Tôi theo thuyết Tiền Thiên Hy Niên, và đây sẽ là khung sườn thảo luận phần nghiên cứu lai thế học này. Tuy nhiên, trước khi giải thích hiểu biết về tương lai theo Tiền Thiên Hy Niên, tôi nghĩ rất ích lợi để khảo lược trước về ba hệ thống chính của lai thế học: thuyết Hậu Thiên Hy Niên, Vô Thiên Hy Niên, và Tiền Thiên Hy Niên.

I. ĐỊNH NGHĨA THUYẾT HẬU THIÊN HY NIÊN

Loraine Boettner nêu định nghĩa mô tả cẩn thận thuyết Hậu Thiên Hy Niên. Định nghĩa này như sau:

“Quan điểm ấy về những điều sau rốt tin rằng nước Đức Chúa Trời hiện nay đang được mở rộng trong thế giới này qua sự rao giảng Phúc Âm và công tác cứu rỗi của Thánh Linh trong lòng mỗi cá nhân, tin rằng thế giới cuối cùng sẽ được Cơ đốc hóa, và sự trở lại của Đấng Christ sẽ diễn ra ở điểm kết thúc thời kỳ lâu dài của sự công chính và bình an vốn thường gọi là 'Thiên Hy Niên’... Ngay sau lần hiện đến thứ hai của Đấng Christ sẽ là sự đại phục sinh, đại đoán xét, và sự mở đầu thiên đàng và địa ngục trong ý nghĩa đầy đủ nhất của chúng” (The Millennium (Nutley, N.J.: Presbyterian and Reformed,1957, trang 14).

A.H. Strong mô tả Thiên Hy Niên là “thời kỳ trong những ngày cuối cuộc tranh chiến của hội thánh, lúc đó nhờ ảnh hưởng đặc biệt của Thánh Linh, tinh thần những người tuận đạo sẽ xuất hiện trở lại, tôn giáo thật sẽ được sống lại và phục hưng lớn lao, và thành viên của các hội thánh Đấng Christ ý thức được sức mạnh của họ trong Đấng Christ đến nỗi họ sẽ đắc thắng quyền lực điều ác cả bề trong lẫn bề ngoài ở mức độ chưa từng thấy.”(Systematic Theology [Philadelphia: Judson Press, 1907], trang 1013).

II. CÁC ĐẶC TRƯNG GIÁO LÝ CỦA THUYẾT HẬU THIÊN HY NIÊN

A. Về Kinh Thánh

Người theo thuyết Hậu Thiên Hy Niên thuần túy Kinh Thánh thì tin thẩm quyền của Kinh Thánh. Dĩ nhiên những người theo phái tự do nào trông đợi Thời Kỳ Hoàng Kim sẽ đến thông qua những nỗ lực của con người thì họ theo một loại quan điểm Hậu Thiên Hy Niên về lịch sử, dầu vậy không có nền tảng Kinh Thánh.

B. Về Quyền Năng Của Đức Chúa Trời

Lòng tin quyết nơi quyền năng của Đức Chúa Trời khiến họ tin Đại Mạng Lệnh sẽ được làm trọn, trong đó hầu hết thế gian sẽ được cứu. Không tin như vậy tức là khiến Đại Mạng Lệnh trở nên vô hiệu và khiến uy quyền của Đức Chúa Trời trở nên bất lực.

C. Về Hội Thánh

Hội Thánh khi làm trọn Đại Mạng Lệnh sẽ trở nên công cụ để đem lại và phát triển mạnh Thiên Hy Niên trên đất.

D. Về Sự Trở Lại Của Đấng Christ

Hậu Thiên Hy Niên tin sự trở lại thực sự của Đấng Christ tại điểm kết thúc Thiên Hy Niên. Sự tái lâm của Ngài sẽ lập tức tiếp đến sự phục sinh phổ thông và đoán xét phổ thông.

E. Về Thiên Hy Niên

1. Độ dài thời gian.

