Hội Thánh chiếm địa vị độc đáo trong những mục đích của Đức Chúa Trời. Dầu Đức Chúa Trời đã tự liên hệ với những nhóm người khác, hoạt động của Ngài đối với hội thánh vẫn là đặc biệt. Chúa đã phán: “Ta sẽ lập hội thánh ta” và đó là công tác đặc biệt của Ngài ngày nay. Những lời phán của Đấng Christ cho thấy những đặc trưng phân biệt cụ thể về hội thánh: (a) Hội thánh là một công tác còn trong tương lai đối với đời sống trên đất của Ngài;(b) Hội thánh nó không là một với vương quốc mà Ngài cũng đã dạy dỗ; (c) Hội thánh chắc phải khác với chế độ thần quyền của Ysơraên. Bây giờ chúng ta sẽ khảo sát những điểm đặc trưng này và một số những điểm khác.

I. MỐI LIÊN HỆ CỦA HỘI THÁNH VỚI VƯƠNG QUỐC

Có nhiều sự lẫn lộn vì không cẩn thận định nghĩa, phân biệt và đối chiếu hội thánh với vương quốc. Dựa trên tác phẩm Thành Phố Của Đức Chúa Trời của Augustine, sự đánh đồng hội thánh và vương quốc dẫn đến kết quả thẩm quyền tuyệt đối của Giáo Hội trên đất. Thuyết Hậu Thiên Hy Niên xây dựng nước thiên đàng thuộc trần gian trên sự tăng trưởng và thành công của hội thánh. Khái niệm thần trị (theonomy) sai lầm đã xem nhiệm vụ của hội thánh là thiết lập luật pháp Cựu Ước của Đức Chúa Trời trên các vương quốc thế gian ngày nay. Thần học Cải Cách, kém phần đụng chạm hơn thần luật, xây dựng trên khái niệm về quyền tể trị của Đấng Christ trên mọi cấu trúc của thế giới này,và xem hội thánh là tác nhân chủ yếu để hoàn tất điều này. Đâu là mối liên hệ giữa hội thánh và vương quốc?

A. Ý Nghĩa Của Vương Quốc

Tự điển định nghĩa vương quốc là một cộng đồng có tổ chức về mặt chính trị. Vì thế vương quốc gồm (những) người cai trị, kẻ bị trị và địa hạt. Để định nghĩa một vương quốc nào đó, cần nêu nhiều câu hỏi: ai là người cai trị? Ai là những kẻ bị trị? Vương quốc này có khi nào và ở đâu? Có thể và cần phải phân biệt nhiều loại vương quốc trong Kinh Thánh bằng cách nêu những câu hỏi như vậy.

B. Những Khái Niệm Khác Nhau Về Vương Quốc

1. Vương quốc phổ thông.

Thánh Kinh bày tỏ Đức Chúa Trời là Vua cai trị toàn thế giới này (ISu 29:11; Thi 145:13). Đúng theo nghĩa của từ, Ngài thực thi pháp quyền trên các quốc gia của thế gian này, chỉ định những người cai trị theo sự chọn lựa của Ngài, và đoán xét thế gian (Thi 96:13; Da 2:37). Trong suy nghĩ của người Do thái, khái niệm về vương quốc này đã bắt đầu từ Ađam, bị biến dạng khi tội lỗi xâm nhập, thế nhưng vẫn tiếp tục cho đến Ápraham, người đã tái kêu gọi dân sự đến với vương quốc nhưng chỉ thành công một phần (chứng kiến sự phản loạn của Sôđôm và Gômôrơ). Tuy nhiên, khi Ysơraên tiếp nhận Luật Môise, vương quốc này được tái lập, dù vậy sự phản nghịch làm hư hoại hầu như ngay lập tức (với con bò vàng) và cứ lập đi lập lại suốt lịch sử của Ysơraên. Chỉ một nhóm dân sót tin kính đã phục hưng vương quốc này. Chỉ có Đấng Mêsia mới hiện thực trọn vẹn vương quốc này.

