- Được viết bởi: Mục sư Olsen
- Chuyên mục: Thần Đạo Học của Olsen
(Giáo hội học)
LỜI MỞ ĐƯỜNG
CHÚNG ta đã kê cứu qua mấy quyển trước, biết rõ đạo Christ quả là chánh đạo do Đức Chúa Trời ban cho, là linh quang rực rỡ chiếu sáng trong đời tối tăm, là linh lương ngon ngọt nuôi nấng lòng đói khát, là linh lực diệu kỳ cứu rỗi loài người, là la bàn chỉ đường về nhà Cha, là lời hứa quyền năng ban sự tha tội, là nguồn gốc duy nhứt ban sự sống đời đời. Đạo nầy thật là đạo siêu nhiên duy nhứt: nào căn nguyên, nào Chủ giáo, nào tôn chỉ, nào quyền năng của nó và nào cách truyền bá, thảy đều theo lối siêu nhiên, vượt quá trí hiểu phàm tục cả. Một đạo đã có cội gốc lạ lùng từ trời, được lưu thông siêu việt khắp đất, có quyền tuyệt đối cứu người rỗi đời, chắc cũng phải có cái kết quả cách siêu nhiên ở giữa dòng giống loài người mới hợp nghi. Quả như lời, sự truyền bá đạo nầy ra giữa thế gian đã kết quả sự thiết lập Hội Thánh, là một đoàn thể siêu nhiên mà Đức Chúa Trời gây dựng giữa xã hội loài người, để làm nên thân thể của Christ, nhà ở của Đức Chúa Trời, đền thờ của Thánh Linh, trụ và nền của lẽ thật. Trong quyển nầy xin luận qua về vấn đề Hội Thánh quan hệ với thời quá khứ, hiện tại, và tương lai.
Chương 1 – LUẬN VỀ NGHĨA LÝ HỘI THÁNH
I. CĂN NGUYÊN CỦA HỘI THÁNH
TRONG việc kê cứu về Hội Thánh, ta có phần hơn nầy: Ta biết căn nguyên của Hội Thánh, vì bản nguyên ấy thuộc về cõi lịch sử. Ta chẳng cần nhọc công kê cứu tự tích trong các bi kệ xưa đã bị sứt bể thất lạc, cũng không cần đào bới trong các chuyện thần thoại cùng tìm kiếm trong những lời truyền khẩu mờ tối kia để được biết cái căn bản của Hội Thánh. Chính kinh Tân ước trần thuật cho ta sự thiết lập, nào đặc tánh, và trách nhiệm của Hội Thánh ấy rất minh bạch.
1. Christ dự ngôn về sự thiết lập Hội Thánh: Trong Ma 16:16-18 Christ dự ngôn về sự thiết lập Hội Thánh mà dạy rằng: “Ta sẽ lập Hội Thánh ta trên vầng đá nầy.” Đây là lần đầu tiên mà Tân ước nói đến Hội Thánh. Phi-e-rơ vừa xưng Christ là “Con Đức Chúa Trời hằng sống”. Còn Christ định rằng Ngài sẽ lập Hội Thánh Ngài trên vầng đá nầy, tức là lẽ thật tiềm tàng trong lời thừa nhận của Phi-e-rơ vậy. Chúa chẳng có ý dạy rằng Phi-e-rơ là nền tảng của Hội Thánh đâu, vì Ngài chỉ gọi người là hòn đá nhỏ (nguyên văn: Petros) mà thôi; bèn dạy rằng Ngài có ý lập Hội Thánh trên chính mình Ngài là Con Đức Chúa Trời hằng sống; vì ấy là Vầng Đá lớn (nguyên văn: Petra) vững bền, có thể làm nền của Hội Thánh được, đến đỗi “các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó”.
2. Thánh Linh sáng lập Hội Thánh: Công 1:1-2:47 ký thuật sự ứng nghiệm lời hứa của Ma 16:16-18. Chúa Jesus Christ đã chịu chết, sống lại, thăng thiên rồi, để lại mười một sứ đồ, bảo họ “chớ lìa khỏi thành Giê-ru-sa-lem, nhưng hãy chờ đợi điều Cha đã hứa.” Họ bèn vâng lời, cứ ở trong thành ấy cho đến ngày lễ Ngũ tuần. Nhằm ngày ấy “tất cả môn đồ đều cùng nhau ở một chỗ. Thình lình có tiếng từ trời đến như gió lớn thổi ào ào, đầy khắp nhà họ ngồi; lại có lưỡi như lửa hiện đến, rời rẽ ra đậu trên mỗi người trong họ. Hết thảy đều được đầy dẫy Thánh Linh, khởi sự nói các tiếng khác, theo như Thánh Linh cho họ nói” (Công 2:1-4)
Cái biến động phi thường ấy là sự sáng lập Hội Thánh bởi quyền năng của Thánh Linh. Trong Cựu ước chẳng có Hội Thánh hiển hiện như trong Tân ước, chỉ có tượng trưng và hình bóng về Hội ấy mà thôi. Các trước giả Cựu ước cũng không hiểu lẽ đạo về Hội Thánh. Nên khi Thánh Linh sanh Hội Thánh nhằm ngày lễ Ngũ tuần, và các sứ đồ bèn giảng rằng cả tín đồ Do Thái lẫn tín đồ ngoại bang đều được hiệp một trong Christ mà làm con cái Đức Chúa Trời và được thuộc về Hội Thánh, thì dân Do Thái chẳng khứng nghe theo, mà chối bỏ Tin Lành và bắt bớ Hội Thánh. Họ tưởng rằng chỉ một mình dân Do Thái là tuyển dân của Đức Chúa Trời được đặc ân cứu rỗi, còn các dân khác thì chẳng hưởng được tí gì trong ơn ấy cả. Nhưng bởi sự chết của Christ, cái tường thành ngăn cách giữa dân Do Thái và dân ngoại bang đã bị phá đổ, và hễ ai có lòng tin cậy nơi Christ, quả được ơn cứu làm con cái Đức Chúa Trời, và được thuộc về Hội Thánh vậy. Đoạn sách dẫn dưới đây minh chứng cho lẽ đạo nầy. Êph 2:11-16
II. ÐỊNH NGHĨA HỘI THÁNH
1. Nghĩa chữ Hội Thánh: Trong Việt ngữ chữ Hội Thánh là danh hiệu Cơ đốc giáo trên cõi đất Việt dùng để xưng hội của các tín đồ Christ tổ chức ra. Vì hội nầy do Thánh Linh sáng lập, có bản tánh thuộc linh, nên gọi là thánh, để tương biệt với các hội phàm vậy. Bên Tàu gọi hội ấy bằng Giáo hội. Tác giả bài nầy tưởng rằng dùng danh hiệu Tàu ấy phải hơn, vì chú trọng về ý niệm “giáo” như là xưng Hội Thánh là khí cụ chứa đựng và phân phát đạo giáo của Christ. Phao-lô cũng gọi Hội Thánh là “trụ và nền của lẽ thật” vậy (ITi 3:14).
2. Nghĩa chữ Ekklésia: Theo nguyên văn Hi-lạp, danh từ các trước giả Tân ước thường dùng để xưng Hội Thánh là Ekklésia (Ma 16:18; Êph 1:22;3:10;5:24,25; Côl 1:18; Hê 12:23). Chữ ấy nghĩa đen là “gọi ra khỏi”, do chữ ek ra khỏi, và kaleo gọi là kêu mà được nên. Cổ văn Hi-lạp thường dùng chữ ấy để xưng công hội của thành thị nhóm họp bàn luận về ích lợi chung. Nghĩa đen là các người dự hội đồng ấy đều là công nhân được chánh phủ gọi ra khỏi nhà, để đến công đường mà tham nghị về việc chánh trị. Cách dùng chữ ấy lần lần biến cải, đến đỗi hội đồng nào cũng được gọi là ekklésia (ICác 8:65). Êtiên cũng dùng chữ ấy mà xưng hội chúng Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng (Công 7:38). Nói đại khái từ ngày lễ Ngũ tuần trở đi, các trước giả Tân ước đều gọi số người tin danh thánh của Christ và nhóm họp nhau đặng thờ phượng Ngài bằng Ekklésia. Đối với tín đồ, danh hiệu ấy cũng chắc ám chỉ rằng họ được Chúa kêu gọi ra khỏi thế gian, để làm tuyển dân thuộc riêng về Ngài vậy (Công 15:14). Ma 16:18
Công 5:11. “Cả Hội Thánh đều rất sợ hãi, và hết thảy ai nghe đến cũng vậy.” Đây là lần đầu tiên mà toàn thể tín đồ Chúa được gọi là Hội Thánh. Êph 1:22,23; Công 20:28; Hê 12:22,23; Công 15:13,14
3. Hội Thánh là thân thể của Christ: Theo sự dạy dỗ của Tân ước, Hội Thánh thật là thân thể của Christ, một cơ thể thuộc linh nhờ linh mạng của Ngài mà sống và thực tại. Cũng nhờ hội ấy mà Ngài bày tỏ ra quyền năng và ân điển sung mãn của Ngài. Chỉ những người liên hiệp ấy tội nhơn được tha tội, biến hóa ra tín đồ, trở nên một chi thể trong thân của Ngài. Cho nên Hội Thánh chẳng phải là một cơ quan như người ta thường tổ chức, bèn là một cơ thể siêu nhiên, thuộc linh, bao hàm mọi người đã nhờ Christ được tái sanh làm con cái Đức Chúa Trời. Các người ấy đều được liên hiệp với Christ, được cứu, được Thánh Linh cảm hóa, lãnh trách nhiệm giảng dạy về Christ và bày tỏ đạo cứu rỗi cho thế gian. Êph 1:22,23; Côl 1:24; IPhi 2:9
III. HAI PHƯƠNG DIỆN CỦA HỘI THÁNH
Kinh Thánh phân biệt hai phương diện của Hội Thánh, tức Hội Thánh hữu hình và Hội Thánh vô hình, cũng gọi là Hội Thánh địa phương (Eglise locale), Hội Thánh phổ thông (Eglise universelle).
1. HỘI THÁNH HỮU HÌNH
Hội Thánh hữu hình là cả đoàn thể của những người thừa nhận đạo Christ do sự tổ chức của họ hiệp nhau lại mà thành nên một cơ quan hữu hình. Nói đại khái, trải các đời các điều kiện về sự nhập Hội Thánh hữu hình là sự tín nhận Christ làm Cứu Chúa, sự chịu báptêm, và sự công nhận qui tắc của đạo Christ làm tiêu chuẩn cho đời sống mình.
a) Kinh Thánh định nghĩa: Tân ước nói đến Hội Thánh hữu hình theo ba cách:
(1)Một số ít người nhóm lại trong nhà riêng: Như Hội Thánh nhóm trong nhà Bêrítsin và Aquila tại thành La-mã (Rô 16:3-5) và Hội Thánh nhóm trong nhà Philêmôn (Philm. 2). Hội Thánh ấy chắc không có sự tổ chức gì, chỉ nhóm lại để thờ phượng và học đạo, có lẽ cũng dự Tiệc Thánh nữa; nhưng chắc không có quyền công nhận hay trừ bỏ giáo hữu nào; hoặc thực hành cuộc sửa trị gì. Việc ấy họ thường để cho Hội Thánh địa phương, là hội đã do sự tổ chức mà thành đoàn thể hữu cơ vậy.
(2)Hội Thánh trong một làng xóm hay một thành phố: Như Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, Hội Thánh tại Têsalônica, Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, v.v. (ICô 1:2; ITê 1:1; Công 8:1). Các Hội Thánh ấy được tổ chức đặc biệt từng hội một, có các quyền chức viên có phép dùng các nghi lễ và thi hành đặc quyền Chúa đã ban cho. Hội Thánh như thế cũng gọi là Hội Thánh địa phương.
(3)Các Hội Thánh trong một xứ hay một nước: Như các Hội Thánh ở xứ Galati (Ga 1:2). Kê cứu Tân ước kỹ càng, thì không thấy Hội Thánh hữu hình lúc ban đầu có hiệp các Hội Thánh địa phương lại mà tổ chức thành một tổng hội. Tuy giữa các hội địa phương ấy có sự giao thông thân mật, thì cũng chẳng thấy họ cùng tự tổ chức nên một tổng đoàn thể. Việc ấy mãi về sau mới có. Lúc đầu tiên mỗi hội địa phương đều tự trị, tự lập thật, chỉ nhờ dây liên lạc thuộc linh và các sứ đồ mà liên hiệp nhau. Khi các sứ đồ qua đời rồi, thì việc tổ chức các Hội Thánh trong một khu bộ thành một đoàn thể hữu cơ mới phát khởi. Sự tổ chức ấy lúc ban đầu cũng rất là đơn sơ; song trải qua ba thế kỷ về sau thì lần lần trở nên phiền phức đến đỗi nhằm đời Constantin Đại đế (trị vì năm 306-337 S.C.) đã có Hội Thánh Bắc bộ Phi Châu, Hội Thánh Tiểu Asi, Hội Thánh Gaule (Pháp), v.v.
b) Lịch sử định nghĩa: Lịch sử theo ba cách mà định nghĩa Hội Thánh hữu hình như sau đây:
(1)Hội Thánh địa phương: Một số tín đồ ở chỗ nào mà đã thừa nhận đạo Christ, đã chịu báptêm, và đã tình nguyện tự tổ chức nên một cơ quan đặc biệt, cốt để nhóm lại thờ phượng, học đạo, và hầu việc Đức Chúa Trời, đều được gọi là Hội Thánh địa phương (Hội Thánh Tin Lành Việt Nam gọi là Chi hội).
(2)Hội Thánh phổ thông: Cả đoàn thể Cơ đốc giáo giới khắp thiên hạ, tức là những người đã thừa nhận Cơ đốc giáo, và thuộc về một trong các Giáo hội phái (La-mã, Cải chánh, Hi-lạp v.v.), đều gọi là Hội Thánh hữu hình hay là Hội Thánh phổ thông. Cả hai Giáo hội La-mã và Giáo hội Hi-lạp đều chiếm cái biệt hiệu “phổ thông” (catholique) mà tự xưng. Song khi lịch sử phàm luận về Cơ đốc Giáo hội, thì thường chỉ về các người ở khắp thế gian xưng mình bằng tín đồ của Christ (chrétiens), vô luận là thuộc về giáo hội nào. Cách dùng danh hiệu Hội Thánh phổ thông đó trái với Kinh Thánh, vì là lẫn lộn ý niệm Hội Thánh với ý niệm Cơ đốc giáo giới. Cũng chẳng có giáo hội phái nào được phép xưng mình bằng Hội Thánh phổ thông vì danh hiệu ấy chỉ thuộc về Hội Thánh vô hình mà thôi.
(3)Một giáo hội phái: Một giáo hội phái đồng tâm hiệp ý mà thừa nhận một giáo lý, một nghi chế, một lịch sử, như Giáo hội Cải chánh, Giáo hội La-mã, Giáo hội Anh, Giáo hội Trưởng lão, Giáo hội Méthodiste, Giáo hội Tin Lành,v.v., đều cũng được gọi là Hội Thánh hiển hiện trong sự tín ngưỡng và sự tổ chức của mình. Tân ước không hề dùng chữ Hội Thánh (Ekklésia) cách ấy. Thực, trước cuộc Cải chánh lịch sử thế gian cũng ít dùng nữa, vì trước khi ấy thế gian chỉ biết Giáo hội La-mã và Giáo hội Hi-lạp mà thôi. Từ đời Cải chánh trở đi mới thêm các giáo hội phái (seets, dénominations) như vừa kể tên trên đây vậy.
Nhưng cũng không phải toàn cả các giáo hội phái chịu dùng chữ Hội Thánh cách ấy. Như Tổ hợp Giáo hội (Eglise Congrégationale) bên nước Mỹ, Giáo hội Báptiste, và mấy giáo hội khác nữa, đều chỉ công nhận Hội Thánh địa phương là Hội Thánh thật. Họ chẳng chịu gọi đoàn thể do những chi hội hiệp lại tổ chức ra là Hội Thánh. Hội Truyền giáo bên Mỹ chỉ gọi chi hội bằng Hội Thánh; còn đoàn thể của các chi hội hiệp lại mà tổ chức ra, thì gọi là Christian and Missionary Alliance (Alliance Chrétienne et Missionnaire).
2. HỘI THÁNH VÔ HÌNH
Tân ước cũng dùng chữ Hội Thánh (Ekklésia) để chỉ ra một cơ thể mắt không thấy được, thầu đạo gọi là Hội Thánh vô hình. Hội Thánh vô hình là một cơ thể thuộc linh, bao hàm các tín đồ ở trong các đời các chỗ, lấy đức tin đến Jesus Christ mà liên hiệp với Đức Chúa Trời (Êph 1:2;3:21; Hê 12:23). Hội Thánh ấy một phần ở trên trời, một phần ở dưới đất, và các hội hữu đều là những kẻ được biên tên trong sách sự sống của Chiên Con ở trên trời. Chỉ những người được tái sanh làm con cái của Đức Chúa Trời mới thuộc về Hội Thánh vô hình. Những người ấy đều từ trong các giáo hội mà ra, được cứu rỗi chẳng phải vì thờ phượng Chúa theo những nghi lễ bề ngoài hay là vì tín phục một sự tổ chức đặc biệt, bèn là được cứu chỉ tại vì tin cậy công lao của Christ, thừa nhận Ngài là Cứu Chúa duy nhứt của mình. Duy Đức Chúa Trời biết những người thuộc về Hội Thánh vô hình.
Trong Ma 16:18, Christ luận về Hội Thánh vô hình; còn trong Ma 18:17 Ngài lại nói về Hội Thánh địa phương và hữu hình. Hội Thánh vô hình vì hưởng được linh mạng của Christ nên trở nên một cơ thể thuộc linh, vừa thuộc về cõi thời gian (Ma 16:18) vừa thuộc về cõi đời đời (Êph 3:9-11). Khi Christ dự cáo rằng các cửa Âm phủ chẳng thắng được Hội Thánh, thì Ngài chẳng có ý nói về Hội Thánh hữu hình hay là giáo hội phái nào đâu, bèn là luận về Hội Thánh vô hình, tức thân thể mầu nhiệm và thuộc linh của Ngài vậy. Loài người và Sa-tan có thể làm thiệt hại Hội Thánh hữu hình, và lắm phen cũng đã phá hủy sự tổ chức của nó, nhưng không bao giờ làm thiệt hại hay phá hủy được Hội Thánh vô hình, vì là cơ thể thuộc linh, do linh mạng của Christ mà được gây dựng, sống và thực tại ở trong Ngài cho đến đời đời vậy. Các câu viện dẫn sau đây luận về Hội Thánh vô hình: Êph 1:22,23; Êph 3:21; Hê 12:22,23; Ma 16:18; Êph 3:9-11.
IV. HỘI THÁNH VÀ NƯỚC ÐỨC CHÚA TRỜI
Trong Tân ước thường luận về nước Đức Chúa Trời hay là nước trời. Lắm người lẫn lộn nước Đức Chúa Trời với Hội Thánh. Xét về nước Đức Chúa Trời, thì thấy nước ấy có hai mặt, là cuộc cai trị của Đức Chúa Trời ở trong lòng cá nhơn tín đồ, và cuộc Christ thống trị cả thế gian cách hiển nhiên lúc Ngài tái lâm. Nếu ta gọi Hội Thánh là nước của Christ thống trị cách hiển hiện ở trên đất nầy, thì lầm tội lỗi. Ấy là ý kiến của Giáo hội La-mã. Hội Thánh chẳng phải là cuộc trị vì của Christ trên đất đâu, bèn là nước của Đức Chúa Trời cai trị ở trong lòng cá nhơn tín đồ. Vua nước ấy là Christ. Như Ngài nhờ Thánh Linh ngự trong Hội Thánh mà hiện diện ở đời nầy cách không ai thấy được thể nào, thì nước của Ngài cũng thực tại trong lòng cá nhơn tín đồ cách thuộc linh và vô hình thể ấy. Nhưng đến cõi tương lai, Vua nước ấy sẽ hiện đến cách hiển nhiên rất vinh quang. Nói cách khác, nước Đức Chúa Trời đã đến trong thế gian cách ẩn nhiên rồi; về sau lại sẽ được tỏ ra cách hiển nhiên. Nước ấy bắt đầu từ ngày lễ Ngũ tuần trải suốt đến ngày Chúa tái lâm. Hiện nay Christ nhờ Thánh Linh cai trị nước ẩn vi của Ngài trong Hội Thánh. Khi Christ hiện ra ở nơi vinh hiển, thì Ngài sẽ “cầm quyền rất lớn của Ngài mà trị vì” (Khải 11:17).
Hiện nay Christ là Vị thế tử “đi phương xa, để nhận lấy nước.” Khi Ngài đã nhận được nước rồi, sẽ trở về bày tỏ nước ấy cho cả muôn dân muôn nước đều được biết (Lu 19:12-15). Khi ấy cuộc trị vì ẩn nhiên sẽ nhường chỗ cho cuộc trị vì hiển nhiên, nước ẩn vi sẽ hóa ra nước hiển hiện, và cuộc trị vì của Thánh Linh sẽ nhường chỗ cho cuộc trị vì trực tiếp của Christ. Khi ấy các tín đồ trung tín sẽ làm những quan chức trong nước, đồng ngồi với Ngài trên ngai của vũ trụ mà trị vì cho đến đời đời.
Nước Đức Chúa Trời hiện nay chỉ bao hàm các tín đồ, là hội hữu của Hội Thánh vô hình; vì trong đời nầy chỉ những người ấy công nhận Christ làm Vua của mình. Khi nước Ngài hiện đến cách hiển nhiên, thì sẽ bao hàm cả dân sự của Đức Chúa Trời bất luận về đời nào hoặc chỗ nào. Muôn vật ở trên trời dưới đất đều cũng sẽ đồng tâm hiệp ý mà đầu phục Vua của các vua, hầu hạ tôn vinh Chúa của các chúa cho đến vô cùng vô tận vậy.
