(Lai thế học)

LỜI MỞ ĐƯỜNG

NÓI đại khái, trong đời nầy mỗi cá nhơn tín đồ, hoặc cả thể Hội Thánh đều chưa đạt đến địa vị vinh hiển trọn vẹn mà Chúa đã dự định cho (Rô 8:24), nhưng sẽ đạt đến khi bước vào thế giới tương lai (ICô 13:10). Khi nước Đức Chúa Trời đã hiện đến, và tín đồ đã được ở với Ngài trong nơi vinh hiển rồi, mới gọi là đạt đến bậc trọn vẹn vậy. Nước Đức Chúa Trời được hiện ra hiển nhiên, trọn vẹn bao gồm những biến động phải xảy đến trước như là sự chết, sự tái lâm của Chúa, sự sống lại của thân thể, sự sáng lập nước Thiên hy niên, và sự phán xét chung. Trong cõi lai sanh, mọi người hoặc thiện hoặc ác, đều phải trải qua hai địa vị, một gọi là tạm cư, một gọi là vĩnh cư. Địa vị tạm cư là khoảng thời gian giữa ngày chết và ngày sống lại; còn địa vị vĩnh cư thì trải suốt từ ngày sống lại cho đến đời đời vô cùng.

Chúng ta luận về quyền nầy theo sáu chương là: 1) Lai Sanh, 2) Sự chết, 3) Sự tái lâm của Chúa, 4) Sự sống lại, 5) Sự phán xét sau chung, và 6) Địa vị vĩnh cư của loài người.

Chương 1 – LUẬN VỀ LAI SANH

I. LAI SANH CHẮC CHẮN

1.    ĐỊNH NGHĨA LAI SANH

HAI chữ “lai sanh” có nghĩa gì? Chữ “lai” nghĩa đen là đến, về sau; chữ “sanh” nghĩa đen là sống. Hiệp hai chữ ấy lại thành một danh từ kép thì có nghĩa là “đời sau”, “sự sống trong cõi tương lai” vậy. Trong chương nầy chúng ta luận về đời sống tương lai của người ta.

2.    LAI SANH THỰC HỮU

Trong thời đại khoa học phát đạt khá thạnh như ngày nay, người ta không còn muốn tìm kiếm lẽ thật trong Kinh Thánh nữa, họ chỉ khăng khăng bám lấy khoa học thực nghiệm làm định nghĩa để quyết đoán mọi sự trong vũ trụ. Họ luận rằng mọi sự vật trong vũ trụ, phàm vật gì không thể lấy mắt ngắm, tai nghe, mũi ngửi, tay rờ đến được thì đều không đủ tin, bất quá là những ảo tưởng hư không đó thôi. Vì theo ý kiến họ thì ngoài khoa học thực nghiệm ra, chẳng còn có lý học nào làm căn cứ cho sự suy luận của họ nữa. Họ chẳng còn có thần linh giới mà người phàm không thể tự nói đến, tự xét đến được. Cho nên họ cũng lầm quyết đoán rằng lai sanh hẳn chẳng có.

Nhưng chúng ta là kẻ tin Chúa thì lại phản đối ý ấy mà quyết rằng lai sanh chắc có. Chúng ta có thể để giao thông với thế giới vật chất, ấy là lẽ không ai đánh đổ được. mà chúng ta cũng dám nhận chắc rằng chúng ta vẫn có linh hồn để giao thông với thế giới thần linh nữa. Ta có thể tỷ thị linh hồn ở trong thân thể như thân thể ở trong y phục. Như tôi dầu ăn mặc đàng hoàng, nhưng áo quần không phải là tôi. Quần áo có khi thay ra mặc vào, mà tôi thì vẫn cứ là tôi, không thay đổi chút gì. Một mai linh hồn tôi sẽ lìa khỏi xác thịt nầy, nhưng không hại gì đến tôi, bởi vì sự lâm chung chẳng qua là cổi xác thịt ra mà để lại dưới đất, song linh hồn thì hãy còn mãi. Xác thịt vốn thuộc về đất, cuối cùng phải trả lại cho đất; còn linh hồn thuộc về trời, không thể bị tiêu diệt, khi lìa trần gian thì liền bước vào cõi lai sanh, để nhận lãnh hoặc phước hoặc họa tùy theo công việc mình đã làm là thiện hay ác.

Có nhà nho học đến hỏi nhà thần đạo kia rằng: “Kinh Thánh luận có linh hồn, vậy linh hồn, vậy linh hồn ở đâu, xin ông chỉ cho tôi xem với?” Nhà thần đạo trả lời: “Trong sách nho có câu rằng: “Sanh ngô ký giã, tử ngô qui đạo”, nghĩa là “sống ta gởi vậy, thác ta về vậy.” Nếu không có linh hồn, thì lấy chi mà về? Nhà nho kia đứng sửng sờ vì nhìn biết rằng đến nỗi Nho giáo cũng ám chứng rằng lai sanh chắc có. Lại ông Mạnh Tử cũng dạy rằng: “Phàm vi nhơn tử giả hồn thăng thiên nhi phách giáng địa” nghĩa là “Hễ người chết thì hồn lên trời, còn xác xuống đất” thì làm sao? Sau đây xin dẫn mấy lý cứ chứng rằng lai sanh chắc có bởi vì linh hồn quả thực tại.

II. BẰNG CHỨNG LAI SANH CHẮC CÓ     

Sự chết của người công nghĩa hay là của kẻ gian ác đều chẳng phải là sự tiêu diệt đến đỗi không còn thực tại nữa đâu, bèn là qua đời tạm nầy đặng sang đời khác, lìa cõi kim sanh nầy mà vào cõi lai sanh vậy. Đây xin đem những lý cứ để minh chứng cho ý kiến ấy; trước đem bằng cớ do lý tánh, rồi sau sẽ đem bằng cớ do Kinh Thánh mà ra.

1.    BẰNG CỚ THEO LÝ TÁNH

Có chừng sáu lý cứ do lý luận chứng rõ ràng lai sanh chắc có bởi vì linh hồn thực hữu.

a)  Vật lý làm chứng: Chứng cứ của vật lý học có hai phương diện, như luận sau đây:

(1)Thể chất hằng thay đổi mà linh hồn chẳng đổi thay: Thể chất cứ thay đổi luôn, song linh hồn chẳng hề thay đổi. Nhà khoa học dạy rằng, bề ngoài của thân thể ta tuy ngó y như xưa, mà thực ra cả thân thể cứ mỗi bảy năm phải thay đổi một lần. Sánh ta hôm nay với hai mươi năm trước, coi bề ngoài thì dung mạo y nguyên, không sai chuyển gì, mà kỳ thực thì cả châu thân đã thay đổi vài ba lần rồi. Óc ta suy nghĩ nhanh lắm, mà một sợi dây nhỏ trong óc mỗi năm phải thay đổi hai lần. Quả tim ta cứ nhảy luôn cả ngày lẫn đêm, mà mỗi tháng nó phải thay đổi một lần. Vậy, quả tim tháng nầy của ta không phải là quả tim tháng trước, bộ óc năm nay không phải bộ óc năm kia, và cả châu thân ta hôm nay cũng không phải là thân của bảy năm về trước vậy. Vật chất dầu thay đổi mãi, mà ta thì vẫn còn là ta, ấy đủ minh chứng rằng linh hồn hằng ngày còn như xưa.

(2)Thể chất dầu phân tán mà linh hồn không thể phân tán: Thân thể của người ta do các nguyên chất phức tạp tổ hiệp nên kịp khi chết thì tan ra, hỗn hiệp với vật chất khác, hoặc trở lại nguyên chất. Xác thịt vốn bằng thể chất phức tạp, thuộc về đất nên không thể vượt khỏi thiên nhiên định lệ; còn linh hồn thì thuần linh, không bằng vật chất, không có sự tổ hiệp, nên cũng không có sự tan ra, không thể trở nên vật khác, mà cũng không tiêu diệt được, bèn là đơn thể thuộc thần linh giới, vượt ngoài thiên nhiên giới. Cho nên lúc chết dầu thân thể tan ra tro bụi, thì linh hồn chẳng vì đó mà cũng tan ra đâu, vì một đơn thể không hề tan ra bao giờ. Linh hồn chỉ qua đời, tức là bước vào cõi thực tại mới đó thôi.

b) Sanh lý làm chứng: Chứng cứ của sanh lý học cũng có hai mặt, như sau đây:

(1) Nghiệm trong thân thể người: Trong vòng các nhà sanh lý học có nhiều kẻ chủ trương rằng óc là nguyên nhơn của tư tưởng, là tòa của bản ngã. Hễ óc bị hư đi, thì nguyên nhơn của tư tưởng (tức là linh hồn) cũng bị hỏng đi nữa. Chúng ta bác lại rằng óc thật rất quan hệ với tư tưởng, nhưng nó quả không phải là nguyên nhơn của tư tưởng, mà chính linh hồn mới là nguyên nhơn ấy. Tư tưởng là hoa quả, là công việc của óc, nhưng không từ óc làm nguyên nhơn mà lưu ra đâu. Công việc có khác nhau: có công việc sanh sản, cũng có công việc kinh quá. Ví dụ ánh sáng của đèn điện là công việc của điện khí, nhưng ấy không phải là công việc sanh sản, bèn là công việc kinh quá. Nếu dây đứt, thì ánh sáng không còn ở trong bóng đèn nữa, song điện khí vẫn còn, vì nó là công việc sanh sản của nhà máy điện. Cũng một lẽ ấy, tư tưởng là công việc kinh quá của óc, mà là công việc sanh sản của linh hồn vậy. Óc thật là khí cụ của linh hồn để bày tỏ bản tánh và ý tưởng của nó. Dầu óc có bị thương thì linh hồn cũng không bị tiêu diệt đâu, nó vẫn còn luôn, chỉ không thể dùng óc mà vận động được nữa đó thôi.

Lại ví dụ như âm điệu và nhạc khí: khi người ta gảy dây đờn, thì nó phát ra tiếng; tiếng ấy tuy là công việc của bộ nhạc khí, nhưng không phải là công việc sanh sản của nó, bèn là công việc kinh quá đó thôi. Khi nhạc khí hư hỏng, thì tiếng nhạc phải thay đổi liền, song tiếng ấy không do nhạc khí mà ra, bèn là do nhạc sĩ vậy; nhạc sĩ chỉ nhờ nhạc khí để thống xuất tiếng nhạc đó thôi. Đem ví dụ nầy ứng dụng cho vấn đề óc và linh hồn, thì có thể gọi óc là nhạc khí, còn linh hồn là nhạc sĩ, dùng nó để tỏ bày ý tưởng mình. Dầu nhạc khí bị hư hỏng, thì nhạc sĩ không hư hỏng đâu, có thể kiếm nhạc khí khác để đờn được. Cũng vậy, khi óc bị hư, thì tư tưởng phải ra khác, nhưng đầu óc tiêu diệt, thì linh hồn vẫn còn nguyên, chắc có thể kiếm được cơ quan khác mà tỏ ra bản tánh và ý tưởng của nó chẳng sai.

(2) Sanh vật làm chứng: Nhà sanh vật gọi một tế bào là nguồn gốc của mọi vật sống. Tế bào ấy là một cơ thể cực kỳ vi tiểu, trong nó chứa nguyên nhơn của sự sống. Sự sống của tế bào ấy rất ngắn ngủi, nhưng không hề dứt đâu, vì bào nầy sanh sản bào kia, cứ kế tiếp mãi, lớp cũ chết thì lớp mới lại thay thế không dứt, mới có thể lưu truyền sự sống trong vũ trụ vậy. Mà ấy cũng là hình bóng cỏn con về sự sống đời đời.

Vả, dầu sự sống của vật rất nhỏ mà nếu để ở chỗ thích hợp, thì nó cũng sống lâu đời lắm. Giả như ít năm trước đây có nhà khảo cổ học kiếm được hột lúa mì trong lăng mộ vua Aicập từ đời xưa. Hột ấy đã nằm tại đó độ vài ngàn năm rồi; nhưng khi người ta đem gieo xuống đất, thì cũng mọc lên cây như những hột giống khác. Mà nếu Đấng Tạo hóa đã để lại trong hột giống hay hư nát kia sự sống còn di lưu mãi mãi vậy được, thì cớ sao lại dám nói rằng loài người chết thì linh hồn mất hẳn không còn nữa ư? Ta thường thấy người làm ruộng gieo giống, khi hột giống xuống đất thì hình thể chết, rồi trở lại mọc cây khác xanh tươi; ấy há chẳng tả chơn lý về linh hồn không tiêu diệt sao?

Vả, nhà sanh vật học kim thời thường luận về sự chết thật là tinh tường, nói rằng hễ vật nào sống là bởi cớ có một điểm cơ thể bề trong khế hợp với cảnh trạng bề ngoài. Nếu sự khế hợp ấy bị đứt, thì vật ấy chết liền. Giả như sự sống ta chỉ nhờ cơ thể bề trong kết hợp với những sự chung quanh ta, như là đồ ăn, ánh sáng, không khí, sự hay biết, v.v., mới tồn tại. Nếu có một sự bất hợp xảy đến thì một phần đã chết rồi. Còn nếu cơ thể bề trong khế hợp với bề ngoài trọn vẹn, không chỗ nào thiếu thốn, thì gọi là sống trọn vẹn vậy.

Kìa, sự khế hợp của sự sống xác thịt ở nơi đồ ăn, ánh sáng, không khí, v.v. Nhưng sự khế hợp sự sống của linh hồn là nhận biết Đức Chúa Trời. Như vậy, sự khế hợp của linh hồn và xác thịt có khác nhau, nên sự sống cũng không giống nhau. Xác thịt có cơ thể khế hợp với cõi vật chất, nên mới sống theo công lệ của cõi ấy. Còn linh hồn có cơ thể khế hợp với thần linh giới, nên cũng sống theo định lệ của thế giới ấy. Nếu sự khế hợp của xác thịt với cõi vật chất còn mãi, thì xác thịt cũng sống đời đời. Linh hồn cũng vậy, nếu khế hợp với thần linh giới luôn luôn, thì cũng sống đến vô cùng vậy.

Vả, sanh lý học và sự từng trải loài người chứng rằng sự khế hợp của xác thịt chỉ tạm thời, khi đến giờ chết thì tiêu tán, dứt hẳn cái khế hợp với cõi vật chất. Nhưng linh hồn vì là đơn thể thuần linh, không tiêu tan được, cứ khế hợp với thần linh giới, nên cũng hằng còn đời đời vậy. Ý nầy cũng rất thích hợp với lời Chúa Jesus phán: “Còn sự sống đời đời là nhận biết Cha, tức là Chơn Thần duy nhứt, cùng Jesus Christ, mà Cha đã sai đến” (Gi 17:3). Chữ “nhận biết” đây là sự khế hợp của linh hồn với thần linh giới ban cho nó được sự sống trọn vẹn vậy.

c) Triết lý làm chứng: Cơ đốc triết lý chủ trương rằng muôn vật đều bởi Đức Chúa Trời là Đấng tự giác, tự động, tự quyết mà ra. Vả, loài người được dựng nên theo hình tượng của Đức Chúa Trời. Linh tánh loài người (tức là linh hồn) do Đức Chúa Trời trực tiếp ban cho, vì Ngài hà sanh khí vào lỗ mũi của tổ tiên ta, rồi người hóa ra loài có linh tánh. Mà linh tánh ấy giống như linh tánh của Đức Chúa Trời, nên cũng có sự tự giác, tự động, tự quyết như Đức Chúa Trời vậy.

Lại Đức Chúa Trời hằng hữu, linh tánh Ngài chẳng hề tiêu diệt được bao giờ; còn loài người vì được dựng nên giống như Ngài, nên cũng có linh tánh hằng có vậy. Linh tánh ta là phần tinh anh của ta, không chia ra, cũng không thể biến hóa ra vật khác, bất luận bao nhiêu ngày tháng cũng cứ nguyên vẹn, vì là phần ta khế hợp với thần linh giới, nên sẽ còn mãi đến đời đời vô cùng vậy.

d) Tâm lý làm chứng: Tâm lý học có ba điều chứng rằng người ta nhận biết linh hồn quả có và sẽ còn mãi cho đến đời đời vô cùng.

1.    Sự trông cậy về sự sống đời đời: Lòng trông cậy được sống đời đời vốn một lòng phổ thông, ai ai cũng có. Mấy cụ già đầu bạc răng long, lưng mỏi gối dùn, sống đến 80, 90 tuổi cũng chưa lấy làm thỏa, vẫn còn muốn sống thêm nữa, không cứ người khôn kẻ dại, hạng giàu sang hay hèn, thảy đều vậy cả. Lại còn biết bao cái mộng tưởng trường sanh bất tử, phản lão hoàn đồng, siêu trần thoát tục nầy nọ nữa kia. Thế nhưng, ta thường thấy đời người quá ngắn ngủi ngày tháng thoi đưa, thì giờ tên bắn, mảnh hình hài có có không không, tranh vân cẩu tan tan hợp hợp, ba vạn sáu nghìn ngày là có mấy, cảnh phù du trông thấy cũng buồn cười! Cứu cánh như đồng thanh than rằng: Như nguyện ai ngờ nguyện chẳng như! Chỉ còn mong sao đến được cõi đời đời trong lai thế, để bổ lại chỗ khuyết hám của cõi kim sinh, xứng với câu “vạn vật chi sanh, duy nhơn tối linh”. Vả, sự cần dùng về đời xác thịt, Đức Chúa Trời còn dự bị đầy đủ mọi bề thay, huống chi sự trông mong ao ước của linh hồn, Đức Chúa Trời lại há không dự bị cho được thỏa nguyện sao?

2.    Sự hối hận vì linh tánh chưa được mở mang: Xét tâm lý của người đời khi đến tuổi cao, gần qua đời, thì thấy ai ai cũng hối hận vì tâm linh chưa được mở mang, còn biết bao sự ước ao chưa đạt được. có người luận rằng, Đức Chúa Trời đã ban cho tâm linh ta có tài hay, thông biết được vật lý, phân biệt phải trái, kính thờ Đức Chúa Trời, vui ưa lẽ đạo. Mà nếu đời họ ở trần giới nầy chỉ như bóng câu qua cửa sổ, thì tài hay của tâm linh kia thế nào? Nó như cây nọ, chỉ mới nứt lộc, chưa kết quả gì, mà bông đã tàn tạ. Nếu không có lai sanh để cho tài năng ấy được phát triển thêm lên, thì há chẳng là uổng lắm sao? Ta thường thấy có người vừa đang độ linh tú, bỗng chết yểu, như quả đẹp đang xanh mà bỗng chúc bị héo rụng. Nếu không có thì giờ lâu dài sau khi qua đời để mở mang tài năng của linh tánh, thì người đời chỉ luôn ôm lòng than tiếc đó sao? Thiết tưởng rằng không phải vậy đâu, sự hối hận ấy ám chứng rằng lai sanh chắc có, Đức Chúa Trời quả đã dự bị một chỗ cho linh tánh ta có thể tấn triển đến bậc trọn vẹn vô cùng vậy.

Chúng ta thường thấy ý tưởng mình vượt khỏi ngoài ngàn muôn dặm, sự trông cậy ta có thể thấu đến sáu ức vạn năm. Người của ta dầu đã qua đời mà linh trí ta còn có tia hi vọng lại gặp nhau nữa. Như tục ngữ thường nói: “Sống dương gian chẳng đặng giao hôn, thác về chín suối hai hồn gặp lại”. Thế thì, nguyên tri của loài người chứng rằng lai sanh chắc có đặng nhờ cõi ấy để mở mang các lương năng mà Đức Chúa Trời đã phú cho linh hồn, vì giới hạn của sự mở mang ấy không phải ở đời tạm nầy đâu, bèn là trong cõi vĩnh viễn vô cùng vô tận vậy. Khi người ta sắp qua đời, thường hay than tiếc rằng chưa thỏa mãn, còn muốn sống thêm nữa. Kẻ chết yểu không cần nói đến, nhưng kìa có nhà khoa học trứ danh, sống ngoài chín mươi, mà cũng thở ngắn than dài rằng mình học chưa đủ, sao không thêm cho một trăm tuổi nữa? Khổng Tử cũng than rằng: “Thêm cho tôi vài tuổi nữa, đặng tôi học kinh dịch, ngõ khỏi có lỗi lớn.” Quả nếu không có lai sanh để kế tiếp cuộc kim sanh, thì các bậc ấy chỉ phải ôm hận nghìn thu sao? Sao chí lớn mà mạng cùng như thế? Chắc phải có lai sanh mới hữu lý vậy.

Song ta khá cẩn thận mà dùng các lý cớ nầy cho đúng đắn, vì có hai hạng người, là thiện và ác. Hạng ác tuy cũng có lai sanh, nhưng lai sanh của họ là khốn nạn vô ngần, có sự thoái hóa hư hoại mãi, chẳng hề tấn hóa chút nào. Chỉ người thiện được vào cõi lai sanh ở trên trời mới đạt đến bực hoàn toàn như nguyện vô cùng đó thôi.

3.    Người gần qua đời hay sợ sệt: Ta thường thấy khi có người gần qua đời, lòng hay run rẩy sợ hãi, mất sự bình an (trừ ra tín đồ của Christ). Tại cớ sao vậy? Xét cho kỹ thì chưa chắc là tại vì sự nghiệp họ chưa hoàn thành, hoặc vì chưa chắc là tại vì sự nghiệp họ chưa hoàn thành, hoặc vì phải từ biệt những người thân yêu, hay là vì ngọn ba đào của Tử hà quá ư dữ dội chi đâu. Bèn là lúc hấp hối thì lương tâm người sực tỉnh, thấy bên kia phần mộ âm u chắc có một thần linh giới xa xăm, nhưng bị vầng mây đen kịt che khuất, mình không biết đường đi, lại không phân được đâu là cội rễ. Cho nên trong tâm hồn hồi hộp, mất sự bình an. Thậm chí những kẻ đề xướng thuyết vô thần, khua môi múa mỏ suốt đời, nhưng đến khi lưỡi hái của Tử thần đưa kề cổ, thì ngậm ngùi tưởng đến linh hồn bất diệt, bèn kêu lớn lên rằng: “Chúa ôi, Chúa ôi, xin cứu tôi với!” Ấy há chẳng minh chứng rằng lai sanh chắc có sao?

e) Sự lý làm chứng: Sự lý cũng chứng rằng lai sanh phải có, để sửa đổi chỗ bất công bất nghĩa ở đời nầy, mới gọi thần hữu là công bình.

(1)         Sự thưởng phạt đời nầy không công bình: Ta thường thấy ở đời lắm kẻ ác mà lại mão cao áo dài, trọn đời vui hưởng mùi phú quí (Thi 35:35). Còn nhiều người thiện thì áo không đủ mặc, cơm không đủ ăn, nhà không đủ ở, lao đao vô cùng. Trai sở khanh thì tháng ngày dong ruổi yên vui; còn gái lỡ dại thì trọn đời mang nhơ nuốt hổ. Kìa, có trang anh tuấn vui theo đạo thánh, đã nghèo lại yếu. Còn có chú côn đồ lại giàu có, thêm sống lâu. Cuộc trần thế xưa nay biết bao sự bất công bất bình kể sao cho xiết. Nếu chẳng có thiên đàng địa ngục để thưởng thiện phạt ác, thì sự thưởng phạt trần gian thật là phi lý bất công, vàng thau lẫn lộn, ngọc đá khôn phân lắm vậy.

Nhưng lai sanh chắc có, sự thưởng phạt công bình quả cũng sẽ có. Nếu dường như ta chưa thấy, ấy vì thì giờ chưa tới đó thôi. Quả như câu rằng: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, nhược thị bất báo, thời thần vị đáo.” Nghĩa là lành có lành trả, ác có ác trả, nhược bằng chưa trả, thì tại vì giờ chưa đến. Câu ấy rất đúng, lòng riêng ai cũng nhìn nhận là chơn lý vậy.

(2)         Sự nghiệp đạo đức dường không kết quả: Ta thường thấy sự nghiệp đạo đức dường như không kết quả trọn vẹn ở đời nầy. Nên lý tánh ta đoán rằng phải có lai sanh để cho sự nghiệp đạo đức kết quả trọn vẹn. Quả vậy, đời nầy là trường luyện tập đạo đức; đời sau là chỗ để hưởng hoa quả của đức hạnh đó. Hiền nhơn quân tử của Chúa ở đời nầy chịu lắm nỗi éo le, nhiều điều khốn cực. Ấy tại cớ sao? Há chẳng vì họ sửa soạn về đời sau ư? Nếu người chết là hết không có linh hồn hằng còn, thì cả đời làm nhơn nghĩa, ở đạo đức, rán sức tự tỉnh, mà rồi ra chẳng kết quả gì, ấy há có lý vậy ư? Nếu ta gọi sự nghiệp đạo đức không kết quả lâu dài, chỉ như hoa sớm nở chiều tàn, nay tươi mai héo, thì tại cớ sao Đức Chúa Trời lại thử thách hiền nhơn quân tử nhiều dường kia làm chi? Nếu trong đời sau người thiện không được thưởng xứng hiệp với đức tánh họ, thì sự công bình yêu thương của Đức Chúa Trời ở đâu?

f)   Tục lý làm chứng: Lý thuyết về xác thịt chết mà linh hồn còn, là sự tín ngưỡng chung của muôn dân thiên hạ. Thói tục của mọi dân mọi nước đều làm chứng. Như ở xứ ta, sự đốt giấy tiền vàng bạc và nhà minh khí cho kẻ chết, vì tưởng rằng vong linh của ông bà cần dùng các vật ấy ở chốn lai sanh. Bên Trung Quốc người ta làm hình nộm chôn theo xác chết, để nó làm tôi mọi cho linh hồn đã qua đời. Người Hi-lạp xưa thường để một đồng bạc trong miệng tử thi, để làm lộ phí qua đò âm phủ. Người Aicập xưa để sách kẻ chết vào quan tài, sách ấy có biên bài cầu nguyện cùng vẽ địa đồ chỉ dẫn đường nơi âm phủ. Cũng dùng thuốc ướp xác để tỏ lòng trông mong xác thịt sẽ sống lại. Người Babylôn xưa tin rằng người ta qua đời ở nơi âm phủ kia ít lâu, rồi sau khi thân thể sống lại thì được sống đời đời. Cổ truyền của phần nhiều cổ dân cũng giống như thế hết, chứng rằng cả thiên hạ xưa nay đều có tin tưởng về lai sanh. Mà tin tưởng ấy từ đâu mà có? Há chẳng phải một nguyên tri Đấng Tạo hóa đã phú vào tâm linh của người ta sao? Còn điều ấy lại há chẳng minh chứng rằng lai sanh chắc có ư?

g) Giáo lý làm chứng: Các tôn giáo trong thế gian nầy đều tín nhận lai sanh chắc có cả.

(1) Hồi giáo: Tra xét kinh Côran của Hồi giáo; thì thấy giáo ấy chủ trương rằng khi người qua đời, thì linh hồn không dứt, nhưng cứ tồn tại cách tự tri tự giác. Đến ngày xét đoán xác thịt được sống lại, linh hồn hiệp lại với nó, hoặc hưởng phước hay thọ hình. Ai trung tín với Hồi giáo, thì sống lại có hình giống heo, hay vượn hoặc là một hình kỳ quái nào khác. Họ luận về các phước lai sanh đó, thì gọi là các sự vui thích của tình dục xác thịt, như ăn uống, cưới nhiều vợ, v.v.

(2) Ấn độ giáo: Giáo nầy chủ trương rằng linh hồn qua đời nhờ luân hồi mà chuyển kiếp sanh ra vật khác. Chuyển kiếp ấy có nhiều chặng, nếu làm lành thì chuyển làm thần mà lên trời; ví làm dữ thì chuyển quỉ mà phải xuống địa ngục, hoặc đầu thai làm người hay là súc vật ở dưới trần gian nầy. Kế sau vô số sự chuyển kiếp như thế, thì linh hồn cuối cùng được đồng hóa lại với thần Bàlamôn, là thần tối thượng của Ấn độ giáo.

(3) Phật giáo:Tuy Phật giáo hình như dạy rằng không có đời sau, thì cũng không chối hẳn lẽ ấy, vì họ chủ trương về sự chuyển kiếp (luân hồi) cũng như Ấn độ giáo. Nhưng sự chuyển kiếp của Phật giáo thì khác với Ấn độ Giáo; vì Ấn độ giáo dạy rằng người ta chuyển đi chuyển lại thì cũng hườn lại linh hồn cũ, bèn là công quả kiếp tiền sanh. Ý nói đó là nhơn vì công việc làm trong kiếp tiền sanh, thì sau khi qua đời lại sẽ sanh ra một thân thể khác, hoặc tốt hay xấu gọi là công quả của kiếp tiền sanh vậy.

(4) Lão giáo: Lão giáo luận về lai thế khác với các giáo khác, chủ trương người ta có ba hồn chín vía. Họ nói nếu muốn biết lẽ sống chết, ví dụ như nước và giá: nước kết lại thành giá, giá tan ra nước lã. Như nước giá không hại gì thể nào, thì sống chết cũng không hại gì thể ấy, bèn là tốt cả (Thi ngụ ngôn), xong rồi cũng hoàn lại nguyên thể. Họ lại luận rằng, chữ “người” nghĩa là nhơn, nhơn là khí trong sạch giữa trời đất; hễ có khí trong thì sanh lại làm người; còn khí đục thì lại hóa ra súc vật.

(5) Nho giáo: Nho giáo không luận về lai sanh. Nhưng xét lời nói của bậc thánh hiền xưa, thì rõ họ cũng có ý niệm về lai sanh. Như có câu rằng: “Đế nãi tồ lạc”; nghĩa là hồn vua (Nghiêu) lên trời, xác vua chôn dưới đất. Cũng nói: “Văn Vương tại thiên”, đủ chứng rằng tư tưởng các nhà nho xưa cũng hướng với đạo lai sanh vậy.

(6) Nhà tôn giáo Hi-lạp: Ông Aristote, bậc thánh hiền bên Hi-lạp xưa, khi gần qua đời, trối cùng bạn thiết, mà rằng: “Nay chúng ta từ giã nhau, tôi chết, anh em còn sống; con đường của tôi với con đường của anh em đi, cái nào tốt hơn, chỉ một mình Đức Chúa Trời biết mà thôi.”

Ấy vậy, ta thấy các tôn giáo trong thiên hạ, dẫu có nhiều ý kiến bất đồng và sai lầm lắm, nhưng thảy đều có hy vọng về lai sanh, đồng thinh quyết rằng chắc phải có mới hữu lý.

2.    BẰNG CỚ DO KINH THÁNH

Tuy các bằng cớ vừa kể trên rất có giá trị, khiến cho ta dễ công nhận rằng đạo lai sanh có lý lắm, thì cũng chưa phải là bằng cớ xác thực. Chỉ có Kinh Thánh khải thị rõ ràng đầu đuôi của vấn đề ấy, vì là nguồn gốc của mọi lẽ thật vậy. Sau đây xin đem ra ít xác cứ của Kinh Thánh mà chứng rằng lai sanh quả thật có.

a)    Truyện tạo thành loài người làm chứng: Truyện trong Sách Thế Ký thuật về sự tạo thành loài người và các đoạn sách khác ngụ ý nói đến việc ấy, đều tỏ ra thân thể được dựng nên bằng vật hay hư nát và có thể chết; nhưng linh hồn được dựng nên giống như hình tượng Đức Chúa Trời, không hay hư nát, cũng không thể chết được. Những câu viện dẫn sau đây chứng nhận ý kiến ấy. Sáng 1:26,27; Sáng 2:7

Đó dạy rõ không phải thân thể được nắn nên giống như hình tượng Đức Chúa Trời, bèn là linh hồn vậy. Trong cả Cựu ước thường phân biệt linh hồn với thân thể, chẳng bao giờ lẫn lộn hai ý niệm ấy. Sáng 3:22,23

Loài người vốn có linh hồn bất diệt rồi, nhưng nay nếu lại ăn trái của cây sự sống, thì thân thể sẽ bất diệt nữa. Mà nếu linh hồn bất diệt và phạm tội cứ ở trong thân thể bất diệt nữa, thì là một sự thất vọng nặng nề cho loài người là dường nào! Vì vậy, Đức Chúa Trời bèn đuổi người ra khỏi cây sự sống. Truyền 12:7. Cũng xem Ma 10:28; Công 7:59; IICô 12:2; ICô 15:45,46.

b)    Truyện về sự rủa sả làm chứng: Truyện trong Sáng thế Ký thuật lại sự rủa sả loài người, và đoạn sách khác trong Kinh Thánh ngụ ý nói đến, đều tỏ ra dầu sự chết do nguyên tội mà ra đó quả là bao hàm sự tiêu tan của xác thịt, nhưng chẳng bao hàm sự tiêu tan của linh hồn đến đỗi nó phải mất sự thực tại đâu, duy chỉ định địa vị của linh hồn phạm tội, tỏ ra tương phản hẳn với sự sống thật, tức là địa vị của kẻ bị đuổi ra khỏi hiện diện Đức Chúa Trời, để ở trong chốn bất khiết, ô uế, và cực khổ đời đời đó thôi. Các câu viện dẫn sau đây chứng rõ cho lẽ ấy. Sáng 2:17; Ma 8:22; Ma 25:41,46; Lu 15:32; Gi 5:24; Rô 8:13; Êph 2:1. Cũng xem Gi 6:47, 56,63; 8:51; Rô 5:21; Êph 5:14; IGi 3:14; Khải 3:4

Các câu ấy đều minh chứng rằng chữ “chết” đây chỉ về địa vị của linh hồn phạm tội; dầu xác thịt chưa tiêu tan cũng đã chết về phần thuộc linh rồi; và khi qua đời, bị xét đoán, thì sự chết thuộc linh ấy cứ hằng còn đến đời đời vậy.

c)     Ý kiến của dân Do Thái làm chứng: Dân Do Thái bao giờ cũng tín nhận có lai sanh, khi qua đời thì linh hồn vẫn thực tại cách tự cảm biết, hoặc hưởng phước, hoặc thọ hình vậy. Họ chủ trương rằng Đức Chúa Trời dựng nên vũ trụ. Chỗ Đức Chúa Trời ngự ở trên trời thuộc về từng trên; loài người ở dưới đất thuộc về từng giữa, còn người qua đời ở âm phủ thì Cựu ước không nói rõ, song họ tin linh hồn chắc còn đời đời. Tuy không luận rõ mà có chỗ nói bóng ám chỉ về lẽ đạo ấy, như Gióp thì nói: “Sau khi da tôi, tức xác thịt nầy, đã bị tan nát. Bấy giờ ngoài xác thịt tôi sẽ xem thấy Đức Chúa Trời” (Gióp 19:26). Tác giả Thi 49 và 73 tin cậy Đức Chúa Trời sẽ tiếp rước linh hồn mình lúc qua đời (Thi 49:15), cho mình ở với Ngài trong nơi vinh hiển (Thi 73:24,25). Vua Đa-vít cũng tin chắc rằng có lai sanh, bởi vì ông nói rằng: “Xác tôi cũng sẽ nghỉ yên ổn, Vì Chúa sẽ chẳng bỏ linh hồn tôi trong Aâm phủ, Cũng không để cho người thánh Ngài thấy sự hư nát” (Thi 16:9,10). Tiên tri Ê-sai luận rõ về sự sống lại mà rằng: “Những kẻ chết của Ngài sẽ sống, những xác chết của tôi đều chổi dậy! Hỡi kẻ ở trong bụi đất, hãy thức dậy, hãy hát!… đất sẽbuông các âm hồn ra khỏi” (Ês 37:1-14); và Đa-ni-ên tỏ ra trong vòng kẻ được sống lại đó, nói người thì được sự sống vinh hiển đời đời, kẻ thì bị xấu hổ nhuốc nhơ mãi mãi vậy. (Đa 12:1-3).

