I. GIÁO HỘI NGHỊ TẠI NICEA

A. Lời Chứng Của Giáo Lý Chính Thống

Sự phát biểu rõ ràng giáo lý của niềm tin Cơđốc không xảy ra thình lình tại một thời điểm nào đó trong lịch sử của hội thánh. Việc định nghĩa mọi giáo lý Cơđốc cũng không diễn ra với nhịp độ đều bằng nhau. Lúc thì giáo lý này được chú ý; lúc khác lại tập trung vào một giáo lý khác.

Giáo lý về Đức Thánh Linh chưa được chú ý nhiều đến định nghĩa chính thức trong những thế kỷ đầu. Điều chúng ta được biết như là phát biểu chính thống về giáo lý Đức Thánh Linh đã được hội thánh đầu tiên làm chứng cho trong công thức phép báp tem, trong Bản Tín Điều Các Sứ Đồ,và trong sự trừng phạt tà giáo khi nó xuất hiện. Việc dùng danh xưng gồm ba phần Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Thánh Linh chứng tỏ rằng trên thực tế hội thánh đầu tiên đã công nhận ngấm ngầm thần tánh và thân vị của Đức Thánh Linh.

Luận về Đức Thánh Linh, điểm nhấn mạnh chính trong thời đại Hậu Sứ đồ nhắm vào kinh nghiệm Đức Thánh Linh hơn là giáo lý. Điểm nhấn mạnh này đặc biệt nổi bật trong sách Người Chăn Chiên Của Hermas (The Shepherd of Hermas). Trong thời đại của những nhà Biện giáo, Đức Thánh Linh rất mờ nhạt trong văn phẩm này, bởi nhằm nhấn mạnh Ngôi Lời. Đồng thời, dường như không có kinh nghiệm sai lạc nào về Đức Thánh Linh dù thiếu định nghĩa giáo lý.

B. Chủ Thuyết Montanism (170)

Chính trong chủ thuyết Montanism mà đề tài Đức Thánh Linh trở nên nổi bật hơn. Động cơ ban đầu của phong trào này xuất phát từ phản ứng chống lại sự cứng nhắc và nguội lạnh của hội thánh có tổ chức. Thuyết Montanism (còn gọi là tà giáo Phirigi) xuất hiện ở vùng Phrygia khoảng năm 170 qua chức vụ của Montanus và hai phụ nữ tên Prisca và Maximilla. Họ tự xưng là tiên tri và công bố thời kỳ gọi là Thời Đại Paraclete (Đấng Yên Ủi) trong đó sẽ được ban những khải thị mới từ Đức Chúa Trời. Họ nhấn mạnh tính kíp đến của kỳ tận thế và khăng khăng đòi hỏi môn đệ những tiêu chuẩn đạo đức rất cao và nghiêm nhặt. Chính tiêu chuẩn đạo đức cao đã hấp dẫn Tertullian và những người khác đến với phong trào này.

Cần nhớ Montanism là phong trào chính thống so với Trí Huệ Thuyết. Montanism cũng là phản ứng chống lại Trí Huệ thuyết với chủ nghĩa duy trí của nó, là điều dường như cản trở mối liên lạc cá nhân của tâm linh với Đức Chúa Trời. Đối với nhiều người, thuyết Montanism bênh vực sự hiện diện và chức vụ chủ động của Đức Thánh Linh trong hội thánh và một thể loại nếp sống hội thánh thuộc linh hơn. Tuy nhiên chủ thuyết Montanism đã bị chính thức bác bỏ vì khăng khăng vào khải thị phụ thêm. Và khi phủ nhận như vậy, hội thánh đã khẳng định niềm tin rằng Đức Thánh Linh không ban những sự mặc khải mới nào ngoài Thánh Kinh. Tuy vậy, với điểm nhấn mạnh kinh nghiệm về Đức Thánh Linh này, nói chung lúc bấy giờ vẫn chưa phát biểu giáo lý.

