PHẦN 1

Chương 1: TỔNG LUẬN VỀ CHRIST LÀM CỨU CHÚA

I. CHRIST LÀ SỰ BAN CHO CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Đức Chúa Trời và loài người vốn giao thông với nhau cách thân mật êm ái. Nhưng tiếc thay! Tội lỗi đã xen vào, khiến cho loài người sa ngã, mắc tội với Đức Chúa Trời, trở nên hủ bại. Sự phạm tội ấy đã gây nên một vực sâu thăm thẳm phân cách hai bên, loài người tự mình chẳng lấp bằng được, cũng không phương bắc cầu qua lại. Vậy, phải làm thế nào mà cứu rỗi loài người? Phải dùng cách nào bắc cầu qua vực sâu ấy mà lập lại sự giao thông giữa Đức Chúa Trời và loài người? Loài người đã không tự cứu mình được, thì rõ lắm nếu Đức Chúa Trời không động lòng thương xót mở rộng cửa ân điển, thì chẳng ai được cứu bao giờ, duy ai nấy đều phải bị hư mất trầm luân đời đời đó thôi.

Cảm tạ Đức Chúa Trời! Điều loài người không thể tự làm được không thể tự làm được, thì Đức Chúa Trời đã làm rồi: Ngài đã ban Christ, Con độc sanh của Ngài, để làm Cứu Chúa cho loài người, làm cầu bắc qua vực sâu tội lỗi đó, hầu đem họ trở lại với Đức Chúa Trời mà lập lại sự giao thông thân mật êm ái như xưa. Xem Es 9:5; Ma 1:21; Lu 2:11

II. ĐỘNG NHÂN BAN CHRIST LÀM CỨU CHÚA

Vậy, lấy động nhân gì mà khiến Đức Chúa Trời ban cho loài người Con độc sanh của Ngài làm Cứu Chúa của họ? Đại khái có bốn động nhân như sau đây:

1. Lòng yêu thương của Đức Chúa Trời: Trù hoạch về phương pháp cứu rỗi do lòng yêu thương vô hạn vô lượng của Đức Chúa Trời. Đức tánh Ngài là sự yêu thương (IGi 4:8). Tình yêu thương ấy rất rộng rãi, cao sâu, chẳng ai dò lường được (Gi 15:13; Eph 3:8), đến đỗi không thể nào đành làm ngơ để mặc loài người bội nghịch mà bị hư mất đời đời; buộc lòng Đức Chúa Trời phải hi sinh Con yêu dấu của Ngài để cứu vớt họ. Chính Chúa Jesus có phán rằng: xem Gi 3:16

2. Đức thánh khiết của Đức Chúa Trời: Ta đã biết sự thánh khiết là đức tánh đầu nhứt của thể yếu Đức Chúa Trời; khi được tỏ ra cho chúng ta thì gọi là đức công nghĩa tuyệt đối. Vả, về phương diện nầy thì thể yếu của Đức Chúa Trời là yêu thương vô hạn; về phương diện kia, lại là công nghĩa tuyệt đối. Lòng yêu thương rất muốn cứu rỗi, tha thứ cho loài người. Nhưng đức công nghĩa không thể tha thứ cho loài người nếu không có sự đền tội trước đã. Bằng chưa có sự đền tội,mà lại tha thứ cho, ấy là phản nghịch hẳn với sự công nghĩa của Đức Chúa Trời.Nhưng nếu Ngài thực hành tội án trên loài người, thì loài người phải chịu trầm luân đời đời ở nơi địa ngục, và mục đích về sự tạo thành họ cũng hư mất luôn nữa.Ôi! Điều bi thảm ấy là điều lòng yêu thương của Đức Chúa Trời không thể chịu nổi.

Thành thử, đức công nghĩa và lòng yêu thương của Đức Chúa Trời hiệp lại làm động nhân rất có năng lực khiến cho Ngài phải tạo ra phương pháp cứu rỗi bởi Jesus Christ, Đấng Thần nhân, nhờ ở trong thân thể Ngài mà đã vừa bảy tỏ ra lòng yêu thương tối thượng ấy, vừa theo sự công nghĩa tuyệt đối mà làm tế lễ đền tội, hầu cho nhờ đó bắc cầu qua vực sâu phân tách loài người với Đức Chúa Trời, đem họ trở lại, tái lập sự giao thông với Ngài như xưa. Nên Kinh Thánh có chép rằng: Xem Ro 5:8. Còn sự chết ấy Phao-lô lại chứng rằng là: xem Ro 3:26

3. Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời: Ân cứu rỗi của thập tự giá do sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời trù hoạch, nhờ sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời mà làm ra, cũng bởi sự khôn ngoan ấy mà được thành công trọn vẹn. Thực, chỉ sự khôn ngoan tuyệt đối của Đức Chúa Trời có thể trù hoạch một phương pháp cứu rỗi thần diệu dường ấy, có linh nghiệm đủ để vừa thỏa mãn lòng yêu thương của Đức Chúa Trời, vừa làm phu phỉ đức công nghĩa của Ngài. Phao-lô dạy rõ ràng một động nhân khiến cho Đức Chúa Trời ban Christ làm Cứu Chúa ta là sự khôn ngoan đời đời của Ngài, đến đỗi chính Christ là sự hiển hiện của sự khôn ngoan ấy. Xem ICo 1:21,23,24

4. Quyền năng của Đức Chúa Trời: Đức Chúa Trời không những là nhờ sự khôn ngoan Ngài mà trù hoạch sự cứu rỗi, Ngài lại dùng quyền năng vô đối của Ngài mà làm cho trù hoạch ấy thành công. Vì Christ nhờ quyền năng của Đức Chúa Trời mà được đầu thai (Lu 1:35), cũng nhờ quyền năng ấy mà được sống lại (Ro 1:4); nay Ngài dùng cả quyền năng ấy để áp dụng sự linh nghiệm của phương cứu rỗi đó cho ta (Ma 28:18). Sau đây Ngài lại sẽ lấy quyền ấy mà tái lâm đặng làm hoàn thành việc cứu rỗi (Lu 21:27). Xem Lu 1:35; Ro 1:4; Ma 28:18,19; Lu 21:27

Thực, chính Jesus Christ là quyền năng của Đức Chúa Trời, hiện ra để phá hủy quyền phép của Sa-tan, tội lỗi, thế gian và xác thịt, trước ở trên thập tự giá, sau ở trong đời sống của cá nhơn tín đồ,rồi rốt lại sẽ còn toàn thắng thế lực của ma quỉ, quét sạch ảnh hưởng của cuộc chủ trị nó trong cả vũ trụ nữa. Xem ICo 1:24; Ro 1:16; IITe 2:8

III. ĐỨC CHÚA TRỜI BAN CHRIST LÀM CỨU CHÚA THẬT RẤT CẦN YẾU

Một phương pháp cứu rỗi có đủ linh nghiệm để toàn cứu loài người khỏi tội thật cần yếu vì hai cớ nầy:

1. Sức người không thể tự cứu được: Loài người đã trái mạng lịnh Đức Chúa Trời,làm dơ bẩn nguyên tánh, sa vào tội lỗi, mắc lưới ma quỉ rồi. Dầu đã hết sức ước ao tu tâm dưỡng tánh để được cứu, song các công việc ấy thật vô ích cả: sức thiên nhiên của họ chẳng tự cứu mình được bao giờ. Trải qua các đời đã có nhiều nhà hiền triết hằng cẩn thận lời nói nết làm, chăm chỉ theo lành lánh dữ; song tu hành càng đắc đạo chừng nào, lại càng cảm biết tội chừng nấy. Nên từ xưa đến nay cả thảy đều than rằng: “Núi khó dời, tánh khó đổi!” Cho nên rất cần Đức Chúa Trời ban cho một Cứu Chúa toàn quyền toàn năng, để Ngài làm điều mà loài người không thể tự làm được.

2. Sự khôn ngoan người không kịp: Muốn cứu vớt người tội lỗi, đem họ trở lại làm thánh làm nghĩa, chẳng những không nhờ sức người mà làm được, lại cũng chẳng có thể cậy sự khôn ngoan riêng mà đạt đến, hoặc dựa theo ngộ tánh mà làm nổi đâu bao giờ. Nếu Đức Chúa Trời không thương xót mà ban một Giáo sư thiên thượng để dạy người đời, chỉ đường cứu rỗi, dẫn lối trường sanh; nếu không ban cho một Cứu Chúa có đủ đại công nghiệp đại giá trị để chuộc tội họ giải cứu họ khỏi địa vị hủ bại của tội lỗi, thì loài người đành khoanh tay chờ chết, chớ biết tính làm sao?

Trải đời có nhiều nhà hiền triết, lắm bực tôn giáo, đã từng xuất hiện, đem hết tài lực tâm ý để tìm phương cứu rỗi, nhưng chẳng ai tìm được. Sự khôn ngoan của họ không kịp, học thuyết của họ chẳng những không cứu rỗi ai, mà lại càng dắt họ xa cách Đức Chúa Trời và đường cứu rỗi càng hơn, đến nỗi chính sự khôn ngoan học thuyết họ ngăn cản họ nhận biết sự cứu rỗi do Christ mà ra, làm cho lòng tín ngưỡng họ bị mê muội, khiến cho họ đành chịu hạ mình phục thờ các vật thọ tạo thay vì Đấng Tạo hóa. Phao-lô chép rằng:xem ICo 1:21. Còn đạo Phao-lô giảng đó là: xem ICo 1:23,24

IV. ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ DỰ ĐỊNH BAN CHRIST LÀM CỨU CHÚA

Ta biết trước khi chưa tạo thiên lập địa,thì Đức Chúa Trời đã dự trù mọi công việc, nào cuộc tạo hóa, nào việc bảo tồn,nào sự chuộc tội, thảy đều được bao hàm trong cái trù hoạch dự định gọi là nguyên chỉ của Ngài. Từ trước vô cùng Christ là Cứu Chúa của loài người; thập tự giá được dựng lên ở trên trời trước khi chưa được trồng trên mặt đất. Cuộc chuộc tội vốn từ lòng Ba Ngôi Đức Chúa Trời trù hoạch và làm nên ở cõi đời đời; kế sau mới được tỏ ra trong cõi lịch sử lúc Christ giáng sanh, chịu hình chịu chết trên thập tự giá; cũng được tỏ ra trong chúng ta, là kẻ tín nhận Ngài để được cứu rỗi nữa. Những câu viện dẫn đây làm chứng Đức Chúa Trời đã dự định việc cứu rỗi nầy từ trước vô cùng vậy.

1. Christ phải làm việc cứu chuộc: xem Kh 13:8; Cong 2:23

2. Ban ơn cứu rỗi cho ta: xem IITi 1:9

3. Cho chúng ta do Jesus Christ được phận làm con: xem Eph 1:5

4. Chọn chúng ta trong Christ: xem Eph 1:4

5. Chúng ta nhờ Christ được làm cơ nghiệp của Đức Chúa Trời: xem Eph 1:11

V. SỰ DỌN ĐƯỜNG CHO SỰ CỨU RỖI

Nếu Đức Chúa Trời từ trước vô cùng, đã dự định cứu chuộc loài người, thì tại cớ sao lúc tổ tiên vừa trái mạng, bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen, Đức Chúa Trời không liền dựng thập tự giá ở cửa vườn mà chuộc tội cho loài người? Cớ sao bà Êva không được làm mẹ của Cứu Chúa đã hứa? Sao Đức Chúa Trời không làm ứng nghiệm lời hứa ấymà ban Christ xuống đời tức thì? Sao loài người còn phải chờ đợi đến bốn ngàn năm sau mới có Đấng ấy mở cửa ơn cứu rỗi?Kinh Thánh không đáp rõ cho vấn đề ấy, nhưng ám chỉ rằng cần phải có sự dọn đường trước, rồi sau Cứu Chúa mới hiện đến được, Kinh Thánh có câu: xem Ga 4:4

Sự dọn đường ấy bắt đầu từ lúc loài người sa ngã, trải qua các đời Cựu Ước đến khi Chúa giáng sanh, gồm có hai phần thuật lại sau đây:

1. SỰ DỌN ĐƯỜNG TRONG CÕI BÁI VẬT GIỚI

Xét lịch sử của bái vật giới, thì thấy sự dọn đường cho sự cứu rỗi theo hai phương diện: phản và chánh.

a) Phản diện: Lịch sử bái vật giới xưa minh chứng rằng ở ngoài Đức Chúa Trời loài người bị đắm chìm trong bể tội lỗi, bị hư hỏng bại hoại không thể tả ra được. Trải đời nầy qua đời kia, tội ác càng lan tràn càng thêm, đạo đời ngày càng suy đồi, lòng người ngày càng ác tệ, đến đỗi cả giống loài người bị hủ bại cực điểm, dầu hiền nhơn quân tử cũng chẳng thoát khỏi, vì tội lỗi khác nào luồng sóng tràn ngập khắp nơi, chẳng có tài nào ngăn đón được.

Loài người vốn là giống có lương năng thờ thần.Dầu tội lỗi khiến họ lìa bỏ Đức Chúa Trời, nhưng lòng thờ thần vẫn còn nguyên.Nên họ theo sự khôn ngoan của lòng hủ bại riêng mà tạo ra đạo nầy, đề xướng giáo nọ, phong thần kia lập chúa khác, hết sức thờ ma lạy quỉ. Song than ôi!Các đạo giáo ấy, cách thờ phượng kia thảy đều chỉ dẫn người ta càng cách xa Đức Chúa Trời càng hơn. Nào các bàn thờ, nào những sinh tế, nào đạo lý, nào triết học,nào mỹ thuật của họ chẳng môn nào có thể làm thỏa lòng kính thờ nguyên bản bao giờ, duy gây nên trong họ sự đói khát đau đớn và tuyệt vọng đó thôi. Kỳ thực,các bái vật giáo xưa vốn là nguồn suối của sự buông lung hủ bại của các dân tộc cổ đại, tự chứng rằng chẳng có sự linh nghiệm gì để cứu rỗi ai cả. Song dầu người ta tuyệt vọng về phương pháp cứu rỗi, thì vẫn có tấm lòng đau đớn, rên la trối chết, mong ước được cách nào giải cứu mình khỏi sự khốn đốn dường ấy. Mà thực,về phản diện, thì sự hủ bại tuyệt vọng ấy dọn đường cho sự cứu rỗi bởi Christ mà ra.

b) Chánh diện:Trong vòng các nhà tôn giáo và triết lý xưa cũng có bậc có giá trị, vì trong sự dạy dỗ của họ cũng có ít tia sáng về lẽ thật, mà sự sáng ấy, tuy lờ mờ, cũng là do Christ soi ra (Gi 1:9; Thi 94:10). Giáo phụ Justin Martyr dạy rằng các dân ngoại bang chẳng phải là không có hột giống của Đạo (Logos) thật. Chữ Đạo ấy là chữ Đạo trong Gi 1:1, tức là Christ, xưa kia bày tỏ mình ra trong lương tâm và cõi lịch sử của loài người. Ông cũng nói sự dạy dỗ của nhà triết học Platon có chỗ giống đạo Christ, và các trước giả đời xưa nhờ hột giống Đạo thật gieo trong mình mà được thấy một tí ánh sáng như mờ như tỏ về lẽ thật. Clément ở Alexandrie gọi ông Platon là Môi-se của người Hi Lạp.

Kinh Thánh cũng nhìn nhận ông Gióp,tiên tri Balaam, vua Mên-chi-xê-đéc, đều hành chức tư tế, và dầu ở ngoài tuyển dân Y-sơ-ra-ên, cũng nhận lãnh mạng lịnh của Đức Chúa Trời. Giáo phụ Tertullien gọi nhà triết học Socrates là giáo sư dạy dỗ “giống như chúng ta”. Phao-lô nói về người Cơ-rết có bậc tiên tri (Tit 1:12), có lẽ ông ám chỉ về Epiménides (596 T.C), mà Platon cũng gọi là “một người của Đức Chúa Trời”. Augustin chứng rằng:“Platon khiến tôi biết Chân Thần; còn Jesus Christ chỉ cho tôi đường dẫn đến Ngài.”

Kìa, có ba đạo Nho, Thích và Lão, chẳng phải là vô ích cho đạo đời lòng người đâu. Tuy không cứu rỗi ai, nhưng các quan niệm về tội lỗi, sự ăn năn, sự quả báo, địa ngục, thiên đàng, v...v., đều tiềm tàng trong các đạo đó cả, và dọn đường cho đạo Christ hiện ra ở Đông phương.

Nói tóm lại, các tôn giáo ngoài đều có chút ánh sáng về lẽ thật; nhưng rất lờ mờ chẳng đủ đem ai đến cùng Đức Chúa Trời,chỉ khiến người ta thất vọng đó thôi. Còn chính sự thất vọng ấy cũng dọn đường cho đạo Christ vậy.

2. SỰ DỌN ĐƯỜNG TRONG VÒNG Y-SƠ-RA-ÊN

Bắt đầu từ đời Áp-ra-ham dân Y-sơ-ra-ên làm tuyển dân của Đức Chúa Trời, được Ngài dạy dỗ về ba lẽ thật quan trọng nhứt,tức là: a) Đức Chúa Trời duy nhứt, oai nghiêm, toàn năng, rất thánh khiết; b)loài người có tội lỗi, lòng đạo đức bị dơ bẩn yếu đuối, tự mình chẳng làm lành được; c) sự cứu rỗi chắc chắn sẽ hiện đến, như đạo Môi-se đã dự chứng cho. Từ đời Môi-se trở đi Đức Chúa Trời dùng ba cơ quan kể sau đây để dạy họ ba lẽ thật ấy.

a) Luật pháp: cơ quan thứ nhứt Đức Chúa Trời dùng để dạy dỗ dân Y-sơ-ra-ên là luật pháp của Môi-se.Xét lịch sử thế gian và sự từng trải của cá nhơn, thì thấy Đức Chúa Trời thường dạy luật pháp trước để tỏ ra tội lỗi, mà dọn lòng người ta vui mừng tiếp rước Cứu Chúa. Dân Y-sơ-ra-ên nhờ luật pháp Môi-se mà học biết ba điều:

(1) Biết Đức Chúa Trời:Nhờ Đức Chúa Trời hiện ra cùng các thánh tổ xưa, và nhờ các dấu kỳ phép lạ cặp theo, dân Y-sơ-ra-ên đào dưỡng đức tin mạnh đến một Đức Chúa Trời toàn năng có ngôi riêng, làm quan án của mọi người.

(2) Biết tội lỗi:Đức Chúa Trời nhờ các điều răn, lời cảnh cáo, giọng răn he của luật pháp, mà khiến cho dân Y-sơ-ra-ên cảm giác tội lỗi trong mình, cảm biết rõ ràng Đức Chúa Trời rất thánh khiết, không bao giờ bỏ qua tội lỗi của ai; nếu không làm trọn điều răn của luật đạo đức, ắt phải bị luật ấy hình phạt chẳng sai.

(3) Sự hi vọng:Nhờ chức tế lễ, nghi lễ và tế lễ của luật pháp, mà Đức Chúa Trời gây cho lòng dân Y-sơ-ra-ên có hi vọng rằng Đức Chúa Trời chắc sẽ mở đường cho loài người được tha tội, và được đến gần Ngài như sở nguyên vậy.

b) Lời tiên tri:Cơ quan thứ hai mà Đức Chúa Trời dùng đặng dạy dỗ dân Y-sơ-ra-ên đạo lý của Ngài và dọn đường cho đạo cứu rỗi hiện ra, là lời tiên tri. Có hai thứ lời tiên tri:

(1) Bằng lời phán:Sự dự ngôn về một Cứu Chúa bắt đầu truyền ra tại vườn Ê-đen, lúc tổ tiên ta vừa sa ngã (Sa 3:15), và trải qua các thời đại về sau. Trước khi Chúa chưa giáng sanh vẫn có các tiên tri nói trước về Cứu Chúa phải hiện đến.

(2) Bằng hình bóng:Cũng có nhiều hình bóng dự ngôn về Cứu Chúa, như các nhân phẩm A-đam,Mên-chi-xê-đéc, Giô-sép, Môi-se, Giô-suê, Đa-vít, Sa-lô-môn, Giô-na; như việc dâng Y-sác làm sinh tế, sự treo con rắn bằng đồng lên ở trong đồng vắng, v.v…

Các lời tiên tri và hình bóng ấy đào dưỡng đức tin trong lòng Y-sơ-ra-ên, khiến cho họ tin cậy lòng thương xót Đức Chúa Trời chắc sẽ dự bị phương pháp cứu rỗi. Nên đương khi dân ngoại bang còn đắm chìm trong bể bi quan tuyệt vọng, thì đuốc hi vọng và đèn đức tin lại chiếu diệu trong vòng dân Y-sơ-ra-ên, vì các thánh đồ đều tin chắc rằng: “Ánh sáng được bủa ra cho người công bình, và sự vui vẻ cho người có lòng ngay thẳng” (Thi 97:11).Nên họ có thể đồng thinh với Gióp mà chứng rằng: “Còn tôi, tôi biết rằng Đấng cứu chuộc tôi vẫn sống. Đến lúc cuối cùng Ngài sẽ đứng trên đất” (Giop 19:25). Hi vọng sáng sủa và đức tin mạnh mẽ ấy càng dọn đường cho Cứu Chúa càng thêm.

c) Sự hình phạt:Các sự dọn đường cho Christ giáng lâm đó nhân vì lòng cứng của dân Do Thái trở nên sự ngăn ngừa việc ấy. Các lễ nghi của đạo Môi-se vốn chỉ làm hình bóng về chân tướng là Christ, nhưng lần lần chiếm đoạt chỗ của sự thờ phượng và đức tin thật, nên Đức Chúa Trời phải dùng một cơ quan thứ ba để dọn lòng họ về sự giáng lâm của Ngài. Cơ quan đó là sự sửa phạt. Lắm phen Đức Chúa Trời phải trừng phạt tuyển dân bởi vì họ hằng xu hướng về sự thờ hình tượng, kết cuộc là họ mất nước,bị bắt đem xa làm phu tù giữa dân ngoại bang. Sự viễn lưu ấy kết quả hai điều quan hệ:

(1) Về phương diện tôn giáo:Dân Do Thái được giải cứu khỏi bái vật giáo, gỡ ra khỏi lòng họ sự xu hướng về cuộc thờ hình tượng, khiến cho rễ độc thần chủ nghĩa đâm rất sâu trong lòng họ.Sự viễn lưu đó cũng lần lần gây nên cuộc thờ phượng trong các nhà hội, là cơ quan Đức Chúa Trời dùng để bảo thủ và truyền bá đạo độc thần ở giữa các dân ngoại bang mà dọn đường cho Tin Lành hiện đến về sau;

(2) Về phương diện dân sự:Sự tan tác dân Do Thái khắp mọi nơi khiến cho họ bỏ nghề canh mục mà theo nghề thương mãi, mở dịp cho họ học chữ Hi Lạp là tiếng phổ thông lúc bấy giờ, và tập theo luật pháp và sự tổ chức của chánh trị La Mã. Đến khi Tin Lành hiện ra, thì dân Do Thái nhân vì độc thần chủ nghĩa, sự tan tác khắp chốn, và sự thông biết tiếng Hi Lạp, được sẵn sàng để sử dụng đem Tin Lành truyền khắp bốn phương thiên hạ. Khi Đức Chúa Trời sửa soạn các điều ấy xong rồi, thì Christ, Cứu Chúa, mới ra đúng như Phao-lô chép rằng: xem Ga 4:4,5

CHƯƠNG 2: LUẬN VỀ CÁC LÝ THUYẾT XƯA NAY DẠY VỀ PHẨM VỊ CỦA ĐẤNG CHRIST

THEN CHỐT của đạo Cứu rỗi chỉ cậy ở nơi một Đấng Trung bảo, đứng giữa Đức Chúa Trời và loài người, lấy nhân tánh hiệp với thần tánh mà làm nên Đấng Thần Nhân, có bản tánh thật của người, cũng có bản tánh thật của Đức Chúa Trời, hiện đến để giải hòa giữa Đức Chúa Trời và loài người, mà dẫn hai bên được gần gũi cùng nhau như lúc tổ tiên chưa phạm tội. Đấng ấy là Jesus Christ, Con Đức Chúa Trời, vô thỉ vô chung, sanh bởi Cha từ trước vô cùng, đầu thai bởi Thánh Linh, sanh ra làm người bởi nữ đồng trinh Ma-ri,thay vì cả hai Đức Chúa Trời và loài người mà làm trọn việc cứu chuộc.

I. LỜI BÌNH LUẬN VỀ PHẨM VỊ CỦA ĐẤNG CHRIST

Vì Christ làm then chốt của đạo cứu rỗi,trung tâm Cơ đốc giáo, nền tảng về đức tin của tín đồ, nên theo lẽ tự nhiên thì vấn đề đầu nhứt nẩy ra trong tâm trí của tín đồ là: Christ là người thế nào? Phẩm vị Ngài là làm sao? Ta tin Ngài thì tin Đấng có giá trị thể nào? Vả, chỉ Kinh Thánh có thể đáp lời cho mấy câu hỏi ấy. Nhưng thiết tưởng nếu muốn hiểu thấu lẽ đạo Kinh Thánh dạy về vấn đề đó, thì lấy làm tiện trước hết khảo sát các ý kiến tà và chánh mà các nhà tôn giáo xưa nay đã chủ trương về phẩm vị của Christ, rồi sau sẽ khảo cứu Kinh Thánh để xem thử trong đó dạy thể nào.

1. THUYẾT PHE EBONITES

Phe Ebonites dấy lên nhằm cuối thế kỷ I và đầu thế kỷ II. Có kẻ tưởng rằng nguyên nhân của phe nầy là các tín đồ ở Jerusalem trốn qua Pella năm 66 S.C., ngay trước lúc quân La Mã diệt thành ấy.Phe Ebonites chủ trương rằng Christ chẳng có thần tánh, duy có nhân tánh mà thôi. Nhưng Ngài tương đối với Đức Chúa Trời khác thường mọi người, bởi vì lúc chịu báp têm thì Ngài nhận lãnh Thánh Linh một cách không chừng mực.

Thuyết Ebonites chẳng qua là đạo Do Thái xen vào Hội Thánh. Họ sở dĩ chối thần tánh của Christ là vì họ coi lẽ đạo ấy trái với chủ nghĩa độc thần. Phe Ebonites chia ra hai nhánh:

a) Nhánh người Na-xa-rét:Họ công nhận Christ giáng sanh cách siêu việt, song không nhận Ngài thực hữu trước lúc ra đời; cũng không nhận Ngài là Con độc sanh của Đức Chúa Trời từ trước vô cùng.

b) Nhánh Cérinthe:Cérinthe, một nhà tà giáo, dấy lên nhằm đời Thánh Giăng, dạy rằng Christ không giáng sanh cách siêu việt, cũng chẳng được sanh bởi Nữ đồng trinh. Người phân biệt Đấng Christ với người Jesus, quyết rằng trong Ngài nhân tánh và thần tánh chẳng liên hiệp nhau mà thành một ngôi. Cũng dạy rằng khi Jesus chịu báp têm,thì Christ (Logos) mới giáng xuống đậu trên Ngài, ban cho Ngài được khác thường với loài người. Phe nầy giống như phe Pha-ri-si, chú trọng về luật pháp lắm, mà bỏ các thơ tín chú trọng về Christ của Phao-lô trước thuật. Thơ Hê-bơ-rơ chắc được trước thuật cốt để chống lại ảnh hưởng của thuyết nầy, và ngăn cản tín đồ quá trọng luật pháp mà khinh bỏ Christ.

2. THUYẾT DOCETAE

Chữ docetae là chữ Hi Lạp, nghĩa đen là “hình như”, “giống như”, “giả mạo”. Thuyết nầy dấy lên nhằm cuối thế kỷ I, chủ trương rằng Christ chỉ có thần tánh, nhưng cũng chẳng có nhân tánh. Thân thể Ngài chẳng bằng xác thịt thật, chỉ là ảo tưởng mà thôi. Lý sự của tà thuyết nầy do sự thừa nhận vật chất là ác. Nên họ luận rằng nếu vật chất đã là ác, mà Christ lại là thánh, thì cố nhiên thân thể Ngài chỉ là ảo tượng thôi, và Ngài sanh chẳng phải là thật sanh, chết chẳng phải là thật chết, sống lại cũng chẳng thật sống lại. Nói cho đúng, thì thuyết Docetae bất quá là triết lý của bái vật giáo xen vào Hội Thánh đó thôi. Phái Ngộ đạo (Les Gnostiques) trong thế kỷ II,và phái Manichée trong thế kỷ III cũng theo tà thuyết nầy.

3. THUYẾT ARIUS

Thuyết nầy bởi bậc trưởng lão Arius,quê ở Alexandrie thủ xướng vào đầu thế kỷ IV. Ông chủ trương rằng Christ chẳng có thần tánh, chẳng có đồng một thể yếu với Đức Chúa Trời, cũng chẳng bởi Đức Chúa Trời mà sanh ra từ trước vô cùng; bèn là một Vị thọ tạo, cao trọng hơn hết các vị thọ tạo khác, gọi là Đạo (Logos), giáng sanh hiệp với nhân tánh Jesus mà nên người Jesus Christ vậy.

Thuyết nầy làm hiểu Kinh Thánh, giải nghĩa sai về sự Christ hạ mình xuống, lẫn lộn ý Ngài tạm đầu phục Cha với ý Ngài vĩnh bất bình đẳng với Cha, cố quyết rằng sự đầu phục Cha đó minh chứng rằng Ngài không được đồng thực hữu với Cha, cũng chẳng được bình đẳng với Cha nữa.

Công giáo nghị hội tại Nicée năm 325 bài xích thuyết Arius cho là tà giáo, tái quyết rằng Christ đồng thực hữu với Đức Chúa Trời, đồng thể yếu với Cha, có thần tánh, thần quyền, thần dục trọn vẹn cũng như Cha vậy.

4. THUYẾT APOLLINAIRE

Thuyết nầy bởi giám mục Apollinaire thủ xướng vào cuối thế kỷ IV, chủ trương rằng Christ chẳng có nhân tánh trọn vẹn.Ông nhận rằng loài người có ba nguyên tố, là thần, hồn và linh. Song Christ chỉ có hai nguyên tố mà thôi, là thần và hồn, còn (Đạo) Logos thì thế cho tâm linh ở trong Ngài. Thành thử Christ chẳng có nhân tánh trọn vẹn. Apollinaire sai lầm như thế là bởi vì tin rằng tâm linh là trung khu của tội lỗi ở trong loài người;nên nếu Christ là vô tội, thì Ngài cố nhiên cũng không có tâm linh vậy.

Công giáo nghị hội tại Constantinople năm 481 bài xích thuyết Apollinaire, cho là tà giáo, tái quyết đạo chánh thống rằng Christ quả có nhân tánh trọn vẹn, nghĩa là Vị cách Ngài có ba nguyên tố cũng như loài người, tức là thần, hồn, và linh vậy.

5. THUYẾT NESTORIUS

Nestorius, giáo trưởng tại Constantinople (bị cách chức năm 431), kịch liệt phản kháng thuyết Apollinaire,quyết rằng Christ có cả hai thần tánh và nhân tánh trọn vẹn; nhưng hai tánh ấy chẳng liên hiệp cách hữu cơ mà làm nên một ngôi đặc biệt như thân thể và tâm hồn của ta hiệp nhứt đâu, bèn chỉ là hiệp lại theo cách luân lý như vợ chồng phối hiệp nhau vậy. Nestorius cho Đức Chúa Trời chỉ cư trú ở trong các sự thuộc tánh của người Jesus; tuy Đức Chúa Trời và người Jesus ăn ở rất thân mật nhau, nhưng chẳng được hiệp lại làm một ngôi. Thành thử, người Jesus chỉ là đền của Đức Chúa Trời ngự, chẳng khác gì tín đồ ngày nay làm đền thờ của Christ ngự trong đó vậy. Nói một lời, thuyết Nestorius chủ trương rằng Christ chẳng những có hai tánh, mà là có hai ngôi đặc biệt nữa, phủ nhận hẳn hai tánh ấy hiệp lại thành một ngôi ở trong Đấng Thần Nhân gọi là Jesus Christ vậy.

6. THUYẾT DUY NHỨT TÁNH

Thuyết nầy bởi viện trưởng Eutyches,quê ở Constantinople đề xướng nhằm thế kỷ V, chủ trương rằng Christ chẳng có hai tánh đặc biệt, duy có một tánh do thần tánh và nhân tánh đồng hóa nên. Mà tánh ấy chẳng phải là nhân tánh, cũng chẳng phải là thần tánh, bèn là một tánh mới đặc biệt ở giữa hai tánh ấy.

Công giáo hội nghị tại Chalcédoine năm 451 bài xích thuyết Eutyches, cho là tà giáo, tái quyết đạo chánh thống về hai tánh của Christ là đặc biệt nhưng hiệp lại thành một ngôi vậy.

7. THUYẾT DUY NHỨT Ý DỤC

Thuyết nầy do thuyết duy nhứt tánh mà ra, chủ trương rằng nếu Christ đã chỉ có một tánh, thì cũng chỉ có một ý dục mà thôi.

Công giáo hội nghị tại Constantinople năm 680 bài xích thuyết nầy, kể là tà giáo, tái quyết đạo chánh thống về Christ có hai ý dục, thần ý dục, và nhân ý dục, đồng hiệp với nhau cách rập ràng để làm việc. Nhưng nhân ý dục thường phụ thần ý dục trong khi Christ hành sự, đến đỗi đối với trí hiểu ta thì dường như chỉ có một mà thôi.

8. THUYẾT CHÁNH THỐNG

Công giáo nghị hội tại Chalcédoine năm 451 tái quyết thuyết chánh thống về Phẩm vị của Christ, chủ trương rằng trong Phẩm vị ấy có hai bản tánh, tức nhân tánh và thần tánh, cả hai đều được trọn vẹn,hiệp lại cách hữu cơ, không thể phân ly, cũng chẳng đồng hóa trở nên một tánh khác được. Nói cách khác, đạo chánh thống chẳng dám phân giải ngôi Christ, mà cũng chẳng dám hỗn hiệp hai tánh của Ngài nữa. Sau đây trong một phần khác, sẽ đem bằng cớ chứng rằng chánh thống là đúng đắn, thích hiệp với Kinh Thánh và sự lý mọi bề.

CHƯƠNG 3: LUẬN VỀ CHRIST TIỀN TẠI

I. BẰNG CHỨNG

KINH THÁNH dạy rõ ràng về Christ, Ngôi thứ hai trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời, thực hữu trước khi Ngài chưa giáng sanh.Những câu viện dẫn sau đây làm chứng: xem Gi 1:1-2; Gi 8:58; Gi 17:5,24; Co 1:17. Cũng xem He 1:2,8; 2:10.

II. ĐẶC TÍNH CỦA SỰ TIỀN TẠI

Sự tiền tại của Christ có hai phương diện,là đối với Đức Chúa Trời và đối với muôn vật.

1. Đối với Đức Chúa Trời:Đối với Đức Chúa Trời Christ thực hữu từ trước vô cùng, được gọi là Con độc sanh của Đức Chúa Trời (Gi 1:14,18; 3:16,18; IGi 4:9.); nhưng Ngài chẳng sanh trong khoảng thời gian, bèn sanh từ vĩnh viễn, vốn ở trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời mà giữ phận làm Con độc sanh luôn vậy. Xem Gi 1:14,18; IGi 4:9. Cũng xem Gi 3:16,18.

2. Đối với muôn vật:Christ thực hữu trước muôn vật, vì Ngài được gọi là “Đấng sanh đầu nhứt mọi vật dựng nên” (Co 1:15); cũng gọi là “ban đầu, sanh đầu nhứt từ trong kẻ chết” (Co 1:18). Thế thì, sự tiền tại của Christ tương đối với muôn vật theo hai mặt, tức là Ngài thực hữu trước muôn vật, và Ngài sống lại đầu nhứt từ trong kẻ chết.Khi Kinh Thánh xưng hô Ngài là Con độc sanh của Đức Chúa Trời, thì nói về Ngài là vĩnh tiền hữu ở nơi Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Nhưng khi Kinh Thánh gọi Ngài là Con độc sanh đầu nhứt từ trong kẻ chết, thì nói về Ngài làm Con đầu lòng trong dòng dõi mới, mà Ngài nhờ chính sự chết và sự sống lại của Ngài mà dựng nên vậy.Tín đồ không thế nào dự phần trong danh hiệu Con độc sanh, vì ấy chỉ thuộc về Christ mà thôi; song họ nhờ sự tái sanh và sự sống lại từ trong kẻ chết mà được dự phần trong danh hiệu Con sanh đầu nhứt vậy (Ro 8:29; He 12:23).

III. ĐỊA VỊ TIỀN TẠI CỦA ĐẤNG CHRIST

Trước khi Christ chưa giáng sanh làm người, thì đứng trong địa vị nào? Vấn đề ấy khó giải quyết, vì Kinh Thánh chỉ nói đến sơ sơ mà thôi. Trong Gi 17:5, Gi 17:24 thì chính Chúa gọi địa vị ấy là “vinh hiển Con vốn có với Cha trước khi chưa có thế gian.” Trong Phil 2:6 Phao-lô gọi là “Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời”, và “bình đẳng với Đức Chúa Trời”Giăng gọi là “ở trong lòng Cha”, và được Cha “yêu mến Con trước khi sáng thế”(Gi 1:18; Gi 17:24).

Nhờ các câu ấy ta có thế gọi địa vị tiền tại của Christ bằng địa vị vinh hiển nguyên bản. Từ trước vô cùng Ngài ngự trong địa vị ấy, được bình đẳng với Cha, được giao thông với Cha rất thân mật,và được Cha yêu mến cách không xiết kể. Khi Christ giáng sanh thì tình nguyện lìa bỏ địa vị vinh hiển ấy, hiện ra như những tầm thường. Phao-lô chép rằng:xem Phil 2:6-8

Ta khá nhớ rằng dầu Christ lìa bỏ địa vị vinh hiển nguyên bản ở trên trời, tự làm cho mình trống không, thì chẳng phải là bỏ thần tánh, thần cách, thần quyền đâu, bèn chỉ lấy hình trạng loài người mà che khuất các đức tánh ấy. Có một vài khi thần tánh và thần cách Ngài lộ ra chói lói; cũng có lắm lúc Ngài dùng thần quyền mà thi hành việc cả thể nữa.Nhưng sự vinh hiển chói lói mà Ngài vốn có ở với Cha, thì để lại ở trên trời.Ví thử Ngài lấy vinh hiển ấy mà hiện ra, thì chẳng người phàm nào ngắm xem Ngài nổi, trái lại chỉ bị ánh vinh quang cực kỳ ấy tiêu diệt đi mất chẳng sai. Nên lấy làm cần yếu lắm mà Chúa phải để lại vinh hiển ấy ở trên trời, và che khuất các thần tánh thần cách Ngài, mới có thể đến gần mà giúp đỡ loài người được.

IV. CHỨC VỤ TRONG ĐỊA VỊ TIỀN TẠI

Trong địa vị tiền tại Christ có thực hành hai chức vụ đặc biệt kể như sau đây:

1. Dựng nên muôn vật:Kinh Thánh dạy rõ ràng muôn vật đều được dựng nên bởi Christ. Vẫn biết rằng Sa 1:1 có chép “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.” Nhưng Đức Chúa Trời nhờ Christ, Ngôi thứ hai, làm cơ quan trực tiếp, để làm xong công việc ấy. Xem Gi 1:3; Co 1:16; He 11:3 (tức Đạo_ Logos_ của Đức Chúa Trời).

2. Bảo tồn muôn vật:Kinh Thánh cũng tỏ ra Christ không những là dựng nên muôn vật, mà lại là Đấng bảo tồn muôn vật nữa. Từ lúc ban đầu Đức Chúa Trời nhờ Đạo (Logos), Ngôi thứ hai,mà gìn giữ, săn sóc vũ trụ được tồn tại khỏi bị băng hoại hư mất. Xem Co 1:17; He 1:3

V. CHRIST HIỆN RA TRƯỚC KHI CHƯA GIÁNG SANH

Xem Cựu Ước, thì thấy Christ, trước khi chưa giáng sanh, lắm phen đã hiện ra trong thời đại Cựu Ước. Ngài hiện ra theo hai cách thức, tức là bằng tượng trưng vật chất, và bằng hình trạng loài người.

1. Tượng trưng vật chất: Từ buổi tổ tiên ta ở vườn Ê-đen cho đến khi đền thờ Sa-lô-môn bị phá hủy, thì ở cõi nhân gian nầy thường có một cái tượng trưng bằng vật chất để tiêu biểu Đức Chúa Trời ở giữa loài người. Khi tổ tiên ta còn ở trong vườn Ê-đen, thì có thể giao thông thân mật với Giê-hô-va, được thấy mặt Ngài, và được nghe tiếng phán của Ngài (Sa 3:8).

Từ khi tổ tiên sa ngã rồi, thì Đức Chúa Trời đặt tại cửa vườn Ê-đen vị chê-ru-bin cầm gươm chói lòa làm tượng trưng biểu dương Ngài hiện diện tại đó. Ca-in và A-bên chắc đem lễ vật mình dâng lên ở trước tượng trưng ấy; Ca-in cũng trốn khỏi tượng trưng đó sau khi đã giết em mình (Sa 4:4-16).

Đức Chúa Trời cũng thường hiện ra cho các thánh tổ xưa, mắt họ được nhìn mặt Ngài, tai họ được nghe tiếng Ngài (Sa 17:1; Sa 18:1; Cong 7:2). Ngài hiện ra cho Môi-se tại bụi cây đang cháy, và phán bảo cùng người (Xu 3:1-6). Cũng năng hiện ra trong trụ mây và trụ lửa, trong vinh quang Schékina tại nhà trại và đền thờ, hay phán bảo các đầy tớ Ngài là Môi-se,Giô-suê, Sa-lô-môn, bày tỏ ra cho Y-sơ-ra-ên biết ý chỉ Ngài (Xu 13:21; Xu 14:15; Xu 19:24; Xu 20:1-26; Xu 40:34-38; IVua 8:10-11; IISu 5:13,14).

Trong đền thờ mà Xê-ru-ba-bên và Hê-rốt xây cất, chẳng thấy có tượng trưng gì để tiêu biểu Đức Chúa Trời hiện diện tại đó;vì hòm giao ước đã bị mất trong đời tiên tri Giê-rê-mi.

2. Christ hiện ra trong hình trạng loài người:Trong Cựu Ước thường nói đến một Vị thiên thượng rất oai nghiêm, hay nhân danh Giê-hô-va mà nói và làm. Vị ấy có khi được xưng bằng danh Giê-hô-va, chịu cho loài người thờ lạy mình; cũng được gọi bằng Thiên sứ, Thiên sứ của Giê-hô-va,Thiên sứ của giao ước, v.v… tham khảo các đoạn sách luận về Vị ấy, thì rất rõ ràng Ngài chẳng phải là Thiên sứ thường đâu, bèn là chính Giê-hô-va của Cựu Ước,tức là Christ của Tân Ước. Đạo (Logos) của Đức Chúa Trời, trước khi chưa giáng sanh, thì từng hồi từng lúc mượn hình trạng loài người mà hiện ra. (Xin xem Sa 16:10-13; Sa 23:20-25; Sa 32:34; Sa 33:21-23; Gios 5:13-15; Cac 13:3-20;Es 63:9; Da 10:13; Xa 1:11,12; Mal 3:1).

VI. CÁC HÌNH BÓNG DỰ NGÔN VỀ ĐẤNG CHRIST

Trong Cựu Ước cũng tỏ ra ba hình bóng đẹp đẽ, rõ ràng chỉ về Christ ở trong buổi tiền tại, rất đáng cho ta lưu ý đến.

1. Con yêu dấu:Trong Cựu Ước chỉ nói lờ mờ về Con Đức Chúa Trời, đến Tân Ước mới tỏ ra đạo ấy rõ ràng. Dầu vậy, trong Cựu Ước cũng có vài chỗ ám chỉ về Christ là Con yêu dấu của Đức Chúa Trời. Xem Thi 2:7; Thi 89:26-29; IISa 7:14-16

Tuy rằng nghĩa đen của Thi 89:26-29 và IISa 7:14-16 dự ngôn về Sa-lô-môn, con của Đa-vít, mà Đức Chúa Trời sắp ban cho vua ấy, thì cũng có nghĩa bóng sâu xa hơn, dự cáo về Christ, Con Đức Chúa Trời mà Ngài hứa ban xuống để cứu người rỗi đời. Khi Chúa Jesus chịu báp têm thì chính Cha nhận rằng lời dự ngôn ấy được ứng nghiệm, xưng hô Ngài là Con yêu dấu của Cha, đẹp lòng Cha mọi đường (Ma 3:17; Mac 1:11; Lu 3:22). Khi Ngài biến hình trên núi kia, thì Cha lại chứng nhận lần thứ hai rằng Ngài là Con yêu dấu của Cha (Ma 17:5; Mac 9:7; Lu 9:35). Cũng xem Eph 1:16; Es 42:1.

2. Đầy tớ vâng phục:Thi 40:4-8 tả ra hình bóng về đầy tớ hay vâng phục. Trước giả thơ Hê-bơ-rơ dạy rằng hình bóng ấy được ứng nghiệm nơi Jesus Christ. Xem Thi 40:6-8; He 10:5-7

Hình bóng nầy nhắc lại cho ta lời Đức Chúa Trời răn bảo Môi-se về đầy tớ (nô lệ) Hê-bơ-rơ: hễ có đầy tớ nào hầu việc chủ sáu năm, thì qua năm thứ bảy được phép đi ra tự do. Song nếu đầy tớ ấy không muốn ra tự do, bèn vì yêu thương chủ mà muốn ở lại hầu việc mãi, thì chủ phải dẫn nó đến trước mặt Đức Chúa Trời, xỏ tai nó, để làm chừng rằng nó tình nguyện hầu việc chủ luôn luôn (Xu 21:2-6).

