I. Ý NGHĨA LAI THẾ HỌC

Lai thế học có nghĩa thần học về những việc sau cùng. Bộ môn đó có thể bao trùm tất cả mọi sự còn trong tương lai tại thời điểm viết ra chúng, hoặc có thể chỉ gồm những việc trong tương lai từ vị trí quan sát chúng ta hiện nay. Bộ môn này đề cập sự cáo chung của muôn vật, cả những điều liên quan đến cá nhân lẫn đến thế giới.

Mỗi người đều có một loại lai thế học nào đó. Đối với phần lớn người thời cận đại, lai thế học là bộ môn nghiên cứu trong tuyệt vọng, vì muôn vật đều chấm dứt trong cái chết - cái chết của cá nhân và của toàn vũ trụ. Ngay cả thuyết tiến hóa cũng không hứa hẹn tính bất tử. Đối với nhiều người khác, nỗi tuyệt vọng này được làm dịu bớt bởi hy vọng mơ hồ nơi một kiểu sự sống nào đó sau khi chết. Đối với Cơ đốc nhân, Kinh Thánh cung cấp lời dạy rõ ràng chi tiết về tương lai hầu cho có thể biết chắc chắn điều còn đang ở phía trước.

II. PHẠM VI CỦA LAI THẾ HỌC

Bộ môn nghiên cứu những việc sau cùng (những việc vẫn còn trong tương lai từ cái nhìn của chúng ta) gồm những lời dạy của Thánh Kinh về trạng thái trung gian, những sự phục sinh, Sự Cất Lên của hội thánh, sự đến lần thứ hai của Đấng Christ, và Thiên Hy Niên.

III. CÁCH TRIỂN KHAI LAI THẾ HỌC

Có thể triển khai bộ môn này theo nhiều cách. Có cách tách tương lai đối với cá nhân ra khỏi tương lai của thế giới.Cách khác sẽ phân loại tương lai của Hội Thánh, tương lai của Ysơraên, tương lai của dân ngoại, và tương lai của thế giới. Cách khác nữa có thể nghiên cứu nhiều sự dạy dỗ khác nhau theo thứ tự thời gian của chúng. Phương pháp thần học Thánh Kinh sẽ nghiên cứu lai thế học của thời Cựu Ước, lai thế học của Chúa Jesus, của Phaolô, của Giăng v.v...

Không nhất thiết phương thức nào là trổi hơn phương pháp nào. Phần lớn các tác giả có vẻ kết hợp nhiều phương cách, và tôi cũng thế. Một số chủ đề, như sự sống lại, sẽ được thảo luận từ quan điểm cá nhân. Những chủ đề khác, như Cơn Đại Nạn, sẽ được nêu theo thứ tự thời gian. Cần luận giải có hệ thống hơn về ba phương thức tiếp cận căn bản của lai thế học,là Tiền Thiên Hy Niên, Hậu Thiên Hy Niên và thuyết Vô Thiên Hy Niên, để thấy được những phương thức tiếp cận đặc trưng của chúng nói chung. Do cuộc tranh luận đương thời về liên hệ của sự Cất Hội Thánh Lên đối với Cơn Đại Nạn, nên điều này cần được chú ý đặc biệt.

IV. TẦM QUAN TRỌNG CỦA LAI THẾ HỌC

Vì có nhiều bất đồng ý kiến trong lãnh vực giáo lý này, và vì một số điều không rõ ràng như pha lê, nên có người cho rằng nên xem lai thế học kém quan trọng hơn những lãnh vực khác của chân lý Thánh Kinh. Có lãnh vực giáo lý nào không bị tranh cãi? Hãy suy nghĩ về giáo lý Ba Ngôi, hoặc về bản tánh của thân vị Đấng Christ, hoặc về tổ chức lãnh đạo hội thánh, hoặc về thuyết tiền định, hoặc về sự bảo đảm đời đời, hoặc là về ảnh hưởng của tội lỗi Ađam. Rồi nghĩ về một số khái niệm khó giải thích trong những lãnh vực này, như khái niệm ba ngôi hiệp một của Đức Chúa Trời, thần tánh và nhân tánh hiệp nhất trong một Thân Vị, ý nghĩa của “Con độc sanh,” khái niệm tội di truyền, v.v... Thế nên chúng ta không - và cũng không nên - né tránh nghiên cứu chi tiết những sự dạy dỗ này. Tương tự, chúng ta cũng không được phép xem nhẹ lời Thánh Kinh nói về tương lai.

Đối với tín hữu, sự hiểu biết lời tiên tri (a) đem lại vui mừng giữa những nỗi đau khổ (IICo 4:17), (b) thanh tẩy và khích lệ nếp sống thánh khiết (IGi 3:3), (c) rất hữu ích - cũng giống như cả Kinh Thánh vậy - biết bao nhu cầu quan trọng trong đời sống Cơđốc (IITi 3:16-17),(d) cung cấp những sự kiện về sự sống sau cái chết (IICo 5:8), (e) cung cấp chân lý về sự cuối cùng của lịch sử, (f) cung cấp bằng chứng cho tính đáng tin của toàn bộ Thánh Kinh, vì không thể nào giải thích rằng biết bao lời tiên tri đã diễn ra chính xác như đã báo trước kia là do may rủi, nhưng chính là bởi Đức Chúa Trời, (g) đưa lòng chúng ta đến chỗ thờ phượng Đức Chúa Trời là Đấng nắm toàn quyền kiểm soát và là Đấng sẽ làm cho thành ý chỉ của Ngài trong lịch sử.Xem thường lời tiên tri là đánh mất những lợi ích này.