C. Chủ Thuyết Sabellianism (215)

Duy nhất thần thuyết (monarchianism) là tiền thân của thuyết Sabellianism. Ở dạng Hình Thức Thuyết, Duy Nhất Thần Thuyết dạy rằng Đức Chúa Con chỉ là một hình thức bày tỏ khác nữa của Đức Chúa Cha. Noetus và Praxeas đã là những lãnh tụ của phong trào này, và họ cũng dạy thuyết Đức Chúa Cha chịu thương khó (patripassianism, tức là Đức Chúa Cha đã chịu đóng định).Vì phái Duy Nhất Thần dạy rằng Con là phương thức biểu hiện khác nữa của Đức Chúa Trời, nên không thể tránh khỏi tình trạng hội thánh buộc phải khảo sát mối liên hệ của Đức Thánh Linh với Đức Chúa Con và với Đức Chúa Cha. Sabellius dạy rằng Đức Chúa Trời là một thể hiệp nhất nhưng Ngài đã bày tỏ chính Ngài bằng ba phương thức hoặc hình thức khác nhau. Ba hình thức này không phải là ba thân vị mà là ba vai trò hoặc vai diễn của một Đức Chúa Trời duy nhất. Tà thuyết Sabellianism là tà giáo lớn đầu tiên về Ba Ngôi Đức Chúa Trời có được rất đông người trong Hội Thánh đi theo.

D. Tà Thuyết Arianism (325)

Cuộc tranh luận của phái Arians có tên như vậy vì phát khởi bởi quan điểm chống Ba Ngôi của Arius, một trưởng lão ở Alexandria.Nguyên tắc độc thần của Duy Nhất Thần Thuyết là khái niệm chi phối trong quan điểm của ông. Tuy nhiên, ông phân biệt một Đức Chúa Trời Vĩnh hằng duy nhất khỏi Đức Chúa Con - là đấng được sinh ra bởi Đức Chúa Cha và là đấng có khởi đầu.Ông cũng tin Đức Thánh Linh đã là tạo vật đầu tiên do Đức Chúa Con tạo dựng, vì cớ mọi sự đã được dựng nên bởi Con. Arius bị Athanasius phản đối, và Giáo Hội Nghị Nicea được triệu tập để tranh luận vấn đề này.

Tuyên ngôn chính yếu của Giáo Hội Nghị có liên quan đến thần tính của Ngôi Hai, và kết luận Đấng Christ đã “có cùng một bản thể” như Đức Chúa Cha. Hội nghị này chú ý vào Đức Chúa Con hơn là vào Đức Thánh Linh, và Bản Tín Điều Nicene chỉ nhắc đến Đức Thánh Linh: “Tôi tin Thánh Linh.”Có thể nói tuyên ngôn này suy luận ra thần tánh và thân vị tính của Đức Thánh Linh nhờ vào mối liên kết của nó với lời tuyên bố cụ thể về Đức Chúa Con. Vì sao Giáo Hội Nghị này không đề cập cụ thể tương đương như thế về Đức Thánh Linh, đấy chỉ là vấn đề phỏng đoán. Có lẽ lắm Hội Thánh đã bằng lòng ở chỗ không muốn xử lý trước tà giáo hoặc vượt ra ngoài yêu cầu của tình huống này.Tuy nhiên Athanasius xác định rõ hơn nhiều trong sự dạy dỗ của chính ông, xác nhận mạnh mẽ rằng Đức Thánh Linh, cũng giống như Đức Chúa Con, có cùng bản thể với Đức Chúa Cha.

