(Nhơn loại học)

Kìa, muôn vàn chúng sinh đang chen chúc nhau trên mặt địa cầu, đầu đội trời chơn đạp đất, thân thể toàn vẹn, tri thức cao xa, quyền phép nhiệm mầu, tài năng lỗi lạc, văn minh ngày một tấn bộ, trình độ ngày một tăng cao, có linh tánh để giao thông với Đức Chúa Trời, có thân thể để tiếp xúc với tạo vật; ấy gọi là loài người. Nếu loài người nhận biết mình có cái địa vị cao trọng như thế ở trong vũ trụ diệu kỳ nầy, được đứng đầu muôn vật,mà không rõ cái căn nguyên mình, không hiểu đến cuối cùng của đạo loài người, chẳng rõ mục đích và đời sống mình là làm sao, thì thật khốn nạn thay! Cho nên nếu loài người muốn hiểu biết về các vấn đề ấy, thì thật là phải lẽ lắm. Nhưng tội nghiệp thay! Loài người tự mình không thể tìm kiếm ra lẽ thật về vấn đề ấy được.Nên ta thường thấy hễ loài người càng cậy sự khôn ngoan mình mà càng kê cứu bao nhiêu, thì càng đi sâu vào con đường lầm lạc bấy nhiêu mà thôi. Ấy đó, nếu ai muốn biết rõ về mình, thì duy chỉ có một nguồn lẽ thật đã bày ra các vấn đề ấy một cách tường tận, tức là Kinh Thánh. Vậy, ta nên cứ chú ý tra cứu Kinh Thánh mới có hy vọng hiểu thấu đến cái yếu lãnh của nhơn loại học, vì tại trong bộ Kinh Thánh đó, Đức Chúa Trời đã cắt nghĩa rõ ràng về vấn đề quan hệ ấy.

 

Chương 1: LUẬN VỀ SỰ TẠO THÀNH LOÀI NGƯỜI

I. CĂN NGUYÊN CỦA LOÀI NGƯỜI

1. LOÀI NGƯỜI DO ĐỨC CHÚA TRỜI TRỰC TIẾP DỰNG NÊN

KINH THÁNH dạy minh bạch và chắc chắn rằng loài người được Đức Chúa Trời trực tiếp dựng nên. Sáng thế ký có chép:

* Sa 1:27

* Sa 2:7

Hai câu ấy và nhiều câu khác, nói quả quyết rằng loài người chẳng nhờ luật thiên diễn cạnh tranh mà có; cũng chẳng bởi một nguyên chất vô tri nào đó mà lần lần tiến hóa đến bậc thành toàn như hình thể ta hiện có bây giờ; bèn là nhờ công phu của Đức Chúa Trời trực tiếp tạo thành vậy (Cũng xem Giop 32:8; Tr 12:7; Xa 12:1).

2. Ý KIẾN SAI LẦM VỀ CUỘC TẠO THÀNH LOÀI NGƯỜI

Trong vòng các nhà cách trí học có nhiều ý kiến về căn nguyên của loài người, phản đối với sự khải thị của Kinh Thánh,nhưng mà xét ra cho kỹ, thì thấy có hai ý quan hệ, là tự sanh luận và tấn hóa luận.

a) Tự sanh luận (génération spontanée): Thuyết nầy chủ trương rằng loài người và muôn vật đều do vật chất của cõi thiên nhiên mà sanh ra. Họ cho rằng hễ vật chất đứng trong một hoàn cảnh thích hợp, tự nhiên có quyền sanh hóa mọi thứ sanh vật, không cần phải nhờ giống gì có sự sanh hoạt trước. Nói cách khác,theo thuyết nầy, sự sống không phải là do sự sống tiền tại mà ra, bèn là tự nhiên mà có.

Thuyết nầy phản đối với Kinh Thánh mọi bề; vì Kinh Thánh có câu rằng: (Xem Sa 2:7).

Thuyết nầy cũng phản đối với thực nghiệm khoa học. Trải qua hai ba đời các nhà khoa học đã kê cứu và thực nghiệm về thuyết nầy thật rõ ràng lắm, nhưng đến bây giờ chưa ai kiếm thế làm cho vật sống do nơi vật chết mà ra, đến đỗi phần nhiều nhà khoa học hiện thời đã công nhận rằng sự sống chỉ do sự sống tiền tại mà ra đó thôi. Ông Huxley, một nhà sanh vật học trứ danh của thế kỷ XVIII, quyết rằng thuyết về thiên nhiên tự sanh phản đối mọi bề với các thực sự của thực nghiệm khoa học. Còn ông Tyndall, nhà thiên nhiên triết học, đồng thanh với ông Huxley mà chứng rằng: “Tôi quyết rằng chẳng có một bằng cớ đích xác nào chứng thực rằng sự sống trong đời nầy có căn nguyên ngoài sự sống tiền tại”.

b) Tấn hóa luận:Thuyết Tấn hóa chủ trương rằng cái cội rễ nguyên sơ của muôn vật là do một cái tế bào đơn mà ra. Cái tế bào ấy vốn ở trong cõi hư vô của khoảng không gian, đã sanh ra trước nhứt những vật vô cơ thể. Đoạn từ sanh vật vô cơ thể đó mà lần lần tiến hóa nên những vật hữu cơ thể. Trước hết có những động vật vô tích chùy (invertébrés); kế sau cứ tiến hóa lần mãi đến bực động vật hữu tích chùy (vertébrés). Các động vật hữu tích chùy thấp hèn hơn tiến hóa đầu hết, như loài cá, rắn, v...v.; rồi các vật ấy cứ tiến hóa mãi cho đến khi nên điểu, thú, loài nầy sanh loài nọ, loài nọ biến hóa loài khác, đến chừng thành loài người, là cái điểm cùng tuyệt của muôn vật vậy.

Theo thuyết nầy, tổ tiên của loài người là loài khỉ, vì trong loài thú vật chỉ có khỉ đạt đến bực trọn vẹn hơn hết.Thuyết nầy cũng chủ trương rằng, lúc ban đầu loài người khờ dại, không có sự khôn ngoan, khác loài động vật không mấy. Đoạn, từ bực khờ dại đó mà họ tấn hóa đến bực khôn sáng, từ bực dã man đến địa vị văn minh. Sau đây xin kể ra mấy lý do minh chứng rằng tấn hóa luận là sai lầm.

(1) Phản đối Kinh Thánh:Kinh Thánh dạy rằng muôn vật nhờ công phu trực tiếp của Đức Chúa Trời mà được dựng nên, loài nào theo loài nấy, vô luận là loài có xương sống hay không, chẳng hề có loài nào lần lần biến hóa ra loài khác bao giờ. Còn đến loài người, thì Đức Chúa Trời lấy bụi đất tạo ra hình tượng người, rồi hà sanh khí vào lỗ mũi người,thì người bèn trở nên một loài có linh hồn sống (Sa 1:27; 2:7).

(2) Phản đối khoa học thực nghiệm:Nếu kê cứu hoặc địa chất học, sanh vật học, hay là sanh lý học, thì dễ thấy các sự thực nghiệm của khoa học ấy phản đối với thuyết tấn hóa. Vì theo ý kiến thuyết nầy, mọi sanh vật, hoặc hữu cơ thể, hoặc vô cơ thể đều do nơi vật chất chết mà sanh hóa. Nhưng lạ thay! Trong cõi thiên nhiên chẳng thấy còn một dấu tích nhỏ xíu nào lưu truyền lại làm chứng cho sự biến hóa phi thường ấy; và rõ ràng cõi vật chất từ cổ chí kim vẫn cứ chết luôn, chẳng tỏ một mảy may dấu hiệu gì về tấn hóa bao giờ.

(3) Giữa các loài vẫn có vực sâu không bắc cầu qua được: Lai giữa thực vật và động vật vẫn có một cái vực sâu chưa hề có ai bac cầu qua được. Nếu các động vật do nơi thực vật mà lần lần biến hóa đến đỗi trở nên loài nầy giống kia, thì cái cách thức biến hóa diệu kỳ ấy đã biệt tích đâu cả rồi! Vì từ thượng cổ đến cận kim chẳng ai thấy thực vật hóa nên động vật nầy kia bao giờ. Mà ở trong loài thực vật cũng chẳng thấy có cơ thể nào có thể làm căn cứ cho sự sanh hoạt hữu cơ nữa.

Ngoại giả, có một vực sâu thăm thẳm ở giữa động vật hữu tích chùy và động vật vô tích chùy, và ở giữa bô nhũ loại và các động vật hữu tích chùy khác. Nhưng mà vực sâu rộng lớn hơn hết vẫn còn có ở giữa loài thú vật và loài người. Tuy tấn hóa thuyết chủ trương về căn nguyên muôn vật, quyết rằng muôn vật đều do một tế bào đơn đầu tiên mà ra, thì cũng chẳng có thể nào giải minh tại sao giữa loài nầy và loài kia có vực sâu như thế, đến đỗi chẳng có vật nào ở trong loài nầy có thể sang qua làm vật thuộc về loài kia.

Thật thế, thực nghiệm khoa học minh chứng rằng không có thể nào bắc cầu qua các vực sâu ấy, vì chưa hề có ai thấy sanh vật nào thoát khỏi khuôn lốt nó, để tấn hóa mà thành ra sanh vật khác. Đến dầu một sanh vật rất hèn mọn mà cũng không hề tấn hóa như vậy thay, huống hựu há dám gọi loài người là một loài bởi thú vật tấn hóa mà đến ư? Như con khỉ là loài thú có hình thể gần loài người hơn hết, mà cũng chưa từng có nhà khoa học nào thấy nó vượt bực mà tấn hóa, một lần nhảy lên mà làm loài người có linh tánh, có tri thức,có ý chí, có đạo đức bao giờ. Nếu xưa có sự tấn hóa như thế, thì sao nay không còn có nữa? Cớ sao sanh vật nào sanh ra trong loài nào cứ ở trong loài đó mãi,không bao giờ thoát lốt mà lần lần hóa nên loài khác? Ví bằng tấn hóa thuyết giãi bày lẽ thật về căn nguyên của muôn vật, xin hỏi tại sao sự biến hóa lạ lùng dường ấy chẳng còn lưu lại chút dấu tích nào cả? Dám quả quyết rằng tại vì căn nguyên của muôn vật và loài người chẳng phải như thế. Cái thuyết tấn hóa chỉ là một sự ức đạt của lòng dữ và chẳng tin, một sự ảo tưởng của kẻ bị hư mất đó thôi.

Lẽ thật về căn nguyên của loài người được bày ra ở trong Kinh Thánh đã có thực nghiệm khoa học xác chứng cho: ấy là thể chất loài người được Đức Chúa Trời trực tiếp tạo ra; còn linh tánh loài người do sanh khí Ngài hà vào lỗ mũi mà có, và nhờ linh tánh ấy loài người linh hơn muôn vật vậy. Thế thì, nếu Đức Chúa Trời là Đấng Tạo hóa của loài người, là căn nguyên của cả thân thể và linh tánh, thì sao lại nỡ hạ mình xuống đành bỏ bực cao trọng của mình mà hiệp nhứt với súc vật, đến đỗi nhận loài khỉ làm nguyên tổ của mình?!!!

(4) Nguyên trạng của loài người vốn cao quí: Vả lại, Kinh Thánh dạy rằng A-đam lúc mới được dựng nên đã có quyền cai trị muôn vật, cũng có khôn ngoan cao xa mà đặt tên cho các vật ấy. Lại ông cũng được giao thông với Đức Chúa Trời cách thân mật,được đứng trong cảnh trạng thật là cao quý vô song. Nhờ thực sự ấy, ta biết loài người ngay từ lúc mới tạo thành chẳng phải là khờ dại, vô tri thức đâu. Họ chẳng phải từ địa vị thấp hèn mà lần lần tiến hóa đến chỗ khôn sáng đâu, không hề từ bực dã man mà lần tiến hóa đến địa vị văn minh. Trái lại, loài người từ địa vị cao trọng mà sa ngã, phải lần lần thối hóa, trụy lạc vào địa vị ngu dại tối tăm, đến đỗi quên lửng Đức Chúa Trời là Đấng Tạo hóa mình, là căn nguyên vinh hiển của mình đi thì có (Xem Ro 1:18-28 thì rõ hơn).

3. PHƯƠNG PHÁP TẠO THÀNH LOÀI NGƯỜI

Về phương pháp Đức Chúa Trời dùng để dựng nên thân thể loài người, thì Kinh Thánh chẳng dạy rõ. Theo Sa 2:7, ta thấy Đức Chúa Trời lấy đất tạo ra hình thể của loài người; Sa 2:19 lại nói Ngài lấy đất mà tạo ra các loài động vật. Ấy dạy rằng thể chất của loài người và của loài động vật đều do đất mà ra cả. Cách thức Ngài làm việc ấy ta không thể nào biết được;hoặc Ngài lấy chính tay Ngài mà nắn nên thân thể họ cách trực tiếp, hoặc dùng phương pháp khác mà làm nên cách gián tiếp, thì không ai nói chắc được. Điều rõ ràng lắm là thể chất của loài người vẫn bởi lòng lành và ý tốt của Đức Chúa Trời mà được dựng nên bằng bụi đất. Còn linh tánh là bởi Trời phú cho, một phần do ở nơi chính sanh khí của Đức Chúa Trời mà được nên.

4. LOÀI VẬT KHÁC VỚI LOÀI NGƯỜI

Lịch sử về cuộc tạo thành muôn vật minh chứng rằng loài người và loài vật khác nhau.

Về vật sanh trên đất khô Đức Chúa Trời phán:

Sa 1:11,24. “Đất phải sanh các vật sống tùy theo loại.”

Nói về loài cá trong biển thì Ngài phán:

Sa 1:20,21. “Hãy sanh sản thêm nhiều,làm cho đầy dẫy dưới biển.”

Khi phán về các loài ấy, Đức Chúa Trời không nói đến loài người. Bởi vì đến ngày thứ sáu, sau khi đã dựng nên mọi vật ấy rồi, Đức Chúa Trời mới phán:

Sa 1:26. “Chúng ta hãy làm nên loài người như hình Ta và theo tượng Ta.”

Còn về cuộc dựng nên ấy, Sáng thế Ký có câu rằng:

Sa 2:7. “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi, thì người trở nên một loài sanh linh.”

Nhờ mấy câu ấy ta thấy sự dựng nên loài vật với công cuộc tạo thành loài người khác nhau đặc biệt lắm, vì thì giờ trước sau khác nhau, và kiểu mà Ngài đã dùng để dựng nên loài người chẳng giống với cái kiểu mà Ngài đã dùng để dựng nên loài vật. Bởi chính Ngài đã phán rằng loài người được dựng nên theo hình tượng của Ngài. Muốn rõ vấn đề nầy hơn, xin trưng chứng mấy bằng cớ như sau đây:

a) Loài vật không có ngộ tánh: Loài vật có trực giác (intuition), nhưng chẳng có ngộ tánh (intelligence). Vì vậy cho nên nó không tự biết mình, cũng không biết suy nghĩ điều gì; gặp cảnh khổ thì chịu khổ, cảnh vui thì hay vui, chẳng biết sửa sang dời đổi, cũng chẳng biết tấn triển đến bực tri thức được. Trong cả thế giới chỉ có loài người là có tấn hóa trong sự giáo dục; còn loài vật thì chẳng biết đến đâu hết. Vẫn biết rằng con ong hay gây tổ nhả mật, con nhện hay mửa tơ giăng lưới; nhưng nó làm như vậy chẳng qua là cái bản năng của Trời đã phú cho,ngàn muôn năm chẳng hề thay đổi, chẳng tấn hóa, cũng chẳng cải cách chi cả, vì nó vốn không có ngộ tánh vậy.

b) Loài vật không có lương tâm: Ngoài nhơn loại ra, vạn vật sanh động chẳng có một giống nào có lương tâm. Xem qua việc làm của chúng nó thì dường như nó biết ơn báo ơn, oán báo oán, như quạ đút mồi nuôi mẹ, chó giữ nhà cho chủ, voi báo thù cho đồng loại nó; nhưng xét kỹ, chẳng qua là do trực giác tự nhiên của nó mà thôi, chớ nó không cử động như thế bởi lương tâm bảo nó phải làm như vậy bao giờ. Cũng có khi nó làm trái hẳn với trực giác thiên nhiên ấy đi, nhưng nó chẳng biết làm sao để ăn năn đổi lỗi lại. Thực sự ấy tỏ ra nó không có lương tâm.

c) Loài vật không có lòng đạo đức: Loài vật không có lòng đạo đức, chẳng có lễ nghĩa, luật pháp, hay là qui tắc nào để dẫn dắt mình biết đường phải quấy, ngăn ngừa mình khỏi bước sai lầm. Nó sở dĩ là khờ dại, vô tri, vô năng là vì nó không có linh tánh. Xét ra thì nó không có lòng đạo đức để phân biệt lành dữ,phải quấy, tùy nơi ý chỉ mình đã định đoạt hoặc theo lẽ nầy hay trái lẽ nọ.

d) Loài vật không có tư tưởng về tôn giáo: Hình thể loài vật đều cái đầu xuống cả,không được ngước lên cao như loài người. Dấu ấy tỏ ra nó thuộc về hạ giới,không được giao thông với thần linh thượng giới; vì cái tư tưởng tôn giáo là một cái đặc điểm của loài người, chẳng có loài nào khác được cái đặc điểm ấy. Các nhà khoa học phân loại vạn vật ra, thường cho loài người là một linh vật, biết kính thờ Đức Chúa Trời; còn thực sự ấy là tại loài người có tư tưởng tôn giáo vậy.

TỔNG ĐOÁN

Ấy vậy, loài người với loài vật khác nhau xa như trời với đất, như tối với sáng, bởi vì loài nầy có linh tánh, còn loài kia không có. Loài người vì có linh tánh nên được cao trọng, đứng đầu muôn vật, giao thông cùng Thần Linh mà làm con cái của Đức Chúa Trời, có đủ tri thức,lý tánh, đạo đức, tinh thần và linh tuệ, có hi vọng bước đến cõi vô lượng vô biên, đến đỗi trở nên giống như Con Đức Chúa Trời vậy.

II. LOÀI NGƯỜI ĐỒNG MỘT GỐC

Khoa học lại buộc cho thần học phải giải nghĩa vấn đề nầy: Cả loài người khắp thiên hạ suốt xưa nay há có phải bởi cùng một căn nguyên mà ra, và có đồng một bản tánh không? Có phải họ chỉ bởi một đôi lứa mà ra, và được hiệp nhứt làm một chủng loại chăng? Câu nho “Tứ hải giai huynh đệ”, há có đúng đắn ư? Xin đáp:

1. KINH THÁNH LÀM CHỨNG:

Trong Kinh Thánh ta thấy chừng ba bằng cớ chứng thực rằng mọi dân tộc ở trên mặt đất đều do một đôi lứa mà sanh ra.

a) Cuộc tạo thành làm chứng:Môi se ký thuật cuộc tạo thành, thì nói rằng loài người chỉ do một đôi lứa làm nguyên tổ như những câu kể sau đây chứng cho: xem Sa 1:27-28; Sa 2:7, Sa 2:22; Sa 3:20 Sa 9:19

b) Nguyên tội và sự cứu rỗi làm chứng: Kinh Thánh cũng dạy rằng loài người bởi một gốc mà ra làm nền tảng của lẽ đạo về loài người đồng thể với A-đam mà phạm tội lần đầu nhứt. Nguyên tổ loài người không vâng mạng Đức Chúa Trời, sa ngã và phạm tội kết quả tánh hủ bại. Tội thứ nhứt với tánh hủ bại do nguyên tổ di truyền cho hậu tự, vì cả hậu tự đều đồng thể với nguyên tổ đó mà phạm tội vậy.

Mà lẽ đạo loài người bởi một gốc mà ra cũng làm nền tảng về sự cứu rỗi của Christ. Trước kia loài người đều đồng thể với một người mà mắc tội; nay họ cũng nhờ một người mà được cứu rỗi. Ví bằng loài người bởi nhiều gốc khác nhau mà ra, thì tội lỗi có lẽ không phổ thông, và sự cứu rỗi có lẽ cũng không nữa. Nhưng vì cả loài người bởi một gốc mà ra, nên nguyên tội cũng lưu đến hết cả mọi người. Cũng tại chính cớ ấy loài người chỉ cần một sự cứu rỗi mà thôi. Những câu nầy chứng cho: xem Ro 5:12,19; ICo 15:21,22; He 2:16

c) Tình anh em làm chứng:Khảo cứu cả bộ Kinh Thánh, thì thấy lẽ đạo về loài người bởi một gốc mà ra cũng là căn cứ của bổn phận loài người phải coi nhau như là anh em vậy. Vì nếu lẽ đạo ấy là đúng thì theo thể huyết thống, họ quả là anh em, cũng như câu nho chứng rằng:“Tứ hải giai huynh đệ”. Cũng tại chính cớ ấy mà tín đồ Christ có trách nhiệm truyền bá Tin lành về sự cứu rỗi cho muôn dân muôn nước vậy. Những câu kể sau nầy chứng cho: xem Cong 17:26; He 2:11,12; Lu 10:27; Ma 28:18-20; Mac 16:15

2. LỊCH SỬ LÀM CHỨNG

Khảo cứu lịch sử của muôn dân trên địa cầu nầy,thì thấy thảy đều đồng thanh với Kinh Thánh mà chứng rằng loài người vốn bởi chỉ một nguồn gốc, một dòng giống do ở trung bộ Á châu mà ra. Sáng thế ký đoạn 10 ký thuật bởi cách nào loài người bị tan tác ra trên mặt đất. Theo ý kiến của các nhà sử học, thì mọi dân tộc bên Âu châu đều từ Á châu mà lần lần sang qua.Còn các nhà nhơn chủng học đều hiệp ý dạy rằng các dân tộc đã có bên Mỹ châu đều có lẽ là từ phía đông Á tế á mà sang qua Bắc Mỹ hoặc bởi đường quần đảo Aleoutiennes, hoặc bởi đường Hải dương châu. Lịch sử chép rằng trước đời Kha luân bố dân tộc Hải dương châu thường dùng chiếc canoe nhỏ của họ mà đi biển từ đảo Tahiti đến đảo Hawaii, xa ước chừng 3680 cây số. Dân Esquimaux ở bán đảo Alaska, rất thường từ đó sang qua xứ Sibérie (Nga) mà buôn bán, chẳng coi là khó gì cho lắm. Cho nên theo ý kiến ấy thì chẳng có gì khó giải quyết về phương diện cách dân tộc ở phía đông Á tế á sang qua Mỹ châu đâu.

