời, sẽ nhắc ngai ta lên trên các ngôi sao Đức Chúa Trời. Ta sẽ ngồi trên núi hội về cuối cùng phương bắc. Ta sẽ lên trên cao… làm ra mình bằng Đấng Rất Cao”.

e)    Có cảm tình: Sa-tan cũng có cảm tình, như muốn (Lu 22:31 chữ đòi đây có ý muốn), kiêu ngạo (ITi 3:6), giận dữ (Khải 12:12). Vật vô nhân cách không thể có cảm tình như vậy, chỉ vật có ngôi riêng mới có thể muốn, tự cao, và giận dữ được đó thôi.

f)      Có võ tài: Trong Khải 12:7 và 20:7,8 mô tả Sa-tan đương chiến đấu, chứng rằng nó có tài năng tổ chức và thống lãnh quân đội, đến đỗi dám giao chiến với Christ nữa. Chỉ một vị có nhân cách cao mới có thể làm việc ấy được.

3.    NÓ THI HÀNH NHƯ MỘT VỊ CÓ NHƠN CÁCH

Kinh Thánh cũng mô tả Sa-tan thi hành như một vật có nhân cách:

a)    Nó nói: Gióp 1:9,10 thuật lại nó hay nói chuyện với Đức Chúa Trời, và Ma 4:1-11 tả ra nó đương tranh biện với Chúa Jesus tại đồng vắng. Hễ ai có tài nói, cố nhiên là có nhân cách.

b)    Nó hay cám dỗ: Lần đầu ta gặp vị thâm hiểm nầy là tại vườn Ê-đen, lúc nó dụ dỗ tổ tiên ta phạm tội. Trong Ma 4:3 gọi nó là “quỉ cám dỗ”. Còn trong ICô 7:5 và ITê 3:5 Phao-lô khuyên tín đồ cẩn thận e bị nó cám dỗ chăng. Sự cám dỗ ám chỉ rằng hễ ai cám dỗ ai ắt phải có trí ngộ và tài phân biệt phải quấy mới làm được. Còn các tư cách ấy chỉ thuộc về vật có ngôi riêng mà thôi.

c)     Nó kiện cáo: Nó hay kiện cáo thánh đồ của Đức Chúa Trời, chứng rằng nó có nhân cách rõ ràng (Gióp 1:9-11; Khải 12:10).

d)    Nó giao chiến: Sa-tan cũng giao chiến với Đức Chúa Trời và sứ giả của Ngài, cũng là việc thuộc về vật có ngôi riêng (Khải 12:7; 20:8,9)

e)    Nó sẽ bị hình phạt: Kết cuộc của Sa-tan là sự hình phạt đời đời tại hầm lửa và lưu hoàng. Vả, vật vô nhân cách không thể bị phạt được. Nên sự ấy cũng chứng rằng nó thật có ngôi riêng.

III. CĂN NGUYÊN CỦA SA-TAN

Sa-tan từ đâu mà có? Ấy là vấn đề nhiều người hỏi, và cũng không dễ đáp lời. Vì Kinh Thánh không trực tiếp khải thị Sa-tan được dựng nên chừng nào và cách nào; cũng không nói rõ thế nào nó trở nên cực ác mà cố ý phản loạn cùng Đức Chúa Trời. Dầu vậy, chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời dựng nên muôn vật, hoặc thuộc về cõi hữu hình hay vô hình. Sa-tan thuộc về cõi vô hình, nên cũng do Đức Chúa Trời dựng nên vậy (Côl 1:16; Gi 1:3; Êph 3:9; Khải 4:11). Song thực sự ấy lại nảy ra một vấn đề rất quan hệ với sự suy luận ta, ấy là, có phải Đức Chúa Trời vốn Đấng Thánh khiết tuyệt đối, nên Ngài chẳng có thể tạo ra vật gì gian ác được, vì ấy phản đối với bản tánh của Ngài. Vả, Ngài đã dựng nên loài người vốn thánh sạch (Truyền 7:29), theo hình tượng của Ngài; nhưng họ vì trái mạng Ngài mà bị bại hoại. Các thiên sứ ác vốn cũng được dựng nên thánh thiện, nhưng “không giữ được nguyên vị mình, mà lìa bỏ chỗ riêng” (Giu 6), bèn “phạm tội”, bị “quăng vào vực sâu, phó mình trong hầm tối, giam cầm đến kỳ phán xét” (IIPhi 2:4). Sa-tan cũng vậy, nó do Đức Chúa Trời dựng nên vốn thánh sạch trọn vẹn, sau nó lại phản loạn với Ngài, rồi sa ngã mà trở nên ma quỉ vậy.

Trong Kinh Thánh có Êxê 28:11-19 dường như tỏ ra căn nguyên của Sa-tan. Từ câu 1-10 tiên tri chắc nói về vua Tyrơ, một vua thuộc về cõi lịch sử, có lẽ là Ethbaal II, trị vì trong lúc Nêbucatnetsa triệt hạ thành Tyrơ năm 508-585 T.C. Những lời tiên tri trong câu 1-10 được ứng nghiệm trong lúc ấy. Nhưng từ câu 11-19, lời tiên tri lại vượt quá tự nhiên giới mà luận đến một vị thuộc cõi siêu nhiên. Phần nhiều nhà giải nghĩa Kinh Thánh tin rằng ở đây tiên tri chắc luận về địa vị Sa-tan trước khi nó chưa sa ngã, duy dùng vua Tyrơ làm hình bóng về nó đó thôi. Kê cứu qua khúc sách ấy, thì thấy có luận đến nguyên tánh, nguyên vị và nguyên chức của Sa-tan.