II. TỪ NICEA ĐẾN CUỘC CẢI CHÁNH

A. Giáo Hội Nghị Constantinople (381)

Không phải mọi điều đã được giải quyết xong bởi Giáo Hội Nghị Nicea. Dù sự dạy dỗ của chính Athanasius rõ ràng là chánh thống và chi tiết, nhưng Bản Tín Điều Nicea chưa nói rõ về Đức Thánh Linh. Cuộc tranh luận mới nhanh chóng nổ ra, và người ta bắt đầu khẳng định họ không tin thần tánh của Đức Thánh Linh. Kết quả nổi lên phái Macedonians. Người sáng lập là Macedonius, giám mục thành Constantinople, ông cho rằng Đức Thánh Linh là tạo vật thấp hơn Đức Chúa Con. Đảng của ông được đặt biệt danh là Pneumatomachians (“những diễn giả gian ác chống Đức Thánh Linh”). Khuynh hướng chính của giáo lý chánh thống cho rằng Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời, nếu không thì Đức Chúa Con cũng không phải là Đức Chúa Trời nữa. Basil xứ Caesarea, Gregory ở Nazianzus, và Gregory ở Nyssa là những người dẫn đầu truyền bá quan điểm chính thống và mở đường cho Giáo Hội Nghị Constantinople.

Cuộc tranh luận gia tăng lên đến độ hoàng đế Theodosius phải triệu tập Giáo Hội Nghị tại Constantinople gồm 150 giám mục chánh thống đại diện cho Đông giáo hội mà thôi. Năm 381, Giáo Hội Nghị họp lại,dưới sự hướng dẫn của Gregory ở Nazianzus, đã phát biểu tuyên ngôn sau đây về Đức Thánh Linh: “Và chúng tôi tin Đức Thánh Linh, là Chúa, là Đấng ban sự sống, Đấng lưu xuất từ Đức Chúa Cha, là Đấng sẽ phải được tôn vinh hiển cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, và là Đấng phán qua các tiên tri.” Người ta nói Bản Tín Điều này đã ôn hòa đáng kể để tránh dùng từ ngữ “cùng một bản thể” (là từ ngữ được dùng cho Đấng Christ trong Bản Tín Điều Nicea) diễn tả sự hiệp nhất của Đức Thánh Linh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Thật ra, Đức Thánh Linh còn không được gọi là Đức Chúa Trời trong bản tín điều này nữa kia, dù vậy những từ ngữ mô tả công việc của Ngài thì không thể dùng để nói về bất cứ loài thọ tạo nào.Tuy nhiên, tuyên ngôn này thực sự đối phó với phái Macedonians, dù không khẳng định tính đồng bản thể của Đức Thánh Linh với Đức Chúa Cha, cũng không định nghĩa mối liên hệ của Đức Thánh Linh đối với Cha và Con; và tuyên ngôn này đã giải quyết xong vấn đề thần tánh của Đức Thánh Linh, cũng như Giáo Hội Nghị Nicea đã giải quyết xong vấn đề Thần Tánh của Đấng Christ vậy.

B. Augustine (354-430)

1. De Trinitate.

Khái niệm Đức Chúa Trời Ba Ngôi trong Tây Giáo Hội đã được phát biểu chung quyết trong tác phẩm này của Augustine. Sự quan tâm của ông đến giáo lý ân điển sẽ tự nhiên dẫn đến sự khảo sát về Đức Thánh Linh, vì từng trải của riêng ông dạy ông biết quyền năng Đức Thánh Linh cần thiết cho tín hữu biết dường nào. Trong chuyên luận này, ông nói rằng mỗi một Ngôi vị trong Đức Chúa Trời Ba Ngôi đều sở hữu toàn bộ bản thể và cả ba Ngôi vị đều phụ thuộc hỗ tương với nhau. Ông tuyên bố chưa thỏa mãn với từ ngữ “những thân vị” để diễn tả ba Ngôi vị này, nhưng ông sử dụng nó “để khỏi phải nín lặng.” Theo quan điểm của ông về Ba Ngôi, Đức Thánh Linh lưu xuất từ cả Đức Chúa Cha lẫn Đức Chúa Con.