Thần học Cơđốc công nhận khái niệm về một vương quốc phổ thông (dầu vậy thường bao gồm cả thiên sứ trong đó, còn Dothái giáo không đưa vào). Đức Chúa Trời là Vua cai trị trên các quốc gia (Kh 15:3)và đến cuối cùng họ sẽ trả lời với Chúa khi Ngài đoán xét họ (Thi 110:6).

Nói tóm lại, trong một vương quốc phổ thông Đức Chúa Trời là Vua cai trị; Ngài cai trị trên tất cả; và Ngài cai trị trong cả cõi thời gian và cõi đời đời.

2. Vương quốc của Đavít / của Đấng Mêsia.

Cả Do thái giáo lẫn thần học Cơđốc Tiền Thiên Hy Niên đều dành vị trí quan trọng cho khái niệm vương quốc này. Là vương quốc Đavít vì các lời hứa về vương quốc đã được lập trong giao ước vĩ đại với Đavít (IISa 7:12-16). Là vương quốc của Đấng Mêsia vì Đấng Mêsia sẽ là Vua cai trị. Vương quốc này sẽ diễn ra khi Đấng Christ trở lại lần thứ hai, lúc đó Ngài sẽ thiết lập vương quốc của Ngài và làm trọn những lời hứa đã hứa cùng Đavít. (Xem phần luận thêm trong phần lai thế học,bắt đầu từ chương 77.)

Nói tóm lại, trong vương quốc của Đấng Mêsia và của Đavít, Đấng Christ sẽ là Vua cai trị; Ngài sẽ cai trị trên đất và cư dân của đất trong một ngàn năm sau sự đến lần thứ hai của Ngài.

3. Hình Thức Mầu Nhiệm Của Vương Quốc Này.

Trong Mathiơ 13, Đấng Christ bày tỏ những điều mầu nhiệm liên quan đến khái niệm về vương quốc này (c.11). Hòa hợp với nghĩa “mầu nhiệm,” điều này có nghĩa là Ngài đã nói cho các môn đồ một số điều thuộc về vương quốc mà trước kia chưa từng được biết. Như vậy, ý về vương quốc này bắt đầu khi Chúa chúng ta dạy dỗ và sẽ kết thúc tại thời điểm Ngài trở lại lần thứ hai (các câu 39-40). Nói cách khác,đây là khái niệm vương quốc được dùng để bao gồm thời kỳ giữa hai lần đến của Đấng Christ. Đấng Cai trị là Đức Chúa Trời. Kẻ bị trị là những con người trên mặt đất này, là những người đã liên hệ chính họ cách tích cực, trung lập, hoặc là tiêu cực với “Cơ đốc giáo giới” (bao gồm những tín hữu thật, những người xưng là tín hữu, những kẻ khước từ, và ngay cả những kẻ chống đối nữa). Thời gian là khoảng thời gian giữa những lần hiện đến của Ngài.

4. Vương quốc thuộc linh.

Thuộc linh có lẽ không phải là tên gọi hay nhất (tôi lấy chữ này từ James Buswell, Systematic Theology [Grand Rapids, MI: Zondervan, 1962], 2:346), nhưng dường như không còn chữ nào khác tốt hơn để mô tả đặc điểm khái niệm vương quốc này. Nó nói đến vương quốc mà tất cả các tín hữu đã được đặt vào (Co 1:13), và họ được bước vào đó bởi sự tái sinh. Vua cầm quyền của vương quốc này là Đấng Christ; trong khái niệm vương quốc này, Ngài chỉ cai trị trên tín hữu mà thôi; và quan hệ này hiện đang tồn tại.

C. Mối Quan Hệ Của Hội Thánh Với Những Vương Quốc Này

1. Đối với vương quốc phổ thông.

Theo ý nghĩa hội thánh ở trong thế gian thì hội thánh là một phần vương quốc phổ thông của Đức Chúa Trời. Ngài đã hoạch định, đã khai sinh và đang cai trị trên Hội thánh, giống như Ngài đang cai trị trên mọi phương diện thuộc về vũ trụ của Ngài.

2. Đối với vương quốc Đấng Mêsia / Đavít.

Hội thánh không phải là một phần của vương quốc này. Khi vương quốc này sẽ được thiết lập, hội thánh đã sống lại rồi và sẽ đồng trị với Đấng Christ trên vương quốc thiên hy niên.

