- Được viết bởi: Mục sư Olsen
- Chuyên mục: Thần Đạo Học của Olsen
(Tội khiên học)
Sự đau đớn buồn rầu của người đời do quyền lực và sự bại hoại của tội lỗi mà ra, làm đầy dẫy lòng người, lúc nhúc lao nhao cả chúng sanh. Kẻ qua người lại chắc không một ai thoát khỏi khuôn rập của tội lỗi, do nguyên tổ di truyền từ đời nọ qua đời kia. Ai thuộc về nguyên tổ,nấy cũng chịu ảnh hưởng của nguyên tổ sa ngã, và sự kết quả của tội lỗi do đó mà ra.
Vấn đề tội lỗi rất quan hệ với thần đạo học, ta chia ra làm sáu chương, tức là 1) Luận về luật pháp Đức Chúa Trời đối với tội; 2) Luận về căn nguyên của tội; 3) Luận về tội thực tại; 4) Luận về chân tánh của tội; 5) Luận về tội tràn khắp mọi nơi; 6) Luận về sự hình phạt của tội.Xin chuyên tâm luận đến từng chương sau đây.
CHƯƠNG 1: LUẬN VỀ LUẬT PHÁP CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI ĐỐI VỚI TỘI LỖI
MUỐN luận về tội lỗi của loài người,thì trước hết cần phải luận về luật pháp của Đức Chúa Trời, và chân tánh của luật pháp ấy. Khi Đức Chúa Trời tạo thành loài người thì Ngài cũng định luật cho họ luôn; bởi vì nếu không có định luật, thì cũng không thể nào biết sự vâng lời hoặc định tội cho ai. Vả, nói cách đại khái, tội lỗi của loài người sở dĩ có là do sự trái luật của Đức Chúa Trời mà ra. Vậy, thiết tưởng lấy làm quan hệ mà kê cứu qua chân tánh của luật pháp ấy.
I. Ý ĐẠI KHÁI
1. LUẬT PHÁP TỎ RA Ý CHỈ KẺ LẬP PHÁP
Luật pháp tỏ ra đức tánh của kẻ lập pháp. Thấy luật Đức Chúa Trời, thì biết được sự thánh khiết, sự công nghĩa, và sự yêu thương đều là những yếu tố thuộc trong bản tánh Ngài, mà cũng là điều tỏ bày phận sự mà ý chỉ Ngài đòi loài người phải làm trọn vậy.
2. TỎ RA QUYỀN BÍNH CỦA KẺ CHẤP PHÁP
Luật pháp lại tỏ ra quyền bính của kẻ chấp pháp để thực hành theo ý mình như đã bày tỏ trong luật pháp ấy. Bằng chẳng vậy, thì luật ấy chẳng qua là một bản văn tự suông, chớ không có hiệu lực gì cả.
3. TỎ RA BỔN PHẬN CỦA KẺ THỦ PHÁP
Luật pháp cũng tỏ cho kẻ thủ pháp phải làm cách nào để vâng giữ trách nhiệm đã bày ra trong luật pháp đó, và sự thưởng thuận phạt nghịch là thể nào.
II. HAI LOẠI LUẬT PHÁP
Kê cứu vấn đề luật pháp, thì thấy chia ra làm hai loại đặc biệt như sau đây.
1. LUẬT THIÊN NHIÊN
Luật thiên nhiên cũng gọi là luật tự nhiên giới, hoặc là luật vật chất giới. Cuộc đời là bể dâu, cảnh vật mây chó,thảy đều theo lệ nhứt thành bất biến. Luận về vật lớn lao như trái đất luân chuyển, mặt trăng, ngôi sao đi chung quanh mặt trời, cũng đều thống thuộc trong công lệ vũ trụ mà không sai chạy mảy may nào cả. Lại luận đến điều rất nhỏ, như có chừng 75.000.000 vi trùng trong một nhểu nước; nó cũng không vượt ra khỏi khuôn rập của công lệ đó. Xem xét vũ trụ, buộc ta công nhận chắc phải có Đấng Chủ tể trù hoạch sắp đặt định luật cho muôn vật, bắt buộc nó đều phải tuân hành đó vậy. Vả, luật pháp thiên nhiên tỏ ra những điều như sau đây:
a) Tỏ ra Đấng lập pháp:Nếu không có Đấng Chủ tể chí tôn chí đại, toàn năng toàn tri trù hoạch sửa sang muôn vật trong vũ trụ, thì cớ sao muôn vật ấy vẫn mãi theo công lệ mà không thoát khỏi khuôn rập ấy được bao giờ? Luật pháp chứng rằng hễ có luật pháp, cố nhiên có Đấng lập pháp vậy.
b) Tỏ ra ý chí của Đấng lập pháp: luật pháp bày tỏ ra ý chí và đức tánh của lòng Đấng lập pháp. Xem công lệ trong vũ trụ, thì thấy được hình trạng của Đức Chúa Trời cũng như Kinh Thánh chép rằng: xem Ro 1:19,20. (cũng xem Cong 17:26,27).
c) Tỏ ra một Đấng có quyền thực hành luật pháp: Rất cần yếu cho luật pháp có quyền bính nào để bắt buộc phải thực hành các qui điều của nó; bằng chẳng nó chỉ trở nên như những lời ước nguyện đó thôi. Đức Chúa Trời chẳng những là định công lệ cho muôn vật, nhưng Ngài lại còn lấy quyền mà thực hành các điều ấy cho hoàn toàn. Trong He 1:3 có chép, “Con… lấy lời quyền năng mình mà nâng đỡ muôn vật.” Muôn vật đã nhờ lời Chúa mà tạo thành từ ban đầu, cũng nhờ lời Chúa mà tồn tại đến cuối cùng (Sa 1:3; IIPhi 3:4-7). Nếu không có quyền năng Đức Chúa Trời hành động trong các luật pháp của tự nhiên giới, chắc hẳn nó không lưu tồn được một giây phút nào.
d) Tỏ ra phẩm vị của luật pháp: Vô luận vật nhỏ hay lớn trong vũ trụ nầy,thảy đều ở dưới thiên nhiên luật, có chương trình nhứt định tuân theo ý chỉ Đức Chúa Trời, không khi nào vượt qua khỏi phạm vi ấy được.
e) Tỏ ra mục đích của luật pháp: Cái mục đích của Đức Chúa Trời về thiên nhiên luật là sự hiệp hòa của muôn vật. Nên luật ấy định mọi vật đều phải tuân theo cái mục đích đó, phải xâu vào một lẽ mà lấy ý chỉ Đức Chúa Trời làm then chốt trung tâm vậy.
2. LUẬT ĐẠO ĐỨC
Luật đạo đức cũng gọi là luật thị phi,được chép ở trong lòng, trên bảng đá, và trong sách; cũng có sự tương tợ khắng khít với luật thiên nhiên.
a) Được chạm trong lòng:Đức Chúa Trời chiếu theo hình Ngài mà tạo thành loài người, ban cho họ thiên lương và linh tánh rất cao. Tại nơi linh tánh ấy Ngài lại biên một luật pháp; dầu không bằng nét chữ, nhưng có đủ quyền biện phân phải trái, phân biệt lành dữ cũng như Đức Chúa Trời vậy. Nếu loài người không bị tội lỗi tiêu diệt hình tượng của Đức Chúa Trời trong tâm linh họ, chắc về sau không cần ban bố luật pháp đạo đức ra hai ba lần khác mà khắc vào đá, biên vào sách nữa. Trong thơ Rô-ma Phao-lô chép rằng: xem Ro 2:14-16.
b) Được khắc vào đá:luật pháp nầy được gọi là Mười Điều răn, bởi miệng Đức Chúa Trời phán (Phu 4:36), nhờ chính tay Ngài viết ra (Xu 24:12), được truyền ra trong sự oai linh chói sáng (Xu 19:16; He 12:18-21), và là giao ước của Ngài lập với dân sự Ngài (Xu 19:5; Phu 5:2,3). Bổn phận của mọi người làm nên mọi điều bao hàm trong đó (Tr 12:13). Tóm lại mọi điều ấy là phải hết lòng, hết linh hồn, hết ý yêu mến Đức Chúa Trời và người lân cận như mình (Ma 22:34-40). Luật đạo đức rất trọn vẹn và trong sạch (Thi 19:7,8), đời đời không hề bị bãi bỏ (Lu 16:17), Đấng Christ giữ theo trọn vẹn (Ma 3:15), ngoài Ngài chẳng hề có ai được xưng công nghĩa đối với luật ấy (Ro 10:4).
c) Chép vào sách:nói cách rộng, thì luật đạo đức được chép vào Tân Cựu Ước. Có khi riêng một Ngũ kinh, có khi cả bộ Cựu Ước được gọi là luật pháp; cũng có đoạn ám chỉ gọi đạo Đức Chúa Trời là Luật pháp nữa (Ma 7:12; Lu 24:44; Gi 10:34,35; Gi 12:34; Ro 3:19,20; ITi 1:7; Thi 1:2; Thi 119: ). Có thể nói rằng Kinh Thánh Đức Chúa Trời bày tỏ trách nhiệm, phần thưởng và hình phạt của loài người đối với luật pháp đạo đức.
d) Luật đạo đức và luật thiên nhiên giống như nhau: Luật đạo đức và luật thiên nhiên giống như nhau sau đây:
(1) Tỏ ra Chúa lập pháp:Luật đạo đức tỏ ra Đức Chúa Trời là Đấng lập luật ấy, ban bố nó ra theo ba cách, tức là chạm trong lòng loài người, khắc vào bảng đá ở trên núi Si-na-i,và nhờ các tiên tri và sứ đồ chép vào Kinh Thánh.
(2) Tỏ ra đức tánh Đức Chúa Trời: Luật đạo đức tỏ ra đức tánh và ý chí trong lòng Đức Chúa Trời. Các qui tắc của luật ấy biểu dương phẩm vị và bản tánh của Ngài, đến đỗi luật ấy đòi ta thể nào, thì chính Đấng lập pháp cũng thể ấy. Ngài dạy loài người phải công nghĩa và thánh khiết (IPhi 1:16). Mạng lịnh ấy không những làm khuôn phép để buộc loài người phải ở công nghĩa và thánh khiết, lại tỏ ra bản ngã của chính Đức Chúa Trời cũng là công nghĩa thánh khiết tuyệt đối. Đức Chúa Trời lại rất trọn vẹn, không thiếu thốn chỗ nào hết. Luật pháp Ngài cũng như vậy, đòi sự trọn vẹn ở nơi loài người, đến nỗi họ chẳng nên có chỗ nào có thể gọi là khuyết điểm nữa. Thực,Ngài bảo mọi người rằng: “Các ngươi phải thánh khiết, vì ta là thánh khiết” (IPhi 1:16).
(3) Tỏ ra Đức Chúa Trời có quyền thực hành luật đạo đức: Đức Chúa Trời chỉ ban bố luật đạo đức cho nhân loại có tánh đạo đức, biết phân biệt phải quấy. Vì cớ ấy Ngài bắt buộc họ phải giữ làm theo. Bằng chẳng, Ngài có quyền thực hành án phạt của luật ấy.Xem bề ngoài, hình như Đức Chúa Trời không lợi dụng quyền ấy. Nhưng kỳ thực, bản tánh công nghĩa Ngài buộc Ngài phải dùng quyền ấy đặng thực hành luật pháp Ngài. Nếu có khi Ngài chậm thi hành luật pháp đó, là chỉ tại vì sự yêu thương của Ngài khiến Ngài tầng phen đình lại việc kinh khiếp ấy. Thế thì, nếu thấy giờ báo ứng của Đức Chúa Trời chưa đến, thì chớ vội chê bai Ngài là vô quyền. Nhà hiền xưa chép rằng: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, nhược hoàn bất báo, thời thần vị đáo.” Câu ấy rất đúng lắm vậy. Kinh Thánh cũng dạy rằng: xem Ro 2:5,6;IIPhi 3:9
(4) Tỏ phàm sanh vật có linh tánh đều ở dưới quyền luật ấy: Hễ sanh vật nào có linh tánh, phân biệt phải quấy, đều bị nhốt dưới luật đạo đức, vì phạm vi của nó rộng vô cùng (Thi 119:96). Bất cứ sanh vật ấy thuộc về thời đại dĩ vãng, hiện tại hay tương lai,hễ phạm tội thì bị luật đạo đức khép án; cư xử đạo đức thì được luật ấy tưởng thưởng, Kinh Thánh chép: xem Ro 3:23; Gia 4:17
(5) Tỏ mục đích của luật pháp ấy là hiệp hòa trong cõi linh giới: Hễ giữ luật đạo đức thì bảo toàn sự hiệp hòa trong linh giới. Nhưng chẳng may có quỉ Sa-tan phá hủy luật ấy,làm cho sự đẳng thứ trật tự trong cõi đạo đức bị lộn xộn (Es 14:13,14), đến đỗi cả loài người và một số thiên sứ đều bị ảnh hưởng vô phước của biến động ấy,khiến mất sự hòa hiệp với Đức Chúa Trời và với nhau nữa (Ro 3:19; Giu 1:6). May nhờ thập tự giá của Christ có tài hay hòa hiệp lại với mọi sự đã vì trái luật đạo đức mà phải bị lộn xộn, phản nghịch nhau. Ngài giữ luật đạo đức trọn vẹn, chẳng chỗ nào trái phạm mảy may gì cả (Eph 2:12-18). Xem Es 14:13,14; Ro 3:19; Giu 1:6; Eph 2:16-18.
III. ĐẶC TÁNH CỦA LUẬT ĐẠO ĐỨC
Vả, luật đạo đức biểu dương bản tánh của Đức Chúa Trời, bày ra tấm lòng và ý chí đời đời của Ngài. Lẽ thật ấy dạy cho ta hiểu đặc tánh của luật ấy cách rõ hơn, như sau đây:
1. Còn đời đời: Luật đạo đức nguyên bày tỏ ra bản tánh của Đức Chúa Trời. Bản tánh ấy đời đời chẳng hề thay đổi. Gia cơ chứng rằng: “Trong Ngài (Đức Chúa Trời) chẳng có sự biến cải, cũng chẳng có bóng dời đổi” (Gia 1:17). Thành thử, luật đạo đức cũng đời đời, chẳng có điều cực nhỏ nào bị dời đổi đâu bao giờ. Chúa Jesus thường phán rằng: “Mãi đến khi trời đất qua đi, một chấm một nét trong luật pháp hẳn không qua đi cho đến khi mọi sự xảy ra rồi” (Ma 5:18). Tuy các điều răn và lễ nghi thuộc về chánh giới của dân Ysơraên xưa phải bị thay đổi như vần mây, thì lẽ thật thuộc linh tiềm tàng trong đó không hề thay đổi hoặc bỏ đi bao giờ, nó vẫn cứ còn bao hàm trong luật pháp của Christ đến đời đời cũng không hề mất. Dầu trải đời loài người hay trái phạm điều ấy, thì nó vẫn còn vững bền như bản tánh của chính Đức Chúa Trời vậy.
2. Cùng khắp cả: Đức Chúa Trời lập luật đạo đức chẳng những vì chỉ một khu vực, một dòng dõi, một thời kỳ riêng, bèn là vì cả muôn dân muôn nước trải suốt các thời đại quá khứ và tương lai. Bởi vì không có sanh vật nào có tánh đạo đức bất cứ ở đâu mà có thể thoát khỏi cái khuôn mẫu luật pháp Đức Chúa Trời bao giờ. Hễ tánh hạnh mình không hiệp với cái khuôn mẫu ấy, ắt phải bị hư hoại khổ sở đó thôi.
3. Gồm cả hai mặt tiêu cực và tích cực: Luật đạo đức không những là nghiêm cấm loài người những việc không nên làm, nhưng cũng dạy họ những việc nên làm. Nói cho đúng thì đại ý của luật pháp chẳng phải chú trọng về mặt tiêu cực mà chỉ răn cấm, bèn chú trọng về mặt tích cực mà bảo người ta hãy vâng giữ theo ý chí của Đức Chúa Trời tỏ ra trong đó; bởi vì mục đích lớn của luật đạo đức là dạy cho loài người phải nên giống như Đức Chúa Trời trong mọi tánh hạnh (Gia 4:17;Gi 4:24).
4. Không độc đoán: Luật đạo đức chẳng độc đoán, vì không có mục đích bó buộc loài người hoặc phá hủy sự tự do của họ đâu; bèn có mục đích bày tỏ sự can thiệp của Đấng Tạo hóa cùng loài thọ tạo, để mở rộng cảm tưởng loài người ra, khiến cho họ lần tấn hóa, đạt đến bực trọn vẹn như Đức Chúa Trời vậy. (Ma 5:48; Ma 22:37-40)
5. Thực tại ở ngoài sự cảm xúc loài người: Luật đạo đức thực tại và hành quyền trên mọi người, dầu họ cảm xúc sự ấy hay không. Giả như các công lệ của thân thể ta, tuy ta không nhìn nhận, cũng chẳng cảm xúc các công lệ ấy, thì nó vẫn còn vận hành trong thân thể ta luôn luôn. Luật đạo đức cũng vậy. Người ta không thể bãi bỏ luật thiên nhiên cai trị thân thể họ mặc dầu họ quyết rằng không có luật ấy;cũng không thể bãi bỏ luật đạo đức đâu, mặc dầu họ quyết rằng không có. Dẫu có lắm người muốn chối bỏ sự thống trị của Đức Chúa Trời thì cũng không vì cớ ấy mà họ có thế xóa bỏ được sự thống trị đó đâu, bởi vì dầu nhận hay không, thì Ngài cũng vẫn cứ làm mọi sự theo ý muốn của Ngài (Thi 2:1-4).
6. Can thiệp đến cả phẩm vị của cá nhân: Luật đạo đức không những là can thiệp đến một phần của cá nhân, bèn can thiệp đến cả người, tức can thiệp đến cả phần thân, hồn và linh vậy. Đức Chúa Trời không những đòi sự thánh khiết trong phần tâm linh và tâm hồn, lại đòi sự thánh khiết trong thân thể nữa; cũng đòi sự trong sạch trong tư tưởng và hành vi do đó mà ra. Luật đạo đức vốn từ bản tánh Đức Chúa Trời mà ra, nên đòi bản tánh của loài người phải giống như bản tánh của Ngài. Hễ ai kém sự thánh khiết trọn vẹn trong lòng và trong xác đều trái nghịch luật ấy.
7. Hằng hành quyền trên ta: Luật đạo đức hành quyền trên ta luôn, hoặc trong lúc quá khứ, hiện tại hay tương lai cũng vậy. Luật ấy nghiêm cấm mọi thứ tội nhỏ hay lớn, lên án cho tội cố phạm và ngộ phạm, đòi người phải có mọi đức tánh, phải trọn vẹn như chính Đức Chúa Trời vậy. Kinh Thánh chép: xem Thi 119:96; Ro 3:23; Gia 4:17
Có thể bãi bỏ các luật thiên nhiên,nhưng không thể bãi bỏ luật đạo đức, vì chẳng khác gì bãi bỏ chính bản tánh của Đức Chúa Trời vậy.
8. Thuộc linh: Luật đạo đức và luật thuộc linh, không những đòi những lời nói việc làm của loài người phải đúng đắn, nhưng cũng đòi chính lòng cũng có thái độ và cớ tích xứng hiệp với ý chỉ Đức Chúa Trời nữa. Hễ muốn đẹp lòng Đức Chúa Trời không những cần phải có sự vâng lời trọn vẹn, tình yêu thương trọn vẹn đối với Đức Chúa Trời và loài người thôi đâu, lại rất cần yếu cho cả bản tánh mình bề trong và bề ngoài đều được thánh khiết giống như Đức Chúa Trời vậy. Chúa Jesus dạy rằng hễ ai giận anh em mình thì phạm tội sát nhơn rồi; còn ai ngó đàn bà mà động tình thì mắc tội tà dâm (Ma 5:22, Ma 5:28). Lại dạy rằng: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết trí ngộ, hết sức mà yêu mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi… hãy yêu kẻ lân cận như mình” (Mac 12:30,31). Còn Phao-lô khuyên ta phải “bắt hết tâm tư dẫn về hàng phục Christ” (IICo 10:5); và “hãy nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời như con cái rất yêu dấu” (Eph 5:1). Nói một lời, “Các ngươi phải thánh khiết,vì ta là thánh khiết” (IPhi 1:16), ấy điều mà luật Đức Chúa Trời đòi nơi ta vậy.