Nhà triết học Philon (sanh năm 20 T.C.) và nhà sử học Josephe (37-95 S.C), hai người Do Thái trứ danh, cũng đều tín nhận lai sanh chắc có. Josephe luận về đạo người Pha-ri-si bất đồng với đạo người Sađusê, có nói rằng: “Linh hồn có một khí lực bất diệt. Bên dưới đất có chỗ thưởng phạt. Đã định cho kẻ ác bị ở ngục đời đời. Người công nghĩa có năng lực để tỉnh lại và phục sanh nữa. Thân thể thật hay hư nát, nhưng linh hồn đến đời đời cũng chẳng hề chết. Còn đạo người Sađusê dạy rằng linh hồn cũng chết với thân thể”.

d)    Các trước giả Tân ước làm chứng: Các trước giả Tân ước đều tín nhận và dạy dỗ rằng đích đáng lai sanh chắc có. Chỗ đại khái thì các nhà ấy đều đồng ý dạy rằng, tín đồ chết liền lên thiên đàng, hưởng các hạnh phúc cách tự cảm biết; kẻ ác thì xuống địa ngục, bị hình phạt cực khổ cũng tự cảm biết. Đến khi Christ tái lâm, tín đồ được sống lại, linh hồn và thân thể đồng hiệp mà được cất lên trời và ở với Chúa luôn luôn. Sau thời đại Thiên hy niên, kẻ ác mới được sống lại, chịu phán xét rồi bỏ vào hầm lửa diêm sanh, chịu khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời vô cùng vậy.Ma 22:31,32.; Lu 14:14; Lu 20:27,36; Gi 5:29; Công 17:32; Công 23:6; Công 24:15; ICô 15:20-23; Khải 20:5,6; ITê 4:15-17; Khải 20:12-15

e)    Sự sống lại của Christ làm chứng: Bằng chứng đích đáng hơn hết là sự sống lại của Christ. Ngài chết rồi mà trở sống lại chứng rằng tâm linh không bị tiêu diệt trong lúc thân thể bị tiêu tan đâu, bèn cứ hằng còn, và cuối cùng sẽ hiệp lại với thân thể đang sống hoặc ở thiên đàng với Chúa, hay ở hầm lửa với ma quỉ. Phao-lô chép: “Christ Jesus, Cứu Chúa chúng ta, là Đấng đã bãi bỏ sự chết, nhờ Tin Lành đem sự sống và sự không hay hư nát mà bày tỏ ra rõ ràng” (II Tiệc thánh 1:10). Sự bất diệt vốn một lẽ thật trước kia đã được khải thị cách mờ mờ, ai ai cũng có hy vọng về lai sanh và sự bất diệt, nhưng không ai dám tin chắc chắn. Còn Christ đến nhờ sự chết và sự sống lại của Ngài mà bày tỏ ra lẽ đạo ấy rõ như chánh ngọ, không ai còn có chỗ hoài nghi lẽ đạo ấy nữa. Gi 2:19,21; Gi 10:17,18. Cũng xem cả hai đoạn 20 và 21.

Christ nhờ bốn điều kể sau đây mà dạy ta về lai sanh và sự bất diệt của linh hồn:

(1)Ngài ăn ở một đời sống trọn vẹn, làm Người lý tưởng điển hình để làm ứng nghiệm lý tưởng tối thượng của người ta về đời loài người, đến đỗi không ai có thể nghĩ rằng một người như Ngài lại có thể bị tuyệt diệt được.

(2)Ngài qua đời, sang qua phía bên kia mồ mả, rồi trở lại, chứng cho ta biết lai sanh chắc có. Trước năm 1492 thì Âu Châu có nhiều tưởng tượng về Mỹ Châu, nhưng các ý tưởng tượng ấy không giá trị bằng lời chứng đích xác của Christophe Colombe là người đã đi qua tận Mỹ Châu, xem thấy, rồi trở về Âu Châu mà thuật lại. Cũng vậy, trước khi Chúa chưa giáng sanh có lắm ý tưởng khác nhau về lai sanh; nhưng Chúa chịu chết, sang qua cõi lai sanh, rồi trở lại làm chứng xác thực rằng lai sanh quả hẳn có vậy.

(3)Ngài mở đường cho ta có thể lãnh linh mạng và sự đắc thắng của Ngài, hầu khi ta trải qua trũng bóng chết, ta không cần sợ hãi gì, nhưng được toàn thắng sự chết mà sống lại như Ngài đã đạt vậy.

(4)Việc chịu chết sống lại, ban cho Ngài quyền bính dạy ta rõ về sự sống lại của người thiện kẻ ác sẽ thể nào. Nói một lời, sự sống lại của Christ không những là xác cứ về lai sanh, mà lại là bằng cớ duy nhứt chứng chắc chắn rằng lai sanh quả có vậy. ICô 15:3-8

 

TỔNG ĐOÁN

Linh hồn là một vật tinh anh, không thể nào tiêu diệt được. Nếu chỉ có đời nầy mà không có đời sau, thì chẳng những là tâm linh của người ta không được thỏa mãn, mà quyền Đức Chúa Trời thưởng thiện phạt ác cũng chưa tỏ sự công bình gì. Ta đã thấy nào vật lý, sanh lý, triết lý, sự lý, tục lý của loài người, cùng tôn giáo của muôn nước đều đồng thinh chứng rằng thế giới tương lai chắc có. Hơn nữa, lại có lẽ thật của Đức Chúa Trời khải thị trong Kinh Thánh dạy vẽ đành rành rằng linh hồn quả hằng còn, lai sanh hẳn chắc có. Vậy còn hoài nghi gì nữa? Người ta sanh ra ở đời nầy chẳng phải chỉ vì kim sanh, bèn là vì lai sanh. Nếu ai trong cuộc lai sanh không được sống đời đời với Đức Chúa Trời, thì thà đừng sanh ra là hơn. Vì lai sanh ở ngoài Đức Chúa Trời là sự hư mất trong chốn tối tăm cực khổ cách tự cảm biết cho đến vĩnh viễn vậy.

 

Chương 2 – LUẬN VỀ SỰ CHẾT  

KÌA, đoàn chim bay giữa khoảng không, loài thú chạy trên sơn dã, loài thủy tộc lội lăng xăng dưới nước, giống côn trùng bò lúc nhúc trên khô, hễ đã có ngày sanh ra, thì ắt có ngày chết đi. Loài người linh hơn muôn vật, cũng tưởng sẽ trường sanh bất lão, lột vỏ sống đời, nào hay đâu nhứt đán vô thường, cùng sa vào cõi chết. Vì vậy có câu thi rằng: “Nhơn sanh tự cổ thùy vô tử”. Hỡi ôi! Cảnh huống loài người đã thay đổi là dường nào! Song phước thay! Phần xác thịt dầu về nơi phần mộ, mà phần linh hồn hằng còn có một thế giới thuộc linh, để cho linh hồn ta nhờ ơn cứu của Christ được ở, và dầu chết mà vẫn sống cho đến vĩnh viễn vậy. Chương nầy xin chia ra làm ba phần là: 1) Thực sự của sự chết; 2) Cảnh trạng của kẻ qua đời; 3) Ý kiến sai lầm về sự chết.

I. THỰC SỰ CỦA SỰ CHẾT         

Trong cõi trần gian nầy không có sự gì chắc chắn hơn sự chết. Sự từng trải của loài người, lịch sử vạn quốc, và Kinh Thánh đều đồng thinh chứng rằng sự chết quả thực tại. Sau đây xin lần lượt luận qua ý nghĩa sự chết, người thiện kẻ ác đều chết thể nào.

1.    ĐỊNH NGHĨA SỰ CHẾT.

Yếu nghĩa của sự chết là sự phân rẽ ra. Có ba thứ sự chết, là sự chết thuộc thể, sự chết thuộc linh, và sự chết vĩnh viễn. Khi người ta qua đời, thì xác thịt bị phân rẽ với linh hồn, ấy gọi là sự chết thuộc thể. Khi loài người phạm tội, thì tâm linh bị phân rẽ với Đức Chúa Trời, ấy gọi là sự chết thuộc linh. Khi kẻ ác được sống lại trong ngày sau rốt, thì xác thịt và linh hồn hiệp lại như cũ, rồi bị bỏ vào hầm lửa lưu hoàng, cách biệt cảnh hiện diện của Đức Chúa Trời cho đến đời đời; ấy gọi là sự chết vĩnh viễn, cũng gọi là sự chết thứ hai. (Xin xem quyển tư, chương ba, luận về sự sa ngã của loài người).

a) Sự chết thuộc thể: Những câu viện dẫn dưới đây luận về sự chết thuộc thể: Sáng 6:17; Rô 5:12-14; Hê 9:27

b) Sự chết thuộc linh: Những câu viện dẫn sau đây nói về sự chết thuộc linh: Ês 59:2; Rô 7 :24; Êph 2:1

c)  Sự chết vĩnh viễn: Ba câu dẫn sau đây dạy về sự chết vĩnh viễn: Khải 2:11; Khải 20:14; Khải 21:8

2.    SỰ CHẾT CỦA TÍN ĐỒ

a) Không phải là tội hình: Kinh Thánh dạy rõ ràng tín đồ phải từng trải sự chết của xác thịt cũng như kẻ ác. Nhưng có sự khác nhau: sự chết của kẻ ác là hình án của tội lỗi; còn sự chết của tín đồ chỉ là phương pháp để thử rèn luyện lọc người vậy. Nhờ sự chết của Christ mà hình án của tội đối với tín đồ đã bãi bỏ rồi; dầu sự chết vẫn gọi là “cừu địch” (ICô 15:26), song nó không thể làm thiệt hại gì ta được nữa. Đức Chúa Trời chỉ dùng nó để luyện tập ta để càng trở nên giống như Con Đức Chúa Trời càng hơn.

Như vậy, sự chết dẫu là một phần của sự rủa sả (Sáng 3:19), song đối với phần tín đồ, thì nó đã trở nên một phước lợi (Thi 116:15). Chúa chịu chết đã nhổ cái nọc độc của sự chết ra, tín đồ không cần sợ hãi nó nữa (ICô 15:55,57; Hê 2:15). Nên Khải huyền cũng gọi tín đồ chết là có “phước thay” vì họ “chết trong Chúa” (Khải 14:13). Sự chết đối với họ là cái cửa vào sự sống, hễ bước vào thì liền được ở với Chúa, hưởng vĩnh phước ngay. Kinh Thánh dạy về sự chết của tín đồ rằng: Sáng 3:19; Thi 116:15; ICô 15:55,57; Khải 14:13; Lu 16:22; Phil 1:23

b) Là một giấc ngủ: Kinh Thánh cũng gọi sự chết của tín đồ là một giấc ngủ, thân thể được nghỉ yên khỏi sự khó nhọc của đời, chờ đợi ngày Chúa tái lâm thì sẽ chờ dậy, cả linh hồn lẫn thân thể đều được hiệp lại đặng đồng trị với Chúa cho đến đời đời (Gi 11:11,14; ITê 4:15; Ma 27:52; Công 13:36; Gi 6:39,40; 11:25,26; 14:3; Icô 15:22,23; IICô 5:1-8; Khải 20:6).

Tra xem lời dạy của Christ, thấy Ngài cũng không lấy sự chết làm buồn gì. Một đôi khi Ngài kêu kẻ chết sống lại, nhưng ấy vì thương xót những thân nhân còn sống; lại cũng nhơn dịp đó mà tỏ quyền năng mình và làm sáng danh Cha vậy (Gi 11:4,11). Chúng ta cũng không cần lấy sự chết làm buồn gì, bởi vì chén cay đắng của sự chết, thì kìa, Chúa Jesus đã thay ta mà uống hết, không còn thừa một giọt nhỏ nào nữa. Gi 11:11,14; ITê 4:15; Gi 6:40; Gi 11:25,26; Gi 14:3; ICô 15:22,23; Khải 20:6. Cũng xem IICô 5:1-8.

c)  Là có hạn: Sự chết của tín đồ chẳng phải vĩnh viễn, bèn là hữu hạn. Phao-lô chép rằng: ICô 15:51-54.

Sự sống đời đời do Jesus Christ mà ra sẽ ăn nuốt và tiêu diệt sự chết đi, thân thể đã phải tạm phục sự hư nát, sẽ được sống lại không hay hư nát, được mặc lấy sự trường sanh bất tử do Christ phục sanh ban cho, rồi được ở với Chúa trong đời sống vẻ vang trọn vẹn cho đến vĩnh viễn.

3.    SỰ CHẾT CỦA KẺ ÁC

a) Là một tai họa lớn: Kinh Thánh dạy rằng sự chết của kẻ ác là một phần tai họa lớn. Đương lúc sanh tiền, thì họ đã chết về phần thuộc linh rồi. Khi qua đời họ cũng bị chết về phần thuộc thể nữa. Lúc tắc hơi, linh hồn tội nhơn lìa khỏi xác thịt, bị thiên sứ đem bỏ vào địa ngục. Tại chốn ấy họ bị đau đớn khổ sở trong hầm lửa hực cách tự cảm biết, hằng nhớ lại đời trước có dịp tiện cải ác từng thiện mà không chịu lo, bây giờ đã thất vọng rồi, phải cách biệt cõi hiện diện của Đức Chúa Trời và các phước lợi của nước trời cho đến đời đời không cùng không hết vậy. Bị trầm luân thật là tai họa lớn hơn hết, chẳng có tai họa nào bằng! Lu 16:23; IITê 1:7-9; IPhi 3:19; IIPhi 2:9

b) Sự chết thuộc thể có hạn, nhưng sự chết thuộc linh vô cùng: Như sự chết thân thể của tín đồ có hạn thể nào, thì sự chết của kẻ ác cũng có hạn thể ấy. Xác thịt cứ nằm trong mồ mả cho đến ngày phán xét chung (Khải 20:12). Chúng được sống lại một ngàn năm sau tín đồ (Khải 20:5). Song sự sống lại của họ chẳng phải để hưởng hạnh phước đâu, bèn để chịu tai họa càng nặng hơn, vì chúng sống lại để bị xét đoán. Xét đoán rồi, chúng bị quăng vào hầm lửa lưu hoàng, là chỗ sắm sẵn cho Sa-tan và các quỉ sứ của nó. Khải 20:5,12,14; Ma 25:41; IITê 1:8,9. viện dẫn ở trên.

Đáng thương thay! Dầu sự chết thuộc thể có hạn thì sự chết thuộc linh vẫn vô cùng, vì địa vị chết vẫn còn, sẽ còn cho đến vô cùng vô tận. Chỉ kẻ nào trong đời nầy biết ăn năn tội, tín nhận Christ làm Cứu Chúa mình, được “vượt khỏi sự chết mà vào sự sống” đó thôi. Như về phần tín đồ, dầu thân thể ngủ trong phần mộ, thì sự sống thuộc linh vẫn hằng còn ở với Chúa thể nào, thì về phần kẻ ác, dầu thân thể tan nát trong mồ mả, thì sự chết thuộc linh vẫn hằng còn ở nơi địa ngục cũng thể ấy (Lu 16:19-31).

II. CẢNH TRẠNG TẠM CƯ CỦA KẺ CHẾT     

Vả, sau khi người ta qua đời, trước khi chưa được sống lại, thì cảnh trạng thể nào? Kinh Thánh dạy rõ ràng cả người công nghĩa lẫn kẻ gian ác lúc qua đời đều từ cảnh trạng thuộc cõi trần gian mà trở vào một cảnh trạng thuộc cõi siêu hình. Cảnh trạng ấy gọi là địa vị tạm cư, trải từ ngày qua đời cho đến ngày sống lại. Vậy Kinh Thánh dạy về cảnh trạng tạm cư ấy thể nào? Xin đáp:

1.    CẢNH TRẠNG TẠM CƯ CỦA TÍN ĐỒ

Về cảnh trạng của tín đồ bước vào sau khi qua đời, Kinh Thánh dạy như sau đây:

a) Được ở với Chúa: Trong đời Cựu ước tín đồ qua đời thì vào Âm Phủ, tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Shéol, còn tiếng Hi-lạp gọi là Hadès. Chỗ ấy chia ra làm hai nơi đặc biệt, tức là địa ngục, chỗ khổ sở của kẻ ác, và Paradis (Lạc Viên), chỗ khoái lạc của kẻ công nghĩa (Lu 16:22,23). Người Do Thái cũng thường gọi Paradis là lòng của Áp-ra-ham. Nhưng từ khi Christ chịu chết và sống lại, thì tín đồ Chúa không còn xuống Âm Phủ nữa, bèn trực chỉ lên trời, được ở với Chúa, hưởng phước không xiết kể. Chúa hứa với người ăn trộm đồng bị đóng đinh bên Ngài rằng: “Hôm nay ngươi sẽ cùng ta ở trong Baradi” (Lu 23:42,43). Chính Phao-lô rất mong mỏi ước ao được ở nơi đó, vì so sánh với trần gian nầy, thì chỗ ấy thật là một thế giới cực lạc hạnh phước vô cùng. IICô 5:1-8

Mấy câu ấy Phao-lô tỏ rằng ông mong ước được sống cho đến ngày sống lại, mà được mặc lấy thân thể phục sanh (nhà trên trời) hầu khỏi phải từng trải sự chết mà bị chia rẽ thân thể với linh hồn. Nhưng ông cũng rõ dầu không được sống trên đất nầy đến ngày Chúa tái lâm, thì lúc qua đời linh hồn cũng đi thẳng về với Chúa. Gi 14:3; Phil 1:23. Cũng xem Hê 12:23; Truyền 12:7; Lu 23:43, và 46.

b) Đi vào Paradis (Lạc viên): Trong đời Tân ước Lạc viên của Đức Chúa Trời không còn ở trong lòng Áp-ra-ham nữa. Khi Chúa Jesus sống lại và thăng thiên thì cũng đem các thánh đồ đời Cựu ước đã nghỉ ngơi trong chốn ấy đi với Ngài rồi (Êph 4:8). Từ đó Lạc viên là nơi Chúa cư trú. Khi tín đồ qua đời thì được vào đó tức thì. Lu 23:42,43. (Hãy sánh câu ấy IICô 12:4). Khải 2:7.

c)  Cảnh trạng ấy rất tốt hơn cảnh trạng hiện tại: Cảnh trạng tín đồ bước vào lúc mới qua đời rất tốt hơn cảnh trạng hầu việc Chúa hiện tại đây, dầu được may mắn đến chừng nào, cũng không sao sánh kịp. Phao-lô chép rằng: “Tôi bị ép giữa hai bề, muốn lìa đời để ở với Christ, là điều rất tốt hơn” Phao-lô vốn có lòng rất nóng nảy về sự giảng Tin Lành. Nếu ông đã tín ngưỡng rằng trong lúc chết thì ông ngủ mê và linh hồn bất tỉnh, thì dám chắc rằng Phao-lô thà sống để hầu việc Chúa luôn, hơn là qua đời mà ngủ mê đến ngày sống lại. Song ông tin rằng khi qua đời thì về với Chúa ngay, nên rất mong mỏi lìa đời đi ở với Chúa là điều tốt hơn.

d) Được sống thật và có sự tự tri tự giác: Khi tín đồ qua đời thì được vào cảnh trạng lai sanh và mới mẻ, có sự tự tri tự giác trọn vẹn. Họ được ở với Đức Chúa Trời là Thần của kẻ sống chớ chẳng phải của kẻ chết đâu (Ma 22:32). Họ cũng được ở với Chúa; nếu nhận rằng Chúa còn sống và tự tri tự giác ở trên trời, thì cũng phải nhận rằng tín đồ ở với Ngài, cũng được như vậy (Lu 23:43). Rõ ràng lắm những linh hồn ở dưới bàn thờ nói đến trong Khải 6:9-11 đó đều có sự sống, sự tự tri tự giác, vì họ yêu cầu Chúa thân oan về huyết của họ bị đổ ra trên đất. Ma 22:32; Lu 23:43; ITê 5:9,10

e) Được yên nghỉ hưởng phước: Cảnh trạng tín đồ được bước vào lúc mới qua đời, là cảnh trạng yên nghỉ, hưởng hạnh phước không xiết kể. Khải 6:9-11; Khải 14:13

f)   Có sự hay biết khôn sáng: Tín đồ ở với Chúa cũng được sự hay biết khôn sáng, sự hay biết đời nầy không sao sánh kịp (ICô 13:12). Có lẽ tại nơi đó tài trí ta cũng được mở mang tấn bộ thêm nhiều nữa, đến đỗi còn đạt đến bậc trọn vẹn hơn chăng. Lắm nhà thần học tin rằng các trẻ con qua đời mà chưa đạt đến bậc thành nhơn thì sẽ đạt đến bậc ấy trong cảnh trạng tạm cư đó. Cảnh trạng hiện tại đã có sự tấn bộ rồi, mà Kinh Thánh dạy cảnh trạng lai sanh tạm cư đó càng tốt hơn, thì cớ sao không phép tin rằng tại nơi đó cũng có sự tấn bộ ư? ICô 13:12

g) Người người đều nhận biết nhau: Xem truyện người giàu có và Laxarơ, thì thấy khi họ đã qua đời vẫn còn biết nhau (Lu 16:23). Khi Chúa biến hình trên núi, Phi-e-rơ nhìn biết Môi-se và Ê-li hiện đến nói chuyện cùng Chúa, cùng là tá chứng rằng qua đời nầy người ta vẫn có thể nhìn biết nhau vậy.

h) Còn bất toàn: Cảnh trạng ấy dầu là phước hạnh khoái lạc lắm, nhưng vẫn chưa là hoàn toàn. Thân thể chưa được sống lại, cũng chưa đến lúc Christ luận công ban thưởng, nên tín đồ cũng chưa được vui vẻ mười phân. Ngày họ được hạnh phước trọn vẹn là lúc Chúa tái lâm, kêu thân thể sống lại, tiếp rước lên ở vơiù Ngài đến vĩnh viễn vậy. IICô 5:4,10; ICô 3:8,14; IITi 4:8. Cũng xem Lu 19:11-27.

2.    CẢNH TRẠNG CỦA KẺ ÁC

Về cảnh trạng tạm cư của kẻ ác đã qua đời, Kinh Thánh không nói đến nhiều, nhưng cũng dạy qua để biết rằng cảnh trạng ấy khốn nạn cực khổ là dường nào.

a) Bị giam cầm: Kinh Thánh dạy rằng khi kẻ ác qua đời, thì bị giam cầm trong địa ngục cho đến ngày phán xét chung. Ám chỉ rằng chúng ở trong vòng bị bó buộc bực bội, như tù phạm ở trong ngục vậy. IPhi 3:19

Nếu những linh ấy ngủ mê không biết gì hết cho đến khi được sống lại, thì cần chi mà canh giữ chúng như tù phạm?

b) Chịu đủ mọi thứ khổ sở: Kinh Thánh cũng dạy rằng cảnh trạng tạm cư của kẻ ác qua đời là lò lửa nóng nảy, tình cảnh gớm ghê, kẻ bị giam cầm trong đó phải chịu đủ mọi thứ đau đớn khổ sở không tài nào kể được. Lu 16:23. (Cũng xem Mác 9:43-49).

c)  Bị hình phạt: Kẻ ác trong địa ngục bị hình phạt vì cớ tội lỗi của họ. Ấy là điều Kinh Thánh dạy rõ lắm. II Phi. 2:9

Trong câu 4 của đọan ấy có dạy rằng các thiên sứ ác cũng bị giam cầm như thế cho đến ngày phán xét vậy.

d) Vẫn có tri thức: Trong truyện người giàu và Laxarơ (Lu 16) ta thấy khi người giàu ở địa ngục vẫn có thể nhớ lại lúc sanh tiền, nhớ cha mẹ và anh em; cũng có thể suy nghĩ và bàn bạc nữa. Dầu đã lâm cảnh khổ mà vẫn còn nhớ lại địa vị nguy hiểm của năm anh em hiện còn sống trên dương gian, than tiếc họ chưa biết sao để thoát khỏi ngục lửa nầy. Nên người cũng vì họ mà cầu khẩn Chúa làm ơn giải cứu cho vậy.

e) Hết phương trông cậy: Người giàu có ở trong địa ngục đó hết phương trông cậy. Kìa, hiện nay là ngày cứu rỗi; hễ bỏ qua dịp tiện tin cậy Chúa mà qua đời nầy rồi, dẫu cầu một giọt ân điển, cũng không được nữa. Cũng chẳng ai có thể thoát ly chốn khổ sở ấy được, vì Chúa dạy rằng có vực sâu thăm thẳm ở giữa chốn khổ sở và nơi phước hạnh, đến đỗi không bao giờ có ai ở bên nầy qua bên kia, hoặc kẻ ở bên kia mà qua bên nầy được. Lu 16:26

f)   Khổ hình chưa trọn: Bất luận người ác hay là thiên sứ ác ở địa ngục, dẫu đã cực khổ lắm rồi, nhưng chưa trọn, còn chờ đợi sự hình phạt càng khổ muôn phần hơn nữa. Khi người ác sống lại, bị phán xét rồi, thì bị quăng vào hầm lửa lưu hoàng, bị khổ sở cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời vô cùng. IIPhi 2:4,9; Ma 8:29; Ma 25:41

III. TÀ THUYẾT VỀ CẢNH TRẠNG KẺ CHẾT    

Trong Cơ đốc giáo giới có dấy lên những tà thuyết về cảnh trạng kẻ qua đời, thường làm thiệt hại cho đạo Chúa, và khiến cho vô số người vì tín nhận nó mà bị trầm luân đời đời. Sau đây xin lần lượt luận qua ba tà thuyết quan hệ nhứt.

1.    THUYẾT LINH HỒN NẰM NGỦ

Thuyết nầy luận rằng, bất câu người thiện kẻ ác qua đời, vào âm phủ, thì linh hồn cứ ngủ mê man, chẳng cảm biết gì cả, và cứ ngủ như vậy cho đến ngày phán xét mới thức dậy, hiệp với thân thể mà sống lại, rồi tùy theo công trình mình mà chịu xét đoán, hoặc được đến chỗ sung sướng đời đời, hay là bị ném vào chốn cực khổ mãi mãi. Ấy là đại khái của tà thuyết thứ nhứt. Giáo An tức nhứt hội (đạo Sabát) chủ trương thuyết nầy.

Yếu nghĩa của thuyết ấy là như vậy: Họ dạy rằng chỉ thể hữu cơ, như óc, thần kinh, trái tim, v.v., có thể cử động tự tri tự giác được. Nên khi linh hồn phân rẽ với xác thịt, thì không còn có thể cử động hoặc tự giác được nữa; vì các khí quản làm việc ấy đều bị hư nát ở trong mồ mả rồi. Đợi đến ngày sống lại khi thân thể được tổ hiệp lại, thì mới lấy lại các khí quản cần dùng để cử động tự giác như cũ vậy.

Song lý luận ấy sai lầm lắm. Kìa, Đức Chúa Trời là Đấng thuộc linh, chẳng có cơ thể vật chất, mà lại cử động tự giác tự do trọn vẹn được (Gi 4:24). Các thiên sứ cũng là những vị cách thuộc linh song nào có những cơ thể ấy đâu? Dầu vậy, chúng cử động tự giác lắm (Hê 1:14). Tín đồ qua đời cũng đã gọi là thuộc linh (Truyền 12:7; Công 7:59; Hê 12:23; IPhi 3:19), dầu phân rẽ với thân thể hữu cơ, thì chắc cũng có thể cử động tự giác như Đức Chúa Trời và thiên sứ vậy. Kinh Thánh gọi tín đồ qua đời là đương ngủ (Đa 12:2l; Ma 9:24; Gi 11:11; ICô 11:30; 15:51; ITê 4:14; 5:10), thì chỉ nói về thân thể ngủ ở trong mồ mả, chớ chẳng nói về linh hồn đâu, ví nó hằng còn, được ở với Chúa, hưởng hạnh phước cách tự cảm biết vậy (Phi. 1:22,23; IICô 5:8). Gi 4:24; Hê 1:14; Truyền 12:7; Công 7:59; Hê 12:23; IICô 5:8; Đa 12:2; Ma 9:24; Gi 11:11,13; ITê 4:14; ITê 5:9,10

2.    THUYẾT VỀ NGỤC LUYỆN TỘI

Giáo hội La-mã dạy rằng sau khi người ta qua đời, bèn vào một chỗ luyện sạch tội, gọi là ngục luyện tội (purgatoire). Ấy là tà thuyết thứ hai. Đại khái họ dạy như lược luận sau đây:

a) Cảnh trạng của linh hồn kẻ chết chia bốn bực: Kê cứu giáo lý của Giáo hội La-mã luận về cảnh trạng của linh hồn kẻ chết, thì thấy có chia ra làm bốn bực:

(1)Trẻ con chưa chịu báp têm (phép rửa tội), khi qua đời, linh hồn về một chỗ riêng, gọi là limbus infantum (âm phủ của trẻ con). Chỗ ấy dầu không cực khổ, song cũng không được thấy vinh hiển của Chúa. Chỗ ấy ở nơi từng trên của âm phủ, lửa cháy không lan đến, và trẻ con chỉ mất phước thấy mặt Đức Chúa Trời chớ không trực tiếp bị đau đớn.

(2)Mọi người chưa chịu báp têm, luôn cả mọi người đã chịu báp têm rồi, lại phạm tội trọng mà chưa ăn năn giải hòa với Giáo hội, nếu qua đời, thì đi địa ngục ngay, chẳng mong gì được ơn cứu rỗi nữa.

(3)Những tín đồ nên thánh trọn vẹn, qua đời, được trực chỉ vào thiên đàng.

(4)Tín đồ chưa nên thánh trọn vẹn, còn nhiều sự bất toàn dính dấp, mà vẫn giữ vẹn phép giao thông với Giáo hội, luyện sạch các sự bất toàn và tội lỗi mà sanh tiền chưa lìa bỏ được, mong rằng khi sạch rồi sẽ được lên thiên đàng hưởng phước đời đời. Thì giờ thử luyện lâu hay mau chỉ lượng theo tội lỗi nặng hay nhẹ. Sự đau đớn của chỗ ấy rất khổ sở do lửa cháy phừng phừng bốc lên. Giáo hội hiệp tác với anh em bạn hữu của kẻ bị ở ngục ấy mà dùng nào là cuộc hy sinh của lễ misa, nào lời cầu nguyện tụng kinh để giảm bớt kỳ hạn luyện tội họ ở nơi ấy. Lại trong vòng La-mã tín giáo cũng có người khi còn đương ở đời nầy lo chuyên tâm tu nhơn tích đức để nhẹ bớt sự trừng phạt của ngục luyện tội, hầu mong được sớm cất lên trời.

b) Chỗ sai lầm của thuyết ngục luyện tội: Sau đây xin bài bác thuyết ngục luyện tội, chỉ ra bảy điều minh chứng rằng nó rất sai lầm, không thích hiệp đạo Christ chút nào.

(1)Không có minh văn trong Kinh Thánh: Kinh Thánh chẳng có một câu nào dạy rằng tín đồ qua đời còn phải vào chỗ luyện tội. Thực chính Giáo hội La-mã cũng nhận rằng Kinh Thánh không trực tiếp dạy có ngục luyện tội, song họ nói rằng Chúa và sứ đồ có dạy đến cách gián tiếp. Họ viện dẫn Ma 12:32 và ICô 3:15 làm căn cứ cho thuyết ấy. Thiết tưởng rằng chỉ xem qua hai câu đó cũng rất dễ nhận biết nó chẳng hề nói đến ngục luyện tội đâu. Ma 12:32

Giáo hội La-mã nói câu “hay đời sau cũng chẳng được tha” chắc ám chỉ về ngục luyện tội, vì dường như dạy rằng ở đời sau có tội được tha, duy tội phạm cùng Thánh Linh thì không được tha mà thôi. Ta đáp: Câu ấy chẳng những là không nói rõ, mà cũng không ám chỉ người ta có thể được tha tội ở nơi đời sau. Mà dầu tội có thể được tha, thì câu ấy đâu có nói về một ngục luyện tội bằng lửa cháy phừng phừng ư? Đâu có nói rằng Giáo hội bởi lễ misa mà có quyền giải cứu linh hồn khỏi nơi ấy đâu? Đại ý của câu ấy chỉ dạy quyết rằng tội phạm cùng Thánh Linh nặng quá, không bao giờ có thể được tha đó thôi. Những ý về ngục luyện tội thì chỉ bởi người ta thêm vào đó vậy. ICô 3:15

Câu ấy cũng chẳng nói về ngục luyện tội đâu. Tra xem thượng hạ văn thì thấy Phao-lô luận về sự phân biệt công việc của tín đồ tốt hay xấu. Ông ví dụ công việc của họ chẳng khác gì vật liệu họ dùng xây cất đền thờ của Đức Chúa Trời, có Christ làm nền tảng. Nếu vật liệu ấy tốt như vàng, bạc, bửu thạch, thì khi Chúa tái lâm chắc chịu nổi lửa thánh thí nghiệm mà sẽ lãnh phần thưởng. Song nếu vật liệu ấy xấu như gỗ, cỏ khô, rơm rạ, thì sẽ bị thiêu đốt, còn chính người vì nhận Christ là nền tảng của sự tín ngưỡng mình thì được cứu, song dường như qua lửa vậy. Thực, nếu tra xét câu ấy cho đến “chơn tóc kẽ răng”, thì cũng chẳng thấy có một ý nhỏ nào nói về chỗ luyện tội; vì trong đoạn ấy, Phao-lô quả không luận về tội lỗi đâu, duy luận về công trình hầu việc Chúa của tín đồ lúc còn sanh tiền đó thôi. Vả lại kê cứu cả Tân ước, cũng thấy rõ lắm rằng tín đồ khi qua đời, được trực chỉ lên thiên đàng ngay, đồng ở với Chúa, đến đỗi kẻ trộm đồng bị đóng đinh với Chúa, một đứa bất toàn hơn hết, mà cũng không cần qua nơi luyện tội đâu, trái lại được Chúa hứa rằng: “Hôm nay ngươi sẽ cùng ta ở trong Baradi” (Lu 23:43). Cũng xem Gi 14:1-3; Công 7:59; IICô 5:1-10; Phil 1:23.

(2)Luận sai về công lao cứu chuộc của Chúa: Thuyết nầy luận rất sai về công lao cứu chuộc của Christ, chủ trương rằng sự chết của Ngài chỉ thuộc nguyên tội và những kỷ tội phạm trước khi chưa chịu báp têm. Còn những kỷ tội phạm trước khi chưa chịu báp têm. Còn những kỷ tội phạm sau khi chịu lễ ấy chính tín đồ phải làm việc bổ thục (pénitence), hoặc bằng sự tự trừng trong đời nầy hoặc bằng lửa đau khổ ở đời sau, để đền bồi lấy. Họ luận như thế rất trái ý Kinh Thánh, bởi vì tội của người ta vô luận là nguyên tội hay là kỷ tội mà đời sống mình đã phạm, thì chỉ một mình Chúa Jesus Christ có đủ công năng chuộc được. Vả lại, người ta được cứu cũng chỉ nhơn đức tin đến công lao của Christ mà thôi. Ngoài sự ấy chẳng còn phương cách khác để được cứu rỗi bao giờ. Công lao của tín đồ dầu hoàn toàn đến đâu đi nữa, cũng chẳng có giá trị gì để đền bồi một tị nhỏ nào, phải nương cậy mình nơi công lao của Christ, tận tâm nhờ huyết báu Ngài, mới chắc được cứu vậy. Những câu Kinh Thánh viện dẫn sau đây chứng rõ rằng đạo ngục luyện tội quả là tà giáo, vì sự cứu rỗi, sự tẩy tội duy nhờ công đức của Christ chịu chết trên thập tự giá mà được nên đó thôi. Ga 2:21; Hê 9:28; Rô 3:28

Các việc riêng mà người ta muốn nhờ cậy để mong được cứu đó, Phao-lô đều gọi là “việc làm theo luật pháp” cả.

(3) Trái lẽ công bình của Đức Chúa Trời: Kinh Thánh dạy rằng chỉ Đức Chúa Trời có quyền tha tội cho người ta . Ngài nhơn vì công lao của Christ đã thế vị chúng ta chịu chết, mới có thể làm điều ấy mà không trái lẽ công bình của Ngài (Rô 3:24-26). Còn Giáo hội La-mã dạy rằng tín giáo chuyên tâm làm việc bổ thục, mượn ông tư tế làm lễ misa, tụng kinh cầu nguyện, thì có đủ hiệu lực đền bồi tội của linh hồn ở trong ngục luyện tội, để giải cứu nó ra khỏi chốn đau đớn ấy mà siêu thăng thiên đàng vậy. Ôi! Giáo hội La-mã dạy như thế, há chẳng phản đối với đạo cứu chuộc của Christ và trái lẽ công bình của Đức Chúa Trời sao? Rô 3:24-26

(4)Coi sự chết của Christ là vô ích: Trên thập tự giá Christ làm trọn công việc cứu chuộc, không cần ai giúp đỡ, hay là bổ khuyết chỗ nào cả. Ví bằng buộc phải mua phiếu xá miễn, làm lễ mi sa, tụng kinh cầu nguyện mãi mới mong đền tội cho những người qua đời rồi, thì công lao của Christ là bất toàn, sự chết trên thập tự giá cũng ra vô ích, và Kinh Thánh cũng giả dối nữa. Xem Ga 2:21 và Hê 9:28 đã viện dẫn ở trên.

(5)Sai lầm về thời kỳ cứu rỗi: Kinh Thánh dạy rõ lắm thời kỳ cứu rỗi thuộc về đời nầy, chớ khi qua đời rồi, thì cửa ân điển đã đóng lại, dịp tiện cứu rỗi đã qua đi, kỳ thí nghiệm đã xong. Khi người ta đã đậy nắp quan tài, thì sự trông cậy ơn cứu rỗi cũng đã dứt hẳn rồi, chỉ còn đợi sự phán xét mà thôi (Ma 25:10; Lu 16:26). Nên chi lý thuyết ngục luyện tội sai lầm lắm về thời kỳ cứu rỗi, khiến người ta đi lạc, tưởng rằng khi qua đời rồi, lại còn có cửa cứu rỗi nữa, mở cho một dịp tiện khác để ăn năn trở lại cùng Chúa. Ma 25:10; Lu 16:26. Cũng xem Hê 9:28 viện dẫn ở trên.