Christ từ trước vô cùng là Đầy tớ hay vâng phục của Đức Chúa Trời, tình nguyện nhận trách nhiệm trở nên người để cứu chuộc ta. Trong Tin Lành Mác ta thấy thế nào Christ ra đời làm ứng nghiệm hình bóng ấy, làm Đầy tớ của Đức Chúa Trời, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên thập tự giá (Phil 2:5-8).

3. Chiên Con bị giết:Cựu Ước cũng dự tả Christ bằng Chiên Con bị giếtl. Khải huyền xưng Ngài là “Chiên Con đã bị giết từ buổi sáng thế” (Kh 13:8). Trong ý định của Đức Chúa Trời,Christ bao giờ cũng là Chiên Con làm sinh tế, bị giết từ trước vô cùng, để chuộc tội loài người. Từ lúc loài người sa ngã trải qua các đời Cựu Ước, có chiên con chịu chết chuộc tội dân sự hằng làm tượng trưng chỉ bóng về Cứu Chúa sẽ đến,đem mạng sống làm tế lễ đền tội người ta (Xu 12:). Giăng Báp tít nhận biết Christ là Đấng làm ứng nghiệm các tượng trưng ấy. Vì ông chứng rằng: xem Gi 1:29. Cũng xem ICo 5:7; Kh 5:6.

CHƯƠNG 4: LUẬN VỀ CHRIST THÀNH NHỤC THỂ

I. KINH THÁNH DỰ NGÔN VỀ CHRIST ĐẦU THAI VÀ TỎ RA SỰ ỨNG NGHIỆM

KINH THÁNH dạy rõ ràng, đặc biệt lắm rằng Giê-hô-va của Cựu Ước nhập vào xác thịt trở nên Jesus ở Na-xa-rét, tức là Đấng Mê-si của Đức Chúa Trời. Cựu Ước đã dự ngôn về biến động huyền diệu ấy, còn Tân Ước thì thuật lại sự ứng nghiệm lời dự ngôn đó y như sau đây:

1. Dự ngôn:Những câu dẫn sau đây dự ngôn về Christ được đầu thai trong lòng Nữ đồng trinh,sanh ra làm người. Xem Sa 3:15; Phu 18:18; Es 9:5; Es 7:14

2. Ứng nghiệm:Còn các câu sau đây lại chứng rằng những câu dự ngôn kia đã được ứng nghiệm trọn vẹn trong sự đầu thai và sự giáng sanh của Jesus Christ: xem Ma 1:18-25; Lu 1:26-35; Gi 1:14; Cong 10:36-38; Ro 8:3; Ga 4:4; ITi 3:16; He 2:14

II. CHRIST CÓ HAI TÁNH

Kinh Thánh cũng tỏ rằng Christ có hai tánh, là nhân tánh và thần tánh. Khi Ngài được đầu thai, trở nên xác thịt, thì đem thần tánh hiệp với nhân tánh mà thành Đấng Thần nhân, gọi là Jesus Christ.Sau đây xin kể qua đạo về hai tánh của Christ.

1. LUẬN VỀ NHÂN TÁNH CỦA CHRIST

Christ có nhân tánh thực tại và hoàn toàn, ấy là điều Kinh Thánh dạy rõ ràng lắm. Có bằng cớ chứng minh như sau đây:

a) Nhân tánh của Christ thực tại:Nhân tánh của Christ chẳng phải một sự ảo tưởng đâu, bèn là hiện thực, chứng minh rằng Ngài là người thật. Các bằng cớ kể sau đây làm chứng:

(1) Có gia phổ loài người:Gia phổ của Christ được chép trong Ma 1:1-17 và Lu 3:23-38, làm chứng Ngài là người thật: Bởi trong Ma-thi-ơ thì biên danh liệt tổ đến Áp-ra-ham, chỉ tỏ Ngài thuộc dòng dõi nhà vua; còn trong Lu-ca lại biên danh liệt tổ đến nguyên tổ là A-đam, chỉ tỏ Ngài thật thuộc về giống loài người, bởi vì về mặt nhân tánh thì Ngài là hậu tự của A-đam.

(2) Tự xưng là người, cũng được gọi là người:Chính Jesus Christ tự xưng là người; cũng thường được kẻ khác gọi Ngài là người nữa: xem Gi 8:40; Cong 2:22; Ro 5:15; ICo 15:21; ITi 2:5

Jesus thường tự xưng mình là “Con Người” (Ma 20:28), tức là Đại biểu của cả giống loài người, có bản tánh thực tại của loài người. Giăng nói rằng “Đạo trở nên xác thịt.” Xác thịt ấy là xác thịt thật, chẳng phải một ảo tưởng như phái Docetae và phái Ngộ đạo chủ trương đâu.

(3) Có các nguyên tố của nhân tánh:Christ cũng có các nguyên tố của bản tánh loài người, tức là thân thể, tâm hồn,và tâm linh. Tân Ước có nhiều câu làm chứng rõ cho thực sự ấy: xem Ma 26:38; Gi 11:33; Ma 26:26; Ma 26:38; Lu 24:39; He 2:14; IGi 1:1; IGi 4:2

(4) Phát động như bản tánh loài người:Nhân tánh của Jesus Christ phát động chẳng khác gì loài người. Ngài vận dụng các bản năng loài người, từng trải mọi sự thường tình của người phàm. Nên Ngài cử động như người thường, có sự yếu đuối, đói khát, túng thiếu, mỏi mệt, nằm ngủ,thức canh. Phàm những tánh yêu đương, thương xót, vui vẻ, tức giận, buồn bực,lo lắng, sợ hãi, thì Ngài đều cảm xúc cả. Cũng thường cầu nguyện, thở than,khóc lóc như người đời vẫn có vậy. Các câu Kinh Thánh sau đây làm chứng: xem Ma 4:2; Gi 19:28; Gi 4:6; Ma 9:36; Mac 3:5; He 5:7; Gi 12:27; Gi 11:33, Gi 11:35;Ma 14:23

(5) Lớn lên theo công lệ thiên nhiên:Jesus cũng lớn lên theo công lệ thiên nhiên chẳng khác gì người thường. Thân thể Ngài càng lớn lên, tâm linh càng minh mẫn, tài trí càng khôn ngoan. Ngài hay đòi hỏi, thọ giáo, học tập vâng phục, thường chịu thử thách, đau đớn, khổ nạn,mới trở nên trọn vẹn. Kinh Thánh chứng rằng: xem Lu 2:40; Lu 2:46,47; Lu 2:52; He 5:8; He 2:18; He 2:10

(6) Mắc nạn chịu chết như người thường:Christ mắc nạn chịu chết cũng như người thường. Khi Ngài chịu thương khó, đổ mồ hôi, rơi giọt máu, bị giáo đâm thấu hông, và tắt hơi, thì hết thảy đều chẳng khác chi người thường, đủ biểu minh rằng Jesus Christ có nhân tánh thật. Kinh Thánh chứng rằng: xem Lu 22:44; Gi 19:30; Gi 19:34

b) Nhân tánh của Christ hoàn toàn:Nhân tánh Christ chẳng những là thực tại, lại là hoàn toàn thiện hảo mọi bề.Các bằng cớ sau đây làm chứng:

1) MẸ THỌ THAI NGÀI CÁCH SIÊU NHIÊN

(a) Không có cha loài người:Ma-ri, mẹ của Chúa Jesus chịu thai cách siêu nhiên. Nên khi Ngài giáng sanh thì không noi theo sanh hóa thiên nhiên mà ra đời. Nghĩa là Ngài không có cha loài người, duy mượn thân thể Nữ đồng trinh mà sanh ra.

Lu-ca thuật lại sự giáng sanh của Chúa mà rằng:xem Lu 1:34,35

Ma-thi-ơ cũng đồng chứng rằng: xem Ma 1:18

(b) Xác chứng Ngài được đầu thai cách siêu nhiên: Hai câu viện dẫn ở trên và nhiều đoạn sách khác của Tân Ước đều minh chứng rằng Christ quả được đầu thai trong lòng mẹ cách siêu nhiên.Câu Ma-thi-ơ nói: “Sự giáng sanh của Jesus Christ là như vầy”, ám chỉ rằng sự sanh ra của Ngài khác với lệ thường. Lu-ca cũng đồng quyết chứng rất rõ ràng như vậy.

Vả, hễ ai hoài nghi Chúa giáng sanh bởi Nữ đồng trinh cũng hoài nghi sự trinh khiết của Ma-ri nữa. Chính Giô-sép, chồng bà, chối rằng mình chẳng phải là cha của Jesus (Ma 1:19,20). Vậy, nếu bà Ma-ri không chịu thai bởi Thánh Linh, thì cố nhiên bà là đờn bà xấu nết, phạm tội ngoại tình mà sanh Chúa, là Đấng thánh khiết vô cùng. Nhưng ý tưởng ấy cực kỳ ghê gớm, vô lý mọi bề, trái hẳn nết na của bà Ma-ri, và phản đối hẳn mọi bằng chứng về lịch sử giáng sanh của Christ! Hơn nữa, cũng chẳng có ai đã là hiền nhân mà lại dám lộng ngôn gớm ghiếc như thế đâu! Vả lại, lời dự ngôn đầu nhứt của Đức Chúa Trời nói về Ngài cũng gọi Ngài là “dòng dõi người nữ”, chớ chẳng gọi là của người nam đâu (Sa 3:15). Khi Jesus Christ giáng sanh thì Đức Chúa Trời nhờ một động tác tạo hóa mới, vượt quá công lệ sanh hóa thiên nhiên, mà đưa vào thế gian một Người siêu việt, vừa do thiên thượng mà đến, lại vừa thuộc thế hạ mà ra. Xem Ma 1:19,20; Sa 3:14,15

Đạo luận về Nữ đồng trinh thọ thai bởi Thánh Linh mà sanh Chúa, chẳng phải là vô bằng đâu, cũng chẳng nên khiến ai ngạc nhiên mà hoài nghi làm gì. Vì bằng chứng bởi lịch sử về biến động phi thường ấy rất nhiều và minh bạch lắm, đủ khiến ai nấy phải công nhận đạo ấy là xác thực vậy.Các bản cổ sao nguyên văn Tân Ước, và các cổ bản phiên dịch ra tiếng Âu Á đều có biên thuật truyện tích ấy cả; sự khẩu truyền của Hội Thánh đầu tiên kể lại truyện ấy; các bài tín điều xưa hơn hết cũng đều luận đến (như bài tín điều của các Sứ đồ). Lý tánh ta cũng dạy rằng một Đấng ăn ở trong đời cực diệu kỳ, chết cực khốn khổ, sống lại cực lạ lùng, thăng thiên cực vinh quang như Christ, cũng rất cần được đầu thai và sanh hạ cách siêu việt, mới đáng gọi là hiệp nghi vậy.

(c) Đạo đầu thai của Christ rất quan hệ: Đạo luận về Nữ đồng trinh sanh Cứu Chúa thật rất quan hệ. Bởi vì nếu Ngài nhờ công lệ sanh hóa mà ra đời như mọi người thường, thì Ngài chẳng đáng gọi là có nhân tánh trọn lành đâu, duy là một người bất toàn, bất khiết, bị ác tánh di truyền của tổ tiên cũng như mọi kẻ khác đó thôi. Mà nếu quả như vậy, thì chính Ngài đã có tội rồi; mà nếu có tội, thì làm sao làm Cứu Chúa được? Làm sao cứu rỗi ai,tha tội cho ai được ư?

(d) Sự dị nghị:Song có kẻ bài bác rằng, Phi-e-rơ, Phao-lô và Giăng là sứ đồ của Chúa, chẳng hề nói đến lẽ đạo đó, ấy há chẳng biểu chứng rằng họ chẳng biết đạo ấy, hoặc chẳng coi là quan hệ hay sao?

Xin đáp: Đời của Chúa kể từ lên một cho đến ba mươi tuổi, thì Mác và Giăng cũng chẳng nói gì đến. Vậy, chúng ta há nhân đó mà quyết đoán rằng khoảng đời của Chúa từ một đến ba mươi tuổi chẳng phải là thực hữu ư? Giăng tuy không biên thuật truyện tích về sự giáng sanh, thì cũng đã công nhận đạo ấy là nền tảng của Tin Lành. Vì ông dạy rằng “Đạo đã trở nên xác thịt, trú ngụ giữa chúng ta” (Gi 1:14). Còn Phao-lô luận về “Đức Chúa Trời… sai Con Ngài đến, sanh bởi người nữ” (Ga 4:4).

Nếu chối bỏ đạo về Cứu Chúa giáng sanh bởi Nữ đồng trinh, thì sẽ giải nghĩa truyện tích Chúa giáng sanh chép trong Ma-thi-ơ và Lu-ca thể nào? Lại nữa lời truyền thừa về đạo ấy mà Hội Thánh đầu tiên đã công nhận và truyền lại cho các đời về sau, thì do nguồn gốc nào mà ra? Thật,chối bỏ lẽ đạo nầy lấy làm khó hơn là tín nhận; bởi vì việc chối từ ấy gây nên vô số nan đề khác không ai có thể giải quyết được; song nếu tin nhận thì nan đề ấy chẳng còn nữa, trái lại nó tiêu tán như sương mai gặp phải ánh nắng mặt trời vậy. Cho nên sau khi dò xét cạn lẽ vấn đề nầy, công nhận rằng Cứu Chúa ta quả được đầu thai bởi Thánh Linh, sanh ra bởi Nữ đồng trinh, có nhân tánh trọn lành, vì được thoát khỏi ác tánh di truyền của tổ tiên vậy.

2) KHÔNG CÓ NGUYÊN TỘI VÀ KỶ TỘI:

(a) Bằng chứng:Jesus Christ sanh ra thì chẳng có nguyên tội của tổ tiên di truyền, cũng chẳng từng phạm kỷ tội. Ngài thường lên đền thờ, nhưng chẳng từng dâng tế lễ đền tội.Cũng cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ” (Lu 23:34); song chẳng hề cầu xin rằng:“Lạy Cha, xin tha tội cho Con.” Ngài dạy rằng: “Các ngươi cần phải tái sanh”(Gi 3:7); nhưng lời ấy ám chỉ rằng: chính Ngài chẳng cần từng trải sự ấy.

Trải qua cả đời sống Ngài chẳng có một sự bất toàn hay một khuyết điểm mảy may nào, nên cũng chẳng cần ăn năn, hoặc cải ác hoàn thiện, Ngài không những là làm theo ý chỉ Đức Chúa Trời sau khi đã rõ ý ấy thôi đâu, lại hằng tìm ý ấy để làm theo nữa (Gi 5:30). Ngài chẳng vì cớ ác cảm,hoặc vì muốn thù hằn oán giận mà nổi giận, bèn giận là vì đức tánh công nghĩa Ngài nổi lên nghịch cùng sự gia hình, sự tàn bạo của người ta. Sự nổi giận ấy cũng thường đi đôi với sự buồn bực thương hại. Như Mác chép: “Ngài giận liếc nhìn xung quanh họ, buồn vì sự cứng lòng của họ” (Mac 3:5). Ngài là Đấng toàn thánh (Lu 1:35), chẳng có chút gì gọi là nguyên tố của tội. Chính Ngài chứng quyết rằng “vua thế gian nầy hầu đến, nó chẳng có chi hết nơi ta” (Gi 14:30).Còn Sứ đồ Giăng tả rằng: “Trong Ngài chẳng có tội lỗi gì… chính Ngài là công nghĩa” (IGi 3:5,7).

Trong Ngài chẳng chỗ nào xu hướng về sự quấy,dầu chịu cám dỗ, cũng chẳng từng chiều theo mà phạm tội. Nên chi trước giả thơ Hê-bơ-rơ chứng rằng: “Vì chúng ta… có một thầy tế lễ đã chịu thử thách (cám dỗ) trong mọi việc như chúng ta, song chẳng phạm tội” (He 4:15).

Ngài chỉ lấy hình trạng của xác thịt tội lỗi mà hiện đến, chớ xác thịt Ngài chẳng bị tánh tội ác dính vào như xác thịt của mọi người khác. Phao-lô chép: “Vì điều luật pháp không làm nổi, tại nó nhân xác thịt ra yếu đuối, thì Đức Chúa Trời đã vì tội lỗi mà sai chính Con Ngài lấy hình trạng của xác thịt tội lỗi, và định tội cho tội lỗi ở trong xác thịt.” (Ro 8:3).

Vì Ngài đã được đầu thai bởi Thánh Linh trong lòng Nữ đồng trinh, nên Kinh Thánh mới gọi Ngài là “Đấng vốn chẳng biết tội lỗi” (IICo 5:21), “thánh khiết, không tà ác, không ô uế, biệt khỏi kẻ có tội” (He 7:26). Ngài chẳng hề phạm kỷ tội nên Ngài mới dám đố rằng: “Trong các ngươi ai có thể chứng minh ta có tội ư?” (Gi 8:46). Phi-e-rơ cũng chứng: “Ngài không phạm tội, trong miệng Ngài cũng không có dối trá” (IPhi 2:22). Ngài không những là không phạm kỷ tội, mà lại chẳng có mảy may tội lỗi gì trong mình, đến đỗi trước giả thơ Hê-bơ-rơ quyết rằng: “Christ… nhờ Thánh Linh đời đời, dâng chính mình không tì vít cho Đức Chúa Trời” (He 9:14). Và Sứ đồ Phi-e-rơ xưng huyết Ngài là “huyết của chiên con không tì không vít” vậy (IPhi 1:19).

(b) Sự vô tội do thần tánh và nhân tánh hiệp một:Vả, Christ vốn vô tội là tại vì Ngài có thần tánh đồng hiệp với nhân tánh mà thành vị. Giả như sự sống của bông sen trong hồ kia, tuy tu dưỡng bởi chất bùn lầy, mà chẳng hề nhiễm hôi tanh mùi bùn thế nào, thì cũng một thể ấy sự sống của Đức Chúa Trời trong Jesus Christ thực tại trong cả các nguyên tổ của loài người,mà chẳng hề mắc phải ác tánh của nó chút nào vậy. Ví thử Ngài chỉ có nhân tánh,thì chẳng được vô tội đâu, duy phải bị ác tánh di truyền như mọi người khác thôi.

Mà nếu sự vô tội của Christ quả do thần tánh và nhân tánh đồng hiệp mà ra, thì đạo La Mã luận về Nữ đồng trinh Ma-ri không có nguyên tội thật vô lý. Ví thử mẹ Jesus Christ sanh ra toàn khiết toàn thánh,chẳng bị hủ bại của tổ tiên truyền lại, thì sự thánh khiết của Jesus Christ là do mẹ Ngài mà ra, và như thế thì cuộc tái sanh dòng giống loài người chẳng phải bắt đầu từ Ngài đâu, bèn khởi sự ở trong cuộc sanh hạ mẹ Ngài ra vậy. Đạo ấy cũng đoạn tuyệt sự quan hệ Ngài với giống loài người, đến đỗi không còn có thể gọi Ngài là do giống tội nhơn mà ra, bèn là nhận được nhân tánh từ trong một nhân cách khác hẳn mọi bề với nhân cách của chúng ta. Nói một lời, đạo ấy duy tiếm đoạt chỗ cao cả của Cứu Chúa Christ, mà giao cho nữ đồng trinh Ma-ri đó thôi!

(c) Sự vô tội tương đối với sự bị cám dỗ thế nào? Có kẻ hỏi: Nếu Chúa Jesus Christ đã không có nguyên tội,cũng không có chỗ nào xu hướng về tội ác, thì thế nào lại bị cám dỗ?

Đáp rằng: Nguyên tổ vốn vô tội mà cũng bị cám dỗ. Ma quỉ lợi dụng lòng thèm muốn của họ mà cám dỗ họ. Song sự cám dỗ đó chẳng phải là tội đâu. Nếu họ không từng nhường chỗ cho sự cám dỗ ấy để làm thỏa lòng thèm muốn mình trái ý chỉ Đức Chúa Trời, thì nó chẳng làm hại gì họ được đâu. Tội lỗi của tổ tiên ta chẳng phải là do ở nơi lòng thèm muốn ăn trái ngon kia, bèn là do ở trong việc làm thỏa lòng ấy trái với ý chỉ Đức Chúa Trời mà ăn trái Ngài đã cấm.

Chúa Jesus cũng có những quan năng, lòng thị dục bởi Đức Chúa Trời dựng nên như mọi người khác đã có. Ma quỉ có thể cám dỗ Chúa vận dụng các quan năng ấy mà làm thỏa lòng thị dục đó cách trái với ý chỉ Đức Chúa Trời. Lòng thị dục thiên nhiên ấy chẳng phải là tội đâu, bèn là chánh đáng, xứng hiệp đạo đức cả. Song nếu Christ đã trái ý chỉ Đức Chúa Trời để làm thỏa thích nó, thì mới gọi là phạm tội.

Trong Ma 4:1-11, ta thấy Chúa bị cám dỗ ba lần:lần thứ nhứt, vì khẩu phúc; lần thứ hai, vì thanh danh; lần thứ ba, vì quyền lợi;nói tóm lại, thì Chúa bị cám dỗ về danh, lợi, và dục. Vả, trong việc cám dỗ loài người, ma quỉ thường viện lấy hoặc lòng thèm muốn, hoặc lòng sợ hãi mà cám dỗ. Cho nên trong đồng vắng ma quỉ vin vào lòng thị dục của Chúa mà cám dỗ; còn trong vườn Ghết-sê-ma-nê, thì nó lại vin lấy lòng sợ hãi mà cám dỗ, cốt để nhân vì sự sợ hãi thập tự giá mà khiến Ngài lìa bỏ đường vâng phục Cha. Nhưng cảm tả Đức Chúa Trời, dầu ma quỉ hết sức dùng mưu nầy chước kia mà xâm lăng linh hồn thánh của Ngài, thì Ngài cũng chẳng sa ngã, bèn vẫn vô tội (He 4:15), chẳng từng làm theo gương nguyên tổ ta mà phạm tội chút nào. Chúa Jesus Christ ví như cây kia mọc nơi mé vực thẳm hiểm trở nọ, bị gió day dữ dội, thiếu đều trốc gốc,nhưng may thay! Nó châm rễ quá sâu, bám chặt vào chơn núi, nên không ngã được.Dầu tại đồng vắng hay là trong vườn Ghết-sê-ma-nê, Christ chịu cám dỗ đến cùng,nhưng chẳng sa ngã, vì gốc rễ lòng đạo đức Ngài đã đâm sâu trong chính thể yếu của Đức Chúa Trời vậy.

3) NHÂN TÁNH ĐỒNG HIỆP VỚI THẦN TÁNH MỚI THÀNH VỊ:

Trước khi Christ giáng sanh, thì nhân tánh Ngài chưa thành vị. Nhưng khi Đạo (là thần tánh) đồng hiệp với nhân tánh ở trong lòng Nữ đồng trinh, thì nhân tánh ấy mới thành vị. Nói cách khác, Đạo chẳng đồng hiệp với một nhân tánh đã thành vị, đã được trưởng dưỡng như nhân tánh của Gia-cơ, Phi-e-rơ và Giăng; bèn là đồng hiệp với nhân tánh trước khi tánh ấy chưa có ngôi riêng mà thành vị vậy. Thế thì, chúng ta chẳng nên nói Christ có hai ngôi, là ngôi Đức Chúa Trời và ngôi loài người, nhưng nên nói Ngài chỉ có một ngôi, mà ngôi ấy gồm đủ hai tánh, là nhân tánh và thần tánh vậy.

4) NHÂN TÁNH LÝ TƯỞNG:

Nhân tánh của Christ là một nhân tánh lý tưởng (nature idéale), làm mô phạm trọn vẹn cho loài người. Đa-vít tả ra người lý tưởng (homme idéal) của Đức Chúa Trời rằng: Thi 8:4-8

Chỉ Christ làm ứng nghiệm lời dự tả ấy. Nên trước giả thơ Hê-bơ-rơ chép rằng: He 2:6-10

A-đam thứ nhứt chẳng đạt đến bực lý tưởng ấy,bèn là đã phạm tội, mất mão miện vinh hiển của sự chủ trị muôn vật. Nhưng nhờ A-đam thứ nhì (ICo 15:45) làm mô phạm, loài người mới đạt đến bực lý tưởng vinh hiển ấy được. Nên Phao-lô nói: xem ICo 15:49

Vinh hiển của Chúa là kiểu mẫu mà ta được biến hóa giống như hình trạng của Chúa (IICo 3:18); cho nên có câu dạy rằng: Phil 3:21; Co 1:18; IPhi 2:21

Christ là Người siêu quần tuyệt đối, trong Ngài gồm tóm các thiện tánh, lương năng tuyệt trần, các mỹ đức ưu tú của loài người, vô luận là thuộc chủng nào, dân nào, nước nào, có thể chất gì, đứng trong trình độ nào mặc dầu đều không sao sanh kịp Ngài. Ngài không những là có sự vô tội nguyên bản, mà lại có sự thánh khiết thực nghiệm do sự đắc thắng các trận cám dỗ mà ra nữa. Ngài là Đối tượng rất xứng đáng cho lòng yêu thương thờ phượng của ta. Dầu ta có yêu thương Ngài đến ngằn nào cũng không quá, thờ phượng Ngài đến mực nào cũng chẳng vừa. Ngài là nguồn chánh thức của luân lý, gốc chân thật của thần đạo. Ngài là Người lý tưởng phổ thông, điển hình toàn vẹn vô song, chẳng ai sánh kịp. Thật như trước giả Nhã ca đã nói: Ngài là “hoa tường vi của Sa-rôn, Bông huệ của trũng”, “Đệ nhứt trong muôn người” vậy (Nha 2:1;5:10).

5) CÓ QUYỀN PHÁT SANH:

Nhân tánh trọn vẹn ấy có quyền phát sanh như hột giống tốt có sức lưu giống về sau. Christ sở dĩ được gọi là A-đam thứ hai là vì Ngài là tổ tiên của dòng dõi mới. Nhờ Ngài tội nhơn hưởng được linh mạng mới và thánh. Tiên tri Ê-sai gọi Ngài là “Cha đời đời” (Es 9:6). Cũng nói Ngài “sẽ thấy dòng dõi mình” (Es 53:10). Trong Kh 22:16 Ngài tự xưng là “gốc và hậu tự của Đa-vít”, ám chỉ rằng Ngài có quyền phát sanh. Ngài cũng phán cùng môn đồ rằng: “Vì như Cha… làm cho được sống thế nào, thì Con cũng làm cho kẻ mình muốn sống thể ấy”, và “Ta là cây nho thật” (Gi 5:21; 15:1). Gốc của cây ấy bởi Trời sanh ra, ăn dài dưới đất, và linh mạng mới của tuyển dân muôn đời cũng từ mầm gốc ấy mà nẩy nở ra, cũng khiến cho các nhánh khô héo của giống loài người cũ đã tháp vào đó được sống đời đời. Cho nên Chúa Jesus phán: “Cha ban cho Con quyền bính trên mọi xác thịt, hầu cho hễ ai Cha đã ban cho Con, thì Con ban cho họ sự sống đời đời.” (Gi 17:2). Phao-lô cũng dạy rằng: “A-đam sau hết thì nên thần linh ban sự sống” (ICo 15:45). Chữ “thần linh” đây chẳng chỉ về Thánh Linh,cũng chẳng những chỉ về thần tánh của Chúa thôi đâu, bèn là chỉ về cả bản ngã Thần nhân hoàn toàn của Ngài; mà chính bản ngã ấy là nguồn gốc thật của sự “sinh thực tác dụng” của dòng giống thuộc linh vậy.

Phao-lô cũng gọi “Christ là Đầu Hội Thánh” (Eph 5:23). Trọn cả đoàn thể của Hội Thánh đều dính với Christ, do Ngài mà được linh mạng và quyền năng, chẳng khác nào các chi thể dính với đầu vậy (Eph 1:22).Ngài là Đầu của loài người mới, vì Ngài “sanh đầu nhứt từ trong kẻ chết” (Co 1:18). Ngài thường gọi môn đồ bằng “các con bé mọn” (Gi 13:33), và trong He 2:13 lại phán: “Đây nầy, tôi và các con cái mà Đức Chúa Trời đã ban cho tôi.”Khi lìa khỏi môn đồ thì gọi họ là “mồ côi” (Gi 14:18). Coi đó ta biết rằng Ngài nhận mình là Nguyên tổ của loài người. Như A-đam là nguồn gốc của mạng sống cũ,thì Christ là nguồn gốc của mạng sống mới, ban cho kẻ tín nhận Ngài được tái sanh, trở nên con cái của Đức Chúa Trời, và được thuộc trong dòng giống mới và thánh đó vậy.

2. LUẬN VỀ THẦN TÁNH CỦA CHRIST

Kinh Thánh cũng dạy rằng Christ không những là có nhân tánh, mà lại có thần tánh thực hiện hoàn toàn nữa. Các bằng cớ kể sau đây các chứng cho.

a) Ngài được xưng hô là Đức Chúa Trời:Trong Tân Ước Christ thường được xưng hô là Đức Chúa Trời rất rõ ràng, như những câu trưng giải sau đây:

(1) Gi 1:1. “Đạo là Đức Chúa Trời.” Theo câu nầy, Đạo (Logos Christ) không những là ở cùng Đức Chúa Trời, nhưng chính Đạo ấy là Đức Chúa Trời.

(2) Gi 20:28.Thô-ma chẳng phải là vì tình cờ kêu Đức Chúa Trời như thói thường gặp nguy biến hay kêu “Trời ơi” đâu; bèn là cố ý nhận và xưng Jesus là Chúa và Đức Chúa Trời của mình. Mà chính Chúa chẳng trách Thô-ma vì đã xưng hô Ngài như thế đâu, bèn ngầm nhận sự xưng hô ấy là xứng đáng vậy.

(3) Ro 9:5.Trong phần đầu của câu nầy Phao-lô luận về nhân tánh của Chúa; rồi đến phần chót lại luận đến thần tánh Ngài, xưng Ngài là chính Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, đáng ngợi khen đời đời.

(4) Tit 2:13.Trong câu ấy Phao-lô trực tiếp tuyên cáo cách xác định rằng Cứu Chúa ta là chính Đức Chúa Trời. Vả lại, từ liệu “sự hiện ra vinh hiển” thường dùng để nói về Con, chớ chẳng khi nào dùng để nói về Cha. Thế thì, “Đức Chúa Trời lớn” đây quả chỉ về Jesus ở Na-xa-rét, Christ của Đức Chúa Trời vậy.

(5) He 1:8,10. “Hỡi Đức Chúa Trời, ngôi Ngài còn đến đời đời… Hỡi Chúa, ban đầu Ngài lập nền trái đất,Các từng trời cũng là công việc của tay Ngài.” Câu ấy trước giả Hê-bơ-rơ dẫn ở Thi 45:6,7. Ông đem những điều thiện ấy vốn nói về Giê-hô-va (Đức Chúa Trời)của Cựu Ước mà ứng dụng cho Jesus Christ của Tân Ước. Ấy chứng thực rằng trong câu 8 trước giả cố ý dùng danh hiệu Đức Chúa Trời để chỉ định Christ thật có thần tánh trọn vẹn, được đồng đẳng, đồng quyền với Đức Chúa Trời vậy.

(6) IGi 5:20.Trong câu ấy Giăng dạy rằng chúng ta đều ở trong Đức Chúa Trời chân thật và Đức Chúa Trời chân thật đó, tức là Jesus Christ vậy.

b) Tân Ước xưng hô Jesus là Chúa:Tân Ước thường gọi Jesus là Chúa (xem Ma 22:43-45; Lu 2:11; Cong 4:33; 9:17; Cong 16:31). Nhằm đời Chúa Jesus, dân Do Thái hay dùng danh ấy mà xưng Đức Chúa Trời.Nhờ lịch sử học ta biết rằng đời bấy giờ các hoàng đế La Mã và các vua nhà Ptolémés (Ai-cập) đều dùng danh hiệu “chúa” (kurios) để tự xưng là thánh thần,buộc dân sự phải thờ lạy mình. Thế thì, khi các trước giả xưng hô Jesus là Chúa, thì họ cũng chắc cố ý dùng danh từ ấy theo nghĩa phổ thông để chứng quyết Ngài là Đức Chúa Trời.

Tân Ước cũng viện dẫn nhiều câu của Cựu Ước để ứng dụng cho Chúa Jesus. Trong những câu ấy hễ Cựu Ước dùng danh hiệu Giê-hô-va, thì trước giả Tân Ước lại dùng danh hiệu Chúa. Ví như câu trong Ma 3:3, “Hãy dọn đường Chúa”, là câu dẫn ở trong Es 40:3, “Hãy mở đường… cho Giê-hô-va.” Câu trong IPhi 3:5: “Trong lòng anh em hãy tôn Christ là thánh để làm Chúa”, là câu dẫn ở trong Es 8:13, “Hãy tôn Giê-hô-va vạn quân là thánh.” Nếu ta bỏ chữ Chúa trong các câu ấy mà để lại chữ Giê-hô-va, thì minh bạch lắm.Jesus ở Na-xa-rét là Giê-hô-va. Jesus, tức là Giê-hô-va của Cựu Ước, Đấng tự hữu hằng hữu, Đức Chúa Trời đời đời vô cùng vậy. Cũng xem Xu 3:14 và Gi 8:58.

c) Tân Ước dùng các lời mô tả Giê-hô-va mà ứng dụng cho Jesus: Các nhà trước thuật Tân Ước cũng thường mượn những câu của Cựu Ước vốn mô tả phẩm cách của Giê-hô-va, mà dùng để mô tả phẩm cách của Jesus. Ví như Phao-lô chép:

Eph 4:7,8. Câu nầy dẫn ở Thi 68:18, vốn luận về Đức Chúa Trời mà đây Phao-lô lại dùng để minh chứng Christ là Đấng đã thăng thiên, ban ân điển hạnh phước cho dân sự Ngài.

Còn Sứ đồ Giăng nói rằng: Gi 12:41. Câu nầy chắc chỉ về sự từng trải của chính mình tiên tri, chép trong Es 6:1. Cũng xem Thi 102:25-27 sánh với He 1:10-12; Gie 23:6 sánh với Ro 3:21-26.

Coi các lẽ tỏ ra trên, ta có thể đoán chắc chắn rằng các nhà trước thuật Tân Ước đều thừa nhận Jesus Christ ở Na-xa-rét là Giê-hô-va của Cựu Ước, Đức Chúa Trời đời đời hiện ra trong xác thịt để cứu rỗi loài người vậy.

d) Ngài có tánh đức của Đức Chúa Trời:Tân Ước cũng thường chứng rõ Jesus có các tánh đức của Đức Chúa Trời, như hằng sống, tự hữu, bất dịch, chân thật, yêu thương, thánh khiết, hằng hữu, vô sở bất tại, vô sở bất tri, vô sở bất năng. Các tánh đức ấy các trước thuật Tân Ước thường ứng dụng cho Christ để biểu dương Ngài là Đức Chúa Trời thật, chớ chẳng dùng như những khách từ (prédicats) để mô tả các tài năng đức hạnh cao thượng của vị thọ tạo nào đâu. Những câu viện dẫn ra sau đây làm chứng:

(1) Hằng sống:Christ hằng sống vì Ngài có sự sống đời đời, và là nguồn của sự sống ấy: xem Gi 1:4; Gi 14:6

(2) Tự hữu:Christ tự hữu cũng như Cha tự hữu, sự sống Ngài chẳng hề tiêu tan bao giờ. Xem Gi 5:26; He 7:14

(3) Bất di bất dịch:Christ đến đời đời chẳng hề thay đổi: xem He 13:8

(4) Chân thật:Christ là chân thật vì Ngài là chính lẽ thật: Gi 14:6; Kh 3:7

(5) Thương yêu: Nhờ Christ vì chúng ta chịu chết thì chúng ta mới biết hề rộng, bề cao, bề dài, bề sâu của sự yêu thương ấy: xem IGi 3:16

(6) Thánh khiết:Christ được thiên sứ và loài người xưng hô là Đấng Thánh của Đức Chúa Trời: Lu 1:35; Gi 6:69; He 7:26

(7) Hằng hữu: Từ trước vô cùng cho đến đời đời Christ hằng có, đã tự hữu từ cõi vĩnh viễn, cũng sẽ còn lại cho đến đời đời vô cùng tận vậy: Gi 1:1; Gi 5:58; Co 1:17; He 1:11,12

(8) Vô sở bất tại: Chỗ nào cũng có Ngài, Ngài làm đầy dẫy mọi việc trong mọi người: Ma 28:20; Ma 18:20; Eph 1:23

Khi Christ lìa khỏi sứ đồ, thì về trên trời;dầu vậy Ngài quyết hứa sẽ ở với họ luôn, ở giữa họ mỗi khi hai ba người nhơn danh Ngài nhóm nhau lại. Chỉ một Đấng vô sở bất tại có thể làm ứng nghiệm lời hứa ấy. Mà Đấng vô sở bất tại ấy là Đức Chúa Trời. Vậy nếu Jesus Christ thật là vô sở bất tại, thì Ngài há chẳng phải là Đức Chúa Trời sao?

(9) Vô sở bất tri:Christ cũng vô sở bất tri. Ngài biết mọi sự, hoặc thuộc về quá khứ, hiện tại hay tương lai. Cũng biết mọi người, thấy rõ mọi điều giấu kín tận đáy lòng của họ. Thực ra thì việc kín đáo hơn hết cũng vẫn được bày tỏ ra trước mặt Ngài như chánh ngọ vậy: Ma 9:4; Gi 2:24,25; Gi 16:30; Cong 1:24 vả môn đồ cầu nguyện lời ấy trước lễ Ngũ Tuần, biểu chứng rằng lúc ấy họ đã thừa nhận Ngài là Đấng vô sở bất tri rồi. ICo 5:5; Co 2:3

Chúa Jesus chẳng nhờ học vấn mà thông biết mọi sự, bèn từ trước vô cùng tự mình mà biết, hoặc là việc cao thấp, khó dễ, thuộc thể hay thuộc linh, thì Ngài đều biết hết, thảy đều ở trước mặt Ngài như quyển sách mở ra vậy.

(10) Vô sở bất năng:Christ lại cũng vô sở bất năng, mọi quyền bính thế lực đều ở trong tay Ngài cả:Ma 28:18; Kh 1:8. Cũng xem Gi 17:2; Eph 1:20-22.

Ngài có quyền trên chứng bịnh (Lu 4:38-41),trên sự chết (Gi 11), trên cõi thiên nhiên (Gi 2: và Ma 8:), trên cõi ác quỉ (Lu 4:35, Lu 4:36, Lu 4:41), trên nước của Sa-tan (Eph 1:20-22). Nói tóm một lời,Ngài có quyền trên mọi sự muôn vật vậy (He 1:3; He 2:8).

e) Ngài làm công việc của Đức Chúa Trời:Kinh Thánh cũng dạy rằng Christ đã làm và đương làm công việc mà chỉ Đức Chúa Trời có thể làm được thôi. Đây chẳng nói về các dấu kỳ phép lạ, vì việc ấy người ta nhờ quyền năng của Đức Chúa Trời ban cho cũng có thể làm được. Nhưng nói về việc tạo hóa, việc bảo tồn, sự tha tội, sự khiến kẻ chết sống lại, sự xét đoán mọi người đều là công việc mà loài người chẳng ai làm được, duy thuộc về Đức Chúa Trời Toàn năng tuyệt đối mà thôi. Các câu trưng dẫn ra sau đây chứng cho:

(1) Việc tạo hóa:Tuy Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Trời là Đấng Tạo hóa, nhưng cũng tỏ ra Christ là Cơ quan Ngài dùng để làm thành cuộc ấy: Gi 1:3; ICo 8:6; Co 1:16; He 1:10; He 3:3,4 nghĩa là Christ là Đấng xây dựng nhà Y-sơ-ra-ên xưa, cũng vốn là Đức Chúa Trời dựng nên muôn vật vậy. Kh 3:14

(2) Việc bảo tồn muôn vật: Vũ trụ chẳng tự bảo tồn được, bèn là nhờ Christ mà được kết hợp, bảo tồn để cho sự kết hiệp khỏi băng hoại: Co 1:17; He 1:3

(3) Tha tội:Trong Mac 2:5-10 có thuật chuyện về sự chữa người bại. Khi Chúa Jesus phán cùng người nầy: “Hỡi con, tội lỗi con đã được tha”, thì các văn sĩ ngồi đó lúc bấy giờ bài bác rằng Chúa nói lộng ngôn, vì chỉ Đức Chúa Trời có quyền tha tội được thôi. Chúa bèn chữa bịnh cho kẻ bại đó, cốt để chứng minh cho họ biết rằng Ngài có quyền bính tha tội, bởi vì chính Ngài là Đức Chúa Trời vậy. Mac 2:8-10. Cũng xem Lu 7:48; 24:47.

(4) Kêu kẻ chết sống lại:Chúa Jesus quả quyết rằng Ngài có quyền khiến người ta sống lại: Gi 6:39. Cũng xem câu 40,54. Gi 5:28,29

Dầu có kẻ khác đã kêu kẻ chết sống lại (như Ê-li, Ê-li-sê và các sứ đồ), thì họ đều nhận quyền thi hành việc ấy ở nơi Đức Chúa Trời (Cong 9:34); song Christ thì vốn có quyền ấy, chỉ một mình Ngài sẽ thi hành quyền đó nơi ngày sau rốt, vì chính Ngài là Đức Chúa Trời, động nhân của sự sống lại vậy.

(5) Xét đoán mọi người:Tân Ước dạy rõ ràng rằng Người xưa chịu treo trên cây gỗ khổ nhục kia cũng là Đấng về sau sẽ ngự trên ngôi vinh hiển, cầm quyền bính xét đoán mọi người mọi sự, và chẳng còn có tòa thượng thẩm nào đổi đoán ngữ Ngài được bao giờ. Gi 5:22; Ma 25:31,32. Cũng xem Ma 25:31-46; Cong 17:31; IITi 4:1.

f) Ngài chịu loài người tôn kính thờ lạy mình:

(1) Sứ đồ chỉ chịu thờ phượng Đức Chúa Trời:Kinh Thánh răn dạy loài người chỉ nên thờ phượng một mình Đức Chúa Trời, chẳng nên thờ lạy vị thọ tạo nào, dầu cao trọng đến đâu cũng vậy. Trong lúc chịu cám dỗ, Chúa phán cùng ma quỉ rằng: “Ngươi hãy thờ lạy Chúa là Đức Chúa Trời ngươi,chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi” (Ma 4:10). Trong Kh 22:8,9 ta thấy Thánh Giăng muốn thờ lạy thiên sứ, nhưng thiên sứ nghiêm cấm mà phán rằng: “Coi, chớ làm vậy!… Hãy thờ lạy Đức Chúa Trời!” Khi Phi-e-rơ vào nhà Cọt-nây, thì Cọt nây bèn muốn thờ lạy Phi-e-rơ, nhưng ông không cho và nói rằng: “Ông hãy đứng dậy,chính tôi cũng là người” (Cong 10:25,26; cũng xem Cong 14:14,15). Coi đó ta hiểu rõ các sứ đồ đều nhận rằng ở ngoài Đức Chúa Trời chẳng nên thờ phượng ai cả.Khi vua Hêrốt sanh lòng kiêu ngạo, chịu để cho người ta sùng bái mình, thì Đức Chúa Trời liền đánh vua bị trùng đục mà chết rất gớm ghê. Dầu vậy, các sứ đồ thường thờ phượng Christ, cũng răn bảo người khác phải thờ lạy Ngài nữa. Thực sự ấy há chẳng chứng rằng họ nhận Ngài là Đức Chúa Trời sao? (Cong 12:20-25)

(2) Chúa Jesus dạy bảo người ta thờ phượng Ngài: Chúa Jesus chẳng những thường chịu cho người ta thờ phượng mình, không khi nào từ chối hay ngăn cấm; hơn nữa, Ngài lại còn dạy bảo ai nấy đều phải tôn kính Con cũng như tôn kính Cha vậy. Gi 5:23; Gi 14:14; Ma 14:33;Lu 5:8; Gi 20:28

Các câu ấy chứng minh rằng Chúa Jesus tự xưng là Đức Chúa Trời, vì chịu cho người ta thờ lạy mình và cũng dạy bảo họ làm như vậy nữa.

(3) Sứ đồ và tín đồ đầu tiên nhận sự thờ phượng Christ là chánh đáng: Tân Ước và lịch sử Hội Thánh đều chứng nhận rằng các sứ đồ và tín đồ đầu tiên đều nhận sự thờ phượng Christ là việc chánh đáng, vì họ đều coi Ngài là Đức Chúa Trời thật. Tân Ước chứng rằng: Lu 24:52; Cong 7:59; Phil 2:10,11; Kh 5:12-14; IIPhi 3:18; IITi 4:18 và He 13:21. Cũng xem ICo 1:2; IICo 12:8-10

Khảo cứu lịch sử Giáo hội đầu tiên, cũng dễ thấy tín đồ lúc bấy giờ đều thành tâm tận ý thờ phượng Chúa Jesus như họ vẫn thờ phượng Đức Chúa Trời vậy. Sách “Sự dạy dỗ của Sứ đồ” (thế kỷ I) xưng hô Ngài là “Đức Chúa Trời của Đa-vít” Giáo phụ Ignace thường gọi Ngài là “Đức Chúa Trời hiện ra trong xác thịt”, xưng huyết Ngài là “huyết của Đức Chúa Trời” (Cong 20:28);cũng gọi Ngài là “kiến trúc sư đã sáng thiên lập địa”. Giáo phụ Hermas luận về Ngài là “Linh thánh tiên hữu đã tạo thành muôn vật”. Giáo phụ Justin Martyr, Clément (130-160), và lắm trước giả khác của giáo hội đầu tiên cũng đều đồng thanh xưng hô Ngài là Đức Chúa Trời thật.