1.    Nguyên tánh của Sa-tan: Theo câu 12-17, khi Sa-tan mới được dựng nên, thì gồm đủ tất cả sự xinh tốt trọn vẹn của mọi vật thọ tạo. Trong nó vốn chẳng có một khuyết điểm nào, bèn được tận thiện tận mỹ cho đến khi nó nỡ lòng phạm tội. Nó được a) sự khôn ngoan đầy đủ (c.12), b) tốt đẹp trọn vẹn (c. 12,17), c) bản tánh thánh khiết (c 14), d) phẩm hạnh hoàn toàn (c.15)

2.    Nguyên vị của Sa-tan: Địa vị nguyên bản của Sa-tan rất cao thượng. Trong các vị thọ tạo, nó chắc được đứng đầu. Câu 14 nói rằng, “Ngươi là một Chê-ru-bin được xức dầu, đương che phủ; ta lập ngươi lên trên hòn núi thánh của Đức Chúa Trời; ngươi đã đi dạo giữa các hòn ngọc sáng như lửa.” Theo câu ấy địa vị nguyên bản của Sa-tan rất gần gũi với Đức Chúa Trời, có quan hệ mật thiết với ngai của Ngài.

3.    Nguyên chức của Sa-tan: Theo câu 13,14 Sa-tan được dựng nên hoàn toàn như thế, cốt chức tối cao, là canh giữ hay bao phủ ngai của Đức Chúa Trời. Như Chê-ru-bin bằng vàng che phủ nắp thi ân ở trong nhà trại xưa thế nào, thì Sa-tan vốn được dựng nên cũng để che phủ ngai của Đức Chúa Trời thể ấy. Nó được “ở trong vườn Ê-đen là vườn của Đức Chúa Trời”, cũng được “lập lên trên hòn núi thánh của Đức Chúa Trời”. Ê-đen chắc là chỗ Đức Chúa Trời cư trú; “núi thánh”, chắc là ngai của Ngài. Còn Sa-tan “đi dạo giữa các hòn ngọc sáng như lửa” đó, chắc là nhắc lại bệ chơn của Đức Chúa Trời mà Môi-se và các trưởng lão Y-sơ-ra-ên được thấy trên núi Sinai. Họ được thấy “Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên; dưới chơn Ngài có một vật giống bích ngọc trong ngần, khác nào như sắc trời thanh quang… Cảnh trạng của sự vinh quang Giê-hô-va… khác nào như đám lửa hừng” (Xuất 24:10,17). Ấy vậy, Sa-tan vốn được chức nhiệm tối cao, được xức dầu để che phủ ngai của Đức Chúa Trời, được ở rất gần gũi với Ba Ngôi Đức Chúa Trời, chẳng có vị thọ tạo nào được như thế. Nó cứ hành chức tối cao như thế cho đến lúc thấy sự gian ác trong nó.

IV. SỰ SA NGÃ CỦA SA-TAN

Nếu Đức Chúa Trời dựng nên Sa-tan toàn thiện toàn hảo, thì nó bị sự gian ác từ đâu và trở nên ma quỉ thế nào? Nếu Đức Chúa Trời cũng chẳng dựng nên tội ác, thì nó từ đâu mà có? Đáp: Tội ác vốn sanh ra ở trong lòng của Sa-tan. Trong lúc nó còn giữ nguyên vị mà thừa hành ý chỉ Đức Chúa Trời, thì vũ trụ chẳng có tội ác đâu. Nhưng từ khi Sa-tan lựa chọn theo ý riêng, và cũng dụ dỗ những vị khác theo gương nó, thì tội ác liền xen vào vũ trụ, Kinh Thánh dạy rõ Sa-tan sa ngã phạm tội, cũng tỏ ra do lai và kết cuộc của sự sa ngã ấy.

1.    DO LAI CỦA SỰ SA NGÃ

Nói đại khái, do lai của Sa-tan sa ngã có hai điều:

a)    Lòng kiêu ngạo: Tiên tri Êxêchien ngầm chứng về sự sa ngã của Sa-tan mà rằng: Êxê 28:17

Ấy là tội đầu nhứt mở cuộc đại chiến giữa Đức Chúa Trời và Sa-tan, làm thiệt hại vô cùng cho cả cõi thiên sứ lẫn cõi loài người. Câu “lòng ngươi đã kiêu ngạo vì sự đẹp đẽ ngươi”, ám chỉ rằng “Chê-ru-bin được xức dầu” đó hình như chán nản về sự suy gẫm và vui vẻ trong các mỹ đức tối cao của Đức Chúa Trời, đành xây bỏ không buồn nhìn xem vinh quang ấy nữa mà khởi sự vui vẻ nhìn xem trong cái tốt đẹp riêng của mình, rồi đem mình lên đến đỗi lòng đầy dẫy sự tự thị tự mãn muốn phản loạn cùng Đức Chúa Trời vậy. Việc của Sa-tan thật xảy ra như Sa-lô-môn luận trong Châm 16:18 rằng: “Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau, và tánh tự cao đi trước sự sa ngã.” Tại cái tư tưởng kiêu căng ấy mà Sa-tan bị bại hoại, trở nên ma quỉ vậy. Phao-lô cũng ngụ ý nói đến do lai của sự sa ngã ấy mà khuyên Timôthê rằng: “Người mới nhập giáo không được làm giám mục, e người lên mặt mà sa vào án phạt của ma quỉ chăng” (ITi 3:6).

b)    Lòng tham dục: Trong Ês 14:4,13-17 cũng chắc ám luận về Sa-tan và sự sa ngã của nó. (Xem quyển thứ năm, chương thứ hai). Tiên tri mô tả sự sa ngã của Sao mai (nguyên văn: Lucifer), con của sự Sáng sớm, tỏ ra nó sa ngã và bại hoại là tại lòng tham dục của nó. Kỳ thực, gốc của tội lỗi bao giờ cũng chỉ là tự tâm ích kỷ mà thôi. Khi Sa-tan “vẫn bụng bảo dạ rằng: Ta sẽ lên trời”, ấy là nó bỏ nguyên vị nó; khi nói rằng, ta “sẽ nhắc ngai ta lên trên các ngôi sao Đức Chúa Trời”, ấy là nó muốn lấn lướt trên các thiên sứ khác. Khi thốt lên rằng “ta sẽ lên trên núi hội về cuối cùng phương bắc,” “Ta sẽ lên trên cao những đám mây, làm ra mình bằng Đức Chúa Trời Rất Cao”, thì nó mắc tội soán vị Đức Chúa Trời, và khởi cuộc phản loạn cùng chánh trị của Ngài. Cuộc phản loạn ấy sẽ kết liễu khi nào Christ bắt Sa-tan và các quỉ sứ nó mà quăng xuống hầm lửa diêm sanh đó thôi (Khải 20:7-10). (Xem quyển thứ năm, chương thứ tư, phần II).