Dầu vậy, có mấy nhà bình phẩm lẽ đạo về loài người bởi một gốc mà ra, thường viện lấy chỗ màu da khác nhau, vóc giạc chẳng giống nhau, dung mạo, tánh tình cũng bất đồng, mà bài bác lẽ đạo ấy, quyết rằng các sự khác nhau ấy xác chứng rằng loài người chẳng đồng một gốc mà ra. Nhưng những chỗ dị đồng ấy là bởi khí hậu mà lần lần sanh ra. Giả như hiện nay có người Do Thái ngụ tại Ấn độ, mặt mày tóc râu đen cả. Còn người Do Thái ngụ tại nước Nga, thì mặt mày trắng trẻo và tóc râu hoe hoe cả. Ấy cũng tại lâu năm chầy tháng mà lần lần trở nên như thế, chớ chẳng phản đối gì với lẽ thật về loài người cùng chung một gốc mà ra đâu.

3. KHOA HỌC LÀM CHỨNG:

Khoa học cũng tán đồng sự dạy dỗ của Kinh Thánh và chủ trương rằng loài người bởi một gốc mà ra. Có bốn cớ làm chứng cho.

a) Ngôn ngữ học làm chứng: Nếu so sánh các thứ tiếng trong thế gian, dễ thấy những tiếng quan hệ đều bởi một gốc chung mà ra, và các thứ tiếng không quan hệ cũng chẳng có bằng cớ chứng rằng được tự lập hoặc bởi gốc riêng mà ra. Kinh Thánh dạy rằng tiếng nói của các dân tộc nguyên sơ không khác nhau. Song từ khi dựng tháp Babên về sau, thì tiếng nói mới bị phân tách ra nhiều thứ khác nhau (xem Sa 11). Vả lại, ngôn ngữ học chứng rằng chữ Tàu, chữ Babylôn và chữ Ai Cập đều do một gốc, vì cả ba đều là tượng hình tự hết. Chữ số mục tiếng Tàu cũng giống như số mục của tiếng Phinisi, là một thứ tiếng cũ hơn hết. Tiếng nói của Nam Á châu và Hải dương châu cũng gần gần như nhau, vì hai chỗ ẫy chỉ cách nhau có một cái biển mà thôi. Nghiên cứu tất cả cổ tự và so sánh với những tiếng nói kim thời, thì thấy có nhiều chỗ mường tượng như nhau; bởi đó ta phải đoán rằng cả nhơn loại đều bởi một gốc mà ra.

b) Tâm lý học làm chứng:Kê cứu về tâm lý của bất luận là dân tộc nào, đều thấy có những chỗ đặc sắc rất là giống nhau, đến đỗi phải cho là những đặc sắc chung. Dân tộc nào cũng có lòng đạo đức để phân biệt phải quấy; cũng có tư tưởng tôn giáo, biết kính thờ thần. Pháp luật và luân lý của dân tộc nầy chẳng lấy gì làm khác lắm với pháp luật và luân lý của dân tộc kia. Còn về triết lý và đạo giáo của dân tộc nầy cũng thuận hiệp với tinh thần và tâm giới của dân tộc khác. Cái khuynh hướng,tài năng sở hành của dân nầy không khác gì với dân nọ. Thực sự ấy vốn là một chứng cớ chắc chắn rằng cả nhơn loại đều bởi một gốc mà ra vậy.

c) Những di truyền làm chứng: Tục ngữ và cổ tích của mỗi dân tộc phần nhiều đều giống như nhau. Trong những cổ tích ấy có chuyện nói về sự dựng nên trời đất và loài người, thuật về một lạc viên mà loài người đã ở lúc ban đầu, kể lại sự tích về một thời gian loài người có tánh vô tội, về một con rắn hay dụ dỗ, về một cây tri thức, về loài người bị cám dỗ và sa ngã, về cơn đại hồng thủy, về của lễ sinh tế để chuộc tội v...v. Bất luận là phương nào, cũng hay gặp người thuật lại các cổ tích ấy. Thực sự đó cũng đồng thanh với các cớ kia mà chứng rằng loài người chỉ bởi một gốc mà ra vậy.

d) Sanh lý học làm chứng:Sanh lý học dạy rằng trong loài người, chủng nầy giao cấu với chủng kia, thì sanh sản được như thường. Hình thể và tánh cách mỗi người đều giống như nhau. Bất luận ở phương nào, nhiệt độ trung bình trong thân thể loài người vẫn chẳng khác gì nhau. Còn số mạch nhảy trong thân thể không sai chạy, trừ ra khi có bịnh thì không kể. Bất hạn là văn minh hay là dã man, hễ trai hay gái giao cấu nhau thì được thai dựng và sanh sản, và kỳ sanh đẻ của đờn bà ở đâu cũng như vậy. Lại dân tộc nầy cũng hay bị mọi thứ tật bịnh như dân tộc kia. Còn nếu tra xét về loài thú vật, thì thấy vật nầy có những đặc tánh khác với những vật kia. Lại nếu dùng kính hiển vi mà xem, thì cũng thấy máu của loài người giống nhau, nhưng khác hẳn với máu của thú vật. Các thực sự ấy chứng rằng loài người chỉ bởi một gốc mà ra.

III. NGUYÊN TỐ CỦA LOÀI NGƯỜI

1. BẢN THỂ CỦA LOÀI NGƯỜI CÓ HAI MẶT

Kinh Thánh dạy rõ bản thể của loài người có hai mặt, mặt nầy thì hữu hình, mặt kia thì vô hình. Phần hưũ hình bằng vật chất gọi là thân thể; còn phần vô hình bằng thần linh, gọi là tâm hồn, tâm linh. Những câu viện dẫn sau đây làm chứng: xem Sa 2:7; Dan 16:22; He 12:9; Gia 2:26; Ma 10:28

Vậy, nhờ những câu ấy chúng ta có thể đoán đại khái rằng loài người có hai nguyên tố, một bằng thần linh, một bằng vật chất (cũng xem Sa 35:18; Tr 12:7).

2. HAI Ý KIẾN VỀ NGUYÊN TỐ LOÀI NGƯỜI

Về nhơn loại học có vấn đề nầy hơi khó giải quyết: Kinh Thánh há dạy rằng phần hồn và phần linh của loài người là hai nguyên tố khác nhau, hay là hai danh từ ấy há phải là hai tên cùng đặt cho một nguyên tố ư? Trong vòng các nhà thần đạo có hai ý kiến, gọi là nhị nguyên tố luận.Sau đây xin lược kể lại đại ý của hai ý kiến ấy.

a) Nhị nguyên tố luận

(1) Phát huy lý thuyết: Nhị nguyên tố luận đại yếu chủ trương rằng hồn và linh chẳng phải là hai nguyên tố khác nhau, bèn là hai tên đặt cho một nguyên tố thuộc linh, có hai phương diện đó thôi. Tra xét phương diện nầy, thì thấy trong đó có bản ngã của người, có sanh lý thiên nhiên, có ngộ tánh, và có sự tự tri tự giác; ấy gọi là tâm hồn,tiếng Hilạp gọi là psuche. Tra xét về phương diện kia, thì thấy trong đó có lòng đạo đức, phân biệt phải trái, có tài cảm xúc Đức Chúa Trời và giao thông với Ngài; cũng là chỗ Ngài ngự ở trong mình người; ấy gọi là tâm linh, tiếng Hilạp gọi là pneuma. Nói cách khác, tâm hồn và tâm linh hiệp nhứt thành linh tánh của loài người: tâm hồn là linh tánh hưởng cùng vật giới, nhờ ngũ quan mà thọ giáo cùng tiếp xúc với ngoại vật; tâm linh là linh tánh hưởng cùng linh giới giao thông với Đức Chúa Trời, có thể nhận lãnh và bày tỏ Thánh Linh. Trong hai phương diện ấy tâm linh là quan hệ hơn, vì có tài cảm biết và thấu hiểu sự thuộc linh, cũng có thể giao thông với Đức Chúa Trời. Thế thì, nguyên tố loài người chẳng phải là ba, bèn là hai mà thôi, tức là nguyên tố thuộc linh và nguyên tố vật chất. Nguyên tố thuộc linh tuy có hai phương diện đặc biệt, thì duy chỉ có một thể yếu mà thôi.

(2) Bằng chứng của ý kiến nầy: Ý kiến nầy thường viện lấy những bằng cớ để chứng thực như sau đây:

(a) Cuộc tạo hóa làm chứng: Sa 2:7 dạy rõ Đức Chúa Trời dùng đất mà nắn nên hình thể của loài người; rồi hà sanh khí vào lỗ mũi người; khiến cho người trở nên một loài có linh hồn sống.Câu ấy không nói rằng loài người đã có tâm hồn, rồi Đức Chúa Trời phú cho người luôn một tâm linh; bèn nói rằng Ngài dựng nên thân thể rồi, thì dùng nguyên lý của sự sống Ngài mà khiến cho người có linh hồn sống (sanh linh, nguyên văn là linh hồn sống). Ấy vậy, câu ấy chỉ nói về hai nguyên tố, là hình thể bởi đất mà ra, và linh tánh bởi Đức Chúa Trời hà sanh khí vào lỗ mũi người mà được nên.

(b) Kinh Thánh dùng tên “hồn” và “linh” cách không phân biệt: Kê cứu các chỗ Kinh Thánh dùng chữ “hồn” và “linh” (hoặc “thân”) thì thấy thường dùng cách lẫn lộn lắm, đến đỗi dễ tin rằng hai danh từ ấy chỉ có một nghĩa mà thôi. Những câu viện dẫn sau đây làm chứng:xem Sa 41:8; Thi 42:6; Gi 12:27; Gi 13:21; Ma 20:28; Ma 27:50; He 12:23; Kh 6:9

Trong những câu ấy thay đổi nhau và dùng chữ “hồn” và “linh” để chỉ về cùng một linh tánh của loài người đó thôi.

(c) Cách xưng thân thể và tâm hồn (hoặc tâm linh) làm chứng: Trong Kinh Thánh các trước giả thường xưng thân thể và tâm hồn (hoặc tâm linh) dường như hai phần ấy hiệp nên cả mình loài người, như những câu kể sau đây cũng chứng cho: xem Ma 10:28; ICo 5:3; IIIGi 1:2

Các câu ấy ám chỉ rằng thân thể và linh hồn (hoặc tâm linh) đều hiệp nhau thành cả mình người vậy.

(d) Công việc quan hệ nhứt của linh tánh được nên bởi tâm hồn: Kinh Thánh thường dạy rằng công việc quan hệ nhứt của linh tánh loài người được làm nên bởi tâm hồn, ám chỉ rằng dường như tâm hồn là cả linh tánh của loài người, cũng như các câu nầy chứng cho: xem Lu 10:27; Lu 1:46

Trước giả thơ Hê-bơ-rơ dạy rằng linh hồn trông cậy nơi lời hứa của Đức Chúa Trời: xem He 6:18,19

Còn sứ đồ Gia-cơ dạy rằng linh hồn có thể nhận lãnh đạo Đức Chúa Trời để được cứu rỗi: xem Gia 1:21

Trong những câu ấy, danh từ “linh hồn” dường như chỉ về cả nguyên tố thuộc linh của loài người vậy.

(e) Sự mất linh hồn làm chứng:Christ nghiêm huấn rằng hễ ai mất linh hồn, tức là mất cả chính mình. Xem Mac 8:36,37; Lu 9:25

Chữ linh hồn đây cũng chỉ về cả bản ngã người;nên mất linh hồn, ấy là mất cả mình vậy. Kinh Thánh chẳng hề nói về sự mất tâm linh bao giờ.

(f) Sự tự giác làm chứng: Bản năng tự giác chứng thực cho nhị nguyên tố luận, bởi vì nếu ta tự xét bề trong,thì dễ phân biệt phần vật chất với phần thần linh. Nhưng nào có ai có thể phân biệt tâm hồn với tâm linh được đâu bao giờ?

g) Tam nguyên tố luận:

(1)Phát huy lý thuyết:Tam nguyên tố luận chủ trương rằng loài người có ba nguyên tố, tức là thân thể,tâm hồn và tâm linh. Thân thể là phần vật chất; tâm hồn là nguyên lý của sự sống thuộc thể; còn tâm linh là nguyên lý của sự sống thuộc linh, có lý tánh và chẳng hề hư mất. Khi chết thì thân thể tiêu tan ra tro bụi; tâm hồn cũng tiêu mất không còn nữa; duy tâm linh vẫn tồn tại luôn, và đến khi ngày sống lại, thì tâm linh được hiệp lại với thân thể vinh hiển. Duy loài người mới có tâm linh; tâm linh ấy có ngộ tánh, ý chí và lương tâm. Loài người và thú vật cả hai đều có phần hồn. Song phần hồn của loài người có sự hiểu biết, cảm tình và tri giác. Còn thân thể của cả hai, loài người và thú vật, đều chỉ bằng vật chất đó thôi.

(2)Bằng chứng của ý kiến nầy:Tam nguyên tố luận thường viện lấy những bằng cớ kể sau đây mà chứng thực cho ý kiến mình.

(a) Cuộc tạo thành làm chứng: Họ chủ trương rằng Sa 2:7 dường như tỏ ra trong cuộc tạo thành loài người hưởng được ba nguyên tố, là hình thể bằng bụi đất, sanh khí của Đức Chúa Trời hà vào lỗ mũi, và linh hồn sống bởi đó mà ra.

(b) Bài ca của Ma-ri làm chứng: Lu 1:46,47 ký thuật bài ca của Mari rằng: “Tâm hồn tôi tôn đại Chúa, Tâm linh tôi mừng rỡ trong Đức Chúa Trời là Cứu Chúa tôi.” Trong bài ấy Ma-ri phân biệt phần hồn với phần linh vậy.

(c) Lời cầu nguyện của Phao-lô làm chứng:Trong thơ Tê-sa-lô-ni-ca Phaolô cầu nguyện cho tín đồ Tê-sa-lô-ni-ca rằng: xem ITe 5:23

Câu ấy có lẽ là bằng chứng mạnh hơn hết của tam nguyên tố thuyết, vì phân biệt rõ ràng tâm linh, tâm hồn và thân thể của loài người.

(d) Quyền năng của đạo Đức Chúa Trời làm chứng:Trước giả thơ Hê-bơ-rơ tả vẽ quyền năng lạ lùng của đạo Đức Chúa Trời mà rằng:xem He 4:12

Câu ấy cũng phân biệt tâm hồn với tâm linh rõ rệt lắm.

TỔNG ĐOÁN

Gẫm xét về điều Kinh Thánh chép về vấn đề nguyên tố của loài người, thì thấy không rõ lắm hoặc loài người có hai nguyên tố hay là ba nguyên tố. Mà vấn đề nầy cũng chẳng quan hệ quá đỗi với các lẽ đạo trọng nhứt của Tin Lành. Ta tín nhận bên nào cũng được cả, miễn là mình có lòng tín nhận Jesus Christ là Cứu Chúa mình để được cứu rỗi là đủ. Vả lại, điều gì Thánh Linh không minh giải mười phần rõ rệt, chúng ta cũng chẳng nên quả quyết quá, e mình theo sự ức đạt cượng giải mà sa vào đường lầm lạc chăng.

Thế nhưng, nếu nghiên cứu Kinh Thánh cho kỹ,cân nhắc các câu luận đến vấn đề nầy, thì thiết tưởng có thể đoán như sau đây:Loài người chỉ có hai nguyên tố đặc biệt, là phần thể chất và phần thần linh.Nói rộng ra, thì phần thần linh bất quá là bản ngã của mỗi người, được Kinh Thánh gọi bằng hoặc tâm hồn hay là tâm linh (Mac 8:36,37; sánh với Lu 9:25).Cái nguyên tố thuộc linh ấy lại bao hàm cả hai phương diện; khi nói hẹp thì phương diện nầy gọi là tâm hồn, còn phương diện kia thì gọi là tâm linh. Trong tâm hồn có ngộ tánh, cảm tình, ý dục, lương tâm và tự nhiệm. Nhờ các quan năng ấy loài người có thể giao thông với thế giới hữu hình. Còn trong tâm linh có các lương năng thuộc linh, có thể giao thông với Đức Chúa Trời và thế giới vô hình.Nói một lời, tâm hồn là phần của loài người hướng với đồng bào và vật giới; còn tâm linh là phần hướng cùng Đức Chúa Trời và linh giới.

Nhà trại (đền tạm) trong đồng vắng có lẽ làm tượng trưng (symbole) về nguyên tố của loài người. Nhà trại có hành lang, chỉ bóng về nguyên tố vật chất là thân thể của người ta. Giữa hành lang đó có hội mạc,chia ra làm hai phòng, là nơi thánh và nơi chí thánh. Hai phòng ấy ám chỉ về nguyên tố thuộc linh có hai phương diện, là tâm hồn và tâm linh. Ba nơi ấy lại có sự sáng khác nhau, chỉ bóng rằng hai nguyên tố của loài người cần có sự sáng cũng khác nhau. Thứ nhứt, có sự sáng nơi hành lang là sự sáng thiên nhiên. Thân thể loài người cũng cần phải nhờ sự sáng của cõi thiên nhiên mà được soi sáng.Thứ nữa, có sự sáng ở nơi thánh, là sự sáng nhơn tạo, bởi dầu và đèn thắp mới sáng được. Tâm hồn của loài người cũng phải nhờ sự sáng nhơn tạo, nghĩa là phải nhờ sự học vấn mà khiến cho sự tối tăm ngu dốt tan chảy mất đi, đến đỗi hễ muốn được cứu rỗi, cũng cần nhờ người ta dạy đạo cho, mới mong cho tâm chí thoát vòng tối tăm, để được đường cứu rỗi. Còn về nơi chí thánh lại dùng sự sáng khác, là sự sáng siêu nhiên, do chính Đức Chúa Trời ngự tại nơi ấy. Cũng một lẽ ấy, tâm linh của loài người không thể nhờ sự sáng thiên nhiên hoặc nhơn tạo,bèn phải nhờ sự sáng siêu nhiên của Đức Chúa Trời soi vào, mới mong thoát khỏi sự tối tăm thuộc linh được.

Đức Chúa Trời dựng nên loài người cốt ý để Ngài ngự trong tâm linh của họ, dùng nơi ấy làm đền thờ của Ngài. Hễ có Ngài ngự tại đó, mới có sự sáng của sự sống thật; bằng không có, chỉ có sự tối tăm của sự chết thuộc linh ở đó thôi. Kìa, dân Ysơraên phạm tội, vinh hiển của Đức Chúa Trời bèn lìa bỏ nơi chí thánh trong đền thờ, thì nơi ấy liền trở nên tối tăm (xem Êx 9:3,4; Êx 10:4,18). Cũng vậy, khi loài người phạm tội cùng Đức Chúa Trời, thì Ngài liền lìa khỏi tâm linh họ, và nơi ấy bèn trở nên tối tăm. Vả, tâm linh bị phân rẽ với Đức Chúa Trời dường ấy, Kinh Thánh gọi là sự chết thuộc linh (Eph 2:1, Eph 2:5). Hễ khi nào tội nhân trở lại cùng Đức Chúa Trời, công nhận Jesus Christ làm Cứu Chúa của mình, thì được tái sanh (Gi 3:3, Gi 3:6), tức là được Đức Chúa Trời bởi Thánh Linh ngự trong tâm linh, đuổi sự tối tăm ra mà ban cho sự sáng của sự sống đời đời vậy.

IV. CĂN NGUYÊN CỦA LINH HỒN

Vấn đề về căn nguyên của linh hồn thực rất quan hệ. Cứ theo như luận thuyết của các nhà thần đạo, thì có ba ý kiến như sau đây.

1. TIỀN TẠI THUYẾT

a) Phát huy lý thuyết: Mấy nhà triết học Platon, Philon, và giáo phụ Origène đều chủ trương lý thuyết nầy.Họ dạy rằng trong khi linh hồn chưa được nhập vào thân thể, thì đã có từ trước rồi. Platon viện lấy thuyết nầy để giải nghĩa rằng người ta vẫn có những quan niệm không do lý trí mà ra, bèn là do từ kiếp trước của người ta mà lưu truyền lại.

Ông Philon dạy rằng linh hồn vốn đều từ Đức Chúa Trời mà lưu xuất. Song có những linh hồn bị cám dỗ, và sa ngã, ham mến vật chất, nhân cớ đó họ bị Đức Chúa Trời hình phạt mà lưu đày trong xác thịt, chịu khốn khó bại hoại.