9. Cái gương soi mặt thuộc linh của loài người: Đức Chúa Trời vốn ban bố luật đạo đức cho người thứ nhứt là A-đam, hầu cho nhờ sự vâng giữ theo đó mà người được cứu. Nhưng khi sa ngã phạm tội thứ nhứt, thì loài người thất vọng mà nhờ sự vâng giữ luật ấy để được đẹp lòng Đức Chúa Trời. Từ đó về sau luật đạo đức chỉ là một cái gương soi mặt thuộc linh của loài người, bày tỏ cho họ biết chân tánh của tội, sự hư hoại của lòng, và sự thất vọng của kẻ nào ướm thử nhờ luật ấy để được cứu. Lại luật đạo đức cũng nhơn vì những điều ấy mà dọn đường cho tội nhơn tìm kiếm và công nhận ơn cứu rỗi ở nơi Jesus Christ vậy. Khi vua Giô-si-a nghe các lời luật pháp, thì cảm xúc tội quá mà xé áo mình (IISu 34:19). Khi Gióp đã gặp Đức Chúa Trời đối mặt cùng Ngài, thì kêu rằng, “Trước lỗ tai tôi nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ mắt tôi đã thấy Ngài. Vì vậy, tôi lấy làm gớm ghê tôi, và ăn năn trong tro bụi” (Giop 42:5,6). Ê-sai vừa thấy Chúa, nghe tiếng Sêraphin kêu, “Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Giê-hô-va vạn quân!” thì liền kêu la rằng, “Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy…” (Es 6:3,5). Còn thánh Phao-lô quyết rằng, “Chẳng có xác thịt nào nhờ việc làm theo luật pháp mà sẽ được xưng công nghĩa trước mặt Ngài; vì luật pháp cho người ta biết tội.” (Ro 3:20; cũng xem Ro 5:20;7:7,8; Ga 3:24). Ấy vậy, luật pháp chỉ khiến cho người ta biết tội mình, chớ chẳng có thể cứu ai khỏi tội ấy bao giờ. Việc ấy chỉ nhờ ân điển Đức Chúa Trời bày ra trong Jesus Christ mà làm nên đó thôi.
IV. SÁNH LUẬT PHÁP VỚI ÂN ĐIỂN
1. Luật đạo đức không tỏ ra hết tánh ý của Đấng lập pháp: Luật pháp thực bày ra ý chí và tánh chất của kẻ lập pháp. Nhưng mà chưa chắc luật đạo đức bày tỏ ra mọi sở năng, phẩm cách của bản tánh và ý chí của Đức Chúa Trời cách trọn vẹn đâu. Gẫm xét thì thấy luật ấy quả bày ra sự thánh khiết, công nghĩa và quyền năng của Ngài rõ lắm. Nhưng về sự nhơn từ, hiền lành và yêu thương của Ngài,thì luật ấy chẳng nói gì đến.
2. Đấng lập pháp có quyền tùy cơ ứng biến: Luật pháp vẫn là một lệ định nhứt thành bất biến. Tuy vậy, nhà chấp chánh có quyền tự do tùy cơ ứng biến,không bị luật pháp bó buộc mà phải cứ thi hành theo một mực luôn đâu, bèn là có thể nhơn thời do việc mà thi hành; nếu muốn khép án cho tội nhơn thì được; mà nếu muốn ân xá thì cũng có quyền làm. Đức Chúa Trời cũng vậy. Ngài không phải là không có chỗ dư địa biến thông đâu. Nếu Ngài muốn dùng cách khác hơn luật pháp mà đối đãi loài người, bày tỏ ra cho họ biết thêm bản tánh và ý chí Ngài, thì cũng được cả, chẳng gì ngăn trở hết. Luật đạo đức không tỏ ra tình yêu thương,sự ân điển và lòng nhơn từ của Đức Chúa Trời được; phải nhờ công cuộc cứu chuộc của Christ mà bày ra những tâm đức hạnh phước ấy. Giả như cuộc tạo hóa không trừ khữ phép lạ dấu kỳ; cũng vậy, luật pháp chẳng trừ khữ ân điển. Kinh Thánh dạy rằng:xem Ro 8:3; Gi 1:17
3. Ân điển chẳng trừ bỏ luật pháp: Ta chẳng nên lầm tưởng rằng ân điển trừ khữ luật pháp. Trái lại ân điển tái quyết và làm hoàn toàn luật pháp. Ân điển mở đường cho Đức Chúa Trời có thể tha tội cho loài người, và giúp đỡ họ vâng phục Đức Chúa Trời. Dường ấy, ân điển thật khiến cho người làm trọn luật pháp vậy. Nói cho đúng, ân điển cũng có luật lệ nhứt định, gọi là “luật pháp của Thánh Linh”“luật pháp của đức tin”, luật đạo đức có quyền buông tha khỏi luật pháp của tội và sự chết, ban cho loài người trở lại làm con cái của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh dạy rằng: xem Ro 3:21; Ro 8:2-4
4. Ân điển cao hơn luật pháp: Ân điển rất cao hơn luật pháp, vì bày tỏ ra bản tánh của Đức Chúa Trời trọn vẹn. Có ông luận về đề mục nầy mà rằng: “Luật pháp đòi hỏi mọi sự; ân điển ban cho mọi sự. Luật pháp định tội cho; ân điển tha tội cho. Luật pháp rủa sả tội nhơn; ân điển cứu chuộc tội nhơn. Luật pháp khiến cho người bị chết; ân điển làm cho người được sống. Luật pháp bịt miệng mọi người lại ở trước mặt Đức Chúa Trời; ân điển mở miệng mọi người ngợi khen Ngài.Luật pháp khiến cho tội nhơn phải tránh xa Đức Chúa Trời; ân điển đưa tội nhơn đến gần Ngài. Luật pháp giáng sự giận dữ trên thù nghịch; ân điển tỏ tình yêu thương cùng họ. Luật pháp cậy việc làm hầu được sống; ân điển cậy đức tin mà được sự sống. Luật pháp tỏ ra người công nghĩa có tội; ân điển kể người tội là công nghĩa. Luật pháp đòi cá nhân phải tự nên công nghĩa; ân điển ban Jesus Christ vì cá nhân mà nên công nghĩa. Luật pháp thì con chiên làm hy sinh cho kẻ chăn;ân điển thì kẻ chăn vì chiên mà hy sinh mình. Luật pháp đòi phải có việc làm mới ban phước; ân điển ban mọi phước nhưng không.” Nói tóm lại, hễ nhờ công việc của luật pháp, thì không ai đạt đến địa vị trọn vẹn mà được sự sống đời đời bao giờ;chỉ nhờ công lao của Christ mới được vượt khỏi sự chết mà đến sự sống vậy.
CHƯƠNG 2: LUẬN VỀ CĂN NGUYÊN CỦA TỘI
CĂN NGUYÊN của tội thật một vấn đề rất mờ tối và khó giải quyết cho rõ ràng. Kinh Thánh nói đến sự ấy cách mờ mờ, ám chỉ rằng những điều xảy ra trong thời gọi là tiền thời gian, thì Đức Chúa Trời chẳng vui lòng khải thị cho chúng ta biết. Dầu vậy, Kinh Thánh có một vài đoạn sách ám chỉ về căn nguyên của tội, tuy chỉ tỏ sơ qua thế nào nó nhập vào lòng của Sa-tan; nhưng cũng nói minh bạch về cách nào nó nhập vào dòng giống loài người.
I. TỘI LỖI NHẬP VÀO CÕI THIÊN SỨ
1. Sự sa ngã của Lucifer: Trong tiên tri Ê-sai có kỷ thuật truyện tích về sự sa ngã của Lucifer (Sao mai), con của sự Sáng sớm, vua Ba-by-lôn (Es 14:4, Es 14:13-17). Suy nghĩ về sự ấy, dễ thấy vị ấy không thuộc về dòng giống loài người, bèn thuộc về cõi siêu nhiên, có vua Ba-by-lôn làm hình bóng cho. Sự tích ấy chắc tả vẽ sự phản loạn và sa ngã của Sa-tan. Khi nó “vẫn bụng bảo dạ rằng: Ta sẽ lên trời, sẽ nhắc ngôi ta lên trên các ngôi sao Đức Chúa Trời. Ta sẽ ngồi trên núi hội về cuối cùng phương bắc. Ta sẽ lên cao những đám mây, làm ra mình bằng Đấng Rất cao,”thì tội lỗi mới sanh ra trong lòng nó. Từ giờ ấy trở đi tội lỗi đã vào vũ trụ,và Sa-tan khởi sự gây cuộc phản loạn cùng Đức Chúa Trời. Tiên tri Ê-sai cũng dự cáo về cuối cùng nó, dạy rằng nó phải thua, bị bỏ xuống âm phủ, sa vào nơi vực sâu (cũng xem Kh 20:10).
2. Hột giống của tội: Trong tiên tri Exe 28: có chép bài ca thương về vua Tyrơ. Exe 28:1-10 chắc nói về vua Ty-rơ. Nhưng Exe 28:11-19 hẳn là ý vượt khỏi sự từng trải của vua ấy mà nói đến một vị khác không thuộc về cõi trần gian, gọi là chêrubin che phủ (Exe 28:14). Vị ấy chắc là Sa-tan. Tiên tri nhờ thần cảm tả ra trạng thái nguyên thủy của nó, chức phận, sự phản loạn, sự sa ngã, và sự đoán phạt nó. Cũng ám chỉ rằng cái hột giống của nguyên lý tội ác trong lòng Sa-tan là sự kiêu ngạo. Exe 28:17 chép, “Lòng ngươi đã kiêu ngạo vì sự đẹp ngươi, và sự vinh hiển của ngươi làm cho ngươi làm hư khôn ngoan mình.”
Theo hai đoạn vừa dẫn trên, ta có thể đoán rằng, trạng thái của Sa-tan rất vinh quang, sự khôn ngoan nó rất cao kỳ,quyền thế nó hẳn tối thượng, bởi cớ đó mà nó sanh lòng kiêu ngạo, muốn chiếm vị Đức Chúa Trời, thay Ngài làm Đức Chúa Trời vậy. Nhưng nó bị đổ xuống, trở nên ma quỉ rất đê hèn; còn từ ấy nhẫn nay nó hằng tranh chiến cùng Đức Chúa Trời, cốt ý để phá hủy Ngài và công việc của Ngài. Cảm tạ Đức Chúa Trời, nó bị án rồi!Christ, Con Đức Chúa Trời, thắng hơn nó, đương đợi ngày mà Ngài sẽ bắt nó, ném nó vào hồ lửa diêm sanh, giam cầm nó tại đó cho đến đời đời vô cùng (Kh 20:10).
II. TỘI LỖI NHẬP VÀO DÒNG GIỐNG LOÀI NGƯỜI
Tuy căn nguyên của tội lỗi rất mờ tối,thì việc tội lỗi xen vào dòng giống loài người rất rõ ràng, được kỷ thuật trong Sáng 3. Phần nhiều trước giả của Kinh Thánh cũng đều nói đến, đồng thinh chứng rằng tội lỗi trong loài người do Sa-tan cám dỗ tổ tiên ta, trái mạng Đức Chúa Trời, mà ăn trái cây cấm trong vườn Ê-đen. Tóm tắt lại cả sự dạy dỗ của Kinh Thánh về vấn đề nầy, thì có thể đoán rằng do hai điều mà tội lỗi nhập vào loài người.
1. Do sự dỗ dành của Sa-tan: Kinh Thánh thuật lại rằng Sa-tan dùng con rắn dỗ dành tổ tiên ta trái mạng Đức Chúa Trời mà phạm tội. Xem Sa 3:1; Kh 12:9; ITi 2:14.
2. Do nguyên tổ không vâng lời: Kinh Thánh cũng dạy rằng tội lỗi vào dòng giống loài người là tại vì nguyên tổ ta không vâng lời Đức Chúa Trời, bèn nghe Sa-tan phao vu Ngài, trái mạng mà ăn trái cấm, rồi bị tội (Sa 3:1-8). Tội ấy nguyên tổ di truyền lại cho các hậu tự người, khiến cho họ cũng có bản tánh khuynh hướng về tội ác như tổ phụ vậy. Phao-lô chép: xem Ro 5:19 (Cũng xem Ro 5:12, Ro 5:18; Thi 51:5; Thi 59:3).
CHƯƠNG 3: LUẬN VỀ TỘI LỖI THỰC TẠI
TỘI LỖI trong thế gian chẳng phải một sự ảo tượng như nhiều kẻ quả quyết đâu, bèn là một thực sự minh bạch như chánh ngọ,rất đáng kinh khiếp. Có nhiều bằng cớ chứng thực cho sự thực tại của tội lỗi.Sau đây xin kể lại bốn điều:
I. CÕI THIÊN NHIÊN LÀM CHỨNG
Cõi thiên nhiên chứng thực cho sự thực tại của tội trong thế gian. Xem xét muôn vật thì thấy vật nào cũng có tương đối,tốt và xấu, lành và dữ, phước và họa; cái nầy hằng phản đối với cái kia, phá hủy trật tự, khiến cho sự hiệp hòa nguyên bản mất hẳn. Loài người vốn sanh vật tối cao bị phục dưới quyền sự chết thiên nhiên và thuộc linh, linh tánh mất đạo đức nguyên bản, tâm trí mê mẫn trong sự hôn muội, và các lương năng tốt nhứt đã bị tư dục hãm lấy.
Tình hình của cõi thiên nhiên cũng bày tỏ sự thực tại của tội lỗi, đến đỗi âm thanh của muôn vật đều ngấm ngầm chứng thực cho sự tai họa ấy; kìa ngọn gió thổi vi veo, lá cây khua xào xạc, giọng chim kêu chiu chít, tiếng nước chảy róc rách, v...v., thảy đều là giọng buồn tiếng thảm, đồng thinh chứng rằng quả địa cầu nầy đã bị đắm chìm trong bể buồn thảm khóc lóc do tội lỗi mà ra vậy.
II. LOÀI NGƯỜI LÀM CHỨNG
Chính loài người hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đều chứng thực cho sự thực tại của tội lỗi. Các bộ luật pháp chỉ ban bố để trách phạt tội, những công đường, lao xá và pháp trường, thảy đều chứng thực rằng tội lỗi quả thực tại. Kê cứu vô luận là đạo giáo nào, triết lý chi,tác phẩm gì, thì thấy hết cả đều minh giải rằng thế gian có tội.
Trong lòng người cũng nhìn nhận mình có tội, cảm biết ở nơi mình chẳng có quyền gì tự cứu khỏi ách nô lệ của bản tánh gian ác. Nhà triết học Sénèque (2-66 S.C) quả quyết rằng, “Chúng ta hết thảy đều phạm tội, người nầy nhiều, kẻ kia ít.” Thi nhơn Ovid (43 T.C. – 16 S.C.) quyết rằng, “Chúng ta hết thảy đều ham muốn điều đã nghiêm cấm rồi.” Ông Goethe, một thi nhơn và nhà triết học trứ danh nhận rằng, “Tôi không thấy tội lỗi nào trong kẻ khác mà chính mình tôi không thể phạm được.” Ông Khổng tử chứng, “Chí ư thiện nhân, ngô vị chi kiến giả dã.” Lương tâm của mọi người đều đồng thinh với mấy ông trên đây và với cả đồng loại mà nhìn nhận tội lỗi quả thực tại, tự cáo mình “đã phạm tội, không đạt đến sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Ro 3:23).
III. LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI LÀM CHỨNG
Đức Chúa Trời dùng luật pháp và lời của Ngài mà chứng thực loài người có tội lỗi. Ro 3:20 có câu: “Luật pháp cho người ta biết tội.” Chữ “biết” đây nghĩa đen là “từng trải”. Loài người không những là biết về tội lỗi bằng tâm trí, bèn là đã từng trải tội lỗi rồi. Vả, Kinh Thánh dạy về sự thực tại của tội lỗi mà rằng:
1. Tội can thiệp đến tấm lòng (linh tánh).Thường khi Kinh Thánh luận về tội lỗi thì minh giải tội vốn nằm từ ở cõi lòng,tức nơi linh tánh. Trong Thi 51:5 vua Đa-vít chứng rằng, “Kìa, tôi sanh ra trong sự gian ác, mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi;” rồi sau lại có câu rằng,“Đức Chúa Trời ôi! Xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong sạch, và làm cho mới lại trong tôi một thần linh ngay thẳng” (Thi 51:10). Phao-lô cũng nói về tội trong mình mà rằng: “Cho nên điều lành tôi muốn, thì tôi không làm, còn điều ác tôi không muốn, thì tôi lại làm. Song nếu tôi làm điều tôi không muốn, thì chẳng phải là tôi làm điều đó nữa, bèn là tội lỗi ở trong tôi” (Ro 7:19,20). Tiên tri Giêrêmi dạy rằng: “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa, ai có thể biết được?” (Gie 17:9). Còn do “lòng dữ và chẳng tin” thì sanh ra sự phản loạn cùng Đức Chúa Trời, kết cuộc lìa bỏ Đức Chúa Trời hằng sống (He 3:12).
2. Lòng vốn cội rễ của tội trong người: Kinh Thánh không những nói ác tưởng trong lòng loài người là tội, mà lại nói rõ tội lỗi của loài người đều phát nguyên từ đáy lòng họ. Chúa Jesus đã phán: “Người lành do nơi chứa điều thiện mà phát ra điều thiện; nhưng kẻ dữ do nơi đã chứa điều ác mà phát ra điều ác” (Ma 12:35). Phao-lô cũng dạy: “Nhưng tội lỗi đã nhơn dịp bởi điều răn mà gây nên đủ thứ tham dục trong tôi” (Ro 7:8). Gia-cơ luận:“Nhưng mỗi người bị cám dỗ là bị tư dục mình lôi kéo dụ dỗ. Đoạn, tư dục đã hoài thai, thì sanh ra tội lỗi” (Gia 1:14,15).
IV. SỰ CÔNG KIẾN CỦA MỌI NGƯỜI LÀM CHỨNG
1. Lương tâm làm chứng: Hễ xem xét bề trong thì thấy mỗi người có một bản năng gọi là lương tâm. Nếu lưu ý đến bản năng ấy, dễ nghe tiếng nó hằng ngày quyết chứng rằng: “Ngươi có tội.”Chưa có ai đến tuổi lớn khôn mà không nghe tiếng lương tâm cáo trách, kiện mình quả mắc tội với Đấng Tạo hóa và với đồng loại mình. Mỗi khi mình trái luật đạo đức, thì nghe lương tâm cáo kiện rằng mình đã làm quấy, kỳ thực, lương tâm đối với kẻ phạm tội chẳng khác gì tên lính kia đuổi theo tầm nã thủ phạm đương trốn tránh, không dứt cắn rứt quở trách kẻ phạm tội. Phao-lô chép: xem Ro 2:15
Nghĩa là mình làm quấy thì luật đạo đức vốn ghi trong lòng mình cáo trách, còn khi mình làm phải thì nó khen lao.
2. Tục ngữ làm chứng: Ta nghe vô luận dân tộc nào cũng thường dùng những tục ngữ, thành ngữ làm chứng tội lỗi, như nói, “Tâm thuật bất chánh”, “Tâm tánh hiểm độc”, “Giữ lòng quỉ quyệt”,“Đầy lòng ghen ghét”, “Lòng người nham hiểm”, v...v. Xem những câu ấy, cũng ngầm nhận được ở trong tâm tánh vốn có tội lỗi.
3. Sự tài phán của chánh phủ làm chứng: Xem khắp đâu đâu cũng thấy vô luận dân nào nước nào thảy đều có luật pháp, công đường, lao xá, pháp trường, quan tòa, thầy kiện, v...v. Thử hỏi tại sao có những điều ấy? Há chẳng phải vì dân nào cũng đều có tội sao? Bởi chưng nếu có tội mới cần có cách thẩm phán, cần phân đẳng cấp tội, để cho biết hoặc là tội cố phạm,ngộ phạm; vì biết vậy, mới có thể luận tội gia hình hoặc nặng hay nhẹ theo mực công bình vậy. Thế thì, mỗi khi ta thấy người bị bắt điệu đến tòa án, xử đoán,rồi giam vào ngục, hoặc bị xử tử tại pháp trường, thì biết rằng đó là bằng cớ chứng thực loài người quả có tội.
4. Sự từng trải của loài người làm chứng: Hễ ta kê cứu các đạo giáo, các thống hệ triết lý, đọc qua các tác phẩm của các văn hào thi bá, bất luận thuộc về dân nào nước nào, thì chắc nghe tiếng loài người,hoặc gián tiếp hay trực tiếp, chứng minh rằng: “Tôi có phạm tội.” Xin do Kinh Thánh mà trưng dẫn lời chứng thực của những người đã nhận rằng: “Tôi phạm tội.”