2.    KẾT CUỘC CỦA SỰ SA NGÃ

Cái kết cuộc của sự sa ngã của Sa-tan rất khốn nạn tỏ ra như sau đây:

a)    Chê-ru-bin được xức dầu đó trở nên đứa phạm tội nguyên thủy. IGi 3:8

b)    Nó trở nên nguyên nhơn của tội lỗi. Từ nó lưu ra các dòng gian ác, do nó và các cơ quan nó mà tội lỗi được lan tràn khắp nơi, mọi người đều bị sự truyền nhiễm của nó mà phải hủ bại hư hỏng mọi bề. Gi 8:44

c)     Từ khi nó phạm tội, thì không còn ở trong lẽ thật, tội lỗi bèn trở nên bản tánh của nó, mà cũng là phong khí, hoàn cảnh và sự khoái lạc của nó nữa. IGi 3:8. Cũng xem Gi 8:44 viện dẫn ở trên.

d)    Sự khôn ngoan nó bị hư hoại. Êxê 28:17. Tội lỗi trong loài người cũng kết quả như thế. Xem Rô 1:21-25

e)    Nó bị tội án: ITi 3:6

f)      Nó bị đuổi ra khỏi trời, không còn được phép đến gần Đức Chúa Trời như trước nữa. Êxê 28:16,17; Khải 12:7-10

Khi Christ chịu chết, đem huyết Ngài rưới ở trước mặt Đức Chúa Trời để chuộc tội người ta, thì Sa-tan cũng bị quăng xuống, không còn được ra mắt Đức Chúa Trời để kiện cáo thánh đồ nữa. Cũng xem Gióp 1và 2

g)    Kết cuộc của nó là sự trầm luân trong hồ lửa lưu hoàng: Ês 14:15; Êxê 28:18,19; Ma 25:41; Khải 20:1-3; Khải 20:7-10

IV. SA-TAN BỊ HẠN CHẾ

Sa-tan thật là loài hung ác rất quỉ quyệt, mạnh hơn chúng ta muôn phần. Dầu vậy, nó chẳng phải là vị vô sở bất tri, vô sở bất năng, vô sở bất tại đâu. Quyền lực của nó bị Đức Chúa Trời hạn chế. Sức mạnh nó đến đâu cũng ở trong tay Đức Chúa Trời thôi. Đức Chúa Trời cho phép, nó mới dám làm việc. Xem năm điều sau đây thì thấy quyền vận động của Sa-tan thật bị hạn chế.

1.    Nó không thể cám dỗ tín đồ, nếu Đức Chúa Trời không cho phép. Ma 4:1. Cũng xem ICô 10:13

2.    Nó không thể làm cho ai bị đau yếu, nếu Đức Chúa Trời không cho phép. Gióp 1:10,12; 2:4-6

3.    Nó không thể giết chết ai, miễn là Đức Chúa Trời cho phép. Gióp 2:6 (viện dẫn ở trên); Hê 2:14

4.    Nó cũng chẳng thể rờ đến tín đồ nào, miễn là Đức Chúa Trời cho phép Gióp 1:10-12; 2:6 (viện dẫn ở trên). Lu 22:31,32; IGi 5:18

5.    Hễ chống cự nó, thì nó lánh xa mình.Gia 4:7

V. NƠI CƯ TRÚ HIỆN TẠI CỦA SA-TAN

Có nhiều người tưởng rằng hiện tại Sa-tan ở trong địa ngục, làm ma vương tại đó. Nhưng ấy là sai lầm. Theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh thì Sa-tan được phép ở những nơi kể ra sau đây:

1.    Nơi không trung: Hiện tại Sa-tan đã bị đuổi khỏi nơi Đức Chúa Trời cư trú mà phải xuống ở trong không trung. Nơi đó nó tổ chức một nước tối tăm, và thực hành các ác mưu quỉ kế của nó, cốt để phá hoại thánh đồ và công việc của Đức Chúa Trời. Êph 6:11,12. Cũng xem Gióp 1:6; Xa 3:1; Lu 10:18; Khải 12:7-10.

2.    Trên trái đất: Trái đất nầy là chốn Sa-tan chuyên tâm vận động đề làm việc độc ác của nó. Từ khi Đức Chúa Trời đã dựng nên loài người, ban đất cho họ ở, thì ma quỉ cũng chú trọn về nơi ấy cốt để phá hủy loài người và đánh đổ công việc của Đức Chúa Trời. Gióp 1:7; IPhi 5:8

VI. ÐỊA VỊ HIỆN TẠI CỦA SA-TAN

Đức Chúa Trời “lấy lòng khoan nhẫn lớn chịu những bình đáng giận sắm sẵn cho sự hư mất” (Rô 9:22). Ngài ban thêm cho thế giới đời Nôen 120 năm để họ ăn năn. Ngài dùng 10 phép lạ ghê sợ đặng khiến Pharaon chịu cho dân Y-sơ-ra-ên ra đi, rồi sau đó người cứ cứng lòng, thì Ngài mới tuyệt diệt người đi. Ngài đối đãi với Y-sơ-ra-ên cũng như vậy. Trải qua 15 thế kỷ họ cứ trêu chọc phản loạn và phạm tội với Ngài; còn Ngài thì cứ cảnh cáo, nài khuyên họ ăn năn. Nhưng vì họ không khứng ăn năn mà lại cứ phạm tội thêm mãi, nên Ngài mới giáng cả sự thạnh nộ Ngài xuống trên họ. Cũng vậy, Đức Chúa Trời không bắt nó, bỏ nó vào hồ lửa lúc nó mới sa ngã đâu, bèn cho nó được tự do lâu dài, để nó có thể tỏ ra lòng chẳng khứng ăn năn và sự cừu địch của nó đối với Đức Chúa Trời là độc ác là dường nào! Khi cả vũ trụ hiểu rõ điều ấy, thì Đức Chúa Trời sẽ bắt nó bỏ vào hồ lửa đã sắm sẵn cho nó và các qủi sứ của nó vậy.

