Có thể chia các quan điểm về tính xác thực của bản ký thuật Sự Sa Ngã của con người trong Sáng Thế Ký 3 ra thành ba loại.

(1) Có người nói đó là truyền thuyết, có nghĩa những sự kiện ấy không có thật. “Hiển nhiên toàn bộ văn phong của câu chuyện cho thấy những bản tóm tắt như thế không thể có được giá trị của những bản ký thuật lịch sử. Nó là một bức tranh tổng quát về tôn giáo và nền đạo đức trong ánh sáng của thời kỳ về sau đó. Nhưng nó tuyệt đối không hề nhằm mục đích cung cấp kiến thức về những ngày ban sơ đó, vì vậy chúng hoàn toàn vô giá trị.”(Hermann Schultz, Old Testament Theology (Edinburgh, T. & T. Clark, 1895,1:89).

(2) Nhiều người khác muốn bảo tồn “sự thật”của câu chuyện này mà không buộc phải chấp nhận tính đáng tin cậy lịch sử của nó. Vậy nên A. M. Hunter gọi nó là một “huyền thoại đúng.” “Nếu không phải là những người theo trào lưu chính thống không chút xiêu lòng, thì chúng ta biết Sáng Thế Ký 3 xứng đáng được xem là 'một huyền thoại đúng’– tức là, dù Êđen không có trên bản đồ nào và sự sa ngã của Ađam không ăn khớp với niên đại lịch sử nào, thì đoạn Kinh Thánh đó vẫn làm chứng cho một chiều kích của kinh nghiệm con người trong thời hiện tại cũng như trong buổi đầu của lịch sử – nói đơn giản hơn, chúng ta là những tạo vật sa ngã, và câu chuyện Ađam-Êva là câu chuyện của bạn và tôi. (Interpreting Paul’s Gospel (London: SCM, 1954, trang 77).

(3) Nhiều người xem câu chuyện này là sự thật xảy ra trong lịch sử theo đúng sự kiện. “Câu chuyện Sáng Thế, sự khởi đầu, tiến triển và hoàn thành của sự Sáng Thế, mang những dấu hiệu - cả về hình thức lẫn thực chất - của một văn kiện lịch sử, nhằm ý định cho chúng ta phải chấp nhận đó là sự thật đúng với sự kiện, không những chấp nhận đó là lời khẳng định Đức Chúa Trời đã tạo dựng trời đất và hết thảy mọi vật sống và động trong thế gian,mà còn mô tả chính Sự Sáng Thế trong mọi giai đoạn của nó.” (C.F. Keil và F.Delitzsch, The Pentateuch (Edinburgh: T & T. Clark, không rõ năm xuất bản,1:137)

Nhiều phần Kinh Thánh khác xác chứng sử tính của Sự Sa Ngã. Xem ICo 15:21-22 và ITi 2:14. Nhưng đặc biệt quan sát cách Phaolô nhấn mạnh sử tính của tội lỗi Ađam ở Ro 5:12-21. Ông liên tục đối chiếu việc đó với công việc Đấng Christ đã thực hiện trên thập tự giá. Đối với những người hiểu Sáng Thế Ký 3 là truyền thuyết, thơ ca, huyền thoại đúng, hoặc bất cứ điều gì đi nữa, đa số họ không phủ nhận thực tế sự chết của Đấng Christ (dù có thể không đồng ý về ý nghĩa quan trọng của nó). Nhưng sự so sánh và đối chiếu của Phaolô trong phân đoạn Kinh Thánh này đòi hỏi cả hành động của Ađam lẫn của Đấng Christ một là đều chân thật, hai là cả hai đều là truyền thuyết hoặc huyền thoại.Chấp nhận sự chết của Đấng Christ là một sự kiện thực tế còn tội lỗi của Ađam không phải sự kiện thực tế, chí ít thì đấy cũng là cượng giải phân đoạn này đến cực độ. Đây là việc phái của Barth cố gắng làm. Họ không những chấp nhận sử tính sự chết của Đấng Christ, mà đối với họ đó còn là đỉnh cao nhất của sự mặc khải. Thế nhưng họ không công nhận bản ký thuật Sáng Thế Ký 3 là sự kiện thật,dù họ công nhận sự thật về và sự thực hữu của tội lỗi. Nhưng theo phân đoạn Kinh Thánh đó, nếu Đấng Christ và việc Ngài đã làm thuộc về địa hạt của sự kiện thực tế, thì Ađam và những hành động của ông cũng vậy.