Thời Đại Thiên Hy Niên theo thuyết Hậu Thiên Hy Niên sẽ là một thời đại lâu dài, không nhất thiết một ngàn năm. Có lẽ là dài hơn một ngàn năm theo nghĩa đen.

2. Thời điểm bắt đầu.

Có người hiểu Thiên Hy Niên sẽ bắt đầu dần dần; một số khác nhìn thấy một khởi đầu đột ngột hơn cho sự lan tràn sự công chính trên khắp đất.

3. Những đặc trưng.

Thiên Hy Niên sẽ là thời kỳ bình an, thịnh vượng vật chất, và thịnh vượng tâm linh ở trên đất. Tuy nhiên, không phải mọi người đều được cứu, cũng không phải mọi tội lỗi đều được bôi xóa. Nhưng những nguyên tắc Cơ đốc sẽ là quy luật chung chứ không phải ngoại lệ, và tội lỗi sẽ bị giảm xuống đến tỷ lệ có thể bỏ qua.

4. Những hoạt động.

Một số người theo thuyết Hậu Thiên Hy Niên công nhận có một thời gian bội đạo ngắn vào lúc kết thúc Thiên Hy Niên ngay trước lúc Đấng Christ tái lâm (xem Boettner, trang 69).

F. Về Satan

Người theo Hậu Thiên Hy Niên hiểu rằng Satan luôn luôn bị xiềng theo nghĩa hắn luôn luôn ở dưới quyền kiểm soát của Đức Chúa Trời. Nhưng hắn sẽ bị xiềng cách đặc biệt lúc bắt đầu Thiên Hy Niên theo Khải Huyền 20. Tuy nhiên, điều này chưa xảy ra vì chúng ta vẫn chưa ở trong Thiên Hy Niên, nhưng tại thời điểm này đang thiết lập những nền tảng cho Thiên Hy Niên.

III. CHỨNG CỚ VỀ THẾ GIỚI ĐANG TRỞ NÊN TỐT HƠN

Nếu vẫn chưa ở trong Thiên Hy Niên nhưng còn đang lập nền tảng, chúng ta cần phải có khả năng thấy bằng chứng mọi sự đang trở nên tốt hơn trong thế gian này. Thuyết Hậu Thiên Hy Niên tin chúng ta có thể thấy.Chứng cớ đó gồm rất nhiều điều: (1) Tình trạng xã hội chắc chắn được cải thiện tại nhiều nơi trên thế giới. Lấy ví dụ, địa vị của phụ nữ được cải thiện rất nhiều tại bất cứ nơi nào tiếp nhận Phúc Âm. (2) Lượng tiền khổng lồ dành cho những sự nghiệp Cơ đốc khiến đẩy mạnh được những điều kiện sống tốt hơn trong thế giới.(3) Thánh Kinh vẫn tiếp tục là sách bán chạy nhất thế giới. Kinh Thánh được phiên dịch sang nhiều thứ ngôn ngữ hơn bao giờ hết trong lịch sử thế giới. (4)Phúc Âm được phổ biến theo nhiều phương thức và đến nhiều nơi hơn bao giờ hết.Phúc Âm đang được phổ biến qua hai cách: phương tiện truyền thanh và phân phát văn phẩm.

Dĩ nhiên chứng cứ này đúng, và không tín hữu nào không cảm tạ Chúa về điều đó. Nhưng đây có phải điềm báo một Thiên Hy Niên sắp đến hay không lại là vấn đề khác, mà trước khi có thể trả lời chính xác thì còn phải kể đến tình trạng gia tăng điều ác hiện nay.