2. Tranh luận với Pelagius (431).

Augustine cũng nhấn mạnh ân điển hiệu năng là công việc của Thánh Linh. Điều này ảnh hưởng sâu xa không những trên giáo lý của ông về con người và về tội lỗi, mà còn trên giáo lý của ông về Đức Thánh Linh nữa. Pelagius, đối thủ của ông trong cuộc tranh luận, chủ trương quan điểm phủ nhận thực tiễn về nguyên tội và nhấn mạnh năng lực của con người để làm lành mà không cần nhờ sự giúp sức của Đức Thánh Linh. Giáo Hội Nghị Êphêsô đã giải quyết cuộc tranh luận này năm 431, lên án Pelagius cùng các quan điểm của ông, và ủng hộ Augustine và các quan điểm của Augustine. Dù thuyết của Pelagius bị lên án chính thức, nhưng vẫn không bị trừ tuyệt khỏi Hội Thánh, vì thuyết Pelagius và thuyết Bán Pelagianism (cũng như thuyết của Augustine) vẫn còn lưu truyền đến nay.

C. Giáo Hội Nghị Chalcedon (451)

Vào năm 451, Giáo Hội Nghị tại Chalcedon, đại diện cho các tòa giám mục của Rôma, Constantinople, Antiốt và Giêrusalem, đã khẳng định những quyết định của Nicea và Constantinople. Giáo Hội Nghị này phát biểu tỏ tường rằng Bản Tín Điều Nicea là đầy đủ như một tuyên ngôn chính xác và thỏa đáng về giáo lý Đức Chúa Trời Ba Ngôi và những mệnh đề được Giáo Hội Nghị Constantinople năm 381 thêm vào chỉ nhằm giải thích rõ ý, chứ không thay đổi, Bản Tín Điều Nicea. Điều này xác lập vững chắc giáo lý về thần tánh của Đức Thánh Linh.

D. Giáo Hội Nghị Tại Toledo (589)

Dù vấn đề thần tánh của Đức Thánh Linh đã được giải quyết tại Constantinople và Chalcedon, vẫn còn thắc mắc quan trọng huyền nhiệm về mối liên hệ chính xác của Đức Thánh Linh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Đây là nan đề đã phát triển trong Tây giáo hội (còn vấn đề thần tánh của Đức Thánh Linh phát triển trong Đông giáo hội). Từ ngữ “sự sinh ra” (generation) được dùng mô tả mối liên hệ giữa Đức Chúa Con đối với Đức Chúa Cha, còn từ ngữ “sự lưu xuất” (“procession”) được dùng biểu thị mối quan hệ của Đức Thánh Linh. Vấn đề là: Đức Thánh Linh lưu xuất chỉ từ Đức Chúa Cha mà thôi, hay từ Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con? Dù Giáo Hội Nghị Constantinople không tuyên bố Đức Thánh Linh lưu xuất từ Đức Chúa Con cũng như từ Đức Chúa Cha, đây vẫn là niềm tin của nhiều lãnh đạo Hội Thánh. Người ta cảm thấy cần phải tin như thế, để cho sự lưu xuất chỉ từ Đức Chúa Cha đừng có vẻ như phủ nhận sự đồng một bản thể của Con với Cha. Tuy nhiên, không có sự nhất trí về điểm này, vì những người khác cảm thấy nói Đức Thánh Linh được lưu xuất từ Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con sẽ có nghĩa Đức Thánh Linh lệ thuộc vào Đức Chúa Con và như vậy sẽ xâm phạm đến thần tánh của Đức Thánh Linh.

Những nhà thần học Tây giáo hội tán thành sự lưu xuất từ Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, và tại Giáo Hội Nghị Toledo, họ đã thêm mệnh đề nổi tiếng “filioque” (“và Đức Chúa Con”) vào Bản Tín Điều Constantinople. Mệnh đề này phát biểu rằng Đức Thánh Linh “lưu xuất ra từ Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.” Làm thế nào mệnh đề “và Đức Chúa Con” vào trong Bản Tín Điều này vẫn còn là vấn đề bàn cãi. Có người nghĩ đây là “sai lầm ngớ ngẩn”của người sao chép. Cho dù là trường hợp nào, mệnh đề này chưa từng gây nghi ngờ,nhưng được lặp đi lặp lại trong hết Giáo Hội Nghị này đến Giáo Hội Nghị khác như là giáo lý chính thống. Những nhà lãnh đạo trong Đông giáo hội nghĩ Tây giáo hội đã sửa bậy Bản Tín Điều Constantinople, và họ không bao giờ chấp nhận mệnh đề bổ sung “và Đức Chúa Con,” và tuyên bố đó là tà giáo cho đến ngày nay.