I. NGƯỜI BỊ CÁM DỖ

Trước khi phạm tội, bản tánh và mối liên hệ của Ađam với Đức Chúa Trời là gì?

A. Những Năng Lực Tự Nhiên Của Ađam

Chúng ta biết Ađam đã có những năng lực hiểu biết và lý luận giúp ông đặt tên cho loài vật và lý luận về mối liên hệ của Êva đối với chính ông (Sa 2:19-23). Đức Chúa Trời cũng phú cho ông khả năng dùng ngôn ngữ để có được sự truyền thông giữa Đức Chúa Trời với chính ông (các câu 16,20,22).

B. Bản Tánh Đạo Đức Của Ađam

Bất luận chúng ta mô tả bản tánh đạo đức của Ađam thế nào đi nữa trước khi Sa Ngã, rõ ràng ông đã không có tội. Có người nói điều này muốn nói đến một loại thánh khiết thụ động, trong đó Ađam đã không phạm điều sai quấy. Ông thánh khiết đến mức có thể giúp ông vui hưởng sự thông công trọn vẹn với Đức Chúa Trời. Có lẽ là quá mạnh đến nỗi không nói được đến sự thánh khiết tích cực, bởi vì Ađam đã có thể chọn lựa tội lỗi. Tôi thích mô tả thế nầy hơn: Ađam đã sở hữu đức thánh khiết (bởi vì ông còn hơn cả “vô tội”) thọ tạo (vì sự thánh khiết của ông không phải như sự thánh khiết của Đấng Tạo Hóa)chưa được khẳng định (bởi vì trước đó ông chưa vượt qua cũng chưa thất bại trước thử nghiệm).

Ađam đã có ý chí tự do và một tâm trí có khả năng cân nhắc những chọn lựa.

“Vì thế có thể Ađam đã đứng vững nếu ông muốn,vì ông đã sa ngã chỉ bởi ý chí riêng của ông; nhưng vì ý chí của ông có thể uyển chuyển linh động về cả hai hướng, và ông đã không được phú cho tính không thay đổi để bền chí, vì thế ông dễ dàng sa ngã đến như vậy. Thế nhưng sự chọn lựa điều thiện hoặc ác của ông là hoàn toàn tự do; và không những thế, tâm trí và ý chí của ông còn có tính ngay thẳng hoàn hảo, và trọn mọi bộ phận cơ quan trong thể xác ông đều sẵn sàng để vâng lời, cho đến khi tự hủy mình thì ông đã làm hư hoại hết mọi điều tuyệt hảo của mình.” (John Calvin, Institutes, I, XV, 215).

C. Trách Nhiệm Của Ađam

1. Thi hành quyền quản trị trên đất (Sa 1:26,28).Những người theo thuyết thần trị hiểu điều được gọi là “mạng lệnh canh tác” nầy như sự ủy nhiệm cho con người đem mọi cấu trúc thế gian này đặt dưới quyền tể trị của Đấng Christ, triệt hạ mọi loại sự chống nghịch Đức Chúa Trời. Các tác giả Cải Chánh hiểu mạng lệnh này cách tương tự, ngoại trừ họ không nhấn mạnh sự thiết lập mọi khía cạnh của luật Cựu Ước trên xã hội ngày nay. Tuy nhiên, hãy để ý rằng cụm từ “làm cho đất phục tùng” không phải là một phần mạng lệnh truyền cho Nôê và hậu tự của ông (là chúng ta) sau trận Nước Lụt (9:1). Để ý thêm, từ ngữ “phục” trong 1:28 đến từ một gốc từ có nghĩa “nhào trộn” hay “bước giẫm lên” và nói đến việc canh tác trái đất hầu cho dòng giống đó có thể tăng lên.Ađam sẽ cai quản trái đất và những tạo vật của đất hầu cho nó có thể nuôi sống những con người sẽ làm đầy dẫy đất. Đây là bối cảnh trong Ađam đã được truyền trồng và giữ vườn Êđen (2:15). Có lẽ Êđen ắt đã mọc hỗn loạn um tùm nếu Ađam không chăm sóc.

2. Để hưởng những thành quả chăm sóc khu vườn (Sa 2:16-17).

