LỜI MỞ ĐƯỜNG

KÌA, công cuộc của Đức Chúa Trời cứu chuộc loài người có hai phương diện cần yếu: một là sự chuộc tội; hai là việc ứng dụng cho loài người sự linh nghiệm của sự cứu chuộc đó. Ta đã biết việc thứ nhứt do Christ chịu chết và sống lại mà được nên. Việc thứ hai nhờ công năng của Thánh Linh mà được hoàn thành. Ngài lấy linh nghiệm của công lao Christ mà ứng dụng cho kẻ có lòng tin cậy Christ, ban cho quyền bính được trở nên con cái của Đức Chúa Trời. Công việc quan hệ ấy thần học gọi là sự từng trải đạo cứu rỗi.

HAI Ý KIẾN VỀ SỰ TỪNG TRẢI ÐẠO

I. HAI Ý KIẾN VỀ SỰ TỪNG TRẢI ĐẠO CỨU RỖI

Trong Cơ Đốc Giáo hội có hai ý kiến về sự từng trải đạo cứu rỗi, gọi là ý kiến Arminius, và ý kiến Calvin. Để mở đường cho sự kê cứu đề mục của quyển nầy, xin luận lược qua đại ý của hai ý kiến ấy.

1. Ý KIẾN ARMINIUS

Ý kiến Arminius do ông Arminius, người Hòa Lan (1560-1609), khởi xướng, chủ trương rằng Thánh Linh khởi sự ứng dụng linh nghiệm của sự cứu chuộc cho tín đồ lúc họ mới chịu ăn năn tội, trở lại cùng Đức Chúa Trời. Theo ý kiến nầy, Christ đã chịu chết vì mọi người, và Đức Chúa Trời chẳng muốn một tội nhơn nào bị hư mất. Nhưng hễ ai muốn hưởng được ơn cứu rỗi do sự chết ấy, thì phải đem cả ý chí mình mà hiệp tác với Thánh Linh trong việc ứng dụng ơn ấy, thì mới từng trải sự cứu rỗi được. Tội nhơn bị bản tánh hư hoại, tự mình chẳng có sức làm gì để được cứu rỗi. Song Đức Chúa Trời ban cho mọi người đều được đủ ân điển để thi hành mọi việc mà tội nhơn cần phải làm để được cứu rỗi. Ân điển ấy chẳng phải là chính sự cứu rỗi, bèn là một phương châm dẫn đến sự cứu rỗi đó thôi. Hễ tội nhơn không khứng đem ý chí mình mà hiệp tác với ân điển ấy, thì Thánh Linh cũng không thể ứng dụng linh nghiệm của công lao cứu chuộc của Christ cho được và người không bao giờ có thể từng trải sự cứu rỗi đó đâu. Tội nhơn vốn có ý chí tự do, tùy ý muốn lựa chọn mà thừa nhận hoặc từ chối sự cứu chuộc của Christ cũng được cả.

Những hội hữu trong Cơ Đốc Giáo hội mà xác tín đạo về sự tự chủ của loài người đều chủ trương ý kiến nầy và được gọi là phe Arminius vậy.

2. Ý KIẾN CALVIN

Ý kiến thứ hai do đạo về chủ quyền tuyệt đối của Đức Chúa Trời và đạo về sự tiền định mà ra. Ông Augustin (thế kỷ IV và V) khởi xướng thuyết nầy, rồi đến đời Cải chánh có Jean Calvin, nhà Cải chánh trứ danh (1509-1563), giải bàn nghĩa lý cho rộng thêm.

Ý kiến nầy chủ trương rằng sự cứu rỗi do ý chí tuyệt đối của Đức Chúa Trời dự định. Tội nhơn chẳng phải được cứu vì đem cả ý chí mình mà hiệp tác với ân điển Đức Chúa Trời đâu, bèn được cứu chỉ vì Đức Chúa Trời đã dự định cho từ trước vô cùng. Ân điển Đức Chúa Trời chẳng những là một phương sách dẫn tội nhơn đến sự cứu rỗi thôi đâu, nhưng ơn ấy cũng là chính sự cứu rỗi đó. Thánh Linh chẳng những là khởi sự việc ứng dụng ơn cứu rỗi cho tội nhơn lúc người ấy mới ăn năn tội thôi đâu, lại đã khởi vận hành việc ấy từ trước buổi sáng thế nữa kia. Việc cứu rỗi người nào là do ý muốn tuyệt đối của Đức Chúa Trời và được nên theo như nguyên chỉ của Ngài đã định từ trước vô cùng. Tội nhơn trước khi chưa được tái sanh chẳng có thể nào làm chi để hưởng được ơn cứu rỗi, người không thể nào đem ý chí mình mà thừa nhận ơn ấy, hoặc chỉ muốn cũng không thể được. Chỉ khi Đức Chúa Trời đã nhận chủ quyền tuyệt đối Ngài mà tái sanh người thì người mới có thể hiệp tác với Thánh Linh trong cuộc nên thánh đó thôi. Thành thử, sự được tái sanh là do ân điển nhưng không của Đức Chúa Trời mà được nên, chớ chẳng phải do một mảy may công việc riêng nào của tội nhơn.

Những hội hữu trong Cơ Đốc Giáo hội mà xác tín đạo về chủ quyền tuyệt đối của Đức Chúa Trời đều chủ trương ý kiến nầy, thường gọi là phe Calvin vậy.

I. SỰ PHẢI TRÁI CỦA HAI Ý KIẾN ẤY

Kê cứu Kinh Thánh thì thấy rõ cả hai ý kiến ấy đều có chỗ không đúng, mà cũng có chỗ đi quá về một mặt, hoặc là dạy không đủ ý. Trong các chương sau đây ta sẽ khảo cứu tường tận các lẽ về sự từng trải đạo cứu rỗi cách chánh đáng. Ở đây chỉ cần giải quyết vài ba điều quan hệ nầy:

1. Sự cứu rỗi chắc do ý chí thánh và chủ quyền tuyệt đối của Đức Chúa Trời dự định.

2. Những kẻ do ý chí thánh và chủ quyền tuyệt đối của Đức Chúa Trời mà được gọi làm con cái của Ngài, cũng chắc hẳn được Thánh Linh bắt đầu làm việc cứu rỗi họ từ lâu ngày trước lúc họ ăn năn trở lại cùng Chúa, đến đỗi dám chắc rằng từ trước buổi sáng thế Thánh Linh đã khởi vận hành để chỉ đường dẫn nẻo trong mọi việc quan hệ với sự cứu rỗi họ, hầu cho về sau việc ấy kết quả trong họ sự ăn năn và sự trở lại cùng Chúa vậy. (Xem Thi 139:13-18; Giê 1:5; Ga 1:15,16).

3. Sự từng trải đạo cứu rỗi cũng có quan hệ mật thiết, với ý chí tự do của loài người. Vì Kinh Thánh dạy rõ lắm, hễ ai chịu tin thì được cứu; còn hễ ai không chịu tin thì bị hư mất. (Xem Mác 16:16; Gi 1:12; 3:18)

4. Ân điển Đức Chúa Trời vừa là phương sách dẫn tội nhơn về với Cha, vừa là chính sự cứu rỗi. Tuy rằng Đức Chúa Trời ban ân điển cách nhưng không, thì tội nhơn cũng phải giơ tay đức tin ra mà nhận lãnh, mới hữu ích cho mình.

II. CÁC DANH TỪ MÔ TẢ VIỆC TỪNG TRẢI ĐẠO CỨU RỖI

Trong Kinh Thánh có nhiều danh từ khác nhau mô tả việc tội nhơn từng trải đạo cứu rỗi, chỉ dạy cách nào Thánh Linh ứng dụng sự linh nghiệm của đạo cứu chuộc cho cá nhơn tín đồ. Trong các danh từ ấy, ta xin lựa chọn bảy cái làm đầu đề cho bảy chương tiếp theo trong quyển nầy, cốt để giãi bày bảy phương diện của việc Thánh Linh ứng dụng đạo cứu chuộc cho người ta, và minh thị các sự từng trải của tín đồ ở trong đường cứu rỗi là thể nào.

Bảy danh từ ấy là: 1) Sự lựa chọn, 2) Sự kêu gọi, 3) Sự liên hiệp với Christ, 4) Sự trở lại cùng Đức Chúa Trời, 5) Sự tái sanh, 6) Sự xưng nghĩa, và 7) Sự nên thánh.

Chương 1 – LUẬN VỀ SỰ LỰA CHỌN

I. BA THỨ LỰA CHỌN

TRONG Kinh Thánh có luận đến ba thứ lựa chọn đặc biệt: thứ nhứt là sự lựa chọn quốc dân, như việc lựa chọn dân Y-sơ-ra-ên: Rô 9:11; 11:5-28. Thứ hai là sự lựa chọn kẻ hành chức, như lựa chọn Ôhôliap và Bếtsalêen: Xuất 31:1-6. Thứ ba là sự lựa chọn để được cứu rỗi, như Hội Thánh và tín đồ được lựa chọn: ITê 1:4; IIPhi 1:10. Trong chương nầy ta chỉ luận đến sự lựa chọn thứ ba mà thôi.

II. SỰ LỰA CHỌN ÐỂ ÐƯỢC CỨU RỖI

1.    ĐỊNH NGHĨA.

Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Trời theo ý chỉ Ngài đã định từ trước vô cùng mà lựa chọn một số người trong vòng tội nhơn, để họ được ơn cứu rỗi của Christ ở ngoài công lao riêng của họ, tức là được tha tội, được sự sống đời đời, và được trở nên con cái Đức Chúa Trời. Lý do của sự lựa chọn ấy chẳng tại phẩm hạnh tốt hay là đức công nghĩa riêng của người ta trước khi chưa được tái sanh đâu; bèn là chỉ tại thần ý tuyệt đối và lòng thương xót vô hạn của Đức Chúa Trời đó thôi. Đạo nầy đã là rất mầu nhiệm rồi, tâm trí loài người khó hiểu thấu nhưng nếu đem đối chiếu với đạo về sự tự chủ của loài người, thì thấy càng khó hiểu hơn nữa. Dầu vậy, kê cứu Kinh Thánh, thì thấy Thánh Linh dạy đạo về sự dự tuyển rất rõ. Sau đây xin tóm tắt lại đại khái những điều Kinh Thánh dạy về đạo ấy.

2.    KINH THÁNH LÀM CHỨNG

Kinh Thánh có nhiều đoạn sách trực tiếp và gián tiếp dạy về đạo dự tuyển. Dưới đây xin theo chín mục mà trưng dẫn những câu sách quan hệ hơn hết để chứng thực cho đạo ấy.

a)    Đức Chúa Trời đã dự định sẽ cứu rỗi một số người đặc biệt. Mác 13:27; Lu 18:7; Công 13:48; Rô 9:11-16; Êph 1:4,5,9,11; Côl 3:12IITê 2:13.

b)    Đức Chúa Trời đã biết trước những kẻ Ngài đã dự định. Rô 8:28-30; IPhi 1:1,2.

Nghĩa hai câu ấy là từ trước vô cùng Đức Chúa Trời đã lưu ý đến một số người đặc biệt, và dự định ban ơn phước cứu rỗi cho họ, cốt để khiến họ trở nên giống như hình trạng của Con yêu dấu Ngài. Cũng xem thêm Sáng 18:19; Rô 11:2; ICô 8:3; Ga 4:9.

c)     Từ trước vô cùng Đức Chúa Trời lựa chọn kẻ được cứu, chẳng bởi công đức riêng của họ, bèn chỉ bởi ân điển của Ngài mà thôi. Êph 1:5-8; Êph 2:8; IITi 1:8,9

d)    Cha đã ban cho Con một số người để làm thuộc riêng về Ngài.Gi 6:37; Gi 17:2,6,9; Êph 1:14; IPhi 2:9

e)    Tín đồ được tái sanh, trở nên con cái của Đức Chúa Trời, ấy chẳng tại ý muốn riêng của họ, bèn là chỉ tại ý định của Đức Chúa Trời đó thôi. Gi 1:13; Gi 1:18; IGi 4:10

f)      Tín đồ sở dĩ được thuộc về Christ duy do ơn Đức Chúa Trời ban cho mà thôi. Gi 6:44; Gi 10:26; ICô 1:30

g)    Chỉ những kẻ đã được biên tên trong sách sự sống mới được cứu rỗi. Phil 4:3; Khải 20:15; Khải 20:27

h)    Kẻ được lựa chọn cũng được Đức Chúa Trời kêu gọi cách đặc biệt.

Rô 9:28,30; Rô 9:23,24; Rô 11:29; ICô 1:24,29. Cũng xem Ga 1:15,18; Gia 2:23.

i)      Các đặc ân của sự cứu rỗi duy do Đức Chúa Trời ban cho:

(1)Lòng ăn năn là bởi ơn Đức Chúa Trời ban cho: Công 5:31; Công 11:18

(2)Đức tin cũng là bởi ơn Đức Chúa Trời ban cho: Gi 6:65; Công 15:8,9; Êph 2:8 (Cũng xem ICô 12:9; Phil 2:13; Êph 6:23)

(3)Sự được liên hiệp với Christ cũng do Đức Chúa Trời ban cho: Gi 6:44; 10:26, viện dẫn trên phần (f)

(4)Sự nên thánh và việc lành cũng do sự ban cho của Đức Chúa Trời: Êph 2:10. Cũng xem IPhi 1:2

3.    LÝ TÁNH LÀM CHỨNG

Chẳng những Kinh Thánh minh chứng cho sự lựa chọn thôi đâu, mà lý tánh của ta cũng làm chứng cho đạo ấy nữa. Lý tánh ta luận đoán rằng:

a)    Điều Đức Chúa Trời làm, ấy là điều Ngài đã định làm từ trước vô cùng. Vậy nếu Ngài đã ban ơn tái sanh cho một số người đặc biệt đó, ấy há chẳng phải vì Ngài đã lựa chọn họ cho được sự sống đời đời ư? Ấy vậy, sự lựa chọn quả là một việc thuộc về nguyên chỉ của Đức Chúa Trời (xem chương luận về Nguyên chỉ của Đức Chúa Trời). Nếu mọi việc xảy ra trong vũ trụ bất cứ trong thì quá khứ, hiện tại hay tương lai, đều là thuộc trong nguyên chỉ của Đức Chúa Trời, thì cố nhiên sự cứu rỗi người nầy kẻ kia cũng đều thuộc trong đó nữa chẳng sai.

b)    Sự dự định nầy chẳng do công lao hoặc đức tin của kẻ được chọn đó đâu, vì họ vốn chẳng có công lao hay là đức tin nào cả; kỳ thực, chính đức tin của họ cũng chỉ là ân tứ của Đức Chúa Trời, do Ngài dự định ban cho họ. Ấy vậy, nếu đức tin là hiệu quả của ân điển Đức Chúa Trời ban cho người ta, thì tất nhiên Đức Chúa Trời đã lựa chọn họ chẳng phải vì họ đã có đức tin rồi, bèn là để họ lãnh đức tin cho được cứu rỗi. Nói cách khác, nếu đức tin là hiệu quả của sự lựa chọn, thì tự nhiên không thể nó cũng làm căn nguyên của sự lựa chọn đó nữa đâu. Vậy, theo ý kiến ấy, lý tánh đoán rằng, Đức Chúa Trời theo ý tốt Ngài mà lựa chọn tín đồ trước khi họ chưa có ơn nào cả.

c)     Ý dục của loài người rất hủ bại, đến đỗi nếu Đức Chúa Trời không dự định ban thần ân cho một số người đặc biệt để cảm hóa họ chịu ăn năn tin Chúa, thì chẳng một ai được cứu, trái lại chắc mọi người đều theo ý dục hư hoại đó mà chối bỏ đạo cứu rỗi của Christ, đến đỗi chẳng một người nào chịu nhận, kết cuộc là thảy đều phải trầm luân đó thôi. Cho nên, vì nguyên chỉ Đức Chúa Trời đã dự định lập ra một phương pháp cứu rỗi trong Christ, nên Ngài cũng cần phải dự định lựa chọn những người sẽ thừa nhận và tin cậy sự cứu rỗi ấy. Bằng không thì cả giống loài người vì có tánh hủ bại, ắt chối bỏ sự cứu rỗi đó, chẳng một ai chịu đếm xỉa đến.

TỔNG ĐOÁN

Trung tâm điểm của vấn đề dự tuyển ấy là khởi điểm của sự cứu rỗi tại đâu? Có phải ở nơi Đức Chúa Trời hay là ở nơi loài người? Thiết tưởng chẳng khó gì mà đáp lại câu hỏi ấy. Hoặc Kinh Thánh, hoặc lương tâm, hoặc sự từng trải của ta, thảy đều đồng thing chứng rằng; khởi điểm của sự cứu rỗi duy ở nơi Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời chọn chúng ta chẳng phải vì ta đã tin rồi, nhưng để chúng ta nhờ ơn Ngài mà tín nhận vậy. Chúa Jesus phán: “Chẳng phải các ngươi đã chọn ta, bèn là ta đã chọn và lập các ngươi, để các ngươi đi và kết quả” (Gi 15:16).

 

III. SỰ DỰ ÐỊNH CỦA ÐỨC CHÚA TRỜI ÐỐI VỚI QUYỀN TỰ CHỦ CỦA LOÀI NGƯỜI

Sự dự định lựa chọn một số người đặc biệt cho được cứu rỗi, rất quan hệ với đạo về chủ quyền tuyệt đối của Đức Chúa Trời và sự tự chủ của loài người. Dưới đây xin lược luận qua vấn đề ấy.

1.    KINH THÁNH LUẬN ĐẾN CẢ HAI Ý.

Kinh Thánh luận đến cả hai đạo về chủ quyền tuyệt đối của Đức Chúa Trời, và sự tự chủ của loài người.

a)    Về chủ quyền tuyệt đối của Đức Chúa Trời: Kinh Thánh dạy Đức Chúa Trời là Đấng có chủ quyền tuyệt đối, cầm quyền cao cả trên hết mọi loài, làm Chủ cả muôn vật, và thống trị cả loài người. Mọi việc xảy ra trong cõi quá khứ, hiện tại và tương lai, thảy đều được nên do Ngài đã chỉ định từ trước vô cùng vậy (Đa 4:34,35). Sự cứu rỗi của Christ và luôn cả sự ứng dụng sự cứu rỗi ấy cũng vậy, đến đỗi nếu không có sự dự định của Đức Chúa Trời, thì chẳng ai được cứu rỗi hết. Đó là điều mà các câu Kinh Thánh vừa viện dẫn ở trên đều minh chứng cho cả. Vậy, ta có thể đoán rằng ơn cứu rỗi vốn do sự tiền định của Đức Chúa Trời, và Ngài ban ơn ấy cho kẻ đã được lựa chọn cách nhưng không, chớ chẳng phải vì kẻ ấy có công đức gì xứng đáng khiến Ngài phải ban ơn như vậy đâu.

b)    Về sự tự chủ của loài người: Kinh Thánh cũng dạy rõ lắm loài người có quyền tự chủ. Đức Chúa Trời chiếu theo hình của Ngài mà tạo thành loài người, ban cho họ có ý chỉ như ý chỉ của Ngài. Mà ý chỉ Ngài đã là tự do, thì ý chỉ của người mà Ngài đã tạo ra đó, cũng được tự do nữa. Chính Đức Chúa Trời cũng nhìn nhận sự tự do ấy, bởi vì khi Ngài mới dựng nên A-đam, và đã ra lịnh cấm ăn trái cây biết điều thiện điều ác, thì cũng chẳng ép buộc người phải vâng theo lịnh ấy đâu. Dầu Ngài muốn mọi người hiểu biết lẽ thật, thì cũng chẳng hề lấy oai quyền của Ngài mà ép buộc ai phải thọ giáo. Christ dầu là Đấng Toàn năng, cũng bị ngăn trở bởi người ta không tin (Ma 13:58). Dầu Ngài muốn nhóm họp cả dân Giê-ru-sa-lem như gà mẹ lấy cánh ấp gà con, song họ không khứng, thì Ngài cũng vô khả nại hà (Ma 23:37).

Đức Chúa Trời đối với sự cứu rỗi người ta cũng vậy. Ngài bày tỏ hết mọi lẽn thật và lòng nhơn từ cho người ta, mong rằng họ ăn năn tin cậy Cứu Chúa; nhưng Ngài chẳng ép ai phải ăn năn tin cậy, vì Ngài không hề xúc phạm đến quyền tự chủ của họ. Người đời thiếu thốn, Ngài khuyên bảo; người đời ngu dốt, Ngài dạy dỗ; Ngài đem nẻo chết sống, đường họa phước đặt sờ sờ trước mắt họ, để tùy ý họ lựa chọn. Ngài ban Con độc sanh của Ngài, sai khiến các tiên tri, các sứ đồ và đầy tớ khác để dạy dỗ họ, cũng ban Thánh Linh để cảm thúc họ trở lại với Ngài nữa; nhưng Ngài không hề ra oai ép buộc ai bao giờ; vì Ngài không thể xúc phạm quyền tự chủ của bản ngã họ. Ấy là lẽ Kinh Thánh cũng dạy rõ ràng bằng lẽ dạy về chủ quyền tuyệt đối của Đức Chúa Trời.

2.    SỰ HÒA HIỆP HAI LẼ ĐẠO ẤY

a)    Trí ngộ phàm làm không nổi: Kê cứu hai lẽ đạo về chủ quyền tuyệt đối của Đức Chúa Trời và sự tự chủ của loài người, thì thấy dường như mâu thuẫn lắm, trái nhau như cái giáo với cái khiên vậy. Nếu Đức Chúa Trời có chủ quyền tuyệt đối, theo ý chỉ tốt đẹp của Ngài mà dự định mọi sự, thì làm sao gọi loài người là tự do? Họ đươc cứu rỗi hay là họ bị hư mất, thì há chẳng chỉ do ở trong ý chỉ Đức Chúa Trời dự định từ trước vô cùng đó sao?

Xin đáp: Hai lẽ đạo nầy thật là do Kinh Thánh dạy dỗ: Đức Chúa Trời quả là Đấng có chủ quyền tuyệt đối, thi hành mọi việc theo ý tốt lành của Ngài. Song loài người cũng quả là tự chủ, muốn lựa chọn làm việc nầy hay là từ chối làm việc kia, cũng đều được cả. Vậy, chúng ta phải làm sao mà hòa hiệp hai lẽ đạo ấy? Lý tánh của ta chẳng có thể làm nổi, vì hai lẽ đạo ấy là do trí ngộ vô hạn vô lượng của Đức Chúa Trời mà ra, trí hiểu hữu hạn của ta sao đủ sức hiểu thấu được?

b)    Có hai phương diện: Lẽ đạo cứu rỗi có hai phương diện: phương diện nầy đối với Đức Chúa Trời, phương diện kia đối với loài người. Xem xét về phương diện đối với Đức Chúa Trời, thì thấy Đức Chúa Trời theo chủ quyền tuyệt đối của Ngài mà tiền định cứu rỗi một số người. Ngài cũng theo quyền ấy mà thi hành sự cứu rỗi đó, dùng ân điển và Tin Lành mà lôi kéo họ đến cùng Ngài, đến đỗi hình như họ buộc phải thừa nhận, chẳng có thể ngăn trở hay là giúp đỡ gì về việc ấy cả, hẳn hoàn toàn là việc của Đức Chúa Trời làm nên ở trong họ đó thôi.

Nhưng xem xét về phương diện đối với loài người, thì thấy họ quả có can dự đến. Kinh Thánh dạy rõ loài người có lương năng tự nhiệm tự do, đến đỗi họ có thể công nhận ơn cứu rỗi mà Đức Chúa Trời đã dự bị cho họ, hay là họ cũng có thể chối bỏ ơn ấy. Đức Chúa Trời chẳng hề ép buộc ai phải công nhận ơn ấy, chỉ để cho mọi người được tự do làm theo chí hướng họ mà hoặc tín nhận hay là chối bỏ. Cho nên trong cõi tương lai những kẻ không được cứu rỗi, sẽ không còn có thể trách Đức Chúa Trời mà nói rằng: “Tôi không được cứu là tại Đức Chúa Trời không lựa chọn tôi.” Vì chính Chúa quả quyết rằng Ngài “không muốn một ai hư mất, song muốn mọi người đều ăn năn” (IIPhi 3:9). Và “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con độc sanh của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất, nhưng được sự sống đời đời” (Gi 3:16). Nếu họ không được cứu, ấy chỉ tại “các ngươi không khứng” đó thôi (Ma 23:37).

c)     Tín đồ cần phải tín nhận cả hai: Vả, tuy không trí ngộ phàm nào hiệp hòa hai lẽ đạo ấy được, thì cả hai cũng quả là lẽ thật của Đức Chúa Trời, mỗi tín đồ cần phải tín nhận và ứng dụng cho mình, mới mong được toàn cứu. Bởi vì hễ ai thiên trọng về chủ quyền tuyệt đối của Đức Chúa Trời mà không đếm xỉa đến quyền tự chủ của lòai người, ắt trong việc cứu rỗi nếu không sớm thì muộn hẳn sẽ sanh lòng tự thị tự mãn, dám nghĩ rằng: “Nếu Đức Chúa Trời đã tiền định lựa chọn tôi, thì tôi chắc được cứu, dầu cách ăn nết ở của tôi thể nào đi nữa cũng chẳng quan hệ gì, miễn là Đức Chúa Trời đã lựa chọn tôi rồi thì tôi chắc được cứu vậy.”

Lý tưởng ấy rất lộng lược với Đức Chúa Trời, chắc không kíp thì chầy sẽ đến chỗ cứng lòng và lìa bỏ Đức Chúa Trời hằng sống đó thôi. Lại hệ thiên trọng về sự tự chủ của loài người màbỏ đạo về chủ quyền tuyệt đối của Đức Chúa Trời thì cũng chẳng nên. Vì điều ấy kết quả sự nghi ngờ sợ hãi không thôi, hôm nay tin chắc rằng mình được cứu, ngày mai lại nghi ngờ, tưởng chắc mình phải trầm luân. Đạo về sự tiền định lựa chọn, cứu ta khỏi sự hoài nghi sợ hãi, khiến hết lòng nhờ cậy Chúa, vì cảm biết rằng mình chắc được cứu, và ấy là nhờ ân điển nhưng không của Ngài mà thôi. Còn đạo về sự tự nhiệm tự do lại cứu ta khỏi tội tự thị tự mãn, khiến chuyên tâm thận trọng giữ cách ăn nếp ở của mình, sao cho hằng được tương hiệp với đạo Chúa, và làm sáng danh Ngài mọi đường.

d)    Ví dụ biểu minh hai lẽ đạo nầy: Hai lẽ đạo nầy ví như con đường sắt song song kia. Nó phải có hai đường rầy (rail) bình hành nhau, thì đoàn xe lửa mới chạy được. Bằng chẳng vậy, đoàn xe lửa chắc phải lật, bị hư hại nhiều. Đạo cứu rỗi cũng thể ấy, nó gồm cả hai lẽ thật về chủ quyền tuyệt đối của Đức Chúa Trời và về sự tự chủ của loài người; tín đồ phải tín nhận và vâng theo cả hai, mới mong đến chỗ sở nguyện là thiên quốc vậy. Bằng chỉ nhận một trong hai lẽ đạo ấy, ắt phải bị thiệt hại ở dọc đường chẳng sai.

Vả lại, như ta đứng ở đầu đường xe lửa ngay thẳng kia, mà ngắm suốt con đường ấy, thì ta thấy dường như hai đường rầy chạy song song như hai gạch bình hành đó, nó giáp nhau tại bên chơn trời nọ. Theo toán học số học thì hai gạch bình hành chẳng hề giáp nhau ở nơi cõi hữu hạn, bèn là giáp nhau ở cõi vô hạn vậy. Hai lẽ đạo nầy giống như hai đường rầy ấy, nó chạy bình hành suốt Kinh Thánh, phải có cả hai mới được cứu rỗi. Nhưng như hai gạch bình hành đó, hai lẽ đạo ấy không thể giáp nhau trong cõi hữu hạn, nghĩa là không có trí ngộ phàm nào hòa hiệp hai lẽ thật ấy được; duy được hòa hiệp ở nơi vô hạn, tức là ở nơi chính Đức Chúa Trời đó thôi.

Thế thì, chúng ta tín nhận cả hai, giảng dạy cả hai, thực hành cả hai. Có kẻ luận về lẽ đạo nầy mà rằng, tín đồ phái Calvin khi giảng đạo thì trở nên tín đồ của phái Arminius, bởi vì họ đều dồn Tin Lành của Đức Chúa Trời ra, mà bảo quyết rằng, hễ ai muốn thì cứ đến cùng Ngài, không tốn kém gì để được nước hằng sống. Mà lời ấy thực nói về người có ý chí tư do. Vì nếu họ không có quyền để công nhận hay là chối bỏ, thì cần gì mà phải mời đến? Lại luận rằng tín đồ phái Arminius trong khi cầu nguyện thì trở nên tín đồ phái Calvin, bởi họ cảm tạ Đức Chúa Trời vì ân điển nhưng không của Ngài, xin Ngài cứu rỗi người ta và giúp đỡ họ cứ bền đỗ trong đường cứu rỗi đó; thực sự ấy chứng rằng họ tín nhận sự cứu rỗi và sự bền đỗ trong đó đều được nên chỉ do ân điển Đức Chúa Trời và công việc Ngài đó thôi. Mà tín nhận như thế há chẳng phải là tín nhận đạo về sự tiền định và sự lựa chọn của Đức Chúa Trời sao?

e)    Kinh Thánh chứng cho cả hai lẽ đạo nầy: Dưới đây xin viện dẫn ít câu Kinh Thánh chứng minh cho cả hai lẽ đạo ấy:

Gi 6:44 (đó là luận về phương diện của Đức Chúa Trời)

Gi 6:45 (đó là luận về phương diện của loài người)

Gi 6:37 (đó là luận về cả hai phương diện).

Phao-lô cũng luận về hai phương diện của đạo cứu rỗi ấy mà rằng:

Phil 2:12,13. “Hỡi kẻ rất yêu dấu của tôi,… hãy lấy lòng sợ sệt run rẩy mà làm nên sự cứu rỗi anh em (đó là nói về mặt loài người). Vì ấy là Đức Chúa Trời hành động trong anh em, để vừa muốn vừa làm nên ý tốt Ngài.” (đó là nói về mặt Đức Chúa Trời).

Nói tóm lại, chủ quyền tuyệt đối của Đức Chúa Trời và sự tự chủ của loài người là hai mặt rất quan hệ trong lẽ đạo cứu rỗi. Dầu trí ngộ ta không thể hòa hiệp hai lẽ đạo ấy lại nổi, thì nó quả được hiệp lại rất rập ràng êm ái ở trong Đức Chúa Trời. Hiện nay chúng ta cứ lấy đức tin mà bắc cầu qua vực sâu giữa hai lẽ đạo ấy, cố quyết giảng dạy rằng: “Trước khi sáng thế Ngài đã chọn chúng ta trong Christ,” là phương diện Đức Chúa Trời; và “Kẻ nào muốn, hãy nhận lấy nước sự sống nhưng không”, là phương diện loài người. Rồi về sau, khi gặp Chúa mặt đối mặt, chắc sẽ thông hiểu cả hai lẽ đạo ấy, và thấy rõ ràng chẳng phải là hai, bèn là một đó thôi.

IV. NHỮNG Ý KIẾN PHẢN ÐỐI

Từ xưa đến nay, người ta có nhiều biến nạn về đạo mầu nhiệm của Đức Chúa Trời, nhứt là về lẽ đạo Đức Chúa Trời tiền định mọi sự. Khi Chúa Jesus truyền Tin Lành ở Na-xa-rét, thì Ngài cũng giảng về lẽ đạo ấy (Lu 4:25-29). Mọi người nghe đều tức giận, đuổi Ngài ra ngoài thành phố, toan giết đi. Sau Ngài cũng giảng lẽ đạo ấy tại CA-bênaum, có nhiều môn đồ nghe, nhưng phần đông trở lui không muốn theo Ngài nữa (Gi 6:64-66). Xưa nay lắm người chê bỏ lẽ đạo ấy, cứ công kích và bài bác hoài, bởi vì trí ngộ bất toàn của họ không hiểu nổi. Họ viện nhiều lý cớ để biện bác, sau đây xin kể qua vài ba cái.

1.    NẾU QUẢ CÓ LẼ ĐẠO DỰ TUYỂN THÌ ĐỨC CHÚA TRỜI BẤT CÔNG.

Có kẻ luận rằng, nếu quả có lẽ đạo dự tuyển, thì Đức Chúa Trời chẳng những là Chúa chuyên chế làm theo ý mình, nhưng Ngài cũng rất bất công đối với những kẻ không được lựa chọn, và quá ư thiên tư độc đoán.

Đáp: Người nầy được mọi ơn dồi dào, còn kẻ kia chịu nhiều nỗi khốn khó, mới nghe qua, thì dường như Đức Chúa Trời tư vị thật. Song nghĩ kỹ lại, thì nhớ rằng sự dự tuyển chẳng những là quan hệ với kẻ được Đức Chúa Trời dựng nên thôi đâu, bèn là quan hệ với kẻ được Ngài dựng nên rồi phạm tội, bị Đức Chúa Trời lên án tử hình. Vậy, nếu có ai được cứu, ấy vốn là do ơn thương xót của Đức Chúa Trời, chớ chẳng phải vì họ có công lao gì đâu. Còn những kẻ không được ơn ấy, họ đều chịu đau khổ chỉ gì tội lỗi riêng của họ đó thôi. Còn chịu vậy há chẳng theo lẽ công bình và chánh đáng sao? Vậy, thà chúng ta ngợi khen Đức Chúa Trời vì Ngài ban ơn cứu rỗi cho ít nhiều người hơn là trách Ngài vì Ngài không cứu được hết.

Vả lại, Đức Chúa Trời dự định họa phước tương lai cũng chẳng khác chi Ngài dự định họa phước đời nầy. Chỉ Đức Chúa Trời là Đấng đại công chí chánh; nên sự gặp gỡ của ta ở đời nầy hẳn cũng có chí lý nhứt định không thay đổi ở trong đó. Các ân tứ của Đức Chúa Trời dầu tợ hồ thiên tư, mà kỳ thật là chánh đáng muôn phần. Đến sự họa phước tương lai cũng thế, người nầy được ơn, còn kẻ kia thiếu thốn, ấy đều là do nguyên chỉ mầu nhiệm của Ngài, mà chúng ta không thể dò xét cho cạn lẽ được. Ngài có thể nói với mọi người bất luận là kẻ được cứu hay không rằng: “Bạn ơi, ta không xử tệ với ngươi đâu… Ta há không có phép dùng của cải ta theo ý muốn ta sao?” (Ma 20:13,15). Chẳng có ai dám nói rằng: “Quan Tổng đốc đã ân xá cho phạm nhơn kia, thì buộc cũng phải ân xá cho hết thảy những phạm nhơn khác nữa.” Nếu quan ân xá một phạm nhơn rồi, ấy há có làm thiệt hại gì cho những kẻ không được ân xá kia đâu. Mà nếu ta chẳng dám trách móc chánh trị phàm thi thố chính quyền như kia, thì lẽ nào đối với Đức Chúa Trời là Đấng công nghĩa tuyệt đối, mà ta lại dám xích bác Ngài, gọi Ngài thi hành bất công bất nghĩa đó ư? Huống nữa, Đức Chúa Trời quả đã muốn ân xá hết thảy mọi tội nhơn. Nhưng họ không được ân xá chỉ tại vì họ không khứng công nhận đạo ân xá đó thôi. Khá nhớ rằng: “Chúa… không muốn một ai hư mất, song muốn mọi người đều ăn năn.” (IIPhi 3:9).

2.    ĐẠO VỀ SỰ DỰ TUYỂN TRỪ KHỬ TRÁCH NHIỆM CỦA LOÀI NGƯỜI

Có kẻ luận rằng, lẽ đạo dự tuyển trừ khử hết các sự gắng sức tự do của loài người. Vì nếu mọi việc đã do Đức Chúa Trời tiền định, thì loài người là ai mà dám thay đổi sự tiền định ấy? Dầu gắng công, ra sức đến ngằn nào, thì cũng luống nhưng vô ích đó thôi. Mà nếu Đức Chúa Trời quả đã tiền định chọn người nầy, bỏ kẻ kia, thì ta là ai mà dám cải ý Ngài? Sức người hèn mọn há có thể kéo lại ý định của Đấng Toàn năng ư?

Lấy làm dễ lắm mà biện lại lý thuyết ấy. Giả như Đức Chúa Trời đã dự định cho quanh năm phải có bốn mùa đặc biệt, có mùa trổ lộc đơm hoa, có mùa kết quả thâu hoạch, mà phỏng có người nói rằng: “Mùa gặt đã định rồi, tôi chẳng cần cày cấy làm chi; cứ đến mùa cây già trái chín, ta ra đồng gặt hái là đủ chi dụng”, há chẳng là vô lý lắm sao? Xưa Phao-lô lâm nạn tại biển Adriatique, thiếu điều tàu phải đắm chìm; nhưng Đức Chúa Trời đã hứa cứu ông, ban luôn cho ông cả những người trong tàu nữa (Công 27:24). Khi ông thấy các thủy thủ tìm phương lánh nạn, thì gọi đội trưởng và lính mà nói rằng: “Nếu những người nầy chẳng cứ ở trong tàu, thì các ông chẳng có thể được cứu” (Công 27:31­). Hai câu ấy (câu 24 và 31) dường như phản đối nhau, vì ông đã nói các người trong tàu chắc được cứu, rồi sau lại nói nếu các thủy thủ không cứ ở trong tàu thì họ không thể được cứu. Nhưng mà hai câu ấy chẳng phản đối nhau đâu, vì Đức Chúa Trời đã định cứu họ ở trong phạm vi hành động thường thức theo nghề hàng hải, dùng các tay thủy thủ ấy để làm thành tựu ý định Ngài vậy.