Như vậy ba vấn đề liên quan đến giáo lý về Đức Chúa Trời Ba Ngôi được giải quyết xong không còn thắc mắc nữa, ít nhất là trong Tây giáo hội. Thần tánh của Đức Chúa Con được giải quyết xong tại Giáo Hội Nghị Nicea; thần tánh của Đức Thánh Linh tại Hội Nghị Constantinople; và sự lưu xuất của Đức Thánh Linh ra từ Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con tại Giáo Hội Nghị Toledo.Hiện diện của tà giáo đã buộc hội thánh phải giải quyết các vấn đề giáo lý trọng đại này.

E. Abelard (1079-1142)

Những cách phát biểu của Abelard về Đức Chúa Trời Ba Ngôi đã khiến ông bị lên án là theo tà giáo Sabellianism. Ông nói danh xưng Đức Chúa Cha đại diện cho quyền uy; danh xưng Đức Chúa Con đại diện cho sự khôn ngoan; danh xưng Đức Thánh Linh đại diện cho sự tốt lành. Đôi khi dường như ông có nói lên những phân biệt ngôi vị thực sự trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời,nhưng những minh họa và những cách diễn đạt của ông ở những lúc khác lại thiên về Hình Thức Thuyết.

F. Thomas Aquinas (1225-1274)

Nơi Thomas có sự hiểu biết chính thống thường lệ về Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, nhìn chung, những thế kỷ trước Cuộc Cải Chánh chỉ bổ sung rất ít vào giáo lý về Đức Thánh Linh ngoài những điều đã được Augustine hệ thống hóa rất rõ. Ở Tây giáo hội, tuy vẫn còn ảnh hưởng của Augustine, nhưng Hội Thánh đã đi theo thuyết Bán Pelagianism (không còn nhấn mạnh nguyên tội và nhấn mạnh quyền tự do của ý chí con người). Tình trạng này kèm với chủ nghĩa tăng lữ ngày càng mạnh và những hậu quả của nó (đề xướng những quyền hành đặc biệt của giới tăng lữ) có khuynh hướng cản trở tâm trí nhiều người nghiên cứu thêm về Đức Thánh Linh. Dù có nhiều khuynh hướng thiên về thần bí thuyết của một số người, vẫn không có nghiên cứu thật sự tươi mới nào về giáo lý Đức Thánh Linh mãi cho đến Cuộc Cải Chánh.

III. TỪ CUỘC CẢI CHÁNH CHO ĐẾN HIỆN NAY

A. Cuộc Cải Chánh Tin Lành (1517)

Mãi đến Cuộc Cải Chánh, sự chú tâm của hội thánh vẫn chỉ hướng về thân vị của Đức Thánh Linh. Trong Cuộc Cải Chánh, sự chú tâm đã hướng về công tác của Ngài. Về thân vị của Đức Thánh Linh, mọi tuyên ngôn đức tin Cải Chánh đêu diễn tả giáo lý chánh thống về Đức Thánh Linh đối với những Thân Vị khác của Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Về công tác của Ngài, đã có sự nhấn mạnh mới mẻ vào lẽ cần thiết của công tác Thánh Linh tái sinh con người vì có sự quay trở lại điểm nhấn mạnh của Augustine về tình trạng hoàn toàn bại hoại của con người.

Một đóng góp quan trọng khác của những nhà Cải Chánh là sự nhấn mạnh nhu cầu cần sự soi sáng của Đức Thánh Linh. Giáo hội Lamã dạy rằng chỉ linh mục có thể giảng giải Lời Chúa, còn những nhà Cải Chánh ủng hộ rộng rãi việc nghiên cứu Kinh Thánh, khẳng định mọi tín hữu đều có thể được học những chân lý của Kinh Thánh bởi chức vụ dạy dỗ của Đức Thánh Linh.