Thế thì, mục đích của Hội Thánh trong đời nầy chẳng phải là sáng lập một nước hiển nhiên thuộc về vật giới, bèn là cốt để nhờ giảng Tin Lành mà gọi ra khỏi đời một dân thuộc riêng về danh Chúa, lập nước thần bí của Ngài ở trong lòng họ, luyện tập dạy dỗ họ để trong đời sau họ có thể hiệp tác với Ngài mà bày tỏ nước Đức Chúa Trời trong cõi loài người ở thế hạ, và trong cõi thiên sứ ở thiên thượng. Cho nên bổn phận của Hội Thánh trong đời nầy chẳng phải là chuyên tâm về sự cải cách chánh trị, sửa đổi phong tục, gây dựng xã hội, bèn là giảng Tin Lành, hầu cho Thánh Linh mau mau gọi tuyển dân Đức Chúa Trời khỏi thế gian, gây dựng Hội Thánh cho hoàn toàn, để Christ có thể trở lại. Vì chẳng phải Hội Thánh sẽ sáng lập nước Ngài đâu, bèn là chính Ngài sẽ làm việc ấy. Những câu viện dẫn dưới đây chứng cho lẽ đạo nầy: Lu 19:11,15; Lu 17:20,21; Rô 14:17; Khải 11:15; IITi 2:12; Khải 22:3-5. Cũng xem Công 15:13-18; Ma 28:18-20; Mác 16:15-18
Chương 2 – LUẬN VỀ SỰ TỔ CHỨC HỘI THÁNH
HỘI THÁNH vô hình là một hữu cơ thể thuộc linh nhờ linh mạng của Christ mà được gây dựng, lớn lên và tồn tại. Còn Hội Thánh hữu hình là một cơ quan hiện thực do sự tổ chức của giáo hữu mà được nên. Sau đây xin theo sự dạy dỗ của Tân ước mà lược luận qua sự tổ chức Hội Thánh.
I. THỰC SỰ CỦA TỔ CHỨC
Tân ước minh chứng rằng Hội Thánh đầu tiên được tổ chức hẳn hòi. Có bốn điều kể sau đây làm chứng cho luận thuyết ấy.
1. Có sự nhóm lại đặc biệt: Hội Thánh đầu tiên thường nhóm lại để thờ phượng Chúa: lúc ban đầu tín đồ nhóm lại mỗi ngày, rồi sau đổi lại mà chỉ nhóm hằng ngày thứ nhứt trong tuần lễ, gọi là Chúa nhựt, vì ấy là ngày kỷ niệm sự sống lại của Chúa. Công 2:44-46; Công 20:7. Cũng xem ICô 16:2; Khải 1:10
2. Bầu cử chức viên: Hội Thánh đầu tiên đã sớm lo bầu cử những chức viên để giúp việc Hội Thánh. Công 1:15-26 thuật lại về sự lựa chọn Ma-thia làm sứ đồ thế cho Giuđa Íchcariot. Trong Công 6:5,6 ký thuật sự bầu cử bảy chấp sự. Khi Phao-lô và Ba-na-ba trải qua Líttrơ, Ycôni và An-ti-ốt, thì tuyển lập chức trưởng lão trong các Hội Thánh ở đó (Công 14:21-23). Ở đảo Cơrết Tít cũng lập những trưởng lão ở trong mỗi Hội Thánh y như Phao-lô đã răn dạy vậy (Tít 1:5).
3. Có chức viên đặc biệt: Kê cứu Tân ước, dễ thấy Hội Thánh đầu tiên được tổ chức hẳn hoi, vì có những chức viên đặc biệt. Lúc mới sáng lập Hội Thánh, ở ngoài các sứ đồ, thì chỉ có hai chức nhiệm, là chức chấp sự và chức trưởng lão, cũng có khi gọi là giám mục. Lần lần về sau, tùy sự cần yếu, Hội Thánh lại thêm những chức nhiệm khác, như là mục sư, tiên tri, truyền đạo, v.v. Công 20:17,28; Phil 1:1. Cũng xem ITi 3:1,8; Tít 1:5,7; IPhi 5:1; ICô 12:28; Êph 4:11
4. Có quyền sửa trị giáo hữu: Hội Thánh đầu tiên thường thực hành quyền sửa trị trừng phạt giáo hữu. Có khi cả Hội Thánh nhóm lại để sửa phạt, có khi nhờ chức viên thực hành quyền ấy. Nhưng dầu làm thế nào, thì tín đồ ai nấy đều nhận rằng Hội Thánh quả có quyền ấy. Truyện tích về Anania và Saphira chứng rõ chức viên có quyền thực hành kỷ luật của Hội Thánh (Công 5:1-11). Việc sửa trị kẻ phạm tội loạn luân chép trong ICô 5, cũng chứng rằng cả đoàn thể Hội Thánh nhóm lại có quyền thực hành sự trừng phạt giáo hữu. ICô 5:4,5,13; IPhi 5:2. Cũng xem Công 20:28 viện dẫn ở trên.
II. ÐẶC TÁNH SỰ TỔ CHỨC HỘI THÁNH
Đặc tánh của sự tổ chức Hội Thánh đầu tiên là thể nào? Muốn đáp lại câu hỏi ấy, cần phải hỏi bốn câu khác, rồi đáp lại từng câu một, mới mong hiểu sơ qua đặc tánh ấy. Bốn câu ấy như vầy: 1. Ai là Đầu của Hội Thánh? 2. Ai là giáo hữu của Hội Thánh? 3. Mục đích của sự tổ chức Hội Thánh là gì? 4. Điều lệ cai trị Hội Thánh là điều nào? Xin lần lượt đáp lại những câu hỏi ấy.
1. AI LÀ ĐẦU CỦA HỘI THÁNH
Nói đại khái, thì sự tổ chức Hội Thánh rất quan hệ với Đầu của Hội Thánh. Vả, đức tánh của Đấng ấy thể nào, thì đặc tánh của sự tổ chức Hội Thánh cũng chắc sẽ thể ấy.
Vậy, ai là Đầu của Hội Thánh? Tra xem Kinh Thánh chẳng khó gì mà đáp lời cho câu ấy, vì dạy rõ lắm rằng Hội Thánh chỉ có một Đầu, ấy là Chúa Jesus Christ. Trước khi Chúa thăng thiên, Ngài chẳng tuyển lập ai làm đầu Hội Thánh, ai làm đại biểu cho Ngài. Các sứ đồ cũng chẳng công nhận ai trong vòng họ là đầu của Hội Thánh hay là đại biểu của Christ ở trên đất. Trái lại, các sứ đồ đều đồng thinh xưng Christ là Đầu duy nhứt, là Chủ động, là Nguyên lực, là Giáo chủ của Hội Thánh. Họ nhận Ngài là sự sống của Hội Thánh, làm đầy dẫy mọi giáo hữu, có quyền tuyệt đối thống trị mọi việc trong Hội Thánh. Ngài nhờ Thánh Linh ở trong Hội Thánh làm Đại biểu của Ngài, để vận động, cai trị, dạy dỗ, và dẫn dắt Hội Thánh. Người phàm nào dám tự xưng mình là đầu của Hội Thánh phổ thông, đại biểu của Christ trên mặt đất, thì người ấy quả đã tiếm đoạt đặc quyền của Christ và lộng ngôn với Thánh Linh vậy. Ma 16:18; Êph 1:22; Êph 5:23,24
Cũng xem Khải 1:12-16,20. Bảy đèn chỉ về Hội Thánh. Bảy ngôi sao chỉ về các sứ giả của Hội Thánh. Chúa đi ở giữa bảy đèn, cầm bảy ngôi sao trong tay hữu, ám chứng rằng duy Chúa cầm quyền cao cả mà làm Đầu của Hội Thánh đó thôi.
Thế thì, Christ đã là Đầu duy nhứt của Hội Thánh, sự tổ chức Hội Thánh tự nhiên phải vin lấy phẩm vị Ngài làm nền tảng, lời lẽ Ngài làm giáo lý, mạng lịnh Ngài làm điều lệ, con cái Ngài làm hội hữu, sự vâng phục Ngài làm tôn chỉ, và vinh hiển Ngài làm mục đích. Nếu sự tổ chức Hội Thánh phản đối với những chủ ý ấy, thì quả không phải là Hội Thánh thật của Christ.
2. AI LÀ GIÁO HỮU CỦA HỘI THÁNH
Tân ước dạy rằng giáo hữu của Hội Thánh đầu tiên là những người đã ăn năn tội, tin cậy Christ làm Cứu Chúa mình, đã được tái sanh làm con cái Đức Chúa Trời, và đã chịu báptêm trong nước. Chắc cũng có người đã tin cậy Christ mà được tái sanh tuy chưa chịu báptêm. Người ấy thuộc về Hội Thánh vô hình, nhưng chưa gia nhập Hội Thánh hữu hình cách hoàn toàn; vì Hội Thánh đầu tiên chắc kể báptêm là dấu hiệu bề ngoài để chứng nhận cho ai đó đã có đức tin thật, đặng thuộc về Hội Thánh vậy. Hội Thánh hữu hình tự cổ chí kim đại khái cũng đã giữ theo ý kiến của Hội Thánh đầu tiên mà dùng báptêm làm lẽ nhập hội. Các câu viện dẫn sau đây mô tả phẩm cách của kẻ được làm giáo hữu của Hội Thánh. Ma 28:19; Công 2:38,41,47; Công 9:18; Công 10:47,48. Cũng xem Công 5:14; ICô 1:2
Vả, kẻ đã được làm giáo hữu chánh thức theo như Kinh Thánh dạy, hẳn có quan hệ mật thiết với Chúa, với giáo hữu khác, và với Hội Thánh.
a) Giáo hữu quan hệ với Chúa: Hễ ai được cứu rỗi, cũng đều nhận Christ làm Chúa độc nhứt vô nhị của mình. Hội Thánh chẳng bao giờ nên thay Christ mà chịu cho tín đồ yêu mến thờ phượng. Sự sùng bái của ta có giá trị chỉ khi nào ta nhơn danh Christ mà dâng lên cho Đức Chúa Trời. Hội Thánh chẳng phải là chúa của ta đâu, bèn là con đòi của Thánh Linh dùng đặng giúp đỡ ta tỏ lòng yêu mến Chúa nhiều hơn, chỉ dạy ta hầu việc Đức Chúa Trời cách nào xứng đáng hơn. Chúa là Đầu, Hội Thánh là thân, còn tín giáo là chi thể của thân ấy. Nếu Hội Thánh tiếm đoạt chỗ của Chúa trong cuộc tín ngưỡng thờ phượng, như Giáo hội La-mã thật đã làm rồi, thì xui cho tín đồ phạm tội bất trung với Chúa, dụ dỗ họ thờ tà thần, dắt họ vào rừng rậm của tăng lữ chủ nghĩa, và gây cho người bị hư mất đời đời vậy.
b) Giáo hữu quan hệ lẫn nhau: Hội Thánh là một cơ thể thuộc linh, nhờ linh mạng của Christ mà được sống và tồn tại. Các giáo hữu vì thuộc trong cơ thể ấy, cũng đồng hưởng được linh mạng ấy, nên có quan hệ rất mật thiết với nhau, giống như sự tương quan của các chi thể trong thân, như các nhánh trong cây, như anh em một nhà, như bạn tác đồng trang tâm đắc. Cho nên ở trong Christ chẳng có ai lớn nhỏ, sang hèn, cao thấp, trọng khinh, trước sau, nhưng hết thảy đều bình đẳng nhau, hiệp một trong sự yêu thương của Ngài vậy.
(1)Như các chi thể: Hai câu sau nầy chứng nhận tín đồ quan hệ lẫn nhau như các chi thể trong thân. Rô 12:5; ICô 12:27
(2)Như các nhánh trong cây: Chúa Jesus dạy rằng: “Ta là cây nho, các ngươi là nhánh” (Gi 15:5). Nhánh nào cũng ở trong gốc cây cả, hút nhựa của cây để sống; nên đối với cây, tuy nơi nó mọc ra ở trên gốc, và hình dáng của nó khác với các nhánh khác, thì địa vị nó cũng đồng một với nhau. Tín đồ đối với nhau cũng thế, cả thảy đều đồng có một địa vị là ở trong Christ vậy.
(3)Như anh em một nhà: Tín đồ cũng quan hệ với nhau như anh em một nhà, như con một cha.
Ma 23:8-10. Cũng xem Công 9:17; ITê 4:9,10; 5:26,27; ITi 5:1; 6:2; IPhi 1:22; 3:8.
(4)Như bạn tác đồng trang nhau: Chúa gọi môn đồ Ngài là bạn của Ngài (Gi 15:14,15). Mà nếu ta đã là bạn của Chúa, tất nhiên cũng là bạn tác với nhau nữa. Xem Công 10:24; 19:31; 27:3; Rô 16:10,11; IIIGi 14.
Thế thì, các dây liên lạc làm cho giáo hữu liên hiệp với nhau rất quí rất mạnh, đến đỗi trong đời chẳng có đoàn thể nào được như thế. Sở dĩ họ được vậy là vì họ đồng thờ một Chúa, đồng nhận một đức tin, đồng chịu một báptêm, đồng kính phục một Đức Chúa Trời, đồng thành một thân thể, đồng làm một công việc, đồng một mục đích vậy. Cũng vì cớ ấy mà Kinh Thánh năng khuyên tín đồ hãy đối với nhau như chi thể một thân, như nhánh cùng gốc, như anh em một nhà, như bạn đồng thuyền mà thương yêu nhau, giúp đỡ nhau, lấy chủ nghĩa vị tha làm tôn chỉ của đời sống, để gây dựng thân thể của Chúa, khiến cho Hội Thánh bành trướng khắp nơi, và làm cho sự tái lâm của Ngài mau đến. Êph 4:4-6; ICô 12:12,24,25; Ga 6:2. Cũng xem ICô 12:13-30.
c) Giáo hữu quan hệ với Hội Thánh: Giáo hữu quan hệ mật thiết với Hội Thánh. Vì Hội Thánh là gia tộc của mình, nên giáo hữu phải tận trung với Hội Thánh, hằng tìm mọi sự có ích cho Hội Thánh, cẩn thận giữ gìn cho Hội Thánh được danh thơm tiếng tốt đối với người ngoài. Chúa Jesus Christ thương yêu Hội Thánh vô sở bất chí, bỏ mình đặng cứu chuộc Hội Thánh (Êph 5:25-27). Giáo hữu cũng nên bắt chước gương sáng láng ấy mà yêu mến Hội Thánh, như Phao-lô vì Hội Thánh mà chịu mọi sự (Côl 1:24). Vả lại, Hội Thánh là cơ quan Chúa tổ chức, có qui tắc, có giáo chức hiệp với lẽ thật. Giáo hữu phải nên vâng giữ qui tắc, kính phục giáo chức, mới mong Hội Thánh đạt đến mục đích mà tôn vinh Đức Chúa Trời, cứu rỗi tội nhơn và dọn đường cho Chúa mau mau phục lâm.
(1)Phải yêu Hội Thánh: Êph 5:25-27
(2)Phải vâng phục Hội Thánh: Ma 18:17
(3)Phải kính phục giáo chức: ITê 5:12,13. Cũng xem ITi 3:5; 5:17; Hê 13:17.
Giáo hữu cũng phải lấy của cải mình mà giúp việc Hội Thánh. Trong đời Cựu ước dân Y-sơ-ra-ên phải dâng một phần mười để cung cấp cho chức tế lễ và cuộc thờ phượng trong đền thờ (Dân 18:21-23). Ngoài số ấy mỗi ba năm lại phải lạc quyên một phần mười trong số còn lại, mà cứu tế kẻ nghèo khổ nữa (Phục 14:27-29). Mà nếu dưới luật pháp dân Đức Chúa Trời còn phải lạc quyên để giúp việc Đức Chúa Trời như thế, huống chi chúng ta ngày nay, đã được ở dưới ân điển của Đức Chúa Trời, thì lại há chẳng nên lạc quyên để phụ trợ mọi sự cần dùng của Hội Thánh Chúa muôn phần hơn sao? Ấy quả là điều Kinh Thánh dạy bảo như các câu dẫn ra sau đây minh chứng cho: ICô 16:1,2; Cũng xem ICô 9:1-14; Mal 3:10
3. MỤC ĐÍCH SỰ TỔ CHỨC HỘI THÁNH LÀ GÌ?
Mục đích duy nhứt của sự tổ chức Hội Thánh là tôn vinh Đức Chúa Trời, gây dựng nước Ngài trong lòng tín đồ, và dọn đường cho Chúa mau tái lâm. Hội Thánh nhờ những điều kể sau đây mà đạt đến mục đích ấy.
a) Cuộc nhóm lại thờ phượng: Muốn làm sáng danh Đức Chúa Trời, gây dựng nước Ngài trong lòng tín đồ, thì Hội Thánh phải nhóm nhau lại mà thờ phượng Đức Chúa Trời. Cuộc thờ phượng ấy bao hàm sự cầu nguyện, sự giảng Tin Lành, và sự dạy dỗ lời Đức Chúa Trời. Hội Thánh như bếp lửa kia: nếu chỉ có một miếng than, thì chẳng những không đủ nóng mà lại mau tàn; nhưng nếu đem nhiều miếng than mà chụm vào trong một lò, thì lửa mau bén hực lên, miếng nầy và miếng kia nương nhau mà nuôi giữ sức lửa cứ cháy nóng càng hơn luôn. Hê 10:25
b) Sự khuyên lơn coi sóc lẫn nhau: Một phần lớn trong việc gây dựng nước Đức Chúa Trời và dọn đường cho sự tái lâm của Chúa là khuyên lơn, coi sóc lẫn nhau; vì tín đồ chẳng vì mình mà sống, bèn vì Chúa và vì anh em mình mà sống vậy. ITê 5:11. Cũng xem Hê 10:25 viện dẫn ở trên.
c) Hiệp tác làm việc truyền Tin Lành: Trách nhiệm chung của Hội Thánh là truyền Tin Lành để cứu rỗi tội nhơn. Nên nếu giáo hữu muốn Hội Thánh mình và chính mình đạt đến mục đích của Hội Thánh, ắt phải đồng lòng hiệp ý mà chuyên tâm về việc giảng Tin Lành, làm chứng đạo, dẫn dắt người ngoại trở lại với Chúa mới mong được toại nguyện. Ma 28:19; Công 8:4; IICô 8:5; Giu 1:23
4. ĐIỀU LỆ CAI TRỊ HỘI THÁNH LÀ ĐIỀU NÀO?
Christ đã là Đầu Hội Thánh, thì điều lệ của hội cố nhiên là ý chỉ của Ngài như đã được tỏ ra trong Kinh Thánh, và nhờ Thánh Linh giải nghĩa cho vậy. Điều lệ nầy đại khái bao hàm hai điều:
a) Điều kiện làm tín đồ: Kinh Thánh dạy rõ người ta phải được tái sanh, và chịu báptêm, mới nhập vào Hội Thánh được. Khi tín nhận Christ là Cứu Chúa mình, thì tín đồ liên hiệp với Ngài trong sự chết sự sống lại Ngài, rồi chịu báptêm để làm chứng rằng mình đã từng trải hạnh phúc lớn lao ấy rồi.
b) Bổn phận của giáo hữu: Kinh Thánh cũng dạy rõ tín đồ có phận sự gì đối với Hội Thánh, đối với nhau, và đối với thế gian. Kẻ nào giữ theo điều lệ ấy mà tôn vinh Đức Chúa Trời, thì đời thuộc linh càng tấn bộ, Hội Thánh càng được gây dựng, và khiến cho Chúa mau tái lâm. Có câu dạy rằng: Ma 28:19,20; IGi 2:3-6
Chương 3 – LUẬN VỀ CHÁNH TRỊ CỦA HỘI THÁNH
I. ÐẶC TÁNH CỦA CỖI CHÁNH TRỊ HỘI THÁNH
HỘI THÁNH đã có sự tổ chức hữu hình chắc cũng phải có chế độ nhứt định, một chánh thể đặc biệt, để thực hành sự tổ chức ấy. Tự cổ chí kim, Hội Thánh hữu hình đã theo chế độ nào mà cai trị việc của hội? Xin đáp:
1. CHẾ ĐỘ HỘI THÁNH ĐẦU TIÊN
Xét mối quan hệ trực tiếp của Hội Thánh đối với Christ, thì lấy làm rõ ràng về phương diện quyền cao cả, chế độ Hội Thánh là một quân chủ chánh thể tuyệt đối; bởi vì Hội Thánh xưng Christ là Đầu duy nhứt, nhận ý chỉ Ngài là điều lệ vô song, coi sự vâng phục Ngài là phận sự đầu nhứt của giáo hữu.
Nhưng việc thực hành ý chỉ của Christ trong cuộc cai trị Hội Thánh, thì Thánh Linh nhờ sự khuyên bảo của giáo hữu nầy mà soi sáng cho giáo hữu kia, rồi nhờ sự nghị luận của cả đoàn thể, mà chỉ dẫn cho Hội Thánh giải quyết cách chánh đáng, thích hiệp với ý chỉ của Christ. Cũng vì công việc của Thánh Linh đó mà Kinh Thánh thường khuyên bảo tín đồ hãy hiệp làm một. Sự hiệp một ấy cũng do Thánh Linh mà được nên, chẳng phải bởi sự ép buộc, bèn là bởi lòng tình nguyện vậy. Thế nhưng, tuy Christ là Chúa độc nhứt vô nhị của Hội Thánh mặc dầu, mà chánh thể của Hội Thánh bèn là phương diện giải thích và thực hành luật pháp của Christ theo như điều đã được tỏ ra trong Kinh Thánh vậy.
Những điều kể lại sau đây chứng rằng Hội Thánh đầu tiên đã giữ theo chánh thể cộng hòa.
a) Hội Thánh phải đồng tâm hiệp ý mà làm nên: Kinh Thánh thường khuyên bảo tín đồ phải hiệp một, đồng tâm hiệp ý mà làm việc Đức Chúa Trời. Mỗi tín đồ có ý kiến riêng, nhưng chẳng ai nên tưởng rằng chỉ một mình mình được Thánh Linh soi dẫn, chỉ một mình được tỏ ra cho biết hết ý chỉ của Ngài đâu. Phải biết rằng, tín đồ kia cũng được Thánh Linh như mình, ý kiến của mình nữa chăng. Cho nên nếu Hội Thánh muốn biết ý chỉ của Thánh Linh cho chắc chắn thì phải nhóm toàn thể tín đồ lại, nghe ý kiến của mọi người, so sánh ý kiến của nhau, cầu xin Thánh Linh soi sáng cho toàn thể hiểu rõ ý chỉ ấy mới mong biết được. Mọi tín đồ hằng giữ lòng muốn thọ giáo, và khi thấy ý kiến mình sai lầm, thì sẵn sàng bỏ đi mà theo ý kiến chánh đáng.