Sự cứu rỗi cũng như thế. Tuyển dân được cứu vốn bởi Đức Chúa Trời lựa chọn trước; mà họ cũng có trách nhiệm phải lợi dụng các phương pháp thông thường của Đức Chúa Trời đã dự bị cho, tức là sự ăn năn, sự tin cậy, sự vâng lời, mới mong được cứu vậy. Lời dạy dỗ của Chúa Jesus cũng minh chứng cho hai phương diện ấy:

Lu 19:10 (ấy là luận về phương diện của Đức Chúa Trời)

Lu 13:5 (đó luận về trách nhiệm của loài người)

Coi đó đủ biết sự tiền định của Đức Chúa Trời luôn luôn có hai phương diện tương đối; hễ thiếu một trong hai ấy thì không nên sự cứu rỗi vậy. Dầu Đức Chúa Trời muốn mọi người đều được cứu, song nếu loài người không khứng ăn năn, chẳng chịu tin cậy Jesus Christ, không thèm vâng phục lời của Ngài, thì dầu Ngài trông mong họ được cứu đến bao nhiêu đi nữa, họ cũng không được cứu bao giờ.

3.    ĐẠO VỀ SỰ DỰ TUYỂN NGĂN TRỞ SỰ LINH TU CỦA TÍN ĐỒ

Có kẻ luận rằng, đạo về sự dự tuyển ngăn trở sự linh tu của tín đồ lắm; bởi vì nếu ta là tuyển dân của Đức Chúa Trời, thì bất luận cách ăn nết ở của ta là thế nào, điều tín ngưỡng ta ra làm sao, cũng chẳng quan hệ gì; miễn ta đã thuộc trong số kẻ được lựa chọn thì thôi, Đức Chúa Trời không thể bỏ ta đâu, bèn chắc sẽ cứu ta mới phải. Cho nên họ kết luận rằng đạo như thế chỉ sanh ra lòng tự thị tự mãn, gây nên hành vi luông tuồng vô đạo đức mà thôi.

Đáp: Ai dị nghị như vậy là lầm hiểu đạo dự tuyển, vì Đức Chúa Trời đã dự định cùng sự ăn năn, sự tái sanh, và sự nên thánh để cứu rỗi ta. Nên hễ ai kể mình là tuyển dân của Đức Chúa Trời mà chẳng đếm xỉa đến sự ăn năn, sự tái sanh hay sự ăn ở thánh khiết trước mặt Đức Chúa Trời, thì người ấy hẳn chẳng phải là tuyển dân của Ngài đâu, bèn chỉ tự dối mình đó thôi. Vì ở ngoài phạm vi ăn năn, tin cậy, và nên thánh thì Đức Chúa Trời chẳng lựa chọn ai cả. Phi-e-rơ dạy rằng chúng ta “được chọn theo sự biết trước của Đức Chúa Trời… trong sự nên thánh của Thánh Linh, để đạt đến sự vâng phục và sự rưới huyết của Jesus Christ (IPhi 1:1,2). Như vậy, đạo dự tuyển, không những là không ngăn trở sự linh tu của tín đồ, mà lại khiến cho kẻ tín nhận được kết quả một đức hạnh thánh khiết trọn vẹn tốt đẹp nữa thì có.

4.    GÂY LÒNG KIÊU NGẠO CHO KẺ TỰ XƯNG LÀ TUYỂN DÂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Có kẻ khác lại nói rằng đạo nầy gây lòng kiêu ngạo ở trong kẻ xưng mình được Đức Chúa Trời lựa chọn.

Đáp: Chỉ những kẻ lạm dụng lẽ đạo nầy có thể vì nó mà sanh lòng kiêu ngạo đó thôi. Trái lại, đạo nầy khiến cho lòng kẻ thật tín nhận nó trở nên khiêm nhường hèn hạ ở trước mặt Đức Chúa Trời. Bởi vì tín đồ thông hiểu thể nào Đức Chúa Trời đã yêu thương mình, không những là từ lúc mới ra chào đời, mà lại tự trước vô cùng, Ngài đã đoái đến mình mãi từ trước vô cùng, Ngài lại đoái đến mình mãi từ trước lúc mình chưa thực tại, thì làm sao dám sanh lòng kiêu ngạo được ư? Thế nào đem mình lên cao hơn kẻ khác mà tự khoe vì được Đức Chúa Trời lựa chọn ư? Đức Chúa Trời đã biết rõ mọi sự thuộc về chúng ta, hoặc tốt hay xấu cũng vậy, thế mà Ngài lại đoái tưởng chúng ta, thương xót chúng ta, dự định cứu chúng ta; ấy há chẳng đáng khiến cho lòng ta tự hạ mình xuống ở trước mặt Ngài mà thú thật sự thiếu thốn, sự hèn hạ, sự không xứng đáng của mình sao?

Biết Ngài đã yêu thương mình, tiền định ban ơn cứu rỗi cho mình, nhắc mình lên bực rất cao thượng, khiến cho mình trở nên con cái của Ngài, há chẳng đáng nên giục giã lòng ta chỉ muốn tôn vinh ca tụng danh thánh của Ngài ư? Thông hiểu sự ấy, chúng ta không thể nào kiêu ngạo được, chắc phải đồng thinh với Phao-lô mà la lớn rằng: “Ôi! Sâu nhiệm thay là sự giàu có về sự khôn ngoan thông biết của Đức Chúa Trời! Sự phán đoán của Ngài nào ai dò lường được, đường nẻo của Ngài ai tìm đâu được! Vì ai biết tâm chí Chúa, ai đã làm mưu sĩ của Ngài ư? Hay là ai đã cho Ngài trước, hầu sẽ được đền đáp ư? Vì muôn vật đều từ Ngài, bởi Ngài và vì Ngài. Vinh hiển cho Ngài đời đời! A-men” (Rô 11:33-36).

5.    ĐẠO VỀ SỰ DỰ TUYỂN NGĂN TRỞ SỰ TRUYỀN ĐẠO

Cũng có kẻ bài bác đạo nầy mà luận rằng, nó ngăn trở sự truyền đạo Tin Lành. Bởi vì nếu Đức Chúa Trời đã dự định cứu một số người đặc biệt, thì cần chi phải lo giảng Tin Lành cho họ, họ đã được tiền định, được lựa chọn để được cứu rỗi rồi, thì dầu họ biết Tin Lành hay là không, cũng chắc được cứu.

Đáp: Sự dự tuyển là việc huyền bí, do ở trong nguyên chỉ mầu nhiệm của Đức Chúa Trời mà được nên, có quan hệ với ý chỉ sâu nhiệm của Ngài mà thôi. Ngài không tỏ cho ai biết ai là kẻ được lựa chọn. Ngài chỉ bảo chúng ta hãy đem Tin Lành rao giảng khắp nơi, hầu cho mọi người có thể nghe đến và tín nhận. Trong số nghe đó có kẻ sẽ công nhận và tin theo; lại có kẻ sẽ từ chối hẳn. Kẻ thật tín nhận đó, ấy là kẻ được lựa chọn.

Chúng ta đã không có thể biết trước họ là ai, nên Đức Chúa Trời bảo chúng ta hãy giảng Tin Lành cho mọi người, và khuyên bảo họ rằng, hễ ai tin thì được cứu; còn hễ ai không chịu tin, thì bị hư mất. Vậy, đạo về sự dự tuyển kẻ được cứu không khiến cho ta ngã lòng về sự truyền Tin Lành đâu, bèn là giục giã lòng ta hãy rán hết sức đem Tin Lành đến khắp nơi hầu cho mọi người đã được ơn Chúa lựa chọn rồi, cũng được ơn kêu gọi và cứu rỗi nữa. Sự dự tuyển là trách nhiệm của Đức Chúa Trời; còn sự truyền Tin Lành là trách nhiệm của chúng ta. Nhưng sự dự tuyển ấy chẳng được trọn vẹn miễn là chúng ta làm trọn trách nhiệm của chúng ta; bởi vì Đức Chúa Trời đã dự định sẽ chỉ nhờ sự giảng Tin Lành mà cứu kẻ có lòng tin đó thôi.

TỔNG KẾT

Đạo Đức Chúa Trời dự tuyển ta thật một đạo cao xa mầu nhiệm vô cùng, trí ngộ phàm không thể hiểu thấu nỗi. Dầu vậy, đạo ấy rất quí chẳng khác gì một đồ dùng để dồi mài đời thuộc linh ta mau đạt đến địa vị cao khiết, xứng hiệp với ơn lựa chọn ấy. Nếu chúng ta đã được lựa chọn, đã được kêu gọi, thì tánh cách ăn ở ta phải nên xứng đáng với sự kêu gọi ấy (Êph 4:1) mới hiệp nghi. Ta xin hỏi: Ta đã được kêu gọi làm một tuyển dân của Chúa cả muôn vật, há còn có sự gì tôn quí hơn nữa sao? Ta đã là con cái của Vua trên muôn vua, thì thái độ ta há chẳng nên thận trọng thánh khiết, để được xứng đáng thận phận vương tử ư? Chúng ta há chẳng nên gắng sức đạt đến địa vị thánh khiết, để xứng hiệp với ơn kêu gọi ta sao? (IIPhi 1:10). Chúng ta đã “là giống được lựa chọn, là chức tế lễ nhà vua, là nước thánh, là dân thuộc riêng về Đức Chúa Trời” thì há chẳng nên “bày tỏ đức tối cao của Đấng đã gọi anh em ra khỏi sự tối tăm, đến vào sự sáng láng lạ lùng của Ngài” sao? (IPhi 2:9).

 

Chương 2 –  LUẬN VỀ SỰ KÊU GỌI

I. ÐỊNH NGHĨA

SỰ kêu gọi là việc Đức Chúa Trời nài khuyên loài ngươi lấy đức tin mà công nhận sự cứu rỗi bởi Christ làm ra.

II. CÓ HAI THỨ KÊU GỌI

Kinh Thánh luận đến hai thứ kêu gọi, là sự kêu gọi phổ thôngđặc biệt.

1.    SỰ KÊU GỌI PHỔ THÔNG

Đức Chúa Trời dùng công năng tể trị của Ngài, như là mặt trời mặt trăng vận hành trên không trung, các vì tinh tú chói lói nơi bích hán, nào là non cao bể thẳm, gió thổi mưa sa, tư mùa tám tiết, để kêu gọi loài người trở lại với Ngài. Vì muôn vật trong cõi thiên nhiên đều bày tỏ sự khôn ngoan, quyền năng và lòng yêu thương vô hạn của Đấng Tạo hóa, thật là không nói mà có tiếng, không kêu mà có nghe, cả thảy cốt để gọi thiên hạ nhớ đến công ơn Ngài mà bỏ đường tội lỗi đặng trở lại cùng Ngài.

Đức Chúa Trời cũng dùng các cơn tai biến, hoạn nạn và thần hữu mà kêu gọi người ta nữa. Kìa, những sự đau đớn chết mất, giặc giã rối loạn trong cõi hồng trần nầy, há chẳng phải là tiếng của Đức Chúa Trời kêu gọi người đời, xui khiến họ tìm đến bờ bến bên kia, tưởng tượng có một thế giới vui vẻ vô lượng vô biên sao? Cũng nhờ thần hữu, nhờ lời Kinh Thánh và Thánh Linh mà người ta có dịp tiện gặp gỡ Tin Lành về ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời, nghe Chúa kêu gọi mọi người hãy đến để hưởng sự sống đời đời. Sự kêu gọi ấy gọi là ự kêu gọi phổ thông. Các câu trưng dẫn dưới đây luận về sự kêu gọi phổ thông đó. Ês 45:22; Ês 55:6; Ês 65:12; Êxê 33:11; Ma 11:28; Ma 22:3; Mác 16:15Khải 3:20

2.    SỰ KÊU GỌI ĐẶC BIỆT

Sự kêu gọi đặc biệt ấy là Thánh Linh dùng đạo Kinh Thánh, lời làm chứng của tín đồ, và nhiều phương pháp khác nữa mà cảm động lòng của cả tội nhơn trong số được lựa chọn. Ngài khiến cho họ tự biết tội mình, hiểu ơn cứu rỗi, giục giã họ muốn trở lại cùng Cứu Chúa, ăn năn tội mà tin cậy Ngài. Người truyền đạo kia giảng Tin Lành trong ít phút cách linh động, đến đỗi thính giả chịu cảm động, ăn năn, trở lại cùng Chúa, ấy cũng là việc của Thánh Linh. Một đôi khi cũng có cá nhơn chỉ nhờ lời Kinh Thánh cảm xúc lương tâm mà tự tỉnh, biết tội lỗi mình, hiểu thấu ơn cứu rỗi, tức thì trở lại cùng Đức Chúa Trời, tín nhận Cứu Chúa. Việc ấy cũng do Thánh Linh lợi dụng lời Kinh Thánh và lương tâm mà kêu gọi cá nhơn ăn năn. Sự kêu gọi đặc biệt chỉ can thiệp đến những tín đồ được Đức Chúa Trời lựa chọn, và có hiệu nghiệm luôn luôn. Các câu trưng dẫn dưới đây luận về sự kêu gọi đặc biệt. Lu 14:23; Rô 1:7 (hay là “gọi để làm thánh đồ”); Rô 8:30; Rô 11:29; ICô 1:23,24; Phil 3:13,14; ITê 2:12; IITê 2:14; IITi 1:8,9; Hê 3:1; IIPhi 1:10

III. HAI LỜI DỊ NGHỊ

Đối với vấn đề kêu gọi có hai lời dị nghị đáng kể, ấy là (1) Sự kêu gọi phổ thông há có thành thật không? (2) Há có thể chống chỏi sự kêu gọi đặc biệt được ư?

1.    SỰ KÊU GỌI PHỔ THÔNG HÁ CÓ THÀNH THẬT CHĂNG?

Có kẻ luận rằng, như quyết Đức Chúa Trời kêu gọi cả giống loài người cách phổ thông thì ấy hẳn không do lòng thành thật mà ra. Bởi vì hễ tội nhơn nào không được Đức Chúa Trời lựa chọn, ắt chẳng được đặc ân cần yếu để ăn năn, như vậy thì thể nào vâng theo sự kêu gọi ấy được?

Đáp: Sự kêu gọi phổ thông quả là do lòng chí thành của Đức Chúa Trời, vì Ngài thành tín tuyệt đối. Đức Chúa Trời muốn mọi người đều được cứu rỗi, ấy là bản tâm của Ngài (ITi 2:4). Ngài đã quyết rằng Ngài chẳng muốn ai phạm tội mà bị hư mất, duy muốn họ đều ăn năn để được sống mà thôi (Êxê 33:11; IIPhi 3:9). Ngài đã dự bị sự cứu rỗi cho mọi người, khuyên mọi người hãy đến mà nhận lấy, hứa rằng hễ ai tin ắt chẳng bị hư mất mà lại được sự sống đời đời (Gi 3:16). Đức Chúa Trời là Đấng thành tín chơn thật vô cùng, Ngài không thể nói dối, chẳng thất ngôn bao giờ. Vậy, nếu ai bị hư mất, thì chỉ tại vì họ chối bỏ lời nài khuyên của Đức Chúa Trời, chẳng khứng ăn năn tội, đành cam chịu chết mất đó thôi.

2.    HÁ CÓ THỂ CHỐNG CHỎI SỰ KÊU GỌI ĐẶC BIỆT ĐƯỢC Ư?

Có kẻ luận rằng, kẻ được Đức Chúa Trời kêu gọi cách đặc biệt không thể chống chỏi được, chỉ vâng theo mà thôi.

Ta đáp: Nói rằng kẻ được Đức Chúa Trời kêu gọi cách đặc biệt không thể chống chỏi sự kêu gọi ấy, thì thật nói quá đáng, vì ám chỉ rằng sự kêu gọi ấy ép buộc tín đồ phải vâng theo. Lý tưởng ấy sai lầm, vì Đức Chúa Trời chẳng ép buộc ai thừa nhận sự cứu rỗi cả. Nhưng ta nên nói rằng sự kêu gọi đặc biệt đó hằng có hiệu quả ở nơi kẻ được gọi, đến đỗi họ tình nguyện vui lòng vâng theo. Công việc khiến cho ý chí tự do, cảm tình, và trí ngộ của loài người vui lòng tình nguyện vâng theo ý chỉ Đức Chúa Trời mà ăn năn tội, công nhận Christ làm Cứu Chúa mình, là công việc thuộc về quyền năng bí mật của Đức Chúa Trời. Ngài nhờ quyền năng ấy mà vận hành cách mầu nhiệm ở nơi kẻ được gọi đó, khiến cho họ có thể lấy lại quyền tự do nguyên bản của mình để lựa lấy ý chỉ của Đức Chúa Trời làm ý muốn của mình. Cũng như Giăng luận rằng: “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền bính trở nên con cái Đức Chúa Trời, tức là kẻ tin đến danh Ngài; kẻ ấy chẳng phải sanh bởi khí huyết, hoặc bởi tình dục, hoặc bởi ý người, nhưng bởi Đức Chúa Trời vậy.” (Gi 1:12,13).

Thế thì, phàm kẻ lãnh ơn kêu gọi của Đức Chúa Trời, thì Ngài ban cho họ sự sống đời đời, và quyền bính trở nên con cái của Ngài. Còn hễ ai từ chối ơn kêu gọi ấy, thì tợ hồ đất kia tuy cũng được Đức Chúa Trời ban phước cho, mà lại không kết quả giống tốt, chỉ sanh đầy những gai gốc tật lê, cuối cùng gặt lấy sự rủa sả, bị đốt trong lửa đó thôi (Hê 6:7,8).

 

Chương 3 – LUẬN VỀ SỰ LIÊN HIỆP VỚI CHRIST

I. ÐỊNH NGHĨA

KINH THÁNH dạy rằng nhờ tác dụng trực tiếp của Đức Chúa Trời mà linh hồn của tín đồ được liên hiệp với Christ. Sự liên hiệp nầy chẳng phải do công lệ thiên nhiên mà ra, cũng chẳng phải bởi sự đồng cảm, hoặc bởi cảm lực đạo đức mà được nên, bèn gọi là một sự liên hiệp do sự sanh hoạt thuộc linh mà được nên đến đỗi tín đồ liên hiệp với Chúa như thân thể liên hiệp với đầu, như nhành liên hiệp với gốc, không thể phân ly được. Trong sự liên hiệp với gốc, không thể phân ly được. Trong sự liên hiệp nầy, bản ngã của tín đồ tùy cứ phân vị và gìn giữ nhân cách đặc biệt luôn, thì cũng được Thánh Linh của Christ thấm suốt khắp, được Ngài ban cho thần lực vận động ở trong các lương năng thuộc linh, đến đỗi trở nên một phần tử của giống người đã nhờ Jesus Christ mà được tái tạo vậy. Sự liên hiệp với Christ chẳng phải là liên hiệp với một tôn giáo thống hệ, hoặc với một giáo hội tổ chức, hay là với một đoàn thể hữu hình đâu, bèn là liên hiệp với chính Christ phục sanh vậy.

Sự liên hiệp với Christ vốn là lý do công bình và hợp pháp về tín đồ bởi đức tin hưởng được các ích lợi do sự chuộc tội mà ra. Bởi vì nhờ sự liên hiệp ấy người được dự phần đến thần tánh, làm con cái của Đức Chúa Trời (IIPhi 1:4). Giả như Christ bởi sự đầu thai được dự phần nhân tánh ta là lý do công bình và hợp pháp về Ngài phải kế thừa địa vị tội trách của ta (Hê 2:14) thế nào, thì chúng ta bởi sự tái sanh đều dự phần thần tánh của Ngài là lý do công bình và hợp pháp về chúng ta được kế thừa sự công nghĩa của Ngài (ICô 6:17) cũng thế ấy. Ở đây có hai lẽ đạo bình hành: Christ nhờ sự đầu thai mà phải đứng trong địa vị tội trách của ta; chúng ta nhờ sự tái sanh mà được đứng trong địa vị thánh khiết của Ngài. Nhơn vì sự liên hiệp với Christ mà Đức Chúa Trời đã lựa chọn và kêu gọi tín đồ. Việc liên hiệp ấy bắt đầu ở sự tái sanh, và hoàn thành trong sự trở lại cùng Chúa, được tuyên bố bởi sự xưng nghĩa, và được thực nghiệm trong sự nên thánh của tín đồ. Sau đây xin kê cứu qua đạo huyền diệu ấy cho tường tận hơn.

II. KINH THÁNH LUẬN VỀ SỰ LIÊN HIỆP ẤY

Kinh Thánh thường theo hai cách mà luận đến sự liên hiệp của tín đồ với Christ, tức là cách hình bóng và cách trần thuật.

1.    LUẬN CÁCH HÌNH BÓNG.

Christ là nguồn của sự sống thuộc linh. Linh hồn nhờ đức tin mà được liên hiệp với Ngài trong sự sống ấy. Kinh Thánh dùng năm điều trong cõi nhơn sự để làm hình bóng minh giải sự liên hiệp huyền diệu ấy, tức là sự kiến trúc, hôn nhân, thực vật, thân thể, và chủng loại. Xin lần lượt kê cứu tường tận như sau đây.

a)    Hình bóng kiến trúc: Hình bóng nầy dùng chỗ quan hệ của nền tảng với cái nhà mà bày tỏ thế nào tín đồ liên hiệp với Christ. Christ là nền tảng, còn dân Ngài là cái nhà, và mỗi một tín đồ đều là những hòn đá sống liên hiệp nhau mà xây thành một tòa nhà cho Đức Chúa Trời trong Thánh Linh. Có câu chứng: Êph 2:19-22; Côl 2:7. “… gây dựng trong Ngài…”; IPhi 2:4,5. Cũng xem Thi 118:22; Ês 28:16; ICô 6:19; IICô 6:16.

b)    Hình bóng hôn nhơn: Hình bóng hôn nhơn viện lấy sự tương quan thân mật vợ chồng để minh giải thế nào tín đồ liên hiệp với Christ, tỏ ra sự liên hiệp ấy không thể nào phân ly được. Christ là Chồng, dân Ngài là vợ. Yếu điểm của hình bóng ấy tỏ ra tình yêu thương giữa Chúa và dân Ngài rất thân mật và nồng nàn, cũng như tình yêu thương của vợ chồng vậy. Trong Cựu ước thường dùng đạo vợ chồng để bày tỏ chỗ quan hệ thân mật giữa dân Y-sơ-ra-ên và Giê-hô-va. Trong Tân ước Phao-lô cũng mượn tiêu hiệu ấy để dạy dỗ về linh hồn liên hiệp với Christ. Và cả hai kinh ấy đều minh chứng rằng sự lìa bỏ Đức Chúa Trời là phạm tội ngoại tình thuộc linh vậy. Các câu Kinh Thánh trưng dẫn dưới đây biểu dương hình bóng ấy. Rô 7:4; IICô 11:2; Êph 5:31,32

Christ lìa cha mẹ (tức lìa bên hữu Đức Chúa Trời) phối hiệp với Hội Thánh là vợ Ngài, cả hai thành nên một thân thể trong Thánh Linh. Khải 19:7; Khải 22:17. Cũng xem Ês 54:5; Giê 3:20; Ôs. 2:2-5.

c)     Hình bóng thực vật: Hình bóng nầy dùng tương quan của nhánh với gốc để tỏ ra sự liên hiệp của tín đồ với Christ. Như mủ nhựa ở trong gốc cây lưu sự sống cho các nhánh thế nào, thì Thánh Linh ở trong các tín đồ trong Christ cũng lưu sự sống của Đức Chúa Trời cho họ thể ấy. Christ là Cây Nho thuộc linh và tín đồ là nhánh của cây ấy, nhờ sự cứu rỗi mà được tháp vào, để kết quả xứng hiệp với bản tánh của gốc nó vậy. Những câu viện dẫn dưới đây minh thị hình bóng thực vật. Gi 15:1-10; Rô 6:5; Rô 11:24; Côl 2:6-7

d)    Hình bóng thân thể: Hình bóng nầy viện lấy sự tương quan của thân thể với đầu mà mô tả thế nào tín đồ liên hiệp với Christ. Christ là Đầu, còn Hội Thánh là thân thể. Như các chi thể hiệp lại với đầu mà làm nên một thân thể hoàn toàn thể nào, thì các tín đồ liên hiệp với Christ mà làm nên một thân thể thuộc linh cũng thể ấy. Trong thân thể đầu là chủ, cai trị mọi tư tưởng việc làm của thân thể thể nào, thì trong Hội Thánh Christ là Chúa, cai trị mọi tư tưởng việc làm của Hội Thánh cũng thể ấy. Có câu Kinh Thánh dạy rằng: ICô 6:15,19; ICô 12:12; Êph 1:22,23; Êph 4:15,16; Êph 5:29,30

a)    Hình bóng chủng loại: Hình bóng nầy viện lấy sự tương quan của dòng giống loài người với A-đam để giải nghĩa thế nào tín đồ liên hiệp với Christ. Như cả dòng giống loài người liên hiệp với A-đam thứ nhứt, sa ngã ở trong người kế thừa bản tánh hủ bại và địa vị tội trách của người thế nào, thì cả dòng giống tín đồ liên hiệp với Christ là A-đam thứ nhì, trở nên dòng giống mới, được xưng nghĩa trong Ngài, và kế thừa bản tánh cùng địa vị thánh khiết của Ngài cũng thể ấy. A-đam thứ nhứt là đại biểu của dòng giống thuộc huyết khí; Christ là Đại biểu của dòng giống thuộc linh. Loài người nhờ nguyên tổ A-đam mà hưởng được sự sống thuộc thể thể nào, thì tín đồ nhờ Christ mà hưởng được sự sống thuộc linh cũng thể ấy. Các câu Kinh Thánh dẫn dưới đây minh huấn về hình bóng nầy. Rô 5:12,21; ICô 15:22,45,49. Cũng xem Sáng 2:23

Tín đồ là chi thể của thân thể Christ, vì Ngài là Nguyên tổ thuộc linh của họ. Như sự thực hữu và sự sống thiên nhiên của Êva do A-đam mà ra thể nào, thì sự thực hữu và sự sống thuộc linh của tín đồ do Christ mà ra cũng thể ấy. Như Êva là nội trợ của A-đam do thân của người trong lúc người ngủ mê mà lấy ra thể nào, thì Hội Thánh là nội trợ của Christ, do thân thể được lấy ra lúc Ngài ngụ trong mồ mả cũng thể ấy. Êva rất gần gũi và thân mật với A-đam thể nào, thì Hội Thánh cũng được rất gần gũi và thân mật với Christ thể ấy. Trong Ês 9:6 Christ được xưng là “Cha Đời Đời”, vì Ngài là nguồn của cả sự sống thuộc linh của dân sự Ngài. Cũng tại cớ ấy mà có nói về Ngài rằng, “người sẽ thấy dòng dõi mình… và lấy làm thỏa mãn” (Ês 53:10-11).

2.    LUẬN CÁCH TRẦN THUẬT

Vả, Kinh Thánh chẳng những là luận đến đạo huyền diệu nầy theo cách hình bóng thôi đâu, lại luận đến cách trần thuật, dùng lời lẽ theo nghĩa đen mà tỏ ra tín đồ thật liên hiệp với Christ một cách hữu sanh hoạt vậy. Kinh Thánh trần thuật rằng:

a)    Tín đồ ở trong Christ: Tín đồ được ở trong Christ, ấy là điều Kinh Thánh dạy rõ ràng. Như thân thể mình ở trong không khí, được không khí bao phủ, và làm đầy đủ bề trong thể nào, thì tín đồ ở trong Christ, được Ngài bao phủ, và làm cho đầy đủ bề trong cũng thể ấy. Thực, hai chữ “trong Christ”, nghĩa thật là liên hiệp với Christ, và là chìa khóa của cả đạo Tân ước vậy. Gi 14:20. “Các ngươi ở trong ta.”; Rô 6:11; Rô 8:1; IICô 5:17; Êph 1:4Êph 2:13

b)    Christ ở trong tín đồ: Theo những câu trưng dẫn dưới đây, thì ta thấy Christ sống ở trong tín đồ, đến đỗi chính tín đồ cảm xúc sự sống ấy, và có thể làm chứng rằng mình không còn sống nữa, bèn là chính Christ sống ở trong mình vậy. Gi 14:20. “Ta ở trong các ngươi.”; Rô 8:10; Ga 2:20

c)     Cha và Con cư trú trong tín đồ: Cả hai Cha và Con đều cư trú trong tín đồ, vì nơi nào có Con cũng có Cha; bởi chưng Con bao giờ cũng bày tỏ Cha cho tín đồ luôn. Gi 14:23; Êph 3:17; IGi 4:16

d)    Tín đồ dự phần trong Christ mà được sống: Những câu dẫn dưới đây đều dạy rằng, như Con dự phần với Cha mà được sống thế nào, thì tín đồ dự phần với Christ mà được sống cũng thể ấy. Gi 6:53,56,57

e)    Các tín đồ đều liên hiệp trong Christ: Như Christ hiệp nhứt với Cha thể nào, thì tín đồ liên hiệp với nhau thành một đoàn thể cũng thể ấy. Gi 17:21-23.

f)     Tín đồ dự phần thần tánh: Tín đồ được dự phần thần tánh chẳng phải do thân thể yếu biến hóa thành thân thể yếu đâu, bèn là do Christ hằng cư trú trong lòng, hiệp với linh hồn họ một cách khắng khít mà được nên vậy. IIPhi 1:4

III. CHÂN TÁNH CỦA SỰ LIÊN HIỆP VỚI CHRIST

Sự liên hiệp với Christ không những là một thực sự rất quan hệ đối với đời sống ta, mà lại là tỏ ra sự quan hệ của loài người hữu hạn với Đức Chúa Trời vô hạn. Bởi cớ ấy lấy làm khó dùng lời phàm mô tả chân tánh của sự liên hiệp đó nổi. Dầu vậy, nhờ Kinh Thánh và sự từng trải của tín đồ, ta có thể mô tả sơ lược một vài điều về phản diện và chánh diện của sự huyền diệu ấy.

1.    PHẢN DIỆN

Về phản diện chúng ta có thể quyết dạy rằng:

a)    Chẳng phải sự liên hiệp thiên nhiên: Lý tánh đang chủ trương rằng sự liên hiệp của tín đồ với Christ chẳng qua là Đức Chúa Trời can thiệp đến tâm linh của người, như Ngài can thiệp đến mọi người, mà dựng nên, ban sự sống, và bảo tồn họ đó thôi. Nhưng ý kiến ấy sai lầm, vì tín đồ cảm xúc trong mình có một sự sống khác hơn sự sống thuộc thể, là sự sống thuộc linh của Christ hành động ở trong mình, khiến cho mình vừa muốn vừa làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời. Phao-lô cũng nhìn nhận lẽ thật ấy, vì ông khuyên ta hãy làm nên sự cứu rỗi ta, “vì ấy là Đức Chúa Trời hành động trong anh em, để vừa muốn vừa làm nên ý tốt Ngài.” (Phil 2:12,13).

b)    Chẳng phải sự liên hiệp do luân lý: Phái Socin và phái Arminius chủ trương rằng sự liên hiệp nầy do luân lý mà ra, nhờ tình yêu thương và sự đồng cảm mà được nên, như sự liên hiệp của thầy trò, bè bạn, v.v. vậy (ISa 18:1). Nhưng sự liên hiệp của tín đồ với Christ rất sâu nhiệm hơn, vượt quá sự liên hiệp do luân lý mà ra, bởi chính Christ đã vì kẻ tin Ngài mà cầu xin Cha rằng: “Con… vì họ cầu xin… để họ đều hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha; lại để cho họ cũng ở trong chúng ta, hầu cho thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Gi 17:20,21). Câu ấy tỏ ra sự liên hiệp nầy giống như sự hiệp nhất của Con với Cha vậy.

c)     Chẳng phải do sự hỗn hiệp hai thể yếu: Nhiều kẻ thuộc thần bí phái chủ trương rằng trong cuộc tín đồ liên hiệp với Christ, thì thể yếu của tín đồ và thể yếu của Christ đều hỗn hiệp. Nếu quả như lời, thì cả tín đồ lẫn Christ đều mất ngôi đặc biệt, thể yếu nầy hỗn hóa với thể yếu kia, đến đỗi trở nên những vị không phải là người mà cũng chẳng phải là Đức Chúa Trời vậy. Ý kiến ấy cũng sai, vì chẳng khác nào vạn hữu thần thuyết vậy. Ta khá nhớ rằng Christ liên hiệp với tín đồ chẳng phá hủy ngôi bản ngã của người đâu, bèn là khiến cho nó được khai phát, làm cho các lương năng nó được tấn bộ, đạt đến chỗ trọn vẹn cực điểm.

d)    Chẳng phải do sự dự các thánh lễ của Hội Thánh: Giáo hội La-mã chủ trương rằng sự liên hiệp tín đồ với Christ là do tín đồ dự các thánh lễ (saerement) của Giáo hội, như lễ báp têm và lễ tiệc thánh mà được nên. Ý kiến ấy rất sai, rất nguy, vì coi sự liên hiệp ấy là thuộc thể và thuộc chất, chủ trương Cơ đốc giáo chẳng qua là đạo do lễ thức nầy kia đó thôi. Vả lại, lễ báp têm và lễ tiệc thánh đều thuộc về kẻ đã làm tín đồ rồi; mà nếu ai đã là tín đồ rồi, thì cố nhiên cũng đã hiệp với Christ rồi. Thành thử, sự liên hiệp đó không do các thánh lễ mà được nên đâu, bèn là đã có sự liên hiệp đó trước, rồi sau mới có thể dự các lễ nghi ấy cách xứng đáng và linh nghiệm vậy. Kỳ thực, lễ báp têm và lễ tiệc thánh làm tiêu hiệu về sự liên hiệp ấy, chứng rằng hễ ai được dự đến cách xứng đáng, nấy là người đã liên hiệp với Christ trong sự chết và sự sống lại của Ngài rồi vậy.

2.    CHÁNH DIỆN

Về chánh diện của sự liên hiệp nầy có những đặc sắc như sau đây:

a)    Hữu cơ thể: Sự liên hiệp với Christ hữu cơ thể, vì tín đồ nhờ đó mà trở nên chi thể của Christ, và dự phần trong nhân tánh trọn vẹn của Ngài. Phao-lô chép: “Vì chúng ta là chi thể của thân Ngài” (Êph 5:29,30). Như trong thân thể ta các chi thể đều sống cho nhau, giúp đỡ lẫn nhau thể nào, thì trong thân thể của Christ các chi thể đều nhờ Đầu vàvì Đầu mà sống cũng thể ấy.

b)    Hữu sanh hoạt: Nhờ sự liên hiệp nầy, sự sống của Christ trở nên sự sống của tín đồ, khiến cho tín đồ cử chỉ theo nguyên tắc của sự sống ấy. Christ chẳng cảm hóa bề ngoài của tín đồ, bèn là hành động, dụng công ở chính bề trong họ, chẳng khác gì huyết từ trái tim mà chân lưu khắp thân thể, phân phát sự sống, vệ sanh và sức mạnh đủ cần dùng cho người. Phao-lô chứng: Ga 2:20. Cũng xem Côl 3:3,4

c)     Thuộc linh: Sự liên hiệp nầy chẳng phải thuộc thể, bèn là thuộc linh, nhờ Thánh Linh tạo thành và bảo tồn luôn. Phao-lô lại dạy rằng: Rô 8:9,10

Câu ấy minh chứng rằng Christ nhơn Thánh Linh mà ngự trong lòng tín đồ, liên hiệp với họ, có Thánh Linh làm dây liên lạc sống và thánh vậy. Cũng xem Êph 3:16,17.

d)    Không thể phân ly: Kinh Thánh dạy rõ sự liên hiệp tín đồ với Christ không thể phân ly được, còn đến đời đời vô cùng. Nó được tồn tại luôn, chẳng phải do việc làm gì của tín đồ đâu, bèn chỉ tại thần quyền của Christ cứ hành động mãi ở trong họ mà được tồn tại vĩnh viễn vậy. Có câu chứng: Ma 28:20; Gi 10:28; Rô 8:35,39; ITê 4:14,17

e)    Mầu nhiệm: Sự liên hiệp nầy rất mầu nhiệm, cao siêu, vượt quá sự hiểu biết phàm tục. Tuy tín đồ từng trải, cảm xúc và quen biết sự hiệp nhứt nầy ở trong mình, nhưng chẳng có thể lấy lời lẽ phàm tục mà mô tả tường tận được. Tín đồ nhờ nó mà được giao thông với Christ rất thân mật, chịu cảm lực rất linh nghiệm, được vui mừng không xiết, đến đỗi vượt quá mọi sự liên hiệp nào khác mà linh hồn từng nếm biết. Có câu chứng: Êph 5:22; Côl 1:27

Christ nhờ sự vô sở bất tại mà có thể liên hiệp với mọi tín đồ, cùng tron một lược ngự khắp trong tất cả mọi người, đến đỗi mỗi cá nhơn tín đồ đều có cả bản ngã Christ ngự ở trong họ, ban cho họ sự sống, năng lực, và sự thánh khiết trọn vẹn. Thành thử, mọi tín đồ có thể nói rằng: “Christ hằng lo cho một mình tôi, ban cho một mình tôi cả sự công nghĩa, cả sự khôn ngoan, cả sự thánh khiết và cả quyền năng của Ngài, đến đỗi Ngài coi sóc và gìn giữ tôi cũng như chỉ có một mình tôi trong thế gian nầy vậy.”