3. Đối với hình thức mầu nhiệm của vương quốc này.

Vì hội thánh là một phần của Cơ đốc giáo giới, nên cũng là một phần khái niệm vương quốc này.

4. Đối với vương quốc thuộc linh.

Hội thánh thật, là Thân Thể Đấng Christ, tương đương với khái niệm vương quốc này.

Nếu muốn cố gắng tóm tắt mối liên hệ giữa hội thánh với vương quốc, thì sẽ phải nói có liên quan nhưng không tương đương với một số khái niệm nhất định về vương quốc; không liên hệ với một khái niệm khác;và nó lại tương đương với một khái niệm khác nữa. Phải định nghĩa được khái niệm vương quốc trước khi có thể quyết định mối liên hệ của hội thánh đối với khái niệm đó.

II. MỐI LIÊN HỆ CỦA HỘI THÁNH VỚI YSƠRAÊN

Hội Thánh đứng riêng biệt đối với dân Ysơraên, và mãi đến Ngày Lễ Ngũ Tuần mới khởi đầu, và như vậy không tồn tại trong thời Cựu Ước.

Sự phân biệt dân Ysơraên với hội thánh được xác minh bởi nhiều sự kiện. (1) Trong Tân Ước dân Ysơraên thuộc thể và dân ngoại được đối chiếu tương phản sau khi hội thánh đã được thiết lập rõ ràng (Cong 3:12;4:8,10; 5:21,31,35,21:19). (2) Dân Ysơraên thuộc thể và hội thánh được phân biệt rõ ràng, chứng tỏ hội thánh không phải là dân Ysơraên (ICo 10:32). Sự phân biệt này của sứ đồ sẽ vô nghĩa nếu Ysơraên với hội thánh là một. (3) Ga 6:16 không cung cấp bằng chứng rõ ràng nào chứng minh hội thánh được xem là tương đương với Ysơraên. Chỉ khi nào chữ kai mang tính giải nghĩa thì cụm từ này mới xem dân Ysơraên của Đức Chúa Trời là tương đương với Sự Dựng Nên Mới, là hội thánh.Nhưng kai này có lẽ là để nhấn mạnh, nhấn mạnh một phần quan trọng đặc biệt (những tín hữu người Do thái) trong lời chúc phước trên toàn thể hội thánh (như từ kai ở trong Mac 16:7 và Cong 1:14). Hoặc có lẽ nó chỉ liên hệ những Cơ đốc nhân Do thái với Tạo Vật Mới. Ý chính của thư Galati không ủng hộ cách dùng mang tính giải thích (là cách dùng duy nhất có thể xác định hội thánh là dân Ysơraên). Vì Phaolô đã kịch liệt công kích những người Do thái duy luật, nên có thể cho rằng ông đã chọn ra để chúc phước đặc biệt những người Do thái nào đã từ bỏ khuynh hướng duy luật và thực sự đi theo Đấng Christ.

III. MỐI LIÊN HỆ CỦA HỘI THÁNH VỚI THỜI ĐẠI NÀY

Hội Thánh không tồn tại trong thời Cựu Ước nhưng đã được thiết lập trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Hội thánh là riêng biệt cho thời kỳ hiện tại. Bốn tuyến chứng cứ xác nhận kết luận này:

(1) Chúa chúng ta phán “Ta sẽ lập hội thánh Ta” (Mat 16:18). Ngài đã không nói Ngài sẽ tiếp tục thêm vào cho một điều đã hiện hữu rồi, nhưng phán rằng Ngài sẽ làm một điều mà vẫn chưa bắt đầu.

(2) Hội thánh đã không thể có cái Đầu thực hiện đúng chức năng được cho đến sau sự phục sinh của Đấng Christ; do đó, hội thánh không thể hiện hữu cho đến một thời điểm nào đó sau khi Chúa sống lại từ trong kẻ chết (Eph 1:20).

(3) Hội thánh ắt đã không thể là một thực thể đang hoạt động có những ân tứ thuộc linh đang vận hành cho đến sau khi Đấng Christ thăng thiên (Eph 4:7-12).