(6)Do bái vật giáo mà ra: Thuyết về ngục luyện tội vốn chẳng phải phát khởi từ Cơ đốc giáo đâu, bèn do bái vật giáo mà ra. Từ xưa bọn tăng lữ Aicập bày ra đạo về nơi luyện tội; rồi sau đạo ấy lần lần xen vào đạo Christ. Đến cuối thế kỷ thứ III và đầu thế kỷ thứ IV mới có tín đồ luận đến ý kiến ấy. Nói đại khái, trong Hội Thánh lúc bốn thế kỷ đầu tiên, phần đông Giáo phụ đều dạy rằng khi tín đồ qua đời, thì liền được lên thiên đàng, ở cùng Chúa, hưởng hạnh phước vui vẻ. Đến đầu thế kỷ thứ V có Augustin nói thoảng qua nhưng ông cũng chẳng dạy quả quyết có ngục luyện tội đâu, duy luận rằng “có lẽ có chăng” đó thôi.

(7)Khiến cho Giáo hội cầm quyền quá lớn: Đạo ngục luyện tội ban quyền quá lớn cho Giáo hội, mở một phương cách trục lợi lạ kỳ. Kê cứu sự tổ chức Giáo hội La-mã hiện tại, thì thấy đạo nầy là tài nguyên đệ nhứt của phẩm trật. Dám chắc rằng do đạo ngục luyện tội mà Giáo hội La-mã đã trở nên một hội rất giàu có, thế lực rất lớn ở trong xã hội bây giờ. Giáo hội ấy dùng đạo đó chẳng những để phô trương thế lực của giáo hoàng, khiến cho mão miện của người càng ngất ngưỡng cao thêm một từng nữa mà thôi (mão miện của giáo hoàng có ba từng, ám chỉ rằng tay ông cầm cả giáo quyền, chánh quyền, và quyền âm phủ); mà thế lực của các nhà tư tế cũng càng thêm lên lạ kỳ nữa, vì các viên ấy, cũng càng thêm quyền bởi việc tụng kinh, làm lễ misa để giảm bớt kỳ hạn khổ hình của ngục luyện tội, và giải cứu linh hồn khốn nạn ra khỏi nơi đó. Cũng tự vị có quyền đóng cửa lại không cho chúng ra, cho đến chừng có kẻ đem tiền mướn họ làm các nghi lễ ấy mới được. Nếu chẳng có đạo ngục luyện tội, thì phiếu xá miễn của phẩm trật bán đâu cho hết. Còn các tín giáo mê tín theo thuyết ấy, kẻ thì chuyên tâm tu đức lập công; kẻ thì nhờ công đức thặng dư của các thánh đời xưa để lấp tội tẩy uế lâm chung, mua phiếu xá miễn, cùng nhiều cách khác mà Giáo hội đã sẵn dành cho, mong khi chết rồi, vào ngục luyện tội, thì sẽ nhờ đó mà siêu độ được thăng thiên đường. Nhưng các điều ấy đâu có quyền gì giúp đỡ ai? Tẩy trừ tội ai? Cứu rỗi ai? Chỉn chẳng qua là những mánh khóe để trục lợi và hành quyền trên người ta hơn là để linh tu cho ai vậy.

3.    THUYẾT LINH HỒN KẺ ÁC BỊ TIÊU DIỆT.

Thuyết nầy chủ trương rằng linh hồn qua đời, tức bị tiêu diệt, chẳng còn một di tích nhỏ nào nữa. Họ thường vin lấy chữ “chết” làm căn cứ lý luận của mình, quyết rằng sự chết là hình phạt của tội lỗi, chỉ có nghĩa là tuyệt diệt đó thôi. (Xem Gi 5:24; 8:51; Gia 5:20; IGi 3:14). Ta xin đem ba lý cớ mà bác lại thuyết ấy, tỏ ra nó không thích hiệp Kinh Thánh chút nào.

a) Nguyên nghĩa chữ chết: Kê cứu nguyên nghĩa chữ chết, thì biết rằng nghĩa ấy chẳng phải là tuyệt diệt đâu. Tử hình quả là gốc bởi Đức Chúa Trời rủa sả nguyên tổ mà ra. Vì Ngài có phán rằng: “Nhưng về cây biết điều thiện và điều ác, thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết” (Sáng 2:17). Nhưng ta thấy trong ngày nguyên tổ phạm tội, bị rủa sả, thì chẳng bị tuyệt diệt đâu. Xét Sáng 3:8, 16-19, 22-24, thì rõ nguyên tổ ta bị đuổi khỏi vườn phước hựu, lìa xa Đức Chúa Trời là nguồn sự sống, mà phải sa vào sự khổ sở do tội lỗi mà ra. giờ nguyên tổ ta phân rẽ với Đức Chúa Trời, thì từng trải sự chết thuộc linh, rồi sau lần lần kết quả sự chết thuộc thể, là linh hồn phân rẽ với xác thịt vậy.

b) Tá chứng của Kinh Thánh: Trong Kinh Thánh có nhiều câu luận chữ “chết” không thể nào có nghĩa là tuyệt diệt. Đại khái Kinh Thánh bao giờ cũng dùng chữ ấy theo nghĩa phân rẽ, như linh hồn phân rẽ với xác thịt gọi là sự chết thuộc thể, linh hồn phân rẽ với Đức Chúa Trời gọi là sự chết thuộc linh. Trong Ma 25:41,46 luận về kẻ ác bị quăng vào lửa đời đời đã sắm sẵn cho ma quỉ về các quỉ sứ của nó, để chịu hình phạt đời đời. Ví bằng linh hồn bị tuyệt diệt, thì làm sao gọi là đời đời? Lại trong Khải 20:14,15 và 21:8 lửa ấy gọi là sự chết thứ hai. Nếu sự chết là sự tuyệt diệt thì làm sao còn có lần chết thứ hai? Cũng dạy rằng kẻ bị bỏ vào đó phải chịu khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời (Khải 20:10). Mà nếu bị tuyệt diệt, thì thể nào chịu khổ cho đến đời đời được ư? Ma 25:41,46; Khải 20:14,15; Khải 20:10

c)  Trái lẽ công bình của Đức Chúa Trời: Thuyết nầy trái lẽ công bình của Đức Chúa Trời. Vì nếu người ác qua đời, tức thì bị tiêu diệt đi, không có quả báo trong ngày sau rốt, thì Đức Chúa Trời há không công bình sao? Ta đã thấy sự thưởng phạt buộc phải có lai sanh để thưởng thiện phạt ác. Cũng vậy, sự thưởng phạt công bình của Đức Chúa Trời hẳn buộc linh hồn phải tồn tại đời đời, mới gọi là công bình vậy. Vả lại, nếu quả như thuyết ấy dạy kẻ ác chết bị tiêu diệt liền, thì kẻ ác làm ác há chẳng càng mạnh dạn phạm tội hơn nữa, ăn ở cực ác, mà chẳng sợ hãi gì cả ư?

TỔNG ĐOÁN

Ấy vậy, bất luận người thiện kẻ ác, không phải chết rồi là hết đâu; bởi vì bên kia mồ mả còn có thần linh giới. Trước khi sống lại, kẻ thì cực lạc, người thì cực khổ, ở đó đợi hoặc sự tái lâm của Chúa, hoặc ngày phán xét. Lẽ đạo quả báo lai sanh nầy làm cho người công nghĩa tỉnh thức, khiến cho kẻ được kêu gọi thêm vững đức tin (Phil 1:10), giục giã tín đồ càng siêng năng làm công việc lành trong lúc còn gọi là ban ngày (Gi 4:9), khiến cho chức viên trong Hội Thánh trung thành với nhà Chúa hơn (Hê 13:17), và làm cho tội nhơn càng sợ hình khổ mà mau mau ăn năn sửa đổi vậy.

 

Chương 3 – LUẬN VỀ SỰ TÁI LÂM CỦA CHRIST  

Trong quyển luận về Christ, ta đã biết chức vụ của Ngài có trong ba phương diện, gọi là chức tiên tri, chức tế lễ, và chức vua. Ngài đã giáng sanh để hành chức tiên tri, dạy dỗ chúng ta về Đức Chúa Trời, chỉ dẫn đường về trời, dự ngôn về cuộc tương lai. Ngài cũng đến, khởi hành chức tế lễ, hy sinh mình trên thập tự giá, rồi sống lại, thăng thiên, dâng huyết Ngài làm của lễ chuộc tội ta. Đoạn, Ngài ngự bên hữu Đức Chúa Cha để cầu thay cho ta, và đương làm trọn chức vụ thầy tế lễ là như vậy. Nhưng Ngài là Vua, cũng phải làm trọn chức ấy nữa. Chức vụ nầy thuộc về tương lai. Khi chức tế lễ đã trọn rồi, thì Christ sẽ trở lại thế gian, để làm trọn chức nhiệm Vua. Trước giả thơ Hê-bơ-rơ luận về ba chức vụ ấy mà rằng: Hê 9:24,26,28

Như vậy, Christ đã hiện ra trong đời nầy để chuộc tội; đương hiện ra ở trước mặt Đức Chúa Trời để cầu thay cho ta; và sẽ hiện ra trên đất nầy một lần nữa để cứu rỗi kẻ chờ đợi Ngài.

Trong chương nầy xin lần lượt luận về sự hiện ra thứ ba đó.

I. GIỚI THUYẾT    

Vì đã có nhiều ý kiến về từ liệu “Chúa tái lâm”, nên trước hết cần phải định giới thuyết giải thích “Chúa tái lâm” là có nghĩa gì, e mình sai suyển lầm lạc chăng. Xin theo phản diện và chánh diện mà định nghĩa ấy.

1.    PHẢN DIỆN

Trong Hội Thánh có nhiều người vì lầm hiểu từ liệu “Chúa tái lâm”, nên ngộ nhận lẽ đạo quan hệ ấy. Nói đại khái, có chừng ba cách lầm giải thích từ liệu ấy.

a) Chúa tái lâm là sự chết của tín đồ: Có một số rất đông chủ trương rằng Chúa tái lâm ấy là sự chết của tín đồ. Mỗi khi tín đồ qua đời, thì Chúa đến tiếp rước họ về với Ngài. Những ý kiến ấy có vài ngộ điểm như sau đây:

(1) Khi tín đồ qua đời, thì chẳng hề xảy đến các biến động đã tả ra trong ITê 4:16,17, như “tiếng kêu bảo, tiếng của thiên sứ cực phẩm, và kèn của Đức Chúa Trời”, sự sống lại và sự cất lên trong đám mây. Các điều ấy thực cặp theo sự tái lâm của Chúa, nhưng khi tín đồ qua đời chưa hề ai thấy đã xảy ra như vậy bao giờ. Lại khi Chúa tái lâm thì tín đồ không chết đâu, bèn là được sống lại vậy.

(2) Khi Chúa tái lâm thì Ngài đến cùng ta, không phải là ta đi đến cùng Ngài. Chính Chúa đã dạy môn đồ rằng: Gi 14:3

(3) Trong Gi 21:22 Chúa phân biệt sự chết của tín đồ với sự tái lâm của Ngài mà phán cùng Phi-e-rơ rằng: “Nếu ta muốn người (Giăng) đợi cho tới khi ta đến, thì can gì với ngươi? Ngươi cứ theo ta.” Nghĩa là: “Nếu ta muốn Giăng còn sống cho đến khi ta tái lâm, thì can hệ gì với ngươi?” Nếu bỏ chữ “tái lâm” mà để chữ “chết” thế cho, thì câu ấy nói rằng: “Nếu ta muốn Giăng còn sống đến khi người chết, thì can hệ gì với ngươi?” Song nói như vậy, há chẳng vô lý sao?

(4) Trong ICô 15:50-57 Phao-lô dạy rằng nhờ sự tái lâm của Christ mà tín đồ không phải bị chết đâu, bèn là được cứu khỏi chết. Cũng xem Gi 8:51; Ma 16:28.

(5) Vả, mỗi giây phút có một tín đồ qua đời. Mà nếu nhơn dịp tín đồ qua đời Chúa cũng tái lâm, thì mỗi giây phút Chúa há “từ trên trời giáng xuống với tiếng kêu bảo, tiếng của thiên sứ cực phẩm, và kèn của Đức Chúa Trời” thổi lên sao? Mỗi phút những kẻ chết trong Chúa há có sống lại sao? Còn tín đồ còn sống mỗi giây phút há cũng được cất lên ư? (ITê 4:16,17). Không hề có vậy đâu! Ai cũng dễ thấy nói như thế thật là vô lý! Nên không thể gọi rằng tín đồ chết là Chúa tái lâm đâu.

b) Chúa tái lâm là Thánh Linh giáng lâm ngày lễ Ngũ tuần: Có kẻ khác luận rằng sự tái lâm của Chúa là Thánh Linh giáng lâm nhằm lễ Ngũ tuần. Theo Gi 14:21-23, thì Christ thật nhờ Thánh Linh mà đến sáng lập Hội Thánh và ngự trong lòng tín đồ. Nhưng sự giáng lâm ấy quả không phải là sự tái lâm của Christ đâu. Các lý cứ kể sau đây phản đối hẳn ý kiến ấy.

(1) Phần nhiều lời hứa nói rõ hơn hết về Chúa tái lâm được ban cho Hội Thánh vào lúc lễ Ngũ tuần đã qua rồi, như các lời hứa trong Phil 3:21; IITi 4:8; ITê 4:16,17; ICô 15:51,52.

(2) Nhằm lễ Ngũ tuần Christ đến cùng Hội Thánh, chớ chẳng hề tiếp rước Hội Thánh về với Ngài đâu. Khi Thánh Linh giáng lâm mới mới thiết lập Hội Thánh. Còn khi Chúa tái lâm thì Hội Thánh đã được hoàn toàn rồi.

(3) Các biến động tả ra trong ITê 4:16,17 chẳng hề xảy ra nhằm ngày lễ Ngũ tuần, cũng không xảy đến cho tín đồ lúc nhận lãnh Thánh Linh đâu.

c)  Chúa tái lâm là sự phá hủy thành Giê-ru-sa-lem: Cũng có một đảng khác rất đông dạy rằng Chúa tái lâm, ấy là thành Giê-ru-sa-lem bị quan tướng La-mã Titus phá hủy năm 70 S.C. Họ vin vào Ma 24; Mác 13; và Lu 21 mà lập chứng cho ý kiến ấy. Thật, kê cứu mấy đoạn ấy, thì rõ ràng một phần lớn của lời tiên tri đó được ứng nghiệm trong sự triệt hạ thành Giê-ru-sa-lem. Có lẽ một phần của bi kịch ấy cũng làm hình bóng chỉ về sự tái lâm của Chúa về sau. Song khá biết rằng các lời tiên tri ấy không được ứng nghiệm trọn vẹn lúc bấy giờ đâu, vẫn còn có nhiều điều dự cáo về cuộc tương lai, chỉ được ứng nghiệm lúc Chúa từ trời giáng lâm đặng lập nước của Ngài ở trên mặt địa cầu nầy vậy. Các lý cớ sau đây chứng rằng sự phá hủy Giê-ru-sa-lem năm 70 S.C. chẳng phải là sự tái lâm của Chúa.

(1)Các biến động dự tả trong ITê 4:16,17 chẳng xảy đến lúc thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy.

(2)Lời chép trong Gi 21:21-23 và lời hứa của Khải 22:20 được chép vào lối năm 96 S.C. tức là 26 năm sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy. Vậy, nếu sau cơn bi kịch ấy Chúa vẫn còn nói về sự tái lâm của Ngài, thì rất rõ ràng sự phá hủy đó không phải là chính sự tái lâm đâu; cái nầy thuộc quá khứ còn cái kia vẫn thuộc tương lai vậy.

2.    CHÁNH DIỆN

Vậy thì sự tái lâm của Chúa có nghĩa gì? Luận theo chánh diện thì sự tái lâm của Chúa là chính Chúa Jesus Christ sẽ hiện ra cách hữu hình và hiển nhiên, đến đỗi mắt thấy được, tay rờ được, tai nghe được. Các câu Kinh Thánh viện dẫn sau đây minh chứng cho ý kiến nầy. Công 1:11; ITê 4:16,17; Khải 1:7

II. ÐẠO VỀ SỰ TÁI LÂM CỦA CHRIST RẤT QUAN HỆ 

1.    KINH THÁNH LẶP ĐI LẶP LẠI NHIỀU LẦN

Theo lẽ thường điều nào mà mình cứ lặp đi lặp lại mãi là điều mình muốn người ta nhận là quan hệ. Vả, các lẽ đạo khải thị trong Kinh Thánh, chỉ có đạo về Chúa tái lâm được lặp đi lặp lại nhiều hơn hết. Có kẻ tính rằng trong mỗi 30 câu của Kinh Thánh thì có một lần luận đến sự tái lâm. Ấy chứng rằng Thánh Linh muốn ta nhận biết rằng đạo ấy rất quan hệ.

a)    Tân ước thường nói đến: Tân ước luận về sự tái lâm của Chúa hơn là nói về sự giáng sanh. Trong 27 quyển sách của Tân ước chỉ có 4 quyển không nói đến sự tái lâm. Có người đã tính ra trong mỗi 25 câu có một câu luận đến sự tái lâm. Chừng 50 lần Tân ước khuyên bảo tín đồ hãy chực cho sẵn, mới mong dự đến hy vọng hạnh phước ấy. Hai thơ Têsalônica I và II, cả sách Khải huyền, cùng 4 đoạn dài khác là Ma 24,25; Lu 21 và Mác 13, đều chỉ luận về đề mục Chúa tái lâm mà thôi. Có kẻ nói rằng trong 216 đoạn sách Tân ước nói đến vấn đề Chúa tái lâm chừng 318 lần.

b)    Cựu ước cũng thường luận đến: Sự tái lâm của Chúa cũng là đề mục đệ nhứt của lời dự ngôn trong Cựu ước. Thực, phần nhiều chỗ dự cáo về sự giáng sanh Ngài, cũng nói rõ về sự tái lâm Ngài nữa, đến đỗi trong nhiều đoạn sách, lời tiên tri nầy lẫn lộn với lời tiên tri kia, đến nỗi chính tiên tri cũng có khi không phân biệt rõ ý lời nầy với ý lời kia; như Phi-e-rơ chép: IPhi 1:10,11

c)     Jesus Christ thường nói đến: Jesus Christ thường làm chứng về sự tái lâm của Ngài. Trong Gi 14:3 Ngài hứa cùng môn đồ sẽ trở lại “tiếp các ngươi về với ta”. Trong Lu 19:12 Ngài là “Vị thế tử kia đi phương xa, để nhận lấy nước, rồi trở về”. Còn trong Ma 24:30, Ngài “lấy đại quyền đại vinh ngự mây trời mà xuống”. Trong Ma 25:31-33 Ngài lại luận về “khi Con Người ngự trong vinh hiển mình mà đến với các thiên sứ thánh, thì Ngài sẽ ngồi trên ngôi vinh hiển của Ngài. Muôn dân nhóm lại trước mặt Ngài, rồi Ngài sẽ chia người nầy với người khác ra, như kẻ chăn chiên chia chiên với dê ra, để chiên ở bên hữu và dê ở bên tả.” Cũng xem Lu 17:20-37; 19:11-27; Ma 24,25; Mác 13; Lu 21.

d)    Thiên sứ làm chứng cho: Các thiên sứ đã từng làm chứng trung thành về sự giáng sanh của Chúa, cũng thường chứng về sự tái lâm của Ngài nữa. Khi Ngài vừa thăng thiên thì có thiên sứ hiện đến, nói rằng: Công 1:11

Cả sách Khải huyền đều là lời của thiên sứ làm chứng về sự tái lâm và nước vinh hiển của Christ; vì Giăng chép rằng: Khải 1:1

e)    Các sứ đồ đều chứng về sự tái lâm của Chúa: Chúa Jesus hứa ban Thánh Linh cho các sứ đồ, để Ngài dạy dỗ họ mọi sự (Gi 14:26), dẫn dắt họ vào mọi lẽ thật, và báo cáo họ những điều tương lai (Gi 16:13-15). Ấy vậy, những điều các sứ đồ dạy cho ta đều là do Thánh Linh mà ra cả. Vả, họ đã chuyên tâm làm chứng về sự tái lâm của Chúa, thường nói nhiều và rõ ràng về vấn đề ấy, hầu cho hễ ai thành tâm lưu ý đến không thể nào hiểu sai được. Họ đều chứng rằng:

a.    Chúa sẽ từ trời giáng xuống: ITê 4:16

b.    Mọi mắt sẽ trông thấy Ngài: Khải 1:7. Cũng xem Ma 16:28; Mác 13:26; Lu 21:27

c.    Ngài hiện đến cùng kẻ chờ đợi Ngài: Hê 9:28

d.    Ngài sẽ trở lại như cách Ngài lên trời: Công 1:11

e.    Ngài sẽ hiện đến với các thánh đồ: ITê 3:13. Cũng xem Giu 14

f.     Muôn nước đều tôn vinh Ngài: Khải 11:15; Khải 15:4. Cũng xem Thi 72:10,11; Ês 49:6-9

g.    Mọi gối đều quì lạy trước mặt Ngài: Phil 2:10

h.    Ngài xét đoán và chiến đấu cách công nghĩa: Khải 19:11. Cũng xem Thi 72:2; Khải 16:7

2.    QUAN HỆ MẬT THIẾT VỚI CÁC LẼ ĐẠO KHÁC.

Đạo về Chúa tái lâm cũng có sự quan hệ mật thiết với các lẽ đạo trọng nhứt khác. Thực, trong Kinh Thánh đạo Chúa tái lâm giống như đường canh và chỉ trong tấm vải, xen lẫn với các lẽ đạo khác một cách khắng khít lắm, hễ bỏ đạo nầy thì cũng làm mất luôn cả đạo kia nữa. Sau đây xin tỏ ra đạo Chúa tái lâm quan hệ với bảy đạo khác.

a)    Quan hệ với đạo sống lại: ICô 15:23; Gi 5:28,29; ITê 4:16

b)    Quan hệ với đạo tín đồ còn sống được biến hóa lúc kẻ chết được sống lại: ICô 15:51,52

c)    Quan hệ với phận làm con cái Đức Chúa Trời, và được trở nên giống như Con Đức Chúa Trời: IGi 3:1,2

d)    Quan hệ với đạo thưởng phạt: IITê 4:7,8; Khải 22:12; IPhi 5:4

e)    Quan hệ với đạo chuộc tội: Hê 9:28. Cũng xem Hê 9:14-27

f)     Quan hệ với đạo xét đoán tương lai: IITi 4:1

g)    Quan hệ với đạo nên thánh: ITê 3:12,13; ITê 5:23

3.    HỘI THÁNH ĐẦU TIÊN TẬN TÂM TÍN NHẬN ĐẠO CHÚA TÁI LÂM

Hội Thánh đầu tiên tận tâm tín nhận đạo Chúa tái lâm, cũng mong mỏi Ngài mau mau hiện đến, để đánh đổ sự gian ác của đời, trừ diệt bái vật giáo, và lập nước bình an của Ngài trên cả muôn dân muôn nước (ITê 1:9,10; Hê 9:28; Tít 2:13). Nhiều nhà sử học và thần học xưa nay đều đồng chứng rằng Hội Thánh đầu tiên hết lòng tín nhận đạo Chúa tái lâm.

a) Nhà sử học trứ danh Schaff, chép lịch sự Hội Thánh, có nói rằng: “Yếu điểm trọng nhứt về đạo lai thế ở vào thời kỳ trước Công Giáo nghị hội Nicée, gọi là thiên hy niên thuyết, tức là thuyết chủ trương rằng Christ trước cuộc xét đoán chung sẽ lấy vinh hiển đồng hiện ra với các thánh đồ sống lại mà trị vì cách hiển nhiên trên đất… Những Giáo phụ trứ danh, như Barnabas, Papias, JustinMartyr, Irénée, Terutullien, Methodius, và Lactantius đều công nhận ý kiến ấy cả. Thiên hy niên thuyết của Cơ đốc giáo là thiên hy niên thuyết của Do Thái giáo dạy dỗ theo lối thuộc linh; thay thế cho sự giáng lâm thứ nhứt của Christ, họ viện lấy sự tái lâm của Ngài làm căn cứ. Thuyết nầy phân biệt hai kỳ sống lại: một kỳ trước thời gian ngàn năm bình an, và một kỳ sau đó, kể sự trị vì của Christ trong thời gian ngàn năm ấy chỉ là cuộc khai đoan về sự trị vì đời đời ở trên trời…”

b) Nhà sử học Gibbon trong đại tác phẩm “The Decline anh Fall of the Roman Empire” luận rằng: “Đạo về thời gian Thiên hy niên vốn xưa lắm và phổ thông, nhờ các giáo phụ liên tiếp nhau mà truyền lại, kể từ Justin Martyr và Irénée là hai nhà đã từng trò chuyện với môn đồ của các sứ đồ, cho đến Lactantius, là quan thái phó trong triều Constantin đại đế… Hình như các tín đồ chánh thống đều thừa nhận đạo ấy cả.”

c)  Ông Mosheim luận rằng: “Ý kiến về Christ sẽ trở lại trước kỳ thế gian bị tiêu tan, để trị vì một ngàn năm ở giữa loài người được rao truyền khắp nơi, và trước đời Origène (185-254 S.C) chẳng ai phản đối cả”

d) Ông Chillingworth cũng luận rằng: “Phần đông các Giáo phụ trứ danh của đời kế cận các sứ đồ đều tín nhận và giảng dạy lẽ đạo của đảng Thiên hy niên, đương thời chẳng có ai phản đối hay là bài xích đạo ấy. Cho nên có thể đoán rằng đạo nầy thuộc về đạo lý Hội Thánh phổ thông tín nhận đời bấy giờ”

e) Nhà sử học Hội Thánh Gieseler, chép về sự tín ngưỡng của Hội Thánh đầu tiên, luận rằng: “Thiên hy niên luận trở nên sự tín ngưỡng chung của tín giáo đời ấy.”

f)   Nhà thần đạo Stockhouse luận rằng: “Không ai có thể chối rằng lẽ đạo nầy (thiên hy niên luận) vốn rất xưa, và trước kia nó vẫn là ý kiến chung của toàn thể tín đồ chánh thống”.

g) Giám mục Newton, một trứ danh trong vòng các nhà giải nghĩa lời tiên tri của Kinh Thánh, chép rằng: “Nói đại khái, trong ba thế kỷ đầu tiên, là lúc Hội Thánh thuần khiết hơn hết, thì toàn thể Hội Thánh đều tín nhận lẽ đạo về Thiên hy niên cả”.

Cũng có rất nhiều nhà khác nữa làm chứng rằng Hội Thánh đầu tiên công nhận đạo về Chúa tái lâm, coi là một lẽ đạo nền tảng, quan hệ bằng đạo Chúa đầu thai, đạo chuộc tội, đạo xưng nghĩa, và đạo nên thánh. Nhưng trên đây ta đã viện đủ xác cứ chứng rằng đạo Chúa tái lâm quả là rất quan hệ, nên cũng không cần nói thêm nữa.

III. CẢNH TRẠNG CHRIST TÁI LÂM  

Vả, cảnh trạng của Christ tái lâm sẽ ra thể nào? Muốn đáp lẽ cho vấn đề ấy, cần phải kê cứu, 1) các chữ tả vẽ sự tái lâm, 2) Sánh sự giáng sanh với sự tái lâm, 3) sánh sự thăng thiên với sự hiện ra, mới mong rõ ít nhiều vậy.

1.    LUẬN VỀ NHỮNG CHỮ VẼ RA SỰ TÁI LÂM

Trong Tân ước có dùng ba chữ để mô tả sự tái lâm của Christ. Nghĩa đen của ba chữ ấy cũng ám chứng rằng sự tái lâm của Christ có hai chặng.

a) Parousia: Nghĩa đen chữ nầy là “hiện diện”, “có mặt”. Tân ước thường dùng chữ ấy để luận về sự tái lâm của Chúa, tả vẽ ra cảnh trạng Ngài hiện đến để tiếp rước Hội Thánh. Các câu viện dẫn sau đây đều dùng chữ Parousia: ICô 15:23; ITê 2:19; ITê 3:13; ITê 4:15; ITê 5:23; IITê 2:1,8; Gia 5:7,8; IIPhi 1:16; IIPhi 3:4,12; IGi 2:28

b) Epiphaneia: Nghĩa đen chữ nầy là “hiện ra”. tuy Tân ước có dùng nó để nói về sự giáng sanh của Chúa (ITi 1:10), nhưng thường dùng để mô tả sự hiện ra lần thứ hai, để xét đoán thế gian và lập nước ngàn năm bình an của Ngài nhiều hơn. Các câu kể sau đây đều dùng chữ epiphaneia: IITê 2:8; ITi 6:14; IITi 4:1,8; Tít 2:13

c)  Apokalypsis: Nghĩa đen chữ nầy là “khải thị”, “bày ra cách hiển nhiên”, mắt người trông thấy được. Tân ước thường dùng chữ ấy để nói về Christ hiện ra cho cả thế gian được thấy tỏ tường. Trong nguyên văn Hi lạp sách Khải huyền cũng gọi là Apokalypsis của Jesus Christ, nghĩa bóng là “Sự khải thị của Jesus Christ”, vì luận đủ mọi việc can thiệp đến sự tái lâm và sự hiện diện Ngài trên mặt đất trong đời tương lai. Các câu dẫn sau nầy đều dùng chữ apokalypsis: ICô 1:7; IITê 1:7; IPhi 1:7,13; IPhi 4:13

2.    SỰ TÁI LÂM CHIA RA LÀM HAI CHẶNG

Xét ba chữ mới giải thích ở trên, rõ lắm sự tái lâm của Chúa được chia ra làm hai chặng đặc biệt. Xin lần lượt kê cứu qua như sau đây:

a) Chặng thứ nhứt— Tiếp rước Hội Thánh: Như Chúa đã hiện ra trên đời lần thứ nhứt trong khoảng thời gian hơn 39 năm trời thế nào, thì sự hiện ra lần thứ hai cũng sẽ trai qua một thời gian khá lâu, dài ngắn bao nhiêu chúng ta không thể quyết định được. Trong khoảng thời gian ấy Christ sẽ hiện ra trước hết trên không trung, để tiếp rước Hội Thánh lên trời. Các tín đồ thật, hoặc đã ngủ trong Chúa, hoặc hãy còn sống, đều sẽ được tiếp lên cả, để ở với Chúa luôn luôn (ITê 4:16,17). Khi đã tiếp lên rồi, bèn có sự xét đoán công trình của tín đồ (ICô 3:11-15; IICô 5:10); đoạn đến lễ cưới của Chiên Con (Khải 19:7-10). Sự hiện đến xảy ra rất thình lình, chỉ những người thức canh, chực sẵn được tiếp lên thôi. Nên Kinh Thánh cũng thường khuyên tín đồ hãy thức canh cầu nguyện luôn, e Ngài đến nhằm ngày mình không ngờ, trong giờ mình không tưởng mà mình phải bị để lại chăng (Ma 25:10; Mác 13:34-37; Tít 2:11-13; IGi 2:28; 3:3). ITê 4:16,17; IICô 5:10; Khải 19:7; Ma 25:10; Mác 13:35-37; IGi 2:28

b) Chặng thứ hai— Hiện ra cách hiển nhiên: Khi mọi việc của chặng thứ nhứt đã xong rồi, thì Christ hiện đến cách hiển nhiên, có các thánh đồ cùng các thiên sứ thánh đồng theo Ngài, cốt để xét đoán thế gian đương phản loạn với Ngài. Con thú và tiên tri giả bị bắt bỏ vào hầm lửa; Sa-tan bị giam cầm trong vực sâu một ngàn năm. Đoạn, Chúa sáng lập nước bình an, và trị vì với các thánh đồ trong một ngàn năm. Côl 3:4; IITê 2:7,8; IITê 1:7,8. Cũng xem Khải 19:11-16

Có kẻ luận về Chúa tái lâm mà rằng: sự tái lâm của Christ có hai lớp: không phải là hai sự tái lâm đặc biệt, bèn là một sự tái lâm chia ra hai lớp, tức một biến động lớn xảy ra theo hai chặng đặc biệt. Chặng thứ nhứt, Ngài hiện đến như “Mặt Trời công bình” (Mal 4:1,2). Chặng thứ hai, Ngài giáng hạ tận núi Ôlive (Xa 14:3,4). Chặng thứ nhứt, Ngài hiện đến để tiếp rước tân phụ Ngài (Gi 14:3); chặng thứ nhì Ngài hiện ra để giải cứu dân Y-sơ-ra-ên đặng ăn năn (Xa 11:10). Chặng thứ nhứt gọi là “sự chúng ta hội hiệp cùng Ngài” (IITê 2:1); còn chặng thứ hai gọi là “Chúa Jesus từ trời hiện đến” (IITê 1:7).

3.    SO SÁNH HAI KỲ HIỆN RA

So sánh hai sự giáng sanh với sự tái lâm của Ngài, thì thấy có hai sự tương phản hẳn.

a) Sự vinh nhục khác nhau: Khi Ngài giáng sanh, thì có bộ hèn hạ, chịu sỉ nhục. Khi Ngài hiện ra lần thứ hai, thì rất oai nghi vinh hiển. Lần thứ nhứt sự vinh hiển ấy chỉ có vài ba môn đồ thấy tợ xem gương soi mà thôi. Khi Ngài tái lâm thì sẽ lấy sự oai nghiêm chói lòa cực kỳ mà hiện ra cách hiển nhiên ở trước mặt muôn dân muôn nước, hầu cho họ được xem Ngài tỏ tường vậy. Ês 53:2; Mác 13:26. Cũng xem Ma 24:30; Lu 21:27; Ma 17:2

b) Có sự ẩn hiện khác nhau: Khi Christ giáng thế lần thứ nhứt thì sự vinh hiển và thần tánh Ngài đều giấu kín: không được bày tỏ ra. Ngài làm con nhà thợ mộc Giô-sép, quê ở Na-xa-rét. Nếu không đủ trí hiểu thuộc linh, thì chẳng một ai có thể nhờ biểu diện Ngài mà biết được Ngài là Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống đâu. Song khi Ngài tái lâm, thì lại tỏ ra rất rõ ràng Ngài là Con Đức Chúa Trời, đồng quyền đồng cách với Cha, và là Vua vinh diệu duy nhứt của nước Đức Chúa Trời vậy. Mác 6:3; Khải 19:11-16

c)  Chối bỏ cùng hoan nghinh khác nhau: Khi Christ đến lần thứ nhứt, thì thế gian không nhận Ngài, bèn nhục mạ Ngài, nhổ vào mặt và chối bỏ Ngài, thậm chí đóng đinh Ngài trên thập tự giá, đãi Ngài như tù phạm cực ác. Nhưng khi Ngài tái lâm, thì muôn nước đều hoan nghinh Ngài, mọi đầu gối đều quì lạy dưới bệ chơn Ngài, và sự hiểu biết về Ngài sẽ đầy dẫy khắp đất như nước lan đầy bốn biển vậy. Gi 1:11; Lu 23:21,35-37; Ês 25:9; Phil 2:9,10

d) Sống chết khác nhau: Mục đích về sự giáng sanh là thế vị loài người mà chịu chết, uống chén cay đắng về sự thạnh nộ Đức Chúa Trời để cứu chuộc họ. Khi tái lâm thì mục đích chẳng còn là chịu chết nữa, bèn là sống vì người ta, lập nơi cư trú Ngài ở giữa họ, đồng sống đồng vui với con cái Ngài vậy. Khải 1:17,18

e) Gieo và gặt khác nhau: Khi Ngài giáng sanh thì lấy đời sống thuộc linh,tỏ ra Ngài thật là Đạo (Logos) trở nên xác thịt, là Cứu Chúa đã hy sinh tánh mạng để cứu loài người rỗi đời. Trải suốt 33 năm, Ngài chịu đủ mọi mùi tân khổ, lại vâng phục Cha đến cùng, thậm chí phó mình làm sinh tế đền tội ta. Ấy là hột giống lẽ thật mà Ngài gieo ra trong thế giới bây giờ. Khi Ngài tái lâm thì sẽ theo sự đã gieo ấy mà thâu hoạch. Ngài sẽ tiếp rước Hội Thánh về với Ngài làm tân phụ rất đẹp đẽ rực rỡ. Ngài sẽ cầm đại quyền đại vinh mà trị vì muôn dân muôn nước, đến đỗi mọi vật loại trên trời dưới đất đều sẽ đồng tâm tôn vinh phục sự Ngài cho đến vô cùng. Khải 11:15; Khải 19:6,7

f)   Đầy tớ và Vua Chúa khác nhau: Khi Chúa giáng lâm thế gian lần thứ nhứt, thì làm đầy tớ cho mọi người. Khi Ngài tái lâm thì sẽ ngồi trên ngai quí báu, cầm quyền đế vương làm Vua Chúa của cả vũ trụ. Hê 10:13; Phil 2:10,11; Khải 19:16

g) Cảnh bi lạc khác nhau: Khi Christ giáng lâm lần đầu, đối với thế gian tội lỗi tối tăm, người đời lạc lối khổ sở nầy, Ngài cảm xúc ngậm ngùi, đau lòng xót dạ, lệ tuôn tầm tả, huyết đổ láng lai. Nhưng khi Ngài tái lâm, lập nước Thiên hy niên, thì chẳng những một mình Ngài hớn hở vui vẻ thôi đâu, nhưng cả muôn dân muôn nước cũng đều vui vẻ nữa, muôn vật sẽ đổi mới, trên trời cao xướng, dưới đất ca họa, cả vũ trụ đều sẽ đồng tâm hoan nghinh nằm hân hỷ của Chúa, và vui vẻ mừng rỡ đến vĩnh viễn. Thi 97:1; Ês 35:1,2; Ês 65:17-19; Gi 16:22; IPhi 4:13; Khải 21:4

4.    SO SÁNH CẢNH TRẠNG THĂNG THIÊN VỚI CẢNH TRẠNG TÁI LÂM.

Xem xét cảnh trạng Chúa thăng thiên cho kỹ, thì cũng hiểu thêm về cảnh trạng tái lâm của Ngài nữa.

a) Ngài lên trời thể nào sẽ trở lại thể ấy: Nhờ lời hai thiên sứ nói cùng các môn đồ đương đứng ngó lên trời sau khi Chúa vừa được tiếp lên, ta biết thêm rằng Ngài lên trời thể nào, cũng sẽ trở lại thể ấy. Ngài thăng thiên cách quang minh vinh hiển, cỡi mây mà đi; khi tái lâm Ngài cũng sẽ đến cách đó. Ma 24:30; Công 1:11

b) Ngài ngự lên bằng thân thể thấy được: Khi Chúa thăng thiên thì ngự lên bằng thân thể phục sanh, mắt thấy được, tay rờ được. Khi tái lâm cũng là Đấng Thần nhơn gồm cả nhân tánh và thần tánh vậy (Hê 9:24,26,28).

c)  Ngài ngự lên cách rõ ràng: Ngài ngự lên trời cách rõ ràng, mọi mắt của những kẻ tiển Ngài lên núi Ôlive đều xem thấy, cho đến khi có áng mây che khuất Ngài thì họ mới thôi nhìn theo Ngài. Khi Ngài tái lâm cũng vậy, Ngài hiện ra cách hiển nhiên rất rực rỡ vẻ vang. Ấy là ý nghĩa của chữ epiphaneia “hiển hiện” vậy. Khải 1:7

d) Từ núi Ôlive ngự lên: Christ từ núi Ôlive mà ngự lên trời. Khi Ngài tái lâm cũng sẽ giáng hạ tại đỉnh núi ấy. Tiên tri Xa-cha-ri chép rằng: “Trong ngày đó, chơn Ngài sẽ đứng trên núi Ôlive, là núi đối ngang Giê-ru-sa-lem về phía đông” (Xa 14:14). Khi ấy Ngài hiện đến, để giải cứu phần sót lại của Y-sơ-ra-ên khỏi bị tiêu diệt, xét đoán con thú và các đạo quân nó. Sự hiện ra ấy thuộc về chặng thứ hai của cuộc tái lâm vừa luận qua ở trên.