Theo lẽ thường Hội Thánh chỉ nên dùng sự khuyến thuyết để khiến giáo hữu theo sự biểu quyết của toàn thể. Song nếu giáo hữu nào cố ý phản nghịch, trái hẳn với sự biểu quyết ấy thì Hội Thánh cũng có quyền trừng phạt và loại bỏ giáo hữu đó đi. Nhưng nếu mọi giáo hữu đều nhường chỗ cho Thánh Linh hành động trong mình cách tự do, thì Hội Thánh chắc sẽ có sự hiệp nhứt, đủ khôn ngoan thông sáng, để làm theo ý chỉ của Christ trong mọi lợi ích chung của Hội Thánh. Rô 12:16; ICô 1:10; ICô 13:11; Êph 4:1-3; Phi 1:27; IPhi 3:8
b) Cả Hội Thánh phải tín ngưỡng đạo thuần túy và cẩn thận tuân hành: Tân ước cũng dạy rõ ràng toàn thể Hội Thánh có trách nhiệm coi sóc về sự tín ngưỡng đạo thuần túy, và việc tín đồ vâng giữ làm theo luôn. Tân ước thường khuyên về vấn đề ấy, chẳng phải chỉ khuyên riêng một vị giám mục nào, hay là mấy nhà tư tế dưới quyền ông ấy đâu, bèn là trực tiếp khuyên chung toàn thể giáo hữu vậy. ITi 3:15; Giu 1:3
Câu ấy minh chứng rằng chẳng phải chỉ một mình giáo chủ hay chức viên nào của Hội Thánh có trách nhiệm “vì đạo mà chiến đấu” đâu, bèn là cả toàn thể giáo hữu nữa. Cũng xem lời khuyên răn của Hội Thánh tại Tiểu Asi: Khải 2:3
c) Chúa giao các thánh lễ cho cả Hội Thánh tuân hành: Chúa chẳng giao riêng các thánh lễ cho một phẩm trật đặc biệt của Hội Thánh để chỉ họ được phép vâng giữ và làm theo đâu, bèn là giao chung cho toàn thể giáo hữu, đặng cả thảy đều ân cần giữ chặt và làm theo luôn. Như cả Hội Thánh đều nhờ sự dạy dỗ mà bày tỏ lẽ thật thể nào, thì cũng dùng các thánh lễ mà bày tỏ lẽ thật thể ấy. Kê cứu những câu viện dẫn sau đây cho kỹ, thì rõ lắm Chúa và các sứ đồ đều giao trách nhiệm giảng Tin Lành, làm báptêm, và giữ tiệc thánh cho toàn thể tín đồ đầu tiên, rồi từ họ mà lưu truyền cho cả các giáo hữu hậu tấn, chớ chẳng phải chỉ giao riêng cho mười một sứ đồ thôi đâu. Ma 28:19,20
Lu 24:33,40-49. Xem cuộc bầu cử Ma-thia, chép trong Công 1:15-26, thì thấy có chừng 120 môn đồ là những người Chúa đã giao các thánh lễ cho đó, đều có dự phần đến. ICô 15:6; ICô 11:2; ICô 11:23,24
Đó ta thấy Phao chẳng giao lễ tiệc thánh cho một phẩm trật nào đâu, bèn là giao cho cả Hội Thánh để giữ gìn làm theo. Trong khi mục sư của Hội Thánh làm lễ báptêm, hay là lễ tiệc thánh, thì là chỉ thay mặt cả toàn thể giáo hữu mà làm, chớ chẳng vì đặc quyền đặc ân gì mà được phép đứng thi hành các lễ ấy đâu.
d) Cả Hội Thánh hiệp lại bầu cử các chức viên: Hội Thánh đầu tiên có quyền bầu cử các chức viên của hội mình, ấy là điều Tân ước đại khái dạy đến. Sự bầu cử Ma-thia, bảy chấp sự (Công 1:23,26; 6:3,5), sự sai Phao-lô và Ba-na-ba đi giảng Tin Lành (Công 13), cùng việc cử phái viên đi nhóm hội đồng tại Giê-ru-sa-lem (Công 15), đều minh chứng rằng toàn thể giáo hữu của Hội Thánh đầu tiên đều dự phần trong việc bầu cử chức viên. Cách bầu cử không thấy nói rõ, có lẽ lần nầy cách nầy, lần khác cách khác, như hoặc là bắt thăm, hoặc nói ra hay là bởi giơ tay ưng thuận (đó là nghĩa đen theo nguyên văn của chữ mà Việt ngữ đã dịch là “tuyển lập” trong Công 14:23 đó). Những câu viện dẫn sau đây chứng rằng Hội Thánh đầu tiên thường bầu cử chức viên của Hội mình.
(1)Về sự cử chức viên: Công 1:23,26; Công 6:3-5; Công 13:2,3
Đó ta thấy cả Hội Thánh đều dự phần trong việc biệt riêng và phong chức truyền đạo cho Saulơ (Phao-lô) và Bananba.
(2)Về sự cử phái viên: Công 15:2,4,22,30; IICô 8:19
e) Cả Hội Thánh đều có quyền thực hành sự sửa trị: Tân ước dạy minh bạch rằng cả Hội Thánh đều có quyền bính thực hành sự sửa trị trong vòng giáo hữu, để hoặc trừng phạt, hoặc dứt phép thông công. Mà đã có quyền bính bỏ giáo hữu phạm tội, thì lẽ cố nhiên cũng có quyền bính nhận giáo hữu nữa. Ma 18:17,18
Giáo hội La-mã thường yết câu ấy trên cửa phòng xưng tội (confessionnal). Nhưng chẳng hiệp nghi, vì lời ấy chẳng luận về sự quyết định của một nhà tư tế (prêtre) đâu, bèn nói về sự đoán định của cả đoàn thể tín đồ, nhờ Thánh Linh dẫn dắt. Câu ấy lại dạy rõ Hội Thánh có quyền bính lưu ý đến sự vi phạm của giáo hữu, và sự phán quyết của Hội Thánh là tối chung thẩm trong vụ xét xử ấy. Nếu Chúa có ý dạy chánh thể của Hội Thánh là khác với chánh thể cộng hòa, thì chắc Ngài đã bảo chỉ phải giao vụ ấy cho hoặc vị giám mục, vị mục sư, viên tư tế, bực trưởng lão, hay là ông chấp sự nào đó xét xử. Nhưng thực ra thì Ngài đã giao vụ ấy cho toàn thể Hội Thánh xét xử kia mà; thực sự ấy chứng rõ rằng Chúa muốn Hội Thánh theo chánh thể cộng hòa mà duy trì nội trị của Hội Thánh vậy. Cũng xem ICô 5:4,5,13; IICô 2:6,7; IITê 3:6,14,15.
TỔNG ĐOÁN
Tân ước chắc dạy rằng Hội Thánh đầu tiên đã theo chánh thể cộng hòa mà cai trị Hội Thánh. Cho mọi giáo hữu đều được dự phần trong việc gây dựng, coi sóc, và dẫn dắt Hội Thánh, ấy rất có ích lợi cho họ, vì chóng mở mang trí khôn, thêm từng trải, khiến cho người sớm trở nên tín đồ thuộc linh, càng ngày càng vững bền, có sức tín ngưỡng sâu nhiệm, đức hạnh cao xa. Bổn phận của chức viên dầu hội trưởng, chủ nhiệm, mục sư, hay là chấp sự, chẳng phải là chủ trị Hội Thánh cách độc tài độc đoán đâu, bèn là phải dạy dỗ, chỉ cách nào mọi giáo hữu đều có thể dự phần trong cuộc cai trị Hội Thánh theo như ân điển và tài trí Chúa đã ban cho vậy. Mục sư nào theo ý riêng mà cai trị Hội Thánh, ắt coi khinh tài năng và ý kiến của các tín giáo, chẳng bao lâu đã trở nên một “giáo hoàng cỏn con” không sớm thì muộn ắt sẽ làm thiệt hại cho cả Hội Thánh. Christ là Chủ của Hội Thánh, mục sư chỉ là đầy tớ mà thôi. Trách nhiệm của mục sư là làm gương, đi trước mà dắt bầy chiên của Chúa chớ chẳng phải là đi đàng sau, cầm gậy đánh đập mà xô đẩy bầy chiên phải đi tới đâu. Ấy là chế độ độc tài phản đối hẳn với sự dạy dỗ của Kinh Thánh vậy.
2. CHẾ ĐỘ HỘI THÁNH CẬN KIM.
Trong ba thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên ta, Hội Thánh cứ thực hành theo chủ nghĩa cộng hòa. Rồi từ đó về sau lần lần thay đổi ra chánh thể chuyên chế, kết quả Giáo hội của các đời Trung cổ. Lúc sự Cải chánh phát hiện, thì cũng có sự cải chánh trong cuộc cai trị Hội Thánh, nước nầy tổ chức Giáo hội theo cách nầy, nước kia lại theo cách khác. Nhưng nói đại khái, thì Giáo hội Cải chánh lúc ban đầu cũng khuynh hướng về chế độ quân chủ hơn là chủ nghĩa cộng hòa. Đến thế kỷ XVII, XVIII, có sự phục hưng bên Anh, Đức và Mỹ, kết quả các giáo phái, như Giáo hội Trưởng lão, Giáo hội Báptiste, Giáo hội Méthodiste, v.v., thì mới lại có sự sửa đổi chánh thể của Hội Thánh nữa, được thích hiệp với ý của Kinh Thánh hơn. Sau đây xin lần lượt thuật lại chánh thể của các Giáo hội Cải chánh quan hệ cận kim, rồi sẽ lược luận đến chánh thể của Giáo hội La-mã.
a) CHẾ ĐỘ HỘI THÁNH CẢI CHÁNH CẬN KIM
(1) Công lý chánh thể: Có những Giáo hội giữ theo công lý chánh thể. Trong vòng các giáo hội có Tổ hợp Giáo hội (Eglise Congrégationale), Giáo hội Baptiste, Cơ đốc Giáo hội bên Tàu, v.v. Các Giáo hội ấy chủ trương rằng Hội Thánh địa phương có quyền tự trị, quyền cao cả đều do nơi các giáo hữu. Bất luận là việc cử chức viên, nhận giáo hữu, truất phạt, hay là giải quyết việc gì, đều bởi giáo hữu của mỗi Hội Thánh địa phương nhóm lại bàn định và biểu quyết, không chịu ai ở ngoài hội mình cai quản mình. Sự tương quan của hội nầy với hội khác chỉ là liên hiệp trong sự giao thông, chớ không liên hiệp về phần quyền bính. Nếu có hội rất nhỏ nào ở nơi kia, dầu làm gương xấu, theo tà giáo, phản loạn toàn thể Hội Thánh, thì công hội chỗ khác cũng chỉ có quyền khuyên bảo, chớ không có quyền ra lịnh bảo làm điều nào cả. Có khi các Hội Thánh địa phương kết ước liên minh để giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng hội liên minh ấy cũng không có quyền ra lịnh răn bảo gì được, chỉ có phép khuyên lơn mà thôi. Rồi nếu hội vi phạm đó không chịu nghe, thì chỉ có quyền dứt phép thông công, không cho thuộc vòng liên minh nữa.
Theo công lý chánh thể thì có hai chức viên gánh trách nhậm trong Hội Thánh địa phương, ấy là mục sư và chấp sự do hội đồng giáo hữu cử ra. bổn phận của mục sư là giảng đạo, làm báp têm và ban tiệc thánh. Phận sự của chấp sự là giúp đỡ mục sư mà lo liệu việc Hội Thánh, và cung cấp cho kẻ nghèo khổ. Chế độ nầy tuy có nhiều chỗ gần ý Kinh Thánh lắm, nhưng thái quá mặt tự trị tự lập, thiên trọng về ý cả thể mà bỏ hẳn ý toàn thể của Hội Thánh, không chịu cho toàn thể Hội Thánh khắp nơi can dự đến việc ích chung của cả Hội Thánh phổ thông.
(2)Giám mục chánh thể: Trong Giáo hội Cải chánh cũng có giáo phái theo giám mục chánh thể, cũng gọi là chuyên chế chánh thể, như là Giáo hội Anh. Giáo hội ấy chia ra hai phái gọi là thượng và hạ. Thượng phái gần giống như Giáo hội La-mã về nghi lễ và chế độ. Tuy họ không nhận chủ quyền giáo hoàng, thì cũng công nhận đạo về phẩm trật giáo hội kế thừa các sứ đồ (succession apostolique), đến đỗi hễ là chủ trong hội thì cũng đều nhận lãnh được quyền truyền chức thánh như các sứ đồ vậy. Hạ phái theo lối Tin Lành hơn thượng phái không chú trọng về nghi lễ lắm, nhưng chú trọng về sự từng trải đạo bề trong hơn là giữ lễ bề ngoài. Tuy không bỏ hẳn đạo về quyền kế thừa các sứ đồ, thì cũng chẳng chú trọng đến thái quá đâu. Cả hai thượng hạ phái ấy đều theo giám mục chánh thể, chủ trương chức ấy kế thừa sự truyền thụ của các sứ đồ, có đặc quyền phong chức thánh cũng như các sứ đồ đã làm xưa kia vậy.
Giáo hội Anh chia ra từng giáo khu, mỗi giáo khu có một viên giám mục coi sóc. Trong Giáo hội khu giám mục có quyền chí tôn vô đối, chỉ viên ấy có quyền phong chức các chức viên khác. Trên chức giám mục lại có chức tổng giám mục. Tất cả giám mục của một tổng giáo khu đều tuân lịnh tổng giám mục, cũng như cả chức viên bực dưới tuân lịnh giám mục trong một giáo khu vậy.
Giáo hội Luthérienne bên Đức, Thụy Điển, Nauy và Đan Mạch, đều theo giám mục chánh thể cả. Giáo hội Episcopale, Giáo hội Méthodiste bên Mỹ, và vài giáo hội nhỏ khác nữa cũng vậy. Nhưng Giáo hội Méthodiste chẳng chủ trương đạo về quyền kế thừa các sứ đồ. Các giáo hội nầy viện lấy những câu kể sau đây mà làm cơ chỉ cho chánh thể mình. Tít 1:5; ITi 1:3,4; IITi 1:6
(3)Chánh thể cộng hòa: Trong các giáo hội Cải chánh có lẽ Giáo hội Trưởng lão theo cộng hòa chánh thể gần hơn hết. Kìa, các giáo hội công lý đầu đều bởi giáo hữu tự trị, tự chủ trương cả mọi việc của hội mình, chẳng có hội nào khác được phép can dự đến, thì cũng không đến nỗi sa vào tà giáo làm hư hỏng danh thánh của Chúa. Song nhược điểm của họ là lỗi về chỗ thái phiền về mặt tự chủ của mỗi Hội Thánh địa phương. Còn Giáo hội Anh, và các hội theo giám mục chánh thể, lại lỗi về mặt chuyên quyền, giao cả quyền bính của toàn thể cho một phẩm trật, thu lại trong phạm vi hẹp hòi do giám mục làm đầu, chẳng cho giáo hữu can dự đến việc hội chút nào. nếu gặp một giám mục hay tổng giám mục lạm dụng chức thánh mà làm gương xấu, thì cả công hội phải chịu ảnh hưởng xấu ấy, chẳng phương pháp gì sửa đổi được.
Trưởng lão chế độ cũng có thể gọi là hội đồng chánh thể, thì lại khác và theo cộng hòa chủ nghĩa hơn. Theo chánh thể nầy thì mọi việc của Hội Thánh không do một người nào tự chuyên tự quyết; cũng không phải do toàn thể giáo hữu được tham dự, bèn là do các phái viên của hội chúng công cử để làm đại biểu mà được nên vậy. Theo chế độ nầy, thì giáo hội chia ra từng chi hội, hạt hội và tổng hội, hội nào cũng có hội đồng, để bàn định và biểu quyết việc hội. Toàn thể giáo hữu đều làm đại biểu của hội đồng chi hội; các giáo hữu được chi hội cử ra làm đại biểu tổng hội đồng. Quyền các hội đồng có hạn, việc can thiệp đến hội nào, thì hội đồng ấy lo lấy. Như thế, cả toàn thể Hội Thánh khắp nơi đều tham dự đến mọi việc chung của hội, đều công đồng tham nghị, hội nầy giúp đỡ hội kia, kẻ nầy theo gương kẻ khác, có điều gì lầm lạc, thì cả toàn thể Hội Thánh hiệp tác mà sửa lại. Chánh thể nầy chẳng phá hủy đặc quyền của Hội Thánh địa phương, bèn kể hội ấy là căn cứ của mọi quyền bính chung. Song cũng chẳng để cho mỗi cá giáo hội địa phương có quyền bằng toàn thể của Hội Thánh khắp nơi, cũng không khiến cho mỗi chi hội có quyền bàn định và biểu quyết mọi việc can thiệp cả thể, còn việc gì can thiệp toàn thể, nào trong hạt hội, nào trong tổng hội, thì đều giao cho các hội đồng do các phái viên công hội cử ra giải quyết vậy. Aáy là chánh thể cộng hòa, không thái phiền mà cũng không thái giản, là chánh thể thích trung, có lẽ cũng gần sự dạy dỗ của Tân ước hơn hết chăng.
Hội Thánh Tin Lành Việt Nam giữ theo cộng hòa chánh thể, hay là hội đồng chánh thể, không quá trọng sự tự chủ của cá thể (tức chi hội), mà cũng không khinh quyền của toàn thể (tức Hội Thánh chung), bèn bảo toàn cả hai trong hội đồng chánh thể, nhờ hội đồng của các phái viên do các chi hội công cử ra, nhóm lại mà giải quyết mọi việc của cá thể và toàn thể của Hội Thánh vậy. Xem Công 1:25,26; 5:1-11; 6:1-6; 8:14-24; 11:1-18; 13:1-3; 15:1-33; 20:17-38; ICô 5:1-5
b) CHẾ ĐỘ GIÁO HỘI LA-MÃ
Giáo hội La-mã giữ theo chánh thể chuyên chế cực điểm. Các giáo hội Cải chánh vin lấy Tân ước làm nền tảng của sự tổ chức và cai trị Hội Thánh. Nhưng Giáo hội La-mã về nhiều phương diện không những là không theo Kinh Thánh mà lại còn phản đối hẳn với ý Kinh Thánh nữa. Giáo hội ấy chủ trương rằng cả Hội Thánh địa phương khắp địa cầu nầy đều phải thuận phục quyền giáo hoàng La-mã, vì giáo hoàng nối quyền của Phi-e-rơ mà làm đại biểu vô ngộ của Christ ở đời nầy. Bảo rằng duy các giáo hội thuận phục giáo hoàng mới được gọi là Hội Thánh chánh thức duy nhứt của Christ trên mặt đất còn Hội Thánh giả ngụy cả. Cả giáo quyền tối thượng đều ở trong tay giáo hoàng. Hễ giáo hoàng ban bố chỉ dụ nào, cũng đều tôn nghiêm như mạng lịnh của Đức Chúa Trời, người định qui điều gì, cũng vẫn cần yếu như lời Kinh Thánh, ai ai cũng buộc phải làm theo, vì cả chỉ dụ ban bố và qui điều ấn định đó, đều là vô ngộ cả.
Giáo hội La-mã là hội hay tùy cơ ứng biến, nếu tình thế bắt buộc, cũng có thể thêm bớt lời Kinh Thánh được, vì họ chủ trương rằng Kinh Thánh do Hội Thánh mà được nên, chớ chẳng phải Hội Thánh do Kinh Thánh mà sanh ra đâu. Hễ ai dám trái chỉ dụ giáo hoàng, hoặc không tận tâm phục tùng giáo lịnh của phẩm trật ắt bị tội nặng, đến đỗi phải chịu tử hình cũng không phải là quá đáng. Cũng tại giáo lý thái quá đó mà trải ngót vài trăm năm giáo hội Cải chánh bị Giáo hội La-mã bắt bớ tàn nhẫn. Chánh thể Giáo hội La-mã sai lầm vì những cớ kể sau đây:
(1)Christ chẳng giao quyền tối thượng cho Phi-e-rơ: Trong cả Tân ước ta chẳng thấy đoạn sách nào dạy rằng Christ giao quyền tối thượng cho Phi-e-rơ. Ma 16:18,19 chỉ nói về địa vị của cá nhơn Phi-e-rơ đối với sự thừa nhận Christ là Con Đức Chúa Trời và việc giảng Tin Lành cho dân Do Thái và dân ngoại bang. Chúa giao chìa khóa của nước Đức Chúa Trời cho Phi-e-rơ để ông mở cửa nước ấy cho hai dân đó: lần thứ nhứt ông dùng chìa khóa ấy nhằm lễ Ngũ tuần, mà mở cửa Tin Lành cho dân Do Thái (Công 2); lần thứ hai ông dùng nó mà mở cửa Tin Lành cho dân ngoại bang (Công 10) tại nhà Cọt-nây. Phi-e-rơ chẳng phải là nền tảng của Hội Thánh, nhưng chính Christ là nền tảng ấy, nhờ Phi-e-rơ và các sứ đồ xây dựng bởi sự thừa nhận và giảng dạy Christ là Con Đức Chúa Trời hằng sống và Cứu Chúa của thế gian vậy (Êph 2:29; Khải 21:14).
Trong vòng các sứ đồ, Phi-e-rơ vẫn bình đẳng với họ, chớ chẳng cao hơn ai đâu. Trong hội nghị Giê-ru-sa-lem ta thấy ý kiến của Gia-cơ có giá trị bằng ý kiến của Phi-e-rơ (Công 15:7-30); cũng có một lần Phao-lô quở trách Phi-e-rơ vì không làm theo lẽ phải (Ga 2:11); còn trong thơ thứ nhứt của Phi-e-rơ, ông tự xưng là đồng bậc trưởng lão với các trưởng lão khác (IPhi 5:1), minh chứng rằng ông chẳng yêu cầu quyền tối thượng gì, cũng không hành quyền ấy bao giờ.