IV. HIỆU QUẢ CỦA SỰ LIÊN HIỆP VỚI CHRIST

Như Christ nhờ sự đầu thai và sự sanh ra làm người mới có thể theo lẽ công bình đứng trong địa vị của loài người mà thế vị cho họ để gánh lấy tội lỗi và hình án của họ thể nào, thì tín đồ nhờ sự liên hiệp với Christ mà được quyền bính đứng trong địa vị của Ngài để kế thừa sự công nghĩa và sự thánh khiết của Ngài cũng thể ấy. Việc kế thừa ấy gồm lại việc cả bốn đề mục còn lại trong quyển nầy, tức là Sự trở lại cùng Đức Chúa Trời, Sự xưng nghĩa, Sự tái sanh, và Sự nên thánh. Sau đây xin lượt luận qua bốn đề mục ấy.

 

Chương 4 – LUẬN VỀ SỰ TRỞ LẠI CÙNG ÐỨC CHÚA TRỜI

KINH THÁNH dạy rõ ràng loài người đã lìa bỏ Đức Chúa Trời, theo đường riêng của mình mà sa vào tội lỗi. Họ như con hoang đàng đã bỏ nhà Cha, lưu lạc phương xa, tiêu sạch gia tài thuộc linh, đến đỗi đối với Đức Chúa Trời họ chết trong sự vi phạm và tội lỗi của mình. Đức Chúa Trời đã yêu thương thế gian, dự bị sẵn cho họ sự cứu rỗi bởi Christ làm ra. Nhưng hễ ai muốn dự phần trong sự cứu rỗi ấy, thì phải noi gương con hoang đàng kia, đứng dậy, trở lại cùng Cha, mới mong được cứu.

I. ÐỊNH NGHĨA

Vậy, sự trở lại cùng Đức Chúa Trời có nghĩa gì? Đáp: Sự trở lại cùng Đức Chúa Trời là tội nhơn tình nguyện đổi ý về Đức Chúa Trời, về Christ, và về chính mình mình. Về mặt nầy thì người lìa bỏ tội lỗi, còn về mặt kia thì người xây lại hướng cùng Christ. Việc lìa bỏ tội lỗi là yếu tố tiêu cực của sự trở lại cùng Chúa, được gọi là sự ăn năn; còn việc xây lại hướng cùng Christ là yếu tố tích cực, được gọi là đức tin. Trong việc ứng dụng và từng trải đạo cứu rỗi, sự trở lại cùng Đức Chúa Trời là phần thuộc về tội nhơn; còn sự tái sanh là phần thuộc về Đức Chúa Trời. Tuy Kinh Thánh thường tỏ rằng Đức Chúa Trời khiến cho loài người trở lại với Ngài, thì cũng năng khuyên họ hãy tự động trở lại với Ngài, như các câu dẫn ra dưới đây.

(1) Chúa khiến cho tội nhơn trở lại: Thi 85:4; Giê 31:18; Ga 5:21

(2) Tội nhơn tự động trở lại: Châm 1:23; Ês 31:6; Ês 59:20; Êxê 14:6; Êxê 33:9,11; Giôen 2:12-14

 

II. HAI PHƯƠNG DIỆN CỦA SỰ TRỞ LẠI CÙNG CHÚA

Những câu trưng dẫn trên đây dạy rõ ràng việc ứng dụng và từng trải đạo cứu rỗi cũng có hai phương diện: phương diện nầy hướng cùng Đức Chúa Trời, do chủ quyền tuyệt đối của Ngài được nên; phương diện kia hướng cùng loài người, do sự tự chủ của người ta mà thành công. Nếu Đức Chúa Trời không thương xót tội nhơn mà dùng ân điển và Thánh Linh để khiến người trở lại với Ngài, thì tội nhơn quả không hề trở lại được. Lại, nếu tội nhơn không tự mình tình nguyện chịu lìa bỏ tội mà trở lại cùng Đức Chúa Trời, thì cũng chẳng có quyền gì có đủ sức khiến người trở lại được bao giờ. Ấy quả là lẽ thật Kinh Thánh dạy, và lương tâm ta cũng chứng nhận rõ ràng lắm. Sau đây xin tra cứu hai điều chủ yếu của sự trở lại cùng Đức Chúa Trời, tức là Sự ăn năn và Đức tin.

1.    SỰ ĂN NĂN

Trong Kinh Thánh đạo ăn năn rất quan hệ, bước đầu trên con đường trở về nhà Cha. Giăng Báp tít và Chúa Jesus đều khởi đầu chức vụ mình mà bảo mọi người hãy ăn năn (Ma 3:1,2; 4:17). Khi Chúa Jesus sai mười hai sứ đồ và bảy mươi môn đồ đi giảng Tin Lành về nước trời, thì bảo họ phải giảng đạo ăn năn (Lu 24:47; Mác 6:12). Các sứ đồ cũng chuyên cần giảng dạy về sự ăn năn (Công 2:38; 20:21). Lòng Đức Chúa Trời hằng mong ước và mạng lịnh Ngài năng rao bảo mọi người phải ăn năn, trở lại với Ngài (IIPhi 3:9; Công 17:30). Hễ người nào không đếm xỉa đến lời Đức Chúa Trời bảo mình ăn năn, ắt chỉ phải trầm luân thôi (Lu 13:3). Vậy, sứ mạng quan hệ nhứt của nhà truyền đạo là khuyên bảo tội nhơn hãy ăn năn, dầu phải như Giăng Báp tít bị tù và chết, cũng chẳng nên nín lặng, mà nên cứ lớn tiếng kêu mãi lên rằng: “Các ngươi hãy ăn năn, hãy ăn năn!” Bằng tội nhơn chẳng trải bước ăn năn, thì cũng chẳng hề đạt được sự cứu rỗi; vì bước thứ nhứt trên đường trở lại cùng Chúa là sự ăn năn.

a)    Định nghĩa sự ăn năn: Vả, sự ăn năn có nghĩa gì? Đáp: Động từ “ăn năn” trong nguyên văn Hi-lạp là métanoia, nghĩa đen là đổi ý. Vậy, nói đại khái, thì sự ăn năn là tội nhơn tình nguyện đổi ý mà lìa bỏ tội lỗi. Sự đổi ý nầy có nghĩa là bỏ ý kiến cũ về một việc gì đó, mà theo ý kiến mới. Như tội nhơn trở lại cùng Chúa, thì phải đổi ý kiến cũ mà người đã chủ trương về Đức Chúa Trời, về Christ, về tội lỗi và tuần, khuyên bảo dân Do Thái hãy ăn năn, thì chẳng qua là ông khuyên họ hãy đổi ý về Christ, về sự chết và sự sống lại của Ngài. Họ đã coi Ngài là người thường, một đứa giả dối hay lừa gạt người ta. Nay Phi-e-rơ đem công việc Ngài, sự chết, sự sống lại Ngài, mà chứng minh Ngài là Con Đức Chúa Trời, Cứu Chúa của thế gian. Nếu thính giả chịu bỏ ý kiến cũ kỹ kia mà theo ý kiến mới và thật mà Phi-e-rơ đương giảng ra đó, thì họ chắc được cứu. Truyện tích về con hoang đàng và người thâu thuế cũng thí dụ cho sự đổi ý ấy (Lu 15 và 18). Con hoang đàng đổi ý về địa vị mình, nên quyết định đứng dậy trở về nhà Cha. Người thâu thuế đổi ý về tội lỗi mình, nên mới đấm ngực kêu cầu Đức Chúa Trời thương xót mình.

b)    Ba yếu tố của sự ăn năn: Sự ăn năn gồm có ba yếu tố có quan hệ với cả bản ngã của loài người, tức là quan hệ với trí ngộ, cảm tình và ý dục.

(1)Yếu tố quan hệ với trí ngộ: Yếu tố thứ nhứt của sự ăn năn quan hệ với trí ngộ. Tội nhơn đổi ý kiến về địa vị mình, nhìn nhận mình có tội, đương đứng trong địa vị ô uế, tự kể mình là đứa hư mất, vô phương khả đạo. Người ta thường nói: “Cái khổ cho người đời là không tự biết mình.” Mà thực người cực khổ lớn hơn hết là người không tự biết tội mình, không rõ chân tánh của nó hư hoại là dường nào, đáng bị gia hình ở trước mặt Đức Chúa Trời nặng đến ngần nào. Nhận biết tội mình đã phạm là nhiều hơn tóc, cao hơn trán, đỏ hơn son, nặng hơn núi, đè đầy đầu cổ, hãm cả tâm linh lẫn thân thể, ấy là bước đầu của sự ăn năn. Khi vua Đa-vít ăn năn tội gian dâm, sát nhơn, thì kêu la cách thảm thiết rằng: “Vì tôi nhìn biết các sự vi phạm tôi, Tội lỗi tôi hằng ở trước mặt tôi… Xin chớ từ bỏ tôi khỏi trước mặt Chúa, Cũng đừng cất khỏi tôi Thánh Linh của Chúa” (Thi 51:3,11). Phao-lô cũng dạy rằng: “Do luật pháp mà có sự biết tội” (Rô 3:20). Cũng xem Rô 1:22.

Vả, có lắm người không phải là dốt nát về tội, song họ không coi tội là ô uế khốn khổ. Họ sống một cách thái nhiên giữa vòng trần tục tội ô, mà chẳng lời than phiền, chẳng tiếng oán trách, duy coi tội là sự yếu đuối, có dính dấp phần nào cũng chẳng qua là lẽ tất nhiên đó thôi. Hễ ai ăn năn thật lòng, chẳng những là tự biết tội mình, mà lại cũng nhận rằng tội lỗi là khổ sở, cay đắng, gớm ghiếc, và khốn nạn ở trước mặt Đức Chúa Trời không xiết kể. Kẻ ấy sẽ đồng thinh với Gióp mà kêu lên rằng: “Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ mắt tôi đã thấy Ngài. Vì vậy, tôi lấy làm gớm ghê tôi, Và ăn năn trong tro bụi” (Gióp 42:5,6).

(2)Yếu tố quan hệ với cảm tình: Yếu tố thứ hai quan hệ với cảm tình. Tội nhơn không những là cần tự biết tội mình mà thôi, lại cảm tình cũng cần đổi hướng, đến đỗi vì Đức Chúa Trời thánh khiết, đã khinh bỉ lòng nhơn từ thương xót của Ngài, đã cố ý lìa bỏ đường công chánh mà trở nên một đứa bất công bất khiết, chỉ đáng bị gia hình đời đời đó thôi. Sự buồn rầu ấy phải có yếu tố thứ ba (sẽ cắt nghĩa sau đây) cặp theo, mới kết quả sự ăn năn thật; vì Kinh Thánh gọi sự buồn rầu ấy là “sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời” (IICô 7:9,10). Bằng chẳng có yếu tố ấy cặp theo, thì sự buồn rầu ấy ắt sanh ra sự cắn rứt tuyệt vọng mà Kinh Thánh gọi là “sự buồn rầu của thế gian”, duy kết liễu sự chết đời đời đó thôi. Các câu dẫn dưới đây luận về nguyên tố thứ hai ấy rằng: Thi 51:1,2,10,14 (ấy là sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời). Ma 27:3,5; Lu 18:23; IICô 7:9,10

Khá phân biệt sự buồn rầu vì sự hổ thẹn và sự sợ hãi do hiệu quả của tội mà ra với sự buồn rầu sanh ra sự ăn năn thật. Sự buồn rầu nầy là vô tư; còn sự buồn rầu kia là ích kỷ. Tội nhơn có thể tự trách, tự hối vì đã ngu dại mà phạm tội; nhưng nếu sự tự trách tự hối đó không khiến cho người sấp mình xuống ở dưới chơn Chúa, tận tâm khiêm tốn xưng tội mình ra, thì cũng vô ích cả. Nhiều người buồn rầu vì tội mình, lắm lúc cũng tuôn lụy tràn châu, nhưng chẳng ăn năn thật đâu. Họ giống như một em gái kia, cầu Chúa rằng: “Lạy Đức Chúa Trời ôi, xin khiến con trở nên một đứa hiền lành, nhưng không cần hiền lành quá, chỉ hiền lành đủ để con khỏi bị ba má đánh đập thì thôi!” Sự ăn năn của vua Đa-vít ký thuật trong Thi 51 làm vì dụ về sự ăn năn thật. Trong sự ăn năn đó, Đa-vít chẳng suy nghĩ về hiệu quả của tội ra sao, hoặc người khác nghĩ thế nào, hay là theo bản tánh hủ bại nguyên tổ đã lưu lại mà chữa mình đâu. Bèn là coi tội mình là sự vi phạm nghịch cùng Đức Chúa Trời, khiến cho mình bị ô uế cả bề trong lẫn bề ngoài, đến đỗi cảm xúc rằng nếu Chúa không thương xót mà tha thứ cho, thì chắc phải tuyệt vọng hư mất đó thôi.

Vả, ai có thể khiến cho tội nhơn buồn rầu xứng đáng dường ấy? Đáp: Chỉ nhờ công năng của Thánh Linh màthôi. Ông A.J> Gordon luận rằng: “Lương tâm làm chứng về luật pháp; Thánh Linh làm chứng về ân điển. Lương tâm lấy luật pháp mà thuyết phục tội nhơn; Thánh Linh dùng Tin Lành mà thuyết phục người. Sự thuyết phục về tội mình đã phạm, về công nghĩa mình không thể đạt đến, về sự xét đoán sắp thi hành trên mình. Còn Đấng Yên ủi thuyết phục về tội mình đã phạm, về công nghĩa của Christ mà Đức Chúa Trời sẵn lòng ban cho mình, về sự xét đoán đã làm xong ở nơi Christ rồi. Thực, chỉ một mình Thánh Linh có thể tỏ chân tánh của tội lỗi, ban ơn cho người ta cũng hiểu được và ghê sợ nó nữa.”

(3)Yếu tố quan hệ với ý dục: Yếu tố thứ ba của sự ăn năn quan hệ với ý dục. Tự biết tội và buồn rầu vì tội chưa đủ. Tội nhơn còn cần phải quyết định lìa bỏ tội mà tìm kiếm Chúa, khẩn thiết Ngài tha thứ cho, cầu xin Ngài dùng huyết của Christ mà tẩy sạch lòng mình nữa, mới đáng gọi là sự ăn năn thật. Yếu tố nầy quan hệ hơn hết, cũng gồm lại hai yếu tố trước, và thường làm dấu hiệu chứng rằng tội nhơn đã thật lòng ăn năn vậy. Trong Kinh Thánh việc nầy gọi là Métanoia (Công 2:38; Rô 2:4). Có câu chứng rằng: Thi 51:5,7,10; Châm 28:13; Giê 25:5; Công 2:38

Vả, sự lìa bỏ tội gồm lại bốn việc rất quan hệ, tức là:

(a)Ghét tội: Quả đã hay tội là khổ, là ác, thì dễ thường lại không ghét nó. Kỳ thực, nếu tội nhơn không có lòng ghét tội, ắt không thể lìa bỏ nó được bao giờ. Đức Chúa Trời vì thương tội nhơn mà ghét tội, còn đành bỏ Con Độc sanh của Ngài thay, huống chi chúng ta chẳng nên càng thương Đức Chúa Trời mà ghét tội càng hơn sao? Chúa Jesus cũng dạy ta nên ghét tội, đến đỗi nếu có mắt hay chơn xui mình phạm tội, thì thà móc mắt hay chặt chơn đi mới phải (Ma 5:29,30). Thực vậy, ta thường thấy nếu châu thân ta có ung độc dầu chỗ nào thì cũng cam lòng tiêu trừ; vì hễ càng thương thân chừng nào, lại càng ghét tật bịnh chừng nấy. Mà nếu người ta sốt sắng trừ khử tật bịnh của thân thể dường ấy, huống chi là tật bịnh của linh thể, ta há chẳng nên sốt sắng trừ khử muôn phần hơn sao? Sự bối rối trong tâm linh của người ta, tình trạng khốn khổ trong thế giới, đều há chẳng tại tội mà ra ư? Vậy, sao không ghét tội? Sao không lập chí xa lìa nó? Vì người ta có ai bao giờ lại dám ấp rắn mà chơi ư? Ai là người bị ung độc mà lại không lo điều trị tiêu trừ ru?

(b)Hối tội: Sự hối tội là bởi lòng ghét tội mà ra. Chưa hề có ai ghét tội mà lại không hối tội. Thực, nếu không có lòng hối tội, thì làm sao muốn lìa bỏ nó được? Thế nào khẩn thiết Chúa tha thứ, giải cứu khỏi quyền năng nó? Tội nhơn chịu ăn năn, cần phải biết hối tội như Phi-e-rơ đã thống hối than khóc thảm thiết (Ma 26:75), như đờn bà kia đổ nước mắt dầm dề dưới chơn Chúa (Lu 7:44), như vua Đa-vít lụy tuôn ướt cả nệm giường, nước mắt lộn với đồ ăn thức uống (Thi 32:1-4). Vì họ đều cảm xúc sự khốn khổ của tội, nên mới ghét đắng ghen cay nó mà thống hối cách thảm thiết dường ấy.

(c) Xưng tội: Tội nhơn cũng cần phải xưng tội ra. Nếu trong lòng đã thật ăn năn cách đau thương, thì không thế nào không đến trước mặt Đức Chúa Trời mà xưng tội, thú nhận mọi sự vi phạm của mình, như kẻ thâu thuế kia, đấm ngực mà kêu cầu cùng Chúa rằng: “Xin thương xót tôi là kẻ có tội” (Lu 18:13); như Đa-vít tự trách tội mình, xưng ra trước mặt Chúa mà rằng: “Đức Chúa Trời ôi! Xin thương xót tôi tùy theo lòng nhơn từ của Chúa; Xin xóa các sự vi phạm tôi theo sự từ bi rất lớn của Chúa” (Thi 51:1-4; 32:5). Sự xưng tội rất quan hệ, vì Kinh Thánh dạy rằng: “Người nào giấu tội lỗi mình sẽ không được may mắn; Nhưng ai xưng nó ra và lìa bỏ nó sẽ được thương xót” (Châm 28:13). Lại, nếu có xúc phạm với ai, căm giận ai, ghen ghét ai, thì phải thân hành đến người đó, xưng tội, cầu nguyện với nhau (Gia 5:15), mới mong Chúa tha thứ cho mình. Bởi vì hễ ai chẳng khứng tha thứ cho anh em mình, cũng chẳng có hi vọng được Đức Chúa Trời tha thứ cho mình vậy (Ma 3:23,24; 6:12,14,15; Lu 17:3).

(d)Đền bồi: Vả, sự ăn năn được kể là chánh đáng chỉ khi nào có sự bồi thường cặp theo. Nói cho đúng thì sự bồi thường là bông trái của sự ăn năn, tỏ ra mình đã thật lòng ăn năn vậy. Đền bồi đây nghĩa là bổ lỗi ngày xưa, trả lại tiền của phi nghĩa, sửa lại lời nói hành nói xấu, đền lại điều mình làm thiệt hại ai bất cứ cách nào. Cựu ước dạy đạo bồi thường rõ lắm, bảo dân sự phải mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng. Xâm khuy tài vật của ai, thì phải bồi thường sung số (Xuất 21:28-36; Lê 24:18); chiếm đoạt của cải người nào, phải đền gia bội; phỉnh người lấy của, hoặc trộm cắp vật gì, thì chẳng những là phải trả lại y số, mà còn phải đem thêm số lời nữa (Lê 6:2-5; Dân 5:7). Ấy cũng là đạo mà các tiên tri dạy và giữ theo (ISa 12:3; Êxê 33:15)

Nhưng có kẻ nói rằng: “Ấy là luật pháp buộc phải làm vậy, chớ ân điển thì khác.” Ta xin đáp: Khi Xachê ăn năn tội, thì phải thực hành lẽ đạo bồi thường và Christ ngầm chứng rằng việc bồi thường đó là bông trái của sự ăn năn thật, bởi vì sau khi Xachê đã quyết định thực hành đạo bồi thường, thì Chúa phán rằng: “Hôm nay sự cứu rỗi đã đến nhà nầy” (Lu 19:8,9).

c)     Ý kiến sai lầm về sự ăn năn: Về đạo ăn năn cũng có nhiều ý kiến phản đối lẽ thật dạy trong Kinh Thánh. Trong các ý kiến ấy có ý kiến của Giáo hội La-mã là quan hệ hơn hết. Giáo hội ấy chủ trương ba yếu tố của sự ăn năn như sau nầy: (1) Thống hối; (2) Xưng tội; (3) Đền bồi. Về ba yếu tố ấy họ dạy dưới đây:

(1)Thống hối: Sự thống hối, đại khái là tội nhơn phải buồn bã vì tội lỗi mình, ghét nó, và cố quyết không phạm đến nữa. Chỉ tội do tình dục xui phạm, thì không cần buồn bã để ăn năn làm gì. Vì theo Giáo La-mã, tội ấy không phải là tội trọng, bèn chỉ tại sự yếu đuối dính vào xác thịt, đến lúc lìa khỏi thân thể mới mong thoát được thôi. Nhưng ý kiến ấy sai lầm, vì Kinh Thánh dạy rằng: Ga 5:19-21

(2)Xưng tội: Kinh Thánh dạy người ta phải xưng tội cùng Đức Chúa Trời để được tha. Trái lại, Giáo hội La-mã dạy rằng phải xưng tội với nhà tư tế (prêtre), không nên giấu tội nào cả. Bằng có tội trọng nào mà không chịu xưng ra với người, thì không bao giờ được tha, và nếu cố ý giấu tội ấy thì tội nhơn lại thêm tội phạm thượng, càng mắc tội nặng gấp bội. Nhà tư tế cầm quyền của chìa khóa (Xem Ma 16:19), sẽ giải tội cho tội nhơn cũng như chính Christ giải tội cho họ vậy. Thuyết nầy rất sai lầm, bởi vì:

(a)Kinh Thánh chẳng dạy người ta phải xưng tội với nhà tư tế nào cả. Trái lại, có câu bảo ta hãy xưng tội lẫn nhau thì có. Gia 5:16

(b)Thuyết nầy làm bại hoại cả phương pháp cứu rỗi, vì đặt một bậc tư tế vốn yếu đuối, hay phạm tội làm kẻ trung bảo ở giữa tín đồ và Christ. Kinh Thánh dạy rõ ràng chỉ Christ là Đấng Trung bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người (ITi 2:5). Ngài làm trọn cả chức nhiệm ấy mà chuộc tội, và bào chữa chúng ta ở trước mặt Đức Chúa Trời (IGi 2:1; Hê 9:12,24; 7:25). Trong Ngài có sự cứu rỗi hoàn toàn, duy nhờ Ngài mà người ta có thể đến cùng Cha được (Gi 14:6; Công 4:12); chỉ một mình Ngài có phẩm giá và công lao hoàn toàn tuyệt đối để hành chức trung bảo cao thượng ấy (Hê 10:14; Côl 2:10). Lại cũng không cần ai làm trung bảo giữa ta và Christ, vì Ngài là Anh của ta, Thầy Tế lễ hay cảm thương ta, thường mời ta hãy trực tiếp đến với Ngài (Ma 11:28). Còn việc lôi kéo ta đến cùng Ngài cũng chẳng phải là việc của tư tế bất toàn kia đâu, bèn là việc của chính Thánh Linh vậy. (Gi 6:44; 16:14). ITi 2:5; IGi 2:1; Hê 9:12,24; Hê 7:25; Gi 14:6; Công 4:12; Hê 10:14; Côl 2:10; Gi 6:44; Gi 16:14

(c) Kinh Thánh dạy bảo ta hãy trực tiếp xưng tội với Đức Chúa Trời: Ma 11:28; ITi 2:5. Viện dẫn ở trên; IGi 1:9

(d)Sự xưng tội với bậc tư tế bao giờ cũng sanh ra sự trụy lạc cả phần thuộc thể lẫn phần thuộc linh, vì bậc tư tế đoạt lấy chỗ của Christ, khiến cho kẻ xưng tội tin cậy nơi người thọ tạo hơn là cậy nơi Đấng Tạo hóa. Cũng khiến cho tư tế có dịp dò xét chỗ kín nhiệm hơn hết của nhân cách giáo hữu, là việc chỉ thuộc về Đức Chúa Trời, và nhơn dịp ấy mở cửa cho Sa-tan cám dỗ cả kẻ tư tế lẫn người giáo hữu đương xưng tội, đến đỗi cả hai đều chìm đắm trong biển hoang hư bại hoại vậy. Lịch sử của Giáo hội La-mã làm chứng cho thực sự ấy một cách minh bạch lắm.

(e)Thuyết nầy giải nghĩa Kinh Thánh sai, vì thường viện dẫn Ma 16:19; 18:18; Gi 20:22,23, để chứng thực cho ý kiến ấy. Ta thấy lời dạy về chìa khóa và về quyền buộc và mở, thì Christ không những là phán cùng các sứ đồ mà thôi đâu bèn là phán với cả toàn thể môn đồ. Về chìa khóa cửa trời, thì Phi-e-rơ có dùng để mở cửa Tin Lành cho dân Do Thái nhằm lễ Ngũ tuần, và cho dân ngoại bang ở trong nhà Cọt-nây. Về sau không còn dùng đến nữa. Còn về quyền buộc và mở, thì các sứ đồ và các nhà truyền đạo đầu tiên đều thi thố mỗi khi họ giảng Tin Lành tỏ ra cho thiên hạ biết các điều kiện về sự cứu rỗi là ăn năn tội và tin cậy Christ. Từ ấy nhẫn nay, hễ ai theo các điều kiện ấy, thì nhà truyền đạo có quyền tuyên bố cho họ rằng tội lỗi họ đã được tha, họ đã được cứu, đã trở nên con cái của Đức Chúa Trời rồi. Hễ ai giải nghĩa câu ấy cách khác thì phản đối với cả sự dạy dỗ của Kinh Thánh, khinh dể công việc của Christ, và tự xưng mình là có quyền bằng chính Đức Chúa Trời, bởi vì chỉ một mình Ngài có quyền tha tội mà thôi.

(3)Đền tội: Yếu tố thứ ba trong đạo ăn năn của Giáo hội La-mã gọi là sự đền bồi. Khi tội nhơn đã xưng tội với nhà tư tế rồi, thì nhà ấy có quyền buộc tội nhơn phải chịu những việc khổ hạnh để đền bồi các tội vừa thú nhận đó. Việc khổ hạnh ấy có nhiều thứ, nặng hay nhẹ, nhiều hay ít, tùy theo chân tánh của tội. Họ cũng hay chia sự hình phạt tội ra làm hai thứ, là hình hiện thể và hình đời đời. Theo ý kiến họ thì tội nhơn có thể nhờ việc khổ hạnh mà chuộc tội hình hiện thể; còn chỉ Đức Chúa Trời có thể giải tội hình đời đời. Thuyết ấy cũng rất sai lầm, bởi vì:

(a)Phản đối Kinh Thánh mọi bề. Kinh Thánh dạy rằng chỉ sự chết của Christ trên thập tự giá có đủ giá trị có đủ giá trị để đền bồi tội lỗi của người ta.

(b)Khinh dễ cuộc đền tội hoàn toàn duy nhứt của Christ làm ra, khi Ngài đem dâng mạng sống Ngài trên thập tự giá làm sinh tế chuộc tội vậy (Hê 10:10-14).

(c) Phân biệt hình hiện thể với hình đời đời cũng phản đối Kinh Thánh. Sự hình phạt tội bao giờ cũng là cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Đương khi tội nhơn chưa được ân xá, thì tội hình ấy vẫn còn, và tội nhơn chẳng được bình an. Song khi tội nhơn đã nhờ tế lễ vãn hồi của Christ đền tội cho mình rồi, thì chẳng còn có sự định tội cho kẻ ấy nữa (Rô 8:1). Sự khổ nạn hiện thể của tín đồ là phương pháp sửa trị, chớ gọi là sự hình phạt hay là phương cách đền tội thật sai lầm quá chừng.

(d)Các việc “đền bồi” đó, nếu có Chúa bảo phải làm, thì không còn có thể gọi là “sự đền bồi” nữa, bèn là bổn phận thông thường của tín đồ đó thôi. Hễ tín đồ làm bổn phận mình thì chẳng bởi đó mà được công lao gì để đền tội đâu. Bởi vì làm trọn phận sự nầy chẳng có thể đền bồi tội bỏ phận sự kia được bao giờ. Bằng chẳng có Chúa bảo phải làm những việc “đền bồi” đó, mà tín đồ lại làm để đền tội mình, thì há chẳng phải là “sự thờ phượng theo ý riêng”, là điều Đức Chúa Trời gớm ghiếc đó sao? (Xem Côl 2:20-23).

d)    Những ngoại ý về đạo ăn năn: Đạo ăn năn lại có những đặc sắc nầy mà ta khá lưu ý đến.

(1)Sự ăn năn là việc thuộc bề trong, và chẳng lẫn lộn với sự thay đổi tỏ ra bề ngoài nơi hành vi cử chỉ của người ăn năn. Sự xưng tội và sự bồi thường tuy là quan hệ vàrất mật thiết với sự ăn năn, thì cũng là bông trái của sự ăn năn bề trong hơn là chính sự ăn năn đó vậy.

(2)Sự ăn năn vốn là địa vị tiêu cực, chớ chẳng phải là chính sự cứu rỗi đâu. Kỳ thực, sự ăn năn là bổn phận của tội nhơn, nên chẳng có công lao gì để đền bồi sự vi phạm của mình đâu. Bằng chẳng có đức tin cặp theo, thì sự ăn năn chẳng qua là sự buồn rầu tuyệt vọng về tội mà mình không có thể tự cứu chuộc được đó thôi.

(3)Ngoài đức tin chánh đáng cũng chẳng có sự ăn năn thật. Nếu tội nhơn không có hi vọng rằng Đức Chúa Trời sẽ thương xót tha tội cho, thì cũng chẳng có thể nào cảm xúc tội lỗi cực ác tệ, đáng gớm ghê không xiết kể. Thực, duy thập tự giá có quyền khiến cho tội nhơn ăn năn thống hối đó thôi (Xem Gi 12:32,33). Cho nên khi giảng dạy người ta phải ăn năn đối với Đức Chúa Trời, thì cũng phải khuyên bảo người ta hãy tin đến Jesus Christ, mới mong họ được cứu vậy (Ma 3:1-12; Công 19:4; 20:21; Lu 15:10,24; 19:8; Ga 3:7).

(4)Hễ ai thật có lòng ăn năn, cũng có đức tin chánh thức. Bởi vì sự ăn năn là phản diện của sự trở lại cùng Đức Chúa Trời, còn đức tin là chánh diện của việc ấy. Nên ai có mặt nầy, cũng chắc có mặt kia nữa, mới hiệp lý vậy.

2.    ĐỨC TIN

Chánh diện của sự trở lại cùng Đức Chúa Trời gọi là đức tin. Đức Chúa Trời dùng chữ “ái” mà bày tỏ ra phương pháp cứu rỗi; còn tín đồ thì bởi chữ “tín” mà nhận lấy sự cứu rỗi ấy. Đức Chúa Trời bởi Christ lấy lòng yêu thương vô hạn mà đến cùng loài người; còn loài người thì bởi bền lòng tin cậy Christ mà được đến gần Đức Chúa Trời. Trước đây ta thấy Đức Chúa Trời đã lựa chọn ta, kêu gọi ta, dùng Thánh Linh cảm hóa ta, cốt để khiến ta tin cậy nơi Christ, là Cứu Chúa của ta. Kinh Thánh dạy rằng: Rô 1:17; Gi 3:16; Ga 3:22; Êph 2:8

Ấy vậy, đức tin rất quan hệ, đến đỗi cả công việc cứu rỗi thuộc về phương diện tín đồ đều được nên bởi cơ quan ấy.

a)    Định nghĩa đức tin: Vậy, đức tin là gì? Đáp: Đức tin là đều tội nhơn tình nguyện đổi ý mà xây lòng hướng về Christ. Đức tin gây nên sự đổi ý kiến, đổi cảm tình, và đổi mục đích, có quan hệ với cả bản ngã, cũng như sự ăn năn vậy. Nói cách khác, đức tin giống như bàn tay ta giơ ra hướng về Đức Chúa Trời để nhận lãnh các hạnh phước do cuộc cứu chuộc của Christ mà ra.

b)    Ba yếu tố của đức tin: Như ta đã thấy, sự ăn năn có ba yếu tố thể nào thì đức tin cũng có ba yếu tố thể ấy. Ba yếu tố ấy cũng quan hệ với ba yếu tố của bản ngã, tức là quan hệ với trí ngộ, cảm tình, và ý dục. Xin theo ba yếu tố ấy mà giải thích đức tin như sau đây:

(1)Yếu tố quan hệ với trí ngộ: Yếu tố thứ nhứt của đức tin là sự tín phục lẽ thật về đạo cứu rỗi. Đại khái tội nhơn phải thừa nhận rằng cả Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời, phải tín nhận các lẽ Kinh Thánh dạy về Đức Chúa Trời, về loài người, về tội lỗi, về Cứu Chúa, về phương pháp cứu rỗi, đều là chánh giáo của Đức Chúa Trời cả. Đức tin nầy, tuy rất quan hệ và làm nền tảng của đức tin đưa đến Christ, thì cũng chưa có thể cứu ai được, vì nó chỉ thuộc về trí ngộ, có căn cứ ở nơi các sự thực của Cơ đốc giáo, và chỉ tiếp xúc với quan năng hiểu biết mà thôi. Lắm người đã có đức tin ấy mà không được cứu. Nhằm đời Christ cũng có kẻ chỉ lấy trí ngộ mà tín nhận Christ, cũng như Giăng chứng rằng: Gi 2:23,24.

Ni-cô-đem cũng có đức tin ấy, vì ông nói cùng Chúa rằng: Gi 3:2

Gia-cơ cũng dạy đức tin của trí ngộ không cứu ai được, vì ông chép rằng: Gia 2:19

Vả, đức tin của trí ngộ dầu không cứu rỗi ai, thì cũng là bước đầu tiên trên đường dẫn đến sự cứu rỗi. Cũng không phải là không kết quả đôi điều tốt lành đâu, vì ngày nay do sự tín nhận đạo Christ bằng trí ngộ, mà trong xã hội đã nảy ra biết bao việc bác ái từ thiện, như là nuôi kẻ mồ côi, cất nhà thương, coi sóc kẻ đau yếu, cứu tế kẻ nghèo khổ, v.v. Lịch sử chép rằng trong cổ La-mã đế quốc chẳng có nhà thương hoặc nhà mồ côi, hoặc việc gì bác ái từ thiện gì cả, bởi vì họ chưa biết gì đến đạo Christ.

(2)Yếu tố quan hệ với cảm tình: Yếu tố thứ hai của đức tin quan hệ với cảm tình. Tội nhơn cảm xúc linh hồn mình đương đứng trong địa vị hư mất, tự mình chẳng có thể cứu mình khỏi được. Nhưng khi nghe Tin Lành về ơn cứu rỗi trong Chúa Jesus Christ, thì lòng bèn cảm động, tin rằng ơn ấy có đủ quyền cứu linh hồn mình khỏi địa vị hư mất ấy được. Ta có thể tín phục Tin Lành là đạo cứu rỗi duy nhứt, nhưng nếu ta không thừa nhận là đạo có quyền cứu rỗi linh hồn của chính mình ta, thì sự tín phục ấy cũng chẳng đủ quyền đưa ta đến sự cứu rỗi đâu. Lắm người có yếu tố thứ nhứt và thứ hai của đức tin, đến đỗi trải một thời gian ngắn ngủi họ cũng dường như là tín đồ thật; song về sau đời sống của họ chứng rằng họ chưa được tái sanh đâu, vì hành vi cử chỉ của họ chẳng đơm bông kết trái xứng hiệp với đức tin sống và thật vậy. Kinh Thánh có câu luận về kẻ có đức tin bất toàn dường ấy rằng: Ma 13:20,21. Cũng xem Thi 106:12,13; Êxê 33:31,32; ; Gi 5:35; Gi 8:31,32

Những người ấy tín phục lời Chúa giảng dạy, nhưng chưa tín nhận chính Ngài làm nguồn gốc của đức tin và của đời sống của họ. Dầu vậy, Chúa chẳng khinh dể sự tín phục ấy đâu, vì là bước thứ hai trên đường dẫn đến đức tin hay cứu rỗi vậy.

(3)Yếu tố quan hệ với ý dục: Yếu tố thứ ba của đức tin hay cứu rỗi quan hệ với ý dục, và là yếu tố quan hệ hơn hết; vì dầu ai có hai yếu tố trước mà không có cái thứ ba nầy, thì cũng chưa có thể gọi là có đức tin hay cứu rỗi. Sau khi tội nhơn đã thừa nhận đạo Tin Lành là lẽ thật của Đức Chúa Trời, đã cảm xúc đạo ấy có quyền cứu rỗi linh hồn mình, thì cũng phải quyết định vâng theo điều kiện của đạo ấy mà tin cậy Christ làm Cứu Chúa của mình, mới mong được cứu. Việc tin cậy Christ có hai phương diện, tức là (a) đến cùng Christ, và (b) công nhận Christ.