IV. CÁC BIẾN ÐỘNG DO SỰ TÁI LÂM XẢY RA

Sự tái lâm của Chúa bao hàm nhiều biến động khác nhau, có quan hệ với Hội Thánh và thế gian nữa.

1.    CÁC BIẾN ĐỘNG QUAN HỆ VỚI HỘI THÁNH

Do sự tái lâm của Chúa bao hàm nhiều biến động khác nhau, có quan hệ với Hội Thánh như lần lượt kể ra sau đây:

a) Tín đồ chết được sống lại: Khi Chúa “từ trời giáng lâm với tiếng kêu bảo, tiếng của thiên sứ cực phẩm, và kèn của Đức Chúa Trời”, thì những kẻ chết trong Chúa, hoặc là tín đồ trong đời Cựu ước hay là tín đồ trong đời Tân ước, đều được sống lại cả (ITê 4:16). Đó là “sự sống lại tốt hơn (Hê 11:35), sự sống lại của người nghĩa (Lu 14:14), sự sống lại của Phao-lô trông mong đạt đến (Phil 3:11), sự sống lại thứ nhứt (Khải 20:4-6), sự sống lại từ trong kẻ chết (Lu 20:35), để hưởng được sự sống đời đời (Đa 12:2). Thân thể của các thánh đồ đã nằm trong mồ mả tan ra bụi đất, nay nhờ thần quyền của Chúa mà được tổ hiệp lại, sống lại một thân thể chẳng hay hư nát, có hình dáng rất đẹp đẽ rực rỡ. ITê 4:16; Khải 20:4-6

b) Tín đồ còn sống được biến hóa: Kịp khi Chúa xuống trong không trung, kêu kẻ chết trong Chúa sống lại rồi, tức thì những tín đồ còn sống trên đất đều được biến hóa trong giây phút, trong nháy mắt. Họ thoát khỏi sự chết, được biến hóa ra thân thể chẳng hay chết, cũng như những tín đồ chết vừa sống lại đó vậy. ICô 15:51,52. Cũng xem ITê 4:16 viện dẫn ở trên.

c)  Hội Thánh được tiếp rước lên: Hai việc kia xong, cả hai hạng tín đồ nói trên đều cùng nhau được cất lên không trung để gặp Chúa, rồi họ cùng ở với Chúa luôn luôn. ITê 4:17. Cũng xem Ma 25:1-13

d) Xét đoán công việc của tín đồ: Khi Hội Thánh đã được tiếp rước lên rồi, thì tín đồ liền ứng hầu trước tòa Christ để chịu xét đoán công việc của mình và tưởng thưởng hay khiển trách tùy theo việc đã làm tốt hay xấu. Vấn đề nầy sẽ giải rõ hơn trong chương luận về sự phán xét. IICô 5:10. Cũng xem ICô 3:11-15

e) Lễ cưới của Chiên Con: Khi Chúa đã xét đoán công việc của tín đồ, thưởng hay trách họ tùy việc làm khi còn trong xác thịt rồi, thì sẽ làm lễ cưới của Chiên Con. Hội Thánh là tân phụ của Christ, nhờ Thánh Linh đã hứa gả cho Ngài đương khi ở dưới đời, trong lúc phiêu lưu rày đây mai đó, bị thế gian khinh dể và chán bỏ. Chúa là Vị Thế tử đi phương xa để nhận lãnh nước. Trong khoảng thời gian khá dài ấy, Ngài vắng mặt, Hội Thánh ở đời yêu mến Ngài, nhớ thương Ngài, trung tín với Ngài, mặc dầu có lắm đứa giả dối dùng trăm mưu ngàn kế để dụ dỗ nàng, muốn kết bạn với nàng. Nhưng nàng cứ trong mong chờ đợi mãi, tin rằng Tân lang đã hứa sẽ trở lại đem mình về với Người, chắc sẽ được như lời. Vì nàng tin Tân lang là thành tín, nên nàng cứ giữ dạ kiên trinh mãi. Nay sự trung trinh ấy được kết quả, Tân lang đã đến như hứa, đã tiếp rước nàng về nhà Cha để làm lễ cưới rồi. Trong ví dụ về vua làm tiệc cưới cho con (Ma 22:1-14) Chúa dự ngôn về lẽ ấy, và Khải 19:7-9 cũng khải thị sự ứng nghiệm lời ấy. IICô 11:2; Khải 19:7-9. Cũng xem Khải 21:9-27

Thành Giê-ru-sa-lem mới làm hình bóng chỉ về Hội Thánh là tân phụ của Christ, dự tả cảnh trạng vĩnh cư của hội ấy.

2.    CÁC VIỆC QUAN HỆ VỚI THẾ GIAN.

Do việc Chúa hiện đến thế gian cách hiển nhiên, có các thánh đồ và thiên sứ cùng theo, cũng có những việc xảy đến rất quan hệ với muôn nước, dân Y-sơ-ra-ên, con thú, và Sa-tan. Xin lần lượt luận qua như sau đây:

a) Hoàng đế chót của chánh quyền ngoại bang: Từ đời Áp-ra-ham chánh quyền thế giới ở nơi dân ngoại bang. Họ cũng sẽ cầm quyền ấy cho đến khi Christ tái lâm. Khoảng thời gian mà họ nắm giữ chánh quyền ấy, Kinh Thánh gọi là “các thời kỳ ngoại bang” (Lu 21:24). Hễ mỗi khi Kinh Thánh dự tả trạng thái của chánh quyền thế gian, thì thường dùng con thú dữ làm tượng trưng chỉ bóng cho. Tiên tri Đa-ni-ên dự ngôn về bốn đế quốc sẽ dấy lên cầm quyền phổ biến (Đa 7). Thánh Giăng lại thấy dị tượng có một con thú dữ tợn quái gở từ biển dấy lên, có bảy đầu và mười sừng (Khải 13:1-10). Thú ấy có tánh hỗn tạp, vì bao hàm bản tánh của các con thú của dị tượng Đa-ni-ên, lại có bảy đầu và mười sừng nữa. Thiết tưởng con thú dữ của Giăng thấy đó chỉ bóng về trạng thái của cả chánh quyền ngoại bang trải bóng suốt các đời, từ lúc lịch sử khởi đầu cho đến khi Chúa tái lâm. Còn bảy đầu của nó, thì chắc chỉ bóng về bảy đế quốc phải dấy lên kế tiếp nhau mà cầm quyền cả thế giới nầy. Khảo cứu lịch sử vạn quốc, thì dễ đoán sáu trong bảy đế quốc ấy là Aicập, Asyri, Babylôn, MêđôBa-tư, Hi-lạp, và La-mã. Còn đế quốc thứ bảy chắc thuộc về tương lai.

Theo Khải 13:10, thì Thánh Giăng sống trong đời của đế quyền thứ sáu, là La-mã đế quốc vậy. Đế quyền thứ bảy phải kế tiếp La-mã mà dấy lên vào khoảng cuối cùng của thời đại nầy, sẽ là một liên bang do mười nước kết hiệp (tức mười sừng), cầm chánh quyền trong ít lâu, rồi bị Christ tái lâm tuyệt diệt đi (Khải 13:1; 17:12; 19:11-16). Từ trong mười nước ấy sẽ dấy lên một vua cường bạo rất tàn nhẫn và cực ác, Kinh Thánh gọi là vua Babylôn (Ês 14:4-17), vua theo ý muốn mình (Đa 11:36), người đại tội (IITê 2:3), con của sự hư mất (IITê 2:3), Antichrist (IGi 2:18), con thú (Khải 13:4; 17:8-11), kẻ bất pháp (IITê 2:8). Vua nầy sẽ thống lãnh liên bang ấy, tổ chức một đế quốc cực cường đại độc đoán vô cùng. Ấy là hoàng đế chót của chánh quyền ngoại bang. Về đứa đại tội nầy Phao-lô chép rằng: IITê 2:7-10

b) Kỳ tai nạn lớn: Trong khoảng thời gian con thú cầm quyền thống nhứt cả quốc chánh của muôn dân muôn nước, thì sẽ phát sanh một cơn tai nạn rất lớn.

(1)Quan hệ với Hội Thánh: Cơn ấy có quan hệ với dân Đức Chúa Trời, nhứt là với kẻ làm chứng về ân cứu rỗi của Christ. Hội Thánh có lẽ phải trải qua một phần của cơn khổ nạn ấy, trước khi được tiếp lên trời. Hai người làm chứng về ân cứu rỗi của Christ. Trong đoạn đó ta thấy hai chứng nhơn cứ làm việc cho đến lúc con thú hiện đến (c.7) bèn bị nó nghiêm cấm và giết đi, thây họ nằm ngoài đường phố ba ngày rưỡi, rồi được sống lại cất lên trời. Điều ấy chắc chỉ bóng về Hội Thánh sẽ bị một cơn tai nạn ngắn trong lúc con thú trị vì, khi ấy nó sẽ bắt bớ tín đồ rất dữ tợn, cấm giảng dạy và chứng đạo, đến đỗi có lẽ lắm tánh mạng của nhiều người bị thiệt hại cũng nên.

Có kẻ tin rằng Hội Thánh sẽ phải trải qua cả cơn tai nạn của con thú, rồi mới được Chúa cất lên. Kẻ khác lại tin rằng Hội Thánh được cất lên khỏi cả cơn tai nạn ấy. Họ thường viện lấy Khải 3:10 làm chứng cho ý kiến mình. Trước giả bài nầy tin rằng Hội Thánh chắc trải qua ít nữa một phần của kỳ tai nạn ấy, và sẽ được giải cứu, hoặc là giữa chặng kỳ ấy, hoặc là vào lối cuối cùng vậy. Hình bóng về hai chứng nhân đã trưng dẫn ở trên, và “đám rất đông, không ai có thể đếm được” (Khải 7:9-17), đều làm chứng cho ý ấy. Vì câu 14 chép về đám đông ấy rằng: “Đây là những kẻ đương ra khỏi cơn đại nạn, đã giặt áo mình và phiếu trắng nó trong huyết Chiên Con.” Cũng xem Ma 24:15-22,29. Sự phá hủy Giê-ru-sa-lem xưa chắc làm tượng trưng chỉ về cơn gớm ghê nầy. Đa 7:25.

(2)Quan hệ đối với dân Do Thái: Cơn tai nạn nầy có quan hệ hơn hết với dân Do Thái, vì gọi là “kỳ tai hại của Giacốp” (Giê 30:6,7). Cựu ước có nhiều đoạn sách dự ngôn dân Y-sơ-ra-ên sẽ trở lại xứ Palestine, lập lại cố quốc tại đó (Êxê 36:24-28; 11:16-20; 39:25:27-29; Giê 32:37-41; 33:7-9). Sa-tan bao giờ cũng là cừu địch của Đức Chúa Trời, cố quyết ngăn trở ý chỉ Đức Chúa Trời đối với dân Y-sơ-ra-ên; nên nó xui giục đứa đại tội ngược đãi họ, giao chiến cùng họ, đến đỗi thiếu điều họ bị tuyệt diệt. Nhưng Christ sẽ hiện đến, đánh đổ các thù nghịch của họ, giải cứu phần sót lại của họ. Khi ấy họ sẽ công nhận Ngài là Mê-si của họ, ăn năn tội đóng đinh Ngài, và đầu phục Ngài trọn vẹn (Xa 12:8-14; Ês 10:20-23; Rô 9:27; 11:25,26). Đoạn, Ngài sẽ đặt họ trong xứ của họ, không còn bị ai đuổi xua hoặc làm thiệt hại gì nữa. Trong thời Thiên hy niên họ sẽ giữ chỗ quan trọng nhứt ở trên mặt đất. (Êxê 34:28-31; Am. 9:15).

c)  Tuyệt diệt đế quyền chót và con thú: Sa-tan dấy hoàng đế chót nầy lên cốt để chống cự ý chỉ Đức Chúa Trời. Nó sẽ kết hợp với giáo quyền, có tiên tri giả làm tượng trưng chỉ bóng cho (Khải 13:11-17). Cả hai thế lực ấy sẽ muốn lợi dụng lẫn nhau để đạt đến đích riêng, là cầm quyền thống nhứt trong anh tay mình. Nhưng con thú thứ nhứt ganh ghét giáo quyền (cũng gọi là đại dâm phụ), sẽ đồng lòng hiệp ý với mười nước liên minh kia mà tuyệt diệt quyền ấy (Khải 17:15-18). Đoạn, Sa-tan cứ thúc giục con thú chống cự Đức Chúa Trời, đến đỗi kéo đại quân của cả thế giới ra giao chiến với Christ. Kết cuộc chiến trận ấy là Christ với các thánh đồ đều toàn thắng, phá hủy mười nước liên minh kia, đánh đổ chánh quyền ngoại bang, trừ bỏ con thú và mọi sự thuộc về nước nó (Khải 18). Đoạn con thú và tiên tri giả bị bắt bỏ vào hầm lửa lưu hoàng (Khải 19:11-21). Như vậy nhờ Jesus Christ, các gian mưu ác kế nghịch cùng Đức Chúa Trời đều phải thất bại hoàn toàn, các quyền thế của ma quỉ bị tiêu tan, mọi tội lỗi gian ác đều bị quét sạch khỏi địa cầu. Nói một lời, nhờ Christ là Đấng Thần nhơn, mà cuộc phản loạn của Sa-tan khởi nghịch cùng Đức Chúa Trời từ lúc nó sa ngã (Ês 14:12-15; Êxê 28:11-19) được dẹp yên, Đức Chúa Trời toàn thắng, các thế lực gian ác đều tiêu diệt sạch cả. Nên cũng vì cớ ấy, mà cả cõi trời vang tiếng lên rằng: “Halêlugia! Vì Chúa, Đức Chúa Trời của chúng ta, là Đấng Toàn năng, đương trị vì. Chúng ta hãy vui mừng hớn hở, tôn vinh Ngài vì lễ cưới Chiên Con đã đến, và tân phụ Ngài đã tự sửa soạn rồi” (Khải 19:6-8).

d) Sa-tan bị bắt bỏ vực sâu: Sa-tan là nguồn gốc của mọi sự gian ác. Trải biết bao thế kỷ, nó phản nghịch, chống cự Đức Chúa Trời, hằng lập mưu tìm kế đặng phá hủy công việc của Ngài. Song kỳ cuối cùng của sự vận động nó hầu đến. Khi Christ hiện ra đánh đổ con thú, triệt hạ liên bang của nó, tiêu diệt hết thảy các thống hệ gian ác của đời rồi, thì Ngài cũng bắt luôn nguyên thứ của sự ác đó mà giam lại trong vực sâu một ngàn năm, “hầu cho nó không đi dỗ dành các dân nữa, cho đến chừng ngàn năm đã mãn” (Khải 20:1-3).

Sau thời gian ấy nó sẽ được thả ra một ít lâu, lại đi dỗ dành các dân ở bốn phương thiên hạ, kéo chúng ra chiến tranh cùng Đức Chúa Trời nữa. Nhưng nầy Sa-tan đã đến lúc tận cùng, bị bắt bỏ vào hầm lửa, bị đau khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời vô cùng (Khải 20:7-10). Đó là kết cuộc của Sa-tan, một thiên sứ rất lớn, rất khôn ngoan, đẹp đẽ, có chức nhiệm cao trọng vô cùng, song vì nó đã đem lòng phản loạn cùng Đức Chúa Trời, cố quyết theo ý riêng hơn là theo ý Đức Chúa Trời, nên mới bị khốn khổ dường ấy. Mà đó cũng là tận cùng của những kẻ noi dấu Sa-tan mà làm các sự ác như nó vậy. (Xin xem quyển thứ chín, chương thứ ba luận về Sa-tan).

V. NƯỚC THIÊN HY NIÊN  

Khi Christ đã dẹp sạch mọi sự gian ác khỏi thế gian, bỏ con thú và tiên tri giả vào hầm lửa, và bắt Sa-tan giam trong vực sâu, thì sẽ sáng lập nước hòa bình của Ngài trên đất. Có kẻ nghi ngờ về đạo nước Thiên hy niên, cho là đạo không có căn cứ chắc chắn, chỉ bởi các nhà thần học xưa bịa đặt ra mà thôi. Song nếu kê cứu Kinh Thánh một ít, thì dễ thấy đạo ấy có căn cứ rất vững chãi trong cả hai kinh Tân Cựu ước, có nhiều đoạn sách luận đến rõ ràng lắm.

1.    BẰNG CHỨNG VỀ NƯỚC THIÊN HY NIÊN.

a) Cựu ước luận đến: Kinh Cựu ước có rất nhiều đoạn sách luận về một thời kỳ tương lai trái đất sẽ được hạnh phước lớn, dân cư sẽ chung hưởng hòa bình, cùng nhau tận tâm kính thờ Đức Chúa Trời, cõi thiên nhiên sẽ đổi mới hẳn, không còn biết sự rủa sả khốn nạn nữa, và Christ sẽ trị vì trên muôn dân muôn nước. Ês 2:2-4; Ês 11:1-16. Cũng xem Thi 67; Ês 25, 33, 35, 60, 65; Giê 33; Mi 4:1-4; Xa 14:8-11.

Xưa dân Do Thái giải nghĩa sai lầm các lời tiên tri ấy, tưởng rằng khi Đấng Mê-si hiện đến, thì sẽ xướng lập Do Thái làm đại đế quốc, lên ngôi trị vì tại Giê-ru-sa-lem. Họ không hiểu rằng giữa sự giáng sanh và nước hòa bình ấy, Christ phải hạ mình xuống chịu chết trên thập tự giá; phải có thời đại Hội Thánh và cuộc truyền bá Tin Lành cho muôn dân. Cũng tại vì cớ ấy mà các dân Do Thái chối bỏ Christ và luôn cả Tin Lành nữa.

b) Tân ước luận đến: Sách Khải huyền luận về đạo thiên hy niên rõ lắm. Trong 20:2-7 có luận đến 6 lần, dạy rằng Sa-tan phải bị giam một ngàn năm; còn kẻ ác chưa được sống lại lần thứ nhứt, đều đợi đến sau một ngàn năm mới được sống lại. Trong Rô 8:21 Phao-lô dạy rằng: “chính muôn vật cũng sẽ được buông tha khỏi ách nô lệ của sự hư nát để dự phần trong sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời”. Ấy chứng rằng khi con cái Đức Chúa Trời nhờ sự tái lâm của Chúa mà được giải cứu khỏi sự hư nát thì cõi thiên nhiên cũng nhờ đó mà được giải cứu luôn, không còn bị phục sự hay chết hư nát nữa. Thánh Phi-e-rơ cũng giảng về kỳ thơ thái và kỳ phục hưng mọi sự mà rằng: Công 3:19-21

Còn trong Lu 19:12-27, chính Chúa Jesus dạy rằng Ngài như vì thế tử kia đi phương xa, để lãnh nước, rồi sau trở lại để tính sổ với đầy tớ, và xét đoán kẻ thù nghịch Ngài. Cũng xem Ma 19:28; Êph 1:10; Phil 1:6; Khải 11:15.

Thế thì, Tân ước cũng dạy rõ về đạo thiên hy niên, ai có lòng trung thành thực tín nhận Kinh Thánh là lời Đức Chúa Trời, thì không thể nào còn hoài nghi gì về đạo ấy nữa.

2.    CÁC VIỆC ĐẶC BIỆT XẢY RA LÚC CHRIST LẬP QUỐC

Có ba việc đặc biệt sẽ xảy ra trong lúc Christ sáng lập nước của Ngài.

a) Phục quốc Y-sơ-ra-ên: Theo lời dự ngôn của nhiều câu Kinh Thánh, dân Y-sơ-ra-ên sẽ được trở lại xứ Palestine trước khi Christ chưa tái lâm, rồi nước họ sẽ được khôi phục quyền độc lập: Sáng 12:1-3; Phục 4:30,31; 30:1-6; IISa 7:10; Am. 9:11-15; Ês 27:12,13; 60:1-22; Giê 16:14-16; Êxê 20:36-44; Công 15:13-16; Rô 11:11-27.

Trong Cựu ước có lắm lời tiên tri dự cáo về thời kỳ cường thạnh, vinh hiển và phước hạnh của dân Y-sơ-ra-ên mà chưa thấy được ứng nghiệm; song chắc sẽ được ứng nghiệm trong khoảng Thiên hy niên (Giê 22:24; Êxê 37:22-28; Xa 12:8; Công 15:16). Khi ấy Giê-ru-sa-lem sẽ trở nên đô hộ của cả thế giới, Christ, theo phần xác thịt là Thái tử của vua Đa-vít, sẽ trị vì trên ngôi Đa-vít và trên ngôi của muôn nước vậy.

b) Tẩy uế dân Y-sơ-ra-ên: Trong Êxê 36:24-28 Đức Chúa Trời hứa sẽ làm sạch Y-sơ-ra-ên, tẩy hết mọi sự ô uế và mọi thần tượng của họ, ban tâm linh mới cho họ, rồi họ sẽ giữ theo mạng lịnh của Ngài. Khi Christ hiện ra cách hiển nhiên, thì sẽ xuống đứng trên núi Ôlive; Y-sơ-ra-ên sẽ thấy, công nhận và tin cậy Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá là Cứu Chúa và Mê-si của họ. Xa 12:10-14; Êxê 36:24-28. Cũng xem Giê 23:3-6; 31:9.

c)  Muôn dân đầu phục Christ: Khi Chúa đắc thắng con thú, trừ đế quyền nó, cũng sẽ đánh đổ luôn các nước liên bang, và tuyệt diệt chánh quyền ngoại bang đã lâu đời thống trị trái đất nầy. Rồi các dân tộc còn lại sẽ đầu phục Christ, là Vua của các vua, Chúa của các chúa. Ngài sẽ lấy gậy sắt mà cai trị họ theo sự công nghĩa chánh trực; sự hòa bình của ngôi Ngài sẽ không hết không cùng. Ma 2:44; Xa 14:9; Ês 9:6. Cũng xem Thi 2:7-9; Ês 24:23; 49:22,23; Mi 4:1,2; Lu 1:32; Khải 11:15-18.

3.    CẢNH TRẠNG CỦA NƯỚC THIÊN HY NIÊN

Kinh Thánh cũng có nhiều đoạn sách dự tả cảnh trạng của ngày Chúa tái lâm và thời kỳ Ngài trị vì một ngàn năm ở trên đất nầy. Đây không thể viện dẫn từng chữ các câu ấy, nhưng xin chỉ dẫn ra sách gì đoạn câu nào, hầu độc giả có thể mở Kinh Thánh ra mà kê cứu qua: Ês 11:1-16; 65:19-25; Giê 23:3-8; 31:37-42; Êxê 36:23-28; 39:25-29; Am.9:11-15; Công 15:14-17; Khải 20:4-6. Sau đây xin theo bốn phương diện mà lược tả cảnh trạng ấy.

a) Về phương diện chánh trị: Cảnh trạng về phương diện chánh trị, Kinh Thánh dạy rằng:

(1)    Muôn nước hiệp chung: Đến khoảng Thiên hy niên sẽ được ứng nghiệm lời tiên tri của Đa-ni-ên rằng: Đa 2:34,35

Pho tượng lớn bằng vàng, bạc, đồng, sắt và đất sét ấy làm hình bóng chỉ về chánh quyền của các nước ngoại bang. “Hòn đá chẳng phải bởi tay đục ra” đó chỉ về Christ. Khi Ngài tái lâm sẽ đập tan nát “pho tượng” đó, tiêu diệt chánh quyền ngoại bang. Còn chính hòn đá đó trở nên một núi lớn, làm đầy khắp đất, chỉ bóng về Christ chinh phục thế gian, thống thuộc lại làm một nước, nhận Ngài làm Vua độc nhứt vô nhị thống lãnh cả muôn dân. Khi ấy “nước của thế gian đã trở nên nước của Chúa chúng ta, và của Christ của Ngài, Ngài sẽ trị vì đời đời vô cùng” (Khải 11:15). Cũng xem Ês 2:2,3.

(2)    Thế giới hòa bình: Từ xưa đến nay các nước thường phân tranh chiến đấu nhau luôn. Khi Chúa đến sẽ dẹp yên mọi thứ giặc giã, khiến cho các dân “lấy gươm rèn lưỡi cày, lấy giáo lưỡi liềm. Nước nầy chẳng còn giá gươm lên nghịch cùng nước khác, người ta chẳng còn tập sự chiến tranh nữa” (Ês 2:4; Mi 4:3).

(3)    Chánh trị xướng minh: Tiên tri Ê-sai và Giê-rê-mi chép về chánh trị của nước Christ rằng: Ês 11:1-5; Giê 24:6

Nhưng có kẻ hỏi rằng: “Đấng Christ sẽ lấy cây gậy sắt mà cai trị thiên hạ, há chẳng phải một chánh quyền quá ư nghiêm khắc sao?” Đáp rằng: Chánh quyền của Christ bằng cây gậy sắt đối với kẻ ác, thì thật là nghiêm khắc cương cường, vì Ngài đập nát chúng; song đối với dân Ngài, thì cây gậy sắt cũng có ý ngay thẳng vững bền. Chánh quyền của thế gian hiện nay tợ hồ cây sậy gần gãy kia đâu dám sánh cùng. Tiên tri Ê-sai chép: Ês 9:6

b) Về phương diện tôn giáo: Cảnh trạng về phương diện tôn giáo Kinh Thánh lại dạy rằng:

1)    Đạo Christ truyền khắp: Trong thời đại Thiên hy niên mọi đầu gối sẽ quì lạy Chúa, “mọi lưỡi đều xưng Jesus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời là Cha” (Phil 2:11; Ês 45:23). Từ hướng mặt trời mọc cho đến hướng mặt trời lặn, ai ai cũng sẽ kêu cầu danh Đức Chúa Trời (Ês 4:25), được biết Đức Chúa Trời duy nhứt (Ês 45:6), và kính sợ tôn vinh danh thánh của Ngài (Ês 59:19); “vì thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Giê-hô-va, như các dòng nước che lấp biển” (Ês 11:9). Khi ấy chơn của “những kẻ đem tin tốt rao sự bình an, đem tin tốt phước lành, rao sự cứu chuộc, bảo Sion rằng: Đức Chúa Trời ngươi trị vì”, thật đẹp đẽ thay! Lời của Ês 52:7 lúc ấy mới được ứng nghiệm trọn vẹn. Đạo Chúa truyền đến dân nào thì được dân ấy tín nhận theo liền. Nguyện Chúa khiến ngày ấy mau mau đến!

2)    Tín ngưỡng thuần thần: Trong khoảng Thiên hy niên Chúa giam cầm Sa-tan, không cho nó dụ hoặc thế gian nữa (Khải 20:1-3); nên người ta sẽ tin đạo Chúa không khó nhọc như lúc bấy giờ. Dân Y-sơ-ra-ên và cả ngoại bang đều sẽ có cùng một tín ngưỡng rất thuần thần, được lòng mới và tánh mới, được Đức Chúa Trời ghi luật pháp Ngài vào lòng, đến đỗi vâng phục làm theo rất tự nhiên. Giê 31:33,34; Êxê 36:26

3)    Chánh giáo hiệp nhứt: Chánh quyền và giáo quyền chia nhau là chủ nghĩa của nhà chánh trị và tôn giáo hiện nay. Cho đến thời đại Thiên hy niên thì sẽ đổi khác hẳn. Thời đại ấy là thời đại thần quyền thống trị, mọi dân mọi nước đều được Đức Chúa Trời ghi tạc luật pháp ở trong lòng. Nên hễ họ làm việc gì vô luận, đều tự nhiên hiệp với lẽ thật cả; như vậy lẽ thật là hiến pháp, hiến pháp là lẽ thật. Còn Christ là Đầu của Hội Thánh, cũng là Vua của nước Đức Chúa Trời. Ấy vậy, chánh quyền và giáo quyền không còn bị chia rẽ mà phản đối nhau như bây giờ nữa, bèn là hiệp nhứt ở trên Christ, Chúa chúng ta vậy. Luật đạo đức sẽ là quốc luật, tôn chỉ và mục đích của Hội Thánh cũng sẽ là tôn chỉ và mục đích của nước, cả hai sẽ hiệp nhứt tôn vinh ca tụng Ba Ngôi Đức Chúa Trời cho đến vô cùng vô tận.

c)  Về phương diện quốc dân: Cảnh trạng về phương diện quốc dân, Kinh Thánh cũng minh huấn rằng:

(1)Tự do bình đẳng: Chúa Jesus dạy người Do Thái rằng: “Các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ khiến các ngươi được tự do” (Gi 8:32). Vả, trong nước hòa bình của Chúa, ai ai cũng sẽ biết lẽ thật, “vì thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Giê-hô-va, như các dòng nước che lấp biển” (Ês 11:9). Vậy, nhờ sự hiểu biết ấy họ được tự do thật. Lại họ cũng được bình đẳng nhau, vì tiên tri Ê-sai chép rằng: Ês 35:8

Câu ấy tỏ ra trong nước của Christ chẳng phân khôn dại, lớn nhỏ, yếu mạnh, vì cả thảy đều bình đẳng nhau, đồng hiệp nhứt trong Christ cả. Vì lúc ấy chắc như Phao-lô chép: “chẳng chia ra hoặc người Do Thái hay người Hi-lạp, nô lệ hay tự chủ, nam hay nữ; vì… thảy đều là một trong Christ Jesus” vậy (Ga 3:28). Khi Hòn Đá chẳng phải tay người ta đục ra đập vào pho tượng của sự tổ chức hệ thống nhơn loại đó, thì chẳng những là đập tan nát chánh thể của họ, mà lại tiêu diệt các giai cấp, như sang hèn, giàu nghèo, mạnh yếu, khiến cho muôn dân trên địa cầu đều trở nên như con của một nhà, như anh em của một họ vậy.

(2)An cư lạc nghiệp: Trong thời đại thiên hy niên dân cư trên đất sẽ được an cư lạc nghiệp trọn vẹn, chẳng ai còn làm thiệt hại áp bức họ nữa. Ês 65:18-24; Ês 35:9,10; Mi 4:4

Các câu ấy dầu dự ngôn về dân Y-sơ-ra-ên trước hết, thì cũng chắc còn mô tả cảnh trạng hạnh phước phổ thông của muôn dân trên đất trong thời kỳ đó nữa.

(3)Thọ mạng diên trường: Trong thời Thiên hy niên loài người được phước thọ mạng diên trường (Ês 65:20). Bấy giờ sở dĩ được như thế, chẳng phải tạ ơn, hay là thần hữu, bèn là tại sự công nghĩa của người ta. Hễ họ ăn ở công nghĩa bao lâu, thì được sống bấy lâu. Hễ ai bắt phục, thì bị phạt chết liền. Tại nước ấy cũng chẳng ai bị đau ốm (Ês 33:24), vì trong lúc ấy người công nghĩa thật được hưởng phước trường sanh bất tử vậy. Ês 65:20-23; Ês 33:24

d) Về phương diện muôn vật: Hạnh phước khoái lạc của thời thiên hy niên cũng quan hệ lắm với cõi thiên nhiên và muôn vật trong đó nữa.

(1)Chuộc lại thế giới: Từ khi nguyên tổ sa ngã, muôn vật bị liên lụy vì sự rủa sả của họ. Đất vốn như lạc viên của Đức Chúa Trời, rất phì nhiêu phong phú. Song vì tội tổ tiên mà sanh ra gai gốc tật lê, trở nên khô khan son sẻ. Dầu người ta nhọc công trồng tỉa, đổ mồ hôi sôi nước mắt vun bón, nó cũng chẳng sanh hoa lợi là bao nhiêu, trái lại trở nên một biển khổ minh mông đáng ghê đáng sợ cho họ đó thôi. Nhưng may thay! Chúa Jesus Christ làm nên công cứu chuộc, chẳng những là chịu chết để chuộc Hội Thánh đâu, lại cũng nhờ công lao ấy mà chuộc cả thế giới nữa. Trong Ma 13:38 Chúa dùng ví dụ về của báu chôn trong ruộng để minh giải ý nầy. Của báu ấy chỉ bóng về Hội Thánh, còn ruộng thì chỉ bóng về thế gian. Chúa không những là mua của báu (là Hội Thánh) mà thôi. Ngài cũng mua luôn cả đám ruộng (là thế gian) nữa. Nhờ sự mua chuộc ấy, một ngày kia “đồng vắng và đất khô khan sẽ vui vẻ; nơi sa mạc sẽ mừng rỡ, và trổ hoa như bông hường… Cát nóng sẽ biến ra hồ, ruộng khô sẽ biến thành suối nước. Hang chó đồng đã ở sẽ trở nên vùng sậy và lau” (Ês 35:1,7).