(2)Phi-e-rơ cũng không hề truyền quyền tối thượng ấy lại cho ai: Hoặc trong Tân ước, hoặc trong lịch sử Hội Thánh, chẳng có một bằng cớ nào chứng rằng Phi-e-rơ đã truyền quyền tối thượng ấy cho ai. Trái lại lịch sử Hội Thánh dạy rằng trải qua ba thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên ta, các bậc trưởng lão và giám mục đều bình đẳng nhau, chẳng ai tự xưng mình là đại giáo chủ, yêu cầu quyền bính trổi hơn ai. Giám mục của Hội Thánh tại La-mã cũng không yêu cầu quyền bính ấy. Khi Công giáo nghị hội Nicée năm 325 S.C., họp lại thì không phải do giám mục La-mã đứng ra triệu tập, và chủ tọa, trái lại chính ông cũng không đến dự hội, chỉ phái một viên chấp sự làm đại biểu mình. Nếu lúc ấy giám mục La-mã có quyền tối thượng trong Hội Thánh, như Giáo hội La-mã chủ trương, ắt đã cho triệu tập hội đồng, và tự chủ tọa, hay là đã cử ai làm chủ tọa thế cho mình mới phải. Ông đã không làm các điều ấy, mà chẳng thấy ai nhận ông có quyền hơn ai, chúng ta có thể đoán quyết trước công giáo nghị hội Nicée, Hội Thánh phổ thông chẳng nhận biết ai là giáo hoàng, cũng chẳng có giám mục nào tự xưng là nối chức sứ đồ của Phi-e-rơ, mà cầm quyền bính cao hơn các vị giám mục khác.
Trải qua các đời cũng có lắm nhà thần đạo La-mã chối quyền tối thượng của giáo hoàng. Nhằm thế kỷ XIV có Guillaume d'Occam (1280-1347) chép sách luận về quyền giáo hoàng, biện bác rằng Hội Thánh đã hiệp nhứt trong Christ, thì chẳng cần phải đầu phục một chủ giáo trưởng nào. Ông coi Hoàng đế (Thành La-mã) và các Công giáo nghị hội của Hội Thánh có quyền cao hơn giáo hoàng, cũng kể hai cơ quan đó là tòa án trên vị ấy. Luận về sự tín ngưỡng, thì ông cũng chẳng nhận sự biểu quyết của các Công giáo nghị hội là vô ngộ đâu, bèn chỉ thừa nhận Kinh Thánh và sự tín ngưỡng chung của Hội Thánh phổ thông là hữu hiệu lực đó thôi.
Mà dầu ta có nhận quyền tối thượng của giáo hoàng đi nữa, cũng vẫn đủ bằng cớ minh chứng rằng người chẳng vô ngộ đâu. Lịch sử truyền lại cho ta vô số gương chứng rằng giáo hoàng hẳn đã lắm lúc sa vào hầm của sự sai lầm. Giả như giáo hoàng Honorius (625-638) ra lịnh chuẩn nhận thuyết duy nhứt ý dục là chánh giáo, bảo phải giảng dạy trong các Hội Thánh. Còn giáo hoàng Martin I nhóm Công giáo nghị hội Lateran kỳ I, năm 649, lại ra lịnh lên án cho thuyết ấy là tà giáo, và nghiêm cấm ai tín nhận cùng giảng dạy đến. Cả hai giáo hoàng ấy đều tự xưng là vô ngộ; dầu vậy lý tánh ta dạy rằng không thể cả hai đều là vô ngộ, vì sự đoán định của họ mâu thuẫn nhau hẳn, chắc trong hai ông ấy phải có một ông sai lầm mới hữu lý vậy.
(3)Chẳng có bằng chứng về Phi-e-rơ đã qua thành La-mã bao giờ: Kê cứu lịch sử Hội Thánh thì thấy chẳng những không có bằng cớ gì chứng rằng ông đã sang qua thành ấy bao giờ. Khi Phao-lô ở Ê-phê-sô chép thơ Rô-ma, thì ám chứng rằng Phi-e-rơ chưa từng qua thành La-mã, cũng chẳng phải là người sáng lập Hội Thánh ấy; vì theo lẽ thường Phao-lô chẳng xen vào chức vụ của sứ đồ khác, cho nên nếu lúc ấy Phi-e-rơ thật đã ở đó rồi, thì chắc Phao-lô chẳng bao giờ dám định ý tìm dịp qua thăm họ đâu (Công 19:21; Rô 15:20; IICô 10:16).
Giáo phụ Clément ở La-mã thật có gọi Phi-e-rơ là kẻ tuận đạo nhưng chẳng nói ông tuận đạo tại thành La-mã đâu. Do lời truyền khẩu của Dionysius ở Côrinhtô và Irénée ở Lyon truyền lại vào lối cuối thế kỷ III mà ta mới nghe nói về Phi-e-rơ có giảng đạo tại La-mã và đã sáng lập Hội Thánh ấy. Mà nếu không có bằng cớ xác chứng Phi-e-rơ đã sang La-mã, cố nhiên cũng chẳng có bằng cớ chứng rằng ông làm giám mục Hội Thánh ấy, hoặc thiết lập ai kế thừa mình làm giám mục Hội Thánh La-mã, thì cũng rất rõ ràng giáo hoàng chẳng nối chức Phi-e-rơ mà làm giáo chủ trưởng của Hội Thánh đâu, bèn là kẻ tự tôn tự chiếm lấy quyền tối thượng trong Hội Thánh, chiếm ngôi của Christ, đã không biết lầm tội lỗi mà còn dám tự xưng mình là đại biểu của Đức Chúa Trời trên địa cầu vậy.
(4)Phẩm trật chánh thể làm bại hoại Hội Thánh: Lịch sử Hội Thánh có đủ bằng cớ chúng rằng phẩm trật chánh thể khiến cho Hội Thánh bị bại hoại, và làm sỉ nhục danh Christ. Giáo hội La-mã chủ trương rằng giáo hoàng là miệng của Thánh Linh, Ngài chỉ dùng miệng ấy mà phán dạy Hội Thánh. Song Kinh Thánh dạy rõ rằng toàn thể Hội Thánh đã nhận lãnh Thánh Linh, mỗi tín đồ đã được tái sanh cũng đều theo linh lượng mình mà nhận Ngài. Cái tội trọng của tăng lữ chủ nghĩa, ấy là một số ít người dám yêu cầu nhận rằng chỉ một mình mình đã nhận lãnh Thánh Linh, được phép nhơn danh Ngài mà nói, còn những tín đồ khác thì không được. Ý kiến ấy gây nên giáo giới của các đời Ám thế, làm bại hoại đạo Christ, và khiến cho đời tín đồ bị hư hỏng vô cùng. Chỉ nhờ cuộc cải chánh mà Hội Thánh được cứu vãn trở lại nguồn gốc đạo thuần túy của Kinh Thánh, lần lần đánh đổ phẩm trật chánh thể, chối bỏ chức giáo hoàng, tái quyết Christ làm Đầu duy nhứt của Hội Thánh, Thánh Linh làm Đại biểu của Ngài, và các tín đồ đều là chi thể của thân Christ, đồng đẳng, đồng quyền, đồng trách với nhau ở trước mặt Ngài vậy.
II. CHỨC VIÊN CỦA HỘI THÁNH
Trong phần nầy xin theo hai mặt mà luận đến chức viên của Hội Thánh, tức là chức viên của Hội Thánh đầu tiên, và chức viên của Hội Thánh cận kim.
1. CHỨC VIÊN CỦA HỘI THÁNH ĐẦU TIÊN
Kê cứu về chức viên của Hội Thánh đầu tiên, thì thấy dường như có hai hạng, là chức viên nhứt thời và chức viên thường xuyên.
a) Chức viên nhứt thời: Trong hạng nầy gồm có các sứ đồ và tiên tri.
(1)Sứ đồ: Chức sứ đồ thuộc về Hội Thánh đầu tiên, chỉ có 12 người hành chức ấy, tức là 11 sứ đồ nguyên bản và Phao-lô. Kê cứu Tân ước, thì rõ chức sứ đồ là chức nhứt thời, chỉ quan hệ với cuộc sáng lập Hội Thánh và sự biên chép Tân ước chẳng còn lưu truyền trong Hội Thánh như chức chấp sự, trưởng lão và mục sư.
Sứ đồ chánh thức phải có bốn xác cứ làm chứng thực, tức là: (a) phải được chính Chúa kêu gọi (Ma 10:2; Mác 3:14; Lu 6:13); (b) phải thấy Christ sau khi Ngài sống lại, để làm chứng kiến về sự sống lại Ngài (Công 1:22; 2:32; 4:2,33; ICô 9:1); (c) phải có quyền làm phép lạ, để làm chứng rằng mình đã nhận chức quyền ấy từ nơi Christ (ICô 9:2; IICô 12:12); (d) phải được Thánh Linh hà hơi vào lời dạy dỗ của mình, hầu cho lời ấy được vô ngộ như lời của chính Đức Chúa Trời vậy (Gi 16:12-15; Công 1:8; IITi 3:16; ITê 2:13; IIPhi 3:15,16).
Trong Công 13:2,3, Ba-na-ba cũng gọi là sứ đồ, nhưng nghĩa của câu ấy là xưng Ba-na-ba là sứ giả như mọi đầy tớ khác của Chúa vậy. Ma-thia (Công 1:15-26) thiếu điều kiện thứ nhứt, nên chắc không phải là sứ đồ chánh thức đâu.
(2)Tiên tri: Trong Hội Thánh đầu tiên có những người gọi là tiên tri (Công 11:27; 13:1; 15:32; 21:10; ICô 12:28; 14:29-40; Êph 2:20; 3:5; 4:11). Những chức viên ấy có lẽ không được Hội Thánh công cử ra, bèn là họ nhờ ân tứ đặc biệt của Thánh Linh mà được hành chức vậy. Chức vụ của họ có hai mặt: (a) Dự ngôn, tức là nói trước những việc phải xảy ra về sau, như A-ga-bút dự ngôn về cơn đói kém phải xảy ra trong khắp cõi bấy giờ (Công 11:28), và về sự hoạn nạn sắp xảy đến cho Phao-lô tại Giê-ru-sa-lem (Công 21:10,11). (b) Giảng đạo, tức là hành chức giảng Tin Lành, giải nghĩa lời Đức Chúa Trời, và khuyên bảo tín giáo trong các Hội Thánh, như Giu-đe và Si-la tại Hội Thánh An-ti-ốt vậy (Công 15:32). Qua thế kỷ thứ II, lịch sử Hội Thánh không còn nói đến chức tiên tri nữa, dường như là chức nhứt thời, thuộc về đời các sứ đồ, rồi cùng biến đi với họ từ lúc bấy giờ.
b) Chức viên thường xuyên: Trong các chức nhiệm của Hội Thánh đầu tiên có mấy chức thuộc hạng thường xuyên, gọi là chấp sự, trưởng lão, giám mục, mục sư, truyền đạo và giáo sư.
(1)Chấp sự: Ban đầu Hội Thánh đầu tiên chỉ có các sứ đồ là chức viên trong hội, còn các giáo hữu đều là thuộc viên thường như nhau cả. Đến khi số tín đồ trong Hội Thánh càng thêm đông, công việc càng nhiều lên, mới đặt ra bảy chức viên, gọi là chấp sự, để giúp đỡ Hội Thánh, coi việc tài chánh, (Công 6). Theo nguyên văn Hi-lạp, chữ chấp sự là diaconos, nghĩa đen là đầy tớ. Chức viên ấy là chức thứ nhứt Hội Thánh đặt ra, trở nên một chức thường xuyên, lưu truyền đến ngày nay (Phil 1:1; ITi 3:8-13).
(2)Trưởng lão và giám mục: Trong đời kế tiếp các sứ đồ và Hội Thánh từ ấy trở đi, mới thấy hai chức trưởng lão và giám mục là hai chức khác nhau, chức giám mục lần lần trổi hơn chức trưởng lão. Nhưng trong Tân ước, hai danh hiệu ấy chỉ về một chức mà thôi (Công 20:17,28; Phil 1:1; ITi 3:1,8; Tít 1:5,7; IPhi 5:1). Theo nguyên văn Hi-lạp chữ giám mục là episcopos, nghĩa đen là người có tuổi tác. Danh hiệu giám mục, Hội Thánh mượn ở nơi chánh thể các thành thị Hi-lạp, và chỉ về phận sự của chức viên; còn danh hiệu giám mục, Hội Thánh mượn ở nơi cuộc cai trị nhà hội của dân Do Thái, và chỉ về phẩm cấp của chức viên ấy. Cho nên hoặc Tân ước dùng danh hiệu nầy hay danh hiệu kia, thì cũng chỉ nói về một chức mà thôi. Phận sự của chức ấy là coi sóc và cai trị việc thuộc linh của Hội Thánh (ITi 5:17), dạy đạo (Công 20:28; ITi 3:2), khuyên bảo và cầu nguyện cho tín giáo (Gia 5:14). Tân ước chẳng có chỗ nào dạy rằng chức giám mục trổi hơn chức trưởng lão, hoặc được thiết lập để cai trị một giáo khu có nhiều Hội Thánh địa phương, và nhiều chức viên nhỏ và lớn dưới quyền mình. Ý kiến ấy mới lần lần mở mang và thành thói quen về sau.
(3)Mục sư: Chức mục sư trong Tân ước có lẽ cũng một chức với giám mục và trưởng lão. Phao-lô chỉ nói đến chức ấy một lần (Êph 4:11), kể là ân tứ do Christ phục sanh trực tiếp ban cho Hội Thánh, hơn là một chức nhiệm Hội Thánh đặt ra. “Ngài ban cho… kẻ khác hơn nữa làm mục sư và giáo sư”. Danh hiệu mục sư, nghĩa đen là “kẻ chăn chiên” (Gi 10:11; Hê 13:20; Công 20:28; IPhi 2:25). Thế thì chức mục sư có trách nhiệm chăn bầy của Chúa, nuôi dưỡng Hội Thánh bằng đạo chơn thật, coi sóc và dẫn dắt bầy chiên của Ngài vào con đường chánh đáng vậy.
(4)Truyền đạo: Theo lời Phao-lô trong Êph 4:11, chức truyền đạo cũng là một ân tứ của Christ ban cho Hội Thánh. Cho nên chỉ người nào có ơn giảng dạy mới được Hội Thánh phong chức ấy cho. Chức viên nầy cũng không hành chức luôn trong một Hội Thánh địa phương nào, bèn là hành chức chân lưu, đi khắp nơi mà giảng Tin Lành và dạy dỗ tín đồ. Chức viên chấp sự, trưởng lão và giám mục có lẽ cũng đã hành chức truyền đạo nữa (Công 21:8; Êph 4:11; IITi 4:5).
(5)Giáo sư: Chức giáo sư cũng vốn một ân tứ của Chúa ban cho người nầy kẻ kia. Hội Thánh có lẽ không phong cho ai làm chức giáo sư đặc biệt, bèn là nhìn nhận kẻ nào có ân tứ dạy dỗ, rồi vui lòng thuận y cho họ làm giáo sư trong Hội Thánh vậy. Nói đại khái, mỗi Hội Thánh có ít nữa là một người làm giáo sư, mà người ấy có lẽ cũng hành chức khác nữa, như chấp sự, trưởng lão, v.v. (Công 13:1; ICô 12:28,29; Êph 4:11; ITi 2:7; IITi 1:11; 4:3; Hê 5:12; Gia 3:1).
2. CHỨC VIÊN CỦA HỘI THÁNH CẬN KIM
Kê cứu lịch sử Hội Thánh, thì thấy các chức nhiệm Hội Thánh đầu tiên đặt ra, về sau lần lần có sự mở mang biến cải, đến thời cận kim, đại khái chỉ còn lại bốn chức nhiệm thường xuyên và đặc biệt, là chức chấp sự, trưởng lão, mục sư, và giám mục (đây không nói đến các chức nhiệm khác mà Giáo hội La-mã và Giáo hội Hi-lạp lập ra). Xin lần lượt luận đến bốn chức ấy, coi trách nhiệm của mỗi chức là thể nào.
a) Chấp sự: Trong Hội Thánh cận kim, chức chấp sự đại khái cũng như chức chấp sự trong Hội Thánh đầu tiên. Chức viên ấy được Hội Thánh địa phương công cử ra, có trách nhiệm giúp đỡ việc tài chánh của Hội Thánh, cùng làm phụ tá cho mục sư trong mọi việc thuộc linh và thuộc thể của Hội Thánh. Phần nhiều giáo hội Cải chánh đều có chức nhiệm chấp sự nam và nữ, và thường theo phẩm cách chấp sự tỏ ra trong ITi 3:8-15 mà bầu cử ra vậy.
b) Trưởng lão: Trong Hội Thánh đầu tiên chức trưởng lão và chức giám mục đều là một. Nhưng qua thế kỷ thứ II và thứ III, lần lần biến cải, đến đỗi chức giám mục chiếm chỗ đầu, còn trưởng lão trở nên một chức phụ tá giám mục mà thôi. Trong Hội Thánh cận kim, chức trưởng lão có trách nhiệm giúp đỡ mục sư trong sự cai trị Hội Thánh, nhứt là về phương diện dạy đạo lý, công nhận và truất trừ giáo hữu, thực hành kỷ luật của Hội Thánh, mời và phong chức mục sư, v.v. Còn Hội Thánh Trưởng lão (Eglise Presbytérienne) thì lại theo một chánh thể, gọi là trưởng lão chánh thể; mà cai trị Hội Thánh. Hội Méthodiste cũng có chức trưởng lão; nhưng có điều khác là chức trưởng lão của Giáo hội Trưởng lão của Giáo hội Trưởng lão thì do giáo hữu công cử ra: còn chức trưởng lão của Giáo hội Methodiste lại do các viên mục sư cử ra, có trách nhiệm cai trị các Hội Thánh trong một địa hạt nào, chẳng khác gì chủ nhiệm Hội Thánh Tin Lành Việt Nam coi sóc các chi hội trong địa hạt mình vậy. Cả hai hội ấy theo phẩm cách trưởng lão (hay giám mục) tỏ ra trong ITi 3:1-7; Tít 1:5-9, mà bầu cử chức viên ấy.
Hội Thánh Tin Lành Việt Nam không có chức trưởng lão, bởi vì coi chức mục sư là chức trưởng lão, và trách nhiệm của chức trưởng lão kim thời cũng là trách nhiệm của chức chấp sự vậy; cho nên ngoài mục sư, chi hội của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam chỉ công cử thêm chức chấp sự mà thôi. Kinh Thánh chẳng nói đến chức thơ ký, tư hóa, v.v., vì ấy bất quá là phận sự của các chức viên kể ra ở trên đó vậy.
c) Mục sư: Đương lúc đầu tiên; Hội Thánh nhóm lại thờ Chúa, thì tùy ý ngôn luận, tùy ý cầu nguyện. Kịp khi Hội Thánh càng nagỳ càng đông đúc, mới lập ra qui tắc về cuộc thờ phượng, chọn ra một viên trưởng lão trung thành hơn hết, học hạnh kiêm toàn, để giảng dạy cho Hội Thánh (ITi 5:17). Chức Trưởng lão ấy lần lần trở nên chức mục sư của thời cận kim và là chức trọng nhứt của Hội Thánh Cải chánh. Trách nhiệm mục sư rất quan trọng, có bốn nhiệm vụ là: (1) làm giáo sư để giảng dạy cho cá thể và toàn thể tín đồ (Công 20:20,21,25; ITê 5:12; Hê 13:7,17); (2) thực hành nghi lễ của Hội Thánh, như báptêm và tiệc thánh (Ma 28:19,20; Icô 1:16,17); (3) chăm nom việc thực hành kỷ luật của Hội Thánh; (4) chủ tọa sự nhóm lại thường và bất thường của hội chúng (ITi 5:17; 3:5; ICô 12:28; IPhi 5:2,3). Trong các giáo hội Cải chánh theo cộng hòa chánh thể thì chức mục sư trở nên quan hệ nhứt, đến đỗi đã hấp thụ phần nhiều phận sự của chức trưởng lão và giám mục của Hội Thánh đầu tiên. Trong các giáo hội theo giám mục chánh thể, chức ấy cũng quan hệ, nhưng có khi gọi bằng một danh hiệu khác, như trong Giáo hội Anh, và Giáo hội Lutherienne bên Nauy, Đan Mạch và Thụy Điển thì gọi bằng tư tế (prêtre) vậy.
d) Giám mục: Như ta đã thấy, chỉ những giáo hội cận kim vin theo giám mục chánh thể mà có chức giám mục, như Giáo hội Anh, Giáo hội Luthérienne, Giáo hội Méthodiste. Gốc của chức ấy cũng trong Tân ước, nhưng so sánh chức kim thời với chức đời các sứ đồ, thì thấy khác nhau xa lắm. Nói đại khái, thì chức giám mục xưa lần lần phát đạt biến thành chức giám mục cận kim như vầy:
Hội Thánh đầu tiên trước hết được thiết lập tại các đô thị lớn, như Giê-ru-sa-lem, An-ti-ốt, Cô-rinh-tô, Ê-phê-sô, La-mã, v.v. Hội Thánh trong các nơi ấy được gây dựng đã lâu, số giáo hữu càng thạnh, tràn ra đến các địa phương bàng cận. Giáo hữu trong các địa phương ấy phân lập ra các hội nhánh, có chức trưởng lão làm mục sư, nhưng lại gọi mấy hội gốc ở trong thành thị kia bằng mẫu hội, tôn các trưởng lão hay mục sư của mẫu hội đó là uy trưởng giả. Chức viên của các hội nhánh ấy có lẽ cũng thọ phong nơi các chức viên của hội gốc, nếu có việc gì khó giải quyết thì thỉnh giáo ý kiến của họ, và vui lòng thuận theo ý kiến ấy hơn là theo ý kiến riêng vậy.
Tương truyền như thế lâu ngày mới sanh ra chức giám mục. Hội Thánh phổ thông cũng lần lần công nhận cho chức trưởng lão trong các Hội Thánh trong địa phương bàng cận, buộc chức viên của các hội nhánh ấy phải thuận phục quyền của các chức viên Hội Thánh châu tỉnh kia trọn vẹn; rồi kết cuộc là lần lần gây dựng nên giám mục chánh thể của đời trung cổ và kim thời vậy. Nhằm năm 300 S.C. Cơ đốc Giáo hội đã chia ra 14 cõi hay là giáo khu, mỗi cõi có một viên giám mục cai trị. Về sau lại thêm tổng giám mục nữa mà gây nên phẩm trật giáo hội đời Trung cổ, bắt buộc Hội Thánh của Chúa trải qua hơn mười một thế kỷ rưỡi phải đầu phục một quyền chuyên chế ác liệt, chịu khổ sở, đến nỗi gây nên cái họa núi xương sông máu không sao kể xiết. Về sau, chỉ có vài giáo phái của Hội Thánh Cải chánh cứ giữ lại chức giám mục, như Giáo hội Anh, Giáo hội Luthérienne, nhưng cũng biến cải chức quyền đi nhiều, đến đỗi trong Giáo hội Méthodiste chức ấy chẳng có quyền hơn chức chủ nhiệm của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam vậy.