Khi Pha-ra-ôn, vua bội nghịch cố chấp kia,thấy sự kết quả đáng kinh khiếp do sự bội nghịch của mình, thì thú thật rằng:“Trẫm đã phạm tội.” (Xu 9:27; Xu 10:16). Khi thiên sứ cảnh cáo Ba-la-am, người đa mưu kia, về con đường hư mất của người, thì người nhận rằng: “Tôi có phạm tội.”(Dan 22:34). A-can người tham lam, cũng nhận rằng: “Tôi đã phạm tội.” (Gios 7:20). Vua Đa-vít thấy sự hư hoại của lòng mình, thật tình ăn năn mà thú nhận rằng:“Ta đã phạm tội” (IISa 12:13). Nê-hê-mi, đầy tớ khiêm nhường của Đức Chúa Trời,hiệp dân sự với mình mà công nhận rằng: “Chúng tôi đã phạm tội” (Ne 1:6). Ông Gióp cũng nhận sự gian ác của mình mà rằng: “Tôi có phạm tội” (Giop 7:20,21).Tiên tri Michê suy gẫm về sự công bình của Đức Chúa Trời, thì tự định tội mà nhận rằng: “Tôi có phạm tội” (Mi 7:9). Giu-đa, đứa bán Chúa, ném bạc dưới chơn bọn thầy tế lễ mà thú nhận rằng: “Tôi đã phạm tội” (Ma 27:4). Con hoang đàng sau khi đã tiêu sạch gia tài mình, thì trở về cùng cha mà thú nhận rằng: “Con đã phạm tội… với cha.” (Lu 15:21). Phàm kẻ nào thật tình thú tội mình chắc được Đức Chúa Trời giải cứu, tha thứ cho, ban cho sự sống đời đời chẳng sai (Giop 33:27-30).
5. Sự từng trải của tín đồ làm chứng:Xưa nay những người rất trong sạch trong vòng dân Đức Chúa Trời, thường đau đớn tội lỗi trong lòng hơn hết. Bởi vì hễ ai càng gần Đức Chúa Trời thánh sạch chừng nào, lại càng rõ tình hình thực tại của mình là bất khiết chừng nấy, và càng biết rằng Đức Chúa Trời chẳng xét đoán theo điều Ngài thấy bề ngoài, bèn là xem chí hướng trong lòng người ta. Điều mà gọi là ác, người ác dẫu ngó kỹ cũng không thấy được; song người lành thì thấy cách dễ dàng, vì Thánh Linh khiến cho người có ơn cảm xúc tội ác. Ví như một vũng nước trong trẻo kia, nếu quậy ra, thì bùn sình nổi lên, mà trong kia hóa đục. Cũng vậy, người ở ngoài Chúa tưởng mọi sự đều bình an, không cảm xúc tội lỗi gì cả. Nhưng một khi đã nhờ ơn cứu rỗi, thì liền cảm biết mình có tội, bị hư hoại mọi bề. Trước khi vua Đavít chưa chịu lời trách móc của tiên tri Nathan, thì vẫn dương dương tự đắc. Một khi bị tiên tri quở trách rồi, thì cảm biết tội lỗi liền, thao thức trằn trọc, ngủ không yên giấc,bực tức, buồn rầu và cảm động không xiết (Thi 51). Đến khi đã thú thật và ăn năn mới được yên tâm.
Một lần kia tiên tri Ê-sai được thấy sự vinh quang của Đức Chúa Trời, được nghe về sự thánh khiết tuyệt đối của Ngài, liền cảm biết sự ô uế của mình, tự nhận mình không sạch, cũng như kẻ phung kia nhận mình là không sạch vậy (Es 6:3-5; Le 13:45).
Kìa, từ xưa đến nay những bậc trứ danh trong Hội Thánh như Phao-lô, Luther, Spurgeon, v...v., đều cảm xúc tội lỗi mạnh lắm,hay tự xét mình, giam mình, khóc than, buồn bã không xiết kể vì thấy trong lòng vẫn còn vết tích tội lỗi dính dấp. Thực, người nào giao thông với Chúa thân mật chừng nào, thì càng cảm biết tội lỗi là khó chịu chừng nấy. Tuy lời nói việc làm của người ấy dường như xứng hiệp ý chỉ Chúa, thì cái nguyên lý của tội lỗi có thể cứ nép ẩn trong tâm hồn rất sâu, duy quyền năng của Thánh Linh mới gỡ ra được thôi. Chỉ tín đồ không được nên thánh mới chưa chắc mình có mầm tội lỗi đương tiềm tàng trong tâm linh mình đó thôi. Khi tín đồ ấy nhờ lời của Đức Chúa Trời và quyền năng của Thánh Linh mà bày ra tội ẩn bí trong lòng, thì chắc sẽ đồng thinh với Phao-lô mà kêu lên rằng: “Ôi! Tôi là người khốn nạn dường nào! Ai sẽ giải cứu tôi khỏi thân thể của sự chết nầy? Tạ ơn Đức Chúa Trời, ta nhờ Jesus Christ, Chúa chúng ta, thì mới thoát ly được” (Ro 7:24,25).
Chương 4: LUẬN VỀ CHÂN TÁNH CỦA TỘI LỖI
I. Ý KIẾN SAI LẦM VỀ CHÂN TÁNH CỦA TỘI LỖI
ĐỜI nào loài người cũng thường theo gương của nguyên tổ ta mà đổ thừa tội lỗi lẫn nhau, kẻ thì nói tại cớ nầy, người lại quyết do cớ kia, đến đỗi sự đổ thừa bên nầy bên nọ trở nên một thông bịnh không trừ được ở trong xã hội. Bởi thế, có kẻ từ thiện, có kẻ ẩn nặc, có kẻ tịch cốc, đều rán hết sức mình để chữa sửa, che đậy hoặc diệt trừ điều lầm lỗi, mà vẫn không biết càng chữa chối tội lỗi chừng nào, thì nó càng thêm nhiều chừng nấy, nó vẫn nép ẩn trong tâm linh, khiến cho người càng bị phục quyền nó mãi. Vả, tại cớ sao người ta hay đổ thừa lẫn nhau, hằng kiếm cách chữa chối tội như thế? Chắc tại vì họ lầm hiểu cái chân tánh của nó. Sau đây xin kể lại những ý kiến sai lầm về chân tánh của tội lỗi.
1. TỘI LỖI GỐC BỞI XÁC THỊT
Có nhà tôn giáo, nhứt là vận mạng phái, chủ trương rằng tội lỗi bởi xác thịt làm phiền lụy mà ra. Nên đương khi loài người ở trong xác thịt, thì không thế nào tránh xa sự phạm tội. Bởi chưng hễ còn làm người bao lâu, thì sẽ còn có tình dục bấy lâu. Lại tình dục giao tiếp với sự vật bên ngoài, bị rù quến làm thỏa sự ham muốn của nó. Lại phần xác thịt hằng tranh với phần thuộc linh, như sự dữ tranh với sự lành, nên hễ chi thuộc về phần xác thịt phát ra, thảy đều gọi là tội lỗi cả. Vậy, đương khi ở trong đời nầy thì loài người không thế tránh khỏi phạm tội; duy đến khi chết, mới thoát ly được; bởi vì khi đó người ta mới dứt bỏ xác thịt, không còn bị tình dục hành động ở trong mình mà xui dục phạm tội nữa. Ý kiến ấy rất sai lầm, xin tỏ ra như sau đây:
a) Ý kiến ấy thiên về một mặt của tội thôi: Ý kiến ấy luận về tội lỗi không được đủ ý, bèn là chỉ nói đến một mặt của tội thôi, tức mặt thuộc về phần xác thịt rất đê tiện, mà bỏ qua phía tội thuộc về linh tánh rất cao. Nếu nói tội lỗi bởi xác thịt mà ra, thì thế nào cắt nghĩa về các thứ tội như ghen ghét, kiêu ngạo, giận hờn, tham lam, lòng chẳng tin, sự bội nghịch cùng Đức Chúa Trời, v...v. Rõ lắm các tội ấy do linh tánh mà ra cả; bởi vì dầu đến khi tuổi già tình dục xác thịt đã tiêu diệt, thì các tội ấy vẫn còn,chứng thực rằng nó châm sâu hơn xác thịt, mà ẩn tàng ở nơi tâm linh vậy.
b) Ý kiến ấy cho Đức Chúa Trời là nguồn của tội: Nếu gọi tội lỗi là sự kết quả tất nhiên của xác thịt,thì cho Đức Chúa Trời là nguồn gián tiếp của tội lỗi; bởi xác thịt do Ngài dựng nên. Nói vậy thì thật là khi mạng thái quá. Đức Chúa Trời thật có dựng nên xác thịt loài người được trong sạch trọn vẹn, định nó phải phục tâm linh. Cho nên đổ thừa tội cho xác thịt rất sai lầm, bởi chủ động của sự phạm tội trong loài người là tâm linh hư hoại, mà Gia-cơ gọi nó bằng lòng tư dục vậy (Gia 1:13,14). Vả lại,nếu ý kiến ấy đúng, thì Christ cũng có tội, bởi vì Ngài hiện ra trong xác thịt của loài người.
c) Ý kiến ấy phản đối với lẽ thường: Ý kiến ấy không thể nào đúng, bởi vì phản đối hẳn với ba lẽ thường, kể ra sau đây:
(1) Nếu ý kiến ấy đúng, thì Sa-tan và các quỉ sứ của nó không có tội, vì chúng nó không có xác thịt.Nhưng nói Sa-tan không có tội há chẳng nghịch lẽ thường lắm sao? Thật vậy, mà cũng là trái lẽ thật nữa, vì Kinh Thánh dạy nó là nguyên lý của tội ác, gọi nó là đứa “dỗ dành cả thiên hạ” (Kh 12:9).
(2) Quả như lời ấy, thì người già chừng nào,càng thanh khiết chừng nấy. Bởi vì người ta đến tuổi già, khí huyết suy nhược, xác thịt yếu mòn; hình như đã thoát khỏi tội rồi. Nhưng nếu xem xét sự từng trải của loài người, thì biết không phải như vậy đâu. Chúng ta thường thấy người nào tuổi tác càng cao bao nhiêu, thì các thứ tội như tham lam, giận hờn, lòng cứng cỏi cùng Đức Chúa Trời, v...v., càng sâu hơn bấy nhiêu. Dầu biết rằng ông già phạm những tội khác với trai trẻ, thì cả hai hạng tội cũng đều gọi là tội cả.
(3) Ví bằng ý kiến ấy là đúng, thì mọi người nên đi tu đặng ngăn ngừa tình dục, nên rán sức khắc khổ đặng diệt trừ nó đi, mới mong trở nên vô tội. Trong các đời ám thế có lắm người nắm lấy chủ nghĩa ấy, tránh trốn khỏi thế gian, để nhờ sự ép xác đày thân mà phá hủy tội trong nó. Thế mà, tuy ép xác cho đến xanh xao gầy còm, thì tội vẫn còn mãi. Phật giáo cũng theo chủ nghĩa ấy để trừ tội; nhưng chẳng được may mắn gì, trái lại các tu sĩ ấy càng tội lỗi hơn người thường. Tại sao chủ nghĩa tu hành không chỉ đường cho ai trừ tội được? Há không phải vì cái tòa của tội lỗi trong loài người vẫn ở trong linh tánh ư? Cho nên, hễ ai lo cho có tâm linh thánh sạch, thì đã được diệu pháp trừ tội rồi, không cần phải tìm phương thuốc trừ tội ở nơi việc khắc khổ xác thịt làm chi nữa.
d) Ý kiến ấy lầm giải Kinh Thánh: Ý kiến nầy lầm giải ý nghĩa hai chữ “xác thịt” theo như Kinh Thánh thường dùng.Giả như Phao-lô chép: xem Ro 7:18; Ga 5:16,17 (cũng hãy xem Ga 5:19, Ga 5:20,Ga 5:21; Ga 6:8).
Danh từ “xác thịt” đây chẳng chỉ về thân thể đâu, bèn chỉ về cả bản ngã người thiên nhiên chưa chịu ảnh hưởng của ân điển Đấng Christ và sự cảm hóa của Thánh Linh mà được tái sanh. Kinh Thánh cũng minh giải tâm linh là tòa của tội lỗi trong người, chớ chẳng phải nằm ở trong cơ quan nào của thân thể vật chất đâu. Đức Chúa Trời cũng chẳng có thể cám dỗ ai, cũng không làm cho bản tánh của loài người phải cám dỗ người. Gia-cơ nói: xem Gia 1:13-15
e) Ý kiến ấy chối tội thực tại: Ý kiến ấy không giải nghĩa tội đâu, duy chối tội là tội đó thôi. Bởi vì nếu sự có thể phạm tội vốn là một bản năng ở trong xác thịt bởi Đấng Tạo hóa ban cho, thì không thể gọi sự phạm tội là việc quấy nữa. Lý tánh có thể nhìn nhận sự làm theo bản năng ấy là sự rủi ro, nhưng lương tâm không thể nhận là quấy. Dường ấy,loài người không cần nhận tội nữa, vì mọi sự xưa nay họ gọi là tội đó, bất quá là sự thiếu thốn tại Trời đó thôi. Còn ý kiến ấy há chẳng gớm ghê lắm sao?
2. TỘI LỖI LÀ SỰ YẾU ĐUỐI
Có kẻ luận rằng loài người tuy là sanh linh có tài trí cao, nhưng kỳ thực là có quyền năng hữu hạn, thiếu thốn nhiều điều,hay lầm lỗi, không sao lánh khỏi phạm tội cùng Đức Chúa Trời. Song các tội ấy không phải cố phạm đâu, bèn là bởi sự yếu đuối mà ra. Cũng chẳng nên coi tội ấy là điều ác gì, song đáng cầm bằng những tật bịnh tầm thường; còn kẻ bị tật bịnh ấy chẳng đáng phạt đâu, trái lại đáng thương tiếc mới phải. Sau đây, xin tỏ ra chỗ rất sai lầm của ý kiến ấy.
a) Ý kiến nầy phản đối sự người ta thường thấy: Nếu ý kiến ấy là đúng, thì tự cổ chí kim những kẻ gian ác hung bạo trong đời đều là kẻ yếu đuối, vô tài bất lực cả. Nếu quả vậy, tại sao đứa cám dỗ loài người là chúa quỉ, vốn tội ác hơn hết? Nó há cũng là đứa yếu đuối hơn hết sao? Trái lại,nó có quyền năng lớn hơn hết, mãnh lực của nó chỉ Đức Chúa Trời mới thắng được thôi. Chính điều ấy chứng thực rằng tội lỗi chẳng do sự yếu đuối mà ra, bèn do vị thọ tạo tối cao mà có vậy.
Hoặc xem lịch sử của đời thì thấy những kẻ đại ác cũng là kẻ đại năng, như vua Hêrốt rất hung bạo (Ma 2:16-18), vua Nêrôn, một vua độc ác cực điểm của Lamã đế quốc xưa. Hai vua ấy há có phải là hạng bạc nhược,không có tài năng tri thức sao? Trái lại, cả hai đều có năng lực tri thức cả,chẳng thua kém ai chút nào. Tuy vậy, họ vẫn đứng đầu hàng tội nhơn. Lại như vua Kiệt nhà Hạ,vua Trụ nhà Thương ở bên Tàu, là hai vua tội ác rõ rệt. Nếu xét kỹ đời họ thì rõ cả hai đều là người túc trí đa mưu, chớ chẳng phải là bọn vô tài bất lực. Ấy vậy, tại sao còn phạm tội?
b) Tội không thuốc trị được: Nếu tội lỗi quả là một tật bịnh thường, thì cớ sao chưa ai tìm được phương thuốc để trừ trị nó? Theo như lời các nhà y học, thì phần nhiều tật bịnh nào cũng đều có thuốc trị cả. Duy bịnh tội chưa hề ai tìm ra vị thuốc hay để chữa lành được. Vẫn thấy người đời dùng những hình pháp như nào khổ sai, cấm cố, đày chung thân, đuổi biệt xứ, và đến trảm giảo nầy nọ; thì cốt ý cũng chẳng phải để chữa lành tội đâu, bèn là để ngăn ngừa tội lan ra đó thôi. Vì loài người chẳng có phương thuốc gì trị tội được, minh chứng rằng tội chẳng phải bịnh tầm thường đâu.
c) Ví bằng tội là sự yếu đuối thì gia hình không công bình: Nếu tội là sự yếu đuối của xác thịt, thì thiết tưởng không công bình gì mà chiếu luật gia hình một tội phạm nào. Vì tật bịnh mình mắc đó là do cái thời đen mà mình phải chịu gian truân đó thôi. Cho nên nếu phạt một người bị gian truân như vậy, thể nào gọi là công bình? Dường ấy,khi có kẻ giết anh em mình, thì chớ nên giải nạp cho tòa án; thà yêu thương họ,chở họ đến nhà thương để điều trị thì hơn.
d) Ý kiến ấy cũng đổ tội cho Đức Chúa Trời: Ý kiến ấy cũng như ý kiến trước, cho Đức Chúa Trời là gốc rễ của tội. Bởi vì nếu tội lỗi là sự yếu đuối tất nhiên của xác thịt, thì loài người không còn có trách nhiệm gì về sự đó nữa. Vì Đấng Tạo hóa đã dựng nên thân thể ta có các bản năng yếu đuối phải phạm tội, thì tự nhiên tại chính Ngài mà mình phạm tội đó.Đoán định vậy há chẳng vô lý mà phạm thượng nữa sao?
3. TỘI LỖI LÀ VIỆC TÌNH CỜ VÔ Ý
Cũng có hạng dạy rằng người ta bị tội một cách tình cờ vô ý, đến đỗi tội lỗi bất quá như một việc lầm lỡ không thể nào tránh khỏi được. Ví như người kia đi đường tình cờ gặp chỗ rất trơn, bỗng trợt té gãy tay. Cũng vậy, loài người chẳng may tình cờ gặp chỗ khó, trợt chơn sa ngã phạm tội.
Ý kiến ấy cũng rất sai, vì phản đối hẳn với Kinh Thánh. Sách ấy dạy rõ ràng loài người sa ngã phạm tội chẳng vì vô ý gặp rủi ro đâu, bèn vì cố ý trái mạng Đức Chúa Trời. Kinh Thánh dạy rằng: xem Ro 5:19; Sa 3:6
Hai câu ấy chứng thực rằng tội lỗi chẳng phải việc tình cờ bất ý đâu, bèn là việc cố ý quyết định vậy.