(2)Muôn vật đổi mới: Muôn vật ngày nay đều bị bắt phục dưới sự hư nát, hằng than thở, đau đớn vì mong mỏi được giải cứu khỏi sự hư nát đó, để dự phần đến sự tự do của con cái Đức Chúa Trời (Rô 8:19,20). Nhưng cảm tạ ơn Đức Chúa Trời, khi Christ tái lâm, sáng lập nước Thiên hy niên trên đất, thì muôn vật cũng sẽ được giải cứu, đổi mới cả. Thời kỳ ấy Phi-e-rơ gọi là “kỳ thơ thái” và “kỳ phục hưng mọi sự” (Công 3:19-21). Nguyên xưa các loài vật trong vườn Ê-đen đều thương yêu nhau, chẳng làm hại gì nhau cả, nào cọp beo, sư tử, voi, đều chung thuần phục nhau như chiên, bò vậy. Khi tội lỗi xen vào thế gian, bản tánh tốt lành của chúng nó liền đổi ra hung dữ. Nhưng đến khi ngàn năm bình yên, muôn vật sẽ hồi phục nguyên hình nguyên tánh như xưa. Rô 8:19,20; Công 3:19-21; Ês 11:6-9. Cũng xem Ês 65:25

TỔNG ĐOÁN

Thời kỳ thiên hy niên là thời toàn thể thế giới cùng vui hưởng thái bình, thạnh trị, sẽ đem lại cảnh trạng của nguyên tổ ta vốn có lúc chưa sa ngã. Thời ấy Đức Chúa Trời sẽ giao thông với loài người. Loài người và loài vật thương yêu nhau, cùng sống trong một không khí ôn hòa, cảnh trí thiên nhiên cực kỳ tươi vui, thật rất xứng đáng mà gọi bằng vườn phước hựu. Chúa Jesus Christ chịu chết làm giá chuộc tội; cuộc cứu chuộc ấy không những là toàn cứu loài người, lại giải phóng muôn vật khỏi ảnh hưởng của tội nữa, đến đỗi sẽ phục hồi nguyên trạng lúc ban sơ. Nếu gọi sự cứu chuộc của Christ không đủ hiệu lực để khôi phục sự tổn thương muôn vật phải chịu vì cớ tội lỗi, thì thập tự giá có công năng gì? Sự cứu chuộc của Christ đền bồi công quả của tội lỗi ở đâu? Cảm tạ Đức Chúa Trời! Một ngày kia Chúa sẽ trừ bỏ tội lỗi, làm sạch sự gian ác, đem sự công nghĩa đời đời thay vào, và khiến cho thế giới nầy trở nên lạc viên của Đức Chúa Trời một lần nữa. Khi ấy ban trù hoạch cứu chuộc của Đức Chúa Trời mới được thành công trọn vẹn vậy.

VI. THÌ GIỜ CHRIST TÁI LÂM           

Chúa Jesus Christ sẽ tái lâm chừng nào? Có phải Ngài tái lâm trước thời kỳ Thiên hy niên, hay là sau thời ấy ư? Ấy là những vấn đề rất quan hệ đối với đạo Chúa tái lâm. Trong Hội Thánh xưa nay vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Song nói tóm lại, thì có hai đảng chủ trương hai ý kiến bất đồng, đảng nầy gọi là Thiên hy niên tiên phái (Pré Millénaires), đảng kia gọi là Thiên hy niên hậu phái (Post Millénaires). Phái nầy chủ trương rằng Christ chỉ tái lâm trước ngàn năm bình an; còn phái kia dạy rằng Christ chỉ tái lâm sau thời kỳ ấy. Trước giả bài nầy tin rằng ý kiến thứ nhứt thích hợp với giáo huấn của Kinh Thánh. Sau đây xin đem mấy bằng cớ minh chứng cho.

1.    Antichrist làm chứng: Kinh Thánh dạy rằng trước khi Christ tái lâm thì có Antichrist, cũng gọi là đứa đại tội, con của sự hư mất, và con thú, phải hiện ra. Chúa sẽ dùng hơi miệng Ngài, và sự vinh quang của sự tái lâm Ngài, mà hủy diệt nó (IITê 2:7-9; Khải 13:1-18; 19:19,20). Mà nếu Antichrist xuất hiện trước thời kỳ Thiên hy niên và Christ hủy diệt nó lúc Ngài tái lâm, thì cố nhiên Ngài tái lâm trước thời kỳ ấy.

2.    Sự bại hoại của Hội Thánh hữu hình làm chứng: Bảy Hội Thánh trong xứ Tiểu Asi (Khải 2,3) chắc dự ngôn về lịch sử của Hội Thánh trải qua các đời từ khi Chúa thăng thiên cho đến lúc Ngài tái lâm. Bảy hội ấy dự cáo về bảy giai đoạn trong lịch sử Hội Thánh, Hội Thánh Laodixê chỉ về giai đoạn chót khi Chúa tái lâm. Theo lời dự ngôn của Khải 3:14-20, thì đời thuộc linh của Hội Thánh trong giai đoạn ấy rất suy đồi, không nóng cũng chẳng lạnh, chỉ sốt sắng bề ngoài, mà bề trong chẳng có lòng tín ngưỡng thật (II Tiệc thánh 3:5). Chính Chúa dạy rằng khi Con người đến thì đức tin của người ta yếu đuối (Lu 18:8), tình yêu thương nguội lạnh (Ma 24:12), cỏ lùng của tà giáo lẫn lộn trong lúa của đạo thật cho đến ngày gặt hái (Ma 13:30). Kinh Thánh cũng dạy rõ trong các ngày sau rốt người ta sẽ bội đạo, làm đủ thứ gian ác, chẳng khác gì đời Nô-ê vậy (ITi 4:1; IITi 3:1-5; IIPhi 3:3,4; Ma 24:37-51; IITi 4:3,4). Tình cảnh ấy quả không phải là tình cảnh thời Thiên hy niên, bèn là tình cảnh của thời kỳ khốn nạn ngay trước ngày Chúa tái lâm vậy.

3.    Tai nạn lớn làm chứng: Kinh Thánh dạy về một kỳ tai nạn phải xảy ra trước ngày Chúa Jesus tái lâm (Ma 24:29-31). Tai nạn ấy thực một điềm dự chứng rằng sự tái lâm của Ngài gần rồi (Ma 24:21; Ês 24:21-23; Lu 21:25-27), chớ không phải là tình cảnh của thời Thiên hy niên đâu. Thành thử, chắc Chúa tái lâm trước thời kỳ ấy mới hữu lý vậy. Ma 24:21,29,30; Lu 21:25-27

4.    Sự bắt bớ tín đồ trong ngày sau rốt làm chứng: Tín đồ thuộc linh bị bắt bớ, ấy là sự từng trải thường của họ lúc vẫn còn ở trần gian nầy (Gi 15:19-21; 16:33; IITê 3:3; IITi 3:12). Nhưng Kinh Thánh cũng dạy rõ ngày trước khi Chúa tái lâm tín đồ thật sẽ gặp sự bắt bớ đặc biệt thảm khốc (IITê 1:7-10; Ma 24:9; Khải 7:13,14; 11:3-13). Mà nếu gọi sự bắt bớ ấy thuộc về thời kỳ Thiên hy niên, thì ta không còn hiểu gì nữa. Ma 24:9; IITê 1:7; Khải 7:14; Khải 11:7

5.    Sự bỏ đạo thuần chánh làm chứng: Xưa kia Phao-lô chép thơ cho Timôthê mà dạy rằng: IITi 4:3,4; ITi 4:1-3

Xem xét Cơ đốc giáo giới hiện thời, thì thấy lắm tín đồ cho Kinh Thánh là sai lầm. Họ lấy khoa học và triết học mà giải nghĩa Kinh Thánh. Hễ khoản nào họ không thể lấy vật lý học giải thích được, thì quyết không chịu tin; thậm chí họ gọi dấu kỳ phép lạ trần thuật trong Kinh Thánh là giả dối, kể đạo Ba Ngôi hiệp một Đức Chúa Trời, thần tánh của Christ, vị cách của Thánh Linh, sự nhờ huyết của Christ để được xưng nghĩa, công việc Thánh Linh khiến tín đồ nên thánh, cùng các lẽ đạo chủ yếu khác, như là sự sống lại, đời sau, Sa-tan, thiên sứ, thảy đều là những đạo dị đoan mê tín cả, chẳng đáng tin chút nào. chẳng lạ gì Chúa Jesus từng phán rằng: “Dầu vậy, khi Con người đến, há sẽ tìm được đức tin trên đất chăng?” (Lu 18:8). Nhưng đến thời đại Thiên hy niên, ánh sáng lẽ thật sẽ soi khắp mọi nơi, mọi miệng sẽ ca tụng tôn vinh Chúa, mọi đầu gối quì lạy Chúa, và cả “thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Giê-hô-va, như các dòng nước che lấp biển” (Ês 11:9; Phil 2:10,11). Lúc đó người ta sẽ tín nhận lẽ đạo thuần chánh, “vì luật pháp sẽ ra từ Sion, lời Giê-hô-va sẽ ra từ Giê-ru-sa-lem” (Ês 2:3). Thế thì, buộc phải nhận rằng Chúa chắc tái lâm trước thời Thiên hy niên chẳng sai.

6.    Sự khốn khổ bối rối trong thế giới làm chứng: Kinh Thánh cũng dạy rằng ngày trước khi Chúa tái lâm, thế giới sẽ bị khốn khổ bối rối cực điểm; chỗ thì rối loạn, chỗ thì giặc giã, chỗ thì đói kém, dịch lệ, khổ sở không xiết kể (Lu 21:25,26; Ma 24:7). Mà nếu Chúa Jesus tái lâm sau thời kỳ Thiên hy niên, thì các điều ấy phải xảy ra trong thời kỳ đó, như vậy làm sao gọi là thời kỳ ngàn năm bình yên được? Lu 21:25,26; Ma 24:7

7.    Thời kỳ sống lại làm chứng: Kinh Thánh dạy rằng có hai kỳ sống lại, một kỳ trước thời kỳ Thiên hy niên, một kỳ sau thời kỳ ấy. Kỳ sống lại thứ nhứt xảy đến lúc Chúa tái lâm, chỉ những kẻ thuộc về Ngài được dự phần đến (ICô 15:23; Khải 20:4). Còn kỳ sống lại thứ hai xảy đến sau một ngàn năm, cũng gọi là sự chết thứ hai, chỉ những kẻ ác thuộc về kỳ sống lại ấy thôi. Trong khoảng thời gian giữa kỳ sống lại thứ nhứt và thứ hai có thời Thiên hy niên, là thời Christ và thánh đồ trị vì trên đất nầy. Vậy, thời tự của sự sống lại làm chứng rõ Christ tái lâm trước thời kỳ Thiên hy niên vậy. ICô 15:23; Khải 20:4,5. Cũng xem Khải 20:11-14

8.    Quốc quyền của Christ làm chứng: Nhằm thời đại Thiên hy niên chẳng những là Hội Thánh được phước, bèn là thời đại mà nước Đức Chúa Trời đến thế gian, và Christ làm Vua thống trị muôn dân muôn nước (Ês 32:1; 9:6; Giê 23:1-6; Xa 14:16). Khi ấy tín đồ cũng đồng trị với Christ nữa (Khải 20:6). Cho nên nếu Christ trở lại sau thời kỳ Thiên hy niên, thì Ngài sẽ làm Vua khi nào? Rõ ràng Ngài phải trở lại trước thời kỳ ấy mới hữu lý.Ês 32:1; Giê 23:5

9.    Lời răn bảo của Christ làm chứng: Christ hay dặn đi dặn lại môn đồ hãy tỉnh thức chờ đợi Ngài hiện đến (Ma 24:42; 25:13; Mác 13:33; Khải 16:15). Nếu Chúa tái lâm sau thời Thiên hy niên, thì ích chi mà tín đồ phải tỉnh thức chờ đợi, còn lâu lắm nữa Chúa mới đến kia mà. Mà túng sử thời ngàn năm ấy mới bắt đầu đi nữa, thì vẫn cũng còn một ngàn năm nữa Chúa mới tái lâm. Vậy, nếu ý kiến của phái Thiên hy niên hậu là đúng, thì lời răn bảo ấy chẳng có nghĩa lý gì cả. Song Kinh Thánh nghiêm khuyến hãy thức và canh trực sẵn luôn, vì Chúa đến rất thình lình, trong giờ người ta không ngờ, vào lúc người ta không tưởng đùến. Ma 24:42; Khải 16:15; Ma 25:13; Mác 13:35-37; Cũng xem Lu 12:35,36.

10.  Lời tiên tri dự ngôn thế giới càng ngày càng ác họa làm chứng: Kinh Thánh chẳng dạy rằng thế giới nầy lần lần cải lương cho đến bực rất lành rất tốt đâu, bèn dạy rằng sự ác cứ thêm lên cho đến khi Chúa tái lâm. Lúc ấy Ngài sẽ quyét sạch sự ác và gốc rẽ của nó là Sa-tan. Nhưng trước ngày hạnh phước ấy sẽ có thời kỳ Sa-tan dùng trăm ngàn thủ đoạn độc ác để dụ hoặc tín đồ, làm bại hoại thế gian, để phá hủy công việc của Đức Chúa Trời. Các thủ đoạn ấy sẽ kết thúc vào kỳ tai nạn, và cuộc trị vì tàn nhẫn của con thú và tiên tri giả vậy (Ma 24:12; ITi 4:1; IITi 3:1-5; IITê 2:3,4,7,8; Giê 30:7; Đa 12:1; Ma 24:21; Lu 21:25-27).

Than ôi! Đương nay gọi là thế giới càng văn minh, cũng chỉ là văn minh vỏ, tức là tấn hóa về vật chất và biểu diện mà thôi. Vả, văn minh vật chất luôn luôn trái với đạo đức thuộc linh, có lẽ cải thiện được những cảnh trạng bề ngoài, như nào là mọi sự ăn, ở chơi bời, nhưng chẳng hề tiếp xúc gì đến lòng đạo đức bao giờ. Ta cũng thường thấy trên mặt đất nầy, chỗ nào càng văn minh vật chất lại là tội lỗi càng đầy dẫy. Cho nên nói rằng thế gian càng ngày càng tấn hóa trên đường cải lương, mà lần lần đạt đến thời đại vạn quốc hòa bình giao hiếu, thì lầm to, vì chẳng những là Kinh Thánh không nói đến, mà lại trên thế giới nầy cũng chẳng có hiện tượng ấy tí nào nữa. Thế thì, thực sự ấy cũng minh chứng rằng Chúa tái lâm trước thời kỳ Thiên hy niên, chớ không phải là sau thời ấy đâu. Ma 24:12; ITi 4:1; IITi 3:1-5; IITê 2:3,4; Ma 24:21

 

Chương 4 – LUẬN VỀ SỰ SỐNG LẠI       

NGƯỜI ta qua đời, thân thể và linh hồn lìa nhau; thân thể dầu hư nát, mà linh hồn vẫn còn mãi; xác thịt dầu bị chôn xuống đất, song thần linh hoặc lên nơi sáng láng hạnh phước, hay là xuống chốn tối tăm khổ sở. Vả, linh hồn của người lành dẫu đã được yên vui, nhưng chưa được mười phần thỏa mãn; linh hồn của kẻ ác dẫu đã chịu khốn khổ, song cũng chưa khổ đến tột bực. Đến ngày thân thể sống lại, linh hồn và xác thịt hiệp nhau, thì người thiện càng vui vẻ cực kỳ, mà kẻ ác lại khổ càng thêm khổ. Song lẽ đạo sống lại nầy mầu nhiệm lạ thường, cao quá vật lý, và vượt ra ngoài ý tưởng của loài người. Cũng vì cớ ấy mà các nhà tôn giáo thế gian xưa nay, dầu tín nhận đạo lai sanh, nhưng chẳng có thể tín nhận đạo phục sanh được. Thực, chỉ có đạo Christ chói lói vào vấn đề ấy mà tường luận đạo lai sanh, quyết rằng sự phục sanh là điềm hoàn toàn của cuộc cứu rỗi ta vậy. Trong chương nầy chúng ta cũng chỉ nhờ Kinh Thánh làm gốc để giải nghĩa vấn đề quan hệ ấy. Xin theo năm phương diện lần lượt luận qua như sau đây:

I. CÁC ÐIỀU DỊ NGHỊ VỀ ÐẠO SỐNG LẠI     

Có nhiều người, không những là trong vòng các đạo giáo ngoại mà đến trong Cơ đốc giáo giới nữa, cũng đều không công nhận đạo sống lại, thường dùng hai lý cớ mà bài bác đạo ấy.

1.    LÝ CỚ DO VẬT LÝ HỌC

Bọn chối bỏ đạo sống lại của thân thể thường viện chứng nơi vật lý học, cố quyết rằng thân thể không thể sống lại được. Chúng ta xin theo ba mặt của lý cớ ấy mà tỏ ra các sự bài bác lẽ đạo sống lại, rồi sau xin đem lý cớ để tỏ ra ngộ điểm của những sự dị nghị đó.

a) Xác thịt tiêu ra đất không sống lại được: Có người luận rằng: thân thể đã tiêu ra đất, còn sống lại sao được? Xác đã hóa ra bụi rồi, há có thể hiệp lại được nữa ư? Xương đã mục nát rồi, còn kết cấu lại được sao? Vả lại, người ta chết, thể chất chẳng những là tan ra bụi đất mà thôi, lại có lẽ hóa ra vật khác, hoặc thân thể khác, cứ hóa đi hóa lại, chuyển biến vô cùng vật nầy sang vật kia, đến nỗi nguyên thể ta có thể chuyển biến ra làm nguyên tố của trùng trùng điệp điệp thể chất khác. Vậy, đến khi sống lại làm sao lai hườn các nguyên tố đó để tổ hiệp thành nguyên thể của ta được nữa? Xin đáp:

Kinh Thánh chẳng dạy rằng các nguyên chất ở trong nguyên thể lúc qua đời cũng sẽ có ở trong thân thể sống lại đâu, bèn dạy rằng thân thể sống lại do nguyên thể ta mà hóa ra chẳng khác gì cây lúa do hột giống gieo dưới đất mà mọc nên hình thể vậy (ICô 15:37,50). Thân thể sống lại và linh thể có quan thuộc với thể chất cũ như cây lúa với hột giống, tuy rất giống như nó, song không phải bằng chính các nguyên tố của nó mà được nên thân đâu. ICô 15:37,38,50

b) Nếu sống lại bằng linh thể, làm sao nhìn biết được: Nếu thân thể sống lại, dầu có quan thuộc với thể chất cũ, nhưng không phải là hình thể của ngày xưa, thì dẫu ta là ta, thì làm sao chính mình ta hay người khác nhìn biết ta được? Mà nếu ta không tự biết được và người khác cũng không nhìn nhận ta được nữa, thì ta chắc không phải là ta, bèn là một nhân cách khác và mới. Bằng vậy, thì sự sống lại ấy chẳng phải là thân thể được sống lại đâu, bèn là một cuộc tân bạo một loài người mới đó thôi. Ta đáp:

Ta tự nhìn biết ta là ta, và người khác cũng nhìn nhận ta là ta, ấy chẳng chỉ tại nguyên chất của hình thể ta thôi đâu, bèn cũng tại nhân cách ta, bàn quan ta và bởi năng lực tổ hiệp các nguyên chất ấy thành hình dung ta, khiến cho ta có nhân cách hay tự tri tự giác nữa vậy. Nói cho đúng, ta nhìn biết bạn hữu ta trong đời nầy, chẳng chỉ tại diện mạo họ thôi đâu, bèn cũng tại những yếu tố thuộc tâm lý nữa. Y học minh chứng cho lẽ ấy mà dạy rằng thể chất của thân thể loài người mỗi bảy năm biến đổi một lần. Thế thì, ta bây giờ với ta bảy năm về trước há có đổi hẳn đi với thể chất của thân thể ta chăng? Chẳng như vậy đâu. Từng trải thì có thêm, nhưng nhân cách ta bây giờ với nhân cách ta trước kia cũng chỉ một mà thôi. Ta khá biết rằng ta là ta chẳng tại thể chất vì nhân cách ta chẳng trú tại thể chất đâu, bèn là trú tại linh tánh vậy. Cho nên ta dám chắc rằng trong đời tương lai người khác nhìn biết ta là ta cũng chẳng tại dung mạo của xác thịt đâu, bèn là tại nhân cách vô hình đó vậy. Như Phi-e-rơ nhìn biết Môi-se và Ê-li trên núi kia thể nào, thì chúng ta cũng sẽ biết nhau trong đời tương lai thể ấy. Nhưng đạo ấy mầu nhiệm lắm, lòng tuy dễ tín nhận nhưng trí thật khó cắt nghĩa vậy.

c)  Xác thịt vốn bó buộc linh hồn, nếu sống lại thì chẳng ích gì: Cũng có người bài bác rằng linh hồn còn ở trong thân thể, thì bị nhiều điều bó buộc ngăn trở, có lẽ cũng bởi tình dục xác thịt mà phải phạm tội nữa. Một mai linh hồn đã lìa khỏi xác thịt, thì thoát khỏi sự bó buộc đó, được tự do mọi bề, còn chi vui vẻ hơn nữa? Chẳng những thân thể sống lại là không có lý, mà phỏng khiến có sống lại được đi nữa, hẳn cũng chỉ là mối phương hại cho linh hồn; thế thì thà đừng sống lại còn tốt hơn. Ta đáp:

Lời bài bác ấy quả lầm hiểu sự sống lại, vì thân thể sống lại tuy bằng vật chất, nhưng thuần phục trọn vẹn luật lệ linh giới, nên Phao-lô cũng gọi là “thể thuộc linh” (ICô 15:44). Chúng ta chưa có thể hiểu năng lực tài cán diệu kỳ của thân thể đã nhờ Đức Chúa Trời bắt phục thần linh trọn vẹn. Thân thể sống lại của Christ chứng rằng thể thuộc linh có các tài năng vượt quá công lệ của vật chất, có lẽ nhẹ hơn không khí, lanh lẹ hơn ánh sáng. Ta xét sự gầy dựng thân thể ta hiện có, vẫn còn thấy là vừa vẹn tinh xảo vô song thay, huống chi sự diệu kỳ của thể thuộc linh sống lại thì còn tinh xảo ngần nào, ai có thể nói được. Chúng ta cũng nhờ lời Phao-lô chép trong Rô 8:13, IICô 5:4, và Phil 3:11, mà biết chắc rằng linh hồn mặc lấy thân thể sống lại thì được tài năng cao xa hơn, hưởng phước trọn vẹn hơn lúc nó ở trong địa vị tạm cư giữa sự qua đời và sự sống lại; vì ngày mà linh hồn hưởng được hạnh phước tột bực chỉ là khi linh hồn hiệp với thân thể trong ngày sống lại đó thôi. Thế thì, thân thể phục sanh sẽ chẳng làm mối phương hại linh hồn trong cõi lai sanh đâu, bèn sẽ làm con đòi rất tốt phục sự linh hồn, giúp cho linh hồn có thể đạt đến bực hoàn toàn cực điểm vậy. Rô 3:23; IICô 5:4; Phil 3:11.

2.    KỂ KẺ NÓI RẰNG KINH THÁNH DẠY VỀ SỰ SỐNG LẠI LÀ LẦM GIẢI KINH THÁNH

Đảng chối đạo sống lại, lại viện lấy sự lầm giải Kinh Thánh làm lý cớ thứ hai để bài bác đạo ấy. Họ luận rằng Kinh Thánh thật có nhiều chỗ chép về sự sống lại, những kẻ viện lấy các chỗ ấy mà dạy có sự sống lại của thân thể, thì là lầm giải Kinh Thánh, vì các lời ấy là nói theo cách ngụ ngôn, về sự phục hưng của linh tánh, chớ chẳng phải là nói theo nghĩa đen đâu. Giả như tiên tri Êxêchien trong giấc mộng thấy trũng hài cốt của Y-sơ-ra-ên, bỗng chúc có tiếng vang và động đất, những xương khô kia đều nhóm lại hiệp thành từng cá thể, đoạn được hơi thở rồi sống lại, thành một đội quân rất lớn (Êxê 37). Lời đó là ví dụ chỉ dạy rằng dân Y-sơ-ra-ên dầu đã tan tác khắp nơi, đã tuyệt vọng làm một dân độc lập đi nữa, thì chắc cũng sẽ còn có thể dậy lại, được làm một dân đặc biệt như xưa. Họ nói lời Kinh Thánh dạy về sự sống lại cũng chỉ có nghĩa ngụ ngôn như thế thôi. Nhưng sở dĩ họ luận như thế là vì chính họ không hiểu thấu lẽ thật của Kinh Thánh. Sau đây xin chỉ vài ngộ điểm của lời bài bác ấy.

a) Kinh Thánh chẳng theo thể ngụ ngôn mà nói về sự sống lại: Kinh Thánh chép về đạo sống lại, thì dạy rõ ràng thân thể chết ở mồ mả sống lại, chớ chẳng dạy rằng: linh tánh ở trong mồ mả mà sống lại bao giờ (Gi 5:28,29; Phil 3:21; Itê 4:13-17). Có kẻ lại cãi rằng: “Thánh Phao-lô há không nói tín đồ sống lại bằng “thể thuộc linh” sao?” (ICô 15:44). Ta đáp: “Phải, nhưng Phao-lô gọi “thể thuộc linh” ấy không phải là thể bằng linh, hay là bằng linh tánh đâu, bèn gọi là thân thể thuộc về cõi linh giới vậy. Trong ICô 15 ông luận về sự sống lại của thân thể đã chôn trong mồ mả, đã tan ra bụi đất, chớ chẳng luận về linh tánh được phục hưng đâu, vì nếu giải nghĩa “thể thuộc linh” là linh tánh, thì mâu thuẫn quá, lý luận của Phao-lô ra phi lý lắm.

Lại nữa, Phao-lô cũng dạy rằng sự sống lại chẳng phải là việc đã qua đâu (IITi 2:18). Nếu sự sống lại là ngụ ngôn chỉ về linh tánh biến cải, như trong lúc tín đồ được tái sanh, thì tại sao Phao-lô còn nói sự sống lại chẳng phải là một việc đã qua rồi ư? Chẳng những thế thôi, Kinh Thánh cũng dạy rõ kẻ ác sẽ sống lại nữa (Công 24:15). Nếu cho từ liệu “sống lại” là ngụ ngôn, nói bóng về sự tái sanh, thì làm sao cắt nghĩa về kẻ ác sống lại được? Linh tánh họ há được tái sanh sao? Coi vậy thì đủ biết Kinh Thánh quả dạy rõ thân thể thật sống lại, chớ chẳng phải nói theo thể ngụ ngôn đâu.” Gi 5:28,29; Phil 3:21; ITê 4:16,17; ICô 15:44; IITi 2:17,18; Công 24:15

b) Kinh Thánh dạy cả tâm hồn lẫn thân thể được cứu chuộc: Kinh Thánh dạy rõ lắm không những là linh hồn được cứu chuộc thôi đâu, thân thể cũng được dự phần trong sự cứu chuộc nữa (Rô 8:23). Vả lại, thân thể là đền thờ của Thánh Linh (ICô 6:13-20) mà được rất tôn trọng dường ấy, trời nào nỡ tiêu diệt nó, trừ bỏ nó, mà để cho linh hồn chịu trần truồng trong cõi lai sanh! Không phải vậy đâu, vì Phao-lô dạy rằng tại vì Thánh Linh đương ngự trong thân thể ta bây giờ mà ta sẽ sống lại trong đời sau (Rô 8:11).

Cũng tại cớ hy vọng an ủi ấy mà Hội Thánh từ xưa đến nay hay tôn trọng tử thi của tín đồ, an táng cách thành kính, cẩn thận gìn giữ mồ mả của họ (Phil 3:21 so sánh với Ma 22:32). Thật như tục ngữ Anh nói: “Nghĩa địa của các thánh đồ là đồn điền của Đức Chúa Trời”. Lời ấy rất thú vị, bởi vì thân thể của tín đồ qua đời nầy, chỉ ngụ tạm ít lâu, rồi sau sẽ chổi dậy, được thân thể vinh hiển tột bực. Cho nên nói rằng: “Tin Chúa Jesus Christ, thì linh hồn được cứu” có lẽ không đủ nghĩa; vì hễ tin Christ, thì cả linh hồn lẫn thân thể đều được toàn cứu: trước là linh hồn từ lúc mình tín nhận Christ làm Cứu Chúa mình, sau là thân thể trong ngày phục sanh vậy. Rô 8:23; ICô 6:13-20; Rô 8:11

c)  Christ đã sống lại là xác chứng tín đồ cũng sẽ sống lại: Christ chịu chết trên thập tự giá, chôn trong mồ mả, rồi đến ngày thứ ba thì từ kẻ chết sống lại, làm trái đầu mùa của những kẻ ngủ trong Chúa. Thân thể sống lại của Ngài thể nào, thì thân thể sống lại của tín đồ cũng thể ấy (Lu 24:36; Gi 20:27). Chính thân thể mà Giô sép người Arimathê đã kính cẩn an táng trong huyệt mả mình, là thân thể mà ba ngày sau được sống lại. Thân thể ấy thần diệu lạ thường, có quan năng siêu phàm; tuy bằng vật chất, nhưng là thuộc linh, không còn phục dưới quyền công lệ vật chất nữa. Thân ấy dầu khác với thân sanh tiền, thì cũng chắc là thân thể do chính thân thể đã chôn trong mồ mả kia biến thành; thậm chí môn đồ sờ mó đến chỗ dấu đinh của Ngài được, để tay vào chỗ bị giáo đâm nơi hông Ngài được. Thân thể của tín đồ cũng sống lại như thể ấy; dầu sẽ có chỗ khác với thân thể sanh tiền, thì cũng quả là thân thể bởi thân thể đã nằm trong mồ mả biến thành, đến nỗi linh hồn của tín đồ nào đều sẽ nhìn nhận ngay là thân thể của mình, và người khác cũng có thể sờ mó và nhìn nhận ta quả là ta vậy (Đa 12:2; ICô 15:53,54). Hễ ai không công nhận thân thể tín đồ sẽ sống lại cũng chối luôn sự sống lại của Christ, vì đạo Christ sống lại là căn cứ của đạo tín đồ sống lại vậy. Lu 24:39; Gi 20:27; Đa 12:2; ICô 15:53,54; ICô 15:13

d) Nếu Chúa tái lâm là thực sự, thì tín đồ sống lại cũng là thực sự: Nếu chúng ta giải nghĩa sự tái lâm Chúa theo tự nghĩa, và công nhận là việc thực tình, mới hữu lý. Trong Rô 8:19-23 Phao-lô dạy thân thể tín đồ cũng thuộc trong vòng muôn vật bị phục dưới sự hư nát, vì chỗ “đồng bịnh tương liên” mà cùng nó than thở, trông mong sớm được buông tha khỏi vòng nô lệ ấy, hầu được dự phần trong sự tự do lúc Christ tái lâm. Trong Khải 21:4,5 Chúa hứa “sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt họ”, đến đỗi “sự chết không còn nữa, chẳng có sự buồn thảm, hoặc kêu oan, hoặc đau đớn nữa.” Các điều ấy thuộc về thân thể hơn là thuộc về linh tánh. Nếu thân thể không sống lại thì lau ráo nước mắt sao được? cứu khỏi sự chết, kêu oan, đau đớn thể nào? Nếu chúng ta nhận Chúa thật sẽ tái lâm thực sự hiển nhiên, và các phước hạnh cặp theo là thực tế, thì cũng phải nhận rằng tín đồ cũng sẽ sống lại cách thực sự hiển nhiên, và hưởng được các hạnh phước cặp theo ấy. Chẳng nhận vậy, thì hẳn đã chối luôn đạo đó vậy.

II. ÐẠO SỐNG LẠI TRONG KINH THÁNH      

Kinh Thánh thường luận về lẽ đạo sống lại, tuy từng thời đại mà khải thị, trước hết dùng tượng trưng mà diễn tả ra, rồi sau dùng lời lẽ mà nói rõ, thường bắt đầu từ lẽ cạn mà dạy lần đến lẽ sâu.

1.    CỰU ƯỚC LUẬN ĐẾN LẼ ĐẠO SỐNG LẠI

Kê cứu Cựu ước, thì thấy tín đồ trong thời đại ấy cũng trông cậy sự sống lại. Gióp tin chắc nhờ Đấng Cứu Chuộc mình mà xác thịt ông sẽ được sống lại để xem thấy Đức Chúa Trời (Gióp 19:25-27). Áp-ra-ham nhận Đức Chúa Trời có thể khiến Y-sác từ kẻ chết sống lại (Hê 11:19). Sau có các tiên tri và thi nhơn mở mang lẽ đạo ấy càng ngày càng rõ hơn, tín ngưỡng rằng sau khi người ta qua đời rồi, thì thân thể với linh hồn chắc sẽ còn có dịp trùng phùng hội ngộ nữa, bấy giờ mới gọi là đạt đến bậc thành nhơn trọn vẹn vậy. Các thi nhơn cũng luận rằng linh hồn ở nơi âm phủ còn nhiều khuyết điểm lắm, duy khi đạt đến sự sống lại mới gặp con đường sống, hưởng trọn sự khoái lạc, vinh hiển vì được ở bên hữu Chúa, thấy mặt Ngài tỏ tường (Thi 16:9-11; 17:15). Ôsê dự ngôn đến đạo sống lại; Êxêchien cũng thấy dị tượng về trũng đầy hài cốt được sống lại để ám chứng về sự phục sanh (Êxê 37:1-14). Luận về lẽ đạo sống lại rạch ròi hơn hết là tiên tri Ê-sai (Ês 26:19); mà tiên tri Đa-ni-ên cũng luận đến rất rõ, phân biệt sự sống lại của người thiện với kẻ ác tỏ tường (Đa 12:2). Gióp 19:25-27; Thi 15:10; Thi 17:15; Ês 26:19; Đa 12:2

2.    DÂN DO THÁI TÍN NGƯỠNG SỰ SỐNG LẠI

Tân ước minh chứng rằng trong thời kỳ Christ giáng sanh thì dân Do Thái tín phục đạo sống lại. Mathê trông mong em mình là Laxarơ sẽ sống lại ở ngày cuối cùng (Gi 11:24). Phe Pha-ri-si và phe Sađusê thường khẩu chiến với nhau về vấn đề sống lại (Công 23:6-8). Mỗi khi Chúa Jesus giảng về đạo sống lại, thì ám chứng rằng dân chúng phần đông đều tín phục đạo ấy cả (Ma 22:23-33; Lu 20:27-38; Gi 5:28). Dầu lúc đó có phe Sađusê phản đối không nhận kẻ chết sống lại, thì phe ấy cũng không đủ sức để chống cự nổi với lòng tín ngưỡng của đại chúng; vì ai nấy đều tín phục lời giảng của phe Pha-ri-si, là phe công nhận đạo sống lại vậy.