Coi đó ta thấy rõ nào sứ đồ, nào tín đồ, nào Giáo hội đầu tiên, đều thờ phượng Jesus Christ như họ thờ phượng Đức Chúa Trời.Mà nếu Jesus Christ chỉ là người, thì các người ấy há chẳng phạm tội thờ tà thần sao? Còn chính Chúa Jesus là Đấng đã nhận chịu và dạy bảo họ phải làm vậy, há chẳng mắc tội phạm thượng mà khiến cho người ta phạm tội trọng đại đấy ư? Dường ấy, nếu Christ chẳng phải là Đức Chúa Trời, thì Ngài hẳn là một đứa dối trời gạt người đó thôi. Nhưng xem xét đời sống Ngài, công việc và đức tánh Ngài, thì biết chắc chắn rằng Ngài không phải là đứa hay dỗ dành lừa dối đâu, bèn là một Đấng đạo đức thánh khiết tuyệt đối, buộc ta phải công nhận Ngài là Đức Chúa Trời hoàn toàn, xứng đáng cho ta thờ phượng Ngài vậy.

g) Danh Ngài ngang bằng với danh Đức Chúa Trời:Tân Ước có những câu dùng cả danh Đức Chúa Trời lẫn danh Jesus Christ cùng trong một việc một lúc, ám chỉ rằng hai danh ấy ngang bằng với nhau, vì sự sống đời đời và các ân tứ thuộc linh đều do cả Đức Chúa Trời lẫn Jesus Christ mà ra.Hai câu sau đây minh chứng:

(1) Dụng ngữ lễ báp têm:trong dụng ngữ lễ báp têm ta thấy danh của Con và Thánh Linh đều ngang bằng với danh của Cha.

Ma 28:19. “Hãy nhân danh Cha, Con và Thánh Linh mà làm báp têm cho họ.” (Sánh câu ấy với Cong 2:28 “Ai nấy phải nhân danh Jesus Christ chịu báp têm; ” và Ro 6:3. “… chịu báp têm trong Jesus Christ.”)

(2) Lời chúc phước của sứ đồ: Ân điển trong các lời chúc phước dẫn sau đây do cả Đức Chúa Trời lẫn Jesus Christ mà lưu đến loài người, chứng rằng Ngài đồng quyền với Cha vậy. ICo 1:3; IICo 13:14. Cũng xem Gi 5:23; 14:1; 17:3; Ma 11:27; ICo 12:4-6; Ro 10:17; Co 3:15; IITe 2:16,17; Eph 5:5; Co 3:1; Kh 20:6; 22:3,16.

h) Tự xưng mình là bình đẳng với Đức Chúa Trời:Chính Jesus Christ thường tự xưng mình là bình đẳng với Đức Chúa Trời. Gi 5:18;Phil 2:6

Nghĩa câu sau đó là Ngài không coi sự bình đẳng với Đức Chúa Trời là sự Ngài cần phải dùng cường quyền mà giữ lấy. Lời nói việc làm của Christ ấn tượng cho tâm trí người đồng thời rằng Ngài tự xưng mình là Đức Chúa Trời. Mà hôm nay phần nhiều kẻ khảo cứu Tân Ước cũng khó thoát khỏi cái ấn tượng ấy.

i) Ngài được gọi là Con Đức Chúa Trời:Trong ba sách Tin Lành đầu có lắm chỗ gọi Ngài là Con Đức Chúa Trời (Ma 16:16,Ma 16:17; Ma 8:29; Ma 14:33; Mac 1:1; Mac 14:61; Lu 1:35; Lu 4:41). Chính Ngài chẳng trách ai gọi Ngài như thế, bèn ngầm nhận danh hiệu ấy là chánh đáng. Khi Ngài đứng trước thầy tế lễ thượng phẩm Cai-phe, thì ông ấy hỏi: “Ấy chính ngươi là Christ, Con Đức Chúa Trời đáng ngợi khen phải không?” Chúa Jesus đáp: “Ta chính phải đó” (Mac 14:61,62; Lu 22:70).

Trong sách Tin Lành Giăng thì chính Ngài trực tiếp tự xưng mình là Con Đức Chúa Trời, chẳng giấu gì cả (Gi 5:25; Gi 10:36; Gi 11:4). Mà sách Tin Lành ấy cũng được chép cốt để minh chứng rằng Jesus ở Na-xa-rét là Con Đức Chúa Trời, Đạo (Logos) hiện ra trong xác thịt để cứu chuộc loài người. Nên chi Giăng khởi chứng rằng: “Đạo là Đức Chúa Trời”, và kết luận rằng: “Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi!”

j) Ngài tự cảm biết mình là Đức Chúa Trời: Bốn sách Tin Lành cũng chứng rõ chính Chúa Jesus tự cảm biết mình không những là người mà lại là Đức Chúa Trời nữa. Ngài phán cùng Ni-cô-đem rằng: Gi 3:13

Lời ấy chứng rõ ràng Chúa Jesus ở đời nầy thường cảm biết Ngài không những là thuộc về đất, mà lại là thuộc về trời nữa.Ngài cũng quyết rằng: Gi 8:58. “Trước khi chưa có Áp-ra-ham, ta vẫn hằng hữu.”

Ấy là Ngài nói rõ Ngài là Đấng vô thỉ vô chung, tự hữu hằng hữu như chính Đức Chúa Trời vậy. Ngài cũng phán cùng Phi-líp rằng: Gi 14:9,10

Có khi Chúa Jesus kêu Đức Chúa Trời là Cha ta, hoặc là Cha của các ngươi; nhưng chưa hề kêu Ngài bằng Cha của chúng ta; ấy là Chúa Jesus biết mình có quan hệ với Cha là khác hẳn với người đời, được xứng đáng trong địa vị cao siêu, có quyền gọi Đức Chúa Trời là Cha của mình một cách đặc biệt. Cũng vì Ngài là Con, nên chỉ một mình Ngài thông biết Cha và có thể bày tỏ Cha cho người ta vậy. Ma 11:27; Gi 1:18

k) Sự từng trải của tín đồ chứng rằng Christ là Đức Chúa Trời: Sự từng trải của tín đồ cũng đồng hiệp với Tân Ước mà chứng cho Christ có thần tánh, thừa nhận Ngài là Cứu Chúa hoàn toàn tuyệt đối, đã bày tỏ ra Đức Chúa Trời cách trọn vẹn, đặng cho người đời kính mến thờ phượng cũng như họ kính mến thờ phượng Đức Chúa Trời vậy. Sự từng trải ấy cũng phân biệt Đức Chúa Trời với Jesus Christ, nhận Ngài là Đấng Trung bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người, nhờ Ngài tội nhơn được giải hòa mà đến gần Đức Chúa Trời. Nói cách khác, tuy chúng thừa nhận Christ là Đức Chúa Trời, thì cũng phân biệt ngôi Ngài với ngôi Cha, vì Con là Ngôi thứ hai, Đấng bày tỏ Cha và đem ta đến gần Cha vậy.

Tuy thế, sự từng trải của tín đồ có lẽ không thể gọi là bằng cớ độc lập để chứng minh cho thần tánh của Christ, bởi vì sự từng trải ấy chỉ thực nghiệm lẽ thật đã khải thị trong Kinh Thánh rồi. Dầu vậy, ta thường thấy mọi người đã nhờ Christ mà được cứu rỗi, đều rất muốn tôn vinh Cứu Chúa mình, nhắc Ngài lên bực cao cả, khiêm nhường sấp mình xuống thờ phượng Ngài, vui lòng xưng hô Ngài là Đức Chúa Trời của mình. Mà sự từng trải ấy, dầu không thế gọi là bằng cớ độc lập chứng minh về thần tánh của Christ, thì cũng quả hẳn là một lý do rất mạnh làm chứng rằng duy sự giải nghĩa Kinh Thánh của kẻ tín nhận Christ là Đức Chúa Trời trọn vẹn mới đáng gọi là sự giải nghĩa đúng đắn vậy. Nói cho đúng, Giáo hội phổ thông, chẳng hề nhờ sự suy luận mà thừa nhận Christ là Đức Chúa Trời bao giờ, bèn là nhờ sự tri thức trực tiếp bởi Thánh Linh ban cho mà nhận biết vậy. Thế thì, hễ ai giải nghĩa Kinh Thánh cách phản đối đạo ấy, chẳng qua là phản đối cả lương tri trực tiếp của Giáo hội phổ thông,luôn sự từng trải của toàn thể tín đồ nữa. Vì từ đời các sứ đồ cho đến giờ lòng của Giáo hội phổ thông bao giờ cũng cảm biết rằng Christ quả có thần tánh, xứng đáng gọi là Đức Chúa Trời hoàn toàn. Thành thử, các sách vở, các bài tín điều,các lễ nghi, các bài ca hát của Giáo hội xưa nay, thảy đều đồng chứng rằng Jesus Christ là Đức Chúa Trời trọn vẹn vậy.

Nhưng lẽ tỏ ra ở trên cũng đủ mà cải lại tà thuyết Arius và tà thuyết Phe Ebonites, chứng nghiệm Christ thật có thần tánh,đồng thể yếu với Đức Chúa Trời, thực hữu từ trước vô cùng vậy.

III. HAI TÁNH CỦA CHRIST HIỆP NHAU TRỞ NÊN MỘT NGÔI

Chúng ta đã biết Kinh Thánh dạy rằng Christ có cả hai thần tánh và nhân tánh, nhưng mà thể yếu của mỗi tánh chẳng thay đổi,cũng chẳng lẫn lộn nhau, bèn cứ giữ vẹn các bản năng tư cách của mình. Song Kinh Thánh cũng minh huấn rằng Jesus Christ chỉ có một ngôi; thần tánh và nhân tánh đều hiệp nhau ở trên ngôi ấy, đến đỗi Ngài không phải là Đức Chúa Trời và loài người, bèn là Đấng Thần nhân vậy. Vả, hai tánh của Ngài hiệp nhau chẳng như bạn hữu đồng chí đồng ý, cũng chẳng như tín đồ liên hiệp với Chúa, bèn là nhờ dây liên lạc rất mầu nhiệm, kẻ phàm không thể hiểu thấu được, mà hiệp lại kết thành một Ngôi có một ý, một chí, và có đủ lương năng, tánh đức của cả hai.

1. CHỨNG CỚ VỀ SỰ HIỆP NHAU ẤY

Sau đây xin kể lược bốn bằng cớ chứng cho sự hiệp nhau ấy:

a) Sự xưng gọi làm chứng: Kê cứu Tân Ước về sự xưng gọi Christ, thì thấy bất câu là Ngài tự xưng hay là người khác xưng Ngài, thì đều dùng đại danh từ đơn số “Ta” hay là “Ngài”, mà kêu.Chính Chúa chẳng khi nào dùng đại danh từ đa số “chúng ta” mà tự xưng, trừ ra trong Gi 3:11. Nhưng trong câu ấy Chúa chắc dùng danh từ “chúng ta” là hiệp cả môn đồ mà nói, chớ chẳng phải là chỉ về một mình Ngài mà nói đó đâu.

b) Mọi tánh đức và bản năng của hai tánh đều dồn về một mình ngôi Ngài làm chứng: Luận về mặt nầy, thì mọi tánh đức, mọi bản năng của cả hai thần tánh và nhân tánh đều tập hiệp trên một mình Christ. Thế mà nói về mặt kia, thì cả phẩm vị và công việc của một mình ngôi Christ đều kể là vừa thuộc về thần tánh vừa thuộc về nhân tánh của Ngài.Cái lý do về thực sự ấy rất khó giải nghĩa, miễn là chúng ta nhận rằng nhân tánh và thần tánh đều hiệp nhau khắng khít không chia lìa được ở trên một ngôi Christ là đủ. Ro 1:3 và IPhi 3:18 làm chứng cho mặt nầy; còn ITi 2:5 và He 1:2,3 thì làm chứng cho mặt kia.

Thành thử, về mặt nầy chúng ta nói rằng, Đấng Thần nhân thực hữu trước khi chưa có Áp-ra-ham, mà lại là sanh ra nhằm đời hoàng đế Auguste; cũng nói Jesus Christ khóc lóc, mệt mỏi, chịu khổ và chết, mà lại là Đấng “hôm qua, hôm nay, và đến đời đời vẫn y nguyên”. Còn về mặt kia,chúng ta lại nói rằng, Thần Cứu Chúa chuộc chúng ta trên thập tự giá, và Người gọi là Christ vẫn ở với chúng ta cho đến tận thế vậy. Eph 1:23; Eph 4:10; Ma 28:20

c) Công việc Christ đã làm nên làm chứng: Chức vụ lớn của Christ là đem mạng sống mình làm giá rất cao để cứu chuộc loài người;Ngài đứng giữa Đức Chúa Trời và loài người, làm Trung bảo mà giải hòa hai bên,mở đường cho loài người trở lại với Đức Chúa Trời. Thế thì, nếu Ngài chỉ là một người của Đức Chúa Trời, thì chẳng có thể làm việc ấy được, duy có thể thay mặt loài người đối với Đức Chúa Trời mà hành chức, chớ chẳng có đủ cao giá mà thay mặt Đức Chúa Trời hành chức đối với loài người đâu. Nhưng nếu Ngài là Đấng Thần nhân, có tánh Đức Chúa Trời và tánh loài người hiệp nhau trên ngôi Ngài, đến đỗi tánh nầy hưởng được giá trị của tánh kia, thì mới chắc rằng Ngài có cao giá vô hạn vô lượng để thay mặt cả hai bên mà làm xong việc cứu chuộc, giải hòa ở trong trời đất vậy. Kinh Thánh chứng rằng: IGi 2:2

Như trong sách Tin Lành thứ tư, Giăng chứng minh Jesus là Con Đức Chúa Trời, tức là Đạo, là Đức Chúa Trời thế nào, thì trong thơ thứ nhứt ông lại chứng minh Con Đức Chúa Trời là Đạo, là Đức Chúa Trời đã trở nên người cũng thể ấy. Eph 2:16-18; Eph 2:21,22

d) Ý kiến công đồng của tín đồ làm chứng: Ý kiến của tín đồ xưa nay đều nhìn nhận Christ là môt ngôi duy nhứt. Nên trong khi cầu nguyện, lúc ca tụng, ai ai cũng thừa nhận Ngài bằng chỉ một ngôi có hai tánh hiệp nhau làm Cứu Chúa của mình.

Các lẽ tỏ ra trên đây đủ bài kích những tà thuyết Nestorius và Eutyche (duy nhứt tánh thuyết), vì biểu chứng rằng thần tánh và nhân tánh của Christ là hoàn toàn cả, chẳng bị hỗn hóa ra tánh mới, bèn hiệp thành ở trên một mình Ngài mà nên một Vị cách (personnalité) gọi là Thần nhân vậy.

2. CHÂN TÁNH CỦA SỰ HIỆP THÀNH ẤY.

Vả, chân tánh của sự hiệp thành ấy là thể nào? Xin đáp:

a) Cốt yếu của sự hiệp thành ấy:Kinh Thánh quyết huấn phẩm vị của Christ là sự mầu nhiệm vô song của đạo Đức Chúa Trời, như những câu dẫn chứng sau đây: Ma 11:27

Câu ấy ám chỉ rằng đạo về Con càng mầu nhiệm hơn đạo về Cha. Thực, lý tánh ta hiểu phẩm vị của Christ khó hơn là hiểu đạo Ba Ngôi nữa. Co 1:27; Co 2:2,3; ITi 3:16

Kinh Thánh hằng giục giã lòng ta, và các sứ đồ cũng thường treo gương cho ta phải chuyên tâm kê cứu về phẩm vị mầu nhiệm do sự hiệp thành của hai tánh ấy. Vì Christ có đủ cả hai thần tánh và nhân tánh hoàn toàn, ấy là then chốt của đạo cứu rỗi. Nếu Christ chẳng phải một ngôi gồm đủ cả tánh Đức Chúa Trời lẫn tánh loài người hiệp thành, thì công cứu chuộc việc giải hòa đều là hư không cả. Nếu Christ không có tánh người, thì không thể chết;mà nếu không có tánh Đức Chúa Trời, dẫu chết cũng luống công, và các trang lịch sử nói về Ngài đều là hoang đàng, không gốc tích, không bằng cớ gì cả. Những câu sau đây làm chứng: Gi 17:3; Gi 20:27; Lu 24:39; Phil 3:8,10

Ta nên tận tâm tận lực kê cứu lẽ mầu nhiệm về phẩm vị huyền diệu của Christ, vì Ngài không những là trung tâm của đạo Đức Chúa Trời, mà chính Ngài là đạo ấy. Có kẻ nói: “Tôn giáo chỉ nói đến phẩm vị của Đức Chúa Trời; còn Cơ đốc giáo biểu dương phẩm vị của Christ.” Pascal nói:“Jesus Christ là trung tâm của muôn vật, đối tượng của mọi sự; kẻ nào không nhận biết Ngài, thì chẳng biết gì hết, hoặc về trật tự của cõi thiên nhiên, hoặc về chính mình cũng vậy.” Có kẻ khác luận rằng: “Ta hãy đến cùng Jesus, vì ngôi Christ là trung tâm của thần đạo.”

b) Vấn đề khó giải: Phẩm vị của Christ thật là một sự mầu nhiệm trong các sự mầu nhiệm, suy nghĩ chẳng đến,dò lường chẳng thấu; nếu thử rán hết trí khôn mà xét kỹ đến đâu đi nữa, e cũng vẫn tối tăm không sao hiểu nổi được (Giop 38:2; ICo 1:21). Đạo ấy vốn đã giấu kín ở các đời trước, mà nay đã tỏ ra cho các tín đồ (Co 1:26; Eph 3:9; ITi 3:16), nhưng vẫn còn có vấn đề khó giải, xin luận qua sau đây.

(1) Hai tánh một ngôi:Hai tánh hiệp nhau làm một ngôi thật khó giải nghĩa. Có kẻ lấy hai vòng tròn có cùng một trung tâm điểm (cereles concentriques) để ví dụ lẽ ấy: nếu đem vòng nhỏ mà để ở giữa trung tâm của vòng lớn. Cũng vậy, hai tánh của Christ hiệp nhau mà nên chỉ một ngôi đó thôi.

(2) Nhân tánh không ngôi:Suy nghĩ về nhân tánh không thành vị, thì khó hiểu thấu. Nhưng mà chúng ta khá nhớ rằng thế thường hai vợ chồng ăn ở với nhau, mà sanh ra con, thì đứa con ấy chỉ có một ngôi. Cũng vậy, Đức Chúa Trời che phủ nữ đồng trinh Ma-ri, chịu thai và sanh Jesus Christ duy có một ngôi đó thôi. Ta khá cẩn thận, chớ lẫn lộn tánh với sự thành vị. Kinh Thánh dạy rõ Đạo (Logos) trở nên người, chớ chẳng phải Đạo hiệp với một nhân tánh đã thành vị rồi; bèn là Đạo và nhân tánh hiệp nhau, rồi nhân tánh mới thành vị vậy.

(3) Sự quan hệ giữa Đạo với nhân tánh đương khi ở thế gian: Khi Christ còn ở thế gian thì có thần tánh vô sở bất tri, vô sở bất năng. Nhưng nhân tánh Ngài hạn chế các bản năng tư cách của thần tánh, không được tỏ ra như ở trên trời. Dầu vậy, Đạo lấy mọi lương năng mỹ đức của thần tánh mà đổ lại cho nhân tánh, đến đỗi nhân tánh cũng có khi dường như toàn tri toàn năng vậy. Vả, khi Christ ở đời, thì lời nói việc làm Ngài theo ý của Thánh Linh chỉ bảo cả (Ma 3:16; Gi 3:34; Cong 1:2; Cong 10:38; He 9:14); song năng lực làm việc thì chẳng bởi bề ngoài mà đến, bèn từ trong chính Ngài mà ra, vì Ngài vẫn có đủ thần quyền thần năng để làm mọi sự vậy (Ma 17:2; Lu 5:20,21; 6:19; Gi 2:11,24,25; 3:13; 20:19).

(4) Sự quan hệ giữa Đạo với nhân tánh ở trên trời: Khi Christ thăng thiên, thì chẳng phải bỏ nhân tánh lại ở dưới đất, bèn ngự lên cao có đủ cả hai tánh Đức Chúa Trời và loài người. Kinh Thánh dạy rõ khi Ngài sống lại thăng thiên thì có đủ thể linh, vào ngay chỗ chí thánh để làm Trung bảo và Thầy tế lễ thượng phẩm cho ta. Khi Ngài còn ở dưới đời nầy đã có nhân tánh hoàn toàn thể nào, thì khi ngự lên ngôi bên hữu Đức Chúa Trời vẫn còn có nhân tánh hoàn toàn thể ấy. Hiện nay Ngài có đủ phẩm cách Đức Chúa Trời mà làm người, cũng có đủ tư cách loài người mà làm Đức Chúa Trời; nhân đó Ngài mới làm trọn ý chỉ của Đức Chúa Trời mà cũng làm thỏa được sự ước ao của loài người (Lu 24:13-32, Lu 24:36-42; Gi 20:27; Cong 7:55; He 8:1; He 8:2; He 9:12; Kh 1:13). Nhân tánh của Ngài hiện tại không còn phục định lệ cõi vật chất nữa, bèn phục định luật cõi thuộc linh nên không còn bị hoặc cảnh giới hoặc thời gian ràng buộc nữa, song được vô sở và vô thời bất tại như thần tánh của Ngài vậy.

c) Thí dụ sự mầu nhiệm: Sự hiệp nhau hai tánh trên ngôi Christ thật huyền diệu vô cùng, không trí ngộ phàm nào hiểu thấu được, bởi vì sự từng trải ta chẳng có gì tương tợ với sự ấy. Thực,đạo nầy càng cao xa hơn đạo về Ba Ngôi hiệp một nữa, nên lấy sự lý tầm thường hoặc thí dụ phàm tục mà giải nghĩa thì cũng không được rõ ràng cho mấy.

Có kẻ lấy sự hiệp nhứt của thân thể và linh hồn, hoặc sắt với nóng, mà làm thí dụ. Kẻ khác lại dùng sự hiệp nhứt của tín đồ với Chúa, Con với Cha, mà biểu minh sự mầu nhiệm ấy. Nhưng xét qua mấy thí dụ đó, thì thấy đều thiên về một bên cả, không đủ tỏ ra lẽ mầu nhiệm về thần tánh và nhân tánh hiệp nhau kết thành một ngôi trên Christ được. Vì thân thể và linh hồn, dầu là một ngôi, song chẳng phải là hai tánh; sắt và nóng cũng chẳng phải là một thể yếu, bèn là hai rõ ràng; quả như thí dụ ấy, thì cũng đi lạc như phe Eutyche (duy nhứt tánh thuyết) vậy. Về tín đồ hiệp nhứt với Chúa, Con với Cha thì cũng chẳng phải một ngôi đâu, bèn là hai; quả như lời đó, thì cũng đi lạc như phe Nestorius mà phân biệt thể yếu của Con với thể yếu của Cha vậy.

Nếu đem cả bốn thí dụ ấy mà luận thì có thể dùng hai thí dụ đầu mà tỏ ra hai tánh của Christ; còn hai thí dụ sau lại giải nghĩa về hai tánh ấy hiệp nhau làm một; song thí dụ như thế cũng chỉ biểu minh được cái ý mà thôi, chớ không sao đụng đến chính lẽ mầu nhiệm đó nổi. Kỳ thực,đạo hai tánh của Christ hiệp nhau làm một ngôi vốn một thực sự duy nhứt vô song, cũng như đạo Ba Ngôi Đức Chúa Trời, chẳng một điều tương tợ phàm nào có thể biểu minh lý do của nó được.

d) Căn cứ hai tánh hiệp một ngôi: Có kẻ hỏi: Đức Chúa Trời là Đấng Thần Linh vô hạn lượng, làm sao hiệp nhứt với loài người, là vị thọ tạo hữu hạn lượng được? Đáp: Đức Chúa Trời hiệp nhứt với loài người hẳn căn cứ ở nơi nguyên thỉ của loài người được dựng nên chiếu theo hình tượng của Đức Chúa Trời đó vậy. Vì loài người có lý tánh và linh tánh giống như Đức Chúa Trời, nên cũng tại đó mà Đao (Logos) có thể đầu thai trong nhục thể của họ. Loài người cầm thú chẳng có lý tánh và linh tánh, nên cũng chẳng có thể hiệp nhứt với Đức Chúa Trời. Loài người không những là có thể giao thông với linh giới, lại có thể hiệp nhứt với chính Đức Chúa Trời một cách không phân ly,hưởng được ở nơi Ngài các thần quyền thần năng, mà không cần phải mất một nguyên tổ nào thuộc nhân tánh cả. Tiếc thay, vì cớ tội lỗi người đời phải mất hình tượng đạo đức của Đức Chúa Trời mình mà mình vốn có, đành bị phân rẽ với Ngài. Nhưng may thay, Christ vốn là hình trạng hoàn toàn của Đức Chúa Trời, bởi sự đầu thai làm người, có thể lập lại hình tượng đạo đức ấy ở trong họ, ban cho họ được dự phần thần tánh, được đầy dẫy sự sống và tình yêu thương của Đức Chúa Trời. IIPhi 1:4; Thi 42:7 Ấy nghĩa là sự giàu có của Đức Chúa Trời như vực sâu vô hạn vô lượng; còn sự nghèo thiếu của loài người cũng chẳng khác vực sâu, nào ai dò lường được. Hai bên đối nhau, bên này kêu bên kia: “Hỡi ôi!” Bên Đức Chúa Trời đầy đủ vô cùng đối với bên loài người thiếu thốn không ngằn. Bên Ngài có sắm sửa mọi sự cần dùng cho bên kia; nhưng chẳng may giữa hai bên có vực sâu tội lỗi phân rẽ, cần phải bắc cầu cứu rỗi, mới làm cho sự đầy đủ của bên nầy có thể cung cấp cho sự thiếu thốn của bên kia được. Câu ấy là Christ đầu thai trở nên xác thịt, lấy thần tánh đầy dẫy sự giàu có của Đức Chúa Trời, liên hiệp với nhân tánh nghèo thiếu của loài người mà làm thỏa nguyện sự ước ao của họ, khiến cho họ chẳng những là được gần gũi cùng Đức Chúa Trời, bèn đãi họ như đồ dùng trống không mà lại được đựng đầy mọi sự phong phú của nguồn suối vô hạn vô lượng của Đức Chúa Trời, bởi hai tánh trời người của Christ hiệp nhau mà đổ vào vậy.

e) Chẳng có hai ngôi:Christ có hai tánh, nhưng chẳng có hai ngôi, bèn chỉ có một ngôi mà thôi. Ấy vì Đạo (Logos) trở nên xác thịt, nhận lấy nhân tánh chưa thành vị mà hiệp nhau, chớ chẳng phải hiệp nhau với nhân tánh đã thành vị có nhân cách rồi. Ta có thể gọi nhân tánh của Christ là phi nhân cách (impersonnelle) cho đến khi hiệp với Đạo;khi ấy nhờ ngôi của Thần nhân, nhân tánh mới có quyền tự giác, tự chủ vậy. Ta khá phân biệt tánh với ngôi; tánh là thể yếu chung, như Ba Ngôi Đức Chúa Trời đồng chung một tánh. Nhưng ngôi là tánh đã nên người riêng, thực hữu đặc biệt, có các tư cách loài người, có tự giác, ý dục và tự chủ. Cho nên vì nhân tánh của Christ chẳng hề thực hữu riêng trước khi chưa được đầu thai thì Đạo (Logos) mới đem nguyên tố ngôi mà phú cho nhân tánh được thành vị trở nên ngôi Thần nhân vậy.Cũng quan hệ lắm mà hiểu rằng quan năng tự giác tự chủ vốn chẳng thuộc về bản tánh, bèn là thuộc về ngôi. Vì vậy cho nên Christ chẳng có hai tự giác, hai tự chủ, bèn chỉ có một tự giác, một tự chủ mà thôi. Sự tự giác Ngài chẳng phải chỉ thuộc nhân tánh, mà cũng thuộc thần tánh nữa, gọi bằng một vận động của ngôi duy nhứt do nhân tánh, và thần tánh hiệp nhau mà nên vậy. Giả như hai vợ chồng vốn là hai ngôi đặc biệt, mà hễ sanh con thì cả hai đều di truyền cho con bản tánh của mình; dầu vậy, kết quả họ chẳng sanh một con có hai ngôi đâu, bèn sanh con chỉ có một ngôi, có một tự giác, một tự chủ đó thôi. Cũng vậy, Thần Phụ là Đức Chúa Trời và nhân mẫu là Ma-ri chẳng sanh Jesus Christ có hai ngôi đâu, bèn sanh Ngài chỉ có một ngôi đó thôi (xem Mac 13:32; Lu 22:42; Gi 8:58; 10:30).

f) Công hiệu nơi nhân tánh: Vả,thần tánh và nhân tánh hiệp nhứt như thế, có công hiệu gì ở nơi nhân tánh không? Đáp: Nhờ sự hiệp nhau ấy nhân tánh hưởng được các lương năng mỹ đức của thần tánh. Nói cách khác, Đạo (Logos) truyền cho nhân tánh các thần cách, thần quyền, thần đức của mình, mà chẳng lẫn lộn thể yếu của hai tánh, đến đỗi Người Christ ở thế gian cũng có quyền cảm biết và làm lụng như chính Đức Chúa Trời vậy.Nếu có khi quyền ấy chẳng được tỏ ra mười phần rõ mười, thì ấy tại vì Đấng Thần nhân đã tự ti tự chế, tình nguyện lấy xác thịt mà che khuất vinh hiển của Đức Chúa Trời ở nơi mình. Lại trong khi Đấng Thần nhân lấy hình trạng đầy tớ mà hiện ra, thì thường nhờ Thánh Linh chỉ dẫn và cai trị trong mọi sự, đến nỗi Ngài chỉ biết dạy và làm những điều Thánh Linh răn bảo như thế nào đó thôi (Ma 3:16; Gi 3:34; Cong 1:2; 10:33; He 9:14). Song mỗi khi Ngài được Thánh Linh răn bảo như thế, thì Ngài biết, dạy và làm, chẳng như các tiên tri xưa nhờ năng lực ở bên ngoài mình truyền thụ cho, bèn là nhờ thần quyền lực ở trong mình mà biết, dạy và làm đó vậy (Ma 17:2; Mac 5:41; Lu 5:20,21; 6:19; Gi 2:11,24,25; 3:13;20:19).

g) Công hiệu nơi thần tánh:Trong sự thông đồng hai tánh của Christ, chẳng những nhân tánh chịu ảnh hưởng của thần tánh, nhưng thần tánh cũng chịu ảnh hưởng của nhân tánh nữa. Thần tánh vốn không thể bị yếu đuối, cám dỗ, đau đớn và chết. Thế mà, Đấng Thần nhân là Jesus Christ, có thể từng trải những sự ấy, bởi vì ở trong Ngài thần tánh liên hiệp với nhân tánh vậy. Như Nhân Cứu Chúa nhân vì thần tánh có thể vận hành các lương năng mỹ đức của Đức Chúa Trời thể nào, thì Thần Cứu Chúa nhân vì nhân tánh cũng có thể bị yếu đuối, thử thách và đau đớn như mọi người cũng thể ấy. Ví như thân thể liên hiệp với linh hồn, hễ thân thể đau đớn thì linh hồn cũng cảm xúc. Nếu linh hồn lìa bỏ thân thể, thì thân thể chẳng biết đến sự đau đớn ấy nữa. Trong Đấng Thần nhân cũng vậy, tuy thần tánh vốn không cảm biết sự đau đớn của loài người, song nhân vì sự hiệp nhứt với loài người, nên cũng có thể chịu đau đớn không dò lường được. Bởi vì Christ là Đức Chúa Trời, nên cũng có thể chịu đau đớn vô hạn vô lượng, còn sự chết Ngài cũng nhân cớ ấy mà có giá trị không xiết kể.

h) Hai tánh hiệp nhau cần yếu:Hai tánh Christ hiệp nhau rất cần yếu để thiết lập Ngài làm Đấng Trung bảo giữa loài người và Đức Chúa Trời, Ngài có hai bản tánh, nên được đồng đẳng với Đức Chúa Trời, cũng được đồng cảm với loài người, có giao thông với cả hai bên.Kinh Thánh có chép: He 2:17,18; He 4:15,16

Vả lại, nhờ có hai tánh, Ngài cũng có thể đem đủ điều kiện tất yếu mà giải hòa giữa Đức Chúa Trời và loài người: Ngài là người, nên có thể thế mạng họ mà chuộc tội; Ngài là Đức Chúa Trời, nên sự chuộc tội đó có giá trị vô cùng. Còn cả hai thần tánh và nhân tánh hiệp tác mà chịu hình chịu chết đó có đủ năng lực cảm động tội nhơn ăn năn trở lại, đầu phục và yêu thương Đức Chúa Trời. ITi 2:5; He 7:25

i) Hai tánh hiệp nhau đến đời đời:Hai tánh của Christ chẳng phải tạm hiệp nhau đâu, bèn là hiệp nhau đến vĩnh viễn,sẽ chẳng hề phân ly bao giờ. Khi Christ được đầu thai, thì nhận lấy nhân tánh để kết hiệp với thần tánh đến vô cùng. Lúc thăng thiên giống loài người ở trong Ngài lấy lại được mão miện vinh hiển mà xưa kia họ đã mất, và đạt đến ngôi của vũ trụ. Hiện nay Cứu Chúa Thần nhân ấy nhờ Thánh Linh mà vô sở bất tại, hằng làm việc để cứu rỗi tuyển dân và gây dựng cho nước Ngài mau đến. Đoạn, sau khi muôn vật đã đầu phục Christ, thì chính Christ cũng sẽ phục Cha, và trở lại vào trong nguyên trạng mà Ngài đã có trong cõi đời đời trước buổi sáng tạo vậy. Có câu chứng rằng: ICo 15:28; Gi 17:5; He 1:8; He 7:24

TỔNG ĐOÁN

Nhờ các lẽ tỏ ra trên, ta dạn dĩ đoán rằng Jesus Christ Chúa chúng ta, thật là Con Đức Chúa Trời, mà cũng là Con người, có thần tánh hoàn toàn, mà cũng có nhân tánh trọn vẹn nữa. Ngài là Đức Chúa Trời thật, đồng đẳng, đồng quyền, đồng đức với Ngài; cũng là người thật, có cả bản năng tư cách của loài người. Hai tánh thần, nhân chẳng phải là hỗn hòa với nhau, cũng không khi nào phân rẽ mà không nương dựa lẫn nhau bao giờ. Dầu là có đủ hai tánh hoàn toàn, nhưng chỉ có một Ngôi; Ngôi ấy duy nhứt có một tâm trí,một tự giác, một tự chủ mà thôi. Ấy là sự mầu nhiệm vô cùng về phẩm vị của Jesus Christ, là Đạo của Đức Chúa Trời đã đầu thai trong lòng nữ đồng trinh Ma-ri mà khiến trở nên xác thịt vậy.

CHƯƠNG 5: HAI CẢNH TRẠNG CỦA CHRIST

KINH THÁNH tả thuật Jesus Christ, Đạo Đức Chúa Trời, đã từng trải hai cảnh trạng hạ xuống và cảnh trạng nhắc lên. Cảnh trạng thứ nhứt bắt đầu ở nơi sự đầu thai của Ngài, và trải đến sự chết và chôn. Cảnh trạng thứ hai khởi sự ở nơi sự sống lại Ngài, và trải đến đời đời.

I. CẢNH TRẠNG HẠ XUỐNG

Thánh Phao-lô dạy về cảnh trạng hạ xuống rằng:Phil 2:6-8.

Jesus Christ vốn là Đức Chúa Trời vô thủy vô chung, làm đầy dẫy trong bầu trời trái đất, ngự lên trên các từng trời ở chốn chí cao, có quyền năng vô hạn vô lượng. Kịp khi giáng sanh làm người, thì lấy hình trạng tôi tớ mà hiện ra rất khác với nguyên trạng của Ngài. Phao-lô gọi cảnh trạng hạ xuống ấy là “tự làm cho mình trống không.” Vậy, chúng ta muốn biết cảnh trạng ấy có nghĩa lý gì. Sau đây xin lược luận qua đôi lẽ về vấn đề ấy.

1. LUẬN VỀ CẢNH TRẠNG HẠ XUỐNG

a) Những lời cắt nghĩa sai lầm: Có nhiều nhà tôn giáo cắt nghĩa cảnh tượng hạ xuống của Christ sai lầm như kể lược sau đây:

(1) Chia hai phần linh: Có kẻ nói Christ giáng sanh, bèn chia hai phần linh ra, một nửa xuống thế gian nương dựa xác thịt, một nửa cứ ở trên trời. Thành thử, dầu Christ đã giáng sanh, cư trú nơi thế hạ, thì nửa phần linh của Ngài vẫn cứ ở thiên thượng mà chủ trị muôn vật.

(2) Thần linh giấu kín: Có kẻ khác chủ trương rằng khi thần linh của Con Đức Chúa Trời giáng sanh, thì cư trú trong Jesus Christ, nhưng kín giấu không rõ, lặng mà không động, nhờ quyền năng của Thánh Linh mà bó buộc ở trong nhân tánh Ngài vậy.

(3) Từ giã mọi đức cao hơn nhân tánh:Cũng có kẻ chủ trương rằng Christ “tự làm cho mình trống không”, ấy là Ngài từ giã các đức cao hơn nhân tánh, như những đức vô lượng vô biên của Đức Chúa Trời.Còn những tâm đức mà cả Đức Chúa Trời lẫn loài người có thể có, thì Ngài đều giữ vẹn.

(4) Tạm lìa những tài năng siêu việt: Có người khác giải nghĩa về cảnh trạng tự ti của Christ, chủ trương rằng khi Ngài “tự làm cho mình trống không”, thì từ giã các tài năng siêu việt ở trên trời,như là quyền bính gây dựng, chủ trị muôn vật trong bầu trời trái đất, và những phẩm cách vô sở bất tri, vô sở bất năng, tức là quyền biết mọi sự, tài làm mọi việc ở khắp mọi nơi. Còn các đức yêu thương, thánh khiết, công nghĩa, v...v.,thì lúc làm người Ngài có trọn vẹn cả.

(5) Tuyệt diệt cả kiếp tiền sanh:Cũng có người chủ trương rằng khi Christ được đầu thai, thì tuyệt diệt cả kiếp tiền sanh, bèn nhờ sự sanh trưởng khải phát, biến hóa như người thường, mà Ngài lần lần tiến đến địa vị cao cả của Đấng Thần nhân. Cho nên các tâm đức và quyền siêu việt mà Ngài có lúc thành nhơn thì chẳng phải trực tiếp do thần tánh, bèn là do sự canh tân biến hóa mà nên vậy. Thành thử, theo ý kiến ấy, Christ lúc đầu thai chẳng phải là Đức Chúa Trời, bèn phải nhờ sự biến hóa tấn bộ mà lần lần đạt đến bực Thánh Thần vậy.

Những lời luận về cảnh trạng tự ti của Christ như trên đây đều không đúng cả. Nào lời luận về Ngài chia đôi phần linh mà giáng sanh, nào là thần linh bị giấu kín, những ý đó chẳng thích hiệp với Kinh Thánh chút nào, mà lại khiến cho thần tánh của Ngài phải chia rẽ ra làm hai, là một điều phản đối với lẽ đạo thần tánh hoàn toàn của Ngài vậy.

Đến như luận về Christ từ giã mọi tâm đức cao hơn nhân tánh, hoặc là tạm lìa những tài năng siêu việt, cũng đều trái ngược với Kinh Thánh cả. Vì Kinh Thánh dạy rõ Jesus Christ có đủ mọi tâm đức, mọi tài năng siêu việt, đến đỗi biết mọi sự, làm được mọi việc, chỗ nào cũng có Ngài cả.Bởi vì nếu Christ thật đã từ giã các thần đức, tạm lìa các thần năng, ắt không còn có thể gọi Ngài là Đức Chúa Trời nữa.

Còn ý kiến cho cả kiếp tiền sanh của Ngài đều bị tuyệt diệt lúc Ngài giáng sanh, rồi nhờ sự khải phát biến hóa mà lần lần đạt đến bực Thánh Thần, các nhà thần đạo chánh thống xưa nay ai cũng bài xích, cho là sai quấy, vì làm cho Ngài không có thần tánh gì cả, duy là một bực hiền thánh đạt đến chỗ cao thượng hơn hết đó thôi. Vậy thì cảnh trạng tự ti của Christ là như thể nào?

b) Lời cắt nghĩa đúng:Christ “tự làm cho mình trống không” chẳng phải là lìa bỏ thần tánh, thần quyền,thần đức mà Ngài vốn có từ trước vô cùng, bèn là tình nguyện phục ý muốn của Thánh Linh dẫn dắt mà vận dụng các thần cách ấy. Kinh Thánh dạy rằng cảnh trạng tự ti của Christ vốn tại các điều kể sau đây:

(1) Lìa bỏ vinh hiển nguyên bản: Đạo (Logos) tình nguyện lìa bỏ sự vinh hiển mà trong cõi từ trước vô cùng Ngài vốn có ở nơi Cha, chịu đầu thai trong lòng người nữ, sanh hạ xuống chốn trần gian.Song lúc giáng sanh thì Ngài vẫn có thần tánh, thần đức, thần quyền hoàn toàn luôn, chẳng lúc nào từ giã cái nào cả. Có câu chứng: Gi 17:5; IICo 8:9. – Phil 2:6,7 dẫn ở trên.

(2) Lìa bỏ hình trạng Đức Chúa Trời: Linh, đức,tánh, và hình của Christ nguyên không khác chi Đức Chúa Trời.Song khi Ngài giáng sanh làm người, dầu vẫn còn có linh, đức, và tánh của Đức Chúa Trời, thì hình trạng Đức Chúa Trời Ngài tạm để lại ở trên trời. (Xem Phil 2:6 dẫn ở trên)

(3) Lấy hình thể tôi tớ:Christ chẳng những là tạm lìa vinh hiển nguyên bản, về hình trạng của Đức Chúa Trời thôi đâu, bèn là hạ mình xuống, lấy hình thể tôi tớ, trở nên giống như loài người, ở vào nghịch cảnh, chịu khó khăn, nghèo khổ và đau đớn đến cùng.Nguyên là Đạo Đức Chúa Trời trở nên xác thịt đành thuận phục các cảnh khốn đốn của loài người vậy. Kinh Thánh chép: Es 53:2,3; Phil 2:7 dẫn ở trên. Cũng xem Thi 8:4-6.

(4) Thuận theo Thánh Linh dẫn dắt: Đạo (Logos) hạ mình xuống chẳng hề từ bỏ thần tánh, thần đức, thần quyền đâu, nhưng tình nguyện tự hạn chế, thuận phục Thánh Linh để vận dụng các thần cách ấy y theo ý Ngài muốn, đến đỗi mọi tư tưởng, lời nói, việc làm của Ngài đều do Thánh Linh dẫn dắt chỉ bảo cả. Có câu Kinh Thánh chứng: Cong 1:2; Cong 10:38; He 9:14

(5) Chịu nhục và chết trên thập tự giá:Trong mọi sự Ngài vui lòng vâng mạng Cha, chịu thử thách khổ nạn, thương khó,thậm chí chịu nhục và chết trên thập tự giá cũng chẳng chối từ đâu. Phil 2:8.

2. LÝ LỊCH CỦA CHRIST TỰ HẠ MÌNH XUỐNG

Kê cứu Kinh Thánh về lý lịch của Christ tự hạ mình xuống, thì thấy có chứng 9 bực như tỏ sau đây:

a) Tạm lìa sự vinh hiển vốn có ở với Cha, để hình trạng của Đức Chúa Trời ở trên trời, hạn chế quyền vận dụng các thần cách tự do, và vui lòng tạm từ bỏ cả sự giàu có ở chốn thiên cung.

b) Thuận phục công lệ sanh hóa mà trở nên người, nhận lấy nhân tánh từ trong dòng giống tội lỗi do A-đam nguyên tổ loài người mà ra. Nhân tánh ấy thoát khỏi ác tánh di truyền đó, chỉ là tại vì Ngài được đầu thai bởi Thánh Linh ở trong lòng Nữ đồng trinh vậy. Lu 1:35.

c) Phục tùng lẽ sanh trưởng như người thường,lần lần mở mang tấn bộ đến bực thành nhơn (Lu 2:52). Vì Christ đã là người thật, nên phải chịu nhân tánh hạn chế sự vận dụng các thần năng thần cách. Dường như đến khi 12 tuổi mới biết rõ mình là Con Đức Chúa Trời (Lu 2:49). Kịp đến khi chịu báp-têm mới tỏ thần quyền mà làm phép lạ thứ nhứt vậy.Lu 2:49,52.

d) Phục tùng Thánh Linh trong mọi sự, đến đỗi nào sự hay biết, nào tư tưởng, nào lời nói, nào việc làm, nào sự dạy dỗ, hết thảy đều do Thánh Linh chỉ bảo mà thành công cả.Cách ăn nết ở của Ngài thật chẳng phải như một người chủ, bèn như một tôi tớ vậy.(Xem câu Kinh Thánh dẫn trong phần (4) ở trên).

e) Nếm trải đủ thứ yếu đuối, thử thách, dạy dỗ và thương khó của đời nầy. Es 53:3; He 2:18; - cũng xem He 4:15.

f) Tình nguyện mang tội lỗi người ta, chịu hính phạt của luật pháp, uống hết chén đầy sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời.Ma 27:46; Lu 22:44.

g) Tình nguyện hi sinh mình mà chịu chết trên thập tự giá Ga 3:13; Cũng xem Phil 2:8 dẫn ở trên.

h) Bị đem chôn trong mồ mả, tạm chịu núp dưới quyền của sự chết. ICo 15:3,4; Lu 23:53; Cũng xem Ma 12:40.

i) Xuống âm phủ, là địa vị thấp hơn hết.IPhi 3:18-20.