(4) Đặc điểm mầu nhiệm của một thân thể duy nhất này chưa từng được biết đến trong thời Cựu Ước (Eph 3:5-6; Co 1:26) Trong tiếng Hylạp cổ điển, musterion nói đến điều bị giấu kín hoặc bí mật. Nó chỉ rõ những lễ nghi thiêng liêng của các tôn giáo huyền bí Hylạp, những bí mật mà chỉ người được khai tâm mới chia sẻ. Trong Các Cuộn Biển Chết, những từ tương đương không nói đến những điều chưa được biết, nhưng nói đến sự khôn ngoan vượt trên hiểu biết hữu hạn. Trong Cựu Ước, từ ngữ tương đương chỉ xuất hiện trong Da 2:18-19,27-30,47;4:9. Như vậy khái niệm sự huyền nhiệm là khái niệm về một bí mật mà chỉ có những người thụ giáo đã được khai sáng mới chia xẻ. Nó cũng bao hàm hai ý: (a) một thời điểm mà bí mật này chưa được biết đến và tiếp theo đó là thời điểm nó được biết đến ; và (b) sự khôn ngoan sâu nhiệm hơn hoặc cao vời hơn được bày tỏ cho những người đã được khai tâm.

Đâu là nội dung của sự mầu nhiệm trong những phân đoạn này? Đó là: các dân ngoại sẽ là những người đồng thừa kế, những đồng thành viên trong thân thể, những người cùng dự phần lời hứa trong Đấng Christ bởi Phúc Âm. Dân ngoại sẽ dự phần trong kế hoạch cứu chuộc của Đức Chúa Trời là vấn đề đã được bày tỏ trong Thánh Kinh Cựu Ước (Sa 12:3; Es 42:6-7), vì thế chân lý này không hề là bí mật. Nhưng vấn đề sẽ có một thân thể chung cho người Do thái và người ngoại bang dự phần chính là điều chưa được bày tỏ trong Cựu Ước. Tra cứu Thánh Kinh Phù Dẫn về cách dùng từ ngữ “thân thể” sẽ nhanh chóng cho thấy dứt khoát rằng trong Cựu Ước không hề xuất hiện ý niệm về thân thể của Đấng Christ hoặc của bất cứ thân thể nào để những người được chuộc được đặt vào. Lần đầu tiên Phaolô dùng từ ngữ “thân thể” nói đến thân thể của Đấng Christ là trong phần bàn luận mở rộng khái niệm đó ở ICo 12:12-25. Lần kế tiếp là trong Ro 12:5, và mọi lần dùng khác xuất hiện trong Êphêsô và Côlôse. Trong Eph 2:15 một từ đồng nghĩa cho một thân thể duy nhất đó (c.16) là chữ “người mới.” Rõ ràng sự mầu nhiệm này chưa từng được biết đến trong thời Cựu Ước, và vì thân thể này là con người mới chứ không phải là sự nối tiếp hoặc một sự tái tạo dựng dân Ysơraên.

Dù có sự nối tiếp giữa những người được chuọc thuộc mọi thời đại (đơn giản vì họ được chuộc và vận mệnh chung của họ là thiên đàng), nhưng có sự gián đoạn vì người được chuộc hiện nay được đặt trong thân thể của Đấng Christ chứ không trong một thể loại nào đó của dân Ysơraên. Tương tự, những người được chuộc trước thời Ápraham (như Hênóc và Nôê) đã không thuộc về Ysơraên, tuy nhiên họ vẫn thuộc gia đình của Đức Chúa Trời. Cho nên có những người được chuộc thời tiền - Ysơraên (những thánh đồ trước Ápraham) và những thánh đồ hậu - Ysơraên (Cơ đốc nhân trong thân của Đấng Christ).