3.    CHRIST DẠY VỀ LẼ ĐẠO SỐNG LẠI

Xem bốn sách Tin Lành, thấy Christ dạy rất rõ về kẻ chết sống lại.

a)    Ba sách Tin Lành đầu: Trong ba sách Tin Lành đầu, là Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca, có vài chỗ luận riêng về người công nghĩa sống lại (Lu 14:14); về tuyển dân được sống lại (Ma 24:31; Mác 13:27); về bất luận người thiện kẻ ác đều chắc sẽ sống lại; vì kẻ thiện từ phương đông, phương tây sẽ đến ngồi đồng bàn với Áp-ra-ham, Y-sác và Giacốp trong nước trời; còn kẻ ác thì bị liệng ra chốn tối tăm ở ngoài, tại đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng (Ma 8:11,12). Ấy đủ chứng Chúa Jesus dạy rõ thiên hạ vạn dân đều chắc sẽ sống lại. Lu 14:14; Mác 13:27

b)    Sách Tin Lành Giăng: Sách Tin Lành Giăng ký thuật nhiều lời Chúa Jesus giảng luận về đạo lai thế rất rõ ràng, chú trọng về sự sống lại của kẻ chết. Tin Lành Giăng tỏ ra Christ là căn nguyên của mọi thứ sự sống, nào là sự sống thuộc linh hay là sự sống thuộc thể. Nếu Ngài có quyền khiến cho linh hồn vẫn chết trong vòng tội lỗi được tái sanh, thì cũng có quyền làm cho kẻ chết trong mồ mả được sống lại nữa (Gi 5:24; 17:2). Nhân cơ hội Laxarơ chết, Chúa Jesus đem lẽ đạo sống lại mà giảng luận cho Mathê rất cặn kẽ (Gi 11:24,25), chỉ dạy Ngài cầm quyền sống chết; hễ ai lấy đức tin liên hiệp với Ngài, thì dầu chết cũng vẫn sống, đã sống về phần thuộc linh, mà sẽ còn sống về phần thuộc thể nữa (Gi 11:25; 5:21; 6:40,44). Sau khi Chúa Jesus sống lại, thì Ngài đã ở chung với môn đồ đến 40 ngày, ngôn ngữ cử chỉ của Ngài cũng đủ bày tỏ ra yếu nghĩa và chơn tướng của sự sống lại, để chứng thực rằng sự sống lại là chắc chắn lắm vậy (Gi 20:20,27; Lu 24:15,38-42; Công 10:41). Gi 5:24 ; Gi 17:2; Gi 11:25; Gi 5:21; Gi 6:40,44; Gi 20:20,27; Lu 24:39

4.    CÁC SỨ ĐỒ LUẬN VỀ ĐẠO SỐNG LẠI

Tân ước cũng tỏ ra các sứ đồ đều công nhận và truyền bá đạo sống lại

a) Sách Công Vụ Các Sứ Đồ: Đọc truyện các sứ đồ chép trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ, thấy họ chẳng những tín nhận lẽ đạo sống lại, mà cũng coi lẽ đạo ấy là quan hệ lắm, chuyên tâm truyền bá khắp nơi, quả quyết là có bằng chứng rõ ràng chắc chắn (Công 1:22; 2:24-31; 3:15; 4:10-33; 5:30-32; 10:40). Trong ngày lễ Ngũ tuần Phi-e-rơ lấy thực sự về Christ phục sanh làm chủ ý của bài giảng mình. Cũng nhờ quyền năng của lời chứng ấy mà thính giả chịu cảm động tha thiết, quyết công nhận Christ là Cứu Chúa và Mê-si của họ. Trong thơ tín của ông, ông cũng chứng rằng sự tái sanh do quyền năng của Christ phục sanh mà được nên (IPhi 1:3,21). Truyện sứ đồ cũng nói các sứ đồ đều được ơn tha tội, nhận lãnh Thánh Linh, được quyền chữa bịnh, đuổi quỉ, truyền đạo cách có linh nghiệm, thảy đều do Christ đã từ kẻ chết sống lại (Công 2:32,33; 4:10; 5:31). Thực, hành truyện các sứ đồ minh chứng rằng đạo sống lại thật quan hệ nhứt cho lòng tín ngưỡng ta.

b) Thơ tín Phao-lô: Phao-lô truyền đạo đến đâu, cũng thường giảng về vấn đề sống lại. Khi ông giảng dạy người Do Thái, thì giải nghĩa thể nào sự sống lại của Christ đã làm ứng nghiệm lời của Đức Chúa Trời hứa với tổ phủ họ, quyết dạy rằng chỉ nhờ sự sống lại đó mà Ngài có thể làm xong công việc cứu rỗi (Công 13:32-39). Khi Phao-lô giảng vấn đề sống lại cho người ngoại bang, thì có khi bị người ta nhạo báng cười quá đỗi, kể là đạo mới vô lý (Công 17:32; 26:8). Trong các thơ tín, nhứt là thơ Côrinhtô tiền, ông luận rất cặn kẽ và rõ ràng về sự sống lại của tín đồ, tỏ ra sự sống lại của Christ là nguyên nhơn và cam đoan về sự sống lại của ta (ICô 15). Cũng tỏ ra sự sống lại của Christ là năng lực của đời sống mới của tín đồ (Rô 6:4; Ga 2:20; Phil 3:10,11); và thân thể họ được sống lại là kết cuộc của đời sống mới ấy vậy. Công 13:37-39; Công 17:32; ICô 15:16; Rô 6:4; Phil 3:10,11

c)  Sách Khải huyền: Sách Khải huyền luận rõ về sự sống lại, dự tả ngày sống lại của người thiện và kẻ ác, chia ra hai lần, thứ nhứt và thứ hai khác nhau: kẻ thiện có phần trong sự sống lại thứ nhứt nhằm ngày Chúa tái lâm; còn kẻ ác đợi đến một ngàn năm sau mới được sống lại, để bị phán xét vậy (Khải 20:4-6, 11-15)

III. THỨ TỰ TRONG CUỘC SỐNG LẠI           

Phao-lô luận về sự sống lại thì dạy rằng chúng ta sống lại, mỗi người đều theo thứ tự mình (ICô 15:23). Mà thứ tự ấy là thể nào? Đáp: Có ba hạng như sau đây:

1.    Hạng thứ nhứt: Christ: Christ là trái đầu mùa của sự sống lại, Ngài từ trong kẻ chết mà sống lại trước hết. ICô 15:23; Côl 1:18

Có người hỏi: Xưa tiên tri Ê-li và Ê-li-sê há chẳng từng khiến kẻ chết sống lại sao? Chúa Jesus Christ há không kêu kẻ chết sống lại ư? Vậy, sao nói Christ sống lại trước hết? Xin đáp: Những người ấy chỉ được sống lại bằng thân thể cũ, chớ chẳng được thân thể thuộc linh, vì thân thể sống lại của họ vẫn còn phải chết một lần nữa. song Christ sống lại thì được thể thuộc linh, không còn có thể chết nữa, vì đã hóa ra một thể trường sanh bất tử vậy.

2.    Hạng thứ hai: những kẻ thuộc về Christ: Kịp khi Christ tái lâm, thì những kẻ thuộc về Ngài đều được sống lại, được thân thể chẳng hay hư nát, là thân thể giống như chính thân thể Ngài được trường sanh bất tử vậy (ICô 15:23; ITê 4:15,16).

Hạng thứ hai nầy bao hàm hết thảy các thánh đồ đã ngủ trong Chúa từ đời A-bên cho đến ngày Christ hiện đến. Tro bụi của họ đã rải ra khắp đất, phần thì chím dưới biển sâu, phần thì lộn trong đất khô, chôn trong rừng rậm, vùi trên núi cao, nhưng Chúa biết tất cả chỗ kín giấu; đến ngày sống lại Ngài sẽ kêu dậy hết thảy, ban cho họ thân thể bất tử bất diệt, rất khôi ngô vinh hiển bút trần khôn thể tả được. Ngài sẽ chẳng bỏ quên một người hèn mọn nào. Cho nên hôm nay tín đồ cũng có thể đồng thinh với Đa-vít mà hát xướng rằng: Thi 16:9,10

3.    Hạng thứ ba: những kẻ ác: Những kẻ ác thuộc trong hạng thứ ba, được sống lại một ngàn năm sau lúc tín đồ sống lại và sau thời kỳ Thiên hy niên, hết thảy kẻ ác từ thái cổ cho đến tận thế đều có phần trong kỳ sống lại ấy. Khi họ đã sống lại rồi, liền chịu xét đoán trước ngai sắc trắng, rồi bị bỏ vào hầm lửa cháy phừng phừng, chịu khổ tại đó cả ngày lẫn đêm cho đến vô cùng vô tận. Khải 20:5,12-14. Cũng xem Công 24:14,15; Đa 12:2; Gi 5:28,29

IV.  HÌNH THỂ SỐNG LẠI     

Kẻ chết sống lại thì lấy hình trạng thể nào mà dậy? Ấy là vấn đề mơ hồ khó giải, vì Kinh Thánh không nói rõ. Nhưng như ta đã luận ở trên, thân thể sống lại, tuy là do hột giống của thân thể cũ mà ra, thì cũng chắc hẳn chẳng phải là tập hiệp lại các nguyên tố từ chút đất mảnh xương của tiền thân mình đã tan rã ra đó mà kết thành đâu. Nếu Kinh Thánh đã không dạy rõ về hình trạng thân thể và linh hồn chúng ta đời sau thể nào, thì ta đâu dám lấy lường nghêu mà lường nước biển, cả gan ức đạt thể nầy thể nọ. Chỉ xin theo lời Kinh Thánh đã khải thị về vấn đề ấy mà luận qua hình thể sống lại, mới mong khỏi lầm tội lỗi.

1.    HÌNH THỂ CỦA NGƯỜI THIỆN

Về hình thể sống lại của người thiện xin lần lượt tường luận ý nghĩa như sau đây:

a) Ví dụ hột giống với lúa: Trong thơ Cô-rinh-tô tiền, đoạn 15, Phao-lô lấy ví dụ về hột giống gieo xuống và cây lúa mọc lên để đáp lẽ cho lời bài bác về hình thể sống lại. Ông rằng: ICô 15:36-38

Nghiệm lời ấy thì có thể hiểu sơ sơ hình thể sống lại đối với hình thể cũ có quan hệ nhau là thể nào. Như xét về lúa mì, thì biết rằng cây lúa đã từ hột giống mọc ra đó không gồm có cả mọi phần tử, mọi chất điểm của hột đã gieo, có lẽ cũng không có một nguyên chất nào của hột giống ấy nữa kia.

Dầu vậy, giữa cây lúa và hột giống ấy vẫn có tương quan hữu cơ liên lạc rất mật thiết giữa lúa chín và hột giống đã gieo. Nếu hột giống đã gieo ra bị hoàn toàn tiêu diệt, và lúa chín kia lại được dựng nên trực tiếp, thì không còn có thể gọi hai vật ấy còn có tánh đồng nhất nữa, bèn là hai vật khác hẳn nhau, đều được dựng nên đặc biệt. Nhưng vì cây lúa mới đó vốn ở trong bản tánh hột giống cũ kia mà ra, nên không hề dứt được mối liên lạc, và chúng ta có thể nói lúa mì đã gieo kia mới mọc lên đó rồi. Về hình thể sống lại cũng một thể ấy. Thân thể mới không cần phải gồm đủ cả mỗi phần tử chất điểm của cái cũ; những cái mới đó vẫn sẽ từ trong bản tánh của cái cũ mà ra, đến đỗi ta có thể nói rằng hình thể sống lại và hình thể tống táng trước kia, nguyên chất tuy khác, song tánh vẫn đồng nhứt vậy. (Đây không nói về tình dục xác thịt, bèn chỉ nói về cái nguyên tố tổ hiệp lại thân thể hữu cơ đó thôi).

b) Cảnh huống của Christ sống lại: Xét nghiệm cảnh huống của Christ sống lại, thì sẽ hiểu rõ hơn về hình thể sống lại của tín đồ sẽ ra thể nào. Giăng chép rằng: IGi 3:2

Theo lời ấy, tín đồ sẽ sống lại khi Chúa hiện đến được trở nên giống như Ngài. Dường ấy, cảnh huống của Christ phục sanh cũng sẽ là cảnh huống của tín đồ sống lại vậy. Vả, sau khi Christ đã sống lại, thì Ngài giao thiệp với các môn đồ; hình tích dấu đinh vẫn còn nguyên, mắt thấy được, tay sờ được. Mồ đã niêm phong kia không thể ngăn cản Ngài, cửa nhà bế tỏa nó không thể hạn chế Ngài. Ngài qua lại tự do, muốn hiện ra nơi nào thì hiện, muốn ẩn vào lúc nào thì ẩn. Môn đồ có khi gặp Ngài mà không nhìn biết được. Dầu hình thể Ngài có đó vẫn như khi trước, nhưng trạng thái thì khác xa: trước là hình thể thuộc huyết khí, mà sau là hình thể thuộc linh. Xác thịt bị không gian và thời gian hạn chế; song hình thể thuộc linh thì ẩn hiện tự do, thần kỳ vô hạn, cảnh trần giới nầy không sao bó buộc được nữa. hình thể của chúng ta sống lại cũng sẽ như thế, vì chúng ta có lời hứa rằng: “sẽ giống như Ngài, vì sẽ thấy Ngài như Ngài vốn thật là vậy.”

c)  Hình thể sống lại thích hiệp với cảnh trạng lai sanh: Xem xét mọi vật trong cõi thiên nhiên, ta thấy vật nào cũng thảy đều thích hiệp với cảnh trạng nầy cả. Chim bay trên trời xanh, cá lội dưới nước biếc, người sống trên đất, thú dạo trong rừng, đồ ăn vừa bụng, khí hậu vừa phổi, quang cảnh vừa mắt, âm thanh vừa tai, mỗi mỗi thảy đều thích hiệp nhau cả. Vả, chúng ta biết Đức Chúa Trời là Đấng nhơn từ khôn ngoan, Ngài cũng đã dự bị mọi cảnh được rất thích hiệp với muôn vật. Vậy, vì hình thể của chúng ta sống lại sẽ ở trong thế giới thần linh quang minh thánh khiết, được đồng sống với Chúa đời đời, được giao thiệp với các vị linh sáng láng siêu phàm, thì hình thể ấy cũng sẽ thích hiệp với cảnh trạng của thế giới ấy, không còn chết chóc, không thấy hư nát nữa, nhưng trường sanh bất tử cho đến vĩnh viễn vậy.

d) Suy diễn về sự biến hóa của loài vật: Khoáng học dạy rằng chất than đá ra kim cương thạch (ngọc thủy xoàng). Tuy trước kia than đá và ngọc thủy xoàng vẫn đồng một gốc, song nay công dụng, giá trị và hình trạng của đôi bên khác nhau xa lắm. Ta cũng thường thấy con tằm nó nhả tơ vây kén, rồi thu mình ở trong đó dường như đã chết rồi, mà sau lại sống dậy chun ra, hóa thành con bướm xin đẹp, có thể bay liệng đây đó dễ dàng. Nguyên trước nó là loài bò sát, mà sau lại trở nên loài bay liệng, ấy là hai trạng thái thật khác nhau xa lắm. Trước nó ăn lá dâu, sau lại hút sương móc; nào hình thể, nào cử chỉ, nào thị dục của nó đều biến đổi hẳn cả. Người sống lại cũng như thế.

e) Suy diễn về năng lực biến hóa của Chúa: Trong thơ Phi-líp Phao-lô chép rằng: Phil 3:20,21

Vả, Khải huyền mô tả thân thể vinh hiển Chúa như mặt trời sáng chói. Đương khi Chúa còn ở thế gian, thì Ngài cũng đã hiện ra một lần ở trên núi kia, thân thể Ngài được vinh quang sáng chói như vậy. Christ đã có quyền biến hóa thân thể hèn mạt ta ra giống như thân thể vinh hiển của Ngài, thì chúng ta nhờ đó suy ra mà biết được hình thể thuộc linh của ta sẽ như thể nào vậy. Kìa, các tay thợ giỏi còn có thể nắn đất thành những khí mạnh tốt đẹp thay, huống chi Chúa Jesus vốn có năng lực ấy mà biến hóa muôn vật thì Ngài hẳn sẽ lấy năng lực ấy mà biến hóa hình thể hèn mạt của chúng ta ra vinh hiển sáng láng dường nào!

2.    HÌNH THỂ CỦA KẺ ÁC

Hình thể của kẻ sống lại, Kinh Thánh cũng không nói rõ. Song xét công lệ thiên nhiên thì ta thấy hình thể của muôn vật đều thích hiệp với tình trạng và bản tánh của nó cả. Ấy vậy, chúng ta lấy lý mà suy luận rằng chắc là hình thể của kẻ ác sống lại phải thích hiệp với hầm lửa diên sanh, với âm phủ tối tăm cực kỳ khổ sở. Nếu hình thể của người thiện sẽ giống như Chúa Jesus Christ thì hình thể của kẻ ác sống lại chắc cũng giống như Sa-tan. Vì tục ngữ rằng: “Cây nào trái nấy, rau nào sâu ấy”. Theo Khải 22:11 thì trong cõi lai sanh kẻ ác sẽ cứ thêm ác mãi, kẻ ô uế cứ càng ô uế hơn, cũng như ở trên trời, người công nghĩa sẽ cứ công nghĩa mãi, kẻ thánh khiết vẫn cứ thánh khiết luôn vậy. Bản tánh của ai ở cõi kim sanh nầy thể nào, thì ở chốn lai sanh kia cũng sẽ cứ mở mang tấn bộ thể ấy cho đến đời đời vô cùng. Khải 22:11

 

TỔNG ĐOÁN

Lẽ đạo sống lại đã luận qua trên đây, dầu là diệu kỳ thật, đến nỗi Kinh Thánh phải gọi là sự mầu nhiệm lớn (ICô 15:51), nhưng chớ nhơn sự lạ lùng khó hiểu ấy mà cho là đạo hư không, chẳng có sự chơn thật đáng tin. Lẽ đạo sống lại chẳng những Kinh Thánh dạy một cách cặn kẽ thôi đâu, nhưng hơn nữa, chính Chúa Jesus Christ đã từ trong kẻ chết sống lại, trở nên trái đầu mùa về cuộc sống lại của tín đồ đã ngủ yên trong Ngài rồi. Ngài sống lại là chắc chắn thể nào, thì sự sống lại của ta là chắc chắn thể ấy. Vậy ai còn dám nghi ngờ gì nữa ư?

 

Chương 5 – LUẬN VỀ SỰ PHÁN XÉT      

THEO luân lý của loài người thì tự nhiên biết rằng lành thưởng, dữ phạt. Ở trong sự thưởng phạt đó nguyên chẳng có sự sai chạy chút nào. Thế mà xem qua sự báo ứng của đời nầy, thấy chênh lệch mọi bề, ấy đương nhiên biết chắc phải có sự phán xét sau cùng để định sự thưởng phạt đúng đắn cho người lành kẻ dữ, mới gọi là công bình vậy. Ý kiến ấy chẳng những là theo lẽ thật của đạo Christ, theo tâm lý chung của người đời, thích hiệp với tín ngưỡng của các nhà tôn giáo xưa nay vậy.

I. LÝ DO CỦA SỰ PHÁN XÉT          

Suy gẫm về sự phán xét, thì liền nảy ra vấn đề nầy: Cớ sao cần phải có sự phán xét? Đức Chúa Trời là Đấng vô sở bất tri, mọi sự mọi vật trong vũ trụ nầy đều trình bày trước mặt Ngài, tâm địa và phẩm giá của mọi người Ngài đều hiểu thấu cả, chẳng có cái gì giấu khỏi mặt Ngài được. Vậy tợ hồ không cần có sự phán xét hiển nhiên thì phải hơn chăng. Vả lại, ta thường thấy bất luận dân tộc nào, nước nào, người nào, Đức Chúa Trời cũng đều tùy công việc làm của họ mà thưởng phạt họ duy chẳng kíp thì chầy đó vậy thôi, thế thì cần chi phải có kỳ phán xét đặc biệt? Sau đây xin đem vài ba lý cớ để đáp lẽ nghi vấn ấy.

1.    Vì sự báo ứng chưa được trọn vẹn: Đức Chúa Trời không cần đợi đến ngày phán xét chung mới biết người lành kẻ dữ đâu. Ngài vốn vô sở bất tri, nên cũng rõ sự thưởng phạt của họ sẽ ra sao rồi. Kịp khi người qua đời, thì linh hồn tức thì tùy công trình của mình mà hưởng phước hay bị họa. Trong đời nầy Ngài cũng từng chiếu theo sở hành của mỗi nước, mỗi dân, mỗi giống mà thưởng phạt họ ngay trước mặt. Song sự thưởng phạt ấy vẫn chưa đầy đủ, chưa bày tỏ trọn vẹn sự công nghĩa của Đức Chúa Trời. Cho nên cần phải có một kỳ phán xét đặc biệt, trước hết để làm đầy đủ sự thưởng phạt, rồi sau để tỏ bày sự công nghĩa của Đức Chúa Trời. Ta có thể nói rằng khi người ta qua đời, thì đã bị phán xét ẩn nhiên rồi; song đến ngày phán xét chung, họ lại còn phải chịu phán xét bề hiển nhiên nữa vậy. Hê 9:27; Rô 2:5,6. Cũng xem ITi 5:24,25; Khải 14:13; Truyền 12:14

2.    Nhiều việc chưa xử đoán công bình: Ta thường thấy trong đời nầy có nhiều việc chưa được xử đoán theo lẽ công bình. Kìa, toà án có khi xử đoán không công bình, xã hội không bình nghị thỏa đáng; phải quấy trái ngược, thiện ác xáo lộn. Dầu rằng, “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, thì cũng còn nhiều điều bất minh, như người hiền chết yểu, kẻ ác sống lâu, hình như chậu úp khôn soi, lưới trời còn lọt vậy. Nếu không có sự phán xét sau cùng, thì phải quấy làm sao phân minh được, thưởng phạt thế nào công chánh được, lẽ công bình của Trời tỏ ra thế nào ư? ICô 4:5. Cũng xem Rô 2:5,6 viện dẫn ở trên.

3.    Vì công ơn của Christ chưa tỏ rạng: Công ơn cứu chuộc của Christ thật lớn lao thay! Lạ kỳ thay! Nhưng vũ trụ chưa rõ, thiên sứ chưa thấu, muôn dân cũng chưa hiểu tường tận. Nên cần phải có một ngày phán xét sau cùng để phô bày công ơn cứu rỗi lạ lùng ấy. Khi đó những thánh đồ được cứu từ trong mọi dân mọi nước đều đứng trước tòa án của Christ, tùy công lãnh thưởng, khiến cho muôn vật vì mọi vật đều ngạc nhiên vì thấy ân điển của Chúa đã ban cho họ thật lớn lao lạ kỳ dường nào! Sa-tan và bộ hạ của nó cũng đều sẽ bị đoán phạt bởi cơn thạnh nộ của Chiên Con, bỏ cách xa khỏi hiện diện Ngài, mà chịu cực khổ cho đến vô cùng. Công ơn cứu chuộc của Christ phải được tỏ rạng ra trọn vẹn là như vậy. IITê 1:6,10; Êph 2:7,8; IITi 2:10

II. NGHĨA LÝ CỦA SỰ PHÁN XÉT     

Sự phán xét nguyên chẳng phải là sự điều tra cho rõ phải trái, xét hạch để ghi thiện ác đâu; bèn là bày tỏ minh bạch chơn tướng của mọi người ra là thể nào, để cho cả vũ trụ đều rõ sự thưởng phạt đó không thiên vị độc đoán, bèn là ngay thẳng đúng đắn mọi bề. Vì Đức Chúa Trời đã biết tâm địa và phẩm giá của mọi người rồi, chỉ cần bày tỏ cho vũ trụ cũng biết chỗ thưởng phạt tương xứng đó là đủ. Ấy là nghĩa lý đại thể của sự phán xét. Kê cứu đặc biệt hơn, thì lại thấy:

1.    KỲ PHÁN XÉT ĐÃ ĐỊNH

Sự phán xét chung chẳng phải một cuộc tiến triển thuộc linh vô cùng vô tận, đồng nhứt với cuộc thần hữu vô hình ở trong cõi lịch sử đâu; bèn là một biến động bề ngoài tai nghe được, mắt thấy được, phải xảy ra trong kỳ hạn nhứt định của cõi tương lai. Về kỳ phán xét ấy Kinh Thánh dạy rằng:

a)    Kẻ bất nghĩa bị giam cầm cho đến kỳ phán xét: IIPhi 2:9. Cũng xem câu 4.

b)    Sự phán xét thuộc về cõi tương lai: Công 24:25. Cũng xem Hê 10:27

c)     Sự phán xét xảy ra sau khi qua đời: Hê 9:27

d)    Sự sống lại dọn đường cho sự phán xét: Gi 5:29

e)    Chính Đức Chúa Trời dự định ngày phán xét: Công 17:31

2.    TRẪM TRIỆU CỦA SỰ PHÁN XÉT TỎ RA TRONG TÂM TÁNH NGƯỜI TA

Trẫm triệu của sự phán xét đã tỏ ra trong tâm tánh người ta bằng các lương năng gồm có trong đó, như là:

a)    Lương năng khen lành tránh dữ đã châm sâu ở nơi lòng, ám chỉ rằng sự phán xét chung rất thích hiệp với bản tánh của ta.

b)    Trí nhớ mọi việc mình đã làm hoặc thiện hoặc ác, ngầm chứng rằng sự phán xét có lẽ lắm; vì sự chết của xác thịt chẳng giảm bớt sức nhớ của ta đâu, bèn gia thêm thì có (Lu 16:25).

c)     Lòng phân biệt phải quấy cũng tự cáo mà lên án cho mình, tự nhiên nhận rằng việc thiện chắc được thưởng, việc ác không khỏi bị phạt (Rô 2:15,16; Hê 10:26,27). Lu 16:25; Rô 2:15,16; Hê 10:26,27

3.    ÁN PHÁN XÉT ĐÃ QUYẾT ĐỊNH

Công việc thiện hay ác đều đã bị xét đoán trước rồi, tội chối Christ đã định trước cảnh trạng tương lai của tội nhơn rồi; đến kỳ phán xét chỉ tỏ ra cho muôn vật được biết đó thôi. ITi 5:24,25; Gi 3:18

4.    ÁN PHÁN XÉT CHỈ THI HÀNH

Người ta khi nhắm mắt tắt hơi, linh hồn chia ra hai ngõ: người nầy bị bỏ xuống địa ngục, chịu cực khổ vô cùng; kẻ kia được đem lên thiên đàng, hưởng vui vẻ lạ lùng. Ấy là án xử quyết đã thành rồi, ở đời sau chẳng có án treo, cũng chẳng ai có thể chống án đến tòa nào được nữa, vì Christ là tòa thượng phẩm của Đức Chúa Trời vậy. Lu 16:22,23,2. Cũng xem Lu 13:28

5.    SỰ PHÁN XÉT GỒM CÓ HAI VIỆC LÀ ĐƯƠNG THIỆN VÀ TRUẤT ÁC

Sự phán xét chẳng những là xét ngôn hạnh bề ngoài, bèn là phân biệt tốt xấu ở trong tâm linh của mọi người, để tỏ ra chân tánh của họ, rồi trình bày điều ấy ở trước mặt thiên sứ và loài người, mà đương danh người lành, truất tên kẻ dữ. Khi ấy chẳng ai giả mạo được; chân tướng mình là thể nào ắt được tỏ ra rõ ràng thể ấy, không giấu giếm gì được cả. Lu 12:2,8,9; IICô 5:10; Khải 20:12

III. QUAN ÁN CỦA CUỘC PHÁN XÉT

Nói rộng, Đức Chúa Trời là Quan án, duy Ngài cầm quyền phán xét. Trước giả thơ Hê-bơ-rơ gọi Ngài bằng “quan án của mọi người” (Hê 12:23). Nhưng sự thi hành quyền phán xét Ngài đã giao cho Christ, lập Ngài làm Đấng Chấp pháp của cuộc phán xét trong ngày sau rốt vậy. Gi 5:22,27; Công 17:31; Rô 2:16

Sau đây xin thử gẫm vì cớ nào mà Đức Chúa Trời lập Chúa Jesus Christ làm Quan án để thi hành cuộc phán xét.

1.    VÌ NGÀI CÓ NHƠN TÁNH

Lập Chúa Jesus Christ làm Quan án hiệp nghĩa lý lắm, bởi vì Ngài có nhơn tánh trọn vẹn. Loài người chỉ nhờ ở trong nhơn tánh của Christ mà hiểu được cả luật pháp lẫn lòng yêu thương của Đức Chúa Trời, nên cũng nhờ đó mà hiểu thấu cái lý do của quyết án nữa. Luật pháp của Đức Chúa Trời được ghi tạc ở trong đời sống của Chúa Jesus bằng chữ sống, tỏ ra điều Đức Chúa Trời đòi trong chúng ta, mà chúng ta tự nhiên không làm nổi. Christ cũng tỏ lòng yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta mà thế vị ta vừa giữ luật pháp vừa chịu gia hình luật pháp đã định cho kẻ phạm pháp. Vậy, nếu người ta chối bỏ, khinh bỉ sự yêu thương ấy, mà phải bị hình phạt đời đời, lẽ nào lại không hiểu cái hình án ấy là hiệp lẽ công bình lắm ư?

2. VÌ NGÀI CÓ THẦN TÁNH

Christ không những có nhơn tánh; lại còn có thần tánh hoàn toàn, mới làm Quan án hiệp nghi mà xử đoán công chính trong cuộc phán xét chung. Ấy tại hai cớ nầy:

a) Có thần trí: Sự phán xét nầy không những phán xét việc bề ngoài của người ta, mà cũng thấu rõ trong lòng họ nữa; chẳng những là điều tra các việc đã bại lộ mà cũng tra xét điều ẩn bí nữa (Hê 4:13; Truyền 12:14). Không phải là xét xử một người riêng, bèn là phân biệt thiện ác của mọi người trong mọi đời. Còn Đấng Chấp pháp có thần trí, nên cũng làm được việc ấy dễ dàng, vì Ngài thông biết mọi lòng, hiểu thấu mọi việc. Hê 4:13; Truyền 12:14

b) Có thần quyền: Christ là Đức Chúa Trời, nên có thần quyền để thi hành cuộc thưởng phạt đúng theo như Ngài đã phán định. Bằng chẳng vậy, dẫu có phán định rồi đi nữa, cũng nào có ích chi cho người lành, và có hành gì được kẻ dữ ư? Christ là Đấng vô sở bất tri, nên mọi sự mọi vật đều trình bày ở trước mặt Ngài như chánh ngọ, chẳng một điều gì giấu giếm Quan án được. Đã là Đấng vô sở bất tri, mà cũng là Đấng vô sở bất năng nữa, nên trong cuộc phán xét ấy thảy đều thi hành đúng theo sự phán quyết của Ngài cả. Gi 5:22,27

3.    VÌ THẦN TÁNH VÀ NHƠN TÁNH NGÀI HIỆP LÀM MỘT NGÔI

Nhơn tánh trọn vẹn hiệp lại với thần tánh hoàn toàn của Ngài mà thành một Vị cách Thần nhơn, có đủ tư cách siêu việt phán xét cách đoan chính, gồm cả hai lòng thương xót và lẽ công bình nữa. Ấy vì hai cớ nầy:

a) Vì Ngài theo thể tuất: Chúa Jesus Christ đã giáng sanh làm người, từng trải công việc loài người chịu đủ mọi sự thử thách cũng như chúng ta. Vì Ngài hiểu biết sự yếu đuối của loài người, nên cũng rất thể lượng, khoan dung, nhẫn nại với chúng ta, sẽ chẳng xét xử ta quá ư nghiêm khắc đâu. Hê 4:15

b) Vì Đấng Chấp pháp cũng là Người Tuân pháp: Christ đều là Đấng Chấp pháp mà giữ vẹn luật pháp của Đức Chúa Trời, chẳng thiếu kém chỗ nào hết. Lại Ngài cũng nhờ thần tánh mà biết mọi người mọi sự, đến đỗi sự phán quyết của Ngài không thể sai lầm chỗ nào cả. Đối với kẻ chữa mình mà nói Ngài không biết chỗ khó giữ luật pháp, thì Ngài đem việc tuân pháp trọn vẹn của mình mà đáp lại cho. Còn kẻ nào nói Ngài không rõ nỗi lòng của họ, thì Ngài đem thần trí mình mà chỉ cho, khiến ai nấy phải ngậm miệng cả, chẳng còn dám dối nại gì được nữa, vì ai nấy đều tự cảm biết rằng cả sự phán quyết của Ngài đều là theo lẽ công bình trọn vẹn. Công 17:31

4.    VÌ NGÀI LÀ ĐẤNG TRUNG BẢO

Christ là Đấng Trung bảo, có trách nhiệm làm trọn sự cứu rỗi dân sự Ngài, bày tỏ cho mọi sanh vật đều biết sự cứu rỗi hoàn toàn lạ lùng ấy. Ngài cũng phải đánh đổ các thế lực phản nghịch, tiêu diệt mọi cừu địch, để tỏ ra cả việc cứu rỗi lẫn cuộc hình phạt đều là chí công chí chánh. Cho nên khi Đấng Thần nhân ngự trên tòa án của vũ trụ mà tuyên bố và thi hành sự phán xét chung, thì điều ấy minh chứng rằng công việc cứu rỗi loài người đã hoàn toàn, và Cứu Chúa đã lãnh phần thưởng về sự thương khó Ngài mà được làm Quan án để xét xử phân minh mọi người mọi việc vậy. IITê 1:6-10; Khải 1:7

IV. THỨ TỰ CỦA CUỘC PHÁN XÉT   

Phái Thiên hy niên hậu luận về vấn đề phán xét, thì thuyết lý rằng, mọi người sẽ đồng ứng hầu trước tòa phán xét của Christ, không phân biệt lớp trước lớp sau. Song kê cứu Kinh Thánh thì thấy sự phán xét chắc có thứ tự trước sau rõ ràng như sau đây:

1.    CUỘC PHÁN XÉT TÍN ĐỒ

a) Tín đồ ứng hầu trước tòa của Christ: Kịp khi Christ tái lâm thì tín đồ ngự trong Chúa đều sẽ sống lại, kế đó tín đồ còn sống đều sẽ được hóa ra thân thể chẳng hay hư nát, rồi cả hai đều sẽ được cất lên trời, cùng nhau đồng đứng trước tòa của Christ để chịu phán xét về công việc mình đã làm đương khi còn ở đời nầy. Sự phán xét nầy chẳng có quan hệ chi đến vấn đề tội, vì tội của tín đồ đã chịu phán xét ở nơi Christ lúc Ngài chịu chết trên thập tự giá cả rồi (Gi 5:24); bèn là can hệ đến công trình, đến thưởng trách. Tín đồ đều chiếu theo việc làm của mình mà lãnh thưởng hoặc chịu trách. Cũng nhân dịp ấy Chúa trao tước vị cao sang cho tín đồ trung tín để được cùng Ngài trị vì cho đến vô cùng. IICô 5:10

b) Phần thưởng cân xứng với sự trung tín: Tín đồ lãnh phần thưởng cân xứng với lòng trung tín và cách mình đã dùng tài năng ân tứ mà Chúa đã ban lúc sanh tiền. Thành thử phần thưởng người nầy sẽ khác với người kia, đều chiếu theo lượng trung tín hay bất trung của mỗi người vậy. Mình nhờ huyết Chúa Jesus mà được cứu rỗi; những cảnh trạng và tước lộc trong cõi lai thế cao hay thấp, trọng hay khinh, đều tùy công trình của mình xứng đáng hay không đó thôi.

Trong ICô 3:9-15, Phao-lô dạy rằng ngày phán xét sẽ tỏ giá trị của công việc tín đồ; việc của kẻ nầy như gỗ, cỏ khô, và rơm rạ, chịu lửa thí nghiệm không nổi, nên sẽ bị thiêu hủy; còn chính tín đồ ấy sở dĩ được cứu là vì vẫn còn đứng trên nền tảng là Christ song bị mất phần thưởng; kim miện đã về người khác, tước lộc đã trao cho kẻ xứng đáng hơn, còn chính mình dầu được cứu, thì cũng như qua lửa vậy. Còn việc của người kia giống như vàng, bạc, bửu thạch, là vật liệu chịu lửa thí nghiệm nổi, nên người sẽ lãnh phần thưởng (ICô 3:10-15; IGi 8; Khải 3:11). Thảy đều sẽ lãnh tước lộc cao sang, được làm triều thần của Vua của các vua hưởng hồng ân vĩnh phước; tên thì được biên vào sổ sách sự sống; mình thì mặc áo trắng tinh, đầu thì đội kim miện rực rỡ; cũng sẽ được Chúa nhìn nhận danh mình ở trước mặt Cha và các thiên sứ thánh vậy (Ma 10:32; ICô 2:9,10; Khải 3:4,5). ICô 3:14,15; IGi 2:28; Khải 3:11; Khải 3:5. Cũng xem Ma 10:32; ICô 2:9,10; 3:10-13

c)  Kinh Thánh mô tả các phần thưởng bằng “mão miện”: Các phần thưởng Chúa hứa ban cho tín đồ và đầy tớ trung tín, thì Kinh Thánh thường mô tả bằng năm “mão miện” khác nhau.

(1)            Mão miện sự sống: Kẻ tuận đạo và người trung tín lúc bị hoạn nạn, đều lãnh được mão miện sự sống. Gia 1:12; Khải 2:10

(2)            Mão miện vinh hiển: Kẻ trung tín chăn giữ, nuôi nấng và coi sóc bầy của Chúa sẽ lãnh mão miện vinh hiển. IPhi 5:4

(3)            Mão miện công nghĩa: Ấy là phần thưởng linh giới, kẻ chạy đua đúng đắn và người quản gia trung tín của nhà Chúa. IITi 4:7,8. Cũng xem ICô 4:1-5

(4)            Mão miện khoe khoang: Kẻ dắt nhiều linh hồn về cùng Chúa sẽ lãnh mão miện ấy, vì lúc đem các người ấy trình diện với Chúa, sẽ có cớ khoe khoang, vui vẻ khôn xiết kể. ITê 2:19,20. Cũng xem Đa 12:1-3

(5)            Mão miện chẳng hay hư nát: Phần thưởng ấy thuộc về người tự chế tự tri trong mọi sự, bắt chước Phao-lô mà “khắc khổ thân thể”, “bắt nó phải phục, e rằng sau khi… đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình… phải bị loại ra chăng” ICô 9:25,26,27

2.    CUỘC PHÁN XÉT MUÔN DÂN MUÔN NƯỚC

Khi Con người đồng với các thánh đồ mà ngự đến cách vinh hiển thì sẽ nhóm muôn dân muôn nước lại trên quả đất nầy để phán xét chung (Ma 25:31-46). Sự phán xét nầy khác xa với sự phán xét tín đồ ở trước tòa Christ, và với sự phán xét chung ở trước ngai trắng. Trong đoạn sách nầy (Ma 25) cũng chẳng nói đến sự sống lại và sự mở sổ sách nào ra. Bởi vì cuộc phán xét nầy là phân biệt những quốc dân hãy còn lại trên trái đất, truất danh những kẻ gian ác, đương danh những kẻ công nghĩa. Theo Ma 25, trong kỳ phán xét đó Chúa sẽ chia các dân ra hai hạng, gọi là chiên và dê. Sự phân biệt ấy bằng theo sự họ đã đãi anh em của Chúa là thể nào. Hễ ai hậu đãi họ, thì gọi là chiên, và được đương danh; còn hễ ai bạc đãi họ, thì gọi là dê, và bị truất tên.