Bản tóm tắt, Christ “tự làm cho mình trống không”, hạ mình xuống, chịu cảnh trạng khuất phục, tự ti tự chế nhiều cách, thật một sự mầu nhiệm, khó giải nghĩa cho cạn lý, vì chẳng có lời nào thí dụ cái cảnh thật cao mà thấp, vinh mà nhục của Ngài dường ấy được. Nhưng có kẻ lấy ba thí dụ thuật sau đây mà biểu minh lẽ đạo nầy.

(1) Áng mây che mặt trời:Đương lúc mặt trời bị mây che khuất, dầu ở dưới đất không thấy rõ hình thể và ánh sáng của nó, thì cũng biết mặt trời vẫn còn, ánh sáng nó cứ bủa ra ở phía trên áng mây, vẫn còn chói lói trong vũ trụ, muôn ngàn tinh cầu kia đều y nguyên và chịu ánh sáng nó luôn. Cũng vậy, Christ ở đời nầy lấy hình trạng loài người mà che khuất thể yếu vinh hiển của Đức Chúa Trời ở nơi mình; nhưng dầu mắt phàm không thấy được vinh hiển ấy, thì nó cũng vẫn còn luôn vậy.

(2) Nhắm con mắt:khi chúng ta mở mắt, thì thấy trời đất muôn vật một cách rõ ràng. Nhưng trong khi nhắm tít hai con mắt lại, thì thật mù mịt chẳng thấy gì cả; song con mắt vẫn còn, chẳng hề thay đổi gì hết. Cũng một lẽ ấy, Con Đức Chúa Trời mượn xác thịt,tạm che giấu thần thể yếu mình. Dầu vậy, thể yếu ấy vẫn còn y nguyên ở nơi Ngài luôn.

(3) Ống nước: Mạng sống và ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho, chẳng khác gì nguồn vực sâu thẳm.Cả thế gian rất cần ân điển ấy, nhưng chẳng có phương pháp nào đem ân điển ấy lưu thông cho mọi người. Song nhờ nhân tánh và thần tánh của Christ hiệp nhau,loài người ở dưới thấp nầy được giao thông với Đức Chúa Trời ở trên cao kia;Ngài chẳng khác gì một ống nước từ trên trời cao thả xuống mặt đất, lưu mạng sống và ân cứu rỗi vô hạn vô lượng của Đức Chúa Trời tràn khắp thế gian, làm đầy lòng mọi kẻ tin cậy Ngài.

Nói một lời, những thí dụ ấy chẳng có thể minh giải được sự mầu nhiệm về việc Christ tự hạ mình xuống, chỉ có thể giúp đỡ ta hiểu rõ hơn đôi phần đó thôi. Vì chẳng có thí dụ nào thuộc trần giới có đủ lý sự bày tỏ hết ý nghĩa của sự huyền diệu ấy được.

II. CẢNH TRẠNG NHẮC LÊN CAO

Khi Christ đã trải qua các bực tự ti, đến đỗi chịu chết trên thập tự giá và chôn trong mồ mả, thì lại được từng trải các bực trong sự nhắc lên cao. Trong thơ Phi-líp Phao-lô cứ dạy thêm rằng: Phil 2:9-11

1. CHÂN TÁNH CỦA SỰ NHẮC LÊN CAO

Cái chân tánh của sự tôn cao như sau nầy:

a) Lấy lại vinh hiển nguyên bản: Khi Christ sống lại và thăng thiên, thì lấy lại vinh hiển nguyên bản, hình trạng, sự sang trọng và giàu có mà Ngài vốn có ở với Đức Chúa Trời lúc xưa. Cũng lấy lại quyền tự do vận dụng các thần năng thần cách mà lúc Ngài sống dưới đời chẳng vận dụng ở ngoài ý chỉ Thánh Linh chỉ bảo cho. (Xem Gi 17:5 dẫn ở trên)

b) Thần tánh đầy dẫy trong nhân tánh:Đương khi Christ làm người ở thế gian, thì nhân tánh hạn chế thần tánh lấy các thần quyền, thần đức mà đổ lại cho nhân tánh ấy trọn vẹn. Cho nên Christ được tôn cao, nghĩa là Ngài đem cả thần đức, thần vinh mà phú cho nhân tánh cách đầy dẫy, đến đỗi tâm đức, quyền năng trọn vẹn của thần tánh cũng đều thuộc về nhân tánh một cách vô lượng vô biên. Nhân tánh bèn bày tỏ thần tánh trọn vẹn không còn hạn chế hay ngăn trở Ngài vận dụng các thần năng, thần cách nữa. He 2:8,9.Cũng xem Thi 8

c) Nhân tánh thi hành cách mới:Khi Christ được nhắc lên cao, thì nhân tánh Ngài khởi thi hành cách mới, vận dụng các bản năng do thần tánh phú cho. Trước sự sống lại thì thân thể Ngài phục tòng công lệ vật chất trong sự hành động. Nhưng sau biến động ấy thân thể Ngài không còn cần phục tùng luật ấy nữa, có thể đi ngang qua nơi kín cổng cao tường,bay lên khỏi luật hấp lực, mới ở đây trong giây phút nầy, mà giây phút sau lại ở chỗ khác cách xa; luật thời gian, không gian, và vật chất chẳng còn bó buộc nhân tánh của Ngài nữa. Quả sự chết và sự hư nát cũng chẳng có quyền trên Ngài,vì cớ thần tánh nên tất nhiên phải sống lại. Ấy cũng là điều Phi-e-rơ dạy rằng:Cong 2:24,31. Cũng xem Lu 24:31,36,51; Gi 20:19; Cong 1:9.

2. CHÂN CẢNH CỦA SỰ NHẮC LÊN CAO

a) Từ kẻ chết sống lại: Bước thứ nhứt trong sự Christ được nhắc lên cao là sự sống lại. Nếu Ngài chỉ chịu chết mà không sống lại, thì Ngài chẳng đáng gọi là Đấng siêu việt, đời sống Ngài,công việc Ngài, sự chết Ngài cũng chẳng khác gì của một tiên tri hay là bậc anh hùng đời xưa. Nhưng sự sống lại của Ngài là bằng cớ quan hệ nhứt chứng rằng Ngài quả là Con Đức Chúa Trời, Cứu Chúa của thế gian. Những bằng cớ kể ra sau đây minh chứng rằng Christ thật đã từ kẻ chết sống lại.

1) BẰNG CHỨNG VỀ SỰ SỐNG LẠI

(a) Cựu Ước dự ngôn:Trong Cựu Ước có nhiều câu dự ngôn về sự phục sanh của Christ. Như: Thi 2:7.

Khi Phao-lô giảng tại An-ti-ốt, thì đã chứng quyết rằng lời ấy được ứng nghiệm khi Christ từ kẻ chết sống lại (Cong 13:33).Cũng có lời của Đa-vít dự ngôn rằng: Thi 16:8-11.

Nhằm ngày lễ Ngũ tuần Phi-e-rơ viện dẫn lời ấy để chứng thực cho sự phục sanh của Chúa (Cong 2:25-28). Vả, các lời dự ngôn khác nói về sự giáng sanh, đời sống, và sự chết của Chúa đã được ứng nghiệm hết;nên lấy làm hữu lý lắm mà tín nhận rằng lời dự ngôn về sự phục sanh Ngài cũng đã được ứng nghiệm như thế cả.

(b) Chính Jesus Christ nói trước là sẽ sống lại:trước khi Chúa Jesus chịu khổ và chết, thì thường nói trước rằng Ngài phải chịu chết, rồi đến ngày thứ ba thì sống lại (Ma 16:21; 20:19; Gi 10:18). Lời ấy được ứng nghiệm hoàn toàn như Ngài đã nói.

(c) Sự hiển hiện của Christ:Tân Ước ký thuật rất rõ và đặc biệt rằng trong khoảng giữa ngày phục sanh và sự thăng thiên thì Chúa Jesus Christ từng hiển hiện với các môn đồ ước chừng 11 lần.Trong các lần hiển hiện đó Ngài đã từng nói chuyện với họ, ăn bữa với họ, dạy dỗ họ; còn họ đã nhìn biết Ngài, từng rờ đến Ngài, thọ giáo Ngài, mục kích Ngài thăng thiên. Ngài hiện ra với (a) Ma-ri Ma-đơ-len, Gi 20:11-16; (b) Phi-e-rơ,Lu 24:34; ICo 15:5; (c) các nữ đồ thăm mộ, Ma 28:8-10; (d) Hai môn đồ trên đường Emmaut, Lu 24:13-32; (e) Mười sứ đồ, Gi 20:19-23; ICo 15:5; (f) Mười một sứ đồ,Gi 20:26-29; (g) Bảy sứ đồ tại biển Ga-li-lê, Gi 21:4-14; (h) Năm trăm anh em, ICo 15:5; (i) Gia-cơ, ICo 15:7; (j) Các môn đồ lúc Ngài thăng thiên, Cong 1:9-11;(k) Phao-lô trên đường Đa-mách, Cong 9:1-9; ICo 15:8. Các lần hiển hiện đó đủ bằng cớ chứng thực chắc chắn rằng Jesus Christ đã từ kẻ chết sống lại rồi. Dầu vậy,vẫn còn có bằng chứng khác nữa.

(d) Sự lo sợ kẻ cừu địch:

(1) Sự canh giữ mộ: Cừu địch Chúa lo sợ các môn đồ Ngài sẽ đến cướp thi thể Chúa, rồi ngoa truyền rằng Ngài sống lại để lừa gạt thiên hạ; nên họ cắt lính canh giữ mộ Chúa cách cẩn mật. Ma 27:62-66.

(2) Đút lót lính canh: Nhưng Chúa thật sống lại, khiến bọn lính kia kinh hồn khiếp vía từ mộ chạy về thuật lại rằng Ngài đã từ kẻ chết sống lại, bước ra khỏi mồ mả rồi. Những cừu địch Chúa bèn đút lót lính canh, và nghiêm cấm không cho đồn tin ấy ra, lại bảo nói ban đêm đương lúc họ ngủ, thì môn đồ đến cướp xác. Cũng hứa rằng nếu quan tổng đốc nghe đến, thì họ sẽ che chở cho khỏi bị hại gì. Ma 28:11-13,15.

(3) Lời phao ngôn tuy lừa được dân chúng,song không lừa được môn đồ: Lời phao ngôn kia tuy có thể đánh lừa dân chúng ít nhiều, nhưng chẳng có thể đánh lừa môn đồ nổi đâu; vì họ đã biết Chúa thật đã sống lại. Sự biết ấy chắc chắn, khiến họ sẵn lòng làm chứng cho thiên hạ, đến đỗi dầu phải chết cũng không chịu làm thinh. Huống chi, nếu quả có như quân lính đã phao truyền đó, thì bề trên há chẳng chiếu luật mà trị tội họ sao? Đó quả là họ thảy cùng âm mưu để phao ngôn hoặc chúng, lời ấy chỉ hiệp với lỗ miệng kẻ kinh hoàng thất thố đó thôi.

(4) Sứ đồ truyền đạo phục sanh: Đến sau các sứ đồ truyền đạo thường dùng sự phục sanh của Jesus Christ làm đề mục lớn, đồn khắp bốn phương thiên hạ rằng Đấng chịu chết trên thập tự giá, chôn ở trong huyệt mả của Giô-sép kia, thật đã sống lại. Nếu họ không nói thật, tại sao các thù nghịch không hề công nhiên trực xích lời rao giảng ấy là dối ư? Năm mươi ngày sau sự phục sanh, Phi-e-rơ đứng trước dân chúng Giê-ru-sa-lem mà chứng quyết rằng Christ quả đã sống lại, nhưng chẳng thấy ai phản đối hoặc đem bằng cớ gì để chứng quyết rằng sứ đồ ấy nói dối đâu. Cong 2:24.

(e) Sự đổi tánh của môn đồ:Trước khi Chúa Jesus chưa sống lại, thì môn đồ đều phách lạc hồn xiêu, yếu như sứa, nhát như thỏ, lịt lịt chối Chúa và tránh xa, không dám nhận mình là môn đồ của Ngài; thậm chí khi Ngài chết rồi, thì đóng cửa gài then, không dám ló đầu ra ngoài, đến đỗi có người lui về nghề cũ, để cầu lấy an thân. Thế mà bỗng chúc đổi hẳn tâm tánh, hết sợ hãi, đầy bình an, can đảm, hăng hái đến giữa đám đô hội,trực tiếp cáo tố cừu địch Chúa là kẻ đã giết Ngài, khăng khăng làm chứng về danh Ngài, đến đỗi phải bị bỏ mạng cũng không từ chối. Ấy vì sao? Há chẳng phải vì họ đã biết chắc chắn rằng Chúa Jesus Christ quả đã sống lại đấy ư!

(f) Hội Thánh được tấn bộ: Nhằm lễ Ngũ tuần sứ đồ giảng đạo, có 3.000 người tin theo. Những kẻ tin đó là kẻ đã thấy Chúa Jesus Christ ở trên thập tự giá (Cong 2:36,37); còn cái cốt yếu của đạo họ tín nhận đó, là chính Người họ đã thấy chết kia, nay đã sống lại rồi. Vả, nếu Christ sống lại chẳng phải là một sự thực, thì cả 3000 người ấy há phải là kẻ khờ khạo, kém trí, nhẹ dạ, mau nghe mà vội tin tiếng đồn bậy đó sao? Chắc không phải vậy đâu; bèn là họ đã nghe và xét rõ có đủ bằng cớ minh chứng rằng Christ quả đã sống lại, nên mới tín nhận vậy. Sau đó có vô số người khác nghe lời chứng của các sứ đồ, cũng tin theo, và Hội Thánh càng ngày càng tấn bộ, mở rộng ra trong thiên hạ, lần lần lan tràn ra khắp thế gian. Tại sao vậy? Há chẳng vì Chúa mà họ thờ đó chẳng phải một người chết mãi đâu, bèn là đã sống lại, và còn sống cho đến đời đời đấy hay sao?

2) LUẬN THUYẾT SAI LẦM VỀ SỰ SỐNG LẠI

Trải qua các đời có nhiều kẻ vô tín phản đối lẽ đạo Chúa Jesus Christ sống lại, và đề xướng nhiều ý kiến như sau đây:

(a) Jesus không chết, chỉ bất tỉnh nhân sự:Ông Strauss, người Đức (1808-1874), chủ trương rằng Jesus Christ chẳng chết đâu, chỉ nhân vì sự khảo kẹp đau đớn của thập tự giá mà bất tỉnh nhân sự. Đoạn,sau khi hạ xuống khỏi mộc hình, đem chôn, thì khí mát của huyệt mả với thuốc xông khiến cho Ngài tỉnh lại.

Ta bác lại rằng: Huyết và nước từ hông Ngài chảy ra, và lời chứng kiến của đội trưởng, đều chứng thực rằng Chúa Jesus thật đã tắt hơi và chết rồi (Mac 12:45). Sự lăn hòn đá chặn cửa huyệt mả, và lực lượng lạ lùng của Chúa Jesus về sau đều không thích hiệp với ý kiến bất tỉnh nhân sự:vì nếu thân thể đã bị thương tích yếu đuối, đến đỗi chết giấc thì làm sao khi vừa tỉnh dậy, lại có thể liền đi ra hành động cách lạ lùng như Chúa đã làm đó ư?

(b) Ảo tưởng:Ông Renan, nhà triết học Pháp (1823-1892), chủ trương rằng sự sống của Christ bất quá là ảo tưởng của môn đồ. Ông luận rằng môn đồ đã thấy Thầy mình bị treo trên thập tự giá mà chết, chi cho khỏi buồn bực quá lẽ, tâm linh rối loạn, lòng mến tiếc tưởng nhớ Ngài triền miên đêm ngày, những mong sao Ngài sẽ sống lại. Cái tâm chí và thái độ ấy lần lần trở nên ảo tưởng lạ lùng, mường tượng như mắt đã xem thấy. Đến khi làm chứng về ảo tượng ấy, thì họ vốn chẳng phải cố ý lừa gạt người ta đâu, bèn là lầm lạc bởi tâm lý mình phát ra vậy, khiến cho họ tin rằng mình quả đã thấy Jesus sống lại.

Đối với ý kiến ấy, ta đáp rằng: Khi chôn Chúa Jesus, môn đồ chẳng có chút gì tỏ vẻ hi vọng Ngài sẽ sống lại. Các nữ đồ đi thăm mộ chẳng phải vì mong gặp Chúa sống lại, bèn vì nhớ thương Ngài, muốn xông thuốc thơm cho thi thể Ngài để tỏ lòng mến tiếc đó thôi. Kịp khi có kẻ chứng rằng đã thấy Chúa sống, thì môn đồ lại nghi ngờ, và khi chính Chúa Jesus hiện ra giữa họ, thì vẫn có kẻ tin mình thấy một “linh vị”: Chúa phải hết sức giải nghi cho họ, đặng họ vững tin rằng điều họ thấy đó chẳng phải là bóng dáng, chẳng phải là “linh vị”, bèn là thân thể thật của Christ đã sống lại vậy (Lu 24:37-40).

(c) Thần linh của Christ hiện ra:Ông Theodore Keim dạy rằng Chúa Jesus thật chết trên thập tự giá, nhưng thần linh Ngài hiện ra với môn đồ, để giục giã họ tin rằng Ngài vẫn còn sống; cũng để chỉ dạy họ phải làm cách nào để truyền bá đạo Ngài ra khắp thế gian.

Đối với ý kiến ấy, ta bác lại rằng: Chính Chúa chối hẳn Ngài là thần linh, vì Ngài phán rằng: “Hãy xem tay và chơn ta, thật chính ta. Hãy rờ ta xem; vì thần thì không có thịt xương như các ngươi thấy ta có đây” (Lu 24:39). Lại nếu thân thể Chúa không sống lại, thì chính Ngài dối gạt môn đồ, cho họ tin rằng Ngài thật sống lại. Ý kiến nầy cũng rất phản đối với mồ mả trống không; bởi vì khi sứ đồ khởi giảng dạy về Chúa sống lại, thì dễ cho thù nghịch đem xác chết của Ngài mà chứng rằng họ nói dối. Nhưng ta chẳng thấy một ai làm điều ấy bao giờ; dường ấy há chẳng chứng rằng Ngài đã sống lại sao?

(d) Truyện thần tiên:Cũng có kẻ cho sự sống lại của Christ chẳng qua là truyện thần tiên, như truyện Sơn tinh và Thủy tinh vậy. Họ chủ trương rằng truyện tích về đời sống và công việc của Jesus ở Na-xa-rét đồn khắp nơi, người nầy thuật cho kẻ kia, lần lần thêm lắm ý lạ lùng, chẳng khác “vẽ rắn thêm chơn” đến đỗi trở nên một truyện thần tiên vậy thôi.

Ta đáp: Chúa vừa chịu chết chưa hơn hai tháng, thì môn đồ đã khởi sự làm chứng Ngài đã sống lại. Các chuyện hoang đàng đều cần phải trải một thời gian rất dài mới thành truyện thần tiên được. Lại truyện thần tiên chẳng hề có linh lực khiến cho người ta vui lòng hi sinh tất cả,nào tài sản, an nhàn, danh giá, quyền lợi, thậm chí chính tánh mạng mình nữa,chỉ mong sao được dịp làm chứng cho truyện ấy là thỏa nguyện. Mà sự sống lại của Chúa thật đã khiến cho môn đồ làm như vậy, đến đỗi phần nhiều trong họ đều lấy huyết mình mà ấn chứng cho đạo ấy. Cũng dám chắc rằng chẳng có truyện thần tiên nào có thể gây nên lễ Ngũ tuần, hoặc đổi tánh môn đồ vốn yếu đuối nhát sợ ra mạnh mẻ can đảm bao giờ, duy sự sống lại thật của Chúa có thể làm được như vậy thôi.

3) CỐT YẾU VỀ SỰ SỐNG LẠI

Kê cứu Kinh Thánh dễ thấy đạo Chúa Jesus sống lại rất quan hệ đối với sự cứu rỗi ta. Xin nói lược vài điều như sau đây:

(a) Then chốt của đạo cứu rỗi:Phao-lô dạy rõ ràng sự sống lại của Jesus Christ là then chốt của đạo cứu rỗi.Trong thơ ICô-rinh-tô ông chép rằng: ICo 15:17,18

(b) Thực nghiệm của lẽ thật: Sự sống lại của Chúa lại là sự thực nghiệm lẽ đạo cứu rỗi. Nếu Ngài đã chẳng sống lại thì đạo Tin Lành là giả dối cả. Phao-lô chép thêm rằng: ICo 15:14,15.

(c) Nền móng của sự tín ngưỡng: Sự sống lại là nền móng của sự tín ngưỡng của tín đồ. Ví thử Chúa chẳng sống lại,thì dầu sốt sắng tín nhận cả Tin Lành cũng vô ích… Phao-lô dạy nữa rằng: ICo 15:14; Ro 4:24,25; Ro 10:9.

(d) Chứng minh Ngài là Con Đức Chúa Trời: Sự sống lại chứng minh rằng Chúa Jesus thật là Con Đức Chúa Trời, cũng như Phao-lô chép: Ro 1:4.

Sự sống lại vốn là việc của Đức Chúa Trời (Ro 8:11; ICo 4:14; 6:14); mà cũng là từ chính mình Jesus Christ mà thành công, làm chứng chắc rằng Ngài là Con Đức Chúa Trời vậy. (Gi 10:17,18; Ma 28:7; Gi 21:14).

(e) Đặc sắc của Tin Lành: Đạo Christ được xưng là Tin Lành cốt bởi vì Chủ giáo của đạo ấy đã toàn thắng Sa-tan, tội lỗi, và sự chết mà sống lại. Sự sống lại là ấn chứng xác thực rằng Christ là Cứu Chúa của thế gian, đã vì tội nhơn mà đắc thắng các thù nghịch ấy.

Sự sống lại của Ngài cũng là sự bảo chứng về sự sống lại của tín đồ, vì chính Chúa là trái đầu mùa của họ. Phao-lô chép: ICo 15:23.

Thực, nếu Christ không sống lại, thì kẻ tin theo Ngài chỉ bị lừa gạt và là người khốn nạn hơn hết, vì chẳng có hi vọng gì hoặc trong đời nầy hay trong đời sau cũng vậy.

b) Sự thăng thiên: Sự sống lại chứng minh rằng Jesus Christ là người hoàn toàn, được tôn vinh trước mặt cả giống loài người, xưng hô là Đấng đã toàn thắng ma quỉ, chuộc tội lỗi, chủ trị sự chết. Còn sự thăng thiên tuyên bố cho cả vũ trụ rằng Ngài là Đức Chúa Trời,được phục sanh, cầm quyền thống trị muôn vật, và là Đấng mà mọi vị thọ tạo đáng nên thờ phượng. Ngài làm xong công việc cứu chuộc rồi trở lên trên trời, chẳng khác gì hoàng đế được thắng trận khải hoàn. Còn trên trời thì trùng trùng điệp điệp thiên sứ trần thiết nghi lễ hoan nghinh Ngài, khâm tôn, sùng bái Ngài đến đời đời. Cong 1:9; Cong 2:33; ITi 3:16

c) Ngồi bên hữu Đức Chúa Trời:Christ được cất lên trời, được ngồi bên hữu Đức Chúa Trời, là chốn quyền bính chí cao. Tại đó Ngài thay mặt tín đồ mà biện hộ và cầu thay cho họ, sai Thánh Linh xuống trên họ để ứng dụng linh nghiệm của sự cứu rỗi cho muôn dân. Mac 16:19; Ro 8:34; cũng xem Thi 110:1; Eph 1:20-22; Co 3:1; He 1:3,4; 10:12; IPhi 3:12.

d) Cầm cả quyền trời đất:Christ thăng thiên, ngự trên ngai cao sang, thống trị muôn vật, vì cả quyền bính trên trời dưới đất đều giao nơi tay Ngài. Kinh Thánh chứng rằng: Ma 28:18;Gi 3:35. Cũng xem 13:3 và 17:2. Eph 1:22; He 1:2; He 2:8

Vả, Christ sẽ cứ cầm giữ quyền ấy cho đến khi các thù nghịch bị làm bệ dưới chân Ngài. Kế đó, Ngài sẽ đem quyền nước giao lại cho Đức Chúa Trời, rồi chính Con cũng sẽ phục Cha, và Ba Ngôi Đức Chúa Trời hiệp nhứt để ngự trên muôn vật mà làm mọi sự trong mọi sự. Phao-lô chép: ICo 15:28.

PHẦN II

CHỨC VỤ CỦA CHRIST

LỜI MỞ ĐƯỜNG

KINH THÁNH bày tỏ chức vụ của Christ theo ba mặt, tức là tiên tri, tế lễ và vua. Ba chức ấy Kinh Thánh mượn cõi nhơn sự để làm hình bóng chỉ về công việc của Christ ở trong buổi quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong đời Cựu Ước, chẳng ai được phép kiêm lãnh cả ba chức ấy; hoặc tiên tri, hoặc tế lễ, hoặc vua, người nào giữ chức ấy thôi. Song chúng ta thấy cả ba chức ấy đều được gồm lại ở trên một mình Christ, là Đấng làm ứng nghiệm trọn vẹn các hình bóng bất toàn ấy. Phao-lô chép: “Nhưng ấy là nhờ Ngài mà anh em được ở trong Christ Jesus, là Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm nên sự khôn ngoan, sự công nghĩa, sự nên thánh, và sự cứu chuộc cho chúng ta” (ICo 1:30).

Trong câu ấy chắc Phao-lô ám chỉ về ba chức của Christ: “sự khôn ngoan” chỉ về chức tiên tri, “sự công nghĩa” chỉ về chức tế lễ, “sự nên thánh và sự cứu chuộc” chỉ về chức vua của Ngài. Có nhà thần đạo luận rằng: “Christ cần phải hành chức tiên tri mới cứu ta khỏi sự ngu muội của tội lỗi;cần phải hành chức tế lễ, mới cứu ta khỏi hình phạt của tội lỗi; cần phải hành chức vua mới cứu ta khỏi quyền thế của tội lỗi.” Đức tin hay cứu rỗi cần phải vin lấy công nghiệp của cả ba chức ấy mới đứng vững được, cũng như cái bàn cân phải có ít nữa là ba chơn mới khỏi ngã vậy.

CHƯƠNG 6: LUẬN VỀ CHỨC TIÊN TRI

I. BẰNG CHỨNG VỀ CHỨC TIÊN TRI CỦA CHRIST

1. CỰU ƯỚC DỰ NGÔN

CỰU ƯỚC có lời dự ngôn rằng Christ sẽ làm chức tiên tri. Trong Phu 18:18,19 có ký thuật lời Đức Chúa Trời phán cùng Môi-se rằng:“Ta sẽ lập lên cho chúng một Đấng tiên tri như ngươi, thuộc trong anh em chúng,ta sẽ lấy lời ta để trong miệng ngươi, thì ngươi sẽ nói cho chúng mọi điều ta phán dặn ngươi” (xin so sánh câu ấy với Cong 3:22; 7:37).

2. CHRIST TỰ XƯNG LÀ TIÊN TRI

Christ thường tự xưng mình là tiên tri.Khi người đồng hương mình vấp phạm vì cớ Ngài, thì Ngài phán rằng: “Tiên tri không được tôn trọng chăng trừ ra trong quê hương và nhà mình thôi” (Ma 13:57).

3. NGƯỜI TA CŨNG NHẬN NGÀI LÀ TIÊN TRI

Người đồng thời nghe Chúa Jesus giảng và dạy đều công nhận Ngài là tiên tri thật (Gi 7:40). Khi Chúa hỏi môn đồ về mọi điều người ta nói Con người là ai, thì họ đáp: Người thì nói, Giăng Báptít; kẻ thì nói, Ê-li; kẻ khác lại nói, Giê-rê-mi, hay là một tiên tri nào đó.” (Ma 16:14). Khi Ngài vào thành Giê-ru-sa-lem thì đám đông nhận Ngài rằng: “Ấy là tiên tri Jesus ở Na-xa-rét” (Ma 21:11). Đờn bà Sa-ma-ri cũng xưng hô Ngài là tiên tri, bởi vì Ngài tỏ cho nàng cả tâm tính tội lỗi của nàng (Gi 4:19).

II. CHÂN TÁNH CHỨC TIÊN TRI CỦA CHRIST

1. ĐỊNH NGHĨA CHỮ “TIÊN TRI”

Tra xét Kinh Thánh thì thấy nguyên nghĩa danh từ “tiên tri” chẳng những là chỉ về sự biết trước, nói trước điều phải xảy ra về sau; nhưng cũng chỉ về sự bày tỏ và giảng giải ý chỉ của Đức Chúa Trời,cũng đem ý chỉ ấy truyền rao cho dân sự, mà làm mối khiến cho trời người được giao thông nhau. Cũng có khi tiên tri nhờ Thánh Linh trực tiếp khải thị mà thuật lại cho việc đã xảy ra trong thời quá khứ, như Môi-se ký thuật về cuộc tạo hóa (Sa 1: và Sa 2:). Trong thời đại Cựu Ước lúc ban đầu tiên tri được gọi là “kẻ tiên kiến” hay là “kiến giả” (ISa 9:9; IIVua 17:13), ám chỉ rằng tiên tri có tài thấy những điều thuộc linh mà thị quan thiên nhiên không thấy được.Áp-ra-ham được gọi là tiên tri, dầu không hề nói việc tương lai (Sa 20:7; Thi 105:9,15). Giăng Báptít dầu chỉ làm chứng về Christ, cũng xưng là tiên tri, được kể là lớn hơn các tiên tri trước nữa (Ma 11:9). Từ lễ Ngũ tuần trở đi, những nhà truyền đạo và người giải nghĩa lời Đức Chúa Trời đều được xưng là tiên tri cả. ICo 12:28; ICo 14:1; Eph 2:20; Eph 3:4,5

2. CHỨC PHẬN TIÊN TRI

Chức phận của nhà tiên tri gồm có ba phần việc, là (a) dạy dỗ, (b) dự ngôn, và (c) làm phép lạ. Christ cũng theo những việc ấy mà làm trọn chức phận tiên tri. Ngài dạy dỗ (Ma 5:- 7:), Ngài dự ngôn (Ma 24:25), Ngài làm phép lạ (Ma 8:9); còn bởi phẩm vị, đời sống, công việc, và sự chết của Ngài, mà Ngài thường bày tỏ Cha ra (Gi 8:26; Gi 14:9; Gi 17:8). Christ nhờ Thánh Linh và gương tốt mình mà dạy dỗ người ta. Ngài làm phép lạ để chữa bịnh,vì trong Ngài có nguồn sanh mạng mạnh khỏe trọn vẹn. Ngài dự ngôn về việc tương lai, bởi vì nào là quá khứ, hiện tại và tương lai đều rõ rệt ở trước mặt Ngài như chánh ngọ vậy. Lu 6:19; 21:10-36

III. LÝ LỊCH VỀ CHỨC TIÊN TRI CỦA CHRIST

Lý lịch về chức tiên tri của Christ được nên theo ba giai đoạn như sau đây:

1. VIỆC TIÊN TRI TRƯỚC KHI CHƯA GIÁNG SANH

Việc sắm sửa thế gian cho sự giáng sanh của Christ là việc của Đạo (Logos). Đạo là căn nguyên của các lẽ thật khải thị hoặc trong cõi thiên nhiên, hoặc trong đạo giáo, vô luận là đạo của tuyển dân Y-sơ-ra-ên hay là của dân ngoại bang cũng vậy. Hễ có sự sáng của lẽ thật soi ra ở nơi nào, thì ấy là do từ trong Đạo (Christ) mà soi ra, vì chính Ngài là lẽ thật duy nhứt của Đức Chúa Trời (Gi 14:6). Christ khởi làm việc tiên tri trước khi chưa được đầu thai. Giăng chứng rằng: “Ấy là sự sáng thật, đến thế gian soi sáng mọi người” (Gi 1:9). Cả sự sáng thật hoặc ở trong lương tâm, khoa học, triết lý, mỹ thuật, hay là văn minh của loài người, đều là sự sáng của Christ cả; vì ở ngoài Ngài chẳng có sự sáng nào hết. Từ buổi sáng thế cho đến khi giáng sanh,thì Ngài cứ vận động trong vòng loài người, soi sáng nay phương nầy, mai hướng nọ, bày tỏ Đức Chúa Trời đây cách nầy đó cách kia, cốt để dọn đường mở lối cho Nguồn gốc của sự sáng thật hiện ra. He 1:1; He 12:25,26; Lu 11:49 – cũng xem Ma 23:34.

2. VIỆC TIÊN TRI SAU KHI GIÁNG SANH

Trải suốt đời sống trên đất, Christ làm chức phận tiên tri trọn vẹn. Dầu Ngài như các tiên tri xưa, nhờ Thánh Linh soi bảo dẫn dắt mà làm mọi việc, thì cũng rất khác với họ, bởi vì tri thức và quyền năng của Ngài chẳng phải từ nguồn bên ngoài mà đến, bèn là đã có từ trong Ngài. Ngài chẳng cần học đạo (lời) Đức Chúa Trời, vì chính Ngài là Đạo ấy. Kinh Thánh có câu chứng rằng: Lu 6:19; Gi 2:11; Gi 8:38,59; Gi 1:1(sánh với Gie 2:1)

Về sự bỏ mạng sống thì Ngài phán: Gi 10:18

Các tiên tri xưa được Đức Chúa Trời hà hơi vào mà nói; còn Christ chẳng như vậy, vì chính Ngài là Đấng hà hơi vào họ. Ngài là Giáo sư thật của cả thầy dạy lẫn kẻ học. Môn đồ Ngài nhơn danh Ngài mà nói,còn Ngài thì nhơn đích danh Ngài mà phán vậy.

3. VIỆC TIÊN TRI SAU KHI THĂNG THIÊN

Từ khi thăng thiên Christ vẫn cứ hành chức tiên tri. Việc ấy có hai mặt:

a) Đối với Giáo hội trên đất:Christ dầu ngồi bên hữu Đức Chúa Trời cũng vẫn nhờ sự giảng đạo của các sứ đồ và các nhà truyền đạo, cùng sự cảm hóa của Thánh Linh, mà hành chức tiên tri.Các sứ đồ lấy hột giống đạo do Christ ban cho mà truyền dạy cho thiên hạ, Giáo hội cũng làm chức tiên tri, vì được sáng lập cốt để giảng dạy các lẽ đạo cứu rỗi ra khắp chốn. Tín đồ Christ vì lấy sự truyền đạo Tin Lành làm chủ đích của đời mình, cũng được gọi là tiên tri vậy. Kinh Thánh có câu chứng rằng: Gi 16:12,14;Cong 1:1;

Trong đời sống trên đất, Christ mới bắt đầu làm chức vụ tiên tri; khi thăng thiên thì Ngài vẫn cứ làm mãi. Sự hà hơi vào các sứ đồ, sự soi sáng các người truyền đạo và tín đồ để hiểu thấu và giãi bày ý nghĩa đúng đắn của lời các sứ đồ biên thuật, sự thuyết phục tội nhơn, và việc khiến tín đồ nên thánh, thảy đều thuộc về chức phận tiên tri của Christ, mà Ngài hằng nhờ Thánh Linh và Giáo hội mà làm xong xuôi ở trong đời nầy vậy. Cũng xem Dan 11:29; Gio 2:28.

b) Đối với thánh đồ trên trời:Khi tín đồ về cùng Chúa, thì Christ vẫn cứ làm tiên tri của họ, sẽ đem đạo Cha tỏ bày cho họ biết rõ muôn phần hơn ở dưới đất nầy nữa. Chúa Jesus có phán rằng:Gi 16:25; Gi 17:24,26. Hễ Christ bày tỏ cho tín đồ được thấy sự vinh hiển của Ngài, duy chỉ bày tỏ cho họ Cha ở trong Con đó thôi. ICo 13:12; Kh 21:23;

Câu ấy (Kh 21:23) không gọi Christ là sự sáng, bèn gọi là đèn; vì sự sáng phi tán (diffuser) khắp nơi, tuy ai nấy đều nhờ nó mà xem, nhưng không thấy nó được; còn trong đèn thì sự sáng ngưng tụ lại (concentrer) ở một chỗ, nên con mắt trông thấy được, và cũng nhờ nó mà xem rõ sự vật được nữa. Trên trời Đức Chúa Trời là sự sáng, song không ai thấy được; còn Christ là cái đèn, ngưng tụ lại ở nơi mình cả thể yếu của Đức Chúa Trời; dân Ngài chỉ nhờ Ngài mà thấy được Cha. Cũng như Giăng chép: “Chẳng ai thấy Đức Chúa Trời bao giờ, duy Con độc sanh ở trong lòng Cha, là Đấng giãi bày Cha” (Gi 1:18). Mãi đến đời đời vô cùng Christ vẫn là Đấng Tiên tri giãi bày Cha cho chúng ta vậy.

CHƯƠNG 7: LUẬN VỀ CHỨC TẾ LỄ

I. DỰ NGÔN VỀ CHỨC TẾ LỄ CỦA CHRIST

TRƯỚC khi Chúa chưa giáng sanh đã có tiên tri dự ngôn về chức tế lễ của Ngài mà rằng:

Thi 110:4. Cũng xem He 5:6; 6:20; 7:21

Theo câu nầy ta thấy Christ được Đức Chúa Trời thiết lập làm thầy tế lễ cho đến đời đời. Chức nhiệm Ngài chẳng theo ban A-rôn, bèn là ban Mênchixêđéc. Tại cớ sao vậy? Ấy tại vì chức của A-rôn là tạm thời, có nghĩa hình bóng chỉ về chân tượng sẽ hiện ra về sau. Còn chức của Christ là chính chân tượng ấy làm ứng nghiệm chức kia, và được còn mãi đến đời đời vô cùng. Lại ban của A-rôn có nhiều người kế thừa nhau mà hành chức, bởi vì sự chết ngăn trở không thể khiến cho một người nào trong vòng họ cứ giữ chức ấy luôn được. Nhưng Christ hằng có đời đời, nên giữ mãi chức tế lễ cho đến vô cùng vô tận (He 7:11-25).

II. LÝ LỊCH VỀ CHỨC TẾ LỄ CỦA CHRIST

Christ bắt đầu hành chức tế lễ tại thập tự giá, ấy là Ngài dâng mình lên làm tế lễ chuộc tội loài người. Hiện nay Ngài cứ hành chức ấy ở bên hữu Đức Chúa Trời, đương thay mặt ta ở trước mặt Cha, mà biện hộ ta, cầu thay cho ta. Khi Ngài sẽ lấy đại quyền đại vinh mà trở lại thế gian để làm Vua, thì chức tế lễ ấy mới thôi thi hành mặc dầu còn cứ linh nghiệm.Trước giả thơ Hê-bơ-rơ chép về lý lịch của chức tế lễ của Christ rằng: He 9:28;He 9:24; He 9:28 (khá xem cả đoạn 8 và 9 của thơ Hê-bơ-rơ thì sẽ rõ hơn).

III. CHÂN TÁNH CỦA CHỨC TẾ LỄ

Kê cứu Kinh Thánh về chức tế lễ, thì thấy chân tánh của kẻ hành chức có ba đặc sắc:

1. Thay mặt loài người:Thầy tế lễ là người được Đức Chúa Trời thiết lập để thay mặt loài người mà đối diện cùng Đức Chúa Trời. Thầy tế lễ thượng phẩm xưa thế vị cho cả Y-sơ-ra-ên ở trước mặt Đức Chúa Trời; Ngài kể cả dân sự dường như là ở trong người (Xu 28:9-29), đến đỗi nếu người phạm tội, thì Ngài coi tội đó như là tội phạm của cả dân chúng vậy (Le 4:3). Người cũng phải mang tên của các chi phái Y-sơ-ra-ên trên lòng mình (Xu 28:29), và phải đặt tay mình trên đầu con dê mà xưng tội của cả hội chúng (Le 16:15-21), để nó đem vứt bỏ cho mất hẳn đi. Các điều ấy minh chứng cho chân tánh thế vị của chức tế lễ vậy.

2. Có phép đến gần Đức Chúa Trời: Thầy tế lễ cũng có phép đến gần Đức Chúa Trời. Dân chúng phải nhờ người thay mặt mình mới đến gần Ngài được. Chẳng có người tầm thường nào có phép đích thân lại gần Ngài được bao giờ; hễ ai cả gan dám thử làm vậy, đều bị tiêu diệt chẳng sai (Dan 16:1-50). Dan 16:40

3. Dâng tế lễ và cầu nguyện:Thầy tế lễ phải dâng sinh tế đền tội và cầu nguyện mới được phép đến gần Đức Chúa Trời (He 5:1-3; Dan 6:22-27). He 5:1-3

Christ đã làm ứng nghiệm chức tế lễ của A-rôn cách trọn vẹn, và nhân đó cứu chuộc loài người được. Vì cả Tân Cựu Ước đều minh chứng Ngài là thầy tế lễ thật (Thi 110:4; Xa 6:13; He 5:6). Ngài cũng có các phẩm cách của thầy tế lễ chánh thức: a) Ngài từ trong loài người chọn ra để thay mặt họ (He 5:1,2 so sánh He 2:14-18 và 4:15); b) Ngài bởi Đức Chúa Trời thiết lập (He 5:4-6); c) Ngài rất thánh (He 7:26); d) Ngài có quyền đến gần Đức Chúa Trời (He 1:3; 9:11-14); e) Ngài cũng đã làm trọn các chức vụ của thầy tế lễ (Da 9:24-26; Eph 5:2; He 9:26; 10:12; IGi 2:1); Christ đã vừa làm trọn công việc cứu chuộc trên thập tự giá, thì tức thì bức màn trong đền thờ bị xé làm hai, để chứng rằng cả thế hệ tế lễ tiêu hiệu đó đã bị dứt bỏ, không còn ích gì nữa, vì đã được ứng nghiệm hoàn toàn ở trong Christ vậy (Ma 27:50-51). He 5:6; He 5:1-2; He 2:14; He 3:15; He 5:5,6; He 9:11-12; He 9:26; IGi 2:1; Ma 27:50-51

IV. BA PHƯƠNG DIỆN CỦA CHỨC TẾ LỄ

Thầy tế lễ muốn làm trọn chức phận thì phải theo ba điều cần yếu kể sau nầy: (1) Phải dâng tế lễ; (2) Phải cầu thay; (3) Phải chúc phước. Christ làm thầy tế lễ thượng phẩm chánh thức, nên cũng phải làm trọn ba nhiệm vụ ấy.

1. DÂNG TẾ LỄ

Về nhiệm vụ thứ nhứt, thì Ngài đã làm xong lúc Ngài đem dâng chính mình Ngài làm tế lễ chuộc tội ở trên thập tự giá kia, rồi đem huyết mình vào nơi chí thánh ở trên trời, rảy ra tại đó mà tìm được sự cứu chuộc đời đời. Trong chương luận về Sự cứu chuộc sau đây sẽ còn giải nghĩa rõ hơn về phần quan hệ ấy. He 9:11,12

2. SỰ CẦU THAY

Nhiệm vụ cầu thay là phần thứ hai trong chức vụ của thầy tế lễ. Dầu Christ đã làm xong xuôi việc chuộc tội rồi, thì nhiệm vụ cầu thay vẫn còn luôn. Hiện nay Ngài ở bên hữu Cha mà làm trọn nhiệm vụ ấy. Trước giả thơ Hê-bơ-rơ chép rằng: He 7:23-25

a) Chỗ Ngài cầu thay: Hiện nay Christ ở bên hữu Đức Chúa Trời, hằng ngày cầu thay cho ta, biện hộ ta, cứu rỗi ta, lấy Thánh Linh và ân điển Ngài mà bổ sức cho ta, hầu cho ta ở đời nầy không sờn lòng nản chí mà trở lại đường cũ. Vì Ngài hằng sống và cầu thay cho ta luôn luôn ta mới được toàn cứu hằng ngày vậy. Xưa kia Môi-se ở trên núi nọ giơ tay lên mà cầu thay cho Y-sơ-ra-ên đương chiến đấu cùng dân Amaléc ở dưới trũng. Song tay của ông mau mỏi, phải có A-rôn đỡ lên mới cứ làm nổi (Xu 17:8-15). Về thầy tế lễ thượng phẩm của chúng ta thì chẳng như vậy đâu; tay Ngài hằng giơ lên, chẳng hề mỏi mệt, chẳng thả xụi xuống, cũng chẳng cần ai đỡ lên. Con cứ giơ tay đã bị đóng đinh lên ở trước mặt Cha, bàn tay bị lủng ấy hằng ngày nhắc lại cho Cha công lao vô hạn vô lượng của Con, nên Cha vui lòng nhậm lời cầu nguyện của Con mà ban ơn phước cứu rỗi cho chúng ta vậy. Có câu dạy về sự cầu thay của Chúa rằng: IGi 2:1; Ro 8:34;

b) Mục đích về sự cầu thay: Mục đích về sự cầu thay của Christ có hai phần, là cầu thay cho cả mọi người, và cầu thay đặc biệt cho các tín đồ.

