I. PHẠM VI ĐỀ TÀI

Cứu thục học - giáo lý về sự cứu rỗi - là một trong những chủ đề lớn nhất trong Kinh Thánh. Nó bao hàm toàn bộ cõi thời gian cũng như cõi đời đời của quá khứ và tương lai. Chủ đề nầy đàng nào cũng liên hệ đến toàn nhân loại, không có ngoại lệ nào cả, thậm chí còn có những hệ quả trong lãnh vực các thiên sứ nữa. Đây là chủ đề của cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Nó mang tính cá nhân, tính dân tộc và tính vũ trụ. Và chủ đề đó tập trung vào Đấng vĩ đại nhất, là Đức Chúa Jesus Christ chúng ta.

Từ phía Đức Chúa Trời, sự cứu rỗi bao gồm toàn bộ công tác của Đức Chúa Trời để đem con người từ chỗ bị đoán phạt đến sự xưng công bình, từ sự chết đến sự sống đời đời, từ chỗ xa lánh đến sự làm con.Từ phía loài người, sự cứu rỗi kết hợp mọi phước hạnh do ở trong Đấng Christ mà có được trong cả đời nầy lẫn trong đời hầu đến nữa.

Tầm bao quát của sự cứu rỗi được nhấn mạnh bằng cách quan sát ba thì của sự cứu rỗi: (1) Ngay lúc tin Chúa, người ấy đã được cứu khỏi sự đoán phạt tội lỗi (Eph 2:8; Tit 3:5). (2) Tín đồ đó hiện cũng đang được cứu khỏi quyền thống trị của tội lỗi, đang được nên thánh và được giữ gìn (He 7:25). (3) Và người đó sẽ được cứu khỏi chính sự hiện diện của tội lỗi trong thiên đàng đời đời.

II. NHỮNG ĐỘNG CƠ CỦA SỰ CỨU RỖI

Vì sao Chúa lại muốn cứu tội nhân? Vì sao Ngài chịu đau đớn khi sai Con Độc Sanh Ngài chết thay những kẻ chống nghịch sự thiện lành của Ngài? Có một gia đình loài người thì có ý nghĩa gì đối với Đức Chúa Trời?

Kinh Thánh nêu ít nhất ba lý do khiến Chúa muốn cứu tội nhân.

(1) Đây là biểu hiện cao cả nhất và cụ thể nhất về tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Những món quà tốt lành của Ngài trong cõi thiên nhiên và qua sự chăm sóc thần hựu của Ngài (tuy tuyệt vời đến thế) vẫn không sánh được món quà là ban Con Ngài làm Cứu Chúa chúng ta. Gi 3:16 nhắc chúng ta tình yêu thương Ngài được bày tỏ trong sự ban cho của Ngài, và Ro 5:8 nói Đức Chúa Trời đã chứng tỏ dứt khoát Ngài yêu chúng ta bởi sự chết của Đấng Christ.

(2) Sự cứu rỗi cũng là cách Chúa bày tỏ ân điển Ngài trong suốt cả cõi đời đời (Eph 2:7). Mỗi người được cứu sẽ là một chiến tích đặc biệt của ân điển Đức Chúa Trời đến đời đời. Chỉ những người được cứu chuộc mới có thể cung cấp sự phô diễn nầy.

(3) Đức Chúa Trời cũng muốn có một dân để làm những việc lành trong đời nầy, và để qua đó ban cho thế gian cái nhìn thoáng qua dẫu chưa hoàn hảo về một Đức Chúa Trời nhân lành (c.10).

Nếu không có sự cứu rỗi Đấng Christ đã dự bị,thì sẽ không thể nào có được những điều nầy.

III. TẦM QUAN TRỌNG CỦA SỰ CỨU RỖI

Tân Ước chỉ có hai trường hợp rao lời rủa sả Cơ đốc nhân vì không làm được một việc nào đó. Một là không yêu mến Chúa (ICo 16:22), và hai là rao giảng một Tin Lành khác với Tin Lành ân điển của Đức Chúa Trời (Ga 1:6-9). Không hiểu rõ về sự cứu rỗi có thể dẫn đến rao giảng một Tin Lành giả hoặc một Tin Lành bị xuyên tạc, và rất nhiều lời tuyên bố về Tin lành người ta nghe được hôm nay rất có thể sẽ hứng chịu lời rủa sả nầy. Tạ ơn Chúa,ân điển Ngài mạnh hơn những lời trình bày không rõ ràng của chúng ta, và người ta vẫn được cứu bất kể (dầu vậy không phải là kết quả của) Tin Lành không rõ ràng hay Tin Lành bị trình bày sai.

Xét về mặt tích cực, giáo lý nầy rất quan trọng,đơn giản vì làm chứng về Tin Lành là trách nhiệm của mỗi tín đồ. Đối với người giảng đạo thì lại càng quan trọng hơn, vì người giảng đạo là mối liên kết giữa Đức Chúa Trời với người chưa được tái sanh, và sứ điệp của người ấy phải rõ ràng (Ro 10:14-15). Chafer, người bắt đầu chức vụ từ công tác truyền giảng Tin Lành, đến gần cuối đời vẫn nghĩ “trong một chức vụ cân đối, công tác rao giảng Tin Lành phải hình thành không dưới 75% lời làm chứng từ tòa giảng. Phần còn lại có thể dành để gây dựng đức tin cho những người đã được cứu rồi.” (Lewis Sperry Chafer, Systematic Theology (Grand Rapids: Zondervan, 1981,3:9). Điều nầy chắc chắn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu và hiểu chủ đề Cứu Thục học trọng đại nầy.