Giáo phụ Origène chủ trương rằng linh hồn vốn ở trên trời. Nhưng vì cớ phạm tội, phải hiện ra trong thân thể ở dưới đất, đặng đền bồi tội lỗi mình. Cho nên linh hồn nào tội ít, thì ở dưới trần gian nầy có địa vị kha khá; còn linh hồn nào tội nhiều, thì cảnh ngộ nó dưới đời nầy lại bị khốn nạn nhiều. Ông cho đời nầy là nơi mà Đức Chúa Trời ban dịp tiện cho linh hồn bỏ điều ác mà làm điều thiện. Hội đồng nhóm tại Constantinople năm 538 S.C. bài xích ý kiến của Orgène, cho là tà giáo.

Thuyết nầy gần như ý kiến của Phật giáo về căn nguyên của linh hồn. Giáo ấy dạy rằng linh hồn nhờ sự luân hồi mà được đầu thai lại trong thế gian đến muôn đời ngàn kiếp. Mục đích về sự luân hồi cũng là để đền tội đã phạm trong kiếp trước. Khi hết tội mới vào cõi Nát bàn (Nirvana)vậy.

Hiện nay cũng có nhiều nhà tán đồng thuyết nầy,nhứt là trong vòng các nhà triết học, thi nhơn và văn sĩ.

b) Các bằng cớ phản đối:Tiện đây xin kể lại mấy bằng cớ phản đối tiền tại thuyết.

(1) Phản đối Kinh Thánh:Thuyết nầy chẳng những là không có một câu Kinh Thánh chứng cho, lại còn phản đối hẳn với truyện tích về cuộc tạo thành chép trong đó nữa. Lại nữa, thuyết nầy cũng phản đối với lời Phaolô dạy về căn nguyên của tội ác và sự chết của loài người, là đều do sự vi phạm thứ nhứt của A-đam mà ra cả (Rô. 5:12). Xem Sa 1:27,31; Rô. 5:12;

Nếu tiền tại thuyết là đúng, thì khó biết hoặc mọi người đều thật có tội, cũng chẳng rõ hoặc Đức Chúa Trời chỉ nhóm họp tội nhân ở trên mặt đất nầy mà thôi, hay là cũng có kẻ có tội ở chỗ khác nữa chăng.

(2) Không ai nhớ lại kiếp trước: Nếu trong địa vị tiền tại loài người cũng có tự giác và nhân cách, thì tại sao chẳng ai nhớ lại kiếp trước mình chưa sanh ra loài người, và sự vi phạm trong lúc ấy?Còn nếu linh hồn lúc ấy chưa có tự giác, cũng chưa thành vị, thì thế nào phạm tội mà kết quả sự xấu xa như thế được? Bởi vì hễ ai chưa có tự giác và nhân cách,thì cũng chẳng có thể phạm tội mà phải chịu trách nhiệm về tội ấy như ta thấy A-đam và hậu tự người đã phải chịu vậy.

(3) Không giải nghĩa do lai của nguyên tội:Thuyết tiền tại chẳng giải nghĩa rõ về cái do lai của nguyên tội, vì chủ trương rằng sự vi phạm lần thứ nhứt thuộc về địa vị trước kia khi chưa có xác thịt cám dỗ, cũng chẳng chắc có ma quỉ cám dỗ nữa. Thuyết nầy cũng đổ tội cho Đức Chúa Trời, vì dạy rằng sau sự vi phạm thứ nhứt đó, Ngài nhốt loài người ở trong địa vị rất khó ăn năn trở lại với Ngài được.

(4) Chối A-đam là nguyên tố của linh hồn:Thuyết nầy cũng phản đối với Kinh Thánh mà phủ nhận A-đam là nguyên tổ của linh hồn loài người, chỉ nhận ông là nguyên tổ của thân thể mà thôi. Song nếu A-đam chỉ là nguyên tổ của thân thể, thì các tội lỗi thuộc linh, như kiêu ngạo, giận hờn, ghét Đức Chúa Trời v.v…, làm sao mà ông di truyền lại cho hậu tự được. Hay là có phải chỉ những tội thuộc xác thịt là tội, còn các tội thuộc linh thì không? Nói như vậy là vô lý khôn xiết, minh chứng rằng thuyết tiền tại là sai lầm đó thôi.

2. TRỰC TẠO THUYẾT

a) Phát huy lý thuyết:Thuyết nầy chủ trương rằng linh hồn của mỗi người bởi Đức Chúa Trời trực tiếp dựng nên, phú cho từng cá nhân trong lúc mới đầu thai trong lòng mẹ, hay trong lúc mới sanh ra. Xưa có nhà triết học Aristote, Giáo phụ Jérome, và nhà tà giáo Pélage tán đồng ý kiến nầy. Hiện nay cũng có nhiều nhà thần học của Giáo hội Lamã, và mấy nhà thần đạo của Giáo hội Cải chánh đều tín nhận thuyết nầy. Các nhà chủ trương thuyết nầy thường viện dẫn những câu Kinh Thánh dạy về Đức Chúa Trời là Đấng tạo thành linh hồn như Tr 12:7; Es 57:16; He 12:9, mà chứng thực cho ý kiến mình. Họ cũng nói rằng nếu Đức Chúa Trời không trực tiếp dựng nên mỗi linh hồn,cớ sao mọi trẻ con sanh ra đều có tánh tình đặc biệt, không thể nào do cha mẹ di truyền cho con được?

b) Phần sai lầm của thuyết trực tạo:Thuyết nầy có phần sai lầm như sau đây:

(1) Giải nghĩa sai Kinh Thánh: Kẻ chủ trương ý kiến của thuyết nầy đều giải nghĩa sai lầm về Kinh Thánh. Vì các câu viện dẫn ấy thật dạy rằng Đức Chúa Trời dưng nên linh hồn loài người; song cách dựng nên ấy không phải là trực tiếp, bèn là gián tiếp. Linh hồn của cả giống loài người được dựng nên ở trong A-đam trước hết, rồi sau bởi công lệ sanh hóa mà từ ông ấy di truyền cho cả hậu tự từng người một. Vả lại, Kinh Thánh dạy rõ lắm thân thể được dựng nên bởi Đức Chúa Trời cũng như linh hồn vậy (xem Thi 139:13,14; Gie 1:5). Thế mà, ai ai cũng chịu rằng, trừ ra thân thể của nguyên tổ ta, thì Đức Chúa Trời dựng nên thân thể của mọi người khác cách gián tiếp bởi công lệ sanh hóa mà A-đam di truyền cho đó, chớ Ngài chẳng hề nắn nên hình thể từng người, như Ngài đã nắn nên hình thể của A-đam đâu. Thế thì, nếu hiểu ý nghĩa những câu luận về sự dựng nên thân thể là như vậy, cớ sao lại phải hiểu những câu luận về sự dựng nên linh hồn cách khác ư?

(2) Phản đối với công lệ sinh thực:Theo ý kiến nầy, cha ở thế gian chỉ là cha của thân thể mà thôi; chớ không phải cũng là cha của linh hồn, là phần tối cao kia nữa đâu. Thế thì loài thú trổi hơn loài người; vì nó có quyền tự sinh thực (se procréer) trọn vẹn hơn; còn loài người thì chỉ có quyền tự sinh thực về một mặt là thân thể đó thôi.

(3) Khó minh giải tại sao cha con giống nhau: Nếu tán đồng ý kiến nầy, thì thực lấy làm khó mà minh giải tại sao cha con giống nhau, ta thường thấy chẳng những là hình hài cha con giống nhau mà thôi, lại tánh tình và tư cách cũng giống nhau nữa. Nên chi nếu luận rằng cha mẹ sanh con chỉ sanh phần xác, còn linh hồn lại do nguồn khác mà ra, thì thật lấy làm khó cắt nghĩa vì lẽ gì mà cha con giống nhau vậy.

(4) Đổ cho Đức Chúa Trời là nguồn của tội lỗi: ý kiến nầy đổ cho Đức Chúa Trời là nguồn của tội lỗi. Bởi vì hễ cho linh hồn nguyên chẳng phải là trọn lành, tức là đổ cho Đức Chúa Trời là nguồn của tội lỗi cách trực tiếp vậy. Còn nếu gọi linh hồn là trọn tốt trọn lành, mà Đức Chúa Trời lại đành lấy linh hồn ấy phú cho thân thể bất khiết đến đỗi linh hồn cũng phải ra ô uế nữa, ấy quả là cho Đức Chúa Trời là nguồn của tội lỗi cách gián tiếp đó thôi.

(5) Khinh dễ công việc Đức Chúa Trời: Ý kiến ấy thực khinh dễ công việc của Đức Chúa Trời. Nếu luận rằng linh hồn hiệp với thân thể lúc mới sanh ra, thì phản đối với nguyên lý đã tỏ ra trong Lu 1:44 và Giop 3:11, Giop 3:13. Vì trong đó minh chứng rằng đứa con đương ở trong lòng mẹ đã thành vị và có sinh lý rồi. Còn như định rằng linh hồn được Đức Chúa Trời trực tiếp phú vào thân thể trong khi mới thọ thai, thực là khinh dể công việc Đức Chúa Trời quá. Giả như có trai gái giao cấu với nhau hiệp lẽ chánh, mà sanh con, thì nỡ nào nói rằng Đức Chúa Trời phú linh hồn cho con ấy trong lúc thọ thai! Nói vậy há chẳng phạm thượng sao? Đức Chúa Trời là Đấng Thánh khiết tuyệt đích, nào có can dự gì đến việc ấy đâu bao giờ?!!

3. DI TRUYỀN THUYẾT

a) Phát huy lý thuyết: Ý kiến thứ ba gọi là di truyền thuyết, chủ trương rằng cả nhơn loại đều được trực tiếp dựng nên ở trong A-đam, rồi từ đó linh hồn và xác thịt của mỗi người nhờ công lệ sanh hóa mà di truyền từ con đến cháu, mãi đời nọ đến đời kia. Thế thì,các linh hồn từ A-đam đến giờ đều nhờ Đức Chúa Trời dựng nên cách gián tiếp bởi công lệ sinh thực đã phú cho nguyên tổ trong lúc người được tạo thành, và đã di truyền lại cho chúng ta ngày nay. Đời thượng cổ có Giáo phụ Tertullien và Augustin tán đồng ý kiến nầy. Hiện đại có nhiều nhà thần đạo của Giáo hội Cải chánh cũng đều chủ trương theo lẽ ấy nữa.

b) Các bằng cớ chứng minh thuyết nầy là chánh giáo: Về ý kiến nầy xin giải minh như sau đây:

(1) Hiệp với Kinh Thánh:Thuyết nầy chắc thích hiệp với sự dạy dỗ của Kinh Thánh hơn là các ý kiến khác.Vì Kinh Thánh ám chứng rằng cả nhơn loại được Đức Chúa Trời dựng nên trong A-đam một lần đủ cả (Sa 1:27), rồi từ đó cứ theo lệ sanh hóa mà sanh sản thêm lên mãi. Đức Chúa Trời hà sanh khí vào lỗ mũi loài người chỉ một lần mà thôi, rồi sau Ngài nghỉ công việc dựng nên. Còn sanh khí ấy loài người cứ di truyền lại cho con cháu mãi mãi chẳng dứt. Những câu Kinh Thánh kể sau đây làm chứng. Sa 1:27, Sa 1:28; Sa 2:7; Sa 2:22; ICo 11:8; Sa 4:1; Sa 5:3; Sa 46:26; Cong 17:26; He 7:10; Sa 2:2

(2) Hiệp công lệ sanh hóa:Thuyết nầy cũng hiệp với công lệ sanh hóa của thực vật và động vật, bởi vì hình thể, sanh mạng và mọi bản năng của các vật ấy đều bởi cha mẹ mà sanh ra cả. Về loài người cũng vậy, có đủ bằng cớ minh chứng rằng chẳng những hình hài cha con giống nhau, mà lại tâm tánh và mọi sự xu hướng về thiện ác đều cũng giống nhau như khuôn đúc, là vì do một mạch máu mà ra đó vậy.

TỔNG ĐOÁN

Thế thì, nói tóm lại, ta quyết định rằng,nhờ công lệ thiên nhiên và theo lời Kinh Thánh dạy thì rõ rằng cả thân thể và linh hồn đều nhờ lệ sinh thực đã có trong loài người mà được di truyền lại cho cả mọi người về sau. Thực sự ấy quả là một sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời, người phàm không thể thấu hiểu được; lấy lý trí hữu hạn của ta mà dò xét giải quyết,quả cũng một việc đại bất năng vậy.

V. LÒNG ĐẠO ĐỨC

1. ĐỊNH NGHĨA LÒNG ĐẠO ĐỨC

Mọi người sanh ra trong cõi đời đều có những thiên tài mà các nhà thần học gọi bằng lòng đạo đức. Lòng đạo đức có nghĩa gì? Lòng đạo đức tức là những thiên tài của loài người lợi dụng đặng thi hành điều thiện điều ác, phân biệt sự phải quấy. Thiên tài ấy gồm có trí lực, cảm tình, ý chí, và lương tâm. Loài người có thể làm thuận hay nghịch với lòng đạo đức. Cho nên trong người có trí lực để phân biệt phải quấy; có cảm tình để chịu cảm động bởi việc phải hay quấy đó; cũng có ý chí để quyết định làm theo hay không làm theo. Trí lực, cảm tình, và ý chí đều là ba bản năng thiên nhiên của ngôi bản ngã. Ngoại giả, có một bản năng khác, dường như cai trị cả ba cái kia,gọi là lương tâm; nếu chẳng có cái bản năng ấy, thì loài người chẳng có thể thi thố gì thuận hay nghịch với lòng đạo đức của mình được. Lương tâm thường lấy luật đạo đức mà ứng dụng cho hành vi của mình, công nhận rằng luật ấy buộc sao thì phải làm theo vậy. Chỉ loài nào có trí lực, cảm tình, và ý chí mới có thể thi thố việc thuận hay nghịch với lòng đạo đức. Sau đây xin chỉ luận về lương tâm và ý chí tự do mà thôi.

2. LƯƠNG TÂM

a) Giới thuyết danh từ “lương tâm”: Nghĩa đen của chữ lương tâm là lòng lành, là thiện tâm tự nhiên, người nào cũng có cái linh tánh vốn có ở bề trong hay cáo trách trong khi làm quấy, khen ngợi trong lúc làm lành. Có nhà thần đạo cho lương tâm là một thiên tài đặc biệt như trí lực, cảm tình, và ý chí, có quyền dạy phải làm điều nầy tránh điều kia. Có nhà khác cho lương tâm bất quá là tiếng phán của Đức Chúa Trời ở trong linh hồn mình. Lại có ý kiến thứ ba dạy rằng lương tâm chẳng như ba thiên tài kia, bèn là cái biểu hiện của bản ngã đối với luật luân lý mà mình công nhận là cái tiêu chuẩn của đời sống mình. Về phần ký giả thì xin tán đồng ý kiến nầy.

b) Nội dung của lương tâm:Phân tích lương tâm ra thì thấy trong đó có chứa những yếu tố như sau nầy:

(1) Có sự tự giác:Cái bản năng tự giác vốn nằm ở trong lương tâm. Nhờ nó người ta biết mình và cả hành vi cử chỉ của mình. Lương tâm hay chiếu theo luật đạo đức (luật luân lý)mà cân nhắc ý tưởng và hành vi của mình, cốt để khiến linh hồn cảm biết mình phải đối với bổn phận mình là thể nào. Thế thì, ta thấy cả trí lực và cảm tình đều can thiệp đến sự vận động của lương tâm: nhờ cái nầy ta biết bổn phận tỏ ra trong luật đạo đức; nhờ cái kia ta chịu giục giã muốn làm theo cho trọn bổn phận ấy. Hễ làm trọn bổn phận ấy, thì “lương tâm… không biết tội nữa,” nghĩa là cảm tình không còn cảm xúc sự trách móc của lương tâm, bởi vì đã được rửa sạch sẽ rồi (xem He 10:2).

(2) Hiểu biết luật đạo đức:Lương tâm có thể hiểu biết luật đạo đức, công nhận là tiêu chuẩn của bổn phận mình cần phải làm theo. Kỳ thực, lương tâm không thể thi thố việc gì, miễn là viện lấy luật đạo đức làm tiêu chuẩn, để phân biệt lành dữ, phải quấy. Vẫn biết rằng lắm khi luật đạo đức (luật luân lý) người ta nhận làm tiêu chuẩn có chỗ bất toàn, nhưng luật ấy đã định thể nào, thì lương tâm ắt phải tuân theo đó mà xét đoán thể ấy, viện lấy nó làm thằng mặc mà phân định tư tưởng lành hay dữ, việc phải hay quấy của mình. Yếu nghĩa của luật đạo đức vốn được ghi tạc trong lòng loài người, nên ta thấy dân tộc nào, dầu dã man cho đến mấy, cũng thi thố ít nhiều theo luật đạo đức vậy. Ấy là ý của Phao-lô khi chép trong thơ Rôma rằng:xem Ro 2:14; Ro 2:15

Vả lại, nếu người ta công nhận luật luân lý nào làm tiêu chuẩn chánh thức cho ai nấy phải tuân theo, thì dầu luật ấy là sai lầm đến chừng nào đi nữa, lương tâm cũng cứ noi theo đó mà phán đoán phải quấy, xét định dữ lành vậy. Ngẫm xét thực sự ấy dễ thấy lương tâm chẳng tự tiện mà phân biệt phải quấy, xét đoán lành dữ đâu, bèn là phải nhờ sự học biết luật đạo đức mới làm được. Cho nên nếu luật ấy là sai lầm không hợp theo lẽ thật,thì lương tâm ắt cũng theo đó mà phán đoán sai lầm, quyết định việc phản đối với lẽ thật vậy. Thế thì, rõ lắm muốn có lương tâm phán đoán đúng đắn, rất cần phải dạy cho lòng đạo đức, luật đạo đức chánh đáng mới mong nó sẽ thi thố hợp theo lẽ thật vậy.

Thí dụ như ở Ấn độ có người mẹ kia vì lòng tín ngưỡng mà ném con nhỏ mình xuống sông Ganges cho cá sấu nuốt. Khi đã làm như vậy rồi thì lương tâm của người mẹ ấy há có bị cắn rứt chăng? Chẳng có chút nào, trái lại lương tâm còn khen tặng nữa thì có. Tại sao vậy? Há chẳng vì luật đạo đức của người mẹ đó là rất sai lầm ư? Hễ muốn người mẹ bỏ việc gớm ghiếc ấy, thì cần phải đem luật đạo đức chánh đáng mà dạy cho lòng đạo đức của người,rồi sau lương tâm tự nhiên viện lấy lẽ thật của luật ấy mà đoán định việc ném con mình cho cá sấu là tội sát nhơn nặng vô cùng, khiến cho người mẹ chẳng chịu làm nữa. Ví thử luật đạo đức mà người nào công nhận làm theo đó là sai lầm, thì thế nào tránh khỏi sự sáng ấy thành tối tăm ư? Cũng như Chúa phán: xem Ma 6:23

Vả, luật đạo đức chánh đáng đáng làm tiêu chuẩn cho loài người tuân theo, là luật pháp của Đức Chúa Trời, vốn được ghi tạc cách mờ mờ trong lòng mọi người, mà nay đã được khải thị minh bạch trong Kinh Thánh rồi. Duy kẻ thông biết và công nhận luật đạo đức ấy mới có lương tâm phán đoán và quyết định theo ý chỉ của Đức Chúa Trời đó thôi.

Nghiên cứu Kinh Thánh thì thấy có kẻ có “lương tâm yếu đuối” (ICo 8:12). Ấy tại vì cái tiêu chuẩn đạo đức về bổn phận kẻ ấy còn bất toàn lắm, nên phân biệt phải quấy còn lờ mờ đó vậy. Cũng có kẻ “có lương tâm chai lỳ” (ITi 4:2). Ấy bởi vì lắm phen kẻ đó không chịu theo cái tiêu chuẩn đạo đức mà làm bổn phận của mình; hễ cứ cố ý trái luật đạo đức mãi, ắt không sớm thì muộn lương tâm cũng ra lì lợm, và mất tài phân biệt phải quấy vậy.Hễ ta phạm tội, ắt khiến cho lương tâm bị xấu hay ô uế, đã vậy, mà còn mong thoát khỏi, thì chỉ có một cách thoát khỏi, ấy là nhờ huyết của Christ mà “được tưới khỏi lương tâm xấu” (He 10:22), “lương tâm ô uế” (Tit 1:15), và được lại “lương tâm tốt” (IPhi 3:16) vậy. Ta giữ được “lương tâm tốt” mỗi khi ý chỉ mình chịu thuận phục sự đoán định của nó. Lại bị “lương tâm xấu” mỗi lần nào mình không khứng thuận phục sự đoán định của nó do Thánh Linh và Kinh Thánh mà dạy bảo cho. Ví bằng luật đạo đức ta có chỗ sai lầm, thì phải nhờ Kinh Thánh và Thánh Linh mà sửa đổi, mới khiến cho lương tâm đoán định đúng đắn với lẽ thật. Chúng ta chẳng dám theo lương tâm khi nó tự tiện phán đoán gì, e nó viện lấy luật luân lý sai lầm mà thi thố chăng; duy nên theo nó là khi nó hợp theo lẽ thật khải thị trong Kinh Thánh mà thi thố đó thôi.

(3) Cảm biết mình làm theo luật đạo đức hay không: Chúng ta nhờ lương tâm tự xét lấy mình.Lương tâm chiếu theo luật đạo đức mình đã công nhận làm tiêu chuẩn cho đời sống mình, mà phán xét công việc mình đã làm, đoán định cho việc ấy là phải hay quấy.Về phương diện nầy trí lực hiểu biết luật đạo đức; còn cảm tình cảm biết sự đoán định của lương tâm, và trong mình liền có tiếng khuyên răn: “Đừng làm điều nầy, nhưng hãy làm việc kia.” Mình làm theo luật đạo đức hay là không, thì lương tâm biết rõ, miễn là nó không đến nỗi ra lì lợm là được.