II. Ý KIẾN ĐÚNG ĐẮN VỀ CHÂN TÁNH CỦA TỘI LỖI
1. Tội lỗi phát nguyên bởi tư tâm:
Tội lỗi chẳng phát nguyên bởi thân thể đâu,duy mượn cơ quan ấy để làm đồ dùng bày tỏ nó ra đó thôi. Tuy người đời có sự yếu đuối đau đớn bởi tội lỗi mà ra, thì cũng chẳng có thể vì cớ ấy mà nói rằng tội lỗi do sự yếu đuối của xác thịt. Vậy thì nguồn của tội lỗi ở đâu? Duy ở tại cái tư tâm của loài người mà ra đó thôi. Tư tâm hay tìm cầu ích kỷ, tư lợi, thường lấy chữ ngã làm chuẩn đích tối cao của động tác mình, đến đỗi dám chiếm đoạt sự thuộc về Đức Chúa Trời để đồ mưu danh lợi riêng cho mình. Kỳ thực, tư tâm là mẹ đẻ ra cả thảy tội lỗi ở trong loài ngưỡi. Những điều luận chứng cho ý kiến ấy như sau đây:
a) Tư kỉ là nguyên lý của tội lỗi:Chúng ta quả quyết rằng cái nguyên lý của tội lỗi ở trong loài người, không phải là xác thịt, bèn là tư kỷ. Kìa, những thứ tội lỗi của người đời, ai cũng lấy sự tự tư tự lợi mà giải nghĩa. Giả như kẻ đầy dẫy tư tâm tham dục, đối với sắc thì dâm đãng, đối với đồ ăn thì ham mê. Những kẻ buông lòng quấy tưởng, đối với tài vật thì tham lam, đối với quyền lợi thì mê mẫn. Những kẻ buông lung về sự kiêu ngạo, đối với mình thì vọng tư tôn đại, đối với người thì ghen ghét giận hờn, đối với Đức Chúa Trời thì khinh dễ không tin. Hễ ai chỉ tìm cầu ích lợi cho mình,không thèm nghĩ đến người khác, thì bị tình dục dấy lên, khiến cho mình không sợ Đức Chúa Trời, chẳng thương loài người. Tình dục buông lung muốn làm chi thì chẳng hỏi phép ai, miễn là thỏa thích ý riêng mình thì đủ. Những người mà đời gọi là hiền đức, thường rán hết sức làm lành, cốt để cho người ta khen mình, cẩn thận lời nói nết làm, để cầu danh dự cho mình. Trong các sự ấy cũng không thể trừ khử tư tâm được. Chúng ta cần nói gì nữa? Người mà người đời gọi là người hiền bực thánh phần nhiều yêu theo thánh thiện của mình hơn tìm cầu cho được hiệp theo thánh thiện của Đức Chúa Trời. Thực, thảy đều không thoát khỏi được khuôn rập tư tâm, kết quả các thứ tội lỗi rất đáng thương tiếc vậy thay!
b) Sự thương yêu Đức Chúa Trời là nguyên lý của đạo đức: Kê cứu Kinh Thánh và dò xét cái lòng đạo đức,thì thấy yêu thương Đức Chúa Trời quả là nguyên lý của mọi đạo đức. Vậy, nếu sự yêu thương Đức Chúa Trời quả là nguyên lý đạo đức, thì tất nhiên sự lựa chọn tư kỷ làm chuẩn đích về đời mình là nguyên lý của tội lỗi. Vả, yêu thương Đức Chúa Trời chẳng ở tại sự lo binh vực các quyền lợi của Đức Chúa Trời, bèn là tại sự yêu mến cái yếu tố đầu nhứt của bản tánh Ngài, tức là sự thánh khiết của Ngài vậy.Cho nên nguyên lý của đạo đức là yêu mến sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Kẻ nào chọn tư kỷ làm chủ mình, thì lìa bỏ Đức Chúa Trời, sa vào tội lỗi, lấy sự tự ái làm động nhơn của mọi động tác. Duy người nào yêu mến Đức Chúa Trời thánh khiết từ chối tư kỷ, công nhận tình yêu thương ấy làm chủ động về sự thi thố của mình, và trở nên đạo đức thật. Kinh Thánh chứng thực cho ý kiến ấy, theo sáu phần như sau đây:
(1) Sự yêu thương là yếu lãnh của luật pháp: Sự yêu thương làm trọn luật pháp, gồm lại mọi điều lành; trên thì yêu thương Đức Chúa Trời, dưới thì yêu thương loài người. Hễ ai làm vậy ắt chẳng sa vào tội lỗi.Kinh Thánh chép rằng: xem Ma 22:37,39; Ro 13:8; Ga 5:14
(2) Đấng Christ hằng làm theo ý Cha: Yếu tố của sự thánh khiết của Christ là Ngài chẳng tìm ý muốn mình, bèn hằng tìm ý muốn Cha, tôn Đức Chúa Trời là mục đích tối hậu của mình. Ngài yêu thương Đức Chúa Trời trọn vẹn, chẳng vì lòng riêng mình mà ham hố gì cả, duy cầu sự vinh hiển cho Cha đó thôi. Cũng tại cớ ấy mà Ngài không có tội. Ngài phán: xem Gi 7:18; Còn Phao-lô chứng: xem Ro 15:3.
(3) Tín đồ không vì mình mà sống: Nếu ai đã tín nhận Christ làm Cứu Chúa mình, thì không còn có thể vì chính mình mà sống nữa, bèn phải vì Chúa và kẻ khác mà sống mới xứng hiệp với bản tánh mới.Phao-lô quyết rằng: xem IICo 5:14,15; Ga 2:20
(4) Lời hứa của quỉ cám dỗ là ích kỷ: Quỉ cám dỗ hứa ban cho tổ tông ta địa vị độc lập ích kỷ, đến nỗi không cần Đức Chúa Trời hay là ai nữa. Nó thốt rằng: “Hai ngươi… sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác.” (Sa 3:5). Vậy nếu quả được như Đức Chúa Trời thì cần chi phải làm cho mình độc lập nữa? Còn muốn vậy, há chẳng là ích kỷ sao?
(5) Con hoang đàng là ích kỷ: Tội trạng của con hoang đàng là ích kỷ. Nó bị gọi là hoang đàng vì nó cố quyết theo ý riêng mình, chẳng kể đến ý muốn của cha, hoặc cầu vinh dự cho cha, duy lo sao cho tư tâm được thỏa thích đó thôi (Lu 15:12,13). Hẳn con hoang đàng làm đại biểu của cả loài người theo tư tâm mà cố ý lìa bỏ Đức Chúa Trời vậy.
(6) AntiChrist ích kỷ cực điểm:AntiChrist, “Người đại tội” biểu minh tánh chất của tội lỗi, vì “Là kẻ đối địch,tự nhắc mình lên trên mọi vị xưng là Thần, hoặc vật gì người ta thờ lạy, rất đỗi ngồi trong đền Đức Chúa Trời, tự xưng là Đức Chúa Trời” (IITe 2:4). Ấy là điểm cùng tột của sự tự tư tự lợi của loài người, cũng là hình dạng đành rành của tội lỗi vậy.
III. KINH THÁNH MINH GIẢI CHÂN TÁNH CỦA TỘI LỖI
Kinh Thánh dùng nhiều câu nhiều ngữ để tỏ ra quan niệm của tội lỗi. Mỗi câu mỗi chữ ấy minh giải rõ ràng chân tánh của tội lỗi.
1. CÁC CÂU TẢ CHÂN TÁNH CỦA TỘI.
Trong Tân Cựu Ước có chép nhiều câu mô tả chân tánh của tội lỗi rất rõ. Sau đây xin chỉ kể lại bảy câu: xem Ch 24:9
Danh từ “tư tưởng” đây ám chỉ về sự dụng tâm, đồ mưu để thi hành việc ngu dại ấy. Xem Ch 21:4
“Mặt tự cao” chỉ về tư tâm đối với loài người;“lòng kiêu ngạo chỉ về tư tâm đối với Đức Chúa Trời; còn “ngọn đèn của kẻ ác”chỉ về mưu luận do tư tâm mà ra, cũng là tội lỗi. Vậy, kẻ tư kỷ hoặc hành vi đối với người ta, hoặc tấm lòng đối với Đức Chúa Trời, luôn cả mưu luận của người nữa,đều là tội lỗi hết. Xem Gi 16:8,9
Sự không tin nhận Jesus Christ là Cứu Chúa duy nhứt của mình, phục tùng Ngài trọn vẹn, ấy là tội nặng hơn hết. Xem Ro 14:23
Hễ ai làm việc gì không có căn cứ ở nơi sự tín ngưỡng Christ, thì đều là tội lỗi. Xem Gia 4:17
Có tội cố phạm, ngộ phạm và hốt lược mà phạm.Kẻ biết làm điều thiện mà bỏ qua không làm, tuy không cố phạm tội ác, thì cũng đã phạm tội rồi. Xem IGi 3:4
Mọi thứ tội là trái luật đạo đức hay là trái luật thương yêu cũng vậy. Xem IGi 5:17
Mọi việc gì, tư tưởng gì không hiệp với thước mực của luật đạo đức tối cao của Đức Chúa Trời đều là sự bất nghĩa cả.
2. CÁC CHỮ KINH THÁNH DÙNG ĐỂ BÀY RA QUAN NIỆM TỘI ĐỀU TỎ RA CHÂN TÁNH CỦA NÓ.
Trong nguyên văn Kinh Thánh, Thánh Linh thường dùng nhiều chữ để tỏ ra cái quan niệm tội lỗi rất rõ rệt. Những chữ ấy đều khác nhau và ta ra chân tánh của tội lỗi rõ ràng lắm. Sau đây xin kể lại ý nghĩa của những chữ quan hệ hơn hết.
a) Tội là trật chuẩn đích của Đức Chúa Trời: Đức Chúa Trời bày tỏ chuẩn đích của Ngài trong luật pháp thánh, và trong đời sống của Con Thánh Ngài. Nhờ hai gương ấy dễ thấy rõ chúng ta đã phạm tội, trật chuẩn đích của Ngài mọi bề. Trong Tân Cựu Ước có hai danh từ tỏ ra ý ấy.
(1) Hamartia:Danh từ Tân Ước dùng nhiều hơn hết để thông tri quan niệm tội lỗi cho ta, là Hamartia, nghĩa đen là sai trật chuẩn đích. Các trước giả Tân Ước đều dùng chữ ấy chừng 174 lần; duy một mình thánh Phao-lô mà đã dùng đến 71 lần rồi. Trong bản Việt ngữ chữ ấy được dịch ra, “tội lỗi,” Ro 5:12; “phạm tội,” Ro 3:23; Cong 25:8; IPhi 2:20. Chữ nầy chỉ ra cả bản tánh lẫn địa vị của tội lỗi nữa. Giả như tên Giuda bán Chúa, trật chuẩn đích về sự yêu mến Ngài (Ma 27:4). Con hoang đàng trật chuẩn đích về ý muốn của cha, bởi vì cố quyết theo ý riêng mình mà bỏ nhà cha (Lu 15:18,21). Đờn bà xấu nết phạm tội tà dâm, trật chuẩn đích Đức Chúa Trời về sự trinh khiết (Gi 8:11). Các thiên sứ sa ngã phạm tội kiêu ngạo, trật chuẩn đích Đức Chúa Trời về sự tôn vinh Ngài (IIPhi 2:4). Y-sơ-ra-ên trật chuẩn đích Đức Chúa Trời về đức tin, nên không vào xứ Ca-na-an được (He 3:17). Kẻ cố ý phạm tội mà chối bỏ Christ, trật chuẩn đích về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời (He 10:26). Kẻ tà giáo trật chuẩn đích về lẽ thật của Đức Chúa Trời (Tit 3:10,11).
(2) Chatta’ah:Danh từ Cựu Ước dùng nhiều hơn hết để bày ra quan niệm tội lỗi là chatta’ah, đồng nghĩa với chữ hamartia trong Tân Ước. Trong Cac 20:16 có dùng chữ ấy theo nghĩa đen: “Trong cả dân sự ấy có bảy trăm người tinh binh thuận tay tả. Hết thảy những người đó có tài dùng trành ném đá trúng một sợi tóc mà chẳng hề sai trật.” Chữ ấy với các chữ do cội nó mà ra gồm cả ý nghĩa tẽ tách, xây bỏ mục đích Đức Chúa Trời,đi quá hoặc không đạt đến mục đích ấy. Nó không những chỉ về sự phạm tội, nhưng cũng chỉ về địa vị hư hoại, bản tánh gian ác của tâm trí do tội mà ra (Sa 4:7; Xu 9:27; Le 5:1; Dan 6:11; Thi 51:2,4; Ch 8:36; Es 42:24; Os 4:7).
b) Tội là vấp ngã trong chỗ Đức Chúa Trời buộc ta phải đứng vững: Một chữ khác Tân Ước thường dùng để dạy về chân tánh của tội lỗi là paraptoma, nghĩa đen là “trật chơn”, “vấp ngã”, trong chỗ mình đáng nên đứng vững. Trong bản Việt ngữ chữ nầy dịch ra “lỗi”, Ma 6:14;“vi phạm”, Ga 6:1; Ro 5:15, Ro 5:16, Ro 5:17, Ro 5:18, Ro 5:20; Eph 1:7; 2:1,5;“vấp”, Ro 11:11. Giả như người kia trợt chơn té vào hầm bị thiệt hại thế nào,thì tội nhơn mỗi khi trái ý Đức Chúa Trời thì vấp ngã, sa vào tội lỗi, bị thiệt hại cũng thể ấy.
c) Tội là vặn cong điều ngay thẳng:Trong Cựu Ước cũng dùng chữ avah để tả ra chân tánh của tội lỗi; nghĩa đen chữ ấy à “cong quẹo”, hay là “vặn lại”. Nghĩa bóng là “tà vạy”, “bại hoại”, “gian tà”,chỉ vẽ ra thứ tội nào khiến cho bản tánh và tâm địa của loài người vốn ngay thẳng phải hóa ra gian tà (cong quẹo) bại hoại. Chữ ấy trong bản Việt ngữ được dịch ra “làm mất lòng”, Et 1:16; “gian tà”, IISa 19:19; “có tội”, IISa 24:17; “làm điều gian ác”, IISu 6:37; “phạm sự gian tà”, Thi 106:1. Chữ avah không tả ra chính việc phạm tội đó, duy tả ra cái đặc tánh của việc ấy là cong quẹo vạy vọ đó thôi. Tội nhơn đối với lời nói thì xiên xẹo, đối với lối đi thì quanh co, đối với việc làm thì gian tà, đối với sự thờ phượng thì bại hoại.
d) Tội là đi quá hạn định trong luật pháp Đức Chúa Trời: Luật pháp Đức Chúa Trời định giới hạn cho việc làm và ý tưởng của chúng ta. Hễ ai đi quá hạn định ấy tức là phạm tội.
(1) Avar: Trong Cựu Ước dùng chữ avar để tả ra việc phạm tội của kẻ đi quá mạng lịnh của Đức Chúa Trời.Ba-la-am nhìn nhận quyền mạng lịnh của Đức Chúa Trời mà nói cùng Ba-lác rằng:“Dầu Ba-lác sẽ cho ta nhà người đầy vàng và bạc, ta cũng chẳng được vượt quá mạng của Giê-hô-va Đức Chúa Trời của ta, đặng làm một việc nhỏ hay lớn” (Dan 22:18; Dan 24:13). Vua Sau-lơ chẳng nhìn nhận quyền ấy, nên khi trái mạng Đức Chúa Trời rồi thì nói: “Tôi đã can phạm (đi quá) mạng lịnh của Giê-hô-va và lời của ông” (ISa 15:24). Đức Chúa Trời thường trách Y-sơ-ra-ên vì họ hay trái phạm luật pháp và bội giao ước Ngài (Cũng xem Dan 41:41; Gios 7:11,15; Es 24:5; Da 9:11; Os 6:7;Os 8:1).
(2) Parabaino:Trong Tân Ước dùng chữ parabaino để tả ra tội của kẻ phạm mạng lịnh Đức Chúa Trời.Nghĩa đen chữ ấy là “tẽ tách đường lối”, “bước qua bên kia”, “lìa bỏ điều đã định”.Người Pha-ri-si trách môn đồ Chúa rằng: “Sao môn đồ thầy phạm sự truyền khẩu người xưa.” Nhưng Christ bèn đáp rằng: “Còn các ngươi sao cũng vì sự truyền khẩu của các ngươi mà phạm điều răn của Đức Chúa Trời?” (Ma 15:2,3). Chữ phạm ấy là parabaino, đi quá mạng lịnh Chúa đã truyền cho ta phải làm theo. Trong IIGi 1:9 bản Việt ngữ dịch chữ ấy là “vượt quá”, nghĩa là hễ ai chẳng cứ ở trong sự dạy dỗ của Christ, thì phạm tội vượt quá mạng lịnh của Đức Chúa Trời, nên cũng không có Đức Chúa Trời vậy.
e) Tội là phản loạn cùng Đức Chúa Trời: Tội lỗi cũng là sự trực tiếp phản loạn với Đức Chúa Trời. Trong Es 1:2 Đức Chúa Trời than thở rằng: “Ta đã nuôi nấng con cái, trưởng dưỡng chúng nó, song nó dấy loạn nghịch cùng ta.” Giop 34:37 cũng chép: “Người có thêm sự phản nghịch vào tội lỗi mình.”
(1) Pasha: Trong Cựu Ước dùng chữ Hê-bơ-rơ pasha để tả ra tội lỗi ấy. Trong bản Việt ngữ chữ ấy được dịch ra nhiều cách như là “trái mạng”, IVua 8:50; “phản nghịch”, IVua 17:19; IIVua 10:20; “vi phạm”, Thi 51:3; “làm gian ác”, Ch 24:20; “tội lỗi”, Da 8:12. Trong những câu ấy và nhiều câu khác ý nghĩa chữ pasha là cố ý phản loạn cùng Đức Chúa Trời. Tội nhơn cố phạm ấy chẳng khác gì con trai kia không những là không vâng lời cha mà lại dám đứng ngay trước mặt cha chế nhạo chưởi mắng cha, quả quyết không chịu làm theo ý của cha bao giờ. Đó là nghĩa đen của chữ pasha.
(2)Anomos: Tân Ước dùng chữ anomos để diễn tả chân tánh của tội phản loạn. Nghĩa đen là “bất pháp”, “trái luật”, “phản loạn” vậy. Hai tên trộm cướp bị đóng đinh với Chúa gọi là kẻ trái luật, vì họ trái luật của xã hội (Mac 15:28). Dân Do thái dùng tay trái luật mà giết Chúa Jesus (Cong 2:23). Khi Christ tái lâm thì sẽ dùng hơi miệng Ngài, mà hủy diệt kẻ trái luật (IITe 2:8). Đức Chúa Trời ban bố luật pháp Ngài để ngăn cản và hình phạt kẻ trái luật (ITi 1:9). Ông Lót mỗi ngày cảm biết đau xót trong lòng công nghĩa mình vì cớ việc trái luật của người Sôđôm (IIPhi 2:8). Còn “phàm ai phạm tội cùng làm trái luật” (IGi 3:4), nghĩa là cố ý phản loạn cùng luật pháp thánh của Đức Chúa Trời vậy.
f) Tội là lừa dối (bất trung, quỉ quyệt) Đức Chúa Trời: Trong Cựu Ước lại có dùng chữ Ma’al để bày ra chân tánh của tội nữa.Nghĩa đen chữ ấy là “che đậy”; còn nghĩa bóng là phạm tội rồi che đậy tội ấy, cốt ý là lừa dối Đức Chúa Trời, bội tín bất trung với Ngài. Khốn nạn thay! Loài người phạm tội rồi thêm cho tội ấy sự trái luật; cho sự trái luật thì thêm sự phản loạn;cho sự phản loạn thì thêm sự lừa dối phỉnh gạt nữa. Khi A-đam không chịu nghe theo Đức Chúa Trời, nhưng theo lời Ê-va, thì sai trật chuẩn đích; khi ăn trái cấm thì trái mạng Đức Chúa Trời; rồi sau lại kiếm thế che đậy tội lỗi của mình để lừa dối Đức Chúa Trời nữa. Trong Ôsê Đức Chúa Trời phán rằng: “Nhưng theo cách người ta, chúng nó đã phạm lời giao ước, và ở đó chúng nó đã phỉnh dối ta” (Os 6:7). Gióp nói rằng: “Nếu tôi có che tội mình như A-đam, mà giấu sự gian ác mình ở trong lòng…” (Giop 31:33). Thánh Linh dùng chữ ma’al để tả ra tội của A-can (Gios 7:1), cũng gọi tội ma’al ấy là cớ làm cho vua Sau-lơ chết sớm (ISu 10:13), và trong Giop 21:34 tội ấy gọi là sự bất trung vậy. Nói một lời, phạm tội là nghiêm trọng rồi, trái luật Đức Chúa Trời lại nặng hơn; nhưng dùng ác mưu để che đậy tội lỗi mình thì lại càng nặng hơn hết, chắc bị hình phạt cũng cực nặng vậy (Mat 23:14).
g) Tội là sự không biết điều mình nên biết:Trong Tân Ước cũng dùng một chữ khác nữa để tả ra chân tánh của tội lỗi, tức là chữ agnoéma, nghĩa đen là “không biết”. Trong He 9:7 bản Việt ngữ dịch chữ ấy là lỗi lầm. Trong Cựu Ước có dùng chữ shégagah để tả ra tội phạm tại sự không biết. Bản Việt ngữ dịch là “lầm lỡ mà phạm tội” (Le 4:2, Le 4:27; Le 5:15, Le 5:18). Có nhiều kẻ nghĩ rằng tội lầm lỡ do sự không biết mà ra là tội nhẹ Đức Chúa Trời chắc không kể đến; nhưng ý kiến ấy sai lầm lắm, bởi vì Đức Chúa Trời có phán cùng Môi-se rằng: “Khi nào ai phạm một trong các điều răn của Giê-hô-va mà không tự biết, thì ai đó sẽ mắc lỗi, và mang lấy tội mình”(Le 5:17). Kê cứu Kinh Thánh thì thấy sự hình phạt ghê sợ hơn hết giáng trên kẻ vì không biết mà phạm tội cùng Đức Chúa Trời. Bọn không biết rằng Chúa ở trong anh em Ngài mà bị đói, khát, trần truồng, v...v. đều bị rủa sả, hình phạt đời đời ở nơi hầm lửa (Mat 25:45,46). Còn kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời, chẳng vâng phục Tin Lành của Jesus Christ, đều phải “bị hình phạt diệt vong đời đời cách biệt mặt Chúa và sự vinh hiển của quyền năng Ngài (IITe 1:8-9).
h) Tội là mắc nợ:Tân Ước lại dùng một chữ nữa để minh tả chân tánh tội lỗi, là opheiléma, nghĩa đen là “nợ nần”. Trong Ma 6:11 Chúa dạy môn đồ hãy cầu nguyện rằng “Xin… tha nợ chúng tôi.” Các thứ tội loài người vốn một nợ nần rất to đối cùng Đức Chúa Trời.Họ mắc nợ ấy là vì họ thiếu thốn mọi bề về sự kính mến, vâng phục Đức Chúa Trời,và về sự giữ theo mọi điều răn của Ngài. Than ôi! Loài người chẳng có gì cả để trả xong mối nợ ấy; nên cần phải cầu xin Đức Chúa Trời nhơn Jesus Christ tha nợ cho mình, mới mong khỏi hết được.
i) Tội là thiếu kém trong bổn phận mình: một chữ nữa mà Tân Ước dùng để tả ra tội lỗi là hettéma, nghĩa đen là “bớt một trong điều mình đáng nên nạp cho đầy đủ.”Trong ICo 6:7 bản Việt ngữ dịch chữ ấy là “lỗi”. Tín đồ Cô-rinh-tô hay kiện cáo nhau là vì họ thiếu kém trong sự yêu mến nhau.
j) Tội là không khứng nghe:Trong He 2:2 dùng chữ parakoé để tỏ ra một phương diện khác của tội lỗi, nghĩa đen là “không khứng nghe”, không chịu vâng lời của ai cả. Trong đời Môi-se hễ ai không khứng nghe mạng lịnh của Đức Chúa Trời, còn bị báo ứng xứng đáng. Huống hôm nay nếu người ta cứng lòng không chịu nghe theo lời của Christ, thì sao thoát khỏi sự đoán phạt được? (He 2:2,3).
k) Tội là sự cứng lòng:Trong Cựu Ước lại dùng một danh từ nữa để bày ra tội, là chazaq, nghĩa đen là “cứng lòng”, “cố chấp”. Tội ấy là nặng hơn hết; vì phạm nhơn không khứng hạ mình xuống ở trước mặt Đức Chúa Trời. Trong Xu 4:21 có chép về Pha-ra-ôn cứng lòng với Đức Chúa Trời, nên cũng bị tuyệt diệt vậy.
l) Tội là hư không:Một chữ chót cần nói đến là even, dùng trong Cựu Ước, có nghĩa đen là “thở ra nhiều cho đến đỗi mệt ngất”. Nghĩa bóng là hư không vô ích. Trong Es 41:29 chép: “Thật, họ chỉ là hư vô hết thảy; công việc họ cũng thành không, tượng đúc của họ chẳng qua là gió và sự lộn lạo.” Đại ý của chữ ấy là việc làm của kẻ phạm tội đều là hư không vô ích cả.