(a)Đến cùng Christ: Nếu yếu tố thứ ba của sự ăn năn là lìa bỏ tội, thì yếu tố thứ ba của đức tin là đến cùng Christ. Loài người chẳng khác như con hoang đàng kia đã bỏ nhà Cha mà đi phương xa, ăn chơi buông tuồng, lãng phí cả gia tài mình. Khi nó tỉnh ngộ, thì nói rằng: “Ta sẽ đứng dậy trở về cùng Cha” (Lu 15:11-24). Ấy là nó đã có đức tin, tin nơi cha có sự tha thứ và sự cứu rỗi mới dám quyết định như vậy. Khi tội nhơn biết đạo Chúa, cảm xúc Chúa có quyền cứu rỗi mình, thì mới quyết định đi đến cùng Chúa, gieo linh hồn khốn nạn nơi chơn Ngài, cầu khẩn Ngài thương xót mà cứu vớt cho với. Kinh Thánh cũng chứng nhận lời nầy thực là lẽ thật, vì thường mời tội nhơn hãy nhìn xem Chúa, hãy đến cùng Ngài, hãy theo Ngài, hãy tin Ngài để được cứu. Ês 45:22; Ma 11:28,29; Gi 8:12; Gi 14:1; Công 16:31

Chúa chẳng ép ai đến cùng Ngài, nhưng Ngài chỉ khuyên mời. Tội nhơn nghe lời khuyên mời ấy, phải cố quyết vâng theo và nhận lấy, thì chắc được cứu. Kìa, có một cô gái nhỏ đương đứng trên hòn đá hiểm trở kia, không phương gì đi xuống được. Nhưng cha của cô ấy đứng ở phía dưới, giơ tay lên, khuyên con hãy gieo mình xuống trong cánh tay mạnh mẽ của cha. Tuy cô gái sợ hãi lắm, nhưng cứ vâng theo lời cha mà gieo mình vào cánh tay của cha, vì nó tin cậy nơi lời hứa, tình yêu thương, và cánh tay mạnh mẽ của cha. Tội nhơn cũng vậy, dầu lòng có sợ hãi, cũng hãy nên vâng lời Chúa mà gieo mình vào cánh tay hay cứu rỗi của Ngài, tin cậy nơi lòng thành tín của Ngài, bởi vì Ngài đã hứa: “Kẻ nào đến cùng Ta, thì Ta không bỏ ra ngòai đâu.” (Gi 6:37­)

(b)Công nhận Christ làm Cứu Chúa mình: Nhưng đến cùng Christ chưa đủ; tội nhơn cũng phải công nhận Christ là Cứu Chúa của mình, là nguồn của sự tha tội, là sự sống thuộc linh của mình. Dầu tội nhơn tín phục cả lẽ thật về Christ biên chép trong Kinh Thánh, lấy trí ngộ mà thừa nhận Ngài là Đấng Cứu thế đã chịu chết trên thập tự giá, sống lại và thăng thiên để cứu loài người, thì chính người ấy cũng chẳng được cứu, miễn là ứng dụng lẽ thật ấy cho chính mình mình, công nhận Christ là Cứu Chúa của mình, mới được cứu thôi. Người ta có thể thừa nhận Christ là Đức Chúa Trời, nhưng chối Ngài là Cứu Chúa của mình. Đức tin chẳng khác gì cánh tay của linh hồn giơ ra nhận lấy ơn cứu rỗi ở nơi Chúa, giống như dây đồng tiếp xúc với máy điện kia, làm đường cho luồng điện chạy đến bóng đèn khiến nó sáng ra, và tợ hồ như linh hồn đói khát được ngồi ăn uống tại bàn ân điển của Christ vậy. Có câu Kinh Thánh dạy rằng: Gi 1:12; Gi 4:14; Gi 6:53; Gi 20:31; Êph 3:17; Hê 11:1; Khải 3:20

Có thể lấy tư tưởng, cảm xúc và việc làm của một nạn nhơn đứng bên cạnh chiếc thuyền trên cù lao nhỏ ở giữa con sông kia trong cơn lụt lớn mà làm thí dụ cho ba yếu tố của đức tin. Cù lao sắp bị dòng nước khỏa lấp. Trước hết nạn nhơn chỉ lấy quan điểm trí ngộ mà dòm xem chiếc thuyền ấy, chỉ mới tưởng rằng nó quả là một chiếc thuyền thực tại đó thôi. Nhưng nước càng dâng lên càng cao khiến cho nạn nhơn tin chắc phải bị đắm chìm trong dòng nước lụt ấy, người bèn ngó đến chiếc thuyền ấy lần thứ hai, thì cảm động, nhìn nhận rằng nó là một chiếc thuyền tốt, có thể giúp ích cho mình trong hoàn cảnh nguy hiểm nầy. Dầu vậy, người chưa quyết định nhờ nó. Song nước cứ lên mãi, dòng sông càng chảy mạnh hơn gần ngập cả cù lao, thiếu chút nữa người ấy phải bị nó lôi cuốn đi mất. Nên người lại dòm đến chiếc thuyền lần thứ ba, tức thì ý dục người liền quyết định nhờ nó để thoát nạn chết đuối. Vậy, người bèn nhảy vào nó, cậy nó, nhận nó là phương pháp cứu vớt có một không hai. Chỉ việc nhảy vào thuyền đó là đức tin thật cứu người khỏi chết đuối, mà cũng gồm lại cả hai việc của trí hiểu và cảm tình trước kia nữa. Vả lại, khi người mới vào thuyền, có lẽ còn nghi ngờ sợ hãi nó không thể đưa mình đến bờ bến yên ổn chăng. Nhưng khi đã vào rồi, thì nhờ người lái thuyền an ủi mình, cất hết sự lo sợ đi, đến đỗi tin chắc rằng đã được toàn cứu rồi.

Cũng vậy, tội nhơn trước hết tín phục lẽ thật về Chúa; rồi cảm xúc rằng Chúa có thể cứu rỗi mình; nhưng chỉ khi người công nhận Ngài làm Cứu Chúa thuộc riêng về mình, thì mới được cứu đó thôi. Lại đức tin hay cứu rỗi có lẽ ban đầu chưa khiến cho mình nhận sự biết chắc mình được cứu đâu, có lẽ trong lòng vẫn còn có sự sợ hãi chăng; nhưng nếu mình đã công nhận Christ rồi, ắt không sớm thì muộn Thánh Linh sẽ “cùng tâm linh chúng ta đồng chứng rằng chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời” (Rô 8:16) vậy.

c)     Nguồn gốc của đức tin: Kê cứu Kinh Thánh về nguồn gốc của đức tin, thì thấy có hai mặt, một mặt quan hệ với Đức Chúa Trời, một mặt quan hệ với loài người.

(1)Mặt quan hệ với Đức Chúa Trời: Kinh Thánh dạy rằng đức tin do cả Ba Ngôi Đức Chúa Trời mà ra.

(a)Do Cha ban cho: Đức tin thật vốn do ân điển của Đức Chúa Trời ban cho mở mang và làm cho kết quả. Có câu Kinh Thánh chứng: Rô 12:3; Êph 2:8; Phil 1:28,29. Cũng xem ICô 12:

Thế thì, vì đức tin đã là ân tứ của Đức Chúa Trời, nên hễ ai còn thiếu đức tin, phải noi gương các sứ đồ, cầu khẩn Ngài rằng: “Xin thêm đức tin cho chúng tôi” (Lu 17:5). Hoặc bắt chước theo lời cha của đứa nhỏ kia mà cầu xin rằng: “Tôi tin; xin giúp đỡ sự không tin của tôi!” (Mác 9:24)

(b)Do Con ban cho: Đức tin cũng do Con mà ra. Vì thơ Hê 12:1,2 gọi Ngài là “Nguyên Soái và sự thành toàn của đức tin.” Và trong Lu 17:5, các sứ đồ cầu nguyện Ngài rằng: “Xin thêm đức tin cho chúng tôi.” Khi Phi-e-rơ nhìn xem Chúa thì bước đi tự do trên mặt biển; ấy là đức tin. Song khi sợ hãi mà nhìn xem sóng biển nổi cao tận trời, bèn đắm chìm; ấy tại không tin. Nên khi Phi-e-rơ kêu Chúa vớt, cũng bị Ngài trách là ít đức tin vậy (Ma 14:30,31). Hễ ta cứ nhìn xem Jesus, là Nguyên Soái của đức tin, ắt đức tin ta sẽ càng ngày càng thêm mãi, cứ đem ta đến chốn toàn cứu chẳng sai.

(c) Do Thánh Linh ban cho: Đức tin cũng là công việc của Thánh Linh. Nhờ Ngài cảm động ta, ta mới có thể biết tội, cảm xúc ơn cứu rỗi trong Christ, có lòng muốn đến cùng Christ mà tin cậy Ngài cho được cứu rỗi. Phao-lô chép: ICô 12:9. Cũng xem Công 6:5; 11:17.

Ấy vậy, đức tin là ân tứ của Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta thiếu ân ấy, há chẳng phải là tội của chúng ta chăng? Đáp: Đức Chúa Trời muốn gây dựng đức tin trong lòng mọi người, và chắc sẽ làm việc ấy, miễn là họ đừng ai chống chỏi Thánh Linh của Ngài. Cho nên chúng ta có tội không những là vì thiếu đức tin thôi đâu, mà lại vì chống trả Thánh Linh muốn gây dựng đức tin ở trong lòng ta vậy.

(2)Mặt quan hệ với loài người: Đức tin cũng do hai công việc làm của loài người mà được nên nữa.

(a)Bởi sự nghe đạo: Người ta có thể được cứu là nhờ lời ứng hứa của Kinh Thánh bởi Đức Chúa Trời khải thị cho. Rô 10:14-17

Hễ tội nhơn đến cùng Chúa Jesus mà được cứu rỗi, là chỉ nhờ lời Đức Chúa Trời đã ứng hứa chép để từ xưa, và nhờ lời giảng dạy của nhà truyền đạo đương thời mà họ đến được đó thôi. Thánh Linh lấy lời tội nhơn đọc và nghe đó mà ứng dụng cho lòng của họ, để gây dựng đức tin dẫn đến Christ cho được cứu rỗi. Thế thì, hễ người nào khinh bỏ lời Kinh Thánh, chẳng khứng nghe lời giảng của đầy tớ Ngài, quả không còn hi vọng gì cho người đó sẽ được đức tin hay cứu rỗi bao giờ; vì xưa nay sự tin do sự nghe; và sự nghe cũng chỉ do lời của Đức Chúa Trời đó thôi. Cũng xem Ês 45:22; Êph 1:13,15.

(b)Bởi sự thực hành: Chúng ta đối với các lẽ đạo cần yếu, ban đầu chưa quen thuộc, chưa hiểu rõ, tưởng là không phải, không thật, kịp khi mình đã thực hành và đã thí nghiệm rồi, thì mới biết lẽ đạo ấy là vô ngộ. Thường có kẻ cho lẽ đạo về huyết của Jesus Christ làm sạch tội, khiến được tái sanh và xưng nghĩa đều là mê tín cả. Nhưng nếu một khi họ bằng lòng quyết trớm thử tín nhận thì chắc sẽ tỉnh ngộ; kế đó hễ tin cậy bao nhiêu, lại cảm xúc nó càng là lẽ thật có quyền cứu rỗi bấy nhiêu, rồi rốt lại kết quả một đức tin hằng sống và trọn vẹn. Cho nên hễ ai biết đạo Chúa mà vẫn chưa nói rằng chưa tin, xin chính người ấy hãy nghiệm thử tín phục làm theo, ắt không sớm thì muộn sẽ có đức tin mạnh để đạt mình vào đường cứu rỗi. Vì chính Chúa Jesus phán: Gi 7:17

Giả như ta nghe biết nhà y sĩ trứ danh kia có tài chữa bịnh nguy hiểm của mình. Khi nghe đến tên nhà trứ danh y ấy, ta bèn đến nhờ ông chữa bịnh cho. Sau khi khám bịnh kỹ càng rồi, nhà y sĩ bèn cho ta một phương thuốc, bảo phải uống mỗi ngày ba lần. Ấy vậy, mặc dầu ta đã tận tâm tín phục tài nghệ của nhà danh y ấy nhưng cứ cất mãi thang thuốc kia trong tủ, không chịu dùng đến, há có lành bịnh được không? Tự nhiên là không! Chỉ buộc phải vâng theo lời của y sĩ mà uống, mới mong được chữa lành. Về sự được cứu rỗi cũng vậy; chỉ nghe và tín phục đạo Christ thì không đủ; cũng cần phải tận tâm thực hành, nghĩa là tận tâm công nhận Chúa Jesus, tin cậy nơi huyết Ngài, mới chắc được cứu vậy.

3.    ĐỐI TƯỢNG CỦA ĐỨC TIN

Nói rộng, thì đối tượng của đức tin hay cứu rỗi là cả lẽ thật bởi Đức Chúa Trời khải thị và truyền dạy cho linh hồn hiểu thấu được; nhưng nói hẹp, thì đối tượng ấy là Vị cách và công việc của Jesus Christ, vì ấy là trung tâm của sự khải thị của Đức Chúa Trời. Tân ước chứng rằng các sứ đồ chuyên tâm giảng dạy về Christ bị đóng đinh, chết và sống lại. Công 17:18; ICô 1:23; Côl 1:27,28

Đức tin hay cứu rỗi cũng chẳng phải bởi tín phục một giáo hệ nào, hoặc vâng theo những nghi thức của giáo hội nào, bèn là tận tâm thành ý tin cậy Jesus Christ, nhận Ngài ngự vào lòng để làm Cứu Chúa độc nhứt vô nhị của mình vậy.

4.    CHỨNG CỚ CỦA ĐỨC TIN

Tại cớ sao tín đồ biết mình có đức tin hay cứu rỗi? Đáp: Có hai bằng chứng gọi là nội chứng và ngoại chứng.

a)    Nội chứng: Nếu người nào có đức tin thật, thì cũng đồng một lúc đó biết chắc mình đã được cứu. Vì Thánh Linh là Đấng gây dựng cho ta có đức tin ấy, cũng liền chứng trong lòng ta rằng mình là con cái của Đức Chúa Trời. Phao-lô và Giăng chép: Rô 8:16; IGi 4:13

Cũng nhờ chứng cớ đó mà chúng ta được bình an, vì biết tội đã được tha, mình đã được phục hòa với Đức Chúa Trời, được Ngài kể là công nghĩa ở trước mặt Ngài. Phao-lô dạy rằng: Công 13:38,39; Rô 5:1,2

Vả, cũng có đôi người có đức tin thật, nhưng trong lòng chưa có chứng cớ chắc chắn, vẫn lo ngại mình chưa được cứu rỗi. Ấy có lẽ là tại vì họ chưa thông hiểu đạo cứu rỗi, hay là tại vì đức tin vẫn còn non nớt yếu đuối. Kẻ ấy nếu thành tâm nương cậy nơi lời Christ đã phán, ắt không sớm thì muộn sẽ có chứng cớ chắc chắn trong lòng rằng mình đã vượt khỏi sự chết và đến sự sống rồi. Sứ đồ Giăng chứng rằng: Gi 1:12,13

Câu ấy dạy rõ điều quan hệ không phải là sự cảm xúc trong lòng, bèn là điều Đức Chúa Trời phán dạy. Hễ mình đã nhận Christ là Cứu Chúa của mình, thì đã được quyền bính trở nên con cái của Đức Chúa Trời rồi. Ấy là chắc chắn đáng tin mọi bề. Dầu lòng lo ngại và ma quỉ gieo rằng không thật, thì mình cũng hãy cứ tín nhận là thật vậy; rồi sau hẳn sẽ có chứng cớ chắc chắn rằng mình hẳn đã được cứu không sai. Cũng xem Gi 5:24.

b)    Ngoại chứng: Ngoại chứng là đời sống của tín đồ đã đổi mới, bày tỏ cách ăn nết ở đã trở nên hiền lành đạo đức khác hẳn với đời sống cũ mọi bề. Bởi vì Christ chẳng những là Cứu Chúa ở thân ngoại, bèn cũng là chính sự sống của tâm linh ta nữa. Hễ ai có đức tin thật, thì đã hưởng được sự sống ấy, cũng kết quả được một đời sống thích hiệp với đời sống của Ngài. Đức tin nào không kết quả như thế là đức tin chết. Vì như xác thịt không có linh hồn phải chết thể nào, thì đức tin không có việc làm cũng chết thể ấy. Thực như Gia-cơ luận rằng: Gi 2:14-16

Hễ thây đã chết, mà lại nói linh hồn còn ở trong, há chẳng là nói dối sao? Còn ai nói mình có đức tin mà đời sống mình chẳng tỏ ra tâm chí của Christ chút nào, ấy há chẳng cũng là nói dối ư? Ta thường thấy có người không hề tỏ ra tánh nết của Christ mảy may nào, mà lại tự vị mình có đức tin, được cứu rỗi, ấy há chẳng phải là người tự khi sao? Vì từ xưa đến nay chưa hề thấy người nào có đức tin thật mà lại không có ít nhiều trái yêu thương, thánh thiện, công nghĩa lộ ra ngoài để chứng thực cho đâu. Bởi chưng nơi nào có đức tin thật cũng có Thánh Linh, mà nơi nào có Thánh Linh cũng có những trái của Ngài. Còn trái ấy là “yêu thương, vui mừng, bình hòa, nhẫn nại, nhơn từ, hiền lành, trung tín, nhu mì, tiết độ” (Ga 5:22; cũng xem Ga 5:6).

5.    CÔNG NĂNG CỦA ĐỨC TIN

Vả, công năng của đức tin là gì? Công năng của đức tin thật rất nhiều và phiền phức lắm. Đây chỉ xin theo bốn phương diện mà tổng kết lại những đều chủ yếu về công lực của đức tin, theo như ta đã kê cứu qua rồi.

a)    Công năng đức tin tỏ ra trong sự cứu rỗi: Kinh Thánh dạy rằng, hễ ai tin Con Đức Chúa Trời thì không bị hư mất, nhưng được sự sống đời đời (Gi 3:16). Cũng dạy rằng nếu ai có đức tin đúng đắn về Christ, thì hưởng được các phước đã hứa (Ga 3:22; Êph 2:8), được sống (Rô 1:17), được cứu (Rô 10:9), được tha tội (Công 13:38,39), được xưng nghĩa (Rô 5:1), được tái sanh làm con cái Đức Chúa Trời (Gi 1:12,13; Ga 3:26), được kế thừa Đức Chúa Trời và đồng kế thừa với Christ (Rô 8:17­), được lánh khỏi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời (Rô 5:1,9; Côl 1:10), được giải cứu khỏi sự hung tàn áp chế của Sa-tan, được phóng thích khỏi sự nô lệ của luật pháp (Ga 3:1-14), và được thoát ly sự bại hoại của đời tự do tình dục mà ra (IIPhi 1:4). Gi 3:16; Ga 3:22; Êph 2:8; Rô 1:17; Rô 10:9; Công 13:38,39; Rô 1:5; Gi 1:12,13; Ga 3:26; Rô 8:17; Rô 5:1,9; Côl 1:10; Ga 3:10,11,13. (xem cả đoạn). IIPhi 1:4

b)    Công năng của đức tin tỏ ra trong đời sống tín đồ: Đời sống của tín đồ là đời sống của đức tin. Các tín đồ xưa nay đều lấy đức tin mà làm đều công nghĩa, vui lòng giữ đạo, bền đỗ mà chịu hoạn nạn thử thách. Họ nhát mà dạn, yếu mà mạnh, chịu nhiều đều khinh bỉ, lắm nỗi đòn vọt, nào xiềng xích, nào lao tù, họ đều vui lòng chịu cả. Còn những thái độ trong sạch, hiền lành, vui mừng, hòa bình và yên ổn trong cơn hoạn nạn đó, đều là quả hiệu, là công việc của đức tin cả. Hê 11: Hê 11:1, Hê 11:2, Hê 11:33-38.

c)     Công năng của đức tin tỏ ra trong sự cầu nguyện: Chúa Jesus đã phán: Ma 21:22; Mác 11:24

Kinh Thánh dạy đi dạy lại về đức tin đối với sự cầu nguyện rất tỏ tường. Hễ muốn được phước gì, làm việc gì, thì duy bởi sự cầu nguyện, mà được cả. Từ xưa đến nay những bực vĩ nhơn đều hay lấy đức tin cầu nguyện, rồi sau bước ra làm nhiều phép lạ dấu kỳ, làm công việc cả thể, đến đỗi khiến cho người ta phải kinh hồn khiếp vía. Hoặc đọc Kinh Thánh, hoặc khảo cứu lịch sự Hội Thánh, thì thấy những người Đức Chúa Trời dùng cách cả thể ấy chỉ là những người hay lấy đức tin mà cầu nguyện đó thôi. Phao-lô cũng chứng cho lẽ thật nầy khi viết cho tín đồ Têsalônica rằng: ITê 1:2,3. Cũng xem Hê 11:32-39

d)    Công năng của đức tin về việc chưa thấy: Trước giả thơ Hê-bơ-rơ luận về đức tin dạy rằng: Hê 11:1,3

Ta thường thấy người đời đối với sự tin kính Đức Chúa Trời, đối với sự tín nhận lời Kinh Thánh, cùng đối với cuộc tương lai, có nhiều ý tưởng hồ nghi và lắm lời xích bác. Tại cớ sao có những điều ấy? Không chi khác hơn là tại họ thiếu đức tin đó thôi. Theo hai câu ở trên, đối với những điều chưa hiểu chưa thấy, thì ta phải lấy đức tin cân nhắc và giải quyết. Trong các sự cân nhắc và giải quyết ấy ta cũng phải lấy Kinh Thánh làm tiêu chuẩn và thước mực. Hễ Kinh Thánh dạy lẽ nào, dầu trí ngộ ta không hiểu thấu được (như chủ quyền tuyệt đối của Đức Chúa Trời và sự tự chủ của loài người, cùng các lẽ đạo do đó mà ra), thì cũng phải tín nhận và phục tùng trọn vẹn. Có kẻ nói, ấy là tợ hồ mê tín. Song chẳng phải mê tín đâu; hễ đã quả thật thừa nhận lẽ ấy rồi, thì chẳng bao lâu sự thừa nhận đó trở nên đức tin thông sáng, ban cho lòng bình an, vui vẻ không xiết kể. Bởi vì trước sau đối với tín đồ “đức tin là thực thể của điều mình trong mong, bằng cớ của điều mình chưa thấy”; và nhờ đó mình “đạt đến cả sự giàu có do sự xác tín đầy trọn của trí hiểu, mà thật biết lẽ mầu nhiệm của Đức Chúa Trời, tức là Christ, mà mọi sự quí báu về khôn ngoan, tri thức đều giáu kín trong Ngài” (Côl 2:2,3).

6.    SỰ TẤN BỘ CỦA ĐỨC TIN.

Xét đức tin hoặc về mặt quan hệ với Đức Chúa Trời hay là mặt quan hệ với loài người, đều thấy rõ đức tin có thể tấn bộ và thêm lên được. Nếu coi đức tin là việc của loài người, thì thấy nó có ba yếu tố quan hệ với trí hiểu, cảm tình và ý dục. Ba yếu tố ấy có thể mở mang tấn bộ. Nếu coi là việc của Đức Chúa Trời trong lòng, thì cũng biết nó có thể tấn bộ, vì Đức Chúa Trời có quyền nhờ Thánh Linh và lời Kinh Thánh mà ban cho trí hiểu lẽ đạo thêm, ban cho cảm tình quyền cảm xúc sự yêu thương thêm, và ban cho ý dục năng lực để vận hành theo đức tin nhiều hơn. Ban đầu thì đức tin thật là yếu ớt lắm, nhưng cuối cùng nhờ sự bổ dưỡng của Đức Chúa Trời, nó trở nên mạnh mẽ hẳn, thi thố được những việc cả thể làm sáng danh Chúa.

Đức tin tấn bộ do nhiều duyên cớ: nếu đức tin cứ thực hành theo lẽ thật mà mình đã tín nhận, thì đức tin tự nhiên tấn phát; bằng không khứng làm theo lẽ thật ấy, chắc đức tin không những là không tấn bộ, mà lại phải suy nhược và mất đi thì có. Xưa môn đồ cầu Chúa rằng: “Xin thêm đức tin cho chúng tôi.”, thì Chúa trả lời rằng, đức tin giống như hột cải, ban đầu tuy rất nhỏ, nhưng nếu gieo nó trong đất, thì nó sẽ mọc lên thành cây cối được (Lu 17:5,6). Vả lại, nếu muốn đức tin tấn bộ, thì cũng phải cần giao thông với Đức Chúa Trời nhiều, vì hễ càng gần gũi Ngài bao nhiêu, thì đức tin càng lớn bấy nhiêu. Đức tin cũng nhờ từng trải nhiều phen thử thách mà được thêm lên, được tinh sạch và quí giá hơn. Phi-e-rơ ví dụ đức tin như vàng chịu lửa thí nghiệm mà rằng: IPhi 1:6,7

Thế thì, nếu tín đồ phải gặp sự thử thách trăm bề mà lại lấy lòng nhẫn nại chịu nổi, thì đức tin của người đó càng được trọn vẹn càng hơn, đến đỗi gây nên sự vinh hiển, tôn trọng cho Christ trong ngày Ngài hiện đến. Nên Gia-cơ hay khuyên rằng: Gia 1:2-4

Đức tin đã là công việc của Thánh Linh, thì nếu Ngài cứ ngự trong lòng ta, hành động tự do trong ta, ắt sẽ khiến cho mỹ đức ấy cũng càng ngày càng tăng lên mãi, đến đỗi khiến ta đạt đến bực cao thượng trọn vẹn cực kỳ. Bởi vì con đường đức tin, ấy là “con đường người công nghĩa, giống như sự sáng chiếu rạng, càng sáng thêm lên cho đến giữa trưa” (Châm 4:18)

 

Chương 5 –  LUẬN VỀ SỰ TÁI SANH

LẼ ĐẠO tái sanh rất quan thiết với đạo cứu rỗi. Bởi vì nếu một người nào không được tái sanh, thì không những là không vào nước Đức Chúa Trời, mà lại cũng chẳng thấy nước ấy được bao giờ. Chính Đức Chúa Jesus phán rằng: “Nếu người nào chẳng bởi nước và Thánh Linh mà sanh, thì không thể vào nước Đức Chúa Trời được” (Gi 3:5). Lại “nếu người nào chẳng được tái sanh, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời” (Gi 3:3). Trong chương trước, ta đã kê cứu về tội nhơn trở lại cùng Đức Chúa Trời, thấy nó là việc bởi sự ăn năn và đức tin đến Chúa Jesus Christ mà được nên. Trong cuộc cứu rỗi, việc trở lại cùng Đức Chúa Trời là phần thuộc về tội nhơn; còn sự tái sanh là phần thuộc về Đức Chúa Trời. Nói theo sự từng trải của tín đồ, thì hễ tội nhơn bắt đầu ăn năn tội, tin cậy Jesus Christ, thì liền được tái sanh. Song đối với Đức Chúa Trời có lẽ phải cho ơn tái sanh là căn nguyên của việc tội nhơn ăn năn tin cậy đó. Xét lời Kinh Thánh, nghiệm thử lòng ta, thì rõ lắm công việc tái sanh rất khẩn yếu, rất lạ lùng khôn xiết kể. Sau đây xin lược luận đến những điều quan yếu nhứt.

I. ÐỊNH NGHĨA SỰ TÁI SANH

Tấn sĩ A.J. Gardon định nghĩa sự tái sanh, gọi là “sự truyền đạt thần tánh của Đức Chúa Trời cho người ta bởi ơn vận hành của Thánh Linh và Lời Kinh Thánh”. Có kẻ khác gọi đó là tác dụng của Thánh Linh đổi tội nhơn ra người mới giống như hình trạng của Đức Chúa Trời (IICô 5:17; Tít 3:5-7). Như cái khởi điểm của sự sống thuộc thể được gọi là sự sanh ra thể nào, thì cái khởi điểm của sự sống thuộc linh cũng được gọi là sự sanh ra thể ấy. Sự tái sanh của con cái Đức Chúa Trời vốn một việc thực tế, chỉ được nên bởi công năng của Đức Chúa Trời vốn một việc thực tế, chỉ được nên bởi công năng của Thánh Linh mà thôi. Bởi vì “hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt, hễ chi sanh bởi Thánh Linh là linh” (Gi 3:6).

Cũng có thể gọi sự tái sanh là việc Đức Chúa Trời đổi tâm tánh của tội nhơn ra mời, tái tạo sự khuynh hướng của lòng đến đỗi nó không còn khuynh hướng về tội lỗi và ích kỷ nữa, bèn là khuynh hướng về Đức Chúa Trời và thánh ý của Ngài. Nói đại khái, sự đổi mới nầy quan hệ với cả bản ngã của người ta, tức là quan hệ với trí ngộ, cảm tình và ý dục: trí ngộ được linh quang mới soi sáng vào để thông hiểu lẽ thật của Đức Chúa Trời; cảm tình được ái tình mới để yêu thương Đức Chúa Trời và đồng bào; ý dục được ý chí thánh khiết, năng lực siêu nhiên để ăn ở theo đời sống mới. Kết cuộc là lòng được tẩy sạch, lương tâm được yên ổn, và cả tâm linh, tâm hồn cùng thân thể đều được đầy dẫy đức tin, bình an, vui vẻ trong Thánh Linh vậy (Rô 5:2; 14:17).

II. LỜI KINH THÁNH MÔ TẢ SỰ TÁI SANH

Trong Kinh Thánh có nhiều đoạn sách luận đến sự tái sanh, định nghĩa và mô tả công việc huyền diệu ấy. Đây xin kể lại vài điều quan hệ hơn hết.

1.    LÒNG MỚI VÀ THẦN MỚI

Hễ ai được tái sanh, thì tất nhiên trong lòng ấy xảy ra cuộc cải hóa rất quan hệ: lòng cũ được đổi ra lòng mới. Lòng tội lỗi vốn cứng cỏi được Thánh Linh cất bỏ, và ban lại lòng trong sạch mềm mại, dễ cảm động, dễ dạy dỗ, hay khuynh hướng về Đức Chúa Trời và ý chỉ thánh của Ngài. Kinh Thánh dạy rằng: Thi 51:10; Giê 31:33; Êxê 11:19,20. Cũng xem Êxê 36:26; Ma 12:33,35; 15:19; Công 16:14; Rô 6:17; 10:10.

2.    SỰ TÁI SANH

Kinh Thánh cũng gọi cái biến động thuộc linh lớn lao nầy bằng sự tái sanh. Chúa Jesus phán cùng Ni-cô-đem rằng: “Nếu người nào chẳng được tái sanh, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời” (Gi 3:3). Ý nghĩa hai chữ “tái sanh” đây chẳng phải là Đức Chúa Trời sửa đổi tánh cũ, hoặc cảm hóa lòng cũ, hoặc bồi bổ cho người cũ, hoặc cải cách đời cũ của tội nhơn đâu, bèn là Đức Chúa Trời sanh lại người, tái tạo nhân cách người, đem chính sự sống của Ngài mà truyền đạt vào người, đến đỗi người trở nên kẻ có chí hướng mới, tư cách mới, tâm tình mới, gia tộc mới, Cha mới, anh em mới, đời mới. Nói một lời, người được tái sanh trở nên con cái của Đức Chúa Trời, được dự phần đến thần tánh, thần cách, được thuộc trong gia tộc thiên thượng, được gọi Đức Chúa Trời là Cha, được tín đồ Christ làm anh em của mình, và được ăn ở trong đời mới bởi Thánh Linh gây dựng và chủ trị vậy. Gi 5:21; Rô 6:13; Êph 2:1; Êph 5:14

3.    VƯỢT KHỎI SỰ CHẾT MÀ VÀO SỰ SỐNG

Kinh Thánh lại dạy rằng khi nhân cách của tội nhơn từng trải sự tái sanh, thì vượt khỏi sự chết mà vào sự sống. Chúa Jesus phán: Gi 5:24

Ta đã thấy sự chết thuộc thể là linh hồn phân rẽ với xác thịt, và sự chết thuộc linh là linh hồn phân rẽ với Đức Chúa Trời. Kinh Thánh thường dùng danh từ chết để mô tả địa vị thiên nhiên của tội nhơn. Người “đã chết vì sự vi phạm và tội lỗi mình… vốn là con của sự thạnh nộ, cũng như kẻ khác” (Êph 2:1,3). Người là con hoang đàng đã lìa nhà Cha, lưu lạc phương xa, đối với Cha chẳng khác gì kẻ đã chết rồi vậy. Thế thì, trong biến động tái sanh Đức Chúa Trời ban cho tội nhơn sự sống, khiến cho linh hồn người được sống lại khỏi kẻ chết. Nên Phao-lô dạy rằng: Êph 5:14; Êph2:4-

4.    ĐƯỢC DỰNG NÊN MỚI

Kinh Thánh cũng gọi sự tái sanh là sự dựng nên mới, một cuộc tái tạo bởi quyền năng của Thánh Linh mà được nên. Phao-lô chép: IICô 5:17; Ga 6:15

Trong hai câu ấy Phao-lô phân biệt hai cuộc tạo thành và hai thứ sanh mạng, tức là cuộc tạo thành cũ và cuộc tạo thành mới; sanh mạng thuộc huyết khí và sanh mạng thuộc linh. Cuộc tạo thành cũ với sanh mạng thuộc huyết khí đều đã do nguyên tổ phạm tội mà hóa ra hủ bại hư hỏng. Đức Chúa Trời bèn bỏ cả hai, nhờ Christ là Nguyên tổ thuộc linh, mà tạo thành một người mới, ban cho sanh mạng cũng mới, tức là sanh mạng của Đức Chúa Trời. Hễ ai tin cậy Christ làm Cứu Chúa mình, thì liền nhờ Thánh Linh mà được tái tạo, được sự sống mới, được từ địa vị hủ bại hư hỏng của người cũ, mà dời qua địa vị công nghĩa thánh khiết của Christ, đến đỗi tâm chí, tánh chất trở nên mới, và người được sống thuộc linh cũng mới và cao thượng ở trong Con Đức Chúa Trời vậy.

5.    ĐƯỢC DỰ PHẦN THẦN TÁNH

Sự tái sanh cũng gọi là tội nhơn trở lại cùng Chúa thì được dự phần thần tánh của Đức Chúa Trời. Phi-e-rơ chép rằng: IIPhi 1:4

Trong câu ấy Thánh Linh giải nghĩa sự tái sanh rõ hơn hết. Người thuộc huyết khí, là người chưa được tái sanh, vốn có trí ngộ tối tăm đối với lẽ thật (ICô 2:14), có cảm tình bại hoại đối với sự yêu thương (Ga 5:19-21), có ý dục hay phản nghịch đối với ý chỉ của Đức Chúa Trời (Rô 8:7). Ấy là chân tánh của mọi người chưa được tái sanh, dầu người ấy có tài cao học rộng, có tánh nho nhã ôn hòa, bề ngoài gọi là có phẩm hạnh đạo đức xuất chúng đi nữa, thì cũng chẳng qua là “chết vì sự vi phạm và tội lỗi mình”, làm “con của sự thạnh nộ cũng như kẻ khác” (Êph 2:1,3). Nhờ sự tái sanh Đức Chúa Trời dùng Thánh Linh và lời Kinh Thánh mà truyền đạt thần tánh thông minh thánh khiết của Ngài cho tín đồ. Tánh ấy ở trong tín đồ tư tưởng như Đức Chúa Trời tư tưởng (Côl 3:10), cảm xúc như Đức Chúa Trời cảm xúc, mong muốn như Đức Chúa Trời mong muốn (IGi 3:14; 4:7,8). Như thế, “những sự cũ thật đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới” vậy (IICô 5:17). Cũng xem Êxê 36:26,27.

Nếu tâm tánh của tội nhơn chưa cải hóa, nếu người chưa được dự phần thần tánh của Đức Chúa Trời, dầu muốn làm lành, ăn ở đạo đức, thì cũng chẳng có thể làm được, vì tánh ác do nguyên tổ di truyền lại chỉ lôi kéo mình vào việc ác đó thôi. Tuy rán hết sức cải ác tùng thiện, cũng đều vô ích, vì chẳng khác gì người Êthiôbi xưa kia muốn đổi màu da mình, con beo muốn đổi vằn nó (Giê 13:23), nhưng không thể làm được vì là việc bất năng cả. Phải có thần tánh của Đức Chúa Trời trong mình, mới ăn ở theo ý chỉ của Đức Chúa Trời được.

III. SỰ TÁI SANH CẦN THIẾT

Sự tái sanh là một việc quan hệ nhứt của cuộc cứu rỗi và rất cần thiết. Xưa Chúa Jesus phán cùng Ni-cô-đem rằng: “Các ngươi cần phải tái sanh” (Gi 3:7). Ni-cô-đem vốn một người lương thiện, đạo đức, đã chịu cắt bì, sốt sắng vâng giữ mọi nghi văn của đạo Môi-se, cũng tận tâm kính thờ Đức Chúa Trời nữa. Dầu vậy, Chúa Jesus phán bảo người rằng nếu chẳng được tái sanh chắc không thể đến nước Đức Chúa Trời, cũng không thể thấy chốn ấy được (Gi 3:3-5). Tại duyên cớ nào mà sự tái sanh là cần thiết dường ấy? Vì ba cớ lược luận sau đây:

1.    NẾU KHÔNG THÁNH KHIẾT ẮT KHÔNG THỂ THẤY ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI

Hễ ai muốn được đẹp lòng Đức Chúa Trời, muốn được bình an trong lòng, và muốn dự phần trong hạnh phước của thánh đồ ở trên trời, thì phải có lòng thánh khiết thích hiệp với tân đức đệ nhứt của Đức Chúa Trời mới được. Trước giả thơ Hê-bơ-rơ chép rằng: Hê 12:14

2.    CÓ BẢN TÁNH HỦ BẠI

Vả, loài người nguyên có tánh hủ bại, sanh ra trong dòng giống tội lỗi, bị lòng ô uế, hằng ăn ở theo đường bất công bất nghĩa, trong mình chẳng có sự thánh khiết chút nào. Nên Phao-lô dạy quyết rằng: Rô 3:10-18; Rô 3:23.

