Quan điểm của Thánh Kinh về tội lỗi xuất phát từ việc nghiên cứu những từ ngữ được dùng trong cả Cựu và Tân Ước chỉ về tội lỗi. Các thuật ngữ này thật là nhiều, khi được so với chữ ân điển trong Kinh Thánh. Chỉ cần ba chữ để diễn tả ân điển (chen và chesed trong Cựu Ước và charis trong Tân Ước). Ngược lại, có ít nhất là tám chữ căn bản chỉ về tội lỗi trong Cựu Ước và một tá trong Tân Ước. Chúng cùng cung cấp những khái niệm cơ bản liên quan đến giáo lý này.

I. TRONG CỰU ƯỚC

A. Chata

Trong mọi hình thức, từ căn bản này chỉ về tội lỗi xuất hiện khoảng 522 lần trong Cựu Ước. Ý nghĩa căn bản của nó là trật mục tiêu và tương đương với từ Hylạp hamartano. Nhưng trật mục tiêu cũng bao gồm trúng vào mục tiêu khác; tức là khi trật mục tiêu đúng và bởi đó phạm tội, mình còn trúng vào mục tiêu sai nữa. Ý tưởng nầy không chỉ mang nghĩa thụ động của việc trượt, mà còn mang nghĩa chủ động của việc đánh trúng. Chữ này được dùng chỉ về tệ nạn đạo đức, tội thờ hình tượng, và tội phạm về lễ nghi. Một số câu Kinh Thánh quan trọng gồm có Xu 20:20; Cac 20:16; Ch 8:36; và 19:2.

B. Ra

Được dùng khoảng 444 lần trong Cựu Ước, chữ này tương đương với kakos hay poneros, nghĩa căn bản là phá vỡ, tàn phá hay hủy hoại. Nó thường có nghĩa “những tai họa” và nhiều lần được dịch là “điều ác.”Có lẽ chữ này nói lên điều gì đó gây thương tích cũng như sai quấy về đạo đức (Sa 3:5,38:7; Cac 11:27). Es 45:7 nói Đức Chúa Trời dựng nên sự sáng và sự tối, dựng ra sự bình an và ra. Có người hiểu chữ này có nghĩa những tai họa và một số khác nghĩ là sự ác. Nếu là “điều ác” thì có thể chỉ báo hiệu mọi sự, kể cả điều ác, được bao gồm trong chương trình của Chúa, dù vậy tạo vật - chứ không phải Đấng Tạo Hóa - chịu trách nhiệm vì đã phạm tội.

C. Pasha

Ý căn bản trong từ này là “chống nghịch, nổi loạn,” dù vậy thường được dịch là “tội lỗi, sự quá phạm.” Xem IVua 12:19; IIVua 3:5; Ch 28:21; và Es 1:2.

D. Awon

Từ này gồm cả hai ý về sự gian ác và sự phạm tội, mà trong suy nghĩ của người Hêbơrơ là đồng minh rất gần nhau (ISa 3:13). Để ý cách dùng chữ này cho Đầy Tớ Chịu Khổ (Es 53:6), và cho một tội cố ý phạm (Dan 15:30-31).

E. Shagag

Từ ngữ này có nghĩa là phạm lỗi hoặc đi lạc như con chiên hoặc một người say rượu có thể làm (Es 28:7). Nó nói đến lỗi lầm mà người phạm nó đã phải chịu trách nhiệm. Như vậy trong Luật Pháp, chữ này hàm ý người đi lạc đã có trách nhiệm biết điều Luật Pháp đã truyền dạy (Le 4:2; Dan 15:22).

F. Asham

Hầu hết mọi cách dùng từ này được tìm thấy có liên hệ với lễ nghi của đền tạm và đền thờ trong Lêvi Ký, Dân Số Ký và Êxêchiên. Ý chính của chữ này là sự phạm tội trước mặt Đức Chúa Trời. Nó chỉ rõ của lễ chuọc sự mắc lỗi và của lễ chuộc tội nên do đó bao gồm cả tội cố ý phạm lẫn tội lầm lỡ phạm (Le 4:13; 5:2-3).

G. Rasha

Hiếm khi được dùng trước Thời Kỳ Lưu Đày, nó xuất hiện thường xuyên trong ThiThiên, Êxêchiên và văn phẩm Khôn Ngoan. Chữ này có nghĩa “kẻ ác,” trái ngược với “người công bình” (Xu 2:13; Thi 9:16; Ch 15:9;Exe 18:23).

H. Taah

Từ ngữ này có nghĩa là đi lang thang, đi lạc.Tội này là có chủ tâm, chứ không phải lầm lỡ phạm, dẫu có lẽ người phạm không nhận ra phạm vi của tội mình. Xem Dan 15:22, Thi 58:3; 119:21; Es 53:6 và Exe 44:10,15.

Từ phần nghiên cứu từ ngữ trên đây, chúng ta có thể rút ra một số kết luận về sự dạy dỗ của Cựu Ước về tội lỗi.