3. CHỨC TƯ TẾ CỦA GIÁO HỘI LA-MÃ.
Trong Giáo hội La-mã chẳng có chức mục sư như trong Giáo hội Cải chánh; nhưng Giáo hội ấy thêm một chức khác gọi là chức tư tế (prêtrise), giống như chức tế lễ của đạo Môi-se đời xưa. Chức nầy quan hệ nhứt trong thống hệ thần đạo của Giáo hội La-mã, làm căn cứ của các chức khác, và nền tảng của cả sự tổ chức của giáo hội ấy. Theo La-mã giáo lý, thì chức viên nầy có quyền cao cả, vì trong lễ Misa người có thể dựng nên Christ, dâng Ngài lên trên bàn thờ để chịu chết như lúc Ngài chịu dâng lên chết trên thập tự giá vậy. Cũng có quyền buộc hay giải tội cho giáo hữu, bỏ linh hồn họ vào ngục luyện tội, hay cầu nguyện cho được buông ra, v.v.
Kê cứu Tân ước thì thấy rõ Hội Thánh đầu tiên chẳng biết đến tổ chức nầy, Chúa hoặc các sứ đồ quả chẳng hề thiết lập nó. Ta đã thấy các chức viên của Hội Thánh đầu tiên là chấp sự, trưởng lão, giám mục và mục sư. Nhưng chức phận của các viên ấy chẳng phải là việc tư tế đâu. Họ được Tân ước gọi là quản gia, sứ giả, đầy tớ, và chấp dịch của Hội Thánh; nhưng chẳng hề được gọi là tư tế bao giờ. Tân ước chẳng biết gì đến lễ Misa của Giáo hội La-mã, chỉ nói đến lễ tiệc thánh mà thôi. Tánh chất lễ ấy cũng chẳng gồm có ý hy sinh đâu, chỉ có ý kỷ niệm thôi. Tân ước cũng chẳng gọi chức viên nào trong Hội Thánh bằng tư tế (thầy tế lễ), nhưng xưng cả toàn thể tín đồ là thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời (IPhi 2:5; Khải 1:6), “để dâng linh tế, nhờ Jesus Christ được Đức Chúa Trời nhậm.”
Đến như quyền buộc và giải tội, Kinh Thánh cũng không hề nói tới, chỉ dạy rằng duy Đức Chúa Trời vì công lao của Christ có quyền tha tội cho ta được mà thôi. Còn đạo về lễ Misa quả là sự lộng ngôn; vì nhà tư tế kia, cũng vẫn một người yếu đuối hay mắc tội như ai, mà lại dám tự xưng là có quyền dựng nên bản thân của Christ và hy sinh Ngài trên bàn thờ như lúc Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá xưa kia, há chẳng là lộng ngôn nặng vô cùng đó sao?
Thêm nỗi, đạo nầy cũng trái sự dạy dỗ của Kinh Thánh về sự hy sinh của Christ nữa, vì Kinh Thánh dạy rõ Christ hy sinh mình chịu chết chuộc tội một lần đủ cả, chớ chẳng ai có thể thiết lập lại mãi cuộc hy sinh ấy được nữa bao giờ (Hê 9:12, 24-28; 10:10,12,14). Vì những cớ ấy, chúng ta buộc phải định rằng chức tế lễ trong Giáo hội La-mã chẳng bởi Christ thiết lập, bèn là do tà giáo mà ra, quả khinh dể công lao của Christ, chiếm đoạt quyền của Ngài, và giả mạo chức tế lễ của các thánh đồ vậy. Hê 9:12; Hê 9:24-28; Hê 10:10,12,14; IPhi 2:5; Khải 1:6
III. KỶ LUẬT CỦA HỘI THÁNH
Hội Thánh có kỷ luật hẳn hòi, cũng có trách nhiệm thực hành kỷ luật ấy, để sửa trị giáo hữu phạm tội, mới mong giữ Hội Thánh cho tinh sách được vậy.
1. HAI CÁCH SỬA TRỊ
Trong Hội Thánh thường có hai thứ tội, là công tội và tư tội, nói cách khác, là tội quan hệ với hội chúng và tội chỉ quan hệ với cá nhơn mà thôi; mỗi thứ tội ấy đều có một cách sửa trị riêng.
a) Sửa trị tư tội: Khi tín đồ nào phạm tội chỉ quan hệ với cá nhơn, không can thiệp đến hội chúng, thì phải sửa trị cách riêng, chẳng nên đem tội ấy mà tỏ lại với ai, hay làtrình ra giữa Hội Thánh. Kỷ luật sửa trị thứ tội nầy do chính Chúa phán ra, được chép trong Tin Lành Ma-thi-ơ. Ma 5:23,24; Ma 18:15-17
Nếu anh em phạm tội đó không chịu nghe mình, thì mình mới được phép trình cho Hội Thánh xét xử. Dám chắc nếu tín giáo thường thực hành kỷ luật nầy hơn, thì Hội Thánh ắt thoát khỏi biết bao nhiêu cuộc tranh luận, ganh ghét và giận hờn, cũng chắc ít khi có những vụ xét xử lớn lao công khai vậy.
b) Sửa trị công tội: Những quan hệ với cả hội chúng, thì phải xét xử cách công khai. Kỷ luật sửa trị thứ tội ấy được chép trong ICô 5:3-5,13, và IITi 3:6. Theo kỷ luật ấy, Hội Thánh vừa biết tội của tín giáo nào đã phạm, nếu có quan hệ đến danh giá của Hội Thánh, làm sỉ nhục danh Chúa, ngăn trở ảnh hưởng của đạo Tin Lành giữa người ngoại, thì chức viên của Hội Thánh phải thực hành việc sửa trị ngay, chẳng nên chờ đợi phạm nhơn ăn năn đâu, e thế gian tưởng rằng Hội Thánh can dự sự vi phạm ấy, hay là che đậy tội lỗi chăng. Phán quyết vụ ấy kết liễu là dứt phép thông công, tức là truất bỏ phạm nhơn khỏi Hội Thánh liền, không kể người là giáo hữu nữa, cho đến khi thấy có sự ăn năn sửa đổi thật, mới nhận người lại làm tín giáo chánh thức như cũ vậy (IICô 2:6-8). ICô 5:3-5,13; IITê 3:6
2. MỤC SƯ QUAN HỆ VỚI CUỘC SỬA TRỊ
Mục sư có quan hệ trực tiếp với cuộc sửa trị Hội Thánh. Người là kẻ chăn bầy chiên của Chúa, nên chẳng những là có trách nhiệm chăn nuôi bầy, mà cũng cần phải dùng cây gậy trừng phạt con chiên nào phạm tội nữa, mới gọi là làm trọn phận sự mình. Chỗ tương quan của mục sư đối với cuộc sửa trị như sau đây:
a) Mục sư chẳng có quyền bính gì tự tiện sửa trị ai cả.
b) Quyền sửa trị bao giờ cũng do Hội Thánh mà ra.
c) Mục sư chỉ là lợi khí Hội Thánh dùng đặng thực hành kỷ luật của hội, cốt để giữ Hội Thánh cho tinh sạch, và khiến cho phạm nhơn ăn năn trở lại với Chúa mà thôi.
d) Mục sư chẳng nên coi mình là lính cảnh sát hay là lính mật thám của Hội Thánh mà mãi cứ theo đuổi rình mò dò thám hành vi cử chỉ của giáo hữu phạm tội; nhưng nên nhờ các chức viên Hội Thánh đã công cử mà thực hành cuộc sửa trị, chính mình mục sư phải giữ trung lập, và là chánh án của nội vụ ấy, mới mong Hội Thánh khỏi sa vào hầm bất công bất nghĩa, chia phe lập đảng trong khi thực hành kỷ luật của hội.
Nếu chính mục sư kiện cáo tín giáo nào, hay là làm phận sự của một viên kiểm sát, ắt không khỏi mất danh giá, cũng không thể giúp đỡ tín giáo phạm tội đó ăn năn được, trái lại có lẽ gây cho Hội Thánh chia phe đảng, kết cuộc là phá hủy Hội Thánh, hơn nữa còn xé rách thân thể của Chúa là khác. Thực, mục sư phải cầm giữ kỷ luật của Hội Thánh luôn; nhưng nếu có ai phạm tội, thì thà khuyên chức viên phải can thiệp liền, lo xét đoán và phán quyết nội vụ ấy, còn chính mục sư phải chủ tọa, xem xét và dẫn dắt cuộc sửa trị đó, mới mong cán cân công lý của nhà Chúa khỏi mang tiếng là thiên lệch, tây vị ai vậy.
Chương 4 – LUẬN VỀ CÁC THÁNH LỄ CỦA HỘI THÁNH
HỘI THÁNH hữu hình thường giữ theo những nghi lễ bề ngoài, bởi Christ thiết lập ra, cốt để làm tiêu hiệu biểu minh về các lẽ thật hay cứu rỗi của đạo Tin Lành, và ấn chứng các lẽ ấy cho tín đồ đồng dự. Giáo hội La-mã thừa nhận có bảy thánh lễ, gọi là lễ phong chức, lễ kiên tín, lễ hôn nhơn, tẩy lễ lâm chung, phép giải tội, lễ báptêm (phép rửa tội), và lễ Misa (lễ tiệc thánh). Nhưng Giáo hội Cải chánh chỉ thừa nhận hai lễ, tức lễ báptêm và lễ tiệc thánh. Sau đây xin lần lượt luận qua hai thánh lễ ấy.
I. LỄ BÁP-TÊM
1. ĐỊNH NGHĨA
Lễ báp têm là nghi lễ nhập hội mà tín đồ phải chịu để nhập vào Hội Thánh hữu hình của Christ. Hễ ai chịu lễ báp têm xứng đáng thì chứng rằng mình đã nhờ ơn Đức Chúa Trời mà được cứu, đã nhờ quyền Thánh Linh mà được tái sanh, đã liên hiệp với Christ trong sự chết và sự sống lại của Ngài. Cho nên tín đồ chẳng nhờ lễ báp têm mà được tái sanh đâu, bèn chỉ nhờ lễ ấy mà làm chứng rằng mình đã được tái sanh rồi đó thôi.
2. LỄ BÁP TÊM LÀ NGHI LỄ CHÁNH THỨC CỦA ĐẠO TIN LÀNH
Những bằng cớ sau đây chứng rõ rằng lễ báp têm bằng nước vốn bởi Christ lập ra, và Hội Thánh đời đời nên giữ lấy.
a) Bởi Christ lập ra: Trước khi Christ thăng thiên, Ngài đã phán truyền các sứ đồ phải đi giảng Tin Lành khắp nơi rồi làm lễ báp têm cho những kẻ tín nhận đạo ấy. Ma 28:19; Mác 16:16
b) Bởi sứ đồ truyền dạy phải làm: Từ ngày lễ Ngũ tuần trở đi, các sứ đồ thường thực hành lễ báp têm, cũng truyền dạy các tín đồ phải chịu lễ ấy mới hiệp nghi. Công 2:38. Cũng xem Công 9:18; 10:46,47.
c) Các giáo hữu của Hội Thánh Tân ước đều phải chịu báp têm: Kê cứu Tân ước về vấn đề báp têm, thì thấy hết thảy giáo hữu của Hội Thánh đời Tân ước đều chịu báp têm cả. Rô 6:3-5; Côl 2:11,12.
d) Cả Hội Thánh phổ thông đều giữ theo lễ báp têm: Lịch sử Hội Thánh xưa nay minh chứng rằng cả Hội Thánh phổ thông, vô luận là thuộc về giáo phái nào, đều đã thực hành lễ báp têm hết. Chỉ có hai hội ngoại trừ mà thôi, ấy là Hội Bằng hữu (Giáo hội Quaker), và Cứu thế quân (Armée de Salut). Ngoài ra hai hội ấy, ta chẳng biết một giáo hội nào khác không dùng lễ báp têm mà làm nghi lễ nhập hội.
Thế thì, ta có thể đoán rằng lễ báp têm là nghi lễ chánh thức của Cơ đốc giáo, bởi chính Christ lập ra, buộc Hội Thánh hữu hình và các tín giáo đời đời phải giữ làm theo luôn.
3. CÁCH THỨC LÀM LỄ BÁP TÊM.
Vả, Tân ước dạy thể nào về cách thức phải làm lễ báp têm? Aáy là một vấn đề có lẽ khó giải quyết, cũng đã gây biết bao cuộc tranh luận, biết bao cơn chiến đấu, và phân lập làm phe đảng trong Hội Thánh hữu hình! Sau đây xin thuật lại các ý kiến khác nhau về vấn đề ấy, rồi sẽ tỏ ra điều trước giả bài nầy thừa nhận là sự dạy dỗ của Kinh Thánh về nghi lễ ấy.
a) Các ý kiến về cách thức làm lễ báp têm: Nói đại khái, trong Hội Thánh phổ thông có hai cách thức làm lễ báp têm, ấy là cách nhận cả người xuống nước và cách rưới nước trên người đó.
(1)Cách thức nhận cả người xuống dưới nước: Giáo hội Baptiste cùng mấy giáo hội nhỏ hơn đều chủ trương cách nhận cả mình người xuống dưới nước là cách thức chánh đáng trong khi làm lễ báp têm, vì thích trung với nghĩa bóng của lễ ấy, cũng đúng với ý Kinh Thánh. Họ chủ trương về nghĩa đen chữ báp têm (baptizo) theo nguyên văn Hi-lạp là dầm hay nhận dưới nước. Họ lại luận rằng nghĩa bóng của lễ báp têm là tỏ ra tín đồ đồng chết đồng sống lại với Christ. Bằng chẳng nhận tín đồ dưới nước, thì mất cả yếu nghĩa ấy, vì các cách thức khác chẳng tỏ ý ấy chút nào.
Vả, phần nhiều giáo hội dùng cách nhận dưới nước để làm lễ báp têm, cũng chỉ làm lễ ấy cho người lớn, chớ chẳng làm cho con trẻ, vì họ luận rằng điều kiện quan hệ nhứt cho kẻ chịu lễ ấy là sự ăn năn và đức tin đến Christ; mà con trẻ chưa đạt đến tuổi khôn lớn, làm sao mà biết ăn năn và có đức tin đến Chúa được! Hội Thánh Tin Lành Việt Nam cũng chủ trương theo cách thức ấy mà thi hành lễ báp têm.
(2)Cách thức rưới nước: Phần nhiều giáo phái trong Giáo hội Cải chánh đều làm lễ báp têm bằng cách đổ hay rưới nước trên đầu hay trán của tín đồ. Họ cũng viện lấy nghĩa của chữ baptizo để làm chứng, chủ trương rằng nghĩa bóng nó không phải là chôn trong mồ mả, bèn là rửa sạch, biểu minh rằng tín đồ đã nhờ ân cứu rỗi của Christ mà được rửa sạch mọi tội lỗi. Các giáo hội dùng cách thức đổ hay rưới nước đó, cũng làm lễ báp têm cho con trẻ, đến đỗi có giáo phái trong số đó chủ trương rằng nhờ lễ báp têm mà con trẻ được tái sanh và trở nên con cái Đức Chúa Trời nữa. Ý kiến ấy chắc là một di tích do đạo báp têm của Giáo hội La-mã xưa kia lưu lại trong mấy giáo phái Cải chánh đó cho đến ngày nay. Nếu kê cứu Tân ước về ý nghĩa báp têm, thì thấy chẳng một lời nào dạy rằng lễ ấy có quyền làm cho ai được tái sanh bao giờ, bèn dạy rõ sự tái sanh duy do đức tin đến công lao của Christ và bởi quyền hành động của Thánh Linh ở bề trong mà được nên thôi; còn lễ báp têm vốn một dấu hiệu bề ngoài để chứng cho ơn ấy đã thành tựu ở bề trong rồi vậy.
(3)Sự dạy dỗ của Kinh Thánh về cách thức làm lễ báp têm: Kê cứu Tân ước và lịch sử của Hội Thánh đầu tiên, thì không thể tín nhận rằng cách thức làm lễ báp têm trong Hội Thánh đầu tiên là nhận cả mình người xuống dưới nước. Sau đây xin dẫn ra sáu bằng cớ chứng cho ý kiến ấy.
(a)Chữ báp têm (baptizo) làm chứng: Tấn sĩ A.H. Strong, cũng là nhà thần đạo và nhà cổ văn học Hi-lạp trứ danh, khi luận về vấn đề nầy thì dạy rằng, các nhà trước thuật bằng cổ văn Hi-lạp ở trong các đời trước kỷ nguyên ta, các nhà phiên dịch Cựu ước ra văn Hi-lạp (bản 70), và các Giáo phụ Hội Thánh đầu tiên đều nhờ cách họ dùng chữ baptizo mà đồng chứng rằng chữ ấy nghĩa đen là dầm hay nhận trong nước. Ông Strong cũng tỏ ra phần nhiều Hi-lạp ngữ từ điển xưa nay đều giải thích chữ ấy là dầm hay nhận dưới nước. Như các Hi-lạp ngữ từ điển của Siddell et Scott, Sophocles, Thayer, v.v., đều giải thích chữ ấy như thế cả. Thực, ta có thể nói cách đại khái rằng, phần nhiều nhà cổ văn Hi-lạp trứ danh đều công nhận rằng chữ baptizo quả chỉ có một nghĩa mà thôi tức là dầm hay nhận dưới nước, chớ chẳng hề có nghĩa là rưới hay đổ nước trên đầu. (Xem Dr. A.H. Strong Systematic Theology, The Mode of Baptism, tr. 933).
(b)Cách dùng chữ báp têm trong Tân ước làm chứng: Tấn sĩ Strong cũng luận rằng hầu hết các đoạn sách trong Tân ước đã dùng chữ báp têm (baptizo), đều đúng theo nghĩa “nhận trong nước” cả. Những câu viện dẫn sau đây chứng rõ. Ma 3:6,11; Mác 1:5,9
Vả, khi Tân ước luận về báp têm của Giăng thì thường dùng động từ “làm báp têm” (baptizo) với tiên trí từ (préposition) “trong” hay “dưới”, để chứng rằng cách thức của báp têm ấy chẳng phải là bằng cách rưới hay đổ nước trên người ta, bèn là bằng cách nhận cả mình người trong hay dưới nước như khi ta tắm dưới sông vậy. Cũng xem IICác 5:14. Chữ “tắm mình” trong câu ấy bản Septante (bản 70) được định ra bằng chữ baptizo, chứng rằng các nhà phiên dịch bản ấy cũng công nhận chữ đó có nghĩa dầm hay nhận trong nước vậy. Cũng xem Gi 1:26,31,33.
(c) Cảnh tượng trong lúc làm báp têm làm chứng: Trong Tân ước có mấy câu mô tả cái cảnh tượng phụ thuộc việc làm báp têm của Giăng, và của nhà truyền đạo Phi-líp. Các cảnh tượng ấy cũng ám chứng rằng cách thức làm báp têm của Giăng và của các sứ đồ là nhận trong nước vậy. Những câu viện dẫn sau đây chứng cho: Mác 1:10; Gi 3:23
Nếu Giăng chỉ làm báp têm bằng cách rưới nước, thì cần chi phải lựa chỗ có nhiều nước, dầu chỗ sông cạn, cũng làm được. Nhưng vì nhận cả mình người dưới nước, nên cần phải kiếm chỗ có nước khá sâu mới làm được vậy. Công 8:38,39
Câu ấy chứng rõ lắm hoạn quan Êthiôbi chịu Phi-líp làm báp têm bằng cách nhận dưới nước. Bằng chẳng vậy, thì câu “khi ở dưới nước lên” có nghĩa gì?
(d)Các câu theo nghĩa bóng mà luận đến báp têm cũng làm chứng: Trong Tân ước có nhiều câu luận đến nghĩa bóng của lễ báp têm, cũng ngầm chứng rằng cách thức của lễ báp têm ám chỉ đó cũng là cách nhận dưới nước vậy. Mác 10:38
Chén ấy là sự đau khổ của Chúa phải chịu tại vườn Ghếtsẽmanê (Lu 22:42); còn báp têm là sự chết trên thập tự giá (Lu 12:50). Chúa coi sự chết ấy chẳng khác gì một báp têm dưới nước, cảm xúc sự khổ sở Ngài sắp cam chịu dường như bị đắm chìm dưới ngọn ba đào của cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vậy. Rô 6:4
Theo câu ấy, lễ báp têm chỉ bóng về sự đồng chết, đồng chôn, và đồng sống lại với Christ. Nhưng nếu không dùng cách nhận mình dưới nước mà làm lễ ấy, thì mất hẳn ý nghĩa bóng đi rồi. Vì nếu lấy sự chôn làm tượng trưng, thì cũng dễ biết lắm rằng không thể lấy một ít đất rại trên quan tài, mà gọi là chôn được đâu. Cũng một lẽ ấy, nếu lấy một ít nước rưới trên đầu thì ai cũng không thể nào làm hình bóng chỉ về sự đồng chôn với Chúa được. Cũng hãy xem ICô 10:1,2; Côl 2:12; Hê 10:22; IPhi 3:20,21.
(e)Lịch sử Hội Thánh làm chứng: Khảo cứu lịch sử của Hội Thánh đầu tiên, thì thấy Hội Thánh trong thế kỷ II và III vẫn còn theo cách thức nhận trong nước mà làm lễ báp têm.
Trong thơ De Baptismate, đoạn 12, Giáo phụ Tertullien ám chứng rằng Hội Thánh đầu tiên làm lễ báp têm bằng cách nhận cả mình người dưới nước.
Nhà sử ký Hội Thánh Fisher trong quyển Beginnings of Christianity, tr. 565, luận về báp têm trong Hội Thánh đầu tiên mà rằng: “Hiện nay các nhà học giả đều hiệp ý mà nhận lễ báp têm vốn được thực hành theo cách nhận dưới nước.”
