- Được viết bởi: Nguyễn Thiên Ý
- Chuyên mục: Thần Học Căn Bản của Charles C. Ryrie
Có đầy dẫy sự lẫn lộn về cả nội dung lẫn sự trình bày Tin Lành về ân điển Đức Chúa Trời. Có người không trình bày Tin Lành cách thuần túy; có người không trình bày rõ ràng; có người không trình bày cách thành thật. Nhưng vì Đức Chúa Trời giàu ơn và khoan nhân, nên Ngài thường ban sự sáng và đức tin bất chấp lời làm chứng thiếu rõ ràng chính xác của chúng ta.
I. MỘT SỐ SAI LẦM TRONG SƯ TRÌNH BÀY TIN LÀNH
A. Sai Lầm Cho Rằng Tin Lành Quan Tâm Chủ Yếu Đến Điều Khác Hơn Là Tội Lỗi
Không thể nào có được Tin Tức Tốt Lành cho những người không cảm thấy mình cần Tin Tức Tốt Lành. Và không thể nào cảm thấy cần nếu như không có nhận thức nào đó về tội lỗi. Đương nhiên, tội lỗi có rất nhiều triệu chứng để có thể báo động cho một cá nhân biết nan đề cơ bản là tội lỗi. Do đó, việc trình bày Tin Lành có thể tập trung vào sự thiếu niềm vui hoặc thiếu bình an, hoặc cần sự giúp đỡ để giải quyết các nan đề, nhưng đó chính là những triệu chứng của tội xa lánh khỏi Đức Chúa Trời. Dầu vậy, người ta không cần được cứu để có sự vui mừng hoặc bình an hoặc giải pháp cho các nan đề. Người ta cần được cứu rỗi để được tha thứ tội lỗi. Thiếu vui mừng không phải là rào chắn không cho người ta vào thiên đàng. Tội lỗi mới chính là rào chắn! Chính Tin Lành mà người ta tin đó mới giải quyết được nan đề tội lỗi.
B. Sai Lầm Cho Rằng Có Nhiều Tin Lành Khác Nhau Cho Những Nhóm Tuổi Khác Nhau
Không phải có một Tin Lành cho thiếu nhi, một Tin Lành khác cho thanh niên, một Tin Lành khác cho người lớn, một Tin Lành khác nữa cho nhóm người phi giáo hội, rồi một Tin Lành khác nữa cho nhóm người có giáo hội. Có một Tin Lành thôi. Có thể sẽ có nhiều cách khác nhau để giải thích Tin Lành cho nhiều nhóm người khác nhau, nhưng nếu nội dung không như nhau, thì những phương cách đó có thể tạo ra nhiều Tin Lành khác nhau. Có thể cần phải dùng từ vựng khác nhau, nhưng những từ ngữ khác nhau đó phải truyền đạt cùng một Tin Lành.
C. Sai Lầm Cho Rằng Có Lẽ Thật Ở Ngoài Lời Đức Chúa Trời
Kinh nghiệm có thể khẳng định hay phủ nhận lẽ thật, nhưng nó không tạo ra lẽ thật vô ngộ. Khảo cổ học cũng vậy. Những lời tiên tri được ứng nghiệm cũng không tạo ra những lẽ thật vô ngộ, vì những lời tiên tri của Kinh Thánh đã đúng trước khi chúng được ứng nghiệm. Biện minh học cũng vậy. Những phương pháp tiếp cận nầy có địa vị của chúng, nhưng chỉ trong Lời Đức Chúa Trời, chúng ta mới có lẽ thật tuyệt đối. Giống như các sứ đồ, chúng ta phải rao giảng Lời Đức Chúa Trời (Cong 13:5) và dựa vào Kinh Thánh để lập luận (17:2).
D. Sai Lầm Cho Rằng Sự Khôn Khéo Sẽ Cáo Trách
Nếu chức vụ cáo trách của Thánh Linh là đặt lẽ thật trước mặt người chưa được cứu để phải công nhận đó là lẽ thật (bất luận có tin hay không), thì chức vụ nầy phải được thực hiện bởi Thánh Linh, chứ không bởi tài khôn khéo của tôi. Dĩ nhiên, sự trình bày của chúng ta phải chuẩn bị kỹ và trình bày tốt, nhưng tự chúng không bảo đảm được có người sẽ bị cáo trách. Đức Chúa Trời phải thực hiện việc đó.