Điểm nhấn mạnh của Luther về sự xưng nghĩa bởi đức tin khiến ông phải luận nhiều về công tác của Đức Thánh Linh trong vấn đề này. Calvin nhấn mạnh những khía cạnh trong công tác của Đức Thánh Linh có liên quan đến Đức Chúa Trời Ba Ngôi và chức vụ của Đức Thánh Linh trong tấm lòng và đời sống các tín hữu.

Những văn kiện và bản tín điều khác nhau phát xuất từ Cuộc Cải Chánh đều giống nhau trong tính chính thống của chúng. Bản Tuyên Ngôn Augsburg, Những Tín Điều Anh Giáo, Tuyên Ngôn Formula Concordiae,Tuyên Ngôn Helvetic, và Tuyên Ngôn Westminster, tất cả đều khẳng định thần tính Đức Thánh Linh theo Giáo Hội Nghị Chalcedon, bao gồm mệnh đề “và Đức Chúa Con”(filioque) cũng như những điểm nhấn mạnh đặc thù đã được chính Cuộc Cải Chánh đưa ra ánh sáng. Thực ra, có thể nói mãi đến thời kỳ Cải Chánh mới có một giáo lý được triển khai rõ về Đức Thánh Linh.

B. Phái Socinians và Arminians

Hầu như mọi phong trào tôn giáo đều kéo tiếp theo đó những quá khích và những phản ứng. Cuộc Cải Chánh cũng không ngoại lệ.Một số người đã tiến đến thái cực quá khích của lòng nhiệt thành mất quân bình và thần bí thuyết mất quân bình. Một số người khác có khuynh hướng thiên về chủ nghĩa duy lý mà hầu như hoàn toàn bỏ qua công tác của Đức Thánh Linh trong đời sống. Trong thế kỷ thứ 16, phái của Socinius tuyên bố rằng thật sai lầm khi tin những thân vị của Đức Chúa Trời Ba Ngôi đồng sở hữu một bản thể duy nhất. Trong sự dạy dỗ này, họ lập lại thuyết của phái Arians, nhưng còn vượt xa hơn ở chỗ chối bỏ sự tiền tại của Đức Chúa Con và định nghĩa Đức Thánh Linh là “một đức hạnh hoặc năng lực từ Đức Chúa Trời tuôn chảy đến con người.”

Từ chính giáo hội Cải Chánh đã nảy sinh rắc rối nghiêm trọng về điều được gọi là thần học của Arminius (Arminius,1560-1609). Toàn bộ khuynh hướng của sự dạy dỗ này nhằm nhấn mạnh nỗ lực và ý chí con người, và khiến sự cứu rỗi trở thành công việc của con người chứ không phải công việc của Đức Chúa Trời, và ý chí của con người thay thế cho công tác của Đức Thánh Linh trong sự tái sinh.

Giáo Hội Nghị Dort (1618-1619) đã họp lại giải quyết vấn đề này, và lên án thần học Arminius, nhấn mạnh cách mạnh mẽ nhất có thể có được về nhu cầu cần công tác và năng quyền của Đức Thánh Linh. Tuy nhiên Giáo Hội Nghị này đã không xóa bỏ thần học của Arminius, và thần học này vẫn phát triển đến ngày nay. Phong trào Thanh Giáo Anh Quốc đã làm được nhiều việc hơn để đối phó thuyết Arminianism bởi điểm nhấn mạnh của mình về giáo lý Ân điển.

C. John Owen (1616-1683)

Một trong những đóng góp quan trọng nhất của phái Thanh Giáo là tác phẩm của Owen tựa đề Luận Về Đức Thánh Linh (Discourse Concerning the Holy Spirit.) Nhiều người nghĩ tác phẩm của ông không bao giờ bị bỏ. Đây là sự triển khai về những nguyên tắc trọng đại của Cải Chánh về Đức Thánh Linh và đời sống Cơ đốc.

