Hầu như không thể nói hết được tầm quan trọng của hội thánh. Đức Chúa Trời đã mua hội thánh bằng huyết của chính Con Ngài (Cong 20:28). Chính hội thánh là đối tượng Đấng Christ yêu thương, nuôi dưỡng và săn sóc (Eph 5:25,29), và một ngày kia Ngài sẽ khiến hội thánh trình diện không chỗ trách được trong toàn bộ vinh hiển của hội đó trước mặt Ngài (c. 27). Xây dựng hội thánh của Ngài là công tác chính yếu của Đấng Christ trong thế gian ngày nay (Mat 16:18) bằng cách Ngài ban các ân tứ thuộc linh (Eph 4:12). Như vậy,khi tín hữu vận dụng các ân tứ ấy tức là chúng ta công khai hậu thuẫn việc Đấng Christ đang thực hiện ngày nay.

I. Ý NGHĨA CỦA TỪ NGỮ “HỘI THÁNH”

A. Từ Ngữ Tiếng Anh.

Từ Anh Ngữ “Church” (Hội Thánh - và từ ngữ cùng một gốc “kirk”) bắt nguồn từ chữ Hylạp kyriakon, có nghĩa là “thuộc về Chúa.” Hai lần dùng từ ngữ này duy nhất trong Tân Ước là ở ICo 11:20 (nói đến Tiệc Thánh) và Kh 1:10 (nói đến ngày của Chúa.) Rồi từ ngữ này đã được dùng để nói đến những điều khác, chẳng hạn như nơi chốn, hoặc con người, hoặc giáo phái hoặc quốc gia có liên hệ với nhóm người thuộc về Đức Chúa Trời.

B. Từ Ngữ Hybálai

Từ ngữ Hybálai qahal đơn giản có nghĩa là một hội và thường được dịch trong Bản Bảy Mươi bằng từ ekklesia. Tuy nhiên không nhất thiết phải nói đến một hiệp hội tôn giáo (Sa 28:3; 49:6; Thi 26:5), thậm chí cũng không nói đến cả hội chúng của những con người (Thi 89:5), dù vậy nó rất thường nói đến hội chúng của Ysơraên.

C. Từ Ngữ Hylạp

Từ ngữ Hylạp ekklesia có nghĩa là một hội,và đã được dùng theo ý nghĩa chính trị chứ không mang ý nghĩa tôn giáo. Chữ này không nói đến nhóm ấy người, nhưng nói đến việc họp lại; nói cách khác, khi người ta không nhóm hiệp cách chính thức thì không gọi họ là một ekklesia. Từ ngữ này được dùng theo cùng một cách này của người Hylạp ngoài đời đến hai lần trong Tân Ước (Cong 19:32,41).

Khi từ ngữ Hylạp này được dùng trong Tân Ước,nó khoác lấy những phương diện phong phú hơn nhiều và đầy đủ hơn nhiều so với ý nghĩa căn bản ngoài đời ấy. Ví dụ như, chính những con người ấy, dù là nhóm hiệp lại hay không, là ekklesia. Tuy nhiên, từ ngữ này theo cách được dùng trong Thánh Kinh Tân Ước vẫn còn giữ lại ý nghĩa căn bản của một hội chúng, và không khoác lấy ý nghĩa được cho là nghĩa trong thần học (dựa vào lối chiết tự từ ngữ này ra thành hai phần : “gọi” và “ra khỏi”) chỉ về một dân “được kêu gọi ra khỏi.”Nếu muốn dịch chữ này dựa trên từ nguyên học, thì đúng ra phải là “cùng được gọi chung với nhau,” chứ không phải “được gọi ra khỏi.”

II. NHỮNG CÁCH DÙNG TỪ NGỮ NÀY TRONG TÂN ƯỚC

Nếu từ ngữ “hội thánh” có liên hệ đến một nhóm người hội hiệp lại, thì những cách dùng khác nhau của khái niệm này trong Tân Ước sẽ nói cho chúng ta biết (a) đặc tính hoặc bản chất của nhóm người đã hội hiệp lại này là gì, (b) những trọng tâm và những lý do nào đã kéo những người hội hiệp đặc biệt này lại với nhau.