(4) Khen chuộng hay trách móc:Khi ta đã tự xét lấy mình, đã nhờ luật đạo đức mà đo đắn nhắc cân địa vị và hành vi của mình, nếu thấy nó là phải, thì lương tâm khen chuộng; bằng quấy,thì lương tâm cáo trách. Ví bằng lương tâm đã ứng dụng luật đạo đức để phán xét, và đã đoán định rằng địa vị và hành vi là phải cả, thì trong mình bèn cảm biết mình đẹp lòng Đức Chúa Trời có hi vọng sẽ hưởng được hạnh phước của Ngài.Song nếu lương tâm đã cho là quấy, thì tức thì tự cảm biết mình không đẹp lòng Đức Chúa Trời, mà lại áy náy lo sợ bị hình phạt tương lai nữa. Vả, khi ta ở đẹp lòng Đức Chúa Trời, thì có “lương tâm tốt” (ITi 1:5), “lương tâm thanh sạch”(ITi 3:9), “lương tâm không trách được đối với Đức Chúa Trời và người ta” (Cong 24:16). Còn hễ ai cảm biết mình không đẹp lòng Đức Chúa Trời, nhưng lo sợ bị hình phạt, thì có “lương tâm xấu” (He 10:22), “lương tâm ô uế” (Tit 1:15). Ví thử kẻ ấy cứ cố ý trái phạm ý chỉ Đức Chúa Trời, không chịu ăn năn, không khứng nhờ huyết Chúa làm sạch tội, ắt lần lần bị “lương tâm chai lỳ” (ITi 4:2) chẳng sai.

3. Ý CHÍ TỰ DO

a) Định nghĩa:Ý chí tự do, hay là sự tự nhiệm, vốn là một bản năng của mọi người, để tự mình lãnh trách nhiệm mà nhứt định làm việc nầy, từ chối làm việc kia. Nói cách khác, ý chí tự do là cái năng lực của bản ngã hay lợi dụng để lựa chọn làm theo hay không làm theo luật đạo đức của Đức Chúa Trời trong khi mình thi hành phận sự của mình.

b) Nội dung của ý chí:Trong ý chí tự do gồm có bốn năng lực khác nhau, rất có quan hệ đối với mọi động tác của người ta. Bốn năng lực ấy là: mục đích, động cơ trạng thái, phán đoán lực,và quyết định lực.

(1) Mục đích về việc làm:Phàm người nào có lý tánh mở mang hoàn toàn, trước khi toan liệu làm việc gì,thường có cái mục đích ở trước mặt; bằng chẳng vậy, thì đã mất trí khôn rồi. Hễ đã toan liệu đạt đến mục đích nào đó, thì thường nhờ lý trí mà lựa chọn phương pháp thích hợp đặng đạt đến mục đích ấy.

(2) Động cơ trạng thái:Mọi công việc có mục đích hợp lý, cũng thường phải do một cái động cơ (cớ tích)thúc giục mà làm, mới thành công được. Còn cái động cơ ấy tạo ra trong tinh thần mình một cái trạng thái thích hợp với cái động cơ và mục đích ấy, gọi là động cơ trạng thái. Giả như có kẻ muốn làm người truyền đạo, vì nghĩ rằng chức ấy lấy làm “dễ kiếm ăn.” Ba chữ “dễ kiếm ăn” ấy là cái động cơ thúc giục kẻ ấy muốn làm chức truyền đạo, tạo ra trong lòng cái trạng thái ích kỷ; cái trạng thái ấy thích hiệp với cái động cơ một cách khắng khít lắm vậy.

(3) Phán đoán lực:loài người vẫn có quyền trên các động cơ trong lòng mình, và trên các trạng thái do động cơ ấy tạo ra. Ấy đó là một thực sự cốt nhứt về cái ý chí tự do của loài người. Bất luận khi nào, chúng ta vẫn có quyền tự do để chiếu theo một động cơ nào đã có ở trong lòng mà lựa chọn đường lối, để nương theo đó mà thi hành công việc mình. Cũng có quyền tự do để tạm huỡn sự lựa chọn ấy, hầu cho có thể bàn tính và phán đoán cho kỹ càng hơn đã. Vả, đương khi bàn tính và phán đoán thêm như thế có lẽ sẽ gặp được lý do mới chăng, sanh trong lòng mình những động cơ mới, có quyền tạo ra những trạng thái cũng mới, rồi khiến cho mình lựa chọn làm việc khác, mà bỏ qua việc mình đã toan làm lúc ban đầu. Người ta vẫn có quyền làm theo hay không làm theo các động cơ thường thúc giục mình. Thực sự ấy chứng rằng loài người có ý chí tự do, có quyền tự nhiệm mà thi thố cách nầy thế kia,làm việc nầy việc nọ, tùy theo ý mình cho là phải vậy. Bằng dạy rằng loài người không có quyền ấy, thì thật là chối bỏ cái quyền tự chủ của loài người vậy.

(4) Quyết định lực:Cái năng lực thứ tư của ý chí tự do, là quyết định lực. Khi người ta quyết định làm việc gì, tất nhiên thực hành cái quyền tuyển trạch tự do để làm theo sự thúc giục của động cơ nào vẫn có ở trong lòng, hay là để chối bỏ không chịu làm theo. Trong lúc mình còn dùng lý trí mà phán đoán, thì chưa quyết định làm gì cả,chỉ bàn tính và phán đoán về công hiệu của việc mình toan tính làm đó thôi. Còn khi đã quyết định làm một việc gì rồi, bèn lo lựa chọn cách thức phải thi hành đặng đạt đến cái mục đích của sự toan liệu ấy. Việc phán đoán chưa xong, ắt không thể quyết định làm việc gì cả. Có sự phán đoán trước, thì quyết định theo sau mới hợp lý vậy. Bởi vì trong khi lựa chọn, sự quyết định cần phải có lý cớ;bằng không, thì thành ra điên dồ mất.

Nhà thần đạo A.H. Strong luận về lý chí tự do của người ta, có nói rằng: “Cái ý chí tự do (hay là sự tự nhiệm) tức là cái năng lực để quyết định đối với sự thúc giục của cái động cơ ở trong lòng.Nhờ cái năng lực ấy, loài người có thể: (1) lựa chọn theo cái động cơ nầy, chối bỏ chẳng theo cái động cơ kia; (2) thi thố theo cái động cơ mình đã lựa chọn. Vả,cái động cơ chẳng bao giờ là cái căn nguyên của việc làm, bèn là cơ hội thúc giục mình thi hành cách nầy thế kia đó thôi. Cái động cơ không hề ép buộc mình phải thi thố gì, chỉ ảnh hưởng cho mình mà thôi; chính mình là cái căn nguyên của việc làm mình, nên mới gọi người ta là có ý chí tự do thật vậy. Kỳ thực, loài người chẳng hề khi nào đứng trong địa vị bất định, bởi vì người chẳng thi thố việc gì miễn là có cái động cơ thúc giục trước, cũng chẳng làm việc gì trái với mọi động cơ đã thúc giục mình. Người ta làm việc gì, thì việc ấy cũng phải có lý cớ, vì như vậy mới có thể gọi người ta là có ngộ tánh được vậy.

4. HAI Ý KIẾN PHẢN ĐỐI Ý CHÍ TỰ DO

Có hai ý kiến phản đối lẽ thật về ý chí tự do, ấy là định mạng luận, và quyết định luận. Hai ý kiến nầy cũng được gọi chung là tất nhiên luận (déterminisme). Đây xin luận đến hai ý kiến ấy, tỏ ra ngộ điểm của nó.

a) Định mạng luận:Thuyết nầy chủ trương rằng loài người chẳng có ý chí tự do để quyết định làm điều nầy điều kia, bèn có số phận định trước mọi sự cho họ. Nhà định mạng thuyết Tấn sĩ Miley luận rằng: “Vận mạng cầm quyền cao cả trên đời sống người ta, quyết định mọi sự trước, đến đỗi không thể nào thay đổi gì được. Vận mạng lấy xiềng xích tất chí (chaines de la nécessité) mà rằng buộc mọi sự, mọi biến động trên đời nầy,cả trí lực, tư tưởng, cảm tình, ý dục, thậm chí đến Đức Chúa Trời nữa…” Theo ý kiến nầy, nếu người nào làm ác, thì không có tội gì, bởi vì vận mạng buộc mình phải làm. Còn ví bằng làm thiện, cũng chẳng được công nghiệp gì, vì bất quá là buộc phải theo vận mạng mà làm đó thôi. Duy chất chủ nghĩa vạn vật hữu thần chủ nghĩa đều tán đồng theo định mạng luận nầy.

b) Quyết định luận:Thuyết nầy chủ trương rằng công việc của loài người đều do động cơ mạnh hơn hết mà quyết định. Như đầu cân nặng hơn phải sa xuống; cũng vậy, cái động cơ mạnh thường khiến cho người ta theo đó mà làm. Quyết định luận chối bỏ quyền tuyển trạch tự do của loài người đương lúc cân nhắc động cơ nầy kia để so sánh, coi thử bên nào phải hơn đặng làm theo; cũng phủ định rằng loài người có thể lựa chọn trái với cái động cơ mạnh nầy mà quyết định theo cái động cơ yếu kia. Thuyết nầy rất nguy cho sự tín ngưỡng chánh đáng, bởi vì nó phá hủy cái lòng tín phục của người ta về trách nhiệm mình, về tội lỗi mình, và về sự báo trả của Đức Chúa Trời;đến đỗi khiến cho người ta có lòng lì đối với tội, không cảm biết mình rất cần có một phương pháp cứu rỗi mình. Thuyết nầy cũng sanh lòng nghi ngờ quyền thi thố tự do của mình, và luôn cả quyền năng Đức Chúa Trời vẫn có để giục giã mình phải thi thố theo ý chỉ của Ngài. Mà đã nghi ngờ như thế, tất nhiên không thể nào ứng dụng sự cứu rỗi cho lòng người ấy được.

 

Chương 2: LUẬN VỀ NGUYÊN TRẠNG CỦA LOÀI NGƯỜI

Luận về nguyên trạng của loài người,thì chỉ nên dùng Kinh Thánh làm gốc. Kinh Thánh dạy rằng loài người do cánh tay Đức Chúa Trời mà được tạo thành, có tánh cách tài năng rất tốt lành (Sa 1:31).Cũng so sánh hình trạng loài người sau khi đã được tái sanh với nguyên trạng lúc sơ thủy là bằng nhau (Co 3:10). Lại nói về cuộc tạo thành ấy thì chép rằng Đức Chúa Trời chiếu theo hình tượng của Ngài mà dựng nên loài người. Ấy vậy,nói đại khái, thì nguyên trạng của loài người chắc giống như hình tượng của Đức Chúa Trời vậy. Nhưng chẳng may, loài người phạm tội, nên hình trạng của Đức Chúa Trời trong họ ra mờ tối, không còn thấy rõ nữa. Kịp đến khi Christ, là Đấng vô tội, mượn hình trạng của loài người mà hiện ra trong thế gian, chúng ta nhờ Ngài mà được thấy nguyên trạng của loài người là làm sao. Lại vì Ngài biểu dương sự vinh hiển và thể yếu của Đức Chúa Trời (He 1:3), nên nhờ Ngài chúng ta cũng có thể biết rõ hình trạng của Đức Chúa Trời là thể nào nữa (IICo 4:4; Co 1:15). Nhưng mà trong khi giải nghĩa những câu Kinh Thánh tả vẽ nguyên trạng của loài người, thì khá cẩn thận kẻo e sai lầm mà dạy quyết rằng nguyên trạng người ta vốn cao quá đến đỗi hết chỗ tấn bộ; hoặc là rất thấp hèn, thậm chí không chỗ mà sa ngã nữa. Muốn thoát khỏi những ngộ điểm ấy, nên chú ý đến bốn điều của vấn đề nầy, tức là yếu tố, hiệu quả, dịp tiện tốt, và phước hạnh của nguyên trạng loài người. Xin lần lượt kê cứu qua như sau nầy.

I. YẾU TỐ NGUYÊN TRẠNG CỦA LOÀI NGƯỜI

Trong lời “giống như hình Đức Chúa Trời”bao hàm cả yếu tố về nguyên trạng của loài người. Kinh Thánh dạy rõ loài người được dựng nên theo hình tượng Đức Chúa Trời (Sa 1:26,27). Vậy, “giống như hình tượng Đức Chúa Trời” có nghĩa gì? Xin đáp: Loài người được giống như hình tượng Đức Chúa Trời theo hai mặt, tức là (1) về bản ngã, và (2) về lòng đạo đức.

1. LOÀI NGƯỜI GIỐNG NHƯ ĐỨC CHÚA TRỜI VỀ BẢN NGÃ

Đức Chúa Trời dựng nên loài người khác với loài thú, vì ban cho họ bản ngã giống như bản ngã của Ngài.

a) Định nghĩa:Vả, bản ngã có nghĩa gì? Bản ngã là ngôi riêng của mình, cái nhân cách mà mình xưng bằng “tôi”. Các yếu tố của bản ngã là ngộ tánh để suy nghĩ, cảm tình để cảm biết, ý chí tự do để quyết định việc nầy việc nọ, và lương tâm để phân biệt phải quấy. Cũng tại vì cớ bản ngã như thế mà loài người có thể tự biết mình, biết thế gian, biết Đức Chúa Trời, và cũng tự do quyết định làm thuận hay là nghịch với luật đạo đức. Ấy vậy, khi Đức Chúa Trời dựng nên loài người, thì đặt trước mặt họ ba điều làm đối tượng của sự hiểu biết họ, tức là Đức Chúa Trời, thế gian,và chính mình, ban cho ngôi bản ngã họ có quyền lựa chọn một trong ba đối tượng ấy, cái nào sẽ làm chuẩn đích và trung tâm điểm về cuộc mở mang tấn bộ của đời sống mình.

b) Bản ngã không thể nào mất:Bản ngã của loài người không thể nào mất được, miễn là thôi làm người. Sự điên cuồng cũng không thể tận diệt nó được, duy có thể làm cho nó ra mờ tối đó thôi,đến đỗi lửa địa ngục cũng chẳng có đủ sức để tuyệt diệt đâu bao giờ. Trong Lu 15:8 Chúa Jesus dùng đồng bạc mất mà biểu minh lẽ thật nầy. Đồng bạc ấy dầu bị mất, thì vẫn còn mang lấy hình và hiệu của vua. Cũng một lẽ ấy, loài người dầu bị hư mất, cách xa Đức Chúa Trời, thậm chí phải ở trong địa ngục, thì vẫn còn giữ vẹn cái bản ngã, chẳng hề tiêu diệt bao giờ. Thế thì, tánh mạng của loài người đáng kính trọng là dường nào, vì nó vẫn mang hình tượng của Đức Chúa Trời ở trong mình. Cũng tại cớ ấy mà Đức Chúa Trời đã định hễ ai diệt tánh mạng người ta, thì phải bị xử tử. Những câu nầy chứng cho: xem ICo 11:7; Gia 3:9; IPhi 2:17; Sa 9:6

c) Bản ngã rất màu nhiệm,có giá trị cao: Có nhà thần học luận về bản ngã mà rằng:“Trong bản ngã của người ta vẫn có những đại lục mà chưa hề có Kha luân bố nào phát kiến, có những biển thẳm nào ai dò đến tận đáy. Thực, nội trong một linh hồn lắm khi có những sự sầu thảm, đau đớn của cả một địa ngục, hoặc sự hạnh phước khoái lạc của cả một thiên đàng. Ví thử ta có thể thoát xem cảnh trạng vinh hiển tương lai của một tín đồ hèn hạ hơn hết, thì chắc chúng ta sẽ cúc cung kính bái như thánh Giăng muốn lạy thiên sứ lúc được thấy các dị tượng lạ lùng trong khải huyền, bởi vì vinh hiển ấy thật cực điểm, đến đỗi không ai phân biệt tín đồ hèn hạ ấy với chính Đức Chúa Trời được (Kh 22:8)”.

Bản ngã của loài người có giá trị vô song, vì nhờ nó mà họ có thể giao thông với Đức Chúa Trời; cũng nhờ nó mà họ dầu có sa ngã, lại có thể được cứu rỗi. Xưa kia nhà triết học Aristote binh vực thời mãi nô, vì cho tánh tình của đứa nô lệ vốn rất đê hèn. Còn nhà triết học Platon coi sự giết con trẻ là sự thường, chẳng phải là tội nữa. Nhưng đạo Christ phản đối ý kiến bất nhơn vô đạo ấy, vì dạy rằng mọi người đều được dựng nên theo hình tượng Đức Chúa Trời. Cho nên hễ ai bạc đãi người hèn hạ cũng là khinh dể hình tượng của Đức Chúa Trời ở trong họ. Thật có khi Christ dòm xem người nầy kẻ kia cách phiền giận, nhưng Ngài không hề khinh dể người nào. Ngài dạy dỗ đờn bà, chúc phước con trẻ, chữa sạch kẻ phung, kêu kẻ chết sống lại. Đoạn, nhờ sự chết trên thập tự giá Ngài bày tỏ ra giá trị rất cao của linh hồn người ta, dạy ta coi mọi người như anh em, yêu thương họ như Ngài đã yêu thương, đến đỗi nếu cần thì cũng sẵn lòng vì họ mà liều mạng mình để cứu rỗi họ.

2. LOÀI NGƯỜI GIỐNG NHƯ ĐỨC CHÚA TRỜI VỀ LÒNG ĐẠO ĐỨC

Vả, Đức Chúa Trời không những ban cho loài người tài tự tri tự giác và quyền tự quyết định, bèn cũng phú cho họ một lương tâm lạ lùng hơn hết mà thần đạo gọi là lòng đạo đức. Vậy, lòng đạo đức nghĩa là gì?

a) Định nghĩa lòng đạo đức:Lòng đạo đức là phần của linh tánh loài người vốn khuynh hướng cùng Đức Chúa Trời,nhận Ngài là Đối tượng và Mục đích tuyệt đối về sự thi thố cảm tình và ý dục mình; cũng nhờ lòng ấy mà loài người phản chiếu các đức tánh của Đức Chúa Trời nữa. Vả, vì sự thánh khiết là đức tánh đệ nhứt của Đức Chúa Trời, thì tất nhiên đức tánh ấy cũng cần đứng đầu trong bản tánh loài người mà Ngài dựng nên theo hình tượng của Ngài. Kinh Thánh cũng dạy rõ ràng sự công nghĩa vốn một yếu tố ở trong bản tánh loài người lúc mới được dựng nên đó. Những câu viện dẫn sau đây làm chứng cho: xem Tr 7:29; Eph 4:24; Co 3:10.

Tuy hai câu ấy luận về người được tái sanh, thì cũng ám chỉ về người nào được dựng nên theo hình tượng Đức Chúa Trời có những tánh cách thể nào minh chứng rằng loài người lúc mới được dựng nên cũng có sự thánh khiết như chính Đức Chúa Trời đã có. Cũng có cả những khuynh hướng xứng đáng, như ái tình và ý chí hết sức chăm chú về Đức Chúa Trời, đến đỗi cả người đều vâng phục Ngài, nhận Ngài làm điểm cùng tuyệt cho mọi sự mong ước của mình. Vậy, nói rằng loài người mới được dựng nên là vô tội thì không đủ nghĩa, họ lại có sự công nghĩa thánh khiết như chính Đấng Tạo hóa đã có vậy.

b) Có thể mất được:Vả, ta đã thấy phần giống như Đức Chúa Trời về bản ngã, thì loài người không thể mất được. Nhưng phần giống như Đức Chúa Trời về lòng đạo đức, thì có thể mất,và chẳng may, cũng đã thật mất rồi. Khi nguyên tổ ta sa ngã, thì phần giống như Đức Chúa Trời về đạo đức đã bị tuyệt mất. Thay cho sự vô tội chỉ có sự phạm tội,thế cho sự thánh khiết lại là sự bất khiết, thế cho sự công nghĩa thì có sự bất nghĩa; còn lòng vốn rất yêu mến Đức Chúa Trời, thì xây hướng cùng thế gian và ma quỉ mà yêu chuộng những điều hư hỏng bại hoại.

c) Tánh chất của sự công nghĩa nguyên bản: Về tánh chất của sự công nghĩa (hoặc thánh khiết) nguyên bản loài người hưởng được lúc mới được dựng nên, thì có mấy ý kiến quan hệ đáng cho ta để ý đến, hầu phân biệt chỗ phải quấy.Xin luận lược qua như sau nầy.

(1) Chẳng đồng yếu tố với bản tánh của loài người: Sự công nghĩa nguyên bản mà loài người có lúc mới được dựng nên chẳng đồng yếu tố với bản tánh của loài người; bằng vậy,thì bản tánh ấy cũng phải bị tuyệt mất lúc họ phạm tội; bởi vì trong chính lúc phạm tội đó họ mất hẳn sự công nghĩa nguyên bản ấy. Vả lại, nếu sự công nghĩa nguyên bản đó là một yếu tố của bản tánh người ta, thì bản tánh ấy cũng đã thay đổi ra khác, vì tội lỗi đã xen vào làm yếu tố đệ nhứt. Mà nếu thực đã thay đổi ra bản tánh khác rồi, thì tất nhiên cả bản ngã cũng bị thay đổi ra khác, đến đỗi không còn thể gọi hậu tự của A-đam là loài người nữa. Thiết tưởng có thể gọi sự công nghĩa nguyên bản là sức khỏe mạnh của bản ngã; còn tội lỗi là chứng bịnh khiến cho bản ngã ra yếu đuối bại hoại, truyền nhiễm từ nguyên tổ đến cả hậu tự người.