Ấy vậy, tội nhơn đã mắc tội, đã bất khiết dường ấy, thể nào dám yết kiến Đức Chúa Trời thánh khiết được ư? Quả như lời Chúa Jesus phán xưa kia rằng: “Nếu người nào chẳng được tái sanh, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời” (Gi 3:3)

3.    CẦN PHẢI CẢI HÓA TÂM TÁNH

Bởi hai cớ luận trên, rất cần yếu phải cải hóa tâm tánh tội nhơn, cốt ý để khiến người trở nên Thánh Linh, mới xứng hiệp với đức tánh chủ yếu của Đức Chúa Trời. Nhưng hễ ai muốn nhờ cậy nào giáo dục, nào đức dục, nào sự tấn hóa thiên nhiên gì gì đi nữa, thảy đều chẳng bao giờ đạt đến bực thánh khiết được đâu; bởi vì cả ý hướng chí nguyện của lòng người vốn là ích kỷ, chỉ chuyên chú những điều phản nghịch cùng Đức Chúa Trời mà thôi. Thật như có chép rằng: “Chí hướng của xác thịt thù với Đức Chúa Trời, bởi nó không phục luật pháp Đức Chúa Trời, lại cũng không thế phục được.” (Rô 8:7). Lại, “Hễ chi sanh bởi xác thịt” (Gi 3:6). Còn chân tánh của xác thịt là, “gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, tà thuật, thù oán, tranh cạnh, ganh ghét, giận hờn, kết phe chia rẽ, dị đoan, ganh đua, tàn sát, say sưa, chè chén, cùng các thứ giống như vậy… Hễ ai phạm những việc thể ấy thì không hưởng được nước Đức Chúa Trời” (Ga 5:19-21).

Xác thịt (tức tánh cũ) vốn bại hoại, ác tệ, không thể sửa đổi mới lại được. “Kẻ thuộc xác thịt không thể đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Rô 8:8) cũng không thể “thừa thọ nước Đức Chúa Trời được” (ICô 15:50). Thành thử, loài người cần nhờ công lực của Đức Chúa Trời cải tạo, cho đức tánh mới, gọi là “người mới”, “đã được dựng nên theo hình tượng Đức Chúa Trời, trong sự công nghĩa và sự thánh khiết của lẽ thật” (Êph 4:23,24). Hễ ai muốn được cứu, muốn ăn ở cho đẹp lòng Đức Chúa Trời, và muốn được vào nước trời thì cần phải nhờ phương pháp duy nhứt của sự tái sanh, mới mong được như nguyện. Các phương pháp khác, đều hay ho đến đâu đi nữa, chỉn thẳng qua là giả dối, kẻ làm theo chỉ phải thất vọng, càng bị hư hỏng bại hoại càng hơn đó thôi. “Vì chịu cắt bì, hay không chịu cắt bì đều chẳng quan hệ gì; quan hệ là người được dựng nên mới” (Ga 6:15).

4.    NGUYÊN NHƠN CỦA SỰ TÁI SANH

Vả, nguyên nhơn trong cuộc tái sanh là gì? Trải qua các đời trong Cơ Đốc Giáo hội đã có những ý kiến khác nhau về vấn đề ấy. Sau đây xin chỉ lược luận qua bốn ý kiến mà thôi.

a)    Ý chỉ của loài người: Thuyết Pélage chủ trương rằng ý chỉ của loài người là nguyên nhơn của sự tái sanh. Họ luận rằng người ta có đủ sức để lựa chọn từ bỏ việc ác mà làm theo việc thiện, không cần nhớ công lực nào từ ngoài giúp đỡ tý gì cả. Hễ người ta muốn xu hướng về điều lành, thì chỉ cần nhờ sức vốn có ở trong mình, tự định ý chỉ gắng công ra sức mà làm, thì quả có thể đạt được sở nguyện. Ấy thuyết Pélage gọi sự tái sanh là như vậy.

Nhưng thuyết ấy rất sai lầm, vì phản đối với Kinh Thánh, cũng bất hiệp với tâm lý của loài người. Kinh Thánh dạy rõ ràng ý chỉ của người thuộc huyết khí vốn cố định xu hướng về điều ích kỷ, tự nhiên chẳng có thể hoặc muốn hoặc làm điều gì đẹp lòng Đức Chúa Trời. Tâm lý loài người cũng tự biết tánh người đã sa vào tội lỗi bị hủ bại rồi, nếu không nhờ thần lực từ trời giáng hạ, quả không thể tự trở lại cùng Đức Chúa Trời được, đến đỗi cũng không có ý muốn tự trở lại cùng dân Ngài đâu. Các sự ước ao làm lành để đẹp lòng Đức Chúa Trời vốn do cảm tình mà ra. Nhưng cảm tình trong kẻ chưa được tái sanh vẫn còn xu hướng về điều dữ. Vậy làm sao kẻ ấy lại muốn làm lành được ư? Hẳn phải có thần quyền đổi mới cảm tình họ, thì tội nhơn mới có ý muốn lựa chọn sự thánh khiết và noi đường cứu rỗi. Có câu Kinh Thánh chứng: Giê 13:23; Rô 8:7

b)    Loài người hiệp tác với Đức Chúa Trời: Thuyết Arminius chủ trương rằng trong cuộc tái sanh loài người hiệp tác vơi Đức Chúa Trời mà được sanh lại. Đức Chúa Trời dùng cảm lực của lẽ thật mà hành động trong tội nhơn; còn tội nhơn, tuy thật yếu đuối, nhưng vẫn còn có năng lực thuộc linh đủ ở trong mình để hiệp tác với các thần cảm lực ấy mà công nhận sự cứu rỗi. Cái động cơ lớn khiến cho tội nhơn muốn hiệp tác với Đức Chúa Trời cho được cứu, là trong lòng người ham mến sự ích lợi của ơn cứu rỗi.

Song lời ấy tự thị nhi phi, bởi vì sự muốn được cứu rỗi đó chẳng phải do lòng ích kỷ mà ra. Còn lòng ích kỷ là tội lỗi; vậy lòng ấy vẫn chưa chịu khuynh hướng về Đức Chúa Trời đâu, chỉ mãi xu hướng về tội lỗi mà thôi. Mà sự tái sanh là đổi lòng ích kỷ ra lòng vô tư, khiến cho nó lại khuynh hướng về Đức Chúa Trời để làm sáng danh Ngài như xưa.

Vả, trong cuộc cứu rỗi loài người thật vẫn có phần riêng, là phải công nhận ơn cứu rỗi ấy. Song nếu không có công năng của Đức Chúa Trời khiến cho người tỉnh ngộ mà muốn được cứu, thì chính tội nhơn tự nhiên chẳng suy nghĩ đến bao giờ. Vì nếu họ vốn là “chết vì sự vi phạm và tội lỗi mình” , thì làm sao có sức gì để hiệp tác với Đức Chúa Trời hay là tự mình muốn làm điều gì vừa lòng Ngài được ư?

c)     Lẽ thật: Có kẻ luận rằng nguyên nhân trực tiếp của sự tái sanh là lẽ thật. Một khi tội nhơn đã thấu hiểu lẽ thật thì liền lập chí làm theo, rồi nhờ đó người được tái sanh, bỏ nẻo bất khiết mà khởi bước theo đường thánh khiết vậy.

Lẽ thật, như ta sẽ thấy, quả có quan hệ lớn đối với việc tái sanh (IIPhi 1:23; Gia 1:18; Êph 5:26); nhưng chẳng là nguyên nhân trực tiếp của biến động lạ lùng ấy đâu. Bởi vì tội nhơn vốn ghét lẽ thật của Đức Chúa Trời, tự nhiên chẳng muốn làm theo đâu; đến đỗi hễ người hiểu lẽ thật bao nhiêu, thì lại ghét nó bấy nhiêu. Nó “không phục luật pháp (lẽ thật) Đức Chúa Trời, lại cũng không thể phục được” (Rô 8:7). Thế thì lẽ thật ở ngoài công năng của Đức Chúa Trời chẳng có thể làm nguyên nhân của sự tái sanh được, vì người nào chưa nhờ Thánh Linh cảm hóa thì chẳng thừa nhận lẽ thật, cũng không bao giờ chịu tín phục nó nữa.

d)    Lễ Báp têm: Giáo hội La-mã dạy rằng người ta được tái sanh là nhờ lễ Báp têm (tức lễ rửa tội). Nhà tư tế (ông cố, ông cha) làm phép rửa tội cho ai, thì kẻ đó được tái sanh liền, dầu trước lòng chưa được cảm lực của Thánh Linh cải hóa ra mới cũng chẳng quan hệ gì; miễn nhà tư tế theo nghi văn của Giáo hội mà làm phép ấy cho, thì chắc được tái sanh không sai. Trong vòng Giáo hội Cải chánh cũng có những giáo phái hãy còn mê tín như thế. Họ thường viện dẫn Gi 3:5; Công 2:38; Côl 2:12 và Tít 3:5, để chứng thực cho sở kiến của họ. Ta xin biện bác ý kiến ấy mà luận quyết rằng:

(1)Tra xét Kinh Thánh cho kỹ càng, thì rõ lắm lễ báp têm là dấu hiệu bề ngoài làm chứng cho sự tái sanh đã thành công ở bề trong, chớ chẳng phải là chính công năng sanh lại đâu. Theo thứ tự của cuộc cứu rỗi tỏ ra trong Tân ước, thì rõ lắm sự tái sanh có trước, rồi sau mới chịu báp têm để chứng thực cho sự ấy. Nên trong Công 8:12 có câu: “Nhưng đến khi chúng tin Phi-líp giảng Tin Lành về nước Đức Chúa Trời và danh Jesus Christ, thì cả đờn ông đờn bà đều chịu báp têm” Kỳ thực theo IPhi 3:21, lễ báp têm bề ngoài chẳng cứu ta đâu, bèn là lương tâm quay lại cùng Đức Chúa Trời, tin cậy nơi Jesus Christ phục sanh mới có thể cứu ta được; lễ báp têm chỉ là tiêu hiệu cho việc quan hệ ấy thôi.

Có kẻ hỏi rằng: “Vậy thì lời Chúa Jesus phán: “Nếu người nào chẳng bởi nước và Thánh Linh mà sanh, thì không thể vào nước Đức Chúa Trời được”, thì có nghĩa gì?” Đáp: Chữ “nước” trong câu ấy chắc có nghĩa bóng chỉ về đạo (lời) của Đức Chúa Trời. Vì trong Êph 5:25,26 có chép rằng: “Christ đã yêu mến Hội Thánh, phó chính mình vì Hội Thánh, để sau khi đã dùng nước là đạo (lời) mà rửa cho tinh sạch, thì khiến hội nên thánh.” Ấy vậy, ý nghĩa của lời Chúa Jesus dạy Ni-cô-đem là như vầy: “Nếu người nào chẳng bởi đạo (tức lời Đức Chúa Trời) và Thánh Linh mà sanh, thì không thể vào nước Đức Chúa Trời”.

(2)Ý kiến nầy coi lễ báp têm là nguyên nhân của sự tái sanh cũng thật sai lầm, vì sự tái sanh là việc thuộc linh, quan hệ với linh tánh; còn lễ báp têm là việc thuộc thể, quan hệ với thân thể bề ngoài. Sự thay đổi bởi sự tái sanh mà ra đã là thuộc linh; còn nếu ta lại cho phương pháp phải dùng để gây nên sự ấy là thuộc thể thì đều ấy há chẳng mâu thuẫn sao? Lý tánh ta dạy rằng nếu Đức Chúa Trời muốn cải hóa linh tánh loài người, chắc phải dùng phương pháp tiếp xúc với xác thịt bề ngoài mà thôi, nên làm sao mà cải hóa linh tánh bề trong được? Thực vậy, sự cứu rỗi do lễ báp têm mà ra chẳng qua là một phương pháp cứu rỗi nhân tạo, thuộc về duy vật luận hơn là thuộc về đạo thuộc linh vậy.

e)    Đức Chúa Trời: Kinh Thánh dạy rõ ràng nguyên nhân của sự tái sanh là Đức Chúa Trời. Giăng chứng rằng kẻ được tái sanh “chẳng phải sanh bởi khí huyết, hoặc bởi tình dục, hoặc bởi ý người, nhưng bởi Đức Chúa Trời vậy” (Gi 1:13). Gia-cơ cũng dạy rằng: “Ngài (Đức Chúa Trời) theo ý chỉ mình dùng đạo chơn thật sanh chúng ta” (Gia 1:18).

(1)Là việc tái tạo: Ta được tái sanh, ấy là ta nhờ Đức Chúa Trời tái tạo ta, chớ chẳng phải bởi năng lực ta tự tu dưỡng, cũng không phải bởi ta sanh ra trong dòng dõi lương thiện, hoặc bởi văn minh giáo hóa của học đường và gia đình, hoặc bởi sự lập chí mà được đâu, duy là công việc siêu việt của Đức Chúa Trời ở trong lòng của ta đó thôi. Như ta sanh ra trong đời chẳng do năng lực riêng hay là ý chỉ của ta mà được nên thể nào, thì sự tái sanh ta cũng chẳng do năng lực riêng hay là ý chỉ ta mà được nên thể ấy. Bởi sự tái sanh chẳng những là luận về ý hướng và chí nguyện của người ta thôi đâu, bèn cũng là luận về tâm tánh và linh mạng của người ta nữa. Ta đã thấy Kinh Thánh chứng chắc rằng nguyên tánh và linh mạng của loài người vốn đã hư mất, đắm chìm trong tội lỗi, không thể chữa được. Nếu không có thần lực từ trời giáng hạ, không vào lòng người ta, thì người ta làm chi nổi? Ai đổi mới cho họ được ư?

(2)Đức Chúa Trời dùng hai cơ quan: Trong cuộc tái sanh Đức Chúa Trời dùng hai cơ quan đặng làm nên công việc lạ lùng ấy, tức là Thánh Linh và lời Kinh Thánh.

(a)Thánh Linh: Thần cơ quan trong cuộc tái sanh là Thánh Linh. Tít 3:5 có câu chứng rằng: “Ngài cứu chúng ta , không phải là bởi việc công nghĩa mà chính mình chúng ta đã làm, bèn là theo lòng thương xót Ngài, nhờ sự tắm rửa của sự tái sanh và sự đổi mới của Thánh Linh…” Còn trong Gi 3:5, Chúa Jesus dạy rằng kẻ được vào nước Đức Chúa Trời là kẻ “bởi… Thánh Linh mà sanh”.

(b)Lời Kinh Thánh: Cơ quan thứ hai là lời Kinh Thánh hay là đạo Đức Chúa Trời. Gia-cơ 1:18 có câu chứng rằng Đức Chúa Trời “theo ý chỉ mình dùng đạo (lời) chân thật sanh chúng ta.” IPhi 1:23 cũng dạy rằng, ta “được tái sanh, chẳng phải bởi giống hay mục nát, nhưng bởi giống chẳng hay mục nát, là bởi đạo (lời) Đức Chúa Trời, là đạo vẫn sống và còn luôn.” Còn Phao-lô cũng viết cho Hội Thánh Côrinhtô rằng: “Tôi ở trong Christ Jesus dùng Tin Lành mà sanh anh em ra” (ICô 4:15). Thánh Linh lấy đạo Đức Chúa Trời chép trong Kinh Thánh và bởi miệng đầy tớ Ngài truyền ra mà ứng dụng cho lòng tội nhơn, khiến cho người tỉnh ngộ. Ngài cũng soi sáng cho tâm trí để người có thể hiểu thấu đạo ấy được. Nếu tội nhơn mở lòng ra mà thừa nhận đạo ấy, thì chắc được tái sanh liền. Bằng chối bỏ, ắt không còn phương pháp khác khiến cho người đó được cứu. Tuy sự tái sanh là việc của Đức Chúa Trời làm ra ở trong lòng người ta, thì chính tội nhơn cũng có phận sự trong cuộc đó: ấy là khi nghe và hiểu đạo về sự cứu rỗi trong Christ, thì phải thừa nhận đạo và tín phục Christ, mới mong được tái sanh. Vì Chúa có dạy rằng: Gi 5:24.

Một người chết thật không có thể tự khiến cho mình sống lại; nhưng khi nghe tiếng của Christ bảo rằng: “Hãy ra”, thì mới có thể sống lại như Laxarơ xưa vâng theo lời phán bảo ấy mà bước ra vậy. Một tội nhơn nhờ Thánh Linh soi sáng cho cũng vậy; tuy không thể tự tái sanh mình được, nhưng quả có thể vâng theo lời phán bảo của Chúa mà công nhận sự cứu rỗi Ngài đã hứa ban cho kẻ có lòng tin.

5.    CHÂN TÁNH CỦA BIẾN ĐỘNG TÁI SANH.

a)    Sự tái sanh xảy ra nội trong một giây phút: Sự tái sanh là việc được nên trong giây phút. Trước khi tội nhơn chưa được tái sanh, thì vẫn tự biết tội mình, trong lòng buồn bực, sợ hãi vì biết Đức Chúa Trời là Đấng thánh khiết, hay đoán phạt kẻ đã xúc phạm đến đức tánh ấy. Cũng nhờ Thánh Linh ứng dụng lẽ thật ấy, tận tâm nương cậy nơi Ngài, thì tức thì trong giây phút tâm tánh được biến cải, mà mình được xuất tử nhập sanh. Nguyên xưa mình là tội nhơn, nay trong giây phút tội mình được tha. Nguyên xưa mình là con của ma quỉ, lưu lạc trong trũng tối tăm, nay trong chốc lát đã trở nên con cái của Đức Chúa Trời, được sang qua nước sáng láng Ngài. Tuy việc dọn lòng cho sự tái sanh là việc lần lần, thì chính sự tái sanh là việc xảy ra chỉ trong giây phút, mau như nháy mắt, chóng như trở tay. Sự cảm biết tội, sự tín phục lẽ thật, sự buồn bã vì tội, sự sợ hãi bị đoán phạt, đều là việc dọn lòng cả, chớ chẳng phải là chính việc tái sanh đâu. Chỉ khi tội nhơn nhờ ơn Đức Chúa Trời mà có lòng thật tín cậy đến Christ, thì liền được sự tái sanh đó thôi.

b)    Sự tái sanh là việc ẩn bí: Khi con ở trong lòng mẹ, được trưởng dưỡng thể nào, thì nào có ai cắt nghĩa được, bởi vì là việc rất huyền diệu! Mà sự mầu nhiệm của sự tái sanh càng lạ lùng hơn nữa, vì chẳng ai hiểu thấu nổi, vì là việc siêu việt rất huyền bí, vượt quá trí hiểu phàm tục vậy. Chúa Jesus phán: Gi 3:8

Vả, có khi người được tái sanh chưa chắc đã tự biết được chính lúc việc tái sanh thành công ở nơi mình. Ta thường đem vấn đề đó mà hỏi những tín đồ thuộc linh đã từng trải sự tái sanh, thì có người đem cảnh trạng lúc được tái sanh mà nói ra cách rõ ràng. Song cũng có nhiều người không biết rõ lúc nào mình được tái sanh và mình được tái sanh thể nào. Ấy tại vì công việc tái sanh là công việc ẩn nhiên của Thánh Linh thi hành ở nơi kín giấu của linh tánh bản ngã, nên có khi lấy làm khó cho người tự biết. Nhưng khá lưu ý điều nầy: đây chỉ luận về chính việc tái sanh, chớ chẳng luận về hiệu quả của sự tái sanh đâu. Hễ ai được tái sanh, chắc phải có hiệu quả minh chứng rằng mình đã là con cái của Đức Chúa Trời rồi. Bằng không, sợ e sự tái sanh ấy là giả mạo chăng. Độc giả hãy coi chừng kẻo e lẫn lộn hai ý kiến ấy chăng.

c)     Sự tái sanh là việc rất thần kỳ: Xưa kia đương khi Môi-se treo con rắn đồng lên trong đồng vắng, thì hễ ai đã bị rắn lửa cắn mà lấy đức tin ngó lên con rắn đồng ấy, thì liền được lành; ấy há chẳng phải vốn là thần kỳ thật đấy ư? Cũng một lẽ ấy, tội nhơn nhờ Thánh Linh cảm hóa, lấy đức tin nhìn xem Christ thì được tái sanh ngay. Điều ấy há chẳng càng thần kỳ muôn phần hơn nữa ư? Hễ cảm lực của Thánh Linh mà đến đâu khiến cho ai được tái sanh, thì thấy những thái độ trong tâm linh người đó đều biến cải liền tay: nguyên xưa dầu bị tội lỗi giam cầm, mà nay lại bỗng chúc có năng lực đắc thắng ngay. Xưa mãi vui chơi trong tội ác, nay lại ghét bỏ chán chê. Xưa khiếp sợ Đức Chúa Trời, nay lại đến gần Ngài, thương yêu Ngài, kêu Ngài bằng Cha. Xưa thì lăn lộn trong chốn ảm đạm của đời tội lỗi, nay lại được dời lên cõi vinh quang của Đức Chúa Trời, được “dự phần trong cơ nghiệp của các thánh đồ ở nơi sáng láng” (Côl 1:12). Tại cớ sao tội nhơn có sự từng trải lạ kỳ như thế? Ấy chỉ tại vì tâm tánh, ý hướng, và chí nguyện của linh hồn người đã biến cải hẳn hoi, khiến cho người trở một người thật mới vậy. Thật như Phao-lô đã nói: “Vậy, nếu ai ở trong Christ, thì nấy là người được dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều đã trở nên mới” (IICô 5:17).

 

Chương 6 – LUẬN VỀ SỰ XƯNG NGHĨA

TRONG đạo Tin Lành chẳng có lẽ đạo nào quan hệ hơn lẽ đạo xưng nghĩa. Vấn đề “người ta được công nghĩa đối với Đức Chúa Trời thế nào?” bao giờ cũng là rất quan hệ, rất thâm thúy, ai ai cũng muốn tìm hiểu cho cạn lẽ. Trải qua các đời có lắm người đã theo nhiều ý kiến khác nhau mà đáp cho vấn đề ấy. Kẻ nầy dạy rằng tội nhơn được xưng nghĩa duy bởi ân điển; kẻ kia quyết là bởi việc làm; kẻ khác lại chủ trương là do cả ân điển lẫn việc làm; kẻ khác lại chủ trương là do cả ân điển lẫn việc làm mà được nên. Vậy, lấy làm rất cần thiết cho tín đồ hiểu đúng đắn về lẽ đạo nầy chẳng những vì chính đạo xưng nghĩa là quan hệ thôi đâu, lại là vì đạo ấy có tương quan mật thiết với các lẽ đạo khác của Cơ đốc giáo, bởi chưng hễ ta tín nhận sai về đạo xưng nghĩa, đến đỗi hiểu lầm về duyên cớ và cách thức mà Đức Chúa Trời công nhận mình là con cái của Ngài, thì ắt cũng nhận sai và hiểu lầm các lẽ đạo kia nữa.

Vả, lẽ đạo nầy thật mầu nhiệm, trí ngộ người không thể tự dò thấu được, ơn ấy sâu rộng, tài phàm chẳng sức nào giải quyết nổi; ở ngoài sự khải thị của Kinh Thánh, chúng ta tự nhiên chẳng có nguồn khác để kê cứu đến vấn đề cực cao ấy. Vậy, lần nầy chúng ta cũng chỉ nhờ Kinh Thánh làm giáo sư đặng lần lượt khảo cứu qua lẽ đạo nầy.

I. ÐỊNH NGHĨA SỰ XƯNG NGHĨA

Sự xưng nghĩa, ấy là Đức Chúa Trời nhơn công lao của Christ mà tuyên bố tội nhơn là công nghĩa, coi người không còn đáng bị hình phạt của luật pháp nữa, nhưng đã hườn nguyên vị mà được ơn của Ngài như lúc ban đầu. Tội nhơn được ơn như thế, là tại vì đã lấy đức tin mà liên hiệp với Christ ở trong sự sống, sự chết, và sự sống lại của Ngài. Công tác diệu kỳ nầy quan hệ với địa vị của tội nhơn ở trước mặt Đức Chúa Trời. Trước kia tội nhơn đứng trong địa vị mắc tội, nghịch thù với Đức Chúa Trời, bị án chết. Nhưng nhờ sự xưng nghĩa, Đức Chúa Trời bèn chuyển biến địa vị ấy, đem người ra khỏi địa vị phạm phép và mắc tội của người cũ mà dời qua địa vị hợp pháp và vô tội của Christ; và nhơn vì công lao của Christ ở thập tự giá, thì Ngài hòa lại với người, cho người được trắng án, kể người là công nghĩa, coi người ở trong Christ như kẻ chẳng hề phạm tội, và ban ơn cho người được phận làm con của Ngài.

Sự tái sanh quan hệ với việc cải hóa tâm tánh của tín đồ; sự xưng nghĩa quan hệ với sự chuyển biến tâm địa của người ở trước mặt Đức Chúa Trời. Cái nầy thuộc về phương diện chủ quan, cái kia thuộc về phương diện khách quan. Sự xưng nghĩa chẳng phải là Đức Chúa Trời khiến cho tội nhơn trở nên công nghĩa đâu, bèn là tuyên bố người là công nghĩa vậy. Sự khiến cho tâm tánh trở nên công nghĩa là việc làm nên ở bề trong và thuộc về sự nên thánh; sự xưng nghĩa là việc quan hệ với bề ngoài và thuộc về việc dọn đường cho sự ấy. Sự tái sanh là kết cuộc của sự liên hiệp với Christ, còn sự xưng nghĩa lại do sự liên hiệp ấy mà được nên. Khi tội nhơn được xưng nghĩa, thì từ địa vị bất nghĩa và mắc tội của người cũ mà được dời qua địa vị công nghĩa và vô tội của Christ. Khi ấy tâm tánh người chưa có sự công nghĩa gì hết, nhưng Đức Chúa Trời nhân đức tin của người đến Christ mà kể người là công nghĩa; rồi từ lúc ấy về sau Ngài nhờ cảm lực của Thánh Linh mà khiến cho tâm tánh người từng trải sự công nghĩa xứng hiệp với địa vị công nghĩa mà người đã hưởng được ở trong Christ. Việc ấy gọi là sự nên thánh, có căn cứ ở nơi sự xưng nghĩa vậy.

II. BẰNG CHỨNG CỦA SỰ XƯNG NGHĨA

Kinh Thánh có đầy dẫy những bằng cớ minh chứng cho đạo xưng nghĩa. Xin chỉ luận qua hai thứ mà thôi.

1.    MINH VĂN KINH THÁNH

Kinh Thánh có nhiều đoạn sách minh huấn về đạo Đức Chúa Trời xưng tội nhơn là người công nghĩa. Đây xin kể lại vài chỗ: Rô 1:17; Rô 3:24-30; Ga 3:11,12; Êph 1:7 ; Hê 11:4,7. Cũng xem Sáng 15:6; Ês7:9; 28:16; Ha 2:4.

Xem những câu ấy và rất nhiều đoạn sách khác, thì rõ lắm lẽ đạo xưng nghĩa chẳng phải là sự mơ tưởng quá cao xa của người ta đâu, bèn là lẽ thật bởi Đức Chúa Trời nhờ công việc của Christ mà khải thị cho. Sự xưng nghĩa nầy là khởi điểm của con đường cứu rỗi chẳng do hoặc sự tu nhơn tích đức, hoặc tánh tốt nết lành mà được nên, duy do đức tin đến công lao của Christ làm ra ở nơi thập tự giá mà được nên đó thôi. Nhờ sự xưng nghĩa do Đức Chúa Trời đổi thái độ đối với tội nhơn, kể người là công nghĩa, tái sanh người, nhận người làm con cái của Ngài. Còn tội nhơn nhờ các việc ấy mà kết quả sự vâng giữ luật pháp, tín phục luân lý cao thượng, ăn ở theo đời đạo đức và cả ý hướng, chí nguyện của tâm tánh người đều lấy Đức Chúa Trời làm đối tượng duy nhứt của mình.

2.    CÁCH DÙNG ĐỘNG TỪ “XƯNG NGHĨA” VÀ DANH TỪ “SỰ CÔNG NGHĨA”

Cách Kinh Thánh dùng động từ xưng nghĩa và danh từ sự công nghĩa minh chứng cho đạo xưng nghĩa như sau đây:

a)    Động từ xưng nghĩa: Cả Cựu ước và Tân ước đều dùng động từ xưng nghĩa, và nghĩa đen của động từ ấy chẳng chỉ về việc khiến người ta trở nên công nghĩa, bèn chỉ về việc tuyên bố người ta là công nghĩa rồi vậy.

(1)Trong Cựu ước: Trong các đoạn sách viện dẫn dưới đây nguyên văn Hê-bơ-rơ đều dùng một chữ mà bản Việt ngữ dịch là xưng nghĩa (cũng có vài chỗ dịch khác, nhưng vẫn đồng nghĩa). Xuất 23:7; Phục 25:1; Gióp 27:6; Thi 143:2; Châm 17:15; Ês 5:23; Ês 50:8; Ês 53:11

(2)Trong Tân ước: Trong các câu viện dẫn dưới đây nguyên văn Hi-lạp cũng dùng một chữ mà bản Việt ngữ dịch là xưng nghĩa: Ma 12:37; Lu 7:29; Lu 10:29; Lu 16:15; Lu 18:14; Rô 4:6-8; Rô 5:18-19; Rô 8:33-34; Rô 16:7; ICô 4:4; IICô 5:19,21; Gia 2:4,23,24

Ý nghĩa các câu ấy, hoặc trong Cựu ước hay Tân ước, đều là một mà thôi: ấy là, động từ xưng nghĩa chẳng chỉ về việc làm cho ai trở nên công nghĩa trong tâm linh đâu, bèn chỉ về việc việc tuyên bố người là công nghĩa, không mắc tội, không đáng bị hình phạt nữa, nhưng tợ hồ kẻ đã từng ra trước tòa tài phán mà được trắng án rồi vậy. Cũng xem Rô 4:25; 5:16,18.

b)    Danh từ sự công nghĩa: Tân ước, nhứt là trong các thơ tín của Phao-lô, thường dùng danh từ sự công nghĩa để chỉ về địa vị của người nào đã được xưng nghĩa ở trước mặt Đức Chúa Trời rồi. Khi tội nhơn tin Jesus Christ làm Cứu Chúa mình, thì Đức Chúa Trời kể người ấy là công nghĩa, và nhờ việc kể công nghĩa đó Đức Chúa Trời dời người từ địa vị bất nghĩa của người cũ sang qua địa vị công nghĩa của người mới là Christ. Những câu dẫn dưới đây dạy rõ lẽ đạo ấy. Rô 8:10

Địa vị của người cũ là cõi chết, kẻ ở trong đó thảy đều “chết vì sự vi phạm và tội lỗi mình”. Còn địa vị của người mới là Christ lại là cõi sống, hễ ai ở trong đó đều được sống. ICô 1:30

Thế thì, chỉ ở trong Christ mà tội nhơn được kể là công nghĩa. Đức Chúa Trời đòi hỏi sự công nghĩa ấy ở nơi tội nhơn, mà đồng thời cũng dự bị luôn sự ấy cho nữa; còn tội nhơn sở dĩ nhận lãnh được sự ấy là chỉ bởi đức tin. Dân Y-sơ-ra-ên xưa thử lập ra sự công nghĩa riêng, không khứng nhận địa vị công nghĩa của Đức Chúa Trời sắm sẵn cho ở trong Christ, nên bị bỏ. Phao-lô chép:

Rô 10:3,4. “Bởi họ không biết sự công nghĩa của Đức Chúa Trời (là địa vị công nghĩa trong Christ), mà tìm cách lập công nghĩa riêng của mình, nên họ không phục sự công nghĩa của Đức Chúa Trời (là họ chối bỏ Christ, không nhận Ngài là phương pháp cứu rỗi duy nhứt). Vì Christ là sự kết cuộc của luật pháp để đưa mọi kẻ tin đến sự công nghĩa”.

Vả, danh từ sự công nghĩa cũng có địa vị bề trong của tâm tánh đạo đức của người đã được xưng nghĩa. Bởi vì khi được xưng nghĩa, thì tâm linh tội nhơn liền từng trải sự biến cải, rồi kết quả là hành vi cử chỉ đều thay đổi, đến nỗi sự công nghĩa của Christ mà Đức Chúa Trời ban cho đó trở nên một động cơ rất mạnh mẽ để khiến cho người ăn ở cách thích hiệp với sự công nghĩa ấy. Các câu dưới đây chứng cho ý nghĩa ấy: Rô 14:17

ICô 5:21. “… hầu cho chúng ta ở trong Ngài (địa vị công nghĩa) được trở nên sự công nghĩa của Đức Chúa Trời” (tức kết quả sự công nghĩa trong hành vi cử chỉ của mình). Ma 3:15; Công 10:35; Rô 6:13

Khá nhớ luôn rằng sự công nghĩa tỏ ra trong hành vi cử chỉ của tín đồ, bao giờ cũng là do việc xưng nghĩa mà ra. Vì hễ ai chưa được Đức Chúa Trời xưng nghĩa cho, cũng chẳng có thể làm việc gì đáng gọi là công nghĩa được bao giờ.

III. YẾU TỐ CỦA SỰ XƯNG NGHĨA

Sự xưng nghĩa có hai yếu tố quan hệ, tức là sự xá miễn hình phạt của tội; và sự hườn nguyên vị.

1.    XÁ MIỄN HÌNH PHẠT CỦA TỘI.

Yếu tố thứ nhứt của sự xưng nghĩa là Đức Chúa Trời xá miễn hình phạt về tội lỗi của người bất kỉnh đã có lòng tin đến Christ và tuyên bố người là công nghĩa. Sự tuyên bố ấy chẳng nói rằng tội nhơn là vô tội, vì ấy phản đối với lẽ thật; bèn chỉ tuyên bố rằng tội nhơn đã ở trong Christ chịu xét đoán rồi, điều luật pháp đòi ở nơi người, thì người nhờ Christ đã đền trả xong cả, nên người mới được xá miễn hình phạt, không bị dưới tội án nữa. Có câu chứng cho lẽ thật ấy. Rô 4:5; Rô 5:1. Cũng xem Gi 3:16

Sự xá miễn nầy ta thường gọi là sự tha tội. Về phương diện làm Đấng Chấp pháp thì Đức Chúa Trời xá miễn hình phạt của tội ta. Về phương diện làm Cha thì Ngài ban ơn tha tội cho ta, công nhận ta làm con cái của Ngài, yêu thương ta, đãi ta như Cha con vậy. Có câu chép: Mi 7:18; Thi 130:4

Sự xá miễn hình phạt và sự tha thứ tội lỗi chẳng phải do việc riêng nào của tội nhơn đã làm ra để phu phỉ luật pháp mà được đâu bèn chỉ do công lao của Christ chịu hình phạt ấy thế cho người mà được đó thôi. Cho nên, nói một lời, yếu tố thứ nhứt của sự xưng nghĩa là Đức Chúa Trời nhơn vì công lao của Christ mà tha tội cho tội nhơn, giải phóng người khỏi quyền hình phạt của luật pháp, và ban cho người đứng trong địa vị công nghĩa trọn vẹn của Christ vậy. Các câu dẫn dưới đây minh giải lẽ đạo ấy. Công 13:38,39; Rô 3:24,26; ICô 6:11; Êph 1:7

Việc xưng nghĩa là việc thuộc về sự tài phán: tín đồ là phạm nhơn; Đức Chúa Trời là Quan tòa; Christ là Trạng sư và Chứng giả. Ngài biện hộ phạm nhơn, đem cả công lao của Ngài mà đền bồi tội lỗi cho người, chứng thực rằng người bất nghĩa nầy đã được ở trong Ngài mà hưởng cả sự công nghĩa của Ngài. Còn tòa án Trời công nhận lời biện hộ và tá chứng ấy là phải, bèn theo lẽ công bình mà ân xá người, nhơn vì Christ mà tuyên bố người là công nghĩa vậy. Nên Phao-lô chép: Rô 3:33,34. Cũng xem Dân 23:21; Xa 3:2; Thi 105:15

2.    SỰ HƯỜN NGUYÊN VỊ.

Tội nhơn đã được xưng nghĩa rồi, bèn được hườn nguyên vị. Việc ấy có ba phần:

a)    Nhận lãnh sự công nghĩa của Christ: Sự xưng nghĩa không những là xá miễn hình phạt của tội lỗi thôi đâu, lại cũng ban cho người sự công nghĩa của Christ nữa. Về một mặt thì tội nhơn nhờ cậy khổ hình của Christ mà được thoát khỏi tội hình; về một mặt khác thì cũng nhờ cậy Christ làm trọn luật pháp mà nhận lãnh sự công nghĩa của Ngài. Như thế, Đức Chúa Trời chẳng những là kể người là vô tội, mà lại cũng kể người là công nghĩa chẳng khác chi chính người đã tuân thủ luật pháp trọn vẹn vậy. Thế thì, tội nhơn nhờ khổ hình của Christ mà được thoát khỏi tội hình; lại cũng vì việc công nghĩa của Christ đã làm mà người được phần thưởng tuân pháp vậy. Có câu chứng rằng: Lu 15:22-24

Áo tốt nhứt đó chỉ bóng về sự công nghĩa của Christ mà Cha mặc cho tội nhơn biết ăn năn. Gi 3:16; Rô 5:1,2

“Ân điển nầy” là địa vị vĩnh định của tín đồ hằng cư trú để thừa nhận các hạnh phước do đó mà ra. ICô 1:30; IICô 5:21. Cũng xem Ga 3:6; Êph 2:7; 3:12; Phil 3:8,9; Côl 1:21; Tít 3:4,7; Khải 19:8.

b)    Được phục hòa với Đức Chúa Trời: Kẻ được xưng nghĩa chẳng những là được tha tội, bèn là cũng được hườn địa vị nguyên hữu của mình. Ví dụ như một người phạm pháp kia bị tù. Đến khi mãn hạn được tha về vì đã chịu khổ sai đền tội rồi. Dầu vậy, người vẫn chưa được hườn nguyên vi đâu, còn hổ thẹn vì chữ ô danh nan thục. Cũng có lẽ vì cớ đó mà người xa lánh bạn hữu, mất luôn quyền công dân, không biết chạy phương nào hầu mong cứu vãn. Ấy là bởi người đã mất địa vị nguyên hữu rồi vậy. Nhưng nếu phạm nhơn được Tổng thống ân xá cho thì lại ra khác, vì người không những là thoát khỏi hình phạt, mà lại còn được hườn lại nguyên vị; bởi chưng chỉ dụ ân xá ấy gồm lại cả hai ơn tha tội và hườn địa vị nguyên hữu cho phạm nhơn nữa, đến đỗi người được lại các quyền lợi công dân như cũ. Ấy đó là điều Đức Chúa Trời làm cho chúng ta khi Ngài xưng nghĩa cho chúng ta. Ngài không những vì cớ công lao Christ mà kể chúng ta đã đền tội rồi, nhưng Ngài còn hườn lại địa vị nguyên bổn của chúng ta, như con hoang đàng kia đã hồi đầu về cha, không những là tội được tha, mà cũng được hườn lại địa vị làm con như xưa (xem Lu 15:22-24 như trưng dẫn trên). IICô 5:19; Côl 1:21,22

c)     Được phận làm con: Khi Đức Chúa Trời hườn nguyên vị cho tội nhơn, thì không những là mặc cho họ sự công nghĩa của Christ, và phục hòa với người thôi đâu, lại ban cho người phận làm con của Ngài nữa. Sự tái sanh là khởi điểm của sự sống mới ở trong linh hồn; sự xưng nghĩa là Đức Chúa Trời đổi thái độ đối với tội nhơn, ban cho người được phận làm con và được quyền bính thuộc gia tộc của Đức Chúa Trời, đến đỗi hưởng được các đặc quyền của thân phận ấy. Nói cách khác, sự tái sanh luận về sự biến cải bản tánh ta; sự xưng nghĩa luận về cuộc biến chuyển địa vị ta; sự nên thánh luận về sự biến cải tánh hạnh ta; còn sự được phận làm con luận về sự thừa nhận các đặc quyền của địa vị con cái Đức Chúa Trời. Khi tín đồ được tái sanh thì trở nên con cái Đức Chúa Trời (Gi 1:12,13); lúc nhận được phần làm con thì lại hưởng được bực con trưởng thành trong nhà Cha vậy (Ga 4:1-7).

