Ngoài những chức vụ về sự thờ phượng, Tân Ước cũng nêu những gương mẫu và mạng lệnh về những chức vụ khác. Thờ phượng chủ yếu hướng đến đối tượng được thờ phượng, là Đấng Christ, Đầu của hội thánh; nhưng thờ phượng còn ảnh hưởng trên những thành viên của hội thánh và vươn đến tận những người chưa kết ước với Chúa.

I. CHỨC VỤ KỶ LUẬT

Mục tiêu của Đấng Christ cho hội thánh là thánh hóa và trình diện hội thánh trước mặt Ngài không lỗi không vết (Eph 5:26-27). Mọi hoạt động của một hội thánh cũng nhắm vào mục đích này, kể cả kỷ luật, vì kỷ luật cũng nhằm đem lại bản tánh thánh khiết trong người chịu kỷ luật.

A. Những Mục Tiêu Của Kỷ Luật

Thánh Kinh chu cấp ít nhất bốn lý do cần phải kỷ luật. (1) Để loại bỏ những ảnh hưởng ô uế và biến chất do tội lỗi đem lại (ICo 5:6-8). (2) Để bảo vệ tín hữu khác khỏi phạm tội và thách thức họ đến chỗ thánh khiết (Ga 6:1; ITi 5:20). (3) Để đem lại sự lành mạnh cho đức tin (Tit 1:13).(4) Để cải tạo và phục hồi anh em phạm lỗi (IICo 2:5-11).

B. Những Thái Độ Khi Kỷ Luật

Những người dự phần tiến trình kỷ luật phải có các thái độ sau đây: (a) nhu mì (Ga 6:1); (b) lập trường không thỏa hiệp trước tội lỗi (Tit 1:13); (c) yêu thương (IITe 3:9-15); (d) tinh thần tha thứ đối với sự ăn năn (IICo 2:5-11).

C. NHỮNG NGUYÊN TẮC KỶ LUẬT

Ba nguyên tắc chính để kỷ luật là (a) không thiên vị (ITi 5:21), (b) đừng vội vàng, nhưng bằng những bước có cân nhắc và thận trọng (Mat 18:15-20) và (c) nhằm mục tiêu sửa sai và cuối cùng phục hồi (IICo 2:6-8).

D. NGƯỜI CHỊU KỶ LUẬT

Thánh Kinh đề cập bảy hạng người (một vài hạng này bị trùng lắp) cần chịu sửa phạt.

1. Trưởng lão bị kết tội (ITi 5:19-20).

Trong trường hợp một trưởng lão phạm tội miệt mài, cần có hai ba nhân chứng, và phải quở trách công khai để giúp người khác sợ phạm tội.

2. Anh em phạm tội (Mat 18:15-20).

Các bước gồm quở trách riêng (không nói rõ quở trách thường xuyên đến mức nào), có nhiều người dự phần (một lần nữa, cũng không nêu rõ thường xuyên đến mức nào), và rồi tỏ ra trước cả hội thánh nếu người đó vẫn không ăn năn. Lúc ấy hội thánh phải đoạn giao cả mặt thuộc linh và mặt xã hội với người đó.

3. Anh em tình cờ phạm lỗi (Ga 6:1).

Câu này nói đến người bị vấp vào tội lỗi trong lúc mất cảnh giác, chứ không phải tội cố ý. Họ cần sự giúp đỡ của người trưởng thành để điều chỉnh lại đời sống và khiến nó hữu dụng trở lại (chữ “phục hồi” cũng được dùng trong Mat 4:21, với nghĩa “vá lại”; Eph 4:12, “gây dựng”; và trong ITe 3:10 “gia thêm điều còn thiếu”).

4. Anh em không biết tu đức hạnh mình (IITêsalônica 3:6).

Câu này nói đến người không còn làm theo lời dạy của Thánh Kinh, cụ thể nói đến người không chịu làm việc, vì nghĩ Chúa sẽ đến ngay tức khắc.Cách Phaolô kỷ luật là bảo họ phải làm việc, vì tín hữu khác không cần cảm thấy có bất cứ bổn phận nào để chu cấp cho người không chịu làm việc như thế.

