- Được viết bởi: Nguyễn Thiên Ý
- Chuyên mục: Thần Học Căn Bản của Charles C. Ryrie
Nhiều người gọi thế kỷ hai mươi là thế kỷ của Đức Thánh Linh. Sự xuất hiện và lan tràn của phong trào Ngũ Tuần cùng điểm nhấn mạnh các chức vụ của Đức Thánh Linh, và sự nở rộ điểm nhấn mạnh của Định Kỳ Thuyết vào các công tác của Đức Thánh Linh chính là nét đặc trưng của thời đại nầy. Mối quan tâm truyền giảng Tin Lành thế giới của thế kỷ nầy đã làm nổi bật nhu cầu biết quyền năng Đức Thánh Linh để hoàn thành công tác nầy. Dầu chú ý về công tác Đức Thánh Linh như vậy là điều tốt, nhưng không phải lúc nào nó cũng được hướng dẫn theo đúng Kinh Thánh; vì thế, ngày nay có nhu cầu còn lớn hơn: cẩn thận chú ý sự dạy dỗ của Kinh Thánh về đề tài nầy.
I. NGÀI LÀ MỘT THÂN VỊ
Sự phủ nhận khái niệm “Đức Thánh Linh là một Thân Vị” thường ở dạng thay thế khái niệm nầy, tức cho rằng Ngài là sự nhân cách hóa của quyền năng, chẳng hạn như vậy - rất giống cách tuyên bố Satan là sự nhân cách hóa của điều ác. Sự phủ nhận thân vị tính của Ngài thế nầy đã diễn ra suốt lịch sử hội thánh, trước tiên do phái Monarchian (phái Duy Nhất thần giáo), phái Arians, Socinians, và ngày nay là phái Unitarians, thần học tự do,và một số nhà thần học tân chánh thống khác.
A. Ngài Sở Hữu Và Thể Hiện Những Thuộc Tánh Của Một Thân Vị
1. Ngài có sự thông minh.
Ngài biết và dò xét những sự thuộc về Đức Chúa Trời (ICo 2:10-11); Ngài có lý trí (Ro 8:27); và Ngài có thể dạy con người (ICo 2:13).
2. Ngài bày tỏ các cảm xúc.
Ngài có thể bị làm buồn bởi những hành động tội lỗi của tín đồ (Eph 4:30 - là một ảnh hưởng thì không thể đau buồn).
3. Ngài có ý chí.
Ngài sử dụng ý muốn để phân phát các ân tứ cho thân thể Đấng Christ (ICo 12:11). Ngài cũng chỉ huy các hoạt động của Cơ đốc nhân (Cong 16:6-11).
Vì một thân vị thật thì có lý trí, cảm xúc và ý chí, và vì Đức Thánh Linh có các thuộc tánh nầy, nên Ngài phải là một thân vị.
B. Ngài Thể Hiện Những Hành Động Của Một Thân Vị
1. Ngài dẫn dắt chúng ta vào lẽ thật bằng cách nghe, nói, và bày tỏ (Gi 16:13).
2. Ngài cáo trách tội lỗi (Gi 16:8).
3. Ngài thi hành các phép lạ (Cong 8:39).
4. Ngài cầu thay (Ro 8:26).
Đây là những hoạt động mà một ảnh hưởng hay một sự nhân cách hóa không thể làm được, nhưng lại là những hoạt động mà Kinh Thánh cho thấy Đức Thánh Linh có thể làm được.
C. Ngài Nhận Những Sự Quy Gán Mà Chỉ Dành Cho Một Thân Vị
1. Ngài là Đấng mà người ta phải vâng lời (Cong 10:19-21).
2. Ngài có thể bị người ta nói dối (Cong 5:3).
3. Ngài có thể bị chống cự (Cong 7:51).
4. Ngài có thể bị làm buồn (Eph 4:30).
5. Ngài có thể bị nói phạm thượng (Mat 12:31).
6. Ngài có thể bị khinh lờn (He 10:29).
Cho rằng người ta hành động và phản ứng với một ảnh hưởng bằng những cách như thế nầy thì thật là một suy nghĩ phi lý.