Theo như Kinh Thánh dạy, thì địa vị hiện tại của Sa-tan như sau đây:

1.    CAO THƯỢNG

Dầu Sa-tan đã trở nên cực ác, thù nghịch tuyệt đối với Đức Chúa Trời, thì cũng vẫn còn giữ được địa vị cao thượng, đến đỗi thiên sứ cực phẩm Micaen không dám đem lời hỗn hào mà kiện cáo nó ở trước mặt Đức Chúa Trời. Giu 1:9

Ấy chắc dạy rằng ta cũng chẳng nên lấy lời chơi dỡn chê bai mà nói đến nó, bèn nên lấy lòng sợ hãi nó, chỉ nương cậy mình nơi Chúa cho khỏi các ác mưu của nó, mới chắc bình an vô sự vậy.

2.    LÀM VUA CHÚA.

Kinh Thánh cũng dạy rằng Sa-tan cầm quyền vua chúa, thống lãnh một nước gọi là nước tối tăm.

a)    Thủ lãnh của quyền bính trong không trung: Trong Êph 2:2 Sa-tan gọi là “thủ lãnh của quyền bính trong không trung, tức là thần hiện đương hành động trong các con bội nghịch.” Lời ấy ám chỉ rằng Sa-tan thống lãnh một nước và cầm quyền bính lớn đối với cõi thiên không vậy. Chúa Jesus nhận nước của Sa-tan thực tại, phản đối với nước Đức Chúa Trời (Ma 12:25-29). Còn kẻ được cứu, Kinh Thánh lại gọi là được giải cứu, Kinh Thánh lại gọi là được giải cứu khỏi quyền tối tăm của Sa-tan mà đến nước sáng láng của Đức Chúa Trời. Công 26:18; Côl 1:13

b)    Vua chúa của thế gian: Ba lần Chúa Jesus gọi Sa-tan bằng “vua chúa của thế gian”. Nó là thủ lãnh của sự tổ chức của thế giới bất kỉnh bất nghĩa nầy. Gi 12:31; Gi 14:30. Cũng xem Gi 16:11

Chữ thế gian đây, nguyên văn Hi-lạp là kosmos, nghĩa đen là trật tự hiện tại của đời nầy. Chúa Jesus dạy rằng Sa-tan là thủ lãnh của trật tự ấy. Làm sao Sa-tan chiếm được uy quyền ấy, chúng ta không thể nói được. song nếu chúng ta kê cứu nguyên tắc điều khiển trong các giới nào là thương mại, chánh trị, xã hội, và quốc tế, thì ai dám chối rằng Sa-tan không thống lãnh mọi vận động của cả các giới ấy ư? Ta thường thấy trong trường thương mại thì có sự ganh đua lường gạt; trong trường chánh trị thò có sự độc tài áp chế; trong xã hội có sự nghèo nàn, dốt nát; trong trường quốc tế lại có sự ghen ghét xâu xé nhau. Những điều ấy nếu không do sức vận động của Sa-tan mà ra, thì tự đâu mà có? Quả nó là vua chúa cầm quyền trong thế giới tối tăm nầy.

c)     Thần của đời nầy: Sa-tan cũng gọi là “thần của đời nầy”. Nó hay dụ dỗ người ta xây bỏ Đức Chúa Trời, để đem lòng thờ lạy nó. IICô 4:3,4. Cũng xem IITê 2:3,4.

VII. BẢN TÁNH CỦA SA-TAN

Sa-tan vốn đã là thánh sạch hoàn toàn, làm sao lại sa ngã trở nên kẻ mắc tội được ư? Ấy là vấn đề người phàm khó giải quyết, vì nó thuộc về lẽ mầu nhiệm tối cao của Đức Chúa Trời mà Ngài không khải thị cho ta biết. Dầu vậy, Kinh Thánh minh huấn rằng Sa-tan quả đã sa ngã. Lời của Đức Chúa Trời trong Gi 8:44 “nó… chẳng đứng trong lẽ thật,” ám chỉ rằng trước kia nó vốn ở trong lẽ thật, nhưng về sau nó đã trụy lạc mà bỏ địa vị cao thượng ấy, trở nên đứa giả dối. Vả điều mà Chúa ám chỉ đó, thì tiên tri Êxêchien và Ê-sai lại dạy rõ. Êxê 28:15; Ês 14:12-15

Kinh Thánh thường dùng hai cách mà tỏ ra bản tánh của Sa-tan là tỏ ra bằng danh hiệu nó, và bằng lời trần thuật.

1.    CÁC DANH HIỆU CỦA SA-TAN

Các danh hiệu Kinh Thánh dùng để xưng hô Sa-tan bày tỏ ra bản tánh của nó.

a)    Sa-tan: Kinh Thánh dùng tên Sa-tan 44 lần để gọi ma quỉ. Nghĩa đen là “kẻ ghét”, “thù nghịch”, “cừu địch”. Nó ghét Đức Chúa Trời và dân sự của Ngài, nó thù nghịch với Đức Chúa Trời, và cừu địch của loài người. Gióp 1:6; Gióp 2:1; Xa 3:1; IPhi 5:8

b)    Ma quỉ: Kinh Thánh cũng gọi Sa-tan bằng “ma quỉ” 35 lần. Trong nguyên văn Hi-lạp danh từ ấy là diabolos, nghĩa đen là “kẻ vu cáo”. Sa-tan hằng vu cáo thánh đồ ở trước mặt Đức Chúa Trời, cũng hay vu cáo Đức Chúa Trời đối với loài người nữa. Khải 12:7-10; Ma 4:1

Nó cũng cảm động lòng kẻ ưa nói hành, nói xấu anh em mình, vu cáo điều nầy, sàm báng việc kia mà làm mất danh giá của người ta. Khi ta nghe kẻ như thế nói hành ai, thì khá lánh xa họ như lánh xa rắn lục, vì kẻ ấy bị một quỉ của Sa-tan thúc giục mà nói đó vậy.