5. Các giáo sư giả (Tit 1:10-16).

Khi giáo sư giả đột nhập vào hội thánh, họ phải bị quở trách nghiêm khắc. Hymênê và Philết,dường như dạy phải hiểu sự phục sinh theo cách thuộc linh hay ngụ ngôn, là những người mà tín hữu phải tránh xa; Phaolô phó Hymênê và Alécxanđơ cho quỷ Satan để hình phạt họ (ITi 1:20; IITi 2:17-18).

Dầu xử lý nghiêm khắc giáo sư giả, nhưng Phaolô tỏ ra kiên nhẫn đáng kể với những người đã bị lầm lạc về giáo lý. Ông đã không khuyên dứt phép thông công những người phủ nhận sự phục sinh tại Côrinhtô; trái lại ông kiên nhẫn dạy chân lý cho họ. Có lẽ nếu lúc đó họ vẫn bác bỏ điều ông dạy và quay ra cổ súy tà giáo, ông sẽ phải kỷ luật họ theo cách nào đó.

6. Những người gây ra bè phái (Tit 3:8-11).

Đây là hạng người gây nhiều chia rẽ vì những lời tranh luận vô giá trị và vô ích, gây rối loạn trong hội thánh. Những người như vậy sẽ được cảnh cáo hai lần,sau đó khước từ hoặc lánh xa họ. Ro 16:17 truyền phải làm tương tự, “tránh xa”bao gồm sự tiếp xúc cá nhân, giao tiếp và thuộc linh.

7. Những anh em sống vô luân (ICôrinhtô 5).

Vì tội loạn luân trong trường hợp này vừa phạm miệt mài vừa công khai, nên bên phạm tội đã bị phó cho quỷ Satan; tức là loại khỏi mối thông công của hội thánh và trả họ về lãnh địa thế gian của Satan để chịu bất cứ hư hoại nào có thể xảy đến, chẳng hạn như bệnh hoặc sự chết. Đối với những tội khác mà tín hữu phạm (vô luân, tham lam, thờ hình tượng, phạm thượng, say rượu, giả dối) được đề cập trong câu 11, hình phạt là dứt phép thông công (bao gồm cả giao tiếp - không được ăn uống với những người như vậy).

John Wesley nổi tiếng vì nhấn mạnh tính nhạy bén đối với tội lỗi và kỷ luật. Những người hướng dẫn các lớp học Kinh Thánh nhỏ tại gia đình (là tiền thân của những tiểu hội thánh) đã được chỉ dẫn để mỗi tuần lễ hỏi thăm nếp sống thuộc linh và nếp cư xử của mỗi thành viên. Mỗi quý, những ai thật sự sống theo Phúc Âm đã nhận được một giấy chứng nhận sự kiện đó, còn ai không sống như thế đã bị khai trừ khỏi những buổi nhóm hằng tuần (xem Works of John Wesley, VIII, trang 250 trở đi).

Thất bại của hội thánh trong chức vụ kỷ luật này chỉ có thể dẫn đến những hội thánh yếu kém hơn (dù có thể đông người hơn).

II. CHỨC VỤ CHĂM SÓC CÁC GÓA PHỤ

Thánh Giacơ tuyên bố sự tin đạo thanh sạch bao gồm việc thăm viếng (trông coi hay là chăm sóc) các kẻ mồ côi và người góa bụa (Gia 1:27). Không thấy Tân Ước nói chi tiết nào về việc chăm sóc trẻ mồ côi, nhưng có những hướng dẫn chi tiết cho chức vụ của hội thánh chăm sóc các góa phụ.

A. Trách Nhiệm Của Gia Đình

Trong thời Đấng Christ, tại đền thờ có quỹ để cấp dưỡng cho các góa phụ và cô nhi. Khi có nhiều góa phụ Do Thái tin theo Cơ đốc giáo, hội thánh đã tiếp tục cấp dưỡng cho họ. Tuy nhiên, Phaolô đã nói thật rõ ràng việc này trong phân đoạn trọng tâm về đề tài gia đình góa phụ có bổn phận đầu tiên và chủ yếu để chăm sóc cho góa phụ. Điều này đúng cho cả những góa phụ trẻ tuổi hơn, chưa được ghi danh sách (ITi 5:4,8) lẫn những góa phụ lớn tuổi hơn và có tên trong danh sách (c. 16)