(1)Định nghĩa: Sự được phận làm con nghĩa đen là đặt làm con trong nguyên văn vốn một pháp ngữ La-mã mà nhà tài phán thường dùng để gọi người nào được ai nhận làm con. Dân Do Thái không biết đến việc ấy, vì ấy chỉ là việc làm theo thói quen của nước La-mã mà thôi. Trong các thơ tín của Phao-lô, ngôn từ ấy dùng nói về việc Đức Chúa Trời ban cho người đã được tái sanh cả đẳng cấp lẫn quyền lợi của con trưởng thành trong nhà. Tín đồ không những nhờ sự tái sanh mà được thuộc trong gia tộc của Đức Chúa Trời, lại nhờ sự được phận làm con mà hưởng các quyền lợi và kế thừa của con trưởng ở trong nhà cha vậy. Có câu Kinh Thánh dạy về phận làm con viện dẫn như sau đây: Ga 4:5; Rô 8:15; Rô 9:4; Êph 1:5; Rô 8:17. Cũng xem Xuất 2:10 và Hê 11:24

(2)Khởi điểm của phận làm con: Theo Êph 1:4,5, thì Đức Chúa Trời từ trước vô cùng đã dự định cho tín đồ sẽ nhận được phận làm con. Nhưng tín đồ chỉ nhận được ơn ấy khi họ tín nhận Christ làm Cứu Chúa của mình. Kinh Thánh dạy rằng: IGi 3:2; Ga 3:26

Tín đồ hiện nay là con cái của Đức Chúa Trời. Dầu điều ấy là huyền diệu dường nào, thì lại cũng là thật sự dường ấy. Khi được tái sanh thì tín đồ chỉ là con đỏ trong Chúa; nhưng nhờ ơn nhận phận làm con thì hưởng được bực con trưởng thành ở trong nhà Cha vậy. Cũng xem Hê 5:11-14; 6:1-3; ICô 3:1

(3)Sự hoàn thành của phận làm con: Sự được phận làm con sẽ hoàn thành khi Chúa Jesus Christ tái lâm và thân thể ta được sống lại. Phao-lô dạy rằng: Rô 8:23

Thế gian chẳng nhìn nhận ta là con cái Đức Chúa Trời đâu; nhưng một ngày sau đây ta sẽ cải trang, bày rõ hết chơn tánh ta, đến đỗi cả vũ trụ sẽ biết rằng ta quả là con cái của Vua trên các vua vậy. Sứ đồ Giăng cũng dạy: IGi 3:1-3

(4)Hạnh phước của phận làm con: Các hạnh phước do phận làm con mà ra rất nhiều và phiền phức, đây xin kể lại một ít mà thôi:

a)    Được Đức Chúa Trời thương yêu cách đặc biệt: Gi 17:23

b)    Được Cha săn sóc cách riêng: Lu 12:27-33

c)     Được xưng bằng danh Cha: IGi 3:1; Êph 3:14,15

d)    Được giống như hình trạng của Anh Cả: Rô 8:29

e)    Được lòng yêu mến người thuộc gia tộc của Cha: Gi 13:35; IGi 3:14

f)      Được tâm linh của phận làm con lớn: Rô 8:15; Ga 4:6

g)    Được lòng hay vâng lời Cha: Gi 14:23,24

h)    Chịu Cha sửa trị: Hê 12:5-11

i)      Được Cha an ủi: Ês 66:13; IICô 1:4

j)      Được kế thừa cơ nghiệp của Cha: I Phi. 1:3-5; Rô 8:17

 

IV. SỰ HỒ NGHI VỀ VẤN ÐỀ XƯNG NGHĨA

Có nhiều người hồ nghi về lẽ đạo xưng nghĩa. Họ luận rằng, Đức Chúa Trời chắc không thể kể người bất nghĩa là công nghĩa được; ấy quả là vấn đề mơ tưởng hư hoặc đó thôi. Ta xin biện luận qua lời dị nghị ấy.

1.    NGƯỜI ĐƯỢC KỂ LÀ CÔNG NGHĨA, HÁ QUẢ LÀ NGƯỜI CÔNG NGHĨA THẬT Ư?

Vấn đề nầy rất quan hệ: người nào vì đợi giá của Christ mà được xưng nghĩa há có phải thật đáng gọi là người công nghĩa ư? Tánh nết người há quả là thánh thiện thuần lương, xứng hiệp với địa vị công nghĩa ở trong Christ chăng?

Muốn trả lời cho vấn đề ấy, chúng ta cần nhớ lại đạo xưng nghĩa chẳng phải là khiến cho tâm tánh ai trở nên công nghĩa đâu, bèn là tuyên bố rằng Đức Chúa Trời kể người ấy là công nghĩa, vì tội người đã được tha, nguyên án người đã được thủ tiêu. Từ đó, tuy tội nhơn được đứng trong địa vị mới ở trước mặt Đức Chúa Trời nhưng chưa phải là trong sạch không tì vít, trọn tốt, trọn lành đâu. Kinh Thánh cũng dạy rằng, “chẳng có ai công nghĩa, dầu một người cũng không… Chẳng ai làm lành, dầu một người cũng không” (Rô 3:10-12). Cho nên sự xưng nghĩa chỉ luận về việc Đức Chúa Trời đem dời tội nhơn từ địa vị bất nghĩa của người cũ sang qua địa vị công nghĩa của người mới là Christ. Việc ấy là khởi điểm về công việc của Thánh Linh làm ở trong lòng ta, để khiến cho ta trở nên thánh sạch trọn vẹn. Sự kết quả của việc xưng nghĩa bao giờ cũng là sự nên thánh ấy đâu. Dầu vậy, trong lúc được xưng nghĩa tín đồ nhờ ân điển của Đức Chúa Trời và đợi giá của Christ mà được kể là người công nghĩa ở trước mặt Đức Chúa Trời, không còn đáng bị tử hình mà luật pháp đã định cho phạm nhơn nữa.

2.    LÀM SAO ĐỨC CHÚA TRỜI KỂ TỘI NHƠN LÀ CÔNG NGHĨA ĐƯỢC?

Kìa, tín đồ dầu là người đã tin Chúa Jesus Christ, cũng vẫn còn có tội lỗi dính dấp. Vậy, Đức Chúa Trời vốn rất phản đối tội lỗi, làm sao lại kể người bất nghĩa là công nghĩa? Họ đã phạm luật pháp thánh của Ngài, thì lẽ nào Ngài lại không phạt họ ngay? Cớ sao Ngài không những không lên án cho họ, mà lại còn ban ân điển cho ư? Làm vậy thì công đạo ở đâu? Kể một tội nhơn là vô tội, thì thiên lý ở đâu? Coi người bất nghĩa là công nghĩa, há chẳng phản đối với đức tánh thánh khiết của Đức Chúa Trời ư?

Chúng ta chỉ nhờ Kinh Thánh mà đáp lẽ cho vấn đề nầy; ngoài Kinh Thánh ra chẳng có sự lý gì mà giải nghĩa được, Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Trời xưng tội nhơn là công nghĩa bởi ba cớ sau đây:

a)    Christ thế vị tội nhơn mà chịu hình phạt của tội: Hình phạt mà luật pháp thánh đã định giá cho tội nhơn, thì Christ đã chịu thế cho họ cả rồi. Giả như người kia mắc một số nợ quá lớn, chẳng có thể trả được; nhưng có một nhà từ thiện giàu có thương xót kẻ mắc nợ đó, đem trả nợ thế cho người. Nhờ đó kẻ mắc nợ không những là khỏi phải lo trả mối nợ tội lỗi tác đó đâu, mà lại là kẻ không còn mắc nợ ai nữa. Cũng vậy, Christ bởi sự chịu khổ và chết trên thập tự giá đã trả hết nợ ta, đền cả tội ta; nên chúng ta không những thoát khỏi phải tội hình, mà cũng được kể là công nghĩa đối với luật pháp thánh kia nữa. Kinh Thánh dạy rằng: Ga 3:13; Rô 8:3; Rô 3:26

b)    Tội nhơn được liên hiệp với Christ: Tội nhơn tin đến Chúa Jesus Christ thì được liên hiệp với Ngài, đến đỗi sự sống của Ngài trở nên hoạt lực cai trị đời sống của người mọi bề. Sự liên hiệp ấy là tín đồ đứng ở trong địa vị của Christ, mặc lấy Ngài cùng sự công nghĩa Ngài như mặc áo xống vậy. Đồng thời với lúc được xưng nghĩa đó, thì cũng được tái sanh bởi Christ nữa, và kết cuộc sự ấy bao giờ cũng là sự nên thánh, tức sự công nghĩa thực nghiệm vậy. Phao-lô chứng rằng: Ga 2:20

c)     Năng lực sự sống của Christ ở trong tội nhơn: Khi tội nhơn được xưng nghĩa thì được tái sanh, hưởng được sự sống của Christ ở trong lòng. Năng lực của sự sống ấy lần lần mà chắc chắn sẽ trừ khử sự hủ bại của tâm tánh còn lại, đến đỗi cả thiên tánh và linh tánh đều thích hiệp với đức tánh thánh khiết của Đức Chúa Trời. Khi tội nhơn mới tin Chúa, thì chẳng có sự thánh khiết gì cả. Nhưng Đức Chúa Trời thấy sự cuối cùng của người ấy ở trong Christ sẽ là thánh khiết trọn vẹn; cho nên Ngài vì đức tin người mà dời người từ địa vị tội lỗi sang qua địa vị công nghĩa, kể người là công nghĩa ở trong Christ, ban cho người sự sống của Ngài, hầu cho nhờ hoạt lực ấy Ngài có thể khiến cho người trở nên công nghĩa và thánh khiết thực nghiệm vậy. Thế thì, sự xưng nghĩa là cái cửa mở đường cho Đức Chúa Trời có thể hành động trong tội nhơn mà ứng dụng cho họ cả linh nghiệm của sự cứu rỗi, đến đỗi người chẳng những là được đứng trong địa vị công nghĩa thôi đâu, nhưng lại có chính địa vị ấy ở trong lòng nữa. Kinh Thánh dạy rằng: Phil 3:21; Côl 3:1-4

Nói tóm lại, chúng ta được xưng nghĩa chẳng tại đợi giá và công lao riêng của ta, bèn là chỉ tại đợi giá và công lao của Christ đó thôi. Cái cơ chỉ của sự xưng nghĩa là công việc của sự công nghĩa của Ngài. Vì Ngài là Đầu của dòng giống người mới, bao hàm trong Ngài mọi tín đồ làm chi thể của Ngài, nên mọi công việc nào Ngài đã làm, Đức Chúa Trời kể là của họ. Tội của A-đam đổ cho ta, chẳng phải vì A-đam ở trong ta, bèn là vì ta vốn ở trong A-đam. Thì cũng một lẽ ấy, sự công nghĩa của Christ được kể cho ta, chẳng phải vì Christ vốn ở trong ta, bèn vì ta ở trong Christ, liên hiệp với Đấng có công nghĩa trọn vẹn vượt qua mọi sự cần dùng của ta. Theo ý ấy ta có thể nói rằng, ta nhờ Christ ở ngoài ta mà được xưng nghĩa; cũng nhờ Christ ở trong ta mà được nên thánh.

Kinh Thánh có dạy về ba thứ “sự kể cho”, tức là (1) Đức Chúa Trời kể tội của nguyên tổ cho ta; (2) Đức Chúa Trời kể tội ta cho Christ; và (3) Đức Chúa Trời kể sự công nghĩa của Christ cho ta. Cái thể thức của sự xưng nghĩa là “chúng ta ở trong Christ” được Đức Chúa Trời kể sự công nghĩa của Christ cho ta; còn cái thể thức về sự nên thánh là “Christ ở trong chúng ta”, khiến chúng ta được nên công nghĩa thực nghiệm. ITi 1:14; ITi 3:16; Công 13:39; Rô 4:25; Êph 1:6; ICô 6:11; Rô 5:1,2

 

V. SỰ XƯNG NGHĨA QUAN HỆ VỚI ÐỨC TIN

Chúng ta được xưng nghĩa chẳng phải vì ta có lòng yêu thương Đức Chúa Trời hay là có tâm đức gì khác, bèn chỉ tại vì ta có đức tin đến Christ đó thôi.

1.    KINH THÁNH LÀM CHỨNG

Kinh Thánh dạy rõ lắm rằng tội nhơn được xưng nghĩa bởi đức tin: Sáng 15:6; Hê 11:7; Rô 1:17; Rô 3:24-28; Ga 3:11

2.    Ý NGHĨA VỀ SỰ ĐƯỢC XƯNG NGHĨA BỞI ĐỨC TIN

Vả, sự được xưng nghĩa bởi đức tin có nghĩa gì? Xin đáp:

a)    Lấy đức tin mà nhận lãnh ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời: Được xưng nghĩa bởi đức tin là tội nhơn lấy đức tin mà nhận lãnh ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Đức tin thật là cần yếu cho kẻ được xưng nghĩa, nhưng không thể gọi là nguyên nhơn của sự cứu rỗi. Bởi nguyên nhơn của sự cứu rỗi toàn là tại ân điển của Đức Chúa Trời và công lao của Jesus Christ. Nên Kinh Thánh cũng thường nói chúng ta được cứu bởi ân điển, được xưng nghĩa bởi đợi giá của huyết báu của Christ. Chúng ta chỉ lấy đức tin làm cánh tay giơ ra để nhận lãnh công ơn ấy thôi.

Vả, có kẻ hỏi rằng: Kinh Thánh dạy rằng tội nhơn được cứu bởi ân điển của Đức Chúa Trời, lại nói rằng được cứu bởi công đức của Jesus Christ, cũng nói rằng được cứu bởi đức tin; vậy ba câu ấy há chẳng phản đối nhau sao? Ta đáp rằng: Không; ơn cứu rỗi thật là do Đức Chúa Trời ban cho; công đức cứu rỗi quả làm nên bởi Jesus Christ; còn chúng ta chỉ nhận lãnh công ơn ấy chỉ bởi đức tin đó thôi. Sự được xưng nghĩa giống như sự chữa bịnh. Việc chữa bịnh có ba phương diện: (1) bởi công ơn thầy thuốc; (2) bởi công hiệu thuốc thang; (3) bởi bịnh nhơn tin cậy mà dùng thuốc đúng theo lời thầy thuốc đã dặn. Công việc chúng ta được xưng nghĩa cũng vậy.

b)    Lấy đức tin mà kết hiệp cùng Christ: Sự được xưng nghĩa bởi đức tin lại là lấy đức tin mà tin cậy nơi công lao và đợi giá của Christ, được Đức Chúa Trời kể địa vị công nghĩa trọn vẹn của Ngài là của chúng ta. Ví dụ cô gái nghèo khổ kia, một mai được gả cho một người chồng giàu có. Hễ một khi đã làm lẽ hôn phối rồi, thì nàng liền trở nên một bà nhà giàu, hưởng được đồng đẳng địa vị với chồng. Chúng ta vốn nghèo khổ yếu đuối, cũng chỉ lấy đức tin mà kết hiệp với Christ, thì liền được đồng đẳng địa vị với Ngài, hưởng được các phẩm đức danh giá của Ngài. Phao-lô dạy rằng: IICô 8:9

Chúng ta sở dĩ được dự phần đến sự công nghĩa của Christ, là chỉ tại vì lấy đức tin mà kết hiệp với Ngài, thì liền được Đức Chúa Trời kể địa vị công nghĩa của Ngài là của chúng ta vậy.

3.    ĐIỀU KIỆN CỦA SỰ XƯNG NGHĨA LÀ ĐỨC TIN

Nói rằng tội nhơn được xưng nghĩa chẳng phải bởi tình yêu thương, chẳng phải do sự vâng phục, chẳng phải vì cậy công đức riêng gì, thì là nghĩa làm sao? Đáp: Ấy vì tội nhơn chỉ lấy đức tin mà nhận lãnh ân điển nhưng không của Đức Chúa Trời và công đức tối thượng của Jesus Christ, chẳng cần trả giá gì hết. Từ xưa đến nay lắm người đã tận tâm tìm kiếm đường dẫn đến sự công nghĩa. Người nầy cậy luật pháp, kẻ kia lập công đức, cốt để trở nên công nghĩa ở trước mặt Đức Chúa Trời. Nhưng thảy đều hư không cả. Vì sự được xưng nghĩa là tặng phẩm của Đức Chúa Trời ban cho, chớtội nhơn dầu đem sự giàu có của cả thế gian, công đức của cả loài người để mua chuộc, thì cũng chẳng được gì cả. Kinh Thánh dạy rõ lắm rằng nếu chúng ta nhờ một mảy công đức riêng gì của mình để làm đợi giá cho được ơn cứu rỗi, thì quả chẳng được gì cả, vì sự cứu rỗi chỉ là ân tứ của Đức Chúa Trời ban cho nhưng không đó thôi. Như Phao-lô dạy rằng: “Nhưng nếu bởi ân điển thì chẳng phải bởi việc làm nữa; bằng chẳng, thì ân điển không phải là ân điển nữa” (Rô 11:6)

Ví dụ như chúng ta mua vật gì, chỉ trả có một đồng tiền, cũng đủ làm mất cái tiếng “ban cho”; vì dẫu là trả một giá rẻ mạt đi nữa, cũng chịu tiếng là đồ mua, chớ chẳng phải là đã ban cho đâu. Chúng ta được tha tội, được phục hòa với Đức Chúa Trời, được xưng nghĩa, vẫn không trả giá gì, không hề nhọc công, tốn của chi cả (Ês 55:1); đến đỗi chính đức tin chúng ta dùng để được sự ấy cũng là sự ban cho của Đức Chúa Trời nữa (Êph 2:8).

Dầu có câu khuyên rằng: “Hãy lấy lòng sợ sệt run rẩy mà làm nên sự cứu rỗi anh em” (Phil 2:12), thì câu ấy khuyên dạy ta hãy làm cho sự cứu rỗi mình đã nhận lãnh nhưng không ở nơi Christ thành tựu trọn vẹn ở nơi mình, chớ chẳng dạy ta phải rán sức làm việc cho được xưng nghĩa đâu; bởi ai muốn cậy việc làm để được xưng nghĩa thật là vô ích. Như Phao-lô chép: “Duy kẻ chẳng làm việc chi, nhưng tin Đấng xưng kẻ bất nghĩa là công nghĩa, thì đức tin của kẻ ấy kể cho là công nghĩa” (Rô 4:5).

Giả như người nghèo kia bỗng chúc được một hầm vàng, đã chẳng phải mất tiền mua, mà cũng chẳng phải tốn công tìm kiếm. Song nếu muốn sử dụng được vàng đó để cung dụng hằng ngày, thì kẻ ấy phải rán sức mà đào hầm kia mới lấy vàng ra được. Ấy, chúng ta được cứu rỗi rồi, thì phải làm cho sự linh nghiệm của sự cứu rỗi ấy được nên trọn vẹn ở trong sự từng trải của mình, mới gọi là được toàn cứu vậy.

4.    KHÔNG PHÂN BIỆT ĐỨC TIN MẠNH HAY YẾU

Dầu người ta đều được xưng nghĩa bởi đức tin cả, thì cũng chẳng phân biệt đức tin lớn hay nhỏ, yếu hay mạnh, thảy đều chỉ vì có đức tin thật nhờ cậy Chúa Jesus Christ mà được đó thôi. Kìa, có kẻ đến cầu ơn cứu rỗi của Chúa, thì gieo cả mình vào lòng Ngài và được cứu liền; còn kẻ khác cũng đến xin ơn cứu rỗi của Chúa, dầu chỉ giơ tay rờ trên áo của Ngài thôi, thì cũng được cứu như người kia vậy.

Xưa dân Y-sơ-ra-ên ở xứ Ai cập, hễ nhà nào trong họ có bôi huyết chiên con trên mày cửa, thì bao nhiêu sanh mạng ở nhà của họ đều được bảo toàn, bất luận già trẻ, mạnh yếu, nhát dạn, vàbất câu đức tin của họ mạnh yếu lớn nhỏ thể nào; họ chỉ cần lấy đức tin bôi huyết chiên con trên cửa thì được cứu. Kẻ được xưng nghĩa bởi đức tin cũng như thế.

Ta thường thấy có lắm tín đồ đức tin yếu đuối, thiếu thốn, thậm chí tin Chúa từ lúc đầu xanh tuổi trẻ đến khi da mồi tóc sương, vẫn chưa dám tin chắc mình đã được cứu. Song xét kỹ thì thấy họ quả có nương cậy nơi công lao của Chúa Jesus Christ, nhận Ngài là Cứu Chúa duy nhứt của mình. Họ chắc là người được cứu; nhưng họ luôn luôn thiếu bình yên về sự tha tội, cứ sợ hãi rằng sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời có lẽ sẽ giáng trên mình chăng. Sự xưng nghĩa ví như đồ ăn; đức tin ví như tay cầm đồ ăn đưa lên miệng. Dầu nó vẫn cũng nhờ tay ấy để cầm lấy đồ ăn nuôi mình cũng như người lớn vậy. Bởi sự nuôi mình chẳng phải tại tay, bèn là chỉ tại đồ ăn đó thôi. Sự xưng nghĩa bởi đức tin cũng như vậy.

5.    NỘI CHỨNG CỦA SỰ XƯNG NGHĨA

Kẻ được cứu rỗi, về bên Đức Chúa Trời thì được kể là công nghĩa, còn về bên chính kẻ ấy cũng hẳn có chứng cớ chắc chắn rằng mình đã được xưng nghĩa rồi. Hễ thử hỏi các tín đồ thuộc linh cao thượng, ai ai cũng trả lời rằng: “Quả có vậy”

a)    Cảm biết Christ là Cứu Chúa của mình: Tín đồ được xưng nghĩa chẳng những là tin Chúa Jesus Christ là Cứu Chúa, lại còn có tự cảm biết được Ngài làm Cứu Chúa của mình nữa. Họ chẳng những tin huyết của Ngài chảy ra vì người ta, bèn cũng cảm biết huyết Ngài chảy ra vì chính mình nữa. Cũng chẳng những tin Ngài chịu chết vì mình, lại cảm biết chắc Ngài cũng vì mình mà sống lại nữa. Họ cảm biết Chúa Jesus Christ chắc chắn là Chúa của mình, là đời sống mình, cảm biết ấy minh chứng rằng mình đã được xưng nghĩa rồi vậy.

b)    Tâm linh được biến cải: Tín đồ nào đã từ địa vị bất nghĩa của người cũ mà được qua địa vị công nghĩa của Christ, thì liền nhận lãnh được sự sống thuộc linh từ trên trời ban xuống. Tánh nết người được đổi mới, ý hướng và chí nguyện người đều được biến cải đến đỗi nào sự ưa muốn, nào sự vui thích, nào sự tìm cầu, nào sự tính toán, hết cả đều xoay chiều đổi hướng, không còn xu hướng về tính đức hạ giới nữa, bèn khuynh hướng về linh tánh thượng giới vậy. Lời nói việc làm, tâm tư ý tưởng của kẻ ở trong Christ đều hóa ra mới cả. Vì “nếu ai ở trong Christ, thì nấy là người được dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều đã trở nên mới” (IICô 5:17). Sự biến cải lạ lùng ấy cũng minh chứng rằng mình đã được xưng nghĩa rồi.

c)     Trong lòng được bình yên: Nội chứng rất thiệt về sự được xưng nghĩa là sự bình yên trong lòng. Tín đồ biết chắc tội mình đã được tha, nguyên án tội đã thủ tiêu, mình đã được thoát khỏi gia hình của nó, nên trong lòng được bình an trọn vẹn. Phao-lô dạy rằng: Rô 5:1

Vẫn biết rằng có đôi kẻ tự lừa dối mình, tưởng tội mình được tha, bèn hân nhiên tự đắc. Song le tín đồ chơn thật đều có đức tin minh bạch, đức tin chắc thật, đức tin đích xác mà nhận lãnh công lao cứu chuộc của Christ. Chỉ những kẻ ấy được lời ân hậu phán trong lòng rằng: “Hỡi con, hãy yên lòng, tội lỗi con đã được tha” (Ma 9:2). Lời ấy an ủi mình lắm, nếu không sớm thì muộn ắt ban cho mình được bình yên vui vẻ dồi dào không sai.

6.    LÚC ĐƯỢC XƯNG NGHĨA

Tội nhơn được xưng nghĩa vào lúc nào? Có nhiều cách trả lời cho vấn đề ấy.

a)    Ý kiến sai: Giáo hội La-mã dạy rằng tín đồ không thể được xưng nghĩa trọn vẹn trong đời nầy, bèn là việc vừa nhờ công lao của Christ, vừa nhờ việc bổ thục của tín đồ mà lần lần được nên. Khi tín đồ qua đời, có lẽ đã được xưng nghĩa rồi; bằng không thì phải chịu sự đau khổ của lửa luyện tội đặng bổ túc lại khuyết điểm về công đức riêng của mình, mới mong bổ túc lại khuyết điểm về công đức riêng của mình, mới mong kết quả sự xưng nghĩa trọn vẹn được. Ý kiến ấy rất sai lầm; vì coi công lao của Christ không đủ đợi giá chuộc tội, cần phải có công đức riêng của tội nhơn phụ vào mới đủ.

b)    Sự dạy dỗ của Kinh Thánh: Theo điều Kinh Thánh dạy thì tội nhơn được xưng nghĩa nội trong giây phút, không cần đợi trải nhiều thì giờ. Vì khoảng giữa sự định án và sự tha tội chẳng có địa vị trung ương nào; chỉ có hoặc là Đức Chúa Trời giận tội nhơn, hay là Đức Chúa Trời đẹp lòng người mà thôi. Ta được đứng hoặc ở trong địa vị bị định tội hay là ở trong địa vị được tha tội, không thể đồng một lúc mà đứng trong cả hai chỗ ấy. Khá phân biệt hai điều nầy: sự xưng nghĩa được nên nội trong giây phút, lúc tội nhơn tin cậy nơi Christ; nhưng sự trở nên công nghĩa thực nghiệm thì trải qua đời sống mình mới được nên. Con hoang đàng trở về cùng cha kia, dầu vẫn mặc áo dơ dáy và có tội với cha, thì cha vẫn cứ vui mừng chạy ra ôm hôn và đưa vào nhà. Đoạn sau cha mới thay áo cho, và đặt tiệc ăn mừng. Sự xưng nghĩa cũng vậy. Khi tội nhơn ăn năn trở lại cùng Cha, được Cha tha tội cho, thì đã được xưng nghĩa rồi. Từ đó về sau Cha nhờ Thánh Linh khiến cho người trở nên công nghĩa bề trong để thích hiệp với gia đạo của nhà Cha vậy. (Cũng xem truyện tích về lễ Ngũ tuần: Công 2:37-41; Saulơ tin Chúa: Công 9; Cọt-nây trở lại cùng Chúa: Công 10:).

7.    ĐƯỢC NÊN MỘT LẦN ĐỦ CẢ

Tội nhơn được xưng nghĩa chỉ một lần đủ cả. Dầu về sau người tái phạm, sa vào tội lỗi nữa, thì cũng chẳng vì cớ đó mà mất địa vị công nghĩa. Nếu chẳng may kẻ được xưng nghĩa mà lại phạm tội, thì phải đến cùng Đức Chúa Trời như con đến cùng Cha, xưng tội ra, và nhờ huyết Christ làm sạch lại. Sự ăn năn và sự được tha tội đó Kinh Thánh chẳng hề gọi là được xưng nghĩa một lần nữa đâu. Thánh Giăng dạy rằng:; IGi 2:1 IGi 1:9

 

Chương 7 – LUẬN VỀ SỰ NÊN THÁNH

TỘI NHƠN đã nhờ công năng của Thánh Linh cảm hóa mà chịu ăn năn, trở lại với Chúa, tin cậy công đức của Jesus Christ mà được tái sanh, được xưng nghĩa ở trước mặt Đức Chúa Trời rồi, thì đã xuất tử nhập sanh, đứng vào địa vị cứu rỗi ở trong Chúa Jesus Christ vậy. Nhưng ấy chỉ là cái khởi điểm trong đời thuộc linh, là cửa vào nhà Cha, là ngày sinh đẻ của con cái Đức Chúa Trời. Tín đồ ấy còn nhiều sự bất toàn, cần phải lớn lên đến bực thành nhơn; còn non nớt, cần phải đạt đến chỗ tráng kiện. Việc tấn bộ ấy Thần đạo gọi là sự nên thánh. Sự tái sanh là biến động sanh đẻ làm con cái Đức Chúa Trời, sự nên thánh là sự tiến triển trong cuộc lớn lên làm con trưởng thành của Ngài. Sự xưng nghĩa là việc kể tội nhơn là công nghĩa trong Christ; sự nên thánh là khiến cho tâm tánh người trở nên công nghĩa, đến đỗi tâm tư ý tưởng, hành vi cử chỉ đều thích hiệp với địa vị công nghĩa ở trong Christ vậy.

I. ÐỊNH NGHĨA

1.    Ý NGHĨA

Sự nên thánh có nghĩa gì? Nói đại khái, thì sự nên thánh là việc của Thánh Linh cứ vận hành trong lòng tín đồ nhận được từ lúc tái sanh, hầu cho linh mạng ấy cứ mở mang tấn triển mãi, đạt đến bực thành nhơn trọn vẹn ở trong Chúa Jesus Christ. Nói cách khác, sự nên thánh là công việc bởi ơn quá cách của Đức Chúa Trời gây nên trong lòng tín đồ, để khiến cho sự sống mới càng ngày càng mạnh mẽ, tâm tánh mới càng ngày càng thanh khiết, đến đỗi tín đồ vui lòng lìa bỏ mọi tội lỗi, tận tâm dâng mình cho Đức Chúa Trời để ăn ở theo đạo thánh khiết, hầu kết quả việc công nghĩa, đẹp lòng Ngài mọi đường. Tín đồ sở dĩ đến bực nên thánh là nhờ công năng của Thánh Linh cải hóa, dạy dỗ, săn sóc vàdẫn dắt, đến đỗi sự sống mới, tâm tánh mới càng ngày càng tấn tới trong đường thánh sạch không chỗ trách được vậy. Sự nên thánh chẳng những là trừ tội lỗi, tẩy ô uế, mà cũng là khiến được đủ thần đức, thần tánh mới càng ngày trở nên giống như Con Đức Chúa Trời nữa.

2.    SÁNH VỚI SỰ TÁI SANH

Sự tái sanh khác với sự nên thánh. Sự tái sanh tợ hồ như cây cối gặp tiết xuân ấm áp, đâm chồi nứt lộc; sự nên thánh tợ hồ trải đến mùa thu, nhành lá sum sê, hoa quả tươi tốt, để cho người ta thích dùng nữa. Sự tái sanh ví như con đỏ mới sanh ra; sự nên thánh ví như con ấy lớn lên đạt đến bực thành nhơn. Sự tái sanh là Đức Chúa Trời gieo hột giống thánh thiện ở trong lòng người ta; sự nên thánh là hột giống ấy đã mọc lên, cứ lớn mãi đến thời kỳ xanh tươi tốt đẹp. Các câu Kinh Thánh dẫn dưới đây chứng thực rằng sự nên thánh là việc tín đồ lớn lên đạt đến bậc thành nhơn trong Chúa. Êph 4:13; ITê 3:12; IIPhi 3:18. Xin sánh những câu ấy với IPhi 1:23; IGi 3:9

Người mới được tái sanh dầu là có sự sống mới, tâm tánh mới, song tánh cũ mà Kinh Thánh thường gọi là xác thịt, vẫn còn ở trong người, tợ hồ có hai năng lực trong lòng hay vận động nghịch cùng nhau luôn. Năng lực nầy là tánh mới hay hướng thiện; năng lực kia là tánh cũ (xác thịt) hay hướng ác. Hai tánh ấy thường nghịch nhau hằng giao chiến cùng nhau, chẳng hề hòa thuận với nhau bao giờ. Chỉ nhờ công năng của Thánh Linh mà tánh mới thắng hơn tánh cũ, và trở nên sự nên thánh được đó thôi. Phao-lô dạy rằng: Ga 5:17; Rô 7:21-23; Rô 8:2

3.    SÁNH VỚI SỰ XƯNG NGHĨA

Sự xưng nghĩa và sự nên thánh cũng khác nhau. Trong chương trước ta đã thấy sự xưng nghĩa là tín đồ được đứng trong địa vị công nghĩa ở trong Christ; còn sự nên thánh là Christ ở trong tín đồ khiến cho linh tánh người trở nên công nghĩa thích hiệp với địa vị ấy. Sự xưng nghĩa là khởi điểm của đường nên thánh; sự nên thánh trọn vẹn là kết cuộc của sự xưng nghĩa. Sự xưng nghĩa bởi công đức của Christ thế vị ta mà chuộc lại; còn sự nên thánh là công phu của Thánh Linh làm nên ở trong ta. Nền tảng của sự xưng nghĩa thiết lập trên sự chết của Christ; cơ chỉ của sự nên thánh xây lên trên sự sống lại của Ngài. Kẻ được xưng nghĩa được đứng trong địa vị cứu rỗi; nhưng cũng cần nên thánh, mới hưởng được cả hiệu lực của địa vị ấy.

Ví như bịnh nhơn kia, bịnh tình đã thuyên giảm, thì chắc được sống rồi (ấy chỉ về xưng nghĩa); nhưng còn cần phải gia công điều dưỡng, mới có thể bình phục như xưa được (ấy chỉ về sự nên thánh). Lại ví như con thuyền vượt biển kia, gặp cơn giông tố, sóng dập gió dồi, song may thay chưa đến nỗi chìm và được lọt vào trong cửa, đậu nhằm một chỗ yên tĩnh khuất gió. Thuyền ấy dầu đã đậu tại bến bình an rồi, song chưa tu bổ lại các chỗ hư hỏng bởi cơn giông tố đó; thì cần lắm phải trải một thời gian để các bạn tàu lo sửa chữa lại cho chắc chắn, mới đáng gọi là đã được toàn cứu khỏi cơn giông tố ấy vậy.

Sự xưng nghĩa và sự nên thánh cũng khác nhau như thế. Khi ta được xưng nghĩa, thì hưởng được bình yên, khỏi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời, không còn sợ hình án của tội lỗi nữa. Còn công phu nên thánh là tâm linh được cải hóa, được gây dựng trong sự thánh khiết, đến đỗi ý hướng và ý chí nguyện càng ngày chăm chỉ về những điều đẹp lòng Đức Chúa Trời càng hơn. Phao-lô dạy rằng:

Rô 8:1,2-4. “Cho nên hiện nay chẳng có sự định tội cho những kẻ ở trong Christ Jesus (ấy là địa vị được xưng nghĩa). Vì luật pháp của Thánh Linh của sự sống ở trong Christ Jesus đã buông tha tôi khỏi luật pháp của tội lỗi và sự chết… hầu cho đều phải nghĩa của luật pháp được thành tựu trong chúng ta, là kẻ chẳng noi theo xác thịt, nhưng noi theo Thánh Linh” (ấy là sự nên thánh ở bề trong). Cũng xem câu 12,13.