(1) Cầu thay cho cả mọi người:Nói đại khái, thì Christ cầu thay cho cả mọi người, để họ do sự cứu chuộc mà được phước cả phần thuộc linh lẫn phần thuộc thể. Ta có thể nói quả quyết rằng hôm nay kẻ vô tín sở dĩ vẫn sống còn và hưởng được các phước vật chất, thì cũng tại sự cứu chuộc của Christ và sự cầu thay của Ngài. Có câu Kinh Thánh chứng cho lẽ thật ấy rằng: Es 53:12; Lu 23:34;

(2) Cầu thay cho các tín đồ:Christ lại cầu thay đặc biệt cho các tín đồ, cầu xin Cha vì cớ đại giá của sự chết Ngài mà nhận lấy ta, tha tội cho ta, ban cho ta các ân tứ cần thiết để được cứu rỗi hoàn toàn. Kinh Thánh có rất nhiều đoạn sách luận về sự cầu thay của Chúa; dưới đây xin chỉ viện dẫn mấy chỗ đặng làm chứng cho: Lu 22:31-32; Gi 14:16; Gi 17:9; Cong 2:33; Ma 18:19,20;

Mọi ân tứ, mọi phước hạnh mà tín đồ nhận lãnh ở nơi Cha, đều là do công năng Christ cầu thay mà được ban cho họ, như những câu viện dẫn sau đây vậy: Eph 1:5,6; Eph 2:18; He 2:17,18; He 4:15,16

(3) Có quan hệ mật thiết với sự cầu thay của Thánh Linh: Thánh Linh và Christ cả hai đều cầu thay cho tín đồ. Thánh Linh làm Trạng sư trong lòng ta, dạy ta cách phải cầu nguyện cho xứng đáng. Christ làm Trạng sư ta ở trên trời, hằng cầu khẩn Cha nhậm lời cầu nguyện bất toàn của ta. Cho nên việc cầu thay của Christ và việc cầu thay của Thánh Linh đều là một mà hai, hai mà một, cái nầy làm trọn cái kia, chỉ có một mục đích là đem ta đến gần Đức Chúa Trời, để được Ngài nhậm và ban phước cho vậy.Hai câu dẫn ta sau đây dạy rõ lẽ thật nầy: Gi 14:26; Ro 8:26,27

Thế thì, hễ khi ta cầu nguyện trong phòng kín, thì chắc được giao thông với Ba Ngôi Đức Chúa Trời: có Thánh Linh cầu nguyện ở trong lòng ta, dạy ta phải cầu nguyện thế nào; có Con biện hộ duyên cớ ta ở bên hữu Cha, hằng sống để dâng lời cầu xin của ta hiệp với sự cầu thay của Ngài lên trước mặt Cha; cũng có Cha nhận lời cầu nguyện ấy, ban cho ta mọi sự y như sở cầu vậy. Cho nên hễ khi lòng ta muốn cầu nguyện, ấy chứng rằng Ba Ngôi Đức Chúa Trời đương vì mình mà hành động, muốn giao thông với mình, ước ao ban cho mình mọi sự cần dùng. Vậy chúng ta đáng nên càng tự biệt mình riêng ra cho việc cầu nguyện là dường nào!

(4) Có quan hệ với sự cầu nguyện của tín đồ: Mọi sự cầu nguyện của tín đồ, hoặc gián tiếp, hoặc trực tiếp đều là sự cầu thay của Christ cả. Các tín đồ là miệng của Christ; Ngài nhờ Thánh Linh ở trong họ, dùng miệng của họ mà cầu nguyện ở trước mặt Cha. Cho nên nếu nói rằng tín đồ phải nên cầu nguyện với các bậc thánh thì thật rất sai lầm; vì nếu Christ ở trong tín đồ mà cầu nguyện, thì chắc chắn rằng Ngài chẳng dâng lời cầu nguyện ấy lên cho bậc thánh nào, bèn chỉ dâng lên cho Cha mà thôi. Bởi nếu nói rằng Ngài dâng lời cầu nguyện mình cho bậc thánh nào, thì há chẳng phải là lộng ngôn mà cho Christ kém loài người đó sao? Nhờ sự liên hiệp với Christ, tín đồ được thiết lập làm chức cầu thay ở trên đất, và như thầy tế lễ thượng phẩm xưa kia thường đeo bảng ngực có khắc tên các chi phái Y-sơ-ra-ên ở nơi lòng để cầu thay cho họ ở trước mặt Đức Chúa Trời thể nào (Xu 28:9-12), thì hiện nay ta nên đeo ở nơi lòng ta sự nhu cần của dân Ngài, duyên cớ của Hội Thánh Ngài, và sự cứu rỗi của cả thế gian nữa, mà hằng cầu thay cho ở trước mặt Cha; vì như thế chính chúng ta cũng có phần trong việc cầu thay của Christ là vậy. ITi 2:1-3

3. SỰ CHÚC PHƯỚC

Phần thứ ba trong chức nhiệm của thầy tế lễ là sự chúc phước. Mỗi năm một lần, nhằm ngày đại lễ chuộc tội, thầy tế lễ thượng phẩm vào nơi chí thánh của nhà trại để làm tế lễ chuộc tội cho dân chúng. Đoạn,người ở đó đi ra, giơ tay lên chúc phước cho dân chúng. Lời chúc phước ấy chắc chép trong Dan 6:22-27. Christ cũng sẽ làm trọn chức nhiệm ấy khi Ngài lấy đại quyền đại vinh mà từ trên trời hiện đến thế gian lần thứ hai. Khi đó Ngài đem hạnh phước rất lớn ban cho Hội Thánh, dân Y-sơ-ra-ên, và cho cả thiên hạ nữa. Ngài sẽ trừ tội đi, giam cầm Sa-tan trong vực sâu, đổi mới cả cõi thiên nhiên, lập nước Thiên hy niên trên đất, đồng hiệp với các thánh đồ mà trị vì một ngàn năm. (Về vấn đề quan hệ nầy, xin xem quyển XI, chương ba, luận về sự tái lâm của Christ,thì sẽ rõ hơn). Dan 6:24-26; He 9:28

CHƯƠNG 8: LUẬN VỀ SỰ CHUỘC TỘI

I. GIỚI THUYẾT

DANH TỪ “sự chuộc tội” có hai nghĩa hẹp và rộng.Theo nghĩa hẹp thì nói về việc dâng sinh tế cho Đức Chúa Trời đặng làm giá chuộc các sự vi phạm của người ta. Kinh Thánh thường dùng chữ “cứu chuộc”, để tỏ ra ý niệm đem giá mua lại cái gì đã bị bán bị mất, hay là giải cứu kẻ nào đương còn ở trong vòng nô lệ (Ro 3:24; 8:23; ICo 1:30; Eph 1:7,14; 4:30; Tit 2:14; He 9:15;IPhi 1:18; Kh 5:9; 14:3,4; Es 43:1; 52:9). Cho nên, loài người là kẻ bị hư mất,ở trong vòng nô lệ của tội lỗi, nhờ Christ mà được mua lại, được giải cứu khỏi cảnh trạng khốn nạn ấy.

Theo nghĩa rộng thì “sự chuộc tội” luận về mọi phương diện của công việc Christ đã làm trọn để đem loài người trở lại cùng Đức Chúa Trời. Thần đạo học dùng danh từ ấy theo nghĩa rộng: đại khái nó gồm cả các ý niệm thế mạng, dâng sinh tế, mua lại, giải cứu, đền bồi, cứu chuộc, tế lễ vãn hồi, phục hòa, v...v. Dầu Kinh Thánh có dùng các ngôn từ khác nhau mà luận đến các ý niệm ấy, song để cho tiện sự học hỏi, thì thần đạo học thường tổng hợp các lý tưởng ấy mà gọi chung là SỰ CHUỘC TỘI vậy.

II. VỊ TRÍ CỦA ĐẠO CHUỘC TỘI

Khảo cứu cho kỹ Cơ đốc giáo, dễ thấy đạo chuộc tội chiếm được vị trí đầu hàng trong tôn giáo ấy. Có ba điều minh chứng cho thực sự ấy lược luận như sau đây:

1. TRUNG TÂM CỦA CƠ ĐỐC GIÁO

Sự chuộc tội chiếm lấy vị trí trung tâm của Cơ đốc giáo, phân biệt đạo ấy với các tôn giáo khác. Nếu bỏ đạo về Christ chịu hình chịu chết để chuộc tội, thì Cơ đốc giáo cũng mất luôn cả đặc tánh, trở nên đạo đồng nhứt với các ngoại giáo, không còn thể nào gọi là đạo chân thật duy nhứt bởi Đức Chúa Trời khải thị được nữa. Đạo Christ nội dung thật diệu kỳ, gồm đủ nào là luân lý cao siêu, triết lý thuần túy, lý tưởng tối thượng, đạo lý uyên thâm; nhưng đó chẳng phải là trung tâm của đạo ấy đâu; duy phương pháp cứu chuộc bởi Jesus Christ làm ra trên thập tự giá mới đáng gọi là “trái tim” của đạo ấy thôi.

Giả như trái tim quan hệ với thân thể, mặt trời cần thiết với thế giới ta thể nào, thì lẽ đạo chuộc tội quan hệ cần thiết với Cơ đốc giáo cũng thể ấy. Hễ cất trái tim ra khỏi thân, thì chỉ còn lại một đống thịt thối nát; loại mặt trời khỏi thiên không, thì thế giới nầy chỉ còn lại một vùng băng hoại cực kỳ ảm đạm đó thôi. Cũng một lẽ ấy, hễ thủ tiêu lẽ đạo cứu chuộc khỏi Cơ đốc giáo, thì đạo ấy bèn hóa nên một tôn giáo vô quyền, vô lý, chẳng còn ích lợi gì cho ai nữa, mà lại còn kém các tôn giáo ngoại nữa thì có.Phao-lô, sứ đồ trứ danh của Cơ đốc giáo, cũng thông hiểu lẽ thật nầy, bởi vì khi đến giảng đạo tại Cô-rinh-tô, thì ông dõng dạc quyết định ở giữa thành ấy rằng ông “chẳng biết sự gì khác ngoài Jesus Christ, và Ngài đóng đinh trên thập tự giá” (ICo 2:2). Vì dầu đối với người hoài nghi vô tín thì đạo ấy là sự ngu dại; song đối với những người nhận lấy và tin theo, thì là quyền năng của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời vậy (ICo 1:23,34).

2. TÔN CHỈ CỦA KINH THÁNH

Kê cứu Kinh Thánh ta thấy rõ ràng tôn chỉ duy nhứt của bộ sách ấy là sự chuộc tội. Suốt cả luật pháp, Thi thiên và các tiên tri, Đức Chúa Trời lần lần mở mang cái kế hoạch cứu chuộc bởi một Cứu Chúa làm nên. Nhờ các tế lễ của đạo Cựu Ước mà Ngài đã triệu trưng cái Tế lễ Tối thiện của Christ, bởi những tiêu hiệu và lời hứa ban cho các thánh tổ xưa, Ngài thường dự cáo về “Chiên Con của Đức Chúa Trời là Đấng cất tội lỗi thế gian đi”(Gi 1:29). Nhằm ngày sống lại, chính Chúa Jesus dạy cho hai môn đồ đi về làng Emmaut rằng cả Kinh Thánh đều minh chứng về sự chịu hình chịu chết của Ngài (Lu 24:27,44). Phi-e-rơ cũng gọi đại đề mục về cuộc khảo cứu của các tiên tri đời xưa là sự chết của Christ (IPhi 1:11,12). Môi-se và Ê-li hiện ra trên núi kia mà trò chuyện với Chúa, cũng chỉ nói về vấn đề huyền diệu ấy (Lu 9:30,31); còn các thánh đồ ở trên trời cũng đều lấy điều ấy làm tôn chỉ của bài khải ca của họ (Kh 5:8-12).

Ý niệm chuộc tội giống như một sợi dây đỏ xâu suốt qua cả Kinh Thánh, kết quả hiệp hết thảy 66 quyển lại thành một bộ sách, duy có một đề mục, một tôn chỉ, một trước giả vậy. Có kẻ nói rằng, hễ cắt đến Kinh Thánh vô luận chỗ nào, thì cũng đều có huyết phun ra cả. Cũng có người đã tính theo lối trung bình thì thấy trong mỗi 44 câu của Kinh Thánh thì có một câu luận về sự cứu chuộc. Còn cả Tân Cựu Ước đều trực tiếp nói đến sự chết của Christ 175 lần, dạy rằng bởi sự chết ấy Ngài chuộc nhiều người (Ma 20:28; ICo 6:20) che đậy tội lỗi (Ro 4:7) mang hình phạt của tội (He 9:28; Le 24:5; Dan 18:22), làm tế lễ vãn hồi (Ro 3:24,25; IGi 2:2), giải cứu tín đồ khỏi sự rủa sả của luật pháp (Ga 3:13), làm cho tội nhơn phục hòa cùng Đức Chúa Trời (Ro 5:10). Thực trong Kinh Thánh, đạo chuộc tội bởi sự chết của Christ chiếm vị trí đầu hàng, là canh và chỉ của giáo lý đó. Nếu trừ khử lẽ đạo ấy đi, thì Kinh Thánh thành một mớ giấy bị cắt vụn ra, chỉ còn lưu lại ít câu chữ lộn xộn,không đầu đuôi, chẳng nghĩa lý gì nữa cả. Lu 24:27,44; IPhi 1:10,11; Lu 9:30,31; Kh 5:9,10

3. MỤC ĐÍCH VỀ CHRIST ĐẦU THAI

Mục đích về Christ đầu thai, sanh ra làm người là sự chuộc tội. Cả Kinh Thánh đều chứng Ngài giáng sanh cốt để chịu chết. Trước giả thơ Hê-bơ-rơ dạy rằng Ngài sở dĩ có phần trong huyết và thịt là cốt để dọn đường cho Ngài có thể chịu chết (He 2:14). Chính Chúa cũng chứng rằng Ngài vào thế gian để phó mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người (Ma 20:28). Còn thánh Giăng dạy rằng Ngài hiện ra để cất tội lỗi thế gian đi (IGi 3:5). Cả Tân Ước đều minh giải rằng Đạo (Logos) được đầu thai trong lòng nữ đồng trinh Ma-ri, nhận lấy nhân tánh mà trở nên Người, duy có một mục đích là sắm sửa một con Sinh để chuộc tội loài người vậy. Thực, Christ đã là Đức Chúa Trời, thì tự nhiên không thể chịu chết được. Mà nếu Ngài không chịu chết, thì cũng chẳng cứu người rỗi đời được.Vậy, lấy làm cần thiết cho Cứu Chúa ta phải hiện ra trong xác thịt loài người,mới có thể thế vị ta mà làm trọn luật pháp, mang tội ta mà chịu hình của luật pháp ấy. Hơn nữa, Ngài đã là Đức Chúa Trời, nên công nghĩa cứu chuộc của Ngài vô hạn vô lượng, có đại giá dư dật để đền tội ta đã xúc phạm cùng đức thánh khiết của Đức Chúa Trời, làm thỏa mãn công nghĩa của Ngài, mở đường cho Ngài có thể theo lẽ công nghĩa mà tha tội cho ta, đem ta trở lại với Ngài vậy. He 2:14; Ma 20:28; IGi 3:5

Kê cứu bốn sách Tin Lành, thì nhận thấy rõ cả đời sống của Christ, công việc Ngài, sự dạy dỗ Ngài, thảy đều lấy sự chết trên thập tự giá làm tiêu điểm. Christ thật là một Nhà luân lý vô song, một Giáo sư tuyệt đối, một Nhà bác ái cực kỳ, một Người điển hình duy nhứt; nhưng mà Vị cách và công phu Ngài vượt quá các phẩm cách diệu kỳ ấy, bởi vì trước sau Ngài là Cứu Chúa, Chiên Con của Đức Chúa Trời, tự hi sinh mình để làm tế lễ chuộc tội.Các phẩm vị kia dầu vinh diệu tột bực, cũng chỉ là phụ thuộc chức vụ chuộc tội đó thôi.

Các bậc vĩ nhơn của đời thường được người ta tôn trọng vì đời sống họ có nhiều công phu tài đức; nhưng Christ được thiên hạ tôn trọng hơn hết là vì Ngài đã chịu chết để khiến loài người và Đức Chúa Trời phục hòa nhau. Có nhà chinh phục kia than thở rằng: “Ước chi tôi sống lâu, thì chắc tôi sáng lập một đế quốc cường đại tồn tại đến vô cùng!” Chẳng may cái chết đã đến, mà ông ta cũng không đạt được sở nguyện! Trái lại, Christ đã nhờ sự chết mà làm việc ấy, sáng lập một nước rất mạnh sẽ chẳng hề bị đổ, chẳng bao giờ phải mất, bèn sẽ tồn tại mãi đến đời đời vô cùng (Da 2:44; Kh 11:15; 19:16). Nói một lời, năng lực vô đối của đạo Christ chẳng tại luân lý cao siêu, triết lý thuần túy, tri thức tuyệt trần, bác ái cực điểm, hay tại gì gì nữa đâu, bèn chỉ tại lẽ thật về Christ chịu chết và sống lại đó thôi. Ấy là lẽ mà thánh Phao-lô gọi là Tin Lành có quyền cứu rỗi, mà rằng: ICo 15:1-4

III. SỰ CHUỘC TỘI CẦN THIẾT

Trong phần trên ta đã thấy đạo chuộc tội chiếm hẳn vị trí đầu hàng trong Cơ đốc giáo. Suy gẫm về thực sự lạ lùng ấy, tâm trí ta liền nảy ra vấn đề nầy: Vì cớ sao gọi sự chuộc tội là cần yếu? Bởi lý do nào mà cần có và có thể có một phương pháp cứu chuộc cực kỳ huyền diệu dường ấy không? Sau đây xin thử đáp lẽ cho vấn đề quan hệ ấy sơ lược một vài.

1. VÌ ĐỨC THÁNH KHIẾT CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI:

Sự chuộc tội rất cần thiết, trước hết vì đức thánh khiết của Đức Chúa Trời hằng đòi phải có, mới bảo toàn Bản Ngã và ngôi nước của Ngài. Tại cớ sao vậy? Xin đáp:

a) Đức thánh khiết đứng đầu:Trong chương luận về các đức của Đức Chúa Trời (quyển III, chương sáu, phần I),ta đã thấy trong các tâm đức của Ngài, đức thánh khiết đứng đầu hàng, làm thể yếu của Bản Ngã Ngài, nền tảng của ngôi nước Ngài. Đức ấy được tỏ ra cho loài người trong luật đạo đức và cuộc chánh trị của Ngài, gọi là sự công nghĩa tuyệt đối.Ta cũng đã biết Đức Chúa Trời có đức yêu thương (xem quyển III, chương sáu, phần III), hằng giục giã Ngài muốn ban phước cho loài người. Song về sự quan hệ của hai đức ấy, thì đức thánh khiết hạn chế đức yêu thương khiến cho Đức Chúa Trời chỉ có thể ban phước cho kẻ xứng hiệp với đức thánh khiết, tức là kẻ có lòng thánh sạch công nghĩa như Ngài vẫn có vậy.

b) Đức thánh khiết hằng kháng địch tội ác: Luật đạo đức vốn một tấm gương phản chiếu đức thánh khiết của Đức Chúa Trời, do Bản Ngã Ngài mà được thiết lập từ trước vô cùng, cốt để biểu dương đức ấy ra. Luật đạo đức, bất luận là ghi trong cõi thiên nhiên, chép trong sách, hay tạc trong lòng, cũng đều theo hai cách mà tỏ bày đức tánh ấy ra, là tích cực và tiêu cực.Theo tích cực thì tỏ ra Đức Chúa Trời quyết định đặt tánh công nghĩa làm điều kiện duy nhứt để người ta noi đó mà được hưởng phước. Còn theo tiêu cực, thì Ngài lại quyết định cho sự buồn rầu đau đớn sẽ là kết quả chắc chắn của tánh bất nghĩa vậy. Nói cách khác, Đức Chúa Trời đã định rằng kẻ làm lành sẽ được phước,kẻ làm dữ sẽ bị họa. Sự từng trải chung của loài người cũng minh chứng rằng luật ấy là nguyên tắc của đạo đức giới, vì sự vi phạm nếu không sớm thì muộn ắt kết quả đem lại sự đau đớn thiệt hại cho phạm nhơn không sai. Tại sao vậy? Ấy tại vì đức thánh khiết của Đức Chúa Trời hằng kháng địch với tội ác, chẳng có thể dung nhận nó chút nào. Mà quả thật vậy, loài người đã xúc phạm đến đức thánh khiết của Đức Chúa Trời, nên đức ấy hăng hái kháng địch lại, đòi buộc gia hình phạm nhơn, mới bảo toàn yếu tố của Bản ngã Ngài, giữ vẹn nền tảng của ngôi nước Ngài, và làm thỏa lòng đạo đức của Ngài vậy.

2. VÌ LUẬT PHÁP CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Luật đạo đức chuyên tả đức tánh của Đức Chúa Trời, tỏ ra là rất thánh sạch công nghĩa, không thể dung nhẫn tội ác được. Luật ấy cũng răn bảo loài người phải thánh khiết như Đức Chúa Trời là thánh khiết, mới làm trọn luật pháp và thỏa mãn đức tánh của Ngài được. Vả, loài người đã sa đắm vào tội lỗi, bị hư hỏng, xúc phạm mọi điều răn của luật thánh Ngài. Còn luật ấy định rằng: “Linh hồn nào phạm tội sẽ chết” (Exe 18:4).

Tấm lòng từ ái Đức Chúa Trời vốn không hề thay đổi; nhưng dầu Ngài rất thương yêu người ta, thì cũng lại rất không thể trừ bỏ luật pháp mà dung thứ tội nhân được, bởi vì nền móng của luật pháp vốn xây ở trên bản tánh thánh khiết công nghĩa tuyệt đối của Ngài. Mà chẳng những là không bỏ được, lại cũng không thể thay đổi được hoặc giảm bớt điều răn nghiêm nhặt của nó được, vì ấy là làm trở ngại sự công nghĩa của Đức Chúa Trời, xúc phạm chánh quyền của Ngài. Đức thánh khiết Ngài đã là hằng kháng địch lại với tội ác, thì bất luận hễ gặp nó ở đâu, là buộc phải hình phạt nó ở đấy, mới bảo toàn sự công nghĩa Ngài và giữ vẹn nền chánh trị trong đạo đức giới. Cho nên luật đạo đức, vì là tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời hằng đòi phải hình phạt tội lỗi, phải giáng cơn thạnh nộ của Đấng Chấp pháp hoặc vào chính kẻ phạm pháp, hoặc vào người thế mạng cho kẻ ấy, thì Đức Chúa Trời mới nguôi cơn giận, và quyền bính của luật pháp Ngài được bảo toàn đối với muôn vật vậy.

3. VÌ SỰ YÊU THƯƠNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Sự chuộc tội chẳng những được gọi là cần thiết vì đức thánh khiết và luật pháp của Đức Chúa Trời thôi đâu, lại cần thiết vì tình yêu thương của Ngài nữa. Tại cớ sao vậy? Đáp: Loài người đã xúc phạm đức thánh khiết của Đức Chúa Trời, phản nghịch chánh trị Ngài, khinh lờn sự công nghĩa Ngài, trái luật pháp Ngài, ngờ vực lòng nhơn từ Ngài, không khứng tin lời hứa Ngài, không đếm xỉa đến sự yêu thương của Ngài. Tội ấy vô hạn vô lượng, bể không chứa hết, núi không lấp kín, theo lẽ tất nhiên Đức Chúa Trời cũng trừng phạt cách vô hạn vô lượng, sâu hơn bể, nặng hơn núi mới bảo toàn sự thánh khiết Ngài, giữ vẹn nền chánh trị Ngài. Mà trừng phạt tội lỗi, ấy là trừng phạt tội nhơn; còn trừng phạt tội nhơn cách vô hạn vô lượng, ấy là bỏ người vào địa ngục cách biệt hiện diện Đức Chúa Trời và ơn phước của Ngài, gia hình cho người tại đó một cách đau đớn đến đời đời vô cùng.

Vậy, Đức Chúa Trời há đã bỏ loài người để phải chịu quả báo của tội vô hạn vô lượng của họ đó chăng? Chẳng có đâu. Bởi cớ sao?Bởi vì “Đức Chúa Trời là yêu thương” (IGi 4:8). Tình yêu thương ấy chẳng nguôi, chẳng hết, chẳng có năng lực gì diệt trừ được bao giờ, dầu tội lỗi cũng không. Loài người đã được dựng nên không những bởi Đức Chúa Trời, mà cũng vì Đức Chúa Trời nữa, cốt để giao thông với Ngài cách thân ái mật thiết, thậm chí hưởng được thân phận làm con của Ngài. Cho nên loài người vì tội mà phải phân rẽ với Đức Chúa Trời khiến cho Ngài buồn rầu đau đớn vô cùng. Dầu vậy, Đức Chúa Trời là sáng láng, trong Ngài chẳng có sự tối tăm. Như ánh sáng không thể hòa hiệp với bóng tối thể nào, thì đức thánh khiết của Đức Chúa Trời không thể giao thông với tội lỗi cũng thể ấy. Tội nhơn và Đức Chúa Trời không ở chung nhau được. Thành thử, đức thánh khiết và đức yêu thương của Đức Chúa Trời đòi hai điều tương phản hẳn: đức nầy đòi Ngài phải bỏ loài người mà trừng phạt đời đời; đức kia đòi hỏi phải cứu rỗi mà tha tội cho. Vậy, Đức Chúa Trời phải làm thế nào để giải quyết nan đề cực huyền bí ấy? Đức Chúa Trời phải làm ra một phương pháp cứu rỗi vừa xứng hiệp với đức thánh khiết Ngài, vừa làm thỏa mãn tình yêu thương Ngài.

Nói cách khác, Đức Chúa Trời phải kiếm ra một phương pháp cứu rỗi vừa đền trả đầy đủ các nợ nần tội lỗi của loài người; vừa mở đường cho Ngài có thể theo lẽ công nghĩa mà tha tội cho họ. Phương pháp ấy là sự chuộc tội do Jesus Christ làm ra. Ngài trở nên Người, thế mạng loài người mà chịu hình chịu chết mà họ đáng phải chịu, đem sanh mạng mình làm tế lễ cực quí chuộc tội cho họ, đền lại các sự họ xúc phạm cùng đức thánh khiết của Đức Chúa Trời,đền trả đầy đủ mọi nợ nần họ đã mắc với luật đạo đức, đến đỗi làm thỏa mãn cả sự công nghĩa của Đức Chúa Trời mọi bề. Như thế, thập tự giá của Christ bắc cầu qua cái vực sâu giữa đức thánh khiết và đức yêu thương của Đức Chúa Trời, mở đường cho Ngài có thể vừa theo lẽ công nghĩa mà hình phạt tội lỗi, vừa noi theo lòng yêu thương mà cứu rỗi tội nhơn. Nhân đó, “Sự thương xót và chân thật đã gặp nhau; Sự công bình và sự bình an đã hôn nhau” (Thi 85:10), là vậy.

IV. CƠ QUAN CỦA SỰ CHUỘC TỘI

Cơ quan làm hoàn toàn việc chuộc tội là Christ, Con Đức Chúa Trời. Ngài có đủ phẩm cách làm việc quan trọng và cao siêu ấy là vì hai cớ lược luận như sau đây:

1. CHRIST LÀ ĐẠO (Logos)CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Christ vốn là Đạo, Ngôi thứ hai trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời, từ trước vô cùng vô sở bất tại, thông suốt khắp cả vũ trụ,hằng bày tỏ Đức Chúa Trời trong muôn vật, vận động giữa loài người, cốt để biểu dương đức thánh khiết của Đức Chúa Trời, minh chứng thế nào đức ấy hằng kháng địch lại với tội ác, không bao giờ dung nhẫn kẻ cư xử theo nó được; mà lại yêu chuộng sự công nghĩa, hằng ban ơn phước cho kẻ ăn ở thánh sạch trọn vẹn. Ngài đã dùng nào là công lệ thiên nhiên, thần hựu đặc biệt, luân lý phổ thông, luật báo ứng ghi trong lương tâm, và đạo dân Do Thái, mà nghiêm dạy thiên hạ rằng: “Mắt Chúa thánh sạch, chẳng nhìn sự dữ, chẳng có thể nhìn sự trái ngược” (Ha 1:13). Rồi rốt lại Ngài hiện ra trong đời, dùng bi kịch của thập tự giá để càng minh chứng cho lẽ thật bất di bất dịch ấy càng hơn, khiến cho loài người rõ rằng Đức Chúa Trời hằng hăng hái kháng địch lại với tội, bao giờ cũng phải hình phạt nó, thậm chí trong cuộc thực hình nó, Ngài không thể tiếc thương Con yêu dấu của Ngài đương thế vị cho tội nhơn mà chịu hình ấy. Cho nên vì Christ là Đạo, đồng tánh đồng đức với Đức Chúa Trời, nên Ngài có thể thay mặt Đức Chúa Trời mà lên án tội, gia hình tội nhơn, binh vực đức thánh khiết của Đức Chúa Trời, mà bảo toàn nền chánh trị Ngài trong đạo đức giới vậy.

2. CHRIST LÀ CON NGƯỜI

Christ cũng là Người. Từ buổi sáng thế Ngài đã liên hiệp với loài người, quyến cố họ, tình nguyện chăm nom duyên cớ của họ, thậm chí đành lòng lìa địa vị cao siêu Ngài vốn có ở với Cha, hạ mình xuống,đầu thai vào lòng Nữ đồng trinh, trở nên Người, cốt để đồng chịu trách nhiệm với họ trong địa vị tội khiên buồn bã của họ, tình nguyện đem mạng mình chịu hết tội án ấy. Như thế, Ngài không những là thay mặt Đức Chúa Trời lên án tội thôi đâu,lại thế mạng loài người mà chịu chính tội án ấy vào mình nữa. Nhân thần tánh,Ngài có đủ thần quyền thay mặt Đức Chúa Trời mà định hình án tội lỗi; nhân nhân tánh, Ngài có đủ nhân cách thế mạng tội nhơn mà chịu cả hình án ấy nữa, thậm chí thủ tiêu được cả cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời hằng bồng bột nghịch cùng kẻ phạm tội, trừ sạch ban bằng chỗ phân cách mối tương giao âu yếm giữa Đức Chúa Trời và loài người vậy.

TỔNG ĐOÁN

Nói tóm lại, ta thấy việc cứu chuộc có hai mặt: một là Christ thay mặt Đức Chúa Trời mà lên án cho tội lỗi; hai là Ngài thế mạng loài người mà chịu án ấy vào mình. Ngài có thể làm trọn cả hai việc ấy bởi vì Ngài vừa là Con Đức Chúa Trời, cũng vừa là Con người, thân mật liên hiệp với cả hai bên, lấy sanh mạng cực quí của mình mà dâng tế cho Đức Chúa Trời,đền lại các tội lỗi, trả xong các nợ nần loài người đã mắc với Đức Chúa Trời.Nhân đó Ngài vừa bảo toàn đức thánh khiết của Đức Chúa Trời mà giữ vẹn sự công nghĩa Ngài, vừa chuộc tội loài người mà mở đường cho họ trở lại với Đức Chúa Trời vậy. Thật như Phao-lô chép: Ro 8:3

Luật pháp không thế giải cứu loài người,vì nó chỉ có thể định tội cho họ mà thôi. Nhưng Đức Chúa Trời nhờ Christ làm việc ấy được. Christ lấy nhân tánh giống như nhân tánh tội lỗi ta, hiện đến, trước là để giữ luật pháp sau là đem mình làm giá chuộc lại mọi sự loài người xúc phạm cùng luật pháp, trả xong hết các nợ nần họ mắc với sự công nghĩa của Đức Chúa Trời. Thành thử, Đức Chúa Trời ở trong Christ mà lên án cho tội; còn giống loài người ở trong Christ mà chịu án ấy, cũng đem chính mình Christ làm tế lễ đền bồi các sự vi phạm của mình vậy. Trong các phần tiếp theo đây sẽ còn giải luận rõ hơn nữa.

V. ĐẠO CHUỘC TỘI TRONG KINH THÁNH

Kinh Thánh thường dùng nhiều cách để khải thị đạo chuộc tội, cũng theo nhiều lối mà giải nghĩa chân tánh của đạo ấy. Dưới đây xin theo năm phương cách mà lần lượt giải nghĩa thêm về đạo diệu kỳ cao siêu ấy.

1. LỜI DỰ NGÔN VỀ SỰ CHUỘC TỘI

Kinh Thánh Cựu Ước đầy dẫy những lời dự ngôn về sự chuộc tội. Có người đã tính rằng Cựu Ước có chừng 333 hình bóng chỉ dạy rằng sự chết của Christ là tế lễ chuộc tội. Sau đây xin chỉ viện dẫn năm cái để làm chứng mà thôi.

a) Dòng dõi của người nữ:Loài người mới sa ngã, Đức Chúa Trời liền hiện đến, hứa ban một Cứu Chúa cho,xưng là “Dòng dõi người nữ”, để chuộc tội họ vừa mới phạm. Ngài phán rằng: Sa 3:15

Ấy là lời dự ngôn đầu nhứt về sự chuộc tội,và được ứng nghiệm lúc Christ đầu thai vào lòng Nữ đồng trinh, sanh ra làm “dòng dõi người nữ” (vì Ngài không có cha theo phần xác thịt), chịu chết trên thập tự giá. Khi ấy Ngài “giày đạp đầu” của Sa-tan, trừ diệt quyền phép của nó,giải cứu giống loài người khỏi vòng nô lệ của tội lỗi. Than ôi! Đương khi Christ thi thố việc ấy, thì phải bị Sa-tan “cắn gót chơn”, tức là Ngài từng trải sự đau đớn khổ nhục của thập tự giá mới làm xong xuôi được. Kinh Thánh chứng rằng:He 2:14,15; Ga 3:13; Es 53:10

b) Người khốn khổ trong Thi Thiên thứ 22:Thi Thiên thứ 22 dự tả rất rõ sự chết của Chúa trên thập tự giá. Lời mở đầu, “Đức Chúa Trời tôi ôi! Đức Chúa Trời tôi ôi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?” thì chính Chúa có dùng khi Ngài chịu khổ trên cây gỗ (Ma 27:46; Mac 15:34). Câu 1 đến 21 đại khái dự tả sự đau đớn của Chúa phải chịu trong lúc ấy. Câu 7 và 8 nói về sự nhạo báng,trề môi, lắc đầu của những người đi ngang qua chỗ đã dựng thập tự giá (Ma 27:39,40; Mac 15:29-32). Câu 12 và 13 nói về các thù nghịch hữu hình và vô hình hung ác như thú dữ vây phủ lấy Ngài. Câu 14-17 ta rất rõ cảnh khổ của thân thể bị đóng đinh trên thập tự giá; còn câu 18 nói trước về các linh bắt thăm chia áo xống của Chúa (Gi 19:23,24). Từ câu 22 đến hết thiên thì nói tiên tri về Chúa được toàn thắng, được sống lại, và nhân đó ban phước cho cả thiên hạ vậy. Mac 15:34; Mac 15:29,30; Gi 16:23

c) Đầy tớ của Giê-hô-va thế mạng người ta mà chịu khổ, chịu chết: Trong cả Cựu Ước chẳng có đoạn sách nào dự ngôn về Christ phải thế mạng loài người chịu khổ, chịu chết cho rõ ràng bằng tiên tri Ê-sai, đoạn 53. Đoạn ấy dự cáo về Ngài ra đời cách hèn hạ, bị đời chán bỏ, phải mang tội lỗi, đau đớn và hình phạt của ta, phải chịu chết như chiên con bị bắt đến hàng làm thịt, phải thế mạng ta mà làm tế lễ đền tội cho ta. Cũng dự tả sự chôn Ngài trong huyệt mả của nhà giàu, sự Ngài đắc thắng mọi thù nghịch cách vinh hiển vô song, và nhân đó ban hạnh phước cứu rỗi cho nhiều người vậy. Es 53:4-6; IPhi 2:21,23; IPhi 2:24

d) Đấng Mê-si bị trừ bỏ:Tiên tri Đa-ni-ên dự cáo về Đấng Mê-si (Christ) phải bị dân Do Thái trừ bỏ đi mà rằng: Da 9:26

Khoảng “bảy mươi tuần lễ” của Đa-ni-ên (9:24,25) là 70 x 7= 490 năm. Khởi điểm của khoảng thời gian ấy là kể “từ khi ra lịnh tu bổ và xây lại thành Giê-ru-sa-lem”. Lịnh ấy chắc là lịnh của vua Attaxetxe cho phép Nêhêmi trở về cố quốc mà xây lại thành Giê-ru-sa-lem (Nêhêmi 2). Kể từ đó cho đến sự chết của Christ có ước chừng 69 x 7 = 483 năm. Tân Ước tỏ rằng Christ tự xưng là Đấng Mê-si của dân Do Thái (Mac 14:60-64), và vì cớ ấy họ trừ bỏ đi, đóng đinh trên thập tự giá cũng như Đa-ni-ên đã tự cáo hơn 500 năm về trước vậy.

e) Kẻ chăn chiên bị đánh:Tiên tri Xa-cha-ri có dự ngôn về sự chết của Christ mà rằng: Xa 13:6,7

Câu ấy dự ngôn về Christ xưng Ngài là Người chăn hiền lành (Gi 10:), chịu cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời đánh đập, bị gươm của sự hình phạt đâm vào hông, bị vết đinh thấu qua bàn tay bàn chơn của Ngài,cốt để cứu chuộc con chiên Ngài khỏi bị cơn thạnh nộ phừng phừng ấy đánh đập mà tiêu diệt vậy. Gi 10:11,15

2. TƯỢNG TRƯNG CHỈ BÓNG VỀ SỰ CHUỘC TỘI

Tượng trưng học của Cựu Ước chú trọng về sự chuộc tội. Số các tượng trưng chỉ bóng về đạo ấy rất nhiều, ở đây chỉ có thể lược luận đến 6 cái mà thôi.

a) Áo bằng da thú:Cái tượng trưng thứ nhứt của Cựu Ước chỉ bóng về sự chuộc tội là áo dài bằng da thú mà Đức Chúa Trời ban cho tổ tiên ta lúc họ mới phạm tội. Sa 3:21

Tổ tiên ta vừa phạm tội, thấy mình lỏa lồ,bèn hổ thẹn mà hái lá cây đóng khố che thân (Sa 3:7). Khố ấy, vì bằng lá không bền, và là sáng tác riêng của tổ tiên làm ra đặng thay thế cho cái vinh hiển của sự vô tội mà họ vừa mất, nên chỉ bóng về công việc riêng của loài người tự gắng gượng mà làm ra để được cứu rỗi. Song công việc riêng của loài người chẳng có thể cứu rỗi ai được, chẳng che sự lỏa lồ thuộc linh của tội nhơn được, chỉ càng tỏ ra địa vị khốn nạn nghèo khổ của họ đó thôi (Es 64:6; Ro 3:20). Cho nên Đức Chúa Trời sắm sửa cho tổ tiên ta áo dài bằng da thú, bền chắc, không héo như lá cây, che được sự lỏa lồ của họ khỏi hổ thẹn. Áo dài ấy chỉ bóng về sự công nghĩa của Christ mà Đức Chúa Trời mặc cho kẻ nương cậy nơi sự chết của Đấng ấy.Giá của áo ấy là sự sống của con thú; con thú phải bỏ mạng, đổ huyết ra, mới có thể che đậy sự hổ thẹn của tổ tiên ta. Cũng vậy, giá của áo công nghĩa Đức Chúa Trời mặc cho ta, ấy là sanh mạng của Christ; nhờ sự bỏ mạng đổ huyết ra, Ngài đền tội cho ta, làm ta được hòa lại với Đức Chúa Trời, thậm chí khiến cho ta có thể đứng trước mặt Đức Chúa Trời không cần hổ thẹn nữa (Ro 3:24-26). Es 64:6; Ro 3:20; Ro 3:24-26; Cũng xem ICo 1:30

b) Chiên con của A-bên: Tượng trưng thứ hai trong Cựu Ước dự cáo về sự chuộc tội là chiên con của A-bên. Sa 4:3-5

A-bên chắc theo mạng lịnh Đức Chúa Trời mà dâng lên tế lễ bằng “chiên đầu lòng trong bầy mình” và được Ngài nhậm; vì Đức Chúa Trời đã sớm răn bảo loài người rằng: “Không đổ huyết thì không có sự tha thứ” (He 9:22). Từ đó về sau chiên và chiên con là tượng trưng mà Thánh Linh thường dùng nhiều hơn hết để chỉ về Christ thế mạng loài người mà làm tế lễ chuộc tội cho họ (Gi 1:29). Ca-in cũng đem lễ vật bằng thổ sản mà dâng cho Đức Chúa Trời, nhưng không được nhận, vì người chối đạo về sự chuộc tội bằng huyết,chỉ nương cậy nơi công việc do tay mình làm ra, nên cũng không được tha thứ.Còn A-bên nương cậy nơi tánh mạng và huyết đổ ra của con sinh đang thế mạng cho mình, nên cũng được Đức Chúa Trời nhận và tha thứ cho vậy. Gi 1:29; He 11:4;IPhi 1:18,19

c) Áp-ra-ham dâng Y-sác làm tế lễ thiêu:Trong Sáng 22 có chép truyện tích về Áp-ra-ham vâng mạng Đức Chúa Trời, đem dâng Y-sác, con một của mình, làm tế lễ thiêu cho Đức Chúa Trời. Yếu nghĩa của tượng trưng nầy là Áp-ra-ham chỉ bóng về Đức Chúa Trời dâng Con độc sanh Ngài làm tế lễ chuộc tội cho ta. Còn Y-sác chỉ bóng về Christ tình nguyện phục ý Cha, mà chịu bỏ mạng mình để cứu rỗi ta. Nói đại khái, tượng trưng nầy có hai yếu điểm: thứ nhứt là tỏ lòng yêu thương của Đức Chúa Trời, đành phó Con độc sanh Ngài để vì ta mà chịu khổ chịu chết, vì Ê-sai dự ngôn về Chúa rằng: “Giê-hô-va lấy làm vừa ý mà làm tổn thương người và khiến gặp sự đau ốm” (Es 53:10). Chúa cũng tỏ cho Ni-cô-đem rằng: “Đức Chúa Trời đã yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con độc sanh của Ngài” (Gi 3:16).

Yếu điểm thứ hai là Y-sác tình nguyện phục ý cha, chẳng phản kháng, chẳng nài nỉ cha dung thứ, bèn đành lòng chịu cho cha trói mình vào bàn thờ để dâng tế Đức Chúa Trời. Christ cũng vậy, tình nguyện giáng sanh, vâng lời Cha cho đến chết, thậm chí chịu chết trên thập tự giá. Sau ta thấy Y-sác nhờ chiên đực bị mắc sừng trong bụi cây kia, thế mạng cho mà người được khỏi chết (22:13). Song về Con Đức Chúa Trời thì khác; Ngài phải uống cái chén đầy cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời cho đến cặn bã, vâng phục cho đến chết,mới thủ tiêu cơn giận ấy nổi vì dưới trời chẳng có ai đủ giá trị thế vị Ngài mà làm tế lễ vãn hồi để chuộc tội ta được. He 10:7; Phil 2:8; Lu 24:26; Cong 4:12

d) Chiên con lễ Vượt qua:Chiên Con của lễ Vượt qua (Xuất 12) chiếm hẳn vị trí trung tâm của tượng trưng học trong Cựu Ước, dự chứng rõ hơn hết về Christ. “Chiên Con của Đức Chúa Trời,là Đấng cất tội lỗi thế gian đi” (Gi 1:29). Cũng là tiêu hiệu dự cáo yếu nghĩa của đạo chuộc tội tỏ tường hơn cả. Các trước giả Tân Ước thường trực tiếp hoặc gián tiếp nói đến Christ làm ứng nghiệm tượng trưng chiên con của lễ Vượt qua (Gi 1:29; Cong 8:32; ICo 5:7; IPhi 1:19; Kh 5:6,8,12,13; 6:1; 7:14; 13:8;21:9,14; 22:1). Sau đây xin theo ba mặt mà lược luận yếu nghĩa của tượng trưng nầy.

(1) Nghĩa bóng về con sinh lễ Vượt qua ứng nghiệm ở nơi Christ: Kê cứu về qui định lễ Vượt qua chép trong Xuất 12, thì thấy có 7 đặc điểm hình bóng được ứng nghiệm ở nơi Christ, là Con Sinh lễ Vượt qua thật của chúng ta (ICo 5:7). Con sinh lễ Vượt qua phải có các đặc sắc như sau đây:

(a) Phải bằng một chiên con (c. 3): Cả Tân Ước đều xưng Christ là Chiên Con của Đức Chúa Trời (Gi 1:29), một mình sách Khải huyền đã gọi Ngài bằng danh hiệu ấy ước chừng 26 lần.

(b) Phải bằng con đực tuổi giáp niên (c. 5),ám chỉ rằng Christ không dâng mình lên khi còn thơ ấu, hoặc lúc già cả, bèn nhằm tuổi thanh xuân, đang độ trẻ trung, là thời có sức vóc tươi thắm; vì Chúa ta chịu chết lúc mới 33 tuổi vậy.

(c) Phải bằng con đực không tì vít (c. 5), dự chứng rằng Christ chẳng có tì vít gì cả, bèn thánh khiết công nghĩa hoàn toàn (IPhi 1:19), đến đỗi quan tòa tra xét Ngài cũng chứng rằng: “Ta không thấy người có tội gì cả” (Gi 19:6).

(d) Phải biệt riêng ra bốn ngày trước ngày lễ (c. 3,6). Ấy chắc ám chỉ rằng từ trước buổi sáng thế Christ được biệt riêng ra để làm Cứu Chúa của muôn dân, vì Ngài xưng là “Chiên Con đã bị giết từ buổi sáng thế” (Kh 13:8) vậy.