D. Abraham Kuyper (1837-1920)

Tác phẩm của Kuyper cũng là tác phẩm kinh điển trong lãnh vực của nó, đặc biệt khi chủ nghĩa Duy Lý lan tràn khắp Châu Âu.Swedenborg (1688-1772) phủ nhận Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Schleiermacher (1768-1834) dù phản đối chủ nghĩa Duy Lý đang thịnh hành bằng cách nhấn mạnh nhu cầu và thực tại của tôn giáo cá nhân, nhưng vẫn phủ nhận những thực tại khách quan của Sự Nhập Thể, thập tự giá, và sự giáng lâm của Đức Thánh Linh.Giáo thuyết của ông về Đức Chúa Trời Ba Ngôi thiên về thuyết Sabellianism (Hình Thức Thuyết) - các ngôi vị của Đức Chúa Trời Ba Ngôi chỉ là những phương thức biểu hiện. Thân vị riêng biệt của Đức Thánh Linh đã bị phủ nhận, và công tác của Đức Thánh Linh được định nghĩa là “Linh tập thể của một sự sống đoàn thể mới do Đấng Christ khởi xướng.” Ritschl (1822-1889) đã phục hưng Duy Nhất Thần Thuyết (Monarchianism) của Paul xứ Samosata. Thần học của ông đã là thần học không có siêu hình học, nên điều đó tất nhiên ảnh hưởng đến quan điểm của ông về Đức Thánh Linh.

E. Phái Anh Em Plymouth (The Plymouth Brethren) (1825)

Nhờ phái Anh Em này chúng ta có sự hiểu biết đúng về chức vụ làm báptêm của Đức Thánh Linh và bản chất đặc trưng của hội thánh thời Tân Ước. Hội Thánh chịu ơn rất nhiều nơi lời chứng của phái Anh Em này về tầm quan trọng của Lời Đức Chúa Trời, sự soi sáng của Đức Thánh Linh, và địa vị tín hữu có được trong Đấng Christ bởi công tác của Đức Thánh Linh. Đã có nhiều vụ ly giáo đáng tiếc bên trong nhóm của họ, nhưng nhóm Plymouth Brethren đã có lời chứng quan trọng cho sự hiện diện, năng quyền và sự hướng dẫn dắt của Đức Thánh Linh trong hội thánh.

F. Tân Chánh Thống (Neo-orthodoxy)

Tân Chánh Thống là một phong trào của thế kỷ thứ hai mươi, phát xuất từ thần học của Karl Barth (1886-1968). Đây là phản ứng chóng lại thần học tự do đã thống lĩnh cho đến khi những nỗi kinh hoàng của cuộc thế chiến buộc con người phải suy nghĩ nghiêm túc hơn về tội lỗi và tình trạng bất tài không giải quyết nổi những nan đề của riêng họ. Phong trào Tân Chánh Thống đã tuyên bố mình là một cuộc cải chánh mới để kêu gọi con người quay lại với Kinh Thánh. Phong trào đã làm điều này, nhưng không phải quay về với Kinh Thánh của những nhà Cải Chánh, vì các nhà thần học Tân Chánh Thống đã sẵn sàng chấp nhận những sự dạy dỗ của phái tự do về tính chính xác và tính chân lý của Kinh Thánh, đồng thời cố gắng rao giảng sứ điệp của Kinh Thánh.

Dù Tân Chánh Thống có số người dẫn giải và ủng hộ bằng với số nhà thần học Tân Chánh Thống, nhưng nhìn chung có thể nói quan điểm của họ về Đức Thánh Linh còn nhiều điều đáng trách. Hầu hết các tác giả Tân Chánh Thống chối bỏ thân vị riêng biệt của Đức Thánh Linh và khẳng định thần tánh của Ngài chỉ ở chỗ Ngài được trình bày như là một biểu hiện thiên thượng của Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh được xem như là một hoạt động của Đức Chúa Trời hơn là một Thân Vị của Đức Chúa Trời Ba Ngôi.