E. Sai Lầm Cho rằng Cung Cách Hấp Dẫn Sẽ Bảo Đảm Kết Quả
Trong chừng mực chúng ta có thể thực thi quyền kiểm soát, chúng ta đừng nên gây vấp phạm qua cách ăn mặc, lối nói, hoặc qua văn hóa, nhưng khi chúng ta công bố Phúc Âm, thì chúng ta mang lấy sự vấp phạm về thập tự giá (Ga 5:11). Sứ điệp nầy là đá vấp chân; nhưng sứ giả đừng làm đá vấp chân. Nhưng dầu người ấy không làm đá vấp chân thì vẫn không bảo đảm có kết quả. Cung cách duyên dáng hay sức hấp dẫn không làm cho người ta hoán cải.
F. Sai Lầm Cho Rằng Các Thủ Tục Đem Lại Sự Hoán Cải
Các thủ tục có đem lại các kết quả, nhưng các kết quả không phải luôn luôn là một với sự hoán cải. Áp lực có thể tạo ra kết quả; âm nhạc có thể mê hoặc; khung cảnh có thể gây kích thích; và các chuyện kể có thể cảm động; nhưng tất nhiên không một điều nào trong những thủ tục nầy đem lại sự hoán cải. Phương pháp thử nghiệm tốt cho bất kỳ sứ điệp Tin Lành nào ấy là: Diễn giả có đem lại cho thính giả điều gì đó để tin không, chứ không phải là diễn giả có đem lại cho thính giả việc gì để làm hay không.
II. MỘT SỐ SAI LẦM KHI TRÌNH BÀY NỘI DUNG CỦA TIN LÀNH
A. Sai Lầm Của Việc Bổ Sung Thêm Phép Báptêm
Dầu là một thánh lễ Cơ đốc quan trọng, nhưng phép báptêm không phải một phần của Tin Lành. Đưa phép báptêm vào trong Tin Lành tức là thêm một việc làm vào ân điển của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, có người cảm thấy có những câu Kinh Thánh nhất định đã khiến phép báptêm trở thành một điều kiện để được cứu rỗi.
1. Mac 16:16.
Phần kết thúc nguyên thủy của sách Tin Lành Mác là đề tài bị tranh luận rất nhiều. Người ta nghi ngờ phần chúng ta đặt là câu 16 kia không thuộc trong phần kết đích thực của sách Tin Lành nầy. Thuận lợi nhất thì cũng đã là thiếu khôn ngoan khi căn cứ một giáo lý trên nội dung những câu 9-20. Tuy nhiên, cũng có khả năng: nếu câu 16 thuộc trong bản văn được soi dẫn, thì câu nầy nói đến phép báptêm Thánh Linh. Suy cho cùng, Chúa hẳn đã phán Mac 16:16 hầu như cùng lúc Ngài phán Cong 1:5 về chức vụ làm báptêm gần đến của Thánh Linh.
2. Cong 2:38.
Những người theo thuyết được tái sanh khi chịu báptêm hiểu câu Kinh Thánh này dạy sự ăn năn và phép báptêm dẫn đến sự tha tội. Chắc chắn phép báptêm là một bằng chứng rõ ràng cho sự hoán cải trong thời Tân Ước, dầu đó là sự hoán cải về với Do Thái giáo, sứ điệp của Giăng Báp Tít, hay về với Cơ đốc giáo. Từ chối không chịu báptêm tức là gây nghi ngờ hợp pháp về tính chân thực của sự tuyên xưng đức tin. Do đó, khi đoàn người Do Thái hỏi Phierơ họ phải làm gì, ông trả lời rất tự nhiên rằng phải ăn năn (thay đổi suy nghĩ của họ về Jesus người Naxarét) và chịu báptêm (bày tỏ bằng chứng rõ ràng của sự thay đổi đó).