3. BỐN PHƯƠNG DIỆN CỦA TỘI LỖI
Trong Tân Cựu Ước cũng có dùng nhiều chữ khác nữa để tả chân tánh của tội lỗi. Nhưng thiết tưởng các chữ kể lại trên đây đủ cho ta biết tội lỗi rất xấu xa và gớm ghiếc ở trước mặt Đức Chúa Trời, làm thiệt hại lớn cho loài người hiện tại và tương lai nữa. Chúng ta có thể tóm tắt lại sự dạy dỗ của những chữ ấy mà kết đoán rằng, nó mô tả chân tánh của tội có bốn phương diện sau đây:
a) Phương diện hướng cùng Đức Chúa Trời: Tội là sự phản loạn cùng Đức Chúa Trời,sự không tận tâm tận ý tận lực mà yêu mến Ngài. Trong ISa 15:23 chép rằng: “Sự bội ngịch (phản loạn) cũng đáng tội bằng sự tà thuật; sự cố chấp giống như tội trọng cúng lạy hình tượng.” Còn trong Phu 6:5 dạy rằng: “Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi” (cũng xem Mac 12:30). Cả loài người đều đã trái phạm điều răn nầy hết (Ro 1:21-25)
b) Phương diện hướng cùng luật pháp Đức Chúa Trời: Tội phạm cùng luật pháp Đức Chúa Trời có hai thứ gọi là cố phạm và ngộ phạm. Về tội cố phạm, Dan 15:30,31 chép rằng: “Nhưng ai cố ý phạm tội, hoặc người sanh trong xứ, hay là khách ngoại bang, thì ai đó khinh bỉ Giê-hô-va; người sẽ bị truất khỏi dân sự mình,vì người đã khinh bỉ lời Giê-hô-va và trái mạng của Ngài… tội gian ác người đổ lại trên mình người.” Về tội ngộ phạm, Dan 15:27 lại chép: “Nhược bằng chỉ một người lầm lỡ phạm tội, thì người đó phải dâng một con dê cái giáp năm làm của lễ chuộc tội” (cũng xem He 9:7).
c) Phương diện hướng cùng loài người: Xử với kẻ lân cận cách bất nghĩa, hoặc không hết lòng yêu mến họ như mình, đều là có tội cả; có khi là tội cố phạm có khi là tội hốt lược mà phạm. Về tội xử với kẻ lân cận cách bất nghĩa, thì Le 19:13 dạy rằng: “Chớ ức hiếp kẻ lân cận mình, chớ cướp giựt của họ. Tiền công của kẻ làm mướn ngươi chớ nên để trong nhà mình cho đến ngày mai.” (cũng xem Mi 6:8; Ro 1:18). Về tội không yêu mến kẻ lân cận thì Le 19:18 lại chép rằng: “Chớ toan báo thù, chớ giữ sự báo thù cùng con cháu dân sự mình; nhưng hãy yêu thương kẻ lân cận ngươi như mình” (cũng xem Mac 12:31).
d) Phương diện hướng cùng mình: Sự ích kỷ, tự tư, tự lợi và sự hủ bại trong lòng đều là tội cả. Về tội ích kỷ Chúa dạy trong Ma 16:24 rằng: “Nếu ai muốn theo ta, thì hãy từ chối mình, vác thập tự giá mình mà theo ta.” “Từ chối mình”, tức là từ bỏ lòng ích kỷ, tự ái, tự tư, tự lợi, mới theo Chúa Jesus được.Hễ ai còn giữ lòng ấy, không chịu bỏ, quả phạm nguyên tội của Sa-tan phạm lúc nó sa ngã (Es 14:12-15; cũng xem Es 12:3-5). Về tội hủ bại thì Thi 51:5 chép: “Kìa,tôi sanh ra trong sự gian ác, mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi.” Lại Ro 7:18 có câu rằng: “Vả,tôi biết rằng trong tôi tức là trong xác thịt tôi, chẳng có điều gì tốt lành.” Hai câu ấy minh chứng rằng từ khi lọt lòng mẹ đến khi lớn, khôn, già, chết, người thiên nhiên vẫn đứng trong địa vị hủ bại mọi bề.
Chương 5: LUẬN VỀ NGUYÊN TỘI
Chúng ta đã thấy nguyên tổ ta là A-đam trái mạng Đức Chúa Trời mà phạm tội, bị bản tánh hủ bại, dứng trong địa vị định tội.. Cũng đã thấy tội đầu tiên của giống loài người là sự vi phạm thứ nhứt của nguyên tổ đó. Sự vi phạm ấy thần đạo học gọi là nguyên tội, liên can với cả hậu tự của nguyên tổ, khiến cho họ cũng bị định tội và mắc phải bản tánh hủ bại như chính nguyên tổ vậy. Thực sự ấy gây nên những vấn đề rất quan hệ cho thần đạo học,ấy là: (1) Nếu ông tổ A-đam là nguồn của tánh hủ bại ta, tại sao lại gọi chúng ta phải nhận trách nhiệm và bản tánh ấy? (2) Đức Chúa Trời lấy tội của nguyên tổ ta mà đổ lại trên chúng ta, làm sao gọi là công bình? (3) Tội A-đam thể nào lụy đến hậu tự đến đỗi cả thảy đều bị kể là mắc cùng một thứ tội ấy? Trải qua các đời có lắm kẻ bàn đi cãi lại về những vấn đề ấy, viện lấy hoặc Kinh Thánh, hoặc ý riêng, đều quyết giải thuyết cho minh bạch, nhưng kết cuộc phát biểu nhiều lý thuyết khác nhau lắm. Sau đây xin khái lược lại bốn lý thuyết quan hệ hơn hết:
I. TÁNH THIỆN THUYẾT
Thuyết nầy do ông Pélage, một nhà tu sĩ sanh tại đảo Bố lập thân (Iles Britanniques). Ông qua thành Rô-ma vào lối năm 409 mà giãi bày lý thuyết mình về nguyên tội, cốt ý để bài bác lý thuyết của Augustin.
1. PHÁT HUY TÁNH THIỆN THUYẾT
Thuyết nầy chủ chương rằng tội lỗi của A-đam chẳng can gì đến con cháu, duy can hệ đến chính mình người mà thôi. Đức Chúa Trời trực tiếp dựng nên mỗi linh hồn vốn được vô tội, được bản tánh trong sạch thiện hảo trọn vẹn, chẳng khuynh hướng về sự ác gì cả, có đủ quyền năng vâng theo ý chí Đức Chúa Trời, chẳng khác gì A-đam khi mới được dựng nên vậy. Hậu tự của A-đam chẳng bị liên can tội mà ông ấy đã phạm, cũng không bị tánh hủ bại đâu, duy ảnh hưởng của gương xấu của A-đam chi phối đến họ, khiến cho họ bị lôi cuốn mà chồng dấu xe đổ đó thôi. Nói cách khác, tội nguyên tổ có ảnh hưởng cho hậu tự, chẳng phải vì A-đam phạm tội, mà mọi người phải bị định tội đâu, bèn là bởi A-đam phạm tội mà mọi người đều theo gương vi phạm đó mà kế tiếp phạm tội vậy.
Thế thì, theo thuyết nầy, chính tội của A-đam chẳng làm hại cho hậu tự người, duy làm hại cho chính người mà thôi. Đức Chúa Trời chẳng đổ tội của người cho dòng dõi người đâu, chỉ kể tội ấy cho chính người đó thôi. Hậu tự người chỉ bị định tội tại kỷ tội là tội họ tự cảm biết mà phạm, chớ chẳng bị tội của ai đổ cho đâu. Thuyết nầy lại còn chủ trương rằng người ta có thể nhờ hoặc luật pháp, hoặc Tin Lành mà được cứu rỗi. Hẳn có người tự mình vâng theo Đức Chúa Trời trọn vẹn mà được cứu. Vậy nên, sự chết của xác thịt chẳng phải là sự hình phạt của tội lỗi đâu, bèn là tại luật thiên nhiên Đức Chúa Trời đã định cho mọi người phải bị vậy. Phỏng như A-đam không phạm tội thì cũng chắc chết. Tuy Ro 5:12 có câu rằng: “Sự chết đã trải qua mọi người,vì hết thảy đều phạm tội”, thì câu ấy chẳng dạy rằng mọi người vì dự phần trong nguyên tội của nguyên tổ mà phải chết đâu, bèn là vì mọi người theo gương của A-đam mà phạm tội, nên cũng bị tử hình của tội ấy, là sự chết đời đời vậy.
2. SỰ LẦM LẠC CỦA LÝ THUYẾT NẦY
Lý thuyết nầy lầm lạc lắm. Xin tỏ ra như sau đây:
a) Phản đối với Kinh Thánh:Tánh thiện thuyết có những ngộ điểm rất quan hệ như tỏ sau đây: 1) Lý thuyết nầy chỉ nhận chính việc phạm tội là tội; còn địa vị và sự khuynh hướng ác của lòng thì chẳng gọi là tội. 2) Cũng chẳng nhận rằng cái địa vị và sự khuynh hướng ác ấy đều ở trong lòng loài người từ lúc mới được hoài thai và sanh ra. 3) Cũng chối rằng không phải loài người đến tuổi phân biệt phải quấy, thì khỉ sự phạm tội liền.4) Thuyết nầy cũng phủ nhận rằng loài người tự nhiên nếu không được Đức Chúa Trời giúp đỡ, thì không thể nào giữ luật pháp được. 5) Cũng chẳng nhận rằng loài người bất cứ ai đều chỉ nhờ ơn cứu chuộc của Christ mới mong được cứu rỗi, tái sanh và nên thánh mà thôi. 6) Cũng phủ nhận địa vị hư hoại hiện tại của loài người,sự bị định tội và sự chết mất, đều là hiệu quả trực tiếp của sự phạm tội thứ nhứt của A-đam. Các lẽ đạo kể lại đây, tánh thiện thuyết đều chối hết; song Kinh Thánh vẫn công nhận và giãi bày rõ ràng lắm rằng các giáo lý ấy đều là đạo chơn thật của Đức Chúa Trời cả. Xem những câu nầy thì rõ: xem Ro 5:12, Ro 5:16, Ro 5:19; ICo 15:22; Eph 2:3
b) Phản đối với sự thật:Loài người mới sanh ra đều đã có giống ác tiềm tàng trong lòng, tuy chưa chịu sự cám dỗ của ác tập mặc dầu. Sự từng trải ta minh chứng rằng hễ khi gặp cơ hội cám dỗ, thì lòng bất thiện của mình liền tỏ ra việc bất thiện mà phạm tội rất giống như nguyên tội của nguyên tổ vậy.
c) Phản đối với ơn cứu rỗi:Thuyết nầy rất phản đối với ơn cứu rỗi, vì dạy rằng loài người chỉ cần tự quyết chí nhờ sự gắng công ra sức và tài năng hay giỏi của mình mà làm lành, thì sẽ đạt đến bực thiện hảo trọn vẹn, chẳng cần nhờ ơn cứu rỗi của Christ để đạt đến chỗ ấy.Trái lại, Kinh Thánh dạy rõ ràng nếu chẳng nhờ ơn cứu rỗi của Christ, và quyền Kinh Thánh cảm hóa phù trợ cho, thì chắc chẳng ai được tái sanh, chẳng ai giữ được mạng lịnh của Đức Chúa Trời, cũng chẳng ai hưởng được phước hạnh gì cả.
II. TÁNH HỦ BẠI THUYẾT
Thuyết nầy cũng gọi là thuyết Arminius (1560-1609), giáo sư trong trường đại học tại Leyden, nước Hà Lan, đề xướng trước hết.
1. PHÁT HUY TÁNH HỦ BẠI THUYẾT
Thuyết nầy chủ trương rằng, khi A-đam phạm tội thì tâm tánh biến ra hủ bại, mất cả sự công nghĩa nguyên bản, Đức Chúa Trời bèn phán định cái hiệu quả của sự vi phạm ấy là phàm hậu tự sanh ra trong đời cũng như nguyên tổ đều phải có tâm tánh hủ bại, chẳng còn giữ lại được chút gì của sự công nghĩa nguyên bản, và phải bị khổ và chết. Vì cớ sự thiếu thốn do nguyên tổ di truyền lại đó, cả giống loài người tự nhiên đứng trong địa vị bất năng, yếu đuối, không thể vâng lời Đức Chúa Trời hoặc tự mình đạt đến sự sống đời đời được. Sự bất năng ấy vốn chẳng tự tạo thành, bèn là do sự yếu đuối lẫn lút trong thân thể và tâm trí, bởi nguyên tổ truyền lại cho. Bởi cớ ấy Đức Chúa Trời ban cho cá nhân từ lúc mới có sự tự tri tự giác, được ơn đặc biệt của Thánh Linh cảm hóa để chống trả với cái hiệu quả của tâm tánh hủ bại đó, khiến cho người có thể vâng lời Đức Chúa Trời được; duy có điều kiện nầy là cá nhơn phải đem ý chí của mình mà hợp tác với Ngài trong việc đó, thì ơn ấy mới kết quả may mắn được.
Thuyết ấy lại chủ trương rằng tuy A-đam di truyền tâm tánh hủ bại cho hậu tự mình, thì tâm tánh hủ bại đó chẳng hề gọi là tội, và cá nhơn hậu tự của người cũng chẳng vì cớ nó, hoặc vì cớ sự vi phạm của tiền nhơn mà bị khép án, định tội hay là hình phạt đâu. Đợi đến khi cá nhơn chăm theo tâm tánh đó mà cố ý phạm tội, thì mới định tội cho họ vậy. Thành thử,sự vi phạm của nguyên tổ thật di truyền tánh hủ bại cho hậu tự người, nhưng chẳng phải sở dĩ tại tánh đó mà họ bị định tội đâu, bèn là vì họ tự cố ý phạm tội mà tự chuốc lấy sự hư mất cho mình đó. Vậy, Đức Chúa Trời chẳng đổ tội của A-đam lại cho hậu tự người, cũng chẳng đem cái hình phạt của A-đam mà gia trên họ đâu.Tuy thơ Rô-ma có câu dạy rằng: “Sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người,vì mọi người đều phạm tội.” (Ro 5:12), thì nghĩa câu ấy chẳng phải vì tội lỗi của A-đam mà hậu tự bị khép án chết thuộc linh và thuộc thể đâu, bèn là do mạng lịnh Đức Chúa Trời mà mọi người đồng phải bị hiệu quả của tội ấy, tức là tử hình thuộc thể và thuộc linh; nhưng vì mọi người đều đã tự ý theo tâm tánh hủ bại của mình mà phạm tội cũng như nguyên tổ, nên bị khép án gia hình vậy.
2. CHỖ ĐÚNG VÀ CHỖ SAI CỦA THUYẾT NẦY
Thuyết nầy có chỗ dạy đúng về nguyên tội,mà cũng có chỗ sai lầm như sau đây:
a) Chỗ đúng:(1) Theo điều Kinh Thánh dạy về A-đam phạm tội lần thứ nhứt, thì tâm tánh người bèn biến thành hủ bại, mất sự công nghĩa nguyên bản. Từ đó cả hậu tự người đều bị di truyền mà mắc phải tâm tánh hủ bại đó vậy. (2) Loài người chẳng có năng lực gì tự trở lại cùng Đức Chúa Trời được. Phải nhờ ơn Thánh Linh vùa giúp, chỉ dẫn và soi sáng cho mới được.
b) Chỗ sai lầm:(1) Loài người chẳng bị tâm tánh hủ bại vì mạng lịnh độc đoán của Đức Chúa Trời định phải bị như thuyết Arminius dạy vậy đâu, bèn tại vì họ hiệp nhứt với cả giống loài người ở trong A-đam mà mặc tánh ấy, đến đỗi nguyên tổ ta bị tánh thể nào,thì hậu tự cũng đồng bị tánh thể ấy. (2) Thuyết nầy sai lầm hơn hết về sự giải nghĩa tội. Bởi chủ trương rằng tâm tánh hủ bại của loài người chẳng gọi là tội,duy việc tự ý phạm tội mới là tội đó thôi; đến đỗi dẫu có việc ác do tâm tánh hủ bại ấy mà ra, nếu tâm tánh chưa tự cảm giác mình thi thố tội ấy, thì cũng không được gọi là tội. Nhưng trái lại, Kinh Thánh dạy rõ chính tâm tánh hủ bại, luôn các sự khuynh hướng ác của nó, với các việc quấy do đó mà ra nữa, đều gọi là tội cả. (3) Kinh Thánh cũng tỏ rõ rằng cả giống loài người đều vì nguyên tội của A-đam mà bị Đức Chúa Trời định tội gia hình cho, chớ chẳng chỉ vì kỷ tội mà họ bị định tội gia hình thôi đâu. (Xem Ro 5:12, Ro 5:16, Ro 5:19; Eph 2:3).
Ông John Wesley, nhà sáng lập Giáo hội Methodiste ở bên nước Anh (thế kỷ XVIII), tán đồng đại ý của thuyết nầy, nhưng cũng có cải chánh nhiều giáo lý trong đó, làm cho trở nên thích hiệp với sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Hiện nay trong Giáo hội Cải chánh có Giáo hội Methodiste và mấy giáo hội nhỏ khác tán đồng theo tánh hủ bại thuyết mà ông Wesley đã cải chánh đó vậy.
III. ĐẠI BIỂU THUYẾT
Đại biểu thuyết do ông Cocceius (1603-1669), người Hà lan, giáo sư tại Leyden khởi xướng, về sau có ông Turretin (1623-1687) phụ họa và giải thuyết rõ ràng hơn. Hiện nay Giáo hội Réformée (Hội Trưởng lão) tán đồng lý thuyết ấy.