(e) Phải giết rồi quay thịt trong lửa (c.6-9), dự chỉ về sự đau đớn khổ nhục mà Christ phải chịu, lúc bỏ mạng ở trên thập tự giá. Tại nơi ấy cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời hằng phừng phừng cùng tội lỗi,như đám lửa ngùn ngụt cháy lan qua mình Chúa Jesus, khiến Ngài vì ta mà trở nên một vật rủa sả đáng bị tiêu diệt vậy.

(f) Cả hội chúng phải giết nó vào lối chiều tối (c. 6). Ấy chắc ám chỉ rằng Christ hiện ra trong lúc “cuối cùng các thời đại”,để “dâng chính mình làm sinh tế để cất tội lỗi đi” (He 9:26). Cả dân Do Thái lẫn dân ngoại bang đều hiệp nhau mà giết Ngài, cốt để Ngài làm tế lễ Vượt qua mà đền tội cho cả hai (Lu 23:21,24,25).

(g) Chẳng nên làm gãy một cái xương nào (c.46). Lời ấy được ứng nghiệm trọn vẹn ở trong Christ, vì thánh Giăng nói rằng,chẳng một xương nào của Ngài bị giập hết (Gi 19:33,36).

(2) Nghĩa bóng về sự bôi huyết cũng được ứng nghiệm trong Christ: Kê cứu thêm qui định về con sinh lễ Vượt qua, thì thấy sự bôi huyết có 5 đặc điểm, cũng được ứng nghiệm ở nơi Chúa Jesus Christ.

(a) Phải bôi huyết (c.7). Chỉ đổ huyết con sinh ra thì chưa đủ, cũng phải bôi nó nữa mới trọn vẹn qui định về lễ ấy. Chúng ta tín nhận rằng Christ đổ huyết Ngài ra không đủ, cũng phải áp dụng công lao của huyết ấy cho linh hồn ta; ta cần phải nhận lãnh hiệu nghiệm của tế lễ Christ, mới có ích lợi cho ta để cứu rỗi ta vậy (Ro 5:11).

(b) Phải dùng chùm kinh giới mà bôi huyết (c. 22). Chậu đựng huyết chỉ bóng về kho tàng của công nghiệp của Christ ở trên trời. Chính Ngài chứa đựng mọi ân điển hạnh phước ta cần dùng. Chùm kinh giới chỉ về đức tin ta. Ta nên dùng đức tin nhận lãnh ân điển ấy ở nơi kho tàng của huyết Ngài, bởi vì dầu Chúa chịu chết đổ huyết ra, cũng chẳng linh nghiệm gì cho ta, miễn là ta dùng đức tin mà nhận lấy vậy (Ro 3:25).

(c) Phải bôi huyết trên hai cột cửa (c.7,22). Ấy chắc ám chỉ rằng sự nương cậy huyết của Chúa là cửa dẫn vào nhà của Đức Chúa Trời, là phương cách được tái sanh trở nên con cái của Ngài. Có lẽ cũng ám chỉ rằng, chúng ta nên công nhận Chúa làm Cứu Chúa mình cách công nhiên, nhận danh Ngài ở trước mặt người ta mới được toàn cứu. Vì Phao-lô chép rằng: Ro 10:9,10

(d) Phải bôi trên mày cửa (c. 7,22), chớ chẳng nên bôi trên ngạch cửa, là chỗ người ta thường bước qua bước lại. Ấy có lẽ cảnh cáo ta hãy cẩn thận, đừng giày đạp huyết Christ dưới chơn, là huyết cực quí báu, huyết của Đức Chúa Trời đổ ra vậy (He 10:29; IPhi 1:19; Cong 20:28). Vì hễ ai coi thường huyết của giao ước, khinh lờn Thánh Linh ân điển, ắt tự chuốc lấy cho mình sự hình phạt rất nghiêm khắc không xiết kể.

(e) Nhờ huyết bôi đó mà Y-sơ-ra-ên được cứu khỏi sự hình phạt của thiên sứ phá hại của Giê-hô-va (c. 13). Đêm mà dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập, thiên sứ ấy đi qua khắp xứ, giết con đầu lòng của thổ dân. Hễ đến cửa nhà nào có bôi huyết, thì vượt qua, chẳng làm hại ai ở trong nhà ấy. Nếu huyết Christ bởi đức tin được bôi vào lương tâm ta, thì giải cứu ta khỏi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời, sự rủa sả của luật pháp, và sự hư mất ở nơi địa ngục. Ở trong huyết của Con Đức Chúa Trời, ta được an nhiên vô sự;ngoài huyết ấy, chỉ có sự xét đoán hình phạt đời đời đó thôi (Ro 8:1).

(3) Nghĩa bóng về sự ăn thịt lễ Vượt qua cũng được ứng nghiệm trong Christ: Sự ăn thịt lễ Vượt qua cũng có 5 đặc điểm, được ứng nghiệm trong cách tín đồ áp dụng hiệu nghiệm công lao của Christ cho mình.

(a) Phải ăn thịt con sinh lễ Vượt qua (c.8). Chỉ giết không thì chưa đủ, cũng phải ăn thịt của con sinh mới thích hiệp qui định về lễ ấy. Chúng ta không những là nương cậy huyết của Christ cho được cứu thôi đâu, lại phải nhờ Ngài làm đồ ăn trưởng dưỡng phần thuộc linh của ta,mới mong được toàn cứu, đạt đến bậc thành nhơn vóc giạc của Christ vậy (Gi 6:53-55).

(b) Phải ăn hết, chớ để chi còn lại đến sáng mai (c. 10). Hễ ai có đức tin nuôi mình bằng Christ, phải hoàn toàn nhờ Christ mà nuôi mình. Ta phải vui lòng nhân cả Christ luôn ách của Ngài, cả Christ luôn thập tự giá Ngài, cả Christ luôn mão miện Ngài, không nên loại ra phần nào cả.Vì không thể phân xẻ Christ được. Hễ muốn về sau đội mão miện vinh hiển Ngài,thì nay cũng phải vui lòng vác thập tự giá Ngài, mang lấy ách nhẹ nhàng của Ngài, mới được như nguyện vậy (Ma 10:38; Lu 14:27; Ma 16:24; Mac 8:34; Lu 9:23).

(c) Phải ăn hối hả đừng trì huỡn (c. 11). Ta phải tín nhận Christ chính hôm nay, chớ nên trễ nải đến ngày mai, mới chắc được cứu (He 3:7-11; IICo 6:2).

(d) Phải ăn với rau đắng (c. 8), để kỷ niệm cái ách nô lệ cay đắng mà họ phải mang ở xứ Ai Cập. Ta cũng phải lấy lòng buồn rầu mỗi khi nhớ đến tội lỗi ta. Thái độ ấy sẽ ban cho ta rất ưa thích ăn linh lương của Christ ban cho. Hễ tội lỗi càng cay đắng bao nhiêu, thì Christ lại càng thêm nên ngọt ngào cho ta bấy nhiêu.

(e) Khi ăn phải đứng sẵn sàng để ra đi (c.11). Ấy chắc ám chỉ rằng nếu ta muốn được ơn cứu rỗi của Christ thì phải sẵn lòng từ bỏ đời tội lỗi, lìa chủ quyền của Sa-tan, vui lòng vì Christ mà từ chối mọi việc không làm sáng danh Ngài, đem dâng đời sống mình chỉ thuộc về Christ và nước của Ngài mà thôi (He 13:13,14).

e) Năm của tế lễ của đạo Môi-se: Trong Le vi ký đoạn 1 đến 7 và đoạn 16 có chép về thể hệ hiến tế của đạo Môi-se, giãi bày thế nào dân Y-sơ-ra-ên phải dâng tế lễ để chuộc tội cho cá nhơn, gia đình và hội chúng. Chỉ nhờ sự dâng các tế lễ ấy mà họ có thể đến gần Đức Chúa Trời, được Ngài nhậm lời và tha thứ tội cho. Các tế lễ ấy chia ra năm loại, là của lễ thiêu, của lễ chay, của lễ thù ân, của lễ chuộc tội và của lễ chuộc sự mắc lỗi.Trong năm loại tế lễ ấy, chỉ một loại không có huyết mà thôi. Cả năm thứ đều chỉ bóng về Christ làm tế lễ chuộc tội ta; nhưng vì công việc cứu chuộc của Ngài có nhiều phương diện, một của tế lễ không đủ làm hình bóng trọn cả được, nên Đức Chúa Trời dùng năm loại khác nhau để dạy trước và chỉ tỏ ra cả cuộc cứu chuộc của Christ, có đủ phương cách chuộc tội loài người, cứu rỗi thiên hạ và cho ai nấy đều được phép trở lại cùng Đức Chúa Trời. Dưới đây trong phần luận về Thể hệ tế lễ của đạo Môi-se sẽ còn luận đến rõ hơn.

f) Con rắn đồng: Trong Dân số Ký, đoạn 21,có chép về truyện dân Y-sơ-ra-ên lằm bằm cùng Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời bèn sai rắn lửa đến cắn phạt họ đến đỗi họ chết rất nhiều. Dân sự biết tội, xin Môi-se cầu khẩn Đức Chúa Trời cứu họ khỏi họa rắn ấy. Ngài bèn bảo Môi-se đúc một con rắn bằng đồng, treo lên một cây sào. Rồi nếu ai bị rắn lửa cắn mà nhìn lên rắn đồng đó, thì được cứu. Chính Chúa Jesus làm ứng nghiệm hình bóng ấy lúc Ngài bị treo lên thập tự giá, vì Ngài dạy rằng: Gi 3:14,15

Con rắn trong Kinh Thánh thường làm tiêu hiệu chỉ về tội lỗi và sự rủa sả do nó mà ra (Sa 3:14,15; Ga 3:13; Phu 21:23).Christ vì chúng ta mà chịu treo trên cây gỗ, bị rủa sả, trở nên tội lỗi, hầu cho chúng ta nương cậy (nhìn) nơi Ngài mà thoát ly sự rủa sả, được cứu rỗi khỏi tội lỗi đó vậy (Gi 12:32; IICo 5:21). Ga. 3:13; IICo 5:21; Gi 12:32

3. NGÔN TỪ MÔ TẢ CHÂN TÁNH CỦA SỰ CHUỘC TỘI

Trong Kinh Thánh có bốn ngôn từ mô tả chân tánh của sự chuộc tội, là giải hòa, vãn hồi, cứu chuộc và thế mạng. Xin lần lượt luận qua sau đây:

a) Sự giải hòa: Chữ giải hòa theo nguyên văn Hi Lạp là katallagé, nghĩa đen là “hòa giải mối tranh chấp”, hay là hợp luân lý hoặc luật pháp mà bồi thường điều gì mình đã làm thiệt hại ai. Trong cuộc chuộc tội, Christ làm trung bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người để hòa giải hai bên. Tội lỗi đã gây nên sự thù nghịch giữa Đức Chúa Trời và loài người, nhân sự sa ngã, họ đã xúc phạm đức thánh khiết của Ngài, làm thiệt hại sự công nghĩa Ngài, đụng đến nền tảng của ngôi nước Ngài. Trong mối tranh chấp lớn lao ấy, cần phải có sự đền bồi các điều loài người đã làm thiệt hại đó trước đã, rồi sau mới mong Đức Chúa Trời hòa lại với họ được. Vả, Christ đã đem dâng sanh mạng mình cho Đức Chúa Trời mà bồi thường hết thảy các điều xúc phạm của loài người, thủ tiêu sự thù nghịch, giải hòa giữa hai bên, khiến cho Đức Chúa Trời đổi ý mà vui lòng làm bạn với người nào công nhận điều kiện của việc phục hòa ấy. Những câu Kinh Thánh viện dẫn sau đây minh chứng rằng sự phục hòa do Christ làm tế lễ chuộc tội mà được nên: Ro 5:10; IICo 5:18,19; Eph 2:16; Co 1:20; Ro 5:11; IICo 5:19,20

Ấy vậy, ta thấy Đức Chúa Trời nhờ việc tế lễ của Christ ở trên thập tự giá mà hòa lại với loài người. Nhưng họ cũng cần phải hòa lại với Đức Chúa Trời, tức là cần phải công nhận điều kiện của sự phục hòa ấy mới có hiệu nghiệm cho họ. Điều kiện ấy là họ phải ăn năn tội, nương cậy nơi sự chết của Christ vậy.

b) Tế lễ vãn hồi:Ngôn từ ấy theo nguyên văn Hi-lạp là hilasmos và hilasterion, nghĩa đen là khiến cho ai đem lại thiện cảm với kẻ khác, làm cho ai vui lòng hòa lại với kẻ thù nghịch mình, hoặc là nhờ sinh tế mà giải tội mình đã xúc phạm với Đấng Cao cả.Theo nguyên văn Hê-bơ-rơ chữ ấy là kapporeth, nghĩa đen là “khỏa lấp”. Cựu Ước thường dùng chữ ấy để gọi nắp thi ân của hòm giao ước. Chữ Hi Lạp cũng gọi nắp thi ân bằng hilasterion. Thành thử, sự chết của Christ là tế lễ giải tội ta,khoả lấp mọi sự bất nghĩa ta, khiến cho Đức Chúa Trời lại thiện cảm với ta, tha tội cho ta, vui lòng trở lại kết bạn với ta. Đức Chúa Trời vốn có lòng yêu thương loài người, nhưng loài người đã xúc phạm cùng đức thánh khiết của Ngài,khiến cho đức ấy gây thù với họ. Nhờ sự chết trên thập tự giá, Christ đền tội ấy,thủ tiêu cừu thù, khiến cho Đức Chúa Trời lại có thể đổi lòng mà đãi họ cách hảo mỹ khoan hồng vậy.

Ví như bạn mếch lòng nhau, đến đỗi phân rẽ nhau ra; bạn nầy có tội, bạn kia vô tội. Giữa hai bạn lần lần gây nên thù nghịch,khiến cho bạn vô tội không thể giao thông với bạn có tội được. Về sau bạn có tội muốn làm hòa, nhưng vì cảm xúc mắc tội quá, nên không dám đến gần bạn cũ. Bây giờ có người danh giá thân mật với cả hai bên, thay vì bạn có tội mà đem lễ vật dâng cho bạn vô tội, để kéo lại lòng của người, khiến cho người nguôi giận, vui lòng trở lại giao hữu với bạn kia như trước. Sự dâng lễ vật và sự cầu thay của người danh giá ấy thủ tiêu sự thù nghịch kia, khiến đôi bạn nọ trở lại hòa nhau như cũ. Christ là Người có đại giá vô cùng đó, Ngài đem dâng chính mình làm tế lễ cho Đức Chúa Trời, nhân đó khiến Đức Chúa Trời vãn hồi với loài người, vui lòng nhận họ lại làm con cái của Ngài. Những câu Kinh Thánh viện dẫn sau đây minh chứng rằng Christ thật là tế lễ vãn hồi ấy: Ro 3:25,26; He 2:17; IGi 4:10

c) Sự cứu chuộc:Danh từ “sự cứu chuộc” theo nguyên văn Hi-lạp là lutrosis và apolutrosis, nghĩa đen là đem giá mà giải cứu người khỏi chết, hoặc phóng thích người khỏi ách nô lệ, hoặc tha người khỏi vòng phu tù. Thành thử, sự chết của Christ là giá chuộc ta khỏi chết thuộc linh, phóng thích ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi, và tha ta khỏi vòng làm phu tù cho ác tánh và nhục dục của ta. Những câu viện dẫn dưới đây dạy rõ rằng Christ là đại giá mua chuộc chúng ta. Ma 20:28 và Mac 10:45;ITi 2:6; Kh 5:9. Cũng xem ICo 1:30; 7:23; IPhi 2:1

Vả, luận đến sự cứu chuộc, bèn nảy ra trong tâm trí ta một vấn đề quan hệ, ấy là: Ai là người nhận lấy giá chuộc ấy? Nếu Christ lấy tánh mạng mình làm giá mua chuộc chúng ta thì giá đó phải trả lại cho ai? Có kẻ chủ trương Christ cứu chuộc người ta, thì phải trả giá cho Sa-tan. Song ý ấy không đúng, vì sự chết của Christ vốn phá tan quyền sự chết vốn ở trong tay Sa-tan, làm cho nó phải chịu lỗ lớn rồi kia. Vậy, có lẽ nào nó lại nhận được giá chuộc đó sao? (He 2:14). Kẻ khác cho giá chuộc của Christ là trả cho Đức Chúa Trời. Lời đó cũng sai lầm, vì Christ chuộc loài người đem về cho Đức Chúa Trời, chẳng phải là chuộc người ta ra khỏi tay Đức Chúa Trời đâu. Vả nếu lời ấy là đúng, thì té ra Đức Chúa Trời đã nhận lấy cả giá chuộc lẫn người được chuộc nữa; điều ấy thật vô lý khó nghe. Vậy thì ai nhận lấy giá chuộc ấy? Vấn đề ấy tuy rất khó giải quyết, thì cũng xin thử đáp lại như sau đây:

Loài người đã xúc phạm cùng luật đạo đức, là gương chiếu lại bản tánh thánh khiết tuyệt đối của Đức Chúa Trời. Luật ấy nghiêm huấn rằng: “Linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết.” Tội lỗi ấy chẳng khác gì một mối nợ rất to mà loài người thiếu với luật đạo đức của Đức Chúa Trời. Hễ ai không trả được thì phải bị luật ấy buộc vào tử hình, không khoan dung ai cả.Christ giáng sanh, trở nên người cốt để đem thân vô giá của Ngài dâng lên chịu chết, để đền trả hết mối nợ đó, giải cứu người mắc nợ khỏi án chết, mở đường thoát ách nô lệ cho họ, khiến cho lương tâm họ được tự do thong thả ở trước mặt Đức Chúa Trời, không còn nghe tiếng nghiêm răn của luật pháp hăm he đòi hỏi mối nợ ấy nữa. IGi 3:4; Ro 7:2,4,6; Ro 10:4; Ga 3:13. Cũng xem ICo 15:56; Ga 5:3; Eph 2:15; Gia 2:10,11

d) Sự thế mạng:Kinh Thánh không dùng ngôn từ “thế mạng”, song ý nghĩa ấy thông suốt cả bộ Tân Cựu Ước. Nghĩa đen chữ ấy là mạng nầy thế cho mạng kia. Thành thử, quan niệm thế mạng trong thần đạo học có nghĩa là Christ đem tánh mạng mình thế cho tánh mạng của tội nhơn mà giữ luật pháp của Đức Chúa Trời, chịu tử hình luật ấy định cho kẻ phạm pháp, và nhân đó giải cứu tội nhơn bị chết mất đời đời vậy.

(1) Giữ luật pháp: Ta đã thấy luật đạo đức là tiêu biểu của đức tánh thánh khiết công nghĩa của Đức Chúa Trời. Loài người chẳng giữ gìn được mối nào của luật ấy, bèn là đã trái phạm mọi bề, nên đã bị nó định án chết cho rồi. Christ hiện vào đời, đem sanh mạng vô giá của Ngài để thế vị loài người mà giữ vẹn mọi điều răn, mọi giềng mối, mọi qui tắc của luật pháp, chẳng bỏ sót một chấm một nét nào cả, Kinh Thánh có câu chứng rằng: Ma 5:17; Phil 2:8; Ro 5:9; Ro 10:4. Cũng xem Ga 4:4,6; Ma 3:15

(2) Mang hình phạt: Đã thấy loài người xúc phạm luật pháp, bị nó lên án chết đời đời, Christ rất yêu thương loài người, đem tánh mạng mình để thế cho tánh mạng họ mà chịu án chết ấy,đến đỗi đền trả đầy đủ hết các điều luật đạo đức đòi hỏi phạm nhơn, giải cứu ta khỏi cảnh trạng tội án, mở đường cho Đức Chúa Trời có thể theo lẽ công nghĩa mà tha thứ mọi tội lỗi ta, đem ta trở lại với Ngài. Các câu viện dẫn sau đây chứng cho lẽ đạo thế mạng rõ ràng lắm: Ro 4:25; Ro 8:3; IICo 5:21; Ga 1:3,4; Ga 3:13;He 9:28

Việc cứu chuộc không thể nào thiếu một trong hai điều đã luận qua trên đây. Phỏng nếu Christ đã chưa giữ vẹn luật pháp mà chỉ chịu tử hình thế cho loài người, thì luật pháp vẫn còn có quyền đòi thực hành tử hình trên họ, vì đối với luật ấy, họ vẫn đều còn là kẻ “đã phạm tội, không đạt đến sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Ro 3:23) vậy. Lại, trong việc thế mạng ấy,sanh mạng của Christ và sanh mạng của ta đều thông thuộc nhau, bởi vì mạng của Ngài nhờ luật thế vị mà trở nên mạng của ta, và mạng của ta nhân luật ấy cũng trở nên mạng của Christ. Thành thử, chúng ta vốn phạm tội trái nghịch, song Christ vì tội trái nghịch ấy thế vị ta mà vâng phục; còn đại giá của sự vâng phục ấy bởi đức tin trở nên của ta. Ngôi bản ngã ta đã mắc tội; nhưng Christ thế mạng ta đem Ngôi bản ngã vô tội Ngài mà chuộc sự mắc tội của ta đó; còn đại giá của sự chuộc tội ấy bởi đức tin trở nên của ta. Chúng ta vốn bị dưới tử hình của luật pháp; song Christ thế mạng ta sanh mạng vô giá Ngài mà chịu tử hình ấy ở trên thập tự giá; đại giá của sự chết Ngài trở nên đại giá của ta, giải phóng ta khỏi sự chết đời đời vậy. Những câu viện dẫn sau đây minh chứng thêm cho lẽ thật nầy:Lu 22:37; Le 16:21,22; Es 53:5,6; Gi 10:11; IPhi 3:18. Cũng xem Ro 5:6-8

4. THỂ HỆ TẾ LỄ CỦA ĐẠO MÔI-SE LÀ TƯỢNG TRƯNG VỀ SỰ CHUỘC TỘI

Kê cứu đạo chuộc tội đến chỗ nầy, chắc ta đã thấy rõ rằng cả Kinh Thánh đều mô tả sự chuộc tội bằng một việc tế lễ. Dường ấy,nếu muốn càng hiểu thấu ý nghĩa đúng đắn về lẽ đạo đó hơn nữa, ta rất cần phải hiểu yếu nghĩa về thể hệ tế lễ của đạo Môi-se trước đã, vì thể hệ ấy là tượng trưng tiêu biểu sự chuộc tội bởi Jesus Christ làm trọn về sau vậy.

a) Ý kiến bất toàn về lẽ đạo tế lễ: Có nhà thần đạo tân phái chủ trương rằng ý nghĩa tế lễ đời xưa bất quá là cá nhơn dâng lễ vật hoặc bày cao diên để tế Đức Chúa Trời. Kẻ khác lại dạy rằng tế lễ là cái biểu hiệu chứng rằng cá nhơn đã lập lại mối giao thông với Đức Chúa Trời,hoặc là một dấu hiệu tỏ ra mình đã đem dâng cả đời sống mình cho Đức Chúa Trời rồi. Cả ý kiến ấy đều bất toàn, chỉ tỏ ra một phương diện của vài tế lễ, như của lễ chay và của lễ thù ân đó thôi. Trái lại, cả bộ Cựu Ước chứng minh rằng yếu nghĩa về của tế lễ là con sinh thế mạng cho tội nhơn đương bị định tội mà hi sinh tánh mạng mình để chuộc tội người khỏi án tội ấy. Ví bằng cuộc dâng tế lễ kia không có nghĩa ấy, thì sự giết con sinh, đổ huyết nó ra, thiêu nó trên bàn thờ, có nghĩa lý gì, giảng giải thế nào ư?

b) Ý nghĩa về cuộc dâng tế lễ: Khảo cứu kỹ về đạo Môi-se, thì thấy việc dâng tế lễ bao hàm ba yếu nghĩa như sau đây:

(1) Tội nhơn đem con sinh làm tế lễ để đền tội mình đã phạm cùng Đức Chúa Trời chí thánh, chí công, mong rằng nhờ tế lễ ấy khiến Ngài nguôi giận, vui lòng ân xá mà trở lại giao thông với mình xưa.

(2) Con sinh ấy vốn vô tội, đem mạng mình thế mạng tội nhơn, chịu khổ chịu chết, là sự hình phạt chính tội nhơn đáng phải chịu;nhân đó mà tội nhơn được thoát khổ toàn mạng vậy.

(3) Trong cuộc tế lễ ấy, sanh mạng của con sinh và sanh mạng của tội nhơn (là người đứng dâng nó lên) đều được thông thuộc nhau, đến đỗi sanh mạng vô tội của con sinh thành sanh mạng của tội nhơn, và sanh mạng của tội nhơn trở nên sanh mạng của con sinh. Cho nên khi tội nhơn đem sanh mạng của con sinh mà dâng lên, thì thật là đem chính sanh mạng của mình mà dâng lên đó vậy; đến nỗi đại giá của sanh mạng vô tội ấy được Đức Chúa Trời kể là của tội nhơn đương đứng dâng nó lên. Ấy là đại ý về đạo xưng nghĩa bởi đức tin đến công lao của kẻ khác vậy.

Tóm lại ba yếu nghĩa ấy, ta có thể nói rằng,sự chuộc tội là do con sinh thế mạng tội nhơn mà được nên. Còn việc con sinh thế mạng tội nhơn đó sở dĩ được linh nghiệm trước mặt Đức Chúa Trời là do cả hai sanh mạng của con sinh và tội nhơn đều thông thuộc nhau mà có vậy.

c) Bằng cớ chứng rằng con sinh lễ các huyết tế của đạo Môi-se đều thế mạng tội nhơn mà chịu khổ: Kê cứu các nghi thức về các huyết tế của đạo Môi-se chép trong Le 1:7,16, thì rõ lắm nó thế vị tội nhơn mà chịu khổ hình của họ đáng chịu. Các bằng cớ kể sau đây minh chứng cho.

(1) Cơ hội dâng tế lễ làm chứng:Trong Le 4:1- 6:13 ta thấy cơ hội dâng các huyết tế theo đạo Môi-se bao giờ cũng là sự phạm tội. Bất cứ là tội xúc phạm đến luân lý, hay là tội trái lễ nghi của đạo, phạm nhơn cũng phải đem dâng con sinh mà luật pháp đã định để chuộc sự vi phạm ấy. Le 5:5,6

(2) Phẩm chất của con sinh làm chứng:Các con sinh hợp nghi phải là con vật thuộc hạng tinh sạch trong bầy gia súc,như là chiên, bò, dê, bò câu, v...v. Mỗi thứ đều phải lựa con trọn vẹn hơn hết,nào là giống, tuổi và thể lực của nó đều phải hợp nghi cả, mới được Đức Chúa Trời nhận làm sinh lễ chánh thức vậy. Le 22:18-20. Cũng xem Le 22:21-27; Xu 22:30;29:1

(3) Nghi thức của tế lễ làm chứng:Nghi thức về cuộc dâng con sinh làm tế lễ có ba phần đặc biệt, minh chứng rằng con sinh ấy thật thế mạng tội nhơn để chuộc tội họ.

(a) Phải đặt tay trên con sinh và xưng tội: Kẻ dâng con sinh làm tế lễ phải đặt tay lên đầu nó, xưng tội mình trên nó (Le 1:4;3:2; 4:4; 16:21; IISu 29:23). Trong Kinh Thánh lễ đặt tay thường chỉ bóng về sự trao chuyển, người nào đặt tay trên ai tức là để trao chuyển một việc gì cho kẻ ấy, như là trao chuyển chức quyền (Phu 34:9; Cong 6:6), sức mạnh (Ma 9:18; Cong 9:12,17), hay là tội lỗi (Le 16:7-22). Thế thì, khi kẻ dâng con sinh đặt tay trên đầu nó và xưng tội ra, thì ám chứng rằng mạng sống mình và mạng sống nó thông thuộc nhau, mình bởi sự đặt tay và xưng tội đó trao chuyển tội mình qua đầu nó mang thế cho mình vậy. Le 1:4; Le 16:21

(b) Phải giết con sinh: Tội nhơn phải dắt con sinh đến trước mặt Đức Chúa Trời, thì “nó sẽ được nhậm thế cho hầu chuộc tội cho người” (Le 1:4). Rồi phải giết nó tại nơi ấy, “vì nhờ sanh mạng mà huyết mới chuộc tội được” (Le 17:11). Le 1:5

(c) Phải bôi hoặc rưới huyết: Về huyết của sinh tế hằng dâng thì thường rưới ở trước bức màn trong nơi thánh hay là bôi trên sừng của bàn thờ (Le 4:5-7); nhưng nhằm ngày đại lễ chuộc tội (Le 16),thì thầy tế lễ thượng phẩm lấy huyết con sinh đã vì cả hội chúng được dâng lên,mà đem vào nơi chí thánh, rưới trên nắp thi ân, là chỗ “Khỏa lấp” đặng chuộc tội cho chúng. Việc rưới huyết ấy ngầm chứng rằng tội lỗi được khỏa lấp, tội nhơn được Đức Chúa Trời vui lòng nhậm lấy.

(4) Hiệu nghiệm của các tế lễ ấy làm chứng:Cái hiệu nghiệm của việc dâng tế lễ ấy bao giờ cũng là sự tha tội. “Tội hội chúng sẽ được tha” (Le 4:20), “tội ngươi sẽ được tha” (Le 4:26,31). Đó bao giờ cũng là lời Đức Chúa Trời thường hứa với kẻ vâng mạng Ngài mà dâng tế lễ ấy.Trong Cựu Ước thường dùng chữ khaphar khỏa lấp, và trong Tân Ước dùng chữ hilaskesthai đền tội, giải tội, làm lễ vãn hồi để tỏ bày quan niệm ân xá ấy (xem Le 4 và 5; cùng He 2:17). Nắp thi ân là chỗ rưới huyết con sinh, trong Cựu Ước gọi là khaporeth, trong Tân Ước gọi là hilasterion, nghĩa bóng là chỗ làm lễ khỏa lấp tội, đền tội, giải tội, cốt để kéo Đức Chúa Trời trở lại cùng tội nhơn, lấy lòng hảo ý mà tha thứ người, nhận người làm con cái của Ngài vậy.

d) Bằng cớ chứng rằng Christ làm ứng nghiệm các huyết tế của đạo Môi-se: Kinh Tân Ước dạy rõ rằng các tế lễ ấy làm tượng trưng chỉ bóng về Christ, và đều được Christ làm ứng nghiệm trọn vẹn. Những bằng cớ kể sau đây làm chứng cho.

(1) Được gọi là kiểu rập và hình bóng:Tân Ước gọi các tế lễ và nghi thức của đạo Môi-se bằng “kiểu rập” và “hình bóng” (He 8:5,6; 9:23-24; 10:1-13; Co 2:16,17); còn Christ là chân tượng của các hình bóng ấy. Kỳ thực, chủ đích của thơ Hê-bơ-rơ là tỏ ra thế nào Christ đã làm ứng nghiệm các tượng trưng của đạo Môi-se vậy. He 8:5,6; He 9:23,24; He 10:1-10; Co 2:17

(2) Christ nhận rằng Cựu Ước làm chứng về công việc Ngài: Chính Jesus Christ nhận chắc rằng cả luật pháp lẫn tiên tri đều dự ngôn về công việc của Ngài, nói trước về Ngài phải thế mạng loài người mà chịu khổ chịu chết để đền tội cho họ. Gi 5:39; Lu 24:27,44.Cũng xem Gi 1:45.

(3) Tân Ước xưng Ngài là Con Sinh lễ Vượt qua của chúng ta: Trong ICo 5:7 Phao-lô xưng “Christ là Con Sinh lễ Vượt qua của chúng ta”, ám chỉ rằng Ngài làm ứng nghiệm về sinh tế lễ Vượt qua mà Y-sơ-ra-ên dâng lên tại Ai Cập. ICo 5:7; Gi 1:29. Cũng xem Xu 12:46; Dan 9:12.

(4) Tân Ước dạy rằng Christ là của tế lễ đền tội:Kinh Tân Ước dạy rất rõ ràng rằng Christ hiện đến, chịu dâng mình lên làm tế lễ đền tội loài người. Hễ không nhận lễ ấy là đạo của Tân Ước dạy, ắt không còn ai hiểu bộ ấy dạy điều gì được nữa. Những câu dẫn dưới đây làm chứng rất rõ cho lẽ đạo ấy: He 9:26,28. Gi 1:29, trưng dẫn ở trên; Eph 5:2; IICo 5:21; Kh 5:9

(5) Tân Ước cũng dạy rằng điều các tế lễ cũ đáng nên làm mà không thể làm được, Christ đã làm hoàn toàn rồi:Kinh Tân Ước đoạn sách nào cũng trực tiếp hoặc gián tiếp dạy rằng điều các tế lễ của đạo Môi-se đáng nên làm mà không thể làm được vì là hình bóng và tiêu hiệu mà thôi, thì Christ đã hoàn toàn đầy đủ, nghĩa là Ngài đã dùng huyết Ngài làm tế lễ cứu chuộc ta, kể chúng ta là công nghĩa, khiến cho chúng ta đến gần Đức Chúa Trời mà được phục hòa với Ngài vậy. Các câu sau nầy chứng cho: Ga 3:13; Ma 20:28; IGi 2:2; IGi 4:10; Ro 3:24,25; Ro 5:9,10; Eph 1:7; Eph 2:13; Co 1:14-20

e) Các tế lễ của đạo Môi-se ám chứng rằng phạm vi sự cứu chuộc của Christ là phổ thông: Kê cứu thể hệ tế lễ của đạo Môi-se thì thấy các tế lễ ấy chia ra từng loại, như là: (1) của lễ thiêu, (2) của lễ chay, (3) của lễ chuộc tội, (4) của lễ chuộc sự mắc lỗi, và (5) của lễ thù ân. Ngoài các tế lễ ấy cũng có tế lễ của lễ Vượt qua, và tế lễ của đại lễ chuộc tội. Ý nghĩa các tế lễ ấy rất hay và sâu nhiệm lắm, ở đây không thể luận đến cho cạn lẽ; chỉ cần tỏ ra một ý tứ rất quan hệ với sự nghiên cứu nầy, ấy là cách chia các tế lễ đó ra từng loại chứng rằng phạm vi của việc Christ chuộc tội là phổ thông; bởi chưng các tế lễ đó đại thể vì ba hạng người mà được dâng lên, gồm lại cả loài người vậy.

(1) Tế lễ dâng vì cá nhơn:Trước hết có tế lễ vì cá nhơn mà dâng lên; tế lễ ấy có ba thứ: (a) Của lễ chuộc tội để đền tội của cá nhơn, bất cứ là ngộ phạm hay cố phạm (Le 4:14,20,31). (b)Của lễ chuộc sự mắc lỗi, để đền lỗi của cá nhơn, vô luận là lỗi do sự ngu dại hay là sự hốt lược mà phạm vậy (Le 5:5,6). (c) Của lễ thiêu, để chuộc sự mắc tội một cách đại thể, như là vì tánh hủ bại mà dâng lên vậy (Le 1:4). Christ vì cá nhơn mà chịu chết để chuộc các thứ tội lỗi họ, bất luận là tội nặng hay nhẹ, hoặc cố phạm hay ngộ phạm, hoặc là bằng việc làm hay là do tánh hủ bại mà ra cũng vậy.Vì Kinh Thánh có dạy rằng: Gi 3:16; Gi 1:12

(2) Tế lễ dâng vì gia đình: Có tội can hệ với gia đình, nên cũng có tế lễ vì gia đình mà dâng lên. Tế lễ ấy là tế lễ của lễ Vượt qua (Xu 12:27). Con sinh của lễ ấy thế mạng cả gia đình, gánh hết tội lỗi của họ, vì chủ nhà thay mặt cho cả gia đình mà đặt tay trên đầu nó,giết nó, rồi bôi huyết nó trên mày cửa và hai cột cửa. Nhân đó các người nhà được an nhiên vô sự, cơn hành hại của Đức Chúa Trời không đụng đến một ai trong các nhà có bôi huyết đó. Ở trên ta đã thấy Christ làm ứng nghiệm nghĩa bóng của tế lễ ấy, vì Ngài được xưng là “con sinh lễ Vượt qua của chúng ta” (ICo 5:7) vậy.

(3) Tế lễ dâng vì dân chúng: Do cá nhơn mà có gia đình và dân chúng. Như cá thể có tội, thì toàn thể cũng vậy. Nên chi cũng cần phải có tế lễ chuộc tội cho cả dân chúng nữa. Tế lễ ấy có hai thứ: (a)Của tế lễ dâng lên buổi sớm mai và buổi chiều (Xu 29:38-48); (b) Của lễ dâng lên nhằm ngày đại lễ chuộc tội (Le 16:6-10). Trong cuộc tế lễ thứ hai, thầy tế lễ dùng hai con sinh, một con để làm hình bóng chỉ về hai phương pháp chuộc tội,tức là sự đổ huyết ra và sự chết; còn con kia thì dùng để làm hình bóng chỉ về hiệu quả của sự chuộc tội đó, tức là sự tha thứ. Một con sinh không thể chỉ bóng về cả hai ý ấy, cần phải có hai con mới giải rõ được. Christ làm ứng nghiệm cả hai con sinh ấy; vì Ngài là Con Sinh dâng lên cho Đức Chúa Trời, trước để bởi sự chết mà đền tội cho mọi người; sau bởi sự chôn mà cất tội ấy đem bỏ biệt tăm. Hai câu dẫn sau đây làm chứng Christ thật chuộc tội cho mọi người: IICo 5:14,15; Gi 1:29

TỔNG ĐOÁN

Nói tóm lại, Tân Ước công nhận rằng các tế lễ của đạo Môi-se đều là hình bóng chỉ về chức vụ cứu chuộc của Christ. Ngữ pháp các trước giả của Tân Ước dùng để tả thuật công việc của Christ đều là tế ngữ cả,mượn ở nơi thể hệ tế lễ của đạo Môi-se. Các trước giả ấy cũng đều đồng ý dạy rằng Christ đã làm ứng nghiệm các hình bóng ấy, nhận Ngài là Con Sinh của Đức Chúa Trời thế vị cho tội nhơn và mang lấy tội của họ, chịu khổ chịu chết để đền tội họ, cứu họ khỏi hình phạt đời đời. Cũng dạy rằng Con Sinh ấy bởi Đức Chúa Trời sắm sửa đã làm trọn mọi điều luật pháp thánh của Đức Chúa Trời đòi ở nơi loài người, mở đường cho Đức Chúa Trời có thể theo lẽ công nghĩa mà tha tội cho kẻ tín nhận Con Sinh ấy làm Cứu Chúa của mình, và nhận họ làm con cái của Ngài vậy.

5. TỪ CÚ MINH BẠCH LUẬN VỀ SỰ CHUỘC TỘI

Kinh Thánh đầy những câu rất rõ ràng luận đến sự chuộc tội. Sau đây viện dẫn mấy câu quan hệ hơn hết, chia ra theo 10 đoạn, để cho dễ kê cứu.

a) Yếu tố của sự chuộc tội: Sự chuộc tội bằng ba yếu tố kể sau nầy:

(1) Sự chết của Christ: Ro 5:10; Phil 2:8; He 2:9; He 9:15,16; Kh 5:6,9,12

(2) Thập tự giá: ICo 1:23; Ga 3:1; Ga 6:14; Eph 2:16; Co 1:19,20

(3) Huyết của Christ: Ma 26:28; Mac 14:24; Lu 22:20; Eph 1:7; Eph 2:13; Co 1:20 viện dẫn ở trên; IGi 1:7; He 9:12; Kh 1:5; Kh 5:9

b) Sự chuộc tội quan hệ với Đức Chúa Trời: Sự chuộc tội theo bốn mặt mà có quan hệ với Đức Chúa Trời.

(1) Do lòng yêu thương của Ngài: Gi 3:16; IGi 4:9

(2) Bày tỏ sự công nghĩa của Ngài: Ro 3:24,25; IICo 5:21

(3) Độ lượng sự hi sinh của Ngài: Gi 3:16 viện dẫn ở trên. Ro 8:32; IICo 5:21 viện dẫn ở trên. IGi 4:10

(4) Lý do về loài người được phục hòa với Đức Chúa Trời: Ro 5:11; IICo 5:18,19

c) Sự chuộc tội quan hệ với luật pháp: Sự chuộc tội có quan hệ với luật pháp, vì Chúa thế vị loài người mà đầu phục luật pháp, làm trọn luật pháp và mang lấy sự rủa sả của luật pháp.

(1) Christ sanh ra dưới luật pháp: Ga 4:4,5

(2) Christ làm trọn công nghĩa của luật pháp: Ro 5:18,19; Ro 8:3,4; Ro 10:4

(3) Christ mang lấy sự rủa sả của luật pháp: Ga 3:13; Phil 2:8

d) Sự chết của Christ cần yếu:Kinh Thánh bao giờ cũng tỏ rằng rất cần yếu cho Christ phải chịu khổ và chịu chết,mới cứu chuộc loài người được:

Lu 24:26; Ga 2:21(nghĩa là, vì luật pháp không thể xưng nghĩa ai được, nên cần thiết cho Christ phải chịu chết để làm sung mãn cả luật pháp của Đức Chúa Trời, mới xưng nghĩa kẻ tin Ngài được. Cho nên Ngài chẳng chịu chết luống nhưng đâu!) He 2:10

e) Christ tình nguyện chịu chết:Kinh Thánh cũng dạy rất rõ Christ chẳng bị ép buộc phải thế vị loài người mà chịu chết, bèn là Ngài tình nguyện đem dâng mình cho Đức Chúa Trời để làm tế lễ vãn hồi. Gi 10:17,18; Ga 2:20; Eph 5:1,2; He 9:14; He 10:7-9

f) Duy tế lễ của Christ chuộc tội được mà thôi: Cả bộ Kinh Thánh đều minh huấn rằng chỉ có một tế lễ có đủ phẩm cách đại giá để chuộc tội được thôi, ấy là tế lễ của Christ dâng lên trên thập tự giá; ngoài ra chẳng còn tế lễ nào có thể làm được nữa: Cong 4:12; Ro 3:20-22; He 1:3; He 9:22; He 10:11,12,14,26; IPhi 3:18

g) Tế lễ của Christ thế mạng cho loài người:Như ta đã thấy ở trên, Kinh Thánh giải nghĩa rằng tế lễ của Christ là thế mạng loài người mà chịu khổ chịu chết vậy: Ma 26:28; Ro 5:6; IICo 5:14,15; Ga 3:13,14; IPhi 3:18 viện dẫn ở trên.

h) Mục đích về sự chết của Christ là sự chuộc tội: Christ hi sinh mình chịu chết trên thập tự giá cốt để chuộc tội loài người; ấy là lẽ đạo Kinh Thánh dạy rõ ràng không ai có thể hiểu lầm được: Gi 1:29; Ro 3:24,25; Ro 5:8; Ro 6:10; Ro 8:3; ICo 15:3; IICo 5:21; Ga 3:13 viện dẫn ở trên; He 9:28; IPhi 3:23; IPhi 3:18 viện dẫn ở trên; Kh 1:5.

i) Christ chuộc tội cho mọi người: Kinh Thánh thường dạy Christ chuộc tội cho bốn hạng; mà bốn hạng ấy là gồm lại cả mọi người vậy.

(1) Vì dân sự Ngài: Ma 1:21; Gi 10:11,15; Eph 5:21; He 2:14,15; IGi 3:16

(2) Vì nhiều người: Mac 10:45; He 9:28. Cũng xem Ma 20:28

(3) Vì kẻ bị hư mất:Ma 18:11; Mac 2:17; Lu 19:10. Cũng xem Lu 5:32

(4) Vì cả thế gian:Gi 1:29 viện dẫn ở trên Gi 3:16; Gi 6:51; Gi 12:47; IICo 5:14,15 viện dẫn ở trên; ITi 2:6; He 2:9; IGi 2:2

j) Các hạnh phước do sự chuộc tội mà ra: Dưới đây xin viện dẫn thêm ít câu Kinh Thánh nữa để tỏ đại khái những hạnh phước do sự chuộc tội mà ra là thể nào:

(1) Nhân dân được cứu rỗi:Ma 1:21

(2) Kẻ bất nghĩa được xưng nghĩa: Cong 13:39

(3) Tội nhơn được rửa sạch:IGi 1:7

(4) Tín đồ được nên thánh: He 13:12

(5) Bịnh nhơn được chữa lành:IPhi 2:24

(6) Cả thiên hạ được phước: Gi 14:13; Eph 1:3; He 9:15

VI. CÁC LÝ THUYẾT VỀ SỰ CHUỘC TỘI

Đại ý của đạo chuộc tội là rõ ràng dễ hiểu,đến nỗi dầu kẻ bất học cũng có thể hiểu đủ ý nghĩa để được cứu rỗi. Như tiên tri Ê-sai đã dự ngôn rằng: Es 35:8

Nhưng đạo cứu chuộc cũng có chỗ cao xa mầu nhiệm khó hiểu, nên nhiều nhà khảo cứu đã gây nên lắm ý kiến khác nhau, đem nhiều điều ức đạt vu vơ luận về lẽ đạo quan hệ ấy. Có người nói rằng trải qua các đời người ta đã đề xướng ước chừng 15 lý thuyết khác nhau, để giải nghĩa đạo chuộc tội. Đây xin chỉ luận qua 5 thuyết quan hệ hơn hết mà thôi: Bốn thuyết đầu tiên, có thuyết thì sai lầm cả, có thuyết thì sai lầm ít nhiều, duy thuyết thứ năm là đúng đắn, thích hiệp với sự khải thị trong Kinh Thánh vậy.

