Khoảng 100 câu nói đến “Thần Đức Chúa Trời” trong Cựu Ước cung cấp bằng chứng cho công tác của Ngài trong thời kỳ đó. Tuy nhiên, không phải mọi người đều xem những câu nầy nói về Ngôi thứ ba của Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, P.K. Jewett tin rằng Cựu Ước không hề được dùng chữ Đức Thánh Linh để chỉ về “một Ngôi Vị khác biệt với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con,” nhưng đúng hơn là “một bản tánh thiên thượng được xem như năng lực sống còn” (“Holy Spirit,” The Zondervan Pictorial Encyclopedia of the Bible [Grand Rapids: Zondervan, 1975], 3:184). Tuy đúng là Cựu Ước không bày tỏ giáo lý Đức Chúa Trời Ba Ngôi, nhưng dường như vẫn truyền đạt ý Đức Thánh Linh là một Thân Vị, chứ không phải là năng lực sống còn (Thi 104:30). Leon Wood nhận định chính xác rằng: “Cũng thật quan trọng để nhận thấy vấn đề nhận diện Đức Thánh Linh trong Cựu Ước không phải là câu hỏi 'Người ta nghĩ gì về thành viên nầy trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời?’ nhưng là 'Chính Đức Chúa Trời là Đấng đã soi dẫn cho các trước giả này có ý định gì?’” (The Holy Spirit in the Old Testament [Grand Rapids: Eerdmans, 1976], trang 19). Và từ Tân Ước, chúng ta biết Đức Thánh Linh chính là Đấng đã hành động trong thời kỳ Cựu Ước (Cong 7:51; IIPhi 1:21).

I. CÔNG TÁC CỦA ĐỨC THÁNH LINH TRONG SỰ SÁNG THẾ

A. Bằng Chứng

Bảy câu Kinh Thánh nói về các phương diện khác nhau của công việc Thánh Linh trong công cuộc sáng thế. Đó là: Sa 1:2; Giop 26:13 (?); 27:3; 33:4; Thi 33:6; 104:30; và Es 40:12-14. Tuy có người cảm thấy đây không phải những câu nói rõ ràng về Đức Thánh Linh, nhưng thực ra không có lý do nào để không xem chúng nói về Đức Thánh Linh (dầu trong một số câu Kinh Thánh nầy, các bản dịch sẽ dùng chữ “hơi thở” thay vì “Thần Linh”).

B. Hoạt Động Của Thánh Linh

Đức Thánh Linh đã tham gia lập kế hoạch tổng quát cho vũ trụ (c. 12-14).

Thánh Linh cũng đã chủ động dựng nên các ngôi sao trên trời (Thi 33:6).

Thánh Linh đã dự phần công cuộc sáng thế (Sa 1:2). Chữ “vận hành” (chỉ tìm thấy thêm chữ nầy trong Phu 32:11, “bay chung quanh” hoặc “vẫy cánh;” và Gie 23:9, “run rẩy”) có nghĩa là Đức Thánh Linh bay lượn quanh và quan tâm đến trái đất còn chưa thành hình và chưa có cư dân nầy.

Đức Thánh Linh đã hành động để tạo dựng thú vật (Thi 104:30) và tạo dựng loài người (Giop 27:3; 33:4). Vì thế, phạm vi hoạt động của Ngài đã bao gồm mọi khía cạnh cơ bản của Sự Sáng Thế.

II. ĐỨC THÁNH LINH HÀNH ĐỘNG TRONG SỰ MẶC KHẢI VÀ SỰ LINH CẢM

Đức Thánh Linh đã là Tác Nhân của công tác mặc khải và ghi lại sứ điệp của Đức Chúa Trời cho loài người trong thời Cựu Ước, đấy chính là vấn đề được dạy rõ ràng trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước.

Phierơ nêu ra lời tuyên bố dứt khoát nhất về đề tài nầy trong IIPhi 1:21. Các lời tiên tri không bởi ý loài người mà ra,nhưng các tác giả đã được cảm động bởi, hoặc được dẫn đưa bởi, Đức Thánh Linh.Cũng một động từ nầy xuất hiện trong cả hai phần của câu, cho thấy ý chí của con người không phải là yếu tố cảm động, nhưng trái lại chính Đức Thánh Linh mới là Đấng cảm động. Những người viết ra đóng vai những tác nhân, nhưng ý chí của họ đã không kiểm soát hay can thiệp vào những điều mà Đức Chúa Trời muốn truyền đạt; Đức Thánh Linh mới chính là Đấng dẫn đưa họ đi.

Những câu Kinh Thánh Cựu Ước cụ thể như IISa 23:2 và Mi 3:8 cho thấy các tiên tri đã cậy Đức Thánh Linh mà nói ra.