Dầu đúng là về mặt giải kinh, có thể hiểu câu Kinh Thánh nói phép báptêm là để đến (eis) sự tha tội, nhưng cũng đúng không kém khi nói có thể phép báptêm nầy không nhằm mục đích tha tội, nhưng là nhờ vào sự tha tội (là điều đã xảy ra trước đó rồi, tại lúc ăn năn). Rõ ràng,eis được dùng với nghĩa nầy trong Mat 12:41 - họ đã ăn năn khi nghe (“dựa vào,”hay “nhờ vào”) bài giảng của Giôna. Chắc chắn câu Kinh Thánh đó không có nghĩa là họ đã ăn năn nhằm mục đích cho Giôna giảng. Vì vậy, có thể hiểu Cong 2:38 nói rằng dân chúng phải ăn năn rồi chịu báptêm bởi vì tội lỗi họ đã được tha.(Xem A.T. Robertson, Word Pictures in the New Testament (New York: Harper, 1930,3:35-6.)
3. Cong 22:16.
Câu Kinh Thánh có bốn phần :(a) chờ dậy (đây là một phân từ, “arising”), (b) chịu phép báptêm (mệnh lệnh cách), (c) làm sạch tội lỗi mình (một mệnh lệnh cách khác nữa), và (d) cầu khẩn danh Chúa (một phân từ khác nữa). Để câu Kinh Thánh dạy phép báptêm là cần thiết cho sự cứu rỗi thì bắt buộc phải nối kết phần b với phần c - là “chịu phép Báptêm” và “làm sạch.” Nhưng thay vì nối kết với nhau, mỗi một mạng lịnh trong hai mạng lịnh nầy lại thực sự được nối với một phân từ. “Chờ dậy” là điều cần thiết trước phép Báptêm, và “cầu khẩn” trước khi tội lỗi có thể được “làm sạch.”Vì vậy, nên giải nghĩa như vầy: Chờ dậy đi, rồi chịu phép Báptêm; kêu cầu danh Chúa để làm sạch tội lỗi mình đi.” Hiểu đúng thì câu nầy không dạy sự tái sanh khi chịu Báptêm.
B. Sai Lầm Do Hiểu Sai Sự Ăn Năn
Ăn năn có nghĩa là một sự đổi ý cách thành thật mà nó tác động đến đời sống theo một cách nào đó. Cũng giống như các thuật ngữ thần học khác, cần phải định nghĩa cụ thể thuật ngữ nầy bằng cách nêu thêm câu hỏi, tức là: Đổi ý về điều gì? Người chưa được cứu có thể thực lòng ăn năn,nhưng không được cứu, lấy ví dụ như khi họ đổi ý về một thói quen xấu và dẫn đến kết quả bỏ thói quen đó. Cơ đốc nhân có thể ăn năn những tội lỗi cụ thể và thôi không phạm nữa (Kh 2:5; IICo 7:9 - lưu ý rằng trong câu nầy, sự buồn rầu dẫn đến sự ăn năn, không nhất thiết phải cùng là một với sự ăn năn). Và người chưa được cứu có thể ăn năn để được cứu rỗi. Sự ăn năn để được cứu phải bao gồm sự đổi ý về Đức Chúa Jesus Christ, để người ấy nay đổi ý về bất cứ những gì người ấy nghĩ về Đấng Christ trước kia, và tin cậy Ngài là Cứu Chúa của mình. Đó chính là thể loại duy nhất - hay nội dung duy nhất - của sự ăn năn cứu rỗi được (Cong 2:38; 17:30; IIPhi 3:9). Tuy nhiên, sự ăn năn để được cứu có thể xảy đến sau sự ăn năn về tội (nhằm khiến cá nhân đó ý thức nhu cầu cần được tha tội) hay là sự ăn năn đối với Đức Chúa Trời (nhằm báo động cho người ấy biết một sự thật là mình đã xúc phạm đến Đức Chúa Trời thánh khiết, nên bởi đó cần phải có phương cách để làm Ngài nguôi giận). Phương diện này trong sự ăn năn (giống như Gi 16:8-11) vẫn không cứu rỗi được, trừ khi đi kèm với đức tin nơi Đấng Christ (Cong 20:21).