1. THUYẾT SOCIN

a) Phát huy học thuyết: Thuyết nầy khởi xướng bởi Loelius Socin và Fauste Socin (hai người Ý lánh nạn ở Balan nhằm thế kỷ thứ XVI). Thuyết nầy cũng được gọi là Mô phạm thuyết, và đại khái chủ trương rằng:

(a) Tội lỗi loài người ví như tật bịnh, khiến cho tội nhơn cảm biết đau đớn trong lòng. Chỉ tại sự cảm biết đau đớn ấy mà loài người bị phân cách khỏi Đức Chúa Trời và lầm lạc trên con đường tà ác.

(b) Đức công nghĩa của Đức Chúa Trời chẳng buộc Ngài phải báo cừu tội nhơn đặng bảo toàn sự thánh khiết của Ngài. Nghĩa là Đức Chúa Trời chẳng khiến cho ai phải chịu tử hình để đền tội mình đâu, nhưng nếu quả có sửa trị tội nhơn thì chỉ để khiến cho họ ăn năn trở lại với Ngài đó thôi.

(c) Cái nguyên nhân duy nhứt của sự cứu rỗi loài người là lòng nhân từ của Đức Chúa Trời. Ngài nhứt định cứu rỗi họ chẳng phải tại Ngài cần bảo toàn sự thánh khiết Ngài đâu, bèn là chỉ vì Ngài thương hại loài người đã đi thất lạc, nên muốn đem họ trở lại đường phước hạnh đó thôi.

(d) Đức Chúa Trời chẳng cần hòa lại với loài người, duy loài người cần hòa lại với Đức Chúa Trời mà thôi.

(e) Nếu muốn làm cho ai hòa lại với Đức Chúa Trời, thì chỉ cần cảm hóa lòng đạo đức của họ, hầu cho họ mất sự cảm biết tội lỗi trong mình. Việc cảm hóa ấy do cá nhơn lập chí hối cải, tịch tà qui chánh mà được nên.

(f) Christ chịu chết, bất quá như một bực anh hùng vì dân vì nước mà hi sinh mình, chớ Ngài chẳng vì tội lỗi người đời mà chịu hình chịu chết đâu. Nên sự chết của Ngài cũng chẳng thế mạng người ta mà chuộc tội ai đâu, bèn là chỉ để treo gương chung cổ, mong khiến người đời cùng soi đó vậy thôi. Ngài chịu chết ấy là Ngài tuận đạo, tỏ bày nghĩa cả tiết cao.Sự chết ấy thật là quí giá, xứng đáng cho đời tạc tượng đồng bia đá, để kỷ niệm muôn đời. Mong thế nhân trông vào đấy mà chịu cảm động, lập chí noi chơn, gắng công ra sức mà cải ác tùng thiện, đặng trở lại cùng Đức Chúa Trời.

Duy nhứt thần Giáo hội (Eglise unitaire) chủ trương thuyết nầy, viện lấy IPhi 2:21 làm căn cứ của ý kiến mình, “Anh em vốn được gọi đến sự đó, vì Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương mẫu, hầu cho anh em noi dấu chơn Ngài.”

b) Những ngộ điểm của thuyết Socin: Thuyết nầy có những ngộ điểm như sau đây:

(1) Trái với triết lý của đạo:Thuyết Socin trái hẳn triết lý của đạo Đức Chúa Trời, vì lầm lạc mà chủ trương rằng:

(a) Ý chỉ của loài người chẳng phải là cái chí hướng cố định của bản ngã đối với việc thiện việc ác đâu, việc ấy chỉ bởi cái tài quyết định của người mà thôi. Bằng quả đúng như lời ấy, thì loài người chỉ cần tự vận động tài quyết định đó một lần thì cũng đủ tự cải cách và tự phục hòa với Đức Chúa Trời được ngay. Thật lời ấy phản đối hẳn với triết lý của đạo tỏ ra trong Kinh Thánh, cũng trái với sự từng trải thuộc linh của tín đồ nữa, bởi vì họ đã kinh nghiệm rằng chính mình chẳng có thể làm chi nổi để tự cải cách mà mong phục hòa với Đức Chúa Trời được.

(b) Lý do của đạo đức chẳng ở nơi đức thánh khiết của Đức Chúa Trời, bèn chỉ tại sự ích lợi mà thôi. Bằng quả như lời ấy,thì ở nơi Ngôi Bản Ngã Đức Chúa Trời chẳng có nguyên lý gì ngăn trở Ngài tha tội cho loài người, duy hễ khi nào Ngài muốn thì liền có thể tha tội cho họ vậy. Dầu họ ăn năn hay không cũng được cả; vì theo ý ấy, sự đau khổ và sự chết của Christ chẳng được nên vì đức thánh khiết của Đức Chúa Trời đòi buộc đâu, bèn chỉ tại vì nó có ích lợi cho loài người đó thôi.

(c) Luật đạo đức duy tỏ ra ý chỉ độc tài của Đức Chúa Trời thôi, chớ chẳng tỏ ra bản tánh thánh khiết của Ngài đâu. Bằng quả như lời ấy, thì có thể bãi bỏ luật đó chừng nào cũng được, và tội nhơn chỉ cần xin thì được tha thứ liền, không cần nhờ tế lễ của Christ để đền tội gì cả.

(d) Sự hình phạt tội lỗi chỉ là một phương pháp để sửa lại tội nhơn mà thôi, chớ chẳng phải đền tội xúc phạm với đức thánh khiết của Đức Chúa Trời đâu. Bằng quả như lời ấy, thì tội nhơn chẳng mắc tội gì với Đức Chúa Trời đâu, chỉn chẳng qua vì ngu dốt làm quấy mà tự cảm giác mình không bình an đó thôi. Còn nếu người chẳng mắc tội với Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời dùng sự đau khổ mà phạt người há chẳng bất công sao? Tội nhơn chỉ cần lập chí lìa bỏ đường quấy, thì liền được tha và hưởng được bình an ngay.

(e) Sự công nghĩa của Đức Chúa Trời chẳng biểu dương bản tánh Ngài hằng kháng địch tội ác đâu, bèn chỉ tỏ ra lòng nhơn từ của Ngài mà thôi. – Bằng quả như lời ấy, thì thà Đức Chúa Trời tỏ lòng nhơn từ đó bằng sự tha tội hơn là bằng sự hình phạt; vì làm vậy là dễ hơn và có lý hơn. Mà còn nếu nhận cho vậy là đúng, thì sự chết của Christ chẳng qua là một gương tốt để thúc giục tội nhơn hướng thiện chớ chẳng phải là sự thế mạng họ mà chịu tội hình của họ đâu.

(2) Trái sự dạy dỗ của Kinh Thánh:Thuyết nầy lại trái hẳn sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Bởi Kinh Thánh minh huấn rằng loài người không những là tự cảm biết sự bất khiết trong mình, bèn là quả trực tiếp mắc tội cùng Đức Chúa Trời. Cũng dạy rằng Đức Chúa Trời hình phạt tội là tại bản tánh thánh khiết và công nghĩa của Ngài đòi buộc phải làm vậy; còn nghĩa lý của sự chuộc tội, ấy là Christ thế mạng loài người mà chịu hình phạt vì tội lỗi của họ. Sự chịu hình phạt thế cho loài người đó là sự cần thiết duy nhứt để mở đường cho Đức Chúa Trời có thể theo lẽ công nghĩa mà ân xá tội nhơn, Kinh Thánh tỏ ra rằng đại mục đích của sự chuộc tội chẳng phải là sửa đổi tâm địa của loài người ra tốt hơn, bèn là làm trọn sự công nghĩa của Đức Chúa Trời, phu phỉ sự thánh khiết của Ngài. Vì Christ dâng sanh mạng mình làm sinh tế cho Đức Chúa Trời,cốt để thủ tiêu sự thù nghịch do tội mà ra, cất khỏi tâm chí Ngài mọi điều ngăn cản Ngài thi ân tha thứ cho tội nhơn vậy.

(3) Loại bỏ các lẽ đạo quan hệ nhứt của Cơ đốc giáo:Thuyết Socin có căn cứ ở nơi tà thuyết Pélage (thế kỷ V) hạn chế hay là loại hẳn các lẽ đạo quan hệ nhứt của Cơ đốc giáo.

(a) Thuyết nầy gián tiếp chối bỏ đạo về Đức Chúa Trời hà hơi vào Kinh Thánh, vì ý niệm về sự thế mạng và sự đền bồi bởi tế lễ, đều thông suốt cả Cựu Ước và Tân Ước như canh chỉ trong vải vậy.

(b) Thuyết nầy lại bỏ đạo dạy về tội lỗi; vì Kinh Thánh dạy rõ lắm loài người phạm tội, bị tánh hủ bại, nên không thể tự cứu mình được; và vì họ mắc tội cùng Đức Chúa Trời, nên đức thánh khiết đòi buộc phải hình phạt họ.

(c) Thuyết Socin cũng bỏ đạo về thần tánh của Christ, vì nếu nói tội chỉ là cái lỗi nhỏ nhẹ, đến đỗi loài người có thể tự cứu được, thì lấy làm vô ích mà Ngôi thứ hai phải ra đời làm Cứu Chúa. Hơn nữa, nếu công việc quan hệ của Christ chỉ để làm gương tốt mà thôi, thì một cứu thế nhân cũng đủ rồi, và Christ chắc chỉ là một người thường chớ có gì hơn.

(d) Socin cũng bỏ đạo xưng nghĩa bởi đức tin đến công lao vô hạn vô lượng của Christ; bởi vì ông không nhận loài người có thể thừa nhận sự công nghĩa của kẻ khác mà kể là của mình.

(e) Ông cũng bỏ lẽ đạo dạy về sự tái sanh; bởi vì theo thuyết của ông, việc tái sanh chẳng phải do Đức Chúa Trời làm nên, bèn là việc của chính tội nhơn nhờ sự lập chí cải ác tùng thiện mà ra vậy.

(f) Ông lại bỏ lẽ đạo về sự hình phạt tội nữa;bởi vì nếu tội nhơn không mắc tội với Đức Chúa Trời, chẳng từng trái phạm luật thánh của Ngài, thì sự hình phạt đời đời rất là bất công bất nghĩa, Đức Chúa Trời chí minh chí chánh nỡ nào thi hành đến!

(4) Không cắt nghĩa sự chết của Christ:Thuyết Socin không cắt nghĩa tại sao Christ cần phải chịu khổ chịu chết cực khốn nạn dường ấy; cũng không tỏ tại cớ gì Ngài phải trở nên tội lỗi, từng trải sự nhục nhã khôn kể xiết, đến đỗi Cha cũng phải lìa bỏ Ngài. Nếu Christ chỉ chịu chết như một bậc anh hùng để làm chứng cho lẽ thật, thì cớ sao Cha lìa bỏ Ngài,không lân la, nâng đỡ và an ủi Ngài trong giờ khốn nạn cực hiểm ấy? Nếu Christ không thế mạng loài người mà chịu hình chịu chết để đền tội họ thì Ngài chẳng làm mô phạm trọn vẹn hơn ai, bởi vì nhiều kẻ tuận đạo cũng đã tỏ ra can đảm lớn hơn trong lúc họ chịu khổ (xem Gi 12:27), đến đỗi có kẻ coi sự chịu khổ tuận đạo đó là nhẹ như lông hồng vậy. Vậy nếu Christ không thế mạng cho ta để chịu sự đau đớn đó, thì chẳng những không tỏ lòng yêu thương của Đức Chúa Trời, mà lại còn làm chứng rằng Đức Chúa Trời rất bất công bất nghĩa nữa, vì đã khiến cho Đấng cực thánh thuần khiết phải chịu khốn khổ vô cớ dường kia!

(5) Mô phạm của Christ chẳng cứu ai được:Theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh và theo sự từng trải thuộc linh của tín đồ thì công hiệu quan hệ hơn hết về sự chết của Christ chẳng phải là ảnh hưởng của mô phạm Ngài đâu. Mô phạm dầu tốt đến đâu đi nữa, chẳng đủ hiệu lực cứu ai cả. Mà hễ ai chỉ giảng mô phạm của Christ, bất quá là giảng luật pháp; còn luật pháp hẳn chẳng cứu ai, chẳng dẫn ai về cùng Đức Chúa Trời đâu bao giờ, chỉ lên án và xua đuổi tội nhơn thì có. Bởi chưng thập tự giá phải đền tội cho loài người trước hết,rồi sau mới có thể dắt họ vào đường công nghĩa được. Tại cớ ấy mà các câu Kinh Thánh bày tỏ Christ là mô phạm của ta, cũng từng luận đến việc chuộc tội nữa.Như IPhi 2:21 rằng: “Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, hầu cho anh em noi dấu chơn Ngài.” Rồi đến câu 24 Phi-e-rơ lại thêm rằng: “Chính Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta đã chết đối với tội lỗi, được sống đối với sự công nghĩa; cũng nhơn lằn đòn của Ngài mà anh em đã được chữa lành.” Phái Socin thường vin lấy hai câu ấy để chứng thực cho ý kiến mình; song nếu kê cứu kỹ cả thượng hạ văn của câu ấy, nhứt là câu 24, thì thấy rõ họ lầm giải Kinh Thánh, vì Christ làm mô phạm cho ta chỉ tại vì trước đã làm tế lễ chuộc tội ta rồi vậy.

(6) Coi đời sống Christ là quan hệ hơn sự chết của Ngài: Tân Ước thường chú trọng về sự chết của Christ, hằng quyết dạy rằng nguồn gốc của sự cứu rỗi duy tại sự chết ấy mà thôi. Thực, như ta đã thấy trên kia, lẽ thật trung tâm của Cơ đốc giáo là sự chết của Christ. Ý nghĩa hình bóng về các lễ nghi của đạo ta cũng chứng minh rằng chẳng phải mô phạm của Christ là quan hệ hơn đâu, bèn là sự chết của Ngài, vì đó là nền tảng duy nhứt của sự cứu rỗi ta vậy. Hơn nữa, nào sự dạy dỗ Ngài, gương lành Ngài, công việc Ngài, chẳng cái nào bày tỏ ra sự thánh khiết, sự công nghĩa, và lòng yêu thương của Đức Chúa Trời bằng sự đau khổ của thập tự giá được. Cũng chỉ nhờ sự chết Christ mà các lẽ đạo của Cơ đốc giáo kết thành thống hệ, vì huyết của Ngài giống như một sợi dây xâu suốt cả đạo ấy, cột chặt lẽ nầy với lẽ kia lại, mà làm nên một thần đạo có thứ tự túc lý hoàn toàn vô song vậy.

2. THUYẾT BUSHNELL.

Thuyết Bushnell cũng gọi là Đạo đức cảm lực thuyết, bởi ông Horace Bushnell (người Mỹ) khởi xướng.

a) Phát huy học thuyết Bushnell:Thuyết nầy chủ trương rằng:

(1) Sự chết của Christ chẳng phải để vãn hồi Đức Chúa Trời đâu, bèn là chỉ để tỏ ra lòng yêu thương của Ngài mà thôi. Christ chịu sự thương khó, ấy là Ngài chung gánh đau đớn với loài người, đồng chịu khổ nạn trong tội lỗi của họ. Bởi vậy cho nên nói Christ thế vị người ta mà chuộc gì, thì công cuộc ấy chỉ là ơn lành tự nhiên, bày tỏ lòng yêu thương của Ngài đó thôi.

(2) Christ chịu khổ và chết, chẳng phải thay thế hình phạt cho người đời đâu, bèn là Ngài đã trở nên người thì tự nhiên phải chịu những sự khó khăn buồn bực chung của người ta chất lại trên thân thể và tâm hồn của Ngài vậy.

(3) Quả hiệu của Christ chịu khổ và chết, chẳng làm phu phỉ sự công nghĩa của Đức Chúa Trời đâu, bèn là chỉ tỏ ra lòng yêu thương vô lượng vô biên của Ngài, cốt để cảm hóa lòng loài người chịu ăn năn,trở lại với Ngài. Sự chết của Christ chẳng phải cần yếu để cất sự ngăn cách giữa loài người và Đức Chúa Trời mà mở đường cho Ngài có thể tha tội cho họ đâu; bèn là chỉ cần yếu để tỏ cho loài người biết rằng giữa họ và Đức Chúa Trời chẳng có sự ngăn cách gì cả đó thôi. Từ trong tế lễ của Christ có một cảm lực đạo đức phát hiện ra, có đủ hiệu lực giục giã lòng tội nhơn chịu ăn năn trở lại với Đức Chúa Trời.

b) Chỗ sai lầm của thuyết Bushnell:Thuyết nầy có những chỗ sai lầm như sau đây:

(a) Thiên trọng một mặt về sự chết của Christ: Thuyết Bushnell chú trọng về mặt cảm lực đạo đức của sự chết của Christ. Dầu sự chết ấy quả có cảm lực đạo đức rất diệu kỳ để khiến loài người buồn bã mà ăn năn tội mình thật, thì lẽ thật ấy cũng chẳng phải là yếu nghĩa của sự chết đó đâu; bèn là Christ thế vị cho loài người chịu hình chịu chết vì tội của họ, chỉ có ý ấy đáng gọi là yếu nghĩa duy nhứt của sự chết ấy đó thôi. Vả, sự cùng chung sự đau đớn với loài người chẳng đồng nghĩa với sự thế mạng loài người mà chịu hình chịu chết vì tội của họ đâu. Christ quả có đồng chịu sự đau đớn của chúng ta thật, mà Ngài cũng thế mạng chúng ta mà chịu chết vì tội của chúng ta nữa; ấy là trung tâm của Tin Lành. Bỏ lẽ đạo ấy, thì cảm lực đạo đức của sự chết Ngài cũng mất hẳn luôn nữa.

(b) Trái với triết lý của đạo:Thuyết Bushnell trái hẳn với triết lý của đạo, vì lẫn lộn đức công nghĩa của Đức Chúa Trời với lòng nhơn từ của Ngài. Thật Đức Chúa Trời là Đấng nhơn từ vô song, nhưng đức công nghĩa của Ngài vẫn hạn chế và chủ trị lòng nhơn từ ấy.Bushnell lại quá thiên về bên đức yêu thương của Đức Chúa Trời, muốn bắt buộc Ngài phải thuận phục một ái luật đời đời, mà quên lửng rằng chính Ngài là Đấng có ban bố các luật pháp khác thì cũng cốt để bày tỏ bản tánh của Ngài, vì luật nầy chẳng mâu thuẫn với luật kia bao giờ. Bản tánh Ngài thật là chí ái, song cũng là chí công chí thánh nữa. Khi Ngài thi hành theo tâm đức nầy, thì cũng chẳng phản đối với tâm đức kia đâu. Ngài thật yêu thương tội nhơn đến tột bực, nhưng đức tánh thánh khiết của Ngài vẫn hằng kháng địch với tội lỗi, buộc Ngài phải hình phạt nó; còn sự hình phạt ấy chẳng phải để cải cách tội nhơn, bèn để đền tội xúc phạm cùng đức thánh khiết của Ngài vậy.

(c) Chẳng cắt nghĩa sự đau khổ của Christ:Thuyết Bushnell cũng chẳng cắt nghĩa tại sao Christ phải chịu khổ chịu chết. Dầu nhận rằng Ngài tiếp xúc với loài người mà đồng chịu đau đớn do tội mà ra, nhưng chẳng giải nghĩa được nhơn luật phổ thông nào mà tội lỗi kết quả đau đớn như thế,chẳng những là cho tội nhơn, mà lại đến kẻ vô tội tiếp xúc với nó nữa. Bushnell chẳng hiểu rằng luật phổ thông ấy tức là đức thánh khiết của Đức Chúa Trời, được tỏ ra trong luật đạo đức và muôn vật, chứng minh rằng sự trái luật ấy là phạm tội cùng Đức Chúa Trời, chỉ kết quả sự khổ và sự chết đến cho người ta đó thôi. Còn Christ muốn giải cứu loài người khỏi sự kết quả khốn nạn ấy, chỉ cần phải thế mạng họ mà mang lấy sự khổ sự chết đó, mới toàn cứu họ được. Lẽ thật ấy thuyết Bushnell chẳng đếm xỉa đến.

(d) Trái với sự dạy dỗ của Kinh Thánh:Thuyết nầy cũng trái với sự dạy dỗ của Kinh Thánh, vì chủ trương rằng Christ chuộc tội chỉ để bày tỏ lòng yêu thương của Đức Chúa Trời. Còn Kinh Thánh thì dạy rằng Christ chuộc tội, trước để làm phu phỉ sự công nghĩa của Đức Chúa Trời,sau để thế mạng tội nhơn mà chịu hình của tội họ. Tội nhơn cũng chẳng có thể biết cảm lực đạo đức do sự chết của Christ mà ra, nếu lương tâm họ chưa nhờ sự chết ấy giải tội cho trước đã. Vì theo Kinh Thánh, yếu nghĩa về sự chuộc tội chẳng phải là Christ hi sinh mình để cảm động loài người; bèn là để dâng sinh tế cho Đức Chúa Trời đặng đền tội họ từng xúc phạm cùng đức thánh khiết Ngài vậy. Cho nên trong Eph 5:2 Phao-lô dạy rằng: “Christ đã… phó chính mình mình vì chúng ta để làm của dâng và sinh tế cho Đức Chúa Trời”. Còn He 9:14 có câu: “Christ… dâng chính mình không tì vít cho Đức Chúa Trời”. Chỉ khi nào lương tâm hiểu thấu và tín nhận lẽ thật ấy, thì tội nhơn mới có thể hưởng được cảm lực đạo đức do sự hi sinh ấy mà ra.

(e) Lẫn lộn phương pháp cứu rỗi với sự từng trải cứu rỗi: Thuyết Bushnell lẫn lộn phương pháp cữu rỗi với sự từng trải cứu rỗi. Người ta phải tín nhận phương pháp cứu rỗi ấy trước đã, nhiên hậu mới từng trải sự linh nghiệm của nó để được tha tội, xưng nghĩa và nên thánh. Ấy thật là cảm lực đạo đức do phương pháp cứu rỗi mà ra. Nhưng mà nó là cái kết quả của sự chuộc tội, chớ chẳng phải là chính sự chuộc tội đâu.Đã biết Christ chắc thế mạng mình mà chịu hình chịu chết để làm phu phỉ sự công nghĩa của Đức Chúa Trời rồi, thì lương tâm mình mới được yên ổn, cảm biết linh nghiệm của sự chết ấy ở trong mình khiến mình được hạnh phước do đó mà ra.

3. THUYẾT GROTIUS

a) Phát huy học thuyết:Thuyết nầy cũng gọi là Chánh trị thuyết, khởi xướng bởi Hugues Grotius (luật sư và nhà thần đạo Hòa lan, 1583-1645). Ông ấy chủ trương rằng sự chết của Christ chẳng phải làm thỏa mãn một yếu tố nào trong bản tánh của Đức Chúa Trời (như đức thánh khiết chẳng hạn), bèn là chỉ yếu cần để giữ vẹn cuộc chánh trị trong đạo đức giới. Luật đạo đức do ý chỉ độc đoán của Đức Chúa Trời mà được thiết lập, cốt để thống trị vũ trụ. Hễ ai trái luật ấy là phạm tội cực nặng. Nếu Ngài tha thứ cho phạm nhơn mà chẳng luôn dùng phương pháp gì để bày tỏ ra cho họ hiểu rõ Ngài, coi trọng luật pháp Ngài là dường nào, kể sự trái luật là tội gớm ghê là chừng nào, thì Ngài chẳng có thể giữ vẹn cuộc chánh trị của đạo đức giới, cũng không bảo toàn quyền bính thống trị Ngài đối với loài người được nữa. Đức Chúa Trời nhờ sự chịu khổ chịu chết của Christ mà bày tỏ cho loài người hiểu thế nào Ngài coi trọng luật pháp Ngài. Dầu vậy, Christ chẳng chịu hết cả hình án mà luật pháp định giáng cho tội nhơn đâu; song Đức Chúa Trời tỏ ra ân trạch mà công nhận sự chịu khổ chịu chết của Ngài là đủ để thay cho sự gia hình ấy. Vả, Christ đã thế vị loài người mà chịu thương khó cực điểm dường ấy, thì đã ban cho luật pháp có cái cảm lực rất mạnh trên lương tâm của tội nhơn, để biến cải thái độ của họ đối với Đức Chúa Trời, đến đỗi Đức Chúa Trời có thể tha tội cho kẻ nào có lòng ăn năn, mà không cần làm trở ngại cuộc chánh trị của Ngài.

b) Biện bác thuyết Grotius:Xin biện bác thuyết nầy, và luận qua các ngộ điểm của nó như sau nầy:

(1) Chú trọng về một mặt của sự chuộc tội:Thuyết Grotius thật có gồm lại một lẽ thật quan hệ, tức là lẽ thật về sự chịu khổ chịu chết của Christ bảo toàn cuộc chánh trị của Đức Chúa Trời ở trong đạo đức giới. Nhưng mà có chỗ khuyết điểm khá lớn nầy, ấy là quá chú trọng về một lẽ thật phụ thuộc, coi sự bảo toàn chánh trị Đức Chúa Trời là đại mục đích về sự chịu khổ chịu chết của Christ. Ý kiến ấy trái với Kinh Thánh, vì Kinh Thánh dạy rõ ràng đại mục đích của sự chịu khổ chịu chết của Christ là sự đền tội loài người từng xúc phạm cùng đức thánh khiết của Đức Chúa Trời. Ấy là yếu điểm của đạo chuộc tội, còn các lẽ thật khác quan hệ với đạo ấy đều là phụ thuộc cả.

(2) Lầm hiểu yếu nghĩa luật pháp:Thuyết Grotius cũng lầm hiểu yếu nghĩa luật pháp, vì chủ trương rằng luật đạo đức do ý chỉ độc đoán của Đức Chúa Trời mà ra, muốn bãi bỏ chừng nào cũng được.Nhưng mà luật đạo đức chẳng phải như họ chủ trương đó đâu, bèn là một cơ quan duy nhứt để bày ra chính bản tánh của Đức Chúa Trời, biểu dương bản tánh ấy vốn rất thánh khiết, hễ ai trái luật thì xúc phạm đến đức tánh ấy, đáng bị hình phạt đời đời vậy. Thế thì, luật đạo đức chẳng hề thay đổi, nào là lời răn bảo, nào là lời hăm đe, cả hai đều thuộc trong luật ấy không thể rút bớt hay là gia thêm gì được. Nếu nói rằng có thể thay đổi hay là bãi bỏ được thì chẳng khác gì nói rằng có thể thay đổi hay là bãi bỏ bản tánh của Đức Chúa Trời vậy. Vả lại, nếu luật đạo đức không bày tỏ bản tánh của Đức Chúa Trời, nhưng chỉ là do ý độc tài của Ngài mà được thiết lập, thì sự phân biệt phải quấy, chia lành dữ cũng là độc đoán, đến đỗi điều hôm nay gọi là phải, thì mai có lẽ lại cho là quấy chăng.

(3) Coi sự chết của Christ bằng một kịch bản:Thuyết Grotius lại coi sự chết của Christ chẳng khác nào một vỡ kịch và thập tự giá là sân khấu để phô diễn kịch ấy. Bởi nếu Đức Chúa Trời chỉ nhờ sự chịu khổ chịu chết của Christ để tỏ ra Ngài coi trọng luật pháp Ngài là thể nào, thì sự chịu khổ chịu chết ấy chỉ là việc dàn tuồng đó thôi. Song nói như vậy là lầm lạc quá chừng, vì tại thập tự giá, Đức Chúa Trời thực hành án chết của luật pháp đã định cốt để đền tội loài người từng xúc phạm cùng đức thánh khiết của Ngài. Mà thật, nếu sự chết của Christ làm phu phỉ đức thánh khiết của Đức Chúa Trời, thì cũng nhơn đó mà bảo toàn luôn cuộc chánh trị Ngài nữa. Phỏng như chẳng có điều thứ nhứt trước đã, thì sau cũng chẳng có thể có điều thứ hai nữa đâu. Sự chết của Christ thật có cảm lực lạ lùng trên lương tâm của người đời; nhưng ấy chẳng tại vì Đức Chúa Trời coi trọng luật pháp Ngài đâu, bèn chỉ tại vì Ngài thật đã thực hành cả hình án của luật pháp ở nơi Christ, là Đấng vô tội thế vị cho kẻ có tội để đền bồi tội lỗi của họ vậy. Thành thử, nhờ sự thế vị ấy, Đức Chúa Trời mới vui lòng trở lại cùng tội nhơn, có thể theo lẽ công bình mà thi ân tha thứ cho họ, bởi vì tội lỗi của họ chẳng còn ngăn cách Ngài giao thông với họ nữa.

(4 )Trái với Kinh Thánh:Thuyết nầy cũng trái với các câu Kinh Thánh thường gọi sự chết của Christ là sự cần thiết tuyệt đối, là tế lễ vãn hồi Đức Chúa Trời, là phương cách bày tỏ sự công nghĩa Ngài, là cuộc thực hành tử hình của luật pháp, là năng lực cứu rỗi tội nhơn, là suối làm sạch tội lỗi, là ân cứu rỗi duy nhứt mà Christ ban cho kẻ nào tín nhận. Đại mục đích của sự cứu chuộc là đền tội để làm phu phỉ sự thánh khiết và sự công nghĩa của Đức Chúa Trời, hầu cho nhân đó tội nhơn có thể trở lại với Ngài. Mà đã có sự đền tội rồi, tất nhiên nó cũng kết quả hạnh phước khác, như là sự bảo đảm cuộc chánh trị của Đức Chúa Trời ở trong đạo đức giới vậy.

4. THUYẾT ANSELME.

a) Phát huy học thuyết:Thuyết nầy cũng gọi là Mậu dịch thuyết, bởi ông Anselme (1033-1109), ở Cantorbéry, nước Anh, khởi xướng, cốt ý để cải chánh ý kiến của các Giáo phụ đầu tiên đã chủ trương rằng sự chết của Christ là một giá trả cho Sa-tan để giải cứu tội nhơn khỏi quyền áp chế của nó. Ông Anselme dạy rằng tội lỗi xúc phạm sự oai nghiêm của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã là Đấng vô hạn vô lượng, nên hễ ai xúc phạm sự oai nghiêm của Ngài đáng phải gia hình cũng vô hạn vô lượng vậy. Vả,sự oai nghiêm của Đức Chúa Trời đòi phải hình phạt phạm nhơn, nhưng tình yêu thương của Ngài cầu thay cho người, nài xin Ngài tha thứ cho. Như vậy, theo ý kiến nầy, đức yêu thương và sự oai nghiêm của Đức Chúa Trời dường như chống chỏi nhau. Nhưng may thay, nhờ Đấng Thần nhân, gồm cả hai thần tánh và nhân tánh,tình nguyện hi sinh mình cho Đức Chúa Trời làm giá rất cao mà chuộc tội loài người, nên đức yêu thương và sự oai nghiêm của Đức Chúa Trói mới được hòa hiệp nhau. Nhơn vì phẩm giá và uy thế của Christ đã là vô hạn vô lượng, nên Ngài thế vị cho phạm nhơn mà đem thân chịu cả hình án cũng vô hạn vô lượng của tội lỗi,là hình án mà chính tội nhơn đáng phải chịu vậy. Sự thương khó đó Đấng Thần nhân đã đem dâng cho Đức Chúa Trời để làm giá đền tội tùy đẳng lượng với độ lượng của hình án mà tuyển dân đáng phải chịu; cũng nhân đó mà Christ đền trả đầy đủ các điều Đức Chúa Trời đòi ở nơi tuyển dân, mở đường cho Ngài có thể tha thứ và tái sanh họ; bởi vậy, theo ý kiến nầy, thì Christ chỉ đền tội cho kẻ được Đức Chúa Trời lựa chọn đó thôi.

b) Chỗ đáng biện bác trong thuyết nầy:Thuyết nầy cũng có vài ngộ điểm đáng biện bác như sau đây:

(1) Chú trọng quá về oai nghiêm của Đức Chúa Trời: Thuyết của Anselme gồm nhiều lý luận thích hiệp với đạo chánh thống, vì Kinh Thánh thật có nhiều chỗ luận về tội lỗi là giống như nợ nần,và sự chuộc tội là giá trả nợ ấy. Nhưng lý luận của Anselme chưa trọn vẹn, vì quá chú trọng oai nghiêm của Đức Chúa Trời, mà bỏ qua đức thánh khiết của Ngài,là căn cứ của sự oai nghiêm ấy, thậm chí dường như làm cho sự cứu chuộc của Christ can hệ đến bề ngoài hơn là bề trong vậy.

(2) Quá chú trọng về một mặt của việc cứu chuộc: Thuyết Anselme lại quá trọng sự thương khó của Chúa mà xem khinh việc làm của Ngài. Tra xét Kinh Thánh thì thấy sự cứu chuộc có hai mặt là: (1) nhờ Christ chịu khổ, gánh vác tội lỗi ta, mà ta được giải cứu; (2) nhờ công việc Ngài làm trọn công nghĩa của luật pháp, mà Đức Chúa Trời có thể tha tội cho ta. Cái kia cũng gọi là sự vâng phục tiêu cực; còn cái nầy gọi là sự vâng phục tích cực. Cần phải có cả hai điều ấy, mới đủ linh nghiệm cứu ta, tha tội cho ta vậy.

(3) Quá trọng về ý mậu dịch:Thuyết Anselme chỉ chú trọng về các câu Kinh Thánh luận về sự cứu chuộc giống việc buôn bán, như sự đem trả số nợ, hoặc giá mua chuộc nô lệ hay phu tù. Còn các câu khác mô tả sự cứu chuộc bằng việc thuộc luân lý, quan hệ với việc biến cải linh tánh loài người ra đạo đức, thì thuyết nầy chẳng đếm xỉa đến. Cũng quá chú trọng về mặt phân lượng của việc cứu chuộc, mà coi khinh thường về mặt phẩm giá.

(4) Hạn chế phạm vi của sự cứu chuộc:Thuyết nầy cũng hạn chế phạm vi của sự cứu chuộc, vì chủ trương rằng nó chỉ can thiệp đến tuyển dân mà thôi. Còn Kinh Thánh thì trái lại dạy rõ rằng Christ chịu chết vì mọi người.

(5) Bất toàn về chỗ ứng dụng công lao của Christ cho tín đồ: Thuyết nầy bất toàn trong chỗ ứng dụng công lao của Christ cho tín đồ, chỉ chuyên dạy về mặt bề ngoài, mà chẳng dạy rõ cái lý do bề trong về việc ấy là thể nào. Vì tín đồ hưởng được công lao ấy là tại sự liên hiệp với Christ trong sự chết và sự sống lại của Ngài. Ý kiến Anselme chỉ chú trọng về phương diện Christ đem giá mua chuộc lại loài người, nhưng bỏ qua cách nào tín đồ thừa nhận hiệu nghiệm của sự mua chuộc ấy.

5. CHÁNH THỐNG THUYẾT

Thuyết nầy do Giáo phụ Augustin (thế kỷ thứ IV) khởi xướng. Đến thời đại Cải chánh lại có ông Calvin phát huy rộng thêm và giải nghĩa rõ hơn, nên cũng được gọi là thuyết của Calvin. Cũng có tên khác nữa là Đạo đức thuyết. Vì thuyết nầy hiệp theo Kinh Thánh, nên các nhà thần đạo thường gọi là chánh thống thuyết (Théorie orthodoxe). Dầu trong bốn luận án vừa kể qua ở trên đây, ta đã có luận qua đại thể về yếu nghĩa của thuyết nầy rồi, nhưng sau đây cũng xin lặp lại và đem thêm đôi điều nữa đặng giải luận cho rõ rệt trọn vẹn hơn.

a) Hai yếu điểm của chánh thống thuyết:

Chánh thống thuyết chủ trương hai yếu điểm làm trung tâm của đạo chuộc tội, là sự thế mạng và sự đền bồi.

(1) Christ thế mạng loài người: Ở trên kia ta đã thấy cả Kinh Thánh dạy rằng Christ thế mạng loài người mà chuộc tội.

(a) Có hai mặt: Sự thế mạng ấy có hai mặt: mặt thứ nhứt gọi là Christ thế vị loài người mà vâng phục Đức Chúa Trời trong mọi sự,giữ vẹn cả luật pháp mà làm phu phỉ sự công nghĩa của Ngài. Thần đạo học cũng gọi sự vâng phục ấy bằng “sự vâng phục tích cực”. Mặt thứ hai gọi là Christ thế vị loài người mà chịu hình phạt của tội lỗi họ đáng phải chịu, thủ tiêu án chết của luật pháp đã định, mà giải cứu họ khỏi sự hư mất. Sự vâng phục ấy cũng gọi là “sự vâng phục tiêu cực”. Ấy vậy, Christ thế mạng loài người cả đối với sự giữ luật pháp lẫn đối với sự chịu hình phạt, đến đỗi đền trả trọn vẹn mọi điều mà đức công nghĩa của Đức Chúa Trời đòi họ phải trả.

(b) Sự thế mạng chia hai thứ: Sự thế mạng của Christ cũng chia hai thứ, gọi là “thế vị vô điều kiện”, và “thế vị hữu điều kiện”.Sự thế mạng vô điều kiện sỡ dĩ được gọi như vậy, là vì Christ giải cứu kẻ Ngài thế vị cho đó mà không buộc họ phải theo điều kiện nào hết để được giải cứu. Sự thế vị hữu điều kiện sở dĩ được gọi như vậy là vì kẻ được thế vị cho đó buộc phải theo những điều kiện mà Đấng đứng thế vị đã lập từ trước, mới mong được giải cứu vậy. Đối với kỷ tội, sự thế mạng của Christ có điều kiện vì cả tội nhơn phải ăn năn, tín nhận phương pháp cứu rỗi của Christ làm ra, mới được giải cứu. Còn đối với nguyên tội do tổ tiên lưu lại, thì sự thế mạng của Christ là vô điều kiện.Cũng nguyên nhân đó chúng ta biết chắc rằng các trẻ em chết trước khi đến tuổi phân biệt phải quấy, vẫn đều nhờ sự cứu chuộc của Christ mà được cứu, dầu chính chúng nó không thể ăn năn tin cậy mặc dầu.

(2) Christ đền bồi tội lỗi cho loài người:Chánh thống thuyết thích hiệp với Kinh Thánh mà chủ trương rằng Christ đền bồi hết tội lỗi của loài người, chẳng sót một chỗ nhỏ nào. Nghĩa lý về việc đền bồi đó bao hàm cả việc Ngài đã thế mạng tội nhơn mà chuộc tội họ xúc phạm cùng đức thánh khiết và luật pháp của Đức Chúa Trời.

(a) Có hai giá đền bồi: Có hai giá đền bồi:giá thứ nhứt bằng tiền bạc, ai cũng có thể trả được, hoặc chính kẻ mắc tội, hoặc kẻ khác trả giùm cho cũng được cả. Giá thứ hai gọi là “giá bằng huyết”, chỉ mắc tội có thể trả được thôi. Giá đền bồi của Christ bằng huyết, và Ngài có thể trả được, là bởi vì Ngài thế mạng cho tội nhơn, tánh mạng Ngài và tánh mạng tội nhơn đều thông thuộc nhau, thậm chí Christ có thể đem tánh mạng vô giá của mình mà đền bồi tội lỗi của tội nhơn vậy.

(b) Giá bằng huyết theo ba lượng định: Giá bằng huyết cũng thường theo ba lượng định, và có giá trị khác nhau.

(1) Giá đồng nhứt: Giá đền bồi thứ nhứt gọi là “giá đồng nhứt”, có nghĩa là sự đền bồi bằng tánh mạng của một người nào có giá đồng nhứt với sự chết của kẻ mà người ấy đem mạng chết thế cho đó. Giá sự chết của Christ không thể gọi là đồng nhứt với giá sự chết của mọi người; vì tánh mạng Ngài vô giá, còn tánh mạng của những kẻ Ngài thế mạng cho đó không sao sánh kịp được (Mac 10:45).

(2) Giá tương đối: Giá đền bồi thứ hai gọi là “giá tương đối”, có nghĩa là sự đền bồi bằng huyết của một người có giá cân nhau với sự đền bồi bằng huyết của nhiều người. Nhưng sự chết của Christ cũng không thể gọi là có giá cân nhau với sự chết của cả giống loài người, bèn là có đại giá trổi hơn vô cùng. Bởi vì loài người, dầu số nhiều nhưng đều chỉ là những vị thọ tạo hữu hạn và bất toàn cả. Còn Christ, tuy là độc vị, nhưng là Đấng vô hạn vô lượng, toàn vẹn vô cùng; nên chi sự chết của Ngài có giá trị cũng vô hạn vô lượng, vượt quá giá trị của sự chết của cả giống loài người vậy. Cũng nhân thực sự ấy mà Christ, dầu chỉ đem một sanh mạng để đền tội, và chỉ chịu hình chịu chết trong một thời gian hữu hạn, thì công lao ấy đối với Đức Chúa Trời lại có đại giá vô hạn vô lượng để cứu chuộc loài người vậy.

(3) Giá dật số: Giá đền bồi thứ ba ta có thể gọi là “giá dật số”, có nghĩa là sự đền bồi bằng huyết của một người có giá dư dật vô lượng vô biên, vượt quá giá đồng nhứt, giá tương đối mà tràn ra vô cùng vô tận. Sự đền bồi của Christ có giá trị dồi dào dường ấy, vì một mình Ngài là lớn hơn, quí hơn, trọng hơn hết cả giống loài người, là một Đấng có phẩm giá vô hạn vô lượng vậy. Giống loài người tuy bằng đại số đông đúc không xiết kể, thì tánh mạng hiệp lại cũng chẳng có giá trị bằng tánh mạng của một mình Christ được.Cho nên khi Ngài đem tánh mạng mình dâng lên làm giá chuộc tội, thì không những là có giá tương đối với án tội của cả giống loài người, nhưng lại có giá dật số không xiết kể. Thí dụ như một miếng mười quan tiền vàng kia, tuy nó nhẹ hơn 100 xu bằng đồng, nhưng giá trị nó gấp mười số xu kia vậy. Cũng một lẽ ấy, sanh mạng của Christ đem dâng cho Đức Chúa Trời làm tế lễ đền tội cho cả loài người có giá trị thặng dư không xiết kể.

b) Chánh thống thuyết minh giải hai vấn đề chủ yếu của đạo chuộc tội

Có hai vấn đề rất quan hệ với đạo chuộc tội,khảo cứu đến khiến đưa chúng ta vào trung tâm của đạo ấy. Chánh thống thuyết giải quyết hai vấn đề ấy cách đúng đắn, tỏ ra triết lý chánh thức của công lao chuộc tội là thế nào vậy. Hai vấn đề ấy là: (1) Đại mục đích của sự chuộc tội là gì?(2) Sao gọi Christ có thể chuộc tội cho loài người được? Vấn đề thứ nhứt luận về sự chuộc tội đối với Đức Chúa Trời; vấn đề thứ hai luận về sự chuộc tội đối với loài người. Giải quyết vấn đề trước, tức là giải nghĩa luôn cho Ro 3:25,26; còn giải quyết vấn đề sau, thì cùng giải nghĩa IICo 5:21 vậy.

(1) Đại mục đích của sự chuộc tội: Vả,Christ chịu hình chịu chết có mục đích gì? Sự chuộc tội có kết quả gì? Xin theo ba mặt mà đáp lẽ cho câu hỏi ấy.

(a) Làm phu phỉ đức thánh khiết của Đức Chúa Trời: Đại mục đích của sự chuộc tội và sự kết quả quan hệ nhứt của sự chết của Christ là làm phu phỉ đức thánh khiết của Đức Chúa Trời. Loài người đã xúc phạm cùng đức tánh ấy, trở nên cừu địch của Đức Chúa Trời. Lương tâm của họ dầu hữu hạn, cũng phản chiếu sự thánh khiết ấy ra, chứng quyết rằng hễ trái mạng lịnh của Đức Chúa Trời, ấy là xúc phạm đức thánh khiết của Ngài.

Vả, trong bản ngã của Đức Chúa Trời vốn có một nguyên lý đạo đức hằng kháng địch lại với tội ác, hằng đòi phải hình phạt nó.Nguyên lý ấy là đức thánh khiết Ngài, một nguyên tố thuộc về thể yếu của Ngài.Đức tánh ấy đối với tội ác cũng như lửa đối với vật hay cháy, phừng phừng thiêu hủy và tiêu diệt. Sự từng trải thuộc linh của tín đồ cũng chứng thực cho lẽ thật nầy. Lúc họ trở lại cùng Chúa thì được tái tạo theo hình tượng của Đức Chúa Trời,được dự phần thần tánh Ngài. Cho nên hễ họ lớn trong ân điển và tấn bộ trên đường nên thánh bao nhiêu, thì lại gớm ghét tội lỗi và mọi sự bất khiết bấy nhiêu. Ấy thật là linh tánh tái tạo của họ phản chiếu sự chống trả hăng hái của đức thánh khiết của Đức Chúa Trời đối với tội ác. Vả lại, như trong bản tánh ta có một nguyên lý đạo đức hằng đòi phải hình phạt tội lỗi thế nào, không những tội lỗi của kẻ khác thôi đâu, mà dầu cho của chính mình mình nữa cũng vậy, nhiên hậu mới yên tâm thế nào, thì trong bản tánh của Đức Chúa Trời cũng có nguyên lý đó hằng đòi phải gia hình tội lỗi mới được thỏa mãn cũng thể ấy. Kỳ thực, hễ lương tâm ta được tỉnh táo và mềm mại bao nhiêu, thì hẳn chẳng chịu yên lòng cho đến khi đã đền bồi cả sự sai quấy của mình cũng bấy nhiêu. Mà lương tâm ấy chính là tấm gương Đức Chúa Trời đã đặt vào lòng ta để phản chiếu sự thánh khiết của Ngài,chứng rằng tánh ấy hằng kháng địch hăng hái với tội lỗi không dứt, đòi buộc phải hình phạt cho được mới chịu an tâm thỏa mãn vậy. Vả, sự gia hình tội lỗi là biểu hiệu về sự kháng địch ấy. Song ta khá rõ rằng sự địch lại đó chẳng do tà đức mà ra, bèn rất thánh sạch, thích hiệp với lòng từ bi nhân ái vô lượng vô biên của Đức Chúa Trời. Mà bản tánh của Ngài đã chẳng hề thay đổi, và đức thánh khiết là nguyên tố đứng đầu hàng trong bản tánh ấy, nên Đức Chúa Trời cũng chẳng hề thi kháng địch lại với tội ác, mà hằng đòi phải hình phạt nó cho đến khi đức tánh Ngài được thỏa mãn hoàn toàn mới yên.