II. SỰ THỬ NGHIỆM

Cuối cùng, sự thử nghiệm đó là Ađam và Êva có vâng lời Đức Chúa Trời hay không. Cách đặc biệt để họ có thể chứng minh chính là không ăn trái của một trong các cây thuộc vườn Êđen, tức cây biết điều thiện và điều ác. Trên một phương diện, đó là một điều cấm đoán bé nhỏ so với biết bao nhiêu cây cối trong vườn Êđen mà họ có thể ăn trái. Trên phương diện khác, đó là vấn đề trọng yếu, bởi vì đây là cách cụ thể để họ có thể chứng minh mình vâng lời hay không vâng lời Đức Chúa Trời. Tương tự như vậy, có bao nhiêu cách chúng ta có thể chứng minh mình vâng lời hoặc không vâng lời Đức Chúa Trời trong mỗi một ngày?

Khi đặt một thử nghiệm, Đức Chúa Trời đã chứng tỏ Ngài muốn con người tình nguyện chọn vâng lời Ngài và hầu việc Ngài. Ngài không muốn có những người máy.

III. KẺ CÁM DỖ

Satan đã khôn ngoan sử dụng một tạo vật mà Êva đã quen thuộc thay vì tự xuất đầu lộ diện, là điều có thể cảnh báo Êva về sự khác thường và khiến bà phải dè chừng. Satan đã dùng một con rắn thực sự, vì con rắn cũng như Satan đã bị rủa sả sau Sự Sa Ngã. Vì lý do nào đó, Êva đã không hoảng sợ khi con rắn nói chuyện với bà. “Kẻ cám dỗ chú ý đến người nữ này, có lẽ (vì … người nữ này đã không đích thân nhận lệnh cấm từ Đức Chúa Trời,như Ađam đã nhận; hãy xem thêm các câu 16-17.” (Geerhardus Vos, Biblical Theology (Grand Rapids: Eerdmans, 1948, trang 45).

IV. SỰ CÁM DỖ

A. Sự Giả Mạo Của Satan

Dĩ nhiên, vật giả mạo cố gắng càng gần với vật thật chừng nào tốt chừng nấy, đồng thời loại điều có giá trị ra ngoài. Là kẻ lừa dối bậc thầy, Satan đã từng mong ước được giống như Đức Chúa Trời, chứ không muốn khác Chúa (Es 14:14). Bây giờ hắn đến gần Êva, gợi ý rằng chương trình của hắn giống như chương trình của Đức Chúa Trời nhưng không hạn chế về lòng vâng phục trọn vẹn. Khi tiếp cận câu hỏi có phải Đức Chúa Trời không cho đụng đến bất kỳ cây nào trong Vườn, Êva mau chóng xác nhận bà và Ađam có thể ăn mọi trái cây trong Vườn, ngoại trừ một cây. Và ngoại lệ đó dường như xuất hiện trong trí bà như sự chợt nghĩ lại. Satan nói bóng gió đến khả năng Đức Chúa Trời đã áp đặt những giới hạn quá rộng trên họ, và Êva bắt đầu tán thành tư tưởng đó.

Sau đó Satan tiếp tục nêu kế hoạch riêng của hắn, là kế hoạch không có giới hạn ấy. “Người nữ này hành động dựa trên giả định rằng ý định của Đức Chúa Trời thật thiếu thân thiện, còn Satan được thúc giục bởi ước muốn giúp phát triển phúc lợi của nàng.” (Vos, Biblical Theology, trang 47). Satan đang cố gắng giả mạo sự tốt lành của Đức Chúa Trời.

Có thể xem cám dỗ của Satan trong hình thức tam đoạn luận. Đại tiền đề: những sự cấm đoán là không tốt. Tiểu tiền đề:chương trình của Đức Chúa Trời có một cấm đoán, rồi đến kết luận: chương trình của Đức Chúa Trời là không tốt. Mặt khác, chương trình của Satan đã không có cấm đoán nào; vì thế chương trình đó là tốt. Tính xác thực của kết luận dựa trên chân lý của đại tiền đề, mà trong trường hợp này, đại tiền đề đó không đúng. Những cấm đoán không nhất thiết đều là sai hoặc khó ưa. Thật ra lệnh cấm cho Ađam và Êva trong Vườn là tốt ở chỗ nó cung cấp phương cách chính để họ có thể chứng tỏ mình vâng phục ý chỉ của Đức Chúa Trời. Kế hoạch giả mạo của Satan đã loại trừ lệnh cấm đó và cống hiến hy vọng sai lầm rằng nếu Êva ăn trái cấm này thì có thể trở nên giống Đức Chúa Trời.