c)     Thủ lãnh của quyền bính không trung: Ấy chỉ về nơi nó hay cư trú và vận động làm việc của nó. Trong nơi ấy nó tổ chức nước của nó, thống lãnh các đạo quân thiên sứ ác và quỉ dữ, sai khiến chúng làm trọn các độc mưu ác kế của nó. Êph 2:2; Êph 6:12

d)    Vua chúa của thế gian: Sa-tan đã chiếm cứ thế gian nầy. Nó chủ trị trên cả thế cuộc. Khi Christ tái lâm thì sẽ lấy lại quyền ấy, đuổi Sa-tan khỏi nước nó, quăng nó vào vực sâu (Gi 14:30; Êxê 28:18,19; Gi 16:11; Giu 9). Lời Phao-lô khuyên tín đồ: “Đừng đồng hóa với đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí anh em”, há chẳng vì Sa-tan là vua chúa của đời nầy sao? Ta hãy nhớ luôn, quyền quốc dân ta ở trên trời, chớ chẳng phải thuộc về đất đâu. Thái độ ấy sẽ giúp đỡ ta thắng hơn nó trên thập tự giá. Gi 14:30; Gi 16:11; Giu 1:9; Êxê 28:18,19; Ês 14:15

e)    Thần của đời nay: Sa-tan là cảm lực của bái vật giáo, của mọi cuộc thờ hình tượng, của các tà giáo, và của các cuộc sùng bái bề ngoài của đời nầy vậy.ITi 4:1-3; IICô 4:4

f)      Abađôn, Abôlyôn: Nghĩa đen hai danh hiệu ấy là “kẻ phá hủy”. Đứa nầy cũng được gọi là “sứ giả của vực sâu” nữa. Mục đích việc làm của nó, bao giờ cũng là phá hủy: Nó muốn phá hủy công việc của Đức Chúa Trời và công việc của Christ. Nó cố ý phá hủy loài người nữa, đặng lôi kéo họ theo nó vào vực sâu. Nó cũng rán hết sức phá hủy tín đồ. Nó nhờ sự phá hủy nào là lẽ thật, công nghĩa, đạo đức, hi vọng, đức tin, yêu thương, sự nương cậy huyết của Christ mà họ đã tín nhận để làm việc ấy. Chúng ta chỉ toàn thắng nó bởi huyết của Christ và bởi lời làm chứng của mình.Khải 9:11; Khải 12:11

g)    Những danh hiệu khác: Sa-tan cũng gọi là Bêênxêbun (Ma 12:14), vua của các quỉ. Cũng gọi là “kẻ dữ” (Ma 13:19), để tả ra ác tánh của nó. Trong Khải 12:9 nó lại xưng là “con rồng”, ám chỉ rằng bản tánh nó rất quái gở không có lời phàm nào mô tả được. Hình trạng của Sa-tan có lẽ vẫn còn rất xinh đẹp; nhưng sự xinh đẹp ấy là sự xinh đẹp của sự gian ác cực điểm. Mà gọi là gian ác cực điểm lại xưng là xinh đẹp hoàn toàn, há chẳng quái gở và gớm ghiếc vô cùng sao? Thật như con rắn kia, nó đẹp thật, nhưng lại là gớm ghê quá chừng! Sa-tan cũng vậy. Phao-lô cũng gọi Sa-tan bằng “Bê-li-an” (IICô 6:15), ám tả tánh đê mạt và cực xấu của nó. Còn tên “rắn xưa”, lại ám chỉ về lòng rất quỉ quyệt của nó. (Khải 20:2); Ma 12:24; Ma 13:19; Khải 12:9; IICô 6:15; Khải 20:2

2.    LỜI TRẦN THUẬT TẢ TÁNH CỦA SA-TAN

Chẳng những là các danh hiệu của Sa-tan ám tả bản tánh của nó là thể nào thôi đâu, lại có nhiều lời trần thuật bày ra bản tánh ấy càng rõ hơn nữa.

a)    Nó rất giảo quyệt gian trá: Kinh Thánh tả Sa-tan là đứa:

(1)Hay dùng quỉ mưu IICô 2:11. Cũng xem Êph 6:11,12.

(2)Làm dấu lạ phép kỳ giả dối, để lừa gạt những kẻ không khứng nhận lãnh lòng yêu mến lẽ thật. IITê 2:9,10. Cũng xem Khải 13:11-14; Ma 24:24

(3)Có quyền tự ý biến hình, đến đỗi cũng hiện ra như thiên sứ sáng láng nữa. IICô 11:14

b)    Nó gian ác hiểm độc: Kinh Thánh cũng mô tả tâm tánh của Sa-tan là cực gian ác hiểm độc.

(1)Nó là “kẻ ác”. Sa-tan sở dĩ gọi là kẻ ác, bởi vì nó là nguyên lý của sự ác thành vị, và là nguồn gốc của mọi ác tập. IGi 5:19. Cũng xem Ma 5:37

(2)Nó là kẻ phạm tội đầu nhứt. Ta có thể gọi nó là “nguyên tội nhân” vậy. IGi 3:8

(3)Nó là kẻ giết người, và là đứa gây nên các cuộc tàn sát. Lòng của nó tàn nhẫn, hung bạo, ưa thích sự tàn sát, và là cảm lực của tội sát nhơn vậy. IGi 8:44

(4)Nó làm mù tâm tư của kẻ chẳng tin, khiến họ không hiểu được lẽ thật để hưởng ơn cứu rỗi. IICô 4:4

(5)Nó ăn cắp lẽ thật đã gieo vào lòng người ta, hầu khiến họ không tin để được cứu rỗi. Lu 8:12