(1) Tội lỗi có thể mang rất nhiều hình thức,và vì tính đa dạng của cách dùng từ ngữ, một người Ysơraên đã có thể nhận biết hình thức cụ thể của tội mình đã phạm.

(2) Tội lỗi là điều nào trái ngược lại với một định chuẩn, và rốt cuộc đó là không vâng lời Đức Chúa Trời.

(3) Tuy sự không vâng lời bao hàm cả ý tích cực và tiêu cực, điểm nhấn mạnh là vào sự tích cực cố phạm điều sai quấy chứ không đơn thuần tiêu cực lỡ không làm điều lành. Tội lỗi không chỉ là trật mục tiêu đúng mà còn là trúng mục tiêu sai nữa.

II. TRONG TÂN ƯỚC

Tân Ước sử dụng ít nhất là 12 từ căn bản để mô tả tội lỗi.

A. Kakos

Có nghĩa là xấu, trạng từ này đôi khi được dùng cho tình trạng xấu của cơ thể, tức là bệnh tật (Mac 1:32), nhưng tính từ này thường nêu lên tình trạng xấu của tính cách đạo đức (Mat 21:41; 24:48; Mac 7:21; Cong 9:13; Ro 12:17; 13:3-4,10; 16:19; ITi 6:10).

B. Poneros

Đây là từ căn bản cho điều ác và hầu như luôn luôn nói đến điều ác về đạo đức (Mat 7:11; 12:39; 15:19; Cong 17:5; Ro 12:9; ITêsalônica 5:22; He 3:12; IIGiăng 11). Chữ này cũng được dùng cho Satan (Mat 13:19,38; IGi 2:13-14; 5:18; và có thể cả Mat 6:13 và Gi 17:15), và chỉ về ma quỷ - còn được gọi là các quỷ dữ - Lu 11:26; Cong 19:12).

C. Asebes

Có nghĩa là không tin kính Đức Chúa Trời, từ này xuất hiện hầu hết trong IIPhierơ và Giuđe, nói đến những người bội đạo độc ác không tin kính. Người chưa được cứu bị gọi là người có tội (Ro 4:5; 5:6).Đôi khi nó xuất hiện cùng với những từ ngữ khác chỉ về tội lỗi (1:18; ITi 1:9; IPhi 4:18).

D. Enochos

Từ này có nghĩa là sự có phạm tội và thường nói đến người phạm vào tội đáng chết (Mat 5:21-22; Mac 14:64; ICo 11:27; Gia 2:10).

E. Hamartia

Đây là từ ngữ thường được dùng nhất để chỉ tội lỗi, xuất hiện trong những hình thức khác nhau của nó khoảng 227 lần. Khi trước giả muốn dùng một từ bao quát hết để chỉ tội lỗi, thì ông dùng từ này. Ẩn ý đằng sau từ này là trượt mục tiêu, nhưng cũng như trong Cựu Ước, từ này không những mang ý tiêu cực mà còn gồm cả ý tích cực là trúng vào một mục tiêu sai nào đó.Khi được dùng trong các sách Phúc Âm, chữ này hầu như luôn xuất hiện trong mạch văn nói về sự tha tội hoặc sự cứu rỗi (Mat 1:21; Gi 1:29). Các phần Kinh Thánh khác có dạy ý này gồm Cong 2:38; Ro 5:12; 6:1; ICo 15:3; IICo 5:21; Gia 1:15; IPhi 2:22; IGi 1:7; 2:2; Kh 1:5.

F. Adikia

Từ này nói đến bất cứ hành vi không công bình nào theo ý nghĩa rộng nhất. Nó được dùng chỉ về những người chưa được cứu (Ro 1:18), tiền bạc (Lu 16:9), cho các phần của thân thể người (Ro 6:13; Gia 3:6), và chỉ về các hành động (IITe 2:10).

G. Anomos

Thường được dịch là “sự gian ác,” từ ngữ này có nghĩa là sự trái luật pháp. Nó liên hệ đến sự vi phạm luật pháp theo một nghĩa rộng nhất (Mat 13:41; 24:12; ITi 1:9). Về lai thế học, chữ này nói đến Antichrist, là kẻ vô luật pháp (IITe 2:8).

H. Parabates

Nghĩa là kẻ phạm tội, từ này luôn luôn nói đến những sự vi phạm cụ thể đến luật pháp (Ro 2:23; 5:14; Ga 3:19; He 9:15).

I. Agnoein

Có lẽ từ này nói đến sự thờ phượng cách thiếu hiểu biết đối với các thần không phải là Đức Chúa Trời Chân Thần (Cong 17:23; Ro 2:4), nhưng sự thiếu hiểu biết như thế khiến người ấy có tội và cần sự chuộc tội (He 9:7).

J. Planao

Nghĩa của từ này là đi lạc theo ý nghĩa đáng khiển trách (IPhi 2:25). Con người có thể lừa dối người khác (dẫn họ đi lạc) (Mat 24:5-6); con người có thể tự lừa dối chính họ (IGi 1:8); và Satan dẫn dắt cả thế gian này đi lạc (Kh 12:9; 20:3,8).

