I. CÁCH DÙNG TỪ NGỮ CỦA CỰU ƯỚC

Từ ngữ gốc quan trọng nhất liên quan đến sự cứu rỗi trong tiếng Hibálai là yasha’. Ban đầu, chữ nầy có nghĩa là “rộng rãi”hoặc “khoáng đạt,” trái nghĩa với “chật hẹp” hoặc “áp bức.” Vì vậy, nó biểu thị sự tự do khỏi những gì ràng buộc hay kiềm chế, rồi tiến đến chỗ nói đến sự giải cứu, giải phóng, hoặc đem lại chiều dài và chiều rộng cho một điều gì đó. Đôi khi sự giải cứu nầy đến qua tác động của một con người (như qua các quan xét, Cac 2:18; 6:14; 8:22; 12:2; hoặc các vua, ISa 23:2), và đôi khi qua tác động của Yahweh (Thi 20:6; 34:6; Es 61:10; Exe 37:23; Xa 3:4). Đôi khi sự cứu rỗi mang tính cá thể (Thi 86:1-2), có khi mang tính tập thể, tức là sự cứu rỗi cho dân tộc (Es 12:2, dầu toàn thế gian sẽ dự phần trong đó, 45:22; 49:6). Trong Cựu Ước, sự cứu rỗi không chỉ là sự giải cứu khỏi khó khăn hoạn nạn, nhưng cũng là sự giải cứu về cho Đức Giêhôva để dùng vào mục đích đặc biệt của Ngài (43:11-12; 49:6).

Đức tin là điều kiện tất yếu để được cứu rỗi trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước. Ápraham tin Đức Giêhôva và Chúa đã kể điều đó cho ông là công bình (Sa 15:6). Tiền tố từ beth trong tiếng Hibálai cho thấy Ápraham đã dạn dĩ đặt đức tin nơi Đức Chúa Trời (đối chiếu Xu 14:31; Gion 3:5).Mối tương quan giao ước được thiết lập bởi Luật Pháp Môise cũng hàm ý người Ysơraên phải có đức tin nơi Đức Chúa Trời của giao ước ấy nếu muốn làm đẹp lòng Ngài và không bị dứt khỏi giao ước.

Đối tượng của đức tin đã luôn luôn là Đức Chúa Trời chân thần (Dan 14:11; 20:12; IIVua 17:14; Thi 78:22; Gion 3:5). Đức Chúa Trời Cứu Chúa nầy chính là nguồn duy nhất của sự cứu rỗi (Thi 3:8; Gion 2:9). Tin cậy hình tượng không những vô hiệu mà còn là ngớ ngẩn nữa, vì cớ sự cứu rỗi thuộc về Đức Giêhôva.

II. CÁCH DÙNG TỪ NGỮ CỦA TÂN ƯỚC

Trong Bản Bảy Mươi (Septuagint) lẫn trong Kinh Thánh Tân Ước, động từ sơzơ của tiếng Hylạp và từ cùng gốc của nó là soter và soteria thường dịch cho chữ yasha’ và những danh từ tương ứng của nó. Tuy nhiên, rất nhiều lần nhóm chữ sơzơ dịch chữ shalom, là sự bình an hay sự khỏe mạnh trọn vẹn (wholeness), và những từ cùng gốc của nó. Như vậy, sự cứu rỗi có thể mang nghĩa sự chữa lành, sự phục hồi sức khỏe, phương thuốc chữa, sự cứu chuộc,hay phúc lợi. Điều nầy có thể liên hệ với sự giữ gìn khỏi nguy hiểm, bệnh tật,hay sự chết (Mat 9:22; Cong 27:20,31,34; He 5:7). Nhưng cách dùng đầy đủ của Cơ đốc nhân thì mang nghĩa cứu khỏi sự chết đời đời và ban sự sống đời đời cho một con người (Ro 5:9; He 7:25).

Cũng như trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời hoàn toàn chủ động khởi xướng sự cứu rỗi (Gi 3:16). Sự chết của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá là cơ sở duy nhất cho sự cứu rỗi đó (Cong 4:12; He 5:9). Như đã nói, sự cứu rỗi nầy có phương diện quá khứ, đã xảy ra lúc chúng ta tin, có phương diện hiện tại, và có sự hoàn tất trong tương lai.

Nhưng cách dùng từ ngữ vẫn chưa bắt đầu dò thấu toàn bộ khải thị Kinh Thánh đã tuyên bố về sự cứu rỗi. Các khái niệm khác như là sự hi sinh, sinh tế, sự cứu chuộc, sự giải hòa, của lễ chuộc tội (còn gọi là của lễ vãn hồi), và sự xưng công bình là những khái niệm hết sức quan trọng để giúp hiểu đầy đủ giáo lý nầy. Những khái niệm nầy sẽ được khảo sát sau,nhưng tôi đề cập ở đây để đừng ai nghĩ giáo lý nầy chỉ xây dựng trên những từ ngữ liên quan đến công việc cứu.

Sự cứu rỗi tác động đến toàn thể con người.Dầu vậy, việc loại bỏ bản tánh sa ngã của con người và nhận lấy một thân thể phục sinh vẫn còn chờ đợi đến một ngày tương lai. Nhưng đây cũng là một phần sự cứu rỗi của chúng ta (Ro 8:23). Ngoài ra, sự rủa sả vốn đã giáng trên thế gian sẽ được cất đi (c. 18-23) và toàn vũ trụ sẽ cảm nhận được những ảnh hưởng từ công tác giải hòa của Đấng Christ (Co 1:20).