VIII. CÔNG VIỆC CỦA SA-TAN

1.    NÓ MUỐN PHÁ HỦY CÔNG VIỆC CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Công việc của Sa-tan rất nhiều và phiền phức lắm, mục đích là phá hủy công việc của Đức Chúa Trời. Nó đem lòng ghen ghét loài người, vì họ là kim miện vinh hiển của công việc Đức Chúa Trời. Khi họ được dựng nên, thì nó dụ dỗ họ phạm tội. Rồi từ đó nó hằng lập trăm mưu ngàn kế đặng ngăn trở Đức Chúa Trời cứu rỗi họ. Từ vườn Ê-đen cho đến Christ giáng sanh, ta thấy ma quỉ dùng đủ cách để ngăn trở Ngài hiện đến. Khi Ngài đã đến thì Sa-tan lại kiếm thế ngăn trở Ngài đến thập tự giá, chịu chết để cứu chuộc loài người. Khi Ngài đã chết rồi, thì nó lại cố ý giữ Ngài trong mồ mả. Nhưng cảm tạ Đức Chúa Trời, Christ đã giáng sanh, chết và sống lại rồi, trở nên Cứu Chúa cho kẻ có lòng tin cậy Ngài. Từ đó Sa-tan luôn giận dữ với dân Ngài, cố quyết tuyệt diệt họ (Khải 12:7-12). Nhưng họ nhờ huyết của Chiên Con và lời của Đức Chúa Trời cũng được toàn thắng nó như Christ đã đắc thắng vậy.

2.    KINH THÁNH TRẦN THUẬT CÔNG VIỆC NÓ

Sau đây xin tóm tắt lại điều Kinh Thánh dạy về công việc của Sa-tan.

a)    Sa-tan là nguồn gốc của tội ác trong vũ trụ. Êph 14:13,14

b)    Nó là nguyên nhân của tội lỗi trong thế gian. Sáng 3:1-6

c)     Nó là nguyên nhân của tật bịnh. Lu 13:11,16; Công 10:38

d)    Nó là nguyên nhân của sự chết. Hê 2:14

e)    Nó cám dỗ người ta phạm tội. ISử 21:1; Ma 4:1. Cũng xem câu 3,5,6,8,9

f)     Nó gài bẫy người ta. ITi 3:7

g)    Nó để mưu ác vào lòng người ta. Gi 13:2; Công 5:3

h)    Nó làm mù tâm tư của người ta. IICô 4:4

i)     Nó nhập vào người ta. Gi 13:27

j)     Nó cướp lấy đạo đã gieo trong lòng người ta. Mác 4:15

k)    Nó gieo cỏ lùng vào lúa mì. Ma 13:25. Cũng xem Mác 4:15; Lu 8:12

l)     Nó sẽ ban quyền phép cho Antichrist. IITê 2:9

m)   Nó khuấy rối đầy tớ của Chúa. IICô 12:7

n)    Nó ngăn trở và chống nghịch đầy tớ của Chúa. Đa 10:13; Xa 3:1; ITê 2:18

o)    Nó sàng sảy tín đồ. Lu 22:31

p)    Nó kiện cáo anh em ta. Khải 12:9,10. Cũng xem Gióp 1:6-11; 2:3-5

q)    Nó ôm ẵm thế gian (như mẹ ôm ẵm con mình) trong tay nó. IGi 5:19

3.    SA-TAN CHUYÊN TÂM GIẢ MẠO CÔNG VIỆC CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Cái xa vọng của Sa-tan là chiếm vị Đức Chúa Trời mà làm Đức Chúa Trời. Lời thốt kiêu căng của Lucifer là “Ta sẽ… làm ra mình bằng Đấng Rất Cao” (Ês 14:15). Đại ý của các mưu chước độc ác của nó là giả mạo mọi công việc của Đức Chúa Trời. Sự giả mạo ấy rất khôn khéo, đến đỗi lắm người bị dỗ dành, theo sự giả dối của Sa-tan mà không biết, lại tự vị là hầu việc Đức Chúa Trời. Thật Sa-tan là “con khỉ của Đức Chúa Trời”. Xem những điều sau đây, thì thấy sự giả mạo của nó rõ hơn.

a)    Đức Chúa Trời có một Con Độc sanh, là Chúa Jesus Christ. Sa-tan cũng vậy, có “con của sự hư mất” (IITê 2:3).

b)    Đức Chúa Trời có Ba Ngôi. Sa-tan cũng vậy, có “ba ngôi” của sự gian ác, ma quỉ, con thú và tiên tri giả. Khải 20:10

c)     Đức Chúa Trời có những con cái. Sa-tan cũng vậy, vì Kinh Thánh nói về “con cái quỉ dữ” (Ma 13:38).

d)    Đức Chúa Trời hành động trong con cái của Ngài, để họ “vừa muốn vừa làm nên ý tốt Ngài” (Phil 2:13) Sa-tan cũng vậy, vì nó gọi là “thần hiện đương hành động trong các con bội nghịch” (Êph 2:2).

e)    Kinh Thánh luận về “lẽ mầu nhiệm của sự kỉnh kiền” (ITi 3:16); cũng nói về “sự mầu nhiệm của sự trái luật” (IITê 2:7). Đức Chúa Trời là nguyên nhân của lẽ nầy; còn Sa-tan là gốc của sự kia.

f)      Trong Khải 7:2,3 ta thấy Đức Chúa Trời nhờ thiên sứ Ngài mà đóng ấn trên trán của đầy tớ Ngài. Trong Khải 13:16 ta cũng thấy Sa-tan nhờ đại biểu nó, là con thú, mà ghi dấu nó trên trán của các người thuộc về nó.

g)    Có câu nói về “Thánh Linh dò thấu mọi sự, cả đến sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời nữa” (ICô 2:10). Mà Sa-tan cũng có “sự mầu nhiệm” của nó nữa (Khải 2:24).

h)    Christ nhờ Thánh Linh mà làm dấu lạ phép kỳ. Sa-tan sẽ nhờ “kẻ trái luật” mà “làm đủ thứ quyền năng, dấu lạ và phép kỳ giả dối” (IITê 2:9).

i)      Christ là sự sáng của thế gian (Gi 8:12). Sa-tan cũng giả mạo sự sáng ấy mà “tự làm ra dáng thiên sứ sáng láng” (IICô 11:14).

j)      Chúa Jesus thiết lập các sứ đồ để hầu việc Ngài. Sa-tan cũng có những “sứ đồ… là kẻ làm công gian dối, tự làm ra dáng sứ đồ của Christ” (IICô 11:13).