Có kẻ hỏi: “Anh em của Chúa là ai?” Có hai ý kiến: ý kiến nầy chủ trương rằng: “anh em của Chúa” là dân Do Thái ở trên địa cầu, trải qua cơn đại nạn bị nhiều dân bạc đãi khốn khổ vô cùng. Ý kiến khác gọi “anh em của Chúa” đây là tín đồ của Ngài, trải các đời thường bị các dân khinh thị, ngược đãi, áp chế khôn xiết kể. Trước giả bài nầy tin rằng “anh em của Chúa” đây có lẽ chỉ về cả hai hạng ấy. Chúa sẽ chiếu theo cách các dân trải qua các đời đã cư xử thể nào với Tin Lành, với tín đồ và với Hội Thánh mà phán xét chúng, truất dân nầy xuống, dương dân nọ lên. Ngài chắc cũng sẽ lưu ý đến cách các dân đã đãi dân Do Thái, là anh em Ngài theo xác thịt, cũng là tuyển dân xưa của Đức Chúa Trời, Ngài chiếu theo hoặc cách hậu đãi hay bạc đãi đó mà xét xử và phân biệt chúng, để quyết đoán cái địa vị của chúng hưởng được trong thời đại Thiên hy niên sẽ cao hay thấp, sang hay hèn là thể nào. Các thánh đồ sẽ hiệp với Chúa, đồng ngồi trên ngôi Ngài mà thi hành sự phán xét ấy. Ma 25:31-33

3.    CUỘC PHÁN XÉT DÂN Y-SƠ-RA-ÊN

Trong Cựu ước có nhiều đoạn sách dự ngôn về sự phán xét dân Y-sơ-ra-ên, mà chưa được ứng nghiệm, chắc dự cáo về một kỳ phán xét đặc biệt của dân ấy vẫn còn sót lại, tan tác giữa các nước. Mục đích cuộc phán xét ấy là phán đoán trong vòng họ ai xứng đáng vào nước Thiên hy niên, và ai không; cũng để tẩy uế họ cho sạch sẽ trước khi được vào nước ấy. Mười hai sứ đồ điều hiệp tác với Chúa, đồng ngồi trên ngôi mà xét đoán 12 chi phái Y-sơ-ra-ên vậy. Êxê 20:35; Xa 12:2,3; Lu 22:30. Cũng xem Thi 50:1-7; Êxê 20:34-36; Xa 12:11-14; 13:1-3; Ma 4:1,2

4.    CUỘC PHÁN XÉT KẺ ÁC

Sự phán xét kẻ ác là kẻ chịu phán xét cuối cùng, cốt để phán đoán cảnh vĩnh cư của chúng. Sau thời đại Thiên hy niên đã qua, những kẻ ác đều được sống lại, rồi ứng hầu ở trước ngai trắng để chịu phán xét tùy theo việc đã ghi chép trong các sách. Hết thảy những kẻ không có tên trong sách sự sống đều bị quăng vào hồ lửa lưu hoàng cháy phừng phừng. Trong số người chịu kỳ phán xét nầy chẳng có một tín đồ chơn thật nào cả. Quan án là Chúa Jesus Christ Con của Đức Chúa Trời. Hễ ai bị án rồi không còn có thể thượng tố với tòa nào khác nữa, vì chẳng có tòa tái phẩm nào nữa cho kẻ đã từ chối Chúa và ơn cứu rỗi của Ngài vậy. Khải 20:11-15. Cũng xem Ma 10:15; 11:21-24; 12:41-42; Rô 2:15,16.

5.    CUỘC PHÁN XÉT THIÊN SỨ

Sa-tan và cả quỉ sứ của nó cũng bị phán xét. Sa-tan bị phán xét sau thời đại Thiên hy niên; nên có lẽ các thiên sứ ác khác cũng đồng bị phán xét cùng một lúc với nó chăng. Các thánh đồ đều hiệp với Christ mà thi hành cuộc phán xét ấy. Khải 20:10; II Phi. 2:4; Giu 1:6; ICô 6:3

V. PHÁP LUẬT CỦA CUỘC PHÁN XÉT CHUNG          

Trong cuộc phán xét nầy Đức Chúa Trời chuẩn theo pháp luật nào mà phán quyết mọi vụ? Nói đại khái, Ngài chuẩn theo hai pháp luật như sau đây:

1.    LUẬT ĐẠO ĐỨC

Luật đạo đức do đức tánh thánh khiết công nghĩa của Đức Chúa Trời mà thiết lập vĩnh viễn. Loài người được tạo ra giống như hình tượng Đức Chúa Trời, thì luật đạo đức Ngài cố nhiên cũng thích hiệp với bản tánh của họ nữa. Hễ ai phạm luật ấy bèn mất cái nhân cách, trái với bản tánh Đức Chúa Trời, nên cũng bị luật ấy xét đoán ngay. Vả, luật đạo đức được chép ở đâu? Được chép trong ba chỗ:

a) Chạm trên bảng đá: Luật đạo đức đại thể là Mười điều răn từ miệng Đức Chúa Trời phán ra, và chính tay Ngài chạm trên hai bảng đá, trao cho Môi-se trên núi Sinai để làm điều kiên giao ước Ngài thiết lập với dân Y-sơ-ra-ên, và với cả thiên hạ nữa. Phàm những bổn phận người ta phải làm trọn đối với Đức Chúa Trời và đối với loài người đều được gọi là luật pháp rất thánh khiết trọn vẹn của Đức Chúa Trời vậy. Xuất 24:12; Xuất 19:5; Phục 4:36

b) Chép trong Kinh Thánh: Trong Tân ước thường gọi Ngũ kinh của Môi-se bằng luật pháp (Ma 7:12; Lu 16:16; 24:44). Mà nói đại khái, thì cả bộ Kinh Thánh cũng xưng là luật pháp của Đức Chúa Trời (Gi 10:34; 12:34; Rô 3:19,20), bởi vì bộ ấy là lời của Ngài và lời của Ngài tức là luật đạo đức vậy. Cho nên trong ngày phán xét người nào đã có Kinh Thánh, thì sẽ bị xét đoán tùy theo điều đã chép trong đó, dầu họ có kê cứu đến hay không mặc lòng (Rô 2:16). Gi 10:34; Rô 3:19; Rô 2:16

c)  Ghi trong lương tri và trong cõi thiên nhiên: Luật đạo đức cũng được ghi tạc ở trong lương tri của loài người và trong cõi thiên nhiên. Lương tri ấy ta cũng gọi bằng tánh đạo đức hay là lòng thị phí, từ trong lòng mẹ ai ai cũng có lương năng ấy, để phân biệt phải quấy, theo lành lánh dữ. Bản tánh muôn vật trong cõi thiên nhiên cũng bày tỏ ít nhiều điều của luật đạo đức, ngầm chứng rằng Đấng Tạo Hóa rất thánh khiết, rất công nghĩa, oai nghiêm không ai sánh kịp. Cũng giảng luận rằng hễ ai làm theo luật luân lý ghi tạc trong lòng đều được phước; còn ai trái luật ấy quả không sao khỏi bị thiệt hại (Rô 2:12-16)

Luân lý thuần túy của đạo các thánh hiền truyền khắp làng xóm châu quận đời xưa cũng căn cứ vào lương tri và cõi thiên nhiên mà lập ra, luận về bổn phận người ta phải giữ vẹn trên đối với Trời, và dưới đối với nhau. Luân lý ấy, chỗ nào thích hiệp với Kinh Thánh, sẽ làm tiêu chuẩn trong cuộc phán xét của Christ. Vì Ngài chuẩn theo giáo hóa của mọi người đã chịu, ánh sáng mọi người đã nhận mà phán đoán chơn tướng của mọi người mọi việc. Người nào thông biết đạo Đức Chúa Trời khải thị trong Kinh Thánh, thì sẽ bị thẩm án chiếu theo luật đạo đức chép trong đó. Còn kẻ nào chỉ biết luật luân lý ghi tạc trong lòng và đường đạo đức theo thiên nhiên giáo, thì cũng sẽ chiếu theo đó mà chịu phán xét. Chỉ khác có điều nầy: hình phạt của kẻ biết đạo Đức Chúa Trời khải thị trong Kinh Thánh thì rất nặng hơn hình phạt của người chỉ biết luật đạo đức thiên nhiên vậy. Rô 2:12-16

2.    LUẬT ÂN ĐIỂN

Christ cũng sẽ chuẩn theo luật ân điển mà phán xét thiên hạ nữa.

a) Về phương diện tín đồ: Christ chiếu theo luật ân điển chuộc tội mà phán xét tín đồ. Họ vốn ở trong Christ, tội đã được xóa, tên đã biên vào sổ sự sống, mình đã mặc áo công nghĩa của Ngài; nên không còn thể nào bị định tội nữa. Vì đã công nhận đạo về Đức Chúa Trời phán xét tội mình ở nơi Christ trên thập tự giá, nên nay họ được thoát ly án phạt của tội, nhờ ơn cứu rỗi mà được sự sống đời đời vậy. Khải 20:12

“Sách sự sống” đây là sách xưng nghĩa; hễ ai nhờ cậy công lao của Christ mà được xưng nghĩa đều được biên tên vào đó, và được toàn cứu. Sách ấy phản đối với “sách sự chết”, là sách của sự định tội; tên các tội nhơn đứng trước ngai trắng đều đã chép vào đó, chứng rằng chúng vẫn ở trong vòng tội lỗi, giữ lòng cứng cỏi không chịu ăn năn, nên bị án bỏ vào hồ lửa lưu hoàng cháy phừng phừng vậy. Cũng xem Gi 5:24; Rô 8:1.

b) Về phương diện kẻ chẳng tin: Kẻ nào biết đạo Tin Lành về ơn cứu rỗi của Christ mà lại chối bỏ, thì bị án vì tội chối bỏ Jesus Christ. Ấy là tội nặng hơn hết. Christ vẫn là Vầng Đá cứu rỗi cho kẻ tin cậy Ngài; Ngài cũng là Vầng Đá vấp ngã cho kẻ không tin. Ngài đã phán: “Kẻ nào rơi trên hòn đá ấy sẽ bị giập nát, còn kẻ nào bị đá ấy rớt nhằm, thì sẽ tan tánh như bụi” (Ma 21:44). Vậy đối với tín đồ, thì Ngài là nền tảng cứu rỗi, hòn đá lánh nạn, đồn lũy che chở. Còn đối với kẻ chẳng tin thì Ngài là hòn đá vấp ngã, vầng đá tay Đức Chúa Trời đục ra, rơi nhằm họ khiến họ bị giập nát tiêu tan ra tro bụi vậy. Phao-lô cũng dạy rằng: IICô 2:15,16

Nghĩa là Christ đối với tín đồ là mùi thơm về sự sống; kẻ bởi đức tin mà ngửi đến thì được cứu rỗi. Còn đối với kẻ chẳng tin, thì Christ là mùi về sự chết; hễ họ ngửi đến thì bị chết, bị định tội đời đời. Vì tội trọng hơn hết là tội chối bỏ Christ, Con Đức Chúa Trời vậy.

 

TỔNG ĐOÁN

Sự phán xét của Christ là chí công chí chánh, không chuẩn theo luật đạo đức, thì cũng chuẩn theo luật ân điển. Ngài chẳng những chuẩn theo luật pháp đã thành văn, mà lại chuẩn theo luật pháp chưa thành văn nữa. Ngài chẳng những là phán xét trên lời nói việc làm mà thôi đâu; cũng phán xét trong tâm tư ý tưởng của người ta nữa. Nếu có ai tối tăm, nói không hợp đạo, làm không hợp lý, thì Ngài soi xét thấu đáo đến tim đen của họ, tỏ bày lý do thật của lời nói việc làm, cân nhắc phân minh và quyết đoán. Ngài chiếu theo giáo hóa họ đã chịu, ánh sáng họ đã nhận, lẽ thật họ đã hiểu mà định tội nặng hay nhẹ cho. Cách phán xét của Chúa thật khác hẳn với người thường, bởi vì loài người chỉ xét đoán theo bề ngoài; còn Christ thì xét đoán tận bề trong, phân biệt thật giả ở nơi thâm tâm. Người đời cho sự sát nhơn là cực ác, mà Chúa lại kể sự quên ơn Trời, tức là nguồn của mọi sự ác, chối bỏ Christ là khinh dể lòng yêu thương của Ngài. Nói một lời, sự phán xét của Christ rất kỷ luật, rất công minh, người đời khôn bề dò thấu sánh cùng được.

VI.  KẾT CUỘC SỰ PHÁN XÉT

Sự phán xét đã bất nhứt, hẳn kết cuộc cũng bất đồng. Đây xin lần lượt luận qua sự kết cuộc của kỳ phán xét cuối cùng ở trước ngai trắng.

1.    SỰ KẾT CUỘC CỦA MỌI NGƯỜI

a) Sự kết cuộc của người lành: Người lành là tín đồ của Chúa. Vì họ đã tin cậy nơi Christ để được cứu rỗi, nên không đến nơi phán xét nầy. Trái lại, họ sẽ hiệp hành với Christ trong cuộc phán xét chung đó, đồng ngồi trên ngai với Ngài mà xét xử cả người ác lẫn thiên sứ vậy. Khải 2:26,27; Khải 3:21; ICô 6:3

b) Kết cuộc của kẻ ác: Kết cuộc của sự phán xét kẻ ác là hồ lửa lưu hoàng, cháy phừng phừng cho đến đời đời vô cùng. Chỗ đó Đức Chúa Trời vốn sắm sửa cho Sa-tan và các quỉ sứ nó. Nhưng vì kẻ ác cố ý theo nó, nên đồng bị hình phạt với nó. Trong chỗ ấy sâu bọ chẳng hề chết, lửa hực chẳng hề tàn; sự đau khổ càng thêm đau khổ cả ngày lẫn đêm cho đến vô cùng vô tận. Ôi! Làm sao chịu nổi cơn giận phừng phừng của Đức Chúa Trời được? Khải 20:14,15; Mác 9:47,48. Cũng xem Ês 66:24; Ma 25:41

2.    SỰ KẾT CUỘC CỦA THIÊN SỨ ÁC

Sau cuộc phản loạn chót của Sa-tan, nó sẽ bị bắt bỏ vào hồ lửa lưu hoàng, chịu đau khổ cả ngày lẫn đêm cho đến vô cùng. Các ác linh của nó chắc cũng bị phán xét cùng một lúc với nó, rồi cũng bị bỏ vào hồ lửa, là nơi Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng nó. Khải 20:10; Ma 25:41

3.    SỰ KẾT CUỘC CỦA TRỜI ĐẤT

Kinh Thánh dạy rằng nhằm ngày phán xét chung trái đất nầy sẽ qua đi, các thể chất bị lửa hừng đốt cháy tiêu tan. Khi Đức Chúa Trời đặt ngai trắng để thi hành cuộc phán xét, thì “trời đất đều trốn hết, chẳng còn thấy chỗ cho nó nữa.” Cơn thiêu hủy ghê sợ ấy chẳng phải là Đức Chúa Trời tuyệt diệt muôn vật đâu, bèn là Ngài đốt cái vũ trụ cũ nầy mà đổi ra một vũ trụ mới đó vậy. Từ trong cuộc thiêu hủy ấy Đức Chúa Trời sẽ tái tạo một trời mới đất mới, là trời đất chẳng còn bị tội ác ô nhục khốn khổ của trời đất cũ bám vào hãm hại nữa, bèn là được tái tạo rất thánh khiết, đầy dẫy sự công nghĩa, đạo đức, yêu thương, vui vẻ, sẽ là nhà ở của Đức Chúa Trời và dân sự Ngài cho đến đời đời vô cùng. Ês 51:6; Ma 24:35; Hê 1:11,12; Khải 20:11; IIPhi 3:10-13. Cũng xem Thi 102:25-27

 

TỔNG KẾT

Ấy là cuộc phán xét của Đức Chúa Trời được chép đành rành trong Kinh Thánh. Lời ấy chắc chắn, sẽ chẳng hề bị bãi bỏ hoặc sai chạy bao giờ (Ma 24:35). Vậy, hỡi ai là người có tội, cứng lòng chưa chịu ăn năn, còn dám khinh dể luật pháp của Đức Chúa Trời, cứ cả gan phạm tội với Ngài, xin hãy mau tỉnh ngộ, kíp ăn năn trở lại cùng Chúa, mới mong thoát khỏi cơn phán xét đáng ghê sợ của ngai trắng và hình phạt cực khổ vô cùng vô tận ở nơi hồ lửa kia! Vì Chúa phán: “Quả thật, quả thật ta nói cùng các ngươi: Ai nghe lời ta mà tin Đấng đã sai ta, thì có sự sống đời đời, không đến sự xét đoán, song đã vượt khỏi sự chết mà vào sự sống rồi” (Gi 5:24).

 

Chương 6 – LUẬN VỀ ÐỊA VỊ VĨNH CƯ CỦA LOÀI NGƯỜI 

VẤN ĐỀ sống chết đại thể được chia ra làm ba giai đoạn: Giai đoạn thứ nhứt là trong đời nầy, tín đồ bởi đức tin đến Christ được vượt khỏi sự chết mà qua sự sống. Kẻ đắm chìm trong tội lỗi tuy chưa chết mà thật đã chết rồi. Giai đoạn thứ hai thuộc về địa vị tạm cư của kẻ qua đời. Tín đồ ngự trong Chúa được lên thiên đàng, sống với Ngài cho đến kỳ phục sanh. Kẻ không tin Chúa, qua đời, liền xuống địa ngục, tạm cư tại đó đến ngày sống lại và kỳ phán xét chung. Giai đoạn thứ ba thuộc về cõi đời đời. Sau khi người ta sống lại, hoặc được sống đời đời với Chúa trong trời mới đất mới, hoặc bị chết lần thứ hai trong hồ lửa đời đời, chịu cực khổ với Sa-tan và các ác linh của nó cho đến vô cùng. Trong phần nầy xin lần lượt kê cứu qua giai đoạn thứ ba, tức là địa vị vĩnh cư của mọi người, trước luận về người công nghĩa, rồi sau sẽ luận đến kẻ gian ác.

I. GIẢI NGHĨA SỰ VĨNH SANH VÀ SỰ VĨNH HÌNH    

1.    ĐỊNH NGHĨA CHỮ ĐỜI ĐỜI

Trước khi kê cứu vấn đề địa vị vĩnh cư của loài người, rất cần nên định nghĩa cho chữ đời đời. Vả, hai chữ đời đời có nghĩa gì? Theo nguyên văn Hi-lạp chữ đời đời là aion hay là aionios. Nguyên văn khi nói về danh từ đời đời, thì dùng chữ aion, khi nói về hình dung từ đời đời, thì dùng chữ aionios. Luận về cách Tân ước dùng hai chữ ấy, nhà thần đạo A.A. Hodge nói rằng:

a) Ngoài hai chữ ấy tiếng Hi-lạp chẳng có chữ nào rành rẽ hơn để tả ý niệm vĩnh cửu vô cùng vô tận (durée éternelle). b) Dầu Tân ước có vài chỗ dùng hai chữ ấy để nói về thời gian hữu hạn, song phần nhiều chỗ khác dùng chữ ấy chắc có ý chỉ về thời gian vô hạn vậy. c) Tân ước cũng thường dùng chữ ấy để nói về sự tồn tại vô cùng vô tận của Đức Chúa Trời. Như ở trong ITi 1:17 dùng chữ aion mà xưng Đức Chúa Trời là Vua đời đời; và trong Khải 1:18 cũng dùng chữ ấy mà gọi Christ là Đấng sống đến đời đời. Trong Rô 16:26 Phao-lô dùng chữ aionios để xưng Đức Chúa Trời là hằng sống, và trong Hê 9:14, trước giả cũng dùng chữ ấy để nói về Thánh Linh đời đời. d) Tân ước cũng thường dùng hai chữ ấy để luận về phước lạc tương lai của các thánh đồ vĩnh cữu đến vô cùng vô tận: trong Gi 6:57,58 và IICô 9:9 thì dùng chữ aion; trong Ma 19:29; Mác 10:30; Gi 3:15; Rô 2:7 thì dùng chữ aionios. e) Trong Ma 25:46 Chúa dùng chữ aionios hai lần đặng vẽ ra thời gian vô hạn về phước lạc của các thánh đồ, và sự khổ sở của kẻ bị trầm luân.

Thế thì, Kinh Thánh dạy rõ ràng cảnh khổ tương lai của kẻ trầm luân hằng còn lâu dài bằng sự tồn tại của Đức Chúa Trời và bằng sự phước lạc của các thánh đồ vậy. Như ta công nhận Đức Chúa Trời là Đấng hằng còn đến vô cùng thể nào, thì cũng phải công nhận cảnh vĩnh sanh của tín đồ, và cảnh vĩnh hình của kẻ gian ác đều hằng còn đến vô cùng vô tận thể ấy. Bởi vì Kinh Thánh tả ra cái khoảng thời gian của cả hai đều bằng nhau.

2.    LUẬN VỀ SỰ VĨNH SANH

Trong bản Kinh Thánh Việt ngữ danh từ vĩnh sanh thường dịch là sự sống đời đời, và có ý nghĩa như sau đây:

a) Sự sống hằng còn: Sự sống đời đời là sự sống hằng còn, không hề hết, chẳng khi nào dứt, cứ còn mãi luôn. Gi 3:16. Cũng xem Ma 19:16; 25:48; Rô 6:23

b) Sự sống chơn thật: Sự sống chơn thật duy ở trong Christ. Hễ ai tin nhận Ngài, được ở trong Ngài và hưởng sự sống chơn thật ấy là sự sống đời đời, chẳng hay hư hay hết, hằng còn đến vô cùng vô tận. Ma 7:14; Gi 3:36. Cũng xem Ma 18:8; Mác 8:45; Gi 5:25; Công 11:18; Rô 5:17

c)  Sự cứu rỗi: Sự sống đời đời tức là sự cứu rỗi. Hễ ai tin cậy nơi Christ chịu chết sống lại, thì được sự sống đời đời, tức là được cứu rỗi. Mác 16:16; Công 4:12; Công 16:31; Rô 5:10. Cũng xem Lu 8:12; Gi 10:9; Rô 10:9

d) Bắt đầu ở đời nầy: Sự vĩnh sanh bắt đầu ở trong đời nầy. Lúc tín đồ thật lòng tin cậy Chúa Jesus Christ, thì được tái sanh tức là sự sống đời đời ở trong Christ, và từ đó lại cứ bước tới sự sống đời đời ở trong Christ, và từ đó lại cứ bước tới sự sống đời đời ở chốn vĩnh cư vậy. hễ ai chưa được tái sanh lại qua đời, thì bị hư mất vì trong người chẳng có sự sống đời đời vậy. Gi 3:3; Gi 3:16,36. Viện dẫn ở trên. Gi 6:56,57. Cũng xem Gi 5:24; IPhi 1:23

e) Chỉ riêng về phước lạc đời đời: Danh từ sự sống đời đời cũng lắm hki chỉ riêng về các phước lạc của tín đồ sẽ hưởng được trong cõi tương lai, gọi là sự trông cậy lớn của họ. Tít 1:2; Tít 3:7; IITi 2:11. Cũng xem ITi 4:8

Nói tóm lại, sự sống đời đời thiết thực là thoát khỏi tội lỗi và sự kết quả của nó, được xưng nghĩa, được tái sanh trở nên con cái Đức Chúa Trời. Được vậy, mới mong hưởng sự sống đời đời ở trước mặt Đức Chúa Trời hiện tại và tương lai, được giao thông cùng thần linh giới, hưởng phước lạc vô cùng vô tận. Bởi vì Chúa phán: “Còn sự sống đời đời là nhận biết Cha, tức là Chân Thần duy nhứt, cùng Jesus Christ, mà Cha đã sai đến” (Gi 17:3).

3.    LUẬN VỀ SỰ VĨNH HÌNH

Kinh Thánh dùng nhiều từ liệu để dự tả thực tế của sự vĩnh hình. Sau đây xin lược kể những từ liệu ấy.

a)    Sự chết thứ hai: Tội nhơn đương lúc sanh tiền đã là chết về phần thuộc linh rồi. Nay lại bị sự chết thứ hai, tức là địa vị chết thuộc linh trước kia cứ hằng còn ở chốn vĩnh cư vậy. Khải 20:14. Cũng xem câu 6

b)    Sự diệt vong: Sự khác biệt hiện diện Đức Chúa Trời gọi là bị diệt vong vậy. IITê 1:9

c)    Sự hư mất: Chữ mà Tân ước dùng nhiều hơn hết để tả ra sự vĩnh hình là chữ hư mất (xem quyển thứ năm, chương bảy, phần III). Phil 1:28; Phil 3:19; Ma 7:13. Cũng xem Rô 9:22; Khải 17:8-11

d)    Sự bị mất: Sự vĩnh hình cũng gọi là sự bị mất, tức là tội nhơn, kẻ không đạt đến mục đích của Đức Chúa Trời đã dự định cho người, nhưng bị bỏ như người ta vứt bỏ một đồ gốm đã bị bể nát rồi vậy. Ma 16:25; Mác 8:35

e)    Sự tuyệt vọng: Trong đời nầy kẻ ở ngoài Christ cũng là kẻ tuyệt vọng về sự sống đời đời, vì đã chết trong vi phạm và tội lỗi mình; nếu khng chịu ăn năn trở lại cùng Chúa, thì chỉ vẫn còn chờ đợi sự kết cuộc của đời mình, là sự chết đời đời đó thôi. Êph 2:12; Êph 4:18; Rô 6:21; Khải 3:1. Cũng xem Gi 3:36; Rô 7:5

f)     Phân rẽ với Christ: Christ là sự sống thật. Hễ ai lìa xa Christ tức là lìa xa sự sống vậy. IGi 5:12; IITê 1:9. Cũng xem Gi 1:4; 14:6; Rô 9:3.

g)    Bị liệng ra chốn tối tăm: Chỗ vĩnh hình cũng gọi là “chốn tối tăm ở ngoài”. Tại sao gọi như thế? Há chẳng phải vì kẻ bị liệng vào đó là đã bị ở ngoài ơn cứu rỗi của Christ, ở ngoài ân điển, và sự yêu thương của Ngài sao? Chỗ ấy cực kỳ tối tăm, vì không có Đức Chúa Trời, cũng chẳng có ánh sáng của mặt Christ soi đến. Thật chỗ ấy khổ sở khốn nạn nào ai tả được. Ma 8:12. Cũng xem Ma 22:13; 25:30; Lu 13:18

h)    Bị rủa sả: Kẻ bị vĩnh hình là kẻ bị cả sự rủa sả của tội lỗi giáng trên mình. Ma 25:41,46

i)     Uống chén thạnh nộ của Đức Chúa Trời: Kẻ ác phải chịu uống chén thạnh nộ của Đức Chúa Trời cho đến đời đời vô cùng. Gi 3:36; Rô 1:18; Êph 5:6; Khải 14:10. Cũng xem Ma 3:7; Rô 2:5; 5:9; 9:22; Êph 2:3; ITê 1:10; Khải 6:16; 11:18; 14:8; 16:19

Nói tóm lại, ý vĩnh hình là kẻ gian ác bị ở ngoài Christ, không được dự phần đến ơn cứu rỗi, bị đuổi ra khỏi nước Đức Chúa Trời, phải tuyệt vọng hư mất, chịu hình phạt đời đời vô cùng vô tận vậy.

II. CẢNH TRẠNG CHỐN VĨNH CƯ   

1.    CẢNH TRẠNG VĨNH SANH

Ngay ở đời nầy tín đồ đã bắt đầu cuộc sống đời đời (Gi 5:24; 8:51,52; 11:25). Dầu phải qua đời, cũng vẫn sống ở trên trời với Chúa và các thánh đồ (Hê 12:23), chờ đợi ngày cứu chuộc thân thể là sự phục sanh. Khi đã sống lại rồi, mới hưởng được sự sống đời đời đầy đủ trọn vẹn ở trong Chúa Jesus Christ. Kinh Thánh gọi sự sống đời đời bằng cơ nghiệp đời đời: Ma 19:29; Công 20:32; Êph 1:11,14; IICô 4:17; sự tri thức vô hạn: ICô 13:8-10; chỗ thánh sạch: Khải 21:27; sự giao thông thân mật cùng Đức Chúa Trời và Chiên Con: Khải 21:3,23; 22:3,4; sự giao thông với các thánh; dầu vinh hạnh của mọi người không cân nhau, song mọi người đều được thỏa mãn cả: Lu 19:17-19; ICô 3:14,15; ICô 2:9; 15:38-42.

a) Kinh Thánh mô tả phước lạc vĩnh sanh: Sau đây xin bày tỏ sơ lược cách nào Kinh Thánh thường mô tả phước lạc của cõi vĩnh sanh.

(1)Đất phước hạnh vui vẻ: Chốn phước lạc vĩnh sanh Kinh Thánh gọi là trời mới đất mới (Khải 21:1; Ês 65:17; 66:22), tức là nhà Cha (Gi 14:1-3), là quê hương các thánh đồ (Hê 11:16), là nước đời đời của Đức Chúa Trời và của Christ (IIPhi 1:10,11), là thành có nền vững mà Đức Chúa Trời đã xây cất (Hê 11:10), là Giê-ru-sa-lem mới (Khải 21:1-3), là bất dạ thành vậy (Khải 21:25). Kẻ vào đó được đến quê hương mình, ở trong nhà Cha, hưởng các phước lạc của gia tộc Đức Chúa Trời.

(2)Gặp mặt Cha Thánh: Bất luận đời nào chỗ nào thánh đồ bao giờ cũng mong mỏi gặp mặt Cha Thánh để hưởng vĩnh phước bởi lời âu yếm và nụ tươi cười của Ngài (Dân 24:17; Gióp 19:27). Sự mong ước ấy sẽ được thỏa mãn trong lai thế, ở nơi trời mới đất mới vì “các tôi tớ Ngài sẽ phụng sự Ngài, được thấy mặt Ngài, và danh Ngài sẽ ở trên trán của họ” (Khải 22:3,4). Nên Chúa Jesus cũng phán rằng: Ma 5:8

(3)Được ở với Chúa luôn luôn: Chúa ở đâu thì tín đồ cũng sẽ ở đó. Chúa đã đi dọn chỗ cho ta, rồi sẽ trở lại đem ta về cùng Ngài, để ta ở với Ngài luôn luôn. Tại đó ta sẽ hằng thấy vinh hiển Ngài, sống trong sự yêu thương của Ngài, trở nên giống như Ngài, vì sẽ thấy Ngài như Ngài thật là vậy. Gi 14:3; ITê 4:17; IGi 3:2

Có ông luận rằng nếu thiên đàng không có Chúa Jesus, thì ta hẳn chẳng muốn vào đó làm chi. Chỗ có mặt Ngài, ấy là thiên đàng; chỗ vắng mặt Ngài, ấy là địa ngục vậy.

(4)Có sự giao thông thuộc linh vô hạn: Trong chốn vĩnh sanh tín đồ sẽ được giao thông với nhau cách trọn vẹn, chẳng có sự hiểu lầm hay là sự xích mích nhau làm cho đứt mối liên lạc yêu thương nữa. Hơn nữa, cũng sẽ được giao thông với các vị thuộc linh thánh không thuộc về giống loài người, học hỏi với chúng cách tự do vui vẻ. Ma 8:11; ICô 13:12; Êph 1:9,10. Cũng xem Côl 1:20

(5)Được hình thể thuộc linh lạ lùng: Đời nầy tín đồ vẫn còn phục luật hư nát của muôn vật, thân thể hay yếu đuối, đau đớn, chết mất. Nhưng mãi sau sẽ giống như thân thể vinh hiển của Christ chẳng còn biết sự yếu đuối tật bịnh hay chết chóc nữa; nhưng sẽ được trang sức rực rỡ, vinh hiển càng vinh hiển, chói sáng như ngôi sao cho đến đời đời vô cùng. IGi 3:2; Côl 3:4; Đa 12:3; Khải 21:4. Cũng xem IICô 3:18

(6)Đội mão miện vàng chói lòa: Mão miện làm tiêu biểu về quyền cao chức trọng của tín đồ nhận lãnh ở nơi Chúa; cũng chứng rằng họ đã hầu việc Chúa trung tín trọn lúc sanh tiền (Khải 2:10). Mất mão miện của mình là một tai họa rất lớn. Nên Chúa khuyên Hội Thánh Phi-la-đen-phi rằng: Khải 3:11,12. Cũng xem phần IV luận về cuộc phán xét tín đồ ở trên.

(7)Có sự vui vẻ đầy đủ: Muôn vật đổi mới, vì việc cũ đã qua, không còn sự buồn thảm, khóc lóc, đau đớn hay chết chóc nữa. Thánh đồ sẽ được uống nước hằng sống, ăn trái cây sự sống, không đói không khát, được mặt áo trắng, hát bài ca mới, thật một giai cảnh khiến ta cực kỳ thỏa nguyện, không còn ao ước gì nữa, không tài nào tả hết được. Trước giả Thi Thiên 17 rất mong ước chốn vui vẻ ấy, thốt rằng: Thi 17:15

(8)Thừa nhận cơ nghiệp vinh hiển: Khi thánh đồ về cùng Cha, sẽ thừa nhận được cơ nghiệp vinh hiển, chẳng hề khô héo, không bao giờ hư nát. Trời đất mới và muôn vật trong đó đều thuộc về thánh đồ, họ sẽ đồng kế thừa vời Christ mà hưởng đủ mọi điều phong phú diệu kỳ ấy. Rô 8:17; Rô 8:32; Khải 21:7

(9)Không còn tội lỗi vấn vương nữa: Nói trời đất mới chẳng còn có tội lỗi hay là điều gì ác vấn vương ai nữa, vì Sa-tan và công việc của nó đã trừ sạch rồi. Lương tâm không còn bị ô uế đau đớn nữa, bèn bình yên vui vẻ trong sự thánh khiết hoàn toàn của Chúa. Khải 21:26,27

(10)                      Tài năng thuộc linh phát đạt: Tín đồ vừa vào cõi vĩnh sanh thì tài năng thuộc linh liền phát đạt cách lạ thường. Các sự ao ước mong mỏi mà mình không sao làm nổi trong cõi trần gian trước kia, nay ở cõi thần linh ta sẽ làm được trọn vẹn, vì các sở năng tài trí mình đã phát đạt tột bực đến đỗi trở nên giống như Con Đức Chúa Trời vậy. IGi 3:2

(11)                      Ở thế giới không bờ bực: Các thánh đồ ở trong cõi vĩnh sanh là ở trong thế giới vô nhai. Họ đã được hình thể thuộc linh, nên không cánh mà vẫn bay được, không đi mà vẫn đến được, qua lại nhanh như nháy mắt, không còn bị công lệ vật chất hay không gian ngăn trở nữa. Có lẽ trái đất mới là nơi thánh đồ cư trú đó, là cõi có Giê-ru-sa-lem mới từ trên trời hạ xuống (Khải 21:2). Nhưng đất mới chỉ là một bộ phận nhỏ trong thế giới vĩnh sanh, chẳng khác chi chốn thành kinh trong một nước vậy. Chúa Jesus đã đi sắm sửa chỗ ở cho ta, khi sắm xong, Ngài sẽ trở lại đem ta đi nhận cơ nghiệp ấy (Gi 14:2,3). Xem Êph 1:10 và Côl 1:20 thì biết thế giới vĩnh sanh gồm cả trời mới đất mới, muôn vật mới, hiệp lại thành “nhà Cha ta”. Cho nên dầu trong cõi tương lai ta chỉ sẽ cư trú nơi đất mới, thì cũng sẽ được ngao du trên các thế giới khác chẳng điều gì năng cản hay bó buộc ta nữa. Khải 21:2; Gi 14:2,3; Êph 1:9,10; Côl 1:20

2.    CẢNH TRẠNG VĨNH HÌNH

Kinh Thánh dạy rõ về cảnh trạng vĩnh hình là một cảnh thực tế rất khốn nạn khổ sở cho kẻ bị giam vào đó… Sau đây xin kể lại mấy câu mô tả cảnh trạng vĩnh hình ấy.

a) Về chỗ: Trong Kinh Thánh Thánh Linh dùng nhiều ngôn từ để mô tả cảnh trạng vĩnh hình. Đây chỉ luận qua vài cái.

(1)Địa ngục: Kinh Thánh luận về chốn kẻ hư mất gọi bằng Géhenna, bản Việt ngữ dịch là “địa ngục” (Ma 5:22,29-30; 18:9; 23:15,33; Mác 9:43,45; Lu 12:5). Tên ấy nguyên là đặt cho một cái hầm về hướng đông nam ngoài thành Giê-ru-sa-lem. Đời xưa hầm ấy vốn là chỗ dân Canaan bắt con cái họ đem dâng lên làm hỏa tế cho tà thần của họ. Về sau người Do Thái cũng dùng chỗ ấy để làm lò đốt rác rến, xương người và súc vật, lửa cháy không dứt, lần lần trở nên một hầm lửa. Thánh Linh mượn dùng làm tượng trưng chỉ về địa ngục vậy.