Trong sách “Lịch sử của Hội Thánh Sứ đồ” (History of the Apostolic Church, tr. 570), nhà sự học Schaff có chép rằng: “Luận về cách thức làm lễ báp têm, thì nhà sử học ràng buộc phải nhường phần hơn cho Giáo phái Baptiste.” Ông lại luận nữa rằng: “Cách làm báp têm cho Christ ở trong sông Giô đanh, và các tỷ dụ về lễ báp têm dùng trong Tân ước, thảy đều ngầm chứng cho cách nhận dưới nước; còn hết thảy các nhà sớ chú Kinh Thánh trứ danh, hoặc là người Anh hay người Đức, hoặc là thuộc Giáo hội La-mã hay là Giáo hội Cải chánh cũng đều công nhận ý ấy cả.”
Nhà sử học Néander, trong Church History, 1:310, cũng luận rằng, cách thức làm báp têm trong Hội Thánh đầu tiên thường là cách nhận dưới nước. Chỉ ngoại trừ khi có ai đau yếu, không thể xuống dưới nước được, thì có thể làm theo đặc cách, như rưới hay đổ nước trên mình người vậy.
Vào lối năm 1875 người ta có tìm được một sách, nhan đề là “Sự dạy dỗ của các Sứ đồ”. Sách ấy được chép vào lối đầu thế kỷ II bày tỏ sự tín ngưỡng và cuộc thờ phượng của Hội Thánh đầu tiên rõ lắm. Cũng luận về lễ báp têm, chứng rằng cách thức Hội Thánh dùng trong thời ấy là cách nhận dưới nước sông, chỉ trừ ra khi có ai đau, hay là không đủ nước, thì được phép dùng cách đổ hay rưới nước trên mình vậy.
(f) Đạo lý và tập quan của Giáo hội Hi-lạp làm chứng: Giáo hội Hi-lạp từ cổ chí kim chỉ làm báp têm bằng cách nhận dưới nước. Ông De Stourdza, nhà thần học trứ danh của Giáo hội Hi-lạp cận kim, luận về vấn đề nầy mà rằng: “Nghĩa đen của chữ “baptizo” bao giờ cũng là “nhận dưới nước”, chẳng hề có nghĩa khác. Cho nên báp têm và sự nhận dưới nước đều đồng nghĩa; thành thử nói rằng làm báp têm bằng cách rưới nước nghe thật vô lý chẳng khác gì nói làm lễ nhận nước bằng cách rưới nước, vậy ai nghe được! Giáo hội Hi-lạp kiện Giáo hội La-mã chẳng từng làm lễ báp têm (baptizo) đâu, duy làm lễ rưới nước (rantismos) đó thôi.”
TỔNG ĐOÁN
Vả, cách dùng chữ nào thì định nghĩa cho chữ ấy. Ta đã thấy cách cổ văn Hi-lạp dùng chữ baptizo định nghĩa cho chữ ấy trong Tân ước là nhận hay dầm dưới nước, chẳng khi nào có nghĩa khác. Vậy, Chúa đã ra lịnh bảo làm lễ báp têm cho tín đồ, thì cố nhiên bảo ta làm lễ ấy hoặc bằng cách đổ hay rưới nước trên họ. Thế thì, hễ ai nói rằng cách thức làm lễ báp têm không quan hệ, làm theo cách đổ hay rưới trên người cũng được, thì người ấy đã bất trung với Chúa, và nghịch mạng Ngài nữa vậy.
4. NGHĨA BÓNG CỦA LỄ BÁP TÊM
Vả, lễ báp têm có nghĩa bóng gì? Xin đáp:
a) Chỉ bóng về sự chết, sự sống lại của Christ: Cái yếu nghĩa của lễ báp têm chỉ bóng về sự chết và sự sống lại của Christ. Các câu viện dẫn sau đây xin làm chứng: Rô 6:3; Côl 2:12. Cũng xem Ma 3:13; Mác 10:38; Lu 12:50
b) Chỉ bóng về tín đồ liên hiệp với Christ: Lễ báp têm cũng chỉ bóng về tín đồ liên hiệp với Christ trong sự chết và sự sống lại của Ngài. Sự nhận mình dưới nước làm biểu hiệu chỉ về sự đồng chết đồng chôn với Ngài; sự từ nước mà lên làm biểu hiệu về sự sống lại với Ngài. Cũng tỷ thí về hai mặt của đức tin trong khi mình công nhận Christ, là phó và nhận: sự nhận mình dưới nước tỷ như mình đem đời cũ màphó vào sự chết; sự từ nước mà lên, tỷ như mình nhận Christ làm nguồn sống của đời mới. Hễ ai muốn dự phần đến quyền năng của linh mạng phục sanh của Christ, thì phải bởi đức tin đem chôn đời cũ, và sống lại đời mới trước đã, nhiên hậu mới hưởng được vậy. Rô 6:4,5; Ga 3:27. Cũng xem Rô 6:7,10,11; Côl 2:12; Ga 3:27
c) Chỉ bóng về tín đồ liên hiệp với nhau: Lễ báp têm cũng là biểu hiệu chỉ về tín đồ hiệp nhứt ở trong Christ. Từ ngày lễ Ngũ tuần đến nay toàn thể tín đồ cũng đã chịu cùng một thứ báp têm, là báp têm nhơn danh Cha, Con và Thánh Linh vậy. Nghi lễ ấy làm chứng rằng mỗi tín đồ đều liên hiệp với nhau ở trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời, mà kết thành một đoàn thể chết đối với tội lỗi, mà sống lại cho Đức Chúa Trời bởi Jesus Christ Chúa chúng ta vậy.
d) Chứng rằng mình thừa nhận đạo của Ba Ngôi Đức Chúa Trời: Hễ tín đồ nào chịu báp têm, thì cũng nhờ lễ ấy mà làm chứng cách công nhiên rằng mình đã thừa nhận cả đạo của Ba Ngôi Đức Chúa Trời vì lễ ấy do danh của Ba Ngôi Đức Chúa Trời mà được nên. Mình thừa nhận Cha là Đấng yêu thương thế gian, đã ban Con làm Cứu Chúa mình (Gi 3:16). Cũng tin Christ là Con Đức Chúa Trời, đem thân thể chịu khổ và chết trên thập tự giá để chuộc tội, giải cứu mình khỏi quyền năng của tội lỗi, lấy huyết Ngài mà rửa sạch mọi tội ác mình. Cũng nhận Thánh Linh là cơ quan Đức Chúa Trời dùng để ứng dụng các ơn cứu rỗi cho mình; coi Ngài như nước làm cho kẻ dơ bẫn được sạch, khiến cho kẻ khát được đã, làm cho tâm địa khô khan được tươi thắm lại vậy. Xem Rô 6:4,7,10,11; ICô 6:11; Hê 10:22; Tít 3:5; IPhi 3:21.
5. NHỮNG NGƯỜI ĐẶNG CHỊU BÁP TÊM
Tân ước chứng rõ ràng chỉ những người đã được tái sanh là xứng đáng chịu báp têm. Các điều kể sau đây minh chứng cho.
a) Mạng lịnh Chúa làm chứng: Chúa bảo sứ đồ phải làm báp têm cho những kẻ đã trở nên môn đồ của Ngài rồi. Ma 28:19; Công 2:41
b) Bửu huấn của các sứ đồ làm chứng: Giăng Báptít và các sứ đồ dạy bảo người ta phải ăn năn tội trước đã, rồi mới chịu báp têm được. Ma 3:1,2,5,6; Công 2:37,38; Công 8 12. Cũng xem Công 18:8; 19:4
c) Bản tánh của Hội Thánh làm chứng: Hội Thánh toàn bằng những người đã được tái sanh, kết thành thân thể của Christ. Kẻ nào không được sanh bởi Thánh Linh đã không thể vào nước Đức Chúa Trời được, thì cố nhiên kẻ ấy cũng không thuộc trong thân thể thuộc linh của Christ, vì “hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt, hễ chi sanh bởi Thánh Linh là linh.” Gi 3:5. Cũng xem Rô 6:13.
d) Biểu hiệu của lễ báp têm làm chứng: Lễ báp têm là một biểu hiệu bề ngoài làm chứng cho một việc thuộc linh đã thành tựu bề trong, tức là làm chứng rằng trong lòng ai đó đã có sự tái sanh rồi, chớ chẳng phải nhờ lễ báp têm mới được tái sanh đâu. Có cái nầy rồi, nhiên hậu mới được phép chịu cái kia vậy. Công 10:47; Rô 6:1-5; Ga 3:26,27
6. LỄ BÁP TÊM ĐỐI VỚI SỰ TÁI SANH
Nhờ bốn điều luận qua trong phần 5 ở trên, ta hiểu rõ lễ báp têm chẳng phải một phương pháp để được tái sanh như Giáo hội La-mã và một vài giáo phái Cải chánh dạy đâu; bèn là một dấu hiệu bề ngoài làm chứng cho ơn cứu rỗi đã được ứng dụng bề trong, mà kết quả sự tái sanh vậy. Chúa dạy Ni-cô-đem rằng: “Nếu người nào chẳng bởi nước và Thánh Linh mà sanh, thì không thể vào nước Đức Chúa Trời được.” Chữ “nước” trong câu ấy chắc không chỉ về báp têm đâu, bèn chỉ về lời hay đạo của Đức Chúa Trời. Vì trong Êph 5:26, Phao-lô dạy rằng Christ đã yêu Hội Thánh “đã dùng nước là đạo mà rửa cho tinh sạch”. Còn trong Tít 3:5, Phao-lô lại gọi “Ngài đã cứu chúng ta, không phải vì việc công nghĩa mà chính chúng ta đã làm, bèn là theo lòng thương xót Ngài, nhờ sự tắm rửa của sự tái sanh và sự đổi mới của Hội Thánh”.
Vả, sự cứu rỗi và sự tái sanh đều bởi đức tin đến công lao của công nghĩa mà được. Ta đã thấy rõ Kinh Thánh dạy phải có đức tin ấy trước đã, rồi mới đáng chịu báp têm về sau. Ấy vậy, lễ báp têm chẳng có quyền thần bí gì để cứu rỗi ai cả, nhưng lễ ấy chẳng qua là làm chứng rằng kẻ chịu báp têm đã từng trải sự cứu rỗi trước kia rồi, đã nhờ huyết của Christ mà được rửa sạch đó vậy. Cho nên người nào đã thật ăn năn tội tin cậy Chúa, dầu không gặp dịp tiện chịu báp têm trước khi qua đời cũng quả đươc cứu. Vì trong Mác 16:16 Chúa phán: “Ai tin và chịu báp têm, thì được cứu; ai chẳng tin thì bị định tội.” Ta khá chú ý về phần chót của câu ấy: đó Chúa chẳng dạy rằng: “Ai chẳng tin, thì bị định tội” đó thôi. Ai tin thì được cứu; mà đã được cứu rồi, cũng phải vâng lời Chúa mà chịu báp têm. Nhưng nếu chẳng may không gặp dịp tiện chịu báp têm, mà lại cứ tin cậy Chúa, rồi sau qua đời, thì quả hẳn cũng được cứu chẳng sai.
7. LÀM BÁP TEM CHO CON TRẺ
Trong vòng các Giáo hội Cải chánh có mấy hội theo tập quán của Giáo hội La-mã mà làm báp têm cho con trẻ. Nhưng tập quán ấy chắc sai lầm, vì trái với ý của Kinh Thánh dạy, và kết quả nhiều điều không tốt cho kẻ làm theo. Sau đây xin lần lượt luận qua vài điều tỏ ra đạo làm báp têm cho trẻ con không thích hiệp với chánh đạo khải thị trong Kinh Thánh.
a) Kinh Thánh chẳng nói đến đạo làm báp têm cho trẻ con: Kê cứu Tân ước, thì chẳng gặp một câu nào, hoặc chữ nào nói đến sự làm báp têm cho con trẻ. Chúa chẳng bảo sứ đồ làm báp têm cho con trẻ, trong Hội Thánh đầu tiên cũng chẳng có gương của ai làm báp têm cho chúng nó. Còn các câu nền tảng của đạo làm báp têm cho con trẻ, nếu giải nghĩa cách thành thực công bình, thì cũng chẳng thấy có dạy về đạo ấy đâu.
Trong Ma 19:14, ký thuật về môn đồ ngăn trở trẻ con đến cùng Chúa; nếu Chúa và môn đồ Ngài thường làm báp têm cho con trẻ, thì chắc không đứa nào bị ngăn trở đến cùng Chúa đâu. Ông Néander, nhà sử học trứ danh của Hội Thánh, luận về Công 16:15,33,34, quyết rằng những câu ấy chẳng dạy đạo làm báp têm cho trẻ con đâu; vì chẳng nói rằng nhà Lydi, hay là nhà đề lao kia có trẻ con, mà lại dường như ám chỉ rằng những người chịu báp têm đó là hạng trưởng thành cả. ICô 16:15 cũng chứng rằng cả nhà Sêphana mà Phao-lô đã làm báp têm cho đó (ICô 1:16), đều là người lớn cả, vì hết thảy đều “tự quyết hầu việc thánh đồ”. Nói một lời, Tân ước đầy dẫy lời lẽ chứng rằng người lớn khôn ngoan thường chịu báp têm; nhưng quả chẳng có một lời nào chứng rằng trẻ con chịu báp têm bao giờ.
b) Đạo làm báp têm cho trẻ con trái ý Kinh Thánh: Kinh Thánh chẳng nói đến đạo làm báp têm cho con trẻ, vậy thì đạo ấy chẳng những ngoài Kinh Thánh, mà lại cũng trái hẳn ý của Kinh Thánh nữa. Bởi vì Kinh Thánh dạy rằng:
(1)Sự ăn năn tin cậy Chúa là điều kiện đầu nhứt của sự tái sanh. Trong mạng lịnh chót, Chúa bảo sứ đồ làm báp têm cho kẻ đã trở nên môn đồ và đã tin cậy Chúa rồi (Ma 28:19; Mác 16:16). Những trẻ con chưa đạt đến tuổi lớn khôn, làm sao tình nguyện trở nên môn đồ và lấy lòng tin cậy Chúa Jesus Christ được ư?
(2)Chỉ những người đã chết đối với tội mới có thể xứng đáng chịu báp têm được. Mà trẻ con chưa có kỷ tội, làm sao chết đối với tội được. Mà nếu chưa chết đối với tội, làm sao chôn được ư? Người ta há có khi nào chôn người chưa chết sao?
(3)Kinh Thánh chắc dạy rằng hễ ai đã chịu báp têm, cũng có phép ăn tiệc thánh. Vả, chỉ kẻ có ân “phân biệt thân Chúa” (ICô 11:29) mới xứng đáng nhận tiệc thánh. Mà trẻ con chưa đạt đến tuổi phân biệt phải quấy thì làm sao “phân biệt thân Chúa” được? Vậy, nếu trẻ con không xứng đáng dự tiệc thánh, thì chắc cũng chẳng xứng đáng chịu báp têm cách hiệp nghi được đâu.
c) Đạo làm báp têm cho trẻ con đánh đổ đạo xưng nghĩa bởi đức tin: Kinh Thánh dạy rõ lắm sự xưng nghĩa là bởi đức tin (Rô 5:1). Mà một con đỏ làm sao tin được? Mà nếu không tin được, thì được xưng nghĩa thể nào? Ví thử ta nhận đạo làm báp têm cho trẻ con là chánh giáo, thì phải chối bỏ đạo xưng nghĩa bởi đức tin, mà thừa nhận sự xưng nghĩa là bởi lễ báp têm vậy.
d) Đạo làm báp têm cho con trẻ kết quả không tốt: Kê cứu lịch sử Hội Thánh, thì dễ thấy đạo làm báp têm cho con trẻ không kết quả điều gì tốt cả.
(1)Ngăn trở trẻ con khi lớn khôn tình nguyện chịu báp têm: Khi trẻ con chịu báp têm thì chẳng do ý dục mình mà chịu, bèn là do ý dục của người khác. Vậy, sự chịu báp têm đó ngăn trở nó đến tuổi khôn lớn tình nguyện vâng lời Chúa mà chịu lễ ấy, và như thế phải mất phước lắm. Người ta có phép tình nguyện cưới vợ thể nào, thì cũng có phép tình nguyện tín nhận Cứu Chúa mình thể ấy.
(2)Khiến cho người ta tin cậy nơi nghi lễ bề ngoài: Đạo làm báp têm cho con trẻ khiến cho người ta sa vào dị đoan mà đem lòng tin cậy nghi lễ bề ngoài có quyền cứu rỗi tội nhơn, mặc dầu kẻ chịu lễ ấy không có lòng tin cậy Chúa chút nào. Thành thử trong thành kiến của người ta, lễ báp têm trở nên một cái bùa dị đoan có quyền để tái sanh trẻ con; đến đỗi có giáo hội chủ trương rằng nếu con trẻ nào chưa chịu báp têm mà chết, thì bị trầm luân! Ghê gớm thay! Những con trẻ đã được chính Chúa Jesus phán: “Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn trở chúng nó; vì nước trời thuộc về những kẻ giống như chúng nó”, há vì cớ thiếu ít giọt nước trên trán mà Chúa lại đành bỏ chúng nó vào địa ngục sao? Đạo dạy như thế chẳng qua là đạo dị đoan đó thôi. Còn trẻ nào chưa đến tuổi phân biệt phải quấy mà qua đời, thì hẳn đã nhờ công lao của Christ chịu chết vì nguyên tội mà được cứu, chẳng cần phải nhờ nước báp têm kia mới được ơn ấy đâu. Vì chính Chúa dạy rằng nước Đức Chúa Trời thuộc về kẻ giống như chúng nó vậy.
(3)Phá hủy thân thuộc linh của Chúa: Nhiều người đã chịu báp têm lúc thơ ấu, khi lớn khôn dầu chưa hề thực nghiệm sự tái sanh bao giờ, cũng vẫn được kể là tín đồ thật, Hội Thánh coi họ là giáo hữu chánh thức, giao thông cùng họ, công cử họ làm chức viên trong hội; dầu họ vẫn là người hoàn toàn thuộc huyết khí đi nữa thì cũng cứ cậy họ làm công việc thuộc linh của Chúa. Nhưng than ôi! Các người ấy quả là tín đồ giả hiệu, hữu danh vô thực, chỉ làm thiệt hại thân Chúa, khiến cho dân Đức Chúa Trời bị hỗn tạp, lần lần khiến hội vốn thuộc linh bị đồng hóa ra hội thuộc huyết khí, kết cuộc là gây cho tân phụ trinh khiết của Christ trở nên đại dâm phụ của con thú vậy (Khải 17,18). Dường ấy, nếu muốn thoát khỏi sự khốn nạn đáng ghê sợ đó, khá cẩn thận về sự công nhận giáo hữu, nhứt quyết chỉ làm báp têm cho những kẻ có bằng chứng xác thực rằng đã là tín đồ thật được tái sanh rồi, mới mong tránh được cái họa hột châu mắt cá, mà đạt kỳ sở nguyện vậy.
II. LỄ TIỆC THÁNH
1. ĐỊNH NGHĨA
Thánh lễ thứ hai của Hội Thánh là lễ tiệc thánh. Hội Thánh nhóm nhau lại mà giữ lễ ấy bằng sự chung dự cái bánh bẻ ra, và rượu nho đổ ra, cốt để chứng rằng mình nương cậy Christ đã bị đóng đinh và phục sanh làm nguồn gốc của linh mạng mình, cùng làm linh lương để trưởng dưỡng bảo toàn linh mạng ấy nữa. Nhờ lễ tiệc thánh mà Hội Thánh được tỏ ra mình liên hiệp với Christ trong sự chết, sự sống lại Ngài, đã hiệp thành một thân thể thánh trong Thánh Linh vậy. Còn đối với đời, thì tiệc thánh là một biểu hiệu hằng “rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến” (ICô 11:26).
2. CHRIST THIẾT LẬP LỄ TIỆC THÁNH
Có những bằng cớ kể sau đây chứng rằng lễ tiệc thánh vốn một nghi lễ do Chúa Jesus Christ lập ra.
a) Christ trực tiếp lập: Trước khi Christ chịu thương khó, thì Ngài đã thiết lập một nghi lễ, gọi là tiệc thánh, bảo các môn đồ đời đời phải giữ lấy. Yếu nghĩa lễ ấy là kỷ niệm sự chết của Chúa, nên họ mới khởi sự giữ lấy sau khi Chúa đã chịu chết rồi. Những câu viện dẫn dưới đây chứng cho: Lu 22:19; ICô 11:23-25
b) Sứ đồ bảo phải giữ cho đến khi Chúa tái lâm: Lời sứ đồ bảo ta hãy giữ lễ tiệc thánh cho đến khi Chúa tái lâm, cũng ám chỉ rằng bản ý của Chúa thiết lập lễ tiệc thánh là để Hội Thánh đời đời giữ lấy mà kỷ niệm sự chết của Ngài cho đến lúc Ngài phục lâm. ICô 11:23,26. Cũng xem Ma 26:29; Mác 14:25.
Như lễ vượt qua còn đến lúc Chúa giáng sanh thể nào, thì lễ tiệc thánh cũng còn mãi đến khi Ngài tái lâm thể ấy.
c) Cả Hội Thánh trải các đời đều đã giữ lễ ấy: Toàn thể Hội Thánh hữu hình, vô luận là thuộc về giáo phái nào, vào đời nào, ở chỗ nào đều cùng giữ lễ tiệc thánh mãi mãi không ngớt. Vả, nếu tập quán phổ thông ấy không do mạng lịnh của Chúa thiết lập, thì cắt nghĩa nguyên nhơn của lễ ấy thể nào? Công 2:42,46; Công 20:7; ICô 10:16,17.
3. CÁCH THỨC GIỮ LỄ TIỆC THÁNH
Tân ước dạy Hội Thánh phải theo cách thức nào mà giữ lễ tiệc thánh? Sau đây xin luận qua sáu điều để đáp lời cho vấn đề ấy.
a) Phải dùng bánh và rượu: Christ dùng bánh mì và rượu nho mà thiết lập lễ tiệc thánh. Bánh Ngài dùng đó chắc là bánh không men của lễ vượt qua, và rượu Ngài dùng đó cũng chắc là rượu nho mà người đời ấy thường dùng. Nhưng trong mạng lịnh Chúa bảo ta đời đời giữ lễ ấy, thì chẳng có lời gì dạy ta phải dùng bánh có men hay không men, rượu có men hay chỉ nước nho ép ra mà thôi. Tập quán của Giáo hội La-mã thường dùng bánh đặc biệt, hình tròn mỏng và ngọt, có in hình của Chúa, để làm lễ misa; nhưng tập quán ấy không do mạng lịnh của Chúa đâu, bèn là do ý riêng của họ sáng chế đó vậy.