(2) Chẳng từ bên ngoài phú cho:Ta cũng chẳng nên coi sự công nghĩa nguyên bản ấy là một đức riêng từ bên ngoài phú cho, một dị chất tương phản với bản tánh loài người, phú cho họ sau khi được tạo thành. Bởi vì loài người nhờ cuộc dựng nên mà hưởng được hình tượng của Đức Chúa Trời liền, chớ chẳng phải sau khi đã được làm người trọn vẹn, rồi mới được Ngài phú thêm đức ấy vào cho đâu. Giả như ngày nay mọi người sanh ra đời đều có bản tánh tội lỗi, hay khuynh hướng về mọi sự ở ngoài Đức Chúa Trời. Cũng vậy,khi A-đam được dựng nên thì có bản tánh công nghĩa thánh khiết, hay khuynh hướng về Đức Chúa Trời và mọi sự thuộc về Ngài; chớ chẳng phải sau khi đã được dựng nên rồi mới lần lần có sự khuynh hướng ấy đâu.

(3) Là lòng hay khuynh hướng cùng Đức Chúa Trời: Thế thì, muốn nói cho đúng thì phải định rằng sự công nghĩa nguyên bản của loài người là lòng hay khuynh hướng cùng Đức Chúa Trời. Khi A-đam mới được dựng nên thì cả ái tình và ý chí đều khuynh hướng về Đức Chúa Trời, vin lấy mọi sự công nghĩa làm mục đích và đối tượng cho cả bản ngã mình. Nhưng mà sự công nghĩa nguyên bản ấy chẳng phải bất diệt, loài người có thể phạm tội. Tuy A-đam vốn có bản tánh thiện hảo, thì cũng được tự do lựa chọn làm điều ác, A-đam ban đầu có ái tình và ý chí xu hướng về Đức Chúa Trời, và bản tánh thì vô tội; nhưng sự công nghĩa ấy chỉ theo phương diện tiêu cực, chưa đạt đến phương diện tích cực, bởi vì chưa được thí nghiệm. Ví thử A-đam đã chịu nổi sự thí nghiệm, thì sự công nghĩa nguyên bản đã trở nên một bản tánh thánh khiết và đạo đức thực nghiệm, không còn có thể vấp ngã nữa. Nói cách khác, sự công nghĩa nguyên bản của loài người chẳng khác tình yêu thương của con trẻ đối với cha mẹ. Hột giống yêu thương ấy vẫn có ở trong lòng con từ khi sanh đẻ, nhưng chưa được mở mang cho đến khi biết cha mẹ, và có thể chịu sự thí nghiệm; đoạn tánh ấy trở nên lòng hiếu thuận thực nghiệm vậy.

(4) A-đam vốn có thể di truyền tánh công nghĩa cho hậu tự: Đức công nghĩa nguyên bản của loài người là cái phần về “hình tượng giống như Đức Chúa Trời” mà loài người đã mất rồi. Nếu A-đam không phạm tội, thì vốn có quyền di truyền một tánh công nghĩa cho con cháu mình, cũng như người đã phạm tội mà di truyền bản tánh tội lỗi cho họ vậy. Thế mà, tuy A-đam và dòng dõi người đều đã mất sự giống như Đức Chúa Trời, về lòng đạo đức thì vẫn chưa mất sự giống như Đức Chúa Trời về phần bản ngã. Nhờ thực sự quí báu ấy mà loài người còn hi vọng nhờ ân điển Đức Chúa Trời để được cứu rỗi. Có nhà thần học luận rằng: “Sự giống Đức Chúa Trời về lòng đạo đức mà loài người đã mất, vẫn có thể được hồi phục; nhưng chỉ một mình Đức Chúa Trời có quyền làm việc ấy được. Ngài khiến cho “sự chói lói của Tin lành vinh hiển của Christ, là hình trạng của Đức Chúa Trời” (IICo 4:4) soi và lòng họ, hầu hồi phục trong họ lòng đạo đức giống như lòng của Ngài vậy.”

Trong Thi 72:6 có câu: “Vua sẽ giáng xuống như mưa trên cỏ mới phát.” Cảnh tượng của câu ấy làm hình bóng chỉ về loài người bị mất sự đẹp đẽ rực rỡ của lòng đạo đức nguyên bản. Tuy họ như cỏ bị phát, khô héo, chẳng có hi vọng gì; nhưng vẫn còn cái bản năng kín giấu để nhận sự sống mới,cũng như gốc rễ cỏ trong đất gặp mưa thì được mọc lại tốt tươi như cũ vậy.

d) Hai ý kiến phản đối:Ngoài ý kiến mới luận qua ở trên, còn có hai ý kiến khác phản đối với lẽ thật tỏ ra trong Kinh Thánh về nguyên trạng của loài người. Xin lược kể ra như sau nầy.

(1) Loài người chỉ giống Đức Chúa Trời về bản ngã mà thôi: Thuyết nầy phủ định loài người vốn có lòng khuynh hướng cùng Đức Chúa Trời, mà chủ trương rằng loài người trong thời thái sơ chỉ có những lương năng thuộc linh thích hiệp rất rập ràng với nhau,nhưng chẳng có sự thánh khiết, cũng chẳng có sự bất khiết, bèn được đứng trong địa vị trung lập không ác cũng chẳng thiện đó thôi. Thuyết nầy có ba ngộ điểm:

(a) Nếu loài người không được giống như Ngài về mặt bản ngã, thì A-đam chẳng có đức công nghĩa nguyên bản.Ví bằng chẳng có đức ấy, tất nhiên cũng không mất, và chẳng hề sa ngã trở nên kẻ có tội bao giờ. Nhưng quả đã có sa ngã phạm tội mà phải mất đức tánh công nghĩa nguyên bản đó, là dức tánh chẳng do sự vận động của bản ngã A-đam mà có, bèn trực tiếp do Đức Chúa Trời ban cho trong lúc loài người được tạo thành vậy. Bằng chẳng vậy, tại sao bản tánh loài người không còn được công nghĩa nữa. Lại kìa sự công nghĩa mà tín đồ hưởng được lúc mới tái sanh chẳng phải tự mình mà ra, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Mà nếu tánh công nghĩa hồi phục là nhờ Đức Chúa Trời ban cho, thì tại sao lại nói rằng cái nguyên tánh công nghĩa chẳng do Ngài mà ra ư?

(b) Khi loài người được dựng nên thì đã có bản năng hiểu biết Đức Chúa Trời và giao thông với Ngài được.Vả, nếu loài người chỉ giống như Đức Chúa Trời về phần bản ngã, chẳng có lòng đạo đức thánh khiết, thì làm sao mà giao thông với Ngài đặng? Kỳ thực, khi nguyên tổ ta phạm tội mới bị đứt sự giao thông ấy, bởi vì đã mất lòng thánh khiết ấy rồi (Sa 3:7,22,24; 8:21). Thế thì, ta phải cho rằng cái thuyết về loài người chỉ giống Đức Chúa Trời về bản ngã là sai lầm vậy.

(c) Thuyết nầy cũng phản đối với Kinh Thánh, vì Kinh Thánh dạy rằng loài người được chia ra làm hai hạng:hạng thuộc huyết khí và hạng thuộc linh. Người thuộc huyết khí tức là người ở ngoài Chúa, chưa được tái sanh. Thế thì cái gì ở trong người ta được tái sanh?Có phải là phần huyết khí không? Không. Có phải là bản ngã chăng? Cũng không nữa;vì bản ngã trước sau sự tái sanh vẫn là bản ngã. Thiết tưởng lấy làm hữu lý mà nói rằng phần được tái sanh trong người ta là linh tánh, tức là cái lòng đạo đức,vốn có từ xưa, nhưng đã bị mất đi trong khi phạm tội. Khi người nào tin Chúa,lòng đạo đức người ấy bèn được tái sanh, người lại được hồi phục cái bản năng khuynh hướng về Đức Chúa Trời và về sự công nghĩa của Ngài. Kinh Thánh gọi linh tánh được tái sanh ấy bằng “người mới… được dựng nên theo hình tượng Đức Chúa Trời, trong sự công nghĩa và sự thánh khiết” vậy (xem ICo 2:10–15; Eph 4:22–24).

(1) Hình tượng Đức Chúa Trời trong loài người bất quá là lương năng tín ngưỡng tôn giáo: Ý kiến nầy vốn bởi các nhà kinh viện triết học chủ trương trước hết, rồi sau trở nên lý thuyết của Giáo hội Lamã. Thuyết nầy phân biệt ý nghĩa của hai chữ “hình” và “tượng” của Đức Chúa Trời, chủ trương rằng trong lúc tạo thành thì loài người được “như hình” Đức Chúa Trời (à l’image de Dieu). Còn về sự “theo tượng” Đức Chúa Trời (selon la ressemblance de Dieu), thì họ nhờ sự vâng phục hưởng được về sau; nghĩa là sự “theo tượng” của Đức Chúa Trời ở trong họ là công hiệu của việc lành mà họ đã làm vậy. Họ cũng dạy rằng vì Đức Chúa Trời muốn loài người dễ vâng phục Ngài mà mau trở nên giống như “tượng” Ngài, nên đã phú thêm cho họ một yếu tố thứ ba, vốn không thuộc về bản tánh loài người, một ân tứ đặc biệt gọi là ân điển có năng lực ngăn ngừa dục vọng, bắt nó phải đầu phục lý tánh, không được tự do hành động. Thế thì, theo thuyết nầy, sự công nghĩa nguyên bản của loài người chẳng phải là một yếu tố Đức Chúa Trời trực tiếp phú cho bản tánh loài người trong lúc họ được dựng nên, bèn là một công hiệu vừa do sự vâng phục của loài người, vừa do đặc ân siêu việt của Đức Chúa Trời ban cho mà được vậy.

Nhà thần đạo A.H. Strong luận về ý kiến nầy mà rằng: “Có thể giãi bày Lamã giáo lý cách hình bóng như sau nầy: Loài người được dựng nên trần truồng về tánh đạo đức, chẳng có sự công nghĩa tích cực gì hết.Nhờ sự vâng phục người nhận được nơi Đức Chúa Trời một phần thưởng bằng một cái áo công nghĩa để che khuất sự lỏa lồ của mình. Vả, người có thể mất cái áo công nghĩa ấy. Cừu địch xâm hãm người, lột áo công nghĩa của người, rồi bỏ người đi trần truồng. Nhưng địa vị người trước và sau khi bị lột trần đó không khác nhau cho lắm, chỉ khác nhau như địa vị của kẻ bị lột trần với địa vị của kẻ vốn ở trần truồng vậy đó thôi. Bấy giờ người đứng trong địa vị mà người vốn đứng lúc mới được dựng nên; duy có điều nầy là khác với lúc ấy là người cảm biết mình yếu đuối hơn lúc ấy, bởi vì thiếu bộ áo công nghĩa mình thường mặc trước kia vậy. Nhưng may thay! Người vẫn có thể tu đức lập công mà được một áo khác, thật có thể lãnh được đến ba bốn cái hay nhiều hơn nữa cũng nên, để bán hoặc cho bớt người khác các bộ áo mà chính mình không cần dùng đến!”

Về thuyết nầy có bốn điều dị nghị như sau đây:

(a) Không thể nào phân biệt nghĩa đen của chữ “hình” và “tượng”, bởi vì hai điều chỉ có một ý nghĩa mà thôi, tức là loài người được dựng nên giống như hình tượng Đức Chúa Trời.

(b) Tuy hai chữ “hình” và “tượng” có ý nghĩa khác nhau hay là không, thì Kinh Thánh dạy rõ lắm rằng loài người giống như “hình” và “tượng” của Đức Chúa Trời chính trong lúc họ được tạo thành, chớ chẳng có câu nào dạy rằng họ được Đức Chúa Trời phú thêm cho sự “giống như Ngài” trong một thời kỳ kế sau cuộc dựng nên đâu.

(c) Thuyết nầy chủ trương rằng cảm tình (tình dục) và ngộ tánh có sự phản nghịch nhau. Nhưng ý kiến ấy sai lầm, và phản đối sự dạy dỗ của Kinh Thánh; bởISa 1:31 dạy rằng các việc Đức Chúa Trời làm đều “thật tốt lành” cả. Vả lại, thuyết nầy đổ thừa sự cám dỗ và tội lỗi cho Đức Chúa Trời. Nói rằng khi loài người được dựng nên thì chỉ có sự vô tội tiêu cực, và các tình dục tội ác đều đương ngủ mê, thì bất quá là đổ tội cho Đức Chúa Trời, cho Ngài là căn nguyên trực tiếp của sự sa ngã, bởi vì theo ý kiến nầy, Ngài đã cấu tạo trong loài người một bản tánh bất khiết phải phạm tội.

(d) Thuyết nầy cũng phản đối với Kinh Thánh, bởi vì chủ trương rằng sự phạm tội thứ nhứt chẳng khiến cho bản tánh loài người ra hủ bại, bèn là chỉ làm cho nó ra yếu đuối thôi; còn sự tái sanh chẳng đổi ái tình ra mới, nhưng chỉ bồi bổ sức lại cho những bản năng thiên nhiên đó thôi. Thuyết nầy cho tội thứ nhứt chỉ nương đoạt cái đặc ân của Đức Chúa Trời ở nơi loài người, đặt người phải đứng vào địa vị vốn có ở trong lúc mới được dựng nên. Tuy đã mất cái đặc ân ấy rồi, vẫn còn có tài năng vâng phục Đức Chúa Trời, và giúp đỡ Ngài về việc cứu rỗi mình.

Ôi thôi! Thuyết nầy xa cách lẽ thật là dường nào! Kinh Thánh nghiêm huấn rằng loài người “đã chết vì sự vi phạm và tội lỗi mình” (Eph 2:1), tự nhiên chẳng có tài năng gì mà vâng phục Đức Chúa Trời,“vì không vâng phục luật pháp Đức Chúa Trời, lại cũng không thể phục được” (Ro 8:7). Nên chỉ rất cần yếu cho loài người nhờ quyền năng của Đức Chúa Trời, hầu được tái sanh, được dựng nên mới trong Christ vậy (Eph 2:10). Gi 3:3-6; ICo 2:14; Ro 8:7; Eph 2:10

II. NHỮNG Ý NGOẠI VỀ NGUYÊN TRẠNG CỦA LOÀI NGƯỜI

1. HIỆU QUẢ CỦA HÌNH TƯỢNG ĐỨC CHÚA TRỜI TRONG LOÀI NGƯỜI

Về phần các hiệu quả của hình tượng Đức Chúa Trời trong loài người, xin luận đến bốn điều như sau nầy:

a) Hình thể loài người phản chiếu hình tượng Đức Chúa Trời: Thân thể của loài người lúc mới được dựng nên phản chiếu hình tượng Đức Chúa Trời ra, biểu dương các tánh cách tối cao của Ngài. Kinh Thánh dạy rõ Đức Chúa Trời có bản năng nói, nghe, thấy, ngửi, và cảm giác được. Thân thể loài người được dựng nên theo kiểu mẫu Đức Chúa Trời, nhận được các bản năng ấy. Chỉ có điều nầy là khác: các bản năng ấy trong Đức Chúa Trời là vô hạn và trọn vẹn; còn ở trong loài người thì hữu hạn và bất toàn. Thế mà, khá coi chừng, đừng giải nghĩa Sa 2:7 và Sa 3:8 sai lầm mà quyết rằng cái hình tượng Đức Chúa Trời ở trong loài người tức là hình dáng bề ngoài của họ được giống như hình tượng của Ngài. Bởi vì xem Sa 2:7 cho kỹ, thì thấy có nói “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người,” chớ chẳng nói rằng Ngài lấy bụi đất mà dựng nên hình tượng Ngài trong họ. Nhưng khi Ngài đã nắn nên hình thể rồi, bèn “hà sanh khí vào lỗ mũi”,khiến cho hình thể ấy có linh hồn sống; rồi lại trong linh hồn sống ấy Ngài có in hình tượng của Ngài. Cho nên thân thể người ta chỉ biểu dương hình tượng ấy ra mà thôi. Trong Sa 3:8 cũng chép rằng Đức Chúa Trời có đi, có nói, ấy nghĩa là Ngài dùng bản năng tự động và bản năng nói phô mà tìm kiếm A-đam để phán chuyện với người, chớ chẳng ám chỉ Ngài có hình dáng vật chất như loài người có đâu.

b) Có quyền hạn chế tình dục:Trước khi loài người chưa phạm tội, thì có quyền hạn chế tình dục, làm cho nó phải phục linh tánh trong mọi sự. Kỳ thực, trong lúc đầu, linh tánh và nhục tánh vẫn hòa hiệp nhau cách rập ràng, chẳng có sự tương phản gì nhau cả. Đến khi phạm tội, linh tánh mới không còn quyền hạn chế tình dục nữa, nhưng bị tình dục hãm áp cho đến bây giờ, thật là đáng tiếc lắm thay!

c) Được quyền thống trị muôn vật: A-đam là cái mão miện của tạo vật, có tài năng tra xét bản tánh của muôn vật, tùy theo từng bản tánh mà đặt tên cho nó,và cai trị hết cả (Sa 2:19). Xem Sa 1:26 và Thi 8:5-8, thì rõ loài người ban đầu không những là có quyền cai trị muôn vật, mà lại có quyền độc trị cả cõi thiên nhiên nữa.

Kịp đến khi loài người phạm tội, muôn vật không còn tình nguyện chịu phục người nữa, phải dùng cường lực ép buộc mới bắt nó vâng phục mình phần nào. May thay! Nhờ Đấng Christ, loài người sau nầy sẽ nhận lại cái đặc quyền ấy; khi ấy muôn vật và cõi thiên nhiên đều sẽ tái phục nhơn loại mới cho đến đời đời vô cùng. Xem Ro 8:18-23; He 2:8,9; Es 11:6; Es 65:25

Vả, loài người được quyền cai trị muôn vật, ấy minh chứng rằng địa vị loài người cách xa địa vị loài thú khôn xiết kể;nào là căn nguyên, tài năng, mục đích, hết thảy đều khác nhau với thú vật. Kỳ thực, loài thú không có thể nào lên phẩm cách loài người được; nhưng loài người vì cớ tội ác lấy làm dễ sa xuống bực thấp hèn của loài thú vậy.

d) Được giao thông cùng Đức Chúa Trời: Nguyên tổ chúng ta từng hưởng được hạnh phúc giao thông với Đức Chúa Trời một cách thân mật, và trực tiếp thọ giáo nơi Ngài (Sa 2:16). Theo Sa 3:8, Đức Chúa Trời dường như lấy hình thể hiện ra nguyên tổ ta được thấy. Cái cách tương giao thân mật với Đức Chúa Trời như thế chẳng phải vượt quá trình độ của nguyên tổ ta, nhưng rất thích hợp với các lương năng thuộc linh của họ. Dầu vậy, nguyên tổ ta có lẽ không được dòm thấy Đức Chúa Trời cách trọn vẹn bằng các thánh đồ sẽ được thấy Ngài ở nơi vinh hiển đời sau (Ma 5:8; IGi 3:2; Kh 22:4). Kịp đến khi nguyên tổ ta sa ngã, tức thì bị phân cách, không được giao thông với Đức Chúa Trời nữa. Nếu sau nầy mà chẳng nhờ Christ, thì quả không hi vọng phục hồi cái đặc ân ấy được (Gi 1:12). Sa 2:16;Sa 3:18; Ma 5:8; IGi 3:2; Kh 22:4; Gi 1:12

2. CÁC SỰ PHỤ TÙY VỀ HÌNH TƯỢNG ĐỨC CHÚA TRỜI TRONG LOÀI NGƯỜI

a) Có dịp tiện tốt để dồi mài đức tánh: Khi nguyên tổ ta ở trong vườn Ê-đen,thì vốn có tánh nết trọn lành vô tội, nhưng chưa được thí nghiệm về đời đạo đức.Nên khi Đức Chúa Trời để cho họ được đứng trong cảnh địa Ê-đen rất tốt lành,thích hợp với bản tánh người, cốt ý để thí nghiệm tánh đạo đức, dồi mài nó hầu cho nó trở nên đạo đức thực nghiệm, được đứng vững, chẳng có thể sa ngã nữa. Vả,nếu chẳng chịu sự thử thách, thì loài người chẳng được công trạng gì, cũng như vàng không chịu thử lửa thì chẳng được ròng, ngọc chẳng dồi mài thì chẳng chói sáng. Bởi vậy cho nên Đức Chúa Trời tạo một cây “biết điều thiện điều ác” ở trong vườn Ê-đen (Sa 2:9), để tập rèn tánh nết của nguyên tổ ta. Ví bằng họ giữ bổn phận mình, vâng theo mạng lệnh Đức Chúa Trời chẳng dùng trái cây ấy, thì đã được tánh đạo đức thực nghiệm rồi, không cần sợ bị quỉ dữ dỗ dành nữa. Sa 2:9, Sa 2:17

b) Có dịp tiện để được bất diệt: Thân thể của nguyên tổ ta khi mới được dựng nên thì chưa hưởng được sự bất diệt (ICo 15:44-49), trong nó vốn có cái mầm của sự chết. Nhà khoa học cũng chứng rằng sự sanh hoạt hữu cơ vẫn có cái mầm của sự hao mòn hư mất. Nhưng Đức Chúa Trời đã có đặt một cách thức riêng ở trong vườn Ê-đen, hầu nhờ đó thân thể loài người được bất diệt. Cách thức ấy là cây sự sống (Sa 2:9). Nếu A-đam đã gìn giữ bổn phận mình, đứng vững vàng đối phó với sự cám dỗ mà chẳng trái mạng Đức Chúa Trời, thì đã được phép ăn trái của cây sự sống,và nhờ đó thân thể trở nên bất diệt, thoát ly địa vị hay hư nát mà hưởng được phước trường sanh. Nhưng chẳng may, nguyên tổ ta nghịch mạng Đức Chúa Trời, bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen, chẳng được phép ăn cây sự sống. Tại cớ ấy loài người mất cái dịp tiện để hưởng phước trường sanh bất tử vậy. ICo 15:47; Sa 3:11, Sa 3:22, Sa 3:23

c) Có dịp tiện di truyền hình tượng Đức Chúa Trời cho hậu tự:Túng sử tội lỗi không vào trong thế gian thì loài người vẫn cứ giữ hình tượng Đức Chúa Trời trong mình mãi, lưu truyền lại cho con cháu luôn. Bởi vì theo công lệ,thì kẻ sanh và người được sanh đều đồng một giống và một bản tánh. Xem như sau khi nguyên tổ đã phạm tội rồi, làm cho bản tánh ra hủ bại, thì tánh ấy lưu truyền lại cho hậu tự người, đến đỗi chẳng trừ một ai mà không đồng tánh với người.Cũng vậy, nếu nguyên tổ còn giữ hình tượng Đức Chúa Trời cho trọn vẹn luôn, chắc cũng lưu truyền cho hậu tự mình bản tánh trọn vẹn của mình vậy.