4.    SÁNH VỚI SỰ RỬA SẠCH

Sự rửa sạch cũng khác với sự nên thánh. Vì sự rửa sạch là phương diện trừ bỏ; còn sự nên thánh là phương diện làm cho đầy dẫy. Tuyển dân của Chúa chẳng những là phải tìm sự trừ tội, sự rửa sạch thôi đâu; lại cần phải có đủ phẩm đức thuộc linh của Đức Chúa Trời để làm cho đầy dẫy lòng đã được rửa sạch rồi đó nữa. Lời nói việc làm, tâm tư ý tưởng đều cần giống như Ngài, đẹp lòng Ngài mọi bề, mới đáng gọi tín đồ là dân thánh của Ngài vậy. Trong IICô 7:1 Phao-lô dường như phân biệt sự rửa sạch với sự nên thánh mà rằng: “Hỡi kẻ yêu dấu, vì chúng ta đã có lời hứa dường ấy, thì hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự o uế của xác thịt và của tâm linh, để làm trọn sự nên thánh trong sự kính sợ Đức Chúa Trời”.

II. KINH THÁNH DẠY VỀ SỰ NÊN THÁNH

Kinh Thánh luận đến sự thánh khiết và sự nên thánh rất mầu nhiệm, minh chứng rằng quan niệm ấy rất quan hệ đối với đạo Đức Chúa Trời. Có người nói rằng Tân Cựu ước nói đến quan niệm thánh khiết và nên thánh ước chừng 1060 lần, Cựu ước 760 lần, Tân ước 300 lần.

1.    NGHĨA CHỮ THÁNH

a)    Trong Cựu ước: Trong Cựu ước chữ mà bản Việt thường dịch ra “thánh” hay “nên thánh”, nguyên văn Hê-bơ-rơ là kadosh, nghĩa đen là “biệt riêng ra cho công việc Đức Chúa Trời”. Cựu ước ứng dụng chữ ấy theo bốn cách:

(1)Ứng dụng cho chỗ và vật: Trời. Thi 20:6; núi Sinai, Thi 69:17; xứ Canaan, Xa 2:12; chỗ Đức Chúa Trời hiện ra, Xuất 3:5; thành Giê-ru-sa-lem, Nê 11:1; đền thờ; ICác 9:3; bàn thờ, Xuất 29:36; các lễ vật và con sinh, Xuất 28:38; 29:27, đều gọi là thánh cả.

(2)Ứng dụng cho lễ tiết: Ngày sabát, Sáng 2:3; Xuất 20:8,11, và năm hân hỉ, Lê 25:10, cũng là thánh.

(3)Ứng dụng cho người ta: Con đầu lòng của dân Y-sơ-ra-ên, Xuất 13:2, dân Y-sơ-ra-ên, Phục 7:8, người của Đức Chúa Trời, IICác 4:9, tiên tri Giê-rê-mi, Giê 1:5, thánh đồ và thiên sứ biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời, Gióp 1:5; 15:15; Thi 16:3; 34:9; Ês 4:3; Đa 4:13; 7:18,21,22,25,27; 8:13,24; Xa 14:5, cũng gọi là thánh cả.

Tra cứu kỹ càng các đoạn sách dùng chữ “thánh” hoặc “nên thánh” mà ứng dụng cho chỗ, vật, lễ tiết hay người ta, thì rõ đại ý là những điều ấy sở dĩ được gọi là thánh, là tại vì cớ tiếp xúc với Đức Chúa Trời, được biệt riêng ra cho Ngài để dùng vào sự hầu việc Ngài.

(4)Ứng dụng cho Đức Chúa Trời: Chữ “thánh” được ứng dụng cho Đức Chúa Trời nhiều hơn hết. Ngài là Đấng thánh tuyệt đối, và nguồn của sự thánh khiết ở trên trời dưới đất, Giô 24:19; ISa 6:20; Thi 51:11; Ês 6:3; 10:17; 29:23; 49:7; 63:10,11; Xuất 28:36; 39:30.

b)    Trong Tân ước: Tân ước dạy dỗ về vấn đề nên thánh sâu nhiệm và quí báu hơn Cựu ước. Ấy chắc tại vì thời đại ân điển trổi hơn thời đại luật pháp mọi bề. “Vì luật pháp đã ban bố bởi Môi-se còn ân điển và lẽ thật bởi Jesus Christ mà đến” (Gi 1:17).

Nguyên văn Hi-lạp có chừng năm chữ để chỉ về quan niệm “thánh khiết”, tức là: động từ hagiazo, nghĩa đen là “làm nên thánh”; hình dung từ hagios, nghĩa đen là “sự nên thánh” hay là “sự thánh khiết”. Như Cựu ước, Tân ước cũng ám chỉ rằng sự thánh khiết hoặc sự nên thánh đều do sự tiếp xúc với Đức Chúa Trời màra. Trong bản Việt, năm chữ ở trên phần nhiều đều được dịch ra “được nên thánh”, “nên thánh”, “thánh khiết”, hay là “thánh”.

Cựu ước ứng dụng chữ kadosh thể nào, thì Tân ước ứng dụng năm chữ kể trên cũng thể ấy.

(1)Ứng dụng về chỗ: Thành Giê-ru-sa-lem, nơi chí thánh, đền thờ của thánh đồ, đều là thánh cả, Ma 4:5; 24:15; Êph 2:21.

(2)Ứng dụng về sự vật: Giao ước của Đức Chúa Trời, Kinh Thánh, Luật pháp, cũng gọi là thánh, Lu 1:72; Rô 1:2; 7:12.

(3)Ứng dụng về người ta: Tín đồ, tiên tri, thiên sứ cũng đều được xưng là thánh cả, Hê 3:1; ICô 1:2; IICô 1:1; Công 3:21; Khải 14:10.

Mỗi đoạn sách trong Tân ước dùng chữ để chỉ về quan niệm nên thánh, đại ý cũng tỏ ra sự ấy sở dĩ được nên như thế là do sự tiếp xúc với Đức Chúa Trời như trong Cựu ước vậy; bởi vì vô luận thời đại nào, duy Đức Chúa Trời là nguồn gốc duy nhứt của sự thánh khiết và sự nên thánh.

(4)Ứng dụng cho Ba Ngôi Đức Chúa Trời: Ba Ngôi Đức Chúa Trời cũng được xưng là thánh: Cha, Gi 17:11; Con, Mác 1:24; Lu 1:35; IGi 2:20; Thánh Linh, Ma 3:11; Công 13:2; Rô 15:16.

2.    HAI THỨC NÊN THÁNH

Kinh Thánh dùng chữ nên thánh theo hai cách để tỏ ra hai thực sự nên thánh. Hai thức ấy thần học gọi là 1) sự nên thánh thuộc mặt nghi lễ, 2) sự nên thánh thuộc tánh đạo đức. Nếu sự tiếp xúc với Đức Chúa Trời thuộc về bề ngoài, thì sự nên thánh do đó mà ra gọi là sự nên thánh thuộc mặt nghi lễ, không can thiệp với tánh đạo đức. Còn nếu sự tiếp xúc với Đức Chúa Trời thuộc về phần linh tánh, thì sự nên thánh do đó mà ra gọi là sự nên thánh thuộc tánh đạo đức, can thiệp với linh tánh vậy.

a)    Sự nên thánh thuộc mặt lễ nghi: Cựu ước chú trọng về sự nên thánh thuộc mặt nghi lễ; Tân ước cũng nói đến, nhưng chỉ vài lần, và chỉ can thiệp đến chỗ và sự vật mà thôi. (Về Cựu ước, xem phần dạy về nghĩa chữ thánh trong Cựu ước, II, 1, trong chương nầy. Về Tân ước, xem Ma 23:17-19; ITi 4:4,5).

Đại ý của sự nên thánh thuộc mặt nghi lễ là phân rẽ với tội lỗi và sự ô uế bề ngoài, mà biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời để dùng trong sự hầu việc Ngài. Sự nên thánh nầy không có quan hệ với tánh đạo đức, chỉ được gọi là thánh, bởi vì bên ngoài có tiếp xúc với Đức Chúa Trời, được Ngài lợi dụng làm việc Ngài vậy. Cho nên sự nên thánh thuộc mặt nghi lễ là biệt sự vật, chỗ, hay người riêng ra khỏi sự thường dụng của nó mà dâng cho Đức Chúa Trời dùng lấy. Các sự vật, chỗ, hoặc người mà được biệt riêng ra như thế đều thuộc về Đức Chúa Trời, và được gọi là thánh (Dân 3:13; 8:17).

Những nghi lễ Cựu ước dùng trong sự biệt sự vật hay người ta ra thánh thì nhiều và phiền phức lắm, như trong việc tẩy uế kẻ phung, thì có năm việc cần thiết, tức là giết con sinh tế, tắm rửa trong nước, rảy huyết, rảy dầu, và đổ dầu trên kẻ được sạch (xem Lê 14). Các việc ấy có nghĩa bóng, chỉ về cách nào tín đồ đời Tân ước được nên thánh, dạy rằng họ cậy sự chết của Christ, sự tái sanh, sự đổ huyết Ngài, và công việc của Thánh Linh cảm hóa bề trong mà được trở nên thánh khiết thực nghiệm vậy.

Trong Tân ước chỉ có một câu dường như theo lối thuộc mặt nghi lễ mà ứng dụng hình dung từ “nên thánh” cho người ta. Ấy là trong ICô 7:14: “Bởi vì chồng không tin, nhơn vợ mà được nên thánh, vợ không tin, nhơn chồng mà được nên thánh; bằng chẳng vậy, thì con cái anh em chẳng sạch, song nay đều là thánh.” Ý của câu ấy dạy rằng bạn không tin Chúa nhơn vì tiếp xúc với bạn tin Chúa mà được nên thánh, tức là được biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời để hầu việc Ngài trong sự nuôi nấng, coi sóc, và giúp đỡ một con cái của Ngài; lại nhơn đó con cái của họ cũng khỏi bị ô uế, khỏi gọi là con ngoại tình vậy.

b)    Sự nên thánh thuộc tánh đạo đức: Tân ước luận về sự ứng nghiệm các lễ nghi của Cựu ước, nên tất nhiên cũng chú trọng về sự nên thánh thuộc tánh đạo đức, chỉ dạy thế nào tội nhơn đã được tái sanh, xưng nghĩa rồi cũng có thể trở nên thánh khiết ở trong linh tánh nữa. Trong Tân ước quan niệm nên thánh về tánh đạo đức, cũng đồng nghĩa với quan niệm ấy trong Cựu ước, tức là được nên trong sự phân rẽ với tội lỗi (bề trong), sự dâng mình cho Chúa, và sự biệt riêng ra để hầu việc danh thánh của Ngài, Tân ước luận về vấn đề nầy thì nói đến hai hạng được nên thánh, ấy là (1) Chúa Jesus Christ, và (2) tín đồ.

(1)Chúa Jesus Christ được nên thánh: Tin Lành Giăng có câu: “… ta vốn là Đấng Cha đã biệt ra thánh” (10:36). “Con vì họ tự biệt ra thánh, hầu cho họ cũng nhơn lẽ thật mà được nên thánh vậy” (17:19). Ý nghĩa về Christ nên thánh là Ngài được biệt riêng ra cho Cha để làm công việc cứu chuộc lòai người. Các nghi lễ về việc phong chức tế lễ cho A-đam làm hình bóng về Christ được biệt riêng ra để làm chức tế lễ chơn thật cho loài người ở trước mặt Đức Chúa Trời. Christ được Cha biệt riêng ra từ trước buổi sáng thế để làm việc cứu chuộc. Cho nên sự đầu thai, sự bị cám dỗ, sự thương khó của Ngài, thảy đều là những phần trong chức nhiệm ấy, khiến cho sự chết Ngài có giá trị tuyệt đối để cứu chuộc loài người. Sự nên thánh của Christ chẳng có ý ám chỉ rằng Ngài phải phân rẽ với tội lỗi và ô uế bề trong; vì Ngài vốn là thánh khiết tuyệt đối; bèn chỉ ứng dụng danh từ ấy theo nghĩa biệt riêng ra để làm xong một chức vụ nào đó thôi.

(2)Tín đồ được nên thánh: Khi Tân ước ứng dụng danh từ “sự nên thánh” cho tín đồ, thì có nghĩa theo cả ba lối, là phân rẽ với tội lỗi cho được tinh sạch, dâng cho Đức Chúa Trời để thuộc về Ngài, và biệt riêng ra để hầu việc Ngài. Cả ba công việc ấy được nên bởi công năng của Thánh Linh cảm hóa, dạy dỗ, gây dựng, và ứng dụng cả hiệu lực của công đức cứu chuộc của Christ đó vậy. Sau đây xin trưng dẫn những câu quan hệ hơn hết luận về sự nên thánh của tín đồ: Gi 17:17; Công 24:18; Rô 6:19,22; ICô 1:1,2,30; ICô 6:11; IICô 7:1; Êph 5:25,26; ITê 3:13; ITê 4:3,4,7; ITê 5:23; IITê 2:13; ITi 2:15; IITi 2:21; Hê 2:11; Hê 10:10,14,29; Hê 12:10,14; Hê 13:12; IPhi 1:2; Giu 1:3; Lu 1:74,75; Êph 4:24; Công 15:9; Tít 2:3; Gi 15:3; IGi 1:7,9; Ma 5:8; ITi 1:5; ITi 5:22; IITi 2:22; IPhi 1:22; IGi 3:3; ITi 5:7,8; IIPhi 1:3; IPhi 1:15,16; IICô 6:14-18; IGi 5:21

Tuy các câu trưng dẫn trên chưa phải là gồm hết những câu của Tân ước dạy về sự nên thánh, thì cũng đủ tỏ ra Tân ước dạy thể nào về vấn đề quan hệ ấy. Hễ ta kê cứu kỹ càng mỗi câu ấy, ắt sẽ hiểu rõ sự nên thánh, và Đức Chúa Trời dùng cách thức nào để thực hành việc ấy ở trong tín đồ vậy. Sau đây sẽ còn giải nghĩa tường tận hơn đại ý của các câu ấy.

III. SỰ NÊN THÁNH CẦN THIẾT

Kê cứu Kinh Thánh, tra xét lòng dạ ta, thì dễ thấy sự nên thánh rất cần thiết. Sau đây, xin theo hai phần mà luận qua duyên cớ gọi sự nên thánh là cần thiết.

1.    HỄ KHÔNG NÊN THÁNH THÌ KHÔNG THẤY ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI

Ta đã thấy đức tánh đệ nhứt của Đức Chúa Trời là đức thánh khiết. Hễ ai không được công năng của Thánh Linh cải hóa tâm tánh đạo đức, khiến trở nên thánh khiết thích hiệp với đức tánh của Đức Chúa Trời, thì quả không hề thấy Ngài được. Có câu chép: Hê 12:14

2.    HỄ KHÔNG ĐƯỢC NÊN THÁNH CŨNG KHÔNG THẮNG TỘI ĐƯỢC

Kinh Thánh và sự từng trải của tín đồ từ xưa đến nay đều minh chứng rằng hễ tín đồ không được nên thánh thì cũng chẳng hề thắng tội được. Xin kê cứu qua tá chứng của hai chỗ ấy.

a)    Sự từng trải của tín đồ làm chứng: Gạn hỏi tín đồ thuộc linh cao thượng về vấn đề nên thánh có quan hệ với sự thắng tội thế nào, thì thường nghe họ đồng thinh chứng rằng, không được nên thánh, hẳn cũng chẳng thắng tội được. Kê cứu qua sự từng trải tầm thường của phần nhiều tín đồ, thì kết quả như lời.

(1)Sự vui mừng của sự cứu rỗi: Khi tội nhơn ăn năn trở lại cùng Chúa thì thường cảm xúc sự vui mừng lạ lùng vì đã được tha tội, được hòa lại với Đức Chúa Trời, được xưng nghĩa, được tái sanh làm con cái của Cha ở trên trời. Trong mình cảm thấy nhẹ nhàng vì gánh nặng gian ác đã cất khỏi mình, lòng đầy bình an, miệng tuôn tràn những lời khen ngợi Đức Chúa Trời (Thi 40:1-3; Công 8:39). Cảnh vật xung quanh cũng dường như đã thay đổi hẳn: trông lên mặt trời, thấy mặt trời càng chiếu diệu hơn; nhìn đến chim chóc, nghe nó hót líu lo càng êm dịu hơn; ngó đến cây cỏ, thấy lá xanh hoa nở càng sặc sỡ hơn; thật dường như muôn vật đều đồng chung vui với mình vì hạnh phước Đức Chúa Trời đã ban cho vậy.

Dầu sự trở lại cùng Chúa sanh ra sự vui vẻ lạ thường dường ấy, thì cũng chỉ mới là sự bắt đầu trong cuộc thí nghiệm sự cứu rỗi đó thôi. Sự tái sanh chẳng qua mới là con đỏ trong Chúa. Tín đồ cần phải lớn lên để đạt đến bậc thành nhơn, mới đáng gọi là được toàn cứu.

(2)Sự thất bại: Tin Chúa một ít lâu rồi, bèn có sự thay đổi quan hệ. Tín đồ gặp cơn cám dỗ, bèn thất bại sa ngã vào tội. Tuy hết sức chống cự sự cám dỗ ấy, cũng đành thua, vì không đủ năng lực thuộc linh để thắng tội được. Khi thất bại lần đầu đó tín đồ buồn bã lắm, tự trách mình nhẹ dạ mà nghe theo sự cám dỗ ấy, bèn cầu Chúa thương xót tha thứ cho. Được tha thứ, thì lại vui mừng như trước, quyết định không hề tái phạm hay nghe theo sự cám dỗ nữa. Than ôi! Lần nầy cũng chỉ được ít lâu rồi lại bị cám dỗ, thất bại mà sa ngã như lần trước kia vậy.

Trước cảnh ngộ buồn thảm như thế, tín đồ không biết suy nghĩ sao. Tuy biết mình thuộc về Chúa, chắc đã được tái sanh làm con cái của Ngài rồi, thì cũng chẳng hiểu tại sao mình phân tâm như thế. Hôm nay vui mừng hớn hở, ngày mai lại than thở buồn rầu. Khi thì hết sức ghét tội, lúc lại ưa phạm đủ điều. Có lẽ tín đồ ấy cũng quen cầu nguyện, từng được Chúa nhậm lời, ưa thích sự nhóm lại nghe giảng, cũng vui lòng làm chứng đạo, nhưng chẳng biết phải làm thế nào cho được thắng tội. Khi coi Kinh Thánh thì rất sợ hãi vì thấy Đức Chúa Trời thánh khiết rất ghét tội, hằng đòi hỏi một tâm tánh thánh khiết ở nơi mình. Lòng cũng rất muốn thuần khiết như Chúa muốn, hết sức cầu khẩn Ngài giúp đỡ mình như sở nguyện. Dầu vậy, tín đồ lại thấy trong mình có một năng lực hằng chống chỏi ý muốn của Chúa, phản nghịch luật pháp Ngài, và bắt phục mình làm nô lệ cho nó. Có khi người chống cự lại, hứa nguyện sẽ không phạm tội nữa, cũng quả quyết sẽ giữ vẹn các sự hứa nguyện ấy. Nhưng than ôi! Dầu hứa nguyện, dầu quyết định đến mấy đi nữa, cũng chỉ cứ phạm tội thất bại luôn, thấy rõ ràng dầu sự tríu mến tội đã mất rồi, thì quyền năng của tội vẫn còn vấn vương nơi mình.

(3)Do lai của sự thất bại: Vả, tại cớ sao tín đồ phải từng trải sự thất bại buồn thảm như thế? Há chẳng phải tại vì họ chưa từng trải sự nên thánh sao? Tín đồ nào từng trải đạo Christ như cách vừa tả ra ở trên, chỉ biết Christ bằng Cứu Chúa mình, nhưng chưa biết đến Ngài bằng Đấng làm cho mình được nên thánh. Tín đồ ấy được đứng trong địa vị thánh của Christ, thì vẫn chưa được Christ cư trú trong mình, chưa được sự sống chẳng hay hư hay hết của Ngài hành động trong mình, nên cũng chẳng thắng hơn tội được.

Người đã nhờ sự tái sanh mà được sự sống thuộc linh và mới mẻ đến đỗi ý hướng và chí nguyện người chẳng còn ưa thích đường lối tội lỗi nữa. Nhưng chẳng may, tánh xác thịt vẫn còn, quyền năng của tội chưa tiêu diệt đâu, nó vẫn còn có thể bắt phục mình phải làm nô lệ cho nó. Tín đồ nào mà chỉ từng trải sự tái sanh thường bị tánh cũ (xác thịt) chiến đấu với tánh mới, hằng gây nên sự sa ngã và thất bại khốn nạn dường ấy.

Nhưng sự thất bại như thế chẳng phải là ý muốn của Chúa đâu; Ngài muốn ta đắc thắng luôn, vì Christ hiện ra, cốt để tiêu diệt công việc của ma quỉ. Vậy, tín đồ phải làm thế nào cho được toàn thắng? Phải từng trải sự nên thánh, phải nhận lãnh Thánh Linh, phải nhờ công năng Ngài đem Christ phục sanh ngự trong, mới mong được toàn thắng như nguyện vậy.

b)    Kinh Thánh làm chứng: Kinh Thánh cũng minh chứng cho lẽ đạo vừa dạy ở trên, có sự lưu lạc của dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng làm hình bóng cho, và sự từng trải của Phao-lô ký thuật trong Rô-ma đoạn 7 càng giải nghĩa rõ rệt.

(1)Dân Y-sơ-ra-ên lưu lạc trong đồng vắng: Sự lưu lạc của dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng làm hình bóng về sự từng trải thất bại của tín đồ mới tả ra ở trên.

Theo tượng trưng học, thì xứ Aicập chỉ bóng về thế gian; sự đi qua Hồng Hải chỉ về sự phân rẽ với đời cũ mà trở lại với Chúa; sự đi qua sông Giô đanh chỉ về sự chết đối với đời sống tư kỷ; sự đi vào xứ Canaan chỉ về sự nên thánh, tức là sự đắc thắng, sự yên nghỉ bởi đức tin, sự ăn ở theo đời mới trong Chúa Jesus Christ.

Vả, giữa biển Hồng Hải và xứ Canaan có sa mạc Sinai. Tại đó dân Y-sơ-ra-ên lưu lạc trải 40 năm trời, bị “bọn dân tạp” ngăn trở, không được theo ý muốn Đức Chúa Trời trọn vẹn (Xuất 12:38; Dân 11:4). Tuy họ hưởng được nhiều phước trong nơi ấy (Xuất 13:21,22; 15:23-27; 16:1-5, 14:25; 17:1-7), được Đức Chúa Trời hiển hiện cùng họ, bảo hộ, săn sóc và thương xót họ, đồng chịu các sự khổ sở của chốn ghê sợ ấy với họ, thì họ cũng cứ bị cám dỗ, sa vào tội mà thất bại hoài. Họ hay lằm bằm và oán trách Môi-se và A-rôn (Xuất 16:3), khinh dễ đồ ăn mana mà Chúa đã ban cho, coi là đồ đạm bạc. Họ thèm ăn cá, dưa chuột, dưa gang, củ kiệu, củ hành, củ tỏi, và thịt mà trước kia họ quen ăn tại Aicập (Dân 11:5), đến đỗi Chúa chán nản họ, sai rắn lửa cắn chết nhiều kẻ trong họ (Dân 21:1-9). Lắm lúc họ cũng trái mạng Đức Chúa Trời, phản nghịch Ngài, không khứng vào xứ Canaan mà Ngài đã hứa ban cho họ; và vì lòng vô tín đó họ phải mất cơ nghiệp tốt đẹp ấy. Trước giả thơ Hê-bơ-rơ chứng rằng: Hê 3:17-19

Vả, đồng vắng kia là tượng trưng chỉ về sự thất bại của tín đồ hiện nay. Đức Chúa Trời đã đem dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Aicập chẳng phải để họ cứ ở trong sa mạc khốn nạn ấy đâu, bèn để họ vào xứ Canaan, nhận lãnh xứ ấy làm cơ nghiệp. Sự không khứng vâng lời Đức Chúa Trời đó kết quả cho họ sự hư hỏng chết mất tại đồng vắng vậy.

Đức Chúa Trời đã cứu rỗi ta chẳng những để đem ta khỏi địa vị mắc tội thôi đâu, nhưng Ngài đã cứu ta để ta cứ tấn tới mà đạt đến địa vị nên thánh trong Chúa Jesus Christ nữa. Hễ chúng ta không vâng phục, không tìm cầu sự nên thánh, ắt không những là thất bại hoài thôi, mà lại sẽ bị hư hỏng cả đời thuộc linh, kết cuộc là phải chết mất ở dọc đường thiên lộ, cũng như dân Y-sơ-ra-ên trong sa mạc xưa kia vậy. Trước giả thơ Hê-bơ-rơ lại chứng rằng: Hê 4:1,11. Sự yên nghỉ đó, là sự nên thánh vậy. Cũng xem ICô 10:1-12.

(2)Sự từng trải ký thuật trong thơ Rô-ma 7: Trong thơ Rô-ma 7, Phao-lô mô tả sự từng trải thất bại của một người đã được tái sanh mà chưa được nên thánh. Sự từng trải ấy rất giống như sự từng trải của dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng. Nói cho đúng thì đoạn ấy giải nghĩa cho tượng trưng về dân Y-sơ-ra-ên ở trong đồng vắng xưa kia vậy.

Người của Rô-ma đoạn 7 đã cất bước trên đường tin Chúa, được tái sanh làm con cái của Đức Chúa Trời, nên lòng rất vui vẻ ngợi khen ơn cứu rỗi của Ngài. Nhưng cách ít lâu về sau lòng mới được thấy rõ sự thánh khiết của luật Đức Chúa Trời, hoàn cảnh bèn thay đổi nhanh chóng, người liền cảm xúc sự hủ bại của tánh cũ (xác thịt) là khốn nạn dường nào! Cũng hiểu rõ rằng tự mình không thể làm trọn ý chỉ của Đức Chúa Trời được, bằng chẳng nhờ ơn cứu trợ siêu việt, ắt chỉ phải tuyệt vọng, chết mất như dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng xưa kia đó thôi. Kê cứu lược qua đoạn ấy, thấy có bốn điều rất quan hệ:

(a)Hai năng lực phản đối nhau: Thứ nhứt, ta thấy trong người đã được tái sanh mà chưa được nên thánh có hai năng lực mâu thuẫn hằng chống nghịch nhau. Hai năng lực ấy ta có thể gọi là tánh cũtánh mới. Tánh cũ là tánh tội lỗi bởi nguyên tổ truyền lại; tánh mới là tánh bởi Đức Chúa Trời sanh ra lúc người nhờ Thánh Linh mà được tái sanh. Tánh cũ Phao-lô gọi là “xác thịt” (câu 5,25), “tội lỗi ở trong tôi” (câu 17), “thân thể của sự chết nầy” (câu 24), “thân thể của tội lỗi” (Rô 6:6). Còn tánh mới, Phao-lô gọi là “người bề trong” (câu 22), “tâm trí tôi” (câu 23,25), “người mới” (Êph 4:24), v.v. Cũng xem Gi 3:6; Ga 5:17

(b)Hai năng lực hằng chiến đấu nhau: Hai tánh ấy rất phản nghịch nhau như nước với dầu, không bao giờ hỗn hòa nhau được, nhưng cứ chiến đấu nhau, tánh nầy và tánh kia đều muốn bắt phục nhau không thôi. Chiến địa ấy là lòng của tín đồ, còn bửu vật mà hai bên đều rán sức cướp giựt là đời sống của tín đồ, bên nầy cố quyết buộc nó phải theo xác thịt, còn bên kia lại muốn nó phải theo Thánh Linh.

Than ôi! Tình hình của cuộc chiến đấu nầy rất chênh lệch, bên người mới của lòng tái sanh vẫn chiến đấu chỉ có một mình mà thôi; còn bên tánh cũ thì lại có cả luật pháp hay lên án, tham dục của xác thịt hay ngăn cản, ảnh hưởng của thế gian hay cám dỗ, và các ác mưu sâu sắc của Sa-tan cố khiến cho người sa ngã. Thực tế, tín đồ chiến đấu với xác thịt và quyền thế của sự tối tăm chẳng khác gì một đứa con trẻ ở trong hang sư tử kia, tự mình nó không hi vọng gì bảo toàn tánh mạng được, lựa là nói đến sự đắc thắng.

Kê cứu qua câu 7-9, 14-16 và 19-23, dễ thấy trong cuộc chiến đấu nầy rất đáng thương hại cho tín đồ yếu đuối kia, vì kết cuộc hẳn là thất bại đó thôi. Rô 7:7-9, 14-16, 19-23.

c)     Sự thất bại tuyệt vọng: Tín đồ cứ giao chiến với xác thịt và tội lỗi đến khi yếu sức mòn hơi, không còn có thể đương nổi nữa bèn đành giải giáp đầu hàng, vì thấy mình cô độc, không còn có năng lực gì chiến thắng tánh cũ được nữa. Trong câu 24 ta nghe tiếng não nùng đầy nỗi thất vọng kêu lên rằng: “Ôi! Tôi là người khốn nạn dường nào! Ai sẽ giải cứu tôi khỏi thân thể của sự chết nầy?”

d)    Sự giải cứu ở nơi sự nên thánh: Cảm tạ Đức Chúa Trời, có một phương pháp duy nhứt giải cứu tín đồ khỏi sự thất bại đó được, ấy là nhờ Chúa Jesus Christ, bởi công năng của Thánh Linh khiến cho tín đồ nên thánh. Khi tín đồ đã tuyệt vọng, nhận biết rằng tự mình không thể làm chi nổi để ăn ở cách xứng đáng, đẹp lòng Đức Chúa Trời, thì Đấng giải cứu bèn hiện đến, chỉ cho nạn nhơn hiểu rõ rằng sự toàn thắng duy do sự nương cậy nơi Christ và quyền năng của Thánh Linh cảm hóa mà được nên đó thôi. Sự hiểu biết ấy khiến cho tín đồ reo vang giọng khải hoàn rằng: “Tạ ơn Đức Chúa Trời, nhờ Jesus Christ, Chúa chúng ta!… Vì luật pháp của Thánh Linh của sự sống ở trong Christ Jesus đã buông tha tôi khỏi luật pháp của tội lỗi và sự chết. Vì điều luật pháp không làm nổi, tại nó nhơn xác thịt ra yếu đuối, thì Đức Chúa Trời đã vì tội lỗi mà sai chính Con Ngài lấy hình trạng của xác thịt tội lỗi, va định tội cho tội lỗi ở trong xác thịt, hầu cho điều phải nghĩa của luật pháp được thành tựu trong chúng ta, là kẻ chẳng noi theo xác thịt, nhưng noi theo Thánh Linh” (Rô 7:25-8:4).

Ấy vậy, nói tóm lại, sự nên thánh rất quan hệ, vì nếu không được nên thánh, quả không toàn thắng tội lỗi được. Nhờ sự tái sanh tín đồ vượt qua đời sống tư kỷ mà đến đời sống của Christ. Khi được tái sanh thì được thần mới; khi được nên thánh, thì nhận Thánh Linh cư trú trong thần mới. Chúa hứa rằng: Êxê 36:26,27

Quả như lời; hễ tín đồ đã được Thánh Linh của Đức Chúa Trời cư trú trong lòng thì đã vào xứ Canaan thuộc linh, đã chinh phục xác thịt, thắng hơn tội, được yên nghỉ, được đủ các phước thuộc linh ở trên trời trong Jesus Christ (Êph 1:3), và được ơn làm trọn ý chỉ Đức Chúa Trời, đẹp lòng Ngài mọi đường. Ngoài phương pháp nầy quả hẳn chẳng có phương pháp nào khác.

IV. HAI PHƯƠNG DIỆN CỦA SỰ NÊN THÁNH

Tân ước tỏ ra sự nên thánh có hai phương diện, cái nầy do cái kia mà thành công. Hễ tín đồ không thông hiểu cái trước, cũng chẳng hưởng được cái sau. Hai phương diện ấy gọi là sự nên thánh theo phương diện địa vị và sự nên thánh theo phương diện thực nghiệm.

1.    PHƯƠNG DIỆN ĐỊA VỊ.

Kinh Thánh dạy rõ lắm cả việc cứu rỗi tín đồ đều được nên trước hết ở trong Christ trên thập tự giá. Sự công nghĩa, sự thánh khiết và các công đức hay cứu rỗi của Christ đều do sự đau khổ của sự chết ấy mà có giá trị cho tín đồ. Hễ người nào tin cậy nơi sự chết ấy thì được các công đức và đợi giá ấy làm địa vị cho mình đứng vào địa vị ấy là địa vị cứu rỗi mà Ngài đã mua chuộc cho mọi người nương cậy nơi Ngài. Đức Chúa Trời nhơn vì sự chết thay thế của Christ, và đức tin của tội nhơn mà kể cả công đức và đợi giá của Ngài đều là thuộc về tín đồ, cốt để khiến cho người nên thánh hoàn toàn vậy. Khi tội nhơn tin cậy Christ làm Cứu Chúa mình, thì liền được kể là thánh đồ, được đứng trong địa vị thánh khiết của Christ Jesus vậy. Phương diện nầy quan hệ mật thiết với sự đươc xưng nghĩa. Các câu Kinh Thánh viện dẫn dưới đây dạy về phương diện nầy: Hê 10:10,14; Hê 13:12; ICô 1:2,30

Rõ lắm trong ICô 1:2,30 Phao-lô luận về phương diện địa vị của sự nên thánh, chớ không nói về phương diện thực nghiệm đâu, vì thơ Côrinhtô đủ tỏ ra hội ấy có lắm tín đồ chẳng những không được nên thánh chút nào, mà trái lại còn bị lắm điều tội lỗi, nhiều việc bất khiết chồng chất tư bề. Dầu vậy, họ sở dĩ được gọi là thánh đồ, vì đều được đứng trong địa vị thánh của Jesus Christ vậy. Khi tội nhơn được xưng nghĩa thì được đứng trong địa vị thánh ấy, và bởi đã lấy đức tin mà liên hiệp với Christ nên đã được Đức Chúa Trời kể các phẩm đức của Christ là thuộc về người vậy.

2.    PHƯƠNG DIỆN THỰC NGHIỆM

Sự nên thánh theo phương diện địa vị thì vẫn là thuộc về lý thuyết, chớ chưa tiếp xúc với bề trong mà được tỏ ra trong sự từng trải của tín đồ. Dầu vậy, tín đồ trước hết cần phải hiểu thấu phương diện ấy, rồi mới có thể từng trải về phương diện thứ hai mà lấy đức tin thừa nhận sự nên thánh ở trong cfh là của mình, nhờ cậy Ngài dùng công năng của Thánh Linh mà ứng dụng cho mình linh nghiệm về sự chết, sự sống lại của Christ, hầu cho nhờ đó mà tâm tánh, hành vi, và cử chỉ của mình đều nên thánh cách thực nghiệm, thích hiệp với địa vị thánh ở trong Jesus Christ vậy. Nói cách khác, tín đồ cần phải nhờ Thánh Linh truyền đạt địa vị thánh ấy vào lòng, hầu cho các phẩm đức của Christ trở nên đặc tánh của linh mạng mình vậy. Những câu viện dẫn sau đây dạy về phương diện nầy: Rô 6:22; ITê 5:23; Hê 12:14

Vả, hai phương diện đó tuy có chỗ đặc biệt dường ấy, nhưng lại phối hiệp nhau cách mật thiết để làm nên sự nên thánh trọn vẹn cho ta. Nó chẳng khác hai phần nữa của một nguyên phần toàn vẹn; nếu bỏ phần nầy thì phần kia cũng bất toàn. Phần nầy là Christ với cả công đức và đợi giá của Ngài; phần kia là Thánh Linh nhơn đức tin ta mà ứng dụng Christ với cả công đức, đợi giá của Ngài cho lòng ta, khiến trở nên sự thực tế ở nơi linh tánh ta vậy. Nói cách khác, phần nầy là tôi ở trong Christ, hưởng được hết phẩm giá công đức của Ngài; phần kia là Christ ở trong tôi, thi hành các phẩm giá công đức ấy ở trong tâm tánh tôi, làm cho tôi trở nên thánh khiết như chính Ngài là thánh khiết vậy. Kỳ thực, Kinh Thánh nghiêm huấn rằng sự từng trải của tín đồ cần buộc phải thích hiệp với địa vị thánh ở trong Christ, mới mong hưởng được phận làm con trọn vẹn. Câu trưng dẫn dưới đây chứng nhận cho lẽ ấy: IICô 6:17-7:1. Cũng xem Rô 6:1-11

 

V. NGUỒN GỐC CỦA SỰ NÊN THÁNH

Nói đại khái, sự nên thánh do ở trong công việc của Ba Ngôi Đức Chúa Trời mà ra. Như ta đã thấy ở trên, sự nên thánh hoặc trong đời Cựu ước hay là trong đời Tân ước, đều do sự tiếp xúc với Đức Chúa Trời mà được nên. Nếu cái chỗ tiếp xúc với Đức Chúa Trời bị gián đoạn, thì sự thánh khiết cũng bị mất. Cho nên hễ ai hoặc muốn nên thánh, hoặc muốn giữ vẹn sự nên thánh luôn, thì duy có một phương cách là cứ tiếp xúc với Đức Chúa Trời mãi mới mong đạt đến nguyện vọng được. Nhưng nói đặc biệt, thì mỗi Ngôi trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời đều có dự phần riêng trong công phu nên thánh như sau đây.

