Sự phục sinh và thăng thiên của Chúa chúng ta đã mở lối cho Ngài bước vào thiên đàng và bắt đầu những chức vụ bổ sung. Ít nhất Ngài cũng đã làm xong một việc, có những việc khác Ngài đang làm suốt thời kỳ giữa sự thăng thiên và sự tái lâm của Ngài; còn những điều khác nữa sẽ bắt đầu trong tương lai. Trong chương này, chúng ta sẽ xem vắn tắt những chức vụ này (vì nhiều phần sẽ trùng lắp với những lãnh vực khác của thần học).

I. CHỨC VỤ TRONG QUÁ KHỨ

Trước khi chịu chết, Chúa chúng ta hứa không để cho các môn đồ mồ côi nhưng Ngài sai một Đấng Yên Ủi khác đến (Gi 14:16-18,26;15:26; 16:7). Câu vừa rồi nói rõ sự giáng lâm của Đức Thánh Linh tùy thuộc vào việc Đấng Christ đi đến cùng Cha.

Phierơ lập lại điều này trong Ngày Lễ Ngũ Tuần,tuyên bố chính Đấng Christ Phục Sinh và Thăng Thiên đã sai Thánh Linh đến và ban nhiều bằng chứng cặp theo mà họ đã chứng kiến ngày hôm ấy (Cong 2:33). Cả Sự Phục Sinh (c.32) và Thăng Thiên (c.34) đã được Phierơ nhắc cụ thể là điều kiện tiên quyết để sai Thánh Linh đến.

II. CHỨC VỤ HIỆN TẠI

A. Là Đầu Của Thân Thể Ngài

Bởi sự phục sinh và thăng thiên, Chúa chúng ta đã được đặt vào địa vị vinh dự tôn trọng bên hữu Đức Chúa Cha để làm Đầu Hội Thánh, tức thân thể Ngài (Eph 1:20-23). Điều này bao gồm nhiều chức vụ cụ thể do Ngài thực hiện cho thân thể này.

1. Ngài đã hình thành thân thể này:

Ngài thành lập thân thể này bằng cách sai Thánh Linh đến trong Ngày Lễ Ngũ Tuần để làm báptêm tín hữu vào thân thể (Cong 1:5; 2:33; ICo 12:13). Dù công tác làm báptêm của Thánh Linh là tác nhân trực tiếp đem lại kết quả đưa người vào thân thể,nhưng Đấng Christ Thăng Thiên mới là Tác Nhân tối hậu vì Ngài đã sai Đức Thánh Linh đến. Hiệu quả thực tiễn của địa vị mới này phải là sự tách khỏi nếp sống cũ và bày tỏ nếp sống đổi mới (Ro 6:4-5).

2. Ngài chăm sóc Thân Thể Ngài bằng nhiều cách:

Ngài làm cho Hội nên thánh (Eph 5:26), nói đến toàn bộ diễn trình sự thánh hóa bắt đầu từ khi cải đạo và được tiếp tục cho đến khi chúng ta được trình diện cách hoàn hảo trước mặt Ngài trên thiên đàng. Sự tin đạo trong phân đoạn Kinh Thánh này được biểu thị bởi “sự rửa” và “dùng đạo,” “sự rửa” dường như nói đến phép báptêm và “dùng đạo” nói đến sự xưng nhận công khai của người chịu báptêm tại thời điểm đó.

Công tác thánh hóa của Ngài bao gồm nuôi dưỡng và thương yêu thân Ngài (Eph 5:29). Nuôi dưỡng có nghĩa đem đến chỗ trưởng thành (như trong 6:4). Còn thương yêu săn sóc theo nghĩa đen là giữ cho ấm, như vậy giống như là yêu thương và chăm sóc đối với con cái của Ngài (lần xuất hiện khác duy nhất của từ ngữ này là ở ITe 2:7).