A. Cong 19:39,41

Đây là nhóm những người ngoại đạo, nhóm hiệp lại với lý do sử dụng quyền lợi chính trị. Những công dân của thành phố tự do này có quyền họp lại trong một hiệp hội có quyền lập pháp, là hiệp hội họp lại ba lần trong một tháng. Nhưng trường hợp này là sự nhóm hiệp bất hợp pháp mà chính quyền Lamã sẽ không nghĩ tốt cho, nên viên thư ký thành phố đã khẩn cấp đến giải tán nhóm người này.

B. Cong 7:38

Nhóm người ở đây là người Ysơraên đã hội hiệp lại để nhận lãnh Luật Pháp Đức Chúa Trời qua Môise. Đặc điểm thuộc linh của nhóm người này là hỗn tạp - một số có mối liên hệ cá nhân riêng tư với Đức Chúa Trời một cách đúng đắn, còn một số thì không. Dĩ nhiên tất cả đều có liên hệ với Ngài theo ý nghĩa Đức Chúa Trời đã chọn dân tộc này, nhưng chỉ chừng đó thôi thì không bảo đảm sự cứu chuộc tâm linh của mỗi người. Sự kêu gọi toàn dân này là lý do để hội hiệp tại chân núi Sinai.

C. Eph 1:22-23

Ở đây nhóm người này là hội thánh, là thân thể của Đấng Christ. Đặc điểm của nhóm người này là một trăm phần trăm đã được tái sinh, và lý do để tồn tại là chức vụ làm báptêm của Đức Thánh Linh, là chức vụ đã đặt những người tin vào trong thân thể này của Đấng Christ (ICo 12:13). Hội thánh này là phổ thông, bao gồm mọi tín hữu ở mọi nơi trên đất và những người hiện đang ở trên thiên đàng (He 12:23). Nói chính xác, hội thánh này không phải là vô hình, vì rất nhiều thành viên của hội là là hoàn toàn hữu hình. Hội thánh phổ thông là danh xưng tốt hơn.

D. Ro 16:5; ICo 16:19; Co 4:15; Philêmôn 2

Đây là những nhóm người có đặc tính rất địa phương - các hội thánh ở trong nhà. Bản chất của những người này (ít nhất là trong thời Tân Ước) hẳn là những người xưng mình công nhận Đấng Christ là Cứu Chúa. Có một số trường hợp, những người chỉ xưng nhận mà chưa từng sở hữu sự cứu rỗi sẽ liên hiệp với các hội thánh địa phương (IGi 2:19; Kh 3:20), nhưng để là các hội thánh Cơ đốc, những người này ắt sẽ phải tuyên xưng Đấng Christ.

Những tiêu điểm của hội thánh địa phương này là gì? Một là tiêu điểm địa lý. Một tiêu điểm nữa là tuyên xưng đức tin trong Đấng Christ. Một tiêu điểm nữa là cử hành phép báptêm và Tiệc Thánh. Một tiêu điểm khác nữa là sự thực thi những trách nhiệm trong nhóm, như là sự dạy dỗ.

III. KHÁI NIỆM TÂN ƯỚC VỀ HỘI THÁNH

Thông thường khái niệm hội thánh đã tập trung vào hội thánh phổ thông và hội thánh địa phương. Đôi khi những thể loại này đã được phát biểu sai lầm là vô hình và hữu hình (nhìn thấy được). Nhưng ngay cả phổ thông hay địa phương dường như cũng không bao trùm mọi phương diện của khái niệm này. Phổ thông là tên gọi tốt cho thân thể của Đấng Christ, dù ở trên đất hoặc trên thiên đàng (He 12:23). Nhưng tính địa phương cần được định nghĩa đầy đủ hơn. Hội thánh địa phương mang tính địa phương đến mức nào?

Như đã thấy, đôi khi địa phương đại diện cho một hội thánh ở trong một ngôi nhà. Đây là một đơn vị của tính địa phương đúng như được mô tả trong Tân Ước. Nhưng hội thánh tại Côrinhtô (ICo 1:2) chắc phải gồm rất nhiều hội thánh ở trong nhà. Thế nhưng, nó vẫn là “địa phương” ở chỗ được giới hạn vào thành phố Côrinhtô và đã không bao gồm các hội thánh khác trong xứ Hylạp chẳng hạn như hội thánh tại Têsalônica (ITe 1:1).