D. Ngài Liên Hệ Như Một Thân Vị Với Người Khác
1. Với Các Sứ Đồ.
Cách Ngài quan hệ với các sứ đồ tỏ ra cá tính đặc biệt của chính Ngài (Cong 15:28). Ngài là một Thân Vị cũng như họ là những thân vị vậy; tuy nhiên, Ngài là một Thân Vị đặc biệt và có thể nhận biết được.
2. Đối với Chúa Jesus.
Ngài liên hệ với Đức Chúa Jesus theo cung cách mà nếu Chúa Jesus có thân vị, thì phải kết luận Đức Thánh Linh cũng có thân vị. Tuy nhiên, Đức Thánh Linh là khác biệt với Đức Chúa Jesus Christ (Gi 16:14).
3. Với các thành viên khác trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời.
Đức Thánh Linh liên hệ với các Ngôi Vị khác trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời với tư cách của một Ngôi Vị bình đẳng (Mat 28:19; IICo 13:14).
4. Với chính quyền năng của Ngài.
Thánh Linh có liên hệ với quyền năng của chính Ngài, nhưng được phân biệt khỏi quyền năng đó để chúng ta không thể kết luận Ngài chỉ là sự nhân cách hóa của quyền năng (Lu 4:14; Cong 10:38; ICo 2:4).
E. Nhận Định Về Văn Phạm
Các trước giả Tân Ước nhiều lần dùng đại từ giống đực để chỉ về Thánh Linh (vốn là một danh từ giống trung). Ví dụ rõ ràng nhất về ngoại lệ đối với cách dùng từ bình thường về văn phạm nầy là Gi 16:13-14, trong đó, đại từ mô tả thuộc giống đực được dùng đến hai lần để chỉ về Đức Thánh Linh, Đấng được nói đến trong câu 13. Các câu Kinh Thánh khác không rõ bằng, vì đại từ giống đực được dùng tại đó có thể chỉ về chữ “Paraclete” (“Đấng Yên Ủi” - là đại từ giống đực, 15:26; 16:7-8) hoặc chỉ về chữ “của cầm” (cũng là đại từ giống đực, Eph 1:14-15). Dầu vậy, ngoại lệ rõ ràng cho trường hợp thông thường trong Gi 16:13-14 thực sự xác nhận thân vị tính thật của Đức Thánh Linh.
Mỗi tuyến bằng chứng Kinh Thánh nầy đều dẫn đến kết luận: dầu là một hữu thể thuộc linh, nhưng Đức Thánh Linh là một Thân Vị thực sự như Đức Chúa Cha, hoặc Đức Chúa Con, hoặc như chúng ta vậy.
II. NGÀI LÀ ĐỨC CHÚA TRỜI
Đức Thánh Linh không những là một thân vị,Ngài còn là một Thân Vị độc nhất vô nhị, vì Ngài là Đức Chúa Trời. Những bằng chứng về thân vị tính không nhất thiết là bằng chứng về Thần Tánh; nhưng những bằng chứng về Thần Tánh cũng chính là những bằng chứng về thân vị tính của Ngài. Nếu Đức Chúa Trời là một Thân Vị, và nếu Đức Thánh Linh cũng là Đức Chúa Trời, thì Ngài cũng là một Thân Vị nữa.
A. Các Danh Xưng Ngài Bày Tỏ Thần Tánh Ngài
Các danh xưng thiên thượng của Đức Thánh Linh bày tỏ Thần Tánh của Ngài. Ngài được liên hệ mười sáu lần với danh xưng của hai Ngôi Vị khác trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời (Cong 16:7 - “Thánh Linh của Đức Chúa Jesus” và ICo 6:11 - “Thánh Linh của Đức Chúa Trời chúng ta.”
Hơn nữa, chữ “khác” trong lời Chúa chúng ta hứa sai “một Đấng Yên ủi khác” (Gi 14:16) có nghĩa “một cái khác thuộc cùng một loại.” Nói cách khác, nếu Đấng Christ là Đức Chúa Trời, thì Đức Thánh Linh - một Đấng Yên ủi khác thuộc cùng một loại - cũng là Đức Chúa Trời.