1. PHÁP HUY ĐẠI BIỂU THUYÊT
Thuyết nầy chủ trương rằng Đức Chúa Trời theo ý chí cao cả của Ngài mà lập A-đam làm đại biểu của cả dòng giống loài người trải mọi đời. Đức Chúa Trời cũng lập giao ước với A-đam, và với cả dòng dõi người ở trong người, hứa sẽ ban sự sống đời đời cho họ; duy có một điều kiện là A-đam phải vâng phục Đức Chúa Trời. Bằng chẳng vâng phục thì sẽ hình phạt người, lấy tội người mà đổ lại cho hậu tự người, khiến cho họ bị hủ bại và bị chết. Vả, vì A-đam đã phạm tội, nên Đức Chúa Trời đã theo điều kiện của giao ước ấy mà định tội cho các hậu tự người, vì sự vi phạm của người mà đổ tội ấy cho họ, kể họ và đãi họ như tội nhơn cả.
Đức Chúa Trời bèn thực hành cái án ấy mà trực tiếp dựng nên mọi linh hồn của hậu tự A-đam phải bị tâm tánh hư hỏng bại hoại. Chính tâm tánh ấy vốn gọi là tội, cũng hẳn có dẫn dắt người ta vào sự vi phạm. Vậy, chủ ý thuyết nầy là: Đức Chúa Trời trực tiếp đổ tội của A-đam cho hậu tự người, nhưng sự bại hoại tâm tánh của họ chẳng phải là nguyên nhơn của sự đổ tội ấy, duy là hiệu quả của nó thôi. Theo thuyết nầy câu “sự chết đã trải qua mọi người, vì hết thảy đều phạm tội” (Ro 5:12), chỉ dạy rằng sự chết của phần xác,phần hồn, và sự chết đời đời duy giáng trên mọi người bởi vì mọi người đều bị kể là tội nhơn đó thôi.
2. SỰ DỊ NGHỊ CỦA THUYẾT NẦY
Thuyết nầy bị những phi nghị như sau đây:
a) Ngoài Kinh Thánh:Lý thuyết nầy không do Kinh Thánh mà ra, vì trong đó chẳng có đoạn sách nào nói đến giao ước gì mà Đức Chúa Trời lập với A-đam để thí nghiệm loài người. Thuyết nầy thường viện lấy Os 6:7 để chứng cho ý kiến ấy; nhưng câu ấy chỉ nói đến “cách người ta… phạm lời giao ước”, chớ chẳng nói về A-đam phạm lời giao ước nào cả.
b) Phản đối Kinh Thánh:Thuyết nầy chủ trương rằng cái hiệu quả đầu nhứt về tội lỗi của A-đam là Đức Chúa Trời kể và đãi loài người như kẻ có tội. Ấy phản đối Kinh Thánh, vì Kinh Thánh minh chứng rằng tội của A-đam khiến cho cả loài người mắc tội (Ro 5:19).Loài người chẳng phải là tội nhơn bởi vì Đức Chúa Trời kể và đãi họ bằng tội nhơn đâu, bèn là bởi vì họ quả là tội nhơn thực nghiệm vậy. Kinh Thánh nói rõ sự chết “đã trải qua mọi người”, chẳng phải vì ai nấy bị kể và đãi bằng kẻ có tội,nhưng bởi “vì hết thảy đều phạm tội” đó vậy (Ro 5:12).
c) Nói hành sự công nghĩa của Đức Chúa Trời: Đại biểu thuyết nói hành sự công nghĩa của Đức Chúa Trời, vì chủ trương rằng:
(1) Đức Chúa Trời định tội cho loài người bởi vì họ phạm giao ước mà họ chẳng có dự phần sáng lập với Ngài. Điều thuyết nầy gọi là giao ước, bất quá là mạng lịnh của Đức Chúa Trời, theo ý chí cao cả của Ngài ban bố ra cho nguyên tổ đó thôi. Kinh Thánh cũng chẳng nói gì đến A-đam lập giao ước gì với Đức Chúa Trời như thế đâu.
(2) Cứ điều kiện của giao ước ấy Đức Chúa Trời kể mọi người vốn vô tội là tội nhơn. Dạy vậy, há chẳng nói hành sự công nghĩa của Đức Chúa Trời sao? Nhưng thật Đức Chúa Trời xử đoán theo lẽ thật,nên Ngài chỉ có thể coi những kẻ thực dự phần trong sự vi phạm của A-đam là tội nhơn đó thôi.
(3) Sau khi Đức Chúa Trời kể những kẻ vốn không có tội là có tội, thì liền trực tiếp dựng nên mọi linh hồn bị tâm tánh hư hoại, để khiến cho họ bị tội hiệp với mạng lịnh của Ngài. Dạy vậy, không những là dạy tà giáo về căn nguyên của linh hồn, lại ám chỉ Đức Chúa Trời là nguồn gốc trực tiếp của tội lỗi nữa. Nói một lời, sự định tội cho loài người chẳng có trước sự bại hoại, cũng chẳng phải là gốc của nó; bèn là sự bại hoại có trước và là nguyên nhơn của sự định tội đó mới hiệp với Chánh giáo vậy.
IV. ĐỒNG THỂ THUYẾT
Thuyết nầy do ông Augustin (354-430) khởi xướng, cốt để hết sức phản đối ý kiến của Pélage (xem tánh thiện thuyết). Dầu trước ông Augustin cũng đã có những Giáo phụ đề cập, như ông Tertullien (qua đời 220), ông Hilaire (qua đời 350), và ông Ambroise (qua đời 374). Tuy vậy, lịch sử thần đạo thường gọi thuyết nầy là thuyết Augustin. Các nhà Cải chánh đều tán đồng ý kiến nầy, duy ông Zivingle thì không. Hiện nay thuyết nầy cũng thường gọi là Chánh giáo thuyết, phần đông các nhà thần đạo trong Giáo hội Cải chánh đều tán đồng ý kiến nầy hết.
1. PHÁT HUY ĐỒNG THỂ THUYẾT
Đồng thể thuyết chủ trương rằng, cả dòng giống loài người đều đồng thể với A-đam trong lúc ông phạm tội lần thứ nhứt.Tuy lúc ấy giống loài người chưa chia ra từng cá nhơn, thì mọi người đều vốn thực tại ở trong lòng nguyên tổ; cả sự sống của dòng dõi người, với các thứ đặc tánh tư cách của họ cũng đều tiềm tàng ở nơi cá nhơn A-đam. Các tài năng hiện có ở trong cá nhơn, lúc bấy giờ duy có trong một mình A-đam, ý chí của A-đam khi ấy là ý chí của cả giống loài người vậy. Thành thử, khi A-đam tự ý tình nguyện phạm tội mà phản nghịch cùng Đức Chúa Trời, thì cả giống loài người đều đồng thể ở trong người mà phạm tội phản nghịch cùng Đức Chúa Trời, và bị tâm tánh hủ bại. Cái tâm tánh chúng ta hiện tại có là chính tâm tánh bị hủ bại trong A-đam lúc đó,chớ chẳng phải một thứ tâm tánh giống như nó, bèn là chính tâm tánh ấy từ A-đam cứ hằng di truyền lại chúng ta vậy.
Ấy vậy, khi A-đam phạm tội thì Đức Chúa Trời trực tiếp đổ tội ấy cho loài người, vì cả loài người đều đồng thể ở trong A-đam, nên tội ấy cũng là tội của chính mình họ nữa vậy. Tội ấy tức thì kết quả tâm tánh chung của cả loài người ở trong A-đam hủ bại, thiếu sự yêu mến Đức Chúa Trời, xu hướng về tội ác, đến đỗi như Phao-lô dạy: “sự chết đã trải qua mọi người, vì hết thảy đều phạm tội” (Ro 5:12). Bất cứ là sự chết về phần xác, phần hồn hay là sự chết đời đời, thì đều giáng trên mọi người, vì mọi người đều đồng thể với A-đam mà phạm tội vậy. Thuyết nầy rõ hơn và dễ hiểu hơn các ý kiến khác dạy về nguyên tội. Sau đây xin kể những bằng cớ chứng thực cho.
2. BẰNG CỚ CHỨNG THỰC CHO THUYẾT NẦY
a) Vừa hiệp với Kinh Thánh:Kinh Thánh chắc dạy rằng vì loài người đồng thể với A-đam, nên chi cả loài người đều ở trong A-đam mà vi phạm và bị định tội. Ấy chắc là ý nghĩa của Ro 5:12-21.Phần nhiều nhà giải nghĩa Kinh Thánh đều hiệp ý mà dạy rằng câu “sự chết đã trải qua mọi người, vì hết thảy đều phạm tội”, chắc tỏ ra cả giống loài người đều liên hiệp với A-đam mà phạm tội. Các chỗ trong đoạn sách nầy nói về sự chết của xác thịt đã trải trên hết thảy mọi người, đến đỗi hoặc kẻ nào phạm tội cách cảm biết, hoặc kẻ không phạm kỷ tội nào cả, đều bị án chết ấy (Ro 5:14). Các ngôn từ trong đoạn sách nầy như “luật pháp”, “tội lỗi”, “phạm tội”, “đoán phạt”, “công nghĩa” “không vâng phục” (Ro 5:13, Ro 5:14, Ro 5:15, Ro 5:16, Ro 5:18), đều là những ngôn từ thuộc về sự tài phán cả, minh chứng rằng sự định tội cho loài người đó chẳng phải là do một lịnh độc đoán mà ra, bèn là gia hình do sự phán đoán công bình mà ra vậy. Khi minh giải về gia hình ấy, thì Phao-lô quả quyết là nhơn vì tội của một mình A-đam mà cả loài người đồng bị một gia hình như đã tỏ trong những câu kể sau nầy: “bởi một người mà tội lỗi vào thế gian” (Ro 5:12),“bởi sự vi phạm của một người” (câu 15), “nhơn một vi phạm mà mọi người bị định tội thể nào” (Ro 5:18). Các câu ấy đều hiệp ý minh giải rằng cả giống loài người đều đồng thể với A-đam khi người phạm tội lần thứ nhứt, nên cũng đồng thể với người mà bị hủ bại và định tội vậy.
b) Giúp ta hiểu về tánh hủ bại: Thuyết nầy giúp đỡ ta hiểu tại cớ sao ta có trách nhiệm về tâm tánh hủ bại mà chính ta biết không phải do kỷ tội ta mà ra vậy.Bởi vì nếu chúng ta thực đồng thể với nguyên tổ mà phạm tội, đến đỗi kết liễu bị tâm tánh hủ bại thì gọi ta có trách nhiệm về nó cũng hữu lý và công bình lắm.
c) He 7:9,10 làm chứng cho:Thuyết nầy cũng vừa hiệp với sự dạy dỗ trong He 7:9,10: “Như vậy, có thể nói rằng,chính Lê-vi là kẻ thâu một phần mười kia, cũng do Ápraham mà đóng một phần mười;vì lúc Mên-chi-xê-đéc đón Áp-ra-ham, thì Lê-vi còn ở trong lòng tổ phụ.” Câu ấy dạy rõ ràng loài người trước khi sanh ra vẫn ở trong thể tiền nhơn, bất luận ông ấy sống trước khi mình mấy muôn thế kỷ, thì mình cũng vẫn hiệp nhứt với ông mà chịu trách nhiệm trong việc làm của ông, theo như Ápraham đóng thuế một phần mười cho Mên-chi-xê-đéc, mà ông Lê-vi, dầu được sanh hạ đến hơn 500 năm về sau đi nữa, cũng vẫn dự phần trong việc đóng thuế ấy vậy.
3. ĐÁP LẼ CÁC SỰ DỊ NGHỊ
Có kẻ không tán đồng ý kiến nầy thường đưa ra những câu dị nghị nầy nọ. Sau đây, xin thuật lại và đáp lẽ cho các câu dị nghị ấy.
a) Trước khi chưa tự tri tự giác thì người ta không thể có tội.
Ta phủ nhận câu ấy, vì rất phản đối với Kinh Thánh và luật đạo đức. Phần nhiều ác tập và xu hướng xấu của loài người đều không được cảm biết cho lắm, đến đỗi có việc xấu và sự khuynh hướng ác trong loài người mà họ chẳng tự cảm biết. Lại luật đạo đức không những là hành quyền trên chúng ta khi chúng ta cảm biết luật ấy, nhưng nó cũng hành quyền trên ta,định tội cho ta mỗi khi ta trái luật ấy, bất cứ ta tự cảm biết hay không cũng vậy.Lại mọi tội lỗi không phải đều là kỷ tội; Kinh Thánh dạy rõ lắm có tội thuộc về dòng giống, có tội lại thuộc riêng về cả dân tộc cả quốc gia và cả gia đình,v...v.; duy nguyên tội là thuộc chung cả dòng giống loài người vậy.
b) Loài người chẳng tự tạo ra tánh tội ác nên cũng không có trách nhiệm về tánh ấy.
Xin đáp: Lời dị nghị ấy không nhận lời chứng của Kinh Thánh và của lương tâm; vì hai cơ quan ấy đều chứng minh rằng tánh chất tội thể nào, là sở dĩ tại chính tội thể ấy mà thôi. Vì tánh tình tội ác của tôi chẳng ở ngoài tôi, bèn là ở trong chính bản ngã của tội. Tánh ấy không phải mới sa ngã lúc tôi phạm kỷ tội lần đầu nhứt, bèn đồng thể với A-đam mà sa ngã lúc ông ấy trái mạng Đức Chúa Trời lần thứ nhứt vậy. Kinh Thánh và lương tâm tôi minh chứng rằng tôi có trách nhiệm về bản tánh hủ bại ấy đến đỗi tôi không dám đổ thừa cho nguyên tổ hay kẻ khác, duy tự cáo mình là nguồn gốc của sự hủ bại gian ác đó thôi.
c) Không thể đổ thừa tội của A-đam cho ta, vì ta không thể ăn năn tội ấy.
Lời dị nghị ấy không phân biệt phạm tội bề ngoài với sự phản loạn bề trong. Trong nguyên tổ ta trước hết có sự phản loạn bề trong từ bản tánh của người, rồi mới hình ư ngoại trạng bằng việc ăn trái cấm đó. Chúng ta thật không thể ăn năn tội ăn trái cấm của cá nhân A-đam, vì ấy là việc riêng của người, hiệu quả của sự phản loạn bề trong. Nhưng ta có thể ăn năn tội phản loạn bề trong, vì tội ấy thành hình ở trong bản tánh của A-đam là bản tánh chung của nguyên tổ và chúng ta; ở nơi chúng ta thường cũng có ngoại trạng bằng sự phạm các kỷ tội vậy. Nói cho đúng, thì tín đồ hay ăn năn về bản tánh hủ bại ngỗ nghịch đó hơn hết; thậm chí được gần gũi cùng Đức Chúa Trời bao nhiêu thì gớm ghê, buồn bã, và thống hối về nó bấy nhiêu. Chúng ta biết Đức Chúa Trời chẳng tạo thành bản tánh hủ bại của ta như vốn có hiện bây giờ. Ta tự cảm biết sự hủ bại và lòng phản loạn cùng Đức Chúa Trời; cũng tự cảm biết sự hủ bại ấy chẳng tại Đức Chúa Trời đâu, bèn là tự cảm xúc minh bạch rằng duy tại bản tánh mình phạm tội đó thôi. Nhưng nếu sự hủ bại ấy không phải tự mình mà ra,thì cũng chẳng có thể cảm xúc gì về trách nhiệm đối với nó. A-đam phạm tội theo hai phương diện, là phương diện cá nhơn và phương diện bản tánh chung của cả loài người. Vả, vì cá nhơn và bản tánh chung của loài người lúc ấy không chia rẽ nhau ra, nên tội của cá nhơn A-đam tự nhiên can thiệp đến bản tánh chung của loài người, khiến cho nó mắc tội và bị hủ bại. Bản tánh ấy đã mất sự công nghĩa nguyên bản, bị mắc nợ nặng cùng Đức Chúa Trời, nhưng chẳng có gì trả lại được.Bản tánh hủ bại ấy A-đam di truyền cho hậu tự người, khiến cho họ cả thảy đều trở nên kẻ có tội. Nói một lời, trong A-đam, cá nhơn khiến cho bản tánh mắc tội;trong hậu tự người, bản tánh khiến cho cá nhơn mắc tội vậy.
d) Nếu ta có trách nhiệm về tội thứ nhứt của A-đam thì cũng chắc phải có trách nhiệm về các tội khác của người và đến cả ông bà tổ tiên khác nữa.
Xin đáp: Bản tánh loài người chỉ sa ngã một lần; nó sa ngã trong A-đam trước khi ông chưa ăn trái cấm, nhưng được tỏ ra trong sự ăn trái ấy. Các tội lỗi mà A-đam phạm sau việc ấy, và các tội lỗi của tổ tiên khác, chẳng có thể thay đổi bản tánh loài người nữa, duy tỏ rõ bản tánh ấy đã ra thể nào đó thôi. Kinh Thánh hạn chế cho lẽ đạo nầy minh bạch lắm mà rằng:“Con sẽ không mang sự gian ác của cha.” (Exe 18:20; Lu 13:2,3; Gi 9:2,3). Kỳ thực, ông bà tổ tiên có khi di truyền lại cho cháu chít những khuynh hướng xấu xa đặc biệt như sự ghiền rượu, sự tham lam, sự dâm dục v...v. Nhưng mà cá nhơn con cháu chẳng có trách nhiệm về cha ông, mặc dầu người đã lưu lại các khuynh hướng xấu ấy; cũng chẳng bị Đức Chúa Trời đổ tội ấy của tổ tiên lại cho. Song con cháu quả có trách nhiệm về cái nguyên tội vốn khiến cho cả giống loài người phản loạn cùng Đức Chúa Trời; cũng có trách nhiệm về tánh hủ bại, sự không vâng phục và sự phạm tội do đó mà ra.
e) Nếu có thể di truyền lại nguyên tội và án phạt của A-đam cho con cháu, thì tín đồ chắc cũng có thể di truyền lại cho con cháu sự công nghĩa và đức tin nữa.
Đáp: Nguyên tổ chỉ di truyền lại bản tánh hủ bại, chớ chẳng lưu lại những tư cách phẩm hạnh riêng hoặc tốt hoặc xấu.Sự sinh thực thiên nhiên chẳng di truyền kỷ tội lại, chỉ lưu lại cho mọi người cái tội thuộc về cả giống mà thôi. Sự công nghĩa và đức tin đều thuộc về tư cách và phẩm hạnh thuộc linh, nên không thể di thuyền bởi sự sinh thực được. Giả như người học thức cao thượng kia không thể lưu lại cho con cháu mình sự học thức của mình; nhưng chỉ lưu lại cho nó cái dốt nát đó thôi. Cũng vậy, tín đồ công nghĩa đạo đức không thể lưu lại cái phẩm cách quí ấy cho con cái mình; chỉ có thể lưu lại tánh hủ bại hay xu hướng về tội lỗi đó thôi.
Chương 6: TỘI LỖI TRÀN LAN KHẮP NƠI
Kinh Thánh dạy đành rành tội lỗi đã lan tràn khắp vũ trụ, chẳng trừ một nơi nào cả.
I. TỘI CAN HỆ VỚI TRỜI
Tội lỗi chắc cũng can hệ đến cõi trời, bởi vì sự sa ngã của Sa-tan xảy ra ở cõi ấy. Trong sách Gióp, ta thấy Sa-tan có thể vào trên trời, yết kiến Đức Chúa Trời (Giop 1:6). Mà kỳ thực nơi nào nó có thể đụng đến, cũng chẳng khỏi bị ảnh hưởng của nó ít nhiều. Thiết tưởng dẫu trên trời chẳng bị tội như ở dưới đất, thì cũng chắc đã cảm xúc ảnh hưởng của nó. Xem Xa 3:1, Lu 10:18 và Kh 12:7-9, thì hình như cõi trời thật cũng phải bị sự vận động của Sa-tan, ít nữa vào lúc trước khi có sự chết và sự sống lại của Christ. Vả lại,hiện nay các nơi trên khoảng không trung đều đầy các quỉ sứ của Sa-tan, hằng chiến đấu mà làm khó cho tín đồ của Chúa (Eph 1:3; 2:6; Eph 6:11,12). Cũng chắc vì cớ ảnh hưởng tội đã hệ lụy đến cõi trời mà sau rốt Đức Chúa Trời sẽ phải thiêu hủy cả trời đất, rồi dựng nên một trời mới đất mới, là nơi chẳng có cảm biết ảnh hưởng của tội ác nữa vậy.
II. TỘI TRÀN KHẮP TRÁI ĐẤT
Sự sa ngã của nguyên tội ta với nguyên tội do đó mà ra đã tràn khắp trái đất, trong sáu cõi chẳng cõi nào không cảm biết đến.Tội tràn lan ra bao nhiêu thì làm thiệt hại cho loài người bấy nhiêu, đến đỗi ta có thể nói rằng như chữ lớn ở trên trời là THÁNH, thì chữ lớn ở giữa thế gian là TỘI. Kê cứu Kinh Thánh thì thấy cả loài sống ở địa cầu đều bị tội.