Hoặc giả có kẻ biện nạn rằng: “Nếu tội lỗi không vào trong thế gian, thân thể loài người được sống đời đời, có đủ hình tượng Đức Chúa Trời được lưu truyền từ cha đến con, từ con đến cháu, thì loài người há chẳng sanh sản đông đúc lắm sao? Chắc đã chẳng có chỗ đâu mà ở cho đủ?Vậy thì cái họa nhơn mãn đã xảy ra từ đời nào rồi!” Không dám đáp lẽ chắc chắn cho câu hỏi ấy, bởi vì Kinh Thánh không giải rõ vấn đề nầy. Nhưng thiết tưởng khi người ta ở đời nầy đã từng trải mọi sự thí nghiệm, dồi mài tánh nết cho thực đạo đức trọn vẹn rồi, thì sau chắc Đức Chúa Trời biến hóa họ, tiếp rước họ lên trên trời, như đã tiếp rước Hênóc khi xưa, hầu được ở với Ngài cho đến vĩnh viễn (Sa 5:24). Còn tại nơi ấy chẳng có sự cưới gả, sanh sản gì nữa (Ma 22:30). Xem Sa 5:24; Ma 22:30

3. CÁC PHƯỚC HẠNH DO HÌNH TƯỢNG ĐỨC CHÚA TRỜI TRONG LOÀI NGƯỜI MÀ RA

Các phước hạnh của nguyên tổ ta đương khi còn ở trong vườn Ê-đen thật là vô hạn vô lượng, trọn vẹn vô cùng. Sau đây xin kể lại ít điều, vẽ ra cái đại khái của phước hạnh ấy.

a) Có thân thể mạnh khỏe trọn vẹn: Xét kỹ thân thể loài người ngày nay thì chẳng thấy ai được khỏe mạnh trọn vẹn, ai ai cũng thiếu thốn mà phải đau ốm, hoặc là tại bịnh di truyền hay là bịnh truyền nhiễm cũng có. Nhưng thân thể của nguyên tổ ta trong vườn Ê-đen sức mạnh vẫn không thiếu thốn, không hề bị đau ốm, nên được khỏe mạnh mười phần vậy.

b) Có ngộ tánh trọn vẹn:A-đam có ngộ tánh trọn vẹn, nên chẳng cần cực nhọc dùng qui nạp pháp hay là diễn dịch pháp đặng suy nghĩ ra chơn lý của sự vật, nhưng nhờ cái tuệ tâm sáng suốt mà trực tiếp thông hiểu mọi sự. Đây có hai bằng cớ minh chứng:

(1) Ông đặt tên cho các loài thú (Sa 2:19, Sa 2:20). Chắc A-đam có thông hiểu bản tánh và thói quen của mọi loài, nên đặt tên cho mỗi loài mỗi tên thích hợp với bản tánh nó thập phần.

(2) Ông đặt tên cho nội trợ mình (Sa 2:23, Sa 2:24; Sa 3:20), gọi là “người nữ”, bởi vì người do người nam mà ra.Trong tiếng Việt chữ “nữ” và chữ “nam” chẳng có sự tương quan gì cả. Song trong nguyên văn Hê-bơ-rơ hai chữ ấy thật giống nhau lắm. Theo tiếng ấy chữ nam là ish, còn chữ nữ là isha. Nghĩa đen chữ isha là “người nam nữ”. Về sau ít lâu A-đam đặt tên mới cho vợ mình là Ê-va, nghĩa đen là “mẹ của nhơn loại”. Thế thì, tên isha chứng về căn nguyên của người nữ, còn tên Ê-va chứng về thiên chức lớn của người nữ là gì. Các lẽ thật ấy A-đam không cần ai dạy cho mới biết,song chỉ nhờ cái tuệ tâm sáng suốt mà thông hiểu hết.

Về sự dựng nên người nữ, nhà thần đạo M. Henry luận rằng: “Đức Chúa Trời không lấy người nữ ra nơi đầu người nam, sợ e làm đầu người nam; cũng chẳng lấy nơi chơn, e bị người nam giày đạp, bèn lấy ra khỏi hông người nam đặng đứng bình đẳng với người, lấy ra từ dưới cánh tay đặng nhờ người nam che chở cho; lấy ra khỏi nơi gần lòng hầu cho người nam yêu mến vợ mình vậy.”

c) Chưa có tư dục:Sự tham lam bậy bạ của người đời nầy chẳng khi nào biết chán, thật lấy làm khó cho họ vô cùng. Hôm nay hễ họ được bao nhiêu càng muốn được thêm bấy nhiêu không hề cùng, đúng như câu “Tham tâm vô để” vậy. Trước khi nguyên tổ chưa sa ngã, còn gìn giữ địa vị nguyên bản, lạc thiên tri mệnh, tùy ngộ nhi an, ăn trái cây, uống nước suối, chẳng tham lam, chẳng lo lắng, chỉ cứ an nhàn vô sự, thật đã đứng trong một cảnh trạng vui vẻ vô cùng.

d) Chưa biết sự xấu hổ:Thật, ngửa lên không hổ với trời, cúi xuống chẳng thẹn với người, chỉ người lúc mới tạo thành đã hưởng được cái khoái lạc của tâm linh và cái địa vị trọn vẹn như thế thôi.

e) Hành quyền trên muôn vật:Ở trong vòng các vật thọ tạo, chỉ có loài người là rất quí báu và quan hệ hơn hết,đứng đầu cả muôn vật, linh hơn muôn vật, hòa với muôn vật, chủ trị nó, sai khiến nó. Còn muôn vật vẫn an hòa ở chung với nhau, không ghen ghét nhau, không ngăn trở gì nhau, và hết thảy đều đầu phục loài người. Xét ra thật là một quang cảnh rất vui vẻ không xiết kể. Sa 1:28

f) Đứng trong quang cảnh rất thích hợp: Vườn Ê-đen là lạc viên mà Đức Chúa Trời sắm sẵn cho nguyên tổ ta ở. Cảnh vườn ấy thật là vui vẻ trọn vẹn, vì ở trong đó khí huyết được điều hòa, chung quanh thì muôn hồng ngàn tía đua tươi, quả ngon trái ngọt vừa mắt, mọi vật đều được như ý. Lại có bốn ngọn sông dưới nước trong leo lẻo, chảy ngang qua vườn tưới khắp mọi nơi, khiến đất càng đượm mầu mỡ tốt tươi. Phong cảnh thiên nhiên đẹp đẽ ấy Đức Chúa Trời đã ban cho nguyên tổ ta để giúp đỡ bản tánh người mở mang phát đạt. Có thể gọi là thiên đàng giữa chốn nhơn gian thì cũng phải lắm. Nhưng tiếc thay! Nguyên tổ ta không được hưởng trót vì đã sa ngã phạm tội. Tuy vậy ai ở trong Christ sẽ được các phước ấy lại,và sẽ được hạnh phước còn lớn hơn nữa không thể nào xét cho rõ hết. Giăng chép rằng: xem IGi 3:2; Kh 22:1-5

 

Chương 3: LUẬN VỀ SỰ THÍ NGHIỆM VÀ SỰ SA NGÃ CỦA LOÀI NGƯỜI

I. SỰ THÍ NGHIỆM LOÀI NGƯỜI

KINH THÁNH dạy rằng sau khi Đức Chúa Trời dựng nên loài người, bèn đặt người ở trong vườn Ê-đen, chủ ý để dùng cảnh vườn ấy làm trường học mà thí nghiệm người (Sa 2:8-17). Chữ Ê-đen nghĩa đen là khoái lạc,vui thích. Không thể nào biết cho chắc cảnh vườn ấy đã được lập ở nơi nào.Nhưng phỏng chừng có thể nói rằng vườn ấy ở trong trũng Mêsôbôtami, gần hai con sông Tigre và Euphrate (Sa 2:10-14). Nhưng cũng có nhiều ý kiến khác về vấn đề nầy, đến đỗi có kẻ thiết tưởng vườn ấy ở bắc cực! Về vấn đề loài người chịu thí nghiệm trong vườn Ê-đen, xin luận đến năm điều như sau đây.

1. ĐỊNH NGHĨA SỰ THÍ NGHIỆM

Thí nghiệm tức là thử thách rèn tập. Hễ ai chịu thí nghiệm trước phải ở dưới quyền luật pháp nào, nhờ luật pháp ấy dạy cho mình biết phận sự mình là thể nào. Cũng dùng nó để tra xét hành vi của mình hầu biết mình có vâng theo điều răn của nó hay chăng. Bằng đã làm theo, thì luật ấy hứa ban phước cho; bằng chẳng, thì hăm dọa hình phạt. Ấy vậy, phàm ai ở dưới quyền luật pháp nào, có bổn phận vâng theo luật ấy; nếu vâng theo, thì đã chịu nổi sự thí nghiệm của luật ấy; bằng chẳng, ắt mắc tội, bị sự đoán phạt như nó đã chỉ định.

2. SỰ THÍ NGHIỆM RẤT CẦN YẾU

Nguyên tổ ta được dựng nên có bản tánh thánh khiết. Cả cảm tình và ý chí tự do của họ đều chỉ khuynh hướng về sự tốt lành mà thôi. Tuy vậy, vẫn có thể bị cám dỗ từ bề ngoài. Vì cớ ấy cần phải cho nguyên tổ từng trải một hồi thí nghiệm, để thử xem họ sẽ trung tín cùng Đức Chúa Trời, chịu vâng theo mạng lịnh của Ngài hay không. Thế thì, vì nguyên tổ có thể bị cám dỗ từ bề ngoài, nên Đức Chúa Trời bắt họ phải phục dưới quyền của một luật pháp đặc biệt, nhờ nó dạy cho họ biết phận sự mình, hầu xem thử trong khi bị cám dỗ họ có trái điều răn của luật ấy hay là cứ vâng giữ được. Bằng chẳng thí nghiệm nguyên tổ như thế, quả không thể nào biết hoặc họ sẽ trung tín với Đức Chúa Trời hay không.

Đấng Christ cũng có thể bị cám dỗ từ bề ngoài như thế, bởi vì bề trong Ngài chẳng có sự khuynh hướng về tội ác gì. Xem Kinh Thánh thì thấy Ngài thường bị cám dỗ như thế rất nhiều, và vì cớ ấy phải đau đớn cũng nhiều. Trước giả thơ Hê-bơ-rơ chép rằng: xem He 2:18; He 5:7-9

Nhưng may thay! Tuy loài người chịu sự thí nghiệm không nổi đã nhượng bộ cho sự cám dỗ của Sa-tan, thì Christ dầu chịu cùng một thứ thí nghiệm như họ, thì chẳng hề bị thua đâu, nhưng đã đắc thắng hoàn toàn. Hê-bơ-rơ có câu: xem He 4:15

3. MỤC ĐÍCH VỀ SỰ THÍ NGHIỆM

Mục đích chánh đại về sự thí nghiệm nguyên tổ ta chẳng những là Đức Chúa Trời muốn coi thử họ sẽ trung tín vâng phục Ngài hay chăng, song cũng muốn thử rèn bản tánh thánh khiết của họ, hầu cho nó hóa nên tánh đạo đức thực nghiệm. Ta đã thấy bản tánh thánh khiết ấy nguyên tổ ta đã hưởng được chính trong lúc được dựng nên. Nhưng lúc bấy giờ tánh ấy chưa trở nên tánh đạo đức thực nghiệm. Loài người được tánh đạo đức thực nghiệm là duy nhờ sự dồi mài rèn luyện bởi sự lựa chọn làm điều thiện lánh xa điều ác đó thôi. Nếu nguyên tổ ta đã có ý lựa chọn điều thiện tức là chọn làm theo mạng lịnh của Đức Chúa Trời, thì bản tánh thánh khiết ấy đã trở nên tánh đạo đức thực nghiệm rồi,không còn có thể sa ngã mà phạm tội nữa. Than ôi! Nguyên tổ ta cố ý lựa chọn sự ác, tức là lựa chọn trái mạng Đức Chúa Trời, và tại sự lựa chọn đáng buồn ấy,tánh thánh khiết của họ đã đổi ra tánh tội lỗi, kết quả chuốc lấy sự hủ bại chết mất cho mình và cho cả hậu tự mình nữa.

4. LUẬT THÍ NGHIỆM

Muốn thí nghiệm linh tánh của loài người, cần phải có một luật thí nghiệm. Vả, luật pháp Đức Chúa Trời dùng để thí nghiệm nguyên tổ ta được chép trong Sa 2:16,17: “Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn, nhưng về cây biết điều thiện điều ác, thì chớ hề ăn đến, vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết.”

Vả, luật thí nghiệm ấy chẳng thuộc về luật đạo đức, bèn có thể gọi là luật đặc biệt. Luật đạo đức và luật đặc biệt có điều khác nhau, là luật đạo đức bao giờ cũng thực tại, và chẳng hề thay đổi; còn luật đặc biệt do lời răn bảo trực tiếp của Đức Chúa Trời, là luật lâm thời, thay đổi hoặc bãi bỏ tùy theo tình thế và cơ hội ràng buộc. Trong luật đạo đức Đấng chấp pháp có cắt nghĩa tại cớ sao phải vâng theo điều răn nó; còn trong luật đặc biệt duy răn bảo người thủ pháp phải tuân hành mà thôi, chớ chẳng có lời giãi bày vì cớ nào mà phải làm như vậy.

Xét Mười điều răn thì dễ thấy là luật đạo đức,bởi vì lý tánh ta nhận rằng nó là hữu lý, và rất cần yếu cho loài người. Ta chẳng gọi Mười điều răn là phải lẽ bởi vì Đức Chúa Trời đã ban bố nó ra; bèn gọi là Đức Chúa Trời ban bố nó ra vì nó vốn là phải lẽ vậy. Trái lại, kê cứu truyện tích về Đức Chúa Trời gọi Ápraham đem Ysác dâng lên làm của lễ thiêu (Sa 22), thì thấy lời răn bảo ấy là một luật đặc biệt, bởi vì Ápraham chẳng thấy nó hợp lý thể nào, cũng chẳng rõ chỗ cần yếu là làm sao cả.

Vả, lấy làm cần yếu cho luật thí nghiệm là luật đặc biệt, hầu cho kẻ chịu thí nghiệm đó không thể thấy vì cớ gì mà phải làm theo nó. Luật thí nghiệm nguyên tổ ta, như ta đã thấy, là luật đặc biệt; Đức Chúa Trời đã trực tiếp răn bảo A-đam và Ê-va cho ăn trái cây cấm. Bổn phận của họ là phải vâng theo, mặc dầu họ không hiểu vì cớ sao không nên ăn đến, cũng chỉ buộc phải làm theo đó thôi.

Tấn sĩ H. A. Strong luận về vấn đề nầy mà rằng:“Nhơn vì loài người (lúc ấy) chưa đạt đến địa vị thánh khiết thực nghiệm mà vẫn còn đứng trong cảnh đơn sơ vô tội của trẻ con, nên nếu muốn người trở nên trọn vẹn, duy nhờ có một phương pháp là sự chịu cám dỗ mới mong được như thế đó thôi. Cho nên Đức Chúa Trời trồng trong vườn Ê-đen cây biết điều thiện điều ác (Sa 2:9), rồi nghiêm cấm ăn trái nó. Thật, điều răn nhỏ dường ấy rất hợp nghi mười phần để thí nghiệm tinh thần vâng phục. Nhưng sự cám dỗ chẳng tất nhiên gây nên sự sa ngã đâu. Ví bằng chống lại nó, thì bồi bổ sức lòng đạo đức, khiến cho bản năng không cần phạm tội (posse non pécarre) của mình có thể trở nên lương năng không thể phạm tội (non posse pécarre) vậy. Cây biết điều thiện điều ác vốn một cây thí nghiệm, như người cha có quyền buộc con phải làm trọn đạo hiếu,mới được kế thừa sản nghiệp của cha… thì Đức Chúa Trời cũng có quyền thí nghiệm nguyên tổ ta, hầu xem thử sẽ vâng phục hay chăng.”

5. SỰ THÍ NGHIỆM LÀ PHẢI LẼ

Xét lại điều sau nầy, dễ thấy sự thí nghiệm nguyên tổ ta là phải lẽ, chẳng phải một sự áp chế đâu.

a) Lòng yêu thương của Đức Chúa Trời là trọn vẹn, sự khôn ngoan Ngài là vô cùng. Cho nên Ngài không thể nào bắt nguyên tổ ta phải đứng vào địa vị nào hoặc là chịu sự thí nghiệm gì mà có thể làm thất bại cho họ đời đời. Trái lại, mọi sự Ngài ban cho họ, và mọi điều Ngài bảo họ phải làm và đừng làm, đều là cốt ý để mở mang tài năng thuộc linh của họ, khiến cho họ có thể hưởng được phước hạnh may mắn đến đời đời. Vì vậy cho nên sự thí nghiệm bằng trái cây cấm ấy rất cần yếu, là nhằm phép phải lẽ, khôn ngoan và trọn lành, chẳng bội lý và trái phép công bình chút nào cả.

b) Trước khi chưa thí nghiệm nguyên tổ ta thì Đức Chúa Trời sắm sửa cho họ đủ mọi thứ phước hạnh thuộc linh và thuộc thể,đến đỗi chẳng thiếu gì cả. Quang cảnh tư bề vạn vật mỗi mỗi đều khiến người vô cùng thỏa thích. Thực ra, mọi sự cần dùng cho một đời sống vui vẻ trọn vẹn trước mặt Đức Chúa Trời, thì đã có sẵn cả cho họ rồi (Sa 2:9).Thế thì, chẳng lấy làm quá lẽ hay là trái phép công bình mà họ phải vâng giữ một điều răn nhỏ mọn, kiêng cử một thứ trái cây kia. Sự thí nghiệm ấy chẳng quá sức thiên nhiên của họ, cũng chẳng bất công bất nghĩa, bèn là rất xứng đáng và hiệp lẽ mười phần vậy.

II. SỰ SA NGÃ CỦA LOÀI NGƯỜI

Lẽ thật về sự sa ngã của loài người không những là được bày tỏ ra trong đạo Christ, nhưng các tôn giáo khác cũng nói đến ít nhiều,nhìn nhận thực sự kinh khiếp về sự bại hoại của loài người do sự sa ngã phạm tội mà ra. Dầu trong các dã thuyết chẳng có truyện tích nào thuật lại cái biến động bi kịch của sự sa ngã, thì trong trần gian nầy vẫn còn đủ thứ tội lỗi minh chứng rằng sự sa ngã quả đã có rồi, mới có thể khiến cho loài người ra hủ bại như thế được.