Hơn nữa, Tân Ước gán những câu trích Cựu Ước cho Đức Thánh Linh là tác giả nói ra những câu đó. Khi tranh luận với người Pharisi, Đấng Christ đã trích Thithiên 110, mà Ngài đã công nhận là do Đavít viết ra, nhưng được Đức Thánh Linh ban cho (Mat 22:43). Phierơ đã trích dẫn Thithiên 41 để nói về việc thay thế Giuđa, và nói rằng Đức Thánh Linh đã phán việc nầy về Giuđa bởi miệng của vua Đavít (Cong 1:16). Về sau, Phierơ cũng nói Thithiên 2 đã được ban cho bởi “Đức Thánh Linh, phán bởi miệng vua Đavít (Cong 4:25).Phaolô cũng trích Cựu Ước và gán quyền tác giả cho Đức Thánh Linh (28:25 từ Es 6:9-10), và tác giả Thơ Hêbơrơ cũng đã làm tương tự ở hai chỗ trong thơ tín nầy (He 3:7; 10:15-16). Như vậy, rõ ràng những câu Kinh Thánh Tân Ước trên cho thấy Đức Thánh Linh đã hành động trong việc ban lẽ thật của Đức Chúa Trời thời Cựu Ước.

III. CÔNG VIỆC CỦA ĐỨC THÁNH LINH ĐỐI VỚI CON NGƯỜI

Chức vụ của Đức Thánh Linh đối với con người trong thời Cựu Ước không giống như chức vụ của Ngài kể từ ngày Lễ Ngũ Tuần. Dầu chức vụ đó là gì đi nữa, thì Chúa cũng đã nói rất rõ rằng chức vụ đó sẽ khác đi từ sau ngày Lễ Ngũ Tuần. Hãy để ý Chúa lập đi lập lại về “sự hiện đến ” của Đức Thánh Linh (là Đấng đã hiện diện rồi) trong cuộc trò chuyện với các môn đồ tại trên Phòng Cao (Gi 15:26; 16:7-8,13). Điều nầy vừa cho thấy Đức Thánh Linh đã hành động tại lúc bấy giờ, vừa cho thấy công việc của Ngài sẽ mang một đặc điểm khác từ sau ngày Lễ Ngũ Tuần. Khi Chúa tóm tắt sự tương phản đó, Ngài phán Đức Thánh Linh “ở (thì hiện tại) với [para] các ngươi và sẽ ở (thì tương lai) trong [en] các ngươi” (14:17). Tuy còn một cách lý giải khác về thì hiện tại trong mệnh đề thứ nhì (tức là “hiện ở trong các ngươi”), nhưng hầu hết các nhà giải kinh ủng hộ thì tương lai hơn.

Đương nhiên, câu nầy vạch ra sự tương phản giữa chức vụ của Thánh Linh tại thời điểm Chúa phán so với chức vụ trong tương lai sau Lễ Ngũ Tuần. Buswell muốn làm dịu bớt sự tương phản đó nên dịch chữ en là “giữa vòng,” và làm cho lời hứa nầy trở thành: Đức Thánh Linh sẽ ở giữa vòng tập thể các môn đồ. Ông thực sự công nhận có thể lý giải nghĩa câu nầy là “trong riêng từng cá nhân các ngươi” (Systematic Theology [Grand Rapids:Eerdmans, 1962], 1:115). Dường như nhiều nhà giải kinh không nhận ra sự phân biệt nào ở đây. Lời giải nghĩa của F. Godet đi thẳng vào vấn đề.

“Sự vận hành để chuẩn bị của Thánh Linh trên các môn đồ được diễn tả qua những từ ngữ sau: 'Ngài ở trong các ngươi’; và mối liên hệ gần gũi hơn mà Ngài sẽ bắt đầu với họ tại ngày Lễ Ngũ Tuần qua câu: 'Ngài sẽ ở trong các ngươi.’ Vì vậy, chúng ta phải cẩn thận để không lý giải nghĩa câu nầy theo bản Vulgate, menei ở thì tương lai, Ngài sẽ ở trong các ngươi ở trong định đề thứ nhất, cũng không lý giải theo một số người thuộc trường phái Alexandria - esti (hiện ở) - trong định đề thứ nhì. Nghĩa trọn vẹn của cụm từ nầy nằm trong sự tương phản của động từ ở thuộc thì hiện tại (đối chiếu menon trong câu 25) và động từ sẽ ở thuộc thì tương lai. Sự tương phản giữa hai quan hệ chi phối với các ngươi (so sánh với chữ par’ humin của câu 25) và “trong các ngươi”phù hợp chính xác với sự tương phản của các thì.” (Commentary on the Gospel of St. John (Edinburgh: T & T. Clark, 1881,3:141).

Ghi nhớ sự tương phản nầy, chúng ta cần cố gắng vạch ra và hệ thống hóa những việc Đức Thánh Linh đã làm cho dân sự trong thời kỳ Cựu Ước.

A. Bản Chất Công Việc Của Thánh Linh

Có ba chữ dường như giải thích chức vụ của Đức Thánh Linh cho dân sự thời Cựu Ước.