1. Loài thực vật bị rủa sả:Nguyên tổ ta mới phạm tội, thì Đức Chúa Trời bèn lên án cho trái đất phải bị rủa sả, sanh ra chông gai tật lê, kết cuộc là hoang vu son sẻ. Chỉ khi Christ tái lâm, lập Nước bình an Ngài trên đất nầy, thì loài thực vật mới được giải cứu khỏi sự rủa sả khốn nạn ấy. Kinh Thánh có câu: xem Sa 3:17,18; Es 55:13
2. Loài thú bị rủa sả: Tại cớ tội lỗi mà loài thú cũng bị rủa sả, phải ở trong phạm vi khốn nạn đau đớn.Khi Chúa Jesus trở lại, loài thú cũng sẽ được phóng thích khỏi sự khốn nạn đau đớn ấy. Kinh Thánh chép: xem Ro 8:22; Es 11:6-9
3. Loài người bị tội lỗi: Tội của nguyên tổ ta đã di truyền cho khắp cả giống loài người, khiến cho hết thảy đều bị tánh ác và tội hình. Mỗi người mới sanh ra đời nầy đều bị linh tánh hủ bại rồi, và nếu họ sống đến tuổi lớn khôn, biết phân biệt phải quấy thì ắt phạm tội riêng nữa. Kinh Thánh có câu chứng rằng: xem Lu 6:43-45; Ma 12:34; Thi 58:3. “Kẻ ác bị sai lầm từ trong tử cung. Chúng nó nói dối lầm lạc từ khi mới lọt lòng mẹ.”
Tánh hủ bại ấy chẳng người nào có sức tự mình đổi được, cũng như Giêrêmi nói rằng: xem Gie 13:23.
Linh tánh hủ bại ấy là địa vị hư mất của linh hồn đương bị “chết vì sự vi phạm và tội lỗi mình… vốn là con của sự thạnh nộ” (Eph 2:1-3).
Luận về tội tràn khắp vũ trụ, có nhà thần đạo dạy rằng: “Bất luận là tội lỗi hay là sự cứu chuộc, cả hai đều bắt đầu ở trên trời, và từ trời xuống đất. Phần lớn trong chức vụ của Christ thì Ngài thi hành ở trên trời, và cũng vì cớ trên trời mà làm nữa (He 9:23). Sa 1:1 minh chứng rằng sự thông công trời đất vốn rất khắng khít, vì hai cõi ấy cùng được dựng nên một lần. Loài người vốn dự phần về trái đất, mà cũng dự phần về trên trời nữa (ICo 15:49). Christ từ trời giáng sanh, rồi trở lên trời, lại sẽ từ trời tái lâm.Trong Kinh Thánh khi nói đến trời đất, thường đặt chữ trời trước chữ đất, để chứng rằng theo ý chỉ Đức Chúa Trời, trời phải chủ trị đất. Trời đất mới sẽ là hiệu quả của công việc cứu chuộc của Jesus Christ, trong đó chẳng có ảnh hưởng của tội lỗi chút nào cả, vì sẽ là quê hương của sự công nghĩa thánh khiết đến vô cùng.”Kinh Thánh có chép rằng: xem Es 65:17; IIPhi 3:13; Kh 21:1
Chương 7: HIỆU QUẢ CỦA TỘI LỖI
Sự sa ngã phạm tội của nguyên tổ có hiệu quả rất buồn bã khốn nạn đối với cả loài người; không những là có ảnh hưởng tự nhiên hệ lụy đến thân thể và sự sanh hoạt của người, nhưng cũng có hiệu quả hệ lụy đến linh hồn người và họa hoạn trong đời sau, chuốc lấy cho người án phạt tội hình đời đời nữa vậy. Xin chia chương nầy ra ba đề, luận qua như sau đây:
I. LOÀI NGƯỜI BỊ HỦ BẠI
Như đã thấy, tội lỗi kết quả tánh hủ bại trong A-đam. Tánh A-đam di truyền tánh hủ bại ấy lại cho cả hậu tự người, khiến cho tánh của họ cũng bị hủ bại. Thành thử, mỗi người sanh ra trong đời đều có một bản tánh hủ bại từ lúc mới hoài thai trong lòng mẹ; tánh ấy gọi là “tội”, chỉ đợi cơ hội tâm trí phân biệt phải quấy được thì ắt lôi kéo người sa vào bao hành động gian ác mà phạm đủ thứ kỷ tội, can lụy đến Đức Chúa Trời, trái luật Ngài, làm thiệt hại cho kẻ lân cận và chính mình nữa.
1. SỰ GIÃI BÀY TÁNH HỦ BẠI
Sự hủ bại nầy được tỏ ra trong loài người theo sáu phương diện như luận sau đây:
a) Thiếu lòng yêu mến Đức Chúa Trời: Mọi tội nhơn thiếu hẳn lòng yêu mến Đức Chúa Trời, mà phạm điều răn đầu nhứt của luật đạo đức. Luật ấy đòi: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết trí ngộ mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi” (Ma 22:37). Song Chúa Jesus chứng cho loài người rằng: “Ta biết các ngươi rồi, chẳng có sự yêu thương Đức Chúa Trời ở trong các ngươi đâu” (Gi 5:42).
b) Cố quyết đặt sự tự tư lợi trước Đức Chúa Trời: Mọi tội nhơn cố quyết trong mọi sự đều đặt sự tự tư tự lợi trước Đức Chúa Trời, cốt ý để làm thỏa lòng riêng, chẳng chút nào tìm cách làm thỏa lòng Đức Chúa Trời. Xem IITi 3:2-4
c) Có lòng oán hận Đức Chúa Trời: Mọi tội nhơn hằng có lòng oán hận Đức Chúa Trời. Có lẽ ban đầu nó ẩn bí trong lòng,nhưng khi gặp cơ hội mà ý muốn mình phản đối với ý chí Đức Chúa Trời, thì lòng oán hận ấy liền tỏ ra rõ rệt trong hành vi ngỗ nghịch. Xem Ro 8:7
d) Coi mình là quí hơn Đức Chúa Trời: Mọi tội nhơn vì lòng tư kỷ đã coi mình quí hơn Đức Chúa Trời, nên các tài năng của người đều bị hủ bại hỗn độn thập phần. Xem Eph 4:17,18; Tit 1:15
IICo 7:1 Phao-lô cũng ngầm dạy rằng cả phần xác lẫn phần linh của ta đều bị dơ bẩn hết.
e) Bất hiệp với Đức Chúa Trời mọi bề: Tội nhơn chẳng có một tư tưởng, một cảm xúc, hoặc một việc làm mà đức tánh thánh khiết của Đức Chúa Trời công nhận là xứng hiệp được. Đức Chúa Trời nghiêm chứng rằng: xem Ro 3:10-12. Phao-lô cũng chép rằng: xem Ro 7:18
f) Tiệm tiến trong sự hủ bại mãi: Tội nhơn bị bắt phải phục một luật khiến cứ tiệm tiến trong sự hủ bại mãi, đến đỗi dẫu muốn chống cự quyền tiến hành của luật ấy, cũng chẳng có sức gì mà làm nổi.Trong thơ Rô-ma Phao-lô chứng rằng: xem Ro 7:18, Ro 7:19, Ro 7:23
2. SỰ KẾT QUẢ CỦA TÁNH HỦ BẠI
Có nhà thần đạo kia luận về sự hủ bại của tâm tánh loài người mà rằng: “Tội lỗi bịt lỗ tai loài người (Cong 28:27), làm mù mắt trí khôn họ (Eph 4:18), làm hủ bại ái tình họ (Ma 13:15), khiến cho chơn bước lạc đường chánh (Es 53:6), làm cho ý chí chăm về xác thịt (Ro 8:7), khiến cho lụt tài độn trí (IICo 2:9-14), làm thiệt hại linh hồn (Ch 8:36), khiến lưỡi ra độc hiểm (Ro 3:13,14), làm cho tay nên biếng nhác (Ch 21:25), giết chết cả thân thể lẫn tâm linh (Ro 5:12), cướp giựt khỏi nhà cha (Lu 15:17), rốt cuộc bị phú cho Sa-tan bắt phục áp chế (Eph 2:2).
3. MƯỢN BIỆT LOẠI ĐỂ GIẢI THÍCH TÁNH HỦ BẠI
Kinh Thánh sánh tội nhơn với, (1) con rắn hổ,vì rất độc (Thi 140:3); (2) con lừa, vì rất cố chấp (Giop 11:12); (3) con gấu,vì rất hung dữ (Da 7:5); (4) sâu lột vỏ, vì hay cắn phá quá (Gio 2:25); (5) con chó, vì ô uế quá (Ch 26:11); (6) chó rừng, vì thích nơi hoang vu (Giop 30:29);(7) con chồn cáo, vì quỉ quyệt lắm (Lu 13:32); (8) con beo, vì độc dữ (Da 7:6);(9) con sư tử, vì hay gầm hét (Thi 22:13); (10) con chiên, vì ngu dại (Es 53:6); (11) màng nhện, vì rất mỏng mảnh (Es 59:5); (12) con heo, vì rất dơ dáy (IIPhi 2:22); (13) rắn lục, vì rất độc hiểm (Ma 23:33); (14) muông sói, vì hay cắn xé (Gi 10:12).
Nói một lời, sự hủ bại của tâm tánh do tội mà ra tràn ra khắp cả cá nhơn, chẳng có phần nào trong người mà không toàn bị sự hủ bại ấy. Khi người không chịu vâng phục ý chí Đức Chúa Trời, thì trái lương tâm, khiến cho tâm trí đức dục bị tối tăm, ý dục bị yếu đuối, cảm tình bị lãnh đạm; lương tâm lần lần bị lì lợm, kết liễu là lìa bỏ Đức Chúa Trời hằng sống,mà bị hư mất đời đời vậy.
Cảm tạ Đức Chúa Trời! Đối với sự hủ bại hoàn toàn lại có sự cứu rỗi trọn vẹn. Christ hằng thi ân cho tội nhơn để ngăn cản tội lỗi cứ bành trướng ra, khuyên lơn hãy ăn năn trở lại cùng Ngài. Vì “Ngài có thể cứu trọn vẹn những kẻ nhờ Ngài mà đến gần Đức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho họ.” (He 7:25).
II. TỘI TRÁCH CỦA LOÀI NGƯỜI
1. CHÂN TÁNH CỦA TỘI TRÁCH
Vì cả giống loài người đã trái luật pháp thánh và công nghĩa của Đức Chúa Trời, nên phải chịu tội trách trước mặt Đức Chúa Trời. Luật pháp ấy đòi phải hình phạt tội nhơn để làm phu phỉ sự công nghĩa của Đức Chúa Trời và bảo vệ sự thánh khiết của Ngài. Sự đoán phạt ấy Kinh Thánh thường gọi là “sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời” (Ro 1:18). Sự thạnh nộ ấy rất đáng kinh hãi khủng khiếp và mọi tội nhơn đều cảm xúc sự kinh khủng ấy, bởi vì ai nấy đều cảm biết mình là phạm nhơn. Hoặc là tâm tánh hủ bại, hoặc là các ác tập riêng, cả thảy đều gọi là tội, phản nghịch cùng Đức Chúa Trời, trái ý Ngài,và chuốc lấy cho phạm nhơn cơn thạnh nộ của Ngài. Kinh Thánh có câu chứng rằng:xem Thi 7:11; Gi 3:18,36
Kinh Thánh cũng dạy rõ lắm rằng tội nhơn hẳn phải đền tội, hoặc là bởi sự chịu hình phạt, hoặc là bởi sinh tế. Xem He 9:22
Tân Ước có chỗ tả sự mắc tội ví như mắc nợ:xem Ma 6:12; Lu 13:4;
Nếu không ai trả nợ giùm cho, thì tội nhơn chẳng có gì mà trả, ắt phải bị bỏ trong ngục cho đến đời đời đó thôi. Cũng xem Ma 5:21; Ro 3:19; 6:23; Eph 2:3.
2. ĐẲNG LƯỢNG CỦA TỘI TRÁCH
Kinh Thánh dạy rằng trong tội trách có đẳng lượng khác nhau, như tội nầy nặng hoặc nhẹ hơn tội kia. Các thứ hy sinh mà luật pháp Môi-se bảo dân Y-sơ-ra-ên phải đem dâng lên cũng vì các thứ tội khác nhau của họ, với các sự thưởng phạt khác nhau trong cuộc xét đoán của Đức Chúa Trời,thảy đều minh chứng cho lẽ thật ấy. Kinh Thánh dạy rằng: xem Lu 12:47,48; Ro 2:5,6; Gi 19:11; He 2:2,3. Cũng xem He 10:28,29.
3. NHỮNG LOẠI TỘI LỖI
Kinh Thánh phân biệt các tội lỗi ra những loại đặc biệt như sau đây:
a) Tâm tánh tội và công việc tội:Tâm tánh hủ bại của loài người tuy là tội, nhưng nhẹ hơn công việc tội do nó mà ra. Khi cá nhơn chưa làm theo sự xu hướng ác của tâm tánh ấy, thì chỉ mắc nguyên tội mà thôi; nhưng khi phạm kỷ tội, thì theo ý chí tự do mà cố quyết chiều tánh hủ bại đó mà phản nghịch cùng Đức Chúa Trời, khiến cho linh hồn bị hủ bại thêm nữa. Nói cho đúng, thì loài người chỉ có thể nhờ công việc tội mình mà cảm biết sự hủ bại hư hỏng của tâm tánh riêng. Nên chi trong khi giảng đạo Chúa,nhà truyền đạo nên chú trọng về các thứ kỷ tội và ác tập riêng của người ta, ứng dụng luật pháp Đức Chúa Trời cho các tội ấy, mới mong khiến cho họ tỉnh thức và ăn năn vậy.
b) Sự không biết mà phạm tội. Sự biết rõ mà lại phạm tội: Đức Chúa Trời theo sự hiểu biết của phạm nhơn mà đoán định tội nặng hay nhẹ. Người sanh ra giữa xã hội có phong hóa, trong nhà có giáo dục, làm người biết luân thường đạo đức, rõ ý muốn Đức Chúa Trời mà lại sa vào tội, thì tội kẻ đó tất nhiên nặng hơn, vì dẫu biết rõ lẽ phải, mà lại cố ý làm điều quấy. Thế thì, sự định tội cho người nào rất có quan hệ với tài hiểu biết phải quấy của người ấy. Chính Chúa Jesus dạy rằng: xem Ma 10:15; Lu 12:47,48.
Khi Ngài bị treo trên cây gỗ, thì cầu rằng:“Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.” (Lu 23:34). Nếu kẻ đóng đinh Ngài vào cây gỗ đó đã biết rõ việc họ làm đó là tối cực kỳ nặng nề,thì chắc không thể được tha. Cũng xem Cong 17:30; Ro 1:32; Ro 2:12; ITi 1:13,ITi 1:15, ITi 1:16.
c) Tội tình cờ phạm và tội hằng phạm: Hễ ai tình cờ sa sảy, ngã vào tội lỗi, thì mắc tội nhẹ hơn kẻ hằng phạm tội không chịu chừa. Tội hằng phạm lần lần khiến cho phạm nhơn lì lợm, kết cuộc lìa bỏ Đức Chúa Trời hằng sống (He 3:12).
d) Tội của bực cao và bực thấp:Tra xét luật pháp về các của lễ chuộc tội, thì thấy thầy tế lễ phải dùng bò,còn con nhà bá tánh lại dùng dê. Vật tế lễ ấy chẳng đồng nhau, vì cốt ý phân biệt tội nặng với tội nhẹ. Bực thầy tế lễ phạm tội lại càng nặng hơn, vì là ngôi cao chức trọng, ảnh hưởng tội ấy quan hệ hơn sự vi phạm của thường dân nhiều lắm.Bao giờ cũng vậy, tội của ngôi cao chức trọng cũng nặng hơn tội của người bình thường, vì gương và ảnh hưởng của tội ấy rất quan trọng hơn, gây cho nhiều kẻ khác vấp phạm nữa.
e) Tội cố phạm và tội yếu đuối phạm: Kẻ cố ý phạm tội lấy ý chí mình mà cố quyết làm quấy. Tội ấy nặng lắm. Nhưng kẻ nào vì yếu đuối mà phạm tội, tuy việc vi phạm ấy thật cũng là tội, nhưng là tội nhẹ hơn tội cố phạm. Đa-vít cầu nguyện rằng: “Xin Chúa tha các lỗi tôi không biết.Xin Chúa giữ kẻ tôi tớ Chúa khỏi cố ý phạm tội.” (Thi 19:12,13). Tiên tri Ê-sai nghiêm huấn rằng: “Khốn cho kẻ lấy sự dối trá làm giây kéo sự gian ác theo sau,và như dùng đõi xe kéo tội lỗi” (Es 5:18). Ý câu ấy là phạm nhơn không tình cờ hoặc ngộ phạm tội đâu, bèn là chuyên tâm cố ý làm sự gian ác, và bền đỗ làm mãi. Các thứ tội ấy rất nặng nề, thường gây nên lòng cứng cỏi, lương tâm lì lợm vậy.
f) Tội phạm cùng Thánh Linh:Trong vòng các thứ tội mà Kinh Thánh tả ra, có một tội gớm ghê và đáng sợ hơn hết ấy là tội phạm cùng Thánh Linh. Về tội ấy Kinh Thánh dạy rằng:
(1) Là tội cố ý kể công việc của Thánh Linh do ma quỉ mà ra: Tội phạm cùng Thánh Linh là việc cố ý kể công việc của Thánh Linh là do ma quỉ mà ra. Trong Ma 12:24 bọn Pha-ri-si đều coi công việc đuổi quỉ và các phép lạ của Chúa Jesus làm là việc của chúa quỉ.Trong Ma 12:31 và Ma 12:32 Chúa Jesus tỏ ra ai nói như vậy là lộng ngôn cùng Thánh Linh.
(2) Là tội đời đời không thể được tha: Tội phạm cùng Thánh Linh là tội đời đời. Trong Mac 3:29 Jesus phán: “Ai lộng ngôn với Thánh Linh thì đến mãi mãi chẳng được tha, nhưng mắc tội đời đời.”Các thứ tội khác thì có thể được tha, nhưng ai phạm tội với Thánh Linh đến mãi mãi cũng chẳng hề được tha, vì phải mắc tội ấy đến đời đời. Tại sao tội ấy không được tha? Chắc tại vì hễ linh hồn nào phạm tội cùng Thánh Linh đã trở nên cứng cỏi và lì lợm, đến đỗi không còn thể nào nhận lãnh sự cảm hóa của Thánh Linh nữa, không còn thể nào cảm xúc hoặc tội lỗi hoặc ân điển; dầu Đức Chúa Trời hết sức dùng đạo Ngài để khích lệ tỉnh thức người ấy, cũng chẳng có ích gì. Phạm nhơn đã mất lương năng nhận ân điển của Đức Chúa Trời, nên không thể nào ăn năn, cũng không thể nào được tha thứ. Giả như người kia khoét cả hai con mắt mình, thì không thể nào thấy gì được, chẳng cách gì có thể khiến người được sáng mắt lại. Cũng vậy, nếu ai cố ý phạm tội luôn, thì lần lần tuyệt diệt lương năng tín nhận sự tha thứ của Đức Chúa Trời, đến đỗi kết cuộc phải đứng vào địa vị tuyệt vọng. Dầu Đức Chúa Trời vẫn là Đấng nhơn từ thương xót, sẵn lòng tha thứ, thì phạm nhơn ấy không thể được tha, vì không thể hiểu thấu Ngài thương xót, cũng chẳng có thể tín nhận sự tha tội được.