Tuy nhiên, từ ngữ “hội thánh” ở số ít được dùng để gọi rất nhiều hội thánh trong một vùng (Cong 9:31). Tại đây “hội thánh”gồm nhiều nhóm trong cả vùng Giuđê, Galilê và Samari. Khi Phaolô bắt bớ hội thánh hồi ông chưa hoán cải, ông đã không tự giới hạn vào một hội thánh địa phương (ICo 15:9). Cho nên khái niệm về hội thánh địa phương có thể bao gồm một nhóm người trong một căn nhà duy nhất, nhiều nhóm người trong một thành phố, hoặc thậm chí rất nhiều nhóm người trong một vùng. Thậm chí với tất cả những loại này, ICo 10:32 có lẽ cũng không khớp vào loại nào trong đó. Đừng làm gương xấu cho hội thánh của Đức Chúa Trời chắc chắn phải liên hệ đến những nhóm người hữu hình, thế nhưng không phải là toàn bộ những nhóm đó, thậm chí là ở trong một vùng đi nữa. Nó phải liên quan đến một phương diện nào đó của hội thánh hữu hình mà người ta tiếp xúc được.

Dường như chúng ta cần nhiều hơn lối phân loại khái niệm hội thánh theo hai phần thông thường - phổ thông và địa phương. (1)Có hội thánh phổ thông - là mọi tín hữu trên thiên đàng hoặc trên đất. (2) Cũng có hội thánh có thể nhìn thấy được - là các hội thánh địa phương trong nhiều vùng khác nhau, đặc biệt là những hội thánh mà tôi quen biết. (3) Cũng có hội thánh địa phương - là hội chúng cụ thể mà tôi có mối liên hệ chính yếu và lâu dài. Mỗi một tín hữu đều thật sự thuộc về tất cả ba phương diện này của hội thánh, và ICo 10:32 áp dụng cho bất cứ phương diện nào mà tín hữu ấy tiếp xúc tại bất cứ thời điểm nào.

IV. NHỮNG KHÁI NIỆM KHÁC VỀ HỘI THÁNH

A. Khái Niệm Của Công Giáo Lamã

Theo khái niệm của công giáo Lamã: “Hội thánh là một hiệp hội được Đức Chúa Trời thiết lập, bao gồm những thành viên đến từ mọi chủng tộc và mọi quốc gia, tất cả đều giữ chung một đức tin, đều dùng chung cùng những thánh lễ như là phương tiện của sự thánh khiết và sự cứu rỗi,và tất cả đều được quản trị cách tốt lành bởi người kế tục của Thánh Phierơ,Người Đại Diện của Chúa, là Đức Giáo Hoàng... (C.B. Pallen, “Catholic Church,”The New Catholic Dictionary (N.Y.: The Universal Knowledge Foundation, 1929 trang 180-81).

B. Khái Niệm Của Anh Giáo

Khái niệm Anh Giáo phát biểu rằng “hội thánh hữu hình của Đấng Christ là một hội chúng của những người trung tín, trong đó Lời thuần khiết của Đức Chúa Trời được rao giảng, những Thánh Lễ được cử hành cách chính đáng theo mạng lệnh của Đấng Christ...” (Tín Điều 19 trong 39 Tín Điều của Giáo Hội Anh Quốc). Dĩ nhiên Hội Thánh Anh Giáo ở dưới sự lãnh đạo thế tục của Vua hoặc Nữ Hoàng nước Anh.

C. Khái Niệm Của Cải Chánh

Bản Tuyên Ngôn Đức Tin Westminster phát biểu:Hội thánh rộng khắp hoặc phổ thông, là hội thánh vô hình, gồm toàn bộ số người được chọn... Hội thánh hữu hình, cũng là hội thánh rộng khắp hoặc phổ thông ở dưới Phúc Âm, bao gồm mọi người ở trên thế giới này cùng tuyên xưng một tôn giáo chân thật, cùng với những con cái của họ...” (Chương 25).

B. Khái Niệm Báp Tít

Bản Tuyên Ngôn Đức Tin Báptít năm 1646 phát biểu “Hội Thánh là cộng đoàn của những thánh đồ hữu hình, được gọi và được biệt riêng ra khỏi thế gian bởi Lời và Thánh Linh của Đức Chúa Trời, để đến sự tuyên xưng đức tin hữu hình của Phúc Âm; được báptêm vào trong đức tin đó” (Tín Điều XXXIII). Một số người Báp Tít đương đại công nhận sự thực hữu của hội thánh phổ thông còn một số thì không công nhận.