B. Những Thuộc Tánh Của Ngài Là Những Thuộc Tánh Thuộc Về Một Mình Đức Chúa Trời Mà Thôi
Như đã thấy, Đức Thánh Linh có những thuộc tánh để cho thấy Ngài là một Thân Vị đích thực, nhưng Ngài cũng có những thuộc tánh mà chỉ một mình Đức Chúa Trời mới có, và do đó, chúng chứng tỏ Ngài là Thần.Những thuộc tánh nầy là toàn tri (Es 40:13; ICo 2:12), toàn tại (Thi 139:7), và toàn năng bởi công việc của Ngài trong Sự Sáng Thế (Giop 33:4; Thi 104:30).
Ngài còn là lẽ thật, tình yêu thương, Đấng ban sự sống, nhưng xét theo nghĩa tương đối, con người cũng có thể là những điều nầy nữa.
C. Những Hành Động Của Ngài Là Những Hành Động Chỉ Đức Chúa Trời Mới Làm Được
1. Ngài là nguyên nhân Sự Giáng Sanh Bởi Trinh Nữ (Lu 1:35).
2. Ngài là Tác Nhân ban Kinh Thánh được soi dẫn (IIPhi 1:21).
3. Ngài đã tham gia Sự Tạo Dựng thế gian (Sa 1:2). Ở đây cùng với những lần khác dùng chữ “Thần Đức Chúa Trời” trong Cựu Ước,chúng ta có thể thắc mắc những chữ nầy chỉ rõ ràng về Ngôi thứ ba trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời hay chỉ về Đức Chúa Trời là thần linh (vì Ngài là Thần linh). Khi giải nghĩa câu 2, Leupold trả lời thật sâu sắc câu hỏi nầy.
“Ở đây tuyệt đối không nói đến ai khác ngoài Đức Thánh Linh.... Có thể phải cần ánh sáng đầy đủ của khải thị Tân Ước mới giúp chúng ta phân biệt “Thần Đức Chúa Trời” ở đây cũng chính là Đấng mà Tân Ước gọi là Đức Thánh Linh; nhưng để có ánh sáng đó, chúng ta cần phải tin không chút lưỡng lự rằng sự khải thị ấy đã soi sáng ngược trở lại cho cách dùng cụm từ nầy của Cựu Ước... Há không hợp lý sao khi Đức Thánh Linh của sự soi dẫn chắc chắn đã dùng những chữ có liên quan đến hoạt động của Ngài như thế, đến nỗi khi khải thị đầy đủ của Tân Ước đến thì mọi tuyên bố về Đức Thánh Linh đều hài hòa trọn vẹn với sự khải thị về sau nầy?” (H.C. Leupold, Exposition of Genesis [Columbus: Wartburg, 1942], trang 49-50).
D. Những Mối Liên Hệ Của Ngài Với Các Ngôi Vị Khác Trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời Chứng Tỏ Thần Tánh Ngài
1. Thánh Linh Là Yahweh. Tân Ước xác định Đức Thánh Linh là Yahweh của Cựu Ước, đặc biệt là khi trích dẫn một phân đoạn Cựu Ước mà Đức Chúa Trời đã phán rồi quy lời phán đó cho Đức Thánh Linh (đối chiếu Cong 28:25 với Es 6:1-13 và He 10:15-17 với Gie 31:31-34). Đây là bằng chứng mạnh mẽ rằng các trước giả Tân Ước đã xem Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời.
2. Đức Thánh Linh và Đức Chúa Trời. Nói phạm thượng và nói dối Đức Thánh Linh cũng chính là làm những việc nầy cho Đức Chúa Trời (Mat 12:31-32; Cong 5:3-4).
3. Tính bình đẳng. Đức Thánh Linh liên hệ trên cơ sở bình đẳng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con (Mat 28:19; IICo 13:13).Trong câu Kinh Thánh ở Mathiơ, cách dùng chữ “danh” ở số ít làm vững mạnh bằng chứng nầy.
Ngài là một Thân Vị và Ngài là Đức Chúa Trời.