(3) Là tội cố ý chối sự cứu chuộc của Christ: Tội phạm cùng Thánh Linh là cố ý chối bỏ sự cứu chuộc của Jesus Christ. Trong He 10:26 có câu rằng: “Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có sinh tế chuộc tội nữa, duy có sự kinh khiếp chờ đợi sự phán xét, và lửa hừng sẽ thiêu đốt các cừu địch đó thôi.” Còn trong He 6:4-6 thì dạy rằng: “Vì chưng kẻ đã được soi sáng một lần (tức là đã được sự sáng bởi Chúa là ánh sáng đời đời)… nếu lại rời bỏ, thì không thể khiến cho họ đổi lại mà ăn năn nữa, vì họ lại tự đem Con Đức Chúa Trời mà đóng đinh trên thập tự giá nữa, bêu xấu Ngài tỏ tường.” Kẻ nào cố ý chối bỏ Christ, cũng như dân Do Thái xưa, chối bỏ sự cứu chuộc có một không hai của Đức Chúa Trời ban xuống; nên đối với người ấy không còn có hi vọng được cứu nữa,bởi vì cố ý chối bỏ phương pháp cứu rỗi mà Đức Chúa Trời đã ban trong Jesus Christ. Người dường ấy vẫn bình yên lắm, vì lòng đã chai đá, chẳng còn cảm xúc sự cắn rứt của lương tâm nữa. Kỳ thực, hễ ai ngại mình đã phạm tội cùng Thánh Linh và vì cớ ấy lo sợ buồn rầu, xác chứng rằng mình chưa phạm tội ấy; bởi vì nếu thật đã phạm tội ấy rồi, quả chẳng cảm xúc sự lo buồn gì cả, và chẳng bao giờ ước ao được tha thứ nữa.
Giáo hoàng César Borgia (Alexandre VI) vốn là giáo hoàng đầy dâm dục, cử chỉ theo tánh hung ác tàn nhẫn cực điểm. Dầu vậy,lịch sử tả thuật ông ấy vẫn giữ nét vui vẻ hiền lành, tỏ ra tánh tình đa cảm và khiêm nhường. Tuy ông đã phạm đủ thứ tội rất trọng như gian dâm, loạn luân, cướp bóc, chém giết cha mẹ, đầu độc anh em, bán thầy, làm chứng dối,v...v., thì suốt đời ông chẳng bao giờ tỏ vẻ bị lương tâm cắn rứt chút nào, đến giờ qua đời ông vẫn cứ tin nữ đồng trinh Mari bảo hộ mình, ban cho mình được an nhiên vô sự trọn vẹn. Ông ấy chắc phạm tội cùng Thánh Linh, mới mất lương năng cảm xúc tội và ơn ăn năn vậy. Ông Jeremy Taylor tả ra thế nào tội tấn triển trong tội nhơn, mà rằng:“Lần đầu tội khiến cho tội nhơn kinh hoảng, sau thì thỏa thích, sau nữa lại khoái lạc; nếu cứ phạm mãi thì thành thói quen. Rốt lại phạm nhơn ghiền cụp,không thể ăn năn, rồi cố chấp quyết định không muốn ăn năn; kết cuộc là hư mất đời đời vậy.”
Nói một lời, tội phạm cùng Thánh Linh chẳng phải là tội tình cờ mà phạm, bèn là sự kết quả của sự cố phạm trải qua nhiều năm, cố ý từ chối lẽ thật và ân điển của Đức Chúa Trời, tự làm lòng cứng cỏi và ngỗ nghịch cùng Đức Chúa Trời, đến đỗi không còn năng lực gì nữa có thể khiến người ấy ăn năn để cứu rỗi được (IGi 5:16,17).
III. SỰ HÌNH PHẠT CỦA TỘI
1. ĐỊNH NGHĨA
Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời hằng phản nghịch với tội lỗi hoài, đến đỗi kẻ trái luật phải bị đau đớn khổ sở cả về phần thuộc linh lẫn về phần thuộc thể nữa. Ấy là sự hình phạt tội. Mục đích về sự hình phạt tội chẳng phải là sửa lại phạm nhơn, cũng chẳng để ngăn ngừa kẻ khác trái luật Đức Chúa Trời, duy để bảo vệ đức thánh khiết của Đấng lập pháp đó thôi.
2. HAI THỨ HÌNH PHẠT
Phần nhiều nhà thần học đều phân biệt hai thứ hình phạt tội, là sự hình phạt gián tiếp và sự hình phạt trực tiếp.
a) Hình phạt gián tiếp:Cái hiệu quả tự nhiên của tội lỗi ở trong cá phạm nhơn, như là sự hủ bại, bịnh hoạn, sự hỗn độn sanh ra trong tâm linh, tâm hồn và thân thể của con trai và con gái A-đam, đều thường gọi là sự hình phạt gián tiếp.
Giả như người cha kia cấm không cho con mình leo lên cây, ngăm đe rằng nếu trái mạng, thì bị nhốt trong nhà ba ngày, mỗi ngày chỉ cho ăn một miếng bánh và uống một chén nước lạnh thôi. Nhưng đứa con ấy không vâng lời, cứ leo lên cây kia, rủi té xuống gãy tay, bị đau đớn khổ sở, phải nằm nhiều ngày mới lành được. Sự đau đớn và việc bị nằm nhiều ngày đó, gọi là hình phạt gián tiếp về tội của đứa con ấy. Nhưng khá nhớ rằng ấy chưa phải là sự hình phạt thật của tội đó đâu. Khi nó lành mạnh rồi, người cha phải theo lời răn he kia mà nhốt nó trong nhà ba ngày, mỗi ngày chỉ cho nó ăn một miếng bánh và uống một chén nước lạnh. Ấy gọi là sự hình phạt trực tiếp, do chính người lập pháp mà ra, để phạt tội chẳng vâng lời của đứa con đó. Nói đại khái, sự hình phạt tội trong đời nầy là thuộc về sự hình phạt gián tiếp vậy.
b) Hình phạt trực tiếp: Sự hình phạt trực tiếp thuộc về cõi lai sanh, sẽ thi hành trên tội nhơn mà đã không khứng ăn năn trong buổi sanh tiền. Kinh Thánh thường mượn nhiều tư liệu khác nhau để tả vẽ cuộc hình phạt khốn nạn cực khổ dường nào. Sau đây xin kể lại ít từ liệu đó để làm chứng: (a) Sự sống lại để chịu xét đoán (Gi 5:28,29); (b)sự hình phạt diệt vong đời đời (IITe 1:9); (c) sự giận và cơn thạnh nộ, sự hoạn nạn khốn khổ (Ro 2:8,9); (d) sự ném xuống hồ lửa (Kh 20:15); (e) sự hình phạt của lửa đời đời (Giu 1:7); (f) lửa đời đời (Ma 25:41); (g) hồ lửa lưu hoàng cháy (Kh 19:20); (h) sự chết thứ hai (Kh 21:8); (i) vực sâu (nguyên văn: Tartarus)(IIPhi 2:4).
Các từ liệu trên đây đều dự tả sự đoán phạt trực tiếp của tội nhơn không chịu ăn năn. Nhưng nếu kê cứu Kinh Thánh cho kỹ,thì có hai từ liệu Thánh Linh dùng nhiều hơn hết để dự tả cảnh trạng đáng ghê sợ ấy, tức là sự CHẾT và sự HƯ MẤT. Vậy, hễ ai muốn thấu rõ sự hình phạt tương lai của kẻ ác là thể nào, thì rất cần phải kê cứu hai danh từ ấy cho cặn kẽ mới mong hiểu thấu được.
(1) Sự chết:Cái tổng qui của quả báo tội lỗi, tức là sự chết. Kinh Thánh thường dùng chữ chết (chữ Hilạp là thanatos) theo ba cách, tức là sự chết thuộc thể, sự chết thuộc linh, và sự chết vĩnh viễn.
(a) Sự chết thuộc thể:Đương lúc tuyên án tội tại vườn Ê-đen, thì loài người nghe một lời phán rất sợ hãi rằng: “Ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi sẽ trở về bụi” (Sa 3:19). Từ A-đam trở đi, cả hậu tự người chẳng một ai thoát khỏi án ấy. Vả, sự chết thuộc thể là gì? Đáp: Ấy là linh hồn chia rẽ với xác thịt; linh hồn liền về hoặc với Chúa hoặc sa vào địa ngục; còn xác thịt tiêu tan ra tro bụi ở dưới đất. Lời cầu nguyện của Môi-se trong Thi 90:7-9,11, sự ngợi khen của Êxêchia trong Es 38:17,18, đều công nhận rõ ràng sự chết của xác thịt là sự trừng phạt của tội. Trong Tân Ước cũng dạy lẽ thật ấy, như trong Gi 8:44; Ro 5:12, Ro 5:14, Ro 5:16, Ro 5:17; Ro 6:33. Sứ đồ Phierơ gọi sự chết của xác thịt là sự đoán phạt của Đức Chúa Trời đối với tội (IPhi 4:6). Trong ICo 15:21,22 Phao-lô bày tỏ lẽ tương phản sự sống lại thân thể của tín đồ trong Christ với sự chết xác thịt của loài người trong A-đam. Ro 4:24, Ro 4:25; Ro 6:9, Ro 6:10; Ro 8:3, Ro 8:10, Ro 8:11; Ga 3:13 đều minh chứng rằng Christ cam chịu sự chết xác thịt là bị hình phạt vì tội của loài người, và nhờ sự từ kẻ chết sống lại mà chứng thực rằng tội ấy đã bị hình phạt rồi; loài người trong Ngài được kể là công nghĩa vậy. Như sự sống lại của xác thịt là một phần quan hệ trong sự cứu chuộc, cũng một thể ấy, sự chết xác thịt là một phần quan hệ trong cuộc hình phạt tội vậy.
Nhưng nhờ sự chết và sự sống lại của Christ,nên sự chết chẳng còn gọi là sự hình phạt cho tín đồ nữa. Sự đau đớn khổ sở của nó chỉ là một cách Cha dùng để sửa trị con yêu dấu Ngài, một cửa Chúa mở cho tín đồ bước vào sự sống rộng rãi vinh hiển hơn đó thôi. Phao-lô chứng rằng: xem IICo 5:1-9; Phi 1:21,23
(b) Sự chết thuộc linh: Sự chết thuộc linh là linh hồn người ta cách trở với Đức Chúa Trời mà tuyệt giao với nguồn phước thuộc linh. Người mới sanh ra, thì đã đứng trong địa vì chết ấy rồi,kết quả lương tâm cắn rứt, lòng mất bình yên, tâm linh buồn bã, và cả chỗ tương quan đức dục của linh hồn với Đức Chúa Trời đều hỗn độn trụy lạc mọi bề.
Tuy sự chết xác thịt vốn một phần trong sự hình phạt tội, thì nó chẳng phải là phần quan hệ đâu, bèn là phần chết thuộc linh vậy. Kinh Thánh thường dùng danh từ “chết” theo nghĩa thuộc linh để minh giải về người nào phạm tội thì đã mất ân trạch và sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong lòng. Khi nói về con hoang đàng ăn năn thì gọi nó là chết mà được sống (Lu 15:24). Tín đồ Êphêsô vốn thuộc trong hạng chết vì sự vi phạm và tội lỗi (Eph 2:1). Còn Hội thánh Sạtđe “có tiếng là sống nhưng mà là chết” (Kh 3:1); (Xem Gi 5:24; Gi 8:51; Ro 8:13; Eph 5:14; ITi 5:6; Gia 5:20; IGi 3:14, thì rõ hơn nữa).Khi A-đam vừa phạm tội tại Ê-đen, thì bị án chết nầy liền, linh tánh phải phân rẽ với Đức Chúa Trời, không còn được giao thông với Ngài như trước nữa. Chỉ có sự ăn năn tội, sự tái sanh bởi quyền năng của Thánh Linh có thể lập lại sự giao thông ấy, mà cứu linh hồn khỏi sự chết thuộc linh vậy.
(c) Sự chết vĩnh viễn: Sự chết vĩnh viễn là sự chết thuộc linh hằng còn sau khi người đã chết thuộc thể rồi.Linh hồn vốn chết về phần thuộc linh, lìa khỏi phần thuộc thể thì cứ ở trong địa vị chết luôn luôn. Sự chết vĩnh viễn là sự chung kết của sự chết thuộc linh, một địa vị bề ngoài thích hiệp với cảnh trạng chết bề trong vậy.
Vả, Kinh Thánh cũng gọi sự chết đời đời bằng sự chết thứ nhì (Kh 2:11; Kh 20:6, Kh 20:14; Kh 21:8). Sự chết thứ nhì ấy gọi là hồ lửa (Kh 20:14). Kẻ bị quăng vào nơi đó chẳng bị tuyệt diệt đâu, nhưng bị khổ sở cách tự cảm giác cho đến đời đời. Khi Thánh Linh tả vẽ sự hình phạt của Sa-tan, thì dự cáo rằng: xem Kh 20:10
Câu ấy minh chứng rằng sự chết đời đời là ở một chốn mà kẻ nào bị quăng vào đó phải chịu khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời một cách tự cảm biết. Vì ta thấy con thú và tiên tri giả bị ném vào hồ lửa ấy trước, rồi một ngàn năm sau Sa-tan mới bị giam vào đó; nhưng con thú và tiên tri giả vẫn còn ở đó lúc ấy, đồng bị một thứ hình phạt với Sa-tan cả ngày lẫn đêm cho đến vĩnh viễn vậy.
Tấn sĩ Torrey có luận về sự chết đời đời mà rằng: “Kinh Thánh thích nghĩa sự sống thì gọi sự sống chẳng những là sự thực hữu mà thôi, bèn là sự thực hữu xứng đáng, do sự hiểu biết Đức Chúa Trời chơn thật và bởi sự sống bày tỏ ra trong Jesus Christ. Trong Gi 17:3 Chúa Jesus phán: “Còn sự sống đời đời là nhận biết Cha, tức là Chơn Thần duy nhứt, cùng Jesus Christ,mà Cha đã sai đến.” Còn Giăng thì dạy rằng: “Luận đến Đạo của sự sống, là điều đã có từ ban đầu, là điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy,đã ngắm và tay chúng tôi đã rờ (sự sống ấy đã được bày tỏ ra, chúng tôi đã thấy,và làm chứng cho, cũng truyền cho anh em sự sống ấy, tức là sự sống đời đời, vốn ở cùng Cha, và đã được tỏ ra cho chúng tôi rồi.” Ấy vậy, sự chết cũng chẳng phải là sự vô thực hữu đâu, bèn là sự thực hữu rất quấy quá, độc ác, đê hèn, khốn khổ.Còn sự chết thứ nhì là sự chung kết của đời tội lỗi, sự dự phần trong chốn cực khổ, là hổ lửa lưu hoàng cháy bừng bừng cả ngày lẫn đêm đó vậy.”
(2) Sự hư mất:Kinh Thánh thường dùng chữ hư mất có hai cách, tức là theo nghĩa đen và nghĩa bóng.
(a) Nghĩa đen: Trong Kinh Thánh thường dùng chữ “hư mất” (chữ Hilạp: apoleia) để tả ra vật gì bị hư,không còn thể nào lợi dụng nó về mục đích nguyên bản của nó nữa. Có thể quả quyết rằng chữ ấy chẳng có ý nghĩa tuyệt diệt; duy chỉ về cái gì bị hư, không dùng gì được nữa đó thôi.
Trong Ma 9:17 chính Chúa dùng chữ ấy theo nghĩa đen mà rằng: “Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; nếu vậy thì bầu nứt, rượu chảy ra, và bầu hư mất.” Trong câu ấy ta thấy bầu đã bị nứt, nên cũng bị hư mất. Nhưng nó chẳng bị tuyệt diệt, vẫn còn, duy không còn có thể dùng nó để đựng rượu nữa. Trong Ma 26:8 cũng có dùng chữ ấy rằng: “Môn đồ thấy vậy, nổi giận, mà nói rằng: Sao uổng phí như vậy?” Bởi dầu trong bình bằng ngọc kia đã đổ ra trên đầu Chúa. Môn đồ thấy vậy thì trách, vì họ cho là sự uổng phí (nguyên văn: apoleia là hư mất). Theo nguyên văn nghĩa là dầu quí ấy bị hư mất,không còn có thể hốt lại để dùng xức cho ai nữa được, mặc dầu các hương liệu đó vẫn còn hoặc trên Chúa hoặc trên mặt đất.
(b) Nghĩa bóng:Tân Ước cũng thường dùng từ liệu “hư mất” theo nghĩa bóng để tả ra sự hình phạt đời đời của kẻ ác. Trong những câu kể sau đây, nguyên văn đều dùng chữ apoleia cả:
Ma 7:13. “… đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất.”
Gi 17:12. “… chẳng một ai trong họ hư mất.”
Ro 9:22. “… những bình đáng giận sắm sẵn cho sự hư mất.”
Phi 1:28. “… đó là một chứng cớ rõ ràng họ phải hư mất.”
Phi 3:19. “… kết cuộc họ là hư mất.”
IITe 2:3. “… người đại tội, con của sự hư mất hiện ra.”
ITi 6:9. “… khiến cho người ta đắm chìm trong sự bại hoại hư mất.”
He 10:39. “Nhưng chúng ta nào phải là thuộc về kẻ rùn lại mà bị hư mất đâu.”
IIPhi 2:3. “… sự hư mất của họ cũng chẳng ngủ.”
IIPhi 3:16. “chuốc lấy sự hư mất cho mình.”
Kh 17:8, Kh 17:11. “Con thú người đã thấy đó, trước có, rày không, sắp từ vực sâu lên, rồi đi đến chốn hư mất.”
Vậy chữ “hư mất” theo mặt nghĩa bóng có nghĩa gì? Đáp: Khi dùng chữ ấy theo nghĩa bóng, thì cũng đồng nghĩa với nghĩa đen, tức là kẻ ác khi bị trừng phạt tương lai, thì chẳng bị tuyệt diệt, đến đỗi bản ngã nó phải tiêu mất, không còn thực tại nữa đâu; duy bị hư mất đối với mục đích nguyên bản mà Đức Chúa Trời đã dự định cho nó, tức là bị cách biệt Đức Chúa Trời và sự khoái lạc của nước Trời, trở nên vô ích cho Đức Chúa Trời, cho đồng loại, và cho chính mình nữa, phải ở trong chốn tối tăm cực khổ đến đời đời vô cùng vô tận vậy.
Chữ “hư mất” cũng đồng nghĩa với từ liệu “sự chết đời đời” và “sự chết thứ hai”. Tại sao biết vậy? Đáp: Tham cứu Kh 17:8, Kh 17:11; Kh 19:20; Kh 20:14, thì rõ lắm sự chết thứ hai và hồ lửa là đồng nghĩa nhau, duy cùng tả ra một thứ hình phạt đó thôi.
Lại hồ lửa ấy cũng gọi là chốn hư mất (Kh 17:11). Vậy, nếu sự hư mất cũng đồng nghĩa với hồ lửa, (Kh 17:8; Kh 19:20), thì tất nhiên sự hư mất và sự chết thứ hai cũng đồng nghĩa nhau. Thành thử, sự hư mất là sự chết thứ hai, mà sự chết thứ hai cũng là sự hư mất; cả hai đều là hồ lửa lưu hoàng cháy bừng bừng vậy.
Đức Chúa Trời chẳng khải thị bao nhiêu về địa vị của kẻ bị hư mất ở đời sau, duy có vài chỗ nói đến sơ sơ, như truyện La-xa-rơ và người giàu có chép trong Lu 16:19-31 đó thôi. Có kẻ tưởng rằng truyện ấy chỉ là một giả thuyết thí dụ mà thôi; nhưng dám chắc là truyện tích thực đã xảy ra rồi. Chúa thuật lại cốt để cho ta hiểu biết vài điều quan hệ về cảnh trạng lai sanh của kẻ ác. Về người giàu có ở trong địa ngục, Chúa dạy rằng: (1) nó nhớ lại lúc sanh tiền (Lu 16:25); (2) cảm biết sự cực khổ quá đỗi (Lu 16:24); (3)kêu cầu cứu trợ (Lu 16:24); (4) lo sợ anh em còn sống trên đời cũng đến chỗ khốn khổ ấy (Lu 16:28); (5) thấy sự hạnh phước khoái lạc của kẻ được cứu (Lu 16:25);(6) cầu cứu trợ cũng vô ích, vì trong chốn hư mất không còn ân điển thương xót nữa (Lu 16:25, Lu 16:26); (7) ở giữa kẻ hư mất và người được cứu đã phân cách bằng một vực sâu rộng, không ai từ nơi nầy qua nơi kia được (Lu 16:26).
Truyện tích trang nghiêm ấy dạy rõ rằng kẻ ác không khứng ăn năn chắc bị hình phạt ở trong hồ lửa một cách tự cảm biết đến đời đời vô cùng, là nơi lủa chẳng hề tắt, khổ chẳng hề thôi. Duy kẻ nào thật tình lìa bỏ tội lỗi, tín nhận Jesus Christ làm Cứu Chúa mình, mới thoát khỏi được địa vị khốn khổ đời đời ấy đó thôi. Vì chính Chúa Jesus dạy rằng: “Quả thật,quả thật ta nói cùng các ngươi: Ai nghe lời ta mà tin Đấng đã sai ta, thì có sự sống đời đời, không đến sự xét đoán, song đã vượt khỏi sự chết mà vào sự sống rồi”(Gi 5:24)."