IV. HẬU THUẪN THÁNH KINH CHO THUYẾT HẬU THIÊN HY NIÊN

A. Các Phân Đoạn Nói Về Một Thời Đại Hoàng Kim

Vì rất nhiều phân đoạn nói về sự trị vì khải hoàn của Đấng Christ vẫn chưa được ứng nghiệm trong lịch sử, nên chúng hãy còn ứng nghiệm trong tương lai nhưng trước khi Đấng Christ trở lại. Đa số phân đoạn Kinh Thánh này cũng chính là những phân đoạn mà những người theo Tiền Thiên Hy Niên hiểu chúng nói đến vương quốc Thiên Hy Niên. Phái Hậu Thiên Hy Niên xem chúng được ứng nghiệm trước khi Đấng Christ trở lại, còn phái Tiền Thiên Hy Niên chờ đợi chúng được ứng nghiệm sau khi Đấng Christ trở lại. Những phân đoạn đó gồm Thi 2:8, Thi 22:27,47,72; Thi 86:9; Es 2:2-4; Es 11:6-9; Gie 31:34; Da 2:35,44; Mi 4:1-4.

B. Những Phân Đoạn Mô Tả Phúc Âm Là Đầy Uy Quyền Và Được Phổ Biến Toàn Cầu.

Vì Phúc Âm là quyền năng của Đức Chúa Trời (Ro 1:16), phái Hậu Thiên Hy Niên lập luận rằng không thể tưởng tượng được là thế giới này sẽ không hoán cải. Chúa ao ước mọi người đều được cứu (ITi 2:4), nên cầu nguyện trông đợi điều này xảy ra tức là cầu nguyện theo ý muốn Đức Chúa Trời.

C. Những Phân Đoạn Khác

Ẩn dụ của Đấng Christ về Men khẳng định quy mô phổ thông về vương quốc này (Mat 13:33). Rôma 11 báo trước sự qui đạo của rất đông người Do thái và ngoại bang. Kh 7:9-10 mô tả một đám đông rất lớn của những người được cứu từ mọi dân tộc trên thế giới.

V. BẢN PHÁC THẢO LỊCH SỬ VỀ THUYẾT HẬU THIÊN HY NIÊN

A. Joachim xứ Fiore (khoảng năm 1135-1202)

Là một người đề xướng rất sớm một hệ thống diễn tiến của Hậu Thiên Hy Niên, Joachim giải thích lịch sử như là lịch sử của Ba Ngôi: tức là, thời đại đầu tiên là thời đại của Đức Chúa Cha lúc đó nhân loại sống dưới Luật Pháp của Cựu Ước; thời đại thứ nhì là thời đại của Đức Chúa Con là thời đại ân điển bao trùm cả Tân Ước; và thời đại thứ ba là thời đại của Đức Thánh Linh bắt đầu vào khoảng 1260 S.C. trong đó thế giới sẽ được cải đạo.

B. Daniel Whitby (1638-1726)

Là một tu sĩ uyên bác, Whitby đã xuất bản 39 tác phẩm, trong đó có A Treatise of the True Millennium (Luận Về Thiên Hy Niên Thật) (London: W. Bowyer, 1700). Ông dạy rằng sau khi thế giới hoán cải, người Do thái được hồi hương về Xứ Thánh, và giáo hoàng cũng như người Thổ Nhĩ Kỳ bị đánh bại, thế giới sẽ hưởng được thời kỳ hòa bình và công chính trong một ngàn năm. Đến cuối thời đại Thiên Hy Niên này, Đấng Christ sẽ đích thân đến trái đất,kêu kẻ chết sống lại và đoán xét mọi người. Quan điểm của ông đã rất được ưa chuộng, và được rất nhiều nhà truyền đạo và nhà giải kinh thế kỷ thứ mười tám và mười chín tiếp nhận.

Thuyết Hậu Thiên Hy Niên của Whitby đã thiên về người Do thái. Ông mô tả Thiên Hy Niên là sự trị vì của những người Do thái và dân ngoại đã tin nhận Chúa “tuôn tràn đến với họ.” Mọi phước hạnh thuộc linh trong Thiên Hy Niên sẽ được truyền từ người Do thái đến các dân khác. Ông tin hội thánh sẽ được hồi sinh trong Thiên Hy Niên, dù vậy sự phục sinh thân thể vẫn chưa xảy ra mãi đến sau Thiên Hy Niên.