B. Những Lý Luận Hợp Lý Hóa Của Êva

Lập luận tìm cớ hợp lý hóa của Êva về việc bà sắp làm có lẽ đã đi theo những tuyến này. Khi xem xét đề xuất của Satan, Êva lý luận rằng trái cây đó ngó bộ ăn ngon, và cung cấp vật ngon cho Ađam cũng là một trong những trách nhiệm làm vợ của bà. Hơn nữa, tại sao Đức Chúa Trời muốn giữ lại thứ trái cây đẹp mắt đó, vì Ngài đã làm biết bao điều tốt đẹp cho họ hưởng?Và, dĩ nhiên Đức Chúa Trời chắc chắn muốn họ khôn ngoan. Do đó, ăn trái cây này là chuyện đáng chuộng, thậm chí cần thiết nữa. Mạng lệnh rõ ràng của Chúa truyền không được ăn đã biến mất khỏi trí bà. Mọi phước hạnh Ngài đã ban đã nhanh chóng bị quên lãng. Tâm trí Êva dường như chỉ tràn ngập những lý luận hợp lý hóa của bà – trái cây đó sẽ cấp chất bổ cho sức khỏe; nó sẽ bồi đắp những sở thích thẩm mỹ của họ; và cũng thêm cho họ khôn ngoan nữa. Sau khi bào chữa điều mình sắp làm, bà đã hái trái từ trên cây rồi ăn.

V. CÁC HÌNH PHẠT

A. Trên Dòng Dõi (Sa 3:7-13)

1. Mặc cảm phạm tội, lộ rõ qua bằng chứng lấy lá che thân (c.7).

2. Mất mối thông công được biểu lộ qua việc ẩn mình khỏi Đức Chúa Trời (c.8). Điều này cũng đem lại cả sự chết thuộc linh lẫn thuộc thể cho nhân loại. Sự chết luôn luôn là sự phân cách; lập tức Ađam và Êva kinh nghiệm sự phân cách thuộc linh, và lập tức kinh nghiệm tiến trình suy tàn trong thân thể họ, là điều cuối cùng đem lại sự chết thuộc thể (Ro 5:12).

B. Trên Con Rắn (Sa 3:14)

Con rắn đã bị đoán phạt phải bò bằng bụng,có lẽ đây là dấu hiệu hạ thấp phẩm giá và/hoặc có lẽ cho thấy nó đã từng là tạo vật đứng thẳng trước khi chịu hình phạt nầy. Ngay cả trong Thời Đại Thiên Hy Niên, tư thế bò nầy cũng vẫn tiếp diễn (Es 65:25). Thực ra toàn thế giới động vật đều bị ảnh hưởng bởi Sự Sa Ngã để cho con người trong tình trạng sa ngã vẫn có thể thi hành mức độ thống trị nào đó của mình trên nó (Ro 8:20).

C. Trên Satan (Sa 3:15)

1. Dòng dõi của Satan và dòng dõi của người nữ. Sẽ có sự thù địch giữa dòng dõi Satan (mọi người hư mất, Gi 8:44; Eph 2:2)và dòng dõi người nữ (toàn thể gia đình của Đức Chúa Trời).

2. Sự chết cho Satan, thương tích cho Đấng Christ. Một người từ dòng dõi người nữ (Chúa Jesus Christ) sẽ giáng đòn trí mạng vào đầu Satan tại thập tự giá (He 2:14; IGi 3:8) còn Satan sẽ khiến Đấng Christ chịu khổ (“cắn gót chân người”). Những người DoThái trước thời Đấng Christ đã bày tỏ một “sự chấp nhận kín giấu ý niệm về Đấng Mêsia trong Sa 3:15.” (David Baron,Rays of Messiah’s Glory, (Winona Lake, Ind.: BMH Books, 1979, trang 44-5).

D. Trên Êva và Phụ Nữ (Sa 3:16)

1. Sự thai nghén.

Đức Chúa Trời sẽ làm cho tăng thêm nỗi đau đớn của phụ nữ khi mang thai (chứ không phải “sự đau đớn của ngươi và sự mang thai của ngươi,” KJV – hai điều). Sự sinh con bây giờ phải có nỗi đau đớn cặp theo.