K. Paraptơma

Nghĩa của chữ này là sự sa ngã, và trong hầu hết các lần xuất hiện nó hàm ý cố tình. Phaolô dùng từ này 6 lần trong Ro 5:15-20. Cũng xem Mat 6:14; 18:35; IICo 5:19; Ga 6:1; Eph 2:1; và Gia 5:16.

L. Hypocrisis

Từ ngữ này kết hợp 3 ý: giải nghĩa sai lầm kiểu như một nhà tiên tri có thể giải thích; giả vờ như cách làm của diễn viên kịch; và đi theo lối giải nghĩa mà mình đã biết là sai. Những ý tưởng này dường như trộn lẫn trong câu chuyện về sự giả dối của Phierơ trong Ga 2:11-21. Các giáo sư giả của thời kỳ sau rốt sẽ giải nghĩa cách sai lầm, giả vờ sống có những phẩm chất mà họ thật sự không có, và nhiều người sẽ đi theo sự dạy dỗ của họ (ITi 4:2). Những kẻ giả hình trước hết tự lừa dối mình vào chỗ biến điều sai thành đúng; rồi sau đó lừa dối những kẻ khác. Đây là bản chất kinh khủng của tội này.

Có thể rút ra rất nhiều kết luận từ phần nghiên cứu từ ngữ của Tân Ước.

(1) Luôn có một tiêu chuẩn rõ ràng để hễ phạm vào tức là phạm tội.

(2) Rốt cuộc mọi tội lỗi đều là sự chống nghịch tích cực với Đức Chúa Trời và là một sự vi phạm những tiêu chuẩn của Ngài.

(3) Điều ác có thể mang nhiều hình thức đa dạng.

(4) Người ta hiểu rõ ràng dứt khoát về trách nhiệm của con người.

III. BẰNG MỘT ĐỊNH NGHĨA

Có thể định nghĩa tội lỗi một cách đúng đắn bằng cách dùng mọi từ mô tả này để chỉ về các hình thức khác nhau của tội như đã được ghi lại trong Cựu và Tân Ước. Một định nghĩa như thế sẽ chính xác dầu dài dòng. Thật ra, có lẽ nên định nghĩa tội lỗi như thế này: tội lỗi là trật mục tiêu, là xấu, phản nghịch, gian ác, đi lạc, hung dữ, chệch đường, không kính sợ Chúa, tội ác, vô luật pháp, vi phạm, ngu dốt, và sa ngã.

Nói ngắn gọn hơn, tội lỗi thường được định nghĩa là sự vô luật pháp (từ IGi 3:4). Đây là định nghĩa chính xác miễn là hiểu luật pháp theo nghĩa rộng nhất của nó, tức là rời bỏ khỏi bất cứ tiêu chuẩn nào của Đức Chúa Trời. Strong nêu một định nghĩa mẫu khi định nghĩa tội lỗi là “thiếu vâng theo luật đạo đức của Đức Chúa Trời, hoặc trong hành động, trong khuynh hướng hoặc trong tình trạng.” (Systematic Theology, [Philadelphia: Judson, 1907],trang 269).

Cũng có thể định nghĩa tội lỗi là chống lại với đặc điểm của Đức Chúa Trời (theo Ro 3:23, câu này nói vinh hiển của Đức Chúa Trời là sự phản chiếu bản tánh của Ngài). Buswell định nghĩa tội lỗi theo cách này: “Rốt cuộc có thể định nghĩa tội lỗi là bất cứ điều gì trong tạo vật mà không bày tỏ, hoặc đi ngược lại với, bản tánh thánh khiết của Đấng Tạo Hóa.”(A Systematic Theology, (Grand Rapids: Zondervan, 1962,1:264).

Đương nhiên đặc tính chính của tội lỗi là nhằm chống nghịch Đức Chúa Trời. (Sự chống nghịch này cũng có thể bày tỏ đối với Luật Pháp của Đức Chúa Trời nữa.) Bất cứ định nghĩa nào không phản ánh được điều này thì không phải là định nghĩa theo đúng Kinh Thánh. Sáo ngữ nào phân loại tội lỗi như là chống lại bản thân, chống nghịch người khác, hoặc nghịch lại với Đức Chúa Trời, thì không nhấn mạnh được chân lý là mọi tội lỗi rốt cuộc đều là chống nghịch với Đức Chúa Trời (Thi 51:4; Ro 8:7).

Đừng để phần nghiên cứu từ ngữ và định nghĩa của chúng ta khiến mình không còn nhớ tội lỗi là khủng khiếp biết bao trước mặt một Đức Chúa Trời thánh khiết. Habacúc nói điều này thật súc tích: “Mắt Chúa thánh sạch chẳng nhìn sự dữ, chẳng có thể nhìn được sự trái ngược” (Ha 1:13).Và tội lỗi phá hại đến nỗi chỉ có sự chết của Con Đức Chúa Trời mới có thể cất bỏ tội lỗi được (Gi 1:29).