1.    CHA LÀ NGUỒN GỐC CỦA SỰ NÊN THÁNH

Kinh Thánh dạy rằng sự nên thánh của tín đồ do ý chỉ của Đức Chúa Trời và bởi công việc Ngài mà được nên.

a)    Ý chỉ của Đức Chúa Trời là nền tảng của sự nên thánh: ITê 4:3; Hê 10:10

b)    Sự nên thánh là công việc của Cha: Gi 17:17; ITê 5:23

2.    CON LÀ NGUỒN GỐC CỦA SỰ NÊN THÁNH

Công phu của sự nên thánh cũng là do công cuộc của Christ mà ra. Ngài dùng huyết Ngài mà mua chuộc sự nên thánh trọn vẹn cho ta. Đức Chúa Trời cũng thiết lập Ngài làm sự nên thánh cho ta nữa (ICô 1:30).

a)    Ngài dùng công việc của thập tự giá, huyết và danh thánh Ngài mà khiến cho ta nên thánh:

Hê 10:14. Cũng xem 10:10 viện dẫn ở trên. Hê 13:12; ICô 6:11

b)    Ngài cứ nhờ mạng sống Ngài và sự liên hiệp với ta mà làm cho công phu nên thánh thành công trọn vẹn ở nơi ta: Hê 2:11

Đó là luận về sự nên thánh được nên do sự liên hiệp với gia tộc của Đức Chúa Trời mà Đức Chúa Trời làm Cha và Christ làm Anh Cả. Êph 5:25,26.

Đó luận về sự nên thánh được nên do sự liên hiệp bởi ái tính giống như ái tình của vợ chồng, mà Christ là Chồng và dân Ngài là vợ vậy.

3.    THÁNH LINH LÀ NGUỒN GỐC CỦA SỰ NÊN THÁNH.

Nói đặc biệt, thì Đức Chúa Trời nhờ Thánh Linh làm công việc nên thánh ở trong lòng tín đồ. Thánh Linh ấn chứng, bảo tồn, và gây dựng công việc của ân điển trong lòng họ, khiến sanh ra các bông trái công nghĩa. Cũng là Thánh Linh của sự sống trong Christ Jesus phóng thích ta khỏi luật của tội lỗi và sự chết. Ngài được gọi là thánh, chẳng những vì chính Ngài là thánh tuyệt đối, nhưng cũng vì Ngài gây dựng đức tánh ấy ở trong lòng ta nữa. Đức Chúa Trời đã thiết lập Ngài làm chức nhiệm ấy. Ngài hằng chống cự với sự tham dục của xác thịt ở trong ta, giúp đỡ ta có thể sanh bông kết trái công nghĩa và thánh khiết. Việc ấy được tỏ rõ ràng trong thơ Rô-ma đoạn 7 và đoạn 8. Trong đoạn 7 có sự chiến đấu không dứt, chỉ kết quả sự thất bại mà thôi. Đến đoạn 8 mới có quyền năng của Thánh Linh vận động trong tín đồ, kết quả sự đắc thắng luôn luôn. Trong đoạn 7 chẳng một lần nào nói đến Thánh Linh; trong đoạn 8 lại nói đến Ngài 16 lần. Quả thật, hễ ai có Thánh Linh của Đức Chúa Trời thường cư trú trong tâm linh, thì tình dục, ác tưởng và sự ưa thích của xác thịt, ắt phải biến đi, đến đỗi cả bề ngoài lẫn bề trong đều trở nên thánh khiết vậy. Các câu Kinh Thánh viện dẫn sau đây dạy rằng Thánh Linh là nguồn gốc của sự nên thánh thực nghiệm ở trong tín đồ: IPhi 1:2; IITê 2:13; Rô 8:2; Ga 5:17-22; Êph 5:18; IITi 1:14

 

VI. CÁCH THỨC ÐƯỢC NÊN THÁNH

Vả, muốn được nên thánh, thì phải làm thế nào? Phải nhờ cách thức nào mà trở nên thánh khiết bề trong? Sau đây xin theo bốn điều mà đáp lời cho vấn đề ấy.

1.    BỞI ĐỨC TIN

a)    Đức tin là cận nhơn của sự nên thánh: Cái cận nhơn của sự nên thánh là đức tin. Tín đồ được xưng nghĩa bởi đức tin thể nào, thì cũng được nên thánh bởi đức tin thể ấy. Như tội nhơn không hề được xưng nghĩa bởi việc làm của mình thể nào, thì tín đồ cũng không hề nhờ sự gắng công ra sức mà được nên thánh thể ấy. Kinh Thánh dạy về lẽ ấy rằng: Công 15:8,9; Công 26:18; Rô 1:17

Sự công nghĩa trong câu ấy gồm lại cả sự xưng nghĩa lẫn sự nên thánh; vì đại đề của thơ Rô-ma là sự toàn cứu bởi đức tin, gồm cả hai sự xưng nghĩa và sự nên thánh vậy.

b)    Đối tượng của đức tin: Đối tượng của đức tin hay khiến cho nên thánh là Chúa Jesus Christ. Trong Rô 7:25 Phao-lô dạy rằng sự nên thánh là “nhờ Jesus Christ, Chúa chúng ta”. Trong ICô 1:30 ông lại dạy rằng Christ “là Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm nên… sự nên thánh… cho chúng ta.”

Quả như lời, Christ thật là Đấng Đức Chúa Trời làm nên mọi sự cho chúng ta, là nguồn gốc của mọi sự cần dùng cho sự toàn cứu ta. Nhưng mà đó là nói theo phương diện địa vị; nếu chúng ta muốn hưởng được các sự ấy theo phương diện thực nghiệm, thì cần phải lấy đức tin mà ứng dụng Ngài cho mọi chỗ cần dùng của mình, mới được như nguyện vậy. Đức Chúa Trời đã làm cho Christ vì ta mà trở nên như thể nào, thì ta cũng phải lấy đức tin mà thừa nhận và ứng dụng Ngài cho sự cần dùng của mình thể ấy. Ta vốn cần sự thánh khiết; thì ta nên giơ tay đức tin ra mà nhận sự thánh khiết của Jesus đem ứng dụng vào chỗ bất khiết của mình. Ta vốn thiếu đức tin, nhẫn nại, yêu thương, ân điển, v.v.; nên ta phải nhờ đức tin mà nhận lấy các công đức ấy ở nơi Ngài, để ứng dụng cho chỗ thiếu thốn của mình vậy.

Nói một lời, bởi đức tin ta nhận lãnh cả linh mạng của Christ nhờ Ngài lấy linh mạng ấy mà sống ở trong ta, vận động, cư xử, và thi thố theo ý muốn của Ngài, để gây nên đời sống của Ngài ở trong ta. Ở nơi thập tự giá, Ngài đã lấy huyết mình mà mua chuộc sự nên thánh cho ta; Ngài đã nhờ sự xưng nghĩa mà đời ta khỏi địa vị mắc tội và đem ta đứng vào địa vị công nghĩa ở trong Ngài. Ngài từng làm các việc huyền diệu ấy cốt để ta lấy đức tin mà nhận lãnh vào lòng cả phẩm đức của Ngài, hầu cho Ngài không những làm Cứu Chúa ta, mà lại làm Đấng khiến cho ta nên thánh nữa; không những là dời ta qua địa vị công nghĩa, mà lại còn đem địa vị ấy vào lòng ta nữa. Nếu có Chúa thánh khiết ngự vào tâm linh người nào, thì tánh nết của người ấy hẳn phải thánh sạch, hành vi ắt phải thích hiệp trọn vẹn với đức công nghĩa của Ngài. Vì một đời sống nên thánh, ấy là đời sống của Christ ngự ở trong mình. Cũng chỉ nhờ một đời sống như thế mà “chúng ta thảy đều đạt đến sự hiệp một của đức tin và của sự thông biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhơn, được tầm thước vóc giạc của sự đầy đủ của Christ” (Êph 4:13) đó thôi.

2.    BỞI LỜI KINH THÁNH

Thánh Linh dùng lời Kinh Thánh mà ứng dụng cho tín đồ. Còn tín đồ thì công nhận và vâng theo lời ấy; sự kết cuộc ấy là sự nên thánh. Những câu viện dẫn dưới đây chứng cho lẽ ấy: Gi 17:17; Êph 5:25,26; Gi 15:3

Tuy sự nên thánh là thần công, thì cá nhơn tín đồ cũng có phần trong việc ấy nữa; ấy là họ phải ứng dụng lời Kinh Thánh cho mình, vâng theo đạo Chúa trong mọi sự có tương quan đến tín ngưỡng và hành vi của mình. Kinh Thánh dạy rằng:; Thi 119:9; Gia 1:21

Dường ấy, tín đồ nhờ Kinh Thánh mà được nên thánh thể nào? Đáp: có hai cách:

a)    Lời Kinh Thánh chỉ tỏ sự thiếu thốn của lòng: Theo lời của Gia-cơ, Kinh Thánh giống như một tấm gương, bày tỏ ra cho ta biết sự dơ bẩn, sự yếu đuối, sự thiếu thốn của lòng ta. Gia 1:23-25

Hễ tín đồ đã được soi sáng bởi Thánh Linh, rồi soi vào Kinh Thánh thì ắt thấy rõ hình dung và địa vị thật của lòng mình là thể nào. Ấy lẽ thật của Chúa chỉ tỏ ra mọi tội lỗi lớn hay nhỏ, biết hay không biết, khiến cho mình phải chạy đến Chúa để cầu sự rửa sạch.

b)    Lời Kinh Thánh rửa sạch lòng: Kinh Thánh lại cũng giống như nước nữa. Theo Êph 5:25,26, “Christ… dùng nước là đạo, màrửa tinh sạch Hội Thánh”. Trong Gi 15:3 Chúa phán cùng môn đồ rằng: “Các ngươi đã được sạch rồi, vì đạo mà ta đã phán dạy cho”. Cũng xem Xuất 30:17-21, và Tít 3:5. Ta có thể nói rằng Thánh Linh đem lẽ thật của đạo Đức Chúa Trời mà ứng dụng cho tín đồ: lẽ thật nầy ví như đuốc soi sáng lòng, tỏ ra mọi sự dơ bẩn ở trong đó; còn lẽ thật kia thì lại ví như nước rửa sạch sự dơ bẩn ấy. Nói cách khác, lẽ thật nầy chỉ tỏ ra mọi điều gì gọi là tội lỗi: lẽ thật kia chỉ dẫn đến huyết của Christ, là phương pháp duy nhứt để tẩy sạch tội lỗi đó. Thánh Giăng có chép: Gi 1:7

Ấy là hễ tín đồ bước đi theo sự sáng của lẽ thật trong Kinh Thánh thì huyết của Christ mới có quyền tẩy lòng tinh sạch luôn. Công phu nên thánh được thành bao giờ cũng bất ngoại hồ lời Kinh Thánh. Hễ ai khinh thường lời ấy, chẳng chịu kê cứu, chẳng đếm xỉa đến, ắt cũng không bao giờ được nên thánh.

3.    BỞI SỰ LIÊN HIỆP VỚI CHRIST

Đương khi người trong thơ Rô-ma đoạn 7 hết sức chiến đấu với tánh cũ và các công việc của nó mà không sao thắng được, thì may thay được thấy sự đắc thắng vẫn chỉ ở trong Christ Jesus; nên cất tiếng reo mừng cách khải hoàn rằng: “Tạ ơn Đức Chúa Trời, nhờ Jesus Christ, Chúa chúng ta!” Câu ấy chỉ tỏ nền tảng của sự nên thánh, tức là sự liên hiệp với Christ trong sự chết, sự sống lại, và đời sống của Ngài.

a)    Liên hiệp trong sự chết Ngài: Christ thế vị ta mà chịu chết, ấy là lẽ thật tín đồ thường hiểu rõ. Cũng nhờ sự hiểu thấu lẽ đạo ấy mà họ được tha tội, được xưng nghĩa. Song sự chết ấy còn có phương diện khác mà tín đồ cũng rất được cần hiểu thấu, mới mong được nên thánh; ấy là ta liên hiệp với Christ trong sự chết của Ngài.

Khi Christ chịu chết trên thập tự giá, thì ta cũng đồng chịu chết với Ngài. Khi Ngài bị hình án của tội lỗi, thì ta ở trong Ngài đồng chịu hình án ấy. Khi Ngài làm phu phỉ mọi điều luật pháp đòi hỏi ta, thì ta cũng ở trong Ngài mà làm phu phỉ những điều ấy nữa. Đối với luật pháp và đối với tội lỗi, thì ta như người chịu tử hình, Đức Chúa Trời cũng kể ta bằng kẻ đã chịu xử tử ở trong Christ rồi. Ấy là ý của Phao-lô trong Ga 2:20: “Tôi đã bị đóng đinh với Christ trên thập tự giá.” Tại nơi ấy ta liên hiệp với Christ mà chịu chết đối với người cũ, là địa vị tội lỗi trước kia mình đã đứng vào; và nhờ đó cũng tiêu diệt sự chủ trị của nó ở nơi mình nữa. Ta cũng đồng chịu chôn với Christ, bỏ người cũ trong mồ mả Ngài, được thoát ly địa bộ của nó, mà được sang địa bộ công nghĩa của Christ. Cũng tại cớ ấy mà Phao-lô kêu lên rằng: “Chúng ta há nên cứ ở trong tội lỗi, hầu cho ân điển càng thêm lên chăng? Trời nào nỡ vậy! Chúng ta đã chết về tội lỗi, lẽ nào còn sống trong tội lỗi nữa ư?” Dưới đây còn dẫn thêm những câu khác để chứng cho lẽ ấy. Rô 6:3-7; Rô 7:4; IICô 5:14; Côl 3:3; Côl 2:22

b)    Liên hiệp trong sự sống lại Ngài: Tín đồ có quan hệ với sự chết sự chôn của Christ thể nào, thì cũng có quan hệ với sự sống lại của Ngài thể ấy. Như Ngài thế vị ta mà chịu chết, thì Ngài cũng thế vị ta mà sống lại (Rô 4:25; ICô 15:14,17,20). Song đó chỉ là một mặt của sự sống lại của Ngài mà thôi. Mặt thứ hai là chúng ta liên hiệp với Ngài trong sự sống lại Ngài. Ấy là ý về phần thứ hai của Ga 2:20: “Tôi đã bị đóng đinh với Christ trên thập tự giá mà tôi sống…”

Nói cách khác, ta không những là đồng chết đồng chôn với Christ thôi đâu, nhưng ta cũng đồng sống lại với Ngài nữa. Ta vốn liên hiệp với Ngài trong lúc Ngài bị treo lên cây gỗ, khi Ngài nằm trong mồ mả; lại cũng liên hiệp với Ngài khi Ngài bẻ gãy xiềng xích của sự chết mà sống lại với Ngài. Đồng chết với Christ, ấy là phương diện chết của sự nên thánh; đồng sống lại với Ngài, ấy là phương diện sống của sự từng trải ấy. Nhờ sự đồng chết đồng chôn với Christ, chúng ta lột bỏ người cũ; còn nhờ sự đồng sống lại với Ngài, chúng ta mặc lấy người mới. Đức tin ta phải công nhận cả hai là chơn thật, ứng dụng cả hai vào từng trải của mình, mới mong được nên thánh trọn vẹn. Hễ ta ngờ người cũ còn sống, còn hành quyền chủ trị trên mình ta, ắt ta phải bị dưới nguyên án của luật pháp, không sao thoát khỏi thất bại luôn. Chỉ khi ta thấy nhờ ở trong Christ mà ta đã chết đối với người cũ, đã làm phu phỉ các điều phải nghĩa mà luật pháp đòi hỏi, đã đồng sống lại với Ngài, và đã thoát ly địa bộ tội lỗi của người cũ rồi, thì ta mới có thể đồng thinh với Phao-lô mà kêu lớn tiếng rằng: “Tạ ơn Đức Chúa Trời! Nhờ Jesus Christ, Chúa chúng ta, tôi quả đắc thắng được!” Kinh Thánh dạy về lẽ ấy rằng: Rô 6:4,5; IICô 5:14,15; Côl 2:12; Côl 3:1,3; Rô 7:4

c)     Christ liên hiệp với ta bởi sự ngự vào lòng: Phần thứ ba trong nền tảng của sự nên thánh là chính Christ bởi quyền năng của Thánh Linh ngự vào lòng ta, đem linh mạng Ngài làm động lực của đời sống mới ta, ăn ở trong ta, hành động trong ta theo ý chỉ Ngài và làm trọn đời sống của chính mình Ngài ở trong ta. Đó là ý về phần thứ ba của lời Phao-lô chép trong Ga 2:20, “Christ sống trong tôi.” Nói một lời, sự nên thánh chẳng qua là đời sống của Christ ở trong ta vậy. Có câu dạy rằng: Gi 14:20,21; Côl 1:27

Phước thay! Chính Christ, Con Đức Chúa Trời bằng lòng đem các phẩm đức đợi giá vô cùng của Ngài mà ngự vào lòng ta, cư trú tại đó luôn, dùng các phẩm đức đợi giá ấy mà vận động trong ta, đến đỗi đời sống ta không còn gọi là đời sống thuộc riêng về mình nữa, bèn đời sống của chính Ngài vậy. Thế thì, sự nên thánh chẳng do sự gắng công ra sức mà được đâu; bèn là do sự ứng dụng quyền năng của sự chết, sự sống lại của Christ mà được. Thập tự giá có quyền phân rẽ ta khỏi tội lỗi, thế gian, và đời sống tư kỷ. Khi ta lấy đức tin liên hiệp với Christ trong sự chết sự sống lại Ngài, thì liền được buông tha khỏi quyền năng của tánh cũ (xác thịt) và đời sống tư kỷ; cũng hưởng được năng lực của sự sống bởi Ngài dựng nên. Khi ấy ta mới được lột bỏ hẳn các hành vi của người cũ, được mặc lấy người mới, và được Christ trở nên sự thánh trọn vẹn cho mình vậy (Côl 2:9; ICô 1:30).

4.    BỞI NHẬN LÃNH THÁNH LINH

Sự nên thánh cũng do sự nhận lãnh Thánh Linh mà được nên nữa. Phần nầy có ba mặt, là: a) phân rẽ khỏi mọi sự ô uế, b) dâng mình cho Chúa, c) nhận lãnh Thánh Linh bởi đức tin.

a)    Phân rẽ khỏi sự ô uế: Hễ ta muốn nhận lãnh Thánh Linh cho đầy dẫy, thì trước phải phân rẽ với mọi sự ô uế, mọi tội ác, mọi sự bất khiết bề trong bề ngoài; mà dâng chi thể mình cho Đức Chúa Trời làm khí cụ cho sự công nghĩa vậy. Vì Linh của Đức Chúa Trời là Thánh, không hề chịu ngự vào lòng nào còn dơ bẩn, còn đeo đuổi sự bất nghĩa. Cũng phải phân rẽ với mọi người mọi việc không xứng đáng với đạo Christ, mới mong Đức Chúa Trời nhận mình làm con trưởng thành, ban cho mình Thánh Linh và sự nên thánh do Christ dự bị cho vậy. Về lẽ ấy Kinh Thánh dạy rằng: IICô 6:17,18; IICô 7:1; Rô 6:19

b)    Dâng mình cho Chúa: Tín đồ cũng phải dâng mình cho Chúa nữa. Ấy nghĩa là phải phó dâng cả người mình cho Đức Chúa Trời, trao hết mọi sự cai trị đời sống mình cho Ngài, kể mình là thuộc về Ngài cho đến đời đời. Sự phó dâng mình cho Đức Chúa Trời, về mặt nầy thì là phó mình cho sự chết: chết đối với tội, thế gian, và đời tư kỷ. Chúa Jesus dạy môn đồ rằng: “Nếu ai muốn theo ta, thì phải từ chối mình, vác thập tự giá mình mà theo ta.” (Ma 16:24). Sự từ chối mình ấy không những là bỏ điều nầy chối điều kia, bèn là từ chối chính người của mình nữa. Người tư kỷ đã soán vị của Christ ở trong lòng, không khứng nhường ngôi cho Ngài. Nên tư kỷ phải chết, hầu cho Christ được hoàn toàn lên ngôi ấy làm Vua độc nhứt vô nhị.

Sự chết đó thật khó, dầu vậy nếu muốn dự đến quyền năng của sự sống lại của Christ, hẳn phải kinh nghiệm sự chết tư kỷ như Ngài, mới mong hưởng được sự thánh khiết do sự chết của Ngài mà ra. Duy nhờ sự chết ấy ta có thể thoát ly quyền năng của tội lỗi và xác thịt chủ trị ở nơi mình ta. Ta cũng cần phải “vâng phục đến chết, thậm chí chết trên thập tự giá” như Chúa vậy (Phil 2:8). Chỉ nhờ sự phó dâng mình cho Chúa như thế mà Thánh Linh có thể lấy linh nghiệm của sự chết, sự sống lại của Chúa mà ứng dụng cho ta, khiến cho ta từng trải mình thật chết đối với tội lỗi, xác thịt và thế gian, lại thật sống đối với Đức Chúa Trời ở trong Chúa Jesus Christ (Rô 6:7-11). Sự dâng mình cho Chúa có ba điều quan hệ:

(1)Tình nguyện: Tín đồ phải tình nguyện dâng mình cho Chúa. Bằng không, thì sự dâng mình đó chẳng qua là hữu danh vô thực, và không có giá trị gì cả. Tuy rằng Đức Chúa Trời dùng nhiều điều nhiều cách để khuyên dụ, giục giã ta dâng mình cho Ngài, thì Ngài cũng chẳng hề ép buộc ai cả. Ngài muốn ta lấy tài ngộ, cảm tình và ý dục ta mà tình nguyện đem cả mình dâng dưới chơn Ngài, như Áp-ra-ham dâng Y-sác xưa kia (Sáng 22:16,17), như Phao-lô tự biệt mình cho Chúa dùng (Phil 3:7-11), như chính Chúa cũng đã làm gương sáng láng cho ta nữa (Thi 40:6,7; Hê 10:5,9; Phil 2:5-8). Nên Chúa cũng dùng lời Phao-lô mà khuyên bảo ta rằng: Rô 12:1-2

(2)Hoàn toàn: Cũng phải phó dâng mình cho Chúa cách hoàn toàn. Mặc dầu ta dâng cho Ngài đến hơn chín mươi chín phần trăm mà chỉ giữ lại một tí ti, thì cũng chưa đáng gọi là dâng cả cho Ngài đâu. Đức Chúa Trời không thể nhậm người phân tâm bao giờ. Thánh Linh cũng chẳng ngự vào lòng vừa thuộc về Chúa, vừa thuộc về tư kỷ. Ta đem tất cả nào thân, hồn, linh, sức mạnh, thì giờ, tài trí, tánh tình, danh giá, của cải, mà dâng trọn dưới chơn Ngài để làm lễ vật sống và thánh cho Ngài. Lắm người cầu sự nên thánh, nhưng chưa được gì cả, vì chưa hoàn toàn dâng mình cho Chúa. (Mal 3:10).

(3)Một lần đủ cả: Dầu ai phó dâng mình cho Chúa chỉ tạm thời vẫn chưa hẳn thật đã dâng mình cho Ngài cách chánh thức. Hễ ai thật phó dâng mình cho Chúa, thì không thể lấy lại được, vì là việc mình chỉ có thể làm một lần đủ cả (IITi 1:12). Ấy vậy, tín đồ không thể dâng mình cho Chúa nhiều lần, vì đã làm điều ấy một lần đủ cả; mỗi ngày chỉ cần nhắc lại rằng mình thuộc về Chúa, mình nhờ Ngài gìn giữ mình cho đến đời đời (Nhã 2:16; Ês 43:3). Thánh Linh chỉ chịu ngự vào lòng của kẻ đã dâng mình cho Đức Chúa Trời cách ấy mà thôi.

c)     Nhận lãnh Thánh Linh bởi đức tin: Tín đồ không những phải phó dâng mình cho Đức Chúa Trời, mà lại phải lấy đức tin nhận lãnh Thánh Linh nữa. Hai việc ấy cặp theo nhau luôn. Sự phân rẽ khỏi sự ô uế và sự dâng mình cho Chúa, đều là mặt trái của việc nhận lãnh Thánh Linh; còn đức tin thuộc về mặt phải. Sự trừ tội, sự phân rẽ với điều bất khiết, sự dâng mình cho Chúa, đều chỉ mới là việc làm cho mình trống không đó thôi. Việc ấy xong, còn cần phải làm cho đầy dẫy nữa. Ấy là việc lấy đức tin nhận lãnh Thánh Linh ngự vào lòng. Còn Thánh Linh, vì Ngài là Linh tánh của Christ, đem cả sự nên thánh do Christ mà ra, đặt vào lòng ta, khiến cho cả mình ta được trở nên thánh khiết thực nghiệm vậy. Trước kia Ngài đã dời ta từ địa vị tội lỗi qua địa vị thánh khiết của Christ. Nay Ngài đem địa vị thánh ấy mà đặt vào lòng ta, khiến cho ta cũng được từng trải chân tánh của địa vị ấy. Rồi từ đó về sau Thánh Linh hằng ngự ở lòng ta, cứ ứng dụng hiệu lực của sự chết sự sống lại của Christ vào từng trải ta, khiến ta mỗi giờ mỗi phút được kinh nghiệm sự chết đối với tội lỗi mà sống đối với Đức Chúa Trời, đến đỗi ban cho mình hằng ngày được sống trong quyền năng của sự sống chẳng hay hư hay hết của Christ phục sanh vậy.

Sau đây xin viện dẫn mấy câu Kinh Thánh theo cách song đối sánh luận về sự nhận lãnh Thánh Linh đầy dẫy, và về Christ phục sanh ngự trong lòng ta. Sở dĩ trưng dẫn theo cách song đối sánh luận nhau như thế là vì nó vốn tương quan mật thiết với nhau, bởi chưng nhờ báp têm của Thánh Linh mà ta được từng trải Christ ngự trong lòng ta vậy. ICô 3:16,17; Rô 8:9,10; ICô 12:13; IICô 13:5; Ga 3:2; Ga 4:19; Êph 3:14-19; Côl 1:27

5.    BỞI SỰ QUYẾT KỂ

Khi tín đồ đã nhận lãnh Thánh Linh rồi, thì thường có sự vui mừng hớn hở khôn xiết. Nhưng có lẽ ít lâu về sau, sự cảm xúc ấy lại biến mất đi, sự buồn bã lại hãm áp, ma quỉ cám dỗ mà nói rằng: “Sự từng trải ngươi vừa có đó chỉ giả mạo mà thôi, chớ thực ra ngươi đâu có nhận lãnh Thánh Linh gì. Trước sau từng trải ngươi cũng vậy, chẳng có sự thay đổi chi đâu!” Lâm vào hoàn cảnh ấy, ta phải làm sao? Chỉ có một phương pháp toàn thắng sự cám dỗ đó mà đứng vững và tấn bộ trong sự nên thánh luôn, ấy là chuyên tâm theo luật quyết kể, như được chép trong Rô 6:11: “Dường ấy anh em cũng hãy kể mình là đối với tội lỗi, mà sống đối với Đức Chúa Trời trong Christ Jesus”. Mà phải quyết kể cái gì? Đáp: Phải quyết kể về ba điều như sau đây:

a)    Chết đối với tội: Nói theo mặt địa vị, thì tín đồ ở trong Christ đã chết đối với tội. Tín đồ phải kể điều ấy là thực tế, mới hưởng được linh nghiệm của thực sự ấy. Khoa học dạy rằng sự sống là sự tiếp xúc của bề trong với một phạm vi bề ngoài. Thế thì, hễ ai chết thì sự tiếp xúc ấy đã dứt rồi. Cũng vậy, hễ tín đồ chết đối với tội, thì đã dứt chỗ tiếp xúc với nó rồi. Giả như kẻ mù kia thật đã chết đối với sự sáng và các màu sắc. Kẻ điếc thì đã chết đối với mọi thứ âm thinh. Kẻ mà đã chết đối với tội cũng thể ấy. Tín đồ vốn tiếp xúc với tội, chịu theo sự tham dục của nó; nhưng nhờ sự đồng chết với Christ thì sự tiếp xúc ấy đã dứt rồi. Tín đồ phải kể sự ấy là thực như vậy luôn, mới mong toàn thắng tội, được đứng vững trong sự nên thánh mãi mãi vậy.

b)    Sống đối với Đức Chúa Trời: Kể mình là chết đối với tội, mới chỉ là phản diện của việc quyết kể đó thôi. Tín đồ cũng nên kể mình là sống đối với Đức Chúa Trời nữa, kể mình được tiếp xúc với Ngài, đặng ăn ở theo một đời sống mới mẻ của Christ ban cho. Thật vậy, khi Thánh Linh ngự đầy dẫy lòng ta thì cũng đem sự sống mới tức là linh mạng của Christ vào, mở con mắt thuộc linh ta khiến thấy ánh sáng rực rỡ của lẽ thật Ngài; mở lỗ tai thuộc linh ta để nghe tiếng êm dịu của Ngài; cho miệng thuộc linh ta thèm ăn mana và bánh thiên thượng của Ngài. Nói một lời, nhờ công năng của Thánh Linh mà cả lương năng thuộc thể và thuộc linh ta đều được sự sống mới để hầu việc Đức Chúa Trời trọn vẹn vậy.

c)     Sống trong Christ Jesus: Tín đồ nếu chỉ nhờ cậy sức mình thì không thể nào dứt mối tiếp xúc với tội mà sống cho Đức Chúa Trời được. Duy Christ bởi Thánh Linh có đủ quyền dứt mối tiếp xúc với đời cũ và tội lỗi đi, mà khiến cho ta được tiếp xúc với Đức Chúa Trời. Thế thì, nếu tín đồ muốn cho sự kể của mình có hiệu lực luôn thì cần phải hằng cư trú trong Christ và bước theo sự dẫn dắt của Thánh Linh. Ta nhờ đức tin liên hiệp với Christ trong sự chết và sự sống lại thể nào, thì cũng phải hằng kể điều đó là thực sự luôn thể ấy, mới giữ vẹn sự liên hiệp ấy mãi mãi được. Ngoài đường ấy chẳng có đường nào khác để mong đạt đến sự toàn thắng được. Hễ ai hằng giờ hằng phút kể mình là chết đối với tội, sống đối với Đức Chúa Trời trong Christ Jesus, ắt sẽ càng ngày càng tấn bộ trên đường nên thánh mà lần lần trở nên giống như hình trạng của Con Đức Chúa Trời vậy (Rô 8:29).

 

VII. THÌ GIỜ ÐƯỢC NÊN THÁNH

Vả, tín đồ được nên thánh khi nào? Có phải là được nên thánh lúc mới tái sanh, hay là nối liền theo sau đó hay lâu ngày sau cái biến động hạnh phước ấy chăng? Xin đáp: Luận theo mặt địa vị thì mỗi tín đồ đã được tái sanh và xưng nghĩa rồi, đều được gọi là thánh cả (ICô 1:2; 6:11). Vì họ được nhờ sự dâng thân thể của Christ một lần đủ cả mà được nên thánh (Hê 10:10,14). Cho nên lúc nào tội nhơn trở lại cùng Đức Chúa Trời, tin cậy công lao của Christ thì được Đức Chúa Trời kể là thánh ở trong Chúa Jesus Christ vậy. Nhưng luận theo mặt kinh nghiệm, thì sự nên thánh được nên theo ba thời gian.

1.    ĐƯỢC NÊN TRONG GIÂY PHÚT

Nói theo cách nầy, thì sự nên thánh cũng như sự xưng nghĩa, được nên nội trong giây phút, lúc tín đồ đã từng trải cả cơn chiến đấu rất chênh lệch như đã tỏ ra trong Rô-ma đoạn 7, đã thất bại và tuyệt vọng bởi vì thấy tự mình chẳng có năng lực hoặc phương pháp gì mà thắng tội và tâm tư của mình được; rồi lại nhờ ơn Đức Chúa Trời tỏ cho mình biết rằng nhờ Chúa Jesus Christ bởi công năng của Thánh Linh, thì có thể thắng được, nếu trong lúc ấy tín đồ lấy đức tin công nhận phương pháp giải cứu ấy, thì được nên thánh tức thì. Trong lúc đó, tín đồ công nhận Christ với cả công đức và đợi giá của Ngài là thuộc riêng về mình, đến đỗi nào công nghĩa, nào thánh khiết, nào đức tin, nào nhẫn nại, nào mọi công đức khác của Ngài cũng vậy, thì nội trong giây phút ấy tất cả các điều đó thảy đều trở nên của mình. Cũng nhận luôn mọi việc Ngài sẽ làm trong mình từ đó trở đi chẳng khác gì những việc Ngài đã làm xong xuôi cả rồi vậy; đến đỗi như Đức Chúa Trời kể mình là đã được nên thánh trọn vẹn trong Chúa Jesus Christ thể nào, thì tín đồ bởi đức tin nội trong giây phút đó cũng kể mình là đã được nên thánh trọn vẹn thể ấy vậy.

Những đoạn sách nầy chứng cho lẽ thật ấy:

a)    Những người tin Chúa nhằm lễ Ngũ tuần; họ tin Chúa, rồi liền nhận lãnh Thánh Linh luôn, được nên thánh nội trong giờ tín nhận Ngài vậy: Công 2:37-39.

b)    Cọt-nây và người nhà ông đương lúc nghe Phi-e-rơ giảng, thì được nhận lãnh Thánh Linh: Công 10:44-48.

c)     Tín đồ Sa-ma-ri nhờ Phi-e-rơ và Giăng cầu nguyện cho rồi, thì liền nhận lãnh Thánh Linh: Công 8:12-17.

d)    Tín đồ Ê-phê-sô nhờ Phao-lô đặt tay cho, thì cũng nhận lãnh Thánh Linh ngay: Công 19:1-6. Sự nên thánh được nên nội trong giây phút cũng gọi là “chịu báp têm trong Thánh Linh” vậy (Công 1:5; 11:15-17; Ma 3:11).

2.    ĐƯỢC NÊN TRẢI SUỐT ĐỜI SỐNG MÌNH

Vả, theo một cách khác thì sự nên thánh được nên trải suốt đời sống của tín đồ. Sự nên thánh là việc lần lần lớn lên, lần lần đạt đến bậc thành nhơn vóc giạc trọn vẹn của Christ. Khi tín đồ đãlấy đức tin công nhận Christ làm sự nên thánh cho mình, đã liên hiệp với Ngài trong sự chết, sự sống lại Ngài, và đã nhận lãnh Thánh Linh ngự vào lòng rồi, thì từ đó trở đi cũng phải nương cậy Thánh Linh mỗi ngày đem hiệu lực của sự chết sự sống lại ấy mà ứng dụng cho mình, hầu cho mỗi ngày mỗi giờ mình cũng được từng trải mình thật chết đối với tội và thật sống đối với Đức Chúa Trời vậy. Ta đã thấy Đức Chúa Trời ban Christ làm mọi sự cần dùng cho sự toàn cứu ta; nhưng ta không những là phải công nhận Ngài một lần mà thôi, lại hằng ngày cần phải lấy đức tin mà nhận lãnh ở nơi Ngài nào là sự thánh khiết, nào đức tin, nào sự nhẫn nại, nào tình yêu thương, nào ân điển, nào sự tinh sạch, để ứng dụng cho sự cần yếu của mình trong ngày giờ ấy.

Tín đồ đã bước vào đường nên thánh rồi, cũng nên hằng ngày bền đỗ trong sự phó dâng mình cho Chúa, kể mình duy thuộc về Ngài mà thôi, chẳng còn thuộc về mình nữa; cần phải cứ tự biệt khỏi mọi sự bất khiết, mọi người mọi việc không đẹp lòng Đức Chúa Trời. Cũng cần chuyên tâm lợi dụng các trợ lực Chúa đã sắm sẵn cho, để giúp đỡ đời thuộc linh được lớn lên, như là tra xem Kinh Thánh, cầu nguyện, nhóm lại thờ phượng Chúa với Hội Thánh, làm chứng đạo, dùng của cải giúp đỡ công việc Chúa. Hễ ai làm như thế chừng nào thì Thánh Linh cũng có thể dùng cả ân điển của Đức Chúa Trời vận động trong ta, khiến mình được nên thánh trọn vẹn chừng nấy, đến đỗi tâm linh, tâm hồn, và thân thể mình đều được trọn vẹn, không chỗ trách được cho đến khi Jesus Christ, Chúa chúng ta hiện đến vậy (ITê 5:23). Những câu Kinh Thánh dẫn dưới đây chứng cho lẽ đạo nầy: IIPhi 3:18; Êph 4:15; ITê 3:12; Phil 1:6; Côl 3:9,10; IICô 3:18; IICô 7:1; Êph 4:11-15. Cũng xem IICô 10:5; Phil 2:12,13; IPhi 2:2; Êph 5:1

3.    ĐƯỢC HOÀN THÀNH KHI CHRIST TÁI LÂM

Trải qua cả đời sống tín đồ cứ lớn lên, cứ tấn bộ trong đời thuộc linh. Đến khi Christ tái lâm thì việc nên thánh mới đạt đến bậc hoàn thành. Khi ấy cá nhơn tín đồ sẽ được trình diện cho Đức Chúa Trời được đầy đủ các công đức, chẳng thiếu một ơn nào cả. Theo ITê 5:23, khi ấy tâm linh là cơ quan đối với trời, sẽ được trọn vẹn; và tâm hồn là mối tương quan giữa hai cơ quan ấy cũng sẽ được như vậy nữa. Nói một lời; mọi nguyên tố của bản ngã tín đồ sẽ nhờ công năng của Ba Ngôi Đức Chúa Trời mà được nên thánh hoàn toàn trong ngày Chúa Jesus Christ trở lại vậy. Kinh Thánh dạy rằng: ITê 3:13; Phil 3:12-14; Phil 3:21; IGi 3:2. Cũng xem Côl 3:4; Hê 12:14,23; Giu 24; Khải 14:5