1. THỰC SỰ VỀ SỰ SA NGÃ

Sự sa ngã vốn là một thực sự đã xảy ra trong cõi lịch sử của thế gian. Kinh Thánh dạy rõ ràng nguyên tổ ta đã trái mạng Đức Chúa Trời, ăn trái cây cấm, phạm tội, và vì cớ ấy mất hẳn địa vị thánh khiết nguyên bản mà sa vào địa vị hủ bại. Tội lỗi ấy gọi là tội thứ nhứt, còn cái địa vị bởi tội lỗi ấy sanh ra gọi là nguyên tội. Các đoạn sách viện dẫn sau đây chứng rõ ràng cho thực sự ấy: xem Sa 3:1-7; Ro 5:12-19; ITi 2:14

2. BẰNG CHỨNG VỀ SỰ SA NGÃ

Vả, tra xét Sáng thế Ký đoạn 3 thì thấy sách ấy chứng rõ rằng sự sa ngã của nguyên tổ là một thực sự đã xảy ra trong cõi lịch sử nhơn loại, chớ chẳng phải là một ảo tưởng bá vơ đời xưa đâu. Tuy vậy,cũng có kẻ “có lòng dữ và chẳng tin” ngờ vực thực sự ấy, cho là chuyện bịa đặt,hay là một chuyện hoang đàng do lời truyền khẩu lưu lại đến ngày nay. Họ bạo gan quyết rằng chuyện hai cây trong vườn Ê-đen và con rắn uốn lưỡi đó, toàn là chuyện thần thoại của nước Babylone, vốn không có sự chơn thật. Nhưng chúng ta công nhận truyện tích về sự sa ngã là chánh thức một thực sự đã xảy ra, đáng cho ai nấy tín nhận là lẽ thật cả. Sau đây xin kể ra mấy cớ để minh chứng:

a) Truyện tích sa ngã chính đáng: truyện tích về sự sa ngã ký thuật trong Sáng thế ký, đoạn 3, chẳng có một dấu tích nào chứng rằng nó là chuyện thần thoại,bèn có đủ bằng cớ tỏ ra nó quả là một thực sự chánh đáng lắm vậy.

b) Truyện tích sa ngã đáng tin: Sách Sáng thế Ký chẳng phải là một dị sử hoang đàng như các sách biên chép các chuyện thần thoại xưa đâu, bèn là một sách ký thuật những thực sự đã xảy ra trong khoảng thời gian 2000 năm đầu tiên của đoạn lịch sử loài người, rất quan hệ để ta hiểu đến căn nguyên muôn vật. Một phần lớn của sách ấy thuật lại nguồn gốc của dân Do Thái, là một dân tộc hiện nay vẫn có ở trên mặt đất. Chính dân ấy cũng minh chứng rằng các thật sự luận về họ đó đều là chơn thật và chánh đáng cả. Vậy, nếu phần thuật nguồn gốc của dân Do Thái là đáng tin cả, thì tại cớ sao truyện tích luận về sự sa ngã loài người được chép trong đoạn 3 của sách ấy lại không chơn thật đáng tin được ư?

c) Các trước giả Tân Ước công nhận Sáng thế Ký là chơn chánh:Các trước giả của Tân Ước đều công nhận sách Sáng thế Ký là chơn chánh, và truyện tích về sự sa ngã của nguyên tổ ta là thực sự như đã được ký thuật trong sách ấy cả. Những câu kể sau đây làm chứng: xem Lu 3:38; Gi 8:44; Ro 5:14; ICo 15:22; IICo 11:3; ITi 2:13,14; Kh 20:2

d) Điều chép trong truyện tích sa ngã đương nhiên cả: Những điều chép trong truyện tích nầy cũng hiệp với tình hình đương nhiên. Xét kỹ con rắn, thì biết nó là loài vật quỉ quyệt hơn các thú vật khác. Nên ma quỉ mượn hình và miệng của nó,hiện ra theo quỉ kế mà cám dỗ nguyên tổ ta. Vả lại, mắt con rắn dường như có phép thôi miên, có quyền hấp dẫn vật sống khác như con chim, mà ăn nuốt nó. Ma quỉ cũng lợi dụng quyền ấy để mê hoặc nguyên tổ ta nghe lời dỗ dành của nó. Thế thì, sự tả bản tánh của con rắn đây là thích hiệp với thực sự cả.

e) Sự sa ngã cắt nghĩa mối gây nên tội: Sự sa ngã đủ cắt nghĩa cái chỗ gây đầu mối tội và sự kết quả do nó mà ra. Ví như không có sự sa ngã thì tội lỗi bởi đâu mà vào thế gian? Loài người vì sao mà cực khổ? Đờn bà vì sao mà có sự đau đớn trong cơn thai nghén? Muôn vật vì sao mà bị rủa sả? Nếu không công nhận sự sa ngã là thực sự, thì những vấn đề trên đây thực lấy làm khó mà giải quyết vậy.

f) Truyện tích Sáng Thế Ký 3, thích hiệp với sự từng trải loài người:Tài liệu của truyện tích trong Sa 3 thực là thích hiệp với sự từng trải của loài người trải qua các đời, chẳng có một điều nào là sai ngoa hết. Như là lễ nghi, hôn phối, lạc thú gia đình, sự thử thách khốn khó, bầu bạn gian trá, tính háo kỳ, lòng phụ bạc, những tính tự thị, cầu cao, ghét điều lành, ưa thói xấu,phạm tội trộm cướp, thua mưu đờn bà, gặp gia biến, lâm vận cùng, tỏ bụng thiên lương, tránh cơn họa hoạn, khẩu cung gian, đổ thừa tội, sự phá sản, sự hình phạt,sự trục xuất, sự lưu đày, nạn hung hoang cơ cẩn, tai tật dịch binh đao, làm lụy đến nòi giống, v...v.; hết thảy những điều ấy là điều loài người đã từng trải từ cổ chí kim; nên dám cả quyết rằng truyện tích về sự sa ngã là một thực sự, chẳng có thể nào chối cãi được.

3. NGUYÊN NHƠN SỰ SA NGÃ

Kinh Thánh dạy rằng nguyên nhơn của sự cám dỗ và sự sa ngã của nguyên tổ loài người có hai trong một và một trong hai,tức là nguyên nhơn hữu hình và nguyên nhơn vô hình. Xin giải thích như sau đây.

a) Nguyên nhơn hữu hình:Theo Kinh Thánh nguyên nhơn hữu hình về sự cám dỗ và sa ngã của nguyên tổ là con rắn. Xem Sa 3:1-7; IICo 11:3

Theo Sa 3:1-7, tả ra con rắn là đệ nhứt trong loài động vật, có bản tánh rất quỉ quyệt hơn các loài thú khác. Có kẻ tin rằng con rắn vốn rất đẹp đẽ, có tài năng hành động như loài người. Nghiệm lời của Đức Chúa Trời tuyên án rủa sả nó dường như ngầm chứng cho ý kiến ấy (Sa 3:14).Có một nhà thần đạo luận về sự cám dỗ loài người, mà rằng: “Sự cám dỗ bỗng chốc mà đến thật như con rắn vậy. Bản tánh loài rắn thật quỉ quyệt, cặp mắt long lanh lòe ra tia sáng rùng rợn. Nó bò đi cách êm đềm lặng lẽ, không nghe tiếng động tăm khua gì cả. Nầy, khi nó xăm xăm bò đến để làm cho loài người và loài vật sa ngã, thì nó nào có dương oai, diệu võ, nhe nanh, đưa vút gì gì đâu, (chỉ dùng lời nói đó thôi). Thân hình nó lại dài lượt thượt như một sợi dây, dường như muốn dùng để trói buộc người ta, khiến phải mắc mớp nó. Kìa, mùa đông tuyết giá, thì nó khoanh tròn lại coi rất êm đềm, không thấy động đậy gì, trơ trơ như chết vậy.Thế mà, đến tiết trời xuân ấm áp, sấm nổi giông vang, thì phút chốc vụt dậy bò đi, quanh co đường lối, nhẹ nhàng tăm hơi, tìm kiếm vật nầy vật khác. Nó thật có tài leo cây nhẹ như sóc, lội nước lanh như rái, nhảy cao hơn ngựa, vật lộn mạnh hơn voi, gầm thét như sư tử, nọc độc địa vô cùng.

Ôi! Cũng lẽ ấy mà Sa-tan đến cám dỗ ta:thật lặng ngắt êm ru, nào có tiếng động tăm khua? Sức mau hơn gió, lẹ hơn chớp,nào ai đề phòng kịp? Lại mạnh như hùm, nào có ai có thể tránh khỏi hay là cự lại được? Thật, chúng ta chẳng hề dám khinh thường nó hoặc dám cậy sức mình mà hờ hững với nó.” Lời luận ấy thật là đúng đắn lắm vậy.

b) Nguyên nhơn vô hình:Vả, con rắn chẳng phải tự đến cám dỗ nguyên tổ ta đâu, bèn có một nguyên nhơn mạnh hơn nó, lợi dụng nó làm môi giới để cám dỗ đó thôi. Nguyên nhơn ấy là Sa-tan (Kh 12:9). Sa-tan lập quỉ kế, lợi dụng con rắn vốn ở gần gũi với loài người, không nghi ngại gì, khiến cho họ không phân biệt chơn tướng của nó được. Nó trước hết đến cùng Ê-va mà thi hành quỉ kế, vì nó rõ biết tánh tình của đờn bà nhẹ dạ hay tin. Vì vậy, đờn bà phải mắc mưu của nó. Đoạn, sau nó lại lợi dụng đờn bà mà làm cho đờn ông cũng phải mắc mớp theo nữa. Bởi vì nếu người đờn ông trực tiếp đương đầu với cám dỗ của Sa-tan, thì có lẽ có sức mạnh kháng cự nó hơn người đờn bà; nhưng hiểm nỗi đối cùng lời dịu ngọt của vợ mình, thì người đờn ông thực dễ xiêu lòng nghe theo, Sa-tan đã hiểu rõ tánh tình của hai ông bà, nên mới dùng quỉ kế mà cám dỗ họ, khiến cho họ phải sa ngã dễ dàng như vậy.

4. CÁCH THỨC SA-TAN DÙNG ĐỂ CÁM DỖ

Nghiên cứu về cách thức Sa tan dùng để cám dỗ nguyên tổ ta, thì thấy nó dùng chỉ hai cách mà thôi: thứ nhứt, nó dùng câu hỏi: “Mà chi! Đức Chúa Trời há có phán dặn?…” (Sa 3:1). Mục đích là muốn gieo sự hồ nghi về sự yêu thương của Đức Chúa Trời vào lòng người đờn bà.

Khi ma quỉ cám dỗ Chúa Jesus trong đồng vắng, thì cũng dùng thủ đoạn ấy, lấy lời ám chỉ sự hồ nghi mà nói cùng Ngài rằng:“Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời…” (Ma 4:3). Ấy là nó muốn khiến cho Christ hồ nghi về phận làm Con Đức Chúa Trời vậy. Có người nói rằng thân hình con rắn giống như một dấu hỏi (?), làm hình bóng chỉ về bản tánh của nó hay khiến cho người ta sanh lòng hồ nghi Đức Chúa Trời.

Cách nói thứ hai là dùng câu phủ định mạng lịnh của Đức Chúa Trời đã phán cùng họ. Nó nói: “Hai ngươi chẳng chết đâu…” (Sa 3:4). Đã khiến cho Ê-va hồ nghi Đức Chúa Trời rồi, thì sau lấy làm dễ mà khiến cho nàng tin lời dối trá của nó.

5. SỰ CÁM DỖ QUAN HỆ VỚI BA YẾU TỐ CỦA BẢN TÁNH NGUYÊN TỔ

Vả, mưu chước cám dỗ của Sa-tan có quan hệ với ba yếu tố của bản tánh nguyên tổ ta như tỏ ra sau đây.

a) Tánh nhục dục:Sa-tan trước hết tấn công vào tánh nhục dục của Ê-va. Nó chỉ cho nàng “thấy trái của cây đó bộ ăn ngon” (Sa 3:6a). Còn Ê-va vì chịu theo lời ấy, nên cũng sanh lòng ham muốn trái cấm ấy.

b) Thẩm mỹ quan:Đoạn, Sa-tan tấn công vào chỗ thẩm mỹ quan của Ê-va, tức là cái lương năng ưa thích sự đẹp đẽ, chỉ cho Ê-va thấy cây ấy “đẹp mắt”, hay là vừa con mắt (Sa 3:6b), đến đỗi sanh lòng rất muốn trái cây ấy hơn là muốn vâng phục Đức Chúa Trời.

c) Linh tánh:Sau hết Sa-tan tấn công vào linh tánh của Ê-va, chỉ cho nàng thấy cây ấy là “quí vì để mở trí khôn” (Sa 3:6c). Sa-tan xui dục cho linh tánh nàng ham muốn trái cấm đó, hầu cho tâm trí trở nên khôn ngoan như Đức Chúa Trời vậy.

Trong đồng vắng Sa-tan cũng theo cách thức ấy mà cám dỗ Christ (Ma 4:1-11; Lu 4:1-13). Nếu theo Luca mà nghiên cứu sự cám dỗ ấy, thì thấy Sa-tan cám dỗ tánh nhục dục trước hết. Vì sau khi Ngài đã kiêng ăn trong 40 ngày và đêm, bị đói rất nhiều, thì Sa-tan thách đố Ngài hãy lấy đá dưới chơn Ngài mà hóa ra bánh để ăn. Đoạn, Sa-tan muốn xâm hãm tâm trí Ngài,cho Ngài thấy các nước thế gian, đặng xui giục Ngài ham hố trở nên một hoàng đế cầm quyền thống trị cả thiên hạ như Alexandre đại đế, César và Hannibal đã ham hố khi xưa vậy. Sau rốt, Sa-tan muốn xâm hãm linh tánh Ngài, cám dỗ Ngài tin rằng vì Ngài được ơn riêng của Đức Chúa Trời nên được phép mạo hiểm mà gieo mình xuống khỏi nóc đền thờ, không cần kể đến công lệ hấp lực hay là ý muốn của Đức Chúa Trời. Sa-tan cám dỗ như thế là muốn cho linh tánh của Christ tự thị tự mãn,không cần phải nhờ Cha mà theo ý chỉ của Ngài nữa. Ngày nay Sa-tan cũng cám dỗ con cái Đức Chúa Trời như nó đã cám dỗ Ê-va và Christ xưa kia vậy. Trong IGi 2:16, ba cách thức ma quỉ dùng để xâm hãm tín đồ được gọi là (1) tình dục của xác thịt, (2) tình dục của mắt, và (3) sự kiêu căng của đời sống. Ta có thể gọi ba sự ấy là ba ngôi của tội lỗi vậy.

6. CÁC BƯỚC TRONG SỰ SA NGÃ

Trong sự sa ngã của nguyên tổ có sáu bước,lần lần dẫn họ đến sự phạm tội.

a) Lắng tai nghe:Tra xét Sa 3:, ta thấy bước thứ nhứt trên đường sa ngã của nguyên tổ ta là lắng tai nghe Sa-tan nói hành Đức Chúa Trời. Nó nói: “Mà chi! Đức Chúa Trời há có phán dặn các ngươi không được phép ăn trái các cây trong vườn sao?” Câu hỏi ấy ám chỉ nói hành Đức Chúa Trời, ngụ ý rằng Đức Chúa Trời không yêu thương nguyên tổ nữa, vì cấm họ không được ăn trái cây biết điều thiện điều ác, chẳng muốn cho họ được vui vẻ mở mang trí khôn cho thỏa nguyện phỉ chí gì hết. Theo câu quỉ quyệt ấy, ma quỉ phao vu Đức Chúa Trời có lòng ích kỷ, không muốn loài người trở nên khôn ngoan, biết phân biệt phải quấy như Ngài. Than ôi! Ê-va bị dụ hoặc chỉ vì đã lắng tai nghe lời phao vu ấy. Xem Sa 3:1

b) Hồ nghi lòng yêu thương Đức Chúa Trời: Vừa nghe lời nói hành Đức Chúa Trời,Ê-va bèn mê tín lời ấy, sanh lòng hồ nghi sự yêu thương của Đức Chúa Trời, nghĩ rằng lời phán của Ngài đó có lẽ không chân thật chăng. Tuy chưa can phạm đến giới mạng một cách tỏ tường, thì lòng kia đã xiêu xiêu, trở nên dơ bẩn trước khi chưa hái ăn trái cấm. Bởi vì sự hồ nghi lòng yêu thương và lời phán của Đức Chúa Trời là bước thứ hai trên đường trái mạng Đức Chúa Trời và sa ngã phạm tội vậy.

c) Thêm bớt lời của Đức Chúa Trời: Than ôi! Nguyên tổ ta thật cả gan, dám thêm bớt lời của Đức Chúa Trời. Sau đây xin kể ra những câu mà Ê-va có đổi,thay, thêm, bớt. Về cây cấm, Đức Chúa Trời đã phán: “Nhưng về cây biết điều thiện điều ác” (Sa 2:17). Ê-va đổi ra: “Song về phần trái của cây mọc giữa vườn” (Sa 3:3). Về việc ăn trái, Đức Chúa Trời đã phán: “Chớ hề ăn đến.” Ê-va thêm rằng:“Chẳng nên ăn đến, và cũng chẳng nên đá động đến.” Về sự kết quả của sự ăn trái cấm, Đức Chúa Trời phán: “Vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết.” Ê-va đổi ra: “E khi hai ngươi phải chết chăng.” (Sự đổi chữ thay lời ấy ngụ ý Ê-va tin rằng có lẽ phải chết, chớ chưa “chắc sẽ chết” đâu.) Sa 3:2-5

Vả lại, Ê-va không phân biệt sự thật với sự giả, chăm chỉ tin lời nói dối trá phạm thượng của Sa-tan. Nó quyết rằng:“Hai ngươi chẳng chết đâu.” Ấy là nó phủ định lời Đức Chúa Trời, ám chỉ rằng Đức Chúa Trời nói dối, bởi vì Ngài đã phán rằng hễ ăn trái cấm thì “chắc sẽ chết”.Ma quỉ lại thốt lời rằng: “Mắt mình sẽ mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện điều ác.” Lời ấy là dối trá, vì loài người chẳng hề vì trái phạm mạng lịnh Đức Chúa Trời mà trở nên khôn ngoan bao giờ. Tội lỗi chỉ khiến cho người ta ra ngu dại mà thôi. Thế mà, dầu Sa-tan nói phạm thượng Đức Chúa Trời hay là thốt lời giả dối đi nữa, thì Ê-va cũng cứ mê tín nghe theo lời nó, bởi vì đã để ý hồ nghi và cãi lời Đức Chúa Trời rồi.

d) Dòm xem cây cấm:Ê-va đã sụp vào cạm bẫy của ma quỉ, chịu lắng tai nghe lời dụ dỗ của nó, sanh lòng hồ nghi Đức Chúa Trời, cố ý thêm bớt lời phán của Ngài, để lòng tín nhận lời gian dối của ma quỉ; nên cứ đi luôn đến bước thứ tư mà dòm xem trái cấm. Nếu từ ban đầu nàng đã chối không khứng lắng tai nghe Sa-tan nói hành và phao vu Đức Chúa Trời, thì đâu có đến đỗi dòm xem trái cấm! (Sa 3:6).

e) Ham muốn điều Chúa đã cấm:Đó là bước thứ năm. Vừa dòm xem quả trái cấm, tức thì sanh lòng ham muốn ăn trái ấy. Tình dục của mắt thường gợi đến sự mê tham của xác thịt (IGi 2:16). Vả,sự ham muốn của Ê-va do lòng kiêu căng mà ra, bởi vì nàng ham hố trở nên khôn ngoan như Đức Chúa Trời, để biết điều thiện điều ác, chẳng chịu yên lòng cứ ở trong địa vị mà Đức Chúa Trời đã đặt cho. Kẻ nào đã đi đến bước nầy thì hẳn gần phạm tội, mà kỳ thực đã phạm rồi, vì sự ham muốn điều gì Chúa đã cấm tức là đã cưu mang tội ở trong lòng rồi. Kinh Thánh có câu rằng: xem Ma 5:27,28; Gia 1:13-15.

f) Trái mạng Đức Chúa Trời:Trót lỡ đi năm bước, chỉ còn một bước nữa, thì tội lỗi đã gần đến cực điểm rồi.Mà đã đi năm bước, thì Ê-va không thể nào ngừng lại được nữa, dường như buộc phải đi luôn tới bước thứ sáu, là hái trái cấm mà ăn. Tuy cấm lịnh của Đức Chúa Trời là nghiêm nhặt (Sa 2:16, Sa 2:17), thì nguyên tổ ta cũng cố ý trái phạm, cả gan đưa tay ra hái trái mà ăn. Làm vậy chẳng khác chi đến nói cùng Đức Chúa Trời rằng:“Đức Chúa Trời ôi! Chúng tôi khôn ngoan hơn Ngài, Ngài cũng thiếu lòng yêu thương và đức công nghĩa, nên chúng tôi tự ý nhứt định không theo mạng lịnh Ngài về cây biết sự thiện sự ác đó.” Xem Sa 3:6b.

TỔNG ĐOÁN

Mọi thứ tội lỗi và sự sa ngã ngày nay cũng được cưu mang trưởng dưỡng trong đời tín đồ như vậy. Trước có sự lắng tai nghe lời dụ dỗ của Sa-tan. Sau hồ nghi lời Chúa phán, sanh “lòng dữ và chẳng tin” (He 3:7-12, He 3:16-19). Đoạn, khởi sự sửa đổi lời của Chúa để cho hiệp ý riêng mình và chữa tội mình muốn phạm. Kế sau lại dòm xem điều Chúa cấm, rồi tư dục tức thì dấy lên, ham muốn điều cấm ấy. Đã có sự ham muốn, thì tư dục đã cưu mang tội rồi, tức thì có sự làm theo lòng ham muốn mà sanh ra tội ác. Còn cái kết quả của tội ác là sự chết, bất luận là tội của tín đồ hay là của người ngoại cũng vậy (Gia 1:13-15; Ro 6:23). Hễ ai muốn thoát khỏi sự sa ngã, cần phải chuyên tâm lánh xa ma quỉ, đừng chịu để tai nghe lời dụ dỗ của nó mới được. Vì có chép rằng: xem IITi 2:22; Gia 4:7.