C. Những Nhân Vật Hậu Thiên Hy Niên Khác

Có lẽ vẫn có quyền gọi những người thuộc phái tự do mà ủng hộ sự tiến triển không thể tránh được thông qua những tiến trình tự nhiên (hoặc tiến hóa) là người theo Hậu Thiên Hy Niên. Tuy nhiên, họ không xem trọng Thánh Kinh và xem sự cải thiện thế giới đến từ năng lực con người.

Phái Hậu Thiên Hy Niên bảo thủ thực sự xem Thánh Kinh là Lời Đức Chúa Trời và quy sự cải thiện cho năng quyền của Đức Chúa Trời. James Snowden (The Coming of the Lord [New York: Macmillan, 1919]) hiểu Thiên Hy Niên là toàn bộ thời gian ở giữa lần đến thứ nhất và thứ nhì của Đấng Christ. Hệ thống của ông khác với thuyết Vô Thiên Hy Niên ở chỗ ông dạy rằng thế giới này ngày càng tốt hơn. Ông giải thích các biến cố trong Khải Huyền 20 hoặc đã xảy ra trong quá khứ rồi, hoặc đang mô tả hạnh phước thiên đàng.

Charles Hodge dạy rằng Sự Tái Lâm sẽ đến sau sự truyền bá Phúc Âm toàn cầu, sự hoán cải toàn dân của người Do thái, và sự xuất hiện của Antichrist. Khi Đấng Christ đến, sẽ có sự phục sinh và sự đoán xét phổ thông của toàn thể loài người (Systematic Theology (New York: Scribners, 1887,3:792).

Thuyết Hậu Thiên Hy Niên của kỷ nguyên hậu Thế Chiến thứ hai mãi đến mới đây nói chung vẫn là một biến thể của phái tự do.Sự tiến bộ lớn lao của thế kỷ 20 thông qua những thành tựu của con người đã đem lại tính đáng tin cho khái niệm này. Hiếm có người nào theo thuyết Hậu Thiên Hy Niên thuần túy Kinh Thánh (Loraine Boettner là ngoại lệ).

Nhưng trong hậu bán của thế kỷ này đã xuất hiện một hiện tượng thú vị. Vài người theo Vô Thiên Hy Niên trước kia này lại theo Hậu Thiên Hy Niên bởi họ tin nơi thể chế thần trị (theonomy). Thần trị là tình trạng được Đức Chúa Trời cầm quyền. Phái Thần trị chủ xướng sự chinh phục địa cầu bằng những phương tiện khoa học, giáo dục, nghệ thuật, và mọi cách theo đuổi khác để đem lại sự quản trị của Đức Chúa Trời trên mọi sự. Đối với một số người, điều này có nghĩa là áp đặt Luật Pháp của Cựu Ước vào cuộc sống ngày nay không những trong những vấn đề đạo đức mà còn trong tổ chức chính quyền, kinh tế và các phương diện khác nữa. Dĩ nhiên, hiện nay nếu thực thi điều này, những tình trạng trong thế giới này sẽ được cải thiện và lúc đó chúng ta sẽ kinh nghiệm quyền cai trị của Đức Chúa Trời trên sự sống trong thế giới này. Vậy nên đa số những nhà thần học Cải Cách nào ủng hộ mạnh mẽ công dụng của Luật Pháp Cựu Ước và những người theo Vô Thiên Hy Niên đã chuyển sang chấp nhận thuyết Hậu Thiên Hy Niên là mục tiêu cho chương trình thần trị của họ.

Tóm lại: phái thần học tự do ủng hộ cho một mục tiêu Hậu Thiên Hy Niên thông qua chủ nghĩa nhân bản. Phái Hậu Thiên Hy Niên thuần túy Kinh Thánh thì phát triển thuyết này thông qua công tác rao giảng Phúc Âm của hội thánh. Phái Thần trị đẩy mạnh thuyết này thông qua Phúc Âm và sự áp đặt Luật Pháp Cựu Ước