Thế thì, đại mục đích về sự chuộc tội là Christ thế mạng tội nhơn mà chịu hình chịu chết, rồi đem sự đau đớn nhục nhã ấy mà dâng lên cùng Đức Chúa Trời, làm tế lễ đền tội họ đã xúc phạm cùng đức thánh khiết của Ngài, đền trả mọi điều họ thiếu thốn với sự công nghĩa Ngài, đến đỗi khiến cho tâm tánh Ngài được thỏa mãn mọi bề. Việc ấy xong, Đức Chúa Trời mới có thể trở lại cùng tội nhơn, tha tội cho họ, và nhận họ làm con cái của Ngài.

(b) Đền bồi tội lỗi phạm cùng luật đạo đức:Mục đích và sự kết quả thứ hai của sự chuộc tội là đền bồi tội lỗi đã nghịch cùng luật đạo đức. Đức Chúa Trời vẫn có lòng đoái thương loài người, và lòng ấy chẳng hề thay đổi. Nhưng dầu Ngài thương yêu họ đến đâu, thì rốt lại cũng không thế nào dung thứ cho tội lỗi mà bỏ qua luật pháp được. Bởi vì nền móng của luật pháp xây ở trên sự công nghĩa tuyệt đối và sự thánh khiết bất di bất dịch của Ngài. Hơn nữa luật đạo đức chẳng những không bỏ qua được, mà lại cũng không thể thay đổi chút nào (Lu 16:17).

Vả, ta đã thấy loài người từng trải luật đạo đức, phạm đến mọi giềng mối mọi lời răn dạy của nó rồi. Còn hình án mà luật ấy định cho phạm nhơn là, “Linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết” (Sa 2:7; Exe 18:4,20; Ro 6:23). Phỏng như Đức Chúa Trời chẳng thực hành án ấy, mà lại dung thứ phạm nhơn, thì đã bãi bỏ luật đạo đức rồi, làm trở ngại đức tánh công nghĩa và thánh khiết của Ngài, mà xúc phạm đến chính bản ngã của Ngài vậy. Ta có thể đoán rằng nếu Đức Chúa Trời muốn cứ làm Đức Chúa Trời luôn, thì lấy làm đại bất năng cho Ngài làm điều kia được, bởi vì Ngài không thể dung thứ tội nhơn mà lại bỏ qua luật pháp được, phải thực hành án chết trên họ mới xứng hiệp bản tánh Ngài, và làm phu phỉ sự công nghĩa của luật pháp.

Thế mà, nếu Đức Chúa Trời vẫn vừa muốn giải cứu loài người khỏi tội ác mà cũng vừa bảo toàn luôn luật pháp thuần thánh của Ngài nữa, thì phải làm thế nào? Cả Kinh Thánh dạy rõ ràng rằng duy có một phương pháp, ấy là nhờ một Đấng vô tội thế mạng tội nhơn, hi sinh mình để chịu cả sự đau đớn nhục nhã của tử hình họ đáng phải chịu đó mà đền tội cho họ, và nhân đó làm trọn sự công nghĩa của Đức Chúa Trời đã tỏ ra trong luật đạo đức, đến đỗi luật ấy chẳng còn thế nào yêu sách cái gì ở nơi họ được nữa.

Đấng vô tội ấy là Christ. Ngài xuống đời trở nên đại biểu của loài người, trước giữ trọn các điều răn của luật đạo đức,rồi sau đem sanh mạng vô giá mình mà hiến cho Đức Chúa Trời, tình nguyện chịu ở nơi sanh mạng quí báu ấy cả khổ hình của luật pháp đã định cho phạm nhơn phải chịu. Nhân sự chết thế mạng ấy Ngài đền bồi hết các tội loài người đã xúc phạm với luật pháp, thủ tiêu án chết, trừ khử sự cừu địch, khiến cho Đức Chúa Trời nguôi giận, vui lòng trở lại thi ân tha thứ cho tội nhơn biết ăn năn, nhận người làm con cái Ngài vậy.

Vả, sự thế mạng ấy chẳng do luật pháp răn bảo mà ra, vì luật pháp chỉ biết gia hình kẻ trái luật mà thôi, bèn là do ân điển mà được nên. Thế mà, ân điển chẳng trái ngược hay là bãi bỏ luật pháp đâu, bèn là dung nạp nó mà làm ứng nghiệm trọn vẹn. Như thế, Đức Chúa Trời nhân sự thực hành án chết ở nơi Christ, mà bảo toàn sự công nghĩa của luật pháp. Còn sự chết của Ngài có đủ giá trị cho Đức Chúa Trời làm được điều ấy, là bởi vì chính Đấng Chấp pháp cũng là người thế mạng kẻ phạm pháp mà đem thân chịu cả hình án của kẻ ấy đáng phải chịu vậy.

Thế thì, mục đích và hiệu quả thứ hai của sự chuộc tội là đền bồi tội lỗi loài người đã xúc phạm cùng luật đạo đức, làm sung mãn sự công nghĩa của Đức Chúa Trời tỏ ra trong luật đó, mở đường cho Đức Chúa Trời có thể theo lẽ công nghĩa mà ân xá kẻ phạm pháp vậy.

(c) Bày tỏ sự yêu thương của Đức Chúa Trời: Mục đích và kết quả thứ ba của sự chuộc tội là bày tỏ sự yêu thương của Đức Chúa Trời. Loài người đã xúc phạm đức thánh khiết của Đức Chúa Trời, nên luật pháp, vốn là tấm gương phản chiếu tâm đức ấy ra, đã lên án chết đời đời cho họ rồi, hằng đòi thực hành án ấy, không chịu dung thứ cho phạm nhơn nào hoặc bỏ qua một tội nhỏ nào cả. Nhưng Đức Chúa Trời cũng yêu thương phạm nhơn vô hạn vô lượng, không thế nào vui lòng thực hành án chết ấy trên họ, nên phải trù hoạch một phương pháp để giải cứu họ khỏi hình án khốn nạn ấy.

Song chỗ nầy có hai nan đề rất khó cho người phàm giải quyết, ấy là: Nếu Đức Chúa Trời không phạt tội mà lại cứu, thì xúc phạm đến sự công nghĩa của Ngài; còn bằng cứu mà lại không phạt tội, thì lại trái lòng yêu thương của Ngài. Vậy thì phải làm thế nào? Tạ ơn Đức Chúa Trời!Điều bất năng đối với người ta, thì đối với Đức Chúa Trời lại khả năng lắm. Duy có một phương pháp có thể giải quyết hai nan đề ấy, là chính Đức Chúa Trời, tức Đấng tiên cáo, phải mang lấy tội của kẻ bị cáo mà đem mình chịu cả khổ hình họ đáng phải chịu. Như thế Ngài vừa cứu họ mà làm thỏa mãn lòng yêu thương mình, vừa hình phạt tội mà bảo toàn sự công nghĩa của luật đạo đức. Còn việc thần diệu ấy Ngài đã làm trọn ở trong sự đau khổ và chết của Christ, nhân đó bày tỏ ra lòng yêu đương thương xót tuyệt đối của Ngài, giục giã lòng tội nhơn chịu ăn năn lìa tội, trở lại với Ngài vậy.

(d) Ro 3:25,26 làm chứng: Câu Kinh Thánh làm chứng rõ hơn hết cho lẽ đạo mới bày ra trên đây là:

Ro 3:25,26. “Christ Jesus, là Đấng Đức Chúa Trời đã thiết lập làm tế lễ vãn hồi trong huyết của Ngài, bởi đức tin, để bày tỏ sự công nghĩa của Đức Chúa Trời, bởi Ngài đã lấy lòng nhẫn nại mà khoan dung các tội phạm xưa kia; cốt để tỏ sự công nghĩa Ngài trong thời hiện tại, hầu chính mình Ngài theo lẽ công nghĩa mà xưng nghĩa kẻ tin đến Jesus.” (Dịch theo nhà giải nghĩa Kinh Thánh Mayer).

Sự công nghĩa của Đức Chúa Trời là đề mục của thơ Rô-ma. Mở đầu trước giả đã luận về đề mục ấy trong 1:17. Rồi đến 1:18-3:20 lại minh giải rằng duy nhờ sự công nghĩa ấy mà cả người Do Thái lẫn người ngoại bang có thể được cứu thôi. Đến 3:25,26 trước giả mới luận qua thế nào Đức Chúa Trời đã thiết lập Christ làm tế lễ vãn hồi trong huyết của Ngài, cốt để bày tỏ sự công nghĩa của Đức Chúa Trời, là công nghĩa hay xét đoán phạm nhơn và hình phạt tội lỗi. Nhưng từ lúc tổ tiên sa ngã cho đến khi Christ chịu chết, thì Đức Chúa Trời hình như bỏ qua luật pháp, không đem sự công nghĩa tuyệt đối Ngài mà đoán phạt, chỉ khoan dung cả tội lỗi lẫn tội nhơn mà thôi. Thực sự ấy hình như khiến cho cuộc chánh trị Ngài trong đạo đức giới mang tiếng là bất công bất nghĩa, vì đã chẳng phạt tội mà lại còn dung thứ tội nhơn. Nhân cớ ấy rất cần biện chánh cuộc chánh trị Ngài, minh chứng rằng Đức Chúa Trời quả là công nghĩa, dầu Ngài đã khoan dung các tội phạm trước kia, nhưng ấy chẳng phải là bỏ qua đâu,bèn buộc phải theo lẽ công nghĩa tuyệt đối mà hình phạt nó mới phu phỉ sự thánh khiết Ngài, làm thỏa mãn sự công nghĩa Ngài vậy.

Vả, sự chết của Christ trên thập tự giá là tế lễ vãn hồi mà Đức Chúa Trời thiết lập trong huyết Ngài, cốt để đền bồi tội lỗi loài người đã phạm từ lúc nguyên tổ sa ngã trở đi, mà làm phu phỉ sự công nghĩa của Ngài ở trong việc chịu cả hình án của tội lỗi ấy. Sự chết của Ngài cũng bày tỏ sự công nghĩa ấy, mà chứng rằng Đức Chúa Trời theo lẽ rất công nghĩa mà xưng nghĩa kẻ tin đến Jesus vì Jesus đã không những làm phu phỉ sự công nghĩa của Đức Chúa Trời thôi đâu, lại đã đền bồi cả tội lỗi của họ đã xúc phạm với sự công nghĩa ấy nữa. Thành thử, nhờ sự chết của Christ, Đức Chúa Trời theo hai mặt mà bày tỏ sự công nghĩa Ngài, ấy là Ngài lấy cả hình phạt chính tội nhơn đáng chịu mà gia cho Christ chịu thay thế, rồi nhân đó xưng nghĩa kẻ có lòng tin đến việc thế mạng ấy.

Nhà thần đạo A.H. Strong kết luận sự giải nghĩa Ro 3:25,26 mà rằng: “Câu ấy tỏ ra: (1) Sự chết của Christ thật là một tế lễ đền tội (vãn hồi); (2) tế lễ ấy có hiệu năng trên Đức Chúa Trời hơn hết (vì biểu minh sự công nghĩa Ngài, binh vực cuộc chánh trị Ngài); (3) đặc tánh của Đức Chúa Trời hay đòi sự đền tội là đức công nghĩa, hay là đức thánh khiết của Ngài; (4) việc làm phu phỉ đức thánh khiết ấy là điều kiện khẩn yếu cho Đức Chúa Trời có thể xưng nghĩa kẻ tin đến Jesus Christ vậy.

(2) Phương pháp của sự chuộc tội:Vấn đề thứ hai là: Có dùng phương pháp gì để chuộc tội? Hay là tại sao gọi sự chết của Christ là công bình? Muốn đáp lẽ cho vấn đề ấy, thì phải theo quan sát điểm về nhân tánh của Christ mà giải luận ra sự chuộc tội mới giải quyết được.

Trên đây chúng ta đã thấy sở nhân gọi Đức Chúa Trời đòi loài người phải đền bồi tội lỗi là công bình; nay tỏ ra làm sao sự đền bồi của Christ là phải phép, đến đỗi gọi người vô tội chịu hình chịu chết vì kẻ có tội là chí công chí chánh được. Lý luận giải đáp vấn đề nầy do sự liên hiệp của Christ với loài người, đại khái gồm có ba điều lược luận như dưới đây.

(a) Christ nhận lấy nhân tánh của ta:Phương pháp Đức Chúa Trời dùng để chuộc tội là Đấng Christ. Christ là Đạo (Logos), Ngôi thứ hai trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Đấng ấy có thể làm việc đó được, vì Ngài theo hai phương diện mà liên hiệp với cả giống loài người.

(1) Bởi cuộc sáng tạo và thần hữu: Từ thái cổ, từ cuộc sáng tạo, Christ nhờ sự dựng nên loài người mà liên hiệp với họ;vì “muôn vật đã được dựng nên trong Ngài” Ngài là sự sống và sự sáng của loài người, vì “Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người” (Gi 1:4).Ngài cũng là Đạo tự tại (Logos immanent) thông suốt muôn vật, là Thần hữu phổ thông, trải qua các giai đoạn của lịch sử loài người đã hằng lấy quyền năng Ngài mà nâng đỡ bảo tồn họ vì “muôn vật đều tồn tại trong Ngài” (Co 1:16,17).

(2) Bởi sự đầu thai: Nhưng Christ liên hiệp với giống loài người càng thân mật muôn phần hơn nữa, ấy là Ngài xuống đời,được đầu thai bởi Thánh Linh vào lòng Nữ đồng trinh, chịu lấy bản tánh loài người,trở nên người thuộc dòng giống họ, đồng cốt nhục của họ, đồng khí huyết với họ.Mà Ngài đã liên hiệp với loài người thân mật dường ấy, thì tất nhiên cũng dự phần trong trách nhiệm và nghĩa vụcủa họ đối với luật pháp và đối với công nghĩa của Đức Chúa Trời, đồng chịu sự xét đoán và sự định tội của luật pháp, cùng chung bị dưới cơn thạnh nộ của sự công nghĩa Đức Chúa Trời hằng phát phân với tội nhơn.Những câu viện dẫn sau đây chứng thực cho lẽ đạo nầy: Gi1:14; Ro 8:3; Ga 4:4; He 2:14-18

Ấy vậy, Christ sở dĩ có thể chuộc tội cho loài người, giải cứu họ khỏi quyền phép của Sa-tan và tội lỗi, là tại vì Ngài nhờ sự đầu thai mà liên hiệp với họ, nhận lấy nhân tánh của họ mà trở nên người, đồng chịu trách nhiệm với họ trong việc can thiệp đến Đức Chúa Trời và cuộc chánh trị của Ngài.

Ta có thể thí dụ giống loài người như bầy chim sẻ kia mắc phải lưới của thợ săn, hết sức vẫy vùng để thoát thân, nhưng không thế được, phải thất vọng mà thôi. Nhưng may thay! Kìa, có một chim ưng rất lớn từ trên cao kia liệng xuống, hạ vào chỗ bầy chim sẻ đương mắc lưới kia, mà cùng mắc lưới với chúng. Song chim ưng nọ vừa to vừa mạnh hơn, nên tung cánh đứt lưới mà bay bổng lên trời, mang theo cả lưới lẫn chim sẻ, xé rách cả lưới mà khiến cho mình cùng cả bầy chim sẻ đều được giải cứu. Ví dụ nầy tuy bất toàn nhưng cũng có thể tả ra thế nào Christ vì liên hiệp với loài người, giáng lâm vào chốn khốn nạn của họ, đồng chịu sự khốn nạn của họ, mới giải cứu họ khỏi sự khốn nạn ấy.

(b) Ngài kế thừa địa vị định tội:Christ chuộc tội cho loài người sở dĩ được gọi là công bình, là vì lúc Ngài nhận lấy nhân tánh của họ, thì cũng kế thừa luôn địa vị định tội của họ. Khi Ngài được đầu thai trong lòng Nữ đồng trinh, thì trở nên Người thuộc dòng giống loài người đồng dự phần với giống ấy trong mọi nghĩa vụ và trách nhiệm của họ đối với luật đạo đức và sự công nghĩa của Đức Chúa Trời.

Vả, vì cả giống loài người đều hiệp nhứt cách hữu cơ (union organique), nên từ A-đam đến nay, mỗi phần tử (mỗi người) của giống loài người đều đã sanh ra trong chính địa vị của A-đam đã mắc phải lúc sa ngã. Địa vị ấy có ba phương diện là: (1) tánh hủ bại bởi sự phạm tội mà ra; (2)sự mắc tội với đức thánh khiết của Đức Chúa Trời; (3) án chết do luật đạo đức định cho kẻ phạm tội.

Christ chẳng kế thừa bản tánh hủ bại của A-đam, bởi vì Ngài không theo công lệ thiên nhiên mà sanh ra trong đời, bèn được đầu thai trong lòng mẹ bởi Thánh Linh, và nhân đó được nhân tánh tinh sạch khỏi sự hủ bại nguyên bản bởi tổ tiên lưu lại. Mà đã không thừa kế tánh hủ bại, thì tâm linh Ngài cũng chẳng mắc nguyên tội, bèn sanh ra ở đời được tinh khiết vô tội vậy. Vả, đành rằng Ngài đã không kế thừa tánh hủ bại, chẳng mắc nguyên tội,song Ngài quả có kế thừa cái địa vị bị án tội, nên cũng phải chịu trách nhiệm của án ấy vào mình là sự chết vậy. Dầu nhân tánh Ngài được thuần khiết chẳng bị một vết hủ bại nhỏ nào do A-đam lưu lại, song nhân vì Ngài thuộc dòng giống loài người, nên đồng chịu trách nhiệm với họ đối với luật đạo đức, cùng chung bị dưới cái án tội mà luật ấy đã định cho họ, đến đỗi nếu phải chịu hình chịu chết đặng đền án tội ấy, cũng chẳng gọi là bất công bất nghĩa nữa đâu.

Vả lại, nếu Christ không khứng hiệp nhứt với giống loài người, thì cũng không cần phải chịu trách nhiệm ấy. Song sau khi đã trở nên người, đã nhận lấy nhân tánh vốn bị dưới án rủa sả của luật pháp ấy rồi, thì cũng kế thừa luôn cái trách nhiệm chịu hình do án ấy mà ra, không sao thoát khỏi được. Hơn nữa, nhân vì Ngài không những là một phần tử thông thường của dòng giống loài người thôi đâu, mà lại là Đại biểu của giống ấy, tức A-đam thứ hai, Người Lý tưởng của đời, Bậc Điển hình của loài người nữa, nên chi vừa lúc mới ra đời, thì cả thạnh nộ của Đức Chúa Trời vốn phát phân nghịch cùng dòng giống loài người kia đều giáng ngay trên Ngài; và bởi vì Ngài liên hiệp với họ cách quan hệ dường ấy, nên cũng kế thừa địa vị bị tội án của họ luôn cả trách nhiệm phải đền tội án ấy nữa.

Thí dụ, có người phạm tội sát nhơn, phải án tử hình. Tuy cha mẹ anh em là người lương thiện, chẳng can dự đến tội sát nhơn ấy chút nào thì cũng phải đồng chịu sự đau đớn nhục nhã với người, đến đỗi tán gia bại sản, nghèo khổ vô cùng. Tại cớ sao vậy? Há chẳng phải tại vì những anh em lương thiện ấy là các phần tử của gia đình, thông thuộc lẫn nhau đến đỗi kẻ nầy phải đồng chịu trách nhiệm với người kia, chung chịu đau đớn cũng như chung phần vui vẻ đó hay sao? Cho nên khi họa sát nhơn xảy đến, thì các người lương thiện trong nhà ấy cũng bị liên lụy mà đồng chịu họa ấy với phạm nhơn, mà không ai gọi sự ấy là bất công bất nghĩa đâu.

Thí dụ nầy tuy rất bất toàn, vì sự đồng chịu khổ với tội nhơn trong một gia đình chẳng chuộc tội người được đâu, nhưng cũng đủ lý tỏ ra thế nào Christ nhân vì sự liên hiệp với giống loài người, Ngài cũng có thể đồng chịu tội án với họ mà không trái lẽ công bình đâu. Hai câu Kinh Thánh viện dẫn sau đây minh chứng rằng Christ quả kế thừa cái địa vị bị án tội của loài người: IICo 5:21; Ga 3:13

Ta khá lưu ý đến điều nầy: Cái địa vị tội án mà Christ phải kế thừa đó chẳng phải do kỷ tội Ngài mà ra đâu, vì chính Ngài chẳng có kỷ tội nào cả; bèn là do tội thứ nhứt của A-đam, tức là do sự vi phạm nguyên bản của loài người mà ra vậy. Nhưng cái tội án ấy bao hàm cả hình phạt của kỷ tội chúng ta nữa; bởi chưng nguyên tội của tổ tiên là gốc rễ, còn kỷ tội ta là nhánh nhóc; nên chi nếu Christ phải kế thừa án của tội gốc, cố nhiên cũng phải kế thừa án của các kỷ tội do gốc đó mà ra nữa.

(c) Ngài thế vị ta mà chịu án chết: Ví thử Christ nhân vì sự liên hiệp với loài người mà đã kế thừa địa vị tội án của họ, tức là án chết, thì Ngài chịu án chết ấy ở nơi mình Ngài cũng không phải là trái lẽ công bình đâu. Chắc cũng tại lẽ thật ấy mà Kinh Thánh thường chứng rằng:“Đấng Christ phải chịu thương khó” (Cong 17:3); “Ngài vì mọi người phải nếm sự chết” (He 2:9); “Nguyên soái của sự cứu rỗi họ… chịu khổ nạn… là phải lắm.” (He 2:10). Còn chính Chúa phán rằng: “Há chẳng cần cho Christ cam chịu những nỗi ấy…sao?” (Lu 24:26). Tại sao gọi sự chịu hình chịu chết của Chúa đó là việc cần phải?Sở dĩ Ngài cần phải chịu án chết ấy, há chẳng phải vì Ngài là Người, thuộc trong dòng giống ta, làm Đại biểu ta, cùng chung với ta mà kế thừa trách nhiệm của tội án ấy, là tội án mà luật của Đức Chúa Trời đã định cho ta là kẻ phạm pháp đó hay sao? IICo 5:21 chứng lẽ: Câu Kinh Thánh chứng rõ hơn hết cho lẽ đạo nầy là: IICo 5:21

Câu ấy dạy ba điều quan hệ:

(1) Christ chẳng có tính hủ bại: Câu “Đấng vốn chẳng biết tội lỗi”, dạy rõ lắm Christ chẳng bị tánh hủ bại do nguyên tổ di truyền. Mà đã không có tánh hủ bại, cố nhiên cũng chẳng có hoặc nguyên tội hoặc kỷ tội vậy. Nói một lời, khi Christ giáng sanh, thì chẳng kế thừa tánh hủ bại do nguyên tội của A-đam lưu lại; bèn sanh ra tinh khiết vô tội vậy.

(2) Christ kế thừa địa vị định tội ta:Câu “Đức Chúa Trời đã vì chúng ta mà khiến (Ngài) trở nên tội lỗi”, chứng rằng Ngài quả đã kế thừa địa vị định tội của ta. Cớ sao nói vậy? Ấy vì nếu Christ chẳng có tánh hủ bại do nguyên tội A-đam mà ra, thì danh từ “tội lỗi” trong câu nầy chẳng chỉ về sự mắc tội, bèn chỉ về sự định tội, tức là chỉ về cái án chết mà luật pháp định cho kẻ phạm tội vậy. Thành thử, câu nầy dạy rằng Đức Chúa Trời nhờ Christ đầu thai trở nên Người mà khiến cho Ngài đồng hiệp với loài người để chịu án chết của tội lỗi họ.

Kê cứu hai danh từ “công nghĩa” và “tội lỗi” trong câu đó, thì dễ thấy ý ấy chắc là đúng. Nếu danh từ “tội lỗi” chỉ về sự hủ bại, thì danh từ “công nghĩa” chắc chỉ về sự thánh khiết. Nhưng ý ấy chắc sai lầm, vì phản đối với nhiều câu khác vẫn minh chứng rằng Christ chẳng bị tánh hủ bại gì cả. Nên danh từ “công nghĩa” chắc không chỉ về sự thánh khiết,bèn chỉ về sự xưng nghĩa; còn danh từ “tội lỗi” chắc cũng không chỉ về sự hủ bại,bèn chỉ về định tội, hay là án tội đó vậy. Thật thế, Christ kế thừa án tội ta,hầu cho ta có thể nhờ công lao Ngài mà được kế thừa công nghĩa của Ngài vậy.

(3) Christ chịu hình của tội ta: Câu “khiến (Christ) trở nên tội lỗi”, chẳng những là luận về Ngài kế thừa địa vị tội án mà lại còn chứng rằng Ngài chịu án ấy ở nơi mình, đến đỗi phải vì nó mà chịu hình chịu chết. Bởi vì, nếu Ngài nhân sự liên hiệp với loài người mà kế thừa địa vị tội án, thì tất nhiên cũng nhân đó mà kế thừa trách nhiệm chịu hình của án ấy mới hiệp lý. Song cái tội án ấy không phải là do tội riêng của Ngài mà định,bèn là do tội chúng ta; và cái hình do án ấy mà định cũng không phải là hình phạt tội của Ngài, bèn là hình phạt tội của chúng ta vậy. Ngài chịu cắt bì (Lu 2:21), Ngài chịu lễ tẩy uế (Lu 2:22-24), Ngài chịu báp têm (Ma 3:15), hết thảy đều là những việc ngầm chứng rằng Ngài khuất phục địa vị bị tội án chung của cả giống loài người và nhân đó công nhận rằng cái án phạt xứng đáng cho tội lỗi loài người, ấy là sự chết.

TỔNG ĐOÁN

Tổng đoán đều đã học ở trên, chúng ta thấy về phương diện Đức Chúa Trời, sự chuộc tội cần thiết bởi vì (1) đức thánh khiết của Đức Chúa Trời đòi phải gia hình cho tội, dầu chính Con yêu dấu của Ngài phải chịu sự gia hình ấy thì cũng không thể bỏ qua. (2) Đức yêu thương của Đức Chúa Trời đòi phải giải cứu tội nhơn cho khỏi sự gia hình ấy; dầu chính Đức Chúa Trời phải sắm sửa phương pháp cứu rỗi mà phó Con độc sanh của Ngài chịu sự gia hình ấy để làm thành tựu cuộc cứu rỗi đó, thì cũng không tiếc.

Về phương diện loài người, thì sự chuộc tội được nên bởi vì (1) Christ liên hiệp với giống loài người; nhận lấy bản tánh của họ mà trở nên người; (2) nhân vì Ngài là Người nên cũng chung với loài người mà đồng chịu trách nhiệm đối với luật đạo đức và công nghĩa của Đức Chúa Trời, cũng thừa kế địa vị định tội của họ; (3) vì Ngài là Đại biểu của loài người bảo lãnh giống loài người, cho nên Ngài cũng có thể theo lẽ công bình mà mang lấy tội án đó như là của chính mình mình, đem tánh mạng cực quí mình mà chịu hình chịu chết để chuộc loài người khỏi sự định tội ấy.

c) Những lẽ chứng thực cho chánh thống thuyết: Những lẽ luận đến sau đây chứng thực cho ý kiến của chánh thống thuyết:

(1) Đúng đắn với triết lý của đạo:Chánh thống thuyết rất đúng đắn với triết lý của đạo Christ, bởi vì:

(a) Dạy đúng về tánh chất của ý chỉ loài người, luật đạo đức, tội lỗi, hình án và sự công nghĩa, chủ trương rằng ý chí loài người chẳng những là một bản năng để quyết định làm việc nầy việc kia thôi đâu, lại cũng là chính cái chí hướng cố định và thái độ quyết nhiên của bản ngã đối với sự thiện sự ác, đến đỗi người ta là người thể nào cũng chỉ tại chí hướng và thái độ của họ là thể ấy đó thôi.

(b) Cũng chủ trương rằng luật đạo đức chẳng do ý chỉ độc đoán của Đức Chúa Trời mà được thiết lập, cũng chẳng phải được ban bố ra cốt vì thuận tiện cho cuộc chánh trị Ngài ở trong đạo đức giới đâu,bèn là do Bản ngã của Ngài mà ra, biểu dương đức tánh thánh khiết và công nghĩa của Ngài.

(c) Lại thuyết nầy cũng coi tội lỗi không những bằng việc làm thôi, nhưng cũng coi bằng một trạng thái gian ác cố định do cảm tình và ý chí của tội nhơn gây nên vậy.

(d) Cũng dạy rằng mục đích của sự trừng phạt tội nhơn chẳng phải cốt để sửa lại tánh tình của người, hoặc để ngăn ngừa việc ác đâu, bèn là để binh vực và bảo toàn sự thánh khiết của Đức Chúa Trời,mà đã bị loài người xúc phạm rồi.

(e) Thuyết nầy cũng chủ trương rằng sự công nghĩa của Đức Chúa Trời chẳng phải là sự nhân từ, bèn là một tâm đức đặc biệt của bản tánh Ngài, hằng đòi phải gia hình tội lỗi, chẳng chịu bỏ qua một tội lỗi nào, hoặc dung thứ cho một tội nhơn nào cả.

(2) Bao hàm cả những lý tưởng chánh đáng của các thuyết kia: Chánh thống thuyết cũng bao hàm được các lý tưởng chánh đáng của bốn thuyết kia, mà lại thoát khỏi các ý sai lầm của chúng. Như thuyết Socin chủ trương rằng sự chết của Christ treo gương rất tốt; thuyết Bushnell dạy rằng sự thương khó Ngài có cảm lực đạo đức để cảm hóa người ta; thuyết Grotius quyết rằng sự chết Ngài bảo toàn cuộc chánh trị của Đức Chúa Trời; và thuyết Anselme dạy rằng sự chết Ngài đền bồi tội phạm cùng sự oai nghiêm của Đức Chúa Trời và chỉ cứu rỗi tuyển dân mà thôi. Hết thảy các lý tưởng ấy đều được bao hàm trong chánh thống thuyết cả: Thật Christ đã chịu đau khổ của thập tự giá, để chuộc tội người ta, ấy là gương rất tốt, đầy đủ cảm lực đạo đức để cảm hóa loài người rất mạnh, sự chết ấy cũng bảo toàn cuộc chánh trị của Đức Chúa Trời và đền bồi tội lỗi của tuyển dân. Nhưng hơn nữa, chánh thống thuyết lại còn quyết dạy rằng các lý tưởng đúng đắn ấy chẳng có hiệu lực gì nếu trước hết không có sự đền bồi chuộc tội để làm phu phỉ đức thánh khiết của Đức Chúa Trời đã. Chính việc ấy Con Đức Chúa Trời đã làm xong bởi sự nhận lấy nhân tánh, trở nên người, chịu hình chịu chết để đền trả đầy đủ mọi điều mà đức thánh khiết của Đức Chúa Trời đòi loài người phải đền trả đó vậy.

(3) Thích hiệp với Kinh Thánh:Thuyết nầy lại rất thích hiệp với sự dạy dỗ của Kinh Thánh, vì chủ trương rằng sự chuộc tội vốn một sự cần thiết tuyệt đối (nécessité absolue), do ở trong đức thánh khiết của Đức Chúa Trời đòi buộc phải có mà được nên. Có câu Kinh Thánh dưới đây chứng cho lẽ thật ấy: Cong 17:3. “Christ phải chịu thương khó”. Dịch câu ấy theo thứ tự nguyên văn thì như vầy: “Lấy làm cần thiết cho Christ phải chịu thương khó.” Lu 24:26

Nói rằng Christ chịu hình chịu chết chỉ để làm ứng nghiệm lời tiên tri không đủ; bèn phải nói rằng nếu đã có lời dự ngôn về sự chịu hình chịu chết ấy, và Đức Chúa Trời đã dự định cho Christ phải cam chịu như thế, thì đều chỉ tại bởi vì trong bản tánh Đức Chúa Trời có một sự cần thiết tuyệt đối bắt buộc Christ phải chịu như vậy mới yên tâm toại chí mới toàn cứu loài người được đó thôi.

(4) Giải nghĩa rõ thế nào phải trả xong mọi điều đức thánh khiết của Đức Chúa Trời đòi hỏi tội nhơn:Trong năm thuyết nầy, chỉ có chánh thống thuyết giải nghĩa rõ thế nào phải trả xong mọi điều thiếu thốn, mọi mối nợ nần mà đức thánh khiết của Đức Chúa Trời đòi hỏi ở nơi tội nhơn. Ấy là phải có Đấng vô kỷ tội liên hiệp với dòng giống loài người mà kế thừa địa vị định tội của họ, nhận hình án do sự định tội ấy mà ra, đem dâng chính mình làm sinh tế để đền bồi mọi tội lỗi, đền trả mối nợ ấy,mới phu phỉ đức thánh khiết của Đức Chúa Trời vậy.

(5) Thích hiệp với pháp ngữ tế lễ trong Kinh Thánh: Chỉ chánh thống thuyết minh giải lý do về pháp ngữ tế lễ trong Tân Ước, và về các lễ nghi sinh tế của Cựu Ước. Bởi vì pháp ngữ tế lễ trong Tân Ước do thể hệ tế lễ của đạo Môi-se mà ra, và cũng tỏ ra thể hệ tế lễ ấy được ứng nghiệm trong Jesus Christ vậy. Giả như lễ nghi về sự đặt tay trên đầu con dê, xưng tội của dân trên nó, rồi đuổi nó ra đồng vắng nhằm ngày đại lễ chuộc tội (Le 16:21), nếu chúng ta chẳng nhận Christ đã thế vị cho tội nhơn, mang lấy tội của họ mà đem vứt xa đi, thì làm sao giải nghĩa lễ nghi trên kia cho rõ được ư?

(6) Dạy đúng về sự chết của Christ:Chỉ chánh thống thuyết dạy đúng về sự chết của Christ, cho sự chết ấy là trung tâm của công việc Ngài. Hội Thánh cũng lấy các lễ nghi, như là Báp têm, lễ Tiệc thánh, v...v. mà đồng chứng cho lẽ thật ấy. Sự từng trải của tín đồ cũng minh chứng cho thuyết nầy nữa, vì công nhận thập tự giá của Christ là quyền năng đầu nhứt trong cuộc cứu rỗi, nên thánh vậy. Phần đông của họ chẳng khác gì ông Luther xưa kia khi thông hiểu ý nghĩa của sự chuộc tội, thì hình như sấp mình xuống trước thập tự giá mà kêu lên rằng: “Vì tôi, vì tôi!” vậy.

(7) Thích hiệp với sự cần dùng của bản tánh loài người: Chỉ chánh thống thuyết làm thỏa mãn lòng đói khát của loài người, cứu rỗi tội nhơn, ban cho lương tâm được bình an,mở đường cho tín đồ tìm được đời sống mới ở trong sự thánh khiết trọn vẹn của Christ. Thuyết nầy cũng tỏ ra Christ chịu chết sống lại là một cảm lực rất linh nghiệm để giục giã tín đồ muốn ăn ở theo một đời sống mới dường ấy.

d) Lời bình luận về sự chuộc tội.

Trải qua các đời có rất nhiều người vì lòng dữ và chẳng tin mà đã phi nghị đạo chuộc tội, thường hay viện cớ nọ đặng bài xích đạo ấy, xin kể lại vài lời quan hệ hơn hết như sau đây:

(1) Trở ngại đức tánh của Đức Chúa Trời:Có kẻ bình luận rằng, nếu nhận rằng quả không có Christ thế vị cho người ta mà chuộc tội, thì tội lỗi họ hẳn chẳng được tha. Dường ấy Đức Chúa Trời há chẳng thiếu kém về sự vô sở bất năng sao, bởi vì còn có chỗ Ngài không làm được? Hay là nếu Ngài vẫn là vô sở bất năng, mà lại không muốn tha thứ cho tội nhơn, thì ấy há chẳng tỏ ra Ngài thiếu thốn sự yêu thương ư?

Ta xin đáp: Kẻ luận như thế chưa hiểu thấu thần tánh vô sở bất năng và sự yêu thương của Đức Chúa Trời. Các tâm đức của Ngài luôn bày tỏ ra thần tánh của Ngài, và thảy đều chiếu theo sự thánh khiết và công nghĩa mà vận dụng chẳng có đức nào thiên về bên nào, nhưng hết thảy đều hiệp với nhau mà thực hành ý chỉ thánh của Ngài vậy. Như thế dầu đức thánh khiết đòi sinh tế để đền tội, thì đức yêu thương vui lòng sắm sửa con sinh ấy cho. Đức Chúa Trời tỏ ra lòng yêu thương mình chẳng bởi trái bỏ lẽ công nghĩa đâu bèn là bởi việc hi sinh mình đền trả các điều mà sự công nghĩa đòi ở nơi lòng người vậy.

(2) Phản nghịch với sự tha tội:Có kẻ khác bình luận rằng, nếu quả có sự chuộc tội thì sự ấy há chẳng phản nghịch với sự tha tội sao? Bởi vì nếu quả đã đền bồi tội rồi, thì còn chi nữa mà tha thứ cho ư?

Xin đáp: Kẻ luận như thế quên rằng Đấng thế vị mà chuộc tội đó, cũng là Đấng tiên cáo, lại cũng là Quan tòa xét xử kẻ bị cáo nữa, Ngài đem chính tánh mạng mình mà đền tội cho kẻ bị cáo để làm phu phỉ sự thánh khiết của Ngài. Cho nên tội nhơn vẫn còn sự tha thứ, vì sự chuộc tội cũng do Quan tòa làm ra, nên bên bị cáo cần được nghe Quan tòa tuyên bố rằng:“Tội ngươi được tha!” mới tránh khỏi lương tâm trách móc được. Thế thì, sự chuộc tội và sự tha tội chẳng phản nghịch nhau đâu, bèn là cái nầy bao bọc cái kia.Nên Giăng cũng gọi sự tha tội là công bình, vì là do công lao của Đấng Christ đã đền tội mà ra vậy: IGi 1:9

(3) Trở ngại sự công nghĩa của Đức Chúa Trời: Có nhà khác bình luận rằng, một Đấng vô tội,phải chịu hình phạt thế cho tội nhơn, thật là bất công bất nghĩa lắm. Sự ấy không những là không thể tỏ ra sự công nghĩa của Đức Chúa Trời, mà thật lại chứng nghiệm rằng Ngài là rất bất công bất nghĩa vậy.

Ta đáp: Nếu Christ bị gắng gượng ép buộc vì tội ta mà phải chịu thương khó, thì lời phi nghị ấy đúng lắm; nhưng Christ chẳng bị ép buộc chuộc tội đâu; Ngài tình nguyện thế mạng ta mà hi sinh mình cho Đức Chúa Trời để đền tội ta đó vậy. Vả lại, chẳng phải là Đức Chúa Trời theo lối độc tài độc đoán mà thẩm phán người nầy, thế vị kẻ kia, bèn là chính Chúa công nghĩa vô cùng chịu hình phạt thế cho tội nhơn, vì Ngài vốn đã hiệp nhứt thể với họ, đã kế thừa địa vị định tội của họ, đồng có trách nhiệm với họ, và phải lấy chính mình mà chịu án của sự định tội. Cho nên Ngài đứng ra mà chịu án ấy thế cho họ, chẳng phải là bất công bất nghĩa đâu, bèn là chí công chí chánh vậy.

(4) Trái với đạo đức:Cũng có kẻ luận rằng, đạo chuộc tội kết quả trái với đạo đức ở trong tín đồ; bởi vì sự vâng phục của Christ thay thế cho sự vâng phục của họ, đến đỗi họ không cần vâng phục nữa.

Ta đáp: Kẻ thốt ra lời ấy chẳng hiểu thấu các điều kiện của sự chuộc tội; bởi vì hễ ai muốn dự phần đến hiệu nghiệm của sự ấy, thì phải ăn năn tội, tín nhận Chúa Jesus Christ. Còn sự ăn năn và đức tin ấy kết qủa trong tín đồ sự tái sanh và sự nên thánh, khiến cho người trở nên kẻ tận tâm tận ý vâng phục Chúa mọi bề. Kỳ thực, đức tin đến sự chuộc tội chẳng hề sanh ra sự phóng tứ túng dục đâu, bèn là do sự yêu thương hành động ở bề trong (Ga 5:6), mà làm sạch lòng (Cong 15:9), gây nên tánh tốt nết lành, rất thích hiệp luật đạo đức mọi bề.

VII. PHẠM VI CỦA SỰ CHUỘC TỘI

1. PHÂN BIỆT Ý NGHĨA “ĐẦY ĐỦ” VÀ “HIỆU NGHIỆM”

Luận về phạm vi của sự chuộc tội, chúng ta khá phân biệt hai ý nghĩa, là sự đầy đủ và sự hiệu nghiệm của sự chuộc tội.Luận về ý nghĩa “đầy đủ”, thì sự chuộc tội trong Christ là phổ thông, đầy đủ để cứu chuộc cả giống loài người. Nhưng luận về ý “hiệu nghiệm”, thì gọi sự chuộc tội là có giới hạn, nghĩa là chỉ có hiệu nghiệm cho những kẻ bởi đức tin công nhận sự cứu chuộc ấy. Trong ITi 4:10 Phao-lô luận đến cả hai ý nghĩa ấy mà rằng:“Cũng bởi cớ ấy mà chúng ta khó nhọc và chiến đấu vì đã để lòng trông cậy nơi Đức Chúa Trời hằng sống, là Cứu Chúa của mọi người, nhứt là của kẻ tin.”

Nhà giải nghĩa Kinh Thánh M. Henry luận về sự chuộc tội có nói rằng: “Sự chuộc tội đầy đủ cho mọi người, nhưng chỉ có hiệu nghiệm cho một số người mà thôi.” Có nhiều câu Kinh Thánh chứng thực cho cả hai ý nghĩa ấy, xin viện dẫn ra dưới đây:

a) Sự chuộc tội là phổ biến: He 2:9; ITi 2:6. ITi 4:10 viện dẫn ở trên; Tit 2:11; IGi 2:2; IIPhi 3:9;

b) Sự chuộc tội có hạn: Eph 1:4,7; IITi 1:9,10; Gi 17:9,20,24

2. CHRIST LÀ CỨU CHÚA CỦA MỌI NGƯỜI NGHĨA LÀ GÌ?

Nếu có ai hỏi rằng Christ là Cứu Chúa của mọi người thế nào? Thì ta xin đáp:

a) Nhờ sự cứu chuộc của Christ mà Đức Chúa Trời có thể huỡn sự chấp hành án tội lại, ban cho mọi người đủ thì giờ để ăn năn, và hưởng được các hạnh phước do tội lỗi mà họ đã mất rồi. Phỏng như không có Thập tự giá, thì Đức Chúa Trời đã thực hành tội án nơi nguyên tổ ta ngay trong lúc họ vừa phạm tội rồi đó kia. Thật sở dĩ sau khi phạm tội mà loài người vẫn còn tồn tại đấy, là chỉ tại có Thập tự giá đó thôi. IIPhi 3:9; Ma 5:45; Cong 14:17

b) Nhờ sự chuộc tội Đức Chúa Trời đã sắm sửa phương pháp cứu rỗi đầy đủ cho mọi người, bởi vì nhân sự ấy mà Ngài đã cất khỏi tâm chí Ngài mọi mối trở ngại Ngài tha thứ cho tội nhơn, duy tội nhơn cứ cố ý phản nghịch cùng Ngài, quyết không khứng trở lại cùng Ngài, thì mới không thể dự phần trong ơn cứu rỗi ấy được đó là khác. Ro 5:8-10; IICo 5:18-20

c) Trong cuộc chuộc tội do Thập tự giá có ảnh hưởng mạnh để giục giã tội nhơn ăn năn trở lại cùng Chúa. Cũng bởi đó mà có Thánh Linh và Hội Thánh để truyền bá Tin Lành ra khắp nơi, hầu cho mọi người được biết và cảm xúc tình yêu thương lạ lùng bày tỏ trong đó, mà chịu ăn năn vâng phục Chúa. Tiềm năng lực (force potentielle) của sự chuộc tội thật vô hạn,cả giống loài người có thể nhờ đó mà được cứu. Nhưng hiệu nghiệm của sự chuộc tội thì hữu hạn; bởi vì chỉ những kẻ thật lòng ăn năn tín nhận mới được cứu rỗi mà thôi. Ro 2:4; Gi 16:8; IICo 5:18-20 viện dẫn ở trên.

d) Nhờ sự chuộc tội Đức Chúa Trời sẽ cất sự rủa sả khỏi muôn vật, đến đỗi sẽ chẳng còn lại một di tích nào của tội lỗi nữa.Es 5:13; Ro 8:21,22

e) Cũng nhờ sự chuộc tội mà các con trẻ chết trước khi chưa đến tuổi lớn khôn đều được cứu rỗi (Xem Ma 18:10;19:13-15). Nhưng ở ngoài kẻ ấy, sự cứu chuộc chỉ có hiệu nghiệm cho kẻ tin; bởi vì họ được cứu là tại họ đã nhận theo điều kiện của sự cứu rỗi mà ăn năn tín nhận Chúa Jesus Christ vậy. Cong 2:38."