B. Trách Nhiệm Của Hội Thánh

Nếu không còn người bà con nào để chu cấp cho góa phụ, thì lúc ấy hội thánh lãnh trách nhiệm đó, bất kể tuổi tác của người góa bụa này. Một người “góa thật là góa” không nhất thiết là người có tên trong sổ góa bụa, mà là người thiếu thốn cơ cực, không có gia đình nào chu cấp cho (c. 5). Vì cớ đó, gia đình hội thánh của bà phải lo cấp dưỡng cho bà. Những góa phụ trẻ hơn được khuyến khích tái hôn (c.14); những góa phụ đủ tư cách được ghi tên vào sổ của hội thánh là những người hơn sáu mươi tuổi (câu 9-10).

Một hội thánh cần phải làm gì về trách nhiệm này trong thời buổi thường lo cấp cho người góa bụa những khoản an sinh, bảo hiểm,tiền trợ cấp xã hội hằng năm và những sự chu cấp tài chính khác? Nguyên tắc ở đây có vẻ rõ ràng: hội thánh nên nhận lấy bổn phận này cho đến bất kỳ phạm vi nào mà gia đình của chính bà không thể chu cấp (cho dù qua những bà con còn sống hoặc thông qua sự chu cấp của những người bà con đã qua đời), bất luận đó là chu cấp một phần hay là toàn bộ. Ngày nay thường có nhiều nhu cầu thế này cho những góa phụ của những nhân sự Cơ đốc, là những người bị để lại trong cảnh thiếu thốn không hề do lỗi của chính họ.

III. CHỨC VỤ TỪ THIỆN

Hội Thánh cũng nên chăm lo cho những người túng thiếu khác.

Những phạm vi trách nhiệm đối với người thiếu thốn lan tỏa ra từ hội thánh địa phương. Những người mà chúng ta tiếp xúc với những nhu cầu của họ trong hội thánh địa phương này (cho dù là tín hữu hay người chưa tin) chính là người có quyền được đòi hỏi giúp đỡ đầu tiên (Gia 2:2-3,15-16;IGi 3:17). Hội thánh đầu tiên cũng quan tâm đến nhu cầu của tín hữu ở những nơi khác (Cong 11:27-30). Phaolô dành nhiều nỗ lực và thì giờ đáng kể để quyên góp tiền bạc cho tín hữu nghèo tại Giêrusalem. Việc này gồm nỗ lực hợp tác của rất nhiều hội thánh. Tiền không chuyển trực tiếp từ người dâng tặng đến người nhận,nhưng đã được giám sát bởi một hội đồng do các hội thánh này chọn ra, và dường như được phân phát dưới sự chỉ dẫn của cấp lãnh đạo này (IICo 8:18-22).

Đôi khi hội thánh đầu tiên cũng lo chu cấp cho các giáo sĩ. Dù Phaolô tự làm việc để chu cấp cho chính mình và những bạn đồng công, nhưng ông cũng đã nhận lãnh những quà tặng. Dường như hội thánh Philíp đã tặng lễ vật cho Phaolô ít nhất ba lần (Phi 4:16), và ông đã bênh vực rõ ràng cho quyền lợi được người khác chu cấp của những người dâng mình vào chức vụ (ICo 9:4-14).

Trong thời đại truyền thông đại chúng hiện nay vốn đưa tin rất nhiều nhu cầu bắt gặp mỗi ngày trên lối đi chúng ta hàng ngày, không cá nhân nào hoặc hội thánh nào có thể đủ khả năng đáp ứng mọi nhu cầu mà họ biết đến. Như vậy, đâu là những ưu tiên của chúng ta? Nói về những người mà chúng ta nên cung ứng, thứ tự ưu tiên cần phải tập trung vào những tôi tớ của Chúa, những người túng thiếu trong dân sự của Chúa, rồi đến những người khác (Ga 6:10). Thông thường, một hội thánh hoặc cá nhân sẽ ưu tiên cho những người thuộc sự chăm sóc của mình và trách nhiệm của mình tại khu vực địa phương ấy, sau đó mới đến người ở những nơi khác.