Nhưng không phải chữ “mà” (as) ở 3:5 chỉ có nghĩa sự mầu nhiệm về một thân thể này chỉ tương đối chưa được biết đến trong Cựu Ước sao? Để ý là không hề có ý tưởng “được biết ít hơn/ được biết rõ hơn” trong phân đoạn song hành trong Co 1:26, là nơi sự đối chiếu tương phản rõ ràng là “chưa được biết/ được biết.” Kết hợp hai phân đoạn này lại, từ ngữ “mà” ở Eph 3:5 không được phép mang ý so sánh. Dĩ nhiên, chữ mà (as) có thể còn những nghĩa khác. Có thể nó giới thiệu một mệnh đề bổ sung thêm thông tin (như rõ ràng trong Cong 2:15 - các sứ đồ hoàn toàn không phải là ít say hơn mức đám đông suy nghĩ). Hoặc với thể phủ định đi trước thì từ ngữ này có thể mang nghĩa “nhưng” (như trong ICo 7:31). Nói cách khác, thân thể mới này đã không được biết đến trong các thời đại khác, nhưng được bày tỏ hiện nay. Và vì hội thánh là thân thể của Đấng Christ, và vì thân thể đó đã chưa được bày tỏ và chưa hoạt động cho đến thời đại Tân Ước, nên hội thánh là điều riêng biệt cho thời đại này.

IV. MỐI LIÊN HỆ GIỮA HỘI THÁNH VỚI CHÚA JESUS CHRIST

Trong thời gian chức vụ trên đất của Ngài,Chúa chúng ta tuyên bố Ngài sẽ làm một điều mới trong việc lập hội thánh Ngài (Mat 16:18). “Ta sẽ lập” rõ ràng là thì tương lai, nói lên đây là điều gì đó Đấng Christ vẫn chưa làm cho đến thời điểm đó. Thật ra hội thánh đã không bắt đầu như một thực thể hoạt động cho đến khi Đức Thánh Linh giáng xuống trong Ngày Lễ Ngũ Tuần. Vậy Chúa đối có mối liên hệ nào với hội thánh vì Hội thánh vẫn chưa hoạt động trong đời sống trên đất của Ngài?

Nói ngắn gọn, Ngài là Đấng sáng lập. Đó là hội thánh của Ngài (c.18). Ngài là Nền Tảng (ICo 13:11).

(1) Là Đấng sáng lập, Ngài đã chọn các môn đồ mà họ cũng có chỗ trong nền tòa nhà đó (Eph 2:20).

(2) Là Đấng sáng lập, Ngài đã dạy các môn đồ những điều sẽ mang lại kết quả khi hội thánh bắt đầu hoạt động. Hầu hết sự dạy dỗ đó được ký thuật trong Bài Giảng Trên Phòng Cao (Giăng 13-17). Một số lời dạy của Đấng Christ liên quan đến Luật Pháp Môise mà Ngài đã sống ở dưới đó, một số khác nói về vương quốc thiên hy niên trong tương lai, và một số nói về hội thánh tương lai. Bài Giảng Trên Phòng Cao đóng vai trò vườn ươm cho điều sẽ thấy sau này trong những thư tín Tân Ước. Một vài điều mới Ngài đã bày tỏ bao gồm một mạng lệnh mới (13:34), một hy vọng mới trong sự Cất Lên của hội thánh (14:1-3),một mối liên hệ mới (các người ở trong Ta và Ta trong các ngươi, c.17), và một nền tảng mới cho sự cầu nguyện (16:24).

(3) Đấng sáng lập cũng đã trở nên Đá Góc Nhà bởi sự chết và sự phục sinh của Ngài (Cong 4:11; Eph 2:20). Ngài đã mua hội thánh bằng chính huyết Ngài (Cong 20:28). Sự phục sinh và thăng thiên của Ngài đã khiến Ngài trở nên Đầu của hội thánh (Eph 1:20-23), trong tư cách đó - cùng với những điều khác - Ngài ban các ân tứ cho những chi thể của thân Ngài (4:8).

(4) Là Đấng sáng lập, Ngài cũng đã là Đấng sai phái Đức Thánh Linh là Đấng kích hoạt hội thánh trở nên một hữu thể hoạt động (Cong 2:23).