Có kẻ hỏi: “Nếu không có bánh mì và rượu nho có thể dùng vật gì khác mà giữ lễ tiệc thánh được không?” Đáp: Chắc có thể được. Bởi Chúa sở dĩ phải dùng hai thứ ấy để ban hành lễ tiệc thánh là vì đời bấy giờ, bánh mì và rượu nho đều là thức ăn uống chánh của dân Do Thái. Dám chắc rằng nếu Chúa đã hiện ra ở xứ Việt Nam ta, thì chắc Ngài đã dùng cơm và nước trà mà ban hành lễ tiệc thánh ấy. Thế thì, có thể quyết rằng nếu Hội Thánh ở chỗ nào không có bánh mì và rượu nho, thì cũng có thể dùng vật mà người bản xứ làm thức ăn uống chánh để giữ lễ tiệc thánh vậy. Bên xứ Groenland (Cách linh lang) tín đồ lắm khi vì thiếu bánh mì, nên dùng cá khô thế cho; và trên các bộ lạc ở tỉnh Vân nam bên Tàu, họ lại thiếu rượu nho, nên dùng nước trà để giữ tiệc thánh vậy. Thế thì, thiết tưởng rằng Hội Thánh cận kim đại thể nên thuận theo tập quán phổ thông của Hội Thánh mà dùng bánh mì và rượu nho để làm lễ tiệc thánh. Trừ ra chỗ nào không thể kiếm được hai thứ ấy, thì Hội Thánh mới nên dùng thứ khác mà làm như mấy chỗ nói trên vậy.
b) Tín đồ nên đồng dự cả hai bánh và rượu của lễ tiệc thánh: Lời Chúa phán và tập quán của Hội Thánh đầu tiên đều chứng rõ rằng hễ tín đồ dự tiệc thánh, thì được dự cả hai thứ bánh và rượu. Chúa đã bảo về bánh rằng: “Hãy lấy ăn đi”; và về rượu: “Hết thảy hãy uống đi”. Thế mà không biết căn cứ vào đâu Giáo hội La-mã lại cấm không cho các giáo hữu uống chén, chỉ dành riêng cho một mình bậc tư tế uống mà thôi. Dường ấy, há chẳng là phạm tội bất tuân mạng lịnh của Chúa đó sao? Xem Ma 26:26,27; Mác 14:23; ICô 11:27.
c) Toàn thể Hội Thánh địa phương phải nhóm lại để giữ lễ tiệc thánh: Muốn giữ lễ tiệc thánh cách hiệp nghi thì toàn thể Hội Thánh địa phương phải nhóm lại mà dự chung với nhau. Không ai nên dự lễ ấy riêng từng người một, hoặc mỗi nhà giữ riêng một cách; vì yếu nghĩa của lễ tiệc thánh là sự giao thông nhau, và sự rao ra sự chết của Chúa. Vậy, nếu ai giữ lễ ấy ở nhà riêng mình thì mất cả cái yếu nghĩa giao thông, cũng không thể nào rao ra sự chết của Chúa cho ai. Phải nhóm họp với toàn thể tín đồ mới làm trọn cả hai yếu nghĩa ấy được, cũng như các câu viện dẫn sau vậy. Công 20:7; ICô 11:18,20,22,33,34.
Tội của Hội Thánh Cô-rinh-tô phạm trong khi giữ lễ tiệc thánh là lúc Hội Thánh ấy nhóm lại, thì các giáo hữu chia ra từng phe mà ăn tiệc riêng, người giàu ăn với nhau cách sung sướng, còn kẻ nghèo đành chịu hẩm hút với nhau, đến đỗi làm cho tiệc thánh tiêu mất cả yếu nghĩa giao thông, và Hội Thánh bị phân rẽ cách khốn nạn. Nên Phao-lô trách họ, khuyên họ, nếu có ai đói thì cứ ăn ở nhà, rồi khi Hội Thánh giữ tiệc thánh, thì toàn thể phải nhóm lại mà dự chung với nhau; mới thích hiệp mạng lịnh của Chúa vậy.
d) Phải giữ để kỷ niệm Chúa: Tiệc thánh vốn một lễ vừa để kỷ niệm Chúa chịu chết vì mình, vừa để rao sự chết ấy ra cho thiên hạ được biết. Dân Y-sơ-ra-ên giữ lễ vượt qua để kỷ niệm sự giải cứu khỏi xứ Aicập thể nào, thì Hội Thánh giữ lễ tiệc thánh cũng để kỷ niệm sự cứu chuộc của Chúa thể ấy. Nhưng dân Y-sơ-ra-ên không những là nhờ lễ vượt qua để kỷ niệm sự giải cứu khỏi xứ Aicập thôi đâu, lại cũng giữ lễ ấy để rao ra quyền năng lạ lùng của Đấng đã thi hành sự giải cứu lớn lao đó nữa. Ta cũng nên giữ lễ tiệc thánh cách ấy, chẳng những để nhớ lại ơn cứu rỗi lớn lao của Chúa đã làm nên cho ta thôi đâu, lại cũng phải rao truyền ơn ấy khắp nơi, để muôn dân muôn nước cũng được biết vàtín nhận như ta vậy. ICô 11:24,26
e) Toàn thể Hội Thánh có trách nhiệm coi chừng sự giữ tiệc thánh cho hợp nghi: Trong ICô 11:22,23 Phao-lô tỏ ra cách rõ ràng rằng toàn thể tín đồ đều có trách nhiệm coi chừng về tiệc thánh để Hội Thánh giữ đúng theo như lời của Chúa đã dạy bảo. Đại biểu của Hội Thánh công cử ra để làm việc ấy là mục sư. Vị ấy có trách nhiệm đứng ban hành lễ tiệc thánh giữa hội chúng, cũng phải coi chừng cách tín đồ giữ lễ ấy là xứng đáng và thích hợp mạng lịnh của Chúa mọi bề cùng chăng; cũng phải hiệp tác với các chức viên khác mà sửa trị kẻ nào dự lễ ấy cách trái với đạo Chúa vậy.
f) Hội Thánh phải cử hành lễ ấy theo định kỳ thể nào? Tân ước chẳng có mạng lịnh nào bảo Hội Thánh phải cử hành lễ tiệc thánh theo định kỳ nào, hoặc mỗi tuần lễ một lần, hay là mỗi tháng một lần. Trong sách Công vụ các Sứ đồ, ta thấy tín đồ đầu tiên trước hết giữ lễ tiệc thánh mỗi ngày (Công 2:26), rồi sau đổi lại mà chỉ dự mỗi tuần lễ một lần; còn giáo hội khác lại giữ mỗi tháng một lần; cũng có giáo hội chỉ giữ một năm hai lần mà thôi. Thiết tưởng giữ mỗi tháng một lần là số trung bình, không đến nỗi quá ít mà khiến cho tín đồ phải bị mất phước, cũng chẳng đến quá nhiều xui cho người ta coi thường mà đem lòng chán chê.
4. YẾU NGHĨA CỦA LỄ TIỆC THÁNH
Yếu nghĩa của lễ tiệc thánh có sáu phần như luận qua sau đây.
a) Ám chỉ về Chúa vì ta mà chịu chết: Tiệc thánh bao giờ cũng ngầm chứng về Chúa chịu chết vì tội lỗi ta. Như bánh bẻ ra để nuôi nấng xác thịt ta thể nào, thì thân Chúa bị tan nát ra để nuôi nấng linh hồn ta cũng thể ấy. Như trái nho bị ép ra nước để ta uống cho mát mẻ thể nào, thì huyết của Chúa bị đổ ra, để ta nhờ đó mà được sự sống đời đời cũng thể ấy. Lu 22:19; Mác 14:24. Cũng xem ICô 11:26; Hê 9:22; 13:20.
b) Ám chỉ về cách nào ta ứng dụng hiệu lực của sự chết ấy: Chúa chịu chết vì ta, ấy là nền tảng của sự cứu rỗi ta. Nhưng nếu ta muốn dự phần đến sự cứu rỗi ấy, thì phải ứng dụng hiệu lực của sự chết đó, mới thành công vậy. Tiệc thánh ám chứng rằng ta lấy đức tin mà nhận lãnh các linh diệu của sự chết ấy để được cứu và sống, chẳng khác gì thân thể ta đói khát, nhờ sự ăn uống mà được sống còn vậy. ICô 11:24; ICô 5:7
Dân Y-sơ-ra-ên xưa kia giết con sinh lễ Vượt qua, bôi huyết trên cửa, rồi ăn thịt của nó, mới được giải cứu khỏi xứ Aicập thể nào, thì nay chúng ta nhờ sự chết, sự bôi huyết Chúa, và sự nương cậy đến huyết ấy mà được cứu khỏi tội lỗi cũng thể ấy.
c) Ám chỉ về sự liên hiệp với Chúa: Lễ tiệc thánh cũng ám chỉ rằng ta nhờ sự liên hiệp với Chúa mà hưởng được các hạnh phước do sự chết của Ngài mà ra. ICô 10:16
d) Ám chứng rằng tín đồ hằng cậy Chúa cho được sống: Tiệc thánh cũng ám chứng rằng tín đồ được sống về phần linh tánh là nhờ sự liên hiệp với Christ đã chết và sống lại mà được nên. Ở ngoài Ngài chỉ có sự chết; như nhánh lìa gốc, phải khô chết thể nào, thì tín đồ ở ngoài Chúa cũng chỉ khô héo và chết mất thể ấy. Xem Gi 6:53.
e) Ám chỉ tín đồ cũng đều hiệp nhứt trong Chúa: Chúa là Đầu của thân thể, tín đồ là chi thể. Tiệc thánh ám chứng rằng tín đồ đều nhờ Đầu là Christ mà hiệp làm một với nhau. ICô 10:17
f) Dự chứng về phước hạnh trọn vẹn ở trên trời: Lễ tiệc thánh cũng dự cáo về phước hạnh mà con cái của Chúa sẽ hưởng được trong nước Đức Chúa Trời ở đời sau. Khi ấy họ sẽ đồng ngồi với Chúa và các thánh đồ mà giữ tiệc thánh cách trọn vẹn, vui vẻ vô cùng vô tận. Lu 22:18. Cũng xem Ma 26:29; Mác 14:25; Khải 19:9.
5. AI XỨNG ĐÁNG GIỮ TIỆC THÁNH
Ai gọi là người xứng đáng giữ tiệc thánh? Tân ước giải quyết vấn đề ấy rõ lắm, tỏ ra tín đồ phải theo đủ bốn điều kiện, mới gọi là kẻ giữ tiệc thánh cách xứng đáng.
a) Phải là người đã được tái sanh: Tiệc thánh là tượng trưng bề ngoài chứng rằng tín đồ có sự sống thuộc linh bề trong, và sự sống ấy nhờ sự sống của Christ được nuôi nấng và lớn lên. Cho nên kẻ nào vẫn còn “chết vì vi phạm và tội lỗi mình”, cố nhiên không thể dự tiệc thánh được. Chúng ta há có bao giờ đưa đồ ăn cho xác chết đâu? Các sứ đồ cũng chẳng hề ban tiệc thánh cho kẻ không tin. Trái lại, Phao-lô khuyên mọi người muốn giữ tiệc thánh thì phải “tự xét mình trước” đã, rồi sau mới có thể “phân biệt thân Chúa”, mà giữ lấy cách xứng đáng mới khỏi chuốc lấy sự xét đoán cho mình vậy. ICô 11:27-29
b) Phải là người đã chịu báp têm rồi: Điều kiện thứ hai là người được phép giữ tiệc thánh quả là tín đồ đã chịu báp têm rồi, bằng chưa thì không được giữ lễ ấy. Những bằng cớ sau đây chứng cho điều kiện nầy.
(1)Chúa thiết lập lễ báp têm trước lễ tiệc thánh: Ma 21:25
(2)Các sứ đồ làm lễ tiệc thánh lần đầu chắc đã chịu hoặc Giăng hay là người khác làm báp têm cho mình rồi. Công 1:21,22; Công 19:4
Chúa coi lễ báp têm rất quan hệ, nên mới đến chịu Giăng làm lễ ấy cho. Vì cớ đó ta có thể đoán chắc rằng Ngài cũng răn dạy môn đồ phải bắt chước Ngài mà chịu Giăng làm báp têm cho họ nữa.
(3)Mạng lịnh của Christ định cho lễ báp têm đứng đầu trong việc từng trải đạo Chúa. Vì Ngài bảo sứ đồ đi làm môn đồ trong muôn dân,rồi sau phải làm báp têm cho họ. Đã chịu báp têm rồi, thì lại phải dạy cho họ giữ mọi điều Chúa đã truyền cho. Một trong các điều ấy là đạo về lễ tiệc thánh. Xem Ma 28:19,20; ICô 11:23
(4)Sứ đồ và cả Hội Thánh đầu tiên đều theo thứ tự ấy trong việc giảng dạy và làm môn đồ cho Chúa, tức là trước hết làm báp têm cho kẻ đã tin; rồi sau mới cho họ giữ tiệc thánh: Công 2:41,46. Cũng xem Công 8:12; 10:47,48; 22:16.
c) Phải là thuộc viên của Hội Thánh: Lễ tiệc thánh vốn một nghi lễ thuộc riêng về Hội Thánh để tín đồ giữ chung. Cho nên lấy làm hữu lý mà hạn chế sự dự tiệc thánh chỉ dành riêng cho những người đã nhập hội rồi. Nói cách khác, tiệc thánh đã là lễ thuộc gia đình của Chúa; nên kẻ dự lễ ấy tự nhiên cũng phải được thuộc trong gia đình ấy, mới hiệp nghi vậy. Xem Công 2:46,47; 20:7; ICô 11:18,22.
Tiệc thánh cũng là biểu hiệu chỉ bóng về tín đồ giao thông lẫn nhau. Kẻ ngoại và kẻ bị dứt phép thông công tự nhiên không được giao thông nhau trong lễ ấy, vì là biểu hiệu hữu hình tỏ ra có dây liên lạc vô hình ràng buộc tín đồ liên hiệp nhau mà thành một đoàn thể trong Chúa vậy. ICô 10:17
d) Phải là người có cách ăn nết ở xứng đáng: Kẻ nào được phép giữ tiệc thánh phải là người ăn ở xứng đáng mọi bề, giữ theo qui tắc của đạo, làm gương sáng cho kẻ ở ngoài Chúa. Hễ ai ăn ở trái với Tin Lành, làm nhục danh Chúa, và bêu xấu Hội Thánh, hẳn không nên cho dự tiệc thánh, duy nên dứt phép thông công vậy thôi. Nói đại khái, Tân ước tỏ ra bốn tội đủ làm bằng cớ cấm những kẻ phạm đến không được phép giữ tiệc thánh.
(1)Tội dâm dục: Trong ICô 5:1-13, Phao-lô bảo Hội Thánh Cô-rinh-tô phải dứt phép thông công những tín đồ phạm tội loạn luân; nên tự nhiên những kẻ ấy không được dự các thánh lễ của Hội Thánh nữa.
(2)Tội bất tuân mạng lịnh của Chúa: Tín đồ nào cố ý bất tuân mạng lịnh Chúa không được dự lễ tiệc thánh. ICô 14:37; IITê 3:6,11,15
(3)Tội tin và dạy tà giáo: Kẻ nào bỏ chánh đạo mà theo tà giáo chẳng được dự tiệc thánh. Tít 3:10; IGi 4:2-3; IIGi 10,11
(4)Tội gây phe đảng trong Hội Thánh: Hễ tín đồ nào gây phe đảng trong Hội Thánh, đáng bị phạt không được phép dự tiệc thánh. Rô 16:17.
6. HỘI THÁNH ĐỊA PHƯƠNG CÓ TRÁCH NHIỆM THỰC HÀNH CÁC ĐIỀU KIỆN ẤY KHÔNG CHO KẺ PHẠM DỰ TIỆC THÁNH
Toàn thể tín đồ có trách nhiệm coi chừng mọi giáo hữu đã được phép giữ tiệc thánh thật đã làm trọn các điều kiện kể trên. Nhưng vì giáo hữu đông, có người khôn kẻ dại, người được phước, kẻ thiếu ơn, nên Hội Thánh phải giao việc ấy cho ban chức viên đã được công cử lo chăm nom, có mục sư đứng đầu dẫn dắt (ICô 11:1-22; Khải 2,3). Trong bảy thơ gởi cho bảy Hội Thánh tại Tiểu Asi, Chúa giao các lời trách bảy Hội Thánh cho sứ giả (mục sư) của bảy hội ấy, chứng rằng vị ấy có trách nhiệm nặng về việc coi sóc, dẫn dắt giáo hữu trong sự tín ngưỡng và hành đạo vậy.
7. Ý KIẾN SAI LẦM VỀ LỄ TIỆC THÁNH
Trong Hội Thánh hữu hình có nhiều ý kiến về lễ tiệc thánh, nhưng nói đai khái, thì chỉ có hai ý kiến đáng gọi là sai lầm, ấy là biến thể thuyết (transubstantiation) và thánh thể cộng tại luận (consubstiation). Sau đây xin lần lượt qua hai ý kiến ấy.
a) Biến thể thuyết: Thuyết nầy do ý kiến của Giáo hội La-mã chủ trương rằng bánh và rượu trong lễ tiệc thánh biến thành thân và huyết thật của Chúa. Mỗi khi nhà tư tế làm lễ ấy, thì là mỗi lượt hi sinh Christ trên bàn thờ chẳng khác gì lúc Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá vậy. Giáo hữu nhờ há miệng ăn lễ ấy mà hưởng được ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Thuyết ấy sai lầm vì mấy cớ sau đây:
(1)Do sự lầm giải Kinh Thánh mà ra: Trong Ma 26:26 Chúa phán: “Đây là thân thể ta”. Giáo hội La-mã giải nghĩa câu ấy sai lầm. Trong lúc Chúa thiết lập lễ tiệc thánh, thì Ngài đâu có ban cho sứ đồ ăn thịt thật của Ngài; bởi vì chính Ngài chưa chịu chết, thân vẫn đương ở với họ, nên tự nhiên Ngài chẳng có ý nói rằng Ngài lấy thịt của thân mình mà đưa cho họ ăn. Bánh của Chúa đưa cho họ ăn đó là tượng trưng chỉ bóng về thịt của Ngài, chớ chẳng phải là thịt thật đâu. Như Ngài tự xưng: “Ta là cái cửa” (Gi10:9), “Ta là đường đi” (Gi 14:6), “Ta là cây nho” (Gi 15:1), thì chẳng có ai nghe hoặc đọc lời ấy mà lại hiểu rằng Chúa thật là một cái cửa, một con đường, hay một cây nho đâu; trái lại, ai nấy đều hiểu rằng Chúa nói bóng, dạy rằng nhờ Ngài chúng ta được vào nước Đức Chúa Trời, được trở về cùng Cha, được liên hiệp với Ngài như nhánh ở trong cây vậy.
Mà hiểu các câu ấy chỉ nói bóng thôi, thì cớ sao lại dám cố quyết rằng câu “Đây là thân thể ta”, là nói theo nghĩa đen chỉ về xác thịt thật của Ngài ư? Trong Ma 26:28 lại chép: “Đây là huyết ta… đã đổ ra cho nhiều người”. Câu ấy cũng nói bóng, vì trong giờ Chúa phán lời ấy thì huyết Ngài chưa bị đổ ra. nếu ai chỉ vào bức ảnh của thân sinh mình mà bảo rằng: “Đây là thân sinh tôi”, thì ai ai cũng biết rằng ấy chẳng phải là chính thân thể bằng huyết vàthịt của thân sinh tôi đâu, bèn là hình ảnh của ông in trên giấy đó thôi. Khi một giáo sư kia chỉ địa đồ nước Pháp mà nói rằng: “Đây là nước Pháp”, thì chẳng có cậu học trò nào lầm tưởng rằng miếng giấy cứng treo đó là nước Pháp thật đâu; nhưng ai ai cũng hiểu rằng địa đồ ấy chỉ bóng về nước Pháp đó vậy. Về bánh và rượu trong tiệc thánh cũng như thế, duy làm hình bóng chỉ về thân và huyết của Christ mà thôi.
(2)Phản đối với ngũ quan ta: Ý kiến của thuyết nầy phản đối hẳn với ngũ quan ta, cũng mâu thuẫn với mọi sự thí nghiệm ta có thể dùng để thử coi bánh và rượu đó quả có biến chất trở nên thịt và huyết thật không. Ta cứ lấy mắt xem, lấy tay rờ, lấy miệng nếm thì thấy bánh vẫn là bánh, rượu vẫn là rượu, chớ chẳng hề biến chất gì cả. Nhưng Giáo hội La-mã dạy rằng không thể nhờ ngũ quan mà biết việc ấy, vì là việc thuộc linh. Song ta đáp: nếu chúng ta không thể cậy ngũ quan để biết khi nào vật nầy đã biến hóa ra vật khác, thì làm sao lại dám nhờ quan năng ta để nghe lời phán của Christ? Ví thử sự thấy, sự rờ, sự nếm ta không đủ khiến ta tín nhiệm để nhận thực biết đúng về tánh chất của bánh và rượu trong tiệc thánh, thì cớ sao lại dám chắc lỗ tai ta không lừa dối ta trong khi nghe lời Chúa phán: “Đây là thân thể ta”.
Giáo hội La-mã gọi sự bánh và rượu biến ra thịt và huyết của Christ đó là “phép lạ của lễ misa”. Nhưng nếu xét các phép lạ của Christ đã ký thuật trong Tân ước, thì rõ lắm ngũ quan người ta có thể thí nghiệm các phép lạ ấy đều là chơn thật cả. Chẳng một cái nào phản đối với sự thí nghiệm bao giờ cả. Giả như phép lạ biến nước thành rượu (Gi 2:1-10) thì ai ai cũng thấy và nếm nước thật đã hóa ra rượu rồi. Nhưng “phép lạ lễ misa” và ngũ quan ta cứ trái nhau mãi; vì trước sau bánh và rượu của lễ ấy vẫn là bánh và rượu, chẳng có dấu hiệu mảy may nào chứng rằng nó đã biến hóa gì cả! Từ xưa đến nay, Giáo hội La-mã đã làm hằng hà sa số lễ misa rồi; thế mà chưa bao giờ ta được nghe có nhà tư tế nào đã thấy bánh và rượu biến hóa ra thịt và huyết thật lần nào cả. Bằng có, dám chắc các phẩm trật giáo hội ấy đã tuyên bố “phép lạ” đó ra khắp bốn phương thiên hạ, để phô trương cái “chứng quả” của biến thể thuyết kia cho người người đều biết vậy.