(2)Hồ lửa lưu hoàng: Tả ra cảnh trạng cuối cùng và đời đời của kẻ ác, Thánh Linh gọi bằng “hồ lửa lưu hoàng” (Khải 20:10,15) hoặc “hồ cháy bằng lửa và lưu hoàng” (Khải 21:8). Nơi tượng trưng ấy có ý nặng nề và rõ ràng hơn hết, để mô tả sự khốn nạn cực khổ của chốn hư mất; thực trong ngôn ngữ loài người chẳng còn có lời nào khác có ý niệm có thể tả ra cảnh khổ sở hơn được.

Có kẻ hỏi rằng: “Lửa đó há phải là lữa hữu hình chăng? Sa-tan và các tà linh nó đều không có xác thịt, thì lửa hữu hình như ta thường thấy trên đất đây, làm sao có thể làm khổ cho giống thuộc linh được ư?

Thiết tưởng lời vặn hỏi ấy không khó gì mà đáp lại. Lửa của đời nầy duy làm hình bóng chỉ về lửa thuộc linh đó thôi. Trong thế giới hữu hình nầy muôn vật đều thích hiệp với nhau thể nào, thì trong thế giới vô hình muôn vật cũng thích hiệp với nhau thể ấy. Lửa hữu hình trong đời ta đây thích hiệp với vật thể mà bắt cháy thể nào, thì lửa vô hình kia chắc cũng thích hiệp với các linh thể mà đốt cháy thể ấy. Vật chất trên đất tiêu tàn được, nên lửa hữu hình cũng có khi tắt; nhưng hình thể thuộc linh không thể tiêu tàn được, nên lửa vô hình cũng chẳng hề tắt vậy. Chúng ta nay thật khng thể dò xét tánh chất của lửa ấy được, nhưng ta có thể nhờ ý niệm “lửa”, mà nhận biết rằng nơi vĩnh hình là chốn khổ sở quá chừng quá đỗi, chẳng người nào có tài tả vẽ được, vì lửa ấy cứ cháy cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời vô cùng vô tận, chẳng hề tắt bao giờ. Khải 20:10,15; Khải 21:8; Ma 25:41; Mác 9:44

(3)Các lời khác: Kinh Thánh cũng dùng nhiều lời khác để tả ra chốn khốn nạn ấy, như là hầm vực sâu (Khải 9:2,11); chốn tối tăm ở ngoài (Ma 8:12; 22:13); sự tối tăm đen mịt (IIPhi 2:17); sự thống khổ trong lửa và lưu hoàng (Khải 24:10,11); sự hình phạt đời đời (Ma 25:46); chén thạnh nộ của Đức Chúa Trời (Khải 14:10; Rô 2:5); sự chết thứ hai (Khải 21:8); hình phạt diệt vong đời đời xa cách mặt Chúa (IITê 1:9); mắc tội đời đời (Ma 3:9).

Khải 9:2,11; Ma 8:12; IIPhi 2:17; Khải 14:9-11; Rô 2:5; Khải 21:8 (viện dẫn ở trên); IITê 1:9; Mác 3:29

Nhà thần đạo A.H. Strong luận về câu ấy (Mác 3:29) rằng: “Câu ấy ám chỉ rằng: (a) có người chẳng dứt phạm tội; (b) sự phạm tội đời đời đó chuốc lấy cho phạm nhơn sự khổ sở đời đời; (c) còn sự khổ sở đời đời ấy là cái hình phạt luật pháp đã định, gọi là sự hình phạt đời đời vậy.”

b) Về sự khổ sở: Sự dạy dỗ của các câu Kinh Thánh vừa viện dẫn như trên để luận về cảnh khổ của kẻ ác, ta có thể tóm lại bằng tám điều như sau đây:

(1) Kẻ ác mất hạnh phước vui vẻ đời đời; (2) không được dự phần ân điển cứu rỗi; (3) không ngăn trở nổi tình dục, bèn phải cứ phạm tội mãi mãi; (4) tuyệt vọng về sự giải cứu, lòng chẳng còn chút hy vọng gì được ra khỏi chốn khốn nạn ấy nữa; (5) phải ở chung với Sa-tan và các ác linh gớm ghiếc của nó; (6) cả xác lẫn hồn phải chịu đau đớn cực điểm cho đến đời đời vô cùng; (7) phải ở trong cảnh buồn rầu, khóc lóc đến đỗi chẳng ai thương xót mà thí cho một giọt nước lạnh để đỡ lòng đau đớn muôn một; (8) hằng chịu tồn tại ở dưới sự thạnh nộ kinh khiếp của Đức Chúa Trời, bị rủa sả, ném ra ngoài sự tối tăm mù mịt, hằng bị thẹn thuồng hổ nhục, sống lỡ sống, mà chết cũng không phương nào chết được.

Hỡi ôi! Cảnh trạng kẻ bị hư mất là khốn nạn dường nào! đáng thương hại ngần nào! Nguyện Chúa ban ơn cho ta ráng sức báo cáo Tin Lành về ơn cứu rỗi của Christ cho mọi người, hầu mong họ khỏi phải lâm vào hồ lửa lưu hoàng rùng rợn ấy!

III. NHỮNG Ý KIẾN SAI LẦM VỀ VĨNH HÌNH  

Trong Cơ đốc giáo từ thời xưa đến nay đã có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề vĩnh hình. Trong các ý kiến ấy có ba cái rất sai lầm, phản đối hẳn với ý của Kinh Thánh. Sau đây xin kể lại chủ ý của ba thuyết ấy, và chỉ tỏ ngộ điểm của nó, rồi bác lẽ lại.

1.    KHÔI PHỤC THUYẾT

Thuyết nầy chủ trương rằng mọi kẻ ác đều phải xuống địa ngục song chỉ phải chịu cực khổ một hồi, luyện cho sạch tội rồi thì sẽ được khôi phục địa vị thánh thiện mà được cứu. Các thiên sứ ác,các tà linh, đến đỗi quỉ Sa-tan nữa, cuối cùng cũng đều sẽ được cứu, được hườn nguyên vị cả.

a) Lý luận khôi phục thuyết: Đại ý của khôi phục thuyết như sau đây:

(1)Đức Chúa Trời há đem người có tội mà đổi luôn nguyên ý làm ơn cứu họ sao? Đức Chúa Trời là Đấng rất nhơn từ, là Cha đầy từ ái, từ thượng cổ đã định ý tha tội lỗi và cứu rỗi con đáng thương xót; Ngài há vì tội lỗi con mà đổi nguyên ý tốt đẹp ấy ư? Cả giống loài người đều là con cái Đức Chúa Trời; dầu họ không chịu nhận ơn cứu rỗi ấy trong lúc sanh tiền, thì cũng dám chắc rằng sau khi qua đời họ lại rất muốn thừa nhận; bằng vậy, nỡ nào Đức Chúa Trời không vui lòng theo nguyên ý kia mà ban sự cứu rỗi cho họ ru?

(2)Bản ý dùng sự hình phạt, há chẳng phải Đức Chúa Trời muốn khiến tội nhơn biết tội mà chữa mình đó sao? Nếu quả kẻ ác cuối cùng không được cứu, há chẳng là Ngài bãi bỏ ý chỉ tốt của Ngài sao? Mà nếu quả như lời, thì Đức Chúa Trời há chẳng mất cái tánh cách vô sở bất năng sao?

(3)Đức Chúa Trời đã là vô sở bất năng, tin chắc Ngài cũng có đủ quyền khiến cho tội nhơn, ma quỉ và các thiên sứ ác ở trong địa ngục cực khổ kia đều biết rõ tội lỗi mình vốn khốn nạn cực ác là thế nào, rồi vì đó chịu cảm động, mà hồi đầu thuận phục Chúa.

(4)Thuyết nầy thường vin lấy Ma 19:28; Công 3:21; Êph 1:9,10 và Phil 2:10,11, làm căn cứ cho ý kiến mình. Ma 19:28; Công 3:21; Êph 1:9,10; Phil 2:10,11

b) Sự sai lầm của lý thuyết ấy: Lý luận của khôi phục thuyết có nhiều ngộ điểm. Dưới đây xin luận qua mấy cái cũng đủ rõ.

1)    Khinh dể sử công nghĩa của Đức Chúa Trời: Thuyết nầy quả khinh dể sự công nghĩa của Đức Chúa Trời. Ngài thật vẫn là Đấng khoan nhơn từ ái, rất ân điển, cũng rất công nghĩa; nhưng Ngài chẳng thiên phê bên nào, hoặc quá trọng ân điển Ngài trong đời nầy. Mọi người đã có lòng biết phải quấy, cũng nhờ nào cõi thiên nhiên, lương tâm, và lời Kinh Thánh mà chịu cảm lực của Thánh Linh hằng giục giã mình lựa chọn điều lành, lánh xa điều dữ. Họ đã cố ý bỏ điều lành, lựa chọn điều dữ, mà nếu Đức Chúa Trời bỏ qua tội ấy, đã không đếm xỉa đến, mà lại cho họ ở chung với những kẻ trọn đời hằng chuyên tâm thuận phục Ngài, thì há có thể gọi là công bình ư? Lại sự công nghĩa của Đức Chúa Trời bất di dịch, hễ ai có lòng cứng cỏi không chịu ăn nản, chắc phải bị sự công nghĩa ấy hình phạt mới xứng hiệp đức tánh thánh khiết Ngài được.

2)    Lầm dùng lý chữ ăn năn: Đức Chúa Trời sở dĩ dùng hình nơi địa ngục, chẳng phải vì muốn khiến người ta ăn năn, bèn vì bản tánh tội lỗi người ta đáng phải chịu hình phạt như vậy. Họ phải chịu hình phạt đời đời là bởi vì tánh ác lòng tội của họ đời đời không thay đổi được. Còn về sự người ta biết mà ăn năn, thì nếu Chúa không ban Thánh Linh cảm hóa lòng mà tái sanh tâm tánh của ai, thì ai đó quả không thật lòng ăn năn được. Vả, ở địa ngục chẳng có Thánh Linh cảm động lòng ai cả. Vậy, tội nhơn ở đó làm gì mà ăn năn được ư?

3)    Lầm giải ý Kinh Thánh: Những câu mà thuyết nầy đã viện dẫn trên kia, dầu có hơi lờ mờ khó hiểu, nhưng nếu đem so sánh với các câu khác luận rõ ràng vấn đề nầy, thì ta sẽ thấy những câu lờ mờ đó quả không dạy rằng kẻ ác, thiên sứ ác và quỉ Sa-tan ở địa ngục lại còn có dịp tiện ăn năn để khôi phục nguyên vị của chúng đâu. Giả như Ma 19:28 và Công 3:21 nói về “kỳ muôn vật phục hưng” thì ý nghĩa chẳng phải nói về kẻ ác, thiên sứ ác và ma quỉ ở địa ngục lại được phục hưng đổi mới đâu, duy luận đến muôn vật trong vũ trụ hữu hình khi Chúa tái lâm sẽ được phục hưng đổi mới đó thôi. Trong Êph 1:9,10, Phao-lô chẳng luận về kẻ ác được phục hưng, bèn luận về sự điều hòa của vũ trụ nhờ Christ tái lâm mà được lập lại. Còn trong Phil 2:10,11 ông luận về “mọi đầu gối trên trời dưới đất, bên dưới đất, đều quì xuống, và mọi lưỡi đều xưng Jesus Christ là Chúa”, thì chẳng phải luận về mọi kẻ ác từ xưa đến nay bị bỏ vào địa ngục đều sẽ hồi tâm hướng đạo mà thuận phục Chúa đâu, bèn là nói về lúc Christ tái lâm, cầm quyền thống nhứt trong vũ trụ, thì mọi vật mọi thế lực ở trong đó đều sẽ công nhận Ngài thật xứng đáng cầm quyền cao cả ấy, đến đỗi kẻ ác và tà linh cũng vậy.

Vả lại, trong truyện người giàu có và Laxarơ kia (Lu 16:19-31), ta chẳng thấy có lời nào ám chỉ rằng kẻ ác qua đời rồi mà lại còn có dịp tiện được cứu nữa; trái lại Chúa thuật chuyện ấy để dạy rằng sau khi qua đời kẻ ác không thể được cứu đâu. Người giàu có bị hình phạt vì việc đã làm trong lúc còn sống (c.25); cái khổ hình người không còn có thể đổi được, vì “có một vực lớn hạn định” ở giữa chốn vĩnh sanh và chốn vĩnh hình, người ở bên kia không thể qua bên nầy được (c.26); vả lại, người giàu có chỉ cầu ơn cứu cho anh em mình đương sống còn trên đất, nhưng chẳng hề cầu ơn cứu cho chính mình mình, chắc vì người đã nhận biết địa ngục là chốn tuyệt ân rồi đó chớ chi! (c. 27,28). Trong Gi 5:28,29 Chúa Jesus cũng dạy rõ, “ai đã làm lành, thì sống lại để được sống; ai đã làm dữ, thì sống lại để chịu xét đoán.” Lời ấy và rất nhiều lời khác của Chúa luận về vấn đề nầy chẳng có một tia hy vọng mảy may nào về kẻ ác qua đời rồi lại sẽ còn có dịp tiện khôi phục nguyên vị mà được cứu. Trong đời nầy ai lựa chọn theo đường nào, thì ở đời sau cũng phải đành vào đường ấy, chớ chẳng hề có thể đổi ý được nữa.

4)    Lầm giải chữ đời đời: Khôi phục thuyết thường lầm giải chữ “đời đời”, quyết rằng chữ ấy không phải là chỉ về một thời gian vô cùng vô tận đâu, bèn chỉ về một thế gian hữu hạn vậy. Cho nên dầu Kinh Thánh dạy rằng kẻ ác bị hình phạt đời đời (Ma 25:46) thì ý nghĩa là họ bị hình phạt một thời gian nhứt định, rồi sau được khôi phục cứu lên trời. Đối với lời giải nghĩa ấy ta xin đem vài lý cớ suy diễn ra để bác sự ngộ giải đó.

(a)Kinh Thánh dùng chữ “đời đời” theo ba cách: Ta đã biết rằng theo nguyên văn Hi-lạp chữ “đời đời” là aion, hay là aionios. Kinh Thánh dùng hai chữ ấy theo ba cách: một là chỉ về một hay là nhiều thời đại (IITi 1:9; Hê 9:26; Tít 1:2; Rô 16:25,26); hai là chỉ về sự gì, vật gì, tồn tại lâu dài (Sáng 49:26; 17:8,13; Ha 3:6; Xuất 21:6; IISử 6:2; Giu 6,7); ba là chỉ về sự tồn tại vô cùng vô tận của Đức Chúa Trời và của mọi sự mọi vì thuộc lai thế (Rô 16:26; Hê 9:14; Khải 1:17,18; Ma 19:29; IICô 9:9).

Khi dùng chữ ấy theo cách thứ nhứt, thì chỉ về hoặc một giai đoạn lịch sử của thế gian, hay là chỉ về “đời nầy” vậy. Khi dùng chữ ấy theo cách thứ hai, cũng có ý “cùng tận”, nhưng ý niệm ấy chỉ về khoảng thời gian lâu dài hơn hết theo như những sự vật gì có thể thực tại trường cửu vậy. Giả như nói về “núi đời đời”, thì biết rằng núi không được thực tại đời đời như Đức Chúa Trời đâu. Song chánh ý là núi non kia có thể thực tại bao lâu, thì sẽ được thực tại bấy lâu. Nói về linh hồn cũng vậy. Nếu linh hồn có thể thực tại đời đời chẳng dứt (là điều chúng ta đã công nhận rồi), thì cố nhiên sự hình phạt của nó cũng phải hằng còn đời đời, mới xứng hiệp với bản tánh của nó vậy. Về cách thứ ba, xin luận đến trong phần dưới.

(b)Kinh Thánh thường dùng chữ “đời đời” để chỉ về thời gian vô hạn:

(1)           Dùng để chỉ về sự thực tại vô hạn của Đức Chúa Trời: Kinh Thánh thường dùng chữ “đời đời” (nguyên văn là aion, aionios) để chỉ về thời gian vô hạn. Như là nói về Ba Ngôi Đức Chúa Trời, Cha, Con và Thánh Linh, hằng còn, không hề thay đổi, thì thường dùng chữ ấy, chắc chắn là có ý tỏ ra sự thực tại của Ngài là vô thỉ vô chung vậy. Bằng chẳng vậy, thì Kinh Thánh không còn chữ nào khác để tỏ ý niệm ấy. Rô 16:26; ITi 1:17; Hê 9:14; Khải 1:17,18

(2)           Dùng để chỉ về phước lạc đời đời của thánh đồ: Kinh Thánh cũng dùng chữ ấy để chỉ vẽ ra phước lạc đời đời của thánh đồ trong cõi lai sanh: Ma 19:29; Gi 6:54; IICô 9:9; Đa 7:18

Ấy vậy, nếu sự thực hữu của Đức Chúa Trời vô cùng vô tận, thì phước lạc đời đời của thánh đồ ở nơi lai sanh cũng vô cùng vô tận vậy; vì Kinh Thánh chỉ dùng một chữ để tả ra cả hai ý ấy.

(3)             Dùng để chỉ về sự hình phạt đời đời của kẻ ác: Kinh Thánh cũng thường dùng chữ “đời đời” để luận về sự hình phạt của kẻ ác. Vả, nếu sự hình phạt ấy có hạn, và chữ “đời đời” không chỉ về thời gian vô tận, thì sự sống đời đời của thánh đồ cũng hữu hạn. Bởi vì trong Ma 25:46 Chúa dùng từ liệu “sống đời đời” và “hình phạt đời đời” mà nói chung trong một câu, chỉ tỏ minh bạch rằng sự sống đời đời và phước lạc của thánh đồ vĩnh cửu đến chừng nào, thì sự hình phạt kẻ ác cũng vĩnh cửu đến chừng nấy. Nếu hình phạt kẻ ác có khi hết, thì phước lạc của thánh đồ cũng có lúc cùng vậy. Ma 25:46; IITê 1:9; Khải 14:11

 

TỔNG ĐOÁN

Kinh Thánh quả đã dạy sự hình phạt của kẻ ác hằng còn mãi đến đời đời vô cùng. Bởi vì chữ chỉ tỏ ra sự thực hữu của Đức Chúa Trời vốn vô thỉ vô chung, và phước lạc của thánh đồ còn mãi đến vô cùng, cũng là chữ vẽ ra sự lâu dài của sự hình phạt kẻ ác. Nếu Đức Chúa Trời thực hữu đến vô cùng vô tận, và nếu sự sống đời đời và phước lạc của thánh đồ ở chốn lai sanh còn đến mãi mãi chẳng hết không cùng, thì sự hình phạt kẻ ác cũng vậy.

Thực, như nhà thần đạo kia đã luận rằng: “Như Christ không thể thôi sống, Thánh Linh không thể thôi ở với thánh đồ luôn luôn thể nào, thì sự hình phạt kẻ ác cũng không thể dứt được thể ấy; bởi Kinh Thánh chỉ dùng một chữ đời đời ấy để mô tả cả cảnh nầy cùng cảnh kia vậy. Tân ước dùng chữ aionios 66 lần, 51 lần để tả ra sự phước lạc của người công nghĩa, 2 lần để nói về sự tồn tại của Đức Chúa Trời và sự vinh hiển của Ngài, 6 lần để chỉ về thời gian vô tận vô chung, 7 lần để tả ra sự lâu dài của sự hình phạt kẻ ác. Cũng dùng chữ aion 95 lần, 55 lần chỉ về thời gian vô hạn, 31 lần chỉ về thời gian hữu hạn, 9 lần chỉ về sự lâu dài của sự hình phạt tương lai”. Lại luận rằng: “Hễ Kinh Thánh dùng hai chữ ấy (aionios, aion) để tả ra sự hình phạt tương lai của kẻ ác, mà nếu không dự cáo được rằng sự hình phạt ấy là vô cùng vô tận, thì trong tiếng Hi-lạp chẳng còn có chữ nào khác để tỏ ra ý niệm ấy nữa.” (Dẫn ở sách Systematic Theology của tấn sĩ A. H. Strong, tr. 1045).

Chúng ta xin thêm rằng: nếu sự hình phạt tương lai của kẻ ác không phải hằng còn đến vô cùng vô tận, mà chỉ có hạn định, thì sự thực tại của Đức Chúa Trời và phước lạc của thánh đồ cũng không hằng còn đến vô cùng đâu, bèn cũng có hạn định vậy thôi.

Thế thì, dầu trí não hữu hạn ta không thể hiểu thấu ý niệm đời đời mười phân vẹn mười đi nữa, thì hẳn cũng có thể quả quyết rằng Kinh Thánh dạy rất minh bạch rằng sự hình phạt tương lai của kẻ ác thật vô hạn, kẻ bị ném vào chốn hư mất chẳng một tia hy vọng tờ mờ nào sẽ còn có dịp tiện ăn năn để được cứu rỗi nữa.

2.    TỊCH DIỆT THUYẾT

Đảng thừa nhận thuyết nầy chia ra ba phe, chủ trương ý kiến có chỗ khác nhau một ít.

a) Lý luận của tịch diệt thuyết: Thuyết nầy chủ trương ba ý đại khái như sau đây:

1)    Khi người ác qua đời, tức thì bị tiêu diệt, bởi vì sự tuyệt diệt là hình phạt cực điểm.

2)    Kẻ ác bởi sự kết cuộc của tội lỗi mà bị tiêu diệt. Ý tưởng ác, công việc ác, đều làm thiệt hại cho người ta, nên cuối cùng sự thiệt hại ấy là thân thể và linh hồn đều bị tịch diệt vậy.

3)    Khi kẻ ác đã bị bỏ xuống địa ngục, chịu hỏa hình nơi ấy nhiều ít rồi, thì bị tuyệt diệt ngay. Bởi vì người ác sẽ chịu hình phạt cân xứng với tội họ nặng hay nhẹ. Khi đã chịu đủ rồi, thì bị tiêu diệt liền, không cần để lại ở nơi u minh khốn nạn ấy đặng chịu đau đớn quá chừng làm chi nữa.

b) Sự sai lầm của lý thuyết ấy: Lý thuyết nầy có chỗ rất sai lầm, đại khái như tỏ ra sau đây:

(1)Lý luận không công bình: Nếu nói người ác chết rồi, liền bị tịch diệt đi, mà không cần ứng hầu trước tòa Đức Chúa Trời để chịu xét xử phân minh, thì sao gọi là công bình? Vậy, ai muốn phạm tội bao nhiêu cũng được, vì trước sau cũng chẳng bị phán xét gì. Vì hễ đã chết rồi là bị tuyệt diệt ngay đấy thôi, còn chi nữa đâu mà phán xét nầy nọ! Huống nữa, nếu nói sự kết cuộc của tội lỗi có thể tiêu diệt người ta liền, thì hẳn cũng chẳng hiệp lý tý nào, bởi tội lỗi ai càng nặng chừng nào, thì nấy sẽ bị tiêu diệt càng mau chừng nấy chớ. Bằng thật như vậy, thì sự phán xét công nghĩa của Đức Chúa Trời ở đâu? Sự chiếu tội định hình cho người ta sẽ ra sao?

(2)Trái ý Kinh Thánh: Tịch diệt thuyết trái hẳn ý của Kinh Thánh. Vì Kinh Thánh luận về chỗ hình phạt đời đời là nơi sâu bọ không chết, lửa không tắt (Mác 9:44,46), khổ hình của kẻ ở nơi ấy hằng còn cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời vô cùng (Khải 14:10,11). Vậy, sao dám nói kẻ ác sẽ bị tuyệt diệt?

(3)Chẳng có căn cứ gì cả: Lý thuyết nầy chẳng căn cứ vào đâu cả, vì chẳng những là Kinh Thánh gọi hai chữ hư mất (apoleia) không có nghĩa tiêu diệt, mà lại lời dự ngôn về lửa cháy chốn ấy cũng không thể giải nghĩa theo ý lửa hữu hình thiêu hủy vật chất đời nầy được. Lửa địa ngục thích hiệp với bản tánh linh hồn, tuy đốt cháy mà vẫn chẳng tiêu hóa đâu, bởi linh hồn vốn thuộc linh nên cũng không tiêu hóa được. Hơn nữa, con thú và tiên tri giả đã bị ném vào hồ lửa trước Sa-tan đến một ngàn năm; dầu vậy đến ngày Sa-tan bị ném vào đó, thì con thú và tiên tri kia vẫn còn ở trong đó, và Giăng nói rằng cả ba đều sẽ “chịu khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời vô cùng”. Thế thì, ta thấy rõ thuyết nầy chẳng căn cứ gì vào Kinh Thánh, mà cũng chẳng hề có căn cứ vào chỗ nào khác, bèn ra từ tâm tư hư hỏng, ý tưởng lạc lầm của người ta bịa đặt đó thôi.

3.    THUYẾT DỊP TIỆN THỨ HAI

Thuyết nầy chủ trương rằng những kẻ qua đời nầy rồi mà chưa nghe Tin Lành hoặc đã nghe mà chưa kịp tin, khi chết rồi còn có dịp tiện thứ hai để hồi tâm hướng đạo mà được cứu rỗi vậy.

a) Lý luận của thuyết nầy:Thuyết nầy tuy giống khôi phục thuyết, nhưng có lý do khác hơn một ít.

(1)Vẫn có viện Kinh Thánh: Thuyết nầy có viện bốn chỗ trong Kinh Thánh làm căn cứ, là IPhi 3:19,20; luận về Christ đi giảng cho các linh bị tù; IPhi 4:6, luận về Tin Lành được giảng cho kẻ chết; Êxê 16:53-55, luận về sự khôi phục Sô-đôm và Sa-ma-ri, và Khải 20:11-15; luận về mọi người đều chịu phán xét theo công việc làm của mình.

(2)Suy nghĩ theo lý tự nhiên: Họ cũng thường luận rằng trong đời nầy ta thường thấy đời sống của người ta làtối tăm, cả đời ví như ở tù, bị nhiều tội lỗi dỗ dành, ít có thiện hóa, nên dầu muốn làm lành cũng không biết làm thể nào, vì chẳng ai giảng đạo chỉ đường cho. Thế thì, nếu ở đời sau mà cũng không có dịp tiện cải ác tùng thiện, thì làm người có ích chi? Sống đã không có dịp may được cứu, kịp chết rồi cũng không còn có dịp tiện để hồi tâm hướng đạo, thì há chẳng mãi ngậm hờn nuốt tủi, đời đời chịu thời đen vận rủi, đáng thương hại lắm đó ru? Mà nếu lòng ta còn biết cảm thương họ dường ấy, huống chi là Đức Chúa Trời? Nỡ nào Ngài chẳng thi ân cho kẻ khốn nạn ấy một dịp tiện nữa để họ cải quá thiên thiện, hồi tâm hướng đạo mà tin nhận Chúa Jesus Christ cho được cứu rỗi ư?

b) Sự sai lầm của luận thuyết nầy: Các ngộ điểm của luận thuyết nầy đại khái như sau đây:

(1)Muội lý Kinh Thánh: Tuy hai đoạn sách IPhi 3:19,20 và 4:6, hơi khó hiểu, thì chúng ta cũng có thể đoán chắc chắn rằng nó quả chẳng dạy rằng kẻ gian ác sau khi qua đời lại còn có dịp tiện thứ hai để nghe Tin Lành mà được cứu rỗi đâu. Kẻ vin lấy những chỗ ấy mà dạy như thế bất quá là muội lý Kinh Thánh mà dạy tà giáo đó thôi. Sau đây xin trích thuật từng chữ của hai chỗ ấy. IPhi 3:18-20; IPhi 4:6

Kê cứu hai chỗ nầy cho kỹ thì ta thấy rằng:

(a)Khi Christ tắt hơi trên thập tự giá, thì thần linh Ngài xuống âm phủ. Ấy là điều Hội Thánh phổ thông đã thừa nhận từ xưa đến nay.

(b)Ngài xuống nơi đó để giảng. Chữ mà bản Việt ngữ dịch là giảng đây theo nguyên văn Hi-lạp nghĩa đen là tuyên bố, báo cáo, chớ không phải là chữ thường dùng để chỉ về việc giảng Tin Lành. Vậy, Chúa xuống âm phủ để giảng cho ai? Trong IPhi 3:19,20, Phi-e-rơ nói Ngài đã đi giảng cho các lính bị tù, tức là kẻ không vâng phục trong đời Nô-ê, rồi lại bị nước lụt cuốn đem đi mất. Mà Ngài giảng về gì? Ấy Phi-e-rơ chẳng nói đến, nhưng chắc không giảng Tin Lành về ơn cứu rỗi đâu, vì ta chẳng thấy có ai nhờ sự giảng ấy mà được cứu đâu. Phần lớn của các nhà giải nghĩa Kinh Thánh xưa nay tưởng rằng Ngài đi đó để tuyên bố sự đắc thắng của Ngài, làm chứng cho người hồng thủy tiền biết về thần linh ở trong Nô-ê nhằm đời hồng thủy đó đã dự cáo về Ngài và công việc Ngài đều là đúng đắn, vừa được ứng nghiệm cả.

(c) Chúa chỉ đi giảng cho các người bị chết đắm vì tại hồng thủy trong đời Nô-ê. Phi-e-rơ chẳng nói Chúa có giảng cho những người ác khác từ thời hồng thủy trở đi đã sa vào địa ngục. Cũng chẳng nói rằng từ khi Chúa sống lại thăng thiên trở đi Ngài cứ hằng đi xuống địa ngục để giảng Tin Lành cho kẻ ác ở đó đâu. Thế thì, Chúa giảng cho các linh bị tù đó là tại sao và thể nào, thì ta chẳng biết rõ được, nhưng ta có thể đoán chắc rằng câu ấy không có ý cỏn con nào cho ta một tia hy vọng lờ mờ rằng kẻ ác qua đời lại còn được dịp tiện nghe Tin Lành để được cứu đâu.

(d)So sánh khúc sách ấy với nhiều chỗ khác trong Kinh Thánh thì càng rõ hơn nữa rằng Kinh Thánh chẳng hề dạy về kẻ ác qua đời còn có thể hồi tâm hướng đạo nữa; trái lại, trăm câu như một đều minh chứng rằng dịp tiện cứu rỗi thuộc về đời nầy; khi qua đời rồi chẳng còn một dịp nào nữa.

(e)Về IPhi 4:6, thì nói “Tin Lành đã giảng cho kẻ chết”. Câu ấy cũng khó hiểu, song chắc luận về việc khác hơn hai câu trong đoạn 3:19,20. Chữ giảng đây là chữ Tân ước thường dùng để chỉ về việc giảng Tin Lành. Vậy, “kẻ chết” ở đây là ai? Phi-e-rơ chẳng nói rõ; nhưng phần đông các nhà giải nghĩa Kinh Thánh chủ trương rằng “kẻ chết” đây là các thánh đồ của đời Cựu ước đã qua đời, chưa lên thiên đàng, song được ở trong “lòng Áp-ra-ham” (Lu 16:22) hưởng phước vui vẻ, chờ đợi sự cứu rỗi mà Christ sẽ làm nên. Khi Christ đã làm xong việc ấy rồi, bèn xuống âm phủ, truyền giảng Tin Lành ấy cho các thánh đồ đặng chờ đợi ở đó, rồi khi Ngài sống lại thì đem hết thảy đoàn thể thánh đồ ấy về trời với Ngài (Êph 4:8-10). Cho nên, ta cũng xin quả quyết rằng câu ấy chẳng hề dạy gì về kẻ ác qua đời rồi lại còn có dịp tiện nghe Tin Lành để được cứu đâu.

(f)  Về Êxê 16:53-55, chắc chỉ nói bóng về sự cứu rỗi thế gian và muôn vật lúc Chúa tái lâm đó thôi. Vì Kinh Thánh có chỗ dùng Sô-đôm làm hình bóng chỉ về thế gian (Khải 11:8). Có kẻ tưởng rằng khúc sách ấy nói bóng về sự khôi phục dân Y-sơ-ra-ên với cơ đồ đất nước của họ trong thời đại Thiên hy niên vậy. Dầu thế nào, trong IIPhi 2:6-8, Phi-e-rơ từng nói Sô-đôm đã bị Chúa định tội và khiến bị phá đổ sạch sành sanh; còn trong Ma 10:15 chính Chúa dạy rằng nó sẽ còn bị phán xét trong ngày phán xét chung vậy. Hơn nữa, kẻ được cứu vốn không đến sự phán xét ấy, thì rõ lắm người Sô-đôm thuở xưa chẳng còn có dịp tiện thứ hai nào để được cứu nữa đâu.

(g)Còn về Khải 20:11-15 luận rằng: “Kẻ chết bị xét đoán tùy theo việc làm của họ”, thì rất rõ ấy là nói về công việc của người ta làm lúc sanh tiền, chớ chẳng phải là nói về công việc họ đã làm nơi địa ngục đâu.

(2)Thuyết nầy ngăn trở lòng người cầu cứu: Lý thuyết nầy thật nguy hiểm quá, vì nó ngăn trở lòng người ta muốn cầu Chúa cứu mình. Nó lừa gạt tội nhơn nhẹ dạ trong mong sẽ còn dịp tiện được cứu ở nơi đời nầy. Họ quên lửng rằng “hiện nay là thì thuận tiện… hiện nay là ngày cứu rỗi” (IICô 6:2). Hễ mất dịp tiện đời bây giờ, thì sau hẳn chẳng còn dịp tiện nào khác nữa. Vả, nếu sau khi qua đời lại còn có dịp tiện được cứu, thì chúng ta cũng nên cầu nguyện cho những người đã qua đời rồi. Song Kinh Thánh dầu chép biết bao nhiêu là lời cầu nguyện, mà chẳng hề có một lời nào cầu nguyện thay cho người chết; cũng có nhiều đoạn dạy rõ về sự cầu nguyện, nhưng chẳng có một câu nào dạy phải cầu nguyện cho kẻ đã qua đời. Thực sự há chẳng ám chứng rằng người đã qua đời nầy rồi, chẳng còn dịp tiện nào được cứu nữa đó sao?

(3)Thuyết nầy khiến cho tín đồ trễ nải công việc Chúa: Tín đồ nào tín nhận lý thuyết nầy, thường trễ nải trong sự hầu việc Chúa, lần lần nguội lạnh về sự chứng đạo, kết cuộc là bỏ hẳn sự giảng Tin Lành cho kẻ ngoại. Vì họ luận rằng, nếu đời sau còn dịp tiện nghe Tin Lành để được cứu, cần chi phải quá ư tốn của nhọc công phí cả tinh thần mà lo đem Tin Lành cho họ bây giờ. Đời sau chính Chúa sẽ làm việc ấy thì càng chắc chắn hơn, linh nghiệm hơn. Thôi, ta cứ làm việc khác, để Chúa lo giảng đạo cứu rỗi cho họ ở nơi đời sau cũng được chớ gì! Lý luận ấy rất sai lầm, rất nguy hiểm, rất gớm ghê; vì về mặt nầy thì xui ta bất phục Chúa mà trái mạng lịnh Ngài; về mặt kia thì phạm tội giết linh hồn người ta, khiến máu oan của họ phải đổ lại trên ta, chuốc lấy cho ta sự phán xét rất nặng nề. Những câu trưng dẫn sau đây dạy rõ ràng về trách nhiệm ta đối với sự giảng Tin Lành làm chứng đạo là lớn dường nào! Mác 16:15,16; ICô 9:16; Êxê 3:17-21

 

KẾT LUẬN

Ấy vậy, ta thấy Kinh Thánh dạy rất rõ ràng, rất cặn kẽ về đạo vĩnh sanh và vĩnh hình, ai tận tâm kê cứu đến, không thế nào lầm hiểu sự dạy dỗ ấy được, vì Kinh Thánh thường lấy tiếng rất nghiêm nghị mà báo cáo rằng người công nghĩa sẽ hưởng vĩnh sanh cho đến đời đời vô cùng; còn kẻ ác sẽ bị vĩnh hình cũng đến vô tận vô chung vậy. Đức Chúa Trời sở dĩ gia hình đời đời cho kẻ ác dường ấy, là chẳng những không trái lẽ công nghĩa của Ngài, mà lại còn tỏ rằng sự công nghĩa ấy càng thêm nữa thì có. Đức Chúa Trời sở dĩ đụng hình là gốc bởi đức tánh thánh khiết Ngài đời đời chẳng hề thay đổi, trước cũng như sau, bao giờ cũng phản đối hẳn với tội ác, kẻ nào cố ý mãi ấp yêu đeo đuổi theo nó, mà cứ chối bỏ ơn cứu rỗi, quả không sao lánh khỏi cơn thạnh nộ phừng phừng của Đức Chúa Trời ở trong đời sau được. Vả lại, người ác sở dĩ chịu hình phạt đời đời đó, chẳng những là vì lẽ đáng phải chịu khổ hình ấy thôi đâu, nhưng cũng bởi ác tánh người không chừa đổi, nên cũng không thể ngớt phạm tội được. Dường ấy, kẻ ác sau khi bị ở trong địa ngục vẫn cũng cứ phạm tội mãi mãi, nên chi chịu hình phạt đời đời cũng rất tương xứng với tâm tánh và vị cách của họ, ấy thật là lẽ chí công chí chánh vậy.