X. SỰ KẾT CUỘC CỦA SA-TAN

Đức Chúa Trời đã hứa cho nguyên tổ ta rằng dòng dõi của người nữ sẽ giày đạp đầu con rắn (Sáng 3:15). Con rắn ấy là Sa-tan (Khải 12:9). Kê cứu lịch sử của đạo Đức Chúa Trời, thì thấy lời hứa ấy theo năm giai đoạn mà được ứng nghiệm.

1.    Christ nhờ sự chết trên thập tự giá mà giày đạp đầu của Sa-tan. Tại nơi đó nó giao chiến cùng Con Đức Chúa Trời và bị thua. Nên hôm nay nó thật là một thù nghịch đã bị thất bại, và chính mình nó cũng biết rõ là vậy. Tín đồ lấy đức tin mà thừa nhận thực sự ấy, mới mong toàn thắng nó được. Gi 12:31; Côl 2:15; Hê 2:14; IGi 3:8; Khải 12:11

2.    Trong thời đại nầy dẫu nó có quyền lớn, sai khiến các quỉ sứ nó vận động khắp nơi, thì quyền nó cũng bị Đức Chúa Trời hạn chế (như ta đã thấy), nó chỉ có thể thực hành các ác mưu quỉ kế của nó miễn là Đức Chúa Trời cho phép mới được.

3.    Trong đời Thiên hy niên (Millenium) nó sẽ bị giam cầm trong vực sâu. Khải 20:1-3

4.    Sau đời Thiên hy niên Sa-tan sẽ được thả ra khỏi vực sâu trong một thời hạn ngắn, có lẽ để chịu thí nghiệm một lần chót, thử xem sự giam cầm trong vực sâu đó có khiến cho nó ăn năn không. Nhưng nó chẳng khứng ăn năn đâu, trái lại cứ phản loạn cùng Đức Chúa Trời một lần nữa, vì lòng nó là nguyên lý của sự ác, chẳng có thể đổi mới được. Khải 20:3b,7-9

5.    Kết cuộc của Sa-tan là nó sẽ bị bắt mà quăng vào hồ lửa lưu hoàng, tại đó nó sẽ bị khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời vô cùng. Sự kết cuộc của nó là sự thất bại hoàn toàn, và sự hình phạt đời đời vậy. Cảm tạ Đức Chúa Trời! Alêlugia! Khải 20:7-9. Viện dẫn ở trên. Khải 20:10

XI. THÁI ÐỘ CỦA TÍN ÐỒ VỚI SA-TAN

Vậy, đối với một vị rất hung ác, rất tàn nhẫn mà rất xảo quyệt như thế, tín đồ phải làm thế nào? Kinh Thánh đáp lại câu hỏi ấy rất rõ ràng như sau đây.

1.    Phải dè giữ và thức canh: Đối với Sa-tan bao giờ tín đồ cũng nên dè giữ và thức canh luôn, e bị mưu chước của nó lừa gạt chăng. Ta chẳng nên đố thách nó, hay là tự khoe đối với nó; cũng chẳng nên coi quyền lực của nó quá mạnh hay quá yếu mà sợ hãi, hay khinh thường; bèn nên dè giữ mà luôn luôn coi chừng quyền lực nó mới được IPhi 5:8

2.    Không nên khinh dễ hoặc nói hỗn hào với nó: Kinh Thánh dạy cũng rằng ta chẳng nên khinh dễ hoặc nói hỗn hào với nó. Thực ta chẳng nên trực tiếp trò chuyện cùng Sa-tan, cũng chẳng nên chơi dỡn với nó. Nếu nó nói với mình, thì chớ đáp lại, hãy giao cho Thánh Linh quở trách nó thôi. Vì Thánh Linh là Trạng sư của ta, biện hộ cho ta đối với cừu địch hung bạo ấy. Xa 3:1,2; IIPhi 2:10,11; Giu 1:9

3.    Chẳng nên hờ hửng đối với quỉ mưu của nó: Sa-tan rất giảo quyệt, hay lập mưu kế đặng làm thiệt hại ta. Trong mọi lời nói và việc làm, chúng ta nên cẩn thận, nhớ lại cừu địch ta là ai, cầu Chúa giúp mình phân biệt các mưu chước gian ác của nó đặng lánh xa. IICô 2:11

4.    Chẳng nên nhường chỗ cho nó: tín đồ nên tự trị, tự chế, không nên vì tình dục hay là ác tưởng, ác tập mà nhường chỗ cho ma quỉ. Êph 4:26,27

5.    Nên chống cự nó: Dầu Sa-tan có quyền lớn, thì cũng không thể ép ai làm dữ. Nếu chúng ta run rẩy, sợ hãi mà nhường chỗ cho nó thì phải bị nó lung lạc ngay. Song nếu ta hết sức nhờ cậy ơn Chúa ban cho mà chống cự nó, thì chắc nó lánh xa ta không sai. Thủ đoạn của ma quỉ rất giảo quyệt; nó làm cho tư dục người ta bùng lên như là tro tàn lại bén, để khiến cho người không cẩn thận phải vấp ngã. Nhưng dầu nó có mưu kế khôn khéo đến đâu, lại dầu ta là tín đồ cực yếu đuối đi nữa, nhưng nếu ta thành tâm cầu nguyện, nhờ sức Chúa mà chống lại, thì nó ắt phải lui xa vậy. Khi nó cám dỗ, chớ vội xây lưng giấu mặt, tìm đường trốn tránh, nhưng hãy nhơn danh Chúa đứng vững mà cự địch cùng nó, ắt chính nó phải bỏ trốn đi thôi. Gia 4:7; Êph 6:3. Cũng xem Lu 22:40,46; Êph 6:11,16; IPhi 5:9; IGi 2:13