3. Cứu Chúa Thăng Thiên của chúng ta cũng ban những ân tứ cho thân thể (Eph 4:7-13).

Trước hết Ngài đã xuống trong “các miền thấp của đất” (đất là thuộc cách thích hợp để nói lên những phần ở dưới thấp).Rồi Ngài đã lên nơi cao. Và khi Ngài lên thì Ngài dẫn muôn vàn kẻ phu tù. Tại đây Phaolô dùng minh họa từ Thi 68:18, trong đó chiến binh thắng trận được tôn cao khi trở về với những tù binh. Người chiến thắng được lãnh những lễ vật từ kẻ bị chinh phục và tặng những lễ vật cho dân sự mình. Đấng Christ đã chinh phục tội lỗi và sự chết đang khi Ngài thi hành chức vụ trên đất; bây giờ Ngài ban những tặng vật cho người theo Ngài trong chức vụ Ngài trên thiên đàng. Trong ICo 12:5,việc ban ân tứ cũng có liên hệ đến Chúa.

4. Chúa Thăng Thiên cũng ban năng quyền cho thân thể (Gi 15:1-10).

Minh họa nổi tiếng về Gốc Nho và Nhánh làm sáng tỏ rằng nếu không có năng quyền của Đấng Christ hằng sống lưu xuất qua chúng ta thì chúng ta không thể làm gì được. Rõ ràng năng quyền đó là năng lực phục sinh,tùy thuộc vào mối liên hệ của chúng ta với Ngài và Ngài ở trong chúng ta (14:17). Và mối liên hệ đó không hiện hữu trước khi Ngài lên cùng Đức Chúa Cha.Về phần Ngài, chức vụ này bao hàm việc kỷ luật hoặc khích lệ (tùy thuộc vào ý nghĩa của cụm từ “chặt hết” (15:2, như trong 11:39, nhưng cũng có thể mang ý nghĩa “là cất lên,” như 8:59) và tẩy sạch (15:3). Về phía chúng ta, mối liên hệ đó đòi hỏi chúng ta phải ở trong Ngài, có nghĩa giữ những mạng lệnh của Ngài (c. 10; IGi 3:24).

B. Là Thầy Tế Lễ Cho Dân Sự Ngài

Là Thầy Tế Lễ thành tín, Chúa Thăng Thiên của chúng ta cảm thông, cứu giúp và ban ân điển cho dân sự Ngài (He 2:18; 4:14-16).Trong phần 4:14-16, trước giả khẳng định chức vụ này vào Sự Thăng Thiên – Ngài “đã trải qua các từng trời.”

Là Thầy Tế Lễ thành tín, Chúa chúng ta cầu thay cho dân sự của Ngài (7:25). Trước giả kết nối chức vụ này với sự kiện Thầy Tế Lễ này - không giống những Thầy Tế Lễ Cựu Ước - không phải chết nữa nhưng mãi vẫn là Thầy Tế Lễ đời đời và hằng sống để cầu thay cho dân sự Ngài. Chúng ta không thể biết hình thức chính xác của chức vụ truyền đạt hay đề cập những nhu cầu của chúng ta; nhưng dường như tập trung vào cả phương diện tích cực là cầu xin để ngăn những điều xảy ra trong đời sống của chúng ta (Lu 22:32) và phương diện tiêu cực của sự tẩy sạch chúng ta khỏi những điều ác thực sự diễn ra (IGi 2:1-2). Chưa được ở trên thiên đàng, chúng ta sẽ chưa biết rõ ý nghĩa của toàn bộ chức vụ này của Thầy Tế Lễ tối cao của chúng ta trên đời sống mình, cả về phương diện tích cực lẫn tiêu cực của nó.

Trong cương vị Thầy Tế Lễ Tối Cao, Chúa chúng ta cũng là Người Đi Trước Mở Đường, bảo đảm cho chúng ta cuối cùng sẽ có được lối vào thiên đàng như Ngài đã có (He 6:19-20). Từ ngữ “Người Đi Trước Mở Đường” được dùng cho một người trinh sát hướng đạo, hoặc dùng cho lời loan báo của một sứ giả tiền trạm báo tin vị vua sắp đến. Nói cách khác, nó hàm ý có những người khác sẽ theo sau, Đấng Christ hiện nay ở trên thiên đàng trong tư cách Thầy Tế Lễ của chúng ta; điều này bảo đảm cho chúng ta một ngày kia sẽ đi theo Ngài đến đó.