C. Sai Lầm Khi Biến Sự Phó Dâng Đời Sống Thành Một Phần Của Tin Lành
1. Thắc mắc.
Câu hỏi đơn giản là thế nầy: Có phải người ta buộc phải tôn hay sẵn lòng tôn Đấng Christ làm Chúa của đời sống mình thì mới được cứu không? Câu trả lời “Có” thì trình bày thế nầy:
“Quan điểm quyền tể trị của Chúa trình bày rõ ràng tính thiết yếu của việc công nhận Đấng Christ làm Chúa và Chủ của đời sống mình qua việc tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa mình. Đây không phải là hai hành động khác nhau, kế tiếp nhau (hay là những bước liên tiếp nhau), nhưng trái lại là một hành động của đức tin thuần túy và phó thác. Không cần phải có nhiều sáng suốt về thần học mới phân biệt được những khác biệt cơ bản giữa những quan điểm đòi hỏi quyền tể trị của Chúa với quan điểm không đòi hỏi quyền tể trị của Chúa trong sự trình bày Tin Lành.” (K. L. Gentry, “The Great Option: A Study of the Lordship Controversy,” Baptist Reformation Reviews, Xuân 1976,5:52).
Arthur W. Pink viết với cùng phong cách đó:
“Để được cứu rỗi, cần phải có thêm điều gì đó nữa ngoài việc “tin.” Một tấm lòng cứng cỏi chống nghịch Đức Chúa Trời thì không thể tin để được cứu được: trước hết nó phải được đập vỡ ra.... không ai có thể tiếp nhận Đấng Christ làm Cứu Chúa của mình đang khi từ chối Ngài làm Cứu Chúa của mình! Nhà truyền đạo đã bổ sung đúng khi nói ai tiếp nhận Đấng Christ thì cũng nên đầu phục Ngài là Chúa, nhưng sẽ làm hỏng việc ấy ngay khi ông khẳng định dầu người tin Chúa có không đầu phục đi nữa thì vẫn chắc chắn được vào thiên đàng. Đó là một trong những lời dối trá của Satan.” (Present-Day Evangelism [Swengel, Pa.: Bible Truth Depot, không rõ năm xuất bản], trang 14-5)
Câu hỏi đơn giản là: Thiếu phó thác cho quyền tể trị của Chúa trong những năm theo Ngài có phải chính là thiếu đức tin cứu rỗi không? Hoặc, “'Đức tin’ mà không có sự phó thác thì có đúng là đức tin thật của Kinh Thánh không?” (James M. Boice, “The Lord Christ,” Tenth, Tháng Mười 1980,10:8,trang 34-7). Boice nói là đó không phải là đức tin thật của Kinh Thánh.
Xin lưu ý, câu hỏi không phải là: Tín đồ sẽ phạm tội hay không, hoặc họ có sinh kết quả hay không. Mọi tín đồ đều sẽ có bông trái nào đó trong nếp sống Cơ đốc của họ. Đây cũng không phải là câu hỏi liệu tín đồ có nên quyết định ai sẽ là người chỉ huy đời sống họ hay không. Đây là một câu hỏi cần yếu cho sự tăng trưởng tâm linh, và một số người dường như quyết định vấn đề đó tại lúc họ tin Chúa, còn một số người thì chưa. Câu hỏi chính là: Sự phó dâng đời sống có phải là một phần bắt buộc của đức tin, để bởi đó trở thành phần bắt buộc của Tin Lành hay không?
2. Một số ví dụ.
Kinh Thánh cung cấp một số ví dụ rõ ràng về những người đã được cứu nhưng lại là người thiếu phó thác. Đây không chỉ thuần túy là những ví dụ về các tội đã phạm sau khi được cứu rỗi (dầu chúng có bao gồm những tội như thế), nhưng chúng chứng tỏ có đức tin cứu rỗi mà không có sự phó thác.