6.    Nên mặc lấy cả khí giáp của Đức Chúa Trời: Tín đồ có thể thắng hơn ma quỉ chỉ khi nào họ mặc lấy cả khí giáp của Đức Chúa Trời dự bị cho. Kẻ nào đại gan nương cậy nơi sức mạnh và sự khôn ngoan riêng mà giao chiến với Sa-tan, chắc phải bị thua mà thôi. Nên Phao-lô khuyên rằng: “Hãy lấy cả khí giáp của Đức Chúa Trời… hầu cho anh em có thể chống nổi.” Êph 6:14-18

XII. ÍCH LỢI CỦA ÐẠO VỀ THIÊN SỨ

1.    ĐẠO VỀ THIÊN SỨ THIỆN

Đạo về thiên sứ thiện có ích lợi cho ta như sau đây:

a)    Tỏ ra Đức Chúa Trời là Đấng quyền năng trọn vẹn, vốn có tài nguyên tự lực vô hạn vô lượng. Vì trước khi chưa tạo ra loài người, thì đã có muôn vàn thiên sứ rất thông minh trí huệ, hằng vâng theo ý chỉ Ngài, thường làm nên mạng lịnh Ngài.

b)    Bổ sức cho đức tin ta đối với lẽ thần hữu, tin quyết rằng Đức Chúa Trời hằng bảo hộ ta. Dầu ta vốn là loài nhỏ mọn hèn hạ, bị tội lỗi vấn vương thật, nhưng Đức Chúa Trời hằng sai khiến những thiên sứ rất mạnh mẽ, rất khôn sáng đến giúp đỡ, bảo hộ ta. Công trình của Đức Chúa Trời bảo hộ ta thật là tận tâm tận lực vậy (Thi 34:7; Hê 1:14).

c)     Tỏ ra ơn cứu chuộc của Đức Chúa Trời: Thật là diệu kỳ không ai dò xét được. Luận về đạo cứu chuộc, Kinh Thánh dạy rằng dầu khôn ngoan như thiên sứ cũng phải kê cứu đến (IPhi 1:12). Khi người ta ăn năn, thì thiên sứ vui mừng (Lu 15:10). Khi có hỉ tin, thì thiên sứ báo cho (Lu 1:26-38; 2:8-14; Khải 14:6,7). Song thiên sứ không giảng Tin Lành được, vì chúng không thuộc dòng dõi của A-đam, không được dự đến ân điển cứu rỗi, chỉ được phép đứng ở ngoài ơn ấy mà ngó vào thôi (IPhi 1:12). Ơn cứu chuộc Đức Chúa Trời ban cho ta thật diệu kỳ không xiết kể.

d)    Làm gương khiêm nhường cho loài người: Dầu sự khôn ngoan, quyền năng, và phân vị của thiên sứ đều vượt quá loài người dường nào, mà chúng còn tình nguyện chịu sai đi hầu việc loài người, là loài rất thiếu kém thay, thì huống chi chúng ta há lại chẳng nên khiêm nhường đến đều để hầu việc đồng loại mình ư!

e)    Giúp ta thức canh cẩn thận luôn: Vì biết rằng có thiên sứ thiện hằng ở gần, để ý đến mọi việc làm của mình. Hễ khi ta làm quấy sa ngã, thì chúng ghi sổ, còn nếu ta chống cự sự cám dỗ mà quyết làm phải, thì chúng lại nâng đỡ bảo hộ cho.

f)      Khiến cho ta có hi vọng cao xa: Chúng ta dầu là nhỏ mọn hèn hạ, nhưng đến cuối cùng sẽ được cao trọng hơn thiên sứ nữa, vì chúng ta sẽ xét đoán thiên sứ (ICô 6:3). Vậy, chúng ta dễ thường không biết giữ được tự tôn tự trọng, để đạt đến hi vọng cao trọng ấy ư?

2.    ĐẠO VỀ THIÊN SỨ ÁC.

Đạo về thiên sứ ác cũng có vài điều ích lợi cho kẻ tận tâm để ý đến.

a)    Bày tỏ năng lực của tội: Sa-tan và các thiên sứ ác dầu vốn ở địa vị rất cao mà lại vì cớ tội lỗi phải sa vào địa vị rất thấp, bị hủ bại hư hỏng vô cùng, chúng ta dễ không ngao ngán vì tội lỗi ư?

b)    Bày tỏ nghĩa thật của tội: Nguyên tội của Sa-tan là lòng kiêu ngạo và sự tham dục. Vì cớ tội ấy mà nó nỡ lòng phản loạn cùng Đức Chúa Trời, gây nên sự hư mất đời đời cho nó và cho cả bọn cùng theo nó nữa. Thật, chúng ta nên cẩn thận dường nào mỗi khi cảm xúc thấy lòng kiêu ngạo tham dục dấy lên, e rằng ta bị sự dỗ dành của một ác quỉ nào làm cho phải thiệt hại đời đời chăng.

c)     Tỏ bày Cứu Chúa phải có quyền năng nào: Sa-tan là vị quyền năng to tát. Một Đấng không thể thắng hơn Sa-tan chắc không xứng đáng làm Cứu Chúa của người ta. Ở ngoài Christ là Con Đức Chúa Trời, chẳng có ai có đủ quyền cứu ta, duy Ngài là “Sư tử của Giuđa” đã toàn thắng nó được thôi. Hễ ai nương cậy nơi Ngài hẳn cũng được hiệp đồng với Ngài mà thắng nó vậy.

d)    Tỏ ra ân điển lạ lùng của Đức Chúa Trời: Đức Chúa Trời chẳng mở một cửa cứu rỗi cho Sa-tan và các sứ giả của nó, bèn chỉ mở cửa cứu rỗi cho loài người mà thôi. Ấy há chẳng phải là ân điển lạ lùng sao? Ta đáng đem cả lòng ta gieo dưới chơn Ngài đặng tỏ lòng biết ơn ấy, đồng thinh với muôn vật mà tung hô rằng: “Nguyện sự ngợi khen, tôn quí, vinh hiển và quyền thế đều về nơi Đấng ngự trên ngai, cùng về nơi Chiên Con cho đến đời đời!” (Khải 5:13).