7. SỰ KẾT QUẢ TRỰC TIẾP CỦA SỰ SA NGÃ

Khi nguyên tổ của ta mới phạm tội, thì tội ác tức thì kết quả năm điều kể ra sau đây (Sa 3:7-13)

a) Hổ thẹn:Nguyên tổ ta vừa ăn trái cây cấm, mắt bèn mở ra, thấy mình lỏa lồ, thì lấy làm hổ thẹn lắm (Sa 3:7). Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời vốn bao phủ họ đã mất rồi (Ro 3:23). Sự hổ thẹn ấy do lương tâm cáo trách mình đã làm quấy mà ra. Từ đó đến nay sự phạm tội thường sanh ra sự hổ thẹn, hổ ngươi với Đức Chúa Trời, thẹn mặt với loài người. Chỉ kẻ nào tin cậy nơi công lao cứu chuộc của Christ mới thoát khỏi sự hổ thẹn ấy được.

b) Kiếm thế che khuất sự lỏa lồ: Trước khi chưa phạm tội nguyên tổ ta nhờ sự vinh hiển của Đức Chúa Trời mà che phủ khỏi lỏa lồ. Khi phạm tội rồi, bèn thấy mình đã mất sự vinh hiển ấy, bị trần truồng (Ro 3:23), bèn kiếm thế làm ra áo bằng lá đặng che khuất sự lỏa lồ đó. Nhưng thương thay, cái khố ấy không sao che phủ nổi lỏa lồ kia được, vì nó do phương pháp loài người làm ra. Duy về sau Đức Chúa Trời thương xót họ, làm cho họ cái áo bằng da con thú, là áo huyết, mới che khuất sự hổ thẹn của họ được. Áo bằng lá chỉ về công việc riêng của loài người, chẳng có thể che phủ tội lỗi mình được. Cần phải nhờ đến Con Hi sinh của Đức Chúa Trời là Christ, nhờ công lao và huyết Ngài mới che phủ tội chúng ta được,cứu chúng ta khỏi sự hổ thẹn đời đời. Kinh Thánh có câu rằng: xem Sa 3:21; Phi 3:9; Kh 7:4

c) Sự sợ hãi:Nguyên tổ ta thấy sự lỏa lồ mình, không những hổ thẹn mà lại sợ hãi. Ấy cũng tại lương tâm cáo trách vì đã trái mạng Đức Chúa Trời, sợ cơn hình phạt của Đức Chúa Trời đổ trên mình. Đến ngày nay các hậu tự của nguyên tổ ta ở ngoài Christ vẫn còn bị sự sợ hãi hãm lấy mình luôn. Chỉ kẻ nào thật lòng nương cậy nơi Christ mới được bình an vô sự. Phaolô dạy rằng: xem Ro 5:1; IICo 5:18; Eph 2:13-16

d) Ẩn giấu mình khỏi mặt Đức Chúa Trời:khi thấy mình đã mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, lấy làm hổ thẹn và sợ hãi quá, không dám gặp mặt Đức Chúa Trời nữa, bèn giấu mình trong bụi cây. Than ôi!Nguyên tổ ta nông nổi quá mà nghĩ rằng có thể giấu mình và che khuất tội lỗi mình khỏi mặt Đức Chúa Trời! Nhưng nào có ích gì; vì “chẳng có vật nào không được bày tỏ ra trước mặt Ngài, nhưng thảy đều trần trụi và lộ ra trước mặt Đấng mà chúng ta phải khai trình.” (He 4:13).

e) Kiếm thế chữa tội mình:Tuy nguyên tổ ta đã trái mạng Đức Chúa Trời, thì cũng cứ kiếm thế chữa tội ấy.A-đam đổ thừa tội mình cho vợ, là người Đức Chúa Trời đã ban cho ông. Nói như thế là ngầm đổ tội cho Đức Chúa Trời đó thôi. Còn Ê-va thì nói tội mình là do con rắn. Nhưng con rắn cũng bởi Đức Chúa Trời dựng nên; nên Ê-va cũng ám chỉ rằng tội mình đã phạm đó bất quá là tại Đấng Tạo hóa vậy. Ngày nay hậu tự của A-đam hay chữa tội mình cũng như nguyên tổ đời xưa đã đổ thừa cho kẻ khác, không chịu thú thực, xưng ra mà bỏ đi; thậm chí cũng có kẻ dám nói rằng nếu mình phạm tội là tại vì Đấng Tạo hóa đã ban cho mình những bản năng muốn trái luật phạm pháp cùng Ngài, nên dầu phạm tội cũng chẳng có trách nhiệm gì đối với nó đâu!

8. CÁI THẨM ÁN CỦA SỰ SA NGÃ

Đức Chúa Trời dầu là Đấng thương yêu,nhưng không thế nào bỏ qua tội lỗi của nguyên tổ ta, sự công nghĩa Ngài buộc Ngài phải xét đoán và lên án cho tội ấy. Nên vườn Ê-đen tuy vốn là một nơi vui vẻ, nhưng đã trở nên tòa thẩm án của Đức Chúa Trời. Các sự xét đoán của Ngài tuy là công bình nghiêm nhặt, nhưng trong đó cũng có sự thương yêu giấu kín.Ngài đợi đến buổi tối đương khi hiu hiu gió mát, tìm kiếm họ mà kêu rằng:“A-đam, ngươi ở đâu?” Ý là Đức Chúa Trời có lẽ còn hi vọng muốn chờ họ còn dịp tiện biết tội mình mà ăn năn chăng. Đến đỗi khi Ngài đến cùng họ, vẫn không tỏ giọng thẩm đoán liền, nhưng ân cần dò hỏi trước, ban cho họ dịp tiện tỏ duyên cớ mình. Song than ôi! Lòng họ đã bại hoại rồi, không biết tội mình nặng đến bực nào, chỉ kiếm thế chữa mình mà thôi. Nên Đức Chúa Trời phải kết án họ. Bản án khép tội sa ngã của nguyên tổ ta được chia ra làm ba đoạn như sau nầy:

a) Bốn đoán ngữ:(Sa 3:14-19). Trước hết Đức Chúa Trời tuyên bố bốn đoán ngữ, lên án cho con rắn,cho người nữ, cho người nam, và cho cả trái đất.

(1) Đoán ngữ lên án cho con rắn:Đức Chúa Trời xét đoán con rắn, lên án cho nó phải bị rủa sả tệ mạt, lấy bụng mà bò, dùng bụi đất làm đồ ăn. Sáng thế Ký có chép rằng: xem Sa 3:14,15

Trong đời Thiên hi niên (Millenium) khi Christ cai trị đất nầy, trong các loài thú chỉ có rắn là không được thoát khỏi sự rủa sả, nó còn phải lấy bụng mà bò đi luôn. Ấy chắc tại vì nó làm hình bóng chỉ về Sa-tan vậy (Es 65:25). Có lẽ con rắn trước khi chưa bị Sa-tan mượn hình hiện thân cám dỗ loài người, thì nó vẫn đi ngay mình thẳng lưng như loài người,có bản năng nói phô được. Bởi sự rủa sả nên nó phải ngã mình xuống lấy bụng mà bò đi. Vậy thì trước khi chưa cám dỗ nguyên tổ, có lẽ nó chưa phải bò đi cách ấy chăng.

(2) Đoán ngữ lên án cho người nữ:Đức Chúa Trời lên án cho người nữ, định rằng phải bị sự buồn thảm và phục tùng người chồng. Còn sự đau đớn của người đàn bà trong lúc sanh đẻ là một sự hình phạt của tội lỗi. Sự buộc phải phục tùng người chồng cũng tại cớ ấy mà ra. Đức Chúa Trời vốn dựng nên người nữ để sánh đôi và giúp đỡ người nam, nhưng vì cớ tội,bèn trở nên chẳng khác gì một tôi tớ cho người nam vậy. Chỉ nhờ đạo Tin Lành mà địa vị khốn nạn của người nữ được cứu vãn êm dịu dễ chịu hơn. Xem Sa 3:16; ITi 2:15

(3) Đoán ngữ lên án cho người nam:Đức Chúa Trời cũng lên án cho người nam phải bị sự buồn thảm, làm công việc nhọc nhằn cực khổ, đến đỗi phải đổ mồ hôi xót con mắt mới có bát cơm mà ăn. Trước khi chưa phạm tội, công việc làm trong vườn Ê-đen không khác gì một sự tiêu khiển,rất vui thú nhẹ nhàng, thích hợp với bản tánh của người ta bội phần. Về sau khi đã phạm tội rồi, công việc phần xác bèn trở nên nhọc nhằn lao khổ không xiết kể.Xem Sa 3:17, Sa 3:19; Giop 5:7; Tr 2:22,23

Tuy vậy, cũng khá nhớ rằng dầu công việc xác thịt cực nhọc khổ sở, thì cũng là một phước hạnh cho loài người, vì nhờ đó mà họ thoát khỏi nhiều cám dỗ xấu xa bại hoại, vì đương khi làm công việc nhọc xác, ít ai có thì giờ nghĩ đến sự chơi bời bậy bạ nữa.

(4) Đoán ngữ lên án cho trái đất:Tại tội lỗi loài người mà Đức Chúa Trời lên án cho trái đất, định rằng phải sanh chông gai, tật lê. Như trong vòng loài thú, con rắn là một loài thù nghịch rất đáng ghê, thì cũng vậy, chông gai và tật Le là thù nghịch của cả loài thực vật, rất ngăn trở sự sanh trưởng và sự thâu hoạch các vật ấy. (Ma 7:16). Xem Sa 3:18

Kinh Thánh thường dùng chông gai làm hình bóng chỉ về sự gian ác (Dan 33:55). Cũng tại cớ ấy mà Christ phải đội mão miện bằng gai lúc Ngài phó mình chuộc tội ác của loài người (Gi 19:2,5). Thực sự ấy cũng minh chứng rằng Christ làm vua của sự rủa sả bởi tội lỗi mà ra, để cứu loài người khỏi sự ấy (Ga 3:13). Khi Christ tái lâm, lập nước bình an trên đất nầy, thì cũng sẽ giải cứu trái đất khỏi sự rủa sả ấy, đến đỗi sa mạc sẽ trổ hoa như bông hường vậy (Es 35:1; 55:13). Kinh Thánh có câu chứng rằng: xem Ma 7:16;Dan 33:55; Gi 19:2; Ga 3:13; Es 35:1; Es 55:13

b) Mất ba phước:(Sa 3:22-24). Sự kết quả của bốn đoán ngữ mà Đức Chúa Trời phán định cho tội lỗi nguyên tổ ta là họ phải bị mất ba phước hạnh rất quan hệ, xin kể ra sau đây:

(1) Mất phước ăn trái cây sự sống:Tuy nguyên tổ ta được thân thể rất trọn vẹn, thì cũng phải chết (Sa 2:7; ICo 15:44, ICo 15:45, ICo 15:47). Khoa học cũng dạy rằng từ lúc có sanh hoạt hữu cơ, thì cũng có cái nguyên lý của sự tiêu tan hư mất hành động ở trong sự sanh hoạt ấy cho đến đỗi làm chết mất vậy. Thế thì, khi Đức Chúa Trời dựng nên thân thể nguyên tổ ta, cũng dự bị luôn một phương pháp để bảo tồn sự sống cho họ tránh khỏi sự chết, hầu cho được xinh tươi mạnh khỏe đời đời. Phương pháp ấy là cây sự sống. Nguyên tổ ta ăn trái ấy, thì nhờ linh nghiệm có mà thân thể họ đã được bất diệt.

Xem Sa 3:22; Kh 2:7 và Kh 22:14 thì rõ sự ăn trái cây sự sống làm hình bóng chỉ về sự giao thông với Đức Chúa Trời và Đấng Christ. Ấy vậy, sự ăn trái cây sự sống tại vườn Ê-đen là tượng trưng chứng rằng nguyên tổ ta phải nhờ sự giao thông với Đức Chúa Trời hằng ngày, mới được thân thể trường sanh bất tử vậy. Xem Kh 2:7; Kh 22:14

Vả, nếu nguyên tổ ta sau khi phạm tội lại ăn trái cây sự sống, thì thân thể họ chắc cũng đã được bất diệt. Mà được như thế khi còn đứng trong địa vị tội lỗi, thật nguy hiểm vô song, khiến cho họ không thể được cứu rỗi, mà phải cứ ở trong địa vị tội lỗi đau đớn cho đến đời đời. Ta có thể đoán chắc rằng một địa vị như thế ở trên mặt đất cũng chẳng khác gì ở địa ngục vậy. Vì cớ ấy Đức Chúa Trời phải cất khỏi họ phước ăn trái cây sự sống, đuổi họ ra khỏi vườn Ê-đen, đặt thần Chêrubin giữ đường dẫn đến cây ấy, cho đến khi Cứu Chúa đến giải cứu họ khỏi tội lỗi, rồi nhờ sự phục sanh từ trong kẻ chết mà được phép ăn trái cây sự sống ở trong Lạc viên (Paradis) của Đức Chúa Trời. Xem Sa 3:22, Sa 3:24

Hiện bây giờ hễ ai tin cậy Christ, thì được sự sống đời đời về phần linh tánh; còn nhờ sự sống lại của Ngài làm cam đoan về sự bất diệt của thân thể nữa. Vì trong ngày sau rốt Ngài sẽ kêu họ từ kẻ chết sống lại, được cùng Ngài ở thiên đàng, nhờ Ngài (tức là cây sự sống) mà sống cho đến vĩnh viễn vậy. Kinh Thánh có câu chứng rằng: xem Gi 6:40; ICo 15:20-23;Kh 2:7; Kh 22:14

(2) Mất phước cư trú trong vườn Ê-đen:Đức Chúa Trời đã cấm nguyên tổ không được phép ăn trái cây sự sống; nhưng nếu còn cứ để cho họ ở trong vườn luôn; chắc họ sẽ bị Sa-tan cám dỗ mà ăn trái cây ấy như đã ăn trái cây kia nữa. Nên Đức Chúa Trời phải đuổi họ ra khỏi vườn Ê-đen,khỏi cảnh khoái lạc, khỏi mọi hạnh phước trong đó, lủi thủi đi ra “cày cấy đất,là nơi có người ra” (Sa 3:23).

(3) Mất phước giao thông với Đức Chúa Trời: Tội lỗi hay phân rẽ loài người khỏi Đức Chúa Trời. Ngoài tội lỗi, chẳng có sự gì khác có thể phân rẽ người ta ra khỏi Ngài được. Khi nguyên tổ ta đã ẩn mình khỏi mặt Đức Chúa Trời, ấy là tại tội lỗi và sự ô uế đáng hổ thẹn của họ đã khiến cho họ không xứng đáng đối diện giao thông với Đức Chúa Trời nữa. Còn sự bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen đó chẳng qua là cái dấu hiệu bề ngoài làm chứng rằng bề trong đã có sự tuyệt giao với Đức Chúa Trời rồi. Từ đó về sau nguyên tổ ta và hậu tự họ chỉ có vị Chêrubin cầm gươm chói lói làm tượng trưng về sự thực tại của Đức Chúa Trời (Sa 3:24). Cái tượng trưng ấy chắc cứ ở đó cho đến khi nước lụt xảy ra. Trong đời trước nước lụt những người kỉnh kiền chắc đến nơi đó mà dâng tế lễ và thờ phượng Đức Chúa Trời (Sa 4:3-5).

c) Bị ba thứ sự chết (Sa 2:17): Khi Đức Chúa Trời đặt nguyên tổ ta ở trong vườn Ê-đen. Cấm họ ăn trái cây biết điều thiện điều ác, thì cũng phán luôn rằng:“Vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết.” Sự chết ấy là cái hiệu quả của tội lỗi, và có ba phương diện, tức là sự chết thuộc thể; sự chết thuộc linh, và sự chết đời đời. Xin luận qua ba phương diện ấy.

(1) Sự chết thuộc thể:Sự chết thuộc thể tức là linh hồn và xác thịt phân rẽ nhau ra. Khi nguyên tổ mới được dựng nên, chưa phạm tội, thì thân thể và linh hồn được dựng hợp rập ràng với nhau một cách trọn vẹn. Nhưng đến khi trái phạm mạng lịnh Đức Chúa Trời, tội lỗi bèn nhập vào cơ thể của loài người, sanh ra những sự bất thuận điên đảo giữa thân thể và linh hồn, làm cho sự hòa thuận sở thủy phải mất đi, mà gây nên những bịnh nguy hiểm đến chết trong mình. Phaolô chép rằng: xem Ro 5:12; Dan 27:3;Thi 90:7-10; Ro 5:13-17; Ro 8:3, Ro 8:10, Ro 8:11; ICo 15:21, ICo 15:22.

Cũng có nhà thần đạo cho sự chết phần xác vốn một sự hình phạt của tội lỗi; còn nhà khác cho sự ấy bất quá là một cái hiệu quả tự nhiên của sự sa ngã đó thôi. Dầu thế nào đi nữa, cũng lấy làm rõ ràng lắm sự yếu đuối, tật bịnh, và sự chết liền tiếp theo sự đuổi loài người ra khỏi vườn Ê-đen, bắt đầu hành động trong họ ngay từ lúc họ không được phép ăn trái cây sự sống vậy.

(2) Sự chết thuộc linh:Sự chết thuộc linh là linh hồn loài người bị phân rẽ ra khỏi Đức Chúa Trời. Lúc chưa phạm tội, linh hồn nguyên tổ ta vốn có sự giao thông trọn vẹn với Đức Chúa Trời; còn sự tương quan phước hạnh ấy kết quả trong họ một lương tâm mạnh khỏe và bình an vô sự; nhơn đó sự sáng sủa và sự vui vẻ tràn khắp cả người, làm nên sự hòa thuận rập ràng mọi bề. Nhưng chẳng may, khi tội lỗi nhập vào loài người,thì liền phá hủy sự giao thông trọn vẹn ấy, khiến cho linh tánh của loài người bị phân rẽ khỏi Đức Chúa Trời. Còn sự ấy kết quả làm cho lương tâm đau đớn,lòng bối rối, và tâm linh tối tăm không xiết kể. Địa vị ấy thần đạo gọi là sự chết thuộc linh. Xem những câu kể sau đây thì rõ: xem Ma 8:22; Lu 15:32; Gi 5:24; Gi 8:51; Ro 8:13; Eph 2:1; Eph 5:14; ITi 5:6; Gia 5:20; Gi 3:14

Về vấn đề nầy có nhà thần đạo luận rằng:“Rõ ràng bản án mà Đức Chúa Trời tuyên bố ra tại vườn Ê-đen và đã giáng trên loài người rồi đó, đại khái là sự chết của linh hồn do sự phân rẽ Đức Chúa Trời.Kỳ thực, duy theo ý nghĩa ấy mà A-đam bị chết chính trong ngày ông ăn trái cây cấm (Sa 2:17). Cũng chỉ theo ý nghĩa ấy mà người nào tin Christ hôm nay được thoát khỏi sự chết liền (Gi 11:26). Cũng tại cớ đó mà Phaolô trong Ro 5:12-22 so sánh Christ với A-đam, thì trước hết nói về sự chết của xác thịt rồi sau lần chuyển qua nói về sự chết của linh tánh. Trong Ro 5:21 ông nói rằng: “Hầu cho như tội lỗi đã làm vua bởi sự chết thể nào, thì ân điển phải do sự công nghĩa mà làm vua đến sự sống đời đời bởi Jesus Christ, Chúa chúng ta, cũng thể ấy.”Trong câu ấy ý nghĩa ngôn từ “sự sống đời đời” vượt qua sự tồn tại của thân thể,và ý nghĩa danh từ “sự chết” cũng vượt qua sự chết của thân thể đó. “Sự sống đời đời” đây chắc nói về sự giao thông với Đức Chúa Trời; còn “sự chết” chắc nói về sự tuyệt giao ấy, đến đỗi phải kết quả sự phân rẽ ra khỏi Đức Chúa Trời vậy. Sự chết thuộc thể chỉ là công hiệu của sự chết thuộc linh đó thôi.

(3) Sự chết đời đời:Sự chết đời đời là sự kết liễu của sự chết thuộc linh. Sự chết thuộc linh vốn một địa vị bề trong của linh hồn; còn sự chết đời đời là địa vị bề ngoài thích hiệp với địa vị bề trong. Giả như tâm linh bị sự tối tăm bao phủ bởi vì không có Đức Chúa Trời ngự trong đó, thì hầm lửa lưu hoàng là nơi tối tăm rất thích hiệp với địa vị của tâm linh ấy. Trong Cong 1:24 nói về tên Giuđa rằng nó “đi nơi của nó”, tức là đi đến địa ngục, là nơi rất thích hiệp với địa vị của linh tánh bề trong của nó vậy. Chốn trầm luân là nơi Đức Chúa Trời đã sắm sửa cho Sa-tan và các quỉ sứ của nó, chớ chẳng phải cốt ý vì loài người mà dự bị đâu. Nhưng tại loài người lựa chọn theo Sa-tan ở trong đời nầy, nên họ cũng phải đồng chịu chốn trầm luân với nó trong đời sau. Xem Ma 25:41; IITe 1:9

Kinh Thánh cũng dạy rõ lắm rằng kẻ ác ở vào địa vị ấy phải bị Đức Chúa Trời hình phạt về cả thân thể lẫn linh hồn cho đến đời đời. Có câu chứng rằng: xem Mat 10:28; He 10:31; Kh 14:11; Kh 20:14,15.

Trong đời Cựu Ước Đức Chúa Trời thi ân ngăn ngừa sự chết thuộc linh và sự chết đời đời, bởi Ngài lập các lễ sinh tế (Sa 3:21; Sa 4:4; He 9:22). Các sinh tế ấy dự chỉ về Cứu Chúa phải đến để “vì mọi người nếm sự chết”, đã cứu rỗi những kẻ trong đời Cựu Ước thuận phục mạng lịnh của Đức Chúa Trời mà đem dâng sinh tế cho Ngài để đền tội mình. Nhơn vì sinh tế ấy mà họ được chứng rằng họ đã tin cậy nơi Cứu Chúa phải đến vậy (Ro 3:25; He 9:22). Trong đời Tân Ước Đức Chúa Trời dùng sự trực tiếp tin cậy nơi Christ mà ngăn ngừa sự chết ấy, đem kẻ tin ra khỏi vòng chết mà đưa vào sự sống đời đời ở trong Cứu Chúa Christ vậy (Gi 5:24).

Sa 3:21; 4:4; He 9:22; Ro 3:25; Gi 5:24"