Hãy nhớ đến đời sống của Lót. Hầu như đời sống nầy không đủ tiêu chuẩn làm gương chút nào về sự phó thác, nhưng Tân Ước tuyên bố ông là một người công bình (IIPhi 2:7). Nếu chỉ có bản ký thuật của Cựu Ước,thì chúng ta có thể thật tâm nghi ông không phải là người công bình trước mặt Đức Chúa Trời.
Cũng hãy quan sát tình trạng của những tín đồ tại Êphêsô. Phaolô đã thi hành chức vụ tại thành phố đó trong hai năm. Một số người đã tin Chúa vào đầu chức vụ của ông; số còn lại tin Chúa sau đó. Họ đã trở về với Chúa từ một nếp sống bao gồm cả sự tận hiến cho pháp thuật dựa vào những chữ viết vô nghĩa trên tượng thần Diana trong đền thờ tại Êphêsô. Sau khi tin Chúa, rất nhiều người, nếu không nói là hầu hết các tín đồ nầy (và Cong 19:18 nói rõ họ là những tín đồ) vẫn tiếp tục những tập quán mê tín của họ. Hẳn là mơ tưởng nếu nghĩ rằng họ không biết những tập tục như thế là sai trái vào lúc họ tin Chúa và trong suốt hai năm, vậy mà rất nhiều người vẫn tiếp tục làm. Nhưng mãi đến cuối chức vụ của Phaolô tại Êphêsô, các tín đồ rốt cuộc mới bị cáo trách về việc nầy và xưng tội, rồi đốt các sách bùa chú của họ. Như vậy, về mặt thần học, điều nầy nói lên rằng: tại Êphêsô có những người đã trở thành tín đồ Đấng Christ và biết phải từ bỏ việc dùng pháp thuật của mình, nhưng họ đã không bỏ (có người giữ lâu đến hai năm), nhưng dầu vậy họ vẫn là người đã được tái sanh. Sự cứu rỗi của họ đã không tùy thuộc vào “đức tin cộng với sự đầu phục quyền tể trị của Chúa” trên việc họ dùng pháp thuật.
3. Một số nhận định khác.
Sự dạy dỗ về quyền tể trị của Chúa nầy không phân biệt giữa sự cứu rỗi với công tác môn đồ hóa, và đã biến những đòi hỏi của công tác môn đồ hóa trở thành những điều kiện tiên quyết cho sự cứu rỗi. Chúa chúng ta phân biệt hai việc nầy (Lu 14:16-33). Sự dạy dỗ nầy nâng cao một trong rất nhiều phương diện của thân vị Đấng Christ (là Chủ của đời sống) để biến nó thành một phần của Tin Lành. Vì sao không đòi hỏi đức tin nơi quyền làm vua của Ngài? Hoặc đòi hỏi đức tin nơi sự kiện Ngài là Quan Án của mọi người, hoặc Ngài là Đấng Tạo Hóa? Dầu quan điểm của tôi đã bị nhạo là “chủ nghĩa duy tín dễ dãi,” nhưng thật không dễ để tin, vì điều mà chúng ta yêu cầu người chưa được cứu hãy tin là một điều không dễ dàng. Chúng ta yêu cầu họ tin cậy một Đấng đã sống cách đây 2000 năm rồi, Đấng mà họ chỉ có thể biết qua Kinh Thánh, để được Đấng đó tha thứ tội lỗi. Chúng ta đang yêu cầu họ đặt cược số phận đời đời của người ấy vào việc nầy. Hãy nhớ lại tấm gương của Nhà Truyền Giảng Jesus. Ngài không đòi hỏi người đàn bà Samari sửa lại đời sống tội lỗi của bà cho hợp lệ, thậm chí cũng không yêu cầu bà sẵn lòng làm như thế, để cho bà có thể được cứu. Ngài đã không đưa ra trước mặt bà những điều mà con đường thay đổi sẽ đòi hỏi trong đời sống bà nếu như bà tin Ngài. Ngài chỉ đơn sơ nói bà cần biết Ngài là ai và xin Ngài ban cho sự sống đời đời (Gi 4:10). Xem Ryrie,Balancing the Christian Life (Chicago: Moody, 1969, trang 169-81).