1. Ngài đã ở trong những con người nhất định.

Pharaôn đã nhận ra Thần ở trong Giôsép (Sa 41:38). Chắc Pharaôn không hiểu đây chính là Thánh Linh, nhưng sự mặc khải sau nầy có vẻ làm sáng tỏ điều ấy. Thần đã ở trong Giôsuê, và đó là nguyên nhân Đức Chúa Trời chọn ông (Dan 27:18). Thần đã ở trong Đaniên (Da 4:8; 5:11-14; 6:3). Trong những trường hợp nầy, giới từ được dùng chính là chữ beth, nghĩa là “trong.”

2. Đức Thánh Linh đã giáng trên một số người.

Giới từ được dùng để mô tả việc nầy là al. Có nhiều người đã kinh nghiệm chức vụ nầy của Đức Thánh Linh (Dan 24:2; Cac 3:10; 6:34; 11:29; 13:25; ISa 10:10;16:13; IISu 15:1). Những người này gồm các quan xét, Saulơ, các tiên tri Balaam và Axaria.

3. Đức Thánh Linh đã đầy dẫy Bếtsalêên (Xu 31:3; 35:31).

Đây dường như là sự ban quyền năng đặc biệt để lãnh đạo các tay thợ khi họ xây cất đền tạm.

B. Phạm Vi Của Công Việc Thánh Linh

1. Bị giới hạn về dân tộc.

Sau khi Đức Chúa Trời chọn Ysơraên làm tuyển dân Ngài, thì công việc của Đức Thánh Linh chủ yếu - nếu như không nói là độc quyền - là cho nhóm người đó. Đương nhiên, Ysơraên là một dân tạp về mặt thuộc linh gồm cả người chưa tin Chúa cũng như người tin Chúa. Tuy vậy, Thánh Linh đã thi hành chức vụ cho toàn dân tộc nầy bằng cách hiện diện và dẫn dắt họ (Ne 9:20; Es 63:10-11,14). Dường như đây là một mối tương quan chung. Rõ ràng có những mối tương quan gần gũi hơn của Ngài với một số người trong dân tộc nầy (xem những câu Kinh Thánh trên và Dan 11:29).

Tuy nhiên, chúng ta không có khải thị rõ ràng về chức vụ của Đức Thánh Linh bên ngoài dân Ysơraên. Sa 6:3 có thể là một ngoại lệ, nếu như câu nầy nói Đức Thánh Linh đã đoán xét nhân loại vì sự gian ác của họ trong thời Nôê. Nhưng đây có thể là một lời cảnh cáo rằng tâm linh con người, mà Đức Chúa Trời đã đặt bên trong họ, sẽ không luôn luôn ở trong họ,vì nhân loại sẽ bị diệt trong Cơn Nước Lụt. Đương nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy Thánh Linh đã cáo trách thế gian về tội lỗi trong thời Cựu Ước (như Ngài làm hiện nay, Gi 16:8), và không dân tộc nào khác hưởng được sự hiện diện chung của Ngài ở giữa họ như dân Ysơraên được hưởng. Theo phần được ký thuật lại,chức vụ Ngài là dành cho Ysơraên và các cá thể trong dân Ysơraên.

2. Bị giới hạn về các thể loại chức vụ.

Như đã nói trên đây, chúng ta không thấy chức vụ nào của sự cáo trách tổng quát,không có chức vụ ngự trong đời sống người tin và ban quyền năng như sau ngày Lễ Ngũ Tuần (7:37-39), không có chức vụ ấn chứng, và đương nhiên là không có chức vụ làm phép báptêm (ở Cong 1:5, chức vụ nầy vẫn còn thuộc trong tương lai).Công tác tái sanh của Đức Thánh Linh chưa được nhắc đến cách cụ thể, dầu một số người cảm thấy Đức Thánh Linh đang tái tạo trong Cựu Ước, bởi vì những người tin Chúa tỏ ra bằng chứng về sự tranh chiến trong con người họ do có sự hiện diện của cả con người cũ lẫn con người mới.

3. Bị giới hạn về tính đời đời.

Đức Thánh Linh đã ban quyền năng cho Samsôn; sau đó, Thánh Linh đã rời khỏi ông (Cac 13:25; 16:20). Thánh Linh đã đến trên Saulơ rồi sau đó lìa khỏi ông (ISa 10:10;16:14). Rõ ràng, không có sự bảo đảm nào cho hiện diện vĩnh viễn của Thánh Linh trong thời kỳ Cựu Ước.

Có lẽ tôi có thể so sánh được giữa chức vụ của Đức Thánh Linh trong Cựu Ước với ân điển trong Cựu Ước. Cả hai đều có mặt trong thời kỳ đó, nhưng Đức Thánh Linh đã hành động trong thời Cựu Ước cũng chính là Đấng sẽ “đến ” trong những chức vụ mới mẻ và trọn vẹn hơn sau ngày Lễ Ngũ Tuần,cũng giống như những sự bày tỏ của ân điển trong thời Cựu Ước là mờ nhạt so với ân điển đã tuôn tràn trên thế gian khi Đấng Christ hiện đến (Gi 1:17; Tit 2:11).