C. Là Đấng Chuẩn Bị Một Chỗ Cho Chúng Ta

Ngay trước khi chịu chết, Chúa đã cho các môn đồ biết Ngài sắp sửa đi chuẩn bị cho họ một chỗ, sau đó Ngài sẽ trở lại đón họ đến chỗ đó (Gi 14:1-3). “Nhà Cha” nói đến thiên đàng, và trên thiên đàng có nhiều chỗ ở lâu dài. Từ ngữ này chỉ xuất hiện trong câu 2 và 23, nói đến những nơi cư trú vĩnh viễn. Một phần công tác hiện nay của Ngài là chuẩn bị những nơi ở này cho người thuộc về Ngài. Để có thể bắt đầu làm việc này, Ngài phải đi đến cùng Đức Chúa Cha thông qua con đường (c. 6) của sự chết và sự phục sinh.

III. CHỨC VỤ TRONG TƯƠNG LAI

Dù phần bàn luận chi tiết những điều sẽ diễn ra trong tương lai là thuộc lai thế học, tuy nhiên trong phần này, tôi nghĩ cũng nên nhắc đến ít nhất ba lãnh vực chức vụ của Chúa chúng ta trong tương lai.

A. Ngài Sẽ Khiến Kẻ Chết Sống Lại

Trong tương lai mọi người đều sẽ nghe tiếng của Đấng Christ khiến họ sống lại từ trong kẻ chết (5:28). Một số người sẽ được gọi đến sự sống đời đời và một số khác sẽ được gọi đến sự đoán phạt. Dù nhờ những phần Kinh Thánh khác chúng ta biết cả hai nhóm sẽ không sống lại cùng lúc,nhưng tiếng Ngài gọi họ sẽ là nguyên nhân khiến cả hai nhóm phục sinh. Các tín hữu của thời đại Hội Thánh sẽ được sống lại ngay tại thời điểm hội thánh được cất lên (ITêsalônica 4:13-18). Các thánh trong thời Cựu Ước dường như sẽ được kêu sống lại tại thời điểm Chúa hiện đến lần thứ hai (Da 12:2). Những kẻ chết mà không tin Chúa thuộc mọi thời đại sẽ không được sống lại cho đến sau Thời Kỳ Nghìn Năm (Kh 20:5).

B. Ngài Sẽ Ban Thưởng Cho Mọi Người.

Dầu những người bình thường nghĩ về Đức Chúa Trời (Đức Chúa Cha) là Quan Án của mọi người, nhưng Chúa phán mọi sự đoán xét đã được giao cho Ngài (Gi 5:22,27). Cũng giống sự sống lại, sự đoán xét mọi người sẽ không diễn ra cùng lúc, nhưng Đấng Christ sẽ đoán xét tất cả.

Các tín hữu sẽ được Ngài đoán xét tại Ngôi Xét Đoán của Đấng Christ (ICo 3:11-15; IICo 5:10) sau khi Hội Thánh được Cất Lên. Kết cuộc của sự đoán xét này cho mọi người là sẽ được ở trong thiên đàng,dù vậy có rất nhiều phần thưởng khác nhau. Mọi người sẽ được lãnh lời khen của Đức Chúa Trời (ICo 4:5).

Những kẻ vô tín sẽ bị đoán xét tại Ngai Lớn Và Trắng khi kết thúc vương quốc ngàn năm (Kh 20:11-15). Mọi người này sẽ được báo trả việc họ làm bằng cách bị ném vào hồ lửa. Sẽ không ai được chứng tỏ đáng hưởng nước thiên đàng. Nhưng bất luận thời điểm, mọi người đều sẽ bị đoán xét bởi Chúa chúng ta.

C. Ngài Sẽ Cai Trị Thế Giới Này

Khi Chúa chúng ta trở lại, Ngài sẽ nắm quyền cai trị và cai trị các quốc gia của thế giới này với tư cách Đấng nắm uy quyền tuyệt đối giàu lòng nhân từ (19:15). Rồi khi ấy và chỉ khi ấy, thế giới này mới kinh nghiệm được thời đại công bình chính trực, phúc lợi xã hội, sự phồn thịnh kinh tế và hiểu biết thuộc linh. Ngài sẽ bày tỏ chính Ngài là Vua muôn vua và Chúa các chúa ngay trên chính vùng đất đã diễn ra sự chống nghịch Đức Chúa Trời của con người.