(3)Chối sự hoàn toàn của sinh tế của Christ: Biến thể thuyết cũng chối sinh tế của Christ là chưa hoàn toàn, đầy đủ để chuộc tội; nên phải có “sinh tế” của lễ misa (le sacrifice de la messe) để bổ khuyết cho. Vì Giáo hội La-mã chủ trương rằng mỗi lần viên tư tế đứng làm lễ misa, thì trước hết phải dùng bánh và rượu mà tái tạo thân của Christ đã, rồi sau mới lại hi sinh thân ấy trên bàn thờ mà làm lại sự chuộc tội nguyên bản của thập tự giá. Ý kiến ấy phản đối hẳn với sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Vì Kinh Thánh dạy rõ rằng Christ đã hi sinh mình chịu chết để chuộc tội là rất hoàn bị và chị một lần đủ cả. (Hê9:28).
Lại Tân ước chẳng chỗ nào gọi lễ tiệc thánh bằng cuộc hi sinh và đối với lễ ấy cũng chẳng nói đến nào là bàn thờ, tư tế, lễ phục, hay là cuộc “hy sinh” bánh và rượu (consécration de pain et de vin) đâu. Nếu có nói đến bàn thờ hay chức tư tế, thì cũng chỉ để so sánh cuộc lễ bái của đạo Môi-se với sự thờ phượng của đạo Christ, tỏ ra các nhà tư tế của đạo cũ đều “hầu việc thánh”, “chầu bàn thờ”, thực hành cuộc lễ bái tại đền thờ, nhưng các đầy tớ của đạo Christ đều “rao truyền Tin Lành”. (ICô 9:13,14), không còn hành chức tư tế nữa, vì chức ấy với đền thờ và công việc hy sinh kia đều đã được ứng nghiệm trọn vẹn ở trong sự chết và sự sống lại của Ngài rồi. Các câu viện dẫn sau đây làm chứng rõ: Hê 9:9-12,18; ICô 9:13,14
Trong câu 13 ấy nói về cuộc “hầu việc thánh”, sự “chầu bàn thờ”, và lương thực của chức viên tư tế, cốt để làm thí dụ. Còn trong câu 14 thì ứng dụng thí dụ ấy cho nhà truyền đạo hiện nay, nhưng chẳng nói gì về cuộc “hầu việc thánh” , sự “chầu bàn thờ” hoặc về lễ ăn thịt hy sinh trên đền thờ đâu, bèn chỉ nói đầy tớ Chúa giảng Tin Lành, có quyền nhờ chức nhiệm ấy mà sống, cũng như viên tư tế đời xưa có quyền nhờ chức “chầu bàn thờ” mà được sống vậy. Thế thì, nếu Tân ước dạy rõ Christ nhờ sự hy sinh mình một lần đủ cả mà chuộc tội hoàn toàn rồi, và nếu chẳng hề gọi tiệc thánh là cuộc hi sinh, cũng chẳng bảo ai phải có bàn thờ hay lễ phục gì trong khi làm lễ ấy, thì Giáo hội La-mã viện những cớ gì mà làm những điều đó? Hội ấy há chẳng trái ý chỉ Chúa, khinh cuộc hy sinh Ngài mà trở lại cuộc thờ phượng của đạo Môi-se là đạo đã bị Chúa trừ bỏ đó sao?
(4)Đặt nghi lễ bề ngoài làm tôn chỉ của đạo: Đạo lễ misa phá hủy Cơ đốc giáo, bởi vì đặt một nghi lễ bề ngoài làm tôn chỉ và trung tâm của đạo. Giáo hội La-mã quả tôn trọng lễ misa, đặt lễ ấy làm nền tảng của cả cuộc cứu rỗi lẫn tổ chức giáo hội; còn các việc khác, như là giảng Tin Lành, sự cầu nguyện, sự chứng đạo, sự hành vi đạo đức, thì chỉ cho là những việc phụ thuộc cho lễ misa đó thôi.
Vả, sự cứu rỗi do lễ ấy mà ra, không thể gọi là Cơ đốc giáo thật, vì là đạo thuộc thể hơn là thuộc linh, có tánh chất thuộc ma thuật hơn là thuộc năng lực của Thánh Linh. Vả lại, cái chỗ quan hệ nhứt trong lễ mi sa là sự thờ phượng thánh thể (hostie, tức là cái bánh đã trở nên thân của Chúa). Nhưng Christ được (là điều ta đã thấy không thể được), thì Giáo hữu La-mã thờ phượng cái gì? Họ há chẳng thờ phượng một miếng bánh sao? Mà hễ ai thờ phượng một miếng bánh há chẳng phạm tội thờ hình tượng ư?
b) Thánh thể cộng tại luận: Thuyết nầy là ý kiến của Giáo hội Luthérienne và của Thượng Giáo hội Anh, chủ trương rằng: (1) Cả huyết và thịt của thân thể Christ đều ở với hai thứ bánh và rượu của lễ tiệc thánh, nhưng hai thứ đó không được biến hóa ra huyết và thịt ấy, chỉ làm biểu hiệu cho mà thôi. (2) Tín giáo há miệng mà tiếp nhận thịt và huyết thật của Chúa. (3) Cả người tin lẫn kẻ không tin đều dự thịt và huyết ấy được, nhưng hễ kẻ không tin dự đến, thì chuốc lấy sự xét đoán cho mình. (4) Thân và huyết của Chúa chỉ ở với bánh và rượu đó cách thuộc linh, mắt phàm không thấy được, và kẻ dự vừa nhờ Thánh Linh, vừa nhờ đức tin mà nhận lấy. (5) Mục sư chẳng có quyền gì mà “thỉnh” Chúa ngự vào trong hai thứ của lễ tiệc thánh; bèn là chính Ngài nhờ quyền vô sở bất tại mà ngự vào đó thôi. (6) Thân và huyết của Chúa chỉ ngự với hai thứ bánh và rượu đương khi làm lễ trong giáo đường; lễ xong rồi, thì lìa đi ngay. Nên Giáo hội Luthérienne chẳng để dành lại hai thứ của tiệc thánh, cũng nghiêm cấm giáo hữu bắt chước tập quán của Giáo hội La-mã mà thờ lạy hai thứ ấy. Sau đây, xin bài bác chỗ sai lầm ý kiến nầy.
(1)Trái ý Kinh Thánh: Kinh Thánh chẳng có đoạn sách nào dạy rằng thịt và huyết của Christ đến ngự một bên với hai thứ bánh và rượu trong tiệc thánh.
(2)Giống như ý kiến La-mã: Thuyết nầy tuy chối hẳn biến thể thuyết, thì vẫn cũng có chỗ giống như thuyết ấy, vì khiến cho lễ tiệc thánh trở nên một phương pháp vật chất và bề ngoài để tiếp nhận Chúa vào lòng. Như thế là cũng đánh đổ đức tin mà lập lại một lễ vật chất thế cho, đổi cái biểu hiệu về sự cứu rỗi ra chính sự cứu rỗi ấy, gây nên một bọn tư tế để làm lễ, kết cuộc là dắt tín giáo vào rừng rậm minh mông của nghi thức chủ nghĩa, tăng lữ học, và bái vật giáo vậy.
(3)Che khuất sự cứu rỗi bởi đức tin: Thánh thể cộng tại thuyết che khuất sự cứu rỗi bởi đức tin như đã tỏ ra trong Kinh Thánh, vì chủ trương rằng kẻ không tin cũng có thể dự đến Christ như kẻ đã tin rồi.
Song Kinh Thánh dạy rõ kẻ vô tín không thể dự đến Chúa được, chỉ kẻ nào có đức tin mới hưởng được ơn cứu rỗi, và dự phần đến thần tánh của Đức Chúa Trời ở trong Christ vậy.
(4)Sự kết luận ý kiến nầy rất vô lý: Nếu Chúa nhờ quyền vô sở bất tại mà đem thân thể Ngài ngự vào bánh và rượu của lễ tiệc thánh, thì chắc các món ăn khác và mọi bữa ăn thường cũng có thân thể Ngài ngự vào; vì theo đạo vô sở bất tại thì chỗ nào món nào cũng có Ngài cả! Nhưng luận như thế thật vô lý, nên buộc ta phải chối hẳn thánh thể cộng tại thuyết cũng như đã công nhận rằng khi tín đồ dự tiệc thánh, thì nhờ đức tin mà dự phần đến linh nghiệm của thân Chúa bị tan nát và huyết Chúa bị đổ ra, chớ chẳng phải là hả miệng ra mà ăn thịt, uống huyết thật của Ngài đâu. Vả lại, ý kiến nầy cũng thích hiệp với Kinh Thánh, vì Kinh Thánh dạy rằng: “Nước Đức Chúa Trời chẳng tại sự ăn uống, nhưng tại sự công nghĩa, bình an, vui vẻ trong Thánh Linh” vậy (Rô 14:17).
Chương 5 – LUẬN VỀ CHỨC DỊCH CỦA HỘI THÁNH
Hội Thánh dầu vốn một cơ thể bao hàm tất cả những người nhờ ơn cứu rỗi mà được lựa chọn, kêu gọi ra khỏi thế gian để làm dan thuộc riêng cho Đức Chúa Trời, thì cũng chẳng thể nên rút mình ra khỏi thế gian, mà đi ẩn cư nơi tịch mịch như chủ nghĩa biệt tu kia đâu. Hội Thánh Christ ở trong đời có chức dịch trọng đại, rất quan hệ với xã hội, và với đoàn thể Hội Thánh. Đại khái, chức dịch của Hội Thánh có hai nhiệm vụ lớn, tức là (1) giảng Tin Lành, và (2) gây dựng thân thể của Christ. Xin lần lượt luận qua hai nhiệm vụ ấy.
I. SỰ GIẢNG TIN LÀNH
(1)Chức vụ trọng nhứt: Chức dịch quan trọng đệ nhứt của Hội Thánh là giảng Tin Lành. Tuy Christ đã làm xong phương pháp cứu chuộc, thì phương pháp ấy vô hiệu nếu Hội Thánh không đem Tin Lành về sự cứu chuộc ấy mà truyền ra khắp nơi. Trong thời đại nầy không phải là Hội Thánh rán sức đem thế gian đến Christ, bèn là phải hết sức đem Christ đến thế gian, đi giảng Tin Lành cho muôn dân để làm chứng về sự chết, sự sống lại của Ngài, và nhờ đó mà chọn ra khỏi thế gian một dân để thuộc riêng về Ngài. Những câu dẫn ra sau đây chứng cho: Ma 28:19,20; Mác 16:15; Công 1:8; Công 15:14-17
(2)Hai hình bóng: Trong Kinh Thánh có hai vật làm hình bóng chỉ về chức dịch của Hội Thánh, ấy là muối và sự sáng (Ma 5:13-14). Hội Thánh ở trong thế gian để giữ gìn xã hội cho khỏi bị hư hỏng hôi thúi, chẳng khác gì muối ướp vào thịt hoặc cá, để giữ nó khỏi sình thúi vậy. Còn sự sáng làm hình bóng về sự làm chứng. Hội Thánh đem đạo Chúa mà làm chứng cho cả thế gian, nhờ đó người ta được cứu rỗi khỏi tội, được biết đường dẫn dắt về nhà Cha, được rõ phải ăn ở cách nào cho đẹp lòng Đức Chúa Trời, làm ích cho xã hội, và dọn đường cho Chúa mau trở lại. Chính Chúa dạy rằng: Ma 5:13,14
Chức dịch của Hội Thánh đối với đời: Có nhiều người chủ trương rằng nếu hạn chế chức dịch của Hội Thánh vào một sự giảng Tin Lành mà thôi, thì hẹp hòi quá. Bởi đối với đời thì Hội Thánh cũng còn có chức vụ khác nữa chớ, như là sửa đổi phong tục, tập quán, cải chánh xã hội, chánh trị, mở mang giáo dục, phát biểu ý kiến mới nầy nọ nữa chẳng hạn, để khiến cho thế gian nối gót noi chơn nữa mới phải chứ
Xin đáp: Hội Thánh thật chỉ có một chức vụ đối với đời ấy là giảng Tin Lành để cứu rỗi tội nhơn. Nếu Hội Thánh bỏ chức vụ ấy mà xây qua chức vụ khác, dầu là hay tốt và ích lợi đến mực nào đi nữa, thì cũng chẳng đáng gọi là Hội Thánh của Chúa nữa đâu, nếu không sớm thì muộn chắc sẽtrụy lạc, đi sâu vào đời, làm trinh chuyên, mất cả đặc tánh mà trở nên đại dâm phụ như đã tả ra trong Khải huyền 17,18 vậy.
Dường ấy, tuyệt nhiên Hội Thánh chẳng nên có và chẳng hề có ảnh hưởng gì đối với xã hội hay sao? Có lắm chớ; dám chắc rằng không có cơ quan nào trong thế gian có ảnh hưởng trên đời mạnh bằng Hội Thánh đâu. Hội Thánh xưa nay hễ chuyên tâm giảng Tin Lành bao nhiêu thì quả đã là muối và ánh sáng của thế gian bấy nhiêu, kìa, ta thường thấy trong vòng những kẻ đã tín nhận đạo ấy thì đã trừ khử hẳn các phong tục dị đoan, cải cách được chánh trị áp chế, sáng lập được giáo dục lành mạnh, và còn biết bao nhiêu việc từ thiện, điều công ích của xã hội hiện nay vốn nhờ ảnh hưởng Hội Thánh mà được nên đó vậy! Song các hạnh phước ấy sở dĩ được nên như thế là chỉ vì Hội Thánh trung tín với Chúa giữ theo mạng lịnh Ngài, làm trọn trọng trách mà cứ giảng Tin Lành thuần túy. Bởi chưng sự giảng Tin Lành biến cải được lòng kẻ tín nhận và ban cho họ được khuynh hướng mới, nguyện vọng mới và mục đích mới, đến đỗi không còn thể nào giữ theo phong tục dị đoan nữa, cũng chẳng còn muốn áp chế đồng bào mình, trái lại còn muốn cho họ được học biết đạo lý thật và mọi khoa khác có thể làm cho đời người ta được vui vẻ hạnh phước hơn. Nhưng đó chỉ là sự kết quả của việc giảng Tin Lành, chớ chẳng phải là chính việc ấy đâu. Muối có ích cho thịt chỉ vì nó giữ được chất mặn luôn. Hễ một khi nó đã biến chất mà lạt đi thì phải ném bỏ cả muối lẫn thịt, vì đều bị hư hỏng hết. Hội Thánh cũng vậy, hễ giữ theo đặc tánh biệt riêng ra cho Chúa, làm trọn trọng trách giảng Tin Lành, thì sẽ được ơn làm muối cho đời luôn; bằng bỏ địa vị ấy đi mà hiệp tác với thế gian đặng làm việc của đời chắc không sớm thì muộn sẽ trở nên nguội lạnh như Hội Thánh Laodixê, bị Chúa nhả ra vậy (Khải 3:16). Phao-lô dạy rằng: IICô 6:14-18. Cũng xem Khải 3:14-18.
II. SỰ GÂY DỰNG THÂN THỂ CỦA CHRIST
1. ĐỊNH NGHĨA
Sự gây dựng thân thể của Christ có nghĩa gì? Đáp: Ấy là sự gây dựng Hội Thánh trong lẽ thật và ân điển Đức Chúa Trời. Khi tội nhơn đã được cứu, thì Hội Thánh phải dạy đạo Kinh Thánh cho người khiến người giữ theo mọi điều Chúa đã truyền cho. Khi tội nhơn được tái sanh, thì mới là con đỏ của Chúa. Nhờ Hội Thánh nuôi nấng, coi sóc, và sửa trị, thì kẻ ấy mới có thể đạt đến bậc thành nhơn trong Ngài vậy. Trong Ma 28:19,20 Chúa bảo sứ đồ trước hết phải khiến người ta trở nên môn đồ, rồi sau phải dạy cho họ giữ hết thảy mọi điều Christ đã truyền cho. Ấy là gây dựng thân thể của Christ vậy.
2. CƠ QUAN GÂY DỰNG THÂN CHRIST.
Theo Kinh Thánh dạy thì có chừng năm cơ quan hiệp tác mà gây dựng thân của Christ, tức là:
a) Chức nhiệm của Hội Thánh: Nhờ các chức nhiệm bất đồng ở trong Hội Thánh mà thân Chúa được gây dựng. Êph 4:11-13
Cả sự tổ chức, cuộc cai trị, và các chức viên của Hội Thánh thảy đều cốt để gây dựng thân thể của Christ. Cho nên cả chức viên và giáo hữu đều nên đồng tâm hiệp ý mà lo gây dựng thân thể của Chúa. Việc gì trong Hội Thánh mà không lấy sự ấy làm mục đích duy nhứt thì không đáng gọi là công việc của Chúa đâu.
b) Đạo của Đức Chúa Trời: Đạo Đức Chúa Trời được biên tập trong Kinh Thánh, và là đồ ăn thuộc linh của linh hồn. Hội Thánh dùng đồ ăn ấy mà nuôi nấng tín đồ cho được lớn lên, đạt đến bậc thành nhơn trong Christ vậy. Côl 3:16; IPhi 2:1,2; Hê 5:14
c) Thánh Linh: Cơ quan thứ ba là Thánh Linh. Nhờ sự hành động của Ngài mà ta được tái sanh; cũng nhờ năng lực Ngài mà Hội Thánh đạt đến bậc thành nhơn vóc giạc của Chúa. Ga 5:25; Êph 5:18
d) Các ân tứ của Thánh Linh: Trong ICô 14:1-25 Phao-lô dạy rằng nhờ các ân tứ của Thánh Linh mà “Hội Thánh được gây dựng” (câu 5). Vậy, tín đồ được ân tứ gì, cũng chỉ nên dùng ân tứ ấy để gây dựng lẫn nhau.
e) Các Thánh lễ: Lễ báp têm và lễ tiệc thánh là hai cơ quan Thánh Linh dùng để gây dựng Hội Thánh. Cho nên Hội Thánh phải thường giữ hai thánh lễ ấy, giữ theo như Chúa và các sứ đồ đã dạy bảo trong Kinh Thánh vậy.
Chương 6 – LUẬN VỀ TƯƠNG LAI CỦA HỘI THÁNH
KÊ CỨU lịch sử Hội Thánh xưa nay, thường thấy có khi thịnh, lúc suy, khi tối, lúc sáng, khi thì tuyết trắng giá trong, lúc lại sương mù mây đậm, có khi được bình an ưu thắng, có lúc lại bị ngược đãi bại vong, đến đỗi thất vọng, tưởng chừng như chẳng tồn tại nổi. Trải các đời Hội Thánh thật của Chúa cũng thường bị thế gian khinh dể, chán bỏ chẳng đếm xỉa đến, coi giáo hữu như bọn người vô dụng, rất yếu đuối và đê hèn, không đáng cho bậc khôn ngoan sang trọng của đời để ý đến. Nhưng nên biết sự hèn hạ của Hội Thánh chỉ tạm thời mà thôi, trong đời hầu đến sẽ hưởng được phần rất vinh hiển, khiến cho cả vũ trụ phải ngạc nhiên cực kỳ. Cuộc tương lai vinh hiển ấy gồm ba phương diện, có thể gọi bằng ba danh hiệu là Tân phụ, Hoàng Hậu và Ngọc Châu. Xin lược luận qua như sau đây.
I. SẼ LÀM TÂN PHỤ CỦA CHRIST
Kinh Thánh thường gọi Hội Thánh là vợ và Tân phụ của Christ (Êph 5:31,32; Khải 19:7; Khải 21:9). Ngài xa Cha ở trên trời lìa mẹ ở dưới đất mà kết hiệp với Hội Thánh để làm Chồng Hội Thánh cho đến đời đời vô cùng. Hội Thánh là “một đồng nữ trinh khiết”, được gả cho Christ (IICô 11:2). Mọi tín đồ đã tín nhận Christ làm Cứu Chúa mình cũng đều được hứa gả cho Ngài, như trang thục nữ kia được hứa gả cho cậu thanh niên anh tuấn nọ. Nhưng Chúa và Hội Thánh chưa làm lễ cưới, đợi đến khi Ngài tái lâm, tiếp rước Hội Thánh lên trong thiên không rồi mới làm lễ cưới (Khải 19:5-9). Trên trời coi lễ ấy rất tôn trọng, bởi lúc sắp hành lễ, thì cả trời có tiếng reo mừng vang dậy rằng: “Halêlugia!” (Khải 19:1). Khải 21:9; IICô 11:2; Êph 5:25-27; Khải 19:7,8
II. SẼ ÐỒNG TRỊ VỚI CHRIST
Trong cuộc trị vì của Christ, Hội Thánh sẽ là hoàng hậu Ngài đồng trị với Ngài; hưởng được cả vinh hiển quyền thế của Ngài cũng như một người vợ đồng hưởng các vinh quang quyền thế của chồng vậy. Khi ấy Hội Thánh được phẩm tước rất cao, làm phụ bậc của nước Christ, cầm quyền cai trị không những là cả trái đất mà cả trên trời nữa, vì sẽ xét đoán thiên sứ (ICô 6:3). Lúc ấy cảnh tượng Hội Thánh thay đổi cực kỳ không còn hèn hạ yếu đuối, bị đời khinh bỉ nữa, nhưng trở nên cảnh rất sáng láng tốt tươi, tinh anh cường thạnh, bút trần khôn thể tả được. Kinh Thánh có câu dạy rằng: IITi 2:12; Khải 5:9,10; Khải 20:6; Khải 22:5. Cũng xem Khải 1:6; 3:21; IPhi 2:9
III. TỎ RA VINH HIỂN CỦA ÐỨC CHÚA TRỜI
Đức Chúa Trời đã lựa chọn và sáng lập Hội Thánh, cứu rỗi và khiến cho toàn thể Hội Thánh được nên thánh sạch, cốt để Hội Thánh trải suốt mọi đời của cõi đời đời bày tỏ ra cho muôn dân mọi loài cả vinh hiển cực diệu kỳ của ân điển Đức Chúa Trời. Hội Thánh là ngọc châu đầy hào quang rực rỡ lóng lánh trên mão miện của Christ để ngợi khen ân điển cực kỳ phong phú của Ngài cho đến đời đời vô cùng! Phao-lô dạy rằng: Êph 1:5,6,12; Êph 3:10; Êph 2:7