Quan điểm của riêng Barth về Đức Chúa Trời Ba Ngôi đã được gọi là Hình thức thuyết, dù vậy ông sẽ không chịu chấp nhận từ ngữ này. Ông không chấp nhận điều thường được nghĩ như là Hình thức thuyết về biểu hiện thiên thượng của Đức Chúa Trời theo ba phương thức vì cho rằng nó nói quá ít trong việc diễn tả đúng giáo lý Ba Ngôi. Mặt khác, ông không chấp nhận từ ngữ “thân vị” cho Đức Chúa Trời Ba Ngôi vì kể là đã dạy quá nhiều; tức dạy Tam Thần Thuyết (tritheism) hoặc Ba Đức Chúa Trời. Quan điểm của ông dường như cho rằng Đức Chúa Trời Ba Ngôi là một phương thức biểu hiện gồm ba phần và không hề là ba thân vị. Trái với hầu hết các giáo sư Tân Chánh Thống, chính bản thân Barth thực sự tin thần tánh của Đức Thánh Linh.

G. Phái Tân Tự Do (Neoliberalism)

Sự dấy lên và chấp nhận rộng rãi thần học Tân Chánh Thống đã khiến cho thần học tự do phải tra xét những nguyên lý của chính họ. Kết quả đã có thuyết Tân Tự Do, là thuyết tự do cũ cộng với khuynh hướng lưu ý nghiêm túc hơn về tội lỗi và bớt lạc quan hơn. Phương thức tiếp cận những nan đề của thế giới của thuyết này có lẽ đã khác đi, nhưng những sự dạy dỗ của nó không khác bao nhiêu với chủ thuyết tự do trước kia. Phái Tân Tự Do nhanh chóng tống khứ hoàn toàn giáo lý chánh thống về Đức Thánh Linh, đơn giản vì họ không tin Thần tánh của Ngôi Hai trong Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Do đó trên thực tế không có Đức Chúa Trời Ba Ngôi, và dĩ nhiên không có Đức Chúa Trời ngôi ba. Đức Thánh Linh chỉ là một chức năng của Đức Chúa Trời chứ không hề sở hữu bất cứ phẩm chất đặc trưng nào của thân vị tánh.

H. Thuyết Ngũ Tuần

Rõ ràng chủ thuyết Tân Ngũ Tuần là một phản ứng chống lại tình trạng vô sinh đã bắt đầu tiêu biểu cho các hội thánh đã vững lập trong kỷ nguyên hiện đại. Nó nhấn mạnh phép Báptêm của Thánh Linh như công tác thứ nhì của Ân điển để ban năng quyền, và quảng bá sự quay lại kinh nghiệm tất cả ân tứ đã được ban và được sử dụng trong thời Tân Ước. Giáo lý chánh thống về thân vị của Đức Thánh Linh được thừa nhận; chính thực tại của công tác của Đức Thánh Linh trong đời sống Cơ đốc nhân là điều được đề cao và không phải luôn luôn được đề cao đúng đắn.

Như vậy trong phạm vi lịch sử Hội Thánh, ta thấy trước hết có sự phát biểu điều đã được gọi là giáo lý chính thống về Đức Thánh Linh, kế đến định nghĩa giáo lý đó trong những Giáo Hội Nghị đầu tiên, rồi đến sự triển khai giáo lý đó trong Cuộc Cải Chánh. Cứ mỗi một cao trào nhằm định nghĩa hoặc phát triển chân lý này, thì luôn có kèm những phong trào tách xa khỏi chân lý ấy, hoặc dưới hình thức sự nguội lạnh của chủ nghĩa duy lý, hoặc dưới hình thức của nhiệt tình mất quân bình và thần bí thuyết mất quân bình. Lịch sử đáng phải dạy chúng ta biết giáo lý chánh thống không những quan trọng cho đức tin mà còn quan trọng không kém cho sự sống. Có lẽ chẳng còn sự kết hợp giữa chân lý và sự sống trong giáo lý nào quan trọng hơn là trong giáo lý về Đức Thánh Linh.