Vầng đá mà hội thánh đã được lập trên đó là gì? (Mat 16:18) một số người hiểu điều đó nói đến Phierơ. Nếu vậy, Đấng Christ đang chơi chữ petros (Phierơ) và petra (đá). Chữ petros thuộc giống đực và có nghĩa là một viên đá, còn từ petra thuộc giống cái và có nghĩa một vầng đá lớn.Vì những khác biệt này trong từ ngữ và giống, nên dường như không thể nói đến Phierơ. Đôi khi có người nghi một số người sợ kiểu giải nghĩa như vậy sẽ thêm phần hậu thuẫn lời của Giáo hội Công Giáo Lamã tuyên bố Phierơ là hòn đá mà hội thánh được xây dựng trên đó (như ý của hàng chữ Latin khắc chung quanh đế của mái vòm giáo đường Thánh Phierơ tại Rome, vì những từ ngữ khác nhau và giống khác nhau không bày tỏ ra trong tiếng Latin. Tuy nhiên, các sứ đồ thực sự là nền của hội thánh (Eph 2:20), dù vậy Phierơ - tuy có nổi bật đến thế đi nữa - đương nhiên đã không hề có chức quyền ưu việt của giáo hoàng (Cong 2:14; 10:34; Ga 2:11).

Một số người khác hiểu Đấng Christ là vầng đá được nói đến trong phân đoạn này cũng như Ngài là đá trong những phần Kinh Thánh khác (ICo 3:11; IPhi 2:5-9). Tuy nhiên, điều này dường như tạo ra một sự khác biệt giữa hai loại đá mà nó tương phản với mối nối kết gần gũi của chúng trong chính khúc Kinh Thánh. Hình thức sửa đổi của quan điểm này xem vầng đá là chính lời tuyên xưng Đấng Christ của Phierơ (Mat 16:16).

Có lẽ chân lý này kết hiệp những yếu tố của cả hai ý kiến; tức là: tảng đá là việc Phierơ sử dụng chìa khóa nước trời (c.19; Es 22:22) để rao truyền chân lý về Đấng Christ cho những người Do thái và những người ngoại bang.

Vậy Đấng Christ là Đấng sáng lập của hội thánh Ngài trong đó Ngài đã lựa chọn nền tảng là các sứ đồ, ban sự dạy dỗ cơ bản về những mối liên hệ trong hội thánh, phó sự sống của Ngài để trở nên Đá Góc Nhà,và rồi sai phái Đức Thánh Linh đến trong Ngày Lễ Ngũ Tuần để làm cho hội thánh hoạt động.

V. MỐI QUAN HỆ CỦA HỘI THÁNH VỚI ĐỨC THÁNH LINH

Lễ Ngũ Tuần đánh dấu sự mở đầu của hội thánh với tư cách một thân thể hoạt động bởi sự tuôn đổ Đức Thánh Linh trong ngày đó.Trước khi thăng thiên, Chúa hứa chẳng bao lâu các môn đồ sẽ được báptêm bằng Đức Thánh Linh (Cong 1:5). Dù từ ngữ “Báptêm” không xuất hiện trong phần ký thuật Lễ Ngũ Tuần của đoạn 2, từ đoạn 11:15-16 chúng ta thấy rõ ràng phép báptêm đã xuất hiện lần đầu tiên trong ngày đó, vì theo Phaolô (ICo 12:13), báptêm bằng Đức Thánh Linh đặt tín hữu vào trong thân thể của Đấng Christ, và vì thân thể của Đấng Christ là hội thánh (Eph 1:22-23), nên hội thánh, tức thân thể, đã bắt đầu khi những cá nhân đầu tiên ấy được báptêm vào ngày Lễ Ngũ Tuần.

Nhiều điều khác nữa đã xuất hiện trong Ngày Lễ Ngũ Tuần. Các môn đồ đã được đầy dẫy Thánh Linh (Cong 2:4). Ba ngàn người đã được báptêm bằng nước (c.41). Hội thánh hữu hình đã bắt đầu trong ngày đó (c.42-47).

Ngoài việc làm báptêm những người tin Đấng Christ vào thân thể, Đức Thánh Linh cũng cư trú trong mỗi cá nhân Cơđốc nhân (ICo 6:19), các hội thánh địa phương (3:16) và thân thể của Đấng Christ (Eph 2:22).Đức Thánh Linh cũng ban năng quyền, hướng dẫn, an ủi và ban các ân tứ cho hội thánh (Cong 1:8; 9:31; ICo 12:4). Theo một ý nghĩa hết sức thực tế, Đức Thánh Linh là sự sống và năng quyền sống động của hội thánh.