2. Dục vọng của người nữ phải hướng về chồng mình.

Có người hiểu điều này cho thấy yếu tố bù đắp cho nỗi đau đớn khổ nhọc khi sanh con; tức là dù đau đớn, nàng vẫn kinh nghiệm sức hấp dẫn tình dục sâu đậm của chồng, và như thế, khao khát có con. Người khác hiểu điều này có nghĩa nàng sẽ khao khát cai trị chồng mình, trái ngược với trật tự Đức Chúa Trời đã thiết lập. Cùng một chữ “dục vọng” được dùng theo nghĩa này trong Sa 4:7. (Xem Susan T. Foh, Women and the Word of God (Nutley, N. J.: Presbyterian &Reformed, 1980, trang 67-9).

3. Thứ bậc cai trị.

Người nữ sẽ bị người nam cai trị, đây là một cách sắp xếp thứ bậc cần thiết cho một thế giới tội lỗi.Tân Ước không bãi bỏ cách xếp đặt này (ICo 11:3; 14:34; Eph 5:24-25; Tit 2:3-5;IPhi 3:1,5-6).

E. Trên Ađam và Nam Giới (Sa 3:17-24)

1. Sự rủa sả đất. Đất bị rủa sả vì tội lỗi của Ađam đến nỗi sẽ mọc lên gai góc và tật lê, tăng thêm công việc của ông để làm đất sinh hoa màu. Trước đó, công việc của Ađam thật dễ chịu và thỏa lòng; bây giờ sẽ thật khó khăn và trống rỗng.

2. Sự chết. Ađam và loài người khi chết phải trở về bụi đất.

3. Trục xuất. Ađam bị đuổi khỏi vườn Êđen, một hành động mang cả tính địa lý lẫn thuộc linh để làm hình bóng đoạn tuyệt mối thông công.

VI. CÁC HỆ QUẢ

Ngoài những hình phạt đặc biệt này, cần nêu hai hệ quả quan trọng nữa từ tội của Ađam và Êva.

Trước hết, mọi tội lỗi đều ảnh hưởng đến người khác. Tội của Êva đã ảnh hưởng đến Ađam, và tội của Ađam lại ảnh hưởng trên toàn dòng dõi. Không một người nào phạm tội cách hoàn toàn riêng tư mà không để lại những hậu quả cho người khác. Mọi điều chúng ta làm hoặc không làm đều ảnh hưởng cách này hoặc cách khác đến ít người hoặc nhiều người.

Thứ nhì, khi đã phạm tội rồi thì không bao giờ có thể hồi lại được. Có thể kinh nghiệm sự tha thứ và phục hồi mối thông công, nhưng không thể thay đổi hoặc xóa bỏ lịch sử. Ađam và Êva khi đã bị trục xuất rồi thì không thể trở về Vườn Êđen. Êsau không thể khôi phục lại quyền trưởng nam mình đã bán (He 12:16-17). Môise không thể đích thân đặt chân vào Đất Hứa mà chỉ có thể trông thấy từ đằng xa vì cớ tội của ông (Dan 20:12, Phu 3:27).Vương quốc bị tước khỏi tay Saulơ và hậu duệ của ông vì ông đã không đợi Samuên đến dâng của tế lễ (ISa 13:13-14). Đây là những gương cảnh tỉnh về những hậu quả của tội lỗi.

Tuy nhiên vẫn còn một phương diện khác nữa cho cả hai hệ quả này. Tội lỗi ảnh hưởng trên những người khác, nhưng ân điển và sự tốt lành cũng ảnh hưởng trên những người khác. Không thể xóa bỏ lịch sử được, nhưng tương lai có thể khác đi (tốt hơn) vì chúng ta rút được những bài học của lịch sử. Phaolô nghĩ lối cư xử của Giăng Mác trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất khiến Mác không đủ tư cách cùng đi với Phaolô trong hành trình thứ nhì (Cong 15:38). Nhưng Mác chắc đã rút được bài học nào đó từ vụ này, vì sau đó Phaolô muốn Mác đến (IITi 4:11). Sự Sa Ngã đã ảnh hưởng trên mọi người, đem lại sự bại hoại và sự chết, và nó sẽ luôn luôn là giờ phút tối tăm nhất của toàn lịch sử loài người; thế nhưng nơi nào tội lỗi gia tăng, thì ân điển lại càng dư dật,và